|
Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Vô Tận
Tạng Thứ hai mươi hai Hán Dịch: Ðại-Sư
Thật-Xoa-Nan-Ðà
Hán bộ quyển thứ hai mươi mốt
Lúc bấy giờ Công-Đức-Lâm Bồ-Tát lại nói với
chư Bồ-Tát rằng:
Chư
Phật tử! Đại Bồ-Tát có mười tạng sau đây mà tam-thế chư Phật đã nói sẽ nói
và hiện nay nói:
Tín-tạng,
giới-tạng, tàm-tạng, quý-tạng, văn-tạng, thí-tạng, huệ-tạng, niệm-tạng,
trì-tạng, biện-tạng.
Thế
nào là đại Bồ-tát tín-tạng?
Bồ-Tát
nầy tin tất cả pháp là không, là vô-tướng, là vô-nguyện, là vô-tác, là
vô-phân-biệt, là vô-sở-y, là bất-khả-lượng, là vô-thượng, là nan siêu-việt,
là vô-sanh.
Nếu
Bồ-Tát có thể tùy thuận tất cả pháp mà sanh lòng tin như vậy rồi, thời nghe
phật-pháp bất-khả-tư-nghì lòng không khiếp sợ, nghe tất cả Phật bất-tư-nghì,
chúng-sanh-giới bất-tư-nghì, pháp giới bất-tư-nghì, hư-không-giới
bất-tư-nghì, niết-bàn-giới bất-tư-nghì, đời quá-khứ bất-tư-nghì, đời vị-lai
bất-tư-nghì, đời hiện tại bất-tư-nghì, và nghe nhập tất cả kiếp bất-tư-nghì
đều không lòng khiếp sợ.
Tại
sao vậy? Vì đối với chư Phật, Bồ-tát nầy một bề tin chắc. Biết trí-huệ của
Phật vô-biên vô-tận.
Trong thập phương vô-lượng thế-giới, mỗi mỗi
thế-giới đều có vô-lượng Phật đã, nay, và sẽ được vô-thượng bồ-đề; đã, nay,
và sẽ xuất-thế; đã, nay, và sẽ nhập niết-bàn.
Trí-huệ
của chư Phật: bất tăng bất giảm, bất sanh, bất diệt, bất tấn, bất thối, bất
cận, bất viễn, vô tri, vô xả.
Bồ-Tát
nầy nhập trí-huệ của Phật được thành-tựu vô-biên vô-tận đức tin.
Được
đức tin nầy rồi thời tâm chẳng thối-chuyển, tâm chẳng tạp loạn, chẳng bị phá
hoại, không bị nhiễm-trước, thường có căn-bổn, tùy thuận thánh-nhơn, trụ nhà
Như-Lai, hộ-trì chủng-tánh của tất cả Phật, tăng trưởng tín giải của tất cả
Bồ-Tát, tùy thuận thiện-căn của tất cả Phật, xuất sanh phương-tiện của tất
cả Phật.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát tín-tạng. Bồ-Tát trụ nơi tín-tạng nầy thời có thể nghe và
trì tất cả Phật-pháp, giảng nói cho chúng-sanh khiến họ đều được khai ngộ.
Chư
Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát giới-tạng?
Bồ-Tát
nầy thành-tựu giới khắp lợi ích, giới chẳng thọ, giới chẳng trụ, giới không
hối-hận, giới không trái cãi, giới chẳng tổn não, giới không tạp-uế, giới
không tham cầu, giới không lỗi lầm, giới không hủy phạm.
Thế
nào là giới khắp lợi ích? Bồ-Tát nầy thọ-trì tịnh-giới vốn vì lợi ích tất cả
chúng-sanh.
Thế
nào là giới chẳng thọ? Bồ-Tát nầy chẳng thọ hành những giới của ngoại-đạo,
chỉ bổn-tánh tự tinh-tấn phụng-trì tịnh-giới bình-đẳng của tam-thế Phật.
Thế
nào là giới chẳng trụ? Bồ-Tát nầy lúc phụng-trì giới, lòng không trụ
dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới, vì trì giới không cầu sanh về các cõi đó.
Thế
nào là giới không hối hận? Bồ-Tát nầy thường được an-trụ tâm không hối-hận,
vì chẳng làm tội nặng, chẳng làm dối trá, chẳng phá tịnh-giới.
Thế
nào là giới không trái cãi? Bồ-Tát nầy chẳng bác bỏ giới của Phật đã chế ra
cũng chẳng tạo lập lại, lòng luôn tùy thuận giới hướng đến niết-bàn, thọ trì
toàn vẹn không hủy phạm, chẳng vì trì giới mà làm nhiễu não chúng-sanh khác
khiến họ sanh khổ, chỉ nguyện cầu tất cả chúng-sanh đều thường hoan-hỷ mà
trì giới.
Thế
nào là giới chẳng não hại? Bồ-Tát nầy chẳng nhơn nơi giới mà học những chú
thuật, tạo làm phương thuốc não hại chúng-sanh, chỉ vì cứu hộ chúng-sanh mà
trì giới.
Thế
nào là giới chẳng tạp? Bồ-Tát nầy chẳng chấp biên-kiến, chẳng trì giới tạp,
chỉ quán duyên-khởi trì giới xuất-ly.
Thế
nào là giới không tham cầu? Bồ-Tát này chẳng hiện dị-tướng tỏ bày mình có
đức, chỉ vì đầy đủ pháp xuất-ly mà trì giới.
Thế
nào là giới không lầm lỗi? Bồ-Tát nầy chẳng tự cống cao nói tôi trì giới.
Thấy người phá giới cũng chẳng khinh hủy khiến họ hổ-thẹn, chỉ nhứt tâm trì
giới.
Thế
nào là không hủy phạm giới? Bồ-Tát nầy dứt hẳn mười ác-nghiệp, thọ trì trọn
vẹn mười thiện-nghiệp.
Lúc Bồ-Tát trì giới không hủy phạm tự nghĩ
rằng: Tất cả kẻ phạm giới đều do điên đảo cả. Chỉ có Phật là biết được
chúng-sanh do nhơn-duyên gì mà sanh điên-đảo hủy phạm tịnh-giới. Tôi sẽ
thành-tựu vô-thượng bồ-đề, rộng vì chúng-sanh nói pháp chơn-thật khiến họ
rời điên-đảo.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát giới-tạng thứ hai.
Chư
Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát tàm-tạng?
Bồ-tát
nầy ghi nhớ các điều ác đã làm thời quá khứ mà sanh lòng tự hổ, nghĩ rằng:
Từ thuở vô-thỉ đến nay, tôi cùng chúng-sanh lẫn nhau làm cha mẹ con cái anh
em chị em, đủ cả tham sân si kiêu-mạn dua-dối tất cả phiền-não, tổn hại lẫn
nhau, lăng đoạt lẫn nhau, gian dâm giết hại lẫn nhau, không việc ác nào mà
chẳng phạm.
Tất cả chúng-sanh cũng đều như vậy, do
phiền-não mà tạo đủ tội ác. Do đây nên chẳng kính nhau, chẳng trọng nhau,
chẳng thuận nhau, chẳng nhường nhau, chẳng dạy bảo nhau, chẳng hộ vệ nhau,
trái lại, giết hại nhau, thành cừu thù của nhau.
Tự
nghĩ mình và các chúng-sanh đã, sẽ, và hiện thật-hành những tội lỗi, tam-thế
chư Phật đều thấy biết cả.
Nếu nay không dứt hẳn hành vi tội lỗi thời
tam-thế chư Phật cũng sẽ thấy rõ tôi. Nếu tôi vẫn còn phạm mãi không thôi
thời là điều rất không nên. Vì thế tôi phải chuyên tâm dứt bỏ để được chứng
vô-thượng bồ-đề, rộng vì chúng-sanh mà nói pháp chơn-thiệt.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát tàm-tạng thứ ba.
Chư
Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát quý-tạng?
Bồ-Tát
nầy tự thẹn: Từ xưa đến nay ở trong ngũ-dục tham cầu mãi không nhàm, nhơn đó
mà tăng-trưởng các phiền-não. Nay tôi chẳng nên phạm lỗi ấy nữa.
Bồ-Tát
nầy lại nghĩ rằng: Các chúng-sanh vì vô-trí mà khởi phiền-não tạo đủ tội ác,
chẳng kính trọng nhau, nhẫn đến làm oán thù của nhau, gây tạo đủ mọi tội ác,
tạo xong lại vui mừng tự tán thưởng, thật là mù lòa không huệ-nhãn, không
thấy biết. Nơi bụng mẹ, vào thai, sanh ra thành thân nhơ-uế, trọn đến tóc
bạc mặt nhăn.
Người có trí quán-sát biết chỉ là từ dâm-dục
mà sanh ra thứ bất-tịnh. Tam-thế chư Phật đều thấy biết rõ điều nầy. Nếu nay
tôi vẫn còn phạm mãi lỗi nầy thời thật là khi dối tam-thế chư Phật. Thế nên
tôi phải tu hành pháp hổ thẹn để mau thành vô-thượng bồ-đề, rồi khắp vì
chúng-sanh mà thuyết pháp chơn-thật.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát quý-tạng thứ tư.
Chư
Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát Văn-tạng?
Bồ-tát
nầy biết rằng vì sự nầy có nên sự nầy có, vì sự nầy không nên sự nầy không,
vì sự nầy sanh nên sự nầy sanh, vì sự nầy diệt nên sự nầy diệt, đây là pháp
thế-gian, đây là pháp xuất-thế, đây là pháp hữu-vi, đây là pháp vô-vi, đây
là pháp hữu-ký, đây là pháp vô-ký.
Những
gì là vì sự nầy có nên sự nầy có? Chính là vì có vô-minh nên có hành.
Những
gì là vì sự nầy không nên sự nầy không? Chính là vì thức không nên danh-sắc
không.
Những
gì là vì sự nầy sanh nên sự nầy sanh? Chính là vì ái sanh nên khổ sanh.
Những
gì là vì sự nầy diệt nên sự nầy diệt? Chính là vì hữu diệt nên sanh diệt.
Những
gì là pháp thế-gian? Chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Những
gì là pháp xuất-thế? Chính là giới, định, huệ, giải-thoát, giải-thoát
tri-kiến.
Những
gì là pháp hữu-vi? Chính là dục-giới, sắc-giới, vô sắc-giới,
chúng-sanh-giới.
Những
gì là pháp vô-vi? Chính là hư-không, niết-bàn, trạch diệt, phi-trạch-diệt,
duyên khởi, pháp-tánh-trụ.
Những
gì là pháp hữu-ký? Chính là bốn thánh-đế, bốn quả sa-môn, bốn biện-tài, bốn
vô-úy, bốn niệm-xứ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm căn, năm lực, bảy giác
chi, tám thánh-đạo.
Những
gì là pháp vô-ký? Chính là thế-gian hữu-biên, vô biên, cũng hữu-biên cũng
vô-biên, chẳng phải hữu-biên chẳng phải vô-biên; thế-gian hữu-thường,
vô-thường, cũng hữu-thường cũng vô-thường, chẳng phải hữu-thường chẳng phải
vô-thường;
Như-Lai sau khi diệt-độ là có, là không, cũng
có cũng không, chẳng có chẳng không; ngã và chúng-sanh có, không, cũng có
cũng không, chẳng có chẳng không; thời quá-khứ có bao nhiêu Như-Lai nhập
niết-bàn, bao nhiêu Thanh-Văn, Độc-Giác nhập niết-bàn; thời vị-lai sẽ có bao
nhiêu Phật, Thanh-Văn, Độc-Giác, chúng-sanh; những Như-Lai nào ra đời trước
nhứt, những Thanh-Văn, Độc-Giác nào ra đời trước nhứt, những chúng-sanh nào
ra đời trước nhứt; những Như-Lai nào ra đời sau cả, những Thanh-Văn Độc-Giác
nào ra đời sau cả, những chúng-sanh nào ra đời sau cả; pháp gì trước cả,
pháp gì sau cả; thế-gian từ đâu đến, đi qua đâu; có bao nhiêu thế-giới
thành, bao nhiêu thế-giới hoại, thế-giới từ đâu lại, đi đến chỗ nào; gì là
ngằn tối-sơ của sanh tử, gì là mé tối-hậu của sanh-tử. Đây gọi là pháp
vô-ký.
Đại
Bồ-Tát nghĩ rằng: Tất cả chúng-sanh ở trong sanh-tử không có đa-văn, chẳng
rõ được tất cả pháp; tôi phải phát tâm trì tạng đa-văn, chứng vô-thượng
bồ-đề, rồi vì chúng sanh mà thuyết-pháp chơn-thật.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát đa-văn-tạng thứ năm.
Chư
Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát thí-tạng?
Bồ-Tát
nầy thật hành mười điều bố-thí: phân-giảm-thí, kiệt-tận-thí, nội-thí,
ngoại-thí, nội-ngoại-thí, nhứt-thiết-thí, quá-khứ-thí, vị-lai-thí,
hiện-tại-thí, cứu-cánh-thí.
Thế
nào là Bồ-Tát phân-giảm-thí? Bồ-Tát nầy bẩm tánh nhơn từ ưa ban cho. Nếu
được thức ngon thời chẳng chuyên tự dung, cần phải chia cho chúng-sanh rồi
sau mới ăn. Phàm thọ được vật gì cũng thế cả. Nếu lúc tự mình ăn, Bồ-Tát nầy
tự nghĩ rằng trong thân thể của tôi có tám vạn thi-trùng, thân tôi sung túc,
chúng nó cũng sung túc, thân tôi đói khổ, chúng nó cũng đói khổ. Nay tôi ăn
uống những thức nầy, nguyện khắp chúng-sanh đều được no đủ. Vì chúng trùng
mà tôi ăn uống, chẳng tham mùi vị.
Bồ-Tát nầy lại nghĩ rằng: từ lâu tôi vì mến
chấp thân nầy muốn cho nó được no đủ nên ăn uống. Nay tôi đem thức ăn nầy
ban cho chúng-sanh. Nguyện tôi đối với thân thể dứt hẳn sự tham chấp. Đây là
phân-giảm-thí.
Thế
nào là Bồ-Tát kiệt-tận-thí? Bồ-Tát nầy được những thức uống ăn thượng-vị,
hương, hoa, y-phục, những vật tư-sanh, nếu tự dùng thời an-vui sống lâu, còn
nếu đem cho người thời cùng khổ chết yểu.
Lúc đó có người đến xin tất cả. Bồ-Tát tự
nghĩ: Từ vô-thỉ đến giờ tôi vì đói khát nên chết mất vô-số thân chưa từng
được có mảy may lợi-ích cho chúng-sanh để được phước lành. Nay tôi cũng sẽ
phải xả bỏ thân mạng nầy đồng như thuở xưa kia, thế nên tôi phải làm điều
lợi ích cho chúng-sanh, tùy mình có gì đều thí-xả tất cả, nhẫn đến tận mạng
cũng không lẫn tiếc. Đây gọi là kiệt-tận-thí.
Thế
nào là Bồ-Tát nội-thí? Bồ-Tát nầy đương lúc trẻ mạnh xinh đẹp, mới thọ lễ
quán-đảnh lên ngôi chuyển-luân vương, đủ bảy báu, trị bốn châu thiên-hạ. Bấy
giờ có người đến tâu với nhà vua rằng vì họ già yếu nhiều bịnh, nếu được tay
chơn máu thịt đầu mắt xương tủy nơi thân thể của nhà vua, thời họ tất được
mạnh giỏi sống còn.
Bồ-Tát nầy nghĩ rằng: thân thể của tôi đây,
sau nầy tất sẽ chết vô ích, tôi phải mau thí xả để cứu khổ chúng sanh.
Bồ-Tát nầy suy nghĩ rồi liền đem thân xả thí
không có lòng hối tiếc. Đây gọi là nội thí.
Thế nào là Bồ-Tát ngoại-thí? Bồ-Tát nầy tuổi
trẻ sắc đẹp lên ngôi vua chuyển-luân, đủ bảy báu, trị bốn châu thiên-hạ.
Bấy giờ hoặc có người đến tâu: hiện tôi nghèo
khổ, xin nhà vua nhường ngôi cho tôi, để tôi được hưởng thọ sự giàu vui của
nhà vua.
Bồ-Tát tự nghĩ rằng: tất cả sự giàu sang tất
sẽ suy đổ. Lúc suy đổ không lợi-ích gì cho chúng-sanh.
Nay tôi nên làm vừa lòng cầu xin của người
nầy.
Nghĩ xong, Bồ-Tát liền đem ngôi vua nhường
cho người ấy, không hối tiếc. Đây gọi là ngoại-thí.
Thế
nào là Bồ-Tát nội-ngoại-thí? Bồ-Tát nầy đương ở ngôi chuyển-luân-vương như
trên.
Có người đến tâu xin vua nhường ngôi và vua
phải làm thần-bộc cho họ.
Bồ-Tát tự nghĩ rằng: Thân tôi và của cải cùng
ngôi vua nầy đều là vô-thường bại hoại. Nay có người đến xin, tôi nên đem
những thứ chẳng bền nầy để cầu lấy quả bền chắc.
Nghĩ xong, Bồ-Tát liền làm vừa ý người xin
không hối tiếc. Đây gọi là nội-ngoại-thí.
Thế nào là Bồ-Tát thí tất cả? Bồ-Tát nầy cũng
như trên đã nói ở ngôi chuyển-luân-vương.
Bấy giờ có số đông người nghèo cùng đến tâu
xin: kẻ xin ngôi vua, kẻ xin vợ con của vua, kẻ xin tay chưn máu thịt tim
phổi đầu mắt tủy óc của vua.
Bồ-Tát tự nghĩ rằng: tất cả ân-ái hội họp tất
có biệt-ly không lợi ích gì cho người.
Nay tôi nên rời bỏ tham ái, đem những vật tất
sẽ ly tán nầy để làm vừa lòng chúng-sanh.
Nghĩ xong, theo chỗ xin của mỗi người đều ban
cho không hối tiếc, cũng không khinh nhàm chúng-sanh.
Đây gọi là nhứt-thiết-thí.
Thế
nào là Bồ-Tát quá-khứ-thí? Bồ-Tát nầy nghe những công-đức của chư Phật,
Bồ-Tát thời quá-khứ, nghe rồi không tham trước, rõ thấu là chẳng phải có,
chẳng khởi lòng phân-biệt, chẳng tham, chẳng đắm, cũng chẳng cầu lấy, không
nương cậy, thấy pháp như giấc mơ không kiên-cố, nơi các thiện-căn chẳng
tưởng là có cũng không nương cậy, chỉ vì giáo-hóa những chúng-sanh thủ trước
khiến thành-thục phật-pháp mà diễn-thuyết cho họ..
Lại quán-sát các pháp quá-khứ tìm cầu mười
phương đều không thể được.
Nghĩ như thế xong, nơi pháp quá-khứ đều xả bỏ
tất cả. Đây gọi là quá-khứ-thí.
Thế nào là Bồ-Tát vị-lai-thí? Bồ-Tát nầy nghe
công-hạnh tu hành của chư Phật hời vị-lai, rõ thấu là chẳng phải có, chẳng
chấp tướng, chẳng riêng thích vãng-sanh quốc-độ chư Phật, chẳng ham chẳng
trước, cũng chẳng sanh nhàm, chẳng đem thiện-căn hồi-hướng nơi đó, cũng
chẳng nơi đó mà thối thiện-căn, thường siêng tu hành chưa từng phế bỏ. Chỉ
muốn nhơn cảnh-giới đó để nhiếp thủ chúng-sanh, vì họ giảng thuyết chơn thật
khiến thành-thục Phật-pháp, nhưng pháp nầy chẳng phải có chỗ nơi, chẳng phải
không chỗ nơi, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải gần, chẳng
phải xa.
Bồ-Tát lại nghĩ rằng nếu pháp đã là chẳng
phải có thời chẳng được chẳng xả. Đây gọi là vị-lai-thí.
Thế nào là Bồ-Tát hiện-tại thí? Bồ-Tát nầy
nghe các cõi trời: Tứ-Thiên-Vương, Đao-Lợi, Dạ-ma, Đâu-Suất, Hóa-Lạc,
Tha-Hóa, Phạm-Chúng, Phạm-Phụ, Phạm-Vương, Thiểu-Quang, Vô-Lượng-Quang,
Quang-Âm, Thiểu-Tịnh, Vô-Lượng-Tịnh, Biến-Tịnh, Phước-Sanh, Phước-Ái,
Quảng-quả, Vô-Tưởng, Vô-Phiền, Vô-Nhiệt, Thiện-Kiến, Thiện-Hiện,
Sắc-Cứu-Cánh, và nghe Thanh-Văn, Duyên-Giác đầy-đủ công-đức.
Nghe xong, tâm của Bồ-Tát nầy chẳng mê, chẳng
mất, chẳng tụ, chẳng tan. Chỉ quán-sát các hành-pháp như giấc mơ chẳng
thiệt, lòng không tham-trước. Vì làm cho chúng-sanh bỏ lìa ác-thú, tâm
vô-phân-biệt, tu bồ-tát-đạo thành-tựu phật-pháp, nên khai thị diễn thuyết
cho họ. Đây gọi là hiện-tại-thí.
Thế nào là Bồ-Tát cứu-cánh-thí? Giả-sử có
vô-lượng chúng-sanh hoặc không mắt, hoặc không tai, hoặc không mũi, không
lưỡi, hoặc không tay không chưn... đồng đến xin Bồ-Tát nầy bố-thí mắt, tai,
mũi, lưỡi, tay, chưn nơi thân của Bồ-Tát cho họ được toàn vẹn hết tật
nguyền.
Bồ-Tát nầy liền bố-thí theo chỗ họ muốn, dầu
đến phải tự mang tật trải qua vô-số kiếp vẫn không có lòng hối tiếc.
Chỉ quán-sát thân thể từ khi nhập thai thành
hình toàn là bất-tịnh ở trong phạm-vi sanh, già, bịnh, chết.
Lại quán-sát thân thể không thiệt, không tàm
quý, chẳng phải vật của Hiền-Thánh, là vật hôi nhơ chẳng sạch, xương lóng
chỏi nhau, máu thịt kết lại, cửu khiếu luôn chảy chất hôi nhơ ai cũng nhờm
gớm.
Do sự quán-sát nầy nên không có một niệm
ái-trưởc nơi thân thể. Lại tự nghĩ rằng thân thể nầy mỏng manh không bền,
không nên luyến ái, phải đem bố-thí cho mọi người được toại nguyện xin cầu.
Việc làm của tôi đây dùng khai-thị dìu-dắt
chúng-sanh, khiến họ chẳng tham-ái nơi thân thể mà đều được thành-tựu
trí-thân thanh-tịnh. Đây gọi là cứu-cánh-thí.
Đây là đại Bồ-Tát thí-tạng thứ sáu.
Chư Phật-tử! Những gì là đại Bồ-Tát Huệ-Tạng?
Bố-Tát
nầy đối với sắc, sắc tập, sắc diệt, sắc diệt-đạo đều biết đúng như thiệt.
Đối với bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức, bốn uẩn tập, bốn uẩn diệt, bốn uẩn
diệt-đạo đều biết đúng thiệt. Đối với vô-minh và ái, vô-minh ái tập, vô-minh
ái diệt, vô-minh ái diệt-đạo đều biết đúng thiệt.
Bồ-Tát
nầy đối với Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát đều biết đúng thiệt; với Thanh-Văn
tập, Duyên-Giác tập, Bồ-Tát tập đều biết đúng thiệt; với Thanh-Văn niết-bàn
Duyên-Giác niết-bàn, Bồ-Tát niết-bàn đều biết đúng thiệt.
Biết
thế nào?
Biết
từ nhơn-duyên của nghiệp báo tạo ra, tất cả đều hư-giả, là không, là chẳng
thiệt, chẳng phải ngã, chẳng kiên-cố, không có chút pháp nào thành lập được.
Vì
muốn cho chúng-sanh biết thiệt-tánh của các pháp nên rộng tuyên thuyết cho
họ. Tuyên thuyết các pháp bất-khả-hoại. Những pháp gì bất-khả-hoại? Sắc,
thọ, tưởng, hành, thức bất-khả-hoại; vô-minh bất-khả-hoại; Thanh-Văn pháp,
Duyên-Giác pháp, Bồ-Tát pháp đều bất-khả-hoại.
Tại
sao vậy? Vì tất cả pháp là vô-tác, không tác giả, không ngôn thuyết, không
xứ sở, chẳng sanh khởi, chẳng cho chẳng lấy, không động chuyển, không tác
dụng.
Bồ-Tát
nầy thành-tựu vô-lượng huệ-tạng như vậy, dùng chút ít phương-tiện rõ tất cả
pháp, tự-nhiên tỏ thấu chẳng do người khác mà giác-ngộ.
Tạng
huệ vô-tận nầy có mười thứ bất-khả-tận nên được gọi là vô-tận:
Vì
đa-văn thiện-xảo bất-khả-tận, vì thân cận thiện-tri-thức bất-khả-tận, vì
thiện phân-biệt cú-nghĩa bất-khả-tận, vì nhập thâm pháp-giới bất-khả-tận, vì
dùng trí nhứt-vị trang-nghiêm bấ-khả-tận, vì họp tất cả phước-đức tâm không
mỏi mệt bất-khả-tận, vì nhập tất cả môn đà-la-ni bất-khả-tận, vì hay
phân-biệt âm thanh ngữ ngôn của tất cả chúng-sanh bất-khả-tận, vì hay dứt
nghi lầm của tất cả chúng-sanh bất-khả-tận, vì tất cả chúng-sanh mà hiện
Phật thần-lực để giáo-hóa điều-phục khiến họ tu hành không dứt bất-khả-tận.
Đây là
đại Bồ-Tát huệ-tạng thứ bảy.
Bực
trụ trong huệ-tạng nầy được vô-tận trí-huệ, có thể khai ngộ khắp tất cả
chúng-sanh.
Những
gì là đại Bồ-Tát niệm-tạng?
Chư
Phật-tử! Bồ-Tát nầy lìa bỏ sự si lầm, được niệm lực đầy đủ.
Nhớ
thời quá-khứ một đời, hai đời, nhẫn đến mười đời, trăm ngàn vô-lượng đời,
nhớ kiếp thành kiếp hoại, đến trăm ngàn ức kiếp, nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết kiếp. Nhớ hồng-danh của một đức Phật đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết đức Phật. Nhớ một đức Phật xuất-thế nói thọ-ký nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết đức Phật xuất-thế nói thọ-ký. Nhớ một đức Phật
xuất thế nói mười hai bộ kinh nhẫn đến bất-khả-thuyết bất-khả thuyết đức
Phật xuất thế nói mười hai bộ kinh. Nhớ một chúng-hội nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết chúng-hội. Nhớ diễn một pháp nhẫn đến diễn
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết chúng-hội. Nhớ diễn một pháp nhẫn đến diễn
bất-khả-thuyết pháp. Nhớ một căn-tánh nhẫn đến bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết
căn-tánh. Nhớ những tánh của một phiền-não nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyêt phiền-não. Nhớ những tánh của một tam-muội nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết tam-muội.
Niệm-Tạng
nầy có mười thứ:
Tịch-tịnh
niệm, thanh-tịnh niệm, bất-trược niệm, minh-triệt niệm, ly-trần niệm,
ly-chủng-chủng trần niệm, ly-cấu niệm, quang-diệu niệm, khả-ái-nhạo niệm,
vô-chướng-ngại niệm.
Lúc
Bồ-Tát trụ trong niệm-tạng nầy, tất cả thế-gian không nhiễu loạn được, tất
cả dị-luận không biến-động được, thiện căn đời trước đều được thanh-tịnh,
nơi thế-pháp không nhiễm trước, các ma ngoại-đạo không phá hoại được, đổi
thân thọ sanh không bị quên mất, quá-khứ hiện-tại vị-lai thuyết pháp đều
vô-tận, trong tất cả thế-giới cùng chúng-sanh đồng ở không hề có lầm lỗi,
vào tất cả chúng-hội đạo-tràng của chư Phật không bị chướng-ngại, đều được
gần-gũi tất cả chư Phật.
Đây
gọi là đại Bồ-tát niệm-tạng thứ tám.
Những
gì là đại Bồ-tát trì-tạng? Bồ-Tát nầy thọ-trì, văn cú nghĩa lý khế-kinh của
chư Phật nói không quên sót.
Một đời thọ-trì nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết đời thọ-trì.
Thọ-trì danh hiệu của một đức Phật nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết danh hiệu Phật.
Thọ-trì một kiếp-số nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết kiếp số.
Thọ trì một đức Phật thọ-ký nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết Phật thọ-ký.
Thọ-trì một khế-kinh nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết khế-kinh.
Thọ-trì một chúng-hội nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết chúng-hội.
Thọ-trì diễn một pháp nhẫn đến diễn
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-pháp.
Thọ-trì một căn vô-lượng chủng-tánh nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết căn vô-lượng chủng-tánh.
Thọ-trì một phiền-não nhiều thứ tánh nhẫn đến
bất-khả-thuyết phiền não nhiều thứ tánh.
Tho-trì một tam-muội các thứ tánh nhẫn đến
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết tam-muội các thứ tánh.
Trì-tạng
nầy vô-biên, khó đầy, khó đến được đáy, khó được thân-cận, không gì chế phục
được, vô-lượng vô-tận, đủ oai-lực lớn, là cảnh-giới Phật, chỉ có Phật rõ
được.
Đây
gọi là đại Bồ-Tát trì-tạng thứ chín.
Những
gì là đại Bồ-Tát biện-tạng? Bồ-Tát nầy có trí-huệ rất sâu, biết rõ
thiệt-tướng, rộng vì chúng-sanh diễn thuyết các pháp chẳng trái với kinh
điển của chư Phật. Diễn thuyết một phẩm-pháp nhẫn đến bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết phẩm pháp. Diễn-thuyết một Phật-hiệu nhẫn đến bất khả-thuyết
Phật- hiệu.
Như vậy, diễn thuyêt thế-giới, Phật thọ-ký,
khế-kinh, chúng-hội, diễn pháp, căn-tánh, phiền-não-tánh, tam-muôi-tánh,
cũng đều từ một đến bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết cả.
Hoặc diễn thuyết trong một ngày, hoặc nửa
tháng, một tháng, trăm năm, ngàn năm, nhẫn đến bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết
kiếp. Kiếp số có thể cùng tận, nghĩa lý một chữ, một câu khó cùng tận.
Tại
sao vậy? Vì Bồ-Tát nầy thành-tựu mười thứ tạng vô-tận, nhiếp được
nhứt-thiết-pháp đà-la-ni môn hiệu ở trước, có trăm vạn vô-số đà-la-ni làm
quyến thuộc. Được đà-la-ni nầy rồi, dùng pháp quang-minh rộng vì chúng-sanh
diễn thuyết các pháp. Lúc thuyết pháp, dùng lưỡi rộng dài ra tiếng vi-diệu
khắp đến tất cả thế-giới mười phương, tùy căn-tánh đều làm cho đầy đủ, lòng
hoan-hỷ, dứt trừ tất cả phiền-não, khéo vào tất cả âm thinh ngữ ngôn văn tự
biện-tài, khiến tất cả chúng-sanh chẳng dứt phật-chủng, tâm thanh-tịnh được
tương tục. Cũng dùng pháp quang-minh mà thuyết pháp không cùng tận, chẳng
mỏi mệt.
Tại
sao vậy? Vì Bồ-Tát nầy thành-tựu thân vô-biên cùng tận hư-không pháp-giới.
Đây là
đại Bồ-Tát biện-tạng thứ mười. Tạng nầy vô cùng tận, không phân chia, không
gián-đoạn, không đổi khác, không cách ngại, không thối chuyển, rất sâu không
đáy khó vào được, vào khắp tất cả môn phật pháp.
Chư
Phật-tử! Mười tạng vô-tận nầy có mười pháp vô-tận khiến chư Bồ-Tát rốt ráo
thành vô-thượng bồ-đề.
Đây là
mười pháp: vì lợi ích tất cả chúng-sanh, vì bổn-nguyện khéo hồi-hướng, vì
tất cả kiếp không đoạn tuyệt, vì tận hư-không-giới đều khai ngộ tâm vô-hạn,
vì hồi-hướng hữu-vi mà không tham-trước, vì cảnh-giới một niệm tất cả pháp
vô-tận, vì tâm đại-nguyện không đổi khác, vì khéo nhiếp thủ các đà-la-ni, vì
tất cả chư Phật hộ-niệm, vì rõ tất cả pháp đều như huyễn.
Mười
pháp vô-tận nầy có thể khiến chỗ thật hành của tất cả thế-gian trọn được rốt
ráo tạng lớn vô-tận.
|
« Trang Trước Trang Kế » |