A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm


 

Đạt Ma Tổ Sư

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (Tiếng Phạn: Bodhidharma, Nhật: Bodai Daruma) sanh tại Kanchi, Nam Ấn Ðộ con vua Hương Chí (Simhavarman ?). Ngài là đệ tử của tổ Bát Nhã Ða La (Phạn: Prajnatara) và được sư phụ dặn dò sau này sang Trung Hoa truyền pháp. Ngài rời Ấn Ðộ bằng thuyền và sau gần ba năm mới tới Quảng Châu khoảng năm 520. Vua Lương Võ Ðế có mời ngài tới gặp, sau câu chuyện trao đổi, tuy thấy nhà vua là người có lòng với đạo Phật nhưng ngài thấy không hợp căn cơ nên rời tới chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn. Ngài dừng nơi đó, suốt 9 năm ngồi xây mặt vào tường nên được gọi là "Bích quán Bà la môn" (thầy Bà la môn ngồi nhìn tường). Sau đó có vị tăng Thần Quang (487-593) được ngài thâu nhận làm đệ tử truyền pháp. Ngài Thần Quang được đổi tên là Huệ Khả và trở nên vị tổ thứ hai tại Trung Hoa. Ở Trung Hoa được chín năm, tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trao áo ca sa và bát báu cùng bốn quyển của bộ kinh Lăng Già cho tổ Huệ Khả. Sau đó Tổ viên tịch vào năm 529, (có tài liệu ghi là năm 532), nhục thân của ngài được nhập tháp tại chùa Ðịnh Lâm, núi Hùng Nhĩ, Trung Hoa. (trích: Tổ Thiền tông) Có tài liệu ghi Tổ sống lâu trên 150 tuổi. (trích: Zen Buddhism, tr. 66). (Trích Thư Viện Hoa Sen)

Sáu cửa vào động Thiếu Thất

Sáu cửa vào động, tức là sáu pháp môn tu hành để đạt được đạo quả. Sáu pháp môn đó là: (1) Tâm kinh tụng, (2) Phá tướng luận, (3) Nhị chủng nhập, (4) An tâm pháp, (5) Ngộ tánh luận và (6) Huyết mạch luận. Muốn vào được động Thiếu Thất thì có thể vào bằng cửa nào cũng được, không nhất thiết phải qua cả sáu cửa. Tu theo bất cứ một pháp môn nào cũng đạt Ðạo, không nhất thiết phải tu cả sáu pháp môn.

(1) Tâm kinh tụng.

Tổ nhắc lại từng câu trong Bát Nhã Tâm Kinh, sau mỗi câu đều có những câu giảng. Ðại ý cũng là phát triển về tâm của tông Bát Nhã. Tổ chỉ rõ tướng "không" của muôn pháp để chúng ta hiểu được cái thể "Như lai không tướng", vốn thanh tịnh, chẳng phải có/không, chẳng sạch/nhơ, chẳng tăng/giảm, một khi giác được điều đó thì "chợt rõ bỏ ý tu, thênh thang vượt pháp giới, tự tại hết lo âu". Tổ còn căn dặn "chấp có đâu thực có, theo không lại lạc không", vì Tổ biết rõ chúng ta thường chấp chặt vào hoặc "có" hoặc "không".

(2) Phá tướng luận.

Phần này gồm những câu hỏi và đáp.

"Hỏi: Nếu có người chí cầu Phật đạo thì phải tu pháp gì thật là tỉnh yếu (đơn giản và thiết yếu).

Ðáp: Chỉ 'quán tâm'. Ðó là một pháp tổng nhiếp hết các pháp cho nên rất là tỉnh yếu.

Hỏi: Sao nói một pháp hay nhiếp tất cả các pháp ?

Ðáp: Tâm là cội nguồn của muôn pháp. Tất cả các pháp chỉ do tâm mà sinh ra."

Người hỏi vẫn thắc mắc là tại sao chỉ 'quán tâm' là đủ, nên sau đó nêu ra những câu hỏi như: "Sáu đường, ba cõi rộng lớn bao la, nếu chỉ quán tâm thì sao thoát được những khổ đau không cùng tận?" - "Như lời Phật dạy: 'Ta đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, chịu vô số khổ nhọc mới thành được Phật đạo', sao nay nói chỉ quán tâm thì chế được ba độc là giải thoát?" - "Các đại Bồ tát nhờ giữ ba giới tu tịnh, thực hành lục độ, mới thành Phật đạo. Sao nay nói người học chỉ cần quán tâm, chẳng tu giới hạnh thì thành Phật thế nào được? " - "Như lời kinh nói, 'dốc lòng niệm Phật chắc được vãng sanh qua cõi Tịnh độ Phương tây, chỉ cần theo một cửa ấy tức được thành Phật', sao còn nói quán tâm để cầu giải thoát là gì? ". Ðó cũng là những thắc mắc mà những người không hiểu Thiền tông thường đặt ra vì thấy pháp tu này khác với những pháp tu của các tông khác trong đạo Phật.

 Mỗi câu hỏi đều được Tổ giải đáp rõ ràng nên cũng giúp cho những người tu Thiền hiểu hơn. Tổ nói rõ , nếu muốn đạt tới cứu cánh thì phải thấy được tâm là Phật, và muốn thấy được tâm thì cần phải bỏ những chấp về tướng. Tất cả những câu hỏi trên cho thấy đều vì chấp tướng, hướng ngoại, quên tâm nên không thể thấy được tâm. Tổ không nói những pháp tu theo chấp tướng là sai, nhưng Tổ thấy rõ những pháp tu đó chỉ là phương tiện thôi.

(3) Nhị chủng nhập.

Phần này chỉ pháp tu hành một cách cụ thể:

"Phàm vào đạo có nhiều đường, nhưng nói cho cùng thì không ngoài hai đường là: lý nhập hay hạnh nhập."

"Lý nhập là mượn 'giáo' để ngộ 'tông', tin sâu rằng tất cả sinh linh đều chung đồng một chân tánh, chỉ vì khách trần bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không hiển lộ được."

"Hạnh nhập là nói về bốn hạnh, ngoài ra các hạnh khác đều bao gồm trong ấy.

Bốn hạnh là: (a) báo oán hạnh, (b) tùy duyên hạnh, (c) vô sở cầu hạnh và (d) xứng pháp hạnh". Báo oán hạnh là khi gặp cảnh khổ thì hiểu là vì trước có gây ra nghiệp dữ nên nay nhẫn nhục chịu. Tùy duyên hạnh là hiểu nay được quả báo tốt cũng là do nhân lành thủa trước, mọi khổ vui đều do nhân duyên sanh, nhưng tâm người không vì vậy mà được thêm hoặc bớt mất gì. Vô sở cầu hạnh là hiểu muôn vật đều là không, nên không cầu mong gì mới thực là đạo hạnh. Xứng pháp hạnh là bậc trí tin hiểu "pháp" chính là cái lý thanh tịnh của tự tánh, tức cái thể tánh thanh tịnh của mình, nên vẫn tùy xứng theo pháp mà hành nhưng không có chấp.

(4) An tâm pháp.

 Sau đây là vài đoạn trích:

"Khi mê, người đuổi theo pháp. Lúc tỉnh, pháp đuổi theo người."

"Tự trên 'sự' vươn lên mà tỏ suốt, đó là hàng khí lực mạnh. Theo chữ nghĩa mà thông rõ , đó là người khí lực kém."

"Hỏi: Các pháp đã là không thì dựa vào gì mà tu đạo? - Ðáp: Nếu có dựa vào gì thì cần tu đạo. Nếu không có gì để dựa, tức chẳng cần tu đạo."

"Chẳng thấy gì hết, gọi là thấy đạo. Chẳng làm gì hết, gọi là hành đạo."

 5) Ngộ tánh luận.

Phần này chỉ về điểm quan trọng trong khi tu hành là phân biệt được giữa mê và ngộ, và tu hành sao để ngộ. Cũng nên lưu ý là có ý kiến cho rằng phần này nói về làm sao ngộ được bản tánh của chính mình.

"Phàm đem tâm cầu pháp, ấy là mê. Chẳng đem tâm cầu pháp, ấy là ngộ."

"Khi mê thì có bờ bên này, khi ngộ thì không bờ bên này.

Tại sao vậy? Vì kẻ phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng trụ ở bên này. Vì giác được phép tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả hai bờ bên này và bên kia vậy."

"Phàm mê là mê ở ngộ. Còn ngộ là ngộ nơi mê. Không có mê ngộ mới gọi là chánh giác, chánh kiến."

"Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não, sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp niết bàn, không sanh tử."

"Khi mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ rồi thì không Phật, không pháp. Tại sao vậy? Vì ngộ tức là Phật pháp."

 (6) Huyết mạch luận.

Phần này chỉ rõ nếu không thấy tánh thì việc tu hành sẽ không thể đưa đến chỗ đạt đạo được.

"Nếu muốn tìm Phật hãy cần thấy tánh. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì chay lạt, giữ giới đều vô ích cả."

" Nếu không thấy tánh thì dầu giỏi nói mười hai bộ kinh, vẫn là ma nói."

"Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật, cứ hướng ngoài mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật."

(Trích: "Sáu cửa vào động Thiếu Thất") (Thư Viện Hoa Sen)

  Câu chuyện Tổ gặp vua Lương Võ Ðế ngay khi mới tới Trung Hoa đã điển hình chứng tỏ sự khác biệt giữa Thiền tông và cách tu hành thời đó:

 "Vua Võ Ðế hỏi: 'Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?' -Ngài đáp: 'Ðều không có công đức', -'Tại sao không có công đức?', -'Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.', -'Thế nào là công đức chân thật?', - 'Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không-lặng, công đức như thế chẳng thể do thế gian mà cầu.' (Trích: Tổ Thiền Tông)