A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

Công dụng và ý nghĩa của Thần chú Lăng nghiêm và Đại Bi thập chú

 Những người hành trì Kinh Đại Thừa Phật Giáo đều có tụng các Thần Chú trong các thời khoá nhằm mục đích tiêu trừ nghiệp chướng oan khiên, thêm được phước lành tăng trưởng.

 Ý nghĩa chữ Thần Chú như trước đã giải thích là lời nói bí mật của chư Phật (Mật ngôn hay Phật ngôn), lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết mà nó không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sanh trong ba cõi sử dụng, cho nên những thứ ngôn ngữ này người phàm phu không thể nào hiểu rõ. Những ai muốn chư Phật, chư Bồ Tát trong mười phương gia hộ những khổ đau của cuộc đời chỉ cần hành trì Thần Chú được chỉ dẫn sẽ được linh ứng theo sở cầu.

Thần Chú của Mật Tông có nhiều loại và mỗi loại có công dụng riêng, nhưng các Thiền Gia trong các Thiền Môn chỉ chọn khoảng một số Thần Chú để sử dụng trong các buổi lễ như Cầu An, Cầu Siêu, Sám Hối, v.v... gồm có Thần Chú Lăng Nghiêm, Thần Chú Đại Bi và mười Thần Chú khác gọi là Thập Chú. Ý Nghĩa và công dụng các Thần Chú nói trên được giải thích như sau :

1)  - Chú Lăng Nghiêm:

Công dụng của Thần Chú Lăng Nghiêm, theo Triết Lý Đạo Phật hay Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm trong Phật Học Phổ Thông Khoá VI và VII của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, trang 255 và 266 đức Phật nói: "Nếu người nào nghiệp chướng nặng nề không thể trừ được, ông (chỉ ông A Nan) nên dạy họ chí tâm trì chú Lăng-nghiêm này thì các nghiệp chướng đều tiêu diệt" và đức Phật nói tiếp: "Sau khi ta diệt độ các chúng sanh đời sau, nếu có người trì tụng chú này thì các tai nạn: thủy tai, hoả hoạn, thuốc độc, độc trùng, ác thú, yêu tinh, quỉ quái, v.v... đều chẳng hại được".

Chúng ta muốn đạt thành những ý nguyện cho cuộc sống được an lạc và thành quả trên con đường giác ngộ giải thoát thì phải chuyên cần hành trì thâm nhập Chú Lăng Nghiêm này để nhờ thần lực chuyển hoá. Điều đó chính đức Phật đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm: "Ma Đăng Già là kẻ dâm nữ, không có tâm tu hành còn được thành quả Thánh, huống chi các ông là bậc Thanh văn, có chí cầu đạo vô thượng, lại trì tụng chú này, thì quyết định thành Phật rất dễ, cũng như thâu gió tung bụi, chẳng có khó gì."

    2) - Chú Đại Bi:

Theo Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni giải thích: "Hồi đời quá khứ vô lượng ức kiếp, có đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ ra đời vì ngài Quán Thế Âm mà nói ra chú Đại Bi này. Lúc đó Ngài mới trụ bực Sơ Địa, sau khi nghe chú này rồi thì siêu chứng lên bậc Bát Địa liền, Ngài thấy hiệu nghiệm như vậy liền phát đại nguyện rằng: "Nếu qua đời vị lai có thể đem thần chú này ra làm lợi ích cho chúng sanh thì cho thân Ngài sanh ra ngàn cái tai ngàn con mắt," v.v...

Ngài nguyện vừa xong thì quả nhiên tay mắt đều đầy đủ tất cả và lại được chư Phật Phóng quang soi đến thân Ngài, đồng thời soi khắp vô biên thế giới. Khi ấy Ngài lại phát nguyện nữa rằng: "Người nào nếu trì tụng chú này mỗi đêm 5 biến thì đặng tiêu hết những tội nặng sanh tử trong trăm ngàn vạn ức kiếp, đến lúc mạng chung thì có thập phương chư Phật hiện thân tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ. Bằng như người nào trì tụng chú này mà sau còn đọa vào ba đường ác và chẳng đặng sanh về cõi Phật hay chẳng đặng những pháp Tam Muội, chẳng biện tài, sở cầu không toại chí, nếu có mấy sự ấy, thì chú này không được xưng là Đại Bi Tâm Đà La Ni". Chỉ trừ những người tâm không thiện, chí không thành và lòng hay nghi thì không thấy hiệu nghiệm được liền mà thôi.

Theo Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà Thượng Thích Khánh Anh, trang 74 giải thích: "Thuở ấy, đức Quán Thế Âm rất kín nhiệm phóng ra hào quang lớn chiếu cả mười phương các cõi nước đều rực rỡ thành màu vàng ròng; rồi chấp tay bạch Phật rằng: Tôi có thần chú.... Đại Bi tâm Đà La Ni, nay tôi muốn nói ra để cho các chúng sanh đều đặng an lạc, vì nó có hiệu lực: tiêu trừ bệnh hoạn, tuổi sống lâu dài, thêm điều lành, dứt hết các tội, được toại tâm với sự mong cầu, nên được Phật hứa cho thuyết chú."

Trên đây là những sự linh ứng và diệu dụng của Thần Chú Đại Bi.

    3) - Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni:

Theo Như Ý Tâm Đà La Ni: Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại vì muốn cho chúng sanh tùy ý sở cầu cái gì cũng được như nguyện nên Ngài bạch với Phật xin Ngài thuyết chú này. Những người trì tụng mà rõ được nghĩa thâm mật của chú này thì cái thắng lợi ấy cũng thí như cây như ý sanh ra những ngọc bảo châu như ý, tuỳ nguyện muốn cầu việc gì cũng được.

Lúc Bồ Tát thuyết chú này rồi, sáu chưởng chấn động, cung điện của Ma Vương đều nổi lửa cháy sợ hãi không cùng, các loài độc ác chúng sanh đều lăn nhào té ngã, còn những kẻ thọ khổ trong địa ngục và ngạ quỷ thì đều đặng sanh về cõi Trời.

Người nào nhứt tâm trì tụng chú này thì các thứ tai nạn đều được tiêu trừ mà đến lúc lâm chung lại được thấy đức Phật A Di Đà và Ngài Quán Thế Âm tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ.

    4) - Thần Chú Tiêu Tai Cát Tường:

Theo Kinh Tiêu tai Cát Tường: "Khi Phật ở tại từng trời Tịnh Cư nói với các thiên chúng cùng các vị quản lý 28 ngôi sao và 12 cung thần rằng: "Có chú Xí Thạnh Quảng Đại Oai Đức Đà La Ni" của Phật Ta La Vương đã nói hồi trước. Ta nay thuyết ra đây là pháp để trừ những tai nạn. Nếu trong Đế đô quốc giới có các vị đặc trách sao yêu tinh đến làm những điều chướng nạn, hay những vị đặc trách sao quan hệ bổn mạng của nhân loại có gì bất tường phải lập đạo tràng, rồi khắc ký mà niệm chú này 108 biến thì tai chướng tức thời trừ diệt hết."

    5) - Thần Chú Công Đức Bảo Sơn:

Theo Viên Nhơn Vãng Sanh có dẫn chứng Kinh Đại Tập nói rằng: "Nếu người tụng chú này một biến thì công đức cũng như lễ Kinh Đại Phật Danh bốn vạn năm ngàn bốn trăm biến (45.400), còn như phạm tội nặng đang đọa vào địa ngục A Tì mà nhứt tâm trì tụng chú này thì trong lúc mạng chung chắc đặng sanh về bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh bên cõi Tịnh Độ mà đặng thấy Phật A Di Đà."

    6) - Thần Chú Phật Mẫu Chuẩn Đề:

Câu chú này trích trong Kinh Chuẩn Đề. Bốn câu kệ đầu là: "Khể thủ quy y Tô tất Đế," v.v... cho đến "Duy nguyện từ bi thùy gia hộ" là của Ngài Long Thọ Bồ Tát. Trong bốn câu kệ:

* Câu đầu là nói về Pháp Bảo: câu hai là nói về Phật Bảo; câu thứ ba là nói về Tăng Bảo; câu thứ tư là nói mình xin nhờ ơn sự gia hộ của Tam Bảo.

* Khể thủ quy y Tô Tất Đế: nghĩa là cúi đầu quy kính Pháp Viên Thành (pháp nhiệm mầu). Chữ Tô Tất Đế: nguyên tiếng Phạn là Susidhi, Tàu dịch là Diệu Thành Tựu, nghĩa là một pháp có năng lực thành tựu được hết thảy sự lý và thành tựu đặng hết thảy tâm nguyện của chúng sanh rất mầu nhiệm.

* Đầu diện đảnh lễ Thất Cu Chi (cu đê): nghĩa là thành tâm đảnh lễ bảy trăm ức Phật. Chữ "Cu Chi" hay là "Cu Đê", nguyên tiếng Phạn là "Koti", Tàu dịch là bách ức, nghĩa là trăm ức; cho nên trên đây nói "thất cu chi" tức là số bảy trăm ức vậy.

* Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề: nghĩa là con nay xưng tán đức Đại Chuẩn Đề. Chữ "Chuẩn Đề", nguyên tiếng Phạn là "Candi", Tàu dịch có hai nghĩa: 1) Thi Vi, 2) Thành Tựu.

Thi Vi: nghĩa là lời nguyện rộng lớn đúng nơi lý và dùng đại trí để dứt vọng hoặc, vì đủ các nhơn hạnh để ra làm việc lợi tha cho chúng sanh, nên gọi là Thi Vi.

Thành Tựu: nghĩa là từ nơi pháp không mà hiện ra pháp giả rồi thành tựu đặng pháp tịch diệt.

Sở dĩ Chú này xưng là "Phật Mẫu Chuẩn Đề" là nói: Pháp là thầy và thiệt trí, là mẹ của chư Phật, cho nên bảy trăm ức Phật đều dùng pháp "Chuẩn Đề Tam Muội" mà chứng đạo Bồ Đề.

Trong kinh Chuẩn Đề nói rằng: Khi Phật ở vườn Kỳ Đà vì có tứ chúng bát bộ đông đủ, Ngài nghĩ thương những chúng sanh đời mạt pháp sau này, tội dày phước mỏng, nên mới nhập "Chuẩn Đề Định" mà thuyết thần chú như vầy.

Nam Mô Tát Đa Nẩm, Tam Miệu Tam Bồ Đề, Cu Chi Nẩm, Đát Điệt Tha, Án, Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề, Ta bà Ha.

Phật nói : Nếu trì chú này mãn chín mươi vạn (900.000) biến thì diệt trừ được các tội thập ác, ngũ nghịch và tứ trọng; cho đến nhà thế tục chẳng luận tịnh hay uế, chỉ cần chí tâm trì tụng, liền được tiêu trừ tai nạn bệnh hoạn, tăng trưởng phước thọ. Khi tụng mãn 49 ngày, Bồ Tát Chuẩn Đề khiến hai vị Thánh thường theo người ấy hộ trì.

Nếu có người hoặc cầu mở trí tuệ, hoặc cầu chống tai nạn, hoặc cầu pháp thần thông, hoặc cầu đạo Chánh Giác, chỉ y theo pháp thiết lập đàn tràng, tụng đủ một trăm vạn (1.000.000) biến thì đặng đi khắp mười phương Tịnh Độ, phụng thờ chư Phật, nghe cả diệu pháp mà được chứng quả Bồ Đề.

    7) - Thần Chú Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Đà La Ni:

Chú này trích trong Kinh Đại Thừa Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai Đà La Ni. Kinh ấy nói: "Đức Thích Ca Thế Tôn nghĩ thương chúng sanh đoản mạng trong đời vị lai, muốn cho thêm được thọ số, hưởng được hạnh phúc, nên Phật nói với Đại Trí Huệ Diệu Cát Tường Bồ Tát rằng: những nhơn loại ở trong cõi Diêm Phù Đề này thọ mạng chỉ đặng trăm tuổi, mà ở trong số đó lại có phần đông người tạo lắm điều ác nghiệp nên bị tổn đức giảm kỷ thác yểu chết non. Nếu như nhơn loại thấy đặng chú này, hoặc biên chép, hoặc ấn tống, hoặc thọ trì đọc tụng thì lại tăng thọ mạng sống ngoài trăm tuổi và qua đời sau mau chứng quả Bồ Đề."

8) - Thần Chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn:

Thần chú này được trích ra từ nơi Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức. Theo như trong kinh, đức Thích Ca Như Lai nói nếu có chứng bệnh gì mà cứ nhứt tâm trì chú này trong nước tịnh thủy đủ 108 biến rồi uống vào thì các bệnh đều lành.

Còn như những người mà trọn đời thọ trì chú này thì đặng khỏi bệnh tật và được sống lâu, đến lúc mạng chung lại được sanh về cõi Tịnh Lưu Ly. Nhưng phải biết rằng: chú này được gọi là "Quán Đảnh" là nói chú này do nơi đảnh quang của Phật mà thuyết ra. Người nào nếu thọ trì đọc tụng chú này mà đặng thanh tịnh ba nghiệp (thân, miệng, ý) thì hào quang Phật chiếu ngay đến nơi đảnh môn của người trì tụng ấy một cách mát mẻ như rưới nước cam lồ vậy.

Nên biết ánh quang của Phật khác hơn ánh quang của ma, nguyên vì ánh quang của ma thì chói loà khiến cho người ta sợ hãi, còn ánh quang của Phật thì mát mẻ và làm cho ta vui mừng. Vậy ai là người thọ trì chú này hoặc niệm Phật cần phải phân biệt rõ hai cái ánh quang nói trên. Chớ đừng thấy ánh quang của ma lập lòe trước mắt như ngoại đạo nhìn nến, như kẻ nhìn nhang kia mà nhận lầm cho là thấy tánh.

9) - Thần Chú Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn:

Đức Quán Thế Âm có lòng Đại Bi rất tha thiết, bi nguyện của Bồ Tát rất thâm sâu, công đức độ sanh của Bồ Tát lan rộng khắp mười phương. Người nào thành tâm trì tụng chú này thì liền được lòng Đại Bi của Bồ Tát chắc chắn ủng hộ.

10) - Thần Chú Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn:

Chú này được trích ra từ trong kinh Đại Phương Đẳng Đà La Ni. Kinh này nói: "Ngài Văn Thù Sư Lợi nghĩ thương về sau đến đời mạt pháp các chúng Tỳ Kheo phạm tội Tứ Trọng và các chúng Tỳ Kheo Ni phạm tội Bát Trọng thì làm sao mà sám hối đặng, nên mới cầu Phật chỉ rõ phương pháp. Lúc ấy Đức Thích Ca Như Lai mới thuyết ra chú này; vì chú này là chú của bảy vị Phật đời trước thường nói, rất có oai lực làm diệt hết các tội Tứ Trọng, Ngũ Nghịch mà đặng phước vô lượng".

Tứ Trọng, Ngũ Nghịch là tội rất nặng, nếu không phải cách sám hối vô sanh thì tưởng không thể nào tiêu diệt cho đặng. Nhưng vì thần chú này là bảy vị Phật đời trước xứng tánh thuyết ra, cho nên những người trì tụng niệm niệm cũng phải xứng tánh để đặng lý vô sanh thì tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt, cũng như nước sôi đổ vào tuyết thì tuyết liền bị tan biến ngay lập tức.

11) - Thần Chú Vãng Sanh Tịnh Độ:

Thần chú này được trích từ trong kinh Bạt Nhứt Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni. Thần chú này có công dụng diệt được các trọng tội như: tội Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, Hủy Báng Chánh Pháp. Người nào nếu y pháp mà chí tâm trì tụng chú này thì Đức Phật A Di Đà thường trụ ở nơi đảnh đầu người ấy luôn cả ngày đêm mà ủng hộ, không cho oan gia thừa tiện nhiễu hại, trong lúc hiện thế đặng an ổn và đến khi mạng chung được vãng sanh Tịnh Độ.

Cách thức hành trì, Trước khi trì tụng chú này, hành giả phải tắm rửa, súc miệng cho sạch sẽ, ngày đêm sáu thời, thắp hương lễ Phật, quì gối trước bàn thờ, chấp tay cung kính trì tụng mỗi thời tối thiểu 21 biến thì được linh ứng và hoặc trì tụng được ba vạn (30.000) biến thì được thấy đặng Phật A Di Đà thọ ký.

12) - Thần Chú Thiện Thiên Nữ:

Thần chú này được trích từ trong kinh Kim Quang Minh. Trong kinh Kim Quang Minh nói rằng: "Nếu chúng sanh nghe nói chú này mà một lòng thọ trì đọc tụng hương hoa cúng dường thì những thứ thọ dụng như vàng, bạc, châu báu, trâu dê, lúa thóc đều đặng đầy đủ hết thảy".

VI. - TỔNG KẾT:

Nên để ý các Kinh Chú của Phật để lại trong Đại Tạng thì rất nhiều, đa dạng theo mỗi vị Phật trình bày mỗi cách qua kinh nghiệm tu tập của mình. Các Thiền gia thời xưa qua kinh nghiệm của họ rút ra trong Đại tạng một số Kinh Chú theo nhu cầu phổ thông chẳng những cho quần chúng mà cho cả người xuất gia trong thời mạt pháp nghiệp trọng phước khinh ma cường pháp nhược này. Những Kinh Chú mà các Thiền gia chọn ra để trì tụng là của những vị Phật, những vị Bồ Tát rất quan hệ với các chúng sanh nơi cõi Ta bà ngũ trược ác thế này. Còn các Kinh Chú khác của các vị Phật hay của các vị Bồ Tát khác chỉ quan hệ nhiều với các chúng sanh trong các cõi khác không có ngũ trược ác thế như cõi Ta Bà này. Những Kinh Chú mà các Thiền gia chọn ra để hành trì có những mục đích như sau:

1)  - Những Kinh Tụng nêu trên ngoài sự Tu Huệ của hành giả và còn nhờ sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ Tát quan hệ giúp hành giả sớm hoàn thành hạnh nguyện đạt đạo.

2)  - Còn các Kinh khác nhằm tu tập bao gồm Văn Huệ, Tư Huệ và Tu Huệ trong lãnh vực tự độ và tự giác mà không cần sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ Tát quan hệ, được gọi là tự lực cánh sinh.

3)  - Các Thần Chú nêu trên mà các Thiền gia chọn lựa được rút ra trong các Kinh Tạng của chư Phật chỉ dạy để các hành giả hành trì ngõ hầu đạt được ý nguyện mà không bị phân tâm, không bị loạn tưởng, không bị tẩu hoả nhập ma.

4)  - Còn các Thần Chú khác một số không thấy trong các Kinh Phật mà chỉ thấy trong Mật Tông nếu như hành trì mà thiếu sự hướng dẫn chơn truyền qua sự kinh nghiệm của những người đi trước thì sẽ bị nguy hiểm phân tâm, loạn tưởng, tẩu hoả nhập ma.

Các Thiền gia Việt Nam cũng chọn những Kinh những Chú đã được liệt kê ở trước ngoài những mục đích và ý nghĩa vừa trình bày còn có mục đích khác là thể hiện văn hoá Phật Giáo Việt Nam mà các Thiền gia Việt Nam đem sự đạt đạo xây dựng quốc gia. Nhìn theo Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam, Nhị Thời Khoá Tụng mà các Thiền gia Việt Nam thường sử dụng trong khoá lễ hằng ngày dành cho các Thiền sinh hành trì, ngoài sự tu tập để chứng đắc và còn tiêu biểu cho ba hệ phái Thiền đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lãnh vực văn hoá trải dài hơn 2000 năm lịch sử. Điều đó được thấy như:

a)   - Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ đã từng đóng góp xây dựng cho quốc gia Việt Nam trên lãnh vực thuần tuý thiền tập.

b)  - Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng đóng góp xây dựng cho quốc gia Việt Nam trên lãnh vực Thiền Mật Tổng Hợp.

c)   - Thiền Phái Thảo Đường đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lãnh vực Thi Ca và Nghệ Thuật.

d)  - Thiền phái Liễu Quán đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lãnh vực Thiền Tịnh Song Tu. Từ những ý nghĩa và giá trị này, chúng ta là người Việt Nam không nên xem thường Nhị Thời Khoá Tụng mà Thiền gia Việt Nam đã chọn và cũng chứng minh rằng các Thiền gia Việt Nam nhờ Nhị Thời Khoá Tụng này được chứng đắc, cho nên mới để lại cho hậu thế hành trì./.

Sưu tập trong Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà Thượng Thích Khánh Anh dịch và trong Bạch Y Thần Chú của Đường Sáng Ấn Quán số 712N. 9th St, San Jose, CA 95112 ấn hành.

 

Nguồn: http://phatgiaobinhdinh.vn/mPost/121/cong-dung-va-y-nghia-cua-nhung-than-chu

 

 

NHỮNG THÀNH TỰU ĐƯỢC BIỂU HIỆN KHI TRÌ CHÚ LĂNG NGHIÊM

1. Vượt qua những chướng ngại sau một thời gian hành trì sẽ thấy được tác dụng của Chú Lăng Nghiêm biểu hiện trong cuộc sống.

Đầu tiên là đầu bị nhức đầu, hoặc đau nhức các chi, các phần trên cơ thể.

2. Nếu đầu bị nhức, mà nhức ở chính giữa đầu (không phải hết hoàn toàn đầu) thì có nghĩa là nghiệp ngu si, mê muội đang được tiêu trừ.

Học thuộc được Chú Lăng Nghiêm thì sau này cái gì cũng có thể học thuộc lòng được.

Nhức đầu thường do cơ thể phản ứng, lý do rất đơn giản, bản thân Chú Lăng Nghiêm có một tần số rất cao, nên khi người học mới ban đầu hành trì sẽ có một khoảng thời gian chuyển đổi để thích nghi với tần số đó. Việc nhức đầu là một trong những biểu hiện của việc nghiệp tiêu trừ.

3. Nghiên cứu của các Tiến sĩ, bác sĩ Nhựt Bổn cho hay, nếu buổi sáng bạn đọc thật nhanh và lớn các chữ thì điều đó sẽ tác động đến đại não, các tế bào não, các vùng não. Nếu thường thức dậy buổi sáng và công phu sáng với Chú Lăng Nghiêm, niệm thật nhanh và lớn (chú ý coi chừng đau cổ) thì một thời gian các tế bào não sẽ phát triển tốt.

4. Nếu nhức đầu bên phải, chỉ có phần bên phải chứ không phải toàn bộ đầu hay đỉnh đầu thì có thể là chúng sanh trong cõi vô hình tác động để xin theo mình tu học. Cũng có thể oan gia trái chủ đến để mong được hồi hướng. Hoặc cũng có thể là ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều kiếp đến mong giúp đỡ.

Nếu bị nhức phần đầu bên phải, hãy cầu nguyện hồi hướng công đức cho những ai theo mình, hay cho cửu huyền thất tổ, oan gia trái chủ, nguyện xin các vị sẽ được siêu thoát. Cầu nguyện và hành trì mà thấy hết nhức đầu thì biết rằng đó chính xác là do cõi vô hình tác động.

5. Trì Chú Lăng Nghiêm sẽ cầu gì được nấy. Nếu bạn muốn nhà sẽ có nhà, muốn xe có xe, muốn có người yêu có người yêu... Nên hãy bớt ham muốn, bởi muốn gì được đó tức là tiêu xài phước báo.

Chỉ có một mong muốn duy nhất là thành Phật để độ chúng sanh. Khi phát nguyện như vậy mà hành trì thì tự nhiên những ước muốn nhỏ khác được thành tựu bổ sung cho ước muốn lớn của mình.

Hãy luôn nhớ, dù có giàu, có tiền..., cũng là để giúp đỡ chúng sanh.

6. Khi hành trì Chú Lăng Nghiêm có thành tựu, nếu mình giận ai một chút là họ sẽ bị ảnh hưởng bởi niệm lực của mình mà bứt rứt, khó chịu.

Nếu niệm lực mình lớn, thì khi mình giận ai đó, có thể họ bị các Hộ Pháp của mình đánh đến ê mình ê mẩy, hoặc có thể người mình giận sẽ gặp tai nạn.

Thế nên, trì Chú Lăng Nghiêm cũng hãy niệm kiêm thêm "Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát" đặng chuyển hóa lòng sân, hóa ra từ bi yêu thương, có như vậy mới có lợi ích.

Hãy hết sức chú ý điều này, Mật Chú như dao hai lưỡi, khi bạn thành tựu rồi thì bạn dùng sao cũng được. Các vị Kim Cang Hộ Pháp không có thiện ác, mà họ thường theo hộ vệ bạn, nên bạn nghĩ sao họ làm vậy.

Kinh nghiệm bản thân Lam, khi mà Lam tức giận ai đó, khó chịu ai đó thì họ rất mệt mỏi, thậm chí đó là những người có tu hành mà còn bị ảnh hưởng nặng, huống chi đối với người không có tu hành, chỉ cần mình tức họ một chút là họ có thể bị tai nạn ngay.

Công phu này mạnh đến nỗi có thể đi theo bạn đến kiếp sau, dù kiếp sau bạn chưa biết gì về Phật Pháp, cũng không có tu học gì, nhưng bạn khởi tâm đều tác động đến người khác mạnh mẽ.

Nên tu học Chú Lăng Nghiêm thì phải từ bi, vô cùng từ bi.

7. Nếu có lỡ gây lỗi lầm, phạm giới, lại còn phóng những ý niệm tiêu cực đến những người có công phu tu trì thì thường bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, nên hãy sám hối và niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát thật nhiều thì sẽ hết.

8. Hiện tại giảng giải từng câu Chú Lăng Nghiêm chỉ có Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa, và Ngài cũng nói, Ngài giải thích như vậy cũng chỉ là một trong muôn một nghĩa và diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm, thế mới biết Chú Lăng Nghiêm vi diệu không thể nghĩ bàn như thế nào.

Chỉ cần niệm Chú Lăng Nghiêm thì người đã phóng quang vô lượng chứ chưa nói gì đến việc thành tựu, đắc Pháp.

9. Trì Chú Lăng Nghiêm theo Đông Mật hay cụ thể ở Việt Nam vốn là không thông qua Quán Đảnh mà vẫn đạt diệu dụng vô cùng.

Nên bạn tự mình có thể hành trì Chú Lăng Nghiêm mà không cần ai quán đảnh, vì các câu chữ trong Chú Lăng Nghiêm ở đệ nhứt là cầu xin quán đảnh ở trong đó.

Tuy nhiên, nếu bạn được một Bậc Thầy chuyên trì Chú Lăng Nghiêm cho phép hay hướng dẫn bạn niệm thì bạn sẽ được cộng hưởng năng lượng mạnh mẽ và mau thành tựu hơn.

10. Thực tế hiện tại các chùa đã bỏ đi phần công phu sáng có Chú Lăng Nghiêm rất nhiều, chỉ còn một số ít chùa theo truyền thống xưa cũ là còn giữ.

Chú Lăng Nghiêm vốn cần thiết với tất cả mọi người dù tu theo tông phái nào của Đại Thừa hay Kim Cương Thừa.

Tu Tịnh Tông nếu có trì Chú Lăng Nghiêm sẽ có thêm gia lực rất mạnh để bảo hộ về cõi Cực Lạc. Trong đệ nhứt của Chú Lăng Nghiêm có câu "Quy mạng lễ A Di Đà Phật", nên tu Chú Lăng Nghiêm chẳng có chống trái với Tịnh Độ.

Nhưng một số chùa hiện tại theo phong cách của Tịnh Tông Học Hội bỏ đi Chú Lăng Nghiêm buổi sáng - thật sự rất đáng tiếc.

Người tu thiền càng nên trì Chú Lăng Nghiêm, vì tu thiền mà không có Chú Lăng Nghiêm thì dễ lạc vào ma đạo, dễ bị ma nhập. Thường thì hiện tại do tu xoàng xoàng nên chẳng con ma nào thèm ngó đến mình đâu.

11. Kinh Lăng Nghiêm được nói là bởi có Chú Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm phần viên thông của Đại Thế Chí Bồ Tát chính là niệm Phật, của Quán Thế Âm Bồ Tát là nhĩ căn, hai vị này đều ở Cực Lạc Thế Giới bên cạnh Phật A Di Đà, thử hỏi Kinh Lăng Nghiêm, Chú Lăng Nghiêm như vậy thì làm sao chống đối với Phật A Di Đà hay Pháp môn Tịnh độ?

Đừng nói là tu nhiều không chuyên nhất, bạn chỉ cần mỗi ngày niệm một biến chú Lăng Nghiêm, thời gian còn lại chuyên niệm Phật trong ngày, thì làm sao mà không chuyên nhất.

Vả lại, khi tâm đã chuyên nhất, thì niệm gì cũng là chuyên nhất.

Bỏ đây lấy kia chính là một sự chấp trước.

Tổ Sư Ấn Quang thường khuyên người niệm Chú Đại Bi.

Cố Hòa Thường Tuyên Hóa khuyên người ngoài Chú Đại Bi thì nên học thuộc thêm Chú Lăng Nghiêm.

Hai vị kể trên đều là bậc trí tuệ kiệt xuất, đều là Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân (Tổ sư Ấn Quang) và Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân (Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa), hai vị khuyên chúng ta hãy nắm giữ Chú Đại Bi và Chú Lăng Nghiêm.

12. Các vị Thầy, Tổ vãng sanh ở Việt Nam, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp ở Việt Nam xưa kia, có vị nào bỏ Chú Lăng Nghiêm đâu, các vị vẫn vãng sanh thật đẹp đấy thôi.

Ngày nay, việc bỏ Chú Lăng Nghiêm chính là mấu chốt của sự suy tàn Phật Pháp.

Như Kinh nói, thời mạt pháp còn lại bốn chữ "A Di Đà Phật", hiện tại nếu chúng ta chỉ biết niệm "A Di Đà Phật" chính là thúc đẩy thời mạt pháp.

Phải hành trì Chú Lăng Nghiêm và niệm thì phải niệm "Nam mô A Di Đà Phật", không được bỏ đi chữ "Nam mô" thì đó mới là giữ gìn Phật Pháp.

Những lý lẽ về sự nhất tâm, hay chuyên nhất chỉ là nói lý chứ không phải hành trì.

Đừng nói là sáu chữ hồng danh, nếu bạn nào có công phu hành trì sâu mà chuyên niệm Chú Vãng Sanh thì biết bao nhiêu chữ, lúc đó không phải sáu mà là hai mươi, ba mươi chữ vẫn chuyên nhất được.

13. Sự thành tựu các Pháp môn đều nên dựa vào Chú Lăng Nghiêm làm nền tảng, giữ gìn Chú Lăng Nghiêm chính là truyền bá Chánh Pháp không để đến mạt pháp vậy.

Người khuyến khích người khác trì Chú Lăng Nghiêm, hành Chú Lăng Nghiêm, đeo Chú Lăng Nghiêm thì đều có Kim Cang Tạng Vương hộ vệ.

14. Nếu được thì niệm Chú Lăng Nghiêm một lần vào buổi sáng, được nữa thì niệm thêm một lần vào buổi tối, như vậy sáng tối hai lần góp thêm chánh khí cho trời đất.

 

Lam sơn trang,

12/03/2021

http://www.hitwebcounter.com/