Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát

 
 

QUYỂN THỨ NĂM

Đời Diêu Tần ngài Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập vâng chiếu dịch. Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch

 

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM "AN-LẠC HẠNH" THỨ MƯỜI BỐN

         

       1. Lúc bấy giờ, ngài Văn-Thù-Sư-Lợi đại Bồ-tát bạch Phật rằng: "Thế-Tôn! Các vị Bồ-tát này thật là ít có, vì kính thuận Phật nên phát thệ nguyện lớn: Ở nơi đời ác sau, hộ trì đọc nói Kinh Pháp-Hoa này".

          Thế-Tôn! Các vị đại Bồ-tát ở đời ác sau, thế nào mà có thể nói Kinh này?

          Phật bảo ngài Văn-Thù-Sư-Lợi: "Nếu vị đại Bồ-tát ở đời ác sau muốn nói Kinh này, phải an trụ trong bốn pháp". 

          2. Một, an trụ nơi "Hành-xứ" và nơi "Thân-cận-xứ" của Bồ-tát, thời có thể vì chúng sanh mà diễn nói Kinh này. Văn-Thù-Sư-Lợi! Thế nào gọi là chỗ "Hành-xứ" của Đại Bồ-tát? Nếu vị Đại Bồ-tát an trụ trong nhẫn nhục hòa dịu khéo thuận mà không vụt chạc lòng cũng chẳng kinh sợ, lại ở nơi Pháp không phân biệt mà quán tướng như thật(1)  của các pháp cũng chẳng vịn theo, chẳng phân biệt, đó gọi là chỗ "Hành-xứ" của Bồ-tát.

          Thế nào gọi là chỗ "Thân-cận" của Đại Bồ-tát? - Vị Đại Bồ-tát chẳng gần gũi quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng, chẳng gần gũi các ngoại đạo Phạm-chí, Ni-kiền-Tử(2) v.v... và chẳng gần những kẻ viết sách thế tục ca ngâm; sách ngoại đạo cùng với phái "Lộ-già-da-đà" phái "Nghịch-lộ-già-da-đà"(3) cũng chẳng gần gũi những kẻ chơi hung hiểm đâm nhau, đánh nhau, và bọn Na-la(4) v.v... bày các cuộc chơi biến hiện.

          Lại chẳng gần gũi bọn hàng thịt và kẻ nuôi heo, dê, gà, chó, săn bắn, chài lưới, hạng người sống với nghề ác, những người như thế hoặc có lúc lại đến, thời Bồ-tát vì nói pháp không có lòng mong cầu.

          Lại chẳng gần gũi những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hạng người cầu quả Thanh-văn, hoặc ở trong phòng, hoặc chỗ kinh hành, hoặc ở trong giảng đường chẳng cùng ở chung, hoặc có lúc những người đó lại đến, Bồ-tát theo cơ nghi nói pháp không lòng mong cầu.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Lại vị Đại Bồ-tát chẳng nên ở thân người nữ cho là tướng có thể sanh tư tưởng dục nhiễm mà vì nói pháp, cũng chẳng ưa thấy. Nếu vào nhà người chẳng cùng với gái nhỏ, gái trinh, gái góa, v.v... chung nói chuyện, cũng lại chẳng gần năm giống người bất nam(5) để làm thân hậu.

          Chẳng riêng mình vào nhà người, nếu lúc có nhơn duyên cần riêng mình vào thời chuyên một lòng niệm Phật.

          Nếu vì người nữ nói pháp thời chẳng hở răng cười, chẳng bày hông, ngực, nhẫn đến vì pháp mà còn chẳng thân hậu, huống lại là việc khác.

          Chẳng ưa nuôi đệ tử Sa-di ít tuổi và các trẻ nhỏ, cũng chẳng ưa cùng chúng nó đồng một thầy. Thường ưa ngồi thiền ở chỗ vắng tu nhiếp tâm mình.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Đó gọi là chỗ "Thân-cận" ban đầu.

          3. Lại nữa, vị Đại Bồ-tát quán sát "Nhứt thiết pháp không như thiệt tướng"(1a) chẳng điên đảo, chẳng động, chẳng thối, chẳng chuyển, như hư không, không có thật tánh, tất cả lời nói phô dứt, chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng khởi, không danh, không tướng, thiệt không chỗ có, không lường, không ngằn, không ngại, không chướng, chỉ do nhơn duyên mà có, từ điên đảo mà sanh cho nên nói, thường ưa quán sát pháp tướng như thế đó gọi là "Chỗ thân-cận" thứ hai của vị Đại Bồ-tát.

          Lúc đó, Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 

4. Nếu có vị Bồ-tát

Ở trong đời ác sau

Lòng không hề sợ sệt

Muốn nói Kinh pháp này

Nên trụ vào "Hành-xứ"

Và trụ "Thân-cận-xứ".

Thường xa rời quốc vương

Và con của quốc vương

Quan đại thần, quan lớn

Kẻ chơi việc hung hiểm

Cùng bọn Chiên-đà-la(6)

Hàng ngoại đạo Phạm-chí

Cũng chẳng ưa gần gũi

Hạng người Tăng thượng mạn

Hàng học giả tham chấp

Kinh luật luận tiểu thừa

Những Tỳ-kheo phá giới

Danh tự A-la-hán

Và những Tỳ-kheo-ni

Ưa thích chơi giởn cười

Các vị Ưu-bà-di

Tham mê năm món dục

Cầu hiện tại diệt độ

Đều chớ có gần gũi.

Nếu những hạng người đó

Dùng tâm tốt mà đến

Tại chỗ của Bồ-tát

Để vì nghe Phật đạo

Bồ-tát thời nên dùng

Lòng không chút sợ sệt

Chẳng có niệm mong cầu

Mà vì chúng nói pháp.

Những gái góa, gái trinh

Và các kẻ bất nam

Đều chớ có gần gũi

Kẻ đồ tể cắt thái

Săn bắn và chài lưới

Vì lợi mà giết hại

Bán thịt để tự sống

Buôn bán sắc gái đẹp

Những người như thế đó

Đều chớ có gần gũi.

Các cuộc chơi giởn dữ

Hung hiểm đâm đánh nhau

Và những dâm nữ thảy

Trọn chớ có gần gũi.

Chớ riêng ở chỗ khuất

Vì người nữ nói pháp

Nếu lúc vì nói pháp

Chẳng đặng chơi giởn cười

Khi vào xóm khất thực

Phải dắt một Tỳ-kheo

Nếu không có Tỳ-kheo

Phải một lòng niệm Phật.

Đây thời gọi tên là

"Hành-xứ", "Thân-cận-xứ"

Dùng hai xứ trên đây

Có thể an lạc nói.

Lại cũng chẳng vịn theo

Pháp thượng, trung và hạ

Hữu-vi hay vô-vi

Thiệt cùng pháp chẳng thiệt

Cũng chẳng có phân biệt

Là nam là nữ thảy

Lại chẳng đặng các pháp

Chẳng biết cũng chẳng thấy

Đây thời gọi tên là

"Hành-xứ" của Bồ-tát.

Tất cả các món pháp

Đều không, chẳng chỗ có

Không có chút thường trụ

Vẫn cũng không khởi diệt

Đây gọi là "Thân-cận"

Chỗ người trí hằng nương.

Chớ đảo điên phân biệt

Các pháp có hoặc không

Là thật, chẳng phải thật

Là sanh chẳng phải sanh,

Ở an nơi vắng vẻ

Sửa trao nhiếp tâm mình

An trụ chẳng lay động

Như thể núi Tu-di.

Quán sát tất cả pháp

Thảy đều không thật có

Dường như khoảng hư không

Không có chút bền chắc.

Chẳng sanh cũng chẳng xuất

Chẳng động cũng chẳng thối

Thường trụ một tướng thể

Đó gọi là “Cận xứ”

Nếu có vị Tỳ-kheo

Sau khi Ta diệt độ

Vào được "Hành-xứ" này

Và "Thân-cận-xứ" đó

Thời lúc nói Kinh này

Không có lòng e sợ.

Vị Bồ-tát có lúc

Vào nơi nhà tịnh thất

Lòng nghĩ nhớ chơn chánh

Theo đúng nghĩa quán pháp.

Từ trong thiền định dậy

Vì các bậc quốc vương

Vương tử và quan, dân

Hàng Bà-la-môn thảy

Mà khai hóa diễn bày

Rộng nói Kinh điển này

Tâm vị đó an ổn

Không có chút khiếp nhược.

Văn-Thù-Sư-Lợi này!

Đó gọi là Bồ-tát

An trụ trong sơ pháp

Có thể ở đời sau

Diễn nói Kinh Pháp-Hoa.

       5. Lại Văn-Thù-Sư-Lợi! Sau khi Đức Như-Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp muốn nói Kinh này, phải trụ nơi hạnh An-lạc, hoặc miệng tuyên nói hoặc lúc đọc Kinh đều chẳng ưa nói lỗi của người và của Kinh điển; cũng chẳng khinh mạn các Pháp sư khác, chẳng nói việc hay dở, tốt xấu của người khác. Ở nơi hàng Thanh-văn cũng chẳng kêu tên nói lỗi quấy của người đó, cũng chẳng kêu tên khen ngợi điều tốt của người đó.

          Lại cũng chẳng sanh lòng oán hiềm, vì khéo tu lòng an-lạc như thế nên những người nghe pháp không trái ý. Có chỗ gạn hỏi, chẳng dùng pháp Tiểu thừa đáp, chỉ dùng pháp Đại thừa mà vì đó giải nói làm cho đặng bực "Nhứt-thiết-chủng-trí".

          Khi ấy, Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 6. Vị Bồ-tát thường ưa

An ổn nói Kinh pháp

Ở nơi chỗ thanh tịnh

Mà sắp đặt sàn tòa

Dùng hương dầu xoa thân

Tắm gội các bụi dơ

Mặc y mới sạch sẽ

Trong ngoài đều sạch thơm

Ngồi an nơi pháp tòa

Theo chỗ hỏi vì nói.

Nếu có vị Tỳ-kheo

Cùng với Tỳ-kheo-ni

Các hàng Ưu-bà-tắc

Và hàng Ưu-ba-di

Quốc vương và Vương tử

Các quan cùng sỹ dân

Dùng pháp nghĩa nhiệm mầu

Vui-vẻ vì họ nói.

Nếu có người gạn hỏi

Theo đúng nghĩa mà đáp

Nhơn duyên hoặc thí-dụ

Giải bày phân biệt nói

Dùng trí phương tiện này

Đều khiến kia phát tâm

Lần lần thêm đông nhiều

Vào ở trong Phật đạo.

Trừ lòng lười biếng trễ

Cùng với tướng giải đãi

Xa rời các ưu não

Tâm từ lành nói pháp.

Ngày đêm thường tuyên nói

Giáo pháp Vô thượng đạo

Dùng các việc nhơn duyên

Vô-lượng món thí-dụ

Mở bày dạy chúng sanh

Đều khiến chúng vui mừng

Y phục cùng đồ nằm

Đồ ăn uống thuốc thang

Mà ở nơi trong đó

Không có chỗ mong cầu

Chỉ chuyên một lòng nhớ

Nhơn duyên nói Kinh pháp

Nguyện ta thành Phật đạo

Khiến mọi người cũng vậy

Đó là lợi lành lớn

Là an vui cúng dường.

Sau khi Ta diệt độ

Nếu có vị Tỳ-kheo

Có thể diễn nói được

Kinh Diệu-Pháp-Hoa này

Lòng không chút ganh hờn

Không các não chướng ngại

Cũng lại không ưu sầu

Và cùng mắn nhiếc thảy

Lại cũng không sợ sệt

Không dao gậy đánh đập

Cũng không xua đuổi ra

Vì an trụ nhẫn vậy.

Người trí khéo tu tập

Tâm mình được dường ấy

Thời hay trụ an-lạc

Như ta nói ở trên

Công đức của người đó

Trong nghìn muôn ức kiếp

Tính kễ hay thí-dụ

Nói chẳng thể hết đặng.

          7. Lại Văn-Thù-Sư-Lợi! Vị đại Bồ-tát ở đời rốt sau lúc pháp gần diệt mà thọ trì đọc tụng Kinh điển này, chớ ôm lòng ganh ghét dua dối, cũng chớ khinh mắng người học Phật đạo, vạch tìm chỗ hay dở của kia. Nếu hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc cầu Thanh-văn, hoặc cầu Duyên-giác, hoặc cầu Bồ-tát đạo đều không đặng làm não đó, khiến cho kia sanh lòng nghi hối mà nói với người đó rằng: “Các người cách đạo rất xa trọn không thể đặng bực Nhứt-thiết-chủng-trí. Vì sao? Vì các người là kẻ buông lung biếng trể đối với Đạo”.

          Lại cũng chẳng nên hý luận các pháp có chổ giành cải. Phải ở nơi tất cả chúng sanh, khởi tưởng đại bi, đối với các Đức Như-Lai, sanh tưởng như cha lành, đối với các Bồ-tát ở mười phương phải thâm tâm lễ lạy, với tất cả chúng sanh đều bình đẳng nói pháp. Vì thuận theo pháp nên chẳng nói nhiều, chẳng nói ít, nhẫn đến người rất ưa pháp cũng chẳng vì nói nhiều.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Vị đại Bồ-tát ở đời rốt sau lúc pháp muốn diệt nếu thành tựu được hạnh thứ ba đây, thời lúc nói pháp này không ai có thể não loạn, đặng bạn đồng học tốt chung cùng đọc tụng Kinh này, cũng đặng đại chúng thường đến nghe thọ. Nghe rồi hay nhớ, nhớ rồi hay tụng, tụng rồi hay nói, nói rồi hay chép, hoặc bảo người chép, cúng dường Kinh quyển cung kính tôn trọng ngợi khen.

          Lúc bấy giờ, Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

8. Nếu muốn nói Kinh này

Phải bỏ lòng ganh hờn

Ngạo dua dối tà ngụy

Thường tu hạnh chất trực

Chẳng nên khinh miệt người

Cũng chẳng hý luận pháp

Chẳng khiến kia nghi hối

Rằng ngươi chẳng thành Phật,

Phật tử đó nói pháp

Thường nhu hòa hay nhẫn

Từ-bi với tất cả

Chẳng sanh lòng biếng trễ,

 Bồ-tát lớn mười phương

Thương chúng nên hành đạo

Phải sanh lòng cung kính

Đó là đại sư ta,

Với các Phật Thế-Tôn

Tưởng là cha Vô-thượng,

Phá nơi lòng kiêu mạn

Nói pháp không chướng ngại

Pháp thứ ba như thế

Người trí phải giữ gìn

Một lòng an-lạc hạnh

Vô-lượng chúng cung kính.

         

          9. Lại Văn-Thù-Sư-Lợi! Các vị đại Bồ-tát ở đời rốt sau lúc pháp gần diệt, có vị nào trì Kinh Pháp-Hoa này ở trong hàng người tại gia, xuất gia sanh lòng từ lớn, ở trong hạng người chẳng phải Bồ-tát sanh lòng bi lớn, phải nghĩ thế này: những người như thế thời là mất lợi lớn. Đức Như-Lai phương tiện tùy nghi nói pháp chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hay, chẳng hiểu, chẳng tin, chẳng hỏi. Người đó dầu chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu Kinh này, lúc ta đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, người đó tùy ở chỗ nào, ta dùng sức thần-thông, sức trí-huệ dẫn dắt đó khiến đặng trụ trong pháp này.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Vị đại Bồ-tát đó ở sau lúc Như-Lai diệt độ nếu thành tựu đặng pháp thứ tư này không có lầm lỗi, thường được hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Quốc vương, Vương tử, Đại thần, Nhân dân, Bà-la-môn, Cư sỹ thảy cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, hàng chư Thiên ở trên hư không vì nghe pháp cũng thường theo hầu. Nếu ở trong xóm làng thành ấp, rừng cây vắng vẻ, có người đến muốn gạn hỏi, hàng chư Thiên ngày đêm thường vì pháp mà vệ hộ đó, có thể khiến người nghe đều đặng vui mừng.

          Vì sao? Vì Kinh này được sức thần của tất cả các Đức Phật thuở quá khứ, vị lai, hiện tại giữ gìn vậy.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Kinh Pháp-Hoa này ở trong vô-lượng cõi nước, nhẫn đến danh tự còn chẳng đặng nghe, hà huống là đặng thấy thọ trì đọc tụng.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Thí như vua Chuyển-Luân Thánh-Vương(7) sức lực mạnh mẽ muốn dùng oai thế hàng phục các nước, mà các vua nhỏ chẳng thuận mạng lịnh, bấy giờ Chuyển-Luân Thánh-Vương đem các đạo binh qua đánh dẹp, vua thấy binh chúng những người đánh giặc có công, liền rất vui mừng theo công mà thưởng ban. Hoặc ban cho ruộng, nhà, xóm, làng, thành, ấp, hoặc ban cho đồ y phục trang nghiêm nơi thân, hoặc cho các món trân bảo, vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách, voi, ngựa, xe, cộ, tôi tớ, nhân dân, chỉ viên minh châu trong búi tóc chẳng đem cho đó.

          Vì sao? Vì riêng trên đảnh vua có một viên châu này, nếu đem cho đó thời các quyến thuộc của vua ắt rất kinh lạ.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Như-Lai cũng như thế, dùng sức thiền định trí-huệ đặng cõi nước Pháp, giáo hóa trong ba cõi mà Ma vương chẳng khứng thuận phục, các tướng Hiền Thánh của Như-Lai cùng ma đánh nhau. Những người có công lòng cũng vui mừng, ở trong hàng chúng vì nói các Kinh khiến tâm kia vui thích, ban cho các pháp Thiền-định, Giải thoát, Vô-lậu, Căn, Lực. Và lại ban cho thành Niết-bàn, bảo rằng đặng diệt độ để dẫn dắt lòng chúng làm cho đều đặng vui mừng, mà chẳng vì đó nói Kinh Pháp-Hoa này.

         Văn-Thù-Sư-Lợi! Như vua Chuyển-Luân thấy các binh chúng những người có công lớn, đem viên minh châu khó tin từ lâu ở trong búi tóc chẳng vọng cho người, mà nay cho đó.

          Đức Như-Lai cũng lại như thế, làm vị Đại-Pháp-Vương trong ba cõi, đem pháp mầu giáo hóa tất cả chúng sanh. Thấy quân Hiền Thánh cùng ma ngủ ấm, ma phiền não(8), ma chết, đánh nhau có công lao lớn, diệt ba độc, khỏi ba cõi, phá lưới ma. Lúc ấy Như-Lai cũng rất vui mừng; Kinh Pháp-Hoa này có thể khiến chúng sanh đến bậc "Nhứt-thiết-trí" là pháp mà tất cả thế gian đều oán ghét khó tin, trước chưa từng nói mà nay nói đó.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Kinh Pháp-Hoa này là lời nói bậc nhứt của Như-Lai, ở trong các lời nói thời là rất sâu, rốt sau mới ban cho, như vua sức mạnh kia lâu gìn viên minh châu mà nay mới cho đó.

          Văn-Thù-Sư-Lợi! Kinh Pháp-Hoa này là tạng bí mật của các Đức Phật Như-Lai, ở trong các Kinh thời là bậc trên hết, lâu ngày giữ gìn chẳng vọng tuyên nói, mới ở ngày nay cùng với các ông mà bày nói đó.

          Lúc đó, Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

  10. Thường tu hành nhẫn nhục

Thương xót tất cả chúng

Mới có thể diễn nói

Kinh của Phật khen ngợi.

Đời mạt thế về sau
Người thọ trì Kinh này

Với tại gia, xuất gia

Và chẳng phải Bồ-tát,

Nên sanh lòng từ-bi

Những người đó chẳng nghe

Chẳng tin Kinh pháp này

Thời là mất lợi lớn

Khi Ta chứng Phật đạo

Dùng các sức phương tiện

Vì nói Kinh pháp này

Làm cho trụ trong đó.

Thí như vua Chuyển-Luân

Thánh-vương có sức mạnh

Binh tướng đánh có công

Thưởng ban những đồ vật

Voi, ngựa và xe cộ

Đồ trang nghiêm nơi thân

Và những ruộng cùng nhà

Xóm làng thành ấp thảy

Hoặc ban cho y phục

Các món trân báu lạ

Tôi tớ cùng của cải

Đều vui mừng ban cho,

Nếu có người mạnh mẽ

Hay làm được việc khó

Vua mới mở búi tóc

Lấy minh châu cho đó.

Đức Như-Lai cũng thế

Là vua trong các pháp

Nhẫn nhục sức rất lớn

Tạng báu trí-huệ sáng

Dùng lòng từ-bi lớn

Đúng như pháp độ đời

Thấy tất cả mọi người

Chịu các điều khổ não

Muốn cầu được giải thoát

Cùng các ma đánh nhau,

Phật vì chúng sanh đó

Nói các món Kinh pháp

Dùng sức phương tiện lớn

Nói các Kinh điển đó,

Đã biết loài chúng sanh

Đặng sức mạnh kia rồi

Rốt sau mới vì chúng

Nói Kinh Pháp-Hoa này

Như vua Thánh mở tóc

Lấy minh châu cho đó.

Kinh nầy là bực tôn

Trên hết trong các Kinh

Ta thường giữ gìn luôn

Chẳng vọng vì mở bày

Nay chính đã phải lúc

Vì các ông mà nói.

Sau khi Ta diệt độ

Người mong cầu Phật đạo

Muốn đặng trụ an ổn

Diễn nói Kinh pháp này

Phải nên thường gần gũi

Bốn pháp trên như thế.

Người đọc tụng Kinh này

Thường không bị ưu não

Lại không có bịnh đau

Nhan sắc được trắng sạch

Chẳng sanh nhà bần cùng

Dòng ty tiện xấu xa

Chúng sanh thường ưa thấy.

Như ham mộ Hiền Thánh

Các Đồng tử cõi trời

Dùng làm kẻ sai khiến

Dao gậy chẳng đến được

Độc dữ chẳng hại được

Nếu người muốn mắng nhiếc

Miệng thời liền ngậm bít

Dạo đi không sợ sệt

Dường như Sư tử vương

Trí-huệ rất sáng suốt

Như mặt trời chói sáng.

Nếu ở trong chiêm bao

Chỉ thấy những việc tốt

Thấy các đức Như-Lai

Ngồi trên tòa sư tử

Các hàng chúng Tỳ-kheo

Vây quanh nghe nói pháp,

Lại thấy các Long thần

Cùng A-tu-la thảy

Số như cát sông hằng

Đều cung kính chắp tay

Tự ngó thấy thân mình

Mà vì chúng nói pháp.

Lại thấy các đức Phật

Thân tướng thuần sắc vàng

Phóng vô-lượng hào quang

Soi khắp đến tất cả

Dùng giọng tiếng Phạm âm

Mà diễn nói các pháp

Phật vì hàng tứ chúng

Nói Kinh pháp Vô thượng

Thấy thân mình ở trong

Chắp tay khen ngợi Phật

Nghe pháp lòng vui mừng

Mà vì cúng dường Phật

Đặng pháp Đà-la-ni

Chứng bậc Bất thối trí,

Phật biết tâm người đó

Đã sâu vào Phật đạo

Liền vì thọ ký cho

Sẽ thành tối Chánh giác

Thiện-nam-tử người này!

Sẽ ở đời vị lai

Chứng đặng vô lượng trí

Nên đạo lớn của Phật,

Cõi nước rất nghiêm tịnh

Rộng lớn không đâu bằng

Cũng có hàng tứ chúng

Chắp tay nghe nói pháp

Lại thấy thân của mình

Ở trong rừng núi vắng

Tu tập các pháp lành

Chứng thiệt tướng các pháp

Sâu vào trong thiền định

Thấy các Phật mười phương

Các Phật thân sắc vàng

Trăm phước tướng trang nghiêm

Nghe pháp vì người nói

Thường có mộng tốt đó.

Lại mộng làm quốc vương

Bỏ cung điện quyến thuộc

Và ngủ dục thượng diệu

Đi đến nơi đạo tràng

Ở dưới cội Bồ-Đề

Mà ngồi tòa sư tử

Cầu đạo quả bảy ngày

Đặng trí của các Phật

Thành đạo Vô thượng rồi

Dậy mà chuyển Pháp luân

Vì bốn chúng nói pháp

Trải nghìn muôn ức kiếp

Nói pháp mầu Vô-lậu

Độ vô-lượng chúng sanh

Sau sẽ vào Niết-bàn

Như khói hết đèn tắt.

Nếu trong đời ác sau

Nói pháp bực nhứt này

Người đó được lợi lớn

Các công đức như trên.


 

Thích nghĩa:

 

(1+1a) TƯỚNG NHƯ THẬT CỦA CÁC PHÁP: Rời tất cả tướng "có không v.v..." gọi là "Thật tướng" (tướng chơn-thật), vì tất cả tướng: có không v.v... đều là hư dối cả.

(2) NI-KIỀN-TỬ: Lỏa hình ngoại đạo (đạo ở trần truồng) cũng gọi là: "vô tàm ngoại đạo" (đạo không biết hổ thẹn).

(3) LỘ-GIÀ-DA-ĐÀ: Phái thuận thế ngoại đạo (đạo thuận theo thế tục) nghich-lộ Già-da-đà: Phái nghịch thuận thế ngoại đạo (chống trái với thuận thế ngoại đạo).

(4) NA-LA: Kẻ múa hát.

(5) BẤT NAM: Chẳng phải thiệt đàn ông, như người lại cái, kẻ không nam căn v.v...

(6) CHIÊN-ĐÀ-LA: Kẻ đồ-tể, quân đao phủ.

(7) CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG: Có bốn:

          a)- Thiết-Luân-Vương (cai trị 1 châu thiên-hạ).

          b)- Đồng-Luân-Vương (cai trị 2 châu thiên-hạ).

          c)- Ngân-Luân-Vương (cai trị 3 châu thiên hạ).

          d)- Kim-Luân-Vương (cai trị 4 châu thiên hạ).

Vì phước nghiệp đời trước nên khi lên ngôi vua, có xe báu tự nhiên, hoặc bằng sắt, đồng, bac, vàng hiện ra. Vua dùng xe đó mà đi tuần, hay dẹp giặc trong cõi mình cai trị nên gọi là "Chuyển-Luân-Thánh-Vương".

(8) MA NGỦ ẤM, MA PHIỀN NÃO: Năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay làm khổ hại nên gọi là ma. Các lòng tham, sân, si, dục, nghi v.v... thường làm rối-rắm, phiền-muộn rất khổ hại nên gọi là ma.