Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát

 
 

 

QUYỂN THỨ TƯ

Đời Diêu Tần ngài Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập vâng chiếu dịch. Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch

 

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM "NGỦ BÁ ĐỆ-TỬ THỌ-KÝ" THỨ TÁM

          1. Lúc bấy giờ, ngài Mãn-Từ-Tử từ nơi Đức Phật nghe trí-huệ phương tiện tùy cơ nghi nói pháp như thế, lại nghe thọ-ký cho các vị đệ tử lớn sẽ thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, lại nghe việc nhơn duyên đời trước, lại nghe các Đức Phật có sức tự-tại thần-thông lớn, đặng điều chưa từng có, lòng thanh-tịnh hớn hở, liền từ chổ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mắt không tạm rời, mà nghĩ thế nầy:

          "Thế-Tôn rất riêng lạ, việc làm ít có, thuận theo bao nhiêu chủng tánh ở trong đời, dùng sức phương tiện tri kiến mà vì đó nói pháp, vớt chúng sanh ra khỏi các chỗ tham trước, chúng con ở nơi công đức của Phật không thể dùng lời nói mà tuyên bày được, chỉ có Đức Phật Thế-Tôn hay biết bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con".

          2. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo: "Các ông thấy Mãn-Từ-Tử đây chăng? Ta thường khen ông là bậc nhứt trong hàng người nói pháp, cũng thường khen các món công đức của ông, ròng rặc siêng năng hộ trì giúp tuyên bày pháp của Ta, có thể chỉ dạy lợi mừng cho hàng bốn chúng (1) giải thích trọn vẹn Chánh pháp của Phật, mà làm nhiều lợi ích cho những người cùng đồng hạnh thanh-tịnh. Ngoài Đức Như-Lai, không ai có thể cùng tận chỗ biện bác ngôn luận của ông. Các ông chớ tưởng Mãn-Từ-Tử chỉ hay hộ trì trợ tuyên pháp của Ta thôi, ông cũng đã ở nơi chín mươi ức Đức Phật thuở quá khứ mà hộ trì trợ tuyên chánh pháp của Phật, ở trong nhóm người nói pháp thuở đó cũng là bực nhứt.

           Ông lại ở pháp không của Phật nói, thông suốt rành rẽ, đặng bốn món trí vô ngại, thường hay suy gẫm chắc chắn nói pháp thanh-tịnh không có nghi lầm, đầy đủ sức thần-thông của Bô-tát tùy số thọ mạng mà thường tu hạnh thanh-tịnh.

          Người đời thuở Đức Phật kia đều gọi ông thiệt là Thanh-văn. Nhưng ông Mãn-Từ-Tử dùng phương tiện đó làm lợi ích cho vô-lượng trăm nghìn chúng sanh, lại giáo hóa vô-lượng vô số người khiến đứng nơi đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Ông vì muốn tịnh cõi Phật mà thường làm Phật sự giáo hóa chúng sanh.

          Các Tỳ-kheo! Ông Mãn-Từ-Tử cũng đặng bực nhứt ở trong hàng người nói pháp thuở bảy Đức Phật, nay ở nơi chổ Ta trong hàng người nói pháp cũng là bực nhứt.

          Trong hàng người nói pháp thuở các Đức Phật trong Hiền-kiếp về đương lai cũng lại là bực nhứt, mà đều hộ trì giúp tuyên bày pháp của Phật. Ông cũng sẽ ở trong đời vị lai hộ trì trợ tuyên chánh pháp của vô-lượng vô biên các Đức Phật, giáo hóa làm lợi ích cho vô-lượng chúng sanh khiến an lập nơi đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, vì tịnh cõi Phật mà thường siêng năng tinh-tấn giáo hóa chúng sanh, lần lần đầy đủ đạo Bồ-tát.

          Qua vô-lượng vô số kiếp sau, ông sẽ ở nơi cõi nầy thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, hiệu là: Pháp-Minh Như-Lai, Ứng-Cúng, Chánh-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải, Vô-Thượng-Sỹ, Điều-Ngự Trượng-Phu, Thiên-Nhơn-Sư, Phật Thế-Tôn.

          Đức Phật đó lấy số thế giới Tam-thiên Đại-thiên nhiều như số cát sông Hằng mà làm thành một cõi Phật. Đất bằng bảy thứ báu, thẳng bằng như bàn tay không có núi gò, khe suối, rạch ngòi. Nhà, đài bằng bảy thứ báu đầy dẫy trong đó, cung điện của các Trời ở gần trên hư không, người cùng trời giao tiếp nhau, hai bên đều thấy được nhau, không có đường dữ cũng không có người nữ.

          Tất cả chúng sanh đều do biến hóa sanh, không có dâm dục, đặng pháp thần-thông lớn, thân chói ánh sáng, bay đi tự-tại, chí niệm bền chắc, có đức tinh-tấn trí-huệ, tất cả đều thân sắc vàng đủ ba mươi hai tướng tốt để tự trang nghiêm.

          Nhân dân nước đó thường dùng hai thức ăn: Một là Pháp-hỷ thực, hai là Thiền-duyệt thực(2) . Có vô-lượng vô số nghìn muôn ức na-do-tha các chúng Bồ-tát đặng sức thần-thông lớn, bốn trí vô ngại(3) , khéo hay giáo hóa loài chúng sanh. Chúng Thanh-văn trong nước đó tính kể số đếm đều không thể biết được, đều đặng đầy đủ ba món minh, sáu pháp thần-thông và tám món giải thoát(4) .

          Cõi nước của Đức Phật đó có vô-lượng công đức trang nghiêm thành tựu như thế, kiếp tên Bửu-Minh, nước tên Thiện-Tịnh. Phật đó sống lâu vô-lượng vô số kiếp, pháp trụ đời rất lâu. Sau khi Phật diệt độ, dựng tháp bằng bảy thứ báu khắp cả nước đó.

          Bấy giờ, Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

3. Các Tỳ-kheo lóng nghe

Đạo của Phật tử làm

Vì khéo học phương tiện

Chẳng thể nghĩ bàn được

Biết chúng ưa pháp nhỏ

Mà sợ nơi trí lớn

Cho nên các Bồ-tát

Làm Thanh-văn Duyên-giác

Dùng vô-số phương tiện

Độ các loài chúng sanh,

Tự nói là Thanh-văn

Cách Phật đạo rất xa

Độ thoát vô lượng chúng

Thảy đều được thành tựu

Dầu ưa nhỏ, biếng lười

Sẽ khiến lần thành Phật.

Trong ẩn hạnh Bồ-tát

Ngoài hiện là Thanh-văn

Ít muốn nhàm sanh tử

Thiệt tự tịnh cõi Phật

Bày ba độc(5) cho người

Lại hiện tướng tà kiến,

Đệ tử Ta như vậy

Phương tiện độ chúng sanh

Nếu Ta nói đủ cả

Các món việc hiện hóa

Chúng sanh nghe đó rồi

Thời lòng sanh nghi lầm.  

4. Nay Phú-Lâu-Na đây

Ở xưa nghìn ức Phật

Siêng tu đạo mình làm

Tuyên hộ các Phật pháp

Vì cầu huệ Vô thượng

Mà ở chổ Chư Phật

Hiện ở trên đệ tử

Học rộng có trí-huệ

Nói pháp không sợ sệt

Hay khiến chúng vui mừng

Chưa từng có mõi mệt

Để giúp nên việc Phật.

Đã được thần-thông lớn

Đủ bốn trí vô-ngại

Biết các căn lợi độn

Thường nói pháp thanh-tịnh

Diễn xướng nghĩa như thế

Để dạy nghìn ức chúng

Khiến trụ pháp Đại thừa

Mà tự tịnh cõi Phật.

Đời sau cũng cúng dường

Vô-lượng vô-số Phật

Hộ trợ tuyên chánh pháp

Cũng tự tịnh cõi Phật

Thường dùng các phương tiện

Nói pháp không e sợ

Độ chúng không kể được

Đều thành Nhứt-Thiết-Trí

Cúng dường các Như-Lai

Hộ trì tạng pháp bảo.

Sau đó đặng thành Phật

Hiệu gọi là Pháp-Minh

Nước đó tên Thiện-Tịnh

Bảy thứ báu hiệp thành

Kiếp tên là Bửu-Minh

Chúng Bồ-tát rất đông

Số nhiều vô-lượng ức

Đều đặng thần-thông lớn

Sức oai đức dầy đủ

Khắp đầy cả nước đó

Thanh-văn cũng vô-số

Ba minh tám giải thoát

Đặng bốn trí vô-ngại

Dùng hạng này làm Tăng.

Chúng sanh trong cõi đó

Dâm dục đều đã dứt

Thuần một biến hóa sanh

Thân trang nghiêm đủ tướng

Pháp hỷ, Thiền duyệt thực

Không tưởng món ăn khác.

Không có hàng nữ nhơn

Cũng không các đường dữ.

Phú-Lâu-Na Tỳ-kheo

Khi công đức trọn đầy

Sẽ đặng tịnh độ nầy

Chúng Hiền Thánh rất đông

Vô lượng việc như thế

Nay Ta chỉ nói lược.

 

         

5. Bấy giờ, một nghìn hai trăm vị A-La-Hán, bực tâm tự-tại, nghĩ như vầy: "Chúng ta vui mừng đặng điều chưa từng có, nếu đức Thế-Tôn đều thọ ký cho như các đệ tử lớn khác thời sung-sướng lắm".

          Đức Phật biết các tâm niệm của các vị đó nên nói với ngài Đại Ca-Diếp: "Một nghìn hai trăm vị A-La-Hán đó, nay Ta sẽ hiện tiền thứ tự mà thọ ký đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".

          Trong chúng đó, đệ tử lớn của Ta là Kiều-Trần-Như Tỳ-kheo, sẽ cúng dường sáu muôn hai nghìn ức Đức Phật, vậy sau đặng thành Phật hiệu là Phổ-Minh Như-Lai, Ứng-Cúng, Chánh-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải, Vô-Thượng-Sỹ, Điều-Ngự Trượng-Phu, Thiên-Nhơn-Sư, Phật Thế-Tôn.

          Năm trăm vị A-La-Hán: Ông Ưu-Lâu-Tần-Loa Ca-Diếp, ông Già-Da Ca-Diếp, ông Na-Đề Ca-Diếp, ông Ca-Lưu Đà-Di, ông Ưu-Đà-Di, ông A-Nâu-Lâu-Đà, ông Ly-Bà-Đa, ông Kiếp-Tân-Na, ông Bạc-Câu-La, ông Châu-Đà-Tá, ông Dà-Đà v.v... đều sẽ đặng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, đều đồng một hiệu là Phổ-Minh.

          Bấy giờ, Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 

6. Kiều-Trần-Như Tỳ-kheo

Sẽ gặp vô-lượng Phật

Qua vô-số kiếp sau

Mới đặng thành Chánh-giác

Thường phóng quang minh lớn

Đầy đủ các thần-thông

Danh đồn khắp mười phương

Tất cả đều tôn kính

Thường nói pháp Vô thượng

Nên hiệu là Phổ-Minh

Cõi nước đó thanh-tịnh

Bồ-tát đều dõng mãnh

Đều lên lầu gác đẹp

Dạo các nước mười phương

Đem đồ cúng Vô thượng

Hiến dâng các đức Phật,

Làm việc cúng đó xong

Sanh lòng rất vui mừng

Giây lát về bổn quốc

Có sức thần như thế.

Phật thọ sáu muôn kiếp

Chánh pháp trụ bội thọ

Tượng pháp lại hơn chánh

Pháp diệt trời người lo. 

7. Năm trăm Tỳ-kheo kia

Thứ tự sẽ là Phật

Đồng hiệu là Phổ-Minh

Theo thứ thọ ký nhau:

Sau khi Ta diệt độ

Ông đó sẽ làm Phật

Thế gian của ông độ

Cũng như Ta ngày nay

Cõi nước đó nghiêm sạch

Và các sức thần-thông

Chúng Thanh-văn, Bồ-tát

Chánh pháp cùng Tượng pháp

Thọ mạng kiếp nhiều ít

Đều như trên đã nói.

Ca-Diếp! Ông đã biết

Năm trăm vị tự-tại

Các chúng Thanh-văn khác

Cũng sẽ làm như thế

Vị nào vắng mặt đây

Ông nên vì tuyên nói.

         

          8. Bấy giờ, năm trăm vị A-La-Hán ở trước Phật đặng thọ ký xong, vui mừng hớn hở, liền từ chổ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật, ăn năn lỗi của mình mà tự trách: Thế-Tôn, chúng con thường nghĩ như vầy, tự cho  mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là như người vô trí, vì sao? Chúng con đáng được trí-huệ của Như-Lai mà bèn tự lấy trí nhỏ cho là đủ.

         Thế-Tôn! Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi, lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say, cho đó rồi đi. Gã đó say nằm đều không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác, vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu tìm rất là khổ nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ.

          Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng: "Lạ thay! Anh này, sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui tha hồ thọ năm món dục, ở ngày tháng năm đó, đem châu báu vô giá cột vào trong áo anh, nay vẫn còn đó mà anh không biết, lại đi nhọc nhằn sầu khổ để cầu tự nuôi sống thật là khờ lắm; nay anh nên đem ngọc báu đó đổi chác lấy đồ cần dùng thời thường được vừa ý không chổ thiếu thốn.

          Đức Phật cũng lại như vậy, lúc làm Bồ-tát giáo hóa chúng con khiến phát lòng cầu Nhứt-Thiết-Trí, mà chúng con liền bỏ quên không hay không biết. Đã được đạo A-La-Hán tự nói là diệt độ, khổ nhọc nuôi sống đặng chút ít cho là đủ, tất cả trí nguyện vẫn còn chẳng mất. Ngày nay Thế-Tôn giác ngộ chúng con mà nói rằng: "Các Tỳ-kheo! Đạo của các ông không phải rốt ráo diệt. Ta từ lâu đã khiến các ông gieo căn lành của Phật, dùng sức phương tiện chỉ tướng Niết-bàn, mà các ông cho là thiệt được diệt độ".

          Thế-Tôn! Chúng con nay mới biết mình thiệt là Bồ-tát được thọ ký sẽ thành đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vì nhơn duyên đó lòng rất vui mừng được điều chưa từng có.

          Bấy giờ, ông A-Nhã Kiều-Trần-Như muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

9. Chúng con nghe vô thượng

Tiếng thọ ký an ổn

Vui mừng chưa từng có

Lạy Phật trí vô-lượng.

Nay ở trước Thế-Tôn

Tự hối các lỗi quấy

Trong Phật báu vô-lượng

Được chút phần Niết-bàn

Như người ngu vô trí

Bèn tự cho là đủ.

Thí như người nghèo cùng

Qua đến nhà thân hữu

Nhà đó rất giàu lớn

Bày đủ các tiệc ngon

Đem châu báu vô giá

Cột dính trong vạt áo

Thầm cho rồi bỏ đi

Gã say nằm không hay.

Sau khi gã đã dậy

Dạo đi đến nước khác

Cầu ăn mặc tự sống

Nuôi sống rất khốn khổ

Được ít cho là đủ

Chẳng lại muốn đồ tốt

Chẳng biết trong vạt áo

Có châu báu vô giá.

Người thân hữu cho châu

Sau gặp gã nghèo này

Khổ thiết trách gã rồi

Chỉ cho châu trong áo.

Gã nghèo thấy châu đó

Lòng gã rất vui mừng

Giàu có các của cải

Tha hồ hưởng ngũ dục.

Chúng con cũng như vậy

Thế-Tôn từ lâu xưa

Thường thường giáo hóa cho

Khiến gieo nguyện vô thượng.

Chúng con vì vô trí

Chẳng hay cũng chẳng biết

Được chút phần Niết-bàn

Cho đủ chẳng cầu nữa.

Nay Phật giác ngộ con

Nói chẳng phải thiệt diệt

Đặng Phật huệ Vô thượng

Đó mới là thiệt diệt.

Con nay từ Phật nghe

Thọ ký việc trang nghiêm

Cùng tuần tự thọ ký

Thân tâm khắp mừng vui.

 

Thích nghĩa:

 

(1) BỐN CHÚNG: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

(2) PHÁP HỶ THỰC: Lảnh hội pháp mầu lòng vui mừng, thân khoan khoái.

     THIỀN DUYỆT THỰC: Trụ trong thiền định, tâm an, thân khỏe.

(3) BỐN TRÍ VÔ NGẠI: a)- Pháp vô ngại (có trí nói pháp suốt thông). b)- Từ vô ngại   (lời tiếng đầy đủ không trệ). c)- Nghĩa vô ngại (Nghĩa, ý thấu đáo). d)- Nhạo thuyết vô ngại (thường ưa thích nói pháp).

(4) TÁM MÓN GIẢI THOÁT:

          a)- Nội hữu sắc tướng ngoại quán sắc giải thoát.

          b)- Nội vô sắc tướng ngoại quán sắc giải thoát.

          c)- Tinh-bội xả thân tác chứng giải thoát.

          d)- Hư không xứ giải thoát.

          e)- Thức vô biên xứ giải thoát.

          f)- Vô-sở-hữu xứ giải thoát.

          g)- Phi hữu-tưởng phi vô-tưởng giải thoát.

          h)- Diệt-thọ tưởng giải thoát.

(5) BA ĐỘC: Tham, sân, si.