A Di Đà Phật ! Kính chào quý khách ghé thăm 

 


Kinh Hoa Nghiêm

Phẩm Bồ Tát Vấn Minh

Thứ mười

Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

 Lúc bấy giờ, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Giác-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Tâm-tánh vốn là một, sao lại thấy có các thứ sai khác?

 Những là: Đến đường lành nẻo dữ, căn thân có đủ có thiếu, thọ sanh đồng và khác, đẹp-đẽ cùng xấu-xí, nào vui nào khổ, nghiệp không biết tâm, mà tâm cũng chẳng biết nghiệp, thọ không rõ báo mà báo cũng chẳng rõ thọ, tâm chẳng biết thọ mà thọ cũng không biết tâm, nhơn không biết duyên mà duyên cũng chẳng biết nhơn, trí chẳng biết cảnh mà cảnh cũng chẳng biết trí.

 Giác-Thủ Bồ-Tát nói kệ để đáp:

 Nay ngài hỏi nghĩa này

 Vì Liễu-ngộ quần-mông

 Cứ tánh kia, tôi đáp

 Xin ngài lóng nghe cho.

 Các pháp không tác dụng

 Cũng không có thể tánh

 Vì thế nên các pháp

 Đều chẳng biết được nhau.

 Ví như nước trong sông

 Các dòng đua nhau chảy

 Chúng đều chẳng biết nhau

 Các pháp cũng như vậy.

 Lại cũng như đống lửa

 Đồng thời phát ngọn to

 Chúng đều chẳng biết nhau

 Các pháp cũng như vậy.

 Lại như gió lớn thổi

 Xao động các cảnh vật

 Chúng đều chẳng biết nhau

 Các pháp cũng như vậy.

 Lại như các địa-giới

 Xây vần nương tựa nhau

Chúng đều chẳng biết nhau

 Các pháp cũng như vậy.

 Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân

 Tâm-ý sáu tình-căn

 Do dây thường lưu-chuyển

 Nhưng vẫn không năng-chuyển.

 Pháp-tánh vốn vô-sanh

Thị hiện mà có sanh

 Trong đây không năng hiện

 Cũng không vật sở-hiện.

 Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân

 Tâm-ý sáu tình-căn

 Tất cả rỗng vô-tánh

 Vọng phân-biệt mà có.

 Cứ đúng lý quan-sát

 Tất cả đều vô-tánh

 Pháp-nhãn bất-tư-nghì

 Đây là thấy chơn thật.

 Hoặc vọng hay chẳng vọng

 Hoặc thiệt hoặc chẳng thiệt

 Thế-gian cùng xuất-thế

 Chỉ là giả ngôn-thuyết.

 Lúc đó, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Tài-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Đức Như-Lai tùy thờI-gian như thế-nào, cũng như tùy mạng-sống, tùy thân-thể, tùy hành-vi, tùy hiểu-biết, tùy ngôn-luận, tùy sở-thích, tùy phương-tiện, tùy tư-duy, tùy quan-sát của chúng-sanh như thế nào, mà hiện thân Phật để giáo-hóa điều-phục các chúng-sanh ấy?

 Tài-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Đây là cảnh của bực

 Đa-Văn thích tịch-diệt,

 Nay tôi vì ngài đáp

 Xin ngài chú ý nghe.

 Phân biệt quán nội-thân

 Trong đây gì là ta?

 Nếu hiểu được như vậy

 Thời biết ta không.

 Thân này là giả tạo

 Chỗ trụ không nơi chỗ

 Người thiệt-biết thân này

 Trong đây không chấp trước.

 Nơi thân khéo quan-sát

 Tất cả đều thấy rõ

 Biết pháp đều hư-vọng

 Chẳng khởi tâm phân-biệt.

 Mạng sống nhơn gì có

 Rồi nhơn gì tan mất

 Khác nào vòng lửa xây

 Đầu đuôi chẳng biết được.

 Người trí hay quan-sát

 Có tướng đều vô-thường

 Các pháp, không, vô-ngã

 Lìa hẳn tất cả tướng.

 Các báo, tùy nghiệp sanh

 Giả dối như giấc mơ

 Luôn luôn thường diệt hoại

 Như trước, sau cũng vậy.

 Những pháp thấy ở đời

 Chỉ do tâm làm chủ,

 Tùy hiểu chấp lấy tướng

 Điên-đảo chẳng đúng thật.

 Những ngôn-luận trong đời

 Đều do phân biệt cả

 Chưa từng có một pháp

 Được vào nơi pháp-tánh.

 Sức năng-duyên, sở-duyên

 Sanh ra những pháp-tướng

 Chóng diệt, chẳng tạm dừng

 Niệm niệm đều như vậy.

 Lúc đó, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Bửu-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Tất cả chúng-sanh đồng có tứ-đại, không ngã, không ngã-sở, tại sao lại có những sự khác biệt, như khổ vui, tốt xấu, ưa trong chuộng ngoài, thọ ít hưởng nhiều, hoặc hiện báo, hoặc hậu báo. Nhưng trong pháp-giới vẫn không tốt xấu?

 Bửu-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Cứ theo nghiệp đã tạo

 Sanh quả báu như vậy

 Đều không có tác-giả

 Đây là lời chư Phật.

 Như mặt gương sáng sạch

 Tùy theo cảnh đối tượng

 Hiện bóng sai khác nhau

 Nghiệp tánh cũng như vậy.

 Cũng như ruộng gieo giống

 Chúng đều chẳng biết nhau

 Tự nhiên mọc lên cây

 Nghiệp tánh cũng như vậy.

 Như nhà ảo thuật giỏi

 Ở tại ngã tư đường

 Hiện ra những sắc-tướng

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Như người gỗ máy móc

 Hay vang ra các tiếng

 Nó không ngã ngã-sở

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Cũng như giống chim bay

 Từ trứng nở sanh ra

 Tiếng kêu không đồng nhau

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Ví như trong thai-tạng

 Căn thân đều thành-tựu

 Thể-tướng không từ đâu

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Lại như ở địa-ngục

 Bao nhiêu là sự khổ

 Kia đều không từ đâu

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Như vua Chuyển-luân-vương

 Có đủ bảy thứ bảo

 Chỗ đến không từ đâu

 Nghiệp-tánh cũng như vậy.

 Lại như các thế-giới

 Lúc đại-hỏa cháy tan

 Lửa này không từ đâu

 Nghiệp-tánh cũng như vậy

 Lúc đó Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Đức-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Chỗ giác-ngộ của Đức Như-Lai chỉ là một pháp duy-nhứt, sao lại bảo là vô-lượng-pháp, hiện vô-lượng cõi, hóa vô-lượng-chúng, diễn vô-lượng âm, thị vô-lượng thân, biết vô-lượng tâm, hiện vô-lượng thần-thông, có thể chấn động khắp vô-lượng thế-giới, thị-hiện vô-lượng sự thù-thắng trang-nghiêm, hiển-thị vô-biên nhiều loại cảnh-giới. Nhưng trong pháp-tánh các tướng sai-biệt này đều bất-khả-đắc.

 Đức-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Nghĩa của Phật-tử hỏi

 Rất sâu khó rõ được

 Người trí biết nghĩa này

 Thường chứa công-đức Phật.

 Như đất chỉ một tánh

 Mọi loài ở riêng chỗ

 Đất không nghĩ đồng khác

 Pháp chư Phật như vậy.

 Cũng như một đại-hải

 Ngàn vạn lượng sóng trào

 Nước biển vẫn duy nhứt

 Pháp chư Phật như vậy.

 Cũng như gió một tánh

 Thổi động tất cả vật

 Gió không nghĩ đồng khác

 Pháp chư Phật như vậy.

 Cũng như mây sấm lớn

 Mưa khắp cả mọi nơi

 Nước mưa vẫn không khác

 Pháp chư Phật như vậy.

 Cũng như mặt đất kia

 Mọc lên nhiều mầm mộng

 Mặt đất chỉ là một

 Pháp chư Phật như vậy.

 Mặt nhựt không mây mờ

 Chiếu sáng khắp mười phương

 Quang-minh không sai khác

 Pháp chư Phật như vậy.

 Như mặt nguyệt trên cao

 Mọi nơi đều nhìn thấy

 Mặt nguyệt vẫn một chỗ

 Pháp chư Phật như vậy.

 Ví như Đại-Phạm-Vương

 Ứng hiện khắp đại-thiên

 Thân ngài vẫn không khác

 Pháp chư Phật như vậy.

 Lúc đó Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Mục-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Như-Lai phước-điền đồng một không sai khác, sao lại thấy chúng-sanh bố-thí được của quả-báo chẳng đồng?

Những là: Nhiều loại sắc, nhiều loại thân, nhiều loại căn, nhiều loại nhà, nhiều loại chủ, nhiều loại quyến thuộc, nhiều loại quan-chức, nhiều loại công-đức, nhiều loại trí-huệ.

 Nhưng đức Phật đối với họ, tâm Phật thường bình-đẳng, không có quan-niệm riêng khác

 Mục-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Như tất cả vẫn là một

 Theo giống mọc mầm khác

 Đất không ý thân sơ

 Phật phước-điền cũng vậy.

 Lại như nước một vị

 Nhơn đồ đựng có khác

 Phật phước-điền vẫn một

 Do tâm người thành khác.

 Như nhà ảo thuật khéo

 Làm mọi người hoan-hỉ

 Phật phước-điền cũng vậy

 Khiến chúng-sanh kính vui.

 Như vua có tài trí

 Hay khiến nhơn-dân mừng

 Phật phước-điền cũng vậy

 Khiến chúng đều an-vui.

 Như mặt gương sáng sạch

 Theo hình mà hiện bóng

 Phật phước-điền cũng vậy

 Tùy tâm được báo khác.

 Như thuốc A-gìa-đà

 Trị được tất cả độc

 Phật phước-điền cũng vậy

 Dứt các hoạ phiền não.

 Như lúc mặt trời mọc

 Chiếu sáng khắp thế-gian

 Phật phước-điền cũng vậy

 Phá trừ những tối tăm.

 Như mặt nguyệt tròn sáng

 Chiếu khắp cõi đại-địa

 Phật phước-điền cũng vậy

 Bình-đẳng với tất cả.

 Ví như gió tỳ-lam

 Chấn-động khắp đại địa

 Phật phước-điền cũng vậy

 Động chúng-sanh ba cõi.

 Như đại hỏa nổi lên

 Đốt cháy tất cả vật

 Phật phước-điền cũng vậy

 Đốt tất cả hữu-vi.

 Lúc đó Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Cần-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Phật-giáo là một, chúng-sanh được thấy biết, cớ sao không liền đều dứt trừ tất cả phiền-não hệ-phược mà được xuất-ly? Nhưng nơi chúng-sanh, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, năm uẩn, dục, sắc, vô-sắc, ba cõi, vô-minh, tham-ái đều không sai khác. Như thế thời Phật-giáo, đối với chúng-sanh, hoặc có lợi ích, hoặc không có lợi ích?

 

 Cần-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Phật-tử khéo lóng nghe

 Nay tôi cứ thiệt đáp

 Hoặc có mau giải-thoát

 Hoặc có khó xuất-ly.

 Nếu muốn cầu dứt trừ

 Vô-lượng những lỗi ác

 Nên ở trong Phật-pháp

 Dũng-mãnh thường tinh-tấn.

 Ví như chút ít lửa

 Đốt ướt thời chóng tắt

 Ở nơi trong Phật-pháp

 Người giải-đãi cũng vậy.

 Như cọ cây lấy lửa

 Chưa cháy mà nghỉ luôn

 Thế lửa liền tắt nguội

 Người giải-đãi cũng vậy.

 Như người cầm nhựt châu

 Chẳng dùng vật tiếp bóng

 Trọn không thể được lửa

 Người giải-đãi cũng vậy

 Như ánh nắng quá chói

 Trẻ nít nhắm đôi mắt

 Tự nói sao không thấy

 Người giải-đãi cũng vậy

 Như người không tay chân

 Muốn dùng cỏ làm tên

 Bắn phá cả đại-địa

 Người giải-đãi cũng vậy

 Như lấy một đầu lông

 Muốn chấm khô đại hải

 Người giải-đãi cũng vậy

 Không thể dứt hoặc nghiệp.

 Lại như kiếp-hỏa nổi

 Muốn tắt với ít nước

 Ở nơi trong Phật-pháp

 Người giải-đãi cũng vậy.

 Như người ngó hư-không

 Ngồi yên không giao-động

 Nói mình bay đi khắp

 Người giải-đãi cũng vậy.

 Lúc đó Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Pháp-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Như lời đức Phật dạy: Nếu có chúng-sanh thọ-trì Chánh-pháp thời đều có thể dứt trừ tất cả phiền-não?

 Nhưng cớ sao có người thọ-trì chánh-pháp lại tùy thế-lực của tham, sân, si, mạn, tùy thế-lực của phú, phẩn, hận, tật, xan, cuống, siểm ... xoay chuyển không rời nơi tâm. Người hay thọ-trì pháp, cớ sao lại ở trong tâm hành khởi các phiền-não?

 Pháp-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Phật-tử khéo lóng nghe

 Thật nghĩa ngài đã hỏi

 Vì chẳng phải đa-văn

 Mà vào được Phật-pháp.

 Như người trôi giữa dòng

 Sợ chìm mà chết khát

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như trần-thiết vật thực

 Chẳng ăn phải đói

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như người giỏi dược-phương

 Chẳng cứu được bịnh mình

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như người đếm châu báu

 Tự mình vẫn nghèo nàn

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như người ở vương-cung

 Mà tự chịu đói rét

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như điếc tấu âm-nhạc

 Người nghe mình chẳng nghe

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như mù họa hình tượng

 Người thấy mình chẳng thấy

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Ví như nhà hàng-hải

 Mà tự chết trong biển

 Nơi pháp chẳng tu-hành

 Đa-văn cũng như vậy.

 Như ở ngã tư đường

 Giảng nói những điều tốt

 Mà tự không thật-đức

 Chẳng tu cũng như vậy.

 Lúc đó, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Trí-Thủ Bồ-Tát: 'Phật-tử! Trong phật-pháp, trí-huệ là trên tất cả, cớ sao với các chúng-sanh, đức Phật hoặc ca ngợi sự bố-thí, sự trì-giới, hoặc ca ngợi sự nhẫn-nhục, sự tinh-tấn, thiền-định, trí-huệ, từ-bi, hỉ xả ... , mà chẳng chỉ dùng một pháp để được giải-thoát, thành vô-lượng chánh-đẳng chánh-giác?

 Trí-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Phật-tử rất hi-hữu

 Biết rõ tâm chúng-sanh

 Xin lóng nghe tôi đáp

 Những nghĩa ngài đã hỏi.

 Chư Phật thuở quá-khứ

 Hiện-tại và vị-lai

 Không có nói một pháp

 Mà chứng được đạo-quả.

 Phật biết tâm chúng-sanh

 Tánh phận đều chẳng đồng

 Tùy chỗ họ đáng thọ

 Theo đó mà thuyết pháp.

 Vì kẻ tham, khuyên thí

 Vì người lỗi, khen giới

 Nhiều sân, thời khuyên nhẫn

 Giải-đãi, thời khuyên siêng.

 Loạn tâm phải tu-định

 Ngu-si trau trí-huệ

 Bất-nhơn phải từ-mẫn

 Giận-hại khuyên rèn bi.

 Lo rầu thời ngợi hỉ

 Chấp trước lời khen xả

 Tuần tự tu như vậy

 Lần đủ các phật-pháp.

 Như trước xây nền móng

 Rồi sau tạo nhà cửa

 Thí và giới cũng vậy

 Là gốc hạnh Bồ-Tát.

 Ví như dựng thành quách

 Để bảo hộ dân chúng

 Nhẫn và tấn cũng vậy

 Phòng hộ chư Bồ-Tát.

 Ví như Đại-Lực-Vương

 Cả nước đều ngưỡng vọng

 Định huệ cũng như vậy

 Chỗ tựa của Bồ-Tát.

 Cũng như vua chuyển-luân

 Ban vui cho nhân-loại

 Từ bi và hỉ xả

 Làm Bồ-Tát an vui.

 Lúc đó Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi Hiền-Thủ Bồ-Tát rằng: 'Phật-tử! Chư Phật chỉ do một đạo mà được giải-thoát. Cớ sao hiện nay thấy tất cả phật-độ lại có nhiều sự không đồng, những là: Thế-giới, chúng-sanh-giới, thuyết-pháp, điều-phục, thọ-lượng, quang-minh, thần-thông, chúng-hội, giáo-nghĩa, pháp-trụ v.v... đều sai khác nhau.

 Không có vị nào chẳng đủ tất cả phật-pháp mà được thành vô-thượng bồ-đề?

 Hiền-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Thưa ngài! Pháp thường vậy

 Pháp-Vương pháp duy-nhất

 Tất cả chư Như-Lai

 Một đạo mà giải-thoát.

 Thân của tất cả Phật chỉ là một pháp-thân

 Nhứt-tâm, nhứt trí-huệ

 Lực vô-úy cũng vậy.

 Như trước đến bồ-đề

 Bao nhiêu tâm hồi hướng

 Được cõi nước như vậy

 Chúng-hội và thuyết-pháp.

 Tất cả các cõi Phật

 Trang-nghiêm đều viên-mãn

 Tùy chúng-sanh hạnh khác

 Thấy chẳng đồng như vậy

 Cõi Phật cùng thân Phật

 Chúng hội và ngôn thuyết

 Các phật-pháp như vậy

 Chúng-sanh chẳng thấy được.

 Tâm ý đã thanh-tịnh

 Hạnh-nguyện đều đầy đủ

 Người sáng suốt như vậy

 Mới được thấy nơi đây.

 Tùy chúng-sanh tâm thích

 Và cùng sức nghiệp-quả

 Thấy sai khác như vậy

 Do oai thần của Phật.

 Cõi Phật vô-sai-biệt

 Không ghét cũng không thương

 Chỉ tùy tâm chúng-sanh

 Thấy có khác như vậy.

 Do đây nơi thế-giới

 Chỗ thấy đều sai khác

 Chẳng phải chư Như-Lai

 Bực Đại-Tiên có lỗi.

 Tất cả các thế-giới

 Người đáng được giáo-hóa

 Thường được thấy Thế-Tôn

 Pháp chư Phật như vậy.

 Lúc đó chư Bồ-Tát nói với Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát: 'Phật-tử! Chúng tôi đã tự nói chỗ hiểu biết của mình rồi. Xin ngài dùng diệu-biện-tài diễn sướng những cảnh-giới của Như-Lai:

Những gì là cảnh-giới của Phật? Những gì là nhơn của cảnh-giới Phật? Những gì là sự tế độ của cảnh giới Phật? Những gì là sự nhập vào của cảnh-giới Phật? Những gì là trí của cảnh-giới Phật? Những gì là pháp của cảnh-giới Phật? Những gì là ngôn-thuyết của cảnh-giới Phật? những gì là sự hiểu biết của cảnh-giới Phật? Những gì là sự chứng của cảnh-giới Phật? Những gì là sự hiện ở của cảnh-giới Phật? Những gì là sự rộng lớn của cảnh-giới Phật?

 Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát nói kệ đáp rằng:

 Như-Lai cảnh-giới sâu

 Lượng đó khắp hư-không

 Tất cả chúng-sanh vào

 Mà thật không chỗ nhập.

 Như-Lai cảnh-giới sâu

 Bao nhiêu nhơn thắng diệu

 Ức kiếp thường tuyên nói

 Cũng lại chẳng thể hết.

 Tùy tâm trí huệ mình

 Khuyến tấn đều khiến lợi

 Độ chúng-sanh như vậy

 Là cảnh-giới chư Phật.

 Những cõi nước thế-gian

 Tất cả đều theo vào

 Trí thân không có sắc

 Chẳng phải kia thấy được.

 Chư Phật trí tự-tại

 Tam-thế không chướng ngại

 Cảnh-giới huệ như vậy

 Bình-đẳng như hư-không.

 Pháp-giới chúng-sanh-giới

 Rốt ráo không sai khác

 Tất cả đều rõ biết

 Đây là cảnh-giới Phật.

 Trong tất cả thế-giới

 Bao nhiêu những âm-thinh

 Phật-trí đều tùy rõ

 Cũng không có phân-biệt.

 Chẳng phải thức biết được

 Chẳng phải tâm cảnh-giới

 Tánh đó vốn thanh-tịnh

 Khai-thị các quần-sanh.

 Chẳng nghiệp chẳng phiền-não

 Không vật không trụ-xứ

 Không chiếu không sở-hành

 Bình-đẳng đi thế-gian.

 Tất cả tâm chúng-sanh

 Khắp ở trong ba thời

 Như-Lai nơi một niệm

 Tất cả đều rõ thấu.

 Lúc bấy giờ trong cõi Ta-Bà này, tất cả chúng-sanh, bao nhiêu pháp sai-biệt, nghiệp sai-biệt, thế-gian sai-biệt, thân sai-biệt, căn sai-biệt, thọ sanh sai-biệt, trì-giới quả sai-biệt, phạm-giới quả sai-biệt, quốc-độ quả sai-biệt, do thần-lực của Phật thảy đều hiện rõ.

 Phương đông, trăm ngàn ức na-do-tha vô-số, vô-lượng, vô-biên, vô-đẳng, bất-khả-số, bất-khả-xưng, bất-khả-tư, bất-khả-lượng, bất-khả-thuyết, tận pháp-giới hư-không-giới, trong tất cả thế-giới, bao nhiêu chúng-sanh pháp sai-biệt, nhẫn đến quốc độ quả sai biệt đều do thần-lực của Phật mà hiển hiện rõ ràng.

 Những phương Nam, Tây, Bắc, Đông-Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam, Tây-Bắc, thượng, hạ, cũng đều như vậy.