A Di Đà Phật ! Kính chào quý khách ghé thăm 

 


Kinh Hoa Nghiêm

Phẩm Tịnh Hạnh

Thứ mười một

Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

 

Lúc bấy giờ Trí-Thủ Bồ-Tát hỏi Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát: 'Phật-tử! Bồ-Tát làm thế nào thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không lỗi lầm? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng tổn hại? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không thể bị hủy hoại? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được bất thối chuyển? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng dao động? Thân, ngữ, ý ba nghiệp được thù-thắng? Thân, ngữ, ý ba nghiệp được thanh tịnh? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được vô nhiễm? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được trí dẫn đạo?

 Bồ-Tát làm thế nào được sanh-xứ đầy đủ? Chủng-tộc đầy đủ? Gia-thế đầy đủ? Sắc-thân đầy đủ? Tướng mạo đầy đủ? Niệm đầy đủ? Huệ đầy đủ? Hạnh đầy đủ? Vô-úy đầy đủ? Giác-ngộ đầy đủ?

 Bồ-Tát làm thế nào được thắng-huệ? Được đệ-nhứt-huệ? Được tối-thượng-huệ? Được tối-thắng-huệ? Được vô-lượng-huệ? Được vô-số-huệ? Được bất-tư-nghì-huệ, Được vô-giữ-đẳng-huệ ? Được bất-khả-lượng huệ? Được bất-khả-thuyết huệ?

 Bồ-Tát làm thế nào được: nhơn-lực, duyên-lực, dục-lực, phương-tiện-lực, sở-duyên-lực, căn-lực, quan-sát-lực, xa-ma-tha-lực, tỳ-bát-xá-na-lực, tư-duy-lực?

 Bồ-Tát làm thế nào được: uẩn thiện-xảo, xứ thiện-xảo, giới thiện-xảo, duyên-khởi thiện-xảo, dục-giới thiện-xảo, sắc-giới thiện-xảo, vô-sắc-giới thiện-xảo, quá-khứ thiện-xảo, vị-lai thiện-xảo, hiện-tại thiện-xảo?

 Bồ-Tát làm thế nào khéo tu tập: niệm giác-phần, trạch-pháp giác-phần, tinh-tấn giác-phần, hỉ giác-phần, khinh an giác phần, định giác phần, xả giác-phần, không giác-phần, vô-tướng giác-phần, vô-nguyện giác-phần?

 Bồ-Tát làm thế nào được viên-mãn: đàn ba-la-mật, thi ba-la-mật, sằn-đề ba-la-mật, tỳ-lê-gia ba-la-mật, thiền-na ba-la-mật, thiền-na ba-la-mật, bát-nhã ba-la-mật, từ, bi, hỉ, xả?

 Bồ-Tát làm thế nào được thập lực : xứ-phi-xứ trí-lực, quả-vị hiện-tại nghiệp-báo trí-lực, căn thắng liệt trí-lực, chủng-chủng giới trí-lực, chủng-chủng giải trí-lực, nhứt-thiết-chí-xứ-đạo trí-lực, thiền giải-thoát tam-muội nhiễm tịnh trí-lực, túc-trụ-niệm trí-lực, vô-chướng-ngại thiên-nhãn trí-lực, đoạn chư tập trí-lực?

 Bồ-Tát làm thế nào thường được sự thủ-hộ cung kính cúng-dường của: Thiên-Vương, Long-Vương, Dạ-Xoa-Vương, Càn-thát-bà-Vương, A-tu-la-Vương, Ca-lâu-la-Vương, Khẩn-na-la-Vương, Ma-hầu-la-già-Vương, Nhơn-Vương, Phạm-Vương?

 Bồ-Tát làm thế nào được mình là những chỗ: y-tựa, cứu-độ, chỗ về, chỗ đến, là đuốc, là sáng, là soi, là dẫn đạo, thắng đạo, phổ đạo cho tất cả chúng-sanh?

 Đối với tất cả chúng-sanh, Bồ-Tát làm thế nào là: đệ-nhứt, là lớn, là thắng, là tối-thắng, là diệu, là cực-diệu, là thượng, là vô-thượng, là vô-đẳng, là vô-đẳng-đẳng?

 Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát bảo Trí-Thủ Bồ-Tát: 'Lành thay Phật-tử! Nay ngài vì muốn nhiều lợi-ích, nhiều an-ổn, thương xót thế-gian, lợi-lạc thiên-nhơn mà hỏi những nghĩa như vậy.

 Phật-tử! Nếu Bồ-Tát khéo dụng tâm thời được tất cả công-đức thắng-diệu, nơi phật-pháp được tâm vô-ngại, được trụ nơi đạo của tam-thế chư Phật, trụ theo chúng-sanh hằng không bỏ rời, đều có thể thông-đạt đúng các pháp-tướng, dứt tất cả điều ác, đầy đủ tất cả điều lành, sẽ được hình sắc đệ-nhứt như Phổ-Hiền, đầy đủ tất cả hạnh-nguyện, với tất cả pháp đều được tự-tại, sẽ là đạo-sư thứ hai của chúng-sanh.

 Phật-tử! Bồ-Tát dụng tâm thế nào mà có thể được tất cả thắng-diệu công-đức?

 Phật-tử lóng nghe đây:

 Bồ-Tát ở nhà, nên nguyện chúng-sanh, biết nhà tánh không, khỏi sự bức ngặt.

 Hiếu thờ cha mẹ, nên nguyện chúng-sanh, kính thờ chư Phật, hộ dưỡng tất cả.

 Vợ con hội họp, nên nguyện chúng-sanh, oán thân bình-đẳng, lìa hẳn tham trước.

 Nếu được ngũ-dục, nên nguyện chúng-sanh, nhổ mũi tên dục, rốt ráo an-ổn.

 Kỹ nhạc tụ hội, nên nguyện chúng-sanh, vui nơi chánh-pháp, rõ nhạc chẳng thật.

 Nếu ở cung thất, nên nguyện chúng-sanh, vào nơi thánh-địa, trừ hẳn uế-dục.

 Lúc đeo trang-sức, nên nguyện chúng-sanh, bỏ tư-trang giả, đến chỗ chơn thật.

 Lên trên lâu-các, nên nguyện chúng-sanh, lên lầu chánh-pháp, thấy suốt tất cả.

 Nếu có bố-thí, nên nguyện chúng-sanh, bỏ được tất cả, lòng không ái trước.

 Chúng-hội tu-tập, nên nguyện chúng-sanh, xả những tụ pháp, thành nhứt-thiết-trí.

 Nếu ở ách nạn, nên nguyện chúng-sanh, tùy ý tự-tại, chỗ làm vô-ngại.

 Lúc bỏ cư-gia, nên nguyện chúng-sanh, xuất-gia vô-ngại, tâm được giải-thoát.

 Vào tăng già-lam, nên nguyện chúng-sanh, diễn-thuyết các thứ pháp không tranh cãi.

 Đến đại, tiểu sư, nên nguyện chúng-sanh, khéo thờ sư-trưởng, tập làm điều lành.

 Cầu xin xuất-gia, nên nguyện chúng-sanh, được pháp bất-thối, lòng không chướng-ngại.

 Thoát bỏ tục nhãn, nên nguyện chúng-sanh, siêng tu căn lành, bỏ những tội ách.

 Cạo bỏ râu tóc, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn phiền-não, rốt ráo tịch-diệt.

 Đắp y ca-sa, nên nguyện chúng-sanh, lòng không nhiễm trước, đủ đạo đại-tiên.

 Lúc chánh xuất-gia, nên nguyện chúng-sanh, đồng Phật xuất-gia, cứu hộ tất cả.

 Tự quy-y Phật, nên nguyện chúng-sanh, nối thạnh Phật-chủng, phát tâm vô-thượng.

 Tự quy-y Pháp, nên nguyện chúng-sanh, sâu vào kinh-tạng, trí-huệ như biển.

 Tự quy-y Tăng, nên nguyện chúng-sanh, thống-lý đại-chúng, tất cả vô-ngại.

 Lục thọ học giới, nên nguyện chúng-sanh, khéo học nơi giới, chẳng làm điều ác.

 Thọ Xà-Lê dạy, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ oai-nghi, chỗ làm chơn thật.

 Thọ Hòa-Thượng dạy, nên nguyện chúng-sanh, vào trí vô-sanh, đến chỗ vô-y.

 Thọ giới cụ-túc, nên nguyện chúng-sanh, đủ các phương-tiện, được pháp tối-thắng.

 Nếu vào nhà cửa, nên nguyện chúng-sanh, lên nhà vô-thượng, an-trụ bất-động.

 Nếu trải giường tòa, nên nguyện chúng-sanh, trải mở pháp lành, thấy tướng chơn thật.

 Chánh thân đoan tọa, nên nguyện chúng-sanh, ngồi bồ-đề toà, tâm không tham trước.

 Lúc ngồi kiết-già, nên nguyện chúng-sanh, căn lành kiên-cố, được bực bất-động.

 Tu hành nơi định, nên nguyện chúng-sanh, dùng định phục tâm, rốt ráo không thừa.

 Nếu tu pháp quán, nên nguyện chúng-sanh, thấy lý như thật, trọn không tranh cãi.

 Xả ngồi kiết-già, nên nguyện chúng-sanh, quan-sát hành pháp, đều quy tan mất.

 Lúc để chân đứng, nên nguyện chúng-sanh, tâm được giải-thoát, an-trụ bất động.

 Nếu cất chân lên, nên nguyện chúng-sanh, khỏi biển sanh-tử, đủ các pháp lành.

 Lúc mặc quần dưới, nên nguyện chúng-sanh, mặc những căn lành, đầy đủ hổ thẹn.

 Chỉnh áo cột giải, nên nguyện chúng-sanh, kiểm thúc căn lành, chẳng để tan mất.

 Nếu mặc áo trên, nên nguyện chúng-sanh, được căn lành lớn, đến bờ pháp kia.

 Đấp tăng-già-lê, nên nguyện chúng-sanh, vào ngôi đệ-nhứt, được pháp bất-động.

 Tay cầm nhành dương, nên nguyện chúng-sanh, đều được diệu-pháp, rốt-ráo thanh-tịnh.

 Lúc nhăn nhành dương, nên nguyện chúng-sanh, tâm-ý điều tịnh, nhai các phiền-não.

 Lúc đại tiểu tiện, nên nguyện chúng-sanh, bỏ tham sân si, dẹp trừ điều tội.

 Việc rồi đến nước, nên nguyện chúng-sanh, trong pháp xuất-thế, qua đến mau chóng.

 Rửa ráy thân nhơ, nên nguyện chúng-sanh, thanh-tịnh điều nhu, rốt ráo không nhơ.

 Xối nước trên tay, nên nguyện chúng-sanh, được tay thanh-tịnh, thọ trì phật-pháp.

 Dùng nước rửa mặt, nên nguyện chúng-sanh, được tịnh pháp-môn, trọn không nhơ bợn.

 Tay cầm tích-trượng, nên nguyện chúng-sanh, lập hội bố-thí, bày đạo như Phật.

 Tay cầm ứng khí, nên nguyện chúng-sanh, thành-tựu pháp-khí, thọ trời người-cúng.

 Bước chân lên đường, nên nguyện chúng-sanh, đến chỗ Phật đi, vào nơi vô-y.

 Nếu ở nơi đường, nên nguyện chúng-sanh, hay đi đường Phật, hướng pháp vô-dư.

 Theo đường mà đi, nên nguyện chúng-sanh, noi tịnh pháp-giới,tâm không chướng ngại.

 Thấy lên đường cao, nên nguyện chúng-sanh, khỏi hẳn ba cõi, tâm không khiếp nhược.

 Thấy xuống đường thấp, nên nguyện chúng-sanh, tâm ý khiêm hạ lớn căn lành Phật.

 

 

 Thấy đường quanh co, nên nguyện chúng-sanh, bỏ đạo bất chánh, trừ hẳn ác-kiến.

 Nếu thấy đường thẳng, nên nguyện chúng-sanh, tâm ý chánh-trực, không dua không dối.

 Thấy đường nhiều bụi, nên nguyện chúng-sanh, xa lìa bụi bặm, được pháp thanh-tịnh.

 Thấy đường không bụi, nên nguyện chúng-sanh, thường tu đại-bi, tâm ý nhuần thấm.

 Nếu thấy đường hiểm, nên nguyện chúng-sanh, trụ chánh pháp-giới, lìa những tội nạn.

 Nếu thấy chúng-hội, nên nguyện chúng-sanh, nói pháp thậm-thâm, tất cả hòa hiệp.

 Nếu thấy trụ lớn, nên nguyện chúng-sanh, lìa tâm chấp ngã, không có phẩn hận.

 Nếu thấy tòng-lâm, nên nguyện chúng-sanh, chư thiên và nhơn, chỗ nên kính lễ.

 Nếu thấy núi cao, nên nguyện chúng-sanh, căn lành siêu thoát, không thể tột đảnh.

 Lúc thấy cây gai, nên nguyện chúng-sanh, chóng được cắt bỏ, những gai tam độc.

 Thấy cây lá rậm, nên nguyện chúng-sanh, dùng định giải thoát, để làm che chói.

 Nếu thấy hoa nở, nên nguyện chúng-sanh, các pháp thần-thông, như hoa đua nở.

 Nếu thấy cây hoa, nên nguyện chúng-sanh, tướng tốt như hoa, đủ ba mươi hai.

 Nếu thấy trái hột, nên nguyện chúng-sanh, được pháp tối-thắng, chứng đạo bồ-đề.

 Nếu thấy sông lớn, nên nguyện chúng-sanh, được dự pháp-lưu, vào Phật-trí-hải.

 Nếu thấy bờ đầm, nên nguyện chúng-sanh, chóng ngộ diệu-pháp, nhứt vị của Phật.

 Nếu thấy ao hồ, nên nguyện chúng-sanh, ngữ-nghiệp hoàn-toàn, hay khéo diễn-thuyết.

 Nếu thấy giếng nước, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ biện tài, diễn tất cả pháp.

 Nếu thấy suối chảy, nên nguyện chúng-sanh, thêm lớn phương-tiện, thiện căn vô-tận.

 Nếu thấy kiều-lộ, nên nguyện chúng-sanh, rộng độ tất cả, dường như cầu đò.

 Nếu thấy nước chảy, nên nguyện chúng-sanh, được ý nguyện lành, rửa nhơ phiền-não.

 Thấy dọn vườn tược, nên nguyện chúng-sanh, trong vườn ngũ dục, dọn sạch cỏ ái.

 Thấy rừng vô-ưu, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn tham-ái, chẳng còn lo sợ.

 Nếu thấy công viên, nên nguyện chúng-sanh, siêng tu hạnh lành, đến Phật bồ-đề.

 Thấy người nghiêm-sức, nên nguyện chúng-sanh, trang-nghiêm thân đẹp, ba mươi hai tướng.

 Thấy không nghiêm-sức, nên nguyện chúng-sanh, bỏ những trang-sức, đủ hạnh đầu-đà.

 Thấy người ham vui, nên nguyện chúng-sanh, vui nơi chánh-pháp, ưa thích chẳng bỏ.

 Thấy không ham vui, nên nguyện chúng-sanh, trong sự hữu-vi, lòng không ưa thích.

 Thấy người vui sướng, nên nguyện chúng-sanh, thường được an vui, thích cúng-dường Phật.

 Thấy người khổ-não, nên nguyện chúng-sanh, được căn-bổn trí, dứt trừ sự khổ.

 Thấy người mạnh khỏe, nên nguyện chúng-sanh, vào chơn-thật-huệ, trọn không bịnh Khổ.

 Thấy người tật bịnh, nên nguyện chúng-sanh, biết thân không tịch, lìa sự tranh cãi.

 Thấy người xinh đẹp, nên nguyện chúng-sanh, với Phật Bồ-Tát, thường kính thường tin.

 Thấy người xấu-xí, nên nguyện chúng-sanh, với điều bất thiện, chẳng ưa chẳng thích.

 Thấy người báo ơn, nên nguyện chúng-sanh, với Phật Bồ-Tát, hay biết ơn đức.

 Thấy người bội ơn, nên nguyện chúng-sanh, với kẻ làm ác, chẳng trả thù oán.

 Nếu thấy Sa-Môn, nên nguyện chúng-sanh, điều-nhu tịch-tịnh, rốt ráo đệ-nhứt.

 Thấy Bà-La-Môn, nên nguyện chúng-sanh, giữ trọn phạm-hạnh, lìa tất cả ác.

 Thấy người khổ hạnh, nên nguyện chúng-sanh, y nơi khổ hạnh, đến bực rốt ráo.

 Thấy người hạnh tốt, nên nguyện chúng-sanh, giữ bền chí-hạnh, chẳng bỏ Phật-đạo.

 Thấy mặc giáp-trụ, nên nguyện chúng-sanh, thường mặc giáp lành, đến pháp vô-sư.

 Thấy không võ-trang, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn tất cả, những nghiệp bất-thiện.

 Thấy người luận nghị, nên nguyện chúng-sanh, đều dẹp phá được, tất cả dị-luận.

 Thấy người chánh-mạng, nên nguyện chúng-sanh, được mạng thanh-tịnh, không dối giả dạng.

 Nếu thấy Quốc-vương, nên nguyện chúng-sanh, được làm pháp-vương, thường chuyển chánh-pháp.

 Nếu thấy vương-tử, nên nguyện chúng-sanh, từ pháp hóa-sanh, mà làm phật-tử.

 Nếu thấy trưởng-giả, nên nguyện chúng-sanh, xét đoán sáng suốt, chẳng làm điều ác.

 Nếu thấy đại-thần, nên nguyện chúng-sanh, hằng giữ chánh-niệm, tập làm điều thiện.

 Nếu thấy thành quách, nên nguyện chúng-sanh, được thân kiên cố, tâm không hèn nhát.

 Nếu thấy kinh-đô, nên nguyện chúng-sanh, công-đức đồng nhóm, lòng luôn vui vẻ.

 Thấy ở rừng vắng, nên nguyện chúng-sanh, đáng được trời người, ca ngợi kính ngưỡng.

 Vào xóm khất thực, nên nguyện chúng-sanh, nhập thâm pháp-giới, tâm không chướng ngại.

 Đến cửa nhà người, nên nguyện chúng-sanh, vào trong tất cả, cửa nhà phật-pháp.

 Vào nhà người rồi, nên nguyện chúng-sanh, được vào phật-thừa, ba thời bình-đẳng.

 Thấy không thí-xả, nên nguyện chúng-sanh, thường chẳng bỏ rời, pháp công-đức lớn.

 Thấy người thí-xả, nên nguyện chúng-sanh, được bỏ lìa hẳn, khổ ba ác-đạo.

 Nếu thấy bát không, nên nguyện chúng-sanh, tâm ý thanh-tịnh, trống sạch phiền-não.

 Nếu thấy bát đầy, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ trọn vẹn, tất cả thiện-pháp.

 Nếu được cung-kính, nên nguyện chúng-sanh, cung-kính tu hành, tất cả phật-pháp.

 Chẳng được cung-kính, nên nguyện chúng-sanh, chẳng làm tất cả, những điều bất thiện.

 Thấy người hổ-thẹn, nên nguyện chúng-sanh, đủ hạnh hổ-thẹn, che giữ căn-thân.

 Thấy không hổ-thẹn, nên nguyện chúng-sanh, lìa bỏ không thẹn, trụ đạo đại-từ.

 Được thực phẩm ngon, nên nguyện chúng-sanh, đều được mãn nguyện, không lòng tham muốn.

 Được thực phẩm dở, nên nguyện chúng-sanh, ai cũng đều được, pháp-vị tam-muội.

 Được vật thực mềm, nên nguyện chúng-sanh, huân-tập đại-bi, tâm ý nhu nhuyến.

 Được vật thực cứng, nên nguyện chúng-sanh, tâm không nhiễm trước, dứt hết tham ái.

 Nếu lúc ăn cơm, nên nguyện chúng-sanh, ăn món thiền-duyệt, pháp-hỉ no đủ.

 Lúc thọ mùi vị, nên nguyện chúng-sanh, được Phật thượng-vị, cam-lộ đầy đủ.

 Lúc ăn cơm xong, nên nguyện chúng-sanh, việc làm đều xong, đủ những phật-pháp.

 Nếu lúc thuyết-pháp, nên nguyện chúng-sanh, biện-luận vô-tận, tuyên rộng pháp yếu.

 Lúc ra khỏi nhà, nên nguyện chúng-sanh, thâm nhập phật-trí, khỏi hẳn ba cõi.

 Nếu lúc xuống nước, nên nguyện chúng-sanh, vào nhứt-thiết-trí, rõ ba thời đồng.

 Tắm rửa thân thể, nên nguyện chúng-sanh, thân tâm không nhơ, trong ngoài sáng sạch.

 Mùa nắng nóng độc, nên nguyện chúng-sanh, bỏ lìa khổ não, tất cả đều hết.

 Hết nắng vừa mát, nên nguyện chúng-sanh, chứng pháp vô-thượng, rốt ráo mát mẻ.

 Lúc đọc tụng kinh, nên nguyện chúng-sanh, thuận lời Phật dạy, tổng trì chẳng quên.

 Nếu được thấy Phật, nên nguyện chúng-sanh, được vô-ngại-nhãn, thấy tất cả Phật.

 Lúc ngắm kỹ Phật, nên nguyện chúng-sanh, đều như Phổ-Hiền, xinh đẹp nghiêm tốt.

 Lúc thấy tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tôn-trọng như tháp, thọ trời người cúng.

 Cung kính xem tháp, nên nguyện chúng-sanh, chư thiên và người, cùng nhau chiêm ngưỡng.

 Đảnh lễ tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tất cả trời người, chẳng thấy đảnh được.

 Đi nhiễu tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tu hành không trái, thành nhứt-thiết-trí.

 Nhiễu tháp ba vòng, nên nguyện chúng-sanh, siêng cầu phật-đạo, lòng không biếng trễ.

 Khen công-đức Phật, nên nguyện chúng-sanh, đều đủ công-đức, ca-ngợi vô-tận.

 Khen tướng-hảo Phật, nên nguyện chúng-sanh, thành tựu phật-thân, chứng pháp vô-tướng.

 Nếu lúc rửa chân, nên nguyện chúng-sanh, đủ sức thần-túc, chỗ đi vô-ngại.

 Ngủ nghỉ phải thời, nên nguyện chúng-sanh, thân được an-ổn, lòng không động loạn.

 Ngủ vừa tỉnh-giấc, nên nguyện chúng-sanh, tất cả trí-giác, ngó khắp mười phương.

 Phật-tử! Nếu chư Bồ-Tát dụng tâm như vậy thời được tất cả công-đức thắng-diệu. Tất cả thế-gian: chư thiên, ma, phạm, sa-môn, bà-la-môn, càn-thát-bà, a-tu-la v.v... nhẫn đến tất cả Thanh-Văn, Duyên-Giác không thể làm lay động được.