|
Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Tu Di Ðảnh Kệ Tán Thứ mười bốn Hán Dịch: Ðại-Sư
Thật-Xoa-Nan-Ðà
Lúc bấy giờ, do thần-lực của đức Phật, từ ngoài trăm phật-sát vi-trần-số
quốc-độ, mười-phương đều có một đại Bồ-Tát, mỗi vị đều cùng một phật-sát
vi-trần-số Bồ-Tát đồng vân tập đến.
Mười đại Bồ-Tát là: Pháp-Huệ Bồ-Tát, Nhứt-Thiết-Huệ Bồ-Tát, Thắng-Huệ
Bồ-Tát, Công-Đức-Huệ Bồ-Tát, Tinh-Tấn-Huệ Bồ-Tát, Thiện-Huệ Bồ-Tát, Trí-Huệ
Bồ-Tát, Chơn-Thiệt-Huệ Bồ-Tát, Vô-Thượng-Huệ Bồ-Tát, Kiên-Cố-Huệ Bồ-Tát.
Cõi nước của các ngài theo thứ-tự là : Nhơn-Đà-La-Hoa thế-giới,
Ba-Đầu-Ma-Hoa thế-giới, Bửu-Hoa thế-giới, Ưu-Bát-La-Hoa thế-giới,
Kim-Cang-Hoa thế-giới, Diệu-Hương-Hoa thế-giới, Duyệt-Ý-Hoa thế-giới,
A-Lô-Hoa thế-giới, Na-La-Đà-Hoa thế-giới, Hư-Không-Hoa thế-giới.
Chư Phật ngự trị nơi đó theo thứ tự là: Thù-Đặc-Nguyệt-Phật, Vô-Tận-Nguyệt
Phật, Bất-Động-Nguyệt Phật, Phong-Nguyệt Phật, Thủy-Nguyệt Phật,
Giải-Thoát-Nguyệt Phật, Vô-Thượng-Nguyệt Phật, Tinh-Tú-Nguyệt Phật,
Thanh-Tịnh-Nguyệt Phật, Minh-Liễu-Nguyệt Phật.
Chư Bồ-Tát này đến đảnh-lễ chơn Phật, rồi tùy phương đến, đều riêng hóa hiện
tòa sư-tử Tỳ-lô-giá-na-tạng mà ngồi kiết-già trên đó.
Như chư Bồ-Tát vân tập đến đảnh núi Tu-Di nơi thế-giới này, thập-phương
thế-giới cũng đều như thế cả, đến danh hiệu, quốc-độ và chư Phật cũng đồng.
Lúc đó đức Thế-Tôn, từ nơi các ngón
của hai chưn phóng trăm ngàn ức quang minh màu đẹp chiếu khắp trong cung của
Đế-Thích ở mười phương thế-giới, Phật và đại-chúng đều hiển hiện cả.
Pháp Huệ Bồ-Tát thừa oai-thần của
Phật quan-sát khắp mười-phương rồi nói kệ rằng:
Phật phóng tịnh quang-minh
Thấy khắp tất cả Phật
Đảnh núi Tu-Di-Vương
Ở trong điện Diệu-Thắng.
Tất cả Thiên-Đế-Thích
Thỉnh Phật vào cung-điện
Đều nói mười kệ hay
Ca ngợi chư Như-Lai.
Trong các đại hội ấy
Bao nhiêu chúng Bồ-Tát
Đều từ mười-phương đến
Hóa tòa mà an-tọa.
Bồ-Tát trong hội đó
Danh hiệu đồng chúng tôi,
Những cõi từ đó đến
Danh-tự cũng vẫn đồng;
Bổn-quốc chư Như-Lai
Hồng-danh đều cũng đồng,
Bồ-Tát nơi bổn Phật
Tịnh tu hạnh vô-thượng.
Đại chúng nên quan-sát
Như-Lai tự-tại-lực
Tất cả Diêm-Phù-Đề
Đều nói Phật tại đấy.
Chúng ta nay thấy Phật
Trụ nơi đảnh Tu-Di
Thập-phương cũng như vậy
Như-Lai tự-tại-lực.
Trong mỗi mỗi thế-giới
Phát tâm cầu phật-đạo
Nương nơi nguyện như vậy
Tu tập hạnh bồ-đề.
Phật dùng nhiều thân hình
Du hành khắp thế-gian
Pháp-giới không chướng ngại
Không ai trắc lượng được.
Huệ-quang hằng chiếu khắp
Đời tối đều trừ diệt,
Tất cả không sánh bằng
Thế nào lường biết được!
Nhứt-Thiết-Huệ Bồ-Tát, thừa oai-lực
của đức Phật, quan-sát khắp mười-phương rồi nói kệ rằng:
Giả-sử trăm ngàn kiếp
Thường thấy đức Như-Lai
Chẳng y chơn-thật nghĩa
Mà quán đấng Cùu-Thế,
Người này chấp lấy tướng
Thêm lớn lưới mê lầm
Giam trói ngục sanh tử
Đui mù, chẳng thấy Phật.
Quan-sát nơi các pháp
Đều không có tự-tánh
Tướng nó, vốn sanh-diệt
Chỉ là danh thuyết giả.
Tất cả pháp vô-sanh
Tất cả pháp vô-diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Pháp-tánh vốn không tịch
Vô-thủ, cũng vô-kiến
Tánh không, tức là Phật
Chẳng thể nghĩ lường được.
Nếu biết tất cả pháp
Thể tánh đều như vậy
Người này thời chẳng bị
Phiền-não làm nhiễm trước.
Phàm phu thấy các pháp
Chỉ chuyển theo tướng giả
Chẳng rõ pháp vô-tướng
Do đây chẳng thấy Phật.
Đức Phật lìa ba thời
Các tướng đều đầy đủ
Trụ nơi vô-sở-trụ
Cùng khắp mà bất-động.
Tôi quán tất cả pháp
Thảy đều được rõ ràng
Nay thấy đức Như-Lai
Quyết-định không nghi ngờ.
Pháp-Huệ trước đã nói
Như-Lai chơn-thiệt tánh,
Tôi từ đó rõ biết
Bồ-đề khó nghĩ bàn.
Thắng-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực của
Phật, quan-sát khắp mười-phương rồi nói kệ rằng:
Như-Lai đại trí-huệ
Hi-hữu không sánh bằng
Tất cả những thế-gian
Tư-duy chẳng đến được.
Phàm-phu vọng quan-sát
Chấp tướng chẳng đúng lý
Phật lìa tất cả tướng
Chẳng phải họ biết được.
Kẻ vô-tri mê lầm
Vọng chấp tướng ngũ-uẩn
Chẳng biết chơn-tánh kia
Người này chẳng thấy Phật.
Rõ biết tất cả pháp
Đều không có tự-tánh
Hiểu pháp-tánh như vậy
Thời thấy Lô-Xá-Na.
Vì do tiền-ngũ-uẩn
Có hậu-uẩn tương-tục
Rõ biết nơi tánh này
Thấy Phật khó nghĩ bàn.
Ví như báu trong tối
Không đèn thời chẳng thấy
Phật-pháp không người nói
Dầu huệ chẳng biết được.
Cũng như mắt bị lòa
Chẳng thấy màu xinh đẹp
Như vậy tâm bất-tịnh
Chẳng thấy các phật-pháp.
Lại như mặt trời sáng
Kẻ mù không thấy được
Tâm không có trí-huệ
Trọn chẳng thấy chư Phật.
Nếu chữa hết bịnh lòa
Bỏ lìa lòng tưởng sắc
Chẳng thấy nơi các pháp
Thời thấy được Như-Lai.
Nhứt-Thiết-Huệ đã nói
Chư Phật Bồ-Đề pháp
Tôi nghe lời ngài nói
Được thấy Lô-Xá-Na.
Công-Đức-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực của
Phật quan-sát khắp mười-phương rồi nói kệ rằng:
Các pháp không chơn-thật
Vọng chấp là chơn-thật
Cho nên các phàm-phu
Luân-hồi ngục sanh-tử.
Nơi ngôn từ thuyết pháp
Tiểu trí vọng phân-biệt
Vì thế sanh chướng-ngại
Chẳng rõ được tự-tâm
Đâu biết được chánh-đạo
Họ do huệ điên-đảo
Thêm lớn mọi điều ác.
Chẳng thấy các pháp không
Hằng thọ khổ sanh-tử
Người này chưa có được
Pháp-nhãn thanh-tịnh vậy.
Xưa kia tôi thọ khổ
Vì tôi chẳng thấy Phật,
Nên phải tịnh pháp-nhãn
Xem kia chỗ đáng thấy.
Nếu được thấy nơi Phật
Thời tâm không chấp lấy
Người này thời thấy được
Pháp của Phật đã biết.
Nếu thấy Phật chơn-pháp
Thời gọi bực đại-trí
Người này có tịnh-nhãn
Hay quan-sát thế-gian.
Không thấy chính là thấy
Hay thấy tất cả pháp
Nơi pháp nếu có thấy
Đây thời là không thấy.
Tất cả các pháp-tánh
Không sanh cũng không diệt
Lạ thay đấng Đạo-Sư
Tự-giác hay giác-tha.
Ngài Thắng-Huệ đã nói
Pháp của Như-Lai ngộ
Chúng tôi nghe Ngài nói
Biết được Phật chơn-tánh.
Tinh-Tấn-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực của
Phật, quan-sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Nếu trụ nơi phân-biệt
Thời hư thanh-tịnh nhãn
Thêm ngu-si, tà-kiến
Trọn chẳng thấy được Phật.
Nếu rõ được tà-pháp
Như thiệt chẳng điên-đảo,
Biết vọng vốn tự chơn
Thấy Phật thời thanh-tịnh.
Có thấy, thời là nhơ
Đây thời chưa phải thấy
Xa lìa các kiến chấp
Như vậy mới thấy Phật.
Pháp ngôn-ngữ thế-gian
Chúng-sanh vọng phân-biệt
Biết thế đều vô-sanh
Mới là thấy thế-gian.
Nếu thấy 'thấy thế-gian'
'Thấy' là tướng thế-gian
Như thiệt đồng không khác
Đây gọi người chơn-kiến.
Nếu thấy đồng không khác
Nơi vật chẳng phân-biệt
Thấy này lìa phiền-não
Vô-lậu được tự-tại.
Chỗ chư Phật khai thị
Tất cả pháp phân-biệt
Đây đều chẳng thể được
Vì pháp-tánh thanh-tịnh.
Pháp-tánh vốn thanh-tịnh
Vô-tướng như hư-không
Tất cả không năng thuyết
Người trí quán như vậy.
Xa lìa nơi pháp-tưởng
Chẳng thích tất cả pháp
Đây cũng không chỗ tu
Thấy được Đại-Mâu-Ni.
Như ngài Đức-Huệ nói
Đây gọi là thấy Phật;
Chỗ có tất cả hạnh
Thể-tánh đều tịch-diệt
Lúc đó Thiện-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực
của Phật quan-sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Hi-hữu đại dũng-kiện
Vô-lượng chư Như-Lai
Ly-cấu tâm giải-thoát
Tự độ hay độ người.
Tôi thấy Thế-gian-Đăng
Như thật chẳng điên-đảo
Như trong vô-lượng kiếp
Bực đủ trí chỗ thấy.
Tất cả hạnh phàm-phu
Đều mau về diệt tận
Tánh nó như hư-không
Nên nói là vô-tận.
Người trí nói vô-tận
Đây cũng không chỗ nói.
Vì tự-tánh vô-tận
Được có nan-tư tận.
Trong chỗ nói vô-tận
Không chúng-sanh được có
Biết chúng-tánh như vậy
Thời thấy Đại-Danh-Xưng.
Không thấy nói là thấy
Vô-sanh nói chúng-sanh
Hoặc thấy, hoặc chúng-sanh
Rõ biết không thể-tánh.
Năng-kiến cùng sở-kiến
Kiến-giả đều khiển trừ,
Chẳng hoại nơi chơn-pháp
Người này rõ biết Phật.
Nếu người rõ biết Phật
Và pháp của Phật nói
Thời hay chiếu thế-gian
Như Phật Lô-Giá-Na.
Chánh-giác khéo khai thị
Đạo một pháp thanh-tịnh,
Đại-Sĩ tinh-tấn huệ
Diễn nói vô-lượng pháp.
Hoặc có hoặc không có
Tưởng niệm này đều trừ
Như thế thấy được Phật
An-trụ nơi thiệt-tế.
Lúc đó Trí-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực
của Phật quan-sát khắp mườI phương rồi nói kệ rằng:
Tôi nghe pháp tối-thắng
Liền sanh trí-huệ quang
Chiếu khắp mười-phương cõi
Đều thấy tất cả Phật.
Trong đây không chút vật
Chỉ có danh-tự giả
Nếu chấp có ngã nhơn
Thời là vào đường hiểm.
Những phàm-phu chấp trước
Chấp thân là thiệt có
Phật chẳng phải sở-thủ
Họ trọn chẳng thấy được.
Người này không huệ-nhãn
Chẳng thể thấy được Phật
Ở trong vô-lượng kiếp
Lưu chuyển biển sanh-tử.
Hữu-tránh nói sanh-tử
Vô-tránh là niết-bàn
Sanh-tử và niết-bàn
Cả hai chẳng nói được.
Nếu theo danh-tự giả
Chấp lấy hai pháp này
Người này không đúng thật
Chẳng biết Phật diệu-đạo.
Nếu móng tưởng như vầy:
'Đây Phật, đây tối-thắng'
Điên-đảo chẳng phải thật
Chẳng thấy được Chánh-giác.
Biết được thật thể này
Tướng chơn-như tịch-diệt
Thời thấy đấng Chánh-Giác
Vượt khỏi đường ngữ-ngôn.
Ngôn ngữ nói các pháp
Chẳng hiển được thiệt-tướng
Bình-đẳng mới thấy được
Như pháp, Phật cũng vậy.
Thời quá-khứ chư Phật
Vị-lai và hiện-tại
Dứt hẳn gốc phân-biệt
Thế nên gọi là Phật.
Chơn-Thật-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực của
Phật quan-sát khắp mườI phương rồi nói kệ rằng:
Thà thọ khổ địa-ngục
Được nghe hồng-danh Phật
Chẳng thích vô-lượng vui
Mà chẳng nghe danh Phật.
Sở-dĩ nơi thời xưa
Chịu khổ vô-số kiếp
Lưu chuyển trong sanh-tử
Vì chẳng nghe danh Phật.
Với pháp chẳng điên-đảo
Mà hiện chứng như thật
Lìa các tướng hòa hiệp
Gọi là Vô-Thượng-Giác.
Hiện chẳng phải hòa hiệp
Khứ, lai cũng như vậy
Tất cả pháp vô-tướng
Đây là chơn-thể Phật
Nếu quán được như vậy
Các pháp nghĩa thậm-thâm
Thời thấy tướng chơn thật
Pháp-thân của chư Phật.
Nơi thật thấy chơn-thật
Chẳng thật thấy chẳng thật
Hiểu rốt ráo như vậy
Cho nên gọi là Phật.
Phật-pháp chẳng giác được
Rõ đây gọi 'giác pháp'
Chư Phật tu như vậy
Một pháp bất-khả-đắc.
Biết do một nên nhiều
Biết do nhiều nên một
Các pháp không chỗ tựa
Chỉ do hòa hiệp khởi.
Không năng-tác, sở-tác
Chỉ từ nghiệp tưởng sanh
Tại sao biết như vậy
Vì khác đây không có.
Tất cả pháp vô-trụ
Định-xứ bất-khả-đắc
Chư Phật trụ nơi đây
Rốt ráo không dao động.
Vô-Thượng-Huệ Bồ-Tát thừa oai-lực của
Phật quan-sát khắp mườI phương rồi nói kệ rằng:
Đấng đại-thừa vô-thượng
Xa lìa tưởng chúng-sanh
Không có ai hơn được
Nên hiệu là Vô-Thượng.
Chỗ chư Phật đã được
Vô-tác, vô-phân-biệt
Thô-thần-thông vô-sở-hữu
Vi-tế cũng như vậy.
Cảnh chư Phật sở-hành
Trong đó không có số
Là chơn-pháp của Phật.
Như-Lai quang chiếu khắp
Diệt trừ những tối-tăm
Quang này chẳng có chiếu
Cũng chẳng phải không chiếu.
Nơi pháp không chỗ chấp
Không niệm cũng không nhiễm
Không trụ không xứ sở
Chẳng hoại nơi pháp-tánh.
Trong đây không có hai
Cũng lại không có một
Bực đại-trí thấy đúng
Kheó an-trụ thật lý.
Trong không, không có hai
Không hai cũng như vậy
Tam-giới tất cả không
Là chỗ thấy chư Phật.
Phàm-phu không hay biết
Phật khiến trụ chánh-pháp
Các pháp vô-sở-trụ
Ngộ đây thấy tự thân.
Chẳng thân mà nói thân
Chẳng khởi mà hiện khởi
Không thân cũng không thấy
Là Phật-thân vô-thượng.
Như ngài Thật-Huệ nói
Chư Phật diệu pháp-tánh
Nếu người nghe pháp này
Sẽ được thanh-tịnh-nhãn.
Lúc đó Kiên-Cố-Huệ Bồ-Tát thừa
oai-lực của Phật quan-sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Vĩ-đại! quang-minh lớn
Bực vô-thượng dũng kiện
Vì lợi ích quần-sanh
Mà xuất hiện thế-gian.
Phật dùng tâm đại-bi
Quan-sát khắp chúng-sanh
Thấy ở trong ba cõi
Luân-hồi thọ nhiều khổ.
Chỉ trừ đấng Chánh-Giác
Đấng Đạo-Sư đủ sức
Tất cả các Trời Người
Không ai cứu hộ được.
Nếu chư Phật Bồ-Tát
Chẳng xuất hiện thế-gian
Thời không một chúng-sanh
Có thể được an-lạc.
Như-Lai đẳng-chánh-giác
Và các chúng Thánh Hiền
Xuất hiện ở thế-gian
Cho chúng-sanh được vui.
Nếu ai thấy Như-Lai
Vì được lợi hành lớn
Nghe hiệu Phật sanh tin
Thời là Pháp thế-gian.
Chúng tôi thấy Như-Lai
Vì được lợi ích lớn
Nghe diệu-pháp như vậy
Đều sẽ thành Phật-đạo.
Chư Bồ-Tát quá-khứ
Do thần-lực của Phật
Được huệ-nhãn thanh-tịnh
Rõ cảnh-giới chư Phật.
Nay thấy Lô-Xá-Na
Càng thêm thanh-tịnh-tính
Phật-trí không ngằn mé
Diễn thuyết chẳng thể hết.
Thắng-Huệ Bồ-Tát thảy
Và tôi Kiên-Cố-Huệ
Trong vô-số ức kiếp
Cũng nói chẳng thể hết.
|
« Trang Trước Trang Kế » |