mmmm |
BÀI THỨ
NHỨT
CHƯƠNG
THỨ NHỨT
PHẦN NHƠN DUYÊN
Nguyên nhơn tạo luận.
Giải thích tên Luận Đại thừa Khởi Tín.
Nội dung của Luận này.
Ngài Mã minh Bồ Tát tạo luận:
1. Lý lịch và tên
2. Nguyên nhơn ngộ đạo.
Ngài Chơn Đế dịch luận.
Lời nguyện cầu
NGUYÊN NHÂN TẠO LUẬN NÀY
Trong khoảng 600 năm, sau khi Phật nhập diệt, tại Ấn độ,
phần thì phái Tiểu thừa nổi lên tranh chấp, không tin lý Đại
thừa, phần thì ngoại đạo lập các tà thuyết phá hoại chánh
pháp; tình trạng Phật giáo rất đen tối.
Ngài Mã Minh Bồ Tát, trông thấy tình trạng ấy rất đau
lòng, nên tạo ra luận này, để xô tà đỡ chánh: trừ những nghi
ngờ của Tiểu thừa, phá các tà thuyết của ngoại đạo, làm cho
người phát khởi lòng tin Đại thừa.
GIẢI THÍCH TÊN LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN
_ Luận. Luận là luận bàn lẽ tà chánh, quyết đoán điều
nghi ngờ và lựa chọn những việc phải quấy.
_Đại thừa. Chữ "Đại" là lớn, chữ
"Thừa" là cởi. Đọc chữ "Thặng" nghĩa là cái xe. Theo đây
phải đọc là "Thặng" mới đúng, song vì theo thói quen nên đọc
là "Thừa".
Đại thừa có 5 nghĩa:
1. Vì đối với Tiểu nên gọi là Đại.
2. Quả Phật rộng lớn, thừa này sẽ đi đến quả Phật, nên
gọi là Đại Thừa.
3. Chư Phật là bực Đại nhơn, song chẳng rời thừa này, nên
gọi là Đại Thừa.
4. Các Bồ Tát là bực Đại sĩ, đều y theo thừa này mà tu
tập, nên gọi là Đại Thừa.
5. Vì thừa này rất rộng lớn, cứu độ chúng sanh đông nhiều
nên gọi là Đại Thừa.
LUẬN NÀY LẤY GÌ LÀM ĐẠI THỪA?
Luận này lấy tâm chúng sanh làm Đại thừa. Bởi tâm chúng
sanh: Thể nó lớn, Tướng nó to, Dụng nó đại, bao trùm tất cả
các pháp thế gian, và xuất thế gian, nên gọi là Đại Thừa.
Trọng tâm của luận này là nói: Thể, Tướng và Dụng của tâm
chúng sanh. Vì tâm này là "Tổng tướng" (Tướng chung) của tất
cả thánh phàm, mê ngộ, nhơn quả ...cho nên trong luận này
cũng gọi là "Đại Tổng tướng pháp môn thể".
Tâm này có nghĩa "vận tải": Các Đức Phật đều nương tâm
này mà chứng Bồ Đề, Niết bàn. Bồ Tát nương tâm này mà rộng
tu muôn hạnh: trên cầu quả Phật, dưới hoá độ chúng sanh.
Chúng sanh cũng do tâm này mà trôi lặn trong dòng sanh tử
luân hồi. Vì thế nên gọi tâm này là Đại thừa.
Do ngộ lý này, nên cổ nhơn có làm bài kệ:
Dịch âm:
Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Tổ Phật giả do tha.
Dịch nghĩa
Ba chấm như ngôi sao
Uốn cong tợ trăng tà
Chúng sanh từ đâu có
Chư Phật cũng do đây.
_Khởi tín. Luận này làm cho người phát khởi lòng tin Đại
thừa, nên gọi là "Đại thừa khởi tín". Đáng lẽ phải nói:
"Khởi Đại thừa tín"; nghĩa là khởi lòng tin Đại thừa; song
vì chúng sanh sau khi thấu rõ Đại thừa rồi, mới phát khởi
lòng khởi tin, nên gọi "Đại thừa khởi tín".
NỘI DUNG CỦA LUẬN NÀY
Ngài Mã Minh Bồ Tát căn cứ theo kinh
Lăng Già, kinh Tư Ích và các kinh Đại thừa mà tạo ra luận
này. Nội dung của luận này là Phát minh lý Duy tâm hay Duy
thức đem về nhứt tâm, vạch rõ nguồn gốc mê ngộ, chỉ bày
đường tắt tu hành, tóm các nghĩa lý sâu rộng của Phật nói,
làm cho người phát khởi lòng tin Đại thừa.
NGÀI MÃ MINH BỔ TÁT
LÝ LỊCH VÀ TÊN
Ngài Mã Minh Bồ Tát, người xứ Ba la
nại, phía tây Thiên trúc (Ấn Độ). Ngài là Tổ thứ 12 ở Thiên
trúc, nối ngôi của Tổ thứ 11 là Phú Na Dạ Xa Tôn giả.
Vì có 3 nguyên nhơn, nên gọi Ngài là Mã Minh:
1. Khi Ngài vừa sanh ra, thì các con
ngựa trong xứ ấy đều buồn mà kêu to lên.
2. Ngài đờn rất hay, mỗi khi Ngài
đờn thì những con ngựa được nghe tiếng đờn đều buồn mà kêu
lên.
3. Khi thuyết pháp, các con ngựa
nghe đến tiếng Ngài, đều rơi nước mắt kêu to lên và không
ăn. Mặt dù người ta thử bỏ đói chúng vài ba ngày, rồi đến
lúc Ngài thuyết pháp mới bỏ cỏ cho ăn, nhưng chúng cũng
không ăn. Bởi thế nên gọi là Mã Minh (ngựa kêu).
NGUYÊN NHƠN NGÀI NGỘ ĐẠO
Khi gặp Tổ Phú Na Dạ Xa Tôn giả,
Ngài hỏi: Làm sao biết Phật?
Tổ đáp: Không biết là biết Phật.
Ngài hỏi: Không biết làm sao biết là Phật?
Tổ đáp: Không biết làm sao biết không phải là Phật.
Ngài nói: Nghĩa của Tổ là nghĩa cưa.
Tổ nói: Nghĩa của ông là nghĩa cây.
Tổ hỏi tiếp: Thế nào, ông nói nghĩa của tôi là nghĩa cưa?
Ngài đáp: Vì Tổ nói qua nói lại như cưa vậy.
Ngài hỏi tiếp: Thế nào Tổ nói nghĩa của tôi là nghĩa cây.
Tổ đáp: Vì cây bị cưa vậy. Thế nghĩa của ông bị tôi phá
rồi. Ngài nghe rồi liền ngộ đạo.
Trong kinh Ma ha ma da, Phật có huyền ký (ghi trước)
rằng: "Sau khi Như Lai diệt độ 600 năm, các ngoại đạo tà
thuyết thạnh hành, huỷ diệt Phật pháp. Lúc bấy giờ có vị Bồ
Tát ra đời tên là Mã Minh, nói pháp rất hay, phá trừ tà
thuyết, hàng phục ngoại đạo".
Bởi thế nên biết Ngài Mã Minh, cũng là một vị Bồ Tát tái
lai. Chúng ta nên học luận này, phải lấy làm hy hữu, gia tâm
nghiên cứu, chớ nên xem thường.
NGÀI CHƠN ĐẾ
Luận này có hai nhà dịch: Ngài Chơn Đế và Ngài Thật Xoa
Nan Đà. Bản dịch này là của Ngài Chơn Đế. Nguyên tiếng Phạn
gọi là "Ba La Mạc Đà"; Tàu dịch là "Chơn đế". Ngài ở nước Ưu
thiền ni, phía Tây Ấn Độ.
Ngài qua Tàu nhằm đời vua Nguyên Đế nhà Lương, niên hiệu
Thừa Thánh, năm thứ ba (Mậu thìn). Ngài ở chùa Kiến Hưng,
đất Hoàng Châu, dịch bộ Luận này.
LỜI CẦU NGUYỆN
CHÁNH VĂN
Kính lạy Phật, Pháp và Tăng, vì muốn cho chúng sanh bỏ
chấp tà, trừ các nghi ngờ, khởi lòng tin Đại thừa, để cho
giống Phật chẳng mất, nên con tạo ra luận Đại thừa Khởi tín
này.
LƯỢC GIẢI
Các vị Bồ Tát khi làm việc gì, trước nhứt là để tâm qui
kính Tam bảo; cũng như con hướng về cha, trò hướng về thầy,
dân chúng hướng về vị lãnh tụ của nước; và nguyện cầu Tam
bảo gia hộ cho việc làm của mình hợp với chánh pháp và kết
quả viên mãn.
Đoạn này là Ngài Mã Minh Bồ Tát trước khi tạo luận, nói
bài kệ quy kính Tam bảo và nguyện cầu Tam bảo gia hộ.
CHƯƠNG THỨ NHỨT
PHẦN NHƠN DUYÊN
CHÁNH VĂN
Vì tám nhân duyên sau đây nên tạo ra luận này:
1. Vì muốn cho chúng sanh xa lìa các
khổ, đặng vui rốt ráo nên tạo luận này, không phải vì danh
lợi ở thế gian, hay cầu người cung kính.
2. Vì muốn cho chúng sanh hiểu biết chơn chánh, khỏi sự
lầm lạc, nên tạo luận này để giải thích nghĩa căn bản của
Như Lai.
3. Muốn cho những chúng sanh căn lành đã thuần thục (mãn
Thập tín), lòng tin chẳng thối lui và có thể lãnh thọ pháp
Đại thừa, nên tạo luận này.
4. Muốn cho những chúng sanh căn
lành mỏng ít (chưa mãn Thập tín) tu tập tín tâm.
5. Vì bảo hộ đạo tâm của những chúng
sanh ác nghiệp sâu dày, nên chỉ bày phương tiện, để chúng
tiêu trừ nghiệp chướng xa lìa các phiền não si, mạn ...và ra
khỏi lưới tà.
6. Vì muốn đối trị tâm niệm sai lầm của phàm phu và Nhị
thừa, nên chỉ bày cho họ tu tập Chỉ Quán.
7. Vì những chúng sanh căn tánh kém
cỏi, nên chỉ bày phương tiện chuyên tâm niệm Phật, sanh về
cõi Phật, để cho tín tâm quyết định không thối chuyển.
8. Chỉ bày lợi ích để khuyên người tu hành.
Tóm lại, vì tám nhân duyên trên, nên tạo ra luận này.
LƯỢC GIẢI
Luận này chia ra làm 5 phần, đây là phần thứ nhứt, Ngài
Mã Minh Bồ Tát vì tám nhơn duyên sau đây nên tạo ra luận
này:
Nhơn duyên thứ nhứt: Chư Phật và Bồ Tát khi làm việc gì,
đều do lòng từ bi, muốn cho chúng sanh khỏi khổ được vui.
Tất cả chúng sanh vì mê bản tâm của mình mà thọ các khổ sanh
tử, không được vui Niết bàn. Trong luận này, Ngài Mã Minh Bồ
Tát chỉ rõ bản tâm, để cho chúng sanh tự tin mình có bản tâm
thanh tịnh (pháp Đại thừa) là cái khả năng để thành Phật.
Khi chúng sanh đã ngộ được bản tâm của mình rồi, thì sẽ hết
khổ sanh tử, được vui Niết bàn. Vì thế nên tạo ra luận này.
Nhơn duyên thứ hai: Các đức Như Lai
đều y nơi "nhứt tâm" tu hành mà được thành đạo chứng quả.
Luận này nói về "nhứt tâm" là nghĩa căn bản của Như Lai, để
cho chúng sanh hiểu biết đường lối tu hành một cách chơn
chánh, khỏi bị lạc vào tà kiến (chấp tà).
Nhơn duyên thứ ba: Luận chủ muốn cho hàng Thập tín Bồ Tát
đối với pháp Đại thừa, lòng tin chắc chắn, không bị thối
lui, để tiến đến bậc Thập trụ.
Nhơn duyên thứ tư: Vì những vị Bồ Tát chưa viên mãn Thập
tín, muốn cho họ tu tập tín tâm được viên mãn.
Nhơn duyên thứ năm: Vì những chúng
sanh nghiệp chướng nặng nề, bị lưới tà làm chướng ngại, nên
tạo ra luận này để chỉ bày phương tiện tu hành, như tụng
kinh, sám hối ...hầu diệt trừ các nghiệp chướng.
Nhơn duyên thứ sáu: Vì đối trị tâm lầm lỗi của phàm phu
và Nhị thừa, nên Luận chủ tạo luận này, dạy tu "Chỉ" để trừ
bịnh "Vọng tưởng tán loạn" của phàm phu; và dạy tu "Quán" để
đối trị bịnh "Trầm không thú tịch" (tham luyến cảnh thiên
không Niết bàn) của Nhị thừa.
(Quán nhơn duyên sanh, thấy các pháp
chẳng không: Thánh, Phàm đủ cả. Bởi có phàm phu nên phải tu
đức đại bi để cứu đời; vì có Thánh, nên phải phát trí huệ,
để cầu quả Phật).
Nhơn duyên thứ bảy: Vì những người lo sợ đời này tu hành
nếu không chứng quả, thì trở lại đời sau bị nghịch duyên làm
thối chuyển đạo tâm, hoặc không nhớ lại kiếp trước để tu
hành, nên tạo luận này dạy phương tiện niệm Phật, để họ cầu
sanh về cõi Phật, thường được nghe Phật thuyết pháp và Bồ
Tát khuyên tu, làm cho hành giả tín tâm chẳng thối chuyển.
Nhơn duyên thứ tám: Vì những chúng sanh giải đãi, nên
Luận chủ nói sự lợi ích tu hành, để khuyên người tiến tu.
CHÁNH VĂN
Hỏi: _ Pháp Đại thừa, trong các kinh đã nói nhiều,
cần gì phải lập trở lại?
Đáp: _ Khi Phật còn trụ thế, vì ba nghiệp của Ngài
đều thù thắng, nên một tiếng của Phật nói ra (nhứt âm diễn
xướng) tuỳ theo căn cơ của mỗi loài đều được hiểu cả, không
cần phải tạo luận. Song sau khi Phật diệt độ, các chúng sanh
trình độ không đồng đều, nhơn duyên lãnh thọ giáo pháp cũng
như sự lãnh hội của mỗi người có khác nhau: có chúng sanh
chỉ tự lực học hỏi rất nhiều kinh điển mới hiểu ngộ; có
chúng sanh cũng dùng tự lực học ít mà hiểu ngộ nhiều; có
chúng sanh không thể tự lực mà phải nhờ xem các bộ đại luận,
mới hiểu ngộ; có chúng sanh vì thấy các bộ đại luận rất
phiền phức, nên muốn tóm lại văn ít mà thâu nhiều nghĩa. Vì
thế nên Luận chủ tạo ra luận này, để tóm tắt giáo pháp quảng
đại thậm thâm và nghĩa lý vô biên của Đức Như Lai.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này, Luận chủ lập lời vấn đáp, để giải đáp nghi vấn
của độc giả.
Đại ý lời hỏi: Pháp Đại thừa, trong các kinh luận đã nói
nhiều, nay cần gì phải tạo luận nói lập trở lại?
Đại ý lời đáp: Khi Phật còn tại thế do phước huệ song
toàn, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) thù thắng; và trình độ của
chúng sanh thụ giáo cũng được ưu hạng, nên một lời của Phật
nói ra (viên âm), tất cả các loài tuỳ theo trình độ của
mình, đều hiểu được cả. Bởi thế nên không cần phải tạo luận.
Song sau khi Phật nhập diệt, người thay thế Phật truyền giáo
không được như Ngài, phần thì chúng sanh trình độ không
đồng, nhơn duyên ngộ đạo của mỗi người có khác: Có người nhờ
xem kinh mà ngộ đạo, có người nhờ xem luận mà ngộ đạo, có
người ưa nghiên cứu những bộ đại luận, có người chỉ muốn học
những quyển luận, văn ít mà bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Vì
muốn tóm tắt các nghĩa lý sâu rộng vô biên của Phật, nên
Ngài Mã Minh Bồ Tát tạo ra luận này.
CHƯƠNG THỨ
HAI
PHẦN ĐỊNH DANH NGHĨA
CHÁNH VĂN
Chương này có hai phần:
A. PHÁP ĐẠI THỪA (Thể Đại thừa) tức là tâm chúng sanh.
Tâm này tóm thâu hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian
và nói lên được nghĩa Đại thừa.
Tại sao vậy? _ Vì tâm này có hai tướng:
1. Tướng Chơn như tức là cái Thể của Đại thừa.
2. Tướng nhơn duyên sanh diệt tức là Thể, Tướng, Dụng của
Đại thừa.
B. NGHĨA ĐẠI THỪA: "Đại" là lớn, lớn cà 3 phương diện:
1. Thể lớn: Chơn như bình đẳng, bất tăng bất giảm. Bản
thể của tất cả pháp.
2. Tướng lớn: Như Lai tạng chứa đầy vô lượng tánh công
đức.
3. Dụng lớn: Vì nó sanh tất cả nhơn quả lành của thế gian
và xuất thế gian.
"Thừa" là chiếc xe, tất cả chư Phật đều đi xe này (pháp
Đại thừa); tất cả các vị Bồ Tát cũng đều đi xe này mà đến
chỗ Phật.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này nói về phần lập nghĩa, tức là xác định cái danh
nghĩa Đại thừa. Phần lập nghĩa này chia làm hai: Pháp Đại
thừa và Nghiã Đại thừa.
I. Pháp đại thừa: là tâm chúng sanh.
Tâm này có hai tướng:
1. Tướng Chơn như tức là chỉ riêng về phần thể tánh chơn
tâm thanh tịnh; dụ như "tánh trong sạch" của nước.
2. Tướng nhơn duyên sanh diệt tức là chỉ chung cho Thể,
Tướng và Dụng của chơn vọng hoà hợp; dụ như tánh "trong
sạch" và "tướng nhơ đục" lẫn lộn của nước.
II. Nghĩa đại thừa: Đại thừa nghĩa là gì?
"Đại" là lớn; "Thừa" (thặng) là
chiếc xe: chiếc xe lớn.
Tâm chúng sanh, Thể, Tướng và Dụng
đền lớn. Thể thì bao trùm tất cả pháp, Tướng thì chứa đựng
hằng sa công đức, còn Dụng thì xuất sanh tất cả pháp thế
gian và xuất thế gian.
Khế kinh chép: "Vô bất tùng thử pháp
giới lưu, mạc bất hoàn qui thử pháp giới, (không có một pháp
nào chẳng từ tâm này mà lưu xuất, và cũng không có một pháp
nào chẳng trở về tâm này).
Tâm này bao trùm tất cả các pháp thế gian và xuất thế
gian. Các Đức Phật đều nương tâm này mà được thành đạo. Các
vị Bồ tát cũng nương tâm này để đến chỗ Phật. Chúng sanh
cũng do tâm này mà luân hồi trong 6 đường. Tâm này cũng như
chiếc xe lớn chở tất cả người và vật. Bởi thế nên gọi tâm
này là pháp Đại thừa.
Tại sao không nói: "Tâm Phật" là pháp Đại thừa mà chỉ nói
"Tâm chúng sanh", là pháp đại thừa?_ Vì có hai lý:
1. Nếu nói "Tâm Phật" thì chỉ tóm
thâu được pháp thanh tịnh vô lậu mà thôi; còn nói "Tâm chúng
sanh", lại tóm thâu được cả pháp hữu lậu, vô lậu, thế gian
và xuất thế gian.
2. Nói Tâm chúng sanh là đứng về
phần "nhơn" mà nói; vì chưa phải nhiễm hay tịnh, nên mới có
thể tuỳ nhiễm duyên khởi ra nhiễm pháp, tuỳ tịnh duyên khởi
ra tịnh pháp.
GIẢI DANH TỪ
Tướng chơn như: Chữ "Chơn" là chơn thật không hư dối; chữ
"Như" là bình đẳng như như, không sanh diệt, nghĩa là tướng
chơn thật bình đẳng như như không sanh diệt; tức là "Thật
tướng" hay "Chơn tâm" hay "Viên giác" đây là cái "Thể của
Đại thừa". Đoạn này gọi "Tướng chơn như" tức là ở đoạn văn
sau gọi " Môn chơn như".
Tướng nhơn duyên sanh diệt: Vì nhơn duyên sanh diệt, nên
đủ các tướng: nhiễm, tịnh, thánh, phàm v.v...Đoạn này gọi
"Tướng nhơn duyên sanh diệt" tức là ở đoạn văn sau gọi "Môn
sanh diệt".
Như Lai tạng, có 3 nghĩa:
1. Tánh Như Lai (tánh Phật) bị các phiền não phú tàng
(che đậy), tức là chỉ cho chơn như còn bị triền phược; như
vàng còn ở trong khoáng.
2. Tánh Như Lai bao trùm tất cả pháp
(nghĩa năng tàng)
3. Tánh Như Lai là chỗ xuất sanh ra vô lương công đức
(nghĩa sở tàng).
Tánh công đức: Công đức sẳn có trong Như Lai tàng. Công
đức này không phải do tu tập mà được; song phải nhờ sự tu
tập làm trợ duyên nó mới hiện. Chúng sanh vì thiếu sự tu tập
làm trợ duyên, nên tánh công đức này không phát hiện.
Nhơn quả lành_ Tại sao luận này chỉ
nói "nhơn quả lành" mà không nói đến "nhơn quả ác"?
_ Vì có ba nghĩa:
1. Nhơn quả ác là thứ nhiễm ô hư
vọng; vì tâm này chỉ bao trùm vô lượng hằng sa công đức, nên
không hiệp với thứ nhiễm ô hư vọng. Dụ như nước có cả chất
trong và đục; song "chất đục" không hợp với tánh nước, mà
"chất trong" mới hiệp với nước; vì khi lóng bỏ bùn rối thì
chỉ còn chất nứơc trong. Cũng thế, pháp nhiễm ô không hiệp
với tâm này, mà duy có nhơn quả lành mới hiệp với tâm này.
2.Ngài Mã Minh chỉ nói về "Nhơn quả lành", là vì để chúng
sanh thấy tâm mình sanh ra các nhơn quả lành, nên sanh tâm
hâm mộ sự tu hành, mong cầu quả Phật.
3. Ngài Mã Minh Bồ Tát đã lên Thánh vị, nên trong A lại
da thức của Ngài chỉ toàn nhơn quả lành. Vì Ngài chỉ thấy
thuần thiện, nên Ngài chỉ nói "nhơn quả lành" mà không nói
đến "nhơn quả ác".
Nhơn quả lành thế gian: Nhơn quả thuộc về hữu lậu thiện,
còn quanh quẩn trong ba cõi thế gian là Dục giới, Sắc giới
và Vô sắc giới.
Nh ơn
quả lành xuất thế gian: Nhơn quả thuộc về vô lậu thanh tịnh,
ra ngoài tam giới.
▲ Trở Lên
|
BÀI THỨ
HAI
1. Nói về Tâm
Chơn như, có 2 nghĩa:
Thật không (như thật không)
Thật có (như thật bất không)
A. NÓI RÕ NGHĨA
CHÁNH
CHÁNH VĂN
Cái tâm này (chúng
sanh tâm) có hai phần: I. Tâm chơn như, II. Tâm sanh diệt.
Hai tâm này không rời nhau và đều bao trùm tất cả pháp.
LƯỢC GIẢI
Chương này giải
thích tâm chúng sanh là pháp Đại thừa. Pháp Đại thừa có hai
phần: Chơn như và Sanh diệt. Chơn như là "Thể" rộng lớn của
tâm; Sanh diệt là "Tướng" và "Dụng" rộng lớn của tâm. Phải
phân chia làm hai phương diện như vậy, mới rõ được Thể,
Tướng và Dụng của tâm.
Nếu đứng về "Thể
chơn như", thì suy nghĩ không trúng, luận bàn chẳng nhầm,
lìa các văn tự, ly tất cả tướng; như thế làm sao có các pháp
sai biệt được. Bởi thế nên phải nói đến Tướng và Dụng là
"môn sanh diệt" mới rõ được hành tướng sai biệt của "Tâm
chúng sinh".
Chơn như là "Thể",
còn Sanh diệt là "Tướng" và "Dụng". Tướng và Dụng không rời
Thể, Thể không rời Tướng và Dụng; cũng như nước không rời
sóng, sóng không rời nước. Bởi Thể, Tướng và Dụng không rời
nhau, nên mỗi một phần đều bao hàm được tất cả pháp.
Vì Thể và Dụng không
rời nhau, nên đứng về phần Chơn như mà luận, thì tuy "thanh
tịnh bất biến", mà vẫn tuỳ duyên sanh diệt; còn đứng về phần
Sanh diệt mà xem, thì tuy "tuỳ duyên sai biệt" mà vẫn nhưnhư
bất biến.
***
I. Tâm chơn như
CHÁNH VĂN
Tâm Chơn như là cái
tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm
tất cả các pháp (nhứt pháp giới đại tổng tướng pháp môn
thể).
Sở dĩ các pháp sai
khác là do vọng niệm; nếu rời vọng niệm thì không còn các
cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến
giờ, không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời
nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được, không có
biến đổi và cũng không phá hoại vì nó rốt ráo bình đẳng, chỉ
có một "Tâm Chơn như" mà thôi.
LƯỢC GIẢI
Tâm Chơn như này,
tánh không sanh diệt và bao trùm tất cả nhơn quả, thánh
phàm, y báo chánh báo ...Bởi thế nên nguyên văn chữ Hán gọi
là "nhứt pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể".
Vì vọng niệm nên
thấy có tất cả các pháp sai khác; cũng như vì mắt nhặm nên
thấy có hoa đốm giữa hư không. Nếu như lìa vọng nirệm rồi,
thì không có tất cả cảnh giới sai khác, mà chỉ còn một "Tâm
Chơn như"; cũng như mắt hết nhặm thì chỉ còn hư không một
màu trong tịnh. Bởi tất cả pháp là "Tâm Chơn như", nên không
thể phá hoại, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể
dùng danh tự để kêu gọi và cũng không thể dùng tâm suy nghĩ
được. Từ hồi nào đến giờ, nó rốt ráo bình đẳng, không có sai
khác. Bởi thế nên trong Khế kinh chép:
"Thị pháp trụ pháp
vị
Thế gian tướng
thường trụ"
Nghỉa là: Pháp nào
vẫn an trụ địa vị của pháp nấy; tướng thế gian là tướng
thường trụ.
GIẢI DANH TỪ
Tâm Chơn như: Vì tâm
này không hư ngụy, nên gọi là "Chơn", không bị thời gian
thay đổi, không gian chuyển dời, từ hồi nào đến giớ nó vẫn
như thế, nên gọi là "Như". Tâm Chơn như cũng gọi là "Chơn
tâm" hay "Viên giác".
Nhứt pháp giới đại
tổng tướng pháp môn thể: Câu này nghĩa lý rất sâu rộng, xin
giải sơ lược: Tâm Chơn như là Thể chung của "Nhứt pháp
giới"._Chữ "Nhứt" là chỉ cho sự bình đẳng bất nhị, thuộc về
lời nói ngăn chấp, chớ không phải lời nói tiêu biểu. _Chữ
"Giới" là chỉ cho "tâm Chơn như" này, nó là "nhơn" là
"giống" là "bản năng" sanh ra tất cả các pháp, nên gọi là
"nhứt pháp giới". Nhứt pháp giới là toàn tánh của vũ trụ. Ở
nơi nhứt pháp giới này, có thể phân ra tổng tướng (thể) và
biệt tướng (muôn pháp sai khác).
Tâm Chơn như là
"Tổng tướng" (tướng chung) của tất cả pháp; vì thể tánh nó
bình đẳng song cũng tóm thâu tất cả tướng, nên gọi là
"Đại".
Chữ "Pháp" nghĩa
là:"giữ gìn tự tánh và làm cho người hiểu biết". Chữ "môn"
là nghĩa ra vào thông suốt. Tất cả chúng sanh có thể do pháp
môn này tu hành, đến được mục đích cứu cánh; nếu rời "Đại
tổng tướng pháp môn" này, thì không thể đạt đến quả vị Phật.
Nói tóm lại:
Nhứt pháp giới là
"Thể" của tâm Chơn như.
Đại tổng tướng là
"Tướng" của tâm Chơn như.
Pháp môn là "Dụng"
của tâm Chơn như.
CHÁNH VĂN
Tất cả những lời
nói, đều do vọng niệm phân biệt mà sanh, chỉ do giả danh chớ
không thật thể . Cho đến danh từ Chơn như cũng không thực;
chẳng qua là một danh từ túng cùng của lời nói, dùng để trừ
bỏ các danh từ khác (vọng) mà thôi (nhơn ngôn khiển ngôn).
Song cái "Thể" của Chơn như không thể trừ bỏ và cũng không
thể dựng lập. Phải biết: Tất cả các pháp cũng không thể trừ
bỏ vì đều là "Chơn" vậy, và cũng không thể dựng lập, vì đều
là "Như" vậy. Bởi tất cả các pháp đều là Chơn như, nên không
thể nói bàn và suy nghĩ được.
LƯỢC GIẢI
Tất cả những lời nói
phô, đều do vọng niệm phân biệt; danh từ chỉ là hư giả, chớ
không có thật thể. Cho đến cái danh từ Chơn như cũng là hư
giả mà thôi. Danh từ Chơn như hay Phật là danh từ túng cùng
trong các danh từ tạm đặt ra như thế để trừ các danh từ vọng
nhiễm của thế gian. Cũng như ông thầy giáo, tạm dùng tiến gõ
bảng để trừ tiếng ồn của học sinh (dĩ ngôn diệt ngôn). Đến
khi tiếng ồn của học sinh hết, thì tiếng gõ bảng của thầy
giáo cũng không còn. Cũng như khi vọng mất, chúng sanh hết,
thì Chơn như hay Phật cũng chẳng còn.
Song, chỉ bỏ cái
danh từ (Chơn như) hư giả, chớ thể tánh chơn như thì không
thể bỏ hay lấy. Cho đến các pháp cũng không thể bỏ và lấy
được. Vì các pháp đều là "Chơn", nên không thể bỏ, và "Như"
nên không thể lấy. Bởi các pháp đều chơn như, nên không thể
dùng lời nói luận bàn hay tâm suy nghĩ đền được.
Tóm lại, vì vọng
niệm phân biệt, nên thấy có các pháp sai biệt. Nếu vọng niệm
phân biệt hết, thì tất cả các pháp không còn những tướng sai
biệt, mà đều là Chơn như. Bởi các pháp đều là chơn như, nên
nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhầm và cũng không thể
lấy hay bỏ được.
CHÁNH VĂN
Hỏi: _Nếu
"Chơn như", mà không thể dùng lời nói luận bàn hay tâm suy
nghĩ, thì chúng sanh làm sao tuỳ thuận và ngộ nhập được?
Đáp:_ Nếu
người nào biết tất cả pháp, tuy có nói bàn, mà không có
"năng nói" và "sở nói"; tuy có suy nghĩ, mà không có "năng
suy nghĩ" và "sở suy nghĩ", thì người ấy được tuỳ thuận Chơn
như.
Còn người nào lìa
các niệm (vọng niệm) thì người đó được nhập Chơn như.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Luận chủ
lập lời vấn đáp, để giải thích sự nghi ngờ của độc giả.
Hỏi: _ Nếu Chơn như
mà không thể dùng lời nói luận bàn và tâm suy nghĩ được thì,
chúng sanh làm sao tuỳ thuận và ngộ nhập Chơn như?
Đáp:_ Nếu người nào
biết tất cả pháp, tuy có nói năng suy nghĩ, mà không chấp
nơi nói năng suy nghĩ, thì người đó được tuỳ thuận Chơn như.
Tiến lên một từng nữa, nếu người nào lìa các vọng niệm, thì
người ấy nhập được Chơn như. Nghĩa là "Vọng" hết, thì "Chơn"
hiện. Đoạn này đồng một ý nghĩa với bốn chữ "bất tuỳ phân
biệt" trong Kinh Lăng Nghiêm.
CHÁNH VĂN
Lại nữa, nếu căn cứ
trên danh từ (ngôn thuyết) mà phân biệt, thì chữ Nhơn như có
2 nghĩa:
1.THẬT KHÔNG
(như thật không), tức là chỉ nói đến cái thể tánh rốt ráo
chơn thật của Chơn như. Nghĩa là: từ hồi nào đến giờ, Chơn
như không có các tâm niệm hư vọng, không có tất cả các tướng
sai biệt, nói chung là thật không có các pháp tạp nhiễm.
Phải biết: Chơn như
phi tướng "có ", phi tướng "không"; phi tướng "chẳng phải
có", phi tướng "chẳng phải không"; phi tướng "cũng có và
cũng không"; phi tướng "một", phi tướng "khác"; phi tướng
"chẳng phải một, chẳng phải khác"; phi tướng "cũng một cũng
khác".
Nói tóm lại, vì chơn
như không có tất cả các vọng niệm phân biệt của chúng sanh,
nên gọi rằng "thật không". Nếu khi vọng tâm phân biệt hết
rồi thì cũng không còn cái gì gọi là "không" nữa.
LƯỢC GIẢI
Đứng về phương diện
lý tánh tuyệt đối, thì Chơn như không thể kêu gọi là gì được
(ly danh tự tướng), không thể dùng lời nói luận bàn (ly ngôn
thuyết tướng) và cũng không thể dùng tâm suy nghĩ được (ly
tâm duyên tướng). Song, nếu căn cứ trên văn tự lời nói mà
luận, thì Chơn như có hai nghĩa: 1. Thật không và 2. Thật
có.
Đoạn này nói về
nghĩa "thật không" (ly nhứt thế tướng), tức là chỉ cho cái
"thể Chơn như", từ hồi nào đến giờ, nó không có các vọng
niệm, không có các nhiễm pháp và không có các tướng sai
khác. Nó phi tất cả các tướng: Có, không, chẳng phải có,
chẳng phải không, cho đến phi tướng đồng, tướng dị và tướng
không đồng không dị...
Nói tóm lại là nó
không có tất cả vọng niệm phân biệt của chúng sanh, và khi
rời các vọng niệm rồi, thì cái gọi là "không" đó cũng không
còn.
CHÁNH VĂN
2. THẬT CÓ
(như thật bất không), tự thể Chơn như, thật có đủ công đức
vô lậu (tức nhứt thế pháp). Bởi Chơn như không có các vọng,
nên tức là Chơn tâm. Cái Chơn tâm này thường còn không biến
đổi và đầy đủ các pháp thanh tịnh; nên nói "thật có"(bất
không).
Nhưng cái cảnh giới
"thật có" này, cũng không có hình tướng gì để nắm lấy được,
vì nó lìa các vọng niệm, nên chỉ có người tu chứng mới biết
được mà thôi.
LƯỢC GIẢI
Trong đoạn này nói:
Chơn như có hai nghĩa, tức là ý nói Chơn như có hai thứ. _
Đoạn trên nói về phương diện "thể tánh" của Chơn như, thì
không có các vọng niệm, không có các pháp nhiễm ô, tức là
"ly nhứt thế tướng", nên nói "thật không".
Đoạn này nói về
phương diện "tướng dụng" của Chơn như, thì đầy đủ vô lượng
hằng sa công đức, thế là "tức nhứt thế pháp", nên nói "thật
có". Nhưng cảnh giới "thật có" này, không có hình tướng gì
để chỉ bày ra được, vì đã lìa các vọng niệm phân biệt, nên
chỉ có người chứng ngộ mới biết được thôi.
▲ Trở Lên
|
BÀI THỨ BA
CHƯƠNG THỨ
BA
PHẦN GIẢI
THÍCH
II. Tâm Sanh
diệt (Thức A lại da)
CHÁNH VĂN
Do Như Lai tạng
(chơn) mà có "Tâm sanh diệt"; nghĩa là Chơn (không sanh
diệt) Vọng (sanh diệt) hoà hiệp, không phải "một" không phải
"khác" gọi là thức A lại da (tâm sanh diệt). Thức này tóm
thâu tất cả các pháp và xuất sanh tất cả các pháp. Thức này
có hai nghĩa "Giác" và "Bất giác" (mê).
LƯỢC GIẢI
Đoạn trước nói chỉ
có một tâm mà chia ra làm hai phương diện: Tâm Chơn như và
Tâm sanh diệt.
Đoạn này nói do Như
Lai tạng mà có "Tâm sanh diệt" tức là thức A lại da. Vì thức
A lại da là do chơn vọng hoà hiệp, không phải một không phải
khác, nên có hai nghĩa "Giác" và "Bất giác". Thức này có
công năng giữ gìn tất cả các pháp và sanh ra các pháp.
Trên đây nói thức A
lại da có 2 nghĩa, không nên hiểu lầm thức A lại da có hai
thứ "Giác" và "Bất giác" khác nhau; mà nên hiểu rằng: thức
này có hai trạng thái, tuỳ nhiễm duyên thì trạng thái "Bất
giác" hiện, tuỳ tịnh duyên thì trạng thái "Giác" hiện. Cũng
như sáng với tối, chỉ là hiện tượng của thái hư mà thôi.
Chúng ta cũng nên
phân biệt ba danh từ: Chơn như, Như Lai tạng và thức A lại
da là đồng hay khác, và liên quan với nhau như thế nào.
_" Chơn như" là chỉ
cho cái "Tổng thể" của tâm; "Như Lai tạng" là chỉ cho cái
"Tổng tướng" của tâm, "thức A lại da" là chỉ cho cái "Thể,
Tướng và Dụng" về nhiễm và tịnh hoà hiệp của tâm.
Chơn như, dụ như
"tánh" ướt của nước; Như Lai tạng, dụ như "nước" (hình tướng
của nước); A lại da, dụ như "sóng" (dụng của nước). Trong
sóng gồm có cả tánh ướt và nước. Thế là thức A lại da (Tâm
sanh diệt) gồm cả "Thể, Tướng và Dụng" về nhiễm và tịnh hoà
hiệp của tâm.
Tại sao không nói
"do Chơn như, có Tâm Sanh diệt" mà chỉ nói "do Như Lai tạng
có Tâm Sanh diệt"? _ Vì Chơn như là "Thể" của nhứt tâm; Như
Lai tạng là "Tướng" của nhứt tâm; Chơn như thì thanh tịnh
không động, còn Như Lai tạng tuy rằng cũng chơn tịnh, nhưng
còn bị phiền não che phủ, làm nhơn cho động, nên chỉ nói "do
Như Lai tạng có tâm sanh diệt là thức A lại da" mà không nói
"do Chơn như sanh ra thức A lại da" (Tâm Sanh diệt).
Tâm Sanh diệt này có
hai phần:
1. Sanh diệt về phần
lưu chuyển sanh tử,
2. Sanh diệt về phần
hoàn tịnh (trở lại bản tánh Niết bàn).
GIẢI DANH TỪ
Như Lai tạng, có hai
nghĩa: 1. Như Lai tại triền, nghĩa là tánh Phật (Như Lai)
còn bị chứa trong vòng phiền não nhiễm ô. 2. Như Lai xuất
triền, nghĩa là tánh Phật (Như Lai) chứa đựng các pháp vô
lậu thanh tịnh, đã ra khỏi phiền não nhiễm ô.
Song, trong kinh
luận nói đến Như Lai tạng, là phần nhiều dùng cái nghĩa "Như
Lai tại triền" (tánh Phật bị chứa trong phiền não).
Câu "Chơn vọng hoà
hiệp, không phải một và không phải khác":
"Chơn" là bản thể,
còn "Vọng" là hiện tượng; bản thể và hiện tượng không rời
nhau, nên nói "hoà hiệp". Vì bản thể không phải là hiện
tượng, nên nói "không phải một"; vì hiện tượng và bản thể
không rời nhau, nên nói "không phải khác".
Trong đây nói chữ
"Hoà hiệp", không phải thật có hai vật riêng nhau, như sữa
với nước hoà hiệp lại, mà chính là bản thể với hiện tượng
không rời nhau, nên tạm gọi là "hoà hiệp".
A lại da: Trong luận
này, chữ "thức A lại da", chúng ta phải hiểu tức là "thức A
đà na" mới khỏi ngại. Căn cứ theo luận Duy thức, khi đến quả
A la hán hay Bát địa, thì thức A lại da không còn (A la hán
vị xả); vì hai vị này đã trừ ngã chấp, nên thức này không
còn là A lại da, mà chỉ gọi là thức A đà na (thức trì
chủng).
Còn trong luận này,
thì nói: Từ phàm phu cho đến quả Phật, đều có thức A lại da,
vì nó duy trì cả thánh và phàm. Vì thế nên chữ "A lại da" ở
luận Khởi tín này, tức là thức "A đà na" trong luận Duy thức
vậy. Trong luận Duy thức chép: "Thức A đà na có công năng
duy trì chủng tử của các pháp nhiễm tịnh, thánh phàm ..."
NÓI VỀ NGHĨA
"GIÁC" có 5 tên
CHÁNH VĂN
"Giác" là chỉ cho
bản thể chơn tâm lìa các vọng niệm, nó khắp giáp tất cả,
rộng lớn như hư không; cũng gọi là "Pháp thân bình đẳng của
Như Lai". Pháp thân này, tất cả chúng sanh sẳn có, nên gọi
là "Bản giác" (tánh Phật sẵn có).
Vì đối với "Thỉ
giác" nên gọi là "Bản giác"; song Thỉ giác tức là Bản giác.
Nghĩa là từ Bản giác mà có Bất giác (mê); do Bất giác nên có
Thỉ giác (mới giác ngộ); giác ngộ chưa hoàn toàn thì gọi là
Phần giác (giác ngộ từng phần); giác ngộ được hoàn toàn thì
gọi là Cứu cánh giác.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này nói về
nghĩa "Giác" (sáng suốt) tức là tánh Phật sẳn có ở chúng
sanh. Tánh Phật này ở nơi chúng sanh thì gọi là "Như Lai
tạng" (Như Lai bị phiền não che giấu); còn ở nơi Phật thì
gọi là "Pháp thân thanh tịnh".
Tánh Phật tuy luân
chuyển trong sáu đường, mà không bao giờ mất, vẫn vắng lặng
thường còn và viên mãn. Chẳng qua chúng sanh vì bị mây vô
minh che phủ, nên trăng Phật tánh này chẳng hiện được.
Tất cả chúng sanh từ
hồi nào đến giờ, vì không rời vọng niệm, nên tuy trọn ngày ở
trong tánh Phật mà chẳng tự biết; nếu khi rời vọng niệm rồi,
thì tánh Phật này sáng soi, rỗng suốt khắp giáp tất cả như
thái hư. Lúc bấy giờ chỉ còn tánh Phật thuần chơn, gọi là
"Pháp thân bình đẳng của Như Lai".
Vì căn cứ theo tánh
Phật sẳn có của chúng sanh, nên gọi là "Bản giác". Bởi thế
nên Khế kinh nói:
"Tất cả chúng sanh
đã thành Phật từ lâu", và nói:
"Ta thành ngôi Chánh
giác trong tâm của chúng sanh".
Song "Giác" có nhiều
tên: Bản giác, Bất giác, Thỉ giác, Phần giác và Cứu cánh
giác. Vì theo mỗi khía cạnh mà chia ra làm 5 tên, chớ không
phải thật có 5 cái "Giác" khác nhau.
GIẢI DANH TỪ
Pháp thân bình
đẳng: Dùng pháp giới tánh làm thân, nên gọi là "Pháp
thân". Vì Pháp thân này, ở tại phàm không bớt, ở nơi thánh
không thêm, nên gọi là "Bình đẳng".
Bản giác: Sản
có giác ngộ, tức là chỉ cho tánh Phật sẳn có của chúng
sanh.
Bất giác:
Không giác ngộ (mê). Chúng sanh tuy có sẳn tánh Phật, nhưng
không tự giác ngộ.
Thỉ giác: Mới
giác ngộ. Nhờ sự tu học, nên hành giả mới giác ngộ được tánh
Phật.
Phần giác:
Giác ngộ từng phần. Hành giả tu hành trải qua từng bực, được
sự giác ngộ từng phần.
Cứu cánh giác:
Giác ngộ rốt ráo (tức là Phật).
THỂ GIÁC CÓ 4
LỚP, TỪ THÔ ĐẾN TẾ
CHÁNH VĂN
Hỏi: _ Nghĩa
là thế nào?
Đáp: _ Có 4
lớp như sau:
a) Giác ngộ "niệm
DIỆT"
Chúng
phàm phu (Tiều thừa thì hữu học, Đại thừa thì Thập tín) giác
ngộ vọng niệm trước đã khởi ác, nên ngăn dứt vọng niệm sau,
không cho sanh khởi ác nữa (niệm diệt). Vì chúng phàm phu in
như đã giác ngộ, nhưng thật ra chưa giác ngộ, nên gọi là
"Bất giác".
b) Giác ngộ "niệm
DỊ"(hoại).
Hàng sơ phát tâm Bồ
Tát (Tam hiền) và Nhị thừa (vô học), dùng trí huệ quán sát,
giác ngộ được "niệm Dị" (dị tướng vô minh) và không còn
tướng "niệm Dị". Hai vị này vì đã xả được tướng phân biệt
chấp trước về phần thô trọng, nên gọi là "Tương tợ giác"(
tương tợ như đã giác ngộ).
c) Giác ngộ "niệm
TRỤ".
Hàng Thập địa Bồ Tát
(Bồ Tát đã chứng Pháp thân) giác ngộ được "niệm Trụ" (trụ
tướng vô minh) và không còn tướng "niệm Trụ". Vị này vì đã
lìa được tướng phân biệt về thô niệm, nên gọi là "Tuỳ phần
giác" (Giác ngộ từng phần).
d) Giác ngộ "niệm
SANH"
Hàng Đẳng giác Bồ
Tát (Địa tận Bồ Tát) do các phương tiện tu hành đã đầy đủ,
nhứt niệm hợp với chơn tâm, nên giác ngộ được tâm sơ khởi
(sanh tướng vô minh) và không còn tướng sơ khởi. Vì vị này
đã xa lìa vọng niệm vi tế (vi tế vô minh) ngộ nhập chơn tâm
thường trụ , nên gọi là "Cứu cánh giác" (Giác ngộ rốt ráo).
Bởi thế nên trong
kinh chép: "Nếu chúng sanh nào quán "vô niệm" (không vọng
niệm) thì chúng sanh đó đã hướng về trí Phật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Bồ Tát Mã
Minh dùng bốn danh từ: Niệm sanh, Niệm trụ, Niệm dị, Niệm
diệt để nói lên vô minh có thô tế, sâu cạn và chỉ rõ người
tu hành ở địa vị nào mới diệt được thứ vô minh nào.
Trong đoạn này nói
"chúng phàm phu", thật ra không phải hoàn toàn là phàm phu,
mà chính là chỉ cho: bên Đại thừa thì hàng Thập tín, còn
Tiểu thừa thì ba quả trước, thuộc về hữu học. Vì các vị này
chưa được dự vào hạng Hiền (Tam hiền) và Thánh (Thập thánh)
nên bị gọi là Phàm phu.
Chúng phàm phu này
giác ngộ được niệm diệt tức là phá trừ "Diệt tướng vô minh"
(vô minh thô sơ bên ngoài). Nếu so với Lục thô, thì "Niệm
diệt" này thuộc về hai món thô sau là: Khởi nghiệp tướng và
Nghiệp hệ khổ tướng (sẽ giải ở bài thứ năm). Vì sự phá trừ
vô minh này không thấm vào đâu, và đối với việc giác ngộ
chơn tâm còn xa xôi lắm, nên gọi họ là "Bất giác" (chưa giác
ngộ).
Hàng Nhị thừa và Bồ
Tát ở vị Tam hiền (Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng)
giác ngộ được "Niệm dị", tức là phá trừ "Dị tướng vô minh"
(vô minh thô). Nếu so với Lục thô thì "Niệm dị" này thuộc về
hai món thô bực trung là: Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng
(sẽ giải ở bài thứ năm). Vì các vị này tương tợ như giác ngộ
được chơn tâm và chứng được pháp thân thanh tịnh, nhưng chưa
phải thật ngộ và thật chứng, nên gọi họ là "Tương tợ giác".
Hỏi: _ Thế
nào là giác ngộ "Niệm dị" và không còn tướng "Niệm dị"?
Đáp: _ Bồ Tát
sơ phát tâm dùng trí huệ quán sát Ngã (thân tâm) và Pháp (vũ
trụ) đều do nhơn duyên sanh, nên đoạn trừ hai món vọng chấp
phân biệt thật ngã và thật pháp về phần thô, đó là "Giác ngộ
niệm dị". Đến khi Bồ Tát không còn thấy có tướng Ngã, tướng
Pháp, thế gọi là "không còn tướng niệm dị".
Hỏi: _ Sao
gọi là "Phân biệt chấp trước về phần thô trọng"?
Đáp: _ Ngã
chấp và Pháp chấp có chia ra làm hai phần: 1. Thô trọng, tức
là phân biệt Ngã chấp và Pháp chấp, phần này dễ trừ. 2. Vi
tế, tức là cu sanh Ngã chấp và Pháp chấp, phần này khó trừ.
***
Hàng
Thập địa Bồ Tát vì đã chứng pháp thân thanh tịnh, nên cũng
gọi là "Pháp thân Bồ Tát". Các vị Bồ Tát này giác ngộ được
"Niệm trụ", tức là phá trừ "trụ tướng vô minh" (tế vô minh).
Nếu so với Lục thô ở bài sau, thì thuộc về hai món thô đầu
là: Trí tướng và Tương tục tướng.
Bồ Tát phá một phần
vô minh thì chứng được một phần Pháp thân, gọi là lên Sơ
địa; phá hai phần vô minh thì chứng hai phần Pháp thân, gọi
là lên Nhị địa; cho đến phá mười phần vô minh, thì chứng
được mười phần Pháp thân, gọi là lên Thập địa Bồ Tát. Vì Bồ
Tát phá vô minh từng phần và giác ngộ từng phần, nên gọi là
"tuỳ phần giác".
Các vị Bồ Tát này,
vì tâm niệm còn trụ ở năng sở đối đãi, chưa dứt trừ được,
nên gọi là "Trụ tướng vô minh". Đến khi Bồ Tát nhập Chơn
như, quán, chỉ nhứt tâm chánh niệm Chơn như, không còn tướng
năng sở đối đãi, nên gọi "Không còn tướng niệm trụ". Như thế
là lìa được tướng phân biệt về thô niệm (vô minh thô).
Sở dĩ gọi "Thô" là
vì không tế nhị bằng "Sanh tướng vô minh" (vô minh rất vi
tế); kỳ thật đây cũng là một thứ vô minh vi tế, rất khó
trừ.
Tóm lại, từ phàm phu
(Thập tín) cho đến địa vị Pháp thân Bồ Tát (Thập địa), về sự
phá trừ vô minh của mỗi bực có thô và tế khác nhau: 1. Chúng
phàm phu đối với cảnh, chấp có và thấy vọng niệm diệt rồi,
đè nén không cho sanh khởi. 2. Hàng Nhị thừa và Tam hiền Bồ
Tát, thì quán ngã pháp đều không, nhưng còn cái "Niệm
không". 3. Đến bực Thập địa Bồ Tát, thì cái "Tâm niệm chấp
không" cũng không còn; nghĩa là không còn cái "Năng Niệm".
Nói rằng bực Đẳng
giác Bồ Tát, giác ngộ được "niệm sanh" tức là nói vị Bồ Tát
này phá trừ được "Sanh tướng vô minh" (vô minh rất vi tế).
Nghĩa là các vị Bồ Tát tu hành, đến lúc chơn cùng hoặc tận,
tột bực Thập địa, chứng lên vị Đẳng giác, khi ấy Bồ Tát dùng
trí Kim Cang đoạn trừ "sanh tướng vô minh" (giác ngộ được
niệm sanh) xa lìa các vọng hoặc rất vi tế, và nhứt niệm hiệp
với tâm thể Chơn như, nên không còn "tướng sơ khởi"; khi đó
Bồ Tát chúng lên quả Diệu giác (Phật) gọi là "Cứu cánh
giác".
***
Hỏi: _ Phải
chăng trong một niệm, có sanh, trụ, dị, diệt; chúng phàm phu
giác ngộ khi "Niệm diệt"; Nhị thừa giác ngộ khi "Niệm dị";
Thập địa Bồ Tát giác ngộ khi "Niệm trụ"; Đẳng giác Bồ Tát
giác ngộ khi "Niệm sanh"?
Đáp: _ Hiểu
như vậy không được đúng lắm; đây nói sanh, trụ, dị, diệt là
chỉ cho vọng niệm có phần thô và tế. Chúng phàm phu chỉ giác
ngộ vọng niệm về phần thô bên ngoài gọi là "Niệm diệt". Nhị
thừa giác ngộ vọng niệm về phần tế hơn gọi là "Niệm dị".
Thập địa Bồ Tát giác ngộ vọng niệm lại tế hơn nữa, gọi là
"Niệm trụ". Đến bực Đẳng giác Bồ Tát, giác ngộ vọng niệm lại
rất vi tế, gọi là "Niệm sanh".
Thí như mặt nước
bằng phẳng là dụ tâm thể thanh tịnh vô niệm. Mặt nước vừa
dợn động, là dụ "Niệm sanh". Sóng nổi lăn tăn là dụ "Niệm
trụ". Sóng nhấp nhô, dụ "Niệm dị". Sóng nổi ba đào là dụ
"Niệm diệt".
Chúng tôi đem 4 niệm
trong bài này, phối hiệp với tam tế lục thô ở bài sau, để
quý vị dễ hiểu.
Niệm sanh
1. Vô minh
nghiệp tướng
Niệm trụ
2. Năng kiến
tướng Tam tế
3. Cảnh giới
tướng
1. Trí tướng
2. Tương tục
tướng
Niệm dị
3. Chấp thủ
tướng
4. Kế danh tự
tướng Lục thô
Niệm diệt
5. Khởi nghiệp
tướng
6. Nghiệp hệ khổ
tướng
***
Hỏi: _ Làm
sao để được trí Phật?
Đáp: _ Trí
Phật thanh tịnh không các vọng niệm, muốn được trí Phật,
hành giả phải "vô niệm". Trong kinh Lăng già quyển hai có
chép: "Nếu chúng sanh nào quán vô niệm, thì chúng sanh ấy sẽ
hướng về trí Phật".
Ngài Đức Thanh giải
rằng: "Vô niệm là con đường tắt để thành Phật..." và
"...không những Bồ Tát tu hành đoạn trừ phiền não, đến vô
niệm mà gọi là "Cứu cánh giác"; tức như chúng sanh nào, ngày
đêm quán vô niệm, thì chúng sanh ấy mỗi niệm đã hướng về trí
Phật".
Trong luận nầy nói
hai chữ "vô niệm" đồng với bốn chữ "bất tuỳ phân biệt" trong
kinh Lăng Nghiêm chữ "vô niệm" nghĩa là không khởi vọng
niệm. Nếu vọng niệm không khởi, thì tâm được định, do tâm
định nên mới phát sanh ra trí huệ thanh tịnh của Phật.
Chữ "Bất tuỳ phân
biệt", nghĩa là không theo trần cảnh khởi phân biệt. Không
khởi phân biệt thì vọng niệm chẳng sanh; vọng niệm chẳng
sanh thì chơn tâm tự hiện ra.
Bởi thế nên luận nầy
nói chữ "Vô niệm", Kinh Lăng Nghiêm nói "bất tuỳ phân biệt";
hai danh từ tuy khác, song đồng một ý nghĩa và đồng một con
đường tắt, để đi đến quả Phật.
VỌNG NIỆM HẾT (VÔ
NIỆM) THÌ CHƠN TÂM HIỆN
CHÁNH VĂN
Lại nữa, thật ra Tâm
không có tướng sơ khởi, mà nói rằng "biết được tướng sơ khởi
của tâm", đó tức là được "vô niệm". Tất cả chúng sanh từ hồi
nào đến giờ, vì chưa từng xa lìa vọng niệm tương tục (chưa
được vô niệm), nên không được gọi là "Giác", mà chỉ gọi là
"Vô thỉ vô minh".
Nếu người được vô
niệm (ngộ chơn tâm) thì các tướng sanh, trụ, dị, diệt của
tâm đều hết, chỉ còn một tâm thể vô niệm (chơn tâm). Bởi thế
nên Thỉ giác không khác với Bản giác. Vì vọng niệm nên bốn
tướng: Sanh, Trụ, Dị và Diệt đồng thời nương nhau mà có, và
đều không tự lập; khi vọng niệm hết, thời bốn tướng không
còn, chỉ một tánh giác (chơn tâm) xưa nay bình đẳng.
LƯỢC GIẢI
Tất cả chúng sanh từ
hồi nào đến giờ, do một niệm mê nên bốn tướng: sanh, trụ,
dị, diệt nhứt thời nương nhau khởi hiện, không có trước sau.
Vì vọng niệm tương tục mãi, làm cho chúng sanh không ngộ
được chơn tâm (vô niệm) của mình, nên gọi là "vô thỉ vô
minh". Bởi thế nên có chia ra Bản giác và Thỉ giác.
Trái lại, bực Đẳng
giác Bồ Tát, đã diệt hết vọng niệm, ngộ được chơn tâm thường
trú của mình, nên bốn tướng không còn, mà chỉ còn một tánh
sáng suốt bình đẳng không vọng niệm, gọi là "Cứu cánh giác".
Bởi vậy nên "Thỉ giác" cũng tức là "Bản giác".
GIẢI DANH TỪ
"Tướng sơ khởi"
tức là chơn tâm, mà chơn tâm thì vô tướng và vô niệm. Người
được vô niệm tức là ngộ chơn tâm; phải ngộ được chơn tâm mới
gọi là "Cứu cánh giác".
"Bản giác"
tức là tâm tánh xưa nay vốn thanh tịnh sáng suốt, trái với
vô minh bất giác (mê).
"Thỉ giác" là
mới giác ngộ. Hành giả dùng quán trí trừ các vọng niệm, mới
vừa giác ngộ tâm thể không có bổn tướng, nên gọi là "Thỉ
giác".
Nên biết, những danh
từ trên đây đều giả lập: "Bản giác" là đối với "Thỉ giác" mà
lập, "Thỉ giác" nhơn "Bất giác" mà có, "Bất giác" lạinhơn
"Bản giác" mà sanh. Do đối đãi nhau nên giả lập ra có nhiều
tên, thật ra chỉ có tánh giác mà thôi.
(Đoạn này nói về
"Thỉ giác", đoạn sau nói đến "Bản giác").
▲ Trở Lên
|
BÀI THỨ
TƯ
CHƯƠNG THỨ BA
PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ NGHĨA "GIÁC"
(tiếp theo và
hết)
Nói về nghĩa "Giác"
Bản giác có 2
tướng:
1. Tướng Trí
tịnh
2. Tướng Nghiệp
dụng bất tư nghị
Bản giác có 4
tướng:
1. Như thật
không
2. Nhơn huân
tập
3. Pháp xuất ly
4. Duyên huân
tập
CHÁNH VĂN
Bản giác có 2 tướng
Lại nữa, do dứt các
nhiễm duyên phân biệt, nên bản giác thành ra hai tướng: 1.
Tướng trí tịnh. 2. Tướng nghiệp dụng bất tư nghị; hai tướng
này không rời bản giác.
1. Tướng trí
tịnh: (Thể): Hành giả nhờ sức huân tập và như thật tu
hành, đến khi công phu tu hành đã viên mãn, phá trừ được
thức A lại da (chơn vọng hoà hiệp) và diệt các vọng tâm
tương tục, thì pháp thân thanh tịnh hiện ra, đặng cái trí
thuần tịnh, nên gọi là "Tướng trí tịnh".
LƯỢC GIẢI
Nhờ dứt trừ các pháp
nhiễm ô phân biệt, nên tánh giác hiện ra có 2 tướng: 1. Bản
thể sáng suốt trong sạch, gọi là "Tướng trí tịnh".2. Diệu
dụng không thể nghĩ bàn, gọi là "Tướng nghiệp dụng bất tư
nghị". Vì thể và dụng không rời tánh giác, nên gọi "hai
tướng không rời bản giác".
Bực Tam hiền, bên
trong nhờ sức chơn như huân ra, bên ngoài lại nhờ chánh pháp
huân vào, nên làm cho hành giả tự phát khởi tín tâm tu
hành.
Đến hàng Thập địa Bồ
Tát, do nhờ sức tu tập, nên ngộ nhập được tâm chơn như, rồi
y như tâm chơn như này mà tu, nên gọi là "Như thật tu
hành".
Đến vị Đẳng giác Bồ
Tát, thì sự tu hành, công đã thành quả lại mãn; lúc bấy giờ
Bồ Tát phá trừ thức hoà hiệp và diệt tâm tương tục, nên pháp
thân thanh tịnh hiện ra, đặng trí thuần tịnh, gọi là "Tướng
trí tịnh".
GIẢI DANH TỪ
"Thức hoà hiệp"
_ Đoạn trước nói "Sanh diệt và bất sanh diệt hoà hiệp", gọi
là A lại da", nay nói "phá thức hoà hiệp" tức là phá thức A
lại da. Song chỉ phá cái "tướng hư vọng tạp nhiễm" của thứcA
lại da; không phải phá cái "thể tánh" của thức này.
"Tâm tương tục"_
Tâm tương tục tức là 7 chuyển thức (từ nhãn thức đến Mạt ma
thức). Diệt tâm tương tục, tức là diệt "tướng" hư vọng tương
tục của 7 thức trước, không phải diệt cái "thể" của 7 chuyển
thức.
CHÁNH VĂN
Hỏi: _ Nghĩa
này thế nào?
Đáp: _ Tất cả
tâm thức đều là vô minh; song cái tướng vô minh (vọng) không
rời tánh giác (chơn). Bởi thế nên không thể phá hoại (vì
không rời tánh giác), và cũng không phải không phá hoại được
(vì là tướng vô minh).
Thí như trước biển
cả (dụ tánh giác) vì gió (vô minh) nên nổi sóng (tâm thức);
sóng và gió đều động và không rời nhau; song tánh nước chẳng
động. Đến khi sóng đứng thì gió lặng; song tánh ướt của nước
không diệt.
Cũng thế, biển tâm
thanh tịnh của chúng sanh, bị gió vô minh thổi động, nên
sóng tâm thức nổi lên. Sóng tâm thức, gió vô minh đều động,
lại không hình tướng và chẳng rời nhau; song biển chơn tâm
chẳng hề chao động. Nếu gió vô minh dừng, thì sóng tâm thức
tương tục kia cũng lặng; song nước trí thuần tịnh (chơn)
không bao giờ diệt.
LƯỢC GIẢI
Vì vô minh sanh ra
các tâm thức hư vọng, nên các tâm thức không rời vô minh.
Song vô minh lại không thật thể, chỉ nương tánh giác mà có,
nên nó không rời tánh giác. Đến khi vô minh hết, thức tâm
diệt, thì tánh giác hiện bày. Cũng như, vì gió thổi nên tánh
sóng nổi lên; sóng và gió đều động và không rời nhau. Đến
khi gió đứng sóng lặng thì tánh nước thanh tịnh bằng phẳng
hiện ra.
CHÁNH VĂN
Tướng nghiệp dụng
bất tư nghị (Dụng). Do tướng trí tịnh đủ vô lượng công đức
và thường không đoạn tuyệt, nên có thể tuỳ thuận theo căn cơ
của chúng sanh, tự nhiên ứng hiện ra tất cả các cảnh giới
mầu nhiệm thù thắng, để làm lợi ích cho chúng sanh.
LƯỢC GIẢI
Từ chơn như thể
(tướng trí tịnh) khởi ra các diệu dụng (chơn như dụng) không
thể nghĩ bàn được (tướng nghiệp dụng bất tư nghị). Nhờ diệu
dụng này mới có thể hiện ra được các cảnh giới thù thắng,
tuỳ theo trình độ của mỗi loài, làm vô lượng công đức, để
lợi ích cho tất cả chúng sanh không thể nghĩ bàn.
Ngài Đức Thanh giải:
Bản giác khi còn ở tại vỏ mê, thì chúng sanh nương nơi đó mà
tạo ra vô lượng vô biên các nghiệp, nên kinh chép: "Nghiệp
lực không thể nghĩ bàn". Nay Bản giác đã ra khỏi vỏ mê, được
thanh tịnh, thì có đủ tất cả thần thông diệu dụng, cũng
không thể nghĩ bàn được. Và Bản giác này nghĩ ra các cảnh
giới thắng diệu, làm vô lượng công đức, tuỳ theo căn cơ của
mỗi loài, ứng hiện đủ cách, để làm lợi ích cho các chúng
sanh; như Ngài Quán Thế Âm hiện ra 32 ứng thân, 14 món vô úy
...nên gọi là "Nghiệp dụng bất khả tư nghị" (Diệu dụng không
thể nghĩ bàn).
GIẢI DANH TỪ
"Tự nhiên ứng
hiện" _ Nghĩa là ứng hiện một cách tự nhiên, không dụng
công và cố ý. Thí như mặt trăng chiếu xuống ao, hễ nước
trong thì trăng tự nhiên ứng hiện; trăng không có dụng công
và cố tâm.
CHÁNH VĂN
Bản giác có 4 nghĩa
Lại nữa, Thể và
Tướng của tánh giác (chơn tâm) giống như cái gương sáng
sạch, và rộng lớn như hư không, bao trùm tất cả. Tánh giác
này có 4 nghĩa:
1. Như thật
không: Như cái gương lớn sáng sạch, không có hình ảnh
của cảnh vật (thật không). Tánh giác (chơn tâm) xa lìa các
tướng của vọng tâm và vọng cảnh (ly nhất thế tướng); không
có một pháp nào hiện ra cả; cũng như cái gương trống không.
Đây là nói về nghĩa "Tịch" (vắng lặng) của tánh giác, không
phải nói về nghĩa "chiếu".
LƯỢC GIẢI
Vì tánh giác viên
mãn thanh tịnh, nên dụ như cái gương sáng sạch; vì tánh giác
rộng rãi bao la, nên dụ như hư không rộng lớn. Nếu phân tách
từng khía cạnh, thì tánh giác có 4 nghĩa; đoạn này nói về
nghĩa thứ nhứt:
1. Thật không: Đây
là nói về nghĩa "tịch tịnh" của Chơn tâm. Vì Bản thể chơn
tâm (tánh giác) vốn thanh tịnh, rộng rãi bao la và ly tất cả
các tướng, không thể dùng tâm thức suy nghĩ hay lời nói luận
bàn được, (cũng như cái gương sáng sạch, không có lưu một
hình ảnh gì ở trong gương cả) tức là pháp thân thanh tịnh
sẳn có của chúng sanh, không phải do tu mới được.
CHÁNH VĂN
2. Nhơn huân tập:
Như cái gương sáng lớn, hiện đủ các cảnh (thật có). Trong
tánh giác (chơn tâm) đủ các pháp (tức nhứt thế pháp); nghĩa
là tất cả cảnh giới thánh, phàm đều hiện trong chơn tâm
thường trú nầy. Nó không xuất không nhập, không mất không
hoại, vì tánh của các pháp là chơn tâm vậy.
Lại nữa, vì tánh
giác không vọng động, nên các pháp nhiễm ô, không thể làm
nhiễm ô được; trái lại nó đủ tất cả các pháp vô lậu và làm
nhơn huân tập cho chúng sanh vậy.
LƯỢC GIẢI
Đoạn trước nói về
"thể" của chơn tâm, ly tất cả các tướng, cũng như cái gương
sáng, không có một vật gì ở trong gương (như thật không).
Đoạn này nói về Tướng và Dụng của chơn tâm đủ tất cả pháp.
Cũng như cái gương sáng, các cảnh vật đều hiện vào (như thật
bất không).
Tướng và Dụng của
chơn tâm có 2 nghĩa:
1. Đủ tất cả pháp:
Tất cả chúng sanh đều sẳn có các pháp vô lậu thanh tịnh,
cũng gọi là "bản hữu Phật tánh" hay "chánh nhơn Phật tánh".
2. Nhơn huân tập:
Tất cả chúng sanh đều sẳn có tánh Phật; tánh Phật đủ vô
lượng hằng sa công đức và thanh tịnh không động, nên các
pháp nhiễm ô không làm nhiễm ô được. Tánh Phật này làm chánh
nhơn (chánh nhơn Phật tánh) huận tập ở bên trong, khiến cho
chúng sanh giác ngộ, nhàm chán khổ sanh tử, phát tâm cầu đạo
giải thoát.
CHÁNH VĂN
3. Pháp xuất ly:
Như cái gương đã sáng sạch, không còn bụi nhơ. Tánh giác
(tánh Phật) đã sáng suốt thuần tịnh, ra khỏi hai chướng:
Phiền não chướng, Sở tri chướng và xa lìa thức A lại da
(Chơn, Vọng hoà hiệp).
LƯỢC GIẢI
3. Pháp xuất ly: tức
là "Liễu nhơn Phật tánh", cũng gọi là "Chơn như xuất triền".
Hành giả nhờ công phu tu tập, đoạn trừ phiền não chướng, sở
tri chướng và phá thức hoà hiệp (A lại da), nên tánh Phật
(Chơn như) không còn bị triền phược và được sáng suốt thuần
tịnh.
CHÁNH VĂN
4. Duyên huân
tập: Như cái gương sáng, phản chiếu trở lại. Tánh giác
(Phật tánh) đã ra khỏi vỏ triền phược rồi, trở lại chiếu soi
khắp giáp tất cả, và tuỳ theo tâm niệm của mỗi loài mà hiện
thân hoá độ, làm trợ duyên huân tập trở lại vào tâm chúng
sanh, khiến cho chúng sanh tu tập căn lành.
LƯỢC GIẢI
4. Duyên nhơn Phật
tánh: Do Chơn như đã xuất triền, nên có diệu dụng không thể
nghĩ bàn: Chiếu khắp tất cả và tuỳ theo tâm niệm của chúng
sanh mà thị hiện các thân hình để hoá độ, làm trợ duyên,
huân tập trở lại vào tâm chúng sanh, khiến cho chúng sanh
phát Bồ Đề tâm, tu theo chánh pháp.
Công dụng cao cả và
rộng lớn của Chơn như (tánh giác), chỉ có thể thí dụ như hư
không. Thể tánh sáng suốt thuần tịnh của Chơn như (tánh
giác), chỉ có thể thí dụ như gương: dầu có bụi hay không,
song chất pha lê (gương) vẫn sáng suốt, thỉ chung như một.
(đoạn này đã nói
nghĩa "Giác" rồi, tiếp theo sau đây sẽ nói đến nghĩa "Bất
giác" của thức A lại da)
▲ Trở Lên
|
|
|