|
BÀI THỨ TƯ
B. PHẦN
CHÁNH TÔN
(Tiếp theo)
13. Phật nói công
đức trì kinh, nhiều hơn bố thí thất bảo.
14. Bốn quả Thinh văn, không nên chấp mình có chứng quả.
15. Phật phá cái chấp "Như Lai có đắc pháp".
16. Phật phá cái chấp "Bồ Tát thật có làm trang nghiêm
cõi Phật".
17. Phật dạy: "Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào".
18. Phật phá cái chấp "Thân Phật cao lớn như núi Tu Di".
13. PHẬT NÓI CÔNG
ĐỨC TRÌ KINH NÀY NHIỀU HƠN BỐ THÍ THẤT BẢO
Phật
hỏi:"Tu Bồ Đề! Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại
thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí (tài
thí), thì phước đức nhiều không?". Tu Bồ Đề thưa:" Bạch
Thế Tôn! Nhiều lắm".
Phật dạy:" Tu Bồ Đề! Nếu có người
thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc vì người giảng nói trọn
quyển hoặc nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ,
thì công đức (pháp thí) của người này nhiều hơn người
trước. Tại sao vậy? Vì tất cả Phật và Pháp đều từ kinh
này mà ra".
Phật dạy tiếp:" Tu Bồ Đề! Gọi là
"Phật, Pháp", thực ra cũng không phải "Phật, Pháp", chỉ
tạm gọi là "Phật, Pháp".
LƯỢC GIẢI
Đây là lần thứ hai, Phật nói về
công đức thọ trì đọc tụng kinh này, nhiều hơn người bố
thí thất bảo.
Đoạn nầy nên chia làm ba phần để
giải thích.
1.
So sánh phước đức giữa tài thí và pháp thí
Ngọc ngà châu báu là vật rất quý,
đã ít có và khó kiếm, nên không ai có nhiều được. Nhưng
nếu người nào có nhiều châu báu, đựng đầy một nghìn
triệu thế giới nhỏ (đại thế giới) đem ra bố thí,
tất nhiên phước đức nhiều lắm.
Nhưng, nếu có người thọ trì kinh
này hoặc giảng nói cho người nghe, từ một quyển, nửa
quyển, hoặc một tờ cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì
công đức của người sau, lại nhiều hơn người trước. Tại
sao vậy? Vì bố thí tiền tài, dù có nhiều bao nhiêu cũng
chỉ giúp về phần vật chất, làm cho người giàu có sung
sướng nhứt thời mà thôi. Còn bố thí về giáo pháp là giúp
về phần tinh thần, làm cho người hiểu biết giáo lý tu
hành, thoát ly sanh tử luân hồi, kiến tánh thành Phật,
rồi trở lại độ chúng sanh đều được giải thoát. Bởi thế
nên bố thí pháp (tinh thần) tuy ít, nhưng phước
đức nhiều hơn bố thí tài (vật chất).
2.
Phật và Pháp đều từ kinh này sanh.
Kinh này là kinh "Kim Cang Bát
Nhã", tức là kinh nói về "Trí huệ Phật". Trí huệ này phá
núi vô minh phiền não, nhưng không bị hư hoại, nên gọi
là "Kim Cang".
Nhờ Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá
hết vô minh, nên mới minh tâm kiến tánh thành Phật, nên
nói:"Kinh này sanh ra chư Phật". Và sau khi thành Phật
rồi, cũng nhờ có Trí huệ Bát Nhã mới nói ra giáo pháp,
nên nói "kinh này sanh ra Pháp".
3.
Phá cái chấp "thật có Phật, Pháp".
Đúng theo "tánh Bát Nhã Chơn
không", thì nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm,
nên không có thể kêu gọi là gì được cả. Nhưng sở dĩ gọi
"Phật, Pháp", là một danh từ, đặt ra để gọi tạm mà thôi;
thật ra cũng không phải là "Phật, Pháp". Nếu còn chấp
"thật có Phật, Pháp" thì không đúng với "Tánh Bát Nhã
chơn không", nên Phật dạy:" Gọi là Phật Pháp, thực ra
cũng không phải Phật Pháp, chỉ tạm gọi là Phật Pháp".
GIẢI DANH TỪ
Bảy món báu: Vàng, bạc, ngọc lưu
ly, ngọc xà cừ, ngọc mã não, ngọc san hô và ngọc hổ
phách.
Đại thế giới: Tức là Đại thiên thế
giới. Thế giới chúng ta ở đây là một thế giới nhỏ; 1.000
thế giới nhỏ, gọi là "Tiểu thiên thế giới"; 1.000 Tiểu
thiên thế giới, gọi là "Trung thiên thế giới"; 1.000
Trung thiên thế giới, gọi là "Đại thiên thế giới". Một
Đại thiên thế giới là một nghìn triệu thế giới nhỏ. Thế
giới Ta bà là một Đại thiên thế giới.
Kệ: Một bài kệ là 4 câu, hoặc nhiều
câu, như thơ tứ cú, bát cú v.v...ở nước ta.
Thọ trì: Lãnh thọ và hành trì.
14. BỐN QUẢ THINH
VĂN, KHÔNG NÊN CHẤP MÌNH CÓ CHỨNG QUẢ.
Phật hỏi:"Tu Bồ Đề! Nếu vị Tu đà
hoàn tự nghĩ rằng:"Tôi đã đặng quả Tu đà hoàn", nghĩ như
thế có được không?"
Tu Bồ Đề thưa: " Bạch Thế Tôn!
Không thể được. Tại sao vậy? _ Vị Tu đà hoàn, phải không
còn có thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn (Tàu dịch Nhập
lưu), thế mới thật là chứng quả Tu đà hoàn".
Phật hỏi:" Tu Bồ Đề! Nếu vị Tư đà
hàm tự nghĩ rằng: "Tôi đã đặng quả Tư đà hàm"; nghĩ như
thế có được không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Không
thể được. Tại sao vậy? _ Vị Tư đà hàm, phải không còn có
thấy mình có chứng quả Tư đà hàm (Tàu dịch Nhứt lai),
thế mới thật là chứng quả Tư đà hàm".
Phật hỏi:"Tu Bồ Đề! Nếu vị A na hàm
tự nghĩ rằng: "Tôi đã đặng quả A na hàm"; nghĩ như thế
có đặng không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Không
thể được. Tại sao vậy? _ Vị A na hàm, phải không còn có
thấy mình có chứng quả A na hàm (Tàu dịch là Bất lai),
thế mới thật là chứng quả A na hàm".
Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Nếu vị A la
hán tự nghĩ rằng: "Tôi đã đặng quả A la hán"; nghĩ như
vậy có đặng không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Không
thể được. Tại sao vậy? _ Vị A la hán, phải không còn có
thấy mình có chứng quả A la hán, thế mới thật là chứng
quả A la hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A la hán tức
là còn trụ chấp (dính mắc) về bốn tướng: ngã, nhơn,
chúng sanh và tu hành giả, thì không phải thật chứng A
la hán.
Bạch Thế Tôn! Cũng như con đây, vì
con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như
Lai chứng nhận: "Tu Bồ Đề đã đặng pháp Tam muội vô
tránh; Tu Bồ Đề là người ưa tu hạnh tịch tịnh (A lan
na); Tu Bồ Đề là vị A la hán ly dục thứ nhứt. Trong
chúng, Tu Bồ Đề là hơn hết".
Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ (châp
rằng: "Con đã đặng quả A la hán, con là vị A_la hán ly
dục thứ nhứt v.v...thì Đức Như Lai không chứng nhận và
không khen ngợi con như vậy".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã,
phá trừ cái chấp của bốn quả Thinh văn, tự thấy mình có
chứng quả.
Trong kinh Tứ thập nhị chương có
chép:
"Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng
v.v..."
Nghĩa là: Tu mà không còn chấp mình
tu, thế mới thật là tu. Chứng quả, mà không chấp mình
chứng quả, thế mới thật là chứng quả v.v....
Nếu người tu chứng, đúng theo tinh
thần của "Kim Cang Bát Nhã", nghĩa là không còn các vọng
chấp ngã và pháp hay bốn tướng, thì mới thật tu và thật
chứng.
Trái lại, nếu còn chấp ngã, pháp
hay bốn tướng (ngã, nhơn v.v..) tức là không nhập
được "Kim Cang Bát Nhã", thì không phải thật tu và thật
chứng.
Bởi thế nên bốn quả Thinh văn, nếu
còn tự thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A
na hàm, A la hán, tức là còn chấp ngã (ta chứng đặng)
và chấp pháp (quả vị để chứng) thì không nhập
được "Kim Cang Bát Nhã", nên không phải là Tu đà hoàn,
Tư đà hàm, A na hàm, A la hán.
Ông Tu Bồ Đề, tự đem mình ra làm
thí dụ điển hình. Đại ý ông nói: Nếu ông chấp rằng: "Tôi
đã đặng pháp Tam muội và đặng quả A la hán v.v..." tức
nhiên ông còn chấp ngã (quả A la hán) chấp pháp
(Tam muội), chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì Phật
đâu có ấn chứng cho ông là vị A la hán ly dục thứ nhứt
v.v....
Ngài Phó Đại sĩ nói bài tụng giải
thích rằng:
Nguyên văn (dịch âm):
- Vô sanh tức vô diệt
Vô ngã phục vô nhơn
Vĩnh trừ phiền não chướng
Trường từ hậu hữu thân
Cảnh vong tâm diệc diệt
Vô phục khởi tham sân
Vô bi không hữu trí
Hốt nhiên độc nhậm chơn.
Dịch nghĩa:
- Không sanh cũng
không diệt
Không ngã cũng không nhơn
Dứt trừ phiền não chướng
Không còn có thân sau
Tâm cảnh đều vắng lặng
Do đâu khởi tham sân
Không bi cũng không trí
Thế mới nhập Chơn như.
ĐẠI Ý
Nếu không còn các vọng chấp nhơn,
ngã, sanh, diệt v.v...thì các phiền não không do đâu mà
sanh ra. Phiền não không sanh, tức không tạo nghiệp, nên
không bị sanh tử luân hồi. Vì tâm và cảnh đã vắng lặng
thì do đâu khởi tâm, sân, si. Cho đến bi và trí cũng
không chấp, nên chơn tâm hay chơn như tự hiện bày.
Tóm lại, vì không còn các vô minh
vọng chấp: nhơn, ngã, tâm, cảnh, sanh, diệt v.v...nên
mới chứng đặng chơn tâm thanh tịnh. Như thế mới thật tu
và thật chứng.
GIẢI DANH TỪ
Tu đà hoàn: trong bốn quả Thanh văn
của Tiểu thừa, Tu đà hoàn là quả Thánh nhỏ nhứt. Tu đà
hoàn là dịch âm tiếng Phạn, Trung hoa dịch là "Dự lưu"
hoặc "Nhập lưu", nghĩa là mới dự vào dòng Thánh nhơn.
Tu đà hàm: Quả Thánh thứ hai trong
bốn quả Thinh văn. Trung hoa dịch âm của tiếng Phạn,
dịch nghĩa là "Nhứt vãng lai"; nghĩa là còn một lần qua
cõi nhơn, thiên để tu hành đoạn hoặc, rồi mới chứng đặng
quả A la hán.
A na hàm: Quả Thánh thứ ba trong
bốn quả. Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa "Bất
lai"; nghĩa là không còn trở lại thọ sanh trong Dục giới
nữa.
A la hán: Quả Thánh thứ tư trong
bốn quả. Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, nếu dịch nghĩa,
có ba:
a. Vô sanh: Không còn sanh trở lại
ba cõi
b. Sát tặc: Đã giết hết các giặc
phiền não.
c. Ứng cúng: Xứng đáng cho nhơn
thiên cúng dường.
Do tu nhơn Tỳ kheo có 3 nghĩa, nên
chứng quả A la hán cũng có 3 nghĩa:
Nhơn Phá ác ..... Vô sanh Quả
Tỳ kheo Bố ma ... Sát tặc A la hán
Khất sĩ .... Ứng cúng
TAM MUỘI: Trung hoa dịch âm tiếng
Phạn, dịch nghĩa là "Chánh định".
TAM MUỘI VÔ TRÁNH: Pháp chánh định
hơn hết.
A LAN NA: Trung hoa dịch âm tiếng
Phạn, nghĩa là không ồn ào náo nhiệt, vắng vẻ thanh
tịnh, giải thoát không bị trần lụy.
15. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP "NHƯ LAI CÓ ĐẮC PHÁP".
Phật hỏi:" Tu Bồ Đề! Về quá khứ đối
với trước Phật Nhiên Đăng, ta có đắc pháp không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Đức
Như Lai thật không có "đắc pháp" gì cả".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã
phá trừ cái chấp "Như Lai thật có đắc pháp".
Kinh chép:"Về quá khứ, vô lượng, vô
số kiếp về trước, Đức Thích Ca đối trước Phật Nhiên
Đăng, được Ngài truyền chánh pháp và thọ ký, tương lai
sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni".
Nhưng, nếu Như Lai còn chấp mình có
"đắc pháp và được thọ ký" tức là Như Lai còn chấp ngã
(ta được) chấp pháp (đắc pháp) thì không phải
là Như Lai. Bởi thế nên ông Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế
Tôn! Như Lai không có đắc pháp gì cả".
Vì Như Lai không chấp mình có "đắc
pháp" và "thọ ký", nên không mắc vào bốn tướng ngã, nhơn
v.v...được nhập Kim Cang Bát Nhã. Như thế mới thật là
"đắc pháp" và "được thọ ký".
16. PHẬT PHÁ CHẤP
"BỔ TÁT THẬT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT".
Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Bồ Tát có làm
trang nghiêm cõi Phật không?"
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Bồ
Tát không làm trang nghiêm cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát
làm trang nghiêm cõi Phật, mà không thấy (chấp)
mình có trang nghiêm cõi Phật, như thế mới thật là trang
nghiêm cõi Phật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này phật dùng Trí huệ Bát Nhã
phá trừ cái chấp "Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật"
Bồ Tát làm các Phật sự, giáo hoá
chúng sanh, đó là trang nghiêm cõi Phật. Nhưng, nếu Bồ
Tát còn chấp mình có làm Phật sự, giáo hoá chúng sanh,
thì Bồ Tát còn tâm nhiễm ô vọng chấp ngã (ta giáo
hoá) nhơn (người được giáo hoá). Đem tâm
nhiễm ô vọng chấp mà làm "trang nghiêm cõi Phật", thì
cõi Phật thành nhiễm ô, không thể "trang nghiêm cõi Phật
thanh tịnh" được.
Trái lại, phải dùng tâm thanh tịnh
(không còn các nhiễm ô vọng chấp, chấp ngã, chấp pháp
v.v...) mà trang nghiêm cõi Phật, thì cõi Phật mới
thanh tịnh trang nghiêm được.
Ngài Xuyên Thiền sư dạy:
Nguyên văn (dịch âm):
- Chánh nhơn thuyết tà
pháp, tà pháp tất qui chánh
Tà nhơn thuyết Chánh pháp, chánh pháp tất qui tà
Giang Bắc thành chỉ, Giang Nam quít.
Xuân lai đô phóng nhứt ban hoa.
Dịch nghĩa:
- Người chánh nói pháp
tà, tà pháp trở về chánh
Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành
tà.
Cũng một cây, nhưng ở Giang bắc thì cây chỉ xát,
Giang nam thì thành cây quít.
Xuân về đều trổ một thứ hoa.
ĐẠI Ý
Người đem tâm đời (danh, lợi,
sân, si v.v...) mà làm việc Đạo (làm các phật sự)
thì việc Đạo biến thành việc đời. Trái lại, người đem
tâm Đạo (từ bi, hỷ xả v.v...) mà làm việc đời
(tiếp xúc làm việc với chúng sanh) thì việc đời trở
thành việc Đạo (tứ nhiếp pháp, ngũ minh v.v...)
cũng như một thứ cây, nhưng nếu ở đất Giang Bắc thì
thành cây chỉ xát, trái đặc ruột và chua, ăn không được;
còn ở đất Giang Nam thì thành cây quít, trái ngọt.
Dù việc chánh hay tà, việc đời hay
đạo, đều có nhơn và có quả, chẳng qua tốt hay xấu mà
thôi. Cũng như cây chỉ xát hay cây quít, Xuân về đều trổ
một thứ hoa và một thứ trái; nhưng trái quít thì ngọt,
mà chỉ xát lại chua.
17. PHẬT DẠY: "ĐỪNG
SANH VỌNG TÂM TRỤ CHẤP MỘT NƠI NÀO"
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ
Tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sanh vọng tâm trụ
chấp nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc
trần và pháp trần. Tóm lại, Bồ Tát đừng khởi vọng tâm
trụ chấp một nơi nào cả" (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm).
LƯỢC GIẢI
Hai đoạn trên phá cái chấp "Như Lai
có đắc pháp" và "Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật".
Đoạn này tóm lại, Bồ Tát phải giữ tâm thanh tịnh, không
nên sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả.
Tất cả sự vật trong vũ trụ, tuy vô
cùng vô tận, nhưng không ngoài 18 giới là 6 căn, 6 trần
và 6 thức; căn và trần thuộc về vật chất, còn thức thuộc
về tinh thần.
Phật dạy các vị Bồ Tát, phải giữ
tâm thanh tịnh, không nên sanh vọng tâm dính mắc (trụ
chấp) nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần,
xúc trần và pháp trần v.v...
Tóm lại, chỉ trong một câu, Phật
dạy: "Đừng sanh vọng tâm dính mắc (trụ chấp) một
nơi nào".
Thuở xưa, ngài Huệ Năng vừa nghe
phú ông tụng kinh Kim Cang Bát Nhã vừa đến câu:
"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"
Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một
nơi nào).
Ngài liền tỏ ngộ lý Kim Cang Bát
Nhã!...Ngài hân hoan ca ngợi: "Hay quá! kinh Kim Cang
Bát Nhã hay quá!"(1)
"Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một
nơi nào", tức là "đừng sanh vọng tâm chấp ngã, chấp pháp
v.v..." không chấp ngã, pháp thì phiền não không sanh.
Phiền não không sanh thì tâm được thanh tịnh, không tạo
nghiệp sanh tử luân hồi. Đó là phương pháp tu của Đại
thừa Đốn giáo, rất giản di và mau chóng, để hàng phục
vọng tâm và an trụ chơn tâm.
Sau khi đại ngộ lý kinh Bát Nhã, Tổ
Huệ năng đã minh tâm kiến tánh, nên Ngài có dạy rằng:
Nguyên văn (dịch âm):
- Hà kỳ tự tánh bổn tự
thanh tịnh
Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt
Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc
Hà kỳ tự tánh bổn vô diêu động
Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp
Dịch nghĩa:
- Ai ngờ tâm mình vốn
tự thanh tịnh
Ai ngờ tâm mình vốn không sanh diệt
Ai ngờ tâm mình vốn tự đầy đủ
Ai ngờ tâm mình vốn không diêu động
Ai ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp
Đức Ngũ Tổ đến lúc tuổi già, muốn
chọn người để truyền Tổ vị, nên Ngài truyền dạy trong
chúng, mỗi người phải làm một bài kệ, để trình bày sự tu
chứng của mình, nếu người nào tỏ ngộ được lý Đạo, ngài
sẽ truyền Tổ vị, làm Tổ thứ Sáu.
Ngài Thần Tú là bực Thượng toạ, tài
đức siêu quần, làm kệ rất hay, nhưng vì chưa tỏ ngộ được
lý Kim Cang Bát Nhã, còn trụ chấp các tướng, có tu, có
chứng v.v...nên bị Tổ Huệ Năng quở rằng: "Còn đứng ngoài
hàng rào".
Bài kệ của Ngài Thần Tú:
Nguyên văn (dịch âm):
- Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhá trần ai.
Dịch nghĩa:
- Thân là cây Bồ Đề
(có tướng)
Tâm như đài gương sáng (có tướng)
Mỗi giờ thường lau quét (có tu)
Chớ cho dính bụi trần (có chứng)
Tổ Huệ Năng, đã ngộ được lý Kim
Cang Bát Nhã, không trụ chấp các tướng, nên được đức Ngũ
Tổ truyền trao y bát và làm vị Tổ thứ sáu.
Bài kệ của Tổ Huệ Năng:
Nguyên văn (dịch âm):
- Bồ Đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh dài
Bổn lai vô nhứt vật
Hà xá nhá trần ai.
Dịch nghĩa:
- Bồ Đề không phải cây
(vô tướng)
Chơn tâm không phải đài (vô tướng)
Xưa nay không một vật (vô tướng)
Chỗ nào dính bụi trần (vô tướng)
18. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "THÂN PHẬT
CAO LỚN NHƯ NÚI TU DI"
Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Báo thân của
Phật như núi Tu di. Vậy Báo thân của Phật có cao lớn
không?".
Ông Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn!
Lớn lắm. Nhưng, Phật nói: "Không chấp thân cao lớn, mới
thật là cao lớn".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã,
phá trừ cái chấp "Báo thân Phật cao lớn".
Từ trước đến đây, đã nhiều lần hỏi
và đáp. Vì muốn phá các vọng chấp, để nhập với "Tánh Bát
Nhã chơn không", cho nên Phật hỏi. Và cũng vì muốn phá
các vọng chấp, để nhập với "Tánh Bát Nhã chơn không" cho
nên ông tu Bồ Đề đáp. Nếu chúng sanh chấp có, thì Ngài
nói không; chúng sanh chấp không, thì Ngài nói có
v.v...Dù nói có, nói không, nói lớn, nói nhỏ v.v...đều
để phá các chấp của chúng sanh, đem về "Tánh Bát Nhã
chơn không".
Phật hỏi ông tu Bồ Đề: "Báo thân
cùa Phật có cao lớn không?".
Tu Bồ Đề đáp: "Báo thân của Phật
cao lớn lắm".
Nhưng sợ chúng sanh chấp "thân Phật
cao lớn", nên ông Tu Bồ Đề liền dẫn lời Phật nói để phá
chấp: "Phật nói không chấp thân cao lớn, mới thật là cao
lớn". Nghĩa là: Phàm cái gì còn thấy nghe và suy nghĩ
được, thì cái đó không phải tuyệt đối; phải siêu thoát
ra ngoài sự thấy nghe và suy nghĩ, mới là tuyệt đối.
Đức Lão tử nói: "Đạo mà có thể nói
được, thì không phải là Đạo".
Tóm lại, nếu còn "chấp thân cao
lớn", tất nhiên còn chấp ngã và chấp pháp, thì không
nhập được Kim Cang Bát Nhã, nên chưa phải thân cao lớn.
GIẢI DANH TỪ
BÁO THÂN: Phật có 3 thân:
1.
Pháp thân: tức là Pháp tánh hay chơn tâm, không có hình
tướng
2.
Báo thân: Thân do phước báo tu hành, trải qua 3 vô số
kiếp mới được. Kinh chép: Báo thân của Phật lớn bằng núi
Tu di; duy có bực Bồ Tát mới thấy được.
3.
Ứng thân hay Hoá thân: Phật tuỳ các loại chúng sanh mà
ứng hiện hay hoá hiện ra mỗi thân, để tế độ
▲ Trở Lên
| |
BÀI THỨ NĂM
PHẦN CHÁNH
TÔN
(Tiếp theo)
19. Thọ trì kinh
này phước đức vô lượng
20. Công đức của kinh Kim Cang Bát Nhã
21. Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật tên kinh
22. Phật phá cái chấp "kinh Kim Cang Bát Nhã"
23. Phật phá cái chấp "Như Lai có thuyết pháp"
24. Phật phá cái chấp "thật có vi trần và thế giới
25. Phật phá cái chấp "thấy 32 tướng tốt của Phật là
thấy Phật"
19. THỌ TRÌ KINH
NÀY PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG
Phật
hỏi: "Tu Bồ Đề! Như trong sông hằng, có vô số cát, rồi
lấy mổi một hạt cát, lại dụ cho một sông hằng. Vậy những
số cát trong vô số sông Hằng đó, có nhiều không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Nhiều
lắm. Nếu chỉ tính nhũng sông hằng mà thôi, hãy còn nhiều
vô số, huống chi là tính tất cả số cát, trong vô số sông
Hằng".
Phật hỏi tiếp: "Tu Bồ Đề! Nếu có
chúng sanh nào dùng 7 món báu, đựng đầy trong nhiều Đại
Thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) để đem bố thí;
số đại thế giới này cũng nhiều như số cát trong vô số
sông Hằng, thì chúng sanh đó phước đức nhiều không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Nhiều
lắm".
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! ta nay thành
Phật bảo ông: Nếu có người thọ trì đọc tụng hay giảng
kinh này hoặc trọn quyển hay nữa quyển, cho đến tối
thiểu, chừng bốn câu kệ, thì phước đức của người này
nhiều hơn người trước".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật nói công đức người
thọ trì hoặc giảng dạy kinh này (thí pháp) nhiều
hơn công đức người bố thí thất bửu (thí tài) đựng
đầy trong vô số Đại thế giới, nhiều như số cát trong vô
số sông Hằng. Đây là lần thứ ba, Phật tán thán về công
đức thọ trì kinh.
Ngọc ngà châu báu, không ai có
nhiều được. Nhưng nếu có người, có nhiều châu báu, đựng
đầy trrong vô số đại thế giới, đem bố thí, thì phước đức
người này không thể nghĩ bàn.
Nhưng nếu có người thọ trì hay
giảng kinh này, hoặc trọn quyển hay nữa quyển, hoặc tối
thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người sau nhiều
hơn người trước.
Vì bố thí về châu báu, dầu nhiều
đến đâu, cũng chỉ giúp cho người về phương diện vật
chất, giàu sang, sung sướng nhứt thời mà thôi, chứ không
thể đem hạnh phúc vĩnh viễn cho người được.
Còn người thọ trì hoặc giảng dạy
kinh này, tuy ít và dễ làm, nhưng thuộc về pháp thí,
giúp cho người về phương diện tinh thần, có ảnh hưởng
sâu rộng hơn. Mình và người được trồng hạt giống Bát
Nhã, một ngày sau, không sớm thì chầy, thế nào cũng được
nứt mộng nẩy chồi, đơm bông kết quả, sẽ được thành Phật,
rồi hoá độ vô số chúng sanh cũng sẽ thành Phật. Bởi vì
người trì kinh và bố thí pháp, thuộc về phước vô lậu
thanh tịnh, nên phước đức nhiều hơn người bố thí vật
chất.
Tóm tắt đoạn này, Ngài Phó Đại sĩ
có làm bài tụng như sau:
Nguyên văn (dịch âm):
- Bảo mãn tam thiên
giới
Tê trì tác phước điền
Duy thành hữu lậu nghiệp
Chung bất ly nhơn thiên
Trì kinh thủ tứ cú
Dữ Phật tác lương duyên
Dục nhập vô vi hải
Tu thừa Bát Nhã thuyền
Dịch nghĩa:
- Đựng báu đầy Đại
thiên
Bố thí trồng ruộng phước
Chỉ thành nghiệp hữu lậu
Hưởng phước cõi nhơn thiên
Trì tụng bốn câu kệ
Tạo duyên lành với Phật
Muốn vào biển vô vi
Phải nương thuyền Bát Nhã.
ĐẠI Ý
Bài tụng này nói, của báu đựng đầy
Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem
bố thí làm phước, hành giả chỉ hưởng phước hữu lậu của
cõi nhơn thiên. Không bằng người trì tụng bốn câu kệ, để
gieo duyên lành với Phật, đặng nương nhờ thuyền Bát Nhã,
dạo chơi biển vô vi, hưởng phước vui vĩnh viễn.
GIẢI DANH TỪ
Sông Hằng: Tên một con sông bên Ấn
Độ. Dài rộng và rất nhiều cát. Mỗi khi Phật thuyết pháp,
muốn chỉ cái gì nhiều klhông thể tính được, thì Phật thí
dụ "Như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số)
Đại thế giới: Nguyên văn chữ hán là
"Tam thiên đại thế giới", gọi tắt là "Đại thế giới".
Nhơn lên 3 lần ngàn, là một đại thế
giới. Nghĩa là năm châu thế giới của chúng ta ở đây là
một thế giới nhỏ; nhơn lên 1000 thế giới nhỏ, gọi là
"Tiểu thiên thế giới", nhơn lên 1000 tiểu thiên thế
giới, gọi là "Trung thiên thế giới"; nhơn lên 1000 trung
thiên thế giới, gọi là "Đại thiên thế giới"; tức là một
nghìn triệu thế giới nhỏ, gọi là một "Đại thiên thế
giới". Ngoài Thế giới Ta bà là "một Đại thiên thế giới".
Ngoài thế giới Ta bà còn hằng hà sa số Đại thiên thế
giới.
20. CÔNG ĐỨC CỦA
KINH KIM CANG BÁT NHÃ
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Những chỗ được
giảng kinh này, hoặc trọn bộ hay nữa quyển, cho đến tối
thiểu là bốn câu kệ, thì chỗ đó cũng được chư thiên,
người và thánh thần đến cúng dường và đều kinh trọng như
chỗ chùa ttháp.
Phật dạy tiếp: "Tu Bồ Đề! Nếu chỗ
nào thờ kinh này, thì chỗ đó có Phật và có các vị đệ tử
tôn quí của Phật. Bởi thế nên người chí thành thọ trì
đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu Trí huệ Kim
Cang Bát Nhã".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này tiếp theo đoạn trên, nói
về công đức quí báu của kinh và khuyên người thọ trì
kinh này. Đây là lần thứ tư.
Đoạn trước (đoạn 13) Phật dạy:
"...tất cả Phật và pháp đều từ kinh này mà ra". Bởi thế
nên chỗ giảng kinh này và chỗ thờ kinh này, thì chỗ đó
như chùa Phật hay tháp Phật, có Phật, có đệ tử tôn quí
của Phật; thánh, thần, trời, người đều kinh trọng và
cúng dường.
Vì kinh này rất quý báu như vậy,
nên người chí thành thọ trì kinh này sẽ được Trí huệ
Phật (Kim Cang Bát Nhã).
21. ÔNG TU BỒ ĐỀ
HỎI PHẬT VỀ TÊN KINH
Lúc bấy giờ ông Tu Bồ Đề hỏi Phật:
"Bạch Thế Tôn ! Kinh này tên gì? Và tại sao chúng con
phải phụng trì".
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Kinh này tên
là "KIM CANG BÁT NHÃ Ba la mật"; Vì thế nên các ông phải
phụng trì".
LƯỢC GIẢI
Đến đây, ông Tu Bồ Đề thỉnh Phật
xác định tên kinh và giải thích, tại sao phải phụng trì?
Phật trả lời: Kinh này tên "Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật"
(nghĩa đã giải ở đề mục kinh). Vì "Kim Cang Bát
Nhã", nên các ông phải phụng trì.
22. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP VỀ KINH "KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT"
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói
Bát Nhã Ba La Mật, tức là không phải Bát Bát Nhã Ba La
Mật, thế mới gọi là Bát Nhã Ba La Mật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã
phá trừ cái chấp về kinh "Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật".
Nếu hành giả còn vọng chấp "có kinh Bát Nhã và có ta
phụng trì", tức là hành giả còn chấp ngã (ta phụng
trì) và chấp pháp (kinh Bát Nhã) thì không
phải là kinh Bát Nhã và thọ trì Bát Nhã. Phải dẹp trừ
hết các vọng chấp ngã, pháp v.v...mới phải thọ trì kinh
Bát Nhã.
Bởi thế nên, Phật vừa nói ra tên
kinh, sợ chúng sanh chấp tên kinh, nên Phật liền phá
chấp: "Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, không phải Bát Nhã
Ba La Mật, thế mới thật là Bát Nhã Ba La Mật".
23. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP "NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP"
Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Như Lai có
thuyết pháp không?". Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Như
Lai không có thuyết pháp".
LƯỢC GIẢI
Đây là lần thứ hai, Phật phá cái
chấp:" Như Lai có thuyết pháp" (lần thứ nhứt ở đoạn
11).
Tiếp theo đoạn trên, ông Tu Bồ Đề
hỏi kinh này tên gì? _ Phật nói kinh này tên là "Kim
Cang Bát Nhã Ba la mật". Sợ người chấp: "Như thế Phật có
nói pháp Bát Nhã", nên tiếp đến đoạn nầy, Phật phá luôn
cái chấp:"Phật có thuyết pháp".
Nếu hành giả còn vọng chấp: "Phật
có thuyết pháp", thì không nhập được "Kim Cang Bát Nhã".
Vì ông Tu Bồ Đề đã nhập được lý "Kim Cang Bát Nhã", nên
ông trả lời: "Như Lai không có thuyết pháp".
Muốn cho độc giả rõ thêm đoạn nầy,
tôi xin nhắc lại lời giải thích ở đoạn trước thêm một
lần nữa: Một hôm ông Tu Bồ Đề ngồi yên tịnh dưới gốc
cây. Trời Đế Thích rưới hoa cúng dường. Ông Tu Bồ Đề
hỏi: "Ai rưới hoa?". _ Trời Đế Thích thưa: "Ngài thuyết
kinh Bát Nhã hay quá! Con xin dâng hoa cúng dường".
Ông Tu Bồ Đề nói:"Tôi không nói
kinh Bát Nhã". Trời Đế Thích thưa: "Ngài không nói Bát
Nhã, con không nghe Bát Nhã".
Kết luận: "Không nói Bát Nhã và
không nghe Bát Nhã", như thế mới thật là "nói Bát Nhã và
nghe Bát Nhã".
Vì ngộ được lý chơn không của kinh
Bát Nhã, nên ngài Viên Ngộ Thiền sư có làm bài kệ rằng:
Nguyên văn (dịch âm)
- Thập phương đồng tụ
hội
Cá cá học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ qui.
Dịch nghĩa:
- Mười phương đồng tụ
hội
Người người học vô vi
Đây là trường thi Phật
"Tâm Không" mới được đậu.
ĐẠI Ý
Bài kệ này quan trọng nhứt là hai
chữ "Tâm không". Nếu người nào tâm không còn các phiền
não vọng chấp ngã, pháp v.v...thì người đó nhập được Kim
Cang Bát Nhã, tức là đậu quả Phật.
24. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP "THẬT CÓ VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI"
Phật hỏi:" Tu Bồ Đề! Những vi trần
chứa trong đại thế giới (1 nghìn triệu thế giới nhỏ) có
nhiều không? ". Tu Bồ Đề thưa:" Bạch thế tôn nhiều lắm".
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói
các vi trần, không phải thật vi trần. Như Lai nói thế
giới, không phải thật thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới:
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã
phá trừ cái chấp "thật có vi trần và thật có thế giới".
Phật đã day: "Phàm sở hữu tướng
giai thị hư vọng"; nghĩa là: phàm cái gì có hình
tướng, đều là hư dối không thật. Tất cả muôn vật trong
vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, cũng đều là
hư giả không thật.
Do hiệp nhiều vi trần (bụi nhỏ)
thành ra một vật lớn nhứt, rồi tạm đặt tên là thế giới.
Trái lại, do vật lớn nhứt như thế
giới, chẻ cho đến thật nhỏ, không còn chẻ được nữa, rồi
tạm đặt tên là vi trần (bụi nhỏ). Vật thế giới
hay vi trần, cùng các vật khác, đều do vọng thức của
chúng sanh, phân biệt so đo (kể đạt phân biệt)
rồi đặt tên như thế này hay như thế khác, chứ không có
thật thể.
Trong bộ Cu xá luận tung lược
thích, về trang 210, có chép về vi trần và thế giới, đại
ý như sau: Từ vật lớn nhứt là thế giới, rồi chẻ nhỏ thế
giới ra nhiều lần, cho đến thành hột bụi bay qua lại các
kẻ hở (như mỗi buổi sáng, mặt trời chiếu vào các kẻ
hở, chúng ta thấy rất nhiều bụi bay qua bay lại).
Các thứ bụi này gọi tên là:
1.
Khích du trần: Bụi bay qua các kẻ hở.
2.
Ngưu mao đầu trần: Hạt bụi nhỏ ở trên đầu lông con trâu.
Bụi này do chẻ nhỏ bụi "khích du" mà thành.
3.
Dương mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con dê. Thứ
bụi này do chẻ nhỏ bụi "Ngưu mao đầu" mà thành.
4.
Thố mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con thỏ. Thứ
bụi này do chẻ nhỏ bụi "Ngưu mao đầu" mà thành.
5.
Thủy trần: Bụi rớt trong nước không ướt, vì quá nhỏ. Thứ
bụi này do chẻ nhỏ bụi "Thố mao đầu" mà thành.
6.
Kim trần: Bụi này có thể lọt qua những vàng khối hay sắt
dầy hoặc kiếng dầy; do chẻ nhỏ bụi "Thủy trần" mà thành.
7.
Vi trần: Bụi nhỏ; do chẻ nhỏ bụi "Kim trần" mà thành.
8.
Cực vi trần: Bụi rất nhỏ. Hạt bụi này do chẻ nhỏ bụi "Vi
trần" mà thành.
9.
Lân hư trần: Bụi gần mé hư không. Thứ bụi này nhỏ nhứt,
không thể chẻ nhỏ nữa được, nếu chẻ nữa thì thành hư
không. Bụi này do chẻ bụi "Cực vi" mà thành.
Rồi trở lại, từ vọng tâm nhỏ như
"Lân hư trần"
Tích tụ 7 Lân hư trần
thành một "Cực vi trần"
....7 cực vi trần thành một
"Vi trần"
....7 Vi trần thành một "Kim
trần"
....7 Kim trần thành một
"Thuỷ trần"
....7 Thuỷ trần thành một
"Thố mao đầu trần"
....7 Thố mao đầu trần thành một
"Dương mao đầu trần"
....7 Dương mao đầu trần thành
một "Ngưu mao đầu trần"
....7 Ngưu mao đầu trần thành
một "Khích du trần"
Cứ tích tụ mãi mãi như vậy, thành
những vật nhỏ, đến vật lớn, cho đến vật lớn nhứt là "thế
giới".
Tóm lại, chứa nhiều vi trần thành
thế giới; chẻ nhỏ thế giới thành ra vi trần. Vì trần và
thế giới đều do sự đối đãi lớn với nhỏ, mà đặt ra cái
tên để kêu gọi, chớ không có cái gì là chơn thật.
Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói
về vi trần và thế giới.
Nguyên văn (dịch âm):
- Tích trần thành thế
giới
Chiết giới tác vi trần
Giới dụ nhơn thiên quả
Trần vi hữu lậu nhơn
Trần nhơn, nhơn bất thật
Giới quả, quả phi nhơn
Quả nhơn tri thị quyển
Tiêu diêu tự tại nhơn
Vọng kế nhơn thành chấp
Mê thằng vị thị xà
Tâm nghi sanh ám quỉ
Nhãn bịnh kiến không hoa
Nhứt cảnh tuy vô dị
Tam nhơn nãi kiến sai
Liễu tư danh bất thật
Trường ngự bạch ngưu xa.
Dịch nghĩa:
- Chứa trần thành thế
giới
Chẻ giới hoá vi trần
Giới dụ quả nhơn thiên
Trần là nhơn hữu lậu
Trần nhơn, nhơn không thật
Giới quả, quả chẳng chơn
Biết quả, nhơn đều huyễn
Được tự tại tiêu diêu
Vọng thấy dây thành rắn
Chấp mê bởi tại tâm
Tâm sợ nên ma hiện
Mắt nhậm thấy đốn hoa
Một cảnh không sai khác
Ba người thấy chẳng đồng
Ai biết đó là huyễn
Tức là bực Đại giác.
ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG
Bài tụng thứ nhứt nói: chứa vi trần
thành thế giới, chẻ thế giới thành vi trần. Thế giới là
dụ cho quả nhơn thiên, vi trần là dụ cho nhơn hữu lậu.
Nhơn vi trần đã không thật, nên quả thế giới cũng hư
vọng. Nếu người biết được nhơn quả đều như huyễn, thì sẽ
được tiêu diêu tự tại.
Tiếp đến bài tụng thứ hai, đại ý
nói: Vì tánh "Biến kế sở chấp", nên chấp sợi dây là con
rắn, ban đêm thấy bóng tối cho là ma; cũng như vì con
mắt bị nhặm, nên thấy có hoa đốm giữa hư không. Cũng một
cảnh không sai khác, nhưng ba người (biến kế sở chấp,
y tha khởi và viên thành thật) thấy chẳng đồng. Nếu
người được giác ngộ như Phật, mới biết đó là giả danh
không thật.
25. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP: "THẤY 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT"
Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Ông có thể cho
thấy 32 tướng tốt của Như Lai là thấy được Như Lai
không?".
Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Không
thể được. Tại sao vậy? Vì đức Như Lai nói 32 tướng tốt,
chỉ giả gọi 32 tướng tốt".
LƯỢC GIẢI
Đoạn trên (24) Phật dùng Trí huệ
Bát Nhã phá chấp về y báo (chấp pháp) là vi trần
và thế giới. Đoạn này Phật lại dùng Trí huệ Bát Nhã phá
chấp về chánh báo (chấp ngã); nghĩa là chấp "thấy
32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật". Đây ;là lần
thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn thứ 7) Phật phá chấp
về thấy Phật.
Nếu còn chấp "thấy 32 tướng tốt của
Phật là thấy được Phật", tức là còn chấp ngã (ta
thấy) chấp nhơn (Phật) v.v...thì không nhập
được Kim Cang Bát Nhã, nên không thấy được Phật thiệt.
Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói
về việc phá các vọng chấp ngã, nhơn,năng, sở v.v...
Nguyên văn (dịch âm)
- Tảo trừ tâm ý địa
Danh vi Tịnh độ nhơn
Vô luận phước dữ trí
Quang thả ly tham sân
Trang nghiêm tuyệt năng sở
Vô ngã diệc vô nhơn
Đoạn, thường cu bất nhiễm
Tần thoát xuất hồng trần
Dịch nghĩa
- Quét sạch đất tâm ý
Đó là nhơn tịnh độ
Không cần tu phước huệ
Miễn bỏ được tham sân
Trang nghiêm không năng sở
Không ngã cũng không nhơn
Đoạn, thường đều chẳng nhiễm
Siêu xuất cõi hồng trần
ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG
Không cần tu phước huệ hay phương
pháp nào khác, chỉ quét sạch tham, sân, si v.v...ở trong
tâm địa của mình, đó là nhơn để vãng sanh về Tịnh độ.
Dẹp trừ cái vọng chấp: năng, sở,
nhơn, ngã, đoạn, thường v.v...thì được siêu thoát cõi
hồng trần, đó là trrang nghiêm cõi Phật.
GIẢI DANH TỪ
32 Tướng tốt: Phật có 32 tướng tốt
1.
Dưới bàn chân no tròn
2.
Dưới bàn chân có cả ngàn khu ốc
3.
Tay chân mềm dịu
4.
Ngón chân có màn như chân nhạn
5.
Ngón tay ngón chân no tròn
6.
Gót xứng với bàn chân
7.
Bàn chân xứng với gót
8.
Hai chân tròn vót như hai chân nai
9.
Tay dài thòng tới đầu gối
10.
Âm tướng qui tàng
11.
Chân lộng ửng màu xanh tía
12.
Tóc lông đều xoay qua phía mặt
13.
Da trơn mịn không dính dơ
14.
Màu da sắc vàng
15.
Tay chân vai cổ, bảy chỗ đều đủ
16.
Cổ tròn lạ thường
17.
Hai cái nách no đủ
18.
Dung nghi đoan chánh
19.
Thân tướng trang nghiêm
20.
Hình thể xứng nhau
21.
Oai dung như sư tử
22.
Chói hào quang mỗi phía một lần
23.
Hàm răng bốn mươi cái khít và bằng
24.
Bốn răng cấm trắng và bén
25.
Trong miệng có mùi thơm
26.
Lưỡi dài che đặng cả cái mặt
27.
Tiếng nói diệu dàng đủ giọng
28.
Lông nheo như ngưu vương
29.
Con mắt có quần đỏ
30.
Mặt như trăng tròn
31.
Chổ gian mi có lông trắng
32.
Trên đầu lồi thịt lên, như đầu tóc.
▲ Trở Lên
| |
BÀI THỨ SÁU
B.
PHẦN CHÁNH TÔN
(Tiếp theo)
26. Phật nói công
đức thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã
27. Ông Tu Bồ Đề bùi ngùi cảm động rơi nước mắt
28. Người nghe kinh này sanh lòng tin, người ấy được
công đức thứ nhứt
29. Người có hạt
giống Bát Nhã mới tin và hiểu được kinh này
30. Phật xác nhận lời nói của ông Tu Bồ Đề là phải
31. Phật phá cái chấp: "Bát Nhã là đệ nhứt Ba la Mật"
32. Phật phá cái chấp: "Nhẫn nhục Ba La Mật"
33. Phật nói tiền thân của Ngài là một vị tiên nhơn tu
nhẫn nhục Ba la Mật
34. Bồ Tát phát tâm Bồ Đề phải xa lìa tất cả các vọng
chấp
35. Bồ Tát bố thí hay làm càc việc lợi ích chúng sanh
đều không nên chấp tướng
36. Như Lai nói thật không nói dối
37. Chấp tướng bố thí như vào nhà tối, vô tướng bố thí
như đi ban ngày.
26. PHẬT NÓI CÔNG
ĐỨC THỌ TRÌ KINH KIM CANG BÁT NHÃ
Phật
day: "Tu Bồ Đề! Nếu có người tự đem thân mạng mình,
nhiều như cát sông Hằng để bố thí, thì người đó phước
đức nhiều lắm. Nhưng nếu có người thọ trì đọc tụng hay
giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nửa quyển, cho đến
tối thiểu là bốn câu kệ, thì phước đức người này nhiều
hơn người trước".
LƯỢC GIẢI
Kinh này rất quý báu và lợi ích vô
cùng, nên phật đã nhiều lần tán thán công đức, khuyên
người thọ trì và giảng dạy cho người. Từ trước đến đây
đã năm lần nói về công đức của kinh này.
Đoạn trước (19) nói, người dùng
ngoại tài là 7 món báu, nhiều như số cát sông hằng đem
bố thí, phước đức của người này tuy nhiều, nhưng không
bằng người thọ trì và giảng dạy kinh Kim Cang Bát Nhã
phước đức lại nhiều hơn.
Đoạn này nói, người đem nội tài là
thân mạng của mình ra bố thí; chỉ bố thí một thân mạng
phước đức đã nhiều và ít ai làm được, huống chi là bố
thí thân mạng của mình nhiều như số cát sông Hằng, thì
phước đức biết là bao nhiêu!
Nhưng nếu có người thọ trì đọc tụng
hoặc giảng dạy kinh này từ một quyển hay nữa quyển cho
đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì người này phước đức
nhiều hơn người trước.
Bố thí thân mạng, tuy ít người làm
được, nhưng phước đức vẫn còn ở trong vòng hữu vi và hữu
lậu. Người thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, thì
mình và người đều được ngộ nhập "Kim Cang Bát Nhã" và sẽ
được thành Phật; rồi trở lại hoá độ vô số chúng sanh,
nên phước đức của người này, thuộc về vô lậu vô vi,
nhiều hơn người trước.
Nói về công đức thọ trì kinh này,
Ngài Trí Giả Đại sư có làm bài
tụng:
Nguyên văn (dịch âm):
- Hằng sa số thậm đa
Sa số cánh nan lương
Cử sa tề thất bảo
Năng trì bố thí tương
Hữu tướng giai vi huyễn
Đồ ngôn Trí huệ cường
Nhược luận tứ cú đệ
Thử phước mạt vi tường
Dịch nghĩa:
- Kể sông Hằng đã quá
Số cát lại nhiệu hơn
Chứa báu nhiều như thế
Thí tài số biết bao
Chấp mê theo giả tướng
Dẫu đặng phước huệ cao
Sánh với bốn câu kệ
Phước kia có chút nào
ĐẠI Ý BÀI TỤNG
Chỉ đếm sông Hằng đã không hết,
huống chi là đếm số cát trong vô số sông Hằng. Người đem
của báu nhiều bằng số cát trong vô số sông Hằng ra bố
thí, phước đức tuy nhiều, nhưng thuộc hữu vi, hữu lậu.
Không bằng người thọ trì hoặc giảng
dạy kinh này chừng bốn câu, thì phước đức nhiều hơn
người trước.
27. ÔNG TU BỔ ĐỀ
BÙI NGÙI CẢM ĐỘNG RƠI NƯỚC MẮT
Sau khi thấy Phật nhiều lần ân cần,
nhắc nhở khuyên dạy, ông Tu Bồ Đề nghe hiểu được nghĩa
lý thâm thuý của kinh này, nên lúc bấy giờ, ông cảm động
bùi ngùi và sa nước mắt!...
Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Bạch
Thế Tôn! Con tuy đặng huệ nhãn đã lâu, nhưng chưa từng
được nghe Phật nói kinh điển, nghĩa lý cao siêu huyền
diệu, quí hoá như thế này!".
LƯỢC GIẢI
Chúng ta mỗi khi bị xúc cảm một
việc gì quá mạnh, hoặc buồn hay vui, đều có rưng nước
mắt. Ông Tu Bồ Đề vì thấy Phật đã nhiều lần ân cần nhắc
nhở thọ trì và khuyên dạy những nghĩa lý thâm thuý cao
siêu của kinh này, mà từ hồi nào đến giờ ông chưa từng
được nghe, nên ông cảm động rơi nước mắt.
28. NGƯỜI NGHE KINH
NÀY SANH LÒNG TIN NGƯỜI ẤY ĐẶNG CÔNG ĐỨC THỨ NHỨT
Ông Tu Bồ Đề thưa Phật: "Bạch Thế
Tôn! nếu có người nghe kinh này, sanh lòng tin trong
sạch, ngộ được thật tướng (tánh Bát Nhã) thì người ấy sẽ
đặng thành tựu công đức hy hữu thứ nhứt.
Bạch Thế Tôn! Như Lai nói "thật
tướng" tức là không phải "thật tướng", chỉ tạm gọi là
"thật tướng".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này ông Tu Bồ Đề nói: người
nghe kinh này mà ngộ được "thật tướng Bát Nhã", thì
người ấy đặng công đức hi hữu. Và ông phá luôn cái chấp
"thật tướng".
Người có cái khiếu (theo Duy
thức học gọi là hạt giống) âm nhạc, nghe âm nhạc mới
biết hay. Người có cái khiếu thi thơ, nghe thi thơ mới
biết thích. Cũng thế, người có cái khiếu hay hạt giống
Bát Nhã, nghe đến kinh Bát Nhã mới sanh lòng tin và ngộ
nhập được "Thật tướng Bát Nhã". Bởi thế nên người này
công đức vô lượng.
Vừa nói đến "thật tướng", ông Tu Bồ
Đề sợ người chấp "thật tướng", nên ông liền phá luôn cái
chấp ấy, bằng cách dẫn lời Phật dạy: "Như Lai nói thật
tướng, tức là không phải thật tướng, chỉ tạm gọi là thật
tướng".
GIẢI DANH TỪ
THẬT TƯỚNG. Phật nói: "Phàm sở hữu
tướng giai thị hư vọng", phàm cái gì có hình tướng
đều là hư vọng).
Vậy thì cái không hình tướng mới là
chơn thật. Kinh chép: "Vô tướng chi tướng, cố danh thật
tướng", (cái tướng mà không có hình tướng mới gọi là
thật tướng).
Căn cứ theo lời giải thích này, thì
"thật tướng" là không còn các vọng tướng và vọng chấp,
tức là "Bát Nhã chơn không".
29. NGƯỜI CÓ HẠT
GIỐNG BÁT NHÃ MỚI TIN VÀ HIỂU ĐƯỢC KINH NÀY
Ông Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn!
Hiện nay con nghe đặng kinh này, hiểu được, tin được và
thọ trì, chẳng lấy làm khó. Khi Đức Như Lai nhập diệt,
500 năm về sau, nếu có người nghe kinh này, mà được hiểu
ngộ, tin theo và thọ trì, thì người đó mới là hy hữu!
Tại sao vậy? Vì người này không còn
chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả.
Bạch thế Tôn! Nói bốn tướng, không
phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng là ngã,
nhơn, chúng sanh và thọ giả. Tại sao vậy?_ Vì phải xa
lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này tiếp với đoạn văn trên,
nói người có hạt giống Trí huệ Bát Nhã, phá trừ được bốn
tướng, mới tin và hiểu được kinh này.
Khi Phật còn tại thế, chúng sanh
căn tánh Đại thừa rất nhiều, nên nghe kinh này hiểu và
tin không khó. Đến sau khi Phật nhập diệt, chúng sanh
căn tánh Đại thừa rất ít, nên nghe hiểu và tin được kinh
này rất khó. Vì người nghe phải không còn chấp bốn
tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, mới hiểu được
kinh Kim Cang Bát Nhã này.
Nói đến bốn tướng, ông Tu Bồ Đề sợ
người chấp thật có bốn tướng, nên ông liền bát rằng:
"Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả
gọi bốn tướng mà thôi".
Kết luận, ông nói rằng: "Phải rời
tất cả các vọng chấp, vọng tướng, ngộ nhập Kim Cang Bát
Nhã, mới gọi là chư Phật".
Ngài Cảo Thiền sư, ngộ được câu:
"Lìa tất cả các vọng chấp, mới là chư Phật", nên có làm
hai bài tụng rằng:
Nguyên văn (dịch âm):
- Thân khẩu ý thanh
tịnh
Thị danh Phật xuất thế
Thân khẩu ý bất tịnh
Thị danh Phật diệt độ
Tức tâm thị Phật vô dư Pháp
Mê giả đa ư tâm ngoại cầu
Nhứt niệm quách nhiên qui bổn tế
Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu
Dịch nghĩa:
- Thân, khẩu ý thanh
tịnh
Đó là Phật xuất thế.
Thân, khẩu ý bất tịnh
Đó là Phật nhập diệt.
Tức tâm là Phật, Phật tại tâm
Kẻ mê rong ruổi, ngoại tâm cầu
Nhứt niệm giác ngộ về đến Phật
Dễ như rửa chân bước lên thuyền.
ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG
Ba nghiệp: Thân, miệng và ý đều
thanh tịnh, đó là Phật xuất thế. Trái lại, ba nghiệp
không thanh tịnh tức là Phật nhập diệt. Phật tức tâm,
tâm tức Phật. Người mê muội không biết, lại tìm Phật
ngoài tâm. Nếu trong nhứt niệm mà tâm giác ngộ thì tức
thành Phật; rất dễ như người rửa chân bước lên thuyền.
30. PHẬT XÁC NHẬN
LỜI NÓI CỦA ÔNG TU BỔ ĐỀ LÀ PHẢI
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Đúng như vậy.
Nếu có người nghe kinh này mà không nghi ngờ hay kinh
sợ, thì người này rất là hy hữu".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này vẫn còn tiếp với hai đoạn
văn trên, Phật xác nhận lời nói của ông Tu Bồ Đề là
phải: Người có hạt giống Kim Cang Bát Nhã, không chấp
các tướng mới hiểu và tin được kinh này
31. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP: "BÁT NHÃ LÀ ĐỆ NHỨT BA LA MẬT"
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói
Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật, không phải Bát Nhã là đệ
nhứt Ba la mật, thế mới thật Bát Nhã là đệ nhứt Ba la
mật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật phá cái chấp "Bát Nhã
là pháp Ba la mật thứ nhứt". Đây là lần thứ hai, Phật
phá cái chấp Bát Nhã Ba la mật (lần thứ nhứt ở đoạn
22).
Trong 6 pháp Lục độ, tức là 6 pháp
Ba la mật, thì Trí huệ Bát Nhã là bao trùm tất cả, nên
Phật nói: "Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật"
Nhưng, nếu người còn chấp mình đặng
"Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật" (chấp pháp) thì
không phải thật đặng "Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật" nữa,
vì còn chấp ngã (mình đặng) chấp pháp (Ba la
mật). Bởi thế nên Phật dạy tiếp: "Không còn thấy
(chấp) mình đặng Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật, thì
mới thật đặng Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật".
GIẢI DANH TỪ
Bát Nhã: (đã giải ở trước, đề mục
kinh)
Ba la mật: (đã giải ở trước, đề mục
kinh)
32. PHẬT PHÁ CÁI
CHẤP "NHẪN NHỤC BA LA MẬT"
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói
người Nhẫn nhục Ba la mật (rốt ráo) mà không thấy mình
Nhẫn nhục Ba la mật, như thế mới thật là Nhẫn nhục Ba la
mật".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật phá cái chấp "Người
tu Nhẫn nhục Ba la mật, mà còn chấp mình đặng Nhẫn nhục
Ba la mật".
Nếu hành giả tu hạnh nhẫn nhục rốt
ráo (Ba la mật) mà còn chấp minh tu hạnh nhẫn
nhục rốt ráo, tức nhiên hành giả còn chấp chơn (người
làm nhục) chấp ngã (ta bị nhục) thì chưa phải
là nhẫn nhục rốt ráo. Hành giả phải lìa tất cả vọng
chấp: nhơn, ngã, bỉ, thử v.v...nhập Kim Cang Bát Nhã, mà
tu pháp nhẫn nhục thì pháp nhẫn nhục đó mới hoàn toàn
rốt ráo, gọi là nhẫn nhục Ba la mật.
33. PHẬT NÓI TIỀN
THÂN NGÀI LÀ MỘT VỊ TIÊN NHƠN TU HẠNH NHẪN NHỤC BA LA
MẬT
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! về quá khứ, ta
làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời. Bị vua
Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân
hận; Vì ta không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng
sanh và thọ giả".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này tiếp theo đoạn trên (32)
nói về việc tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật. Muốn giải thích
rõ ràng: thế nào là "nhẫn nhục rốt ráo" (nhẫn nhục Ba
la mật), Phật dẫn bằng chứng điển hình, là tiền thân
Ngài làm vị Tiên nhơn tu hạnh Nhẫn nhục. Bị vua Ca Lợi
cắt xẻo thân thể ra từng mảnh, nhưng Ngài không hề sân
hận. Vì ngài không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn
v.v...nên mới đặng nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la
mật).
Sách chép, một hôm vua Ca Lợi dẫn
cung phi mỹ nữ lên núi để yến tiệc. Sau buổi yến tiệc
say sưa, vua nằm nghỉ, các cung phi lén vua đi dạo núi.
Qua một đồi khác, thấy một vị Tiên
nhơn ngồi tu dưới một gốc cây đại thọ, các cung phi rủ
nhau đến chiêm bái.
Sau khi thức dậy, không thấy cung
phi, vua liền đi tìm. Đến một đồi núi, thấy các cung phi
đang ngồi xoay quanh hỏi đạo vị Tiên nhơn dưới một gốc
cây cổ thụ, vua tức giận hỏi:
Người là ai mà dám quyến rủ cung
phi mỹ nữ của ta?
Tôi là Tiên nhơn tu hạnh Nhẫn nhục
rốt ráo.
- Có thật không?
- Thật, tôi tu Nhẫn nhục rốt ráo
(Ba la mật). Vua liền rút gươm xẻo mũi, lóc tai,
chặt tay v.v...vị Tiên nhơn, mà không thấy vị Tiên nhơn
có chút gì phản ứng hay sân hận v.v...
Sau cơn nóng giận, vua hối hận và
hỏi:
Có lẽ vì thế lực của nhà Vua nên
Tiên nhơn Nhẫn nhục, không dám chống lại, chứ trong tâm
làm sao khỏi buồn giận?
Tiên nhơn thề rằng: Nếu tôi không
thiệt tu Nhẫn nhục rốt ráo, trong tâm còn chút giận hờn,
thì tôi chết luôn theo với tay chân bị cắt xẻo; trái
lại, nếu tôi thật tu Nhẫn nhục rốt ráo, tâm không sân
hận thì tay chân của tôi bị cắt, đều hoàn y nguyên trở
lại như xưa.
Lời thệ của Tiên nhơn vừa dứt thì
mũi, tai, thân thể của Tiên nhơn đều hoàn lại như trước.
Vua hết sức ăn năn sám hối tội lỗi của mình và thỉnh cầu
Tiên nhơn tha thư.
Tiên nhơn đã không hờn giận, lại
còn phát nguyện: "Sau khi đắc đạo ta sẽ độ người trước".
34. BỔ TÁT PHÁT TÂM
BỔ ĐỀ PHẢI XA LÌA TẤT CẢ CÁC VỌNG CHẤP
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Bồ Tát phát
tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ Tát
không nên sanh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh trần,
hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v...
Nói tóm lại, Bồ Tát đừng sanh vọng
tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp
một nơi nào, thì không phải thật an trụ chơn tâm".
LƯỢC GIẢI
Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt
ở đoạn 17), Phật dạy các vị Bồ Tát đừng sanh vọng
tâm trụ chấp một nơi nào.
Tâm Bồ Đề là tâm Phật (xem đoạn
2). Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các vô
minh vọng chấp: Không chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng
sanh, thọ giả, không chấp sáu căn, sáu trần và sáu thức
v.v...Nói chung là không chấp ngã, chấp pháp.
Khi các vọng chấp hết rồi, thì tâm
Bồ Đề hay tánh Bát Nhã v.v...hiện ra. Đó là "Hàng phục
vọng tâm và an trụ chơn tâm".
Nếu tâm còn có chỗ trụ chấp, tức là
tâm còn vọng động; tâm còn vọng động thì trụ nơi điên
đảo, chứ không phải an trụ chơn tâm hay tánh Bát Nhã.
Bởi thế nên Phật dạy: "Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một
nơi nào thì không phải thật an trụ chơn tâm.
Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng,
nói về việc không trụ chấp nơi sắc, thinh, hương, v.v...
Nguyên văn (dịch âm)
- Kiến sắc phi can sắc
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo pháp vương thành
Dịch nghĩa:
- Thấy sắc không mê
sắc
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng
Sắc tiếng đều không ngại
Mới đến pháp vương thành
ĐẠI Ý BÀI TỤNG
Trong khi sáu giác quan tiếp xúc
với sáu trần cảnh, mà không khởi vọng niệm phân biệt,
nhiễm ô mê hoặc (trụ chấp) nơi trần cảnh, thì
hành giả sẽ được vào cảnh giới Phật (thành pháp
vương).
35. PHẬT DẠY BỔ TÁT
BỐ THÍ HAY LÀM CÁC VIỆC LỢI ÍCH CHÚNG SANH ĐỀU KHÔNG NÊN
CHẤP TƯỚNG
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi bố
thí hay làm các việc lợi ích cho tất cả chúng sanh,
không nên sanh tâm trụ chấp các tướng (mình bố thí,
người thọ thí, vật bố thí)
Tu Bồ Đề! Như Lai nói các tướng
không phải thật (các pháp) chỉ giả gọi các tướng. Như
Lai nói chúng sanh, không phải thật chúng sanh, chỉ giả
gọi chúng sanh".
LƯỢC GIẢI
Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt
về đoạn 4), Phật dạy các vị Bồ Tát bố thí hay làm
các việc lợi ích chúng sanh, đều không nên chấp tướng
(xem đoạn 4 ở trước).
Hành giả khi làm lợi ích các chúng
sanh, mà tâm còn trụ chấp các tướng, nghiã là còn thấy
mình bố thí, người thọ thí và vật bố thí, tất nhiên hành
giả còn chấp ngã (mình, người) chấp pháp (vật
bố thí), thì hành giả chỉ được phước hữu lậu nhiễm
ô, nên không phải là bố thí Ba la mật (bố thí rốt
ráo).
Bởi thế nên Phật dạy, các vị Bồ
Tát, khi bố thí hay làm lợi ích cho các chúng sanh, phải
nhập Kim Cang Bát Nhã mà làm; nghĩa là không có chấp các
tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả thì được phước đức
vô lậu thanh tịnh. Bố thí như vậy, mới phải là bố thí Ba
la mật (bố thí rốt ráo).
Đoạn trước nói về Nhẫn nhục, đoạn
này nói về bố thí. Muốn giúp cho qui vị Phật tử hiểu
thêm và để thật hành, thế nào là "Nhẫn nhục rốt ráo" và
thế nào là "bố thí rốt ráo", chúng tôi xin nói thêm một
thí dụ như sau.
Hành giả muốn đặng Nhẫn nhục Ba la
mật hay bố thí Ba la mật, thì phải quán chúng sanh và
mình đồng một bản thể, mới không thấy ta có bố thí và
chúng sanh thọ thí hay người làm nhục và ta thọ nhục.
Thí dụ như tay mặt với tay trái,
đồng thấy chung một thân, nên khi tay mặt lỡ làm tổn
thương tay trái, (đóng đinh trợt tay) tay trái
không giận. Vì tay trái tự nhận mình cùng với tay mặt
đồng một thân, nên tay trái không thấy do tay mặt làm
nhục và mình bị nhục. Nhẫn nhục như thế mới là Nhẫn nhục
rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật).
Trái lại, tay mặt lo lấy bông gòn
và thuốc để băng cho tay trái, nhưng nó không kiêu hảnh,
vì tay mặt cũng tự nhận mình cùng với tay trái đồng một
thân, nên nó không thấy mình (tay mặt) là người
ban ơn và tay trái là kẻ thọ ơn. Bố thí như thế, mới là
bố thí rốt ráo (Bố thí Ba la mật).
36. NHƯ LAI NÓI
THẬT, KHÔNG NÓI DỐI
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói
thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói sai khác.
Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư".
LƯỢC GIẢI
Đến thời Bát Nhã, thì Phật phá hết
các vọng chấp từ lâu của chúng sanh, để chúng sanh tiến
lên một bực cao hơn nữa. Vì thế nên phần lý thuyết cũng
như phần tinh thần của thời kinh Bát Nhã, rất lạ lùng
hơn các thời thuyết pháp khác.
Sợ chúng sanh nghi ngờ lời Phật nói
không chơn thật, khi nói vầy, khi nói khác, thay đổi
không chừng, nên Phật gọi ông Tu Bồ Đề dạy rằng: "Như
Lai nói thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói
sai khác".
Đức Như Lai được đạo Bồ Đề, nhưng
nếu chấp đạo Bồ Đề này là hư hay thật thì không phải là
Bồ Đề. Vì thế nên Phật dạy: "Như Lai có đắc pháp, nhưng
pháp ấy không thật không hư".
37. TRỤ TƯỚNG BỐ
THÍ NHƯ VÀO NHÀ TỐI, VÔ TƯỚNG BỐ THÍ NHƯ ĐI BAN NGÀY
Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát bố
thí mà tâm còn trụ chấp nơi pháp bố thí, thì như người
vào nhà tối, không thấy gì cả. Trái lại, nếu Bồ Tát bố
thí mà tâm không trụ chấp nơi pháp bố thí, thì cũng như
người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sáng của mặt nhựt
chíêu soi, được thấy tất cả mọi vật".
LƯỢC GIẢI
Đây là lần thấy thứ ba (lần thứ
nhứt và hai ở đoạn 4 và 35), Phật dạy Bồ Tát bố thí
không nên chấp tướng bố thí.
Người bố thí, nếu còn chấp tướng,
nghĩa là còn thấy ta là người ban ơn, kia là kẻ thọ ơn,
đó là vật bố thí, thì bị mây vô minh ngã, pháp che mờ
Trí huệ Bát Nhã, nên Phật thí dụ: "như người đi vào nhà
tối không thấy gì cả".
Trái lại, nếu bố thí mà không chấp
tướng, trong kinh gọi là "tam luân không tịch"; nghĩa là
không thấy mình bố thí, (ban ơn) người thọ thí
(thọ ơn) và vật bố thí (xem thí du tay mặt bó tay
trái ở đoạn 35) thì mây vô minh ngã, pháp đều hết,
nên mặt trời Trí huệ Bát Nhã hiện ra, chiếu soi khắp tất
cả pháp. Bởi thế nên Phật nói: "Như người có mắt sáng
tỏ, lại nhờ ánh sáng của mặt nhựt chiếu soi, được thấy
mọi vật".
▲ Trở Lên
| |
|