A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
 
 

 

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo HCM Ấn Hành PL 2541-1997

KHOÁ THỨ MƯỜI HAI
KINH KIM CANG - DỊCH NGHĨA & LƯỢC GIẢI
Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Dịch Chữ Phạn Ra Chữ Hán
Sa Môn Thích Thiện Hoa Dịch Lại Chữ Việt & Lược Giải

 

Bài thứ bảy: Phần Chánh Tôn TT

Bài thứ tám: Phần Chánh Tôn TT

Bài thứ chín: Phần Chánh Tôn TT

 
 

BÀI THỨ BẢY

B. PHẦN CHÁNH TÔN
(Tiếp theo)

38. Người thọ trì kinh này công đức vô lượng
39. Công đức kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn
40. Phật khuyên người thọ trì đọc tung kinh này sẽ được đạo quả Bồ Đề
41. chỗ phụng thờ kinh này, cũng được nhơn thiên và thánh thần cúng dường
42. Người thọ trì kinh này mà bị người kkhinh khi là do tội chướng đời trước của họ rất nặng nề.
43. Người thọ trì kinh này, công đức nhiều hơn Phật Thích Ca cúng dường vô số chư Phật
44. Kinh này nghĩa lý không thể nghĩ bàn, nên phước báo của người thọ trì kinh này cũng không thể nghĩ bàn.
45. Đây là lần thứ hai, ông Tu Bồ Đề hỏi lại Phật hai câu quan trọng
46. Phật phá cái chấp "Như Lai có đắc pháp với Phật Nhiên Đăng".
47. Phật nói: "Tất cả các pháp đều là Phật pháp.


38. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai dùng Trí huệ Phật, thấy rõ ràng và biết chắc chắn: đời sau nếu có người phát tâm thọ trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu công đức vô lượng vô biên".

LƯỢC GIẢI

Đầy là lần thứ 6, Phật khuyến khích về công đức thọ trì kinh này.

Kinh này nghĩa lý cao siêu khác thường, quá tầm hiểu biết của người, sợ người không hiểu và không tin thì sẽ mất lợi ích lớn, nên Phật dạy: "Như Lai dùng Trí huệ Phật, thấy biết rõ ràng và chắc chắn: sau này nếu có người thọ trì đọc tung kinh này, sẽ được công đức vô lượng".

Người hiểu biết được nghĩa lý và thọ trì kinh này, người ấy sẽ ngộ được kinh Kim Cang Bát Nhã, tức là đã trồng hạt giống Bồ Đề, tất nhiên sẽ đặng quả Bồ Đề nên Phật nói: "được công đức vô lượng".

39. CÔNG ĐỨC KINH NÀY VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Nếu có người nào, một ngày ba lần: Sớm mai, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; Trưa, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; Chiều, cũng đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Bố thì như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp, phước đức của người này vô lượng vô biên.

Nếu có người nghe kinh này, tin hiểu không nghi ngờ, thì người này phước đức nhiều hơn người trước. Chỉ tin mà thôi còn được phước đức như vậy, huống chi là thọ trì đọc tụng, hoặc phiên dịch hay giảng dạy cho người. Tóm lại, công đức của kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 7, Phật tán thán công đức của kinh này không thể nghĩ bàn. Người đem một thân mình bố thí đã khó, huống chi là nhiều thân. Nhưng, giả sử có người đem nhiều thân mình ra bố thí, mỗi ngày ba lần, sớm mai, trưa và chiều đều bố thí vô lượng vô số thân mình, cho đến nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm và nhiều kiếp đều bố thí như vậy, thì phước đức người này biết là bao nhiêu.

Nhưng, nếu có người nghe kinh này, chỉ sanh lòng tin, không nghi ngờ, thì phước đức còn nhiều hơn người trước, huống chi thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy cho người khác.

Tại sao vậy?_ Vì người tin được kinh này là người đã ươm trồng hạt giống Kim Cang Bát Nhã; thọ trì đọc tụng là huân tưởng hạt giống Bát Nhã; giảng dạy cho người là làm cho người huân sanh hạt giống Bát Nhã. Hạt giống Bát Nhã đã sanh trưởng thì thế nào cũng được thành Phật. Bởi thế nên nguời tin thọ hoặc giảng dạy kinh này, phước đức nhiều hơn người bố thí thân mạng.

Tóm tắt đoạn này, Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài tụng rằng:

Nguuyên văn (dịch âm):

Sơ tâm hâu phát thí tân đồng
Công đức vô biên toán mạc cùng
Tranh tợ tín tâm tâm bất lập
Nhứt quyền đã phá thái hư không,

Dịch nghĩa:

Sớm trưa bố thí phát tâm đồng
Công đức vô biên tính chẳng cùng
Đâu bằng tính tâm không trụ chấp
Một tay đánh phá cõi hư không.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Đây là lần thứ 8, Phật tán thán công đức người thọ trì kinh này sẽ đặng quả Bồ Đề của Phật .

Phật vì những hàng Đại thừa Bồ Tát và những người phát tâm Tối thượng thừa cầu quả Phật, mà nói kinh này. Bởi thế nên những người chịu nghe và tin theo kinh này, hoặc thọ trì đọc tụng hay giảng dạy cho người nghe, tất nhiên người ấy đã có căn tánh (hạt giống) Đại thừa hay Tối thượng thừa, nên đặng công đức vô lượng vô biên và sẽ thành Phật.

Trái lại, những người căn tánh Tiểu thừa, bị gò bó trong cái khung bốn tướng, tư tưởng không hợp với giáo lý Đại thừa, nên không bao giờ họ lãnh hội được kinh Đại thừa và tu hành theo Đại thừa hoặc giảng dạy cho người.

41. CHỖ PHỤNG THỜ KINH NÀY CŨNG ĐƯỢC NHƠN THIÊN VÀ THÁNH THẦN CÚNG DƯỜNG

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Chỗ nào phụng thờ kinh này, thì chổ ấy như có chùa tháp của Phật; tất cả trời người, thánh thần đều cung kính lễ bái, dâng hoa cúng dường hoặc di nhiễu".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 9, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Trong đoạn thứ 13, Phật dạy:"Tất cả Phật và Pháp đều từ kinh này sanh ra". Vì kinh này rất quý báu như vậy, nên trong đoạn 20 và đoạn này (41) đều nói, chỗ thờ kinh này, cũng được trời, người, thần thánh xem như chùa Phật hay tháp Phật, đều đến cung kính lễ bái cúng dường, hoặc đi kinh hành (đi xung quanh chỗ thờ kinh).

42. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY MÀ BỊ NGƯỜI KHINH KHI LÀ DO TỘI CHƯỚNG ĐỜI TRƯỚC CỦA HỌ RẤT NẶNG NỀ.

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! Nếu người tho trì đọc tụng kinh này, mà bị người khing khi, thì người này do tội chướng đời trước rất nặng nề còn thừa lại, đáng lẽ phải đoạ vào ác đạo; nhưng nay chỉ bị người khinh khi, nhưng tội chướng đời trước bị tiêu diệt và họ sẽ mau đặng quả Bồ Đề".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 10, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Kinh này công đức vô biên và rất quý báu như thế, nên người thọ trì kinh này lẽ ra phải được sự cung kính tôn trọng. Nhưng trái lại, bị người khinh khi, thì biết người này do tội chướng đời trước nặng nề còn thừa lại, đáng lẽ phải bị đoạ vào ác đạo. Nhờ công đức thọ trì kinh này, nên họ bị quả báo rất nhẹ, là chỉ bị người khinh khi. Từ đây các tội chướng đời trước tiêu diệt và họ sẽ đặng thành quả Phật.

Tóm tắt đoạn này, Ngài Trương Vô Tận có làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm):

Tứ tự diêm hương khứ phục hoàn
Thánh phàm chỉ tại sát na gian
Tiền nhơn tội nghiệp kim nhơn tiện
Đáo khước tiền nhơn tội nghiệp sơn.

Dịch nghĩa:

Bốn mùa lạnh nóng mãi trôi qua
Phàm thánh không ngoài một sát na
Tội nghiệp tiền thân nay phải chịu
Chịu rồi mới hết nghiệp oan gia.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bốn mùa nóng lạnh, ngày tháng trôi qua là sự tuần hoàn của vũ trụ. Chứng thánh hay đoạ phàm, chỉ ở trong sát na mê hay ngộ. Kiếp trước làm tội ác nên kiếp này phải trả, bị người khinh khi. Trả xong nghiệp chướng oan gia mới được tự tại giải thoát.

43. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CÔNG ĐỨC NHIỀU HƠN PHẬT THÍCH CA CÚNG DƯỜNG VÔ SỐ CHƯ PHẬT

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! Ta nhớ trong quá khứ, về vô lượng vô số kiếp, trước thời Phật Nhiên Đăng, ta cúng dường và phụng thờ tám trăm bốn ngàn muôn ức vô số chư Phật. Nhưng về sau này, nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, thì công đức của người này so với công đức của ta cúng dường phụng thờ vô số chư Phật trước kia, công đức của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức của người này; cho đến dùng toán số hay thí dụ cũng không thể tính toán hay thí dụ được công đức của người thọ trì kinh này".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 11, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Cúng Phật thuộc về tu phước, dù nhiều bao nhiêu, cũng thuộc về phước hữu vi.

Người thọ trì kinh này, sẽ tỏ ngộ được lý Bát Nhã và sẽ mau đặng đạo quả Bồ Đề. Sau khi thành đạo, họ sẽ trở lại hoá độ vô số chúng sanh đều được giải thoát, thì công đức làm sao thí dụ được hay tính toán cho hết. Bởi thế nên Phật nói:"Công đức của người thọ trì kinh này nhiều hơn công đức của Phật cúng dường vô số chư Phật về quá khứ".

44. KINH NÀY NGHĨA LÝ KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN NÊN PHƯỚC BÁO CỦA NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CŨNG KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Phật dạy:" Nếu ta nói hết công đức của người thọ trì đọc tụng kinh này, sợ e người nghe, tâm sanh cuồng loạn, hoặc nghi ngờ không tin.

Tóm lại, kinh này nghĩa lý vô biên, không thể suy nghĩ và luận bàn, nên phước báu của người thọ trì kinh này cũng không thể suy nghĩ và luận bàn".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 12, Phật tóm lại, tán thán nghĩa lý của kinh này vô biên, nên công đức của người thọ trì kinh này, cũng không thể nghĩ bàn.

Từ trước đến đây đã 12 lần, Phật so sánh, khuyến khích và tán dương công đức của người thọ trì kinh này. Nếu nói hết lời, Phật e người nghe rối trí, hoặc nghi ngờ không tin. Nếu người hiểu được nghĩa lý cao thâm của kinh này, không thể nghĩ bàn, thì họ sẽ tin công đức phước báu của người thọ trì kinh này, cũng không thể nghĩ bàn.

45. ĐÂY LÀ LẦN THỨ HAI, ÔNG TU BỔ ĐỀ HỎI LẠI PHẬT HAI CÂU QUAN TRỌNG

Khi ấy, ông Tu Bồ Đề bạch Phật:"Bạch Thế Tôn! nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm?"

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hoá độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm Bồ Đề".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 1), ông Tu Bồ Đề hỏi Phật "Làm sao hàng phục vọng tâm? Và làm sao an trụ chơn tâm?".

Đại ý Phật dạy:" Nguời phát tâm Bồ Đề ra làm các Phật sụ, lợi ích tất cả chúng sanh, không nên chấp ngã, pháp hay bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Nếu không chấp ngã pháp hay bốn tướng thì sóng phiền não vọng niệm không sanh. Nếu sóng phiền não vọng niệm không sanh thì biển chơn tâm tự yên tịnh. Đó là phương pháp "hàng phục vọng tâm" mà cũng là "an trụ chơn tâm".

Nếu Bồ Tát làm Phật sự, hoá độ chúng sanh, mà còn thấy có mình hoá độ (ngã) và người được độ (nhơn) thì Bồ Tát chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, vì còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn v.v...nên không phải là Bồ Tát.

Nói đến "Tâm Bồ Đề", sợ có người trụ chấp tâm Bồ Đề, nên Phật liền phá chấp:" Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm Bồ Đề".

Ngộ được lý vô trụ của kinh Kim Cang Bát Nhã, Ngài Trường Sa có làm bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Bách xích can đầu bất động nhơn
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chơn
Bách xích can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới hiện toàn thân.

Dịch nghĩa:

Đầu sào trăm thước đứng vững trân
Tuy ngộ nhưng chưa đúng lý chơn
Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Hai câu đầu là nói, người tu hành dầu cao siêu đến đâu, nhưng nếu còn chấp một tí nào, thì cũng chưa phải là thật tu, thật chứng, cũng như người đứng trên đầu sào trăm thước, tuy cao, nhưng chưa thoát ly được đầu sào.

Hai câu sau là nói, hành giả phải rời tất cả vọng chấp ngã, pháp mới nhập được pháp giới tánh (chơn tâm hay Bát Nhã); lúc bấy giờ thân mình hiện khắp cả mười phương pháp giới; cũng như chim đã bỏ đầu sào trăm thước, thung dung tự tại bay đi trong cõi thái hư.

46. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "NHƯ LAI CÓ ĐẮC PHÁP VỚI PHẬT NHIÊN ĐĂNG"

Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Về quá khứ, Như Lai có đắc pháp Bồ Đề với Phật Nhiên Đăng không ?"

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Như Lai không có đắc pháp Bồ Đề với Phật Nhiên Đăng:

Phật dạy: "Đúng như vậy, Như Lai không có đắc pháp gì cả. Nếu Như Lai có đắc pháp thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta rằng: về sau, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích ca Mâu Ni".

Phật dạy tiếp: "Tu Bồ Đề! Có người nói: "Như Lai đặng quả Bồ Đề ". Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.

Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật".

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 15) phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã, phá cái chấp "Phật có đắc pháp". Đúng theo thinh thần kinh Kim Cang Bát Nhã, thì phải phá trừ hết các mây vô minh vọng chấp nhơn, ngã v.v...lúc bấy giờ mặt trời Bát Nhã chơn không (chơn như hay Phật tánh) mới hiện.

Bởi thế nên Phật tuy đắc pháp Bồ Đề, nhưng không thấy mình có đắc (vô ngã) và pháp Bồ Đề (vô pháp) đã đắc, nên mới được Phật nhiên Đăng thọ ký.

Nếu Như Lai còn thấy mình có đắc pháp Bồ Đề, tức nhiên Như Lai còn chấp ngã (mình đặng) và chấp pháp (pháp Bồ Đề), chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì đâu được Cổ Phật Nhiên Đăng chứng nhận cho: "Về sau ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni".

Chúng sanh chấp "Như Lai đặng quả Bồ Đề", vì chúng sanh chưa hiểu hai chữ "Như Lai". Phật giải thích: "Như Lai là bản thể như như của các pháp"; đã là như như, nên không có đặng pháp gì cả.

Phật dạy tiếp:" Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật". Nếu đạo Bồ Đề mà còn có hư hay là thật, thì không phải Bồ Đề. Đến chỗ này thì dùng lời nói luận bàn không trúng, đem ý thức suy nghĩ phân biệt cũng chẳng nhằm. Đây là lần thứ ba, Phật phá cái chấp "Như Lai đặng đạo Bồ Đề" (lần thứ nhứt và thứ hai ở về đoạn 15 và 36).

Ngộ được lý "Phật tuy đã thành Phật, nhưng không thấy mình được thành Phật", nên ngài Phật Quốc Thiền sư có làm bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Tâm tâm tức Phật, Phật tâm tâm
Phật Phật tâm tâm, tức Phật tâm
Tâm Phật ngộ lai vô nhứt vật
Tướng quân chỉ khát vọng mai lâm.

Dịch nghĩa:

Tâm tâm tức phật, phật tức tâm
Phật phật tức tâm, tâm tức Phật
Tâm, Phật ngộ rồi không chi cả
Nói me đỡ khát vạn quân binh.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Người mê, chấp tâm và Phật riêng khác. Kẻ hiểu lại nói: Phật tức tâm, tâm tức Phật. Người tỏ ngộ rồi không còn thấy có Phật và tâm. Vì cảm hoá chúng sanh nên mới đặt ra có danh từ tâm và Phật để kêu gọi. Cũng như vì muốn cho vạn quân đỡ khát nước, nên vị Chỉ huy mới phương tiện nói "gần đến rừng me".

GIẢI DANH TỪ

Thọ ký: Truyền trao và ký nhận.

47. PHẬT NÓI:" TẤT CẢ CÁC PHÁP ĐỀU LÀ PHẬT PHÁP"

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp". Tu Bồ Đề! Như Lai nói các pháp thật ra không phải các pháp, chỉ giả gọi "các pháp"; cũng như thân Phật cao lớn, Như Lai nói không phải thân Phật cao lớn, chỉ giả gọi "thân Phật cao lớn".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật phá cái chấp "các pháp và thân Phật". Kinh chép:" Pháp thân Phật biến khắp tất cả; cảnh giới của Phật ở gọi là Thường tịch quang. Bởi thế nên nói "tất cả các pháp đều là Phật pháp".

Chúng ta bị mây vô minh che khuất trăng Bát Nhã, nên chỉ thấy các pháp ngã, nhơn v..v.. chư Phật và Bồ Tát đã giác ngộ , phá tan mây vô minh, trăng Bát Nhã được sáng tỏ, nên chỉ thấy toàn là Phật pháp.

Vừa nói đến "các pháp", sợ chúng sanh chấp "các pháp mà không ngộ được tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật liền phá:" Như Lai nói "các pháp" thật ra không phải "các pháp", chỉ giả gọi là "các pháp". Cũng như thân Phật, thật ra không phải thân Phật, chỉ giả gọi thân Phật".

Trở Lên

BÀI THỨ TÁM

B. PHẦN CHÁNH TÔN
(Tiếp theo)

48. Phật phá cái chấp "Bồ Tát có độ sanh"
49. Phật phá cái chấp "Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật"
50. Phật có đủ 5 loại con mắt
51. Phật thấy biết hết các tâm niệm của chúng sanh trong hằng sa thế giới
52. Phật phá cái chấp "phước đức nhiều"
53. Phật phá cái chấp "thấy sắc thân và tướng tốt của Phật là thấy Phật"
54. Phật phá cái chấp "Như Lai có thuyết pháp"
55. Phật phá cái chấp "thật có chúng sanh"

 

48. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "BỔ TÁT CÓ ĐỘ SANH"

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! nếu Bồ Tát còn chấp mình hoá độ vô số chúng sanh thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? Vì thật ra không có một pháp gì gọi là Bồ Tát. Bởi thế nên Phật nói: "Tất cả các pháp không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp "thật có Bồ Tát, thật có độ sanh" và Phật dạy:" Các pháp đều giả, không có bốn tướng".

Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, thì pháp nào hay việc làm nào của Bồ Tát, hợp với tánh Bát Nhã chơn không, thì pháp đó hay việc làm đó mới là thật.

Nếu Bồ Tát còn chấp có mình độ sanh tức là Bồ Tát còn nhơn (người được độ) ngã (mình độ) v.v...thì không hợp với tinh thần Bát Nhã, nên không phải là Bồ Tát. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 3) Phật phá cái chấp "Bồ Tát có độ sanh".

Vì Bồ Tát hợp với tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật dạy:" Không có một pháp gì gọi là Bồ Tát". Cũng vì các pháp hợp với tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật dạy:" Tất cả các pháp đều không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả".

49. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "BỔ TÁT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT"

Phật dạy:" Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát chấp rằng:" Ta làm trang nghiêm cõi Phật", thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? Như Lai nói:" Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, mới thật là trang nghiêm cõi Phật.

Tóm lại, nếu Bồ Tát không còn chấp ngã chấp pháp, Như Lai mới gọi là "thật Bồ Tát".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dạy: Bồ Tát không còn chấp ngã, chấp pháp, phải hợp với tánh Bát Nhã chơn không, mới phải thật là Bồ Tát và mới phải là trang nghiêm cõi Phật. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt, xem đoạn 16) Phật phá cái chấp "Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật".

Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm, như thế mới thật là trang nghiêm cõi Phật. Trái lại, nếu Bồ Tát chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, tức là Bồ Tát còn chấp ngã (ta làm) chấp pháp (cõi Phật), không hợp với tinh thần Bát Nhã, thì không phải là trang nghiêm và cũng không phải là Bồ Tát.

Tóm lại, Phật dạy:" Nếu Bồ Tát nhập vào Bát Nhã chơn không, không còn các vọng chấp ngã, pháp, thì Như Lai mới gọi là thật "Bồ Tát".

Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng tóm tắt lại ý nghĩa trên, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Tá bà sam tử bái bà môn
Lễ số châu truyền dĩ thập phần
Trúc ảnh tảo dai, trần bất động
Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngần.

Dịch nghĩa:

Mượn áo tràng bà để lạy bà
Lễ rồi, áo trả lại cho bà
Bóng trúc quét sân, trần chẳng động
Vừng trăng xuyên biển, nước không xao.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bài kệ này nói về lý "vô trụ vô tướng của kinh Bát Nhã, Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật; cũng như người mượn áo tràng của bà để lạy bà. Nhưng Bồ Tát không chấp có trang nghiêm cõi Phật; như người lạy rồi trả áo, không còn giữ lại vết tích gì cả.

Bồ Tát độ sanh hay làm các Phật sự mà không thấy có mình độ và chúng sanh được độ v.v...cũng như bóng trúc quét bụi, tia sáng của vừng trăng xuyên biển; bụi trần không động mà nước cũng không dợn.

50. PHẬT CÓ ĐỦ NĂM LOẠI CON MẮT

Phật hỏi:" Tu Bồ Đề! Như Lai có nhục nhãn không? "Tu Bồ Đề thưa:" Bạch thế Tôn! Như Lai có nhục nhãn".

"Tu Bồ Đề! Như Lai có thiên nhãn không?"

"Bạch Thế Tôn! Như Lai có thiên nhãn".

"Tu Bồ Đề! Như Lai có Huệ nhãn không?"

"Bạch Thế Tôn! Như Lai có Huệ nhãn".

"Tu Bồ Đề! Như Lai có Pháp nhãn không?"

"Bạch Thế Tôn! Như Lai có Pháp nhãn".

"Tu Bồ Đề! Như Lai có Phật nhãn không?"

"Bạch Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này phá cái chấp "Phật và Bồ Tát không thấy chi hết".

Mục đích của kinh Bát Nhã là phải phá hết các vọng chấp, thì chơn tâm hay Phật tánh (Bát Nhã) mới hiện. Bởi thế nên, chấp "có" đã bị bác, mà chấp "không" cũng bị bác.

Từ trước đến đây, Phật đã nhiều lần phá về chấp có. Như nói: "Bồ Tát phải không thấy có mình độ sanh, không thấy có chúng sanh được độ. Bồ Tát không thấy mình làm trang nghiêm và không thấy cõi Phật được trang nghiêm v.v..."

Sợ người chấp:" ...như thế thì chư Phật và Bồ Tát không thấy chi hết", nên đến đoạn này, Phật mới hỏi ông Tu Bồ Đề:" Như Lai có năm món nhãn không?" . Ông Tu Bồ Đề thưa: "Như Lai có đủ năm món nhãn"; nghĩa là có đủ năm loại con mắt, nên Như Lai thấy tất cả.

GIẢI DANH TỪ

1. Nhục nhãn: Con mắt thịt cùa phàm phu, chỉ thấy trong phạm vi nhỏ hẹp; nếu bị vật gì che ngăn thì không thấy.

2. Thiên nhãn: Con mắt của chư thiên, do tu thiền định hoặc sanh lên các cõi trời, mới được con mắt này. Thiên nhãn thấy được xa và thấu suốt tất cả, không bị vật gì làm chướng ngại.

3. Hụê nhãn: Con mắt Trí huệ. Huệ nhãn chỉ thấy "ngã không"; nghĩa là chúng sanh không thật, chỉ do ngũ uẩn và tứ đại hoà hợp. Hàng Thinh văn và Duyên giác mới có Huệ nhãn.

4. Pháp nhãn: Con mắt thấy suốt tất cả các pháp. Bồ Tát đặng pháp nhãn, thấy "ngã pháp", đều không; nghĩa là Bồ Tát không những rõ thấu ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả đều không, mà cũng rõ thấu tất cả các pháp đều không thật, chỉ do các duyên hoà hợp sanh.

5. Phật nhãn: Con mắt Phật. Phật thấy biết tất cả các pháp trong thế gian và xuất thế gian. Phật thấy hoàn toàn viên mãn, dù hằng sa thế giới, vô lượng chúng sanh. Phật cũng đều thấy và biết tất cả.

Tóm lại, Phật có đủ 5 con mắt; Bồ Tát có 4 con mắt; Nhị thừa còn 3; phàm phu chỉ một; chư thiên có 1 hoặc 2.

Cổ nhơn làm bài tụng nói về ngũ nhãn như sau:

Dịch âm (nguyên văn):

Thiên nhãn thông phi ngại
Nhục nhãn ngại phi thông
Pháp nhãn phi quán tục
Huệ nhãn liễu trí thông
Phật nhãn như thiên nhựt
Chiếu dị thể hoàn đồng.

Dịch nghĩa:

Mắt Trời thấy thông suốt
Mắt Thịt thấy có ngại
Mắt Pháp thấy pháp không
Mắt Huệ thấy ngã không
Mắt Phật thất tất cả
Muôn pháp đồng nhứt thể.

51. PHẬT THẤY BIẾT HẾT TÂM NIỆM CỦA CÁC CHÚNG SANH, TRONG HẰNG SA THẾ GIỚI

Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! Cát ỏ trong sông hằng, Như Lai có gọi là cát không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Như Lai cũng gọi là cát".

Phật hỏi: "Như một sông Hằng có vô số cát, rồi lấy mỗi một hạt cát, để thí dụ một sông Hằng, thì có vô số sông Hằng. Trong vô số sông hằng, mỗi một sông Hằng lại có vô số cát nữa, rồi đem vô số hạt cát trong vô số sông Hằng đó, lại thí dụ nữa, mỗi một hạt cát là một hạt cát của Phật (Đại thế giới). Như thế, thế giới của Phật có nhiều không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn nhiều lắm".

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Tất cả chúng sanh ở trong vô số thế giới như vậy, có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả".

Phật dạy tiếp: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là "tâm". Tại sao vậy?_ Vì tâm quá khứ tìm không được, tâm hiện tại tìm không được, tâm vị lai cũng tìm không được".

LƯỢC GIẢI

Đoạn nay tiếp với đoạn trên (50), Như Lai có 5 con mắt, nên Như Lai thấy biết vô cùng thế giới và vộ tận chúng sanh.

Trong vô số thế giới, mỗi thế giới có vô số chúng sanh, mỗi chúng sanh có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả.

Vừa nói đến "tâm", sợ chúng sanh vọng chấp "có tâm" mà không nhhập được Kim Cang Bát Nhã, nên Phật liền phá: "Như Lai nói "tâm" không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là "tâm".

Phật giải thích thêm: Vì tâm quá khứ đã diệt, tâm vi lai chưa đến, tâm hiện tại không dừng trụ, nên trong ba đời tìm tâm không thể được.

Thuở xưa, Ngài Huệ Khả (Nhị Tổ) đến cầu Tổ Đạt Ma (Sư Tổ) về pháp an tâm (xen "bản đồ tu Phật" tập 4).

Tổ Đạt ma hỏi: "Ông đến đây để làm gì?".

Ngài Huệ Khả thưa: "Bạch Tổ Sư! Con đến đây để cầu pháp an tâm".

Tổ Đạt Ma hỏi:" Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, vậy ông muốn an cái tâm nào?".

Ngài huệ Khả thưa: "Trong ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) con tìm tâm đều không thể được".

Tổ Đạt Ma dạy: "ta đã an tâm cho ông rồi". Ngài huệ Khả liền tỏ ngộ.

Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài kệ nói về ba tâm

Nguyên văn (dịch âm):

Tam tế cầu tâm, tâm bất biến
Luỡng nhãn y nhiên đối lưỡng nhãn
Bất tu di kiếm khắc chu tầm
Tuyết nguyệt phong hoa thường kiến diện

Dịch nghĩa:

Hai mắt trơ trơ chỉ ngó chăm
Tìm mãi ba đời chẳng thấy tâm
Tuyết nguyệt phong ba thường đối diện
Kiếm rơi hà tất khắc khe tầm

LƯỢC GIẢI VÀ ĐẠI Ý

Thuở xưa, có người đi thuyền làm rơi cây kiếm dưới sông. Người ấy liền lấy dao khắc be thuyền, để chờ thuyền đậu nghỉ sẽ tìm. Đến khi thuyền đậu, người ấy xuống sông mò hoài không được kiếm. Anh ta thắc mắc: "Cây kiếm mới rớt, tôi khắc thuyền làm dấu ngay chỗ này, sao tìm hoài không được".

Người trí thấy vậy bảo:"Anh dại quá! Kiếm rớt hồi nãy, thì anh phải tìm ngay chỗ hồi nãy và tại chỗ đó; chớ đợi đến bây giờ, đã khác chỗ rồi, thì làm sao tìm được".

Cũng thế, người tu hành phải trực ngộ bản tâm mình. Nếu còn móng tâm để tìm tâm ở đâu đâu, thì không bao giờ tìm được; vì tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại không dừng, tâm vị lai chưa đến.

Tóm lại, đại ý bài tụng:

Những cảnh vật thiên nhiên, như tuyết trong, trăng sáng, gió mát, hoa tươi ở trước mắt, đều biểu lộ bản thể chơn tâm thường trú. Hành giả phải tức nơi muôn vật đó mà trực ngộ bản tâm mình, cần gì phải tìm đâu xa. Nếu hành giả không trực ngộ, mà cứ lo tìm tâm quá khứ, hiện tại và vị lai, thì cũng như người khắc dấu lên thuyền để mò kiếm, không bao giờ mò được.

52. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "PHƯỚC ĐỨC NHIỀU"

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy trong một Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí, người này được phước đức không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Nếu chấp phước đức này thật có, thì Như Lai nói phước đức này không nhiều. Không chấp phước đức nhiều, Như Lai mới nói "đặng nhiều phước đức".

LƯỢC GIẢI

Nếu đem tân chấp tướng mà làm việc phước đức, thì phước đức đó thành hữu vi hữu lậu; dầu có nhiều bao nhiêu cũng có ngày cùng tận. Trái lại, nếu đem tâm vô tướng (không cầu danh, cầu lợi, không chấp nhơn, chấp ngã v.v...) mà làm việc phước đức, thì phước dức này thuộc về vộ lậu thanh tịnh, hợp với tánh Bát Nhã chơn không (chơn tâm) dù làm ít, nhưng phước đức vô cùng tận.

Thuở xưa, Tổ Đạt Ma đến Trung Hoa truyền đạo. Vua Lương Võ Đế đem việc bố thí làm phước, đúc chuông, tạo tượng và lập 72 cảnh chùa v.v...để hỏi Tổ Đạt Ma. Trong câu hỏi có tánh cánh khoe khoang chấp tướng.

Vua hỏi: "Trẫm lập 72 cảnh chùa, đúc chuông, tạo tượng, tu kiều, bồi lộ v.v...phước đức có nhiều không?".

Trả lới đúng theo tinh thần "vô trụ, vô tướng" của kinh Bát Nhã, Tổ Đạt Ma nói: "Không có phước đức". Vua Lương Võ Đế vì trình độ quá kém, không hiểu được lời của Tổ dạy, nên nghi rằng không phải Tổ, lại đem dâng thuốc độc cho Tổ Đạt Ma uống ...(xem quyển "Tổ Đạt Ma", do Hương Đạo xuất bản).

Ngài Xuyên Thiền sư tả về cảnh: khi các mây vô minh vọng chấp hết, thì mặt trăng Trí huệ Bát Nhã hiện ra, bằng hai câu như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Vô hạn dã tâm phong quyển tận
Nhứt luân cô nguyệt chiếu thiên tâm

Dịch nghĩa:

Gió cuốn mây đen về biển cả
Một vừng trăng sáng giữa trời không

53. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "THẤY SẮC THÂN VÀ TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT"

Phật hỏi: "Tu Bồ Đề! ông có thể cho thấy sắc thân của ta đây là thấy được Phật không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Không thể cho thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật. Tai sao vậy? Vì Như Lai nói sắc thân, không phải thật sắc thân, chỉ giả gọi là sắc thân".

Phật hỏi tiếp: "Tu Bồ Đề! ông có thể cho thấy các tướng tốt (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) của ta đây là thấy được Phật không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! không thể cho thấy các tướng tốt của Phật là thấy được Phật. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói các tướng tốt, không phải thật tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp: "Thấy sắc thân và tướng hảo của Phật là thấy được Phật". Đây lần thứ ba (lần thứ nhứt và nhì ở đoạn 7 và 25) Phật phá cái chấp về việc thấy Phật.

Kinh Kim Cang, Phật dạy: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng" (phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối).

Sắc thân của Phật, do bốn đại hoà hợp giả tạo ra thân tướng, nên thân tướng của Phật cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là thân Phật.

Rồi từ trên thân tướng, do bốn đại giả tạo, lại sanh ra nhiều tướng, những tướng ấy cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Đến lúc hoàn thành nhiệm vụ độ sanh, Phật thâu thần nhập diệt, xả thân tướng tứ đại để vào cõi Niết bàn, thì xác thân và 32 tướng tốt, do tứ đại giả hợp của Phật cũng theo luật "sanh, trụ, dị, diệt" mà biến đổi. Lúc bấy giờ không còn cái gì để gọi là sắc thân và tướng tốt.

Bởi thế nên Phật dạy: "Không phải sắc thân, chỉ giả gọi sắc thân; không phải tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt". Vì thế nên ông Tu Bồ Đề thưa: "Không thể cho thấy sắc thân hay thấy tướng tốt của Phật mà cho là thấy được Phật".

54. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP"

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ nên nghĩ rằng: "Như Lai có thuyết pháp". Tại sao vậy? Nếu người nào không hiểu lời của Phật dạy, lại nói rằng: "Như Lai có thuyết pháp", thì người ấy khinh báng Phật".

Tu Bồ Đề! Như Lai nói: "Thuyết pháp, tức là không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp "Như Lai có thuyết pháp". Đây là lần thứ 3, Phật phá cái chấp về "Như Lai có thuyết pháp" (lần thứ nhứt ở đoạn 11 và 23)

Nếu người nào chấp: "Phật có thuyết pháp", thì người đó còn chấp ngã (Phật) và chấp pháp (thuyết pháp) Đem tâm vọng chấp ngã pháp cuả phàm phu mà suy nghĩ luận bàn đến chánh pháp của Phật, thì chánh pháp của Phật, trở thành vọng chấp của phàm phu. Ngài Xuyên Thiền sư nói: "Tà nhơn thuyết chánh pháp, chánh pháp tức qui tà" (người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà). Bởi thế nên Phật nói: "người đó khinh báng Phật ". Vì họ không nhập được "lý Kim Cang Bát Nhã", nên Phật nói: "Họ không hiểu được lời của Phật dạy".

Đức Lão Tử nói: "Đạo mà có thể nói được, thì không phải thật là Đạo (Đạo khả đạo, phi thường đạo)". Cũng đồng một ý này, Đức Phật dạy: "Không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp".

Phật nói bài kệ như sau:

Nguyên văn (diịch âm):

Thị tùng thành đạo hậu
Chung chí Bạt đề hà
Ư thị nhị trung gian
Vị thường thuyết nhứt tự

Dịch nghĩa:

Từ khi mới thành đạo
Đến lúc nhập Niết bàn
Trong khoảng thời gian ấy
Ta không nói một chữ.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Bài kệ này, nói về lý kinh Bát Nhã. Cổ nhơn dạy: "vô thuyết vô văn chơn Bát Nhã", (không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã, mới thật là nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã), (xin độc giả xem lại đoạn giải 11 và 23).

55. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "THẬT CÓ CHÚNG SANH"

Khi đó, ông Tu Bồ Đề thưa Phật: "Bạch Thế Tôn! Đời sau, nếu có chúng sanh nào nghe đến kinh Bát Nhã, không biết họ có thể tin được không?". Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Chúng kia, không phải chúng sanh, cũng không phải phi chúng sanh. Tại sao vậy? Như Lai nói chúng sanh, thật không phải chúng sanh, chỉ giả gọi là chúng sanh".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá cái chấp "thật có chúng sanh". Trong tánh Bát Nhã chơn không thì ngã và pháp đều không, bốn tướng chẳng còn.

Bốn tướng đã không, ngã chấp chẳng còn, thì đâu có gì là chúng sanh hay phi chúng sanh. Đã không phải chúng sanh hay phi chúng sanh, thì có gì là tin hay không tin. Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, nếu còn phân biệt vọng chấp, thì không phải là thật. Bởi thế nên Phật dạy tiếp: "Như Lai nói chúng sanh, không phải thật chúng sanh, chỉ giả gọi là chúng sanh".

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, để tóm tắt lại đoạn này, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Chúng sanh dữ thọ giả
Uẩn thượng lập hư danh
Như qui mao bất thật
Tợ thố giác vô hình

Dịch nghĩa:

Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả
Trên năm uẩn chỉ có giả danh
Như lông rùa không có thật thể
Tợ như sừng thỏ chẳng có hình.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Tất cả các pháp trên năm uẩn như ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả v.v...đều không thật có, như lông rùa, sừng thỏ, chỉ có giả sanh mà thôi.

 Trở Lên

BÀI THỨ CHÍN

B. PHẦN CHÁNH TÔN
(Tiếp theo)

56. Phật phá cái chấp "Như Lai đặng đạo quả vô thượng Bồ Đề"
57. Pháp này bình đẳng không có thấp cao
58. Phật nói công đức của người thọ trì kinh này không thể nghĩ bàn*
59. Phật phá cái chấp "Như Lai có độ chúng sanh".
60. Thấy 32 tướng tốt của Phật chưa phải là thấy được Phật.
61. Phật nói bài kệ, phá cái chấp "thấy Phật bằng sắc tướng, nghe Phật bằng âm thanh".
62. Phật phá cái chấp "không" (tức là chấp đoạn diệt)
63. Người ngộ "tất cả các pháp không thật", phước đức nhiều hơn người bố thí vô số bảy báu

 

56. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "NHƯ LAI ĐẶNG ĐẠO QUẢ VÔ THƯỢNG BỔ ĐỀ"

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Như Lai có chứng đặng đạo quả Vô thượng Bồ Đề không? Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo quã Vô thượng Bồ Đề".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp "Phật có đặng Đạo quả Bồ Đề". Đây là lần thứ 4 (lần thứ nhứt, hai và ba ở đoạn 15, 36, và 46).

Trong Duy thức Tam thập tụng có chép: "Nếu hành giả hiện tiền còn phần nào thấy mình có chứng Duy thức tánh, thì chưa phải thật chứng Duy thức tánh, vì còn chấp "có sở đắc" vậy".

Đồng một ý với đoạn kinh này, nếu còn chấp "mình đặng đạo quả Vô thượng Bồ Đề", tức là còn bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả thì không phải thật chứng đạo vô thượng Bồ Đề.

Hành giả phải ngộ nhập Kim Cang Bát Nhã, xa lìa các vọng chấp, không còn thấy mình chứng (không ngã) và đạo quả Bồ Đề để chứng (không pháp) thì mới thật là chứng đạo vô thượng Bồ Đề. Bởi thế nên Phật dạy: "Như Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo vô thượng Bồ Đề".

57. PHÁP NÀY BÌNH ĐẲNG KHÔNG CÓ CAO THẤP

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là đạo vô thượng Bồ Đề.

Tu Bồ Đề! Do tu tất cả pháp lành mà đặng đạo vô thượng Bồ Đề, Như Lai nói pháp lành, không phải pháp lành, mới gọi là pháp lành".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật nói "pháp này bình đẳng, không có cao thấp", và phá cái chấp "pháp lành".

Hành giả còn chấp "ta tu pháp lành" tức là còn chấp ngã (ta tu) chấp pháp (pháp lành). Nếu đem tâm chấp ngã chấp pháp mà tu pháp lành, thì pháp lành ấy thuộc về hữu vi hữu lậu, không phải là pháp lành cứu cánh.

Hành giả phải dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã, phá trừ các chấp ngã, chấp pháp mà tu các pháp lành, thì các pháp lành ấy mới hợp với Bát Nhã chơn không, thuộc về vô lậu thanh tịnh, mới phải lá pháp lành rốt ráo. Bởi thế nên Phật dạy: "Như Lai nói các pháp lành, không phải pháp lành, mới gọi là pháp lành".

Hành giả nhập Kim Cang Bát Nhã, phá trừ các vọng chấp mà tu các pháp lành thì sẽ chứng được đạo vô thượng Bồ Đề. Đạo này không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, nên Phật nói: "Pháp này bình đẳng, không có cao thấp".

Cổ nhơn có làm một bài tụng, nói về cảnh giới khi ngã và pháp đều hết, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Võ tiền chỉ kiến hoa gian điệp
Võ hậu toàn vô điệp để hoa
Hoa điệp phân phân quá tường khứ
Bất tri xuân sắc lạc thi gia

Dịch nghĩa:

Trước mưa chỉ thấy hoa cùng bướm
Mưa rồi chẳng thấy bướm với hoa
Hoa rụng bướm bay qua khỏi vách
Vậy ai đã hưởng thú xuân này

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Đây là lần thứ 13, Phật tán thán công đức không thể nghĩ bàn của người thọ trì và truyền bá kinh này.

Bố thí 7 báu tuy quí, nhưng chỉ giúp cho người về vật chất, giàu có sung sướng trong một đời mà thôi. Phước đức tuy nhiều, nhưng thuộc về hữu vi hữu lậu.

Người thọ trì hay giảng dạy kinh Kim Cang Bát Nhã, sẽ được lợi ích về phần tinh thần, mình và người đều sẽ tỏ ngộ lý Bát Nhã và sẽ thành Phật, rồi tự độ và độ tha, lợi ích muôn đời, nên mặc dù thọ trì rất ít, nhưng phước đức vẫn nhiều hơn người trước. Phước này thuộc về vô lậu thanh tịnh, nên không thể tính lường hay thí dụ được.

59. PHẬT PÁ CÁI CHẤP "NHƯ LAI CÓ ĐỘ CHÚNG SANH"

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói "ta", thật ra không có "ta"; nhưng chúng phàm phu lại chấo có ta. Tu Bồ Đề! Như Lai nói phàm phu, không phải phàm phu, chỉ giả gọi là phàm phu".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp "Phật có độ chúng sanh".

Nếu còn thấy "ta độ chúng", tức là còn vọng chấp ngã (ta) nhơn (chúng sanh) thì không nhập được Kim Cang Bát Nhã, nên không phải là Phật .

Vì Như Lai đã nhập Kim Cang Bát Nhã, không còn các vọng chấp ngã, nhơn, v.v...nên Như Lai không thấy "thật có độ sanh".

Vì phá trừ nghi vấn: Phật đã không chấp bốn tướng, tai sao còn nói "ta"? nên Phật dạy tiếp: "Như Lai nói "ta", nhưng thật ra không có cái "ta", do chúng phàm phu vọng chấp là ta".

Nói đến phàm phu, sợ chúng sanh chấp "thật có phàm phu", nên Phật liền phá: "Như Lai nói phàm phu, không phải thật phàm phu, chỉ giả gọi là phàm phu".

60. THẤY 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT CHƯA PHẢI LÀ THẤY ĐƯỢC PHẬT

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của ta đây, là thấy được Phật không?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật". Phật dạy: "Ông hiểu lầm rồi! nếu thấy 32 tướng tốt của ta đây, mà cho là thấy được Phật, thì Vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như ta, vậy vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?".

Tu Bồ Đề thưa: "Bạch Thế Tôn! Con hiểu ý Phật rồi, không thể cho thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp: "thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật". Đây là lần thứ 4 (lần 1, 2, 3 ở đoạn 7, 25, 3) nói về viễc thấy Phật .

Muốn rõ thêm đoạn này, tôi xin nhắc lại một lần nữa:

Thuở xưa, có hai vị Tỳ kheo, từ phương xa đến yết kiến Phật. Đi nữa đường, một vị vì sợ phạm giới, không uống nước có sinh trùng, nên bị khát chết. Một vị kia nhờ uống nước được sống, đến yết kiến Phật.

Phật quở: "Ông Tỳ kheo kia giữ giới, không uống nước tuy chết, nhưng ông đã thấy ta trước rồi. Còn ông không giữ giới, tuy sống đến yết kiến ta, nhưng ông lại cách ta ngàn dặm !".

Vậy thì, thấy Phật là thấy cái gì? Không thể cho thấy sắc thân có 32 tướng tốt của Phật, mà cho là thấy được Phật. Bởi thế nên Phật nói: "Nếu thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật, thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như Phật, vậy thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?".

Tóm lại, theo tinh thần Bát Nhã, phải xa lìa tất cả các vô minh vọng chấp, thì chơn tâm hay Phật tánh mói hiện. Đó mới là thật thấy Phật.

Ngộ được nghĩa lý uyên thâm của đoạn này, nên Cổ nhơn có làm bài tụng như sau:

Nguyên văn (dịch âm)

Phật tức tâm hề tâm tức Phật
Tâm Phật tùng lai giai vọng vật
Nhược tri vô Phật phục vô tâm
Thỉ thị chơn như pháp thân Phật

Dịch nghĩa:

Phật tức là tâm, tâm tức Phật
Tâm Phật cả hai đều vọng vật
Người ngộ vô tâm và vô Phật
Liền chứng chơn như pháp thân Phật

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Phật tức tậm, tâm tức Phật. Tâm và Phật chỉ là hai danh từ để gọi mà thôi, chớ không có cái gì chơn thật. Nếu người diệt trừ các vô minh vọng chấp, ngộ được lý Phật và tâm đều không, thì người ấy sẽ chứng đặng chơn như hay Pháp thân Phật.

61. PHẬT NÓI BÀI KỆ PHÁ CÁI CHẤP "THẤY PHẬT BẰNG SẮC TƯỚNG, NGHE PHẬT BẰNG ÂM THANH"

Khi đó, Ðức Thế Tôn nói tiếp bài kệ rằng:

Nếu thấy ta bằng sắc tướng
Nghe ta bằng âm thanh
Người này đi đường tà
Không thấy được Như Lai.

LƯỢC GIẢI

Bài kệ này tóm lại đoạn trên, Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp "thấy Phật qua sắc tướng của Phật "và "nghe Phật qua âm thanh của Phật".

Đoạn trên đã giải nếu chấp sắc thân có 32 tướng tốt của Phật là Phật, thì vua Chyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như Phật, vậy vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?

Nếu chấp tiếng nói thanh thao vi diệu của Phật là tiếng Phật, thì tiếng chim Ca Lăng Tần Già, cũng thanh thao vi diệu như tiếp Phật, vậy tiếng chim Ca Lăng Tần Già cũng là tiếng Phật hay sao?

Tóm lại, phải phá trừ các vô minh vọng chấp, nhập Kim Cang Bát Nhã, mới thật thấy và nghe được Phật. Trái lại, nếu còn vô minh vọng chấp, chấp sắc tướng hay âm thanh của Phật, không nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên Phật quở: "Người này đi đường tà (vọng), không bao giờ thấy được Như Lai".

62. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "KHÔNG" (TỨC LÀ CHẤP ĐOẠN DIỆT)

Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ nên nghĩ rằng: "Như Lai không thừa nhận thân tướng ,tốt đẹp này là thân Phật". Tại sao vậy? _ Nếu người phát tâm Bồ Đề mà nghĩ như vậy, thì mắc về cái chấp "đoạn diệt". Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề, đối với các pháp, không nên chấp "đoạn diệt" (chấp không).

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp "sắc thân đủ 32 tướng tốt của Phật không phải là Phật".

Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, thì phá hết các chấp: ngã, pháp hữu, vô v.v...lúc bấy giờ chơn tâm, Phật tánh hay Bát Nhã v.v...mới hiện.

Bởi thế nên "chấp sắc thân đầy đủ tướng tốt của Phật là Phật", đã bị Phật quở là "lạc vào đường tà, không thấy được Phật"; mà "chấp sắc thân đầy đủ tướng tốt của Phật, không phải là Phật", cũng bị Phật quở là "chấp đoạn diệt" nghĩa là "chấp không", thuộc về "đoạn kiến ngoại đạo".

Chấp "có" (chấp thường) chấp "không" (chấp đoạn) cũng đều là vọng chấp cả, không thể chứng đặng Đạo Bồ Đề. Bởi thế nên Phật dạy: "Người phát tâm Bồ Đề, đối với các pháp, không nên chấp đoạn diệt".

Kinh chép:

Nhược nhơn dục thức Phật cảnh giới
Đương tịnh kỳ ý như hư không

Dịch nghĩa:

 

Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Tâm phải thanh tịnh như hư không

ĐẠI Ý

Người muốn nhập cảnh giới Phật hay chứng đạo Bồ Đề, thì phải xa lìa các vọng chấp: có, không, đoạn, thường v.v...giữ tâm ý thanh tịnh như hư không

63. NGƯỜI NGỘ "TẤT CẢ CÁC PHÁP KHÔNG THẬT", PHƯỚC ĐỨC NHIỀU HƠN NGƯỜI BỐ THÍ VÔ SỐ BẢY BÁU

Phật day: "Tu Bồ Đề! Nếu các vị Bồ Tát dùng 7 món báu, đựng đầy trong hằng sa thế giới, đem bố thí; và có vị Bồ Tát ngộ "tất cả pháp không thật" (nhứt thế pháp vô ngã) và chứng đặng "pháp không" (pháp nhẫn) thì công đức của vị Bồ Tát sau này, nhiều hơn vị Bồ Tát trước. Tại sao vậy? Vì vị Bồ Tát sau này không lãnh thọ phước đức".

Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ Tát không lãnh thọ phước đức". Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Bồ Tát làm các việc phước đức, nhưng không tham trước, nên nói Bồ Tát không lãnh thọ phước đức

LƯỢC GIẢI

Đoạn này có Bồ Tát nhập Kim Cang Bát Nhã chứng được "các pháp vô ngã" (vô sanh pháp nhẫn) nên làm các việc phước đức, mà không tham trước, không mong cầu về mình, không chấp tướng phước đức, nên phước đức nhiều hơn vị Bồ Tát bố thí bảy món báu đựng đầy trong hằng sa thế giới.

Người đem tâm vọng chấp ngã, pháp của phàm phu, mà làm các việc phước đức, dù phước đức ấy có nhiều đến dâu, cũng thuộc về hữu vi hữu lậu của thế gian phàm phu mà thôi.

Trái lại, nếu người đem tâm thanh tịnh, không chấp ngã, chấp pháp, hợp với tánh Bát Nhã chơn không, mà làm việc phước đức, không tham cầu phước đức riêng về phần mình, thì người này mặc dù làm rất ít, mà phước đức nhiều vô tận; vì phước đức này thuộc về vô lậu thanh tịnh.

Giải thích đoạn này. Ngài Trí Giả Đại sư làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm)

Tam thiên đại thế giới
Thất bảo mãn kỳ chung
Hữu nhơn trì bố thí
Đắc phước giả như phong
Du thắng xan tham giả
Vị đắc đạt chơn tông
Chung tu tứ cú kệ
Tri giác chứng toàn không

Dịch nghĩa:

Cả đại thiên thế giới
Đựng đầy bảy món báu
Bố thí để cầu phước
Đặng phước cũng như gió
Còn hơn người bỏn xẻn
Chưa hiểu nghĩa chơn thật
Trì tụng bốn câu kệ
Mới ngộ được lý không

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Người đem bảy báu đựng đầy một nghìn triệu thế giới nhỏ, để bố thí, được phước đức tuy nhiều, nhưng không lâu dài, như gió thổi qua; không bằng người tỏ ngộ lý chơn không của kinh Bát Nhã, sẽ đặng phước vô lậu thanh tịnh.

GIẢI DANH TỪ

"PHÁP KHÔNG" (hay PHÁP NHẪN): bản thể chơn như thanh tịnh; nhưng vì mây ngã pháp che mờ. Hành giả tu hành phá trừ được ngã chấp (ngã không) thì một phần chơn như hiện ra, nên gọi là "ngã không chơn như"; phá trừ pháp chấp (pháp không) thì một phần nữa chơn như hiện ra, nên gọi là "pháp không chơn như".

Chứng được lý ngã không (sanh không) và pháp không, thì gọi là "nhị không chơn như" tức là đặng "vô sanh pháp nhẫn", (chứng đặng ngã pháp đều không).

(*) Khiếm khuyết đoạn này

 Trở Lên