A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
 
 
 

Khóa Thứ 10 Và 11
LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN
DỊCH NGHĨA VÀ LƯỢC GIẢI

Ngài Mã Minh Bồ Tát tạo Luận
Ngài Chơn đế Tam Tạng dịch chữ Phạn ra chữ Hán
Sa môn Thích Thiện Hoa lược dịch và lược giải.
Giảng lần thứ nhứt tại Phật Học Đường Nam Việt Ngày 12 tháng 9 năm Tân Sửu (11 10 61)
MỤC LỤC


Bài 05 Nói về nghĩa "Bất giác"
Bài 06 Nói về nghĩa "Bất giác" Ý tương tục và Ý thức
Bài 07 Nói về nghĩa "Bất giác" Tâm nhiễm ô
Bài 08 Nói về nghĩa "Bất giác" Bốn món huân tập
Bài 09 Nói về nghĩa "Bất giác" Bốn món huân tập (Tiếp Theo)
Bài 10 Nói về nghĩa "Bất giác" Chơn như và vô minh, thỉ và chung

 
Bài 11 đến bài 16 tiếp theo trang sau.


THÔNG BẠCH

Các loại sách của tôi phiên dịch hoặc sáng tác đều không giữ bản quyền. Song, Quí vị nào muốn ấn tống, xin theo bản sửa chữa cuối cùng cua tôi. Nếu vị nào muốn sửa đổi nội dung hay hình thức hoặc in để phát hành (bán) đều đều phải được sự chấp thuận của tôi

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

 
 

Khóa Thứ 10 và 11 
LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN 
DỊCH NGHĨA VÀ LƯỢC GIẢI

Giảng lần thứ nhứt tại Phật Học Đường Nam Việt 
Ngày 12 tháng 9 năm Tân Sửu (11 10 61)
 

BÀI THỨ NĂM 
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH
NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" 

MỤC LỤC 

2. Nói về nghĩa "Bất giác" (không giác ngộ: mê) 
a. Nói về Tam tế 
1. Nghiệp tướng (Vọng động) 
2. Chuyển tướng (Tâm phân biệt, trực giác) 
3. Hiện tướng (Cảnh bị phân biệt) 
b. Nói về lục thô 
1. Trí tướng (Vọng thức phân biệt) 
2. Tương tục tướng (Vọng niệm tương tục) 
3. Chấp thủ tướng (Chấp sự vật) 
4. Kế danh tự tướng (Chấp danh tự) 
5. Khởi nghiệp tướng (tạo nghiệp) 
6. Nghiệp hệ khổ tướng (thọ, quả) 
c. Nói về hai Tướng 
1. Đồng (đồng bản chất) 
2. Khác (khác hình tướng) 

  
CHÁNH VĂN

Do không thật biết pháp "Chơn như" nên tâm bất giác (mê) nổi lên, liền khởi vọng niệm (sanh tướng vô minh). Song vọng niệm vì là không có thật thể, nên chẳng rời Bản giác. 

Thí như người lầm phương hướng; vì có phương hướng nên mới lầm, nếu không phương hướng thì không có lầm. 

Chúng sanh cũng thế, do có "Giác" nên mới có "Mê"; nếu không có "Giác" thì cũng không có "Mê" (Bất giác) 

Song chúng sanh cũng nhờ có "Tâm vọng tưởng bất giác" này, nên mới biết phân biệt danh từ và nghĩa lý của các pháp. Và cũng nhờ thế mà chư Phật mới có thể vì chúng sanh nói ra "Chơn giác" (tánh Phật). Nếu lìa "Tâm bất giác" thì cũng không thể chỉ bày cái "Chơn giác" được (dụ như lìa sóng không có nước). 

LƯỢC GIẢI

Chúng sanh vì không ngộ được Phật tánh (bản giác) nên gọi là mê (bất giác). Song cái "mê" này không có thật thể, chỉ lấy Phật tánh làm thể, nên không rời Phật tánh (bản giác) được. Cũng như người lầm đường, do có con đường nên mới có lầm, nếu không có con đường thì cũng không có sự lầm lạc. Bởi thế nên, nếu rời Phật tánh (bàn giác) thì cũng không có cái mê (bất giác). Cũng như bỏ sóng, không có nước. 

Sóng, cũng nhờ có cái mê vọng (bất giác) này, nên chúng sanh mới biết phân biệt các pháp chơn vọng, thánh phàm và nhàm chán cảnh khổ sanh tử, ham mộ thú vui "Niết bàn". 

Và cũng nhờ chúng sanh có biết phân biệt, nên chư Phật mới có thể thuyết pháp giảng dạy, chỉ bày Phật tánh (chơn giác). Nếu không có tâm mê vọng bất giác phân biệt của chúng sanh, thì Phật cũng không làm sao chỉ bày Phật tánh (chơn giác) cho chúng sanh được. 

Đọc qua đoạn văn này, chúng ta nên lưu ý đến câu: "Vì không ngộ được Phật tánh, nên gọi là mê" hay đổi lại cách nói "Tại sao có dại?" vì chưa khôn vậy". Vậy thì cái mê dại (vô minh) này, sẳn có từ hồi nào đến giờ, vì từ hồi nào đến giờ chúng sanh chưa từng ngộ được Phật tánh. 

Nói tóm lại, chơn như với vô minh đồng thời có, không phải chơn như có trước, vô minh có sau. Khi chơn như (Phật tánh) hiện, thì vô minh mất, cũng như khi "khôn" rồi, thì "dại" tự hết. 

GIẢI DANH TỪ 

"Bất giác": không biết. Thật ra không phải là không biết; vẫn có biết, song cái "biết" ấy hư vọng, chẳng chơn thật, nên cũng gọi là "vọng niệm" hay "vô minh" v.v.. 

"Không thật biết": Chúng sanh vẫn biết được chơn như hay Phật tánh; song chỉ biết suông trên văn tự, do ý thức phân biệt hư dối mà thôi; chứ không biết đúng như thật. 

(Đoạn này nói về căn bản vô minh (bất giác), tiếp sau đây sẽ nói đến chi mạt vô minh (tam tế, lục thô). 

a. NÓI VỀ TAM TẾ 

CHÁNH VĂN

Và, do "Bất giác" (căn bản vô minh) nên sanh ra ba tướng rất vi tế (tam tế: chi mạt vô minh); ba tướng vi tế này không rời "Bất giác". 

1. Tướng nghiệp vô minh (nghiệp tướng): vì "Bất giác" (hoặc) cho nên tâm động, gọi đó là "Nghiệp". Bởi thế nghiệp (nhơn) nên có "khổ"(quả) . Trái lại, nếu "Giác" (không có hoặc) thì tâm không động (nghiệp nhơn) nên cũng không khổ (quả). 

2. Tướng năng kiến (chuyển tướng tức là kiến phần): Vì có "Động" (nghiệp tướng) cho nên sanh ra "Năng phân biệt" (năng kiến). Nếu không "Động" thì không có "Năng phân biệt" (không có nghiệp tướng thì cũng không có chuyển tướng). 

3. Tướng cảnh giới (hiện tướng tức là tướng phần): Vì có "Năng phân biệt" (kiến phần) nên cảnh bị phân biệt (tướng phần) vọng hiện ra. Bởi thế nên rời "Năng phân biệt" (kiến phần) thì cũng không có cảnh bị phân biệt (nghĩa là nếu không có chuyển tướng thì cũng không có hiện tướng). 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói: Vô minh sanh ra 3 tướng rất vi tế: Nghiệp, Chuyển và Hiện; bà tướng này không rời vô minh. 

1. Vì vô minh (bất giác) cho nên tâm động tức là "Nghiệp". Đó là tướng vi tế thứ nhứt, gọi là "Tướng nghiệp vô minh", cũng gọi là "Hoặc, Chuyển"; bên Duy thức tôn gọi là "Tự chứng phần" của thức A lại da. 

Do "Hoặc" (vô minh) nên tạo "Nghiệp" (tâm động); bởi có "nghiệp" nên phải thọ "quả khổ". Trái lại, nếu giác ngộ không mê hoặc (vô minh) thì không tạo nghiệp (vọng động); không tạo nghiệp nên chẳng có quả khổ. 

Tất cả quả khổ, không ngoài hai món sanh tử: Phàm phu thì bị khổ "Phần đoạn sanh tử"; Tiểu thánh thì bị khổ "Biến dịch sanh tử". Song hai món quả khổ này, đều do "động niệm" tức là hướng về trí Phật (không vọng niệm thì chơn tâm hiện). 

2. Vì tâm động (ngiệp tướng) cho nên mới có phân biệt. Đó là tướng vi tế thứ hai, gọi là "tướng năng kiến" (phần năng phân biệt), cũng gọi là "Chuyển tướng"; bên Duy thức tôn gọi là kiến phần của thức A lại da. Nếu tâm không vọng động, thì cũng không do đâu mà phát sanh ra phân biệt được. Nghĩa là: Nếu không có "nghiệp tướng"; thì cũng không có "chuyển tướng"; hay nói cách khác: nếu không có "Tự chứng phần" thì cũng không có "Kiến phần". 

3. Vì có tâm năng phân biệt, nên mới vọng hiện ra cảnh giới bị phân biệt. Đó là tướng vi tế thứ ba, gọi là "Tướng cảnh giới" (phần bị phân biệt) cũng gọi lá "Hiện tướng"; bên Duy thức tôn gọi là "Tướng phần" của thức A lại da. Bởi tâm và cảnh không rời nhau, nếu lìa tâm năng phân biệt thì không có cảnh giới bị phân biệt. Nghĩa là: rời "Chuyển tướng" thì không có "Hiện tướng"; hay nói cách khác: rời "Kiến phần" thì không có "Tướng phần". 

Từ thể tánh chơn tâm, không có năng sở (bỉ, thử); song vì mê nên tâm động (nghiệp tướng) mà sanh ra có năng phân biệt (chuyển tướng) và cảnh giới bị phân biệt (hiện tướng). Nếu giác cảnh giới bị phân biệt (hiện tướng). Nếu giác ngộ không mê, thì tâm không động, không sanh, và cảnh bị phân biệt chẳng hiện. 

Đoạn này xin lưu ý độc giả: Trong luận này nói "Do nghiệp tướng sanh ra chuyển tướng, do chuyển tướng sanh ra hiện tướng". Nói như thế, là lấy theo nghĩa "tương quan, tương sanh" mà nói. Kỳ thật ba tướng này, đồng thời sanh khởi; nghĩa là một pháp vừa động, thì tất cả pháp đều động, không phải có thứ lớp tuần tự như vậy. 

Tóm lại, ba tướng "Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Hiện tướng: này, ở các kinh khác, cũng thường gọi là "Hoặc, Nghiệp và Khổ", hay trong Duy thức gọi là "Tự chứng phần, Kiến phần và Tướng phần của thức A lại da. 

GIẢI DANH TỪ 

Bất giác và vô minh: "Vô minh" là không sáng suốt, "Bất giác" là không giác ngộ. Bởi thế nên bất giác cũng tức là vô minh. 

Tướng nghiệp vô minh: Vô minh vọng động thành ra tướng nghiệp, gọi tắt là "Nghiệp tướng"; tức là "Tự chứng phần" của thức A lai da. 

Tướng Năng kiến: Phần năng phân biệt, cũng gọi là "Chuyển tướng"; tức là "Kiến phần" của thức A lại da. 

Tướng cảnh giới: Cảnh giới bị phân biệt, cũng gọi là "Hiện tướng"; tức là "Tướng phần" của thức A lại da. 

Phần đoạn sanh tử: Sanh tử do sự biến đổi. Như vị Tu đà hoàn, khi chứng lên quả Tư đà hàm (sanh) thì xả vị Tu đà hoàn (tử); khi lên vị A na hàm, thì bỏ quả Tư đà hàm v.v...Thí như người Lính, khi lên Cai thì bỏ Lính, lên Đội thì bò Cai v.v... 

Tự chứng phần_ Duy thức tôn nói: Mỗi người có 8 món Tâm vương và 51 món Tâm sở. Mỗi một Tâm vương hay Tâm sở đều có 4 phần: 1. Phần bị phân biệt (tướng phần), 2. Phần năng phân biệt (Kiến phần); Hai phần này thuộc về Dụng, ở bên ngoài. 3. Phần tự chứng và 4. Phần chứng tự chứng; hai phần này thuộc về thể, ở bên trong và làm chỗ nương cho hai phần ngoài. 

Tương quan tương sanh: Liên quan với nhau và sanh cùng nhau, có cái này thì phải có cái kia. 

b. NÓI VỀ LỤC THÔ 

CHÁNH VĂN

Do đã có cảnh giới hiện ra (Hiện tướng) nên tiếp tục sanh sáu tướng sau này: 

1. Tướng Trí (Trí tướng: Phân biệt): Do có cảnh giới hiện ra nên sanh tâm phân biệt (trí) thương,ghét 

2. Tướng tương tục (Tương tục tướng: Vọng niệm tương tục): Do tâm phân biệt thương ghét, cho nên tiếp tục sanh ra các niệm khổ vui, mừng lo v.v...không dứt. 

3. Tướng chấp thủ (chấp thủ tướng: chấp sự vật): Do các niệm tương tục phân biệt những cảnh khổ vui, cho nên tâm mới vướng mắc, chấp lấy nơi sự vật (cảnh). 

4.Tướng chấp danh tự (kế danh tự tướng: chấp danh tự): Do phân biệt vọng chấp nơi sự vật, nên giả đặt ra những danh tự để kêu gọi. 

5. Tướng khởi nghiệp (khởi nghiệp tướng: tướng tạo nghiệp): Do chấp theo danh tự tốt xấu đó, rồi tạo ra các nghiệp lành hay dữ. 

6. Tướng nghiệp hệ khổ (Nghiệp hệ khổ tướng: Thọ quả khổ): Do tạo ra các nghiệp, nên bị các nghiệp kéo dẫn đi lãnh thọ quả khổ, không được tự tại. 

Tóm lại, phải biết: Gốc từ vô minh (căn bản vô minh) sanh ra các pháp nhiễm ô (chi mạt vô minh) nên các pháp nhiễm ô đều là vô minh (bất giác). 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về 6 món thô (lục thô). Do từ vô minh vọng động (Tự chứng phần của thức A lai da) khởi ra tâm (Kiến phần của thức A lại da) và cảnh (Tướng phần của thức A lại da) là ba món vi tế, rồi tiếp tục sanh khởi 6 món thô sau này: 

1. Vì có cảnh giới (hiện tướng) nên tâm phân biệt tốt xấu, rồi sanh ra thương (tham) ghét (sân) v.v...gọi là "Tướng trí", chữ "Trí" là biết phân biệt tốt xấu. 

2. Do tâm biết phân biệt tốt xấu v.v...nên các niệm thương ghét, mừng giận, khổ vui v.v...tiếp tục sanh khởi không gián đoạn, gọi là "Tướng tương tục". 

3. Do các niệm thương ghét, mừng giận, khổ vui, nên sanh tâm chấp lấy: Cái gì vui thích thì tham luyến, còn buồn khổ thì sân hận, gọi là "Tướng chấp thủ". 

4. Do sanh tâm chấp cảnh, nên giả đặt ra những danh từ để kêu gọi, cái này đẹp, cái kia xấu v.v...gọi là "Tướng kế danh tự". 

5. Do có những danh tự kêu gọi đẹp xấu v.v...nên sanh tâm tham lam, giận ghét, và vì thế mà tạo ra cái nghiệp, gọi là "Tướng khởi nghiệp". 

6. Do tạo các nghiệp, nên bị nghiệp kéo dẫn sanh tử luân hồi trong 3 cõi, để thọ quả báo, không được tự tại, gọi là "Tướng nghiệp hệ khổ". 

Tóm lại, do "mê hoặc" nên "tạo nghiệp"; nhơn ""tạo nghiệp" nên phải thọ "quả khổ" trở lại "mê hoặc" nữa; nhơn "hoặc" lại tạo "nghiệp" tho "quả khổ", mãi mãi không biết bao giờ cùng tận, như cái vòng tròn không mối, nên gọi là "Luân hồi". 

Bởi do vô minh vọng niệm sanh ra tất cả các pháp phiền não tạp nhiễm, nên các pháp đều là vô minh. Nếu người được "vô niệm" (không vọng niệm), thì tất cả các pháp phiền não sanh tử đều hết. 

Trong 3 món Tế và 6 món Thô này, về phàm phu thì đủ cả; Tiểu thừa về 3 quả trước, thì đủ 3 món Tế và 4 món Thô trước; A la hán thì có 3 món Tế và 3 món Thô trước; hàng Pháp thân Bồ Tát (từ Bát địa trở lên) chỉ còn 3 món Tế. 

Xin xem biểu đồ sau đây: 

I. Phàm phu (có đủ 9 món) 
3 món Tế  
1. Nghiệp tướng (vọng động) 
2. Chuyển tướng (trực giác) 
3. Hiện tướng (cảnh) 
6 món Thô  
1. Trí tướng (phân biệt) 
2. Tương tục tướng ( vọng niệm tương tục) 
3. Chấp thủ tướng (chấp sự vật) 
4. Kế danh tự tướng ( chấp danh tự) 
5. Khởi nghiệp tướng (tạo nghiệp) 
6. Nghiệp hệ khổ tướng (thọ quả) 

II. Tiểu thừa, 3 quả trước, có 7 món 
3 món Tế 
1. Nghiệp tướng 
2. Chuyển tướng 
3. Hiện tướng 
4 món Thô 
1. Trí tướng 
2. Tương tục tướng 
3. Chấp thủ tướng 
4. Kế danh tự tướng 
III. A la hán có 6 món 
3 món Tế  
1. Nghiệp tướng 
2. Chuyển tướng 
3. Hiện tướng 
3 món Thô 
1. Trí tướng 
2. Tương tục tướng 
3. Chấp thủ tướng 
IV. Pháp thân Bồ Tát chỉ có món Tế  
1. Vô minh nghiệp tướng (nghiệp tướng) 
2. Năng kiến tướng (chuyển tướng) 
3. Cảnh giới tướng (hiện tướng) 

c.NÓI VỀ HAI TƯỚNG 
CHÁNH VĂN

Lại nửa, "Giác" (chơn) với "Bất giác" (vọng) đều có 2 tướng: Đồng và Khác. 

Thế nào là "Đồng"?_ Các sự nghiệp huyễn hoá của "Giác" (vô lậu) và "Bất giác" (vô minh) đều đồng một thể tánh chơn như. Thí như các món đồ gốm đều đồng một chất đất. 

Bởi thế nên trong Khế kinh chép: "Tất cả chúng sanh, từ hồi nào đến giờ, vẫn thường ở trong Bồ Đề Niết bàn; không phải do tu mới có, do làm mới được; rốt ráo không có gì gọi là "chứng" cả, và cũng không hình tướng gì có thể thấy được. 

Song, chúng sanh thấy sắc thân Phật, có 32 tướng tốt, có 80 vẻ đẹp v.v...là do tuỳ tâm vọng nhiễm của chúng sanh mà huyễn hiện, không phải tánh chơn như có các hình tướng ấy; vì tánh chơn như không có thấy được vậy. 

Thế nào là "Khác"?_ Do tuỳ tâm vọng nhiễm của chúng sanh mà hiện ra các huyễn tướng sai khác: hữu lậu (mê) và vô lậu (giác). Ví như các thứ đồ gốm, hình tướng khác nhau. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này lấy hai mặt "đồng" và "bất giác", để chỉ sự tương quan tương phản của hai thứ ấy. Đứng về bản thể của các pháp mà luận, thì "nhiễm" và "tịnh" đều là chơn như. còn đứng về hiện tượng của các pháp mà nói, thì "nhiễm" và "tịnh" có sai khác. 

Bởi "giác" và "bất giác" đều là Chơn như, cũng như các thứ đồ gốm (đồ kiểu hay đồ đá) đều bằng đất, nên nói tất cả chúng sanh từ hồi nào đền giờ, vẫn thường ở trong Chơn như. Tánh Chơn như này không phải do tu mới được, hay làm mới có; rốt ráo không có sở đắc, và cũng không có hình tướng gì có thể chỉ bày được. 

Song, chúng sanh thấy có Phật hiện thân độ sanh; đó là tự tâm của chúng sanh, tuỳ nghiệp huyễn hiện, chứ không phải tánh Chơn như có những hình tướng như thế. 

Câu: "Tuỳ tâm vọng nhiễm" của chung sanh mà hiện ra các huyễn tướng sai khác: hữu lậu (mê) và vô lậu (giác). Nghĩa là nói: Không phải ở đâu khác, mà chính chính ở tâm chúng sanh, có thể đổi các phiền não nhiễm ô, ra các công đức thanh tịnh. Khi tâm vọng động thì sanh ra vô lượng hằng sa pháp tạp nhiễm, khi tâm hết vọng động thì hiện ra vô lượng hằng sa công đức thanh tịnh. Tất cả đều tuỳ tâm của chúng sanh mà hiện ra các tướng nhiễm, tịnh. Các tướng này đều như huyễn. 

Câu: "...Các sự nghiệp chuyển hoá của vô lậu (giác) và vô minh (mê)", có nghĩa là: Tánh giác đã có nghiệp dụng, hiện ra tất cả cảnh giới thù thắng vi diệu, không thể nghĩ bàn, thì vô minh cũng có nghiệp lực hiện ra Tam tế, Lục thô, tất cả sanh tử khổ vui, cũng không thể nghĩ bàn. Bởi thế nên Chơn và vọng đều là huyễn cả. Khế kinh chép: "sanh tử và Niết bàn đều như mộng huyễn". 

QUYẾT NGHI

Hỏi:_ Chúng snh đã vốn là Phật, tại sao không thấy chúng sanh có Báo thân và Hoá thân Phật? 

Đáp:_ Khi nói chúng sanh vốn là Phật, là đứng về phương diện bản thể Phật tánh mà nói, chứ không phải đứng về phương diện hiện tượng Phật tướng mà nói vậy. Về bản thể thì các chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng về hiện tượng thì chúng sanh có Báo thân và Hoá thân. 

Hỏi:_ Chơn như Phật tánh đã không có sắc tướng, tại sao chư Phật chứng được, và có tướng Báo thân và Hoá thân? 

Đáp:_ Sắc thân của chư Phật, chỉ tuỳ theo tâm của chúng sanh mà hiện ra, không phải trong thể tánh chơn như có những hình tướng ấy. 

Đã nói về "Tâm sanh diệt" dưới đây sẽ nói "Tướng Nhơn duyên sanh diệt"

Trở Lên

BÀI THỨ SÁU 
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH 
NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" (Tiếp Theo) 

MỤC LỤC 

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo) 
d. Nói về "ý tương tục" có 5 thứ: 
1. Nghiệp thức (nghiệp tướng) 
2. Chuyển thức (chuyển tướng) 
3. Hiện thức (hiện tướng) 
4. Trí thức (trí tướng) 
5. Tương tục thức (tương tục tướng) 
e. Nói về "ý thức" 
Cảnh giới này duy có Phật mới biết được rốt ráo.
 

d. NÓI VỀ "Ý" TƯƠNG TỤC, có 5 thứ 

CHÁNH VĂN

Trên đã nói "Tâm sanh diệt", (thức A lại da) tiếp theo đây sẽ nói "cái "Ý" làm nhơn duyên sanh diệt". 

Tất cả chúng sanh đều từ nơi tâm (A lại da) mà sanh ra ý (Mạt ma) và ý thức (thức thứ 6). Nghĩa là do thức A lại da có vô minh bất giác (nghiệp tướng) nên sanh ra Năng kiến (chuyển tướng) và Năng hiện (hiện tướng) rồi tiếp tục sanh ra các niệm (lục thô), chấp lấy cảnh giới v.v...gọi là "Ý". 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về sự quan trọng của "ý". Trong các nơi khác, khi nói đến "ý" thì thường dùng để chỉ riêng cho thức Mạt na, là thức sanh diệt tương tục thắng hơn các thức. Nhưng chữ "ý" ở luận này là chỉ chung cho cả 8 thức; vì cả 8 thức đều có nghĩa "sanh diệt tương tục". 

Thức A lại da là gốc của sanh diệt, thức Mạt na làm nhơn duyên cho sự sanh diệt tương tục; còn ý thức thì khởi hoặc tạo nghiệp, làm cho chúng sanh nhiều kiếp sanh tử không dứt. 

CÁI "Ý" CÓ 5 THỨ 

CHÁNH VĂN

Cái "Ý" này lại có 5 thứ: Nghiệp thức (nghiệp tướng), Chuyển thức (chuyển tướng), Hiện thức (hiện tướng), Trí thức (trí tướng) và Tương tục thức (tương tục tướng). 

a. "Nghiệp thức" là sự vô minh bất giác làm cho tâm vọng động (tức là Tự chứng phần của thức A lại da) 

b. "Chuyển thức" là phần Năng phân biệt (Kiến phần của thức A lại da) do tâm vọng động chuyển sanh ra. 

c. "Hiện thức" là sự hiện bày của cảnh giới ngũ trần bị phân biệt (Tướng phần của thức A lại da). Cảnh giới này không có trước sau, trong tất cả thời, mặc tình sanh khởi, thường hiện ở trước. 

(3 thức này thuộc về Tam Tế) 

d. "Trí thức" là cái biết phân biệt các pháp nhiễm tịnh. 

e. "Tương tục thức" là niệm niệm sanh diệt tương tục không gián đoạn. 

(2 thức này thuộc về 2 món. Thô trước, trong 6 món Thô) 

năm thứ "ý" này, giữ gìn tất cả nghiệp lành dữ, từ quá khứ vô lượng kiếp về trước, cho đến ngày nay cũng không mất (trì chủng). Nó lại có công năng làm cho thành thục tất cả quả báo khổ vui về hiện tại cũng như tương lai, không sai mất (chấp thủ căn thân, thế giới và kiết sanh tương tục). Và có công năng nhớ việc đã qua, nghĩ những việc hiện tại và suy tính những việc chưa đến (vị lai). 

Bởi thế nên ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) đều hư ngụy, duy tâm tạo ra. Nếu rời tâm thì không có cảnh giới sáu trần này (ba cõi). 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về nghĩa chử "ý", là chỉ cho một dòng sanh diệt tương tục không gián đoạn. Từ vô minh vọng động, sanh ra 3 món Tế, là Nghiệp tướng (nghiệp thức), Chuyển tướng (chuyển thức), Hiện tướng (hiện thức) và hai món Thô là Trí tướng (trí thức) và Tương tục tướng (tương tục thức). 

Năm cái "ý" này có công năng giữ gìn thiện ác, quả báo khổ vui hiện tại và vị lai, làm cho không mất (đó là công năng trì chủng chấp thọ thân căn thế giới và kiết sanh tương tục của thức A đà na); nhớ nghĩ những việc đã qua và lo tính những điều chưa đến (đó là công năng của thức thứ 6), và một dòng sanh diệt, tiếp tục từ trước đến sau không gián đoạn, gọi đó là "ý". Bởi thế nên chữ "ý" này là chỉ chung cho cả 8 thức. 

Tóm lại, từ vô minh vọng động, sanh ra thức A lại da. Từ thức A lại da lại tiếp tục sanh ra 7 thức trước; rồi cùng nhau làm nhơn làm duyên, lại thành ra một dòng sóng thức, sanh diệt tương tục vô tận, gọi đó là "ý". Cũng vì rõ nghĩa này, nên Cổ nhơn làm bài thơ có câu rằng: "...Nhứt ba tài động vạn ba tuỳ ..." (một lượng sóng vừa nổi lên, thì trăm ngàn lượng sóng đều nổi theo). 

Nào ba cõi, nào 6 trần đều từ 8 thức này biến hiện. Bởi thế nên các pháp đều hư dối, duy tâm tạo ra; nếu rời 8 thức, thì các cảnh giới đều không còn. 

CHÁNH VĂN

Nghĩa này thế nào?_ Do tất cả pháp đều từ vọng tâm của chúng sanh mà sanh khởi, nên tất cả sự phân biệt tức là phân biệt trong tự tâm. Nhưng tâm không có hình tướng gì cả, nên không thể thấy được nó. Phải biết, tất cả cảnh giới ở thế gian, đều do vô minh vọng tâm của chúng sanh mà được tồn tại, nên tất cả các pháp, đều không có thật thể, mà chỉ vọng tâm huyễn hiện, như bóng trong gương. 

Nếu vọng tâm sanh khởi, thì các pháp đều sanh khởi; vọng tâm diệt thì các pháp đều diệt (Tâm sanh tắc chủng chủng pháp sanh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt). 

LƯỢC GIẢI

Tất cả các pháp đều do tâm của chúng sanh sanh ra, nên chúng sanh phân biệt các pháp, tức là phân biệt ở nơi tự tâm. Kinh Lăng Nghiêm chép: "Tự tâm thủ tự tâm, phi huyễn thành huyễn pháp" (tự tâm chúng sanh trở lại chấp lấy tự tâm chúng sanh; tâm không phải huyễn mà trở lại thành pháp hư huyễn). 

Tất cả các pháp đều không thật có, chỉ nương nơi tâm mà tồn tại, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Nếu tâm động thì các pháp sanh, tâm tịnh thì các pháp diệt. Trong Khế kinh chép: "tâm sanh tắc chủng chủng pháp sanh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt" là vậy. Tổ Qui Sơn nói: "Nhứt tâm không sanh thì muôn pháp đều dứt" (Nhứt tâm bất sanh vạn pháp câu tức). Bởi thế nên đoạn trước nói "Người quán vô niệm (không vọng niệm) thì hướng về trí Phật". 

Đoạn này đã nói về "ý tương tục" rồi, tiếp theo dưới đây sẽ nói đến ý thức. 

e. NÓI VỀ "Ý THỨC" 

CHÁNH VĂN

Trên đã nói về "ý" rồi, tiếp theo đây nói về "ý thức". Ý thức tức là "thức tương tục". Bởi chúng phàm phu chấp trước rất nặng nề nơi Ngã và Ngã sở, nên khởi ra các món vọng chấp, leo chuyền theo sự vật, phân biệt cảnh giới sáu trần, gọi đó là "ý thức" (thức thứ sáu). Cũng gọi đó là "Phân ly thức", hay gọi "Phân biệt sự thức". Thức này nương nơi kiến (kiến hoặc) và ái (tư hoặc) phiền não mà được nuôi lớn. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về "ý thức". 

So với 5 món "ý" nói trên, thì ý thức này thuộc về món thứ năm là "Tương tục thức"; trong Lục thô nó thuộc về Thô thứ hai là "Tương tục Tướng"; trong 8 thức nó thuộc về thức thứ 6. 

_ Bởi thức này, niệm niệm tương tục, chấp Ngã và Ngã sở, leo chuyền theo các trần cảnh, phân biệt các sự vật, vọng chấp đủ điều, nên gọi là "Thức tương tục". 

_ Bởi thức này phân biệt 5 trần cảnh (Sắc, Thinh, Hương, Vị và Xúc) mỗi cảnh riêng nhau, nên gọi là "Phân ly thức". 

_ Bởi thức này phân biệt tất cả sự vật, nên cũng gọi là "phận biệt sự thức". 

_ Lại nữa, thức này nhờ 2 món phiền não là "Kiến" và "Ái" mà được nuôi lớn, "kiến" tức là kiến hoặc, thuộc về phân biệt hoặc. "Ái" tức là Tư hoặc, thuộc về Cu sanh hoặc. Do hai món phiền não này, nên ý thức mới khởi hoặc tạo nghiệp, quanh quẩn trong sanh tử luân hồi. 

***

Trong "Môn sanh diệt" có 2 phần, trên đã nói về phần thuận dòng vô minh (lưu chuyển), sanh ra các pháp sanh tử tạp nhiễm; sau đây sẽ nói, chính nơi pháp tạp nhiễm lưu chuyển đó, để chỉ sự trở lại thanh tịnh (hoàn tịnh) tuỳ theo trình độ của người, hoặc mau hay chậm không đồng. 

CẢNH GIỚI NÀY DUY PHẬT MỚI BIẾT ĐƯỢC RỐT RÁO 

CHÁNH VĂN

Do vô minh huân tập sanh ra thức. Cảnh giới này, chúng phàm phu không thể biết được; dù cho hàng Nhị thừa dùng trí huệ quán sát cũng không thể biết được; các vị Bồ Tát từ Sơ tín cho đến Tam hiền (Trụ Hạnh, Hướng) phát tâm quán sát, chỉ biết được chút ít; bực Thập địa Bồ Tát (Pháp thân Bồ Tát) cũng chỉ biết được từng phần; cho đến Đẳng giác Bồ Tát cũng không thể biết hết ; duy có Phật mới biết được rốt ráo. 

Tại sao vậy?. _ Vì tâm này từ hồi nào đến giờ, tánh nó vẫn thanh tịnh, không có vô minh; song bị vô minh làm nhiễm ô (bất biến tuỳ duyên), vì thế nên rất khó biết. Bởi thế nên chỉ có Phật mới có thể biết được cảnh giới này. 

Tóm lại, chơn tâm (tâm tánh) vì thường không vọng niệm, nên gọi là "bất biến" (chơn như). Song chúng sanh vì không ngộ nhập được chơn tâm (nhứt pháp giới) này, lại sanh vọng niệm nên gọi là "vô minh". 

LƯỢC GIẢI

Người đang chiêm bao không bao giờ biết được chiêm bao; phải thức giấc rồi mới biết đó là cảnh chiêm bao; chúng sanh đang ở trong vòng vô minh vọng thức, không thể biết được vô minh vọng thức; bao giờ giác ngộ hoàn toàn, mới biết được rốt ráo cảnh giới của vô minh vọng thức. 

Do vô minh huân tập vào chơn như, nên chơn vọng hoà hiệp biến thành thức A lại da. Chúng phàm phu vì đang ở trong vòng thức biến, nên không bao giờ biết được cảnh giới thức biến. Hàng Nhị thừa tuy dùng trí huệ quán sát, phá được ngã chấp; nhưng mây pháp chấp hãy còn dày bịt và che lối chơn tâm, nên cũng không thể thấy được cảnh giới ấy. Các bực Bồ Tát ở vị Tam hiền, mới phá được đôi phần phân biệt pháp chấp; nên chỉ biết được chút ít về cảnh giới này. Đến bực Thập địa Bồ Tát , hễ phá được một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, thì thấy được một phần của cảnh giới này, và cứ tuần tự như thế, cho đến khi nào phá được 10 phần vô minh, thì chứng 10 phần pháp thân và biết được cả 10 phần của cảnh giới này. (Thập địa Bồ Tát, do phá vô minh, chứng được pháp thân, nên gọi là "Pháp thân Bồ Tát"). Bực Đẳng giác Bồ Tát, vì còn vi tế vô minh, nên đối với cảnh giới này, biết cũng chưa tường tận. Đến quả vị Phật, do phá vô minh đã sạch hết, nên mới hoàn toàn biết được cảnh giới này; cũng như người đã hoàn toàn thức tĩnh, mới biết được rốt ráo cảnh mê mộng. 

***

Trên đã nói nhơn duyên trở lại bản tâm thanh tịnh rồi, dưới đây sẽ lược nói đến địa vị nào, mới đoạn được hoặc gì, để trở lại bản tâm thanh tịnh.

Trở Lên

BÀI THỨ BẢY 
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH
NÓI VỀ Ý NGHĨA "BẤT GIÁC" (tiếp theo)

 

MỤC LỤC 

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo) 
g. Nói về Tâm nhiễm ô, có 6 lớp: 
1. Nhiễm ô chấp trước (chấp thủ tướng và kế danh tự tướng) 
2. Nhiễm ô bất đoạn (tương tục tướng) 
3. Nhiễm ô phân biệt (trí tướng) 
4. Nhiễm ô cảnh sắc (hiện tướng) 
5. Nhiễm ô năng phân biệt (kiến tướng) 
6. Nhiễm ô về nghiệp (nghiệp tướng) 
h. Tâm nhiễn ô và vô minh khác nhau như thế nào? 
i. Ba tướng nhiễm ô sanh diệt: 
1. Tướng sanh diệt thô 
2. Tướng sanh diệt vừa 
3. Tướng sanh diệt vi tế 

g. NÓI VỀ TÂM NHIỄM Ô 

CHÁNH VĂN

Tâm nhiễm ô này (kể từ Thô đến Tế) có 6 lớp: 

1. Nhiễm ô về chấp trước (chấp tương ưng nhiễm, tức là hai món Thô: chấp thủ tướng và kế danh tự tướng). Hành giả phải đến quả Nhị thừa hay vị Thập tín, mới trừ được món nhiễn ô này. 

2. Nhiễm ô bất đoạn (Bất đoạn tương ưng nhiễm, tức là món Thô về tương tục tướng). Hành giả từ địa vị Thập tín đến địa vị Thập hồi hướng, phương tiện tu hành, lần lần xả bỏ, khi đến Sơ địa (tịnh tâm địa) mới hoàn toàn xa lìa được món nhiễm ô này. 

3. Nhiễm ô về trí phân biệt (Phân biệt trí tương ưng nhiễm, tức là món Thô về Trí tướng). Hành giả phải từ Nhị địa (Cụ giới địa) lần lần diệt trừ, cho đến Thất địa (Vô tướng phương tiện địa) mới hoàn toàn xa lìa nhiễm ô này. 

4. Nhiễm ô về cảnh sắc (Hiện sắc bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Hiện tướng). Hành giả tu hành phải đến Bát địa (Sắc tự tại địa) mới xa lìa được món nhiễm ô này. 

5. Nhiễm ô về năng phân biệt (năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Kiến tướng). Hành giả tu hành phải đến Cửu địa, mới xa lìa được món nhiễm ô này. 

6. Nhiễm ô về nghiệp (Căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Nghiệp tướng). Hành giả từ Thập địa lên Đẳng giác Bồ Tát và phải đến quả vị Phật, mới có thể diệt trừ món nhiễm ô này. 

Tóm lại, vì không ngộ được chơn tâm (bất đạt nhứt pháp giới nghĩa) nên sanh ra nhiều lớp nhiễm ô (Tam tế, Lục thô). Muốn diệt trừ các nhiễm ô này, hành giả phải trải qua nhiều địa vị: Bắt đầu từ địa vị Thập tín để tâm quán sát và học tập đoạn trừ tâm nhiễm ô. Qua Tam hiền rồi vào Thập địa, tuỳ mỗi địa vị, diệt trừ mỗi phần tâm nhiễm ô (vọng hoặc); đến quả vị Phật mới diệt hoàn toàn rốt ráo. 

LƯỢC GIẢI

Vì không ngộ được chơn tâm, nên sanh ra trùng trùng mê vọng. Các lớp mê vọng tuy nhiều, nhưng đại lược chia làm 6 lớp, từ Thô đến Tế. 

1. Chấp tương ưng nhiễm (nhiễm ô về sự chấp trước) tức là hai món Thô thứ ba và thứ tư (chấp thủ tướng và kế danh tự tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành phải đến Nhị thừa hay Thập tín mới đoạn trừ được lớp vọng nhiễm này. 

2. Bất đoạn tương ưng nhiễm (nhiễm ô về bất đoạn) tức là món Thô thứ hai (tương tục tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành từ địa vị Tam hiền đoạn trừ lần lần cho đến Sơ địa mới trừ hết lớp vọng nhiễm này. 

3. Phân biệt trí tương ưng nhiễm (nhiễm ô về phân biệt) tức là món Thô thứ nhứt (trí tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành từ Nhị địa cho đến Thất địa mới trừ được lớp vọng nhiễm này. 

4. Hiện sắc bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô về cảnh giới) tức là món Tế thứ ba (hiện tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành đến Bát địa mới đoạn được lớp vọng nhiễm này. 

5. Năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô về năng phân biệt) tức là món Tế thứ hai (kiến tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành, phải đến Cửu địa, mới đoạn được lớp vọng nhiễm này. 

6. Căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô về nghiệp) tức là món Tế thứ nhứt (Vô minh nghiệp tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành khi sắp chúng quả Phật, mới đoạn trừ được lớp vọng nhiễm rất vi tế này. 

Tóm lại, vì vô minh vọng nhiễm chồng chất nhiều lớp, từ nhiều đời nhiều kiếp, nên hành giả phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều địa vị để phá trừ. Phá một lớp vô minh, thì Hành giả chứng lên được một địa vị. Như thế, bắt đầu từ phàm phu, tu đến quả vị Phật, Hành giả phải trải qua thời gian là 3 lần vô số kiếp (A tăng kỳ kiếp) và qua 55 địa vị, mới đoạn mê hoặc (vô minh) được hoàn toàn và chứng được rốt ráo quả Phật. 

CHÁNH VĂN

_ Sao gọi là "tương ưng" (3 món nhiễm về tương ưng)? _ Vì Tâm vương, Tâm sở khác nhau (tâm niệm, pháp dị) và tánh chất nhiễm ô của cảnh bị duyên không đồng; song Tâm vương khi duyên cảnh nào thì Tâm sở cũng ưng thuận duyên theo cảnh đó, nên gọi là "tương ưng". (ngôn thuyết). 

_ Sao gọi là "bất tương ưng" (3 món nhiễm về bất tương ưng)? _ Vì tâm mới vừa bất giác vọng động, chưa phân ra căn cảnh hay Tâm vương, Tâm sở, nên gọi là "bất tương ưng". 

LƯỢC GIẢI

Trong 6 món nhiễm ô này, sở dĩ 3 món đầu (chấp tương ưng nhiễm, bất đoạn tương ưng nhiễm và phân biệt trí tương ưng nhiễm) đều gọi là "tương ưng", là vì chúng nó thô phù, lại chia ra 2 phần rất rõ rệt (căn, cảnh; Tâm vương, Tâm sở) và có sự hoà hiệp nhau (tương ưng). 

Còn 3 món nhiễm ô sau (hiện sắc bất tương ưng nhiễm, năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm và căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm) lại gọi là "Bất tương ưng"; là vì chúng nó rất vi tế, còn ở trong vòng trừu tượng, chưa phân Năng, Sở, Tâm, Cảnh, nên chẳng có sự hợp nhau. 

h) TÂM NHIỄM Ô VÀ VÔ MINH KHÁC NHAU THẾ NÀO? 

CHÁNH VĂN

_ Tâm nhiễm ô là phiền não chướng (phiền não ngại) làm chướng ngại căn bản trí (vô phân biệt trí) duyên Chơn như. 

_ Vô minh là sở tri chướng (trí ngai làm chướng ngại hậu đắc trí (tự nhiên nghiệp trí) duyên các pháp sai biệt của thế gian. 

_ Tại sao tâm nhiễm ô lại chướng ngại căn bản trí? _ Vì tâm nhiễm ô sanh ra Năng kiến tướng (kiến phần) và Năng hiện tướng (tướng phần) rồi vọng sanh ra chấp thủ cảnh giới (thuộc về Lục thô), nên trái với tánh Chơn như bình đẳng 

_ Tại sao vô minh (bất giác) lại chướng ngại Hậu đắc trí (sai biệt trí)? Vì các pháp thường tịnh, không có khởi động; còn vô minh thì bất giác vọng động, nên trái với tánh thường tịnh của các pháp. Bởi thế nên không thể tuỳ thuận biết hết các cảnh giới thế gian. 

LƯỢC GIẢI

Vô minh và tâm nhiễm ô khác nhau thế nào? _ Từ vô minh sanh ra tâm nhiễm ô (Tam tế, Lục thô) nên vô minh là gốc, mà tâm nhiễm ô là sự sai biệt của vô minh. 

Vô minh thuộc về mê "Lý", tức là sở tri chướng, làm chướng ngại Hậu đắc trí, cũng gọi là Sai biệt trí (trí này phân biệt các pháp sai biệt thế gian). 

Tâm nhiễm ô thuộc về mê "Sự", tức là phiền não chướng, làm chướng ngại Căn bản trí; cũng gọi là Vô phân biệt trí (trí này duyên Chơn như). 

Tại sao phiền não (tâm nhiễm ô) làm chướng ngại Căn bản trí, còn Sở tri (vô minh) lại chướng ngại Hậu đắc trí? _ Tánh Chơn như bình đẳng, không có năng sở bỉ thử, nên phải dùng Căn bản trí (vô phân biệt trí) mới duyên được Chơn như. Song vì phiền não là tâm nhiễm ô lại chao động, có năng sở bỉ thử, ngàn sai muôn khác, trái với chơn như bình đẳng, nên làm chướng ngại "Vô phân biệt trí" (Căn bản trí). 

_ Các pháp thế gian không rời chơn như, và chơn như đã thanh tịnh nên các pháp thế gian cũng phải thanh tịnh. Song vì vô minh bất giác, trái với tánh thanh tịnh của các pháp, nên không thật biết được các pháp. Bởi thế nên vô minh (sở tri chướng) làm chướng ngại Sai biệt trí (Hậu đắc trí). 

Đã nói nhơn duyên sanh diệt rồi, tiếp theo đây sẽ nói tướng sanh diệt. 

l) BA TƯỚNG NHIỄM Ô SANH DIỆT 

CHÁNH VĂN

Lại nữa, tướng nhiễm ô sanh diệt, có 3 thứ: 

1. Tướng sanh diệt thô (chấp thủ tướng và kế danh tự tướng) đây là cảnh giới của địa vị Tam hiền (phàm phu) biết. 

2. Tướng sanh diệt vừa Thô vừa Tế (tức là 2 món Thô đầu: Trí tướng, Tương tục tướng và 2 món Tế sau: Chuyển tướng và Hiện tướng), đây là cảnh giới của Bồ Tát (từ Sơ địa đến Đẳng giác) biết. 

3. Tướng sanh diệt Vi tế (tức là món Tế đầu tiên: Vô minh nghiệp tướng) đây là cảnh giới chỉ có Phật mới biết. 

Ba tướng nhiễm ô sanh diệt này, đều do vô minh huân tập mà sanh. Nghĩa là do vô minh bất giác làm nhơn và cảnh giới hư vọng làm duyên, mới sanh ra các tướng nhiễm ô sanh diệt. 

Bởi thế nên, nhơn (vô minh) diệt, thì duyên (cảnh giới) diệt. Nếu vô minh (nhơn) diệt, thì Tam tế diệt (bất tương ưng tâm diệt), và nếu cảnh giới (duyên) diệt, thì Lục thô diệt (tương ưng tâm diệt). 

LƯỢC GIẢI

Tướng nhiễm ô sanh diệt có Thô và Tế, tức là Lục thô và Tam tế. Hàng Tam hiền (Trụ, Hạnh, Hướng) chưa đặng Thánh vị, nên đều gọi là phàm phu. Hàng phàm phu (Tam hiền) chỉ biết hành tướng của hai món Thô thứ ba và thứ tư. Bồ Tát từ Sơ địa đến Đẳng giác thì biết được hành tướng của 2 món Tế sau (Chuyển tướng và Hiễn tướng). Duy Phật mới biết được hành tướng của món Vi tế thứ nhứt là "Vô minh nghiệp tướng". 

Các tướng sanh diệt Thô, tế này, đều do vô minh huân tập mà có. Nghĩa là do vô minh bất giác làm nhơn, sanh ra 3 món Vi tế (Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Hiện tướng); rồi do cảnh giới (Hiện tướng) làm duyên, sanh ra 6 món Thô. 

Bởi thế nên vô minh (nhơn) diệt, thì cảnh giới (duyên) diệt. Nếu vô minh diệt thì Tam tế diệt; và nếu cảnh giới (Hiện tướng) diệt thì Lục thô cũng diệt. 

VẤN ĐÁP ĐỂ QUYẾT NGHI 

CHÁNH VĂN

Hỏi:_ Nếu tâm này (tâm nhiễm ô) diệt, thì lấy gì để tiếp tục tu hành? Và nếu tâm này còn tương tục, thì làm sao được thành Phật? 

Đáp:_ Chỉ diệt cái "Vọng tướng" của tâm, chớ không phải diệt cai "Chơn thể" của tâm. Cũng như vì gió nên nước nổi sóng. Nếu gió đứng thì sóng lặng, chứ nước không diệt. 

Cũng thế, vì vô minh (gió) mà tâm thể (nước) sanh ra vọng tướng (sóng). Nếu vô minh (si mê) diệt thì vọng tướng của tâm cũng diệt, chớ tâm trí (tâm thể) không diệt. 

LƯỢC GIẢI

Vì đoạn trước nói "Nếu Nhơn diệt, thì tâm bất tương ưng diệt; còn Duyên diệt, thì tâm tương ưng diệt", nên đoạn này mới có câu hỏi: "Nếu tâm này diệt, thì lấy gì để tiếp tục tu hành v.v..." 

Đại ý trong lời đáp: Tâm có hai phần, chơn thể và vọng tưởng. Tâm chơn thể như nước; tâm vọng tướng như sóng. Nước vì gió mà có sóng, nên khi gió hết thì sóng lặng, chứ nước không diệt. 

Cũng thế, vì gió vô minh làm chao động, nên nước tâm thể nổi lên các vọng thức, rồi sanh diệt tương tục. Khi gió vô minh hết, thì sóng vọng thức lặng, chứ nước tâm thể không diệt. 

Trên đây có hai danh từ: Tậm thể và Tâm trí, giới nghĩa khác nhau. Nói "Tâm thể" là chỉ chung cho cả nhiễm tịnh, phàm thánh đều có Tâm thể. Còn nói "Tâm trí" là chỉ riêng về phần "Tịnh" của tâm thể khi đã rời nhiễm, và đặng thành thánh quả. 

Trên đây nói phần "nhiễm tịnh sanh diệt, sanh ra tất cả pháp", tiếp theo đây sẽ nói "nhiễm huân tập nhau", để chỉ rõ các pháp sanh khởi không dứt.

Trở Lên

BÀI THỨ TÁM 
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH 
NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" (tiếp theo)
 

MỤC LỤC 

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo) 
k. Nói về bốn món huân tập: 
1. Chơn như huân tập 
2. Vô minh huân tập 
3. Nghiệp thức huân tập: Ý thức và Ý 
4. Cảnh giới hư vọng huân tập. 

k. NÓI VỀ BỐN MÓN HUÂN TẬP 

CHÁNH VĂN

Lại nữa, vì có bốn món huân tập, nên các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh được sanh khởi không dứt. 

1. Chơn như (pháp thanh tịnh) huân tập 

2. Vô minh (các nhơn tạp nhiễm) huân tập 

3. Nghiệp thức (vọng tâm) huân tập 

4. Cảnh giới hư vọng (sáu trần) huân tập. 

Sao gọi là "huân tập"?_ Chữ "Huân" là xông ướp; chữ "Tập" là quen. Thí như y phục không có mùi thơm, song vì người ta lấy vật thơm xông ướp vào, nên nó quen (có) mùi thơm. 

Cũng thế, chơn như là pháp thanh tịnh thật không có nhiễm ô, song vì bị vô minh huân tập vào, nên có tướng nhiễm ô. Trái lại, vô minh là pháp tạp nhiễm, cũng không có diệu dụng thanh tịnh, chỉ vì bị chơn như huân tập vào, nên nó có diệu dụng thanh tịnh. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về việc "Huân tập" của tâm sanh diệt, để chỉ rõ lý do các pháp sanh diệt tương tục. Ở đây nên lưu ý nhứt, là hai chữ "huân tập". Chúng ta được chứng Thánh Hiền hay bị làm phàm phu, đều do huân tập cả. 

Thí như người không biết uống rượu, gần gũi bạn rượu nay nếm một giọt, mai uống một ly, như thế gọi là "Huân". Lâu ngày người ấy vì quen hơi rượu, nên ghiền rượu, gọi là "Tập" (tập quán). 

Chơn như và vô minh huân tập nhau cũng thế. Nếu chơn như mạnh, huân tập vô minh, thì vô minh biến thành tịnh dụng. Trái lại, nếu Vô minh mạnh, huân tập vào chơn như thì chơn như biến ra tướng nhiễm ô. Cũng như nước lạnh và nóng đổ chung một bồn, nếu thế lực của nước nóng nhiều, thì làm cho nước lạnh trở thành ấm, trái lại, nếu thế lực của nước lạnh nhiều, thì làm cho nước nóng trở thành mát. 

Hằng ngày chúng ta "huân tập" không biết bao nhiêu việc, huân tập cái gì thành ra cái nấy. Huân tập cái xấu nhiều, thành ra người xấu, Huân tập cái tốt nhiều, thành ra người tốt. Vào hàng bán hương chiên đàn, được xông ướp mùi thơm, thì ta thơm. Vào hàng bán thịt cá, bị ướp mùi tanh hôi, thì ta hôi. Gần gũi người hiền huân tập đức tánh tốt, thì ta thành người lương thiện; gần gũi kẻ ác, huân tập theo tánh hung dữ, ta thành người bạo ác. Bởi thế nên ngạn ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Hằng ngày chúng ta chung đụng, gần gũi, lân la không biết bao nhiêu hạng người, chúng ta phải thận trọng về sự huân tập này. Huân tập Phật (chơn như) thì được thành Phật, huân tập chúng sanh (vô minh) thì làm chúng sanh. 

Huân tập có bốn loại: 

1. Chơn như huân tập 

2. Vô minh huân tập 

3. Vọng tâm huân tập 

4. Vọng cảnh huân tập 

sẽ tuần tự giải thích từ thô đến tế như sau. 

DO HUÂN TẬP NÊN CÁC PHÁP NHIỄM Ô SANH KHỞI KHÔNG DỨT 

CHÁNH VĂN

Huân tập thế nào, mà các pháp tạp nhiễm sanh khởi không dứt?_ Do chơn như mà có vô minh (hoặc); rồi vô minh làm nhơn trở lại huân tập vào chơn như (nghiệp) sanh ra vọng tâm (khổ); rồi vọng tâm (khổ) trở lại huân tập vào vô minh (hoặc) v.v... 

Nghĩa là vì chưa ngộ nhập được chơn như, nên bất giác (hoặc, tức là nghiệp tướng) vọng niệm sanh khởi (nghiệp, tức là chuyển tướng) và vọng hiện ra các cảnh giới (khổ, tức là hiện tướng). 

Rồi do cảnh giới nhiễm ô vọng hiện này (khổ) trở lại huân tập vào vọng tâm, sanh ra vọng niệm chấp trước (hoặc, tức là bốn món Thô trước) và tạo ra các nghiệp (nghiệp, tức là món Thô thứ năm) rồi chịu tất cả khổ về thân và tâm v.v...(khổ, tức là món Thô thứ sáu). 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói do huân tập nên các pháp tạp nhiễm sanh khởi không dứt. 

Vì chưa ngộ nhập được chơn tâm, nên vô minh bất giác vọng động nổi lên (hoặc) rồi huân tập trở lại chơn tâm (nghiệp) biến thành vọng tâm (khổ). 

Rồi từ vọng tâm (khổ) trở lại huân tập vô minh (hoặc sanh ra vọng niệm (nghiệp) và cảnh giới hư vọng (khổ). 

Cảnh giới hư vọng (khổ) trở lại huân tập vọng tâm, sanh ra vọng niệm chấp trước (hoặc) tạo ra các nghiệp (nghiệp) rồi chịu quả khổ về thân và tâm v.v...(khổ). 

Cũng như 12 nhơn duyên: Từ vô minh (hoặc) làm duyên cho hành (nghiệp), hành làm duyên cho thức, danh sắc, lục nhập, xúc thọ (khổ); thọ làm duyên cho ái (hoặc) và ái làm duyên cho thủ, hữu (nghiệp) sanh và lão tử (khổ) v.v...Ba đời nhơn quả, từ hoặc tạo nghiệp (nhơn quá khứ), do nghiệp nên thọ khổ (quả hiện tại). Rồi khổ lại mê hoặc tạo nghiệp, (nhơn hiện tại) và vì tạo nghiệp nên phải chịu khổ về sau (quả vị lai), v.v...Như cái vòng tròn không có mối. Bởi thế nên nói các pháp tạp nhiễm tương tục sanh khởi lkhông dứt. 

CHÁNH VĂN

Nói về cảnh giới hư vọng (6 trần) huân tập._ Cảnh giới hư vọng (6 trần) huân tập có hai món: 1. Cảnh giới huân tập làm tăng trưởng vọng niệm (Trí tướng và Tương tục tướng), 2. Cảnh giới huân tập làm tăng trưởng chấp thủ (Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng). 

Nói về vọng tâm (nghiệp thức) huân tập._ 

Vọng tâm huân tập có hai món: 1. Vọng tâm (nghiệp thức căn bản) huân tập lại căn bản vô minh (làm cho tạng thức bất đoạn) làm cho các vị Bồ Tát, A la hán, Bích Chi Phật (Duyên giác) phải thọ khổ "Biến dịch sanh tử" (sanh tử biến đổi). 2. Vọng tâm (phân biệt sự thức) huân tập chi mạt vô minh (tức là bốn món Thô trước) làm cho chúng phàm phu chịu khổ "phần đoạn sanh tử". 

Nói về vô minh huân tập._vô minh huân tập có 2 món: 1. Căn bản vô minh huân tập vào chơn như làm thành tựu nghiệp thức (Tạng thức), 2. Chi mạt vô minh (kiến, ái) huân tập vào vọng tâm làm thành tựu (tăng trưởng) phân biệt sự thức (ý thức) 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về 3 loại huân tập (còn loại thứ tư, là chơn như huân tập, sẽ nói trong bài sau), từ thô về tế: 

1. Cảnh giới hư vọng 6 trần huân tập vào vọng tâm, nuôi lớn chi mạ vô minh, cũng gọi nhuận sanh vô minh, tức là Niệm (Trí tướng và Tương tục tướng) và thủ (chấp thù tướng). 

2. Vọng tâm (nghiệp thức) huân tập lại vô minh, nuôi lớn hai món khổ sanh tử của phàm phu và Thánh giả: 

a. Vì vọng tâm (nghiệp thức huân tập vào căn bản vô minh, nuôi lớn "vọng niệm", làm cho Tạng thức (A lai da) bất đoạn, nên các vị Bồ Tát, Duyên giác, A la hán phải bị khổ biến dịch sanh tử. 

b.Vì vọng tâm phân biệt sự thức (ý thức) huân tập vào chi mạt vô minh, (Trí tướng, Tương tục tướng, Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng, tức là kiến hoặc và tư hoặc) nuôi lớn "chấp thủ", làm cho 7 thức trước tương tục mãi mãi, nên chúng phàm phu phải bị khó phân đoạn sanh tử. 

3. Vô minh huân tập làm thành tựu nghiệp thức và phân biệt sự thức: a. Vì căn bản vô minh huân tập vào chơn như, nên làm thành tựu nghiệp thức, tức là A lại da thức, b. Vì chi mạt vô minh (Kiến: Kiến hoặc; Ái: tư hoặc) huân tập vào vọng tâm (nghiệp thức), nên làm thành tựu phân biệt sự thức tức là thức. Nói chung là bảy thức trước. Vì bảy thức trước phân biệt các sự vật, rồi chấp ngã, chấp pháp, nên các sự vật mới thành như thế này, hoặc như thế nọ. Bởi thế nên gọi là phân biệt sự thức. 

Đã nói "Do huân tập nên các pháp tạp nhiễm sanh khởi không dứt" rồi; tiếp theo đây sẽ nói: "Do huân tập nên các pháp thanh tịnh sanh khởi không dứt". 

DO HUÂN TẬP NÊN CÁC PHÁP THANH TỊNH SANH KHỞI KHÔNG DỨT 

CHÁNH VĂN

Huân tập thế nào, mà các pháp thanh tịnh sanh khởi không dứt?_ Do chơn như huân tập vô minh, nên làm cho hành giả khởi vọng tâm nhàm chán khổ sanh tử, cầu vui Niết bàn. Nhờ công năng chán khổ sanh tử, ưa thú vui Niết bàn của vọng tâm đó, trở lại huân tập vào chơn như, nên hành giả mới tự tin tánh Phật (khả năng thành Phật) của mình, (ở vị Thập tín) và biết cảnh giới hiện tiền không thẫy có, chỉ do tâm vọng động hiện ra (thập trụ) rồi tu hành để xa lìa các nhiễm ô (thập hạnh và Thập hồi hướng). Khi biết xác thực, không có cảnh giới hiện tiền (Sơ địa) hành giả mới dùng các phương tiện tu hành (từ Nhị địa đến Cửu địa) và khởi ra hạnh tuỳ thuận chơn tâm, không chấp thủ (Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng) không vọng niệm (Trí tướng và Tương tục tướng) và tu hành trải qua nhiều kiếp lâu xa (Thập địa). 

Tóm lại, nhờ sức chơn như huân tập này, nên vô minh diệt (Nghiệp tướng diệt). Vì vô minh diệt nên tâm không vọng động (Chuyển tướng diệt); do tâm không vọng động nên cảnh giới cũng theo đó mà diệt (Hiện tướng diệt). Do vô minh (nhơn) và cảnh giới (duyên) đều diệt, nên các tướng vọng nhiễm của tâm cũng diệt hết (Lục thô diệt hết). Lúc bấy giờ, gọi là chứng Niết bàn, và hành giả được diệu dụng không thể nghĩ bàn (tự nhiên nghiệp). 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói do huân tập mà các pháp thanh tịnh sanh khởi không dứt. 

Bên trong nhờ tánh Phật (chơn như) huân tập vô minh, nên làm cho hành giả phản tỉnh, nhàm khổ sanh tử cầu vui Niết bàn. Bên ngoài nhờ sự phản tỉnh này, trở lại huân tập vào tánh Phật (chơn như) làm cho hành giả giác ngộ cảnh giới này không thật, nên đã không sanh tâm tham luyến và tạo nghiệp; trái lại, còn tuỳ thuận theo tánh Phật tu hành, phá trừ Tam tế Lục thô, trải qua bao vô số kiếp và 56 địa vị, từ Thập tín đến quả Phật. 

Vì bên trong vô minh, bên ngoài cảnh giới đều đã diệt nên vọng tâm cũng diệt; do vọng tâm diệt, nên tánh Phật (chơn như) mới hiện ra, gọi đó là cảnh Niết bàn. Lúc bấy giờ hành giả được rất nhiều diệu dụng hoá độ chúng sanh không thể nghĩ bàn. 

Chúng ta nên lưu ý đặc điểm này: khi mê thì vô minh làm cho vọng tâm tạo ra các tội khổ sanh tử triền phược; đến lúc ngộ thì chơn như (tánh Phật) làm cho vọng tâm phản tỉnh và tiến tu đến đạo quả Bồ Đề, Niết bàn. 

Cũng như một cây gươm, nếu kẻ giặc cầm thì sát nhơn vô đạo; còn người anh hùng tướng sỉ cầm, thì bảo vệ non sông. Bởi thế nên người tu hành, chỉ đổi cái "Dụng" mà thôi, chớ không phải trừ bỏ cái "Thể" vậy. 

CHÁNH VĂN

Lại nữa, vọng tâm huân tập có hai thứ: 

1. Ý thức huân tập (phân biệt sự thức), làm cho chúng phàm phu và Nhị thừa nhàm chán khổ sanh tử, và tuỳ theo năng lực của mình, lần lần tu hành đến Đạo vô thượng Bồ Đề. 

2. Ý huân tập, làm cho các vị Bồ Tát phát tâm dõng mãnh, mau đến quả Niết bàn. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này giải thích, vọng tâm huân tập trở lại chơn như, có hai loại: 

1. Ý thức (thức thứ sáu) huân tập vào chơn như; nghĩa là do công năng phản tỉnh của ý thức, huân tập trở lại tánh Phật sẳn có (chơn như), nên làm cho chúng phàm phu và hàng Nhị thừa nhàm chán khổ sanh tử, phát tâm tu hành, lần lần đến đạo vô thượng Bồ Đề. 

2. Ý (tương tục ý) huân tập trở lại chơn như; nghĩa là do công năng phản tỉnh của ý, huân tập trở lại tánh Phật (chơn như), nên làm cho hàng Bồ Tát, phát tâm dõng mãnh tu hành, mau được quả Niết bàn. 

Trên đã nói vọng tâm huân tập vào chơn như, có thô và tế không đồng rồi; tiếp sau đây sẽ nói chơn như huân tập vô minh, có "thể" và "dụng" không đồng. 

HẾT QUYỂN THƯỢNG

Trở Lên

BÀI THỨ CHÍN  
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH
NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" (tiếp theo)
 

MỤC LỤC 

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo)
k. Nói về bốn món huân tập (tiếp theo) 
Nói về chơn như huân tập, có 2 phần 
1. Thể tướng chơn như huân tập (chánh chơn huân tập) 
2. Diệu dụng chơn như huân tập (Trợ duyên huân tập) 
Diệu dụng chơn như huân tập có 2 duyên: 
a. Duyên sai biệt, có 2 thứ: 
Duyên gần duyên xa 
b. Duyên bình đẳng 
Thể và Dụng chơn như huân tập, lại chia làm 2 thứ: 
1. Chưa chứng nhập chơn như  
2. Đã chứng nhập chơn như, được 2 trí: 
Căn bản trí (vô phân biệt trí) 
Hiện đắc trí (sai biệt trí)
 

k. NÓI VỀ BỐN MÓN HUÂN TẬP (tiếp theo và hết) 

CHÁNH VĂN

Nói về chơn như (pháp thanh tịnh) huân tập. Chơn như huân tập vô minh, có hai phần: 

1. Thể tướng chơn như huân tập 

2. Diệu dụng chơn như huân tập. 

Nói về thể tướng chơn như huân tập vô minh: tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, đều sẳn có bản thể chơn như (tánh Phật) và có đủ các công dụng (diệu dụng chơn như ) không thể nghĩ bàn, sanh ra các cảnh giới. Do thể tướng và công dụng của chơn như (tánh Phật) thường huân tập vô minh, nó thúc đẩy chúng sanh chán khổ sanh tử, cầu vui Niết bàn, và tự tin mình có sẳn chơn như (tánh Phật) nên tự phát tâm tu hành để thành Phật. 

LƯỢC GIẢI

Trong kinh chép: "Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật " (khả năng thành Phật). Tánh Phật này, cũng gọi là chơn như, Pháp tánh hay Chánh nhơn Phật tánh v.v...Nhờ sẳn có tánh Phật (giống Phật) nên chúng sanh tu hành mới được thành Phật.  

Tánh Phật này thanh tịnh vô lậu, và có diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nó thường huân tập vô minh, làm cho chúng sanh tự tin mình có khả năng thành Phật, nên phát tâm tu hành, chán khổ sanh tử cầu vui Niết bàn. Nếu không nhờ tánh Phật này thúc giục, thì chúng sanh không biết chừng nào mới phát tâm tu hành, cầu quả giải thoát. 

CHÁNH VĂN

Hỏi:_ Nếu tất cả chúng sanh đều sẳn có Chơn như (tánh Phật) và đồng huân tập vô minh thì tất cả chúng sanh phải đồng thời tự tin minh có chơn như (tánh Phật), đồng thời phát tâm tu các pháp lành và đồng thời chứng quả Niết bàn; tại sao có vô cùng sai khác: kẻ tin người không, kẻ tu trước, người tu sau, có kẻ đã nhập Niết bàn, còn người chưa nhập?. 

LƯỢC GIẢI

Do trước nói: "Tất cả chúng sanh đều sẳn có tánh Phật, và nhờ tánh Phật này huân tập vô minh, nên làm cho chúng sanh nhàm cảnh khổ sanh tử, ưa vui Niết bàn v.v.." nên mới có câu hỏi này. Trong câu hỏi này có hai điều nghi: 

Điều nghi thứ nhứt: chúng sanh đã sẳn có tánh chơn như, bình đẳng như nhau, tại sao lại có vô số những sự sai khác, không bình đẳng, như kẻ đần độn, người thông minh, kẻ chánh người tà, kẻ tin người không v.v... 

Điều nghi thứ hai: chúng sanh đã đồng nhờ chơn như huân tập vào vô minh, nên phát tâm tu hành v.v...Vậy thì phải đồng thời phát tâm, đồng thời tự tin mình có tánh Phật và đồng thời tu, đồng thời chứng v.v...tại sao có vô cùng những sự sai khác, không bình đẳng, như kẻ tu trước người tu sau, kẻ mau ngộ đạo người chậm chạp v.v... 

CHÁNH VĂN

Đáp:_ Từ hồi nào đến giờ chơn như vẫn một; song vô minh có vô lượng vô biên, tánh chất khác nhau, dày mỏng không đồng. 

Do vô minh này mà sinh ra các phiền não sai khác (Sở tri chướng) nhiều hơn số cát sông Hằng. Cũng do vô minh này mà sanh ra các phiền não sai khác, như ngã kiến, ái nhiễm v.v...(phiền não chướng). 

Tóm lại, tất cả phiền não (phiền não chướng, sở tri chướng) đều do vô minh sanh khởi, hoặc trước hoặc sau vô cùng sai khác. 

(Đoạn này đã nói "vô minh sai khác không đồng", tiếp theo đây sẽ nói "ngoại duyên không phải một"). 

Lại nữa, trong Phật pháp nói: "Tất cả các pháp đều do nhơn duyên sanh; nhơn duyên đầy đủ mới được thành tựu". 

Thí như chất lửa trong cây là "Chánh nhơn" của lửa. Song, nếu không có "trợ duyên" là người biết lấy lửa, và các phương tiện như bùi nhùi, (bổi) công người cọ sát v.v...thì lửa kia không thể tự phát sanh ra được. 

Cũng vậy, chúng sanh tuy sẳn có tánh Phật (chơn như) là cái "nhơn chánh" để thành Phật; song nếu không có "ngoại duyên" là gặp các đức Phật, Bồ Tát và Thiện tri thức v.v...dẫn dắt chỉ dạy cho phương pháp tu hành, thì hành giả cũng không thể tự mình đoạn trừ phiền não và tu chứng Niết bàn được. 

Trái lại, nếu chỉ có "ngoại duyên" mà không có chơn như là cái "nhơn chánh" để thành Phật, huân tập bên trong, thì hành giả cũng không thể tự mình chán khổ sanh tử, cầu vui rốt ráo Niết bàn được. 

Bởi thế nên, phải có nội nhơn và ngoại duyên đều đầy đủ; nghĩa là bên trong nhờ tánh Phật (chơn như) làm "chánh nhơn" huân tập; bên ngoài nhờ đức từ bi và đại nguyện của Phật, Bồ Tát giúp hộ làm "trợ duyên", thì hành giả mới chán khổ sanh tử, tin có cõi Niết bàn và phát tâm tu tập các pháp lành. Nhờ tu tập các pháp lành được thuần thục, nên hành giả mới gặp chư Phật Bồ Tát thị hiện, chỉ dạy những điều lợi lạc. Lúc bấy giờ hành giả mới tinh tấn tu hành, để đến đạo quả Niết bàn. 

LƯỢC GIẢI

Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật (chơn như) và đồng huân tập vô minh v.v...thì phải đồng phát tâm, đồng tu và đồng chứng như nhau. Song, có sự vô cùng sai khác, không đồng nhau như kẻ phát tâm tu hành, người huỷ bán, kẻ đã thành Phật, người còn trầm luân là vì hai nguyên nhơn sau này: 

1. Vô minh không đồng. _ Mỗi chúng sanh có rất nhiều lớp vô minh: có thứ vô minh thuộc về căn bản, có thứ vô minh thuộc về chi mạt; có thứ sâu dày, có thứ mỏng cạn, có thứ thô phù dễ trừ, có thứ tế nhị khó đoạn. Do các thứ vô minh này sanh ra hằng hà sa số phiền não. Nhưng trong số phiền não này, tóm lại có hai chướng: phiền não chướng và sở tri chướng (cũng gọi là trần sa hoặc). 

Vì đoạn trừ vô minh có khó dễ, mau chậm khác nhau, nên chúng sanh phát tâm tu hành và chứng quả không đồng thời. 

2. Hoàn cảnh không đồng._ Mỗi chúng sanh đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau, hoàn cảnh tức là các duyên chung quanh. 

Chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề, phải có đủ cả nhơn và duyên. Nhơn là chơn như hay Phật tánh, huân tập bên trong; Duyên là những hoàn cảnh giúp đỡ bên ngoài, như Phật, Bồ Tát và Thiện hữu tri thức dạy bảo dẫn dắt v.v...Nếu chỉ có Nhơn mà thiếu Duyên, hoặc có Duyên mà thiếu Nhơn, thì cũng không thành. 

Thí như trong cây có sẳn chất lửa là "nhơn chánh"; song phải nhờ các "trợ duyên" là hoàn cảnh bên ngoài, như người biết lấy lửa và bổi v.v...thì lửa ấy mới phát sanh được. Nếu thiếu một (Nhơn hoặc Duyên) thì lửa không thể xuất hiện được. 

Bởi hoàn cảnh của mỗi chúng sanh không đồng nhau, nên sự phát tâm tu hành và chứng quả không thống nhất. Đây là lý do thứ hai. 

Phật tánh có 3: 

1. Chánh nhơn Phật tánh: Chơn như là cái nhơn chánh để thành Phật; dụ như chất lửa sẳn có trong cây. 

2. Duyên nhơn Phật tánh: Phật, Bồ Tát , Thiện hữu tri thức và kinh sách v.v...là trợ duyên để thành Phật; dụ như người biết lấy lửa và bổi v.v... 

3. Liễu nhơn Phật tánh: Chánh nhơn và trợ duyên đều đầy đủ, làm cho hành giả phát hiện được (liễu ngộ) tánh Phật của mình; dụ như lửa trong cây đã phát cháy. 

CHÁNH VĂN

Nói về diệu dụng chơn như huân tập: 

Đây là các trợ duyên bên ngoài của hành giả; có rất nhiều thứ trợ duyên, nhưng tóm lại có 2 loại: 

1. Duyên sai biệt, 2. Duyên bình đẳng. 

1. Duyên sai biệt: Từ khi mới phát tâm cầu đạo, cho đến thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, hành giả hoàn toàn nhờ chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho trên đường tu hành. Vì tâm đại bi, nên Phật và Bồ Tát hoặc hiện làm người thân thuộc, như cha mẹ (để dạy bảo hành giả) hoặc hiện làm Thiện hữu tri thức (để nhắc nhở), hoặc hiện làm người tôi tớ hầu hạ (để khuyên lơn), hoặc hiện làm kẻ oan gia (như Đề bà đạt da v.v.. để xúc khích) hoặc dùng Tứ nhiếp pháp (để cảm hoá), cho đến làm không biết bao nhiêu công hạnh, để huân tập cho hành giả; làm cho hành giả hoặc nhớ nghĩ công đức của các Ngài, hoặc thấy hình tướng, hoặc nghe thuyết pháp, mà được lợi ích và tăng trưởng căn lành. 

Các duyên sai khác này, chia làm hai loại: 

a) Duyên gần, làm cho hành giả mau đặng Bồ Đề (hiện tiền chứng đạo). 

b) Duyên xa, làm cho hành giả về sau mới đặng tế độ (nhiều kiếp về sau mới đặng đạo). 

Hai món duyên gần và xa này, lại chia làm hai loại nữa: Duyên làm cho hành giả được thọ đạo pháp và Duyên làm cho hành giả tăng trưởng đạo hạnh. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về diệu dụng chơn như của chư Phật và Bồ Tát huân tập cho chúng sanh. Chư Phật và Bồ Tát đã chứng được bản thể chơn như, nên tự nhiện có diệu dụng không thể nghĩ bàn. 

Do lòng Đại bi và Đại nguyện của chư Phật và Bồ Tát, tuỳ theo trình độ của chúng sanh phát tâm cầu đạo, nên từ diệu dụng của chơn như, ứng hiện ra các thân hình v.v.. làm trợ duyên bên ngoài, để giúp cho chúng sanh được thành đạo quả. Nhưng các duyên này, có chia làm hai loại: 

1. Duyên sai biệt: Do trình độ của chúng sanh không đồng, sự phát tâm của mỗi người mỗi khác, nên chư Phật và Bồ Tát thị hiện phải có sai khác (Duyên sai biệt). 

2. Duyên bình đẳng: Do đồng thể đại bi, nên chư Phật và Bồ Tát phát nguyện độ sanh, bình đẳng làm lợi ích. 

Đoạn này nói về "Duyên sai biệt". 

Chư Phật và Bồ Tát thị hiện rất nhiều phương tiện để độ sanh; nhưng không ngoài 5 việc như sau: 

a) Vì muốn dùng từ ái, để dẫn dắt hành giả, nên hiện làm cha mẹ. 

b) Vì muốn dùng việc hầu hạ, để gần gũi hành giả đặng khuyên lơn, nên hiện làm kẻ tôi tớ. 

c) Vì muốn dùng việc cộng sự, để giúp cho hành giả, nên hiện làm Thiện hữu tri thức. 

d) Vì muốn xúc khích hành giả trên đường tu hành, nên hiện làm kẻ oan gia (như Đề bà đạt da). 

đ) Vì muốn cảm hoá người, nên dùng Tứ nhiếp pháp. 

Tất cả những phương tiện này, đều do lòng từ bi của Phật và Bồ Tát mà khởi hiện, làm trợ duyên để huân tập cho hành giả tăng trưởng căn lành và được nhiều lợi ích. 

Các duyên sai biệt này chia làm 2 loại: 

1. Duyên gần; nghĩa là hành giả sớm được tế độ. Như khi Phật còn tại thế, những chúng sanh được hoá độ. 

2. Duyên xa; nghĩa là hành giả chậm được tế độ. Như khi Phật Đại Thông Trí Thắng ra đời, đức Thích Ca làm đệ tử Ngài, cho đến thời kỳ này mới được thành Phật. 

Tất cả những phương tiện này, đều giúp cho hành giả được lãnh thọ đạo pháp và tăng trưởng đạo hạnh. 

CHÁNH VĂN

2. Duyên bình đẳng: Tất cả chư Phật và Bồ Tát đều phát nguyện độ thoát tất cả chúng sanh. Do sức bi trí đồng thể tự nhiên huân tập, nên các Ngài thường hằng tuỳ thuận chúng sanh nào muốn thấy Phật nghe Pháp, thì đều bình đẳng hiện ra để hoá độ, không bỏ một chúng sanh nào. Bởi thế nên chúng sanh khi ở trong thiền định, đều được bình đẳng thấy Phật. 

LƯỢC GIẢI

Chư Phật và Bồ Tát đã chứng đến chỗ đồng thể (Phật và chúng sanh đồng một bản thể) nên các Ngài tự thấy chúng sanh còn đau khổ, thì mình còn đau khổ; chúng sanh còn trầm luân, thì mình chưa giải thoát. 

Bởi thế nên từ chỗ đồng thể ấy, các ngài khởi Đại bi, Đại trí và phát Đại nguyện. Như Ngài Địa tạng Bồ Tát thề rằng: "chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật".(nghĩa là độ hết chúng sanh mới chứng Bồ Đề; nếu địa ngục còn tội nhơn, thì tôi thề không thành Phật). 

Đức A Nan thề rằng:"Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê hoàn". Nghĩa là: Trong đời tội ác 5 trược, tôi thề xung phong vào trước, để độ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì tôi thề không chịu chứng quả Niết bàn. 

Do sự thúc dục của đồng thể bi trí này, nên các Ngài thường hằng tuỳ thuận tất cả chúng sanh, bình đẳng hoá độ. Như Ngài Phổ hiền Bồ Tát thường hiện thân cho người thấy; đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì ứng hiện 32 thân v.v.. 

Nếu chúng sanh nào tâm thanh tịnh, thì được thấy chư Phật và Bồ Tát (chúng sanh tâm nhược tịnh, Bồ Đề ảnh hiện trung). 

Sự ứng hiện ấy rất tự nhiên và bình đẳng, cũng như ao nước nào trong, thì tự nhiên có trăng bình đẳng hiện vào. 

Trên đã nói diệu dụng chơn như của chư Phật, Bồ Tát, khi đã được hiển lộ rồi; còn chơn như của chúng sanh chưa hiển lộ thì diệu dụng thế nào? Hãy xem đoạn dưới đây: 

CHÁNH VĂN

Thể và Dụng của chơn như huân tập, lại chia làm hai loại: 

1. Chưa chứng nhập (tương ưng) chơn như. 

2. Đã chứng nhập chơn như. 

1. Chưa chứng nhập chơn như: Chúng phàm phu, hàng Nhị thừa và các vị Bồ Tát mới phát tâm (Tam hiền), do ý và ý thức huân tập mà phát tâm, và chỉ nương nơi sức tin của mình (tin tánh Phật ở nơi mình) mà tu hành; vì chưa chúng nhập (tương ưng) bản thể chơn như, nên chưa được vô phân biệt tâm (vô phân biệt trí, tức là căn bản trí); vì chưa đặng diệu dụng của chơn như, nên sự tu hành chưa được diệu dụng tự tại (sai biệt trí hay hậu đắc trí) 

2. Đã chứng nhập chơn như: Các vị Bồ Tát đã chứng Pháp thân (Thập địa Bồ Tát), chỉ nương nơi Pháp tánh (Pháp lực) tu hành (thuận tánh khởi tu), tự nhiên huân tập vào chơn như, nên diệt được vô minh. Các vị Bồ Tát này đã được vô phân biệt tâm (căn bản trí), vì đã chứng nhập được bản thể chơn như; và đã được Sai biệt trí (Hậu đắc trí), vì đã được diệu dụng của chơn như (dữ Phật trí dụng tương ưng). 

LƯỢC GIẢI

Thể chơn như không hai, song vì còn ở trong vỏ chúng sanh hay đã thoát ra ngoài, mà diệu dụng có rộng hẹp chẳng đồng; vì thế nên phân làm hai loại: 

1. Người chưa chứng nhập được chơn như: chơn như còn bị các phiền não nhiễm ô triền phược (tại triền), chưa được hiển lộ; như vàng còn ở trong khoáng. 

Chúng phàm phu, hàng Nhị thừa và các vị Bồ Tát còn ở địa vị tam hiền, đều từ vọng thức phân biệt mà phát tâm; do tự tin nơi mình có tánh Phật mà tu hành. Vì chưa chứng nhập "thể" và "dụng" của chơn như, nghĩa là chơn như còn bị triền phược, chưa được hiển lộ, nên các vị này chưa được căn bản trí (vô phân biệt trí) và hậu đắc trí (sai biệt trí). 

2. Người đã chứng nhập chơn như: chơn như đã được hiển lộ ra khỏi vỏ phiền não nhiễm ô triền phược; như vàng đã ra khỏi khoáng. 

Các vị Bồ Tát từ Sơ địa cho đến Thất địa, mới nhập được bản thể chơn như; từ Bát địa đến Phật mới được Diệu dụng của chơn như. Các vị này, tuỳ theo tánh chơn như mà tu hành, nên diệt trừ được vô minh. Vì đã chứng nhập Thể và Dụng của chơn như, nên các vị Bồ Tát nầy được hai món trí: 

Căn bản trí (Vô phân biệt trí) và Hậu đắc trí (Sai biệt trí). 

Đã nói nhiễm và tịnh huân tập nhau rồi, dưới đây sẽ nói nhiễm và tịnh, cái nào có cùng tận, cái nào không cùng tận.

Trở Lên

BÀI THỨ MƯỜI 
CHƯƠNG THỨ BA 
PHẦN GIẢI THÍCH
NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" (tiếp theo)
 

MỤC LỤC 

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo)
1. Chơn như và vô minh, thỉ và chung (tiếp theo) 
Chơn như vô thỉ vô chung 
Vô minh vô thỉ hữu chung 
m. Nói về 3 đại nghĩa của Tâm: 
1. Thể rộng lớn của Tâm 
(tánh bình đẳng không động) 
2. Tướng rộng lớn của Tâm 
(đủ hằng sa công đức) 
3. Dụng rộng lớn của Tâm 
( có hằng sa diệu dụng, sẽ nói trong bài 11) 

    

CHƠN NHƯ VÀ VÔ MINH, THỂ VÀ DỤNG 

CHÁNH VĂN

Lại nữa, vô minh (pháp nhiễm ô) và chơn như (pháp thanh tịnh) đều đã có sẳn từ vô thỉ đến nay và huân tập chẳng dứt; song đến khi thành Phật rồi, thì vô minh bị dứt hết, còn chơn như lại vô cùng tận trong đời vị lai, cho đến sau khi thành Phật cũng vẫn còn. Tại sao vậy? _ Vì chơn như thường huân tập, nên vọng tâm (vô minh) phải tiêu diệt. Do vọng tâm tiêu diệt, nên pháp thân hiện ra; rồi pháp thân lại khởi diệu dụng, huân tập trở lại nữa, nên chơn như không có cùng tận. 

LƯỢC GIẢI

Chơn như và vô minh đồng một bản thể và có từ vô thỉ. Song vô minh rốt sau bị chơn như tiêu diệt, nên hữu chung; còn chơn như sau khi ra khỏi triền phược rồi, lại được nuôi lớn nên vô chung. 

Thí như trong trái hồng, cả chất chát và ngọt đều đồng thời có. Song khi trái hồng còn non, chất ngọt bị chất chát lấn át (chơn như tại triền), nên người ta chỉ thấy chất chát (vô minh); đến khi lớn dần, thì chất chát bị chất ngọt huân tập, nên chất chát mỗi ngày mỗi ít, mà chất ngọt mỗi ngày mỗi thêm, rồt cuộc rồi chát hết (vô minh diêt mà chỉ còn ngọt (chơn như). Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa chúng sanh khi đã thành Phật, không trở lại làm chúng sanh nữa). 

Trên đã nói về "Nhơn duyên sanh diệt" rồi, dưới đây sẽ nói về ba đại nghĩa của Tâm là: Thể, Tướng và Dụng. 

m. NÓI VỀ 3 ĐẠI NGHIÃ CỦA TÂM

(Trong bài này mới nói hai nghĩa thể và tướng rộng lớn của tâm) 

CHÁNH VĂN

Lại nữa, tất cả phàm phu, Thinh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Phật, từ hồi nào đến giờ, đều tự sẳn có thể tướng chơn như này. Tánh chơn như không tăng, không giảm, không trước, không sau, không sanh, không diệt, rốt ráo thường hằng, đầy đủ tất cả công đức (đức tánh), như là: 

1. Đại trí huệ sáng suốt. 

2. Chiếu khắp cả pháp giới. 

3. Chơn thật hay biết. 

4. Tâm tánh thanh tịnh. 

5. Thường, lạc, ngã, tịnh. 

6. Trong mát (thanh lương), không biến đổi và tự tại v.v.. 

Tóm lại, nó không rời, không đoạn, không khác, đầy đủ pháp Phật không thể nghĩ bàn, và có vô lượng công đức, nhiều hơn số cát sông Hằng. Vì nó đầy đủ tất cả, không thiếu một công đức nào, nên gọi là Như Lai tạng, cũng gọi là Như Lai Pháp thân. 

LƯỢC GIẢI

Trước kia, trong phần "Định danh nghĩa" có nói: "Tướng nhơn duyên sanh diệt tức là Thể, Tướng và Dụng của Đại thừa ...". Đến bài này nói rõ Thể lớn, Tướng lớn và Dụng lớn của Đại thừa, tức là tâm Chơn như vậy. 

Nhưng trong bài này, chỉ mới nói Thể rộng lớn của tâm, là tánh bình đẳng không vọng động, và Tướng rộng lớn của tâm, là có đủ hằng sa công đức; còn Dụng rộng lớn của tâm, sẽ nói tiếp trong bài thứ II. 

Tất cả Thánh phàm, đều sẳn có tâm chơn như và cũng đều từ tâm này sanh ra. Tâm chơn như ở nơi Thánh không thêm, ở nơi phàm chẳng giảm, không trước không sau, không sanh không diệt, đầy đủ hằng sa đức tánh: 

_ Đại trí huệ sáng suốt (tức là đức tánh thường quang của Pháp thân Phật). 

Chiếu khắp cả pháp giới (tức là Thật trí chiếu suốt lý tánh. Quyền trí soi khắp tất cả sự vật) 

_ Chơn thật hay biết (rời các vọng thức phân biệt, chỉ còn chơn giác). 

_ Tâm tánh thanh tịnh ( chơn tâm thanh tịnh, xa lìa các vọng hoặc nhiễm ô). 

_ Đủ bốn đức Niết bàn: Chơn thường (thuần nhứt không thay đổi), Chơn lạc (không có các khổ làm não loạn), Chơn ngã (không bị hai món sanh tử bức bách), Chơn tịnh (không bị trần lao phiền não làm nhiễm ô). 

_ Trong mát (vĩnh viễn xa lìa phiền não). 

_ Không biến đổi (không sanh, trụ, dị, diệt). 

_ Tự tại (không bị các nghiệp triền phược). 

_ Không rời (hằng xa công đức không rời chơn như). 

_ Không đoạn (từ vô thỉ đến giờ không hề gián đoạn) 

_ Không khác (một vị, không khác). 

_ Và không thể nghĩ bàn v.v.. (sự lý viên dung, nhiễm tịnh không hai, không thể nghĩ bàn được). 

Tóm lại, vì tâm chơn như bao trùm vô lượng hằng sa công đức, nên gọi là Như Lai tạng và làm chỗ nương cho tất cả các Pháp, nên cũng gọi là Pháp thân của Như Lai. 

CHÁNH VĂN

Hỏi: Trước đã nói "Thể chơn như bình đẳng và xa lìa tất cả các tướng", tại sao đến đây lại nói "Thể chơn như có đủ các đức tánh sai khác"? 

Đáp: _ Tuy đủ các đức tánh, mà thật ra không có hình tướng gì sai khác; chỉ đồng một vị chơn như bình đẳng mà thôi. 

Hỏi: Nghĩa này thế nào? 

Đáp: _ Vì bản thể chơn như vô phân biệt, và xa lìa các hình tướng sai biệt, cho nên không có tướng gì sai khác (vô nhị). 

Hỏi: _ Vậy thì căn cứ theo nghĩa gì, mà nói là sai khác? 

Đáp: _ Căn cứ theo tướng sanh diệt của nghiệp thức, mà nói có sai khác vậy. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy Luận chủ lập những câu vấn đáp, để giải thích các nghi ngờ. Trong phần vấn đáp thứ nhứt, về câu hỏi:"Thể chơn như đã bình đẳng và xa lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tánh sai khác?" _ Luận chủ trả lời, đại ý:"Tướng" không khác với "Tánh", Tướng tức là Tánh, đều đồng một vị chơn như bình đẳng, nên không khác; cũng như sóng không khác với nước, sóng tức là nước, đều đồng một vị. 

Trong phần vấn đáp thứ hai, ngoại nhân vì chưa hiểu câu trả lời trên, nên hỏi gạn lại, để được giải thích thêm. Luận chủ đáp, đại ý như sau: chơn như xa lìa tất cả các tướng, và tất cả sự phân biệt, cho nên không có hai tướng sai khác; sở dĩ có sự sai khác là do đổi vọng tâm phân biệt (nghiệp thức) mà có. 

Trong phần vấn đáp thứ ba, đại ý về câu hỏi:"Thể và Tướng chơn như đã không hai, vậy căn cứ vào đâu mà nói có sự sai khác?". Đại ý câu đáp: _ Căn cứ vào nghiệp thức sanh diệt, mà chỉ Tướng sai khác. Vì nghiệp thức sanh diệt có đủ hằng sa pháp nhiễm ô, cho nên khi chuyển nhiễm ô trở lại chơn như thanh tịnh, tất nhiên cũng phải có đủ hằng sa tướng sai khác về đức tánh thanh tịnh. 

CHÁNH VĂN

Hỏi: _ Căn cứ theo tướng sanh diệt của nghiệp thức thế nào, mà nói có các đức tánh sai khác? 

Đáp: _ Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp thật ra không có tướng gì sai khác (thật vô ư niệm), chỉ một chơn tâm mà thôi. Song vì vô minh bất giác, tâm vọng niệm khởi lên, thấy có các cảnh giới, nên gọi là "vô minh". 

_ Vì đối với nghiệp thức (vọng tâm) có khởi niệm; trái lại chơn như không khởi niệm nên chơn như có đức tánh Đại trí huệ quang minh (đức tánh thứ nhứt). 

_ Vì đối với nghiệp thức có thấy, nên có cái không thấy; trái lại chơn như vì xa lìa các cái thấy, nên chơn như có đức tánh chiếu khắp cả pháp giới (đức tánh thứ hai). 

_ Vì đối với nghiệp thức có vọng động, nên không chơn thật hay biết, và tự tánh không thanh tịnh; trái lại chơn như vì không vọng động, nên chơn như có đức tánh Chơn thật hay biết và Tâm tánh thanh tịnh (đức tánh thứ ba và tư). 

_ Vì đối với nghiệp thức thì không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, nhiệt não, suy biến và không tự tại; trái lại chơn như không có các việc trên, nên chơn như có những đức tánh: chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh, thanh lương (trong mát) bất biến và tự tại (đức tánh thứ 5 và 6 v.v...) 

Tóm lại, vì đối với nghiệp thức có hằng hà sa số nhiễm ô, còn chơn như thì trái lại, không có các nhiễm ô, nên chơn như hiện ra đủ các đức tánh thanh tịnh, cũng nhiều hơn số cát sông Hằng. Vì nghiệp thức (vọng tâm) có khởi động, còn thấy có các pháp hiện tiến để phân biệt, nên còn có chỗ thiếu sót; trái lại, chơn như là pháp thanh tịnh, chỉ nhứt tâm, không có vọng niệm, nên đầy đủ vô lượng công đức. Bởi thế nên gọi là Như Lai tạng, cũng gọi là Pháp thân của Như Lai. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn vấn đáp nầy là tiếp theo 3 đoạn vấn đáp trên, để giải thích thêm về câu hỏi:"Thể chơn như đã bình đẳng, lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tánh sai khác?" _ Đoạn vấn đáp trên đã trả lời rằng:" Căn cứ theo tướng sanh diệt của nghiệp thức, nên nói có các đức tánh sai khác". Bởi thế nên đến đoạn này, mới có câu hỏi: "Căn cứ theo nghiệp thức thế nào mà nói chơn như có các đức tánh sai khác?". 

_ Đại ý trong câu trả lời của đoạn văn này:" tất cả các pháp tức là chơn như, nên không có tướng gì sai khác. Song vì vô minh bất giác, tâm vọng niệm nổi lên (nghiệp thức), nên thấy (chuyển thức) có cảnh giới (hiện thưc sai khác). 

Nghiệp thức có vô số tướng nhiễm ô như: Khởi vọng niệm, có tướng thấy, tướng không thấy, có động, vô thường, vọng ngã, khổ, nhiệt não, suy biến, không tự tại, có chỗ thiếu sót v.v...Vì đối với các tánh nhiễm ô của nghiệp thức, nên chơn như mới có vô số đức tánh thanh tịnh sai khác, như là: 

1. Đại trí huệ quang minh 

2. Chiếu khắp cả pháp giới 

3. Chơn thật hay biết 

4. Tánh thanh tịnh 

5. Chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh 

6. Trong mát (thanh lương) không biến đổi (không sanh, lão, bịnh, tử) và tự tại v.v... 

Tóm lại, vì đối nghiệp thức có các tướng nhiễm ô, nhiều hơn số cát sông Hằng, nên chơn như cũng có đủ các đức tánh thanh tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng. 

Đã nói Thể lớn, Tướng lớn của chơn như rồi, tiếp đến bài thứ II sau đây, sẽ nói Dụng rộng lớn của Tâm chơn như.

Trở Lên