Chương Thứ
Ba
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng Thanh Văn
Tôn giả A Na Luật
(Anurudha):
Vấn Đề Thiên Nhãn
Tôn giả A Na Luật sinh ra
trong dòng dõi vua chúa. Ông là em họ của Thái tử Tất Đạt Đa.
Khi Đức Phật thành đạo thì Ngài trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ
thuyết pháp giáo hóa dòng họ Thích Ca. Về sau A Na Luật cùng với
sáu vị vương tử khác là Bạt Đề, A Nan, Đề Bà Đạt Đa, Kiếp Tân
Na, Bà Sa và Nan Đề cùng xuất gia quy y theo Phật. Sống trong
tăng đoàn, đạo tâm A Na Luật rất kiên cố cho dù gặp sắc đẹp cũng
không hề xao động. Một hôm, trong lúc Thế Tôn đang thuyết pháp,
A Na Luật ngủ gục nên bị Phật quở trách. Ông hổ thẹn và quyết
tâm không ngủ đến nỗi đôi mắt bị mù. Chính Đức Phật đã dạy môn
“Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội” và chẳng bao lâu A Na Luật đạt
được Thiên nhãn thông và chứng quả A La Hán. A Na Luật mất nhục
nhãn mà được thiên nhãn làm tất cả chúng tăng hết lòng ái mộ và
kính trọng. Vì tôn giả có thể thấy được tam thiên đại thiên thế
giới nên Đức Phật khen tặng ông là đệ nhất Thiên nhãn trong hàng
Thanh văn.
Một hôm A Na Luật đến hỏi Xá Lợi Phất rằng:
- Thưa tôn giả! Tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh có thể thấy
được ba ngàn đại thiên thế giới. Tôi được chánh niệm tinh tấn
không lay động, hiện tại thân thể tôi khinh an như dạo chơi
trong trời đất tịch mịch và tâm tôi đã lìa chấp trước. Vậy có
phải là tôi đã ly phiền não đắc giải thoát không?
Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ trong tăng đoàn, bèn nói:
- Tôn giả A Na Luật! Vừa rồi ông nói nhờ có thiên nhãn nên
thấy rõ ba ngàn đại thiên thế giới, đó là tâm ngã mạn. Ông nói
ông có chánh niệm bất động là tâm kiêu ngạo. Tâm ông lìa chấp
trước, không còn tán loạn là tâm cuồng vọng. Theo sự hiểu biết
của tôi phải xa lìa tâm ngã mạn, tâm kiêu ngạo, tâm cuồng vọng
mới thật là lìa phiền não đắc giải thoát.
Đức Phật gọi ngài A Na Luật bảo:
- A Na Luật! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma
Cật.
A Na Luật thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm
bệnh trưởng giả Duy Ma Cật. Bởi vì con nhớ một hôm nọ, con đang
kinh hành, bấy giờ có vị Phạm Vương tên là Nghiêm Tịnh và hàng
ngàn Phạm Vương khác phóng hào quang vào chỗ con, dập đầu làm lễ
và hỏi con rằng:
- Thưa ngài A Na Luật! Thiên Nhãn ngài chứng được có thể
quan sát được bao xa?
- Bạch Thế Tôn! Con trả lời với Phạm Thiên Vương rằng:
- Thiên nhãn của tôi trông thấy cõi Tam thiên Đại thiên
thế giới của Đức Phật Thích Ca như xem trái quít trên bàn tay.
Bạch Thế Tôn! Lúc bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật đến hỏi con
rằng:
- Thưa ngài A Na Luật! Thiên nhãn của ngài thấy đó là làm
ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Nếu như làm ra
tướng thì khác gì ngũ thông của ngoại đạo. Nếu không làm ra
tướng thì là vô vi. Vô vi thì không có thấy?
- Bạch Thế Tôn! Lúc đó con chẳng biết nói gì, đành im
lặng.
Một tiểu thiên thế giới có 1,000 thế giới tức là 1,000 trái đất
chúng ta đang ở. Trung thiên thế giới có 1,000 tiểu thế giới tức
là một triệu trái đất. Đại thiên thế giới có 1,000 trung thiên
hay một tỷ trái đất. Do đó mỗi cõi của một Đức Phật giáo hóa
chẳng hạn như cõi Ta bà của Đức Phật Thích Ca gồm có một tỷ trái
đất.
Trong thế gian nầy có năm loại mắt khác nhau, đó là:
1) Nhục nhãn: là mắt thịt của chúng sinh, chỉ nhìn gần chớ
không nhìn xa được.
2) Thiên nhãn: là mắt của các vị Trời ở cõi Sắc giới và của
những người tu thiền định đắc quả. Loại mắt nầy thì thấy gần,
thấy xa, thấy trong, thấy ngoài và sáng tối đều thấy được cả.
3) Huệ nhãn: là mắt của các vị A La Hán hay Bích Chi Phật để
thấy rõ vạn pháp là vô thường, vô ngã, khổ, Không nên họ mong
cầu chứng đắc Niết bàn. Niết bàn là vì thấy khổ là thật, sinh
lão bệnh tử là thật nên nếu muốn đạt được Niết bàn nầy thì các
vị A La Hán phải xa lánh thế gian, chạy trốn cái khổ.
4) Pháp nhãn: là mắt sáng suốt của chư Bồ-tát vì đã thực hành
sâu xa Bát Nhã Ba-La-Mật để thấy rõ căn cơ của chúng sinh mà tùy
duyên hóa độ. Bồ-tát thì có vô trụ xứ Niết bàn tức là bất cứ ở
đâu cũng có an vui tịch diệt cả. Vì các Ngài nhận biết vạn pháp
giai Không tức là tất cả nhân sinh vủ trụ đều là giả huyễn nên
tâm không dính mắc. Các Ngài vào đời để cứu chúng sinh là làm
việc huyễn, giúp cho huyễn chúng sinh thoát ra khỏi huyễn tai
ách. Cái gì cũng huyễn nên tâm lúc nào cũng thường lạc. Thật thì
thấy Có rồi sợ mất, còn huyễn là không thật Có thì mất hay còn
cũng vậy thôi, lòng không tiếc tức là Niết bàn vậy.
5) Phật nhãn: là mắt của Phật. Vì thường ở trong Chánh định nên
tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không bị ngăn ngại nên Phật thấy rõ
tất cả và đầy đủ chẳng những tam thiên đại thiên thế giới mà còn
tất cả các cõi Phật khác nữa.
Phạm Vương là các vua cõi Trời có nhiều phước báo nên thân và
cung điện có hào quang sáng chói. Riêng vị Trời Nghiêm Tịnh
chẳng những có hào quang chiếu sáng rực rỡ mà còn có đầy đủ vẻ
trang nghiêm và thanh tịnh. Các vị Trời đều có Thiên nhãn nên họ
có thể phóng hào quang mà nhìn xa thấy rộng cho nên khi gặp đệ
nhất Thiên nhãn A Na Luật thì họ muốn thử tài là ai nhìn xa hơn.
Ông A Na Luật bị mù nhưng nhờ tu Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội mà
có được Thiên nhãn nên có thể thấy một tỷ thế giới như trái đất
rất rõ ràng như xem trái quít trên bàn tay thì Thiên nhãn của
tôn giả chắc chắn thấy xa hơn Thiên nhãn của các vị Trời. Thật
ra đối với các vị A La Hán của hàng Thanh văn thì phải nói là
Huệ nhãn vì đây là Thiên nhãn do tu mà được. Các vị Trời có
Thiên nhãn là do quả báo từ đời trước biết tu thập Thiện nên họ
sử dụng tự nhiên Thiên nhãn mà không cần tác tướng. Không tác
tướng tức là không khởi ý dụng công. Còn các vị A La Hán nhờ
công phu tu tập chứng đắc mà có vì thế khi sử dụng Thiên nhãn họ
phải cần tác tướng. Nhưng nếu nhờ dụng công mà có thì Thiên nhãn
của các vị A La Hán đâu khác gì ngũ thông của ngoại đạo. Ngày
xưa lúc Đức Phật còn tại thế thì chẳng những hàng Thanh văn
chứng được năm phép thần thông mà ngay cả ngoại đạo do công phu
tu tập cũng đạt được. Đó là:
1) Thiên Nhãn Thông: là có nhãn lực nhìn thấy khắp muôn loài
cùng sự sinh hóa trong thế gian bao la hiện tại.
2) Thiên Nhĩ Thông: là có nhĩ lực để nghe khắp mọi nơi bao gồm
loài người và loài vật.
3) Túc Mạng Thông: là có trí lực hiểu biết các kiếp trước của
đời mình.
4) Tha Tâm Thông: là có tâm lực biết được tâm niệm sở cầu của kẻ
khác.
5) Thần Túc Thông: là có thần lực để bay cao hay độn thổ.
Ngoài năm phép thần thông trên, Lậu Tận Thông là có trí tuệ
thông suốt ba đời để không còn đau khổ, phiền não và sinh tử
luân hồi. Chỉ riêng Đức Phật có được Lậu Tận Không mà thôi.
Nếu ông A Na Luật do công phu tu tập mà có được Thiên nhãn cũng
giống như ngoại đạo thì có gì đáng quý để các vua Trời phải cúi
đầu đãnh lễ. Khi ông Duy Ma Cật hỏi ông A Na Luật là Thiên nhãn
của ngài thấy đó là do làm ra tướng mà thấy hay không làm ra
tướng mà thấy? Có nghĩa là những vật mà A Na Luật nhờ Thiên nhãn
thấy được là được tạo ra hay không tạo ra? Là có tướng hay không
có tướng? Đây chính là tư tưởng nhị nguyên tức là còn đối đãi,
có trên dưới, đúng sai, trong ngoài, thiện ác…
Các vật được tạo ra là vật có hình tướng mà giác quan có thể
thấy được chẳng hạn như khi mắt thấy cái nhà thì cái nhà là hình
tướng hiện ra trên võng mô của con mắt. Còn vật không được tạo
ra là vật không có hình tướng mà các giác quan không thấy được.
Thí dụ như khi chúng ta tưởng nhớ đến chiếc Lexus thì thời điểm
nầy đâu có chiếc xe để thấy nên không có hình chiếc xe hiện trên
võng mô của con mắt, nhưng hình bóng chiếc xe vẫn hiễn hiện rõ
ràng trong tâm của chúng ta thì chiếc xe Lexus nầy là không làm
ra tướng mà vẫn thấy. Khi mắt thấy hình tướng nào tức là nhãn
căn tiếp xúc với sắc trần để tạo ra cái biết của sự thấy tức là
nhãn thức. Ông A Na Luật đã bị mù thì nhãn căn không thể tiếp
xúc với sắc trần được tức là không có hình ảnh hiện ra trên võng
mô của mắt thì rõ ràng Thiên nhãn của ông A Na Luật là không làm
ra tướng tức là vô vi. Mà vô vi thì không có thấy. Không có hình
tướng nơi mắt mà tại sao ông A Na Luật lại thấy mọi vật gần xa
rất rõ ràng? Nếu ông có thể thấy bằng trí tưởng tượng để nhớ lại
những hình tướng mà ông đã thấy trước khi bị mù thì theo Duy
Thức Học đây chính là Độc Đầu Ý Thức tức là chỉ một mình Ý Thức
tác động mà không có liên quan gì tới năm thức khác. Nhưng Thiên
nhãn của ông A Na Luật chẳng những thấy được mọi vật chất trong
thế giới nầy mà còn có thể thấy được rất rõ ràng tất cả những gì
rất xa nằm trong tam thiên đại thiên thế giới như thấy trái quít
trên bàn tay mà trước kia ông chưa từng được thấy. Do đó Thiên
nhãn nầy không phải chỉ do Độc Đầu Ý Thức mà thôi. Như vậy tất
cả những hình tướng mà ông A Na Luật thấy được là thật hay giả,
chân hay vọng, là do làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng
mà thấy? Câu hỏi khó quá làm ông A Na Luật không trả lời được,
đành nín lặng.
Các Phạm Thiên thì được sự khinh an chưa từng có. Họ bèn làm
lễ ông Duy Ma Cật và hỏi:
- Thưa trưởng giả! Trên đời nầy có ai là người được chơn
thiên nhãn?
Ông Duy Ma Cật đáp:
- Chỉ có Phật Thế Tôn là người được chơn thiên nhãn,
thường ở trong chánh định và thấy tất cả cõi nước chư Phật không
do hai tướng.
Tuy Thiên nhãn của tôn giả A Na Luật có thể thấy được một tỷ thế
giới trong cõi Ta bà của Đức Phật Thích Ca, nhưng không thể thấy
được các cõi Phật khác. Chỉ có Đức Phật vì thường trụ Chánh
Định, phát huy được Đại Trí Tuệ sẳn có khiến tâm hoàn toàn thanh
tịnh nên chẳng những thấy rõ thế giới Ta bà nầy mà còn thấy được
các cõi Phật khác. Hướng Tây thì có cõi Tịnh độ của Phật A Di
Đà, hướng Đông có cõi Phật Dược Sư…thì đây mới là chân Thiên
nhãn. Cho dù tôn giả A Na Luật có được Thiên nhãn thông và chứng
đắc A La Hán thì trí tuệ vẫn còn quá hạn hẹp cho nên ông Duy Ma
Cật dạy cho các vị Trời chỉ có Đức Phật mới là người có đủ lục
đại thần thông và trí tuệ thông suốt ba đời. Đối với đạo Phật
nếu tâm bất an thì trí rối loạn cho nên tu thiền, niệm Phật là
cốt làm cho tâm được yên tịnh. Mà tâm yên thì trí sáng. Trí sáng
ở đây không những trí tuệ được sáng suốt mà còn sáng cả sáu căn.
Vì sáu căn được thông suốt nên mới gọi là lục thông. Cái khác
nhau giữa thần thông do tâm thanh tịnh và do luyện tập là khi
nào còn tập luyện, còn vận công thì còn thần thông đến khi không
tập luyện thì thần thông biến mất. Còn thần thông do tâm an định
là bởi trí tuệ sáng suốt mà có nên đây mới là thần thông chân
thật. Trong Kinh Hoa Nghiêm có vị Thiện Tài Đồng Tử trong số hai
ngàn người đến đánh lễ nghe pháp phát tâm cầu đạo Bồ-đề. Văn Thù
Sư Lợi Bồ-tát khuyên ngài nên đi tham vấn 53 vị Thiện Tri Thức
từ Tỳ Kheo Đức Vân đến Phổ Hiền Bồ-tát. Mỗi vị Thiện Tri Thức
đều hướng dẫn ngài về phương cách tu tập riêng của họ nhưng
không có phương pháp nào được rốt ráo cả. Cuối cùng Bồ-tát Văn
Thù dạy nếu muốn tiếp nhận tất cả những tinh hoa của giáo nghĩa
thì phải cầu Đức Phật. Cũng như trăm sông đều đổ về biển lớn vì
Phật là Đại Trí Tuệ.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai
thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” có
nghĩa là trong thế gian vủ trụ nầy cái gì có hình sắc thì là giả
huyễn, còn nếu thấy được cái Thật Tướng của mọi vật thì thấy
được Chân lý. Đức Phật thấy rõ Thật tướng của tất cả vạn pháp là
vô tướng, là Tướng Không. Ngài lìa hai bên tương đối, không cần
phân biệt, so sánh để thể nhập vào pháp môn Bất nhị tuyệt đối
nên chơn Thiên nhãn của Đức Phật không do hai tướng là vậy. Chơn
Thiên nhãn là bất nhị, là nhất chơn. Ngài lìa Sự Tướng giả dối
sinh diệt bên ngoài để thấy được Thể Tánh thanh tịnh thường hằng
bất biến bên trong mà nhà Phật gọi là Thật Tướng, là Chân Như,
là Bản Lai Diện Mục, là Chơn Tâm… Mặc dầu Thật Tướng là Không
Tướng tức là không hình, không sắc, không nặng không nhẹ, không
tăng không giảm nhưng chính cái Thật Tướng nầy lại sinh ra muôn
sinh vạn vật nên cái Không nầy được gọi là Chân Không Diệu Hữu
vậy.
Ý của ông Duy Ma Cật là cho dù các vị Trời có Thiên nhãn là do
phước đức tu thập Thiện, hay ngoại đạo có Thiên nhãn là do công
phu tu tập thì họ vẫn còn nằm trong vòng sinh tử luân hồi, có gì
phải quan trọng. Thiên nhãn là thiên nhãn. Thấy gần thấy xa
không có gì quan trọng mà hiểu xa biết rộng, thấy được Chân lý
mới là điều cần thiết để khai mở trí tuệ mà được giác ngộ. Phàm
phu thì thấy thần thông là quan trọng, còn bậc Thánh thì trí tuệ
và Chân lý mới là cứu cánh do đó đối với họ thấy là để mà thấy,
dù thấy gần thấy xa cũng vậy thôi. Cũng như trong số bạn bè của
chúng ta có người có nhiều tiền thì họ đi du lịch chỗ nầy, chổ
kia. Tuy có cơ hội thấy nhiều mà tánh nào tật nấy tức là dầu đi
tới đâu, thấy những gì mà tánh tham không giảm, tật đố không
chừa, lòng từ bi không mở, trí tuệ không thông thì đâu có hơn
những người không đi xa thấy nhiều mà tâm hằng thanh tịnh, cuộc
sống an vui tự tại.
Tôn giả A Na Luật còn chấp thấy xa thấy gần tức là còn chấp
tướng sinh diệt. Còn chấp tướng là còn kẹt trong vòng nhị nguyên
đối đãi tức là thấy có trong có ngoài, có cao có thấp, có gần có
xa… Còn thấy nhị nguyên là còn kẹt trong trí phân biệt tức là
còn thấy khổ, vô thường, không và vô ngã. Ngược lại ông Duy Ma
Cật muốn phá cả tướng trong lẫn ngoài. Lìa hai tướng thì không
còn phân biệt, so sánh. Bỏ nhị nguyên mà Thể nhập bất nhị thì
phá tan phiền não, tâm an định thì trí tuệ sẽ phát sinh. Tôn giả
A Na Luật tuy phá được chấp ngã nhưng chấp tướng vẫn còn vì thế
nếu còn chấp tướng tức là còn sống với Sự Tướng tương đối sinh
diệt. Mà còn nằm trong vòng nhị nguyên đối đãi phân biệt tức là
còn thấy khổ. Bây giờ nếu quay về sống với Thể Tánh bất sinh bất
diệt, phá tan biên giới nhị nguyên để hòa cùng Bản Thể Chân Như
thì phân biệt đối đãi không còn, tâm được bình đẳng và hoàn toàn
thanh tịnh.
Con người chúng ta thì cũng thế. Nếu sống theo Sự Tướng là còn
thấy có tam khổ, bát khổ. Vì còn phân biệt nên tâm chạy theo
vọng trần mà thấy có phiền não khổ đau. Biết thế gian là vô
thường nên con người tham sống sợ chết. Nếu ngày nào chúng ta
còn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật mà tâm còn giận còn hờn, còn
buồn còn khổ, còn bất bình bất mãn, còn tranh còn chấp thì ngày
ấy chúng ta chưa hiểu đạo, chưa biết đạo và chưa sống vì đạo.
Bây giờ nếu quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên có
nghĩa là sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì
sẽ nghiệm được Thể Tánh thanh tịnh của mình. Vì Thể Tánh là bất
sinh bất diệt, thường hằng bất biến cho nên con người có ai chết
thật đâu mà sợ. Chết là để thay thân củ mà lấy thân mới cũng như
người khách trọ bỏ khách sạn nầy để chuyển sang khách sạn khác
vậy thôi. Trong Bản Thể thì làm gì có khổ! Khổ thì không có mà
con người vì sống trong vọng thức mê lầm nên mới thấy có khổ.
Thí dụ như rượu đâu có làm con người say mà hằng ngày con người
vẫn chết lên chết xuống cũng vì rượu. Say là tại người chứ đâu
phải tại rượu. Trong viện bào chế thuốc tây, dược phẩm là chất
độc nhưng nó có giết vị dược sĩ nào đâu? Vậy khổ hay vui đều là
do tâm tạo. Nếu thấy đời còn sinh diệt, còn tham đắm, còn dính
mắc thì còn thấy có vui có khổ. Bây giờ đổi lối nhìn nhục nhãn
bằng lối nhìn trí tuệ của Bô-tát thì vạn pháp là huyễn.
Tại sao các vị Bồ-tát dễ phá trừ chấp ngã chấp pháp? Bởi vì
chính họ là huyễn, vào trong huyễn thế gian để làm việc huyễn mà
cứu độ huyễn chúng sinh. Đây là thực hành huyễn Tam ma đề vậy.
Bồ-tát không chấp việc họ làm cho nên làm cũng như không làm,
không có gì thật nên không có phiền não khổ đau. Thấy thế gian
vủ trụ là tạm bợ, không thật cho nên Có cũng vậy mà Không cũng
vậy thì lòng tham không dấy khởi. Mình cũng Không, người cũng
Không và vạn vật cũng Không thì cái chấp đâu còn. Tâm thanh tịnh
là hết khổ đau. Tất cả vạn pháp đều nằm trong tiến trình duyên
khởi tức là bất biến tùy duyên thì từ Chơn Không sanh ra vạn
pháp và tùy duyên bất biến thì từ vạn pháp trở lại với Bản Thể
thanh tịnh ban đầu. Do đó không có cái gì thật sanh hay thật mất
cả. Có trở thành Không rồi Không thành Có. Nếu không còn thấy có
vô thường, khổ, không, vô ngã thì không mong cầu Niết bàn. Sống
với Bản Thể Chân Như thì tâm thanh tịnh, an vui và tự tại. Không
đau khổ thì cầu Niết bàn để làm gì? Bởi vì nếu không tham, không
đắm, không giận, không hờn, không hơn, không thua thì tâm được
thanh tịnh tức có Niết bàn.
Tất cả nhân sinh vủ trụ dựa theo Phật giáo chẳng qua là hiện
tượng duyên khởi chớ không do một bàn tay mầu nhiệm nào tác tạo
cả. Các vật thể làm nhân làm quả cho nhau, khi có nhân duyên thì
thành mà duyên tan thì hoại. Ngày nay với khoa học không gian
con người đã chứng minh rằng trái đất của chúng ta có được
khoảng bốn tỷ rưỡi năm là do những vẫn thạch trong không gian
kết tụ và chỉ còn tồn tại khoảng hai tỷ rưỡi năm nửa mà thôi.
Tiến trình nầy kéo dài mấy tỷ năm thì mặt địa cầu mới nguội
được. Trong những vẫn thạch lớn nầy đã chứa thành phần nước nên
khi hòa nhập với hơi nóng của khí đốt đã tạo thành vần mây che
phủ quả địa cầu. Những làn sóng điện từ trường trong không gian
tạo ra những làn sấm sét và mưa bắt đầu đổ xuống. Thật ra con
người có mặt trong thế gian nầy trên một triệu năm. Vì thế Kinh
Phật mới dùng chữ vô thỉ vô chung là như vậy. Và một ngày nào đó
nhân loại sẽ bị hủy diệt và loài người mới sẽ được thành lập thì
lúc đó Phật Di Lặc mới ra đời. Ngày nay biết bao nhà địa chất
học đã gom góp rất nhiều vẫn thạch khắp năm châu bốn bể để chứng
minh những gì Đức Phật đã chứng từ mấy ngàn năm về trước. Tuy
nhiên có nhiều tôn giáo khác đã xác nhận trái đất và con người
chỉ được tạo thành trên dưới mười ngàn năm. Nếu chỉ có mười ngàn
năm thì làm sao mà gọi là xưa như trái đất được.
Đối với Phật giáo thì thần thông biến hóa xuất quỷ nhập thần
không có gì quan trọng cả vì thần thông không thắng nổi nghiệp
lực. Khi nghiệp lực phát khởi thì cho dù con người có trốn trên
mây, có lặn tận đáy biển hay núp trong hang núi thì vẫn chết như
thường. Ngày xưa vua Lưu Ly đem trăm vạn đại quân để tiêu diệt
cung thành Ca Tỳ La Vệ thì đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên bay
vào thành, chọn năm trăm người ưu tú trong dòng họ Thích Ca, rồi
hóa phép để họ trong bình bát và bay ra. Đến một nơi an ổn, khi
mở nắp bình bát làm ngài một phen thất kinh hồn vía vì năm trăm
người trong bình bát đều hóa thành máu cả. Ngay cả tôn giả Mục
Kiền Liên vì kiếp trước làm nghề chài lưới giết hại quá nhiều
chúng sinh. Tuy kiếp nầy tu đã thành Thánh nhưng khi nghiệp quả
đã đến thì thần thông biến mất và đành chịu chết dưới tay bọn
ngoại đạo.
Bấy giờ Nghiêm Tịnh Phạm Vương và năm trăm Phạm Vương quyến
thuộc đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả lễ
lạy dưới chân ông Duy Ma Cật và thoạt nhiên biến mất.
Vì duyên cớ đó, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh
trưởng giả Duy Ma Cật.
Ông vua Trời Nghiêm Tịnh và năm trăm quyến thuộc vì nhờ tu Thập
Thiện nên được phước báo làm Trời. Họ tu phước mà không tu huệ
nên trí tuệ chưa khai. Nay nghe được Chân lý rốt ráo làm tâm
khai trí mở nên ai ai cũng đều phát tâm cầu đạo Bồ-đề, đãnh lễ
tạ ơn ông Duy Ma Cật rồi biến mất mà về lại Thiên cung.
Vì thấy sự hiểu biết của mình còn thua kém trí tuệ sáng suốt và
biện tài vô ngại của trưởng giả Duy Ma Cật nên tôn giả A Na Luật
từ chối, không dám đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
|
|