A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
     

Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Ba

Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)

Hàng Thanh Văn

Tôn giả Ưu Bà Ly

(Upali):Giảng Luật.

Ông Ưu Bà Ly xuất thân là dòng hạ tiện Thủ Đà La và về sau trở thành thợ hớt tóc cho các vương tôn công tử trong cung thành Ca Tỳ La Vệ. Vì có tâm tánh thuần lương trung hậu nên mọi người đều thích anh chàng thợ cạo nầy. Sau khi thành đạo, Đức Phật về lại cung thành thăm phụ vương và gia đình thì Ưu Bà Ly được vinh dự cạo tóc cho Đức Thế Tôn. Về sau, khi bảy vị vương tử Bạt Đề, A Nan, A Na Luật, Kiếp Tân Na, Bà Sa, Nan Đề và Đề Bà Đạt Đa xuất gia theo Phật thì họ đem Ưu Bà Ly theo để cắt râu cạo tóc. Những vương tôn nầy khi quy y thì cởi bỏ y phục gấm vóc và đồ trang sức châu báu tặng cho Ưu Bà Ly. Ông nghĩ rằng các vương tử mà còn bỏ vinh hoa phú quý của thế gian để đi xuất gia, còn mình là kẻ hạ tiện thì có cái gì trên cuộc đời nầy để mà lưu luyến. Lòng đã quyết, ông bèn gói trân châu bảo vật treo lên một nhánh cây và đi về rừng Ni Câu Đà để tìm Đức Phật. Vì đã biết ông nên Đức Thế Tôn hoan hỷ nhận ông làm đệ tử. Bảy ngày sau, Đức phật cho gọi bảy vị vương tử ra mắt đại chúng và khi thấy Tỳ Kheo Ưu Bà Ly mọi người kinh ngạc không vái chào. Đức Phật dạy bảy vị phải tới chào vì trong tăng đoàn chỉ quan trọng đến đức hạnh tu chứng chớ không kể địa vị chức tức trong xã hội. Ông tu hành rất tinh tấn nên chưa đầy một năm đã chứng đắc quả A La Hán, trở thành bậc thượng thủ trong tăng đoàn và được Đức Phật khen ngợi là đệ nhất giới luật. Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt ở rừng Câu Thi Na, năm trăm vị đại A La Hán kết tập kinh điển lần đầu tiên và tôn giả Ưu Bà Ly được đề cử đọc lại những giới luật mà về sau được gom lại thành Luật Tạng. Việc Ưu Bà Ly xuất gia khiến cho pháp chế của Đức Phật dần dần được thực hiện. Chính Đức Phật là người đã san bằng những sự bất công trong xã hội và khuyến khích mọi người cùng có cơ hội để hướng thiện và hướng thượng bằng cách phát huy tinh tấn trí tuệ của mình.

Theo Đức Phật thì giới luật có giá trị tuyệt đối để quyết định sự thành công hay thất bại trong việc tu đạo. Vì thế trước khi nhập diệt Đức Phật đã dạy rằng:

-  Gặp thời không có Phật, hãy lấy giới luật làm thầy.

Thật vậy, giới luật là kim chỉ Nam để giúp chúng sinh khỏi bị lầm đường lạc lối. Một người phạm giới không có nghĩa là đã xúc phạm Trời, Thần, Phật và sẽ bị Trời hành hay Phật đọa gì cả mà chính họ đã tự tạo cho mình một nhân bất thiện để phải chịu quả báo về sau. Theo đạo Phật phạm giới thì tâm bất an. Mà tâm không an thì sẽ không có định. Nếu không đi sâu vào định thì vĩnh viễn sẽ không có trí tuệ tức là con mắt tâm không mở để được kiến tánh mà thấy được Chân lý.

Đối với Phật tử tại gia thì có ngũ giới. Đó là không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được vọng ngữ và không được uống rượu. Phật tử muốn thọ Bồ-tát giới thì phải giữ 48 điều giáo luật.

Còn hàng Tăng sĩ:

Nếu một người từ 14 tới 18 tuổi muốn xuất gia thì gọi là Sa di. Chú Sa di nầy phải giữ đúng 10 luật. Đến khi được 20 tuổi thì mới được thọ giới Tỳ Kheo. Khi đã trở thành Tỳ Kheo thì phải giữ 250 giới. Còn phía nữ giới thì gọi là Sa di ni. Mấy tiểu ni cô Sa di ni nầy phải thọ thêm giới “Thức xoa ma ni” và hai năm sau đó mà được thọ giới Tỳ Theo ni. Một khi đã trở thành Tỳ Kheo ni thì họ phải giữ 348 điều giáo luật.

Đức Phật gọi ông Ưu Bà Ly bảo:

-  Ưu Bà Ly! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông Ưu Bà Ly thưa:

-                     Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Con nhớ có một lần nọ có hai vị Tỳ Kheo lỡ phạm luật hạnh, họ lấy làm xấu hổ không dám đem việc ấy ra thưa với Phật mà đến hỏi con rằng:

-  Thưa ngài Ưu Bà Ly! Hai chúng tôi đã lỡ phạm luật hạnh, chúng tôi lấy làm xấu hổ, không dám đến thưa với Phật. Vậy xin ngài hãy chỉ giáo cho chúng tôi phải làm gì để xóa hết được cái lỗi ấy.

Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Con liền như luật mà giải đáp rằng: Tứ khí thì tẩn xuất. Tội tăng tàn thì bất cộng trú…

Bấy giờ ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng:
- Thưa ngài Ưu Bà Ly! Ngài đừng làm tăng tội cho hai vị Tỳ Kheo kia. Hãy dừng ngay cách phân xử luật nghi của ngài đi. Thưa ngài Ưu Bà Ly! Tánh của tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Đức Phật đã từng dạy:
“Tâm cấu cho nên chúng sinh cấu. Tâm tịnh thì chúng sinh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tâm vốn đã NHƯ, tội cấu cũng NHƯ và các pháp cũng NHƯ. Tất cả không vượt ngoài tánh NHƯ.

Nếu đứng về giới Tướng mà nói một khi chúng sinh phạm tội gì thì tội ấy là thật tức là thấy có người phạm giới, có giới luật bị phạm và có người bị trừng phạt. Thí dụ như có người phạm giới tà dâm hay uống rượu thì dựa theo giới luật họ phải bị trừng phạt. Ở đây ông Duy Ma Cật dựa vào Thể Tánh tuyệt đối mà nói thì ông Ưu Bà Ly không nên dùng giáo luật của thế gian mà kết thêm tội làm cho lòng họ thêm rối loạn. Họ phạm tội thì tự lòng đã hối hận tức là chịu đau khổ rồi, trừng phạt chỉ làm cho họ khổ đau thêm chẳng khác nào tăng thêm án cho người đã có tội. Tư tưởng Duy Ma Cật là tất cả đều từ tâm. Con người có nghĩ thiện, nghĩ ác cũng từ tâm. Có làm việc tốt, việc xấu cũng phát xuất từ tâm. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm mới có câu: “Vạn pháp duy tâm tạo” là vậy. Tâm thanh tịnh tức là Chơn tâm thì có cảnh thiên đường, cực lạc. Còn sống với vọng tâm thì thấy có địa ngục, a tỳ. Mà tâm là không thật, không thể tìm thấy thì tội có thật không? Trong bài kệ sám hối có câu:

Tội tánh bổn không, do tâm tạo,
Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.
Tội vong tâm diệt, lưỡng câu không,
Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Tội tánh bổn không, do tâm tạo. Tội thì tự nó không có mà do tâm lành tâm dữ biến hiện mới tạo thành tội. Do đó con người nghĩ rằng tâm là thật mà tội từ tâm sanh nên thật và dĩ nhiên nghiệp báo chắc chắn là thật. Cho nên tội từ tâm tạo thì sám hối phải từ tâm mà sám. Vì thế muốn sám hối hết tội thì phải tìm xem tâm thật hay không? Mà tâm là không thật vì nó là vọng tâm sinh diệt. Còn chơn tâm là Phật tính mới là thật thì thường hằng vắng lặng, thanh tịnh nên không gây ra tội. Do đó tâm không thật thì tội đâu có thật và dĩ nhiên quả báo làm sao thật được.

Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong có nghĩa là tâm nếu diệt rồi thì tội theo đó cũng mất. Thí dụ như khi chúng ta oán hận ai và muốn tìm cách hảm hại kẻ đó. Ghét người là do tâm và muốn hảm hại người là cũng do tâm. Tâm là ý nghiệp, rồi mới chuyển sang khẩu nghiệp và sau cùng thân nghiệp mới tác tạo. Vậy tâm hay ý nghiệp là nhân mà thân khẩu nghiệp là quả. Có nhân mới có quả. Nếu nhân là Không thì quả cũng Không tức là Tâm không thật thì quả làm sao thật được. Bây giờ nếu biết thức tỉnh và loại bỏ những tư tưởng hắc ám, cuồng loạn đó đi thì tâm ác không còn và theo đó tội nghiệp cũng tan biến. Tóm lại tâm diệt thì tội nghiệp theo đó mà diệt.

Chừng nào thấy Tội vong tâm diệt, lưỡng câu không có nghĩa là không thấy tội là thật, tâm là thật và cả hai đều Không thì mới là Thị tắc danh vi chơn sám hối tức là đây mới chính thật là sám hối vậy.

Tánh của tội thì không ở trong, không ở ngoài và chẳng ở giữa vì tánh của tội là không tướng tức là không thật. Con người sống trong thế gian nầy nếu tâm nghĩ xấu có nghĩa là ý nghiệp xấu thì quả báo là nhân cách xấu tức là thành người xấu. Ngược lại nếu có người tâm luôn nghĩ thiện thì quả báo dĩ nhiên được làm người tốt. Do đó muốn trở thành người tốt hay xấu thì gốc vẫn từ tâm. Tốt, xấu vốn từ tâm. Vậy tâm ở đâu? Vì tâm không thật nên nó không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa cho dù có tìm kiếm cũng không bao giờ thấy nó được. Nếu tâm là không thật Có có nghĩa tâm là giả huyễn tức là Không. Mà Không là lặng lẽ, là Như hay Như Như, là Chơn Như. Tâm đã là Không tức là Như thì các tội cũng Không tức là Như và dĩ nhiên chúng sinh cũng Không tức là Như.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

Cũng như ngài trong khi ngài sử dụng cái tướng của tâm giải thoát, vậy lúc đó tâm ngài có cấu không?

-  Không. Bạch Thế Tôn! Con đáp như thế.

Ông Duy Ma cật giảng tiếp:

-  Tâm của tất cả chúng sinh cũng giống như vậy, vốn không có tướng cấu. Vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh.


Tội lỗi cũng như tất cả vạn pháp trong thế gian nầy đều do tâm biến hiện rồi cũng do tâm diệt đi. Đó là “Tội tòng tâm khởi tòng tâm diệt”. Nếu thấy có tâm có tội thì còn chấp ngã chấp pháp. Vạn pháp là do duyên hợp nên chúng là giả huyễn, không thật tức là Không. Vạn pháp là Không thì tâm cũng là Không. Con người vì sống trong vọng thức mê lầm như người đang nằm mộng thì thấy tâm là thật, tội là thật và quả báo cũng là thật. Bây giờ thức tỉnh, thức giấc mộng, vọng thức biến đi, Chơn tâm bừng sáng thì chẳng còn thấy tội lỗi gì cả. Vì “Tội tánh bổn không” có nghĩa là tội lỗi thì không thật có. Tại sao? Bởi vì trong Lý Không thì ta cũng Không có nghĩa là không có cái Ta tức là phá chấp ngã và vạn pháp cũng Không có nghĩa là không có việc làm tội lỗi chi cả tức là phá chấp tướng. Nếu sống trong vọng tưởng điên đảo, vọng thức mê lầm che lấp Chơn tâm nên thấy mình là dơ, chúng sinh và vạn pháp đều ô uế. Khi thức tỉnh, vọng thức tan biến, Chơn tâm hiện bày thì thấy mình trong sạch, chúng sinh và vạn pháp cũng đều trong sạch.

Như vậy dơ bẩn chỉ là lớp vỏ bề ngoài và một khi con người phá được lớp vỏ bề ngoài thì tâm dơ bẩn sẽ trở thành thanh tịnh tức là vọng tâm biến mất và chơn tâm hiện bày. Con người hằng ngày vì chạy theo vọng tâm điên đảo nên bị lớp phiền não dơ bẩn che lấp Phật tánh thanh tịnh bên trong. Nếu chúng ta phá được lớp phiền não che lấp nầy thì Phật tánh hiện bày tức là được giải thoát giác ngộ.

Chấp ngã là dơ bẩn, là ô uế. Tại sao? Trong thế gian nầy con người có phiền não, nóng giận, kiêu căng, đau khổ…cũng đều phát nguồn từ cái ngã mà ra. Vì thấy mình quan trọng tức là chấp có cái Ta, nên hễ ai đụng tới là nổi nóng. Có ai nói phải trái là chạm tự ái ngay. Làm việc gì cũng nghĩ đến lợi cho mình trước. Vì chấp thân mình là thật, là trường tồn vĩnh cửu nên tạo tác biết bao nghiệp báo để phải gánh chịu quả khổ về sau. Vậy chấp ngã nếu không là dơ bẩn, tội lỗi, ô uế thì là gì? Bây giờ nếu bỏ chấp ngã vì biết thân nầy không thật, không có cái Ta thì phiền não đâu còn. Tham-Sân-Si biến mất, tập khí ngã mạn cũng tan theo và con người sẽ sống rất thảnh thơi, tâm hằng thanh tịnh. Thân là do duyên hợp nên không bền không chắc. Duyên hợp thì còn, duyên tan thì hoại vậy thôi.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

-  Thưa ngài Ưu Bà Ly! Tất cả pháp sinh diệt không dừng, như huyễn hóa, như điện chớp không có chờ nhau, cho đến một niệm cũng không dừng trụ. Các pháp đều do vọng thấy như chiêm bao, như ngấn nước giữa cơn nắng gắt, như trăng đáy nước, như bóng trong gương. Tất cả đều do vọng tưởng sanh ra. Người nào biết kỹ những việc đó mới là người trí luật chơn chánh. Người nào hiểu rõ những điều đó mới là người luận giải luật pháp đúng ý Phật.


Sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề thì Ngài bắt đầu thâu nhận đệ tử để truyền lại Chánh pháp. Trong suốt mười hai năm đầu Ngài chưa hề nói đến giới luật vì những đệ tử đầu tiên nầy là những người có đức hạnh cao. Họ đến với đạo Phật là vì bổn nguyện muốn được giải thoát giác ngộ. Rất tiếc sau đó trong tăng đoàn rồng rắn hổn tạp nên Đức thế Tôn mới chế ra nhiều điều giới luật để giúp chúng tăng quay về với Chánh đạo mà được tự độ và độ tha. Mục đích của giới luật là kiềm chế tham đắm ngũ dục làm tâm bất tịnh. Nhưng Tâm Kinh đã khẳng định rằng vạn pháp giai Không có nghĩa là thế gian vủ trụ là không thật, là huyễn. Như thế ngũ dục bây giờ cũng là giả huyễn, như bóng trăng dưới nước, như điện chớp trên không, như giấc chiêm bao thì còn gì mà tham mà đắm. Cái tham không còn thì nhiễm cũng tan. Không tham không nhiễm thì tâm đâu có ô uế tức là thanh tịnh thì đây mới là giữ giới chân chính.

Tóm lại đoạn kinh trên gồm có ba phần:

1) Trong đoạn đầu ông Duy Ma Cật cho chúng ta thấy rằng tánh tội không thật vì nó phát xuất từ tâm mà tâm là không thật. Tâm không thật mà hành động phát xuất từ tâm nên cũng hư dối vì thế tội nghiệp làm sao thật được. Do đó tất cả đều trở về Như tức là tánh viên mãn tự nhiên và ly ngôn thuyết.

2) Đoạn thứ hai thì nói rằng tâm mà dơ bẩn thì chúng sinh cũng dơ bẩn. Tâm mà sạch thì chúng sinh cũng sạch. Còn vọng tưởng là dơ, là ô uế. Hết vọng tưởng là sạch, là thanh tịnh. Cho nên tất cả tội nghiệp phát xuất từ tâm. Nếu tâm thanh tịnh thì tội nghiệp theo đó mà tan biến.

3) Đoạn sau cùng ông Duy Ma Cật muốn nói rằng tất cả vạn pháp đều là giả huyễn nay có mai không thì sống trên đời mà đừng nên tham đắm. Tâm không dính mắc, lục căn thường sáng tỏ thì tâm sẽ thanh tịnh thì mới gọi là người giữ giới chân thật.

Tôn giả Ưu Bà Ly là hàng Thanh văn nên tuy phá được chấp ngã mà chấp tướng vẫn còn mới thấy có hai vị Tỳ Kheo phạm giới, có giới bị vi phạm và có tội phải bị trừng phạt. Còn ông Duy Ma Cật thì áp dụng tư tưởng đại thừa Bát nhã vào trong đời sống thì thấy rằng tất cả thiện ác, khổ vui, thiên đàng địa ngục hay tội nghiệp đều do tâm tạo. Mà tâm là huyễn, là không thật tức là Không thì tội nghiệp cũng giả dối, không thật. Nếu vạn pháp phát xuất từ tâm thì dùng tâm sám hối sẽ thấy tội tánh vốn Không. Khi mê thì thấy có tâm có tội, lúc tỉnh ngộ thì tâm cũng Không và tội nghiệp cũng Không. Do đó chỉ cần tỉnh thức giác ngộ để lìa bỏ tâm vọng tưởng giả dối mà sống với tự tánh thanh tịnh chân thật của mình thì tội nghiệp đâu còn thì đây mới là người giữ giới chân chính vậy.

Vì Bát Nhã là tư tưởng Chân Không nên chúng ta cần phải thấu hiểu sâu xa để tránh những sai lầm tai hại về sau vì trong tam vô lậu học thì Giới là cánh cửa để vào căn nhà giác ngộ. Khi nói rằng: “Tội tánh vốn không” thì người Phật tử có cần phải giữ giới nửa không? Xin thưa rằng: Dĩ nhiên là có. Tại sao?

Nếu đứng về Thể Tánh mà nói thì không có tội nghiệp quả báo chi cả vì nghiệp tánh vốn Không có nghĩa là tội nghiệp là không thật Có nhưng chẳng mất. Khi biết tội nghiệp là Không thì hiện tượng quả báo làm sao có thật. Vì thế cái gốc của tội nghiệp vốn Không thì cái tướng của tội nghiệp cũng theo đó mà tiêu diệt hết. Chữ Không ở đây theo tư tưởng đại thừa là Chân Không Diệu Hữu, là Chơn tâm, là Bản Thể Chân Như, là Thật Tướng và cũng là cội nguồn sinh ra muôn pháp. Nếu muốn thấu triệt được cái Không của Bát Nhã thì chúng ta phải quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình để diệt trừ vọng tưởng mà thấy được Chơn tâm. Sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì chơn tâm hiện bày. Do đó người mê thì thấy tâm là thật, tội nghiệp là thật. Còn kẻ thức tỉnh giác ngộ thì tất cả chỉ là hư dối, giả huyễn mà thôi.

Theo tinh thần Bát Nhã thì các pháp tự tánh là Không vì do duyên giả hợp mà có hình tướng. Mặc dầu tội tánh vốn không nhưng khi duyên hợp thì nó liền thành nghiệp nên nói: “Thể Không mà thành Sự”. Thí dụ tự tánh của Tham là không, nhưng khi mắt thấy cái đồng hồ đắc tiền niệm tham liền khởi lên, không dừng được, khiến tay lấy cắp mà tạo ra nghiệp trộm cắp. Khi nghiệp thành tức là phải chịu quả khổ, bị bắt bớ, lao tù… Do đó nghiệp tánh bổn không có nghĩa là tánh nó không cố định, có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện… Nhưng nếu đã lỡ tạo nghiệp xấu rồi thì phải chịu lấy quả báo xấu.

Bây giờ nếu đứng về Sự Tướng mà nói thì tội báo là thật. Con người sống trong thế gian nầy vì còn mang thân ngũ uẩn tức là còn thấy có Tướng thì còn phải giữ giới luật. Mọi ý niệm, lời nói và hành động phải dựa vào Chánh đạo tức là giữ giới ngay cả trong tâm và giữ cả ngoài thân. Nói một cách khác là ngày nào còn sống là ngày ấy chúng ta còn giữ giới luật. Chỉ khác là khi tâm được thanh tịnh tức là tâm không còn dính mắc, sáu căn thường sáng tỏ nên giữ giới mà không thấy mình giữ giới, không thấy có giới để giữ thì mới là giữ giới chân thật. Tại sao? Bởi vì tâm thanh tịnh là Chơn tâm, là tâm của Bồ-tát nên bộ ba Thân-Khẩu-Ý luôn được thanh tịnh. Vì tư tưởng, lời nói và hành động đều là thiện nên họ cứ thản nhiên mà sống, tự nhiên mà làm. Tâm không còn vọng tưởng si mê nên nhiễm ô ác xấu cũng tan biến.

Khi dựa vào sự Tướng hay dựa theo giáo lý Tiểu thừa thì thế gian vạn pháp là thật. Thân có thật và tội nghiệp phát xuất từ thân thì cũng thật. Vì thế có nhân quả tội phước rõ ràng. Nếu gây tội thì phải trả, phải ăn năn sám hối và làm việc tốt để chuộc lỗi xưa mà đền bù lại. Đối với người tu Tiểu thừa thì Giới luật là kim chỉ Nam để tu đạo, hành đạo và chứng đạo. Vì thế ngày xưa khi mới vào xuất gia thì các chú Sa di phải học giới luật trước. Có chịu nổi khuôn khổ của nhà chùa thì các Sư mới dạy pháp. 250 giới phải thực hành đứng đắn, nếu lỡ phạm tội thì phải ghi nhớ để đừng tái phạm.

Còn theo Đại thừa vì cốt nhìn vào Thể Tánh bên trong nên Tâm Giới thì quan trọng hơn là Tướng Giới mặc dầu không bỏ Tướng Giới. Theo Giới Tướng thì lỡ phạm tội thì tội ấy cứ theo con người dai dẳng mặc dù họ đã ăn năn sám hối vì thế tâm bất an. Còn theo Tâm Giới thì tội nghiệp là Không nên nếu lỡ phạm tội thì chỉ cần thật lòng tự tâm sám hối thì tội sẽ tan mất. Có quyết tâm tự nguyện không tái phạm thì mới là sự sám hối chân chính. Tội tan thì tâm được thanh tịnh. Người tu Tiểu thừa vì còn chấp nên không dám làm việc gì vì sợ phạm tội. Chẳng hạn như có căn nhà đang cháy và có cô gái trẻ đẹp đang kẹt ở bên trong. Nếu chấp và sợ tội nên không nhảy vào cứu thì cô gái kia sẽ cháy thành tro. Như thế thì làm sao mà gọi là từ bi được? Thấy người chết mà không cứu thì tu hành để làm gì? Vì thế mục đích của Đức Phật khi chế ra giới luật là muốn cho Phật tử đừng có tham đắm làm tâm bất tịnh. Nếu làm bất cứ việc gì mà vì lợi ích cho chúng sinh chớ không phải cho riêng mình và với tâm Bồ-tát thì tuy không thấy giữ giới mà chính thật là giữ giới vậy cho nên trong tiền thân Đức Phật đã có lần giết những tên tướng cướp lái đò để cứu những người khách thương vô tội là vậy. Có rất nhiều Bồ-tát thị hiện trong thế gian nầy để cứu độ chúng sanh vì thế việc gì họ làm cũng được. Những việc mà chúng ta cho là tội lỗi thì họ cho là bình thường chả có gì là tội cả vì Bồ-tát biết rằng vạn pháp là Không cho nên làm mà như không làm tức là làm chơi thì có gì phải bận tâm. Họ không chấp phương tiện mà chỉ nhìn cứu cánh lợi lạc cho chúng sinh thì làm. Thí dụ như tay có vết thương cũng như con người còn tham nhiễm thì nếu đụng vào người bệnh cùi thì sẽ bi lây ngay. Còn nếu tay không bị thương như người có tâm thanh tịnh thì dầu có đụng người cùi thì cũng vậy thôi. Đâu có bị lây bệnh cùi tức là tâm vẫn hằng thanh tịnh không bị nhiễm ô.

Tóm lại, trong thế gian nầy nếu có việc khó làm ngay cả cứu người mà phạm giới thì người tu theo hạnh Tiểu thừa liền xa lánh. Ngược lại người tu theo hạnh Bồ-tát tự nguyện xông vào làm mà không sợ nguy nan hay tội nghiệp miễn sao cứu giúp được chúng sinh. Riêng họ dầu có thiệt thòi hay bị tội nghiệp cũng chẳng sao. Đây chính là Tâm Đại Bi vì người quên mình vậy.

- Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Sau phút giây lãnh hội pháp ngữ hùng hồn siêu việt của ông Duy Ma Cật, hai vị Tỳ Kheo bèn tán thán: Ôi! thượng trí thay! Ngài Ưu Bà Ly không bằng được.

Đấy mới là người trì luật tối thượng. Đấy mới là người luận giải luật đệ nhất. Tuyệt diệu thay! Không còn ngôn từ tán thán cho vừa.

- Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Lúc đó con cũng cảm kích và xúc động. Con nghĩ rằng : Ngoài Đức Như Lai ra, chưa có một vị Thanh văn, Bồ-tát nào có biện tài lạc thuyết vô ngại của một bậc trí tuệ thông đạt tuyệt luân như vậy.

- Bạch Thế Tốn Khi bấy giờ hai vị Tỳ Kheo kia dứt trừ mọi hoang mang sợ sệt và dũng mãnh phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì duyên cớ đó, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.


Hai vị Tỳ kheo được nghe ông Duy Ma Cật luận giải để dẫn dắt những người tu theo hạnh Tiểu thừa thấy được con đường sáng rộng rãi mênh mông mà chuyển sang tư tưởng Đại thừa. Có phá được chấp ngã chấp tướng và từ bỏ lý vô thường sinh diệt mới có thể bước sang lý Chân Không Diệu Hữu bất sanh bất diệt của Bát Nhã.

Vì còn chấp pháp nên thấy vạn pháp là thật, tội nghiệp là thật và dĩ nhiên quả báo cũng thật nên người tu theo Tiểu thừa rất lo sợ làm tâm bất tịnh. Khi hai vị Tỳ Kheo đã thấu hiểu “Tội tánh vốn Không” và “Tội tòng tâm khởi tòng tâm diệt” thì giữ giới mà không thấy mình giữ giới, không thấy có giới để giữ thì mới là giữ giới chân chính. Tâm thanh tịnh thì không làm điều ác, không tạo nghiệp thì cuộc sống sẽ an nhiên tự tại. Sau khi nghe xong hai vị Tỳ Kheo như người vừa chợt tỉnh chiêm bao, không còn hoài nghi sợ hãi, tán thán công đức ông Duy Ma Cật và cùng phát tâm Bồ-đề. Họ nguyện theo Bồ-tát đạo, đó là tự giác rồi giác tha, không nguyện cho riêng mình mà nguyện cho tất cả chúng sinh đều có biện tài vô ngại. Đây chính là dám từ bỏ con đường nhỏ hẹp ích kỷ mà bước sang con đường rộng lớn vị tha vậy.

Chính tôn giả Ưu Bà Ly rất khâm phục và ngưỡng mộ tài biện thuyết vô ngại của ông Duy Ma Cật mà trên thế gian nầy ngoại trừ Đức Phật ra thì không có một vị Thanh văn hay Bồ-tát nào có được một trí tuệ tuyệt luân như vậy cho nên ông không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

|