A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
   

Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương thứ năm
(Bodhisatva Manjusri)


Phẩm
VĂN THÙ BỒ-TÁT Thăm Bệnh

(The Consolation of the Invalid)


Văn Thù Sư Lợi cũng được gọi là Mạn Thù Thất Lợi có nghĩa là Diệu Đức tức là mọi đức đều tròn đầy. Vì có đủ ba đức lớn là Tín, Hạnh, Trí nên kinh điển thường gọi Ngài là Đại Trí Văn Thù. Ngài Văn Thù đã chứng được Hậu Đắc Trí tức là đã loại bỏ tất cả mọi phiền não vô minh nên có trí tuệ thông suốt và giác ngộ hoàn toàn. Dựa theo Duy Thức Luận thì Ngài có thể chuyển tám thức: A Lại Da Thức thành Đại Viên Cảnh Trí tức là trí sáng như tấm gương lớn và tròn đầy, Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Cảnh Trí tức là trí có năng lực nhận thức tính bình đẳng và vô ngã của vạn pháp, Ý Thức thành Diệu Quan Sát Trí tức là trí có năng lực quan sát vạn pháp rất thâm diệu và Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức thành ra Thành Sở Tác Trí tức là trí có năng lực nhận thức cùng khắp và rất thần diệu. Ngoài ra Ngài thấu hiểu Phật tánh bao gồm cả ba đức là Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát cho nên trong hàng Bồ-tát Ngài là thượng thủ. Văn Thù Sư Lợi xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm, Duy Ma Cật…như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca.

Là vị Bồ-tát tiêu biểu cho trí tuệ, Văn Thù Sư Lợi thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Biểu tượng đặc thù của Ngài là trên tay phải, dương cao lên khỏi đầu, là một lưỡi gươm đang bốc lửa. Chính lưỡi gươm vàng trí tuệ nầy sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận và đưa con người đến trí tuệ viên mãn. Trong khi đó, tay trái của Ngài đang cầm giữ cuốn kinh Bát Nhã trong tư thế như ôm ấp vào giữa trái tim. Đây là biểu trưng cho Tỉnh thức Giác ngộ. Đôi khi chúng ta cũng thấy tay trái của Ngài cầm hoa sen xanh có nghĩa là dùng trí tuệ để dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái cũng như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn.

Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Văn Thù Sự Lợi:

-  Văn Thù! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Bồ-tát Văn Thù thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bậc thượng nhân kia khó đối đáp với ông khi đàm dạo. Ông đã quán triệt sâu sắc thực tướng. Thuyết pháp rất giỏi. Biện tài vô ngại, trí tuệ siêu thường. Ông biết hết pháp thức của Bồ-tát. Thâm nhập kho tàng bí mật của chư Phật. Hàng phục ma quân. Thần thông du hí. Trí tuệ, phương tiện đáng làm thầy người. Dù vậy, vâng lời Phật, con sẽ đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.


Đây là cuộc tranh luận về giáo pháp của hai nhân vật kiệt xuất đã chứng ngộ Phật tánh, chuyển Thức thành Trí và rời Sự Tướng sinh diệt bên ngoài mà nhập Thể Tánh thanh tịnh bất sanh bất diệt bên trong.

Các Bồ-tát, Thanh văn, Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên vương cùng có ý niệm:

-  Nay hai vị đại sĩ Văn Thù Sư Lợi và Duy Ma Cật đàm đạo, chắc sẽ nói những pháp mầu nhiệm sâu xa. Chúng hội cả mấy ngàn người đều muốn tháp tùng.

Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cùng đại chúng tùy tùng hàng hàng lớp lớp nghiêm trang cung kính đi vào thành Tỳ Xá Ly để thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông Duy Ma Cật biết Bồ-tát Văn Thù và đại chúng sắp đến. Ông cho dẹp hết các vật sở hữu chỉ để tịnh thất trống. Không có thị giả và độc nhất có một cái giường mà bệnh nhân là ông Duy Ma Cật nằm choán hết.


Tuy đoạn kinh nầy nói về bệnh của thân, nhưng thật ra muốn ám chỉ về tâm bệnh của con người. Khi dẹp bỏ hết tất cả các vật sở hữu như bàn ghế, tranh ảnh, vật dụng trong nhà ngay cả người hầu hạ là ám chỉ ông Duy Ma Cật đã dẹp bỏ hết mọi phiền não của thế gian. Ngay cả những tư tưởng thiện (thị giả) cũng không còn. Tâm ông bây giờ hoàn toàn thanh tịnh. Đây là muốn xiển dương Chân lý Nhất Như hay Nhất Chân Pháp Giới. Bởi vì có nghĩ thiện, nghĩ ác là còn tâm phân biệt tức là còn kẹt trong vòng nhị nguyên. Còn phân biệt tức là còn chấp trước thì không bao giờ tâm được thanh tịnh. Chân lý Nhất Như có nghĩa là thiện ác là một, tốt xấu là một, sanh tử là Niết Bàn hay phiền não là Bồ-đề. Vì thế Tâm Kinh có câu:
“Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.

Một thân nằm trên một giường có nghĩa là pháp thân không thể lìa huyễn thân hay huyễn thân ở trong pháp thân tức là huyễn hóa không thân tức pháp thân.

Bồ-tát Văn Thù vào thất thấy sự kiện có vẻ lạ thường chưa hỏi han được gì thì trưởng giả Duy Ma Cật cất tiếng:

-  Quý hóa thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi đến mà không có tướng đến. Thấy mà không có tướng thấy.

Văn Thù đáp:

-  Đúng vậy, thưa cư sĩ! Nếu đến thì lại chẳng đến. Nếu đi thì lại chẳng đi. Bởi vì đến không chỗ “Từ đâu”. Đi không chỗ “Tới nơi nào”. Gọi là “Thấy” kỳ thật chẳng thấy gì.

Vừa gặp gở cư sĩ Duy Ma Cật đã mời khách nếm ngay Pháp vị. Tướng là giả, Tánh là thật nhưng Tánh không thể rời Tướng được. Dựa theo Pháp Nhĩ Như Thị của nhà Phật thì thấy mà không có tướng thấy tức là thấy cũng như không thấy và không thấy cũng như thấy. Đây chính là Có cũng như Không và Không cũng như Có vì kinh Kim Cang đã xác định rằng Thật tướng của các Pháp là vô tướng. Đã là vô tướng thì làm sao thấy được! Vì Tướng và Tánh là một tức là không thể tách rời nhau vì thế cho dù Tánh là vô tướng nên không thấy, không đi, không đến nhưng Tướng là hữu hình, là vô ngã nên có thấy, có đi, có đến là vậy. Nói một cách khác nếu đứng về Tướng thì có thân người nên có mắt thấy, chân đi, miệng nói, có người có ta nhưng đứng về Thể Tánh thì tất cả là Chân Không bao trùm khắp cả, bất sinh bất diệt nên cái Chân Không nầy không lệ thuộc vào thời gian tức là sinh lão bệnh tử của luật vô thường hay không gian to nhỏ, nặng nhẹ, màu sắc… bởi vì tất cả đều là Một.

Lời chào của cư sĩ Duy Ma Cật là dựa vào Thể Tánh chân như bất sanh bất diệt nên làm gì có tướng đến tướng đi trong khi câu đáp lại của Văn Thù Bồ-tát cũng dựa vào Thể Tánh là chân không vô cùng vô tận nên không có chỗ đến và chẳng có chỗ về. Đây chính là ý nghĩa của chữ Như Lai vậy.

-  Thôi! Chúng ta gác lại chuyện ấy. Xin hỏi bệnh của cư sĩ có được đỡ chưa! Trị liệu có bớt không? Thế Tôn ân cần thăm hỏi và lo lắng lắm đó.

-  Do nguyên nhân gì cư sĩ phát sanh bệnh như thế? Bệnh đã bao lâu rồi và phải làm sao cho hết?

Ông Duy Ma Cật nói:

- Vì có si mê ái nhiễm mà bệnh của tôi sanh. Vì tất cả chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sinh không bệnh thì bệnh của tôi lành. Bởi vì Bồ-tát vì chúng sinh cho nên vào trong sanh tử. Có sanh tử thì có bệnh. Ví như vị trưởng giả có một đứa con, đứa con bệnh cha mẹ cũng bệnh theo. Nếu bệnh của con lành thì bệnh của cha mẹ cũng lành. Bồ-tát cũng vậy. Với chúng sinh thương như con một. Chúng sinh bệnh thì Bồ-tát bệnh. Chúng sinh lành thì bệnh của Bồ-tát cũng lành.

Ngài hỏi: Do nguyên nhân gì, bệnh của tôi phát sinh.

Xin thưa:

-  Bệnh của Bồ-tát phát sinh do tâm đại bi.

Bồ-tát thương tất cả chúng sinh với tâm vô phân biệt như cha mẹ thương đứa con duy nhất của mình nên khi thấy chúng sinh còn bệnh thì làm sao Bồ-tát an vui tự tại riêng mình cho được. Dẫu biết rằng thân là tướng, là huyễn hóa nên phải chịu sanh lão bệnh tử của luật vô thường thì đau yếu bệnh hoạn đâu có gì quan trọng, nhưng ông trưởng giả nầy đâu có thật bệnh mà chỉ dùng cái cớ để xuyển dương Thật tướng, giải bày Pháp tánh và giới thiệu Pháp thân để giúp chúng sinh có cái nhìn sâu xa về một thế giới vĩnh hằng bất sinh bất diệt mà không hề bị ái nhiễm của cuộc đời làm ô uế. Vì con người tin chắc là sắc thân tứ đại của họ là thật nên lòng tham si, ái nhiễm phát sinh mà hành hạ họ. Ngược lại khi đã biết ngũ uẩn là Không thì con người sẽ không còn bị vướng mắc vào cuộc sống ô tạp nầy mà chú tâm vào bản Thể bất sinh bất diệt bên trong thì tâm sẽ được thanh tịnh mà không còn gây ra nghiệp để phải chịu quay cuồng trong sinh tử luân hồi. Vì thương chúng sinh nên Bồ-tát mới thị hiện trong thế gian mà nhận lấy sắc thân tứ đại và phải chịu cảnh sanh, già, bệnh, chết cũng như mọi người để cứu độ chúng sinh. Vì có đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thì mới cảm thông được mọi nổi khổ đau, bất hạnh của thế nhân mà cứu giúp họ được. Không đau, không bệnh thì làm sao biết bệnh tật khổ đau như thế nào? Đây chính là tâm đại bi của Bồ-tát.

Bồ-tát Văn Thù hỏi:

-  Vì sao thất của Ngài trống không và không có thị giả?

Ông Duy Ma Cật đáp:

-  Cõi nước của chư Phật cũng không như vậy.

-  Do đâu mà biết không?

- Do trống không cho nên biết không
.
- Dùng không để không cái gì?


- Dùng không để không phân biệt.


-  Đã không thì phân biệt được gì?


-  Phân biệt cũng không.


-  Tìm cái không ở đâu, dựa vào đâu để nhận biết?


-  Dựa vào 62 thứ kiến chấp của ngoại đạo.


-  62 thứ kiến chấp phải tìm ở đâu?


-  Tìm trong đức giải thoát của chư Phật.


-  Đức giải thoát của chư Phật phải tìm ở đâu?


-  Tìm nơi tâm tánh của tất cả chúng sinh.


Nhà trống không, không có thị giả ngay cả cõi Phật cũng không nhằm khai thị đạo lý chân không của Bát nhã mà trong Tâm kinh có câu:“Hành thâm Bát nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”

Quán chiếu thân mình là không thật, không có nghĩa là thân nầy không thật có, không hiện hữu. Không thật theo giáo lý nhà Phật là không bền, không chắc nên kinh điển mới ám chỉ thân nầy là giả huyễn, như ánh chớp, như khói, như sương vì mới thấy đó thì đã mất. Cuộc đời bảy, tám chục tuổi trôi qua nhanh như một làn khói. Sanh ra, lớn lên, cố gắng tạo sự nghiệp, đào tạo con cái rồi khi quay nhìn lại thì tóc đã bạc trắng rồi. Nhưng cái Không không thể rời cái Có tức là Thể và Tướng là một vì thế khi hiểu đạo thì cái Không là ở ngay trong cái Có nghĩa là con người có thể tìm thấy cái Bản Thể thanh tịnh của mình ở ngay trong cái thân Tướng có sinh có diệt nầy.

-  Thưa Ngài Văn Thù! Ngài hỏi vì sao tôi không có thị giả. Thưa Ngài: Tất cả ma quân và các ngoại đạo là thị giả của tôi. Bởi vì ma quân rất ưa sanh tử, mà Bồ-tát thì ở trong sanh tử không xa rời. Ngoại đạo ưa kiến chấp, Bồ-tát thì ở trong kiến chấp mà không động.

Văn Thù hỏi:

-  Bệnh của cư sĩ trạng huống ra sao?

-  Bệnh của tôi không hình trạng không thấy được.

-  Bệnh của Ngài thuộc thân hay thuộc tâm?

-  Không phải thuộc thân vì tôi đã ly cái tướng thân. Cũng không phải thuộc tâm vì tâm như huyễn.

-  Địa, thủy, hỏa, phong, trong tứ đại, Ngài bệnh đại nào?

-  Bệnh của tôi không phải đại địa, nhưng không rời đại địa. Không phải thủy, hỏa, phong cũng không rời thủy, hỏa, phong. Bệnh của chúng sinh phát từ tứ đại. Chúng sinh bệnh cho nên tôi bệnh.

Ma là những chúng sinh đắm mê sắc dục, không sợ sinh tử và thường làm chướng ngại cho kẻ tu hành. Ngoại đạo là những người đi tìm Chân lý ở ngoài tâm vì họ có rất nhiều kiến chấp và vọng tưởng. Thông thường con người rất sợ chướng duyên. Chẳng hạn như người vợ muốn đi chùa, ăn chay, niệm Phật thì người chồng thích ca nhạc, ăn chơi, nhậu nhẹt. Vì tư tưởng bất đồng nên đời sống lứa đôi thường có lúc không vui. Nhưng thật ra chướng duyên mới là Phật duyên. Tại sao? Bây giờ chúng ta hãy trở về với kinh thì sẽ rõ. Nếu không biết say đắm thì làm sao biết đắm say là sa ngã, là trụy lạc? Nếu không có kẻ ác thì làm sao biết giá trị của người thiện? Nếu không có kẻ nóng giận, phẩn nộ thì làm sao biết tính nhẫn nhục là hay? Nếu không có người bần tiện, bỏn xẻn thì làm sao biết việc bố thí, cúng dường là mở rộng từ tâm? Nếu không có kẻ loạn tâm thì làm sao biết giá trị của thiền định hay niệm Phật? Do đó chúng ma, ngoại đạo bây giờ không còn là chướng duyên mà chính là những trợ duyên rất cần thiết cho con người làm đối tượng mà sống. Cũng như có chúng sinh, có phiền não mới có Bồ-tát. Đối với giáo lý đại thừa, một khi con người làm chủ được tâm của mình thì những hiện tượng ở bên ngoài không thể nào lay động được thanh tâm của họ. Nói một cách khác là nếu mình làm chủ được tâm của mình tức là tâm không động thì những dục lạc, kiến chấp của thế gian không cách nào lôi kéo chúng ta được.


Chúng sinh vì tâm chưa thanh tịnh nên còn phân biệt. Tâm phân biệt là tâm còn chấp có thiện có ác, có tốt có xấu, có sanh có tử… Còn Bồ-tát vì không còn chấp trước, phân biệt nên t&hiền não tức Bồ-đề. Khi tâm động thì phiền não hiện ra còn tâm tịnh thì phiền não biến đi, Bồ-đề xuất hiện. Do đó muốn quay về với cái Không thì chúng sinh phải biết buông xả, tâm không còn phân biệt, loại trừ chấp ngã chấp pháp thì tâm sẽ hoàn toàn thanh tịnh mà thấy được cái Bản Thể Chân Không Thật tướng của mình. Chúng sinh vì si mê ái dục mà có bệnh trong khi Bồ-tát vì thương chúng sinh, vì lòng đại bi nên bệnh theo chớ đối với các Ngài thì thân, tâm là huyễn hóa, là giả tạm nên họ đã ly cách nó từ lâu. Cũng như Địa Tạng Vương Bồ-tát phát lời thệ nguyện là khi nào còn chúng sinh trong chốn U minh, địa ngục thì Ngài sẽ không thành Phật. Ngài độ hết thảy chúng sinh trong ba đường dữ rồi mới chứng đạo Bồ-đề. Vì thế nếu chúng sinh bệnh thì Bồ-tát còn bệnh và khi nào chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát tức khắc lành ngay. Tóm lại tư tưởng đại thừa của Bồ-tát là Chân lý Nhất như tức là tất cả là một. Vì có chúng sinh nên mới có Bồ-tát do đó nếu không có chúng sinh thì Bồ-tát làm sao thực hành tâm đại bi của mình. Do đó trong nước đục mà vẫn có nước trong, trong phiền não mà vẫn tìm thấy Bồ-đề hay trong sinh tử mà vẫn có Niết bàn. Vì thế chúng sinh không cần phải đi đâu xa để tìm giải thoát giác ngộ mà chỉ cần quay về với tâm hạnh của mình thì có giải thoát giác ngộ ngay. Phật dạy khi mê là chúng sinh còn biết thức tỉnh là giác, là Phật.

Văn Thù hỏi:

-  Khi một Bồ-tát nhuốm bệnh, vị Bồ-tát đi thăm bệnh phải thăm hỏi thế nào, nói những gì?

Ông Duy Ma Cật đáp:

-  Bồ-tát đi thăm bệnh nên nói: Rằng thân vô thường, nhưng không bảo phải chán bỏ thân. Rằng thân là khổ, nhưng không khuyên nhận cái vui Niết bàn. Rằng thân là vô ngã, mà khuyến khích tích cực giáo hóa chúng sinh. Rằng thân rỗng lặng như hư không, nhưng không nói vĩnh viễn không như sừng thỏ, lông rùa. Rằng nên ăn năn tội trước, nhưng không nên ôm ấp những lỗi đã qua. Hãy quán xét bệnh của mình mà thương xót người đang có bệnh. Phải tự thức tỉnh rằng: ta đã từng khổ đau trong nhiều đời kiếp, mà đừng quên nghĩ đến việc lợi lạc chúng sinh. Nhớ làm phước đức, luôn nghĩ tưởng đời sống trong sạch. Không nên sanh tâm buồn rầu, thường khởi tâm tinh tấn. Ta phải làm vị đại y vương để trị bệnh cho tất cả chúng sinh.

-  Bồ-tát đi thăm bệnh phải hỏi như thế, an ủi như thế khiến cho Bồ-tát có bệnh phát khởi hoan hỷ.

Đoạn kinh nầy muốn đề cao con đường trung đạo của đạo Phật. Cũng như lên sợi dây đàn, nếu căng quá thì dây đàn sẽ đứt, còn dùn thì không đúng âm thanh. Cái nhìn về thân thì cũng thế. Tuy biết thân là vô ngã, vô thường, là không, là bất tịnh, là nguồn gốc của khổ đau nhưng không vì thế mà sanh ra nhàm chán, ghét bỏ thân mình. Ngược lại cũng không quá quý trọng cái thân giả huyễn mà tạo ra nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời. Con đường trung đạo ở đây là chúng sinh chỉ xem tấm thân như là chiếc bè dùng để qua sông tức là nhờ tấm thân vô thường nầy mà thấy được Pháp thân thường trụ của mình. Biết thân là vô thường thì phải tinh tấn tu hành để được giải thoát chớ chán thân, chán đời càng làm cuộc đời thêm khổ chẳng ích lợi gì. Biết thân là vô ngã mà vẫn dùng thân làm phương tiện để làm lợi ích chúng sinh, quên mình vì người noi theo Bồ-tát đạo. Biết thân là Không nhưng vẫn tích cực hoạt động làm lợi ích cho người, nương theo thân giả huyễn để thấy được Pháp thân chân thật của mình. Biết thân là bất tịnh, là nguồn gốc của khổ đau nhưng trong thân vẫn có tánh thanh tịnh, tịch diệt, an vui của Niết Bàn.

Con người của chúng ta chẳng qua là kết quả của biết bao nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo nên. Ngoài những bậc đã chứng Thánh quả, kẻ phàm phu không biết được trong những kiếp quá khứ mình đã tạo những tội nghiệp gì. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi lo sầu, quan tâm về những tội nghiệp kiếp xưa nầy thì chỉ làm tâm thêm lo lắng, bất an, không ích lợi gì cho đời mình cả. Đối với Bồ-tát thì quá khứ đã qua đi, không bao giờ có thể nắm bắt lại được nên họ quên nó đi vì nếu để quá khứ ám ảnh, tội lỗi ray rứt thì hối hận đau khổ sẽ theo ta hoài, khó mà dứt được. Tội nghiệp cũng ví như một ly thuốc độc. Nếu ta uống ly thuốc độc nầy thì chắc chắn sẽ chết. Nhưng bây giờ nếu đem ly thuốc độc nầy hòa tan vào trong cái hồ thật lớn rồi múc một ly lên uống thì không hề hần gì. Vẫn biết tội tánh vốn Không, chẳng có Thật tướng, do tâm sinh thì lại do tâm diệt cho nên không cần biết trong đời quá khứ mình đã lở tạo những nghiệp nhân gì, chỉ cần trong đời nầy chúng sinh vun bồi thật nhiều thiện nghiệp, kiến tạo rất nhiều công đức và phước đức thì cũng như nước trong hồ lớn kia vẫn thơm ngon tinh khiết như thường, cứ uống có gì phải sợ. Đó là cách lấy công chuộc tội thực tế nhất.

Thêm nữa, Bồ-tát không còn tạo nghiệp bởi vì các Ngài biết nghiêm trì sáu căn. Đó là giữ cho Mắt, Tai, Lưỡi, Mũi, Thân và Ý đừng bị ô nhiễm, dính mắc nơi sáu trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp làm cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh. Các Ngài không làm việc ác mà chỉ toàn làm việc thiện và đem tất cả công đức hồi hướng cho mọi loài chúng sinh thì các nghiệp cũ tan đi, mọi bệnh khổ được tiêu trừ. Các Ngài nguyện làm những vị thầy thuốc giỏi, phát chí làm đại y vương để chửa tâm bệnh và thân bệnh cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát tuy thị hiện cũng mang thân bệnh như chúng sinh nhưng các Ngài vẫn ung dung tự tại, không buồn rầu, than trách mà luôn tinh tấn cứu giúp chúng sinh với tâm Bồ-đề lợi tha, vô ngã. Đây là những lời an ủi, thăm hỏi của Bồ-tát không bệnh làm cho Bồ-tát có bệnh phát khởi hoan hỷ vậy.

Văn Thù hỏi:

-  Thưa cư sĩ! Bồ-tát có bệnh phải điều phục tâm mình như thế nào?

Trưởng giả Duy Ma Cật đáp:

-  Bồ-tát có bệnh nên quán chiếu và tư duy rằng, bệnh của ta hôm nay là do phiền não vọng tưởng điên đảo đời này, đời trước mà sanh ra. Nó là pháp không thật thì ai là người thọ bệnh.

Thân nầy là kết quả của sự tổ hợp, nương gá tứ đại mà thành. Tứ đại không có chủ tể thì thân nầy là vật vô ngã. Bệnh sanh khởi là do chấp ngã. Vì vậy, đối với bản ngã không nên sanh tâm luyến ái chấp mắc.

Thân của con người là do đất, nước, gió. lửa hòa hợp mà thành. Mà đã là do tứ đại tạo thành thì đâu phải là của Ta. Nếu thân là của Ta thì chúng ta đâu có cần ăn, uống, hít thở…mà vẫn sống phây phây. Vì thế một khi thân còn tùy thuộc vào những vật chất bên ngoài thì thân không có chủ thể
, có hợp có tan, có thành có hoại, không có tự tánh, là vô ngã tức là Không. Nhưng con người không chấp nhận như thế, đi ngược lại với định luật sinh tồn của nhân sinh vũ trụ nên chấp thân nầy là thật, là của Ta nên cố bám víu, bảo vệ, vun bồi những sở hữu cho cái Ta nầy. Đây chính là chấp Ngã vậy. Vì chạy theo bản Ngã mà con người nếm mùi khổ đau. Lo bảo vệ cái bản Ngã nên con người cứ mãi tạo nghiệp cho nên đời nầy tan thì đời khác đến nối đuôi chồng chất mãi không thôi. Càng tạo nghiệp thì con người càng lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau. Biết thân là không thật, là giả huyễn thì con người không còn luyến ái bởi vì ái thân tức là ái ngã mà chúng sinh tạo ra nghiệp. Vì thấy Ta là thật và thấy nhân sinh vũ trụ cũng là thật nên có chấp ngã, chấp pháp. Mà có chấp là có điên đảo và dĩ nhiên bệnh khổ vẫn còn. Người nặng chấp ngã thì dễ bị tự ái và mang tính tự đại. Hễ ai đụng tới cái ngã là bừng bừng nổi giận. Còn ai tâng bốc cái ngã thì ưa, thì thích. Khi đã biết thân nầy là không thật thì ái ngã sẽ không còn, những ý niệm như tham lam, giận hờn, si mê cũng vì thế mà tan biến. Từ đây chúng sinh mới có được sự an lạc trong tâm thức của mình.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:
Đã biết nguồn gốc của bệnh, cần phải trừ bỏ quan niệm “chấp ngã” và “chúng sinh”. Chỉ lưu lại ý tưởng về “pháp”. Do các pháp hợp lại mà thành thân. Sanh chỉ là pháp sanh; diệt chỉ là pháp diệt. Pháp thì chẳng biết gì nhau. Khi sanh chẳng nói ta sanh. Khi diệt chẳng nói ta diệt. Tư duy như vậy, Bồ-tát có bệnh trừ diệt quan niệm về “pháp”. Lại tư duy rằng: quan niệm về “pháp” cũng là một thứ điên đảo. Điên đảo còn thì còn khổ não, còn bệnh hoạn. Thế nên Bồ-tát khởi ý tưởng “Ly”.

-  Ly là thế nào?
-  Ly ngã và ngã sở.
-  Ly ngã, ngã sở là sao?
-  Ly cả hai pháp.
-  Ly cả hai pháp là thế nào?
-  Ly nội tâm, ly ngoại cảnh, thể hiện tánh bình đẳng.
-  Bình đẳng như thế nào?
-  Bình đẳng về ý niệm ngã và bình đẳng về ý niệm Niết bàn. Nhận thức rõ ràng: Ngã vốn không, Niết bàn cũng chẳng có. Ngã và Niết bàn đều không.
-  Do gì mà biết đó là không?
-  Tư duy rằng chúng chỉ dựa trên văn tự mà giả lập. Chúng không có tính quyết định. Hiểu được tính bình đẳng đó thì không còn bệnh nào khác, chỉ có bệnh “không”. Cuối cùng “không” cũng không. bấy giờ Bồ-tát có bệnh sử dụng vô sở thọ mà thọ cái thọ. Khi nào Phật pháp chưa đầy đủ, cũng không diệt thọ để nhận lấy quả sở chứng. Giả sử thân có khổ, nhớ nghĩ chúng sinh trong ác thú phải khởi lòng đại bi: rằng ta đã điều phục cũng sẽ điều phục cho chúng sinh. Vì vậy, chỉ trừ bỏ bệnh chấp mà không trừ bỏ “pháp”. Vì muốn trị dứt gốc bệnh của chúng sinh mà giáo hóa họ.

Vì chúng sinh tin chắc thân mình là thật, là chắc chắn, là của Ta nên mới phát sinh ra chấp ngã. Có chấp ngã thì dĩ nhiên phải có ngã sở là tạo tác những vật thể để cung phụng cho cái Ta. Cũng vì nhầm lẫn cái gì cũng là của riêng mình, cho mình và vĩnh viễn thuộc về mình nên những tính bất thiện như ích kỷ, đố kỵ, tham lam, giận hờn, mạn nghi, tà kiến cũng từ đó mà đua nhau sinh khởi. Cái bản ngã càng cao thì vô minh càng lớn và dĩ nhiên trí tuệ càng bị lu mờ nên con người không bao giờ sáng suốt. Bây giờ nếu tư duy quán chiếu thì thấy rằng thân mình không thật vì nếu thân là thật của riêng mình thì khi chết tại sao con người không mang nó đi theo? Mình không thật thì chúng sinh, vạn vật cũng không thật. Mà bệnh là ở do thân vì có thân mới có bệnh. Nay biết thân không thật nên phá được chấp ngã. Chấp ngã không còn thì ngã sở cũng tan biến. Bây giờ con người nhìn tất cả mọi vật trên thế gian nầy chỉ là phương tiện để sống, không xem nó quan trọng thì chúng ta sẽ không còn lệ thuộc vào nó. Có phá được chấp ngã, chấp pháp thì mới có trí tuệ sáng suốt để nhìn thấy thật tướng của nhân sinh vũ trụ mà phát huy tinh thần bình đẳng. Mặc dầu tất cả nhân sinh vũ trụ bề ngoài tuy có hình tướng khác nhau, nhưng tất cả đều cùng có một Bản Thể thanh tịnh như nhau, không hai không khác. Vì thế nếu chưa có trí tuệ Bát nhã thì thấy còn có Ta, có người, có vạn vật. Cũng vì sự thấy biết phân biệt nầy mà con người mới có sự chia rẽ, đố kỵ, thù oán, tranh chấp để bảo vệ cái Ta của mình mà tạo nghiệp. Bây giờ với trí tuệ Bát Nhã thì chúng ta không quan tâm đến những hình tướng sinh diệt bên ngoài mà chỉ nhìn thấu suốt vào cái Bản Thể Chân Như thanh tịnh, bất sanh bất diệt bên trong thì ai cũng như nhau. Phật và người ăn mày có khác gì đâu vì cả hai cùng đều có Phật tánh như nhau. Nhìn đâu đâu cũng là thân bằng quyến thuộc, ai ai cũng đáng thương xót để nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi. Tâm không còn phân biệt thì không còn chê dở khen ngon, chê xấu khen tốt, chê nghèo khen giàu… Tất cả những hiện tượng của thế gian không làm tâm dao động thì đây chính là tâm thanh tịnh vậy. Khi tâm đã được an vui tự tại thì Niết bàn còn dùng vào đâu mà cầu chứng với đắc!

-  Thế nào là gốc bệnh?
-  Gốc bệnh có vì có tâm phan duyên. Chừng nào còn có tâm phan duyên thì gốc bệnh còn.(Phan duyên là tâm không an, bất tịnh, ngồi nơi nầy mà nghĩ nơi khác).

-  Đối tượng phan duyên là gì?
-  Đối tượng phan duyên là tam giới.

-  Làm sao đoạn được phan duyên?
-  Muốn đoạn phan duyên phải vô sở đắc. Vô sở đắc thì hết phan duyên.

-  Sao gọi là vô sở đắc?
-  Vô sở đắc có nghĩa là phải viễn ly hai thứ kiến chấp.

-  Hai thứ kiến chấp là gì?
-  Là nội kiến và ngoại kiến. Nội kiến là chấp bản ngã của tự thân. Ngoại kiến là chấp hiện tượng vạn pháp bên ngoài.

-  Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Đây là những điều Bồ-tát có bệnh cần phải điều phục tâm mình. Nhằm đoạn trừ các khổ, lão, bệnh, tử. Đó là Bồ-đề của Bồ-tát. Nếu không như thế thì việc tu sửa của mình sẽ không có được trí tuệ sắc bén. Ví như có chiến thắng đối thủ ngoan cường thì mới gọi là chàng dũng sĩ! Được vậy, Bồ-tát gọi đó là chiến sĩ tiêu trừ bọn giặc cướp: lão, bệnh, tử.

-  Bồ-tát có bệnh quán chiếu tư duy rằng: Bệnh của ta đây không thật có. Bệnh của chúng sinh cũng không thật có. Quán chiếu tư duy như thế đối với chúng sinh. Nếu sanh khởi lòng đại bi ái kiến thì cần phải xả ly. Bởi vì Bồ-tát nhằm đoạn trừ khách trần phiền não mà phát khởi lòng đại từ bi. Nếu lòng đại bi còn có tâm ái kiến thì ở trong sanh tử sẽ có lúc mỏi mệt mà thoái thoát đạo tâm. Xa lìa đại bi ái kiến thì hóa độ chúng sinh đời nầy, kiếp khác cùng không có chán nản mỏi mệt. Người không bị ràng buộc. Đang bị ràng buộc mà dạy cách mở ràng buộc cho người khác là chuyện không thể có. Mình không bị ràng buộc, mở ràng buộc giúp cho người khác là việc dễ dàng! Thế nên Bồ-tát không nên làm những điều gì khiến cho mình bị ràng buộc.

Bồ-tát vào đời là muốn cứu giúp chúng sinh, dạy dỗ chúng sinh phá trừ vô minh, vọng thức đã làm cho tâm điên trí đảo mà sanh ra phiền não khổ đau để tạo nghiệp. Hễ có nghiệp là có tái sinh, là còn sinh tử, là nguồn gốc của bệnh, già và chết. Do đó nếu muốn trừ cái gốc của khổ đau đã cột chặt con người vào tam giới thì phải biết tư duy quán chiếu để thấu hiểu rằng vạn pháp vô sở đắc tức là tất cả mọi vật thể trong thế gian nầy không có gì là được cả. Tại sao? Bởi vì trong thế gian nầy, không có cái gì là thật có cả. Vạn pháp trong thế giới hữu hình nầy chẳng qua là kết quả của những duyên khởi tức là ngày nay nếu duyên kết là có, ngày mai duyên tan là mất, là hoại. Vì thế mới có câu:”Vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn” là vậy. Thế giới vũ trụ, kể cả con người cũng là giả huyễn, là hư vọng thì lục căn, lục trần, lục thức đều là hư huyễn, là ảo ảnh, là sương mai, là điện chớp, là phù du mà thôi. Có ai bắt được làn khói đâu? Con người vì bị vô minh che lấp nên nghĩ rằng cái gì trong đời nầy cũng thật, cũng bền chắc nên cố tạo tác, giữ gìn để tạo ra nghiệp đến khi buông tay nhắm mắt mới biết tất cả cũng như những làn khói lam chiều mà thôi. Khi biết được như thế thì con người sẽ không còn bám giữ tức là phá được chấp ngã và chấp pháp rồi. Khi thực hành được như vậy thì bên trong tâm không hề bị dao động và bên ngoài không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thăng trầm của tạo hóa. Được như thế thì tâm chắc chắn sẽ thanh tịnh tức là chúng ta đang sống với chân tâm, với thật tánh, với ông Phật của chính mình vậy.

Ngay cả Bồ-tát mà còn phải sợ chấp ngã, chấp pháp sao? Vì còn chấp ngã nên thấy có Ta và chấp pháp nên thấy có người và vạn pháp. Có Ta nên Ta bệnh mà thương chúng sinh bệnh, đó là ái kiến. Tại sao? Vì thấy có Ta nên tuy là làm lợi ích cho chúng sinh, nhưng làm lâu thì sẽ mệt mỏi, làm hoài thì sẽ nhàm chán. Còn thấy có người nên thấy chúng sinh đau khổ thì mình thương, mình giúp đở và thấy chúng sinh xấu ác thì mình ghét, mình xa lánh. Chính vì có Ta và có người mà tâm có sự phân biệt, bất bình đẳng làm tổn thương lòng từ bi, đánh mất tánh vô tư, chánh trực. Bây giờ nếu không còn chấp ngã, chấp pháp thì Bồ-tát khi làm mọi việc mà không còn thấy mình làm, không còn thấy chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt thì đây chính là làm việc trong tinh thần vô ngã, vị tha của nhà Phật. Thí dụ có một ni cô làm việc thiện trong một viện mồ côi. Trong viện mồ côi nầy có hàng trăm trẻ em, lớn có, nhỏ có, thông minh có, khờ dại có, xinh có, xấu có… Vị ni cô nầy vì thương chúng sinh mà giúp đời, nhưng nếu gần gủi lâu ngày với các em thì sẽ thích em nầy hơn, thấy em kia dễ thương hơn,  bực mình vì em nọ khó dạy quá… thì tâm từ bi sẽ biến thành ái kiến từ bi tức là từ bi mà còn thiên vị. Một yếu tố chính của độ sanh vô ngã là Bồ-tát, hay chúng sinh khi làm việc lợi ích cho người thì đừng nên nhớ việc làm của mình. Làm rồi thì quên vì nhớ là còn mong đợi người đền đáp hoặc kể công để khoe khoang chỉ làm tăng trưởng cái bản ngã của mình. Không còn bị ái kiến che lấp Chân Tánh thì sẽ không còn bị ràng buộc. Mình không bị ràng buộc tức là tự độ thì mới có thể giúp người cởi trói cho họ tức là độ tha. Khi không còn chấp ngã, chấp pháp nghĩa là mình cũng Không, người cũng Không và sợi dây trói cũng không thật thì cần gì phải cởi trói mà vẫn ung dung tự tại giải thoát như thường.

-  Thế nào là bị ràng buộc. Thế nào là được mở ràng buộc?

Đam mê thiền vị là Bồ-tát bị ràng buộc. Sử dụng các phương tiện trong sinh hoạt là Bồ-tát không bị ràng buộc.

Lại nữa Bồ-tát không phương tiện, không trí tuệ là bị ràng buộc. Có phương tiện có trí tuệ là Bồ-tát được mở ràng buộc.

-  Thế nào là không phương tiện, không trí tuệ. Bồ-tát bị ràng buộc?

-  Nghĩa là Bồ-tát dùng tâm ái kiến mà trang nghiêm cõi Phật hóa độ chúng sinh. Dùng “không”, “vô tướng”, “vô tác” mà điều phục tâm mình. Đó là Bồ-tát không phương tiện, không trí tuệ. Bồ-tát bị ràng buộc.

Có trí tuệ, có phương tiện, Bồ-tát được mở ràng buộc là thế nào?

-  Nghĩa là Bồ-tát lìa xa các tham dục, sân nhuế tà kiến, các phiền não mà trồng cội phước, hồi hướng thẳng Vô thượng Bồ-đề. Đó là có trí tuệ, có phương tiện, Bồ-tát được mở ràng buộc.

-  Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ-tát có bệnh phải nên quán các pháp như thế.

Khi làm việc lợi ích để cứu giúp chúng sinh cần phải áp dụng phương tiện và trí tuệ một cách sáng suốt nếu không thì giải thoát sẽ biến thành ràng buộc. Chẳng hạn như khi về Việt Nam làm từ thiện. Nếu tùy theo khả năng, hoàn cảnh mà giúp người thì sẽ mang lại sự an lạc, thanh thoảng trong tâm khi làm việc thiện. Đây là giải thoát. Còn nếu sức mình ít mà muốn phô trương làm lớn để lấy tiếng khiến cho thân tâm bị mệt mỏi, đau buồn thì đây là ràng buộc. Trong cuộc sống nếu chúng sinh biết điều hòa tâm ý thì tất cả mọi hành động sẽ là giải thoát. Ngược lại nếu chúng ta miễn cưởng, làm việc không thích hợp với mình, làm việc với tinh thần uể oải thì dĩ nhiên giải thoát sẽ biến thành ràng buộc. Ngay cả Bồ-tát mà vẫn còn đam mê vào thiền định, vào lục độ ba-la-mật, vào đạo quả Bồ-đề hay chứng đắc Niết bàn thì vẫn còn ràng buộc, không được tự tại. Mà Bồ-tát phải luôn luôn dùng trí tuệ, luôn luôn vận dụng phương tiện trong việc độ sanh là Bồ-tát cởi mở ràng buộc tức là được giải thoát.

Sống trong thế gian nầy thì không ai giống ai cả. Có người thích nghe nhạc, có người thích đọc sách, có người thích chơi thể thao, có người thích đánh cờ, có người thích được yên tỉnh để trầm tư suy nghĩ, có người thích ồn ào náo nhiệt. Các cô, các bà  thích đi shopping còn các ông thì thích đi xem đá bóng hay chơi bi da… Vì thế cổ nhân mới có câu: “ Nhân sinh quý thích chí” nghĩa là con người sinh ra mỗi người có sở thích khác nhau. Nói chung cho dù con người có sở thích riêng là gì đi chăng nữa, nhưng nếu bất cứ những việc gì làm cho tham-sân-si của họ giảm là giải thoát. Ngược lại những gì làm cho tham-sân-si của họ tăng là ràng buộc. Vì thế khi Bồ-tát vào đời để cứu độ chúng sinh phải biết tùy thời, tùy duyên thì sự cứu độ mới thật sự viên mãn. Đối với Bồ-tát thì họ dùng trí tuệ để hóa độ chúng sinh cho dù đó là thuận hay nghịch duyên. Họ là tấm gương cho chúng sinh noi theo. Thí dụ như muốn khuyên người không nên say mê cờ bạc thì họ không chơi cờ bạc và hướng dẫn sự tai hại của việc chơi cờ bạc. Chính mình không uống rượu, ăn gian, nói dối thì mới khuyên người tránh xa những thói hư tật xấu nầy. Muốn khuyên chúng sinh thấy sự lợi ích của việc tu hành thì họ phải tránh xa tâm tham, tật đố, không còn phiền giận khổ đau để có cuộc sống an lạc. Có tự độ mới độ tha tức là cởi trói cho mình trước rồi hãy cởi trói cho người.

-  Lại nữa, quán thân vô thường, khổ, không, vô ngã. Đó là trí tuệ. Thân dù có bệnh mà thường ở trong sanh tử làm lợi ích cho chúng sinh không chán nản, mỏi mệt. Đó là có phương tiện.
-  Lại quán về thân. Thân không rời bệnh, bệnh không rời thân. Thân ấy, bệnh ấy không phải mới, không phải cũ gọi đó là trí tuệ. Thân dù có bệnh mà không diệt thân, gọi đó là phương tiện.

Bồ-tát vào thế gian cũng mang thân sanh tử như chúng sinh nhưng họ biết tư duy quán chiếu để thấy thân là vô thường, có sanh có diệt. Thân nầy là cội nguồn của muôn sự khổ đau, là sự kết hợp của tứ đại nên thân không có chủ thể, không có tự tánh, là vô ngã tức là Không. Vì có trí tuệ nên họ biết thân nầy là giả huyễn cho nên không bám víu vào nó mà chỉ dùng nó như là chiếc bè, là phương tiện để cứu giúp chúng sinh với tấm lòng kiên trì, không mệt mõi. Họ thi ân mà bất cầu báo nên cho dù gặp hoàn cảnh nào, thuận hay nghịch, họ vẫn không sờn lòng, lùi bước. Thân là do sự kết hợp của đất, nước, gió, lửa. Nếu tứ đại hòa hợp thì thân yên ổn, bằng ngược lại thì thân bất an, bệnh tật. Đã biết thân là vô thường thì đau yếu, bệnh tật có gì phải quan tâm. Biết như thế là người có trí tuệ. Mặc dù hễ có thân là có bệnh, nhưng không vì thế mà nhàm chán và muốn hủy hoại nó đi. Ngày nào còn mang thân ngũ uẩn thì còn dùng nó làm phương tiện để cứu giúp chúng sinh. Ngay cả khi thân bệnh mà cũng có thể dùng làm phương tiện để tiến tu đạo hạnh, bồi dưỡng trí tuệ. Đó là biết tư duy quán chiếu để thấy thân là vô thường, vô ngã, không và bất tịnh. Có như thế thì tuy biết thân là giả huyễn, nhưng con người vẫn dùng nó như là những phương tiện thiện xảo trước là độ cho mình và sau độ cho người. Cho dù có gặp nghịch duyên chướng ngại vẫn không lùi chân thoái bước mà tinh tấn vượt qua mọi sóng gió chông gai để viên thành Bồ-tát đạo.

- Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ-tát có bệnh nên như thế mà điều phục tâm mình. Không trụ ở tâm điều phục, cũng không trụ ở tâm bất điều phục. Vì trụ tâm bất điều phục là pháp của phàm phu. Trụ ở tâm điều phục là pháp của Thanh văn. Thế nên, Bồ-tát không trụ ở tâm điều phục và tâm bất điều phục. Ly được cả hai pháp thì Bồ-tát làm việc ở sanh tử mà không bị nhiễm ô. Trụ ở Niết bàn mà không diệt độ hẳn. Thế nên Bồ-tát hạnh không phải là hạnh phàm phu cũng không phải hạnh hiền thánh. Bồ-tát hạnh, không phải hạnh cấu, cũng không phải hạnh tịnh.

Bồ-tát không còn chấp vào việc điều phục hay không điều phục tâm mình như phàm phu hay hàng Thanh văn mà đối với Bồ-tát đánh tan mọi vọng thức để quay về với Chơn tâm, sống với Phật tánh thanh tịnh bất sinh bất diệt mới là thực hành đầy đủ hạnh Bồ-tát. Tại sao? Bởi vì phàm phu thì lúc nào cũng chấp đời là biển khổ, mà muốn hết khổ thì phải diệt cho hết vọng thức điên đảo trong tâm. Họ cố gắng theo con đường Giới, Định, Tuệ để tìm được ánh sáng chân lý mà soi sáng tâm thức của mình ngỏ hầu tìm sự an lạc hạnh phúc cho mình. Nhưng con đường dẫn tới chân lý gập ghềnh chông gai làm họ thối chí nản lòng. Biết đời là khổ mà thoát ra chưa được thì cuộc đời dưới con mắt của họ vẫn còn là chông gai trắc trở, bất toại nguyện. Còn hàng Thanh Văn thì cũng nhìn đời là vô thường, vô ngã, sinh diệt vô cùng vô tận nên họ lánh xa thế gian để cố gắng tu tập mà đoạn trừ mọi phiền não khổ đau ngỏ hầu chứng được sự an lạc thanh tịnh của Niết bàn cho riêng mình. Do đó cả hai phương pháp nầy đều không đúng với hạnh Bồ-tát bởi vì Bồ-tát không chấp đời là bể khổ, không chấp có Niết bàn an vui, không chấp có vọng thức điên đảo cần phải điều phục. Đối với Bồ-tát thì các Ngài đã lìa khổ vui, lìa vọng thức điên đảo vì khi nhập thế độ sanh thì tâm các Ngài tịch mặc, không bị khổ vui chi phối. Sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc, khéo tùy duyên mà độ chúng sinh, không sợ nghịch cảnh xa lánh thế gian như hàng Thanh Văn và dĩ nhiên không bị tham đắm trong dục lạc như phàm phu. Phàm phu ăn thì chê ngon chê dở, làm thì chỉ cầu lợi cho mình và tâm thì chìm trong ái dục cho nên sáu căn bị dính mắc làm thân-khẩu-ý bất tịnh mà tạo ra nghiệp. Ngược lại Bồ-tát tuy ở trong sinh tử mà không bị nhiễm ô. Khác với Thanh Văn là sợ ô nhiễm, ái dục nên lánh xa trần thế mà cầu an lạc Niết bàn, Bồ-tát lăng lộn chốn bụi trần, lấy chướng duyên, nghịch cảnh làm đối tượng để độ đời. Không sợ dục lạc, ô nhiễm vì tâm các ngài hằng thanh tịnh. Với tâm tỉnh giác hoàn toàn các ngài dùng đối tượng của chướng duyên nghịch cảnh mà giáo hóa chúng sinh để giúp họ quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình. Chuyển ác thành thiện, chuyển xấu thành tốt, chuyển phiền não khổ đau thành thanh tịnh an lành.

- Bồ-tát hạnh, dù vượt quá hạnh ma mà hiện hàng phục các ma. Bồ-tát hạnh, cầu nhất thiết trí mà không cầu phi thời. Bồ-tát hạnh, dù quán các pháp không sanh mà không vào chánh vị. Bồ-tát hạnh, dù quán thập nhị nhân duyên mà tham nhập các tà kiến. Bồ-tát hạnh, dù chinh phục tất cả chúng sinh mà không luyến ái. Bồ-tát hạnh, dù ưa vui với hạnh viễn ly mà không có ý tưởng diệt hết tướng thân tâm. Bồ-tát hạnh, dù sinh hoạt trong tam giới mà không tổn hoại pháp tánh. Bồ-tát hạnh, dù không chấp ở việc làm phước đức mà vẫn trồng các cội phước đức. Bồ-tát hạnh, dù thấy tất cả vô tướng mà vẫn cứu độ chúng sinh. Bồ-tát hạnh, dù biết vạn pháp vô tác mà vẫn hiện thọ thân. Bồ-tát hạnh, dù việc làm vô khởi mà khởi các hạnh lành. Bồ-tát hạnh, dù thực hành lục độ ba la mật mà phổ biến khắp đủ tâm và tâm sở pháp của chúng sinh. Bồ-tát hạnh, dù thực hành tứ vô lượng tâm mà không tham đắm sanh cõi Phạm thế. Bồ-tát hạnh, dù thực hành thiền định, giải thoát tam muội mà không đắm nhiễm vị thiền. Bồ-tát hạnh, dù thực hành tứ niệm xứ mà không vĩnh viễn xa lìa thân, thọ, tâm, pháp. Bồ-tát hạnh, dù thực hành tứ chánh cần mà không rời bỏ sự tinh tấn của thân tâm. Bồ-tát hạnh, dù thực hành tứ như ý túc mà được tự tại thần thông. Bồ-tát hạnh, dù thực hành ngũ căn mà phân biệt các căn lợi độn của chúng sinh. Bồ-tát hạnh, dù thực hành ngũ lực mà ưa cầu thập lực. Bồ-tát hạnh, dù thực hành thất giác chi mà phân biệt trí tuệ Phật. Bồ-tát hạnh, dù thực hành bát chánh đạo mà ưa thực hành vô lượng Phật đạo. Bồ-tát hạnh, dù thực hành pháp chỉ quán trợ đạo mà không bị rơi vào tịch diệt hoàn toàn. Bồ-tát hạnh, dù biết rõ các pháp không sanh, không diệt mà vẫn dùng tướng hảo trang nghiêm thân. Bồ-tát hạnh, dù hiện oai nghi Thanh văn, Duyên giác mà không rời pháp Phật. Bồ-tát hạnh, dù tùy thuận thật tướng mà vẫn tùy thuận chỗ hiện thân cần thiết. Bồ-tát hạnh, dù quán đất nước chư Phật vắng lặng như hư không mà hiện cảnh trí thanh tịnh của cõi Phật. Bồ-tát hạnh, dù được thành Phật đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn mà không rời bỏ đạo Bồ-tát.

Muốn thực hành đầy đủ hạnh Bồ-tát, các Ngài thị hiện vào nơi sinh tử, sống chung đụng với say đắm sắc dục mà không hề bị nhiễm ô. Tuy hóa độ mọi loài chúng sinh mà không hề bị dính mắc, không biến tình thương rộng lớn thành từ bi ái kiến. Tuy biết vạn pháp là Không, thế gian giả tạm mà các Ngài vẫn trồng các cội lành công đức. Biết thân là vô ngã, vô thường, vô tướng các Ngài vẫn cứu độ tất cả chúng sinh không bỏ sót một ai. Vẫn biết thế gian vũ trụ là do duyên sinh phát khởi chớ không do ai tác tạo mà các Ngài vẫn thị hiện làm các hạnh lành. Biết đời là vô khởi tức là vô sanh mà lúc nào các Ngài cũng khởi sanh làm các việc lành. Tuy biết tu hành là vô cầu vô chứng đắc, các Ngài vẫn dìu dắt chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ để cùng hưởng hương vị tịch diệt an lạc của Niết bàn.

Bồ-tát vì chúng sinh mà tu theo pháp Thập nhị nhân duyên, thực hành Lục độ Ba-la-mật hay quán chiếu 37 phẩm trợ đạo mà tâm không hề dính mắc các pháp sinh diệt của thế gian. Các Ngài dựa theo các pháp tu để dìu dắt chúng sinh đến bờ giải thoát vì tất cả các pháp chỉ là phương tiện, là ngón tay mà đạt được cứu cánh là ánh sáng huyền diệu của mặt trăng, là Chân lý.

Tuy Bồ-tát đã thấu rõ Bản Thể bất sanh bất diệt là Chân tâm, là Phật tánh thanh tịnh bên trong tức là Không, nhưng Không và Sắc không thể rời nhau. Vì thế khi thị hiện mang thân ngũ uẩn tức là Sắc thì các Ngài vẫn đeo chuỗi ngọc, tràng hoa, y phục lộng lẫy mà trang nghiêm cho tướng hảo của mình để chúng sinh kính mến mà quy theo còn các Ngài không hề đắm say những thứ sinh diệt kia. Tuy hiện thân là Thanh văn, Duyên giác nhưng không quên nhắc nhở chúng sinh mục đích tối hậu vẫn là viên thành Bồ-tát đạo. Đó là tuy đã thành Phật nhưng vẫn vì chúng sinh mà thị hiện độ sanh cứu khổ. Cũng như Đức Quán Thế Âm Bồ-tát vốn là một vị Cổ Phật danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai đã thị hiện làm thị giả cho Phật A Di Đà với danh hiệu đại từ đại bi và ứng hiện rất nhiều thân để cứu khổ cứu nạn cho tất cả mọi loài chúng sinh trong cõi Ta bà nầy.

Bồ-tát vào đời độ sinh cũng vì lợi ích cho chúng sinh. Họ thị hiện làm người ác, làm người xấu để khai thị, giúp đở chúng sinh bỏ ác phục thiện. Cũng giống như khi xem một tuồng hát thì kẻ đóng vai ác, đóng vai tham-sân-si, bất cố liêm sĩ đâu phải là vai dễ. Phải có tài diễn xuất để lột hết những tánh tham, tật đố, hại người lợi mình… thì diễn viên đó mới thành công được. Ở đây Bồ-tát khi thực hành các hạnh nguyện thì các Ngài cũng thế. Các Ngài thị hiện tham-sân-si để làm Phật sự bởi vì tham để cảnh tỉnh chúng sinh phát tâm bố thí, sân để giúp chúng sinh phát huy tâm nhẫn nhục và si để dẫn dắt chúng sinh tịnh tâm bằng cách niệm Phật hay tham thiền. Các Ngài giả bộ làm việc ác để chúng sinh thấy đây là tội lổi mà xa lánh. Cũng như cha mẹ la rầy con cái là muốn chúng chăm lo học hành. Vì thế đối với Bồ-tát thì họ không chấp phương tiện mà chỉ quan tâm đến cứu cánh. Do đó nếu thị hiện tham-sân-si để cảnh tỉnh người mà tâm hằng thanh tịnh thì đó là Bồ-tát. Ngược lại tâm còn tham-sân-si thì vẫn là phàm phu. Bồ-tát thì lúc nào cũng lấy từ bi và trí tuệ làm gốc. Bởi vì từ bi là tình thương không phân biệt thân sơ và chính là tình thương chân thật bình đẳng, nhưng từ bi mà không có trí tuệ thì từ bi dễ bị tình cảm chi phối, thiếu sáng suốt và yếu đuối. Còn trí tuệ mà thiếu từ bi thì thành trí tuệ khô tức là sự khôn ngoan mánh lới chỉ làm lợi ích cho riêng mình, phát triển tánh tham tật đố và tăng trưởng bản ngã mà thôi. Vì thế Bồ-tát luôn luôn lấy Bi-Trí viên thông mà hành đạo. Vào đời nhập thế để cứu giúp chúng sinh mà trí tuệ hằng sáng. Tuy đã chứng đắc quả Niết bàn thanh tịnh nhưng không an hưởng cho riêng mình mà tự nguyện nhập thế độ sanh cứu vớt chúng sinh còn trầm luân trong biển sinh tử luân hồi. Vì hạnh Bồ-tát rộng lớn như thế mà Địa Tạng Vương Bồ-tát đã phát lời thệ nguyện rằng: “Ngày nào còn chúng sinh bị đọa vào tam ác đạo thì Ngài chưa thành Phật. Khi độ hết chúng sinh thì Ngài mới thành Chánh giác”.

Sau khi trưởng giả Duy Ma Cật nói thời pháp ấy có tám ngàn Thiên chúng tùy tùng phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Các vị trời nhờ tu thập thiện nên có nhiều phước báo mà được hưởng rất nhiều dục lạc và chịu ít phiền não khổ đau. Nhưng sướng thì dễ bị mê nên khi nghe ông Duy Ma Cật giảng giải về những công hạnh lợi tha, vô ngã độ sanh của Bồ-tát đạo thì tất cả như người mù được sáng, người mê chợt tỉnh nên đều phát tâm vô thượng Bồ-đề với mục đích trong sáng là trên cầu sớm viên thành Phật đạo và dưới mong độ tất cả chúng sinh. Dục lạc, phước báu chỉ là cái vui tạm bợ, nhất thời và thường đưa đẩy chúng sinh lún sâu vào vòng sinh tử triền miên. Khi đã thông hiểu tính vị tha vô ngã thì các vị trời có thể khắc chế được tâm tham đắm dục lạc, bớt lòng ích kỷ, hướng về cứu giúp chúng sinh để phát triển Bồ-đề tâm mà được giải thoát giác ngộ.

Tóm lại, phẩm Văn Thù nầy muốn nhắn nhủ chúng sinh nguyên tắc căn bản của đạo Phật là tự độ rồi mới độ tha. Vì thế gian đầy dẫy chướng ngại và con người luôn tham đắm lợi danh, dục lạc cho nên nếu chưa điều phục được tâm mình mà vội lo cứu người độ thế thì khó lòng khắc phục những bất trắc của cuộc đời. Khi tâm mình tịnh thì thấy thế giới chung quanh an lành, thanh tịnh cho dù có gặp thuận hay nghịch duyên. Cũng như các vị Bồ-tát vào đời độ sanh vô ngã, chúng sinh nên phát triển lòng từ bi của chính mình với lòng vô cầu, vô ngã, vị tha. Không chấp phương tiện khó khăn, nhọc nhằn, không phân biệt kẻ thân người sơ, người cao kẻ thấp mà cứu giúp chúng sinh. Lấy nghịch cảnh làm thuận duyên mà hành Bồ-tát đạo. Bồ-tát thì lúc nào cũng lấy câu: “Nội bất động tâm, ngoại bất chấp tướng” làm phương châm hành động. Khi thấy mình và chúng sinh không có sự khác biệt vì hình tướng bề ngoài tuy khác nhau nhưng Thể Tánh bên trong vẫn là Một thì bất cứ sự giúp đở nào cho chúng sinh chính là sự giúp đở cho chính mình vậy.


|