A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

     



Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương thứ Mười Ba

CÚNG DƯỜNG PHÁP
(Antecedents and Transmission of the Holy Dharma)

Bấy giờ Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn, trước đại chúng đứng lên bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con dù theo Phật và Văn Thù Sư Lợi từ lâu, đã nghe trăm ngàn kinh điển, nhưng chưa từng nghe kinh điển “Quyết định thực tướng, bất khả tư nghì tự tại thần thông” như vậy.

Theo sự hiểu biết của con, qua ý nghĩ và mục đích của Phật dạy: Nếu chúng con nghe theo kinh pháp này tin hiểu, thọ trì đọc tụng, tu hành đúng như kinh dạy, thì người đó đã đóng bít cửa ác thú, khai thông đại lộ Niết bàn. Người này thường được chư Phật hộ niệm, hàng phục được ngoại đạo, đánh đuổi được ma quân, tăng trưởng quả Bồ-đề, vững ngồi nơi đạo tràng, bước theo dấu chân Phật mà đi.

Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc tụng đúng theo lời kinh mà tu hành, con cùng các quyến thuộc, sẽ cúng dường mọi sự và ở xóm làng thành thị, núi rừng chỗ nào có kinh này, quyến thuộc chư Thiên chúng con đến đó, nghe pháp và tu học, chúng con bằng mọi phương tiện khiến cho những ai chưa tin, phát khởi lòng tin. Người đã tin sẽ giữ gìn hộ pháp.


Cúng dường là lối nói thanh cao của chữ Cung dưỡng. Cung là cung cấp còn dưỡng là dưỡng nuôi. Thí dụ như trong gia đình thì con cái cung dưỡng cho cha mẹ tức là cung cấp tiền bạc, vật thực để dưỡng nuôi cha mẹ. Còn đối với các bậc chân tu, đạo cao đức trọng thì để lòng cung kính, người Phật tử tuy cũng đem vật thực cung cấp, nuôi dưỡng họ nhưng lại dùng chữ cúng dường thay vì cung dưỡng. Khi cho tiền bạc, đồ ăn cho người nghèo khổ thì chúng ta gọi là bố thí. Còn những người tu hành thì chúng ta gọi hành động này là cúng dường. Cúng dường có hai cách:

1) Tài cúng dường: là đem tiền bạc, vật thực, áo quần, thuốc men… để đem lại sự an lạc cho thân.

2) Pháp cúng dường: là in kinh, dịch sách, làm CD, in DVD, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết tu hành, ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, giữ gìn Chánh Pháp… để đem lại lợi ích cho tâm.

Nói một cách rộng rãi là sống và làm theo lời Phật dạy để mang lại lợi ích cho mình và cho tất cả chúng sinh, hy sinh buông xả tất cả để đạt tới Chân lý và đem những Chân lý vừa đạt được để cứu giúp chúng sinh vượt thoát ra khỏi biển khổ sông mê, làm lành tránh dữ, giữ tâm thanh tịnh thì đây là cách cúng dường cao thượng nhất.

Phật dạy:
- Tốt lằm! Thiên Đế! Như Lai rất bằng lòng thiện ý của ông. Kinh này nói rõ về những sự kiện bất khả tư nghì Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Thế cho nên, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường kinh, tức là cúng dường chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Thiên đế! Giả sử ba ngàn đại thiên thế giới chư Phật ở trong đó nhiều như số tre nứa, lau sậy, lúa bắp, cây cỏ lùm rừng. Nếu có người thiện nam, thiện nữ đem trọn đời mình tôn trọng cung kính tán thán, cúng dường đầy đủ mọi thứ cần dùng. Cúng dường cho đến khi chư Phật diệt độ. Rồi lấy xá lợi của toàn thân Phật xây tháp bằng thất bảo rộng bốn lần quả địa cầu, cao tột cõi Phạm Thiên, dùng tất cả hương hoa, anh lạc, tràng phan, kỷ nhạc hay đẹp nhất đời, hiến trọn kiếp sống để cúng dường phục vụ chư Phật đông nhiều như thế.

Thiên đế! Ông nghĩ thế nào? Người vun trồng cội phước như thế phước đức có nhiều chăng?


- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đức đó dù đem trọn kiếp, nói cũng không sao hết được. Thiên đế đáp.

Phật bảo rằng:

- Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe kinh điển bất khả tư nghì giải thoát này, tin hiểu, thọ trì đọc tụng, tu hành thì phước đức còn nhiều hơn người cúng dường vật chất cho chư Phật kia. Bởi vì Bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này mà sanh ra mà tướng Bồ-đề thì vô hạn lượng. Thế cho nên phước đức cũng vô hạn lượng.

Trời Đế Thích nói rằng đây là kinh Bất Tư Nghì giải thoát nghĩa là kinh diễn tả về Thật Tướng, Bản Thể, Chân Lý một cách cao siêu không thể nghĩ bàn cho nên chúng sinh nếu chịu tu học và thực hành đúng theo ý kinh thì chính họ sẽ được giải thoát ngay trong cõi đời nầy. Vì thế kinh nầy thuộc loại viên đốn Đại thừa tức là được giải thoát nhanh. Kinh này do ông Duy Ma Cật là Người Bất Tư Nghì, nói Kinh Bất Tư Nghì, biểu diển nhiều lần Bất Tư Nghì Cảnh để khai thị và giúp chúng sinh tu theo Pháp Bất Tư Nghì ngỏ hầu thành tựu Bất Tư Nghì Trí Tuệ và sau cùng giải thoát Bất Tư Nghì Vô thượng Chánh Biến Tri Giác ngang hàng quả vị chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Cho dù cúng dường hằng hà sa số mười phương chư Phật, xây tháp thất bảo mà thờ Xá lợi thì tất cả những phước đức nầy cũng không bằng thọ trì, đọc tụng và phát tâm tu hành. Vì tài cúng dường cho dù có lớn lao cách mấy thì cũng chỉ đem lại phước báo hữu lậu trong cõi Trời hay cõi người, nhưng đến khi phước cạn thì vẫn rơi rớt trong vòng luân hồi sinh tử, chịu cảnh khổ đau như thường. Còn pháp cúng dường phát sinh công đức vô lậu và những chủng tử nầy sẽ đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Vì thế Kinh cũng có câu: “Giả linh cúng dường hằng sa Thánh, bất như kiên dũng cầu Chánh giác” nghĩa là cho dù có cúng dường chư Phật nhiều như cát sông Hằng cũng không bằng quyết tâm dũng mãnh cầu thành Phật. Ngày xưa khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào yết kiến vua Lương Võ Đế, nhà vua rất tự hào đã xây trên 480 ngôi chùa và độ không biết bao nhiêu Tăng Ni nên khoe với Tổ: “Công đức của tôi có lớn không? Tổ đáp: “Không có công đức gì hết”. Vì tất cả việc làm tốt của nhà vua chỉ là phước đức hữu lậu trong thế gian, còn công đức thì chính nhà vua phải tu, phải chứng mới có chớ không thể lấy tiền của dân làm công đức cho riêng mình được.

Vì tầm quan trọng của kinh cho nên người thọ trì, biên chép, đọc tụng, giảng thuyết tu hành theo kinh này thì có phước đức to lớn vô cùng không thể nghĩ bàn và cũng là cách cúng dường chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai vậy.

Phật dạy tiếp:

- Thiên đế! Thưở quá khứ cách nay vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, lúc bấy giờ có Đức Phật hiệu Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên Nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Thế Giới của Đức Phật đó tên Đại Trang Nghiêm, kiếp tên Trang Nghiêm. Phật thọ mạng hai mươi tiểu kiếp. Chúng đệ tử Thanh văn ba mươi sáu ức na do tha. Bồ-tát tăng có mười hai ức.

- Này Thiên đế! Khi bấy giờ có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Bảo Cái có đầy đủ thất bảo, làm chủ tứ thiên hạ. Vua có một ngàn người con đoan chính dũng kiện, có khả năng chinh phục mọi kẻ địch thù. Thưở ấy, đức vua cùng quyến thuộc hết lòng cung kính cúng dường Đức Dược Vương Như Lai mọi thứ cần dùng trải thời gian dài năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, nhà vua dạy các con: Các con hãy kế tục theo hạnh của cha đã làm. Phải đem hết thâm tâm mà cúng dường Đức Phật. Một ngàn người con đều hoan hỉ vâng lãnh lời dạy của vua cha thành tâm cúng dường Đức Dược Vương Như Lai trải năm trăm kiếp nữa. Trong đó có một vương tử tên Nguyệt Cái, thiền tọa tư duy:
“Đáng tiếc thay! Ta chưa hiểu được, chẳng biết còn cách cúng dường nào khác, tôn quý hơn cách cúng dường này chăng?

Do sức thần Phật, trong không gian có tiếng vọng: “Thiện Nam tử! Cúng dường pháp ưu việt hơn tất cả mọi cúng dường”.

Vương tử bèn hỏi:
- Cúng dường pháp là thế nào?

- Tiếng vọng: “Ngươi nên hỏi Đức Dược Vương Như Lai, ngươi sẽ biết thế nào là cúng dường pháp
.

Vương tử Nguyệt Cái bèn đến chỗ Dược Vương Như Lai, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, đứng nép một bên thưa:

- Bạch Thế Tôn! trong tất cả sự cúng dường, cúng dường pháp ưu việt hơn hết, con chưa hiểu ý nghĩa cúng dường pháp là thế nào? Kính mong Thế Tôn vì con dạy bảo.

Mỗi vị Phật đều có đủ mười trí lực là Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Như Lai và Thế Tôn. Do đó nếu muốn gọi Phật là Thế Tôn, Như Lai hay Chánh Biến Tri đều được cả.

Tiếng vọng trong không gian không có nghĩa là tiếng vọng của đấng thần thánh gì cả mà đây chính là tiếng nói của Chơn tâm. Khi chúng ta nghĩ đúng, làm lành và thành tâm thì chơn tâm hiển bày do đó tiếng nói của Chơn tâm lan tỏa cũng như ánh sáng huyền diệu lóe lên trong tâm thức lúc bấy giờ. Trong tất cả phương cách cúng dường thì pháp cúng dường là cao quý nhất vì đó chính là con đường duy nhất đưa đến giải thoát giác ngộ.

Đức Phật dạy:

- Này thiện nam tử! Ngươi hãy lắng nghe Như Lai sẽ vì ngươi nói rộng về ý nghĩa, người cúng dướng pháp phải làm gì.

Người cúng dường pháp là người có khả năng nghe những kinh điển giáo lý sâu xa của chư Phật nói ra mà những người thế gian khó tin, khó hiểu, khó tiếp thọ, vì quá ư vi diệu, thanh tịnh tuyệt trần, vô nhiễm, vô vi, vượt ngoài tư duy phân biệt của người thường. Những kinh nhiếp thuộc về pháp tạng của Bồ-tát là dấu ấn của Đà-la-ni. Những thứ kinh đưa con người đến địa vị bất thối chuyển, hoàn thành lục độ, thuận với pháp Bồ-đề, trên hết trong các kinh.


Kinh điển Đại thừa là kinh dạy chúng sinh về giáo lý liễu nghĩa tức là giáo lý giải thoát giác ngộ vì thế nếu chúng sinh không có chủng Tánh Đại thừa thì sẽ khó nghe, khó tin và dĩ nhiên không thể thực hành theo kinh được. Ngày xưa khi Đức Thế Tôn thuyết giảng về Nhất thừa Phật đạo trong Kinh Pháp Hoa thì có trên năm ngàn đệ tử bỏ Phật. Ngược lại nếu chúng sinh chịu tu học thì sẽ mang lại lợi ích vô cùng vô tận không thể nghĩ bàn và có tâm bất thối chuyển tức là tâm không bỏ cuộc vì kinh này có giá trị cao nhất.

Những kinh nghĩa dạy cho người tu hành thể nhập đại từ bi, xa lìa các ma sự và các tà kiến. Nghe kinh nghĩa như thế không nghi ngờ sợ hãi, như thuyết tu hành, gọi là cúng dường pháp. Lại nữa, người cúng dường pháp là người có khả năng nhận thức chân lý, tùy thuận pháp nhơn duyên sanh, tỏ ngộ chân lý vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng. Thấu triệt nghĩa không, vô tướng, vô tác, vô khởi của vạn pháp, có thể khiến cho chúng sinh ngồi đạo tràng mà chuyển pháp luân. Chư Thiên, Long thần…
tán thán. Có thể khiến cho chúng sinh thể nhập kho tàng pháp bảo của Phật, nắm trọn hết trí tuệ của hiền thánh, nói rõ những đạo lý của Bồ-tát làm, y cứ vào nghĩa thật tướng của các pháp. Tuyên rõ nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt, để cứu hộ những chúng sinh sai phạm cấm giới và những ngoại đạo ma quân, những người nặng nghiệp tham, sân, si sợ sệt răn chừa. Những kinh điển chư Phật khen ngợi, trái đường sinh tử, chỉ nẻo Niết bàn, mười phương chư Phật hộ niệm và nói ra. Nghe kinh điển như thế mà tin sâu, hiểu kỹ, thọ trì, đọc tụng vì các chúng sinh phân biệt giải nói rõ ràng và giữ gìn kinh pháp đó. Làm được những điều như thế, gọi đó là cúng dường pháp.

Thế nào là ma sự và tà kiến?

Ngày nay mỗi khi trong nhà có người chết thì người Phật tử thường mời chư Tăng đến cầu siêu, bắt ấn, rãi nước cam lồ để vong linh được vãng sanh về nơi Cực Lạc. Đây là tục lệ xưa bày nay làm cho nó ấm cúng và để chứng tỏ cho người đời là con cháu có hiếu, biết lo cho ông bà cha mẹ được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc vậy thôi. Hay là làm cho người sống được rạng rỡ mặt mày chớ người chết thật ra không có kết quả gì hết. Bởi vì dựa theo giáo lý nhân quả thì làm sao thành tựu được! Cả đời người thì không lo tu hành, sống sa hầm sụp hố, chạy theo tham đắm lợi danh, làm nô lệ cho vô minh phiền não đến khi chết thì tất cả nghiệp báo hiện về để quyết định sự tái sinh của thần thức, như thế thì làm sao chư Tăng cải đổi số mạng cho mình được? Chính Đức Phật còn không làm nổi thì phàm Tăng ai dám bảo đảm có thể chuyển nghiệp cho kẻ khác? Nhân nào thì quả nấy, trồng khế chua thì ăn quả chua, ngược lại trồng quít ngọt thì hưởng quả ngọt. Khi đã thấu hiểu giáo lý tối thượng Đại thừa thì nên loại bỏ những tư tưởng đen tối nầy mà nhắm thẳng vào những tư tưởng vô thường, vô ngã, vô tác, vô tướng, vô khởi của vạn pháp mà tu hành để có tâm thanh tịnh mà có được sự giải thoát thật sự. Đời nầy chính mình có giải thoát thì còn lo gì tương lai không có giải thoát! Ngược lại nếu đời nầy mình làm nô lệ cho vô minh phiền não thì kiếp sau phải chịu sa hầm sụp hố vậy thôi. Nên nhớ chủ trương của đạo Phật là ông tu ông chứng, bà tu bà đắc do đó không có chuyện ông tu mà bà đắc được. Ma sự và tà kiến là người Phật tử chưa thoát hẳn vọng chấp mê lầm mà đi ngược hoàn toàn giáo lý của Đức Phật. Chủ trương và tôn chỉ của đạo Phật là độ sanh chớ không phải là độ tử.

Thấu hiểu chân lý vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh và vô thọ mạng nghĩa là không có mình, không có người, không có chúng sinh và không có tuổi thọ tức là phá được cái chấp về Ta, phá tan tập khí ngã mạn, không còn phân biệt có Ta, có người. Mình cũng không thì người cũng không nghĩa là phá chấp ngã và phá được chấp pháp. Vạn pháp là không thì làm gì có vật gì bền chắc, trường tồn vĩnh cửu nên tâm không còn mê đắm, đó là phá được vô thọ mạng. Nếu phá được bốn món nầy thì sẽ có tâm thanh tịnh và đây là chủ yếu của kinh Kim Cang.

Vạn pháp là Không
, vì vạn pháp không có chủ thể, không có tự tánh nên vạn pháp là vô ngã tức là Không. Tuy vạn pháp hình tướng có khác nhau, nhưng Bản Thể thì bất biến là tướng Không. Vì thế Không Tướng mới chính là Thật Tướng của vạn pháp. Đối với nhân sinh vũ trụ thì khi hữu duyên thì Bản Thể duyên khởi mà sinh ra vạn pháp. Ngược lại khi duyên hết thì vạn pháp trở lại với Bản Thể ban đầu. Tất cả những hiện tượng nầy là do duyên khởi chớ không có ai là tác giả cho nên mới gọi là vô tác, vô khởi.

Nghe kinh, hiểu kinh và hành theo kinh mới là cúng dường cao quý nhất.

Lại nữa, người cúng dường pháp là người đối với các pháp đúng như lời dạy của kinh mà tu hành, tùy thuận pháp nhân duyên, xa lìa tà kiến, chứng nhập pháp nhẫn vô sanh, thể nhập sâu sắc diệu lý vô ngã, vô chúng sinh. Đối với chân lý nhân duyên, nhân quả không nghi ngờ chống trái, xa lìa tất cả ngã sở hữu. Trên đường học đạo tiến tu ý nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y liễu nghĩa kinh, y pháp bất y nhân. Người cúng dường pháp còn là người tùy thuận pháp tướng. Đối với các pháp không có tướng sở nhập cũng không có chỗ sở qui. Vì hiểu rằng: vô minh rốt ráo tịch diệt, các hành cũng rốt ráo tịch diệt. Cho đến sanh cũng rốt ráo tịch diệt nên lão tử cũng rốt ráo tịch diệt. Khởi quán như thế, nhận thấy rõ ràng: Mười hai nhân duyên không có tướng tận chung cũng không có tướng khởi thỉ. Học pháp như thế, hành những pháp như thế gọi đó là người cúng dường pháp tối thượng.

Thể nhập diệu lý vô ngã, vô chúng sinh tức là không chấp có mình và người tức là phá cho được cái bản ngã. Tu hành là đi ngược lại với thế trần nghĩa là người thế gian thì đề cao bản ngã để được quyền cao chức trong, mọi người tôn quý. Ngược lại người tu Phật thì phải diệt cho hết bản ngã để tâm được thanh tịnh mà giải thoát. Phải thấu hiểu Tứ y pháp: Y nghĩa bất y ngữ: Văn tự lời nói là không thật nên đừng quan trọng mà chỉ nên chú ý đến ý nghĩa của kinh mà thôi. Thí dụ như chúng ta tụng một hồi kinh Pháp Hoa hay Tâm Kinh thuộc lòng mà không thấu hiểu ý nghĩa của kinh thì không thực hành đúng y nghĩa bất y ngữ bởi vì Chân lý của Phật không có ngôn ngữ nào diễn tả hết. Y trí bất y thức: Trí là trí tuệ còn thức là cảm tình cho nên chúng sinh nên lấy lý trí sáng suốt mà hành sự chớ đừng vì cảm tình theo chùa nầy, tin thầy kia thì hỏng một đời tu hành của mình. Trí tuệ là bất cứ ai nói đúng Chánh Pháp thì ta nghe, hành đúng Chánh Pháp thì ta theo. Y liễu nghĩa bất y liễu nghĩa: Liễu nghĩa là giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi cho nên chúng sinh không nên quan trọng những vật chất của thế gian vì của thế gian phải trả lại cho thế gian. Y pháp bất y nhân: Pháp là kinh điển là lời dạy của Phật, là kim chỉ Nam đưa đến giải thoát giác ngộ. Ngày nay có rất nhiều giáo hội, tông phái làm cho Phật giáo suy đồi. Vì thế Y Pháp là chỉ nghe lời Phật dạy chớ đừng nghe theo ông nầy bà nọ hay không dựa vào sắc diện của ai mà không nói và thực hành đúng Chánh Pháp.

Các pháp không có tướng sở nhập là không có ai làm ra nó và các pháp không có chỗ sở quy là cuối cúng nó chẳng về đâu cả. Khi duyên hợp thì gọi là sanh và khi duyên tan rã thì mất chớ không có ai tạo tác vì vạn pháp là trùng trùng duyên khởi. Tan rồi hợp và hợp rồi tan, đó là tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên chớ không có cái gì thật sanh hay thật mất. Cũng như tấm thân thất đại của chúng ta, khi đủ duyên thì thân nầy còn, thất đại sống. Đến khi duyên hết, thân hoại, thất đại tan rã. Cho nên thân thất đại này là không có tướng sở nhập và không có chỗ sở quy.

Nếu nói theo kinh bất liễu nghĩa mới có vô minh, có hành, có thức, có sanh, có lão tử, nhưng kinh liễu nghĩa Đại thừa thì làm gì có vô minh, làm gì có hành… Tại sao? Đố ai tìm trong mình mà thấy được vô minh? Khi mê thì thấy có vô minh còn ngộ thì làm gì có vô minh. Vì vô minh là loại khách và trần, là bên ngoài do đó khi mình mê thì nó đến, nó tác động hoành hành. Còn khi thức tỉnh, vô minh mất, khách trần tan biến. Thí dụ như khi thấy cảnh chướng tai gai mắt làm cho lòng ta nóng giận. Thấy cảnh khó chịu tức là khách trần bên ngoài chớ nó đâu phải của mình. Mình khó chịu là vì mình mời khách vào trong nhà làm cho tâm điên đảo. Nếu thức tỉnh thì đóng bít sáu cánh cửa để sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì khách trần làm sao vô nhà để quấy phá mình được. Người hiểu đạo thì sanh tử là chuyện thường vì sống ở chết về có gì phải sợ. Sống thì cũng như tạm trú trong khách trọ chớ đâu là nhà của mình mà luyến tiếc. Hiểu đạo, hành đạo và sống cho đạo là pháp cúng dường cao thượng nhất.

Đức Phật bảo:

- Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái theo Đức Phật Dược Vương, nghe học pháp như thế được nhu thuận nhẫn, bèn cởi bảo y đang mặc trên mình, dâng lên cúng dường Phật và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! sau Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành cúng dường pháp để thủ hộ chánh pháp. Kính mong Thế Tôn thương xót, dùng oai thần vững mạnh khiến cho con đủ nghị lực hàng phục ma quân tu Bồ-tát hạnh.
Đức Dược Vương Như Lai biết ý nghĩ từ thâm tâm của vương tử Nguyệt Cái, bèn thọ ký:
- Nguyệt Cái! Đời sau ông sẽ truyền trì chánh pháp làm tường thành hộ pháp khiến cho Phật pháp cửu trụ thế gian.

Vương tử Nguyệt Cái cởi áo và đồ trang sức cao quý mà cúng dường Phật để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Thật ra Phật Dược Vương đâu có cần dùng áo hay những đồ trang sức lộng lẫy này, nhưng ở đây kinh muốn nói đến sự buông xả, dám hy sinh từ bỏ tất cả những gì mà người đời cho là cao quý, tốt đẹp. Của cải vật chất quý báu thế gian chính là sự ràng buộc vô hình làm cho tâm bất tịnh cho nên Vương tử mới thức tỉnh mà đổi lấy Chánh Pháp của Phật để có được sự an lạc thanh tịnh giải thoát mà không có của cải vật chất thế gian nào sánh bằng. Pháp cúng dường giúp Tỳ kheo Nguyệt Cái tăng trưởng nghị lực mà xa lìa mọi cám dỗ ham muốn ngũ dục lạc của thế gian là tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ và phát tâm đại từ đại bi cứu giúp tất cả chúng sinh.

Đức Thích Ca dạy tiếp:

- Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái liền sau đó, con mắt chánh pháp tỏ sáng và thanh tịnh. Nghe Dược Vương Như Lai thọ ký cho, bèn đem hết tín tâm xuất gia, tinh tấn tu tập thiện pháp, không bao lâu được năm thứ thần thông, đầy đủ đạo Bồ-tát, có sức tổng trì biện tài vô đoạn. Sau Phật diệt độ đem sức tổng trì, thần thông và biện tài đã được
, truyền bá chánh pháp của Dược Vương Như Lai, tùy cơ phân bổ, tinh tấn giữ gìn trọn hai mươi tiểu kiếp. Nguyệt Cái tỳ kheo giáo hóa trăm muôn ức người vững bước tiến trên đường vô thượng Bồ-đề. Mười bốn na do tha người phát tâm sâu sắc đối với quả Thanh văn, Bích chi Phật, vô lượng chúng sinh được phước quả cõi Trời.

- Này Thiên đế! Vua Bảo Cái xưa kia, không phải là ai xa lạ, chính là người được thành Phật hiệu Bảo Diệm Như Lai hiện nay. Một ngàn vương tử xưa kia là một ngàn Phật trong hiện kiếp. Vị Phật trước hết hiệu Ca La Cưu Tôn Đà Như Lai. Vị Phật sau rốt hiệu là Lâu Chí Như Lai. Còn Tỳ kheo Nguyệt Cái chính là ta đây vậy.

Như vậy đó Thiên đế! Đấy là điều trọng yếu. Phải biết! Hãy nên đem pháp mà cúng dường. Cúng dường pháp tối ưu việt hơn tất cả mọi cách cúng dường nào khác.

Thế cho nên Thiên đế! Hãy đem pháp cúng dường mà cúng dường chư Phật.


Tỳ kheo Nguyệt Cái vì dám từ bỏ tất cả những tài sản quý báu, những thú vui vật chất giả tạm của thế gian đã cột chặt con người vào những hệ lụy của phiền não khổ đau và quyết tâm tinh tấn tu hành, giữ gìn và truyền bá rộng rãi Chánh Pháp của Phật cũng như giáo hóa vô lượng chúng sinh trải qua trọn hai mươi tiểu kiếp nên ngày nay thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Vua Bảo Cái và  một ngàn người con nhờ đem hết thâm tâm ra cúng dường chư Phật trên năm trăm kiếp nay đều thành Phật. Duy chỉ có Tỳ kheo Nguyệt Cái vì cúng dường Pháp nên thành Phật trước và Ngài là vị Phật thứ tư trong tiểu kiếp thứ chín.

Sau cùng thực hành Pháp cúng dường không những chỉ in kinh, đọc tụng, trì chú mà phải có khả năng nghe những kinh điển giáo lý thâm sâu vi diệu mà người đời khó nghe, khó tin, khó hiểu, khó hành rồi sanh tâm ham mộ, không có ý sợ hãi, nghi ngờ và phát tâm dũng mãnh theo lời kinh dạy mà tu hành. Thực hành Pháp cúng dường cũng là hy sinh những thứ quý báu của thế gian để được cái kho tàng Pháp bảo xuất thế gian, bỏ phiền não sinh tử khổ đau để đổi lấy sự an vui thanh tịnh Niết bàn, bỏ phước báu của Trời người để được trí tuệ viên thông vô ngại của Hiền Thánh. Có thực hành Pháp cúng dường thì có tâm thanh tịnh và từ đó mới có cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm. Được như thế thì con người sẽ kiến tạo cho mình một thế giới vô cùng an lạc hay Tịnh độ của thế gian vậy
.

|