Chương Thứ Ba
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng
Thanh Văn
Tôn giả Mục Kiền Liên
(Maha Moggalyana): Vấn Đề
Thuyết Pháp.
Trong số đại đệ tử của
Phật, tôn giả Mục Kiền Liên nổi danh là đệ nhất thần thông. Sau
khi ngài Xá Lợi Phất từ chối không dám đi, Đức Phật liền gọi tôn
giả Mục Kiền Liên và bảo rằng:
- Mục Kiền Liên! Ông hảy đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Ngài Mục Kiền Liên liền thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm
bệnh ông ấy. Trước đây có lần con đi vào thành Tỳ Xá Ly. Trong
một thôn xóm nọ, con vì một nhóm cư sĩ nói pháp cho họ nghe. Bấy
giờ, trưởng giả Duy Ma Cật đến nói với con rằng:
- Thưa ngài Mục Kiền Liên! Vì hàng bạch cư sĩ nói pháp Ngài
không nên nói những pháp như vậy. Vả chăng nói pháp phải đúng
như pháp mà nói. Bởi vì pháp không có tướng chúng sinh, xa lìa
sự cấu nhiễm về chúng sinh. Pháp không có ngã vì lìa ngã cấu.
Pháp không có tướng thọ mệnh, xa lìa sanh tử ưu bi. Pháp không
có tướng nhơn, vì thời gian trước và thời gian sau không phải
một. Pháp thường vắng lặng vì dứt bặt các tướng. Pháp ly tất cả
tướng vì nó không phải đối tượng sở duyên. Pháp không có tên,
không có lời để gọi vì ngoài sự nghĩ ngợi nói năng. Pháp không
có gì để nói vì nó ly các giác quán. Pháp không hình tướng vì nó
như hư không. Pháp không như trò giởn vì nó hoàn toàn rỗng lặng.
Pháp không phải là ngã sở vì nó rời ngoài ngã sở. Pháp không thể
phân biệt vì nó vượt ngoài sự nhận thức đánh giá. Pháp không có
thể so sánh vì nó không ở trong vòng đối đãi. Pháp không lệ
thuộc vào nhân vì pháp tồn tại ở duyên. Pháp hòa đồng pháp tánh
vì nó dung nạp với pháp tánh. Pháp tùy thuận với pháp “NHƯ” vì
nó không chỗ tùy. Pháp trụ nơi thật tế vì pháp bất đồng với bên
hữu bên vô, bên đoạn bên thường. Pháp không có giao động vì nó
không tương can với lục trần. Pháp không có đến đi vì pháp vốn
là bất trụ. Pháp thuận với không, tùy vô tướng, hợp với vô tác.
Pháp rời tốt xấu. Pháp không tăng nhiều, không giảm thiểu. Pháp
không có chỗ qui thú, nó vượt qua nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân,
tâm. Pháp không có cao thấp, pháp thường trú bất động. Pháp xa
lìa tất cả sự nghĩ ngợi và thi thố.
Hằng ngày ngài Mục Kiền Liên vào thành khất thực và sau đó
thuyết pháp cho Phật tử tại gia nghe để họ thấu biết thêm về
giáo lý Đức Phật. Những gì ngài Mục Kiền Liên nói là dựa theo
lời Phật thuyết pháp thế mà cư sĩ Duy Ma cật bảo là không nên
nói như vậy. Không lẻ ông Mục Kiền Liên nói sai? Pháp của Phật
giáo có nhiều loại: Đó là pháp tánh và pháp tướng, pháp liễu
nghĩa và pháp bất liễu nghĩa, pháp tiểu thừa và pháp đại thừa.
Chẳng hạn như khi nói về tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên… là nói
về pháp tướng tức là pháp có sinh có diệt. Còn pháp tánh là nói
về chân không, bản thể tuyệt đối, không hình tướng bởi vì nó là
pháp ở trong tâm. Mà cái không hình, không sắc thì làm sao diễn
tả được nên nó phải lìa văn tự, ly ngôn thuyết và ly tâm duyên
mà Bồ-tát gọi pháp tánh nầy là NHƯ.
Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả mọi chúng sinh đều có Phật
tánh như nhau do đó nếu muốn chúng sinh nghe pháp và thấu hiểu
mà thực hành được viên mãn thì phải nói pháp cho đúng với chân
lý, hợp với Phật tánh tức là NHƯ. Như có nghĩa là tự nó sao cứ
để vậy, đừng để tâm phân biệt so sánh, thêm bớt vì nó đã lìa tất
cả văn tự, ngôn ngữ…cho nên khi nói pháp thì phải nói với tâm vô
phân biệt, vô quái ngại tức là nói pháp vì lợi ích cho chúng
sinh chớ không phải vì danh văn lợi dưỡng cho mình. Khi nói về
pháp tướng thì có bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả mà
pháp tánh là Bản thể tuyệt đối thì làm gì còn có ta, có người,
có chúng sinh hay có thọ giả và dĩ nhiên làm gì còn sinh tử luân
hồi.
Thưa ngài Mục Kiền Liên! Pháp như thế thì làm sao mà có thể nói
được? Luận đến chỗ cứu cánh của vấn đề thuyết pháp thì người nói
không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì
hết và không được có một sở đắc nào. Ví như nhà ảo thuật làm ra
người ảo, người ảo lại nói chuyện ảo. Phải xác lập ý thức kiên
định như thế rồi mới nên thuyết pháp.
Tuy ông Mục Kiền Liên lập lại lời của Phật để thuyết pháp giúp
chúng sinh được thức tỉnh nhưng đây chỉ là phương tiện tương đối
để đi đến Chân lý mà thuyết pháp tự nó không phải là Chân lý
tuyệt đối. Bởi vì Chân Lý thì không thay đổi, biến thiên theo
thời gian và không gian. Lúc nào cũng vậy và ở đâu cũng thế.
Pháp mà ông Duy Ma Cật muốn nói ở đây chính là Pháp tánh và đó
mới là Chân lý tuyệt đối, là Phật tri kiến, là Bản lai diện mục,
là Bản Thể Chân Như… Chính cái pháp tánh nầy không hình, không
tướng thì làm sao có thể diễn tả bằng lời nói, ngôn ngữ cho nên
những gì mà ông Mục Kiền Liên có thể nói được thì chỉ là pháp
tướng mà thôi. Pháp mà có thể nói được thì phải có đối đãi, so
sánh mà so sánh, đối đãi là tướng chớ không phải tánh. Tất cả
những kinh điển, giáo lý cũng chỉ là pháp tướng có nghĩa là
phương tiện, là ngón tay mà đừng quên cứu cánh vẫn là ánh sáng
chân lý, là mặt trăng, là pháp tánh vậy. Cùng ý nghĩa nầy trong
kinh Kim Cang có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng;
nhược kiến chư tướng Phi Tướng tức kiến Như Lai” có nghĩa là cái
gì mà có hình tướng là giả huyễn, là không thật, là sinh diệt;
còn nếu thấy được cái Tướng Không của mọi sự vật thì sẽ thấy
được Chân lý.
Nếu đứng về phương diện Bản Thể Chân Như thì Chân Lý không thể
nào diễn bày được cho nên nói mà không nói, nghe mà không nghe
và chứng đắc mà không chứng đắc. Một ngày nọ tôn giả Tu Bồ Đề
đang ngồi thiền trong hang núi Linh Thứu, có vị trời Đế Thích
đến rãi hoa cúng dường. Tôn giả nói:
- Vì lẽ gì ông đến đây rãi hoa?
- Vì tôn giả nói kinh Bát Nhã hay quá nên con đến cúng dường.
- Từ hồi nào đến giờ tôi chưa từng nói một câu, sao ông
lại nói tôi thuyết Bát nhã?
- Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nói, không
nghe mới là Bát Nhã chân chính.
Lại có một lần nọ Bồ-tát Văn Thù thỉnh Phật một lần chuyển pháp
luân nữa thì Đức Phật bảo rằng:
- Trong thời gian bốn mươi chín năm ta chưa từng nói một
chữ nào, sao ông lại thỉnh ta chuyển pháp luân một lần nữa? Hóa
ra trước đây ta đã từng chuyển pháp luân rồi sao?
Nói mà không nói mới là chân Bát nhã.
Mặc dù cứu cánh là Chân Lý, là Bản Thể Chân Như nhưng con người
cần phải dùng phương tiện là pháp tướng tức là có người nói và
có kẻ nghe thì Chánh pháp mới có thể lưu truyền được. Bởi vì nếu
khéo dùng phương tiện thì đạt tới cứu cánh viên mãn.
Do đó nói pháp bây giờ cũng như người huyễn
thuyết pháp cho người huyễn nghe. Người nói là huyễn mà người
nghe cũng là huyễn. Tuy biết là huyễn mà vẫn dùng huyễn làm
phương tiện để đi tới Chân Lý. Tuy Bồ-tát biết tất cả mọi pháp
thế gian là huyễn, nhưng họ vẫn thuyết, vẫn dùng cái huyễn như
là nền móng để dẫn dắt chúng sinh thấy cái chân thật. Toàn bộ
giáo lý của Đức Phật là giúp chúng sinh thấy được tà để quay về
với chánh, thấy huyễn để tìm về với chân, tức là hướng dẫn chúng
sinh lìa tướng mà chứng nhập pháp tánh. Cũng như những làn sóng
nhấp nhô của đại dương, sóng biển là Tướng và Thể nước yên tịnh
tận dưới lòng đại dương. Do đó muốn thấy được Thể thì con người
phải biết Tướng vì Thể và Tướng cũng đều do nước mà ra, bất khả
phân ly.
Thêm nữa, thưa ngài Mục Kiền Liên! Người thuyết pháp phải
biết căn tánh chúng sinh. Trước một hay nhiều đối tượng phải đọc
thấy rõ ràng căn tánh của họ lợi hay độn,
Căn cơ của chúng sinh thì có cao có thấp, sâu cạn khác nhau vì
thế căn nhà giác ngộ mới có tám vạn bốn ngàn cánh cửa để vào.
Cũng như có ba con thú sang sông. Con sông là Phật pháp không
cạn không sâu. Con dê nhỏ thì lội ngập đầu cũng ví như người
chưa biết đạo. Con nai lớn hơn thì lội ngập cổ ví như người chỉ
biết pháp hữu vi sanh diệt. Còn con voi thì chỉ ngập ống chân ví
như người đã thấu hiểu lý Không, Bát nhã. Ngày xưa chính Đức
Phật phải đợi đến hai mươi năm mới đem diệu lý Bát nhã mà thuyết
cho đệ tử và cũng cần đến hai mươi hai năm mới thuyết xong Chân
lý nầy. Khi xuống núi Linh Thứu vào thành Vương Xá thì Đức Phật
thuyết cho Phật tử tại gia. Ngài dạy họ đời là khổ não, cần phải
tu tâm dưỡng tánh mà không cần lìa bỏ gia đình, quyến thuộc,
thực hành Bồ-tát đạo và phát tâm cầu vô thượng Bồ-đề, sống với
lòng vị tha vô ngã để tâm được thanh tịnh thì cũng chứng được vô
sanh pháp nhẫn tức là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi về
lại núi Linh Thứu thì Ngài thuyết cho hàng xuất gia để loại bỏ
Tham-Sân-Si, ái dục mà chứng đắc Niết bàn. Nên nhớ pháp chỉ là
phương tiện, là chiếc bè nên khi đến được bờ bên kia thì phải bỏ
bè mà lên bờ giác ngộ. Do đó khi thuyết pháp thì phải biết đối
tượng, phải hợp với căn cơ thì chúng sinh mới thấu hiểu những
bài pháp thoại và đó là yếu tố không thể thiếu của một vị pháp
sư. Chúng sinh có Tri mới có Hành và nếu họ thực hành rốt ráo
thì tâm mới khai mở và sau cùng trí tuệ sẽ phát sanh.
Người thuyết pháp phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi đại thừa.
Tâm đại bi là biết thương xót chúng sinh cho nên phát tâm đại
thừa muốn cứu giúp tất cả chúng sinh thoát ra khỏi biển trầm
luân đau khổ để hoàn thành Phật đạo viên mãn chớ không ích kỷ
mong cầu giải thoát cho riêng mình.
Phải nghĩ rằng thuyết pháp là truyền bá, duy trì cho ngôi Tam
Bảo cửu trụ thế gian.
Thuyết pháp nhằm để báo đáp thâm ân Phật. Phải lập chí như vậy,
rồi sau mới thuyết pháp.
Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng
sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Vì thế Phật thi ân mà không bao giờ
cầu báo đáp. Nhưng người Phật tử có bổn phận phải báo đền ơn đức
nầy. Nhưng làm thế nào để báo ơn Phật? Xây chùa to, tạc tượng
lớn, in kinh, cúng kiến… chỉ là hình thức bề ngoài không có giá
trị thiết thực. Chỉ có một phương pháp đứng đắn và hiệu quả nhất
là người Phật tử nghe theo lời Phật dạy, y giáo phụng hành và
tinh tấn nổ lực tu hành để khai mở trí tuệ mà được giải thoát
giác ngộ. Tự độ cho mình cũng chưa đủ mà còn phải còn phải độ
tha là cứu giúp mọi người cùng đến chỗ giác ngộ thì cũng như
cúng dường cho chư Phật rồi vậy. Y pháp bất y nhân trong tứ y
pháp của kinh Đại Niết Bàn cũng xác định là sau khi Phật nhập
diệt thì phải lấy pháp làm Phật và giới làm thầy. Do đó thuyết
pháp là cố để trả ơn Phật vì Phật đã chỉ cho ta con đường khai
mở trí tuệ chớ thuyết pháp không phải là phương tiện để khoe
mình thông kinh liễu nghĩa.
Ngôi Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng.
Nếu đứng về mặt pháp tướng mà nói thì Phật chính là Đức Thích Ca
Mâu Ni. Pháp là những kinh điển ghi lại những lời Phật dạy để
giúp chúng sinh viên thành Phật đạo. Và Tăng là những đệ tử xuất
gia giữ gìn đầy đủ giới luật, tuân theo Lục Hòa và đại diện cho
Phật để dẫn dắt chúng sinh tu học. Nếu tăng sĩ mà phá giới và
không sống theo Lục hòa tức là chia rẽ, chạy theo danh văn lợi
dưỡng, lập bè kết đảng thì đâu còn xứng đáng là tăng? Nhiều
người ngày nay vẫn còn lầm tưởng rằng có nhiều chùa, có nhiều
tăng sĩ là Phật giáo hưng thịnh. Thật ra trong chiều dài lịch sử
của Phật giáo đã chứng minh rằng Phật giáo chỉ hưng thịnh khi
nào có những vị cao tăng đắc đạo làm gương sáng cho mọi người
noi theo mà tu đạo. Phẩm chất tốt lúc nào cũng cao quý hơn số
lượng nhiều là vậy. Thêm nữa, lịch sử nhân loại trên mấy ngàn
năm đã chứng minh hùng hồn rằng triều đại nầy tan, triều đại
khác đến nhưng Chân lý của Đức Phật thì trường tồn bất biến. Do
đó nếu con người chạy theo thời thế là chạy theo sinh diệt còn
sống với Chân lý là tìm về với giải thoát, an vui và tự tại.
Còn nếu đứng về pháp tánh mà nói thì Phật là Chánh giác, là đấng
Giác ngộ và Phật là trí tuệ. Pháp là cái trí để giúp con người
thấy được chánh tri chánh kiến. Sau cùng Tăng chính là sự thanh
tịnh, không bị ô nhiễm. Vì thế khi nói đừng để ngôi Tam Bảo bị
hủy diệt cũng có hai ý nghĩa.
1) Nếu hiểu theo nghĩa cạn thì đừng cho chùa chiền, kinh điển và
chư tăng biến mất ở trong thế gian nầy.
2) Nhưng nếu hiểu theo nghĩa sâu thì đừng để cho sự giải thoát
giác ngộ, cái trí tuệ để biết chánh tri chánh kiến và sự thanh
tịnh không ô nhiễm biến mất trong tâm của chúng ta.
Một khi con người phá được màn vô minh hắc ám và quay về sống
với tự tánh thanh tịnh để được giải thoát giác ngộ thì đây là
một tấm gương sáng cho chúng sinh noi theo và dĩ nhiên ánh đạo
vàng sẽ luôn bừng sáng trong tâm khảm của tất cả mọi người. Có
được như thế thì ngọn đèn tâm của chúng sinh hòa nhập với ngọn
đèn Phật để cùng đem ánh sáng Chân Lý lưu truyền khắp năm châu
bốn bể và mãi mãi vô cùng vô tận về sau.
Sau cùng trưởng giả Duy Ma Cật đã khẳng định với tôn giả Mục
Kiền Liên rằng có thực hiện đầy đủ những điều ở trên thì mới
đúng với Pháp, đúng với Chân lý vì một khi còn có kẻ nói, người
nghe là còn kẹt trong pháp tướng sinh diệt mà phải đi thẳng tới
pháp tánh thanh tịnh bản nhiên rốt ráo. Đó là không có người nói
mà cũng chẳng có người nghe thì đây mới thật là chân thuyết
pháp.
Sau khi ông Duy Ma Cật nói thời pháp đó, có tám trăm cư sĩ
phát tâm vô thượng Bồ-đề.
Bạch Thế Tôn! Con không được biện tài như thế, cho nên con không
dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Chủ trương của kinh Duy Ma Cật là nhắm vào hàng Phật tử tại gia
để khuyến khích họ phát Bồ-đề tâm và đi theo Bồ-tát đạo. Trọng
tâm của kinh nầy vẫn là chuyễn tâm thì cảnh sẽ chuyển theo. Do
đó chúng sinh tu ở đâu cũng được. Tu nhà, tu chợ, tu trong sở
làm, tu trong siêu thị… hay bất cứ nơi nào cũng là đạo tràng
thanh tịnh cả. Khi hàng Phật tử tại gia thấy ông Duy Ma Cật có
biện tài vô ngại làm cho hai đại đệ tử của Phật là Xá Lợi Phất
và Mục Kiền Liên không đối đáp được nên có 800 cư sĩ hoan hỷ tu
theo ông Duy Ma Cật và phát tâm cầu vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác.
|
|