Chương Thứ
Ba
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng
Thanh Văn
Tôn giả Phú Lâu Na.
(Purna
Maitrayaniputra): Trở Lại Vấn Đề Thuyết
Pháp.
Tôn giả Phú Lâu Na là con một
vị Bà La Môn rất giàu sang làm quốc sư trong triều của vua Tịnh
Phạn. Ông sanh cùng ngày với Đức Phật và sau đó quy y thọ giáo
với Đức Thế Tôn và chứng quả A La Hán. Tôn giả là vị giảng sư
rất nổi tiếng. Mỗi khi Đức Phật thuyết ngắn gọn hoặc khó hiểu
thì tôn giả giảng giải rộng nghĩa cho tất cả mọi người. Vì thế
ngài rất nổi tiếng là người nói pháp rất giỏi và rất dài nên
được Đức Phật công nhận là đệ nhất thuyết pháp.
Đức Phật gọi ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử đến bảo:
- Phú Lâu Na! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma
Cật.
Ông Phú Lâu Na thưa:
- Bạch Thế Tôn! Trước đây vào một hôm nọ, con ở trong khu
rừng Đại Lâm, cùng với một số tân học Tỳ Kheo ngồi dưới bóng mát
của một cây cổ thụ. Lúc con đang thuyết pháp dạy cho số Tỳ Kheo
tân học, tình cờ trưởng giả Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:
- Thưa ngài Phú Lâu Na! Trước hết ngài phải nhập định quán
xét tâm tánh của các Tỳ Kheo, rồi sau đó hãy thuyết pháp.
- Thưa ngài Phú Lâu Na! Ngài không nên đem thức ăn
thiu bẩn mà đựng trong chén ngọc đĩa vàng. Ngài phải biết ý niệm
của các vị Tỳ kheo đang nghĩ tưởng gì, nhiên hậu sẽ thuyết pháp.
Không nên sử dụng một thứ nhìn đồng nhất rồi cho rằng lưu ly và
thủy tinh là một. Ngài chưa biết căn cơ chủng tánh của chúng
sanh thì đừng đem pháp tiểu thừa mà dạy cho họ. Họ vốn không có
ghẻ, đừng làm cho lở loét một con người. Họ muốn đi đại lộ, đừng
chỉ cho họ ngõ hẹp quanh co. Ngài đừng đem nước biển đựng vào
dấu chân trâu. Đừng lấy ánh sáng mặt trời mà đọ với ánh lập lòe
của đom đóm.
- Thưa ngài Phú Lâu Na! Các vị Tỳ Kheo ấy đã phát
tâm đại thừa từ lâu, khoảng giữa họ quên đi tâm ý đó. Tại sao
ngài lấy pháp tiểu thừa hướng dẫn cho họ làm chi? Tôi nghĩ rằng
thứ trí tuệ của hàng tiểu thừa nhỏ nhen, cạn cợt chẳng khác
người đui. Họ không thể phân biệt được ai độn căn, ai lợi căn
trong số chúng sinh, tâm họ vốn còn trong trắng.
Trong Phật giáo thì pháp có pháp liễu nghĩa và bất liễu nghĩa.
Có pháp Đại thừa và Tiểu thừa. Có pháp cứu cánh và pháp phương
tiện. Do đó khi thuyết pháp cần phải quán căn cơ và biết nhìn
đối tượng. Chủ điểm của Kinh Duy Ma Cật là bắt nhịp cầu để
chuyển tiếp từ tư tưởng chật hẹp, cố chấp của Tiểu thừa sang thế
giới rộng rãi vô cùng vô tận của Đại thừa chớ không phải khinh
miệt bởi vì có tự giác mới giác tha được. Phật pháp thì cao siêu
và vượt ra ngoài văn tự và lời nói, nhưng vì căn cơ, trình độ
chúng sinh có sai khác nên pháp Phật được chia làm ngũ thừa chớ
không phải Phật pháp có sai khác.
Ở đây tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp không phải sai pháp mà là
sai đối tượng. Chẳng hạn người có trình độ cao mà mình nói pháp
thấp thì chỉ có hại chớ không có lợi. Ngược lại người có trình
độ thấp mà mình nói pháp cao thì đối với họ chỉ là vô ích. Vì
thế sai đối tượng thì người nghe không có kết quả, pháp đúng trở
thành sai. Cũng như chiếc áo trắng một khi đã nhúng chàm, chiếc
áo ấy sẽ không còn đẹp nữa khi nhuộm màu sắc khác. Con người thì
cũng thế, một khi tâm hồn trong trắng được nhuộm bằng màu sắc
Tiểu thừa thì sự trong trắng kia không còn nữa. Nếu con người có
khả năng đi đại lộ thì không nên chỉ họ đi quanh co ngõ hẽm làm
chậm trễ bước tiến của họ vì thế việc làm chẳng những không được
ơn mà còn có tội.
Ông Duy Ma Cật ví người Tiểu thừa như người mù vì trí tuệ nông
cạn chưa sáng suốt thâm sâu, không biết căn tánh chúng sinh
thông minh hay đần độn mà cứ đem pháp Tiểu thừa ra dạy thì lợi
đâu không thấy mà chỉ là hại thêm.
Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh thì trong tất cả chúng sinh
đều có chủng tánh Đại thừa. Nếu họ được hướng dẫn bằng pháp Đại
thừa thì hạt giống Đại thừa chắc chắn sẽ phát triển.
Bấy giờ ông Duy Ma Cật liền nhập tam muội truyền một lực tĩnh
tâm khiến cho các vị Tỳ Kheo kia tự biết túc mệnh của mình: Rằng
họ đã từng trồng sâu gốc rễ phước ở 500 Đức Phật từ thưở xa xưa.
Ngày xưa trưởng giả Duy Ma Cật nhập định khiến các Tỳ Kheo nhớ
được tiền kiếp của mình. Ngày nay chúng ta không có Túc Mạng
Thông thì làm sao mà nhập đại định để biết tiền kiếp của mình
hay của chúng sinh? Do đó trước khi thuyết pháp thì phải dò xét,
đặt câu hỏi để thẩm định trình độ và căn cơ của đối tượng thì
lời thuyết pháp chẳng những không có hại hay vô ích mà còn gieo
vào chúng sinh những chủng tử Phật pháp nhiệm mầu.
Tôn giả Phú Lâu Na nói tiếp:
Mọi người tự xoay về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thoạt
nhiên họ liền trở lại tâm đại thừa vốn có. Lúc bấy giờ các vị Tỳ
Kheo ấy đánh lễ dưới chân ông Duy Ma Cật.
Sau thời pháp của trưởng giả Duy Ma Cật, các vị Tỳ Kheo ấy không
còn thoái chuyển đối với ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác.
Đối với hàng Tiểu thừa thì cầu Niết bàn và chứng quả A La Hán,
nhưng đối với Đại thừa thì Bồ Đề, Niết bàn là tự tánh vốn có của
tất cả mọi người. Kinh Kim Cang xác định là thứ tự tánh thanh
tịnh nầy ở địa vị Thánh nó cũng không tăng và ở phàm phu nó cũng
không giảm. Cũng như nước trong trăng hiện, một khi phiền não
hết thì Phật tánh hiễn bày.
Hàng Tiểu thừa thì cầu với chứng, nhưng thật ra tất cả quả vị
chứng đắc thật ra không ai ban cho và ngay cả Bồ Đề, Niết bàn
cũng không do Phật thưởng bởi vì phiền não vô minh tan thì có
được an nhiên tự tại cũng như mây đen tan thì trời xanh hiện. Vì
thế mà Tâm Kinh có câu: “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Con người quên
rằng trong họ có hòn ngọc Ma Ni rất quý báu mà không biết nên cả
cuộc đời cứ sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo túng. Thật vậy
trong mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, nhưng vì bị
vô minh che lấp nên không thấy mà cứ chạy đi tìm cầu Phật ở bên
ngoài. Nếu thức tỉnh phá được cái màn vô minh thì Phật tánh hiện
bày cũng như thò tay vô túi lấy viên ngọc ra thì làm gì còn
nghèo khổ. Như các vị Tỳ Kheo bổn tâm bị vô minh che lấp, nay
nhờ ông Duy Ma Cật mà thức tỉnh, tâm trí bừng sáng mà quay về
với Chân lý, với Bản Lai Diện Mục, với Phật Tánh Chân Như. Sự
sáng suốt đưa các vị Tỳ Kheo trở về với giáo lý Đại thừa, không
còn bất thối chuyển thì chẳng còn trở lại nơi lầm lạc củ mà nhất
tâm tiến về nẻo giác ngộ tột cùng tức là Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác vậy.
Bạch Thế Tôn! Ông Phú Lâu Na thưa. Qua sự kiện đó con suy
nghĩ rằng hàng Thanh văn không thể quán xét căn tánh của người
thì không nên thuyết pháp. Do vậy, hôm nay con không dám lãnh
trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Vì khả năng và lối quán sát của hàng Thanh văn chưa thấu đáo nên
tôn giả Phú Lâu Na cần phải tu và thực hành thiền định một cách
rốt ráo thì mới phát huy được cái trí tuệ sáng suốt triệt để sẳn
có trong tất cả mọi người. Vì thế Tâm Kinh cũng dạy rằng: “Dĩ vô
sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa y Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa cố, tâm vô quái
ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng
tưởng cứu cánh Niết Bàn” có nghĩa là Khi đã có cái trí tuệ sáng
suốt triệt để ở nội tâm và không còn thấy có chứng đắc thì lòng
thênh thang không còn bị điều gì ngăn ngại nên không còn sợ hãi,
xa lìa mộng tưởng điên đảo mà đạt được cứu cánh Niết bàn”.
|
|