A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
     

Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Tư

Phẩm BỒ TÁT
(The Reluctance of the Bodhisattvas)

Bồ-tát Trì Thế

Pháp vui Vô Tận.

Đức Phật gọi Bồ-tát Trì Thế bảo:

-  Trì Thế! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Bồ-tát Trì Thế thưa:

-  Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả.

-  Bạch Thế Tôn! Con còn nhớ một hôm nọ con đang ở nơi tịnh thất, bấy giờ có ma Ba tuần đem theo cả một vạn hai ngàn Thiên nữ, giả dạng y như Trời Đế Thích. Họ đánh trống thổi kèn, đàn nhạc, ca hát, đi đến chỗ con. Một số đông dập đầu lễ lạy dưới chân con; rồi chấp tay cung kính đứng trước con, hàng ngũ trang nghiêm trật tự. Con nghĩ họ là Trời Đế Thích. Còn bèn thuyết pháp cho họ rằng:

-  Quý hóa thay! Kiều Thi Ca! Các vị có phước báu, nhưng không nên buông lung, trong khi hưởng phước. Phải quán ngũ dục là vô thường, để trồng sâu cội phước. Dựa trên tự thân, trên của cải vô thường mà tu tập quán chiếu, ngõ hầu được cái thân bền chắc…!

Bấy giờ trong số người đó nói với con rằng:

-  Thưa Chánh sĩ! Chúng tôi xin hiến cho ngài hai ngàn Thiên nữ nầy. Ngài hãy nhận để làm người hầu hạ. Họ sẽ giúp đở cho ngài công việc khi cần.

Bạch Thế Tôn! Lúc bấy giờ con bèn nói với họ:

-  Kiều Thi Ca! Không nên đem hàng Thiên nữ như thế mà hiến tặng cho sa môn Thích tử chúng tôi. Việc làm đó phi pháp. Hàng sa môn Thích tử chúng tôi không thể nhận những người như thế để giúp việc.

Con nói chưa dứt lời thì ông Duy Ma Cật đến, bảo con rằng:
-  Này ngài Trì Thế! Họ không phải là Đế Thích. Họ là ma đến để treo ghẹo ông đấy.

Ông Duy Ma cật bèn nói với các ma:
-  Các cô gái kia ơi! Hãy hiến các cô cho tôi! Như tôi đây mới là người đáng nhận sự hầu hạ giúp đở của các cô.

Bấy giờ bọn ma rất sợ hãi, nghĩ rằng: Có thể ông Duy Ma Cật sẽ làm bức não chúng ta.

Tất cả đều muốn biến hình trốn đi, nhưng vẫn không biến được. Chúng vận dụng hết sức thần cũng không sao ẩn hình trốn thoát. Bỗng nhiên, trên không trung có tiếng vọng lên rằng:

-  Ma Ba tuần! Hãy hiến tặng các cô gái ấy đi thì mới có thể rời khỏi nơi đó.

Bọn ma cả sợ, lạy sấp, lạy ngửa mà dâng.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo các cô gái rằng:
-  Ma đã hiến các cô cho tôi rồi! Các cô nên phát tâm vô thượng Bồ-đề đi.

Sau đó, tùy căn tánh của mỗi người, trưởng giả Duy Ma Cật thuyết pháp khiến cho hàng ma nữ vui mừng phát tâm hướng về Phật đạo…

Trưởng giả Duy Ma Cật dạy tiếp:
-  Các cô đã phát tâm theo đạo Phật, các cô sẽ có cái vui chính của các cô mà không cần đến cái vui của ngũ dục nữa.

Thiên nữ hỏi:
-  Cái vui đó là thế nào?

Ông Duy Ma Cật đáp:
-  Vui thường tin Phật. Vui ham nghe Pháp. Vui cúng dường Tăng. Vui vĩnh ly ngũ dục. Vui quán ngũ uẩn như ác tặc. Vui quán tứ đại như độc xà. Vui quán nội nhập như rỗng không. Vui thuận theo ý đạo. Vui lợi ích chúng sinh. Vui kính trọng và cúng dường sư trưởng. Vui làm bố thí được nhiều. Vui giữ giới kiên trì và thanh tịnh. Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui siêng nhóm thiện căn. Vui thiền định không loạn. Vui cấu hết, tuệ sanh. Vui được tâm Bồ-đề rộng lớn. Vui hàng phục các ma. Vui đoạn các phiền não. Vui thấy cõi Phật thanh tịnh. Vui thành tựu tướng hảo. Vui tu các công đức lành. Vui trang nghiêm đạo tràng. Vui nghe pháp sâu xa mà không sợ. Vui với tam giải thoát môn. Vui gần bạn đồng học. Vui ở trong chỗ phi đồng học mà tâm không bị chướng. Vui chuyển hóa được những người ác tri thức. Vui tâm thường thanh tịnh. Vui tu vô lượng đạo phẩm. Đó là pháp vui của Bồ-tát, các cô nên biết.

Khi bấy giờ, Ma Ba tuần bảo các ma nữ rằng:
-  Ta muốn các ngươi cùng ta hãy trở về Thiên cung.

Các ma nữ nói:
-  Đã hiến chúng tôi cho cư sĩ, giờ chúng tôi có được pháp vui, chúng tôi vui lắm rồi. Từ đây chúng tôi không thích cái vui ngũ dục nữa.

Ma Ba tuần nói:
-  Thưa cư sĩ! Mong ngài thả các cô ấy đi! Theo chúng tôi biết Bồ-tát hạnh là xả thí tất cả sở hữu của mình cho người khác.

Ông Duy Ma Cật nói:
-  Tôi đã thả rồi, các cô tự ý mà đi. Các cô hãy nhớ làm thế nào cho chúng sinh đều được học chánh pháp như các cô vậy.

Kiều Thi Ca là tên để gọi cho các vị Trời như Trời Đế Thích.

Trì là nắm giữ, Thế là đời. Vì thế Trì Thế là giữ gìn, duy trì  Phật Pháp để đem hóa độ cho tất cả chúng sinh trong cuộc đời nầy.

Trong thế gian nầy có rất nhiều loại ma mang nhiều hình tướng khác nhau để làm cho con người khiếp sợ, nhưng đại để có những loại ma như sau:

1) Phiền não ma: Kiến hoặc và tư hoặc là những nguyên nhân để phát khởi những phiền não khổ đau trong tâm của con người. Phải thấu hiểu vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn để loại bỏ tánh tham, tật đố, tránh xa tham dục thì tâm được thanh tịnh.

2) Ngũ uẩn ma: Năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức quay cuồng, thay đổi không ngừng nên tâm sanh ra vọng tưởng làm con người đau khổ. Quán chiếu ngũ uẩn giai không để sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì tuy có thân tâm mà không chạy theo ngoại trần.

3) Pháp hành ma: Con người vì chạy theo tham dục nên gây ra nghiệp mà phải chịu quả khổ đời đời. Chính mình là người thợ tự vẻ cho cuộc đời của mình ở kiếp sau cho nên nếu muốn được an vui hạnh phúc thì đừng tạo nghiệp.

4) Tứ diệt ma: Vì thân là vô thường nên con người phải đối diện với sinh lảo bệnh tử. Cứ một giây trôi qua, chúng ta già đi một chút. Con người hàng ngày chết lần chết mòn chứ đâu phải đợi đến xuôi tay nhắm mắt mới gọi là chết. Biết thân là vô thường thì tâm không lo âu, phiền muộn.

5) Tử ma: Có sinh là có tử ngay cả ông Bành Tổ mà còn phải chết thì luật vô thường không thương xót một ai. Có người khéo tu thì khi chết mình làm chủ được thần thức trong thân trung ấm nên dễ dàng đi tái sinh vào cõi lành. Còn người tạo nhiều nghiệp bất thiện thì nghiệp lực đưa đẩy thần thức họ tái sinh vào nơi xứng đáng với quả nghiệp của họ để thọ nhận cảnh khổ. Còn người chưa đủ nhân duyên hay đánh mất cơ hội đi tái sinh nên thần thức lang thang lẫn thẩn, lúc ẩn lúc hiện tức là ma. Khi nhân duyên mới đến thì thần thức nầy sẽ được tái sinh.

6) Chư thiên ma: Loại ma nầy có nhiều phước đức nên được ở trên các cõi Trời để hưởng ngũ dục lạc. Họ có nhiều thần thông nhưng tâm không thiện nên thường quấy phá hay gây những chướng ngại cho người tu hành cao.

Ngày xưa khi Thái tử Tất Đạt Đa tu sắp thành đạo dưới cội Bồ-đề. Ma Ba Tuần biết Ngài sắp chứng đạo nên cùng thiên ma đến quấy phá Ngài. Quân ma có tới 18 ức bao vây chung quanh Ngài dưới cội Bồ-đề. Ma bảo:
-  Sa Môn mau đứng dậy.

Thái tử lặng thinh không đáp, như thế đến ba lần. Ma lại hỏi:
-  Sa Môn sợ ta không?

Tái tử đáp:
-  Ta không kinh sợ.

Ma hỏi:
-  Sa Môn thấy bốn chúng binh của ta chăng? Ông chỉ có một mình, không binh khí, đầu cạo, mặc y bày thân, lại nói không sợ?

Thái tử đáp bằng bài kệ:

Giáp nhơn, cung tam muội
Tay cầm tên trí tuệ
Phước nghiệp làm binh khí
Nay sẽ phá quân ngươi.

Ma bảo:
-  Nếu không nghe theo lời ta, ta sẽ làm cho thân hình ông tan thành tro bụi.

Thái tử nói:
-  Ta tự xem xét trên cõi người ma và thiên ma, nhơn và phi nhơn cùng bốn bộ chúng của ngươi cũng không thể động được một mảy lông của ta.

Ma nói:
-  Sa Môn! Nay muốn cùng ta giao chiến chăng?

Thái tử đáp:
-  Muốn được giao chiến.

Bấy giớ Thái tử mặc áo giáp nhân từ, Ngài dùng cung tam muội, tên trí tuệ và binh khí phước nghiệp để giao chiến với ma quân.

Chính Đức Phật tuy đơn độc một mình nhưng Ngài chỉ sử dụng bốn loại khí giới là từ bi, thiền định, trí tuệ và phước đức mà chiến thắng được ma quân.

1) Sở dĩ Ngài chiến thắng được ma quân là vì Ngài có tâm từ bi vô lượng vô biên không oán không thù ai nên ma không hại được. Còn chúng ta thì lòng từ chưa bủa khắp, tâm còn chấp thân sơ nên ma tham, ma sân có chỗ vào.

2) Tâm Phật luôn an định nên cho dù ma có hiện tướng kỳ quái thô bạo dữ dằn Ngài vẫn mặc nhiên không run sợ nên ma không hại được. Còn chúng ta nếu gặp ma mặt đỏ mặt xanh trong đêm tối thì hoảng hốt chạy dài. Không giữ được bình tỉnh bởi vì tâm không an định nên chúng ta sợ và thua ma.

3) Phật có trí tuệ sáng suốt vì Ngài thấy thân nầy không thật thì các tướng mạo ma quỷ nào có thật. Còn chúng ta vì chưa có trí tuệ sáng suốt nên thấy thân là thật và ma cũng thật làm tâm kinh sợ nên bị ma hại.

4) Sau cùng Đức Phật do công phu tu tập, làm lợi ích chúng sinh, phước đức kết nhóm nhiều đời nhiều kiếp nên ma không hại được. Sở dĩ chúng ta thường gặp chướng nạn, ma nạn là vì phước đức mỏng, sức tu tập yếu nên bị ma lấn ép.

Mặc dù Ma Ba Tuần có phép xuất quỷ nhập thần nhưng chư thiên ma là ngoại ma nên không quan trọng bằng nội ma ở trong tâm. Do đó Đức Phật đã dạy rằng:
-  Dù chiến thắng vạn quân ở chiến trường không bằng chiến thắng chính mình, vì đó là chiến thắng cao thượng nhất.

Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, nhân vật Từ Hải uy phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng nơi sa trường vậy mà lại thua một Thúy Kiều mình hạc xương mai. Vì thế thắng được mình mới là người làm chủ tất cả.

Ma thì có nội na và ngoại ma. Tuy ngoại ma đôi khi hóa hiện nhiều hình tướng ma quái khác nhau để hảm hại hay hù dọa con người, nhưng thật ra nội ma thì quan trọng hơn nhiều. Nội ma thì không hình không tướng mà có đủ nội lực để sai khiến và đẩy con người vào hố thẳm của tội lỗi đau thương nên đạo Phật chỉ chú trọng đến nó để thanh lọc thanh tâm của mình. Người đạo tâm yếu thì bị ma quái chọc ghẹo, quấy phá và đôi khi còn bị hảm hại nữa. Còn những bậc đức độ cao dầy và ý chí sắt đá chẳng những không khiếp nhược trước bọn ma quỷ nầy mà họ còn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về với chánh đạo. Đối với Ma Ba Tuần thì chúng lấy ngũ dục lạc tức là tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon và ngủ nghỉ làm thú vui sướng.

Tuy các vị Trời nhờ tu thập thiện nên được hưởng phước lạc nhưng họ vẫn còn chịu chi phối bởi luật vô thường và chưa ra khỏi lục đạo luân hồi vì thế Bồ-tát Trì Thế mới khuyên họ nên tu theo chánh đạo thì sẽ có ba pháp bền chắc. Đó là có thân bất hoại, mạng sống vô cùng và tiền của vô tận. Tuy là Bồ-tát nhưng Bồ-tát Trì Thế chưa có mắt trí tuệ nên đã nhận lầm Ma Ba Tuần là Trời Đế Thích tức là nhìn lầm đối tượng trong khi thuyết pháp. Mà đối tượng sai thì mất đi tính công dụng của pháp cũng như thuốc tuy có hay mà không trị đúng bệnh thì có uống thuốc cũng như không.

Một hôm ngài A Nan đang đi hoằng pháp thì gặp người thợ rèn hỏi ngài về pháp tu thì tôn giả dạy về quán bất tịnh. Khi gặp ông giữ nghĩa địa thì tôn giả dạy về cách đếm hơi thở. Cả hai ông thực tập hoài mà không có tiến bộ chi cả nên tôn giả đem chuyện nầy thuật lại cho Phật. Sau khi nghe xong, Phật dạy rằng: “A Nan! Ông dạy họ sai chớ không phải họ tu không có kết quả bởi vì ông  nhìn sai đối tượng. Người giữ nghĩa địa vì thấy thây ma hàng ngày nên dạy họ về quán bất tịnh thì họ mới dễ quán chiếu, thấu triệt về luật vô thường tạm bợ của tạo hóa. Còn người thợ rèn cứ thổi ra thổi vô khì khịt cả ngày thì nên dạy về cách đếm hơi thở tức là hít vô thở ra đều đặn thì việc làm của họ hằng ngày tức là tu vậy.”

Thiên Ma Ba Tuần đã dùng sắc đẹp và đàn nhạc ca hát của các Thiên nữ để cám dỗ Bồ-tát Trì Thế. Tệ hại hơn nữa, Thiên Ma Ba Tuần lại muốn hiến hai ngàn Thiên nữ cho Bồ-tát để quấy phá làm lung lạc con đường tu đạo của Ngài. Bồ-tát Trì Thế biết mình không đủ bản lãnh để đối trị với ngũ dục lạc nên ông không dám nhận. Thà không hay không biết, không dính dáng thì dễ dàng tránh bỏ. Ngược lại ông Duy Ma Cật có trí tuệ sáng suốt, tâm hằng thanh tịnh, không còn bị đắm nhiễm ngũ dục lạc nên chẳng sợ bị cám dổ. Chẳng những không sợ bị nhiễm ô mà ông còn dùng chánh pháp để giáo huấn các Thiên nữ đưa họ trở về sống với chánh đạo. Thông thường nếu chúng ta sợ ma thì sẽ bị ma nhiểu loạn, còn không sợ ma thì ma sợ lại chúng ta. Vì có bản lỉnh cao nên ông mới yêu cầu Ma Ba Tuần hiến những Thiên nữ nầy cho ông. Ông dạy họ nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề để tạo niềm vui trong Phật pháp thay vì lấy ngũ lục lạc làm niềm vui như trước. Cái vui trong ngũ dục như phải có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, chạy theo tham đắm sắc dục, đàn ca múa hát, phải có địa vị cao sang quyền thế trong xả hội để được vinh thân phì da, ăn ngon mặt đẹp… chỉ là cái vui của người nướng mình trên hầm lửa, cái vui của kẻ mê muội mà cội nguồn vẫn là vô minh, thiếu sáng suốt. Phật giáo không phủ nhận có rất nhiều cái vui trong thế gian  nhưng tất cả cũng chỉ là những cái vui nhất thời, tạm bợ và là căn nguyên cội rễ của những nổi khổ sau nầy. Thí dụ như chúng ta vừa mới mua một căn nhà vừa to vừa đẹp nên chắc chắn tiệc mừng tân gia phải là ngày vui cho gia đình. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau, chúng ta phải lo tiền nhà, tiền bảo hiểm, tiền thuế và trăm ngàn thứ khác gắn liền với căn nhà mới nầy. Thế thì cái vui thì ngắn ngủi mà cái lo đeo đuổi suốt cả cuộc đời. Nhà càng to thì lo càng lớn và có càng nhiều thì càng phải lo phải giữ. Nếu đây không phải là khổ thì là gì? Ngược lại đối với người trí thì họ không cần những cái vui nhất thời tạm bợ ở trên mà họ chọn cho mình cái vui trường cửu ở mọi hoàn cảnh, ở mọi thời gian. Đối với Bồ-tát thì cái vui là việc tu hành thanh tịnh sáng suốt, khuyên người làm lành lánh dữ và làm việc vì người tức là lúc nào cũng lấy tinh thần vô ngã lợi tha làm phương châm cho hành động. Cái vui của Bồ-tát chính là sự thanh tịnh, an lạc phát xuất từ trong nội tâm và đây mới chính là cái vui vô cùng vô tận.

Cho dù là Thiên nữ ma nhưng khi gặp được bậc đại thiện tri thức giúp khai thị Phật tri kiến thì chúng cũng có khả năng quay trở về với chánh đạo và phát tâm cầu tiến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế khi phát Bồ-đề tâm tức là đã: “Hồi đầu thị ngạn” thì bây giờ các Thiên nữ đã thức tỉnh và có cái vui chân thật phát xuất từ trong nội tâm mà không còn thích cái vui ngũ dục tạm bợ bên ngoài nên các cô không muốn trở về ma cung nữa. Có cơ hội thoát khỏi chỗ nhơ uế nên các cô không muốn trở về, nhưng ông Duy Ma Cật cho rằng dù các cô có trở về ma cung thì cũng chẳng tai hại gì. Bởi vì ngọc trắng dù ở trong bùn bẩn vẫn không vì vậy mà hoen ố sắc màu. Cũng như người đã phát Bồ-đề tâm dù ở trong cảnh ô trược vẫn không vì vậy mà nhiễm loạn chất thanh cao. Đó là đúng với câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” vậy. Sống trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào thì không có gì quan trọng mà điều cốt yếu là con người phải luôn luôn bồi dưỡng trí tuệ và phát Bồ-đề tâm ngày càng thêm rộng lớn.
Bấy giờ các cô gái hỏi ông Duy Ma Cật:
-  Khi trở về cung ma, chúng tôi phải làm gì? Thưa ngài Duy Ma Cật!

Ông Duy Ma Cật bảo:
-  Này các cô! Có pháp môn tên là :
“Vô tận đăng”, các cô hãy siêng năng tu học.

Vô tận đăng có nghĩa là cây đèn vô tận. Ví như một ngọn đèn đem mồi thêm ra cả trăm ngàn ngọn đèn nữa, khiến cho chỗ tối được sáng, sáng rộng và sáng mãi mà ngọn đèn nguyên thủy chẳng hao mòn chút ánh sáng nào.

Cũng như vậy, thưa các cô! Bồ-tát có thể dạy dỗ cho trăm, ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm vô thượng Bồ-đề mà đạo tâm và đạo hạnh của Bồ-tát chẳng có giảm sút. Ví như ngọn vô tận đăng đấy! Các cô dù ở cung ma sử dụng pháp “Vô tận đăng” khiến cho chư Thiên tử, thiên nử phát tâm vô thượng Bồ-đề thì chính là các cô đã đền đáp thâm ân Phật.

Vô Tận Đăng là ngọn đèn sáng không bao giờ tắt, là ngọn đèn chánh pháp và ngọn đèn nầy chính là trí tuệ sáng suốt của người tu đạo. Nếu đã có trí tuệ sáng suốt thì mọi việc làm đều lành, mọi tư tưởng đều thiện và mọi lời nói đều tốt cho nên các Thiên nữ dù có ở cung ma nhưng đạo tâm không mất mà họ còn đem Phật pháp truyền bá rộng rãi khiến cho các Thiên tử, Thiên nữ khác phát Bồ-đề tâm thì cũng như đền đáp thâm ân Phật vậy.

Phật dạy rằng trí tuệ và từ bi tuy hai nhưng mà một
, hỗ tương nhau. Từ bi giúp cho trí tuệ đượm nhuần tươi mát và trí tuệ giúp cho từ bi được sáng suốt để làm mọi việc lợi ích cho người đúng với đạo lý. Nếu chỉ có trí tuệ mà không có từ bi thì đó là trí tuệ khô không lợi ích cho mình và cho người. Còn nếu có từ bi mà không có trí tuệ thì đây là từ bi mù. Bởi vì nếu chúng ta có tình thương nhưng thiếu trí tuệ thì thấy ai cũng thương, người gạt mình cũng thương nên dễ bị lừa bịp. Vì thế muốn hoàn thành Phật đạo thì phải có đủ trí tuệ và từ bi nên kinh Phật mới có câu: “Phước tuệ lưỡng toàn phương tác Phật”.

Bấy giờ các Thiên nữ đầu mặt lễ dưới chân ông Duy Ma Cật. Lễ xong, cùng theo Thiên ma về cung. Tất cả hốt nhiên biến mất.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Trì Thế thưa:

-  Trưởng giả Duy Ma Cật có trí tuệ biện tài tự tại như thế cho nên con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.


Cổ nhân có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trên thế gian nầy không ai biết mình bằng chính mình cho nên Bồ-tát Trì Thế tự biết mình không đủ bản lãnh để đối trị với ngũ dục lạc nên Ngài tránh nó xa để tâm không bị đắm nhiễm. Còn trưởng giả Duy Ma Cật là người có trí tuệ sáng suốt, thần thông quảng đại nên không sợ bị ô nhiễm. Trái lại ông còn vào chốn nhiễm ô để cải hóa, thay tâm đổi tánh và đưa họ trở về với chánh đạo. Một khi con người đã thức tỉnh, biết trực nhận chân lý và phát Bồ-đề tâm thì cũng như là ngọn Vô Tận Đăng không bao giờ tắt. Ngọn đuốc trí tuệ nầy thắp sáng để soi đường cho chúng sinh đang đi trong đêm tối mê lầm và sẽ được chuyền tay nhau để chánh pháp mãi mãi được lưu giữ trong tâm của tất cả mọi người. Bồ-tát Trì Thế vì sợ nhiễm ô mà xa lánh bụi trần trong khi tư tưởng đại thừa khẳng định là Bồ-tát một khi đã có trí tuệ Ba-la-mật thì không còn sợ bị sa ngã trước những cám dỗ. Tâm các Ngài không hề bị giao động, không hề sợ hãi và không bị ngăn ngại cho dù phải đối diện với thuận hay nghịch cảnh. Khi đã thấu hiểu những thú vui nhất thời tạm bợ của ngũ dục lạc chính là cội nguồn của những phiền não khổ đau về sau thì con người nên dùng trí tuệ của mình để kiềm chế nó. Con người biết làm chủ được dục lạc thì có an vui tự tại, ngược lại nếu dục lạc làm chủ con người thì dĩ nhiên sẽ chuốc thêm hệ lụy phiền não khổ đau. Người trí thì không chạy theo cái vui nhất thời tạm bợ mà sống với cái vui của Bồ-tát. Đó là niềm vui trong an lạc vì viễn ly được phiền não. Vui vì lợi ích cho chúng sinh. Vui vì chuyển hóa được kẻ bất thiện. Vui vì được tâm Bồ-đề. Vui vì tu các công đức. Vui vì tâm thường thanh tịnh… Những niềm vui nầy chính là chất xúc tác để mở con mắt tâm và xóa tan những biên giới của nhị nguyên để giúp con người nhận ra kiến tánh của mình. Từ đây con người sẽ sống an vui tự tại trong cái tâm trạng đầy phúc lạc an nhàn.

|