Chương Thứ Ba
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng
Thanh Văn
Tôn giả Xá Lợi Phất.
(Phạn ngữ: Sariputra): Vấn Đề Thiền.
Bấy giờ trưởng giả Duy Ma
Cật tự nghĩ: nay mình nhuốm bệnh nằm một mình một giường và một
thất, Đức Thế Tôn là bậc đại từ, lẽ đâu không đoái lòng thương
xót. Phật biết thâm ý liền bảo ông Xá Lợi Phất rằng:
- Xá Lợi Phất! Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con xin Thế Tôn thương cho. Con không kham lãnh
trách nhiệm đến thăm bệnh ông ấy.
- Bạch Thế Tôn! Vì trước đây có một hôm con đang ở trong rừng
ngồi thiền dưới một cội cây. Tình cờ ông Duy Ma Cật đến nói với
con rằng:
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ngài bất tất phải
ngồi như thế mới là ngồi thiền! Vả chăng ngồi yên ở trong tam
giới mà không hiện thân ý mới là ngồi thiền. Sinh hoạt trong oai
nghi như hằng ngày mà không rời diệt tận định mới là ngồi thiền.
Làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không xao lãng đạo pháp mới là
ngồi thiền. Tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra
ngoài mới là ngồi thiền. Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị
thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín, hoang đường mà tâm không lay
động, không bị mê hoặc, cám dỗ, xiêu lòng, vững tâm trong 37
phần trợ đạo thế mới là ngồi thiền. Không khởi tâm đoạn trừ
phiền não mà vẫn có Niết bàn thế mới là ngồi thiền.
Ngồi được như thế thì đó là thứ thiền được Phật ngợi khen và ấn
khả, thưa Ngài Xá Lợi Phất.
Xá Lợi Phất là một trong mười vị đại đệ tử của Phật. Ngài là
người thông minh trí tuệ từ khi còn bé cho nên sau khi quy y
theo Phật, Ngài nổi danh là đệ nhất trí tuệ trong hàng Thanh
Văn. Đối với Phật giáo thì thiền là phương thức căn bản để định
tâm. Chính ngày xưa Đức Phật đã ngồi thiền suốt 49 ngày đêm dưới
cội Bồ-đề mới trở thành vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu mà
không thiền cũng như ăn cơm mà không có muối. Dù có được ăn,
nhưng càng ngày thân thể càng èo uột, dễ chết. Vì thế sau ngày
Đức Phật nhập diệt thì các đệ tử vẫn tiếp tục duy trì truyền
thống ngồi thiền để đạt được tâm thanh tịnh. Do đó khi ông Duy
Ma Cật nói : “Bất tất phải ngồi thiền như thế mới là ngồi thiền”
có mâu thuẩn giáo lý của Phật không? Tuy ngài Xá Lợi Phất là bậc
thông minh xuất chúng, đệ nhất trí tuệ, nhưng vẫn thuộc hàng
Thanh Văn. Đó là các ngài chỉ mới phá được chấp ngã tức là phá
được cái Ta và những Tham-Sân-Si để tạo tác cho cái Ta mà chưa
phá được chấp pháp tức là còn thấy có pháp để tu, có quả vị để
chứng và chấp phải ngồi thiền thì tâm mới an, mới chứng quả A La
hán. Lối nhìn của ông Xá Lợi Phất là đứng về Sự Tướng Tương Đối
của thế gian còn tư tưởng của ông Duy Ma Cật là đứng về Chân Lý
Thể Tánh Tuyệt Đối mà hành. Vì thế không có sự mâu thuẩn giữa
tôn giả Xá Lợi Phất và trưởng giả Duy Ma Cật và dĩ nhiên cũng
không có sự mâu thuẩn giữa hai lối tu thiền mà chỉ có sự khác
nhau về tư tưởng và thực hành giữa Sự và Lý hay Tướng và Tánh mà
thôi. Ông Xá Lợi Phất thì chấp vào Tướng nên cứ phải ngồi yên
lặng không nói năng mới là thiền còn ông Duy Ma Cật thì nhìn vào
Bản Thể Chân Như bên trong nên đối với ông thì đi, đứng, nằm,
ngồi đều là thiền, lúc nào cũng thiền, ở nhà cũng thiền, ở chợ
cũng thiền ngay cả trong lúc ăn cơm, mặc áo, nói chuyện cũng
thiền. Khi con người làm chủ được tâm của mình, giữ tâm an nhiên
tự tại, không chạy theo vọng thức bằng cách sống trong Chánh
Niệm, xa lìa sự quyến rủ của lục trần để kiềm chế Tham-Sân-Si
làm cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh thì mới là tu thiền. Vậy đi,
đứng, nằm đều là tu thiền chứ không nhất thiết chỉ có ngồi. Ngày
xưa chính Lục Tổ Huệ Năng cũng nói rằng nếu có nhập thiền và có
xuất thiền thì tâm chưa phải là đại định. Đối với tư tưởng Duy
Ma Cật thì tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày đều là thiền. Tu thiền
là tu trong mọi sinh hoạt của cuộc sống cho nên khi gặp thuận
cảnh thì lòng không tham đắm và lúc đối diện với nghịch cảnh thì
tâm không dao động, sợ hãi, đau khổ hay chán chường. Vì thế
không nhất định chỉ có buổi sáng hay ban đêm mới thiền mà trong
24 tiếng đồng hồ mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà không
cho vô minh vọng chấp dấy khởi làm Tham-Sân-Si không có cơ hội
phát tác khiến tâm được thanh tịnh thì mới là thiền.
Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi tay cầm lưỡi gươm
đang bốc lửa chính là lưỡi gươm vàng trí tuệ để chặt đứt những
xiềng xích bó buộc của vô minh phiền não. Vì tầm quan trọng đó
mà chính Đức Phật cũng dạy rằng:
- Thanh kiếm trí tuệ không bao giờ rời tay, đó mới là chiến sĩ.
Một chiến sĩ vào trận mà bỏ kiếm, đi tay không thì sẽ bị giặc
(phiền não) bắt ngay.
Không riêng gì Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cầm trên tay thanh gươm trí
tuệ mà tất cả chúng ta nếu muốn diệt vô minh vọng chấp thì cũng
phải trang bị cho mình thanh gươm quý báu nầy. Nếu có người làm
ta bất bình nổi nóng mà chúng ta vẫn trầm tỉnh an vui là trên
tay còn thanh kiếm báu. Nếu đối diện với cuộc sống mà còn buồn
phiền, lo lắng, đau khổ, tật đố là thanh kiếm trí tuệ bị bỏ rơi
xuống đất rồi. Còn thản nhiên bình tĩnh thì tay vẫn còn cầm
thanh kiếm. Vì thế thiền là giữ đừng cho tâm chạy tán loạn mà
sanh ra vọng tưởng. Đa số con người có bệnh “lo ra”. Ngồi ở đây
mà cứ lo nghĩ chuyện ở bên Tàu, bên Tây. Do đó muốn tâm được tự
tại thì tới giờ ăn thì chỉ lo ăn chớ đừng tính toán việc sinh kế
nầy nọ. Khi đi ngủ thì cứ đi ngủ, đừng có nghĩ chuyện lời lỗ,
hơn thua. Tập được như vậy là chúng ta tập làm chủ tâm mình. Đây
chính là yếu tố chính để chúng ta thành công trong mọi lãnh vực.
Ở Việt Nam Trần Thánh Tông là vua thứ hai
của nhà Trần vì nghe danh Trần Quốc Tảng là bậc đại sĩ nên nhà
vua tôn ông làm sư huynh và tặng hiệu là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Thượng Sĩ là con đầu của Trần Liễu và là anh cả của Hoàng Thái
Hậu. Trần Cảnh là em của Trần Liễu sau lấy vua Lý Chiêu Hoàng
lúc mới tám tuổi, được vợ nhường ngôi trở thành Trần Thái Tông.
Khi Lý Chiêu Hoàng được 19 tuổi mà không con nên Trần Cảnh lấy
vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên tức là chị dâu lúc đó đang mang
thai và phong làm Hoàng hậu làm cho Trần Liễu phẩn uất nổi loạn.
Thượng Sĩ là thầy của Thái tử Trần Khâm tức vua Trần Nhân Tông.
Sau khi thắng quân Mông Cổ, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử
xuất gia và lập ra phái Trúc Lâm. Tuy là một cư sĩ nhưng ông rất
tinh thông giáo pháp và tu hành đến chỗ vô phân biệt. Một hôm,
Thái tử Trần Khâm hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:
- Bạch Thượng Sĩ! Thế nào là chủ yếu của người tu thiền?
Thượng Sĩ đọc một câu thơ:
- Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.
Câu nầy có nghĩa là người tu thiền phải biết quay lại soi sáng
mình thì đó là phận sự chính chớ không phải từ ngoài mà được.
Ngồi yên ở trong tam giới mà không hiện thân ý mới là ngồi
thiền.
Người ngồi thiền thì yên lặng, chăm chú
quán hơi thở nên miệng không nói vì thế trong bộ ba Thân-Khẩu-Ý
thì khẩu đã tịnh nên chỉ cần giữ thêm thân và ý. Không hiện thân
ý là đừng quan tâm, chú ý tới thân và ý mà hảy quên mình sống vì
người để đạt đến trạng thái vô ngã. Luôn sống với Chánh Niệm và
khi làm việc gì thì chủ tâm để ý đến việc ấy chớ đừng để tâm
chạy tới chạy lui làm vọng thức mê lầm có cơ hội phát sinh. Nếu
chúng ta đọc sách thì chỉ nên để tâm vào cuốn sách, nếu đang lái
xe thì đừng quan tâm đến chuyện ở nhà và nếu nấu cơm mà để tâm
lo trả lời điện thoại thì ăn cơm cháy là chắc. Bây giờ ngồi yên
trong tam giới mà không hiện thân ý có nghĩa là con người tuy
sống trong tam giới mà tâm và ý không chạy theo tam giới tức là
không tạo nghiệp, không dính mắc trong ba cõi để khỏi phải chịu
sinh tử luân hồi. Thân và tâm không động thì đó mới thật là ngồi
yên.
Diệt Tận Định mà Phạn ngữ là Nirodha
Samapatti là phương pháp tu Định để diệt hết hai uẩn Thọ và
Tưởng nên thân tâm không còn cảm xúc và tư tưởng. Vì thế khi các
vị A La Hán nhập Diệt Tận Định thì tuy thân còn chút hơi ấm mà
không còn hơi thở và họ ngồi lặng lẽ như chết.
Vào thời Đức Phật, một hôm vào mùa hè oi
bức Đức Phật đang tọa thiền trong lều của những người làm ruộng.
Khi ấy có cơn mưa giông rất lớn tạo ra sấm sét đánh chết người
và trâu nhưng Ngài không hề hay biết. Khi Đức Phật xả thiền thì
thấy mọi người xôn xao mổ trâu để làm thịt. Đức Phật mới hỏi lý
do thì họ hỏi Ngài:
- Lúc nãy mưa to, sét đánh chết người chết
trâu. Khi ấy, Ngài ngồi ở đâu?
Đức Phật trả lời:
- Như Lai ngồi trong lều cỏ nầy.
- Ngài ngủ hay thức?
- Như Lai không ngủ.
- Không ngủ sao Ngài không nghe.
Thì ra lúc đó Ngài đang nhập định (Diệt Tận Định) nên quên hết
mọi chuyện bên ngoài.
Do đó khi đứng dậy hay đi đứng thì phải xả
Diệt Tận Định, nhưng ở đây ông Duy Ma Cật muốn phá cái chấp ngồi
yên mới là thiền nên cho dù không cần xả Diệt Tận Định mà tất cả
mọi hành động như đi, đứng, nằm, ngồi thì mọi cảm xúc và tư
tưởng vẫn như như bất động, không còn khởi vọng. Con người làm
chủ thân tâm chứ không chạy theo trần cảnh bên ngoài. Đừng chấp
có Định phải chứng và cũng đừng chấp có Thọ, Tưởng phải diệt mà
cứ an vui tự tại trong mọi sinh hoạt hàng ngày miễn sao tâm đừng
ô nhiễm thì đây chính là Như Lai thiền vậy. Như Lai thiền thì
không nhất thiết phải ngồi mới có thiền mà tất cả mọi hoạt động
như đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền cả.
Trong thế gian việc làm của kẻ phàm phu là họ làm bất cứ việc gì
cũng đều có tính toán lời lỗ trong đó. Buôn bán thì muốn buôn
may bán đắc để được giàu. Làm công sở thì muốn được thăng quan
tiến chức… nhưng ông Duy Ma Cật nói rằng làm mọi việc như kẻ
phàm phu mà không xao lãng đạo pháp là con người có thể làm bất
cứ việc gì mà lúc nào cũng giữ Chánh niệm, không để tâm chạy
theo trần cảnh mà bị ô nhiễm. Thí dụ như khi đi làm công sở thì
cứ tận tâm làm việc, hoàn thành công việc thật hoàn mãn mà đừng
đặt nhiều tham vọng vào việc thăng quan tiến chức thì thân tâm
sẽ an vui tự tại. Việc đến sẽ đến nếu ta xứng đáng thì có ngày
sẽ được thăng quan. Không hại người để lợi cho mình, giàu mà
không tham và nghèo mà không than khổ là sống theo đạo pháp vậy.
Vì thế một lần nữa con người có thể làm bất cứ việc gì mà đừng
để tâm một nơi khác, không tham đắm ngũ dục lạc thì đây mới gọi
là ngồi thiền.
Tâm không cột vào trong mà cũng không tản
mạn ra ngoài mới là ngồi thiền.
Thông thường con người có hai trạng thái. Một là tâm ở trong,
hai là thấy tâm chạy ra ngoài. Tâm mà thấy còn trụ ở chỗ nầy hay
chỗ kia thì không phải là tâm thật. Còn tâm thật thì nó phải
trùm hết chứ không phải chỉ có ở trong hay ở ngoài. Vì thế nếu
tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra ngoài chính là
sống với chơn tâm, với Phật tính, với tự tánh thanh tịnh của
mình. Đây mới chính là ngồi thiền vậy. Cũng như trong kinh Lăng
Nghiêm, khi nói về Chơn Tâm, Phật gạn hỏi ông A Nan bảy lần về
nơi thường trụ của tâm. Tôn giả A Nan nói tâm ở trong, tâm ở
ngoài, tâm ở chính giữa, tâm núp trong con mắt, tâm là sự suy
nghĩ, ngay cả tâm là cái không dính mắc… thì Phật bảo rằng ông
nói sai. Con người vì có bệnh chấp nên nói tâm phải thường trụ
một chỗ nào nhất định nên đây không phải là tâm thật. Khi bệnh
chấp đã hết thì không còn thấy tâm trụ ở một chỗ nào mà nó bao
trùm tất cả thì đây mới là chơn tâm. Vì chơn tâm là vô hình vô
tướng, bao trùm, lan tỏa khắp mọi nơi thì làm sao thấy biết được
mà nói là ở chỗ nầy hay chỗ kia.
Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện
mê tín, hoang đường mà tâm không lay động, không bị mê hoặc, cám
dỗ, xiêu lòng, vững tâm trong 37 phần trợ đạo thế mới là ngồi
thiền. Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết bàn thế
mới là ngồi thiền.
Đối với hàng Thanh Văn thì Tứ Diệu Đế là
chiếc thuyền vững chắc đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Muốn đạt
đến Thánh đạo hàng Thanh Văn phải loại bỏ cho hết tà kiến, xóa
tan những dị thuyết mê tín dị đoan, tu theo 37 phần trợ đạo để
tâm được thanh tịnh mà chứng quả Niết bàn. Các vị A La Hán còn
thấy có phiền não khổ đau nên mới cầu chứng đắc Niết bàn vì họ
còn tâm phân biệt phiền não và Niết bàn là hai. Bây giờ ông Duy
Ma Cật dùng Chân Lý Bất Nhị để giúp họ quay về sống với Lý Tánh
Tuyệt Đối của nhân sinh vũ trụ mà thấy rằng phiền não tức Bồ-đề
và sinh tử tức Niết bàn. Dựa theo Chân Lý nầy thì người tu thiền
không cần lìa bỏ thế gian mà vẫn được giải thoát giác ngộ bởi vì
đạo và đời vốn không hai tức là bất nhị. Không một ai sống trong
thế gian nầy ngay cả Đức Phật có thể tách rời đạo và đời được.
Một chén cơm chúng ta ăn, bộ quần áo chúng ta mặc, chiếc xe
chúng ta lái, cái nhà chúng ta ở là từ xã hội mà có. Ngay cả
những nhà tu khổ hạnh lên tận núi tuyết sơn nếu họ không có
người cung cấp thực phẩm, dụng cụ thì làm sao sống nổi để tu. Do
đó chân lý bất nhị của ông Duy Ma Cật là đạo và đời tuy hai
nhưng mà một, bất khả phân ly. Cái nầy tương trợ cho cái kia,
trong hai thiếu một thì cuộc sống thiếu thăng bằng. Vì thế Phật
mới dạy rằng: “Vì có phiền não nên có Bồ-đề, có sanh tử mới có
Niết Bàn, có luân hồi mới có giải thoát, có chúng sinh mới có
Phật”. Một khi chúng sinh không còn chấp có phiền não phải diệt,
Niết bàn phải chứng mà cứ tự tại tu hành thì tâm định và trí tuệ
sẽ sáng soi. Lúc ấy phiền não tự diệt và Niết bàn tự hiện bày.
Vì thế thiền định là quay vào bên trong để nghe rõ tiếng nói của
Tâm tức là phản quan tự kỷ. Mà con người chỉ có thể nghe được
những âm thanh huyền diệu nầy khi thân và tâm đã hoàn toàn thanh
tịnh, trí tuệ sáng suốt không còn Tham-Sân-Si quấy phá. Tâm định
thì trí tuệ Bát nhã sẽ phát sinh và lúc đó con người sẽ thấy
mình và chúng sinh không còn sự khác biệt nữa. Mình và chúng
sinh bây giờ cùng một Thể tức là một thì mới có thể vào thế gian
để cứu đời, độ đời, thực hành Bồ-tát đạo sống đời vị tha vô ngã.
Bạch Thế Tôn! Ông Xá Lợi Phất thưa. Sau khi con nghe những lời
như thế, con lặng người ra gần như sảng sốt, chẳng trả lời được
với ông Duy Ma Cật câu nào. Vì vậy con không dám lãnh trách
nhiệm đi thăm bệnh.
Tôn giả Xá Lợi Phất tu theo Sự Tướng Tương Đối nên bị cư sĩ Duy
Ma Cật đem Lý Tánh Bản Thể Tuyệt Đối ra chất vấn nên không trả
lời được. Mặc dù ông Xá Lợi Phất là trí tuệ đệ nhất của hàng
Thanh Văn cũng không thể nào sánh bằng trí tuệ của Bồ-tát được.
Hàng Thanh Văn tuy đã phá được chấp ngã nhưng họ vẫn còn kẹt
trong vòng tương đối của chấp pháp. Đó là còn chấp có phiền não
phải diệt, có Niết bàn phải chứng, có pháp môn để tu…nên chưa
đạt đến Lý Tánh Tuyệt Đối tức là không còn chấp Có, chấp Không,
tuy hai nhưng mà một, là bản Thể Chân Như, là tự tánh thanh tịnh
muôn đời.
Vì những lý do nầy mà tôn giả Xá Lợi Phất không dám lãnh trách
nhiệm đi thăm bệnh cư sĩ Duy Ma Cật.
|
|