Chương Thứ Mười Một
Phẩm
Hạnh Bồ-tát
(Việc Làm Của Bồ-tát)
(The Practices of Bodhisattvas)
Đức Phật đang thuyết pháp
ở trong một vườn xoài Am la cây to hàng rợp bóng. Lúc bấy giờ
đất vườn bỗng nhiên trở nên rộng rãi bao la khác thường, cành lá
vườn cây đổi màu mơn mởn xanh tươi, trăm hoa đua nở rực rỡ sắc
màu, lã lướt đong đưa trong làn gió nhẹ. Cảnh vật tựa hồ như hân
hoan chào đón …Tất cả đại chúng trong hải hội tự nhiên đến trở
thành màu hoàng kim rạng rỡ hào quang.
Thấy hiện tượng lạ, ông A
Nan thưa với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Do nhân
duyên gì mà cảnh vật trong vườn hiện ra điềm lạ thế kia. Đất của
vườn xoài bỗng nhiên rộng rãi bao la, cây cối xanh tươi, trăm
hoa rực rỡ sắc màu, mọi vật có vẻ như hân hoan khác lạ. Đại
chúng trong hải hội đều trở thành một màu hoàng kim rực rỡ.
Đức Phật bảo A Nan:
- Hiện giờ ông Duy Ma Cật
và Văn Thù Sư Lợi cùng đại chúng đang phát khởi ý muốn đến ra
mắt Ta. Họ đang cung kính đi nhiểu quanh, trước khi đến đây cho
nên ứng ra điềm ấy.
Mỗi khi Bồ-tát thị hiện ở
bất cứ nơi nào thì kinh thường diễn tả cảnh vật ở đó bỗng nhiên
trở thành trang nghiêm rực rỡ làm cho đại chúng thêm hoan hỉ.
Người Ấn độ có màu da hơi sạm đen vì thời tiết quá nóng, nay tất
cả mọi người thấy màu da của mình chuyển thành màu vàng kim tức
là màu đẹp đẽ tôn quý nên tất cả càng thêm hoan hỉ. Đất của vườn
xoài Am la bỗng nhiên rộng rãi bao la nghĩa là tâm của chúng
sinh ví như Đất (tâm địa) thì mở rộng sẳn sàng đón nhận tư tưởng
Đại thừa. Khi nội tâm đã hoán chuyển thì ngoại cảnh cũng biến
hiện theo nghĩa là nếu nội tâm có tinh thần sáng suốt thì hình
tướng bên ngoài cũng theo nhãn thức sáng suốt, tốt đẹp mà hiển
hiện. Thí dụ như nếu chúng ta nghĩ lành, làm tốt thì trong
tâm địa của mình chuyển thành những hiện tượng đẹp vui,
thanh thoát. Ngược lại nếu mình muốn ám hại ai thì trong tâm
địa tức thì ứng hiện những cảnh xấu xa A tỳ, địa ngục. Nói
một cách rộng rãi hơn là mỗi khi chúng ta khởi ý niệm làm những
việc tốt đẹp lợi ích cho chúng sinh thì tâm (địa) của mình chính
là tâm của Bồ-tát. Hay khi đang làm việc lành, việc thiện thì
cái tâm (địa) của chúng ta trong thời điểm đó rất hân hoan,
khoan khoái, nhẹ nhàng, đẹp đẽ, hào quang sáng chói như Bồ-tát.
Trái lại nếu chúng ta đang làm việc bất thiện, hại người lợi
mình thì cái tâm (địa) lúc bây giờ nặng nề, lo âu, sợ hãi, đầy
chướng khí như ma quỷ.
Bấy giờ ông Duy Ma Cật
nói với Đại Trí Văn Thù Sư Lợi rằng:
-
Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Chúng ta nên đến ra mắt
Đức Thế Tôn. Nhân cơ hội này để chư Bồ-tát tham kiến và lễ bái
cúng dường Đức Phật.
Bồ-tát Văn Thù nói:
- Ý kiến rất hay. Thật là
đúng lúc. Vậy chúng ta nên cùng đi.
Bấy giờ ông Duy Ma Cật
bèn dùng thần lực, dời tất cả đại chúng trong lúc mọi người vẫn
ngồi trên tòa sư tử, để lên bàn tay phải của mình sang đến chỗ
Phật. Đến nơi để xuống dưới đất. Ông Duy Ma Cật đê đầu, lễ dưới
chân Phật. Đi hữu nhiểu bảy vòng, chắp tay cung kính đứng qua
một phía. Các Bồ-tát, hàng đệ tử Thanh văn, trời Đế Thích, Phạm
Thiên, tất cả rời khỏi tòa ngồi, dập đầu dưới chân Đức Phật cùng
đi hữu nhiểu bảy vòng và đứng sang một phía.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn
tỏ lời thăm hỏi trong đạo tình thân thiết đối với toàn thể đại
chúng và mọi người hãy an tọa trở lại bản tòa.
Đức Phật bảo ông Xá Lợi
Phất rằng:
-
Xá Lợi Phất! Ông đã thấy sức thần thông tự tại của bậc đại sĩ
Bồ-tát làm rồi chứ?
- Dạ! Bạch Thế Tôn, con
đã thấy. Ông Xá Lợi Phất thưa.
Phật hỏi:
Ý ông thế nào?
Bạch Thế Tôn! Con thấy
việc làm của Bồ-tát khó có thể nghĩ bàn. Vượt ra ngoài sự suy
lường của tâm, sự nghĩ ngợi của ý.
Chúng ta đã quen thuộc với
Thập Huyền Duyên Khởi hay Mười Lý Huyền Diệu của các Pháp thì có
thể quán trí mà thấy được Bản Thể dung thông vô ngại và vượt qua
mọi hình tướng vật chất nên không có lớn nhỏ, rộng chật vì thế
tuy ông Duy Ma Cật có vận thần thông đặt tất cả những tòa sư tử
đồ sộ như thế lên một bàn tay và dời đến chỗ Phật thì tất cả
cũng chỉ là tư tưởng, hình ảnh mà thôi chớ không phải bằng vật
chất thật. Trong Hoa Nghiêm tôn do ngài Đỗ Thuận lập ra đời
Đường chủ trương “Pháp giới duyên khởi” nghĩa là vũ trụ vạn hữu
trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành. Nói một cách khác,
mọi sự vật trong vũ trụ bao la, từ nhỏ như hạt bụi đến lớn như
trăng sao đều nương vào nhau, làm nhân làm quả, lớp lớp không
cùng không tận, dung thông nhau, đối chọi nhau, ảnh hưởng lẫn
nhau mà có. Cái này có là nhờ cái kia và ngược lại. Cái này, cái
kia tương quan, tương duyên, lớp lớp không cùng tận nên được gọi
là “trùng trùng duyên khởi”.
Pháp giới duyên khởi có bốn
giai đoạn:
1) Sự pháp giới: Sự là nói
về hình tướng khác nhau của các pháp trong vũ trụ. Thí dụ như
nước đá nước sôi, hơi nước đều có tướng trạng khác nhau.
2) Lý pháp giới: Lý là nói
về cái phần bên trong tức là thế giới vô hình của sự vật. Đây
chính là lý Tánh bình đẳng, là chỗ nương tựa cho tất cả sự
Tướng. Thí dụ tuy có nước lạnh, nước sôi, nước đá, hơi nước,
nhưng Thể Tánh vẫn là một, là nước.
3) Lý Sự vô ngại pháp giới:
Lý do Sự mà biết, còn Sự nương vào Lý mà thành. Lý và Sự dung
thông. Thí dụ như nước tức là sóng, sóng tức là nước. Lý, Sự
dung thông vô ngại.
4) Sự Sự vô ngại pháp giới:
Trong pháp giới có hằng hà sa số sự vật, hình tướng tuy khác
nhau, nhưng Lý Tánh lại dung thông bình đẳng, không có phân chia
ngăn cách. Thí dụ có nhiều cái hồ chứa nước lớn nhỏ khác
nhau, hình dáng khác nhau, nhưng ăn thông với nhau bằng những
ống nước. Do đó sự đầy vơi, dơ sạch của một hồ đều liên quan đến
tất cả các hồ khác. Thí dụ nầy là để quý độc giả có một khái
niệm về sự dung thông bất tận, nhưng thật ra Lý Tánh thì vô hình
tướng thì làm sao mà giải thích, so sánh được. Nếu nhìn về tướng
trạng thì thấy có lớn có nhỏ, có ngăn ngại tức là cái nhỏ làm
sao chứa cái lớn hay làm sao bưng cả vũ trụ vào bàn tay được,
nhưng nếu dựa vào Lý Tánh thì tất cả là tư tưởng, là chân không
thì làm gì có lớn có nhỏ nên dung thông mà không ngăn ngại. Thí
dụ nhìn qua kính Hubble thì tất cả vũ trụ bao la vô cùng vô tận
cũng chỉ nằm gọn trong cái thấu kính mà thôi, không hề ngăn ngại
Những thí dụ trên là cốt gợi
lên cho độc giả một ý niệm về sự sự vô ngại pháp giới thôi, chứ
thật ra Lý, Sự không thể phân tách ra được nghĩa là trong Lý có
Sự và trong Sự có Lý rồi.
Vì là trùng trùng duyên khởi
nên một là tất cả và tất cả là một, mọi sự vật trong vũ trụ đều
dung thông nhau. Đây chính là “sự sự vô ngại pháp giới” vậy.
Nói tóm lại tất cả những
chân lý trên nhằm một mục đích nhận chân được rằng: Các pháp một
và nhiều không ngăn ngại nhau, lớn và nhỏ trùm nhau, lớp lớp
không cùng không tận, ẩn hiện tự tại, đồng thời tương túc tương
nhập, thâu nhiếp, dung thông nhau cho đến vô cùng vô tận, trùm
chứa cả vũ trụ bao la. Do đó khi nhận chân được “Lý trùng trùng
duyên khởi” tức là “sự sự vô ngại pháp giới” thì chúng sinh sẽ
không còn nghĩ rằng việc ông Duy Ma Cật đem bao nhiêu tòa sư tử
để vào một bàn tay mà đưa đến chỗ Phật là chuyện thần thoại
hoang đường. (Nhắc lại những chân lý nầy không phải dễ hiểu, xin
quý độc giả nên đọc lại nhiều lần ý nghĩa của Thập Huyền Duyên
Khởi trong phẩm Bất Khả Tư Nghì và Pháp Giới Duyên Khởi ở trên
để tư duy quán chiếu thì mới thấy lẻ huyền diệu của kinh. Khi đã
thấu hiểu những chân lý nầy thì chúng sinh nhìn vật thể, vũ trụ
bằng lối nhìn rất thực tế và hảnh diện vì Phật giáo có thể giải
thích mọi hiện tượng cấu thành của nhân sinh vũ trụ rất chính
xác và khoa học).
Bấy giờ ông A Nan đứng
lên hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Hôm nay
trong bầu không khí của hải hội có mùi hương kỳ diệu mà từ trước
chưa từng có, chúng con không biết đó là thứ hương gì?
Phật bảo:
-
Đó là mùi hương phát ra từ lỗ chân lông của các Bồ-tát vừa mới
đến.
Ông Xá Lợi Phất nói với
ông A Nan:
- Từng lỗ chân lông của
tôi cũng phát ra mùi hương ấy.
A nan hỏi:
- Do đâu ngài có được mùi
hương ấy?
- Do ông Duy Ma Cật xin
được cơm dư của Phật Hương Tích ở nước Chúng Hương đem về tịnh
thất của ông. Những ai được ăn cơm ấy, lỗ chân lông đều phát ra
mùi hương như thế.
- Mùi hương ấy có thể giữ
lại trong người bao lâu mới hết?
- Cho đến khi nào cơm
tiêu thì mùi hương mới hết.
- Cơm ấy bao lâu mới
tiêu?
Thế lực của cơm này sau
bảy ngày mới tiêu.
- Thưa ngài A nan! Nếu người Thanh văn chưa chứng nhập chánh vị,
ăn cơm này, đến khi tâm được giải thoát, cơm mới tiêu. Nếu chưa
phát ý Đại thừa, ăn cơm này đến khi phát ý, cơm mới tiêu. Đã
phát ý Đại thừa, ăn cơm này đến khi được vô sanh pháp nhẫn, cơm
mới tiêu. Đã được vô sanh pháp nhẫn, ăn cơm này đến khi được
nhất sanh bổ xứ, cơm mới tiêu. Ví như có thứ thuốc tên là thượng
vị, người uống thuốc này, các chất độc trong thân hết, vị của
thuốc mới tiêu. Cơm này cũng thế. Chừng nào dứt trừ hết các độc
phiền não, nhiên hậu cơm mới tiêu.
Ông A Na thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thật chưa
từng có. Cơm này có thể làm nên Phật sự!
Cơm trong kinh nầy là cơm
hương nghĩa là cơm giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri
kiến chớ không phải là cơm lúa gạo của thế gian. Nhưng thế nào
là giải thoát và giải thoát tri kiến? Đó là diệt trừ ngã chấp và
pháp chấp không ngừng nghĩ vì thế trong tâm thức lúc nào cũng tư
duy quán chiếu để diệt ngã và diệt tất cả những ý niệm về chấp
pháp. Do đó ngửi thấy mùi hương là thâm nhập giới, định, tuệ,
giải thoát và giải thoát tri kiến hương thì tự mình đã có an vui
tự tại, giải thoát cũng như từng lỗ chân lông tiết ra mùi hương
vậy. Cơm gạo thì nuôi dưỡng thân mạng của mình, nhưng cơm hương
chỉ là món ăn tinh thần để nuôi dưỡng phần tâm linh, là Pháp
thực để nuôi Huệ mạng. Thí dụ một người chưa biết Phật pháp mà
sau khi ngửi cơm hương nên quyết tâm thọ trì tam quy ngũ giới
thì cơm mới tiêu. Còn nếu người đã biết tam quy ngũ giới và sau
khi ngửi cơm hương nên quyết tâm tu để thành đạt Tu Đà Hoàn thì
cơm mới tiêu. Nói tóm lại mùi thơm của cơm hương kéo dài cho đến
khi hàng Thanh văn phát tâm tu theo Đại thừa, được vào chánh vị,
có giải thoát, chứng được vô sanh pháp nhẫn và còn một đời nữa
thành Phật thì cơm mới tiêu. Cơm hương nầy chính là giáo lý Nhất
thừa Phật Đạo có công năng đưa tất cả mọi người và đặc biệt là
hàng Thanh văn tới quả vị Phật.
Phật nói:
-
Đúng vậy! A Nan! Có cõi Phật lấy ánh hào quang Phật làm Phật sự
hoặc có cõi lấy Bồ-tát làm Phật sự. Cõi lấy hóa nhơn Phật làm
Phật sự. Cõi lấy cây Bồ-đề làm Phật sự. Cõi lấy y phục ngọa cụ
của Phật làm Phật sự. Cõi lấy cơm ăn làm Phật sự. Cõi lấy vườn
rừng, đài quán làm Phật sự. Cõi lấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của
thân Phật làm Phật sự. Cõi lấy chiêm bao, huyễn ảo, âm vang,
hình trong gương, trăng trong nước, bóng giả mã, các thí dụ như
thế làm Phật sự. Cõi lấy âm thanh, ngữ ngôn văn tự làm Phật sự.
Cõi lấy quốc độ thanh tịnh bằng bặc vô ngôn, vô thuyết, vô thị,
vô thức, vô tác, vô vi mà làm Phật sự.
Như thế đấy A Nan! Nhất
nhất oai nghi, đi đứng tới lui, động tịnh của chư Phật không một
cử chỉ nào không làm nên Phật sự.
Đức Phật dạy tiếp:
-
Này a nan! Có cõi Phật dùng cả tứ ma, dùng cả 84,000 phiền não
trần lao. Đối với những thứ đó, chúng sinh cho là những thứ
phiền lụy, khổ đau, mỏi mệt. Thế mà chư Phật lại lấy những pháp
đó mà làm nên Phật sự. Làm được những việc như thế, gọi đó là
thể nhập Nhất Thiết Chư Phật Pháp Môn. Bồ-tát thể nhập pháp môn
đó, giả sử thấy tất cả cõi thanh tịnh đẹp đẽ cũng không lấy làm
mừng, không khởi ý tham cầu, không móng tâm cao ngạo. Giả sử
thấy cõi Phật không thanh tịnh, cũng không bị ám ảnh ưu tư,
không ngại ngùng khởi tâm trốn tránh. Lúc nào cũng vững tâm
thanh tịnh đối với chư Phật, hoan hỉ cung kính như được cái chưa
từng có. Vì biết rằng chư Phật Như Lai công đức bình đẳng, chỉ
vì giáo hóa chúng sinh mà hiện cõi Phật không giống nhau.
Phương tiện để chúng sinh
phát tâm tu hành thì rộng rãi bao la. Cõi Ta bà thì Phật Thích
Ca sử dụng Thanh Trần làm Phật sự trong khi đó cõi Chúng Hương,
Đức Hương Tích lại dùng Hương Trần làm Phật sự. Có cõi Phật chỉ
lấy ánh hào quang Phật hoặc thân Phật mà làm Phật sự. Có cõi lấy
Bồ-tát, lấy cây Bồ-đề, lấy y phục, cơm ăn, lấy chiêm bao, lấy
hình trong gương, ảnh dưới nước làm Phật sự. Vì thế nếu chúng
sinh biết cách nhìn đối tượng thì bất cứ việc gì cũng đều là
Phật sự cả. Cho nên tất cả các việc đều là việc Phật và tất cả
các Pháp đều là Phật Pháp. Có người thấy sự thanh tịnh của
Bồ-tát và chư Phật nên phát tâm tu hành. Còn có người thấy kẻ
khác bị quả báo đau khổ, bệnh tật hiểm nghèo, chết dở sống dở
đâm ra lo sợ cho chính mình nên mới chịu tu tâm dưỡng tánh.
Nhiều người thấy cảnh chùa trang nghiêm thanh tịnh nên ham mộ mà
tụng kinh niệm Phật. Ngược lại có người thấy chúng sinh làm ác
mà tự mình phát tâm Bồ-đề. Ngay cả Phật dùng cả các ma chướng
phiền não để làm Phật sự với mục đích dùng nghịch cảnh trái lòng
mà thử thách tâm kiên nhẫn và tánh kiên trì của người tu hành.
Vì thế Bồ-tát nên phát tâm thanh tịnh vô phân biệt mà làm Phật
sự, dù thấy cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm cũng không mừng,
không tham muốn hay khởi tâm kiêu mạn hoặc dù thấy cõi Phật
không trang nghiêm thanh tịnh thì cũng không lo âu, không ngại
ngùng và không trốn tránh. Đối với chư Phật thì công đức rất
bình đẳng, không cao thấp, không dị biệt, nhưng vì giáo hóa
chúng sinh nên mới hiện ra nhiều cõi Phật không giống nhau. Biết
và làm được như thế thì thể nhập Nhất Thiết Chư Phật Pháp Môn
vậy.
A Nan! Đất đai cõi nước
của chư Phật có giới hạn mà hư không thì không có giới hạn. Cũng
vậy, nhìn thấy sắc thân của chư Phật có giới hạn mà trí tuệ vô
ngại của chư Phật thì không có giới hạn.
A Nan! Sắc thân của chư
Phật oai nghi, tướng hảo, chủng tánh giới, định, tuệ, giải thoát
tri kiến, thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng pháp, đại từ,
đại bi, oai nghi sở hành, thọ mạng, thuyết pháp giáo hóa, thành
tựu chúng sinh, tịnh Phật quốc độ… Các phương tiện để thành tựu
Phật pháp trọn vẹn thì đều bình đẳng giống nhau. Vì thế cho nên
gọi là Chánh Giác, gọi là Chánh biến tri giác, gọi là Vô thượng
Chánh biến tri giác.
A Nan! Nếu Như Lai nói đủ
nghĩa ba câu này, dầu suốt đời của ông cũng không lãnh thọ hết
được. Giả sử chúng sinh đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới, có
khiếu đệ nhất đa văn như A Nan được chánh niệm có sức tổng trì,
những người đó dùng trọn kiếp thọ mạng cũng không lãnh hội được
hết. Như thế đó A nan! Vô thượng chánh biến tri giác của chư
Phật không có hạn lượng. Trí tuệ biện tài không thể nghĩ bàn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có
ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.
1) Pháp thân
(Dharmakaya) là pháp giới thanh tịnh của các Đức Như Lai
lan tỏa trong khắp không gian làm sở y bình đẳng cho Báo thân và
Ứng thân. Pháp thân thì luôn thường trụ, bất sinh bất diệt cũng
được gọi là Pháp giới tánh, Như Lai Tạng… Phật lấy Pháp Tánh
Chân Như làm thân nên gọi là Pháp thân. Pháp thân là chỗ sở y
chứa tất cả công đức trong Pháp giới. Vì Pháp thân là thường trụ
nên Pháp thân ở khắp mọi nơi. Cho dù Phật nhập thế cứu độ chúng
sinh thì Pháp thân cũng không tăng hay Phật có xuất thế thì nó
cũng không giảm, lúc nào cũng vậy mà thôi. Cái Pháp thân nầy
Phật và chúng sinh đều có như nhau, nhưng ở Phật thì nó sáng
suốt chiếu soi rực rỡ còn ở chúng sinh thì nó bị vô minh che mờ
nên không hiển lộ. Pháp thân chính là cái mà con người sẽ trở về
sau khi diệt hết vô minh phiền não để phát huy trí tuệ sẳn có
của mình. Vậy Pháp thân chính là cội nguồn, là Bản Thể của tất
cả muôn sinh vạn vật. Đây chính là Bản Lai Diện Mục, là Phật
tánh có sẳn trong tất cả mọi người.
2) Báo thân
(Sambhogakaya) là thân tốt đẹp do công phu tu hành trải
qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp mà có. Vì thế mà Đức Phật có 32
tướng tốt và 80 vẻ đẹp rực rỡ là vậy. Báo thân còn được gọi là
tự thọ dụng thân.
Nếu chúng sinh đoạn trừ mọi
vô minh phiền não thì tâm được hoàn toàn thanh tịnh. Cái thanh
tịnh an lạc tự tại nầy chỉ có người đó biết và hưởng được còn
người khác không hề cảm nhận hay san sẻ được thì cái quả thanh
tịnh an nhàn nầy là tự thọ dụng thân. Cũng như uống một tách trà
thơm ngon thì chỉ người uống trà mới biết được hương vị thơm
ngon như thế nào mà thôi. Do đó nếu chúng ta bớt được một phần
vô minh phiền não thì có được một phần thanh tịnh tức là có được
một phần tự thọ dụng thân.
Còn Báo thân của chúng sinh
thì gọi là Karmakaya tức là thân nầy là do quả nghiệp của
tiền kiếp tạo thành. Muốn có thân thể khỏe mạnh sống lâu thì
đừng bao giờ sát sinh. Muốn có giọng nói thanh tao trong trẻo
thì đừng nên vọng ngữ. Muốn thân hình được đoan trang, đẹp đẽ
thì đừng nghĩ tới tà dâm. Muốn gia đình được ấm no hạnh phúc thì
đừng trộm cướp gian tham.
3) Ứng thân hay biến hóa
thân (Nirmanakaya) Chư Phật do
trí thành sở tác mà biến hóa ra thành vô lượng thân, ứng theo
căn cơ của chúng sinh mà hóa độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ứng
thân của Phật trong cõi Ta bà nầy. Vì Ứng thân là thân thị hiện
nên phải ảnh hưởng bởi luật vô thường là sinh lão bệnh tử. Ứng
thân cũng được gọi là tha thọ dụng
thân.
Đối với Phật giáo thì báo
thân hay tự thọ dụng thân có giá trị tuyệt đối vì chỉ có người
được thức tỉnh giác ngộ mới hưởng được cái hương vị thanh tịnh
an vui tự tại của giải thoát giác ngộ mà không một người nào
khác có thể biết được và cái trí tuệ của Phật thì vô cùng vô tận
không thể nghĩ bàn. Thí dụ như uống một tách trà nóng rất thơm
ngon thì chỉ có mình mới biết sự khoái lạc về tách trà nầy. Khi
chư Phật hay Bồ-tát thị hiện để hoằng dương đạo pháp thì chúng
sinh có cơ hội học hỏi, tu sửa và sống theo Chân lý để tự mình
giải thoát giác ngộ thì ứng thân để cứu độ chúng sinh ra khỏi bể
khổ sông mê gọi là tha thọ dụng thân.
Tóm lại ba thân của Đức Phật
là: Pháp thân là Thể, Báo thân là Tướng và Ứng thân là Dụng. Tuy
nói ba mà là một, tuy một mà ba tức là một là tất cả và tất cả
là một.
Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác mà Phạn âm là Anuttara- samyak-sambodhi nghĩa là sự giác
ngộ cao tột nhất tức là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Phật Đà hay đọc
gọn là Tam Miệu Tam Phật Đà. Còn Chánh Biến Tri, Chánh Biến Giác
là sự hiểu biết chân chánh cùng khắp các pháp. Ngoài ra còn hai
danh hiệu khác để tôn xưng bậc toàn giác là Đa Đà A Dà Độ và
Phật Đà.
Đa Đà A Dà Độ, Phạn âm là
Tathagata nghĩa là Như Lai tức là người giữ tâm bất động. Như
Lai không từ đâu đến và không đi về đâu, là đấng giác ngộ chân
chính.
Phật Đà, Phạn âm là Buddha,
tiếng Trung Hoa dịch là Giác Giả nghĩa là người đã hoàn toàn
giác ngộ và thấu hiểu Chân Lý tuyệt đối.
A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn! Từ nay về
sau, con không còn dám nghĩ mình đa văn nữa.
Phật bảo:
- A
Nan! Ông đừng suy thoái lý chí như thế. Từ trước Như Lai vẫn nói
ông là đa văn đệ nhất đó. Nhưng đệ nhất trong hàng Thanh văn chứ
không phải đệ nhất với hàng Bồ-tát. Ông hãy an tâm đi. Là người
có trí, không ai so lường trí tuệ của các hàng Bồ-tát! Tất cả
vực sâu, biển cả còn có thể đo lường chứ thiền định, trí tuệ
biện tài, sức tổng trì và công đức của chư Bồ-tát thì không thể
lường biết.
- A Nan! Ông hãy gác qua
những việc làm của Bồ-tát, đừng nghĩ ngợi so bì nữa! Sức thần
thông biến hiện của ông Duy Ma Cật chừng một giờ thôi, tất cả
Thanh văn, Bích chi Phật dùng hết sức biến hóa trải trăm ngàn
kiếp cũng không làm sao bằng được.
Đa văn là nghe nhiều, nhớ
sâu và học rộng. Tôn giả A Nan tuy là đệ nhất đa văn vì có nhân
duyên gần gủi với Đức Phật nhiều nhất trong hàng Thanh văn,
nhưng vì không chịu tu rốt ráo nên trong thời gian Phật còn tại
thế vẫn chưa chứng quả A La Hán. Trong khi rất nhiều đệ tử khác
của Phật, ngay cả nàng Ma Đăng Già, tuy học kém hơn A Nan rất
xa, nhưng nhờ quyết tâm công phu tu tập nên đều chứng quả A La
Hán. Đức Thích Ca tán thán công đức trí tuệ của mười phương chư
Phật vô cùng vô ngại không có giới hạn và giáo lý Đại thừa cao
siêu nhiệm mầu làm ông A Nan đem lòng sợ hãi, không còn dám tự
nhận mình là đa văn. Ông A Nan tự biết mình còn kém xa hàng
Bồ-tát nên thoái chuyển tự ti, không dám múa riều qua mắt thợ
cũng như ngày xưa Tôn Tử có câu: “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách
thắng” nghĩa là biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Trong
đoạn kinh này, Đức Phật đề cao hàng Bồ-tát là có ý muốn khuyến
khích hàng Thanh văn tinh tấn phát tâm tu hành để tiến tới quả
vị Bồ-tát và sau cùng thành Phật chớ đừng tự mãn hay thỏa chí ở
quả vị A La Hán.
Các Bồ-tát từ thế giới
Chúng Hương đến dự, lúc bấy giờ chắp tay bạch với Đức Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con
khi mới đến cõi này, thoạt đầu chúng con có ý tưởng hơi xem
thường. Giờ đây, chúng con rất ăn năn tự trách và ý nghĩ đó
không còn. Vì chúng con được hiểu rằng phương tiện của chư Phật
không thể nghĩ bàn. Vì độ chúng sinh tùy phước đức và căn cơ của
họ mà ứng hiện cõi nước Phật có khác.
Không riêng gì Bồ-tát ở cõi
Chúng Hương thoạt đầu đã nghĩ rằng thế giới Ta bà nầy là ô
trược, xấu xa, gồ ghề, bất toàn mà ngay cả tôn giả Xá Lợi Phất
cũng đã nói như thế trong phẩm Phật Quốc. Chính Đức Phật Thích
Ca đã hóa giải bằng cách lấy ngón chân ấn xuống đất để cho ông
Xá Lợi Phất thấy rằng cõi Ta bà cũng rất thanh tịnh, nhưng vì
muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt nên mới thị hiện ra cõi đầy nhơ
nhớp xấu xa bất tịnh mà thôi. Bây giờ các vị Bồ-tát biết rằng
cõi Ta bà của Phật Thích Ca thật sự không xấu xa bất tịnh như
chúng sinh luôn lầm tưởng mà thật ra nhơ xấu bất tịnh là bởi tại
chúng sinh. Vì tốt hay xấu là bởi tâm cho nên kinh dạy rằng:
“Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” là vậy. Chính Đức Phật Thích
Ca thị hiện trong thế giới nầy là vì muốn cứu độ, giáo hóa chúng
sinh chớ không phải vì Ngài kém đức nên phải bị đọa vào cõi Ta
bà. Tại sao? Bởi vì thế giới trong mười phương chư Phật đều bình
đẳng như nhau, không có thế giới nào đẹp hay xấu hơn thế giới
nào. Đã là Phật thì các Ngài đều có tâm thanh tịnh bình đẳng như
nhau. Mà đã có tâm tịnh rồi thì cho dù các Ngài có thị hiện ở
thế giới nào thì cõi ấy cũng trở thành thanh tịnh.
Tới đây có người thắc mắc là
thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà làm toàn bằng Vàng,
Bạc, Lưu ly, Xà cừ, Trân châu, San hô, Mã não thì chắc chắn phải
tốt hơn cõi Ta bà đầy uế trược, ghồ ghề, sỏi đá của Phật Thích
Ca rồi?
Đối với phàm nhân thì thất
bảo là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, san hô, mã não là
những vật cao quý nhất. Còn đối với thánh nhân thì bảy món cao
quý vật chất của thế gian là để ám chỉ cho Thất Thánh Tài. Đó
là: Giới, Tín, Văn, Sám hối, Tinh tấn, Buông xả và Trí tuệ. Phàm
nhân thì cho vàng bạc là cao quý tốt đẹp nhất, còn đối với người
giải thoát giác ngộ thì vàng bạc là nguồn gốc của phiền não khổ
đau. Phàm nhân thì quý trọng thất bảo còn người giác ngộ thì
Thất thánh tài mới là cứu cánh.
Vàng
là vật cao quý chẳng khác gì Giới
Bạc
là sự thay trắng đổi đen nên ám chỉ cho Tín tức là lòng
tin tưởng vào Phật pháp, không còn nghi ngại.
Lưu ly
là lưu chuyển tượng trưng cho Văn tức là tánh nghe.
Xà cừ
có hình tướng xấu xa nên ám chỉ cho Sám hối.
Trân châu
là thanh cao tượng trưng cho Tinh tấn.
San hô
thì tượng trưng cho Buông xả.
Mã não
thì sáng chói tượng trưng cho Trí tuệ.
Thất thánh tài là bảy chất
liệu làm cho tâm tịnh vì thế hễ có tâm tịnh thì dĩ nhiên có cõi
Phật tịnh nghĩa là Ta bà tức là Tịnh độ.
- Dạ! Kính bạch Thế Tôn!
Chúng con mong mỏi Thế Tôn cho chúng con xin một lời dạy để khi
trở về bổn độ, chúng con được nhớ Như Lai mãi mãi.
Phật dạy:
Này các Bồ-tát! Như Lai
có pháp môn HỮU TẬN VÔ TẬN GIẢI THOÁT. Các ông nên học.
Hữu tận tức là pháp hữu
vi. Vô tận tức là pháp vô vi. Phàm là Bồ-tát, phải tu học Bất
Tận Hữu Vi, Bất Trụ Vô Vi.
1) Bất Tận Hữu Vi nghĩa
là Bồ-tát không rời tâm đại từ, không gián đoạn lòng đại bi.
Phát tâm cầu nhất thiết trí sâu sắc không tâm xao lãng. Giáo hóa
chúng sinh không nài mỏi mệt. Đối với pháp Tứ nhiếp thường nhớ
nghĩ làm theo. Hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng, trồng căn
lành không biết mỏi mệt. Tâm thường an trú trong các phương
tiện, ý chí hồi hướng vô thượng Bồ-đề. Cầu pháp không giải đải.
Thuyết pháp không lẫn tiếc. Siêng cúng dường chư Phật, cho nên
vào sanh tử mà không sợ. Được vinh quang không vui mừng kiêu
hãnh. Bị khổ nhục không buồn bã nản lòng. Không khinh người chưa
học. Kính người học như kính Phật. Ai sa vào phiền não khiến cho
họ phát khởi chánh niệm. Viễn ly được dục lạc không lấy đó làm
tự hào. Mình được vui, không luyến ái đam mê. Người được vui
khởi tâm vui mừng tùy hỷ. Tâm trụ thiền định mà khởi tưởng như ở
địa ngục. Ở trong sanh tử, khởi tưởng như đang dạo chốn hoa
viên. Có người đến cầu xin, khởi tưởng như vị thầy tốt. Xả bỏ
hết sở hữu, khởi tưởng thành tựu nhất thiết trí. Thấy người hủy
phạm điều răn, khởi tưởng cứu hộ. Các ba-la-mật khởi tưởng như
cha mẹ. Những pháp trợ đạo phẩm khởi tưởng như quyến thuộc.
Trồng các căn lành không hạn chế. Dùng những việc trang nghiêm
tịnh Phật quốc độ xây dựng Phật độ cho mình. Thực hành bố thí
ba-la-mật để được đầy đủ tướng hảo. Trừ bỏ tất cả hành vi ác để
thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Dù sanh tử vô số ức kiếp ý chí
vẫn tích cực lạc quan. Nghe Phật có vô lượng công đức, không có
ý mỏi mệt thoái thoát tự khinh. Dùng gươm trí tuệ đánh dẹp giặc
phiền não. Ra khỏi ấm giới nhập, gánh vác chúng sinh. Hằng ở
trong giải thoát, dùng sức đại tinh tấn hàng phục ma quân.
Thường trụ trong vô niệm mong được trí tuệ thực tướng. Thực hành
thiểu dục tri túc mà không rời bỏ pháp thế gian. Không sai trái
oai nghi mà có thể tùy thuận việc làm thế tục. Vận dụng thần
thông, kích khởi trí dẫn dắt chúng sinh. Trụ trong chánh niệm
được sức tổng trì, nghe học chân lý, thường không quên sót. Khéo
phân biệt căn tánh, cắt đứt mọi nghi ngờ của chúng sinh trong
những điều nghi vấn. Lạc thuyết biện tài, nói pháp không mâu
thuẩn trước sau. Hành thập thiện trong sáng, hưởng thụ phước báu
nhơn thiên. Tu tứ vô lượng tâm mở đường giác ngộ cho Đế Thích,
Phạm Thiên. Khuyến thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ mọi việc lành. Được
âm thanh thánh thiện, thân khẩu ý đều lành. Được oai nghi Phật
tu sâu thiện pháp. Việc lành tập trung, chuyển hướng phục vụ
giáo hóa đại thừa. Thành tựu Bồ-tát tăng, tâm không phóng dật,
không rơi sót tất cả hạnh lành.
Thực hành tốt những điều
như thế, gọi đó là Bồ-tát BẤT TẬN HỮU VI.
Tất cả vạn pháp trong thế
gian hữu vi nầy từ hữu tình cho đến vô tình đều là “duyên sanh
như huyễn” nghĩa là không có một vật gì mà tự chúng có thể sinh
tồn mà không nhờ đến những nhân duyên khác. Vì không có tự tánh
hay chủ thể nên vạn pháp là vô ngã. Đã là vô ngã nên vạn pháp
phải chịu cảnh sinh diệt của vô thường và từ đó vạn pháp mới có
khổ và bất tịnh. Dù biết vạn pháp là vô thường, nhưng Bồ-tát vẫn
làm mọi việc lợi ích cho chúng sinh. Dù biết vạn pháp là khổ,
nhưng Bồ-tát cũng không trốn chạy cảnh đời nhiều đau khổ này. Dù
biết vạn pháp là vô ngã và cuối cùng là vạn pháp giai Không,
nhưng Bồ-tát vẫn không bỏ sót một cơ hội nào để làm lợi lạc cho
chúng sinh. Dù biết vạn pháp là bất tịnh nghĩa là vạn pháp còn
nhiều vô minh, ô trược, phiền não và đau khổ, nhưng Bồ-tát không
vì thế mà xa lánh. Do đó pháp môn bất tận hữu vi là Bồ-tát không
rời bỏ vạn pháp cho dù vạn pháp là không thật, là giả huyễn, là
sinh diệt, là ô trược, là phiền não khổ đau.
Bất tận hữu vi cũng có nghĩa
là trong thế gian nầy bất cứ việc thiện dù nhỏ cách mấy cũng làm
và việc ác cho dù có nhỏ cách mấy cũng lánh xa. Điều thiện tuy
nhỏ nhưng khi tích tụ lại cũng thành điều thiện lớn. Còn điều ác
nhỏ nhưng nếu chúng ta cứ làm hoài thì sẽ biến thành đại ác. Khi
làm công đức cũng vậy, chúng ta làm từ những việc nhỏ mà sau sẽ
thành công đức lớn.
1)
Bồ-tát BẤT TRỤ VÔ VI nghĩa là Bồ-tát tu học “Vạn pháp giai
không” mà không lấy cái KHÔNG làm mục tiêu đối tượng chứng đắc.
Tu học “Vạn pháp vô tướng, vô tác” mà không lấy “Vô tướng, Vô
tác” làm đối tượng sở chứng sở đắc. Bồ-tát quán vô thường mà làm
tất cả việc lành không hề có chán ngán. Quán thế gian khổ mà
không oán ghét sanh tử. Quán vô ngã mà hết sức tinh tấn trong
việc giáo hóa con người. Quán bản thể của vạn pháp là tịch diệt
mà không mong cầu vĩnh viễn diệt như hư không. Quán viễn ly mà
thân tâm luôn luôn tu thiện pháp. Quán vạn pháp vô sanh mà lấy
pháp sanh để gánh vác tất cả. Quán cảnh giới vô lậu mà không dứt
hẳn các lậu. Quán vạn pháp vô hành mà lấy pháp hành giáo hóa
chúng sinh. Quán rỗng không, không có gì mà không rời bỏ đại bi.
Quán chánh pháp vị mà không theo đường lối của Tiểu thừa. Quán
vạn pháp “hư vọng” không bền chắc, không người, không chủ, không
tướng nhưng bổn nguyện chưa tròn thì đối với phước đức, thiền
định, trí tuệ lại là việc “bất hư”.
Niết bàn, Bồ-đề là an vui
tịch diệt thanh tịnh giải thoát hoàn toàn, nhưng Bồ-tát không
được để tâm mong cầu trụ chấp ở đó. Nếu Bồ-tát để tâm trụ chấp
mong cầu cho dù đó là Niết bàn Bồ-đề thì đây cũng là ý niệm
tham. Mà một khi ý niệm tham lam khởi lên thì Bồ-tát đã mất đi
tánh chất Niết bàn Bồ-đề vô thượng rồi. Nói một cách khác Vô vi
là cứu cánh tột đỉnh của người còn đi trên con đường giải thoát
giác ngộ, nhưng cho dù có đạt được mục đích nầy cũng đừng khởi
tâm “chấp trụ” và khởi ý “đam mê”. Bởi vì đam mê thì Pháp Vô vi
không còn là giải thoát mà trở thành ràng buộc. Còn chấp trụ, cố
giữ lấy nó thì tâm không còn thanh tịnh mà biến thành “sợ mất”.
Càng lo sợ, mất mát thì cái mất mát sẽ đến nhanh hơn và cái lo
bây giờ thành ra cái khổ. Như thế thì Niết bàn Bồ-đề bổng nhiên
biến mất và thanh tịnh Vô vi biến thành phiền não khổ đau như
lúc ban đầu. Do đó khi đã thấu suốt Bồ-đề, Niết bàn chính là tự
tánh thanh tịnh của mình thì mình chỉ cần tự hóa giải tất cả
phiền não vô minh tức là tùy thuận Pháp Tánh hay xứng Tánh khởi
tu thì tự mình có được Bồ-đề Niết bàn chớ đừng mong cầu, trông
đợi Bồ-đề Niết bàn nào ở bất cứ nơi nào hay do Phật, Bồ-tát ban
cho. Cho dù các pháp vô vi là an lạc, là tịch tĩnh, là thanh
tịnh, là giải thoát, là Bồ-đề Niết bàn, nhưng không vì thế mà
đam mê chỉ lo hưởng lạc cho riêng mình trong khi chúng sinh vẫn
còn lặn hụp trong biển phiền não khổ đau.
-
.
Tu học những pháp
như thế gọi là Bồ-tát BẤT TRỤ VÔ VI.
-
· Vì
sự nghiệp phước đức đầy đủ, Bồ-tát không trụ vô vi.
-
· Vì
sự nghiệp trí tuệ đầy đủ, Bồ-tát không rời bỏ hữu vi.
-
· Vì
đại từ bi không trụ vô vi.
-
· Vì
trao truyền thuốc pháp không rời bỏ hữu vi.
-
· Vì
trừ diệt bệnh chúng sinh không rời bỏ hữu vi.
Này! Các chánh sĩ! Đức
Phật dạy tiếp: Bồ-tát thực hiện những pháp “bất tận hữu vi, bất
trụ vô vi” rồi thì chính đó cũng gọi là TẬN VÔ TẬN GIẢI THOÁT
PHÁP MÔN. Các vị hãy theo đó mà tu học.
Nói tóm lại, tuy quán biết
thế gian là giả huyễn, là Không, nhưng không vì thế mà không làm
gì hết. Ngược lại làm tất cả mọi việc lành, thấy người cần thì
giúp đỡ, thấy người hoạn nạn thì cứu, làm theo tinh thần đại từ
bi của Bồ-tát là làm tất cả mà không chấp mình làm, không trông
đợi đền ơn đáp nghĩa, không cầu phước báu cho riêng mình ngay cả
quả vị Bồ-đề cũng không tham đắm. Khi đã hóa giải hết mọi phiền
não vô minh, loại trừ tánh tham tật đố, phá tan chấp ngã chấp
pháp thì cho dù chúng ta không mong cầu mà Niết bàn Bồ-đề vẫn
hiển hiện như thường. Đó chính là Bất tận hữu vi và Bất trụ vô
vi hay còn gọi là Tận, Vô tận Giải thoát Pháp Môn vậy.
Các Bồ-tát đại sĩ nước
Chúng Hương nghe Đức Phật dạy pháp môn ấy rồi đều rất hoan hỷ,
lấy các thứ hoa sắc màu rực rỡ đẹp tươi, bao nhiêu thứ hương
thơm thượng diệu tung rãi khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới để
cúng dường Phật, cúng dường Pháp và cúng dường chư Bồ-tát Tăng.
Cúng dường xong, tất cả
cùng dập đầu lễ dưới chân Phật tán thán rằng: chỉ có Đức Phật
Thích Ca vận dụng phương tiện hành những việc nan hành, trong
cõi thế gian chưa từng có.
Nói xong, bỗng nhiên
không còn hiện diện. Các đại sĩ đã trở lại quốc độ Chúng Hương.
Phần Tổng
Luận
Tâm kinh dạy rằng: “Sắc tức
là Không, Không tức là Sắc”, nhưng trong phẩm nầy, chân lý “sự
sự vô ngại pháp giới” giải thích thêm rất rõ ràng về sự dung
thông vô ngại giữa Sự và Lý tức là Sắc và Không. Đó là trong
pháp giới thì các pháp hình Tướng tuy có khác nhau, nhưng Lý
Tánh lại dung thông bình đẳng, không ngăn cách nghĩa là Lý, Sự
dung thông vô ngại tức là trong Lý có Sự và trong Sự đã có Lý
rồi, không thể phân tách. Tuy Lý Tánh thanh tịnh bình đẳng,
nhưng không vì thế mà quên đi Sự Tướng. Nói một cách khác Bồ-tát
tuy biết thế gian vũ trụ là huyễn, nhưng không vì thế mà không
làm tất cả Phật sự để cứu giúp huyễn chúng sinh chứng đạt huyễn
Thánh quả. Tuy Bồ-tát dứt trừ mọi vô minh phiền não, chứng đắc
thanh tịnh tịch diệt của Bồ-đề Niết bàn, nhưng các Ngài không
đam mê, chấp trụ vào nó mà vẫn ung dung tự tại vào đời để cứu
giúp chúng sinh. Tuy thế gian đối với phàm nhân là xấu xa, tội
lỗi, ô trược vì tâm chúng sinh bất tịnh, ngược lại tâm Bồ-tát
luôn thanh tịnh cho nên các Ngài dù có thị hiện ở bất cứ thế
giới nào thì cõi ấy cũng là cõi Phật thanh tịnh mà thôi. Các
Ngài phát nguyện vào đời cứu giúp tất cả chúng sinh với lòng lợi
tha vô ngã, quên mình vì người, làm tất cả các hạnh lành, thuận
duyên cũng làm mà nghịch cảnh cũng không trốn chạy. Việc càng
khó làm thì công đức càng to, nhưng cho dù có chút công đức gì
các Ngài cũng ban hết cho chúng sinh. Đó chính là các việc làm
của Bồ-tát mà phẩm nầy có tên là Hạnh Bồ-tát vậy.
|
|