A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

     




Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Bảy

Phẩm
Quán Chúng Sinh

(Observing Living Beings)

Lúc bấy giờ Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng:

-  Đối với chúng sinh, Bồ-tát quán chiếu và thấy như thế nào?

Ông Duy Ma Cật nói:

- Bồ-tát quán thấy chúng sinh như nhà huyễn thuật thấy người huyễn do huyễn thuật hóa ra. Lại ví như người trí thấy trăng trong nước, như bóng trong gương, như sóng nắng lúc trời nóng gắt của ngày hè, như vang của tiếng, như mây trong không, như bọt trên mặt nước, như bong bóng dưới cơn mưa, như sự bền chắc của cây chuối, như sự dừng lâu của tia chớp lưng trời, như đại thứ tám, như ấm thứ sáu, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín.

Bồ-tát quán thấy chúng sinh như thế ấy.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy chúng sinh: như sắc chất trong cõi vô sắc, như mầm của thóc rang, như thân kiến của người được quả Tu Đà Hoàn, như sự nhập thai của người được quả A La Hán, như tham-sân-si của Bồ-tát được chứng pháp nhẫn vô sanh, như phiền não tập khí của Phật, như sự thấy màu sắc của người mù, như dấu chim trong hư không, như con của thạch nữ, như phiền não của huyễn nhân, như chiêm bao lúc thức, như lửa không khói.

Bồ-tát quán thấy chúng sinh như thế đấy. Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi!


Quán trong kinh nầy hàm nghĩa quán chiếu tức là cái thấy mà không cần phải nhìn ở nơi sự vật, đối tượng. Quán chiếu là cái thấy, biết bằng trí tuệ chớ không bằng nhục nhãn. Chúng sinh ở đây thì bao gồm tất cả muôn loài có sự sống như hữu tình và vô tình. Hữu tình chúng sinh là động vật còn vô tình chúng sinh là thực vật, khoáng vật đã lăn lộn lên xuống trong sáu nẻo sinh tử luân hồi. Bồ-tát quán chiếu thấy biết chúng sinh chỉ là giả huyễn như trăng dưới nước, như bong bóng dưới cơn mưa. Qua tuệ nhãn của Bồ-tát thì chúng sinh không thật có vì nó không trường cữu, không bền không chắc mà tất cả chỉ là hiện tượng trong vô vàn hiện tượng vạn pháp mà thôi. Chủ yếu của phẩm nầy là thuyết minh về sự sinh diệt giả huyễn để phá cho được chúng sinh tướng mà quay về với Bản Thể bất sanh bất diệt vĩnh hằng trong tất cả mọi chúng sinh.

Bồ-tát Văn Thù hỏi:

- Bồ-tát đã khởi quán chúng sinh như vậy, thế còn hạnh từ bi Bồ-tát phải thực hiện hạnh từ bi của mình đối với chúng sinh bằng cách nào?

Ông Duy Ma Cật nói:

- Bồ-tát khởi quán như thế rồi tự nghĩ rằng ta sẽ vì chúng sinh mà nói pháp như thế đó là Hạnh Chơn Thật Từ.

Tiếp đến, Bồ-tát vận dụng:

- Hành tịch diệt từ biết rõ các pháp vốn không sanh.
- Hành bất diệt từ không để cho phiền não sanh khởi trong lòng.
- Hành bình đẳng từ với quá khứ, hiện tại và vị lai thời nào tâm cũng bình đẳng.
- Hành vô tránh từ không khởi ý tranh cải thị phi.
- Hành bất nhị từ cắt đứt ý phân biệt ngoại cảnh, nội tâm.
- Hành bất hoại từ biết rõ tánh rốt ráo không của các pháp.
- Hành kiên cố từ tâm thâm tín chánh pháp không gì lay động nổi.
- Hành thanh tịnh từ biết rõ tánh của vạn pháp vốn thanh tịnh.
- Hành vô biên từ tâm rỗng lặng cởi mở như hư không.
- Hành La hán từ đề cao cảnh giác hóa giải hết những phiền não kiết sử.
- Hành Bồ-tát từ sẳn sàng đem lại mọi an ổn hạnh phúc cho chúng sinh.
- Hành Như lai từ thể nhập cái tướng Như của vạn pháp.
- Hành Phật đà từ đem hết cuộc đời mình truyền bá tư tưởng tỉnh thức giác ngộ cho chúng sinh.
- Hành tự nhiên từ biết rõ quả sở chứng không hề có đắc.
- Hành Bồ-đề từ biết rõ tất cả giáo pháp Phật chỉ có một vị đó là vị giải thoát.
- Hành vô đẳng từ cắt đứt trọn vẹn các ái tưởng nhiễm tâm.
- Hành đại bi từ dắt dẫn mọi người vào đại thừa đạo.
- Hành vô yểm từ tâm luôn luôn trụ trong quán trí: vô ngã và không.
- Hành pháp thí từ không giấu giếm chúng sinh về sự hiểu biết chánh pháp của mình.
- Hành trì giới từ sẳn sàng giúp đở, cảm hóa những ai phạm giới.
- Hành nhẫn nhục từ giúp đở người khác như giúp đở cho chính ta.
- Hành tinh tấn từ gánh vác trọng trách giáo hóa chúng sinh.
- Hành thiền định từ không đam mê vị khinh an của thiền định.
- Hành trí tuệ từ luôn luôn biết việc, biết thời, biết tà biết chánh.
- Hành phương tiện từ tất cả thi vi hành động đều là việc làm của Thị Hiện.
- Hành vô ẩn từ tâm lúc nào cũng Trực và luôn luôn thanh tịnh.
- Hành thâm tâm từ dù hành các hạnh mà không có tạp hạnh.
- Hành vô cuống từ không làm những gì có tánh dối gạt phỉnh phờ.
- Hành an lạc từ bằng mọi cách khiến cho mọi người thọ dụng được cái vui của Phật đạo.

Thưa ngài Đại Trí Văn Thù! Thực hiện hạnh từ của Bồ-tát là như thế đấy.

Bồ-tát Văn Thù hỏi:

- Thưa cư sĩ! Thế nào là Bi tâm của Bồ-tát?

Ông Duy Ma Cật đáp:

- Tất cả công đức của Bồ-tát làm đều cho chúng sinh hết.

- Hỉ tâm của Bồ-tát thế nào?

- Chúng sinh được những lợi lạc gì, Bồ-tát đều tán thán vui mừng không có hối tiếc.

- Xả tâm của Bồ-tát thế nào?

- Bồ-tát làm bao nhiêu việc phước đức, cứu độ cho chúng sinh được những gì không có niệm ta là kẻ thi ân và đặt hy vọng chờ ngày đền trả.


Mặc dù chúng sinh là không thật có, là giả huyễn không bền chắc, nhưng Bồ-tát vẫn thực hành tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) dùng pháp huyễn để độ chúng sinh huyễn mà chứng đắc quả vị huyễn. Nếu đứng về Chân đế mà nói thì tất cả là giả huyễn, là sinh diệt còn dựa theo Tục đế thì có thế gian, có người, có ta, có phương pháp tu hành và dĩ nhiên có quả vị để chứng cho nên các vị Bồ-tát còn phải vào đời để cứu giúp chúng sinh. Vì tướng trạng của thế gian vũ trụ là sinh diệt nên khi Bồ-tát thực hành tâm từ thì các ngài thấu suốt những chân lý của thế giới tương đối là Vô thường, Vô ngã, Không và Khổ để chẳng những mang lại an vui hạnh phúc cho chúng sinh mà còn giúp họ phát huy ánh sáng trí tuệ hằng sáng trong họ. Tâm từ của đạo Phật không nhất thiết chỉ thu gọn bằng một chữ làm lành mà có thể được nới rộng như: Tịch diệt từ, Vô tránh từ, Bất hoại từ, Kiên cố từ, Thanh tịnh từ, Vô biên từ, La hán từ, Bồ-tát từ, Như Lai từ, Phật đà từ, Tự nhiên từ, Bồ-đề từ, Vô đẳng từ, Đại bi từ, Vô yểm từ, Pháp thí từ, Trì giới từ, Nhẫn nhục từ, Tịnh tâm từ, Thiền định từ, trí tuệ từ, Phương tiện từ, Vô ẩn từ, Thâm tâm từ, Vô cuống từ và An lạc từ. Lòng bi của một Bồ-tát là khi Bồ-tát làm được bao nhiêu công đức lành đều cho hết cho chúng sinh. Thấy chúng sinh được lợi lạc, được vui thì Bồ-tát cùng vui, cùng nhau hoan hỷ nếu sự lợi lạc nầy không xây dựng trên tư tưởng lợi mình hại người. Sau cùng tâm xả là khi Bồ-tát làm tất cả việc lợi ích cho chúng sinh mà không thấy mình là kẻ thi ân và không mong cầu hy vọng ở sự đền ơn đáp nghĩa. Bồ-tát làm xong thì quên, buông xả hết. Thí dụ nếu chúng ta giúp ai một việc gì mà tâm không chịu buông xả cứ nhớ hoài vì còn mong sự đền đáp của người. Đây chính là con đường dẫn đến phiền não khổ đau bởi vì thói thường con người hay quên ơn bội nghĩa cho nên cái gì cho mình vì mình thì nhớ hoài không quên còn cái gì cho người thì quên không cần nhớ. Do đó làm rồi quên đi thì không còn thất vọng và dĩ nhiên phiền não cũng tan biến. Nên nhớ bất cứ việc làm nào của chúng ta dù thiện hay ác thì cũng đã được ghi nhận lại trong A-Lại-Da thức cho nên chúng ta có mong đợi hay không thì cái quả kia một ngày nào đó khi gặp duyên sẽ hiễn hiện ra. Vì thế việc làm của chúng ta đã có kết quả rồi đâu cần phải mong chờ kẻ đền ơn người đáp nghĩa.

Bây giờ Bồ-tát Văn Thù lại hỏi:

- Đường sanh tử rất đáng sợ, Bồ-tát phải nương tựa nơi gì để được an ổn?

Ông Duy Ma Cật đáp:

- Nương tựa nơi nghị lực và công đức Như Lai.

- Bồ-tát muốn nương tựa nghị lực và công đức Như Lai cần phải trụ tâm ở nơi nào?

- Trụ ở nơi tâm độ thoát tất cả chúng sinh.

- Muốn độ thoát tất cả chúng sinh, Bồ-tát phải trừ bỏ những gì?

- Phải trừ bỏ tất cả những phiền não.

- Muốn trừ bỏ phiền não, Bồ-tát phải thực hành những gì?

- Phải thực hành chánh niệm.

- Thực hành chánh niệm phải làm sao?

- Muốn thực hành chánh niệm phải hành bất sanh, bất diệt.

- Pháp nào bất sanh, pháp nào bất diệt?

- Pháp bất thiện bất sanh, pháp thiện bất diệt.

- Pháp thiện và bất thiện lấy gì làm gốc?

- Thân là gốc.

- Thân lấy gì làm gốc?

- Tham dục làm gốc.

- Tham dục lấy gì làm gốc?

- Hư vọng phân biệt làm gốc.

- Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?

- Tưởng điên đảo làm gốc.

- Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?

- Vô trụ làm gốc.

- Vô trụ lấy gì làm gốc?

- Vô trụ thì không có gốc.

Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Ông Duy Ma Cật nói:

- Từ chỗ VÔ TRỤ mà an lập tất cả pháp.


Thấy biết sanh tử, ưu bi, khổ não là việc đáng sợ, người trí phải tìm cho mình một con đường mà y theo nghị lực và công đức của Như Lai để cứu độ chúng sinh thoát khổ. Muốn độ chúng sinh trước hết chính mình phải dũng mãnh trừ bỏ phiền não, thực hành chánh niệm để biết rằng thân là vô thường, vô ngã, do tham dục, phân biệt, mộng tưởng điên đảo tạo thành. Mà mộng tưởng điên đảo là do vô trụ làm gốc, nhưng sau cùng thì vô trụ cũng không có gốc. Không có gốc ở đây có nghĩa là chẳng có gì mà sanh ra tất cả các pháp. Do đó vạn pháp gốc của nó là chẳng có gì nghĩa là Không. Nói một cách khác bản chất của vạn pháp là giai không. Chơn Không mà sinh ra tất cả nghĩa là bất biến mà tùy duyên tức là Chơn Không mà sinh ra Diệu Hữu vậy.

Bấy giờ trong tịnh thất của ngài Duy Ma Cật có vị Thiên nữ. Thấy hàng nhân thiên nghe pháp, Thiên nữ bèn hiện thân và dùng hoa cõi trời tung rãi trên các hàng Bồ-tát và đại đệ tử Thanh văn cúng dường. Hoa rơi đến các Bồ-tát, rớt xuống bình thường. Những hoa rơi nhằm các đại đệ tử thì dính trên người không rớt. Các đại đệ tử dùng hết thần lực phủi bỏ những hoa kia nhưng phủi mãi mà hoa không rớt được.

Thiên nữ hỏi ông Xá Lợi Phất:

-  Vì sao ngài Xá Lợi Phất lại phủi hoa như thế?

-  Vì hoa nầy không đúng pháp đối với một tu sĩ như chúng tôi.

Thiên nữ nói:

-  Đừng cho rằng hoa nầy không đúng pháp. Vì sao? Vì hoa không có phân biệt, tại vì Xá Lợi Phất ngài có cái tưỡng phân biệt đấy thôi. Ở trong Phật pháp, xuất gia mà còn có phân biệt đó là không đúng pháp. Nếu không phân biệt thế mới là đúng pháp.

Xá Lợi Phất! Ngài hãy xem kia, các Bồ-tát hoa không dính các ngài vì Bồ-tát đã dứt hết tưởng phân biệt. Ví như người hay sợ thì quỷ mị có dịp khuấy phá khủng bố. Các hàng đệ tử Thanh văn sợ sanh tử cho nên sắc, thanh, hương, vị, xúc trở thành đối tượng nhiễu loạn cõi lòng. Nếu đã ly sự sợ hãi thì ngũ dục không làm gì được. Chỉ vì tập khí kiết sử của ngài chưa hết cho nên hoa dính mắc vào thân, khi nào tập khí hết hoa sẽ không còn dính nữa.


Trong đoạn kinh nầy hoa cõi trời mà Thiên nữ tung rãi cúng dường là tượng trưng cho chánh Pháp của Đức Phật. Tuy là đại đệ tử của Phật, nhưng tất cả các vị trong hàng Thanh văn vì chưa phát tâm Bồ-tát nên họ vẫn còn tâm phân biệt, chấp trước nên hoa dính trên người không rớt. Tâm phân biệt nên họ thấy có khổ vui, đẹp xấu, khen chê, trong sạch ô nhiễm… cho dù thấy hoa vừa thơm vừa đẹp mà không dám thưởng thức vì họ sợ rằng mình bị phạm giới tham hoa đắm sắc. Tâm còn chấp pháp nên họ thấy có pháp môn để tu, có Niết bàn để chứng và có quả vị Bồ-đề để thành nên lòng trông cầu mong đợi chưa xả được. Vì tâm còn phân biệt, chấp trước nên các vị A La Hán lòng còn thương ghét, sợ sinh tử và cầu chứng Niết bàn nghĩa là tâm vẫn còn trụ tức là dính mắc. Ngược lại các vị Bồ-tát thực hành tâm vô phân biệt đến chỗ vô trụ tức là thấy biết vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn mà đạt được tâm thanh tịnh. Không còn phân biệt thì không còn sự đối đãi của nhị nguyên là tốt xấu, cao thấp, khen chê, giàu nghèo, thương ghét.. vì tất cả chỉ là một. Thanh văn có Thức phân biệt nên còn thương người nầy ghét kẻ nọ, thích món nầy chê món khác… trong khi đó Bồ-tát chuyển Thức thành Trí nghĩa là tuy thấy biết sự khác biệt nhưng tâm vẫn như như bất động thì lòng không còn thương ghét, nế m mùi vị thức ăn nhưng không chê dở thích món ngon, thấy nhà to xe đẹp nhưng không tham muốn. Tâm vô trụ nên Bồ-tát thong dong vào chốn nhiễm ô ngay cả những nơi trà đình tửu điếm để độ chúng sinh mà không hề bị tham đắm trong khi các vị A La Hán tránh xa cảnh trái ý nghịch lòng, lánh xa trần thế và không dám lăn lộn vào chốn bụi trần để độ chúng sinh vì họ chưa đủ dũng mãnh, chưa hàng phục và an trụ được tâm mình. Do đó cho dù Thiên nữ có rãi hoa trời, màu sắc tuyệt đẹp và hương hoa thơm ngát thì các vị Bồ-tát vẫn như như bất động, có xem hoa cũng như không. Đó chính là: “Kiến sắc phi can sắc, văn hương bất nhiễm hương” vậy.

Ông Xá Lợi Phất hỏi:

-  Thiên nữ ở tại tịnh thất nầy đã lâu rồi chứ?

Tôi ở tại tịnh thất nầy như sự giải thoát của bậc kỳ cựu cao niên.

- Vậy có lâu chưa?

- Sự giải thoát của bậc lỳ cựu cao niên hà cũng có lâu sao?

Ông Xá Lợi Phất lặng thinh không biết phải nói gì.

Thiên nữ nói:

-  Bậc kỳ cựu đại trí như ngài Xá Lợi Phất sao lại lặng thinh?

-  Sự giải thoát vượt ra ngoài ngôn thuyết văn tự cho nên tôi không biết phải nói gì.

-  Văn tự ngôn thuyết là tướng giải thoát đấy chứ! Vì sao? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở trung gian.

Thế cho nên không rời văn tự mà nói giải thoát thưa ngài Xá Lợi Phất! Bởi vì sao? Vì tất cả các pháp là tướng giải thoát.

-  Không xa lìa dâm nộ si vẫn được giải thoát sao?

-  Đúng vậy. Phật vì hạng người tăng thượng mạn nói: Phật xa lìa dâm nộ si để được giải thoát. Nếu không phải hạng tăng thượng mạn, Phật nói tánh của dâm nộ si là tánh giải thoát.


Ông Xá Lợi Phất là hàng Tiểu thừa nên chấp tướng sinh diệt bên ngoài mà thấy có mới có cũ, có lâu có mau, có già có trẻ. Nhưng thật ra đâu có cái móc thời gian thì lấy gì làm tiêu chuẩn để đo lường. Một ngày trên cung trăng nhanh gấp mấy lần một ngày trên trái đất. Bây giờ là ngày trên đất Mỹ lại là đêm tại Việt nam. Người già 70 tuổi nầy đâu có giống người già 70 tuổi khác. Hai cây trồng ba năm như nhau mà có cây cao cây thấp. Vì thế triết lý đại thừa khẳng định là bất cứ một đời nào cũng đã ngầm chứa ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai cho nên chúng sinh chỉ cần sống an vui tự tại trong giây phút nầy mà đừng quan tâm đến quá khứ và cũng đừng lo lắng cho tương lai. Các vị A La Hán thì sợ dâm nộ si vì nó là cội nguồn của sự sa đọa, nhưng đây là lối nhìn của những người thiếu bản lĩnh, tâm còn chấp tướng sinh diệt bên ngoài. Ngược lại các vị Bồ-tát đã lìa Tướng sinh diệt mà nhập Bản Thể thanh tịnh nên tâm vô cùng tự tại cho dù họ có vào trong trà đình tửu điếm, chốn phong trần ô nhiễm thì không gì làm hại họ được. Các ngài vào nơi tội lỗi xấu xa để cứu vớt và đưa chúng sinh thoát vòng chìm đắm, khổ nạn mà không hề bị tham đắm. Vì thế đối với hàng Thanh văn thì sợ dâm nộ sát còn các vị Bồ-tát thì dâm nộ sát mới chính là giải thoát vậy.

Người tăng thượng mạn là những người kiêu căng tự phụ, có ít nói nhiều, chưa chứng nói chứng, chứng ít nói nhiều để thỏa mãn bản ngã của mình. Vì chạy theo bản ngã nên những người nầy khi gặp dâm nộ sát thì bị chìm đắm sa đọa ngay nên Phật mới khuyên họ nên tránh xa những thứ nầy. Ngược lại nếu người không còn chấp ngã, chấp pháp, tâm hằng tự tại thì dâm nộ sát sẽ là phương tiện rốt ráo đi đến giải thoát giác ngộ.

Ông Xá Lợi Phất tán thán: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiên nữ! Cô đắc gì? Cô chứng được gì? Mà cô có được sức biện tài như thế?

- Tôi không đắc gì hết cũng không chứng gì hết nên tôi mới có được biện tài như thế. Vì sao? Bởi vì có chứng có đắc ở trong Phật pháp là người tăng thượng mạn.


Thói thường thì con người lấy bằng cấp, chứng đắc để định giá trị trong nhân quần xả hội hay nhiều người nghĩ rằng phải có chứng đắc mới có thần thông, trí tuệ, biện tài nhưng trong giáo lý Đại thừa thì khẳng định rằng vì không có chứng đắc gì cả nên mới có được những thứ như thần thông, trí tuệ và biện tài vô ngại. Tại sao? Bởi vì khi chúng sinh đạt đến đỉnh cao của trí tuệ mà con người gọi là chứng đắc thì thật ra chẳng có chứng đắc gì cả vì con người chẳng qua là quay về với cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình đã có vậy thôi tức là “bản lai diện mục”, trở về với Như Lai Viên Giác Diệu Tâm vốn trong sáng mầu nhiệm của mình chớ không phải nó có từ bên ngoài hay là do bất cứ một ai tặng cho mà được. Vì quả vị Phật là “vô tại vô bất tại” nghĩa là nó ở đâu cũng có mà ở đâu cũng chẳng có. Nếu con người biết dẹp tan vọng thức mê lầm, phiền não vô minh thì Bồ-đề hiễn hiện trong tâm của chúng ta ngay. Do đó người tu hành không hề mong cầu bất cứ điều gì ngay cả việc chứng đắc, vì còn mong cầu là tâm còn tham tức là còn khổ và dễ bị sa ngã. Trong thời mạc pháp ngày nay, có rất nhiều người tự xưng mình là chứng đắc thế nầy, có hào quang sáng chói thế kia hay tự cho mình là Phật sống, Bồ-tát hay Quán Thế Âm… Theo Phật giáo thì họ đều là những người lừa đảo bịp bợm, thật đáng thương xót cũng chỉ vì mù quáng chạy theo danh văn lợi dưỡng nhất thời. Còn những người nhẹ dạ tin vào những người bịp kia để được ân sủng thì cũng là những người đáng thương xót. Ngày xưa Đức Phật xuất thân là vị Thái tử danh vọng cao sang trong xả hội, nhưng khi xuất gia thì Ngài đã trở thành người khất sĩ. Khất sĩ là người phải đi xin cơm hằng ngày của tín chúng. Do đó triết lý cao thượng của đạo Phật là đi ngược lại với cuộc sống của thế gian. Cái mà thế gian xem là cao quý thì nhà Phật coi như cỏ rát, còn cái mà thế nhân không thể thực hành thì nhà Phật mới cho là cao quý. Thí dụ ngày nay có nhiều vị sư khoe mình có bằng Tiến sĩ nầy hay Thạc sĩ nọ để đề cao cái trí thức của mình. Rõ ràng đây là người tăng thượng mạn vì trí thức càng cao thì khó phát triển trí tuệ vì sự phân biệt tư tưởng trong tâm thức của họ còn quá nhiều. Tất cả bằng cấp, chứng chỉ là chuyện thế gian nằm trong vòng lẩn quẩn của vô minh, là sinh diệt, là vô thường vô ngã. Còn chân lý của Phật là xuất thế gian, là chơn tâm, là Phật tánh thì có dính dáng gì tới bằng Tiến sĩ đâu. Dầu cho có bằng Tiến sĩ mà không làm khất sĩ được nghĩa là không buông bỏ, tâm còn dính mắc thì có ích gì!

Vì thế trình độ hiểu biết của ông Xá Lợi Phất cũng chưa vượt ra cái lẽ thông thường đó.

Ông Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ:

-  Ở trong ba thừa cô cầu thừa nào?

-  Khi cần pháp Thanh văn giáo hóa chúng sinh tôi cầu Thanh văn thừa. Khi cần pháp nhân duyên giáo hóa chúng sinh tôi cầu Bích chi Phật thừa. Khi cần pháp Đại bi giáo hóa chúng sinh tôi cầu Đại thừa.

-  Thưa ngài Xá Lợi Phất ! Vì như người vào rừng chiêm bặc chỉ ngửi hương chiêm bặc, không ngửi hương khác. Cũng vậy, nếu người vào tịnh thất nầy chỉ nghe hương công đức của Phật, không ưa nghe hương công đức của Bích Chi Phật, của Thanh văn.

Một lần nữa, ông Xá Lợi Phất lại cố chấp có thừa nầy, thừa nọ tức là chấp phương tiện. Với trí tuệ Đại thừa thì không chấp phương tiện mà chỉ cần cứu cánh. Tuy có Thanh văn, Duyên giác, hay Đại thừa thì đây cũng chỉ là phương tiện để giáo hóa cứu độ chúng sinh. Ví cũng như trăm sông cùng đổ về biển lớn cho nên tất cả cũng chỉ là Nhất thừa Phật đạo. Thí dụ như lúc bình thường thì các người tu hành nên theo Thanh văn là tránh xa đàn bà con gái giữ gìn giới hạnh, nhưng khi thấy nhà cháy mà có cô gái ở bên trong thì bây giờ không chấp luật nữa mà sử dụng tâm đại bi của Đại thừa mà nhảy vào trong nhà ẳm cô gái chạy ra. Nếu chấp theo giáo luật thì cô gái kia chắc sẽ bị chết cháy và thấy chết mà không cứu thì tu hành để làm gì? Do đó cái huyền diệu của giáo lý Đại thừa là tùy duyên, tùy cảnh mà áp dụng, mà tu hành. Không cố chấp, cứng ngắt, giam mình trong một khuông khổ cố định nào. Không chấp ngã và chấp pháp thì làm việc gì cũng thanh tịnh, không dính mắc, làm xong là bỏ.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Ở tịnh thất nầy, thỉnh thoảng có Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Chư Thiên Long, quỷ thần vào và nghe Duy Ma Cật thượng nhân thuyết chánh pháp. Tất cả đều vui ưa hương công đức Phật phát tâm rồi đi.

Ngài Xá Lợi Phất này! Tôi ở tại tịnh thất nầy đã mười hai năm. Ngay từ ban đầu, không bao giờ nghe thuyết pháp Thanh văn, Bích chi Phật, tôi chỉ nghe  pháp đại từ, đại bi của Bồ-tát  và pháp bất tư nghì của Phật.

-  Thưa ngài Xá Lợi Phất! Tịnh thất nầy thường hiện tám pháp chưa từng có và khó được:

1) Tịnh thất nầy thường dùng ánh sáng sắc vàng soi sáng ngày cũng như đêm mà không cần đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vì mặt trời chỉ chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm còn ánh sáng vàng là ánh sáng của trí tuệ thì lúc nào cũng chiếu soi phá tan màn vô minh hắc ám.

2) Người vào tịnh thất nầy không bị các sự cấu uế làm não loạn thân tâm, giữ tâm thanh tịnh, không còn ô nhiễm tham-sân-si.

3) Tịnh thất này thường có Đế Thích, Phạm Vương và chư Bồ-tát ở phương khác đến nhóm hợp thường xuyên. Các vị trời tu phước, còn Bồ-tát tu huệ nên lúc nào cũng có phước huệ song tu.

4) Ở tịnh thất này thường có thuyết giảng về lục ba-la-mật và những pháp bất thối chuyển để làm lợi ích chúng sinh vì người quên mình ngay cả nghịch cảnh trái lòng cũng không thoái bước.

5) Ở tịnh thất nầy thường ngân vang những pháp âm vi diệu, tác động cho nhơn thiên tiếp nhận tiếng nói của tâm thanh tịnh vi diệu nhiệm mầu khiến người nghe tin hiểu mà thực hành.

6) Ở tịnh thất này có kho tàng tứ đại chứa đầy các báu vật. Đó chính là tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) có khả năng ban vui cứu khổ và giúp chúng sinh được giải thoát giác ngộ.

7) Ở tịnh thất này khi Duy Ma Cật thượng nhân khởi tưởng niệm thì Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật A Súc, Phật Bảo Đức, Phật Bảo Viêm, Phật Bảo Nguyệt, Phật Bảo Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hướng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành… vô lượng chư Phật trong mười phương cùng đến nói hết những pháp yếu bí tàng của chư Phật. Nói xong rồi, chư Phật trở về bản quốc.

Chư Phật là muốn ám chỉ Phật tánh của chúng sinh. Khi chúng sinh nghĩ thiện, làm lành thì Phật tánh hiện còn chúng sinh làm dữ nghĩ ác thì Phật tánh biến mất.

8) Ở tịnh thất này tất cả cung điện lộng lẫy, đẹp đẽ của chư Thiên và các Tịnh độ của chư Phật đều hiển hiện ở tịnh thất nầy. Cung điện của các vị trời là phước báu, cõi tịnh độ của chư Phật là công đức. Vì thế tâm thanh tịnh chứa đầy cả công đức và phước đức cũng như bao hàm cả thế gian và xuất thế gian.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Tịnh thất này thường hiện tám pháp chưa từng có, khó được như vậy. Ai đã thấy biết những việc bất tư nghì như thế mà lại còn ưa thích những pháp Thanh văn?


Mới nghe đoạn kinh nầy chúng ta nghĩ rằng khi một người tu hành chứng đắc thanh tịnh như cư sĩ Duy Ma Cật thì dĩ nhiên sẽ có nhiều vị Trời, quỷ thần… đến thăm viếng và nghe pháp. Nhưng thật ra tất cả các vị trời Đế Thích, Thiên Long hay quỷ thần chẳng qua là ám chỉ cho tâm của chúng ta. Nếu chúng ta có tâm thiện thì nó khởi ý thiện đưa đến lời nói thiện và hành động thiện thì cũng như có người, Trời, Thanh văn, Bồ-tát hay chư Phật xuất hiện trong ta rồi. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta luôn có chánh niệm, chánh định thì sẽ có tâm giải thoát, an lạc và hân hoan như đang nói chuyện với Thanh văn, Bồ-tát hay chư Phật vậy. Khi chúng sinh có tâm niệm lành, tu theo thập thiện thì tâm mình sẽ cảm thông với tâm của các vị Trời. Nếu chúng ta tu theo Bát chánh đạo, Tứ Diệu Đế thì tâm của chúng ta sẽ cảm thông với tâm các vị Thanh văn. Nếu sống an vui theo sáu pháp lục độ thì cũng như chúng ta đang nói chuyện với Bồ-tát hay chư Phật. Ngược lại nếu tâm của chúng ta cực tham, cực sân, cực si thì cái tâm của ta ví cũng như cái nhà của ta ở sẽ được thăm viếng bằng ngạ quỷ, súc sanh hay địa ngục. Do đó cái tịnh thất của ông Duy Ma Cật hay cái nhà của chúng ta được thăm viếng bởi Thiên Long bát bộ hay ngạ quỷ súc sanh địa ngục là đều do tâm của chúng ta biến hiện. Chính Kinh Hoa Nghiêm cũng xác định: “Vạn pháp duy tâm tạo” là như vậy.

Ông Xá Lợi Phất hỏi:

-  Tại sao Thiên nữ không chuyển đổi nữ thân?

Thiên nữ nói:

-  Từ mười hai năm, tôi tìm cái tướng nữ thân không có. Tôi biết phải chuyển gì? Ví như huyễn sư hóa làm người nữ huyễn. Nếu có người hỏi: “Vì sao không chuyển nữ thân”. Câu hỏi đó có đúng lý không?

Ông Xá Lợi Phất đáp:

- Không đúng. Đã huyễn thì không có tướng cố định. Biết chuyển cái gì.

Thiên nữ nói:

-  Tất cả các pháp cũng như vậy. Không có tướng cố định. Thế tại sao ngài hỏi tôi: “Vì sao không chuyển đổi nữ thân?”

Liền đó, thiên nữ dùng sức thần thông biến ông Xá Lợi Phất y như Thiên nữ. Thiên nữ hóa mình y như ông Xá Lợi Phất và hỏi: “Vì sao ngài Xá Lợi Phất không chuyển nữ thân?”

Trong dáng mạo Thiên nữ, ông Xá Lợi Phất đáp:

-  Tôi không biết chuyển thế nào mà biến làm thân nữ như vầy.

Thiên nữ nói:

-  Ngài Xá Lợi Phất mà có thể chuyển ra thân nữ như thế thì tất cả người nữ cũng sẽ có thể chuyển được. Ngài Xá Lợi Phất không phải nữ mà hiện thân nữ thì tất cả người nữ không phải nam lại cũng có thể hiện thân nam. Ngài Xá Lợi Phất dù hiện thân nữ mà không phải nữ. Thế cho nên Phật nói: “Tất cả pháp phi nam phi nữ”.

Ngay bây giờ, Thiên nữ thâu nhiếp thần lực, ông Xá Lợi Phất hoàn hình như cũ.

Thiên nữ hỏi:

-  Hình mạo nữ thân của ngài ở đâu?

-  Hình mạo nữ thân của tôi không ở đâu, không đâu chẳng ở.

-  Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Không ở đâu, không đâu chẳng ở.

Cái đạo lý: không ở đâu, không đâu chẳng ở là chân lý Đức Phật đã nói ra.


Tại sao Thiên nữ lại dùng con số mười hai năm thay vì mười năm hay mười lăm năm? Mười hai năm ở đây là muốn ám chỉ cho thuyết Thập nhị nhân duyên. Đó là Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão-Tử. Chúng sinh vị bị cái màn vô minh đen tối phủ lên tâm trí bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp nên không thấu biết chân lý mà sống trong lầm lẩn, lấy khổ làm vui. Họ nghĩ rằng thân họ là chắc thật, tài sản vật chất chung quanh cũng chắc thật nên cuộc sống mới trở thành sô bồ điên đảo. Cũng vì thế mà nguyên nhân của phiền não là Ái, Thủ, Hữu mới tha hồ sinh khởi mà phải chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi.

Trong xã hội Ấn độ thời Đức Phật còn tại thế thì vai trò của người nữ rất hạn chế. Còn đối với người Đông Phương vì chịu ảnh hưởng nặng nề của phong kiến nên người nữ sống trong những quốc gia như Trung Hoa, Nhật bản, Việt nam… cũng chẳng sáng sủa chút nào. Trai năm thê bảy thiếp còn gái thì chính chuyên một chồng. Để an ủi đạo lý Khổng Mạnh tặng cho họ huy chương “liệt nữ”. Đàn ông thì được ăn trên ngồi trước và ngày nay người đàn bà Nhật còn phải đi sau chồng họ ba bước. Ngay cả trong Phật giáo thì mặc dầu Đức Phật lúc nào cũng chủ trương nam nữ bình đẳng vì ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau, nhưng các vị Ni phải giữ tròn tám điều luật (Bát Kỉnh Pháp) cung kính đối với chư Tăng mà ngày xưa khi dưỡng mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề được Đức Thế Tôn cho phép nhập tăng đoàn. Lý do Đức Phật chế ra Bát Kỉnh Pháp là vì muốn kiềm chế tập khí ngã mạn của dưỡng mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề cùng các vị vương phi khác để giúp quý bà phá chấp ngã mà có cơ hội chứng ngộ Thánh quả. Thí dụ dưỡng mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề vừa là vợ vua vừa là mẹ của Phật thì bà ta dễ bị tình cảm riêng tư mà làm rối loạn Tăng đoàn. Vì thế dựa theo luật trên thì một người Ni cho dù xuất gia mấy chục năm vẫn phải tôn kính vị Tăng mới thành Tỳ kheo. Theo quan niệm cổ xưa thì người nữ nặng nghiệp hơn người nam vì thế trước khi được giải thoát giác ngộ thì họ phải chuyển thân nữ thành nam.

Ông Xá Lợi Phất chấp hình tướng bên ngoài nên thấy có sự phân biệt nam, nữ hay nói rộng rãi hơn là trọng nam khinh nữ. Vì còn kẹt trong vòng phân biệt, chấp tướng nên ông chưa tự tại biến hóa trong khi đó Thiên nữ tu theo Bồ-tát đạo nên tâm không còn phân biệt chấp trước khiến cho có sức thần thông tự tại biến hiện mọi thân hình. Nếu nhìn vạn pháp qua trí tuệ thì không có tướng nữ, tướng nam vì chúng chỉ là do nhân duyên biến hiện. Mà đã là do nhân duyên thì nam, hay nữ cũng đều là giả huyễn, là sinh diệt, là vô thường vô ngã mà thôi.

Thiên nữ! Người chết ở cõi nầy rồi sẽ sanh ở đâu?

-  Đức Phật hóa sanh thế nào, tôi cũng hóa sanh thế ấy..

-  Sự sanh của Đức hóa Phật không có chết và cũng không có sanh.

- Chúng sinh cũng vậy. Không có chết và cũng không có sanh.


Theo tướng trạng thì có sanh có tử, có già có chết, nhưng đứng về bản thể thì bất sinh bất diệt, chỉ tùy duyên biến hiện tức là bất biến mà tùy duyên. Theo giáo lý Đại thừa thì chẳng có ai gọi là thật sinh hay thật chết cả mà chỉ hiện tượng trùng trùng duyên khởi mà thôi. Khi duyên hết thì lục đại tan rã, thành phần nào trở về với thành phần ấy. Thí dụ như đất, nước, gió, lửa và không gian thì mỗi thứ trở về với trạng thái nguyên thủy ban đầu. Và khi duyên hợp thì thần thức kết hợp với tứ đại mới để tạo thành con người mới vậy thôi. Chu kỳ tái sinh nầy tiếp diễn mãi không ngừng mà nhà Phật gọi là sinh tử luân hồi. Ngay như Đức Phật Thích Ca cũng phải trải qua ba tăng kỳ kiếp sinh tử luân hồi mới thành Phật được. Chỉ có những người có tâm thanh tịnh, tâm tịch diệt Niết bàn thì mới thoát vòng sinh tử nghĩa là họ không còn có sinh và dĩ nhiên sẽ không còn chết.

Ông Xá Lợi Phất hỏi:

-  Chừng nào người được vô thượng Bồ-đề, thưa Thiên nữ?
-  Chừng nào ngài Xá Lợi Phất trở lại làm phàm phu thì tôi mới thành vô thượng Bồ-đề.

-  Tôi không bao giờ trở lại làm phàm phu.

-  Thì tôi cũng không bao giờ được quả vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-đề “vô sở trụ”. Thế nên Bồ-đề không có cái “được”.

-  Chư Phật đã được, đang được và sẽ được vô thượng Bồ-đề nhiều như cát sông Hằng. Điều đó gọi là gì?

-  Đó là dựa trên văn tự và số mục của thế gian tục đế mà có ba đời, chứ không phải quả vô thượng Bồ-đề có quá khứ, hiện tại, vị lai.

-  Thưa ngài Xá Lợi Phất! Ngài được quả A La Hán chứ?

-  Không có được, mà được.

-  Chư Phật và Bồ-tát cũng vậy. Không có được cho nên được.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật nói với ông Xá Lợi Phất:

-  Thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức Đức Phật, đã được thần thông du hí, đầy đủ sở nguyện Bồ-tát được vô sanh nhẫn, trụ bất thối chuyển địa. Do giáo hóa chúng sinh, có thể hiện thân tùy theo ý muốn.

Chứng đắc Niết bàn hay quả vị Bồ-đề là “vô tại vô bất tại” nghĩa là ở đâu cũng có mà ở đâu cũng chẳng có. Nếu chúng sinh biết diệt trừ tham sân si ái dục để tâm hằng thanh tịnh thì bất cứ ở đâu và lúc nào cũng có Niết bàn, cũng có Bồ-đề. Ngược lại nếu chúng sinh chạy theo tham đắm vô minh thì ở đâu và mãi mãi vẫn trôi nổi trong sinh tử khổ đau. Nói chứng đắc là ngôn ngữ của con người để diễn tả vậy thôi chứ thật ra đâu có ai cấp chứng chỉ, cấp bằng cho ai đâu mà gọi là chứng với đắc. Ngày xưa các vị trong hàng Thanh văn nói là chứng quả A La Hán, nhưng thật ra Phật đâu có cấp bằng A La Hán cho ai đâu! A La Hán là danh từ dùng để diễn tả những ai có khả năng đoạn diệt hết kiến hoặc và tư hoặc ngay cả vi tế hoặc trong tâm thức của họ để không còn phiền não khổ đau. Khi tâm mình không còn phiền não chi phối thì chính mình có được cuộc sống an vui tự tại và cái an vui nầy chỉ có mình biết mà thôi. Vì thế ngay cả tôn giả La Hầu La là con của Phật mà cũng phải tự mình giải thoát chớ Phật ngồi kế bên cũng không giúp gì được. Cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua là trở về với bản tánh cố hữu của mình tức là bản lai diện mục vậy thôi. Thí dụ như khi sanh ra đâu có ai ghiền cà phê, thuốc lá, cờ bạc rượu chè hay xì ke ma túy… Sau khi thấy nghiện nhập là khổ đau, hành thân hoại xác, tan nhà nát cửa thì phản tỉnh đi cai. Khi đã bỏ được cái thói hư tật xấu nầy thì chúng ta vui mừng đi khoe với mọi người rằng bây giờ cuộc sống của tôi rất ung dung tự tại, gia đình tràn đầy hạnh phúc. Nhưng nghĩ lại cái ung dung tự tại hay tràn đầy hạnh phúc thì nó đã có sẳn trước khi chúng ta bị ghiền chớ đâu phải sau khi cai nghiện mới có. Cho nên nếu chúng sinh biết thức tỉnh, biết hồi đầu thị ngạn tức là biết quay thuyền trở lại bến xưa thì có hạnh phúc vậy thôi. Quả vị Bồ-đề thì cũng thế, nếu đứng về tướng thì có các pháp môn để tu và có quả vị để chứng, nhưng đứng về Thể Tánh thì tất cả là một, là Không, là Chân Như, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh thì cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua là trở về với cái tánh giác sẳn có của mình chớ có chứng đắc gì đâu. Chúng sinh vì sống trong trầm luân vô minh mê muội như kẻ mang dây tự trói mình, nay biết thức tỉnh, giác ngộ thì tự mình cởi trói thì gọi là giải thoát cũng như người trở lại quê cũ làng xưa thế thôi.

Khi nói chư Phật đã được, đang được và sẽ được vô thượng Bồ-đề nhiều như cát sông Hằng là dựa trên văn tự, ngôn ngữ của thời gian tức là có quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhưng Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai nghĩa là Bồ-đề không tùy thuận thời gian.

Thí dụ như khi trái đất quay trọn một vòng thì có 24 tiếng đồng hồ tức là một ngày đêm, nhưng phi thuyền con thoi cũng bay chung quanh quỷ đạo địa cầu chỉ mất có khoảng 16 phút thì thời gian trên không gian và thời gian dưới trái đất đâu có giống nhau. Vậy thời gian nào là thời gian thật? Vì thế thời gian nghĩa là quá khứ, hiện tại, vị lai là do con người đặt ra vậy thôi chớ không có cái gì là chân thật cả. Do đó kinh mới có câu: “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” nghĩa là Vô thượng Bồ-đề là quả vị vô thỉ vô chung. Khi mê thì thấy có Phật, có Bồ-tát, có chúng sinh, nhưng khi thức tỉnh giác ngộ thì thấy tất cả chúng sinh đều là Phật bởi vì ai ai cũng đều có Phật tánh cả.

Quả vị A La Hán hay ngay cả quả Vô thượng Bồ-đề là vô thực mà vô hư. Tại sao? Bởi vì cái quả vị A La Hán mà ông Xá Lợi Phất chứng đắc hay quả vị Phật mà Như Lai thành tựu thì không có hình tướng, không có màu sắc, không có văn tự ngôn ngữ diễn tả cho nên cái chứng đắc nầy là không thật có, không tìm đâu ra. Nhưng nếu không thật thì phải là hư? Thế mà cái chứng đắc trên lại là vô hư! Tại sao? Mặc dù không ai thấy được hình tướng của sự chứng đắc, nhưng Ông Xá Lợi Phất có được tâm thanh tịnh Niết bàn nên không còn bị vô minh phiền não quấy phá. Thế thì quả chứng đắc chính là vô hư tức là có thật. Đó chính là sắc tức là Không và Không chính là sắc vậy.

Vô thượng Bồ-đề tức là Bản Thể Chân Như của vạn pháp. Vì thế nếu chúng sinh sống đúng và hợp với chân lý của vạn pháp cũng như người trở về nguyên quán, về lại Bảo Sở Chân Như mà mình lưu lạc từ bấy lâu nay.

Tóm lại cho dù chúng sinh có mang thân nam, thân nữ hay dù chỉ tu phước như các vị trời thì ai ai cũng có thể phát tâm tu hạnh Bồ-tát để làm lợi ích chúng sinh với tâm vô cầu vô sở đắc thì tâm sẽ được thanh tịnh tức là Phật tánh hiện bày. Cốt tủy của tu hành là chuyển tâm chớ không chuyển cảnh vì thế khi tâm được thanh tịnh thì hình tướng sinh diệt bên ngoài cũng như gió thoảng mây bay thì tướng nam, nữ có gì phải bận lòng.

 

|