A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 
     

Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Ba

Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)

ng Thanh Văn

Tôn giả Đại Ca Diếp

 

(Mahakàsyapa): Vấn Đề Khất Thực.

Tôn giả Đại Ca Diếp xuất thân là con nhà giàu có, phú hộ, nhưng khi xuất gia theo Phật lại kham nhẫn tu theo khổ hạnh đầu đà. Trên hội Linh Sơn, khi Phật cầm cành hoa sen đưa lên mà tất cả đại chúng đều ngơ ngác không biết ý nghĩa là gì, duy chỉ có tôn giả đắc ý nên cười chúm chím. Vì thế mới có câu: “Niêm hoa vi tiếu”. Tâm ông cảm thông với tâm Phật nên được Đức Thế Tôn phó chúc làm sơ tổ thiền tông của Phật giáo. Về sau đem y, bát của Phật Thích Ca vào núi Kê Túc mà nhập định và chờ đến khi Phật Di Lặc ra đời sẽ trao lại. Tôn giả là đại đệ tử có đức hạnh cao và chỉ đi khất thực nhà nghèo chớ không khất thực nhà giàu vì ông nghĩ rằng người nghèo là tại vì họ thiếu phước đức nên tôn giả đến khất thực là để tạo duyên cho họ có dịp bố thí mà tạo phước điền thì sau nầy sẽ được giàu sang sung sướng.

Khất thực là một hạnh trong mười hai hạnh đầu đà. Tôn giả mặc áo phấn tảo tức là chiếc áo được kết bằng những tấm giẻ rách lượm ở nghĩa địa và không được ngủ dưới gốc cây quá ba đêm vì sẽ sanh tâm tham. Ngài không giữ tiền, không có của cải mà tài sản duy nhất chỉ có tam y nhất bát mà thôi.

Có phải khất thực, đi xin ăn là làm biếng, là ăn bám xã hội chăng? Nếu như thế thì tại sao chính Đức Phật lại thực hành?

Theo Phật giáo muốn giải thoát tâm mình ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau thì người tu hành phải chấp nhận buông xả. Có thì phải lo phải giữ. Nhà càng lớn thì lo càng nhiều. Ngay cả chùa càng to thì phiền não cũng to theo. Vì thế đối với họ của cải vật chất thế gian là sợi giây vô hình cột chặt con người vào vòng sinh tử. Do đó sau khi thành Phật, chính Đức Thế Tôn cũng noi theo chư Phật đời trước mà đi khất thực. Tại sao? Bởi vì chư Tăng không giữ tiền bạc nên không mua bán, không nấu ăn. Hằng ngày họ đến từng nhà khất thực để mọi người có cơ hội bố thí mà tạo phước đức và nhân dịp đó chư Tăng nói pháp khuyên người nên tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ… Khi đi khất thực họ không phân biệt thức ăn chay hay mặn, thí chủ cúng món gì thì họ thọ dụng món nấy. Nếu vị Tăng chỉ biết ăn chay mà thí chủ không biết cúng đồ mặn thì họ lấy tay che bình bát lại. Sau khi nhận thực phẩm họ luôn chú nguyện cho thí chủ phước huệ được tăng trưởng, thân tâm an lạc rồi tùy duyên mà nói pháp. Vì ngày xưa Đức Phật và chư đệ tử chỉ thọ trai mỗi ngày một lần nên cái bình bát tương đối hơi lớn cho nên họ phải đi nhiều nhà thì bình bát mới đầy. Khi thấy đủ thức ăn thì họ về tịnh xá hay nơi có gốc cây thanh tịnh, trộn chung các thức ăn với nhau để không còn phân biệt món nầy món khác, món ngon món dở, không phân biệt mùi vị rồi mới ăn. Đối với họ ăn để sống chớ không phải chạy theo mùi vị thơm ngon. Có được như thế thì mới phá nổi cái chấp. Tâm không còn dính mắc thì mới tu thanh tịnh được. Khất thực cũng là một phương pháp phá trừ ngã chấp, đánh tan tập khí ngã mạn. Không nấu nướng thì khỏi cần tiền mua bán cho nên chư Tăng dành nhiều thì giờ cho việc tu học và thiền định. Còn thí chủ thì có cơ hội bố thí tạo phước điền và được nghe những lời dạy bảo mà tu hành mở mang trí tuệ. Như vậy khất thực rõ ràng là vì lòng từ bi, vì lợi ích cho chúng sinh, vì phương tiện tu hành, vì tự độ và độ tha và hai bên cùng lợi lạc nên khất thực không phải là lười biếng hay ăn bám xã hội. Sau khi thọ trai xong, chư tăng còn cả buổi chiều để nghe pháp, tu thiền hay niệm Phật…

Ngày nay những nước tu theo Phật giáo Tiểu thừa như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Pô Chia… thì chư Tăng vẫn còn khất thực. Họ quấn y và đi chân đất như thời Phật còn tại thế. Còn những nước theo Phật giáo Đại thừa như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chỉ còn một số rất ít chư Tăng đi khất thực. Trong chùa có vị trụ trì chăm lo vấn đề tứ sự. Chư tăng không còn quấn y như Đức Phật mà mặc áo thụng như người Trung quốc. Như thế là tiến bộ hay thoái hóa? Tùy hảo ý của quý vị.

Bây giờ Đức Phật mới gọi tôn giả Đại Ca Diếp đến và bảo:

- Này Đại Ca Diếp! Ông hãy đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật vì ông ấy đang có bệnh.

Tôn giả thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Vì con nhớ trước đây, một hôm nọ con đi khất thực trong một xóm nghèo, ông Duy Ma Cật gặp và nói cho con một thời pháp dài rằng:

- Thưa ngài Đại Ca Diếp! Ngài có tâm từ mà không phổ biến, chẳng bình đẳng đối với chúng sinh. Ngài chừa nhà giàu, tìm nhà nghèo mà khất thực. Thưa ngài Đại Ca Diếp! Hãy nên trụ ở pháp bình đẳng, khất thực theo thứ tự của xóm làng. Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực. Nhằm hoại diệt cái thân tướng hòa hiệp này mà bốc cơm ăn. Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới thọ nhận thức ăn. Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người. Thấy sắc mà như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngưởi hương như hít gió. Nếm vị nhưng không phân biệt. Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn không sanh cho nên nay không có diệt.

Trong bất cứ xã hội nào ngay cả tại Hoa kỳ thì người nghèo vẫn chiếm đa phần, nhưng chuyện giàu nghèo là chuyện của nhân quần xã hội, là chuyện của chúng sinh vì con người chính là cái quả mà họ thọ nhận từ những cái nhân tác tạo từ bao đời trước. Nhưng nghèo không phải nhất thiết là khổ vì nếu biết sống “tri túc thiểu dục” thì cũng có an vui hạnh phúc như thường. Do đó cổ nhân có câu: “Thanh bần thường lạc” là có. Còn giàu chưa chắc là sung sướng. Nếu con người làm giàu bằng cách bất chánh, bất lương, bất nhân, bất nghĩa thì tuy bên ngoài là giàu có nhưng bên trong lúc nào cũng lo âu, sợ sệt và đau khổ triền miên. Vì thế cổ nhân cũng đối lại là “Trọc phú đa ưu” là vậy.

Như thế thì quan niệm giàu là người có đầy đủ phước đức và được hưởng nhiều hạnh phúc là sai và nói rằng nghèo là kẻ đáng thương nên cần sự giúp đở để cho họ hưởng được phần nào hạnh phúc cũng là sai. Đo đó đối với chư Tăng nên nhìn bằng tuệ nhãn chớ không đánh giá khổ vui qua hình thức tiền của giàu nghèo. Tâm bình đẳng là tâm không còn phân biệt và đây là do đạo đức và quả chứng của người tu mà được. Khi thấy có nghèo và giàu là còn kẹt trong vòng phân biệt nhị nguyên, còn so sánh đối đãi, còn chấp tướng, còn sống với vọng chứ chưa phải Chân. Nếu đi khất thực theo thứ tự ở xóm làng để tùy duyên hóa độ làm phước điền cho chúng sinh mà tâm không phân biệt giàu nghèo, sang khó thì tâm mới được an nhiên tự tại mà xóa bỏ biên giới nhị nguyên để quay về với tự tánh thanh tịnh bình đẳng nhất như.

Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực.

Thông thường có đói mới đi kiếm ăn vì thế nếu không ăn thì cần gì phải đi khất thực? Nhưng ở đây không phải vì ăn có ý nghĩa sâu xa là không quan tâm, chú ý đến miếng ăn. Ăn chẳng cần ngon dở, không chạy theo mùi vị thì tâm không dính mắc, thanh thoảng và tự tại. Ăn là để nuôi thân mà tu đạo chớ không phải ăn để tạo thêm phiền não hay bồi dưỡng, cung phụng thân thái quá mà gây ra nghiệp để chịu quả khổ về sau. Không phải vì ăn cũng có nghĩa là tâm không mong cầu miếng ăn mà mục đích khất thực là để phá trừ ngã chấp, phát triển tâm bình đẳng và làm phước điền cho tất cả chúng sinh. Nếu nói về Sự Tướng thì có khất thực, có người, có ta, có thức ăn, có cúng dường bố thí, nhưng nếu nói về Thể Tánh thì ta cũng không mà chúng sinh cũng không thì làm gì có chuyện cúng dường, bố thí hay đi khất thực. Chuyển Tâm thành Tánh thì làm cũng như không làm, khất thực cũng như không khất thực chính là việc làm của Bồ-tát. Vì Bồ-tát không còn chấp ngã chấp pháp và tâm bình đẳng nên họ rất an nhiên tự tại.

Nhằm hoại diệt cái thân tướng hòa hiệp này mà bốc cơm ăn.

Khi ăn con người thường đem món nầy chấm với món nọ để tăng thêm khẩu vị. Chẳng hạn như đem đậu hủ chấm với tương thì mặn mà hơn. Cái mà chúng ta nghĩ là mặn mà, ngon miệng hơn chính là sự phát triển của Thiệt Thức Giới tức là cái biết phân biệt của lưởi. Còn phân biệt là còn chạy theo vọng trần tức là tăng trưởng tính tham ăn. Mà còn tham là còn khổ, còn sinh tử luân hồi. Cho nên trước khi ăn, chư Tăng trộn chung tất cả thức ăn với nhau để không còn phân biệt ngon dở, không còn phân biệt mùi vị tức là phá tướng hòa hiệp rồi mới bốc ăn. Vì người Ấn Độ ăn bốc chớ không cầm đủa như người Việt Nam hay muổn nỉa như người Tây phương.

Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới thọ nhận thức ăn.

Không thọ nhận có nghĩa là không lãnh thọ nhửng cảm xúc do trần cảnh bên ngoài tạo ra, tránh xa những cám dỗ của thế gian có nghĩa là không thấy thức ăn ngon thì vui, thức ăn dở thì buồn mà phải giữ tâm bình đẳng thanh tịnh tức là thí chủ cúng gì cũng vui vẻ mà nhận. Thật ra thì thọ nhận bất cứ sự cúng dường nào của thí chủ từ thức ăn, quần áo, thuốc men…thì chư Tăng phải coi như là nợ của thí chủ. Nếu không dụng tâm tu hành chân chánh và đem pháp thí đền bù lại thì làm sao trả nổi món nợ nầy. Có thấu hiểu như vậy mới dám thọ nhận thức ăn.

Như vậy nếu đứng về Sự Tướng thì thấy có người cúng dường và kẻ thọ nhận thức ăn. Nhưng dựa theo Lý Tánh thì không có người cho mà cũng chẳng có kẻ nhận. Do đó Lý Tánh là bên trong nên không thấy có nhận mà Sự Tướng bề ngoài thì có nhận thức ăn để làm phước điền cho chúng sinh.

Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người.

Vào xóm làng là chỗ náo nhiệt đông người mà như đến chỗ không người, đồng trống có nghĩa là đừng nên chấp có ta và có người. Ta cũng không mà người cũng không thì tâm mới thanh tịnh. Nếu còn thấy có người thì còn phải đối đầu trong thì có nội ma và ngoài thì có ngoại chướng. Những cám dổ Tham-Sân-Si ái dục phiền não lúc nào cũng là những chướng ngại để phá hoại công phu tu hành. Vì thế vào xóm làng là đi vào đời để độ đời chớ đừng để đời lôi cuốn nhận chìm. Nên nhớ cuộc đời thì vô thường, trước có sau không, nay còn mai mất mà con người cứ cố gắng vơ vét, tích lũy, làm nô lệ cho lòng tham và gây khổ cho nhiều người. Nhưng họ quên rằng càng vơ vét, càng có nhiều của cũng giống như kẻ mang đá mà nhảy xuống sông, làm sao bơi nổi.

Thấy sắc mà như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngửi hương như hít gió. Nếm vị nhưng không phân biệt.
Khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì tâm phát sinh trí phân biệt. Chẳng hạn như khi mắt thấy cái nhà thì tâm liền phân biệt là nhà nầy thì lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu… Tai mỗi khi nghe tiếng khen thì thích nghe tiếng chê thì buồn. Lưỡi nếm mùi vị thơm ngon thì khoái ăn, muốn ăn cho nhiều còn nếu nếm mùi vị đắng, tanh hôi thì khạc nhổ, bực mình khó chịu. Vì thế nếu mắt thấy sắc mà như đui, tai nghe âm thanh mà như điếc…thì tâm không còn phân biệt đẹp xấu, ngon dở…, không còn chấp trước, không luyến theo trần cảnh, không ưa, không ghét, không tham, không đắm và đây chính là sống với pháp bình đẳng vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang cũng có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là đừng để tâm mình dính mắc là vậy. Lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức mà căn, trần và thức đều là duyên giả hợp nên tất cả là vô thường vô ngã. Nhưng nếu không có sự phân biệt đẹp xấu hay ngon dở thì cuộc sống còn ý nghĩa chăng? Khi lưỡi chúng ta nếm một món ăn nào thì dĩ nhiên lưỡi biết thức ăn đó là ngon hay dở vì phản ứng của trực giác nhưng không phân biệt theo Phật giáo có nghĩa là tuy lưỡi nếm vị ngon biết ngon vị dở biết dở nhưng đừng để tâm phát khởi ý niệm để luyến theo cái ngon và chán ghét cái dở thì đây cũng như nếm mà không biết mùi vị là vậy. Cũng như khi mắt thấy một chiếc xe thì dĩ nhiên chúng ta biết chiếc xe đó đẹp hay xấu nhưng tâm không dấy niệm tham luyến muốn chiếm lấy cái xe đẹp thì thấy mà như đui là thế.

Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn không sanh cho nên nay không có diệt.

Như trí chứng là trí thật, là chân lý. Khi có sự xúc chạm thì phát sinh ra cảm giác. Mà cảm giác là có vui, có buồn, có thích, có chán và đây chính là hệ quả của tình cảm mông lung của con người đưa đến phiền não khổ đau. Bây giờ con người cũng cảm thọ những cảm xúc đó mà không chạy theo tình cảm mà quay về với cái trí chứng như thật. Bởi vì tất cả cái xúc chạm chúng ta đều thấy nó như là huyễn hóa, không có thật cho nên tâm sẽ không còn ô nhiễm. Vì các pháp là huyễn, không thật, không tự tánh tức là Không. Mà đã là Không thì làm gì có thỉ có chung.

Còn nữa, thưa ngài Đại Ca Diếp! Có thể không cần rời bỏ bát tà mà được bát giải thoát. Ngay nơi tà pháp mà thế nhập chánh pháp. Một chút thức ăn có thể đem bố thí cho tất cả, có thể cúng dường chư Phật và các hiền thánh, sau đó mới đáng ăn.

Bát tà là đối ngược lại với Bát Chánh Đạo vì thế Bát tà gồm có: Tà kiến, Tà tư duy, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng, Tà tinh tấn, Tà niệm và Tà định. Còn Bát giải thoát cũng được gọi là Bát Bội Xả là tám pháp thiền định có công năng xa lìa tất cả phiền não và thoát khỏi những phiền trược trong ba cõi.

Nếu đứng về pháp tướng tương đối mà nói thì có chánh có tà, có thiện có ác, có tốt có xấu và dĩ nhiên còn thấy đau khổ bất tịnh. Chân lý mà ông Duy Ma Cật giới thiệu ở đây là Lý Tánh tuyệt đối có nghĩa là trong Bản Thể Chân Như không hề có biên giới của nhị nguyên để không còn phân biệt chánh với tà, thiện với ác hay tốt với xấu…vì chánh tà, thiện ác, tốt xấu vốn không hai tức là một.Vì thế môt khi chúng sinh sống với nguyên lý nhất như thì từ nơi phiền não mà họ sẽ tìm thấy Bồ-đề, ngay trong cuộc sống sinh tử khổ đau nầy mà họ vẫn tìm thấy Niết bàn và ở trong tất cả mọi chúng sinh mà họ vẫn tìm thấy Phật tính thanh tịnh. Cũng như khi cát bụi lắng xuống thì thấy nước trong ở trong lu nước đục và thấy hoa sen hương thơm tinh khiết ở trong ao bùn lầy tanh hôi dơ dáy. Nguyên lý bất nhị tức là tinh thần bình đẳng của nhà Phật bởi vì đến đây chúng sinh sẽ không còn thấy bên kia tà, bên nầy chánh. Bên kia pháp trói buộc và bên nầy là pháp giải thoát. Khi không còn kẹt bên nầy, bên kia thì từ một thức ăn mà có thể đem bố thí cho tất cả đó chính là chỉ cho sự bình đẳng không sai khác có nghĩa là tất cả là một và một là tất cả.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

Ăn bằng cách như vậy, sẽ không có phiền não cũng không rời phiền não. Không dụng ý nhập định cũng không dụng ý xả định. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết bàn.

Người thí chủ không có phước lớn cũng không có phước nhỏ, không thêm công đức cũng chẳng mất công đức. Đây là con đường vào Phật đạo thừa chân chánh, không chờn vờn khập khiểng ở cỗ xe bé bỏng của Thanh văn.

Các câu nầy đều tiến về cái nhất tướng bình đẳng để không còn có phiền não hay thoát ly phiền não. Cũng không có nhập định và xuất định và dĩ nhiên cũng không có trụ thế gian và trụ Niết bàn. Khi đã tới chỗ bình đẳng thì tất cả tuy hai nhưng mà một. Ngay cả cái nhìn đối với người thí chủ bây giờ cũng rất bình đẳng cho nên họ cũng chẳng có phước lớn hay phước nhỏ và công đức cũng chẳng thêm mà cũng chẳng mất vì lớn nhỏ, mất còn vốn bất nhị tức là một. Tâm bình đẳng là tâm Bồ-tát để giúp chúng sinh sớm viên thành Phật đạo mà không còn kẹt trong vòng phân biệt đối đãi như các vị A La Hán trong hàng Thanh văn.

Thưa ngài Đại Ca Diếp! Nếu được như thế mà ăn thì mới không luống uổng thức ăn của người thí chủ cúng dường.

Tôn giả Đại Ca Diếp vì thương người nghèo mà đến khất thực để giúp họ tạo phước điền tức là còn tâm phân biệt đối đãi giàu nghèo. Đôi khi các vị A La Hán trong hàng Thanh văn hay các vị Bích Chi Phật trong hàng Duyên giác thấy đời đầy phiền não khổ đau và chúng sinh nghiệp chướng sâu dày nên họ sợ ô nhiễm, không dám vào đời cứu độ mà rút tận vào chốn rừng sâu để riêng hưởng Niết bàn và đưa Phật giáo vào chỗ bế tắc. Lúc Đức Phật còn tại thế đã quở những hành động nầy là mầm thối nát không mang lại lợi ích cho thế gian. Do đó sau khi thấu hiểu tư tưởng đại thừa và công hạnh vị tha của chư Bồ-tát thì tôn giả Đại Ca Diếp phát tâm cung kính từ nay sẽ tu theo Bồ-tát đạo và nguyện thực hành các hạnh lành để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ngày xưa mỗi khi đi khất thực ông thường đem hạnh Thanh văn, Bích Chi Phật khuyên dạy người, nay biết rằng tư tưởng Tiểu thừa chưa phải rốt ráo nên nguyện chỉ đem thuyết đại thừa để giúp chúng sinh phát Bồ-đề tâm, tu theo Bồ-tát đạo và sớm được viên thành Phật đạo. Vậy sự khác biệt của hai tư tưởng Tiểu thừa và Đại thừa về khất thực như thế nào?

Đối với chư Bồ-tát thì quan điểm về khất thực phải có những ý nghĩa sau đây:

1) Người khất thực phải coi miếng ăn là phụ mà giáo hóa chúng sinh mới là chính.

2) Phải xem việc tạo phước cho chúng sinh là phụ mà dạy cho chúng sinh phát Bồ-đề tâm đi vào Phật đạo mới quan trọng bởi vì pháp liễu nghĩa thượng thừa không chủ trương cúng dường để được phước đức mà pháp nầy cũng không chủ trương chú nguyện ban phước đức cho người cúng dường.

3) Thuyết pháp cho chúng sinh là phụ mà đoạn trừ phiền não vô minh cho chính mình mới là tối quan trọng vì có tự giác mới giác tha được.

4) Dạy cho chúng sinh thành Phật là phụ mà tăng tiến bồi dưỡng trí tuệ Phật cho mình mới là chính.

Tư tưởng Duy Ma Cật đã phân tích rõ ràng những tiến trình của người bố thí và kẻ nhận dựa vào pháp Nhất Thừa Phật Đạo để khai thị cho tôn giả Đại Ca Diếp thấy sự rốt ráo mà đạt đến cứu cánh cho cả người bố thí và kẻ nhận là cùng viên thành Phật đạo.

Bạch Thế Tôn! Ông Đại Ca Diếp thưa. Lúc con nghe bài pháp ấy rồi, con được cái chưa từng có. Ngay lúc đó con sanh tâm cung kính chư Bồ-tát một cách thân thiết chân thành. Vì con nghĩ rằng, ngoài địa vị Bồ-tát, không ai có trí tuệ biện tài thâm diệu như thế. Thảo nào người nghe ai mà chẳng phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó về sau con không khuyên dạy ai học tu theo pháp của Thanh văn, Bích chi Phật nữa. Vì lẽ đó con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Tôn giả Đại Ca Diếp nhận thức được sự thua kém của mình mà không lấy đó làm điều xấu hổ. Chẳng những thế ông còn chú nguyện phát tâm đại thừa, từ bỏ con đường ích kỷ nhỏ hẹp mà tiến về đại lộ bao dung rộng lớn để cùng mang lại lợi ích cho mình và cho tất cả chúng sinh. Có phá được chấp ngã, chấp pháp thì mới đạt được tâm bình đẳng của Bồ-tát. Nhưng tại sao tôn giả không dám đi thăm bệnh?

Muốn đại diện cho Đức Phật đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật tức là vị sứ giả của Phật thì người đó phải có trí tuệ sáng suốt tột cùng, có biện tài vô ngại để làm rạng danh cho Đức Thế Tôn. Những điều đó các vị A La Hán không thể có được. Vì thế mà ông từ chối không dám lãnh trách nhiệm nầy mà dành vai trò danh dự cho vị nào có đủ tài đủ đức mà thôi. Một lần nữa đoạn kinh nầy đã chứng minh sự giác ngộ từng phần của hàng Thanh văn không thể nào so sánh với trí tuệ viên mãn của chư Bồ-tát được.

Đối với tư tưởng Tiểu thừa thì người bố thí có được phước còn người nhận của bố thí là người mang nợ. Do đó kẻ cho thì cầu mong được nhiều phước đức còn kẻ nhận thì phải cố gắng tu hành để trả nợ đàn na thí chủ. Vì thế hai bên đều bị ràng buộc không tự tại được. Bây giờ tư tưởng Đại thừa mở rộng cho chúng sinh một lối nhìn mới, không còn bị hạn chế ràng buộc để chúng ta có thể đi thong dong trên con đường Bồ-tát đạo. Kinh Kim Cang dạy rằng: “Bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã” và “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là khi bố thí và giúp người thì đừng có chấp ngã chấp tướng và cũng đừng để tâm dính mắc nơi sáu trần thì làm bất cứ việc gì trên thế gian nầy cũng rất an vui tự tại. Tư tưởng Đại thừa là bố thí mà không thấy mình có bố thí nên không còn mong cầu phước đức và trông đợi đền ơn. Cho mà không biết mình cho và nhận mà không thấy mình nhận thì mới cho và nhận chân thật tức là không còn dính mắc. Người cho bây giờ không còn mong cầu phước đức mà là phương cách tu hành để thanh lọc nội tâm, tẩy trừ tham-sân-si, ngã, mạn mà tiến thẳng về giải thoát giác ngộ. Thế thì người cho kẻ nhận đều có lợi vì cả hai đều có thể đạt được quả vị Bồ-đề. Đây mới là chân bố thí của Đại thừa vì con người không còn lệ thuộc tình cảm của thế gian mà sống với lý trí sáng suốt triệt để của mình.

Kinh Bát nhã cũng nói thêm: “Tất cả các pháp lành đều nhiếp vào Bát nhã Ba-la-mật-đa sâu thẳm” nghĩa là nếu con người sống được với trí tuệ Bát nhã thì coi tất cả chúng sinh như nhau. Ai khổ thì giúp, ai mê thì gọi cho thức tỉnh mà tâm không mong cầu đền đáp nên việc làm được viên mãn. Còn nếu chưa sống được với trí tuệ Bát nhã, tuy có làm Phật sự trên hình tướng nhưng làm một lúc không sao tránh khỏi sự thiên chấp thân, sơ, thương, ghét…nên việc làm không viên mãn.

|