Chương Thứ
Ba
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng
Thanh Văn
Tôn giả Ca Chiên Diên
(Katyayana):
Thuyết Pháp Tinh Yếu.
Tôn giả Ca Chiên Diên là con
của một vị quốc sư của nước A Bàn Đề thuộc miền Nam nước Ấn Độ.
Tiên A Tư Đà vị thần thông bác học của Ấn Độ thời bấy giờ, người
đã đến xem tướng cho Thái tử Tất Đạt Đa khi Ngài mới đản sanh
chính là cậu ruột và cũng là sư phụ đầu tiên của tôn giả. Sau
tôn giả quy y theo Phật trở thành A La Hán và trong số mười đại
đệ tử của Phật thì tôn giả nổi tiếng là đệ nhất nghị luận vì
ngài có tài biện luận và lời nói diệu dàng làm mọi người kính
phục. Ngoài tài biện thuyết, tôn giả còn làm ra bộ Thi Thiết Túc
Luận gồm có 18 ngàn câu kệ và một bộ kinh có tên là Ca Chiên
Diên Kinh để nói về ý nghĩa lìa cả hai đường Có và Không mà phá
trừ tập khí ngã mạn.
Bấy giờ Đức Phật gọi ông
Ca Chiên Diên bảo:
- Ca Chiên Diên! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Ông Ca Chiên Diên thưa:
- Bạch Thế Tôn! Trước kia con đã từng nghe Phật nói pháp tinh
yếu cho các Tỳ Kheo. Hôm nọ con cùng các Tỳ Kheo hội hợp lại,
con bèn trùng tuyên diễn nói lại về ý nghĩa vô thường, khổ,
không, vô ngã và tịch diệt… Lúc
bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:
- Thưa ngài Ca Chiên Diên! Ngài không nên dùng tâm hành sanh
diệt mà nói pháp thật tướng. Thưa ngài, các pháp không sanh
không diệt, đó là nghĩa vô thường. Ngũ uẩn rỗng không, không có
điểm sanh khởi, đó là nghĩa khổ. Các pháp rốt ráo không, không
có nguồn gốc, đó là nghĩa không. Ngã và vô ngã không hai, đó mới
là nghĩa vô ngã. Các pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là
nghĩa tịch diệt.
Người học Phật thì phải
nhìn vạn pháp qua hai mặt. Pháp thì có pháp tánh và pháp tướng.
Nếu con người chưa ngộ được thật tướng của vạn vật trong vủ trụ
thì chỉ nói được pháp tướng. Còn thấu nhập được thật tướng thì
mới nói được pháp tánh. Mà thật tướng chính là vô tướng.
Chúng sinh sống trong thế giới Ta bà nầy tức là đang bơi trong
biển khổ cho nên Đức Thế Tôn muốn đem Phật pháp để giúp chúng
sinh nương theo đó mà giải thoát. Vì thế Phật mới nói thuyết vô
thường, vô ngã, khổ, không và diệt phiền não để chứng đắc Niết
bàn. Vì đây là lời của Phật nên tôn giả Ca Chiên Diên mới đem
những ý chính mà diễn lại cho các Tỳ Kheo nghe thì lời nói của
tôn giả là đúng. Nói đúng mà tại sao lại bị quở? Trưởng giả Duy
Ma Cật không những chỉ trích tôn giả Ca Chiên Diên mà còn chỉ
trích tất cả các vị đại đệ tử của Phật không phải vì họ nói sai
hay tu hành sai mà họ không đi đúng Phật đạo. Con đường để đạt
đến Phật quả viên thành bắt đầu từ nhân thừa, thiên thừa, tiểu
thừa, duyên giác thừa và cuối cùng tiến đến đại thừa viên giáo
để đến Đẳng giác mà thành Phật. Bất cứ ai trong thế gian nầy nếu
muốn hoàn thành Phật đạo đều phải đi theo con đường của các vị A
La Hán cả, nhưng lý do họ bị khiển trách là vì họ tự mãn ở địa
vị của hàng Thanh văn mà không tiếp tục tinh tấn tu hành từ
Thanh văn lên Bồ-tát hay từ Tiểu thừa sang Đại thừa. Tuy đã
thoát khỏi sinh tử luân hồi nhưng nếu không tiến tu theo Bồ-tát
đạo thì trí tuệ không phát sinh, vô minh chưa trừ diệt thì làm
sao thành Phật được. Do đó ông Duy Ma Cật mới đại diện cho Phật
chỉ bày con đường sáng để khai thị cho họ theo đó mà tiếp tục tu
hành để viên thành Phật đạo. Đây là chỉ trích trong tinh thần
xây dựng vậy.
Khi Đức Phật thuyết pháp
dạy các Tỳ Kheo thì Ngài thuyết huyễn pháp, độ huyễn nhân để
chứng huyễn quả. Nhưng tôn giả Ca Chiên Diên nghe Phật nói huyễn
lại tưởng là thật. Phật dùng phương tiện lại tưởng là cứu cánh
cho nên tôn giả mới đem những lời Phật mà dạy cho các Tỳ Kheo.
Đứng về phương diện pháp tướng mà nói thì vạn pháp là thật có,
cho nên thấy vạn pháp là vô thường. Cũng như thấy thân nầy là
thật nên phải chịu sinh lão bịnh tử. Thấy cái ta là thật có nên
thấy cái ta là vô ngã. Muốn ngã và ngã sở được trường tồn vĩnh
cửu nên thấy vạn pháp giai không. Thấy phiền não là thật cho nên
mới mong cầu tịch diệt Niết bàn. Tóm lại vô thường, khổ, không,
vô ngã, tịch diệt đều là pháp tướng tức là tướng sinh diệt của
thế gian. Vì thế tôn giả Ca Chiên Diên càng diễn giải, biện luận
cho các Tỳ Kheo thì càng chứng tỏ tâm ông bị dính mắc càng
nhiều. Do đó trưởng giả Duy Ma Cật mới đến bảo ông chớ đem tâm
hạnh sinh diệt tức là pháp tướng mà nói pháp Thật Tướng. Tại
sao? Bởi vì tâm hạnh sinh diệt là pháp thế gian, là tương đối
thì làm sao diễn tả được pháp Thật Tướng tức là tuyệt đối, là
pháp xuất thế gian.
Đứng về phương diện tuyệt đối mà nói thì các pháp không sinh mà
cũng không diệt, không còn đối đãi tức là Bất nhị. Ông Ca Chiên
Diên nói các pháp có sinh có diệt tức là vô thường còn ông Duy
Ma Cật nói các pháp không sinh không diệt mới là vô thường. Đây
là hai tư tưởng hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy ai đúng ai sai?
Thật ra cả hai cùng đúng. Tại sao lại có chuyện ngược với lý vô
nhị thị như vậy? Nếu đứng về pháp Tướng tức là pháp sinh diệt
tương đối của thế gian thì ông Ca Chiên Diên nói đúng. Còn nếu
dựa vào pháp Tánh bất sinh bất diệt tức là Chân Lý Tuyệt đối thì
ông Duy Ma Cật đúng vì trong Chân Không thì làm gì có sinh có
diệt, có tăng có giảm. Nhưng nếu nói không sanh không diệt thì
tại sao nói vô thường như các pháp sinh diệt? Đứng về pháp Tánh
thì không sanh không diệt nhưng nhờ có duyên hợp mới thành
Tướng. Mà đã là duyên hợp thì có sanh có diệt tức là vô thường.
Đây chính là bất biến mà tùy duyên. Thí dụ như cái nhà của chúng
ta. Vì cái nhà là do duyên hợp của gạch, ngói, cây, xi măng… nên
cái nhà không có tự tánh tức là Không. Vì cái nhà là do duyên
hợp mà thành nên có sanh có diệt tức là vô thường nhưng tự tánh
của cái nhà là Không thì làm gì có sanh có diệt. Do đó cùng một
đối tượng mà có hai bản thể là hữu vi và vô vi hay tương đối và
tuyệt đối. Hữu vi là Tướng và vô vi là Thể. Như vậy nói vô
thường là chỉ cho giả tướng duyên hợp. Còn pháp Tánh thì không
sanh không diệt. Cho nên cái không sanh không diệt đó không thể
rời cái Tướng sanh diệt được. Vì thế Tâm Kinh mới có câu: “Sắc
chẳng khác Không” là như vậy. Tuy tôn giả Ca Chiên Diên nói
không sai, nhưng sự hiểu biết về sự sinh tồn của nhân sinh vủ
trụ chỉ có một bên là pháp Tướng tức là pháp sinh diệt cho nên
ông Duy Ma Cật muốn đem chân lý của Thật Tướng tuyệt đối mà
giảng giải để khai thị cho tôn giả thấy rằng tuy vạn pháp có
tướng sinh diệt tức là vô thường nhưng Bản Thể Chân Như là Thật
Tướng thì không có hình tướng nên không bị chi phối bởi tánh vô
thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm,
không còn già trẻ sống chết đổi thay nên được gọi là Chơn
Thường. Vì thế ông Ca Chiên Diên tuy là nói không sai nhưng chưa
được rốt ráo, thấu triệt mà thôi.
Ngũ uẩn rỗng không,
không có điểm sanh khởi, đó là nghĩa khổ.
Năm uẩn ở đây chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong thế
gian nầy con người còn thấy khổ, vui là vì còn cảm thọ những
duyên trần từ bên ngoài. Khi gặp cảnh thuận duyên thì tâm vui mà
gặp cảnh nghịch lòng thì phát sinh tâm sân hận. Tâm Kinh dạy
rằng trong Bản Thể Chân Như thì ngũ uẩn là Không. Mà ngũ uẩn đã
là Không thì làm gì có cảm thọ những duyên trần bên ngoài. Cảm
thọ cũng Không thì vui khổ cũng chẳng còn. Vì thế ông Duy Ma Cật
nói nghĩa khổ chính là chẳng khổ chẳng vui, là chân lý tuyệt đối
vậy.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có dạy rằng: “Vạn pháp duy tâm tạo” cho
nên khổ vui cũng bởi tự lòng ta. Cùng một trái ớt cay mà có
người thích ăn còn người khác lại không thích. Nếu bắt người Mỹ
ăn cơm hoài như người Việt thì làm sao họ vui hay bắt người Việt
ăn bánh mì hoài thì họ sẽ kêu khổ. Vậy vui khổ là không thật Có
mà nó chỉ xuất hiện làm cho con người thêm điêu đứng khi chúng
ta chạy theo gió lục trần. Khi con người còn chấp có hai bên là
khổ vui nên tâm mới khổ vì muốn phá khổ tìm vui. Khi đã ngộ được
Bản Thể Tuyệt Đối thì không còn chấp có khổ vui mà chỉ thấy rõ
tất cả chỉ là một cái bất biến. Trong cuộc đời có ai lại không
đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng. Nếu người không hiểu đạo
khi gặp nghịch duyên thì họ than trời, trách đất chẳng những làm
khổ cho mình mà còn làm khổ cho mọi người chung quanh. Còn người
có trí tuệ sáng suốt thì cũng cảnh nghịch duyên đó mà họ bình
tĩnh lắng lòng để tìm nguyên nhân nào tạo ra nghịch cảnh mà tìm
phương đối trị để vượt qua cảnh trái ý nghịch lòng. Cái vui khổ
mà con người thọ nhận trong đời nầy chẳng qua là cái quả của
những cái nhân tốt xấu mà họ đã tác tạo từ kiếp trước mà thôi.
Tự tác hoàn tự thọ tức là ta làm thì ta chịu có gì phải phàn
nàn. Chúng ta không có túc mạng thông thì không thể nào biết
được mình đã làm những gì trong tiền kiếp. Nhưng điều quan trọng
mà con người cần phải chú ý là ngay trong đời hiện tại cũng như
trong tương lai đừng gây ra nghiệp xấu vì đây chính là những
duyên xấu sẽ kết tập với những nghiệp bất thiện trong quá khứ mà
tạo thành cái ác quả để hành hạ chúng ta. Nhân mà không có duyên
thì không bao giờ thành quả. Do đó không chỉ riêng có Bồ-tát mới
thấy câu: “Bồ-tát sợ nhân chúng sinh sợ quả” là chân lý mà tất
cả chúng sinh cũng như Bồ-tát cùng sợ nhân cả.
Các pháp rốt ráo không, không có nguồn gốc, đó là nghĩa
không.
Không có một hiện tượng tinh thần hay vật chất nào trong thế
gian nầy có thể tự nó sinh tồn mà không cần đến những trợ duyên
khác. Vì do sự kết hợp của nhiều nhân duyên nên tất cả vạn pháp
chính nó không có tự tánh, không có chủ thể hay vô ngã tức là
Không. Không ở đây có nghĩa là Chơn Không Diệu Tánh tức là từ vô
thỉ nó như vậy và cho đến vô chung nó cũng thế, không tăng không
giảm nên nói không nguồn không gốc là như vậy. Cái Không nầy mới
chính thật là nghĩa không chớ không phải cái không đối với cái
có của hàng Thanh văn.
Ngã và vô ngã không hai, đó mới là nghĩa vô ngã.
Ngã là thấy mình thật, vạn vật cũng thật. Còn vô ngã thì mình là
huyễn và vạn vật, chúng sinh cũng huyễn. Khi còn thấy có ngã và
vô ngã là thấy có bên nầy bên kia, là còn phân biệt nhị nguyên
tức là tâm không bình đẳng. Đây là lối nói ngược để phá trừ bệnh
chấp tướng, nhưng thật ra trong vô thường có Chơn thường và
trong vô ngã có Chơn ngã. Đây mới chính là Trung đạo. Thí dụ như
ngày xưa chúng ta chưa biết đạo thì lúc nào cũng chạy theo bản
ngã, làm việc gì cũng vì mình, ai nói nặng một chút là giận là
hờn, ai tâng bốc là kiêu căng, tự phụ cũng vì lầm tưởng thân nầy
là thật, cái Ta là thật. Khi đã biết thân nầy là giả, thế gian
vủ trụ là giả thì từ cái bản ngã mê lầm quay về với cái tự tánh
thanh tịnh mà sống với tinh thần vô ngã từ bi của nhà Phật. Vậy
ngã và vô ngã vốn ở trong ta. Nếu chạy theo lục dục thất tình là
ngã còn sống với tự tánh bản nhiên thanh tịnh là vô ngã. Tuy hai
nhưng mà một tức là bất nhị thì đây mới là nghĩa vô ngã vậy.
Các pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là nghĩa tịch
diệt.
Giáo lý Tiểu thừa dựa trên pháp hữu vi mà thấy các pháp có sinh
có diệt nên tâm bất định mà sinh ra cái khổ. Do đó họ cố tu, xa
lìa cái sinh diệt cho tâm được an định mà tìm cái vui tức là sự
tịch diệt của Niết bàn. Ngược lại tư tưởng Đại thừa thì cho rằng
các pháp từ nguyên thủy đến nay vẫn như thế, không sanh không
diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm. Mà các pháp
vốn không sanh thì làm gì có diệt! Đây chính là Pháp Tánh của
các pháp tức là Không. Vì là Chơn Không Diệu Tánh không hình
không sắc, không kích thước, không nặng nhẹ thì làm gì có thể
nghĩ bàn hay dùng văn tự để diễn bày được.
Như thế khi còn mê lầm vọng tưởng điên đảo thì còn thấy các pháp
có sinh có diệt, đến khi trí tuệ bừng sáng để nhận thấy Thể Tánh
bất sinh bất diệt của các pháp tức là thấy được tính Thường,
Lạc, Ngã, Tịnh thì vọng tưởng điên đảo không còn và tâm hằng
vắng lặng thanh tịnh thì Niết bàn còn dùng vào đâu mà cầu mong
chứng với đắc thì đây mới chính là nghĩa Tịch Diệt vậy.
Như vậy:
- Nếu thấy thân là vô thường thì phải quay về sống với pháp tánh
bất sinh bất diệt để tới chỗ Chơn Thường.
- Biết vạn pháp trong thế gian vủ trụ là vô ngã thì cố gắng suy
tư quán chiếu, tĩnh lự và quay về sống với tự tánh thanh tịnh
của mình thì sẽ thấy Chơn Ngã.
- Nếu để tâm chạy theo vọng trần thì sẽ cảm thọ cái vui hay cái
buồn, nhưng nếu thấy rằng ngũ uẩn là Không thì sẽ chặn được gió
lục trần. Không có gió lục trần thì làm gì còn cảm thọ cho nên
buồn vui cũng vì thế mà tan biến.
- Nếu thấy thế gian sinh diệt thì tâm mới có khổ bây giờ quay về
với pháp tánh thì sẽ không còn sinh diệt. Không sinh diệt thì
khổ không còn tức là Tịch Diệt.
Tóm lại theo tư tưởng đại thừa thì ngay trong vô thường mà thấy
được Chơn Thường. Ngay trong vô ngã mà thấy được Chơn Ngã. Trong
cái khổ mà thấy Chơn Lạc và trong thế giới uế độ nầy mà vẫn thấy
được Niết bàn thanh tịnh tức là Chơn Tịnh vậy. Vì thế với tuệ
nhãn của Bồ-tát thì vạn pháp là Chơn Thường, Chơn Ngã, Chơn Lạc
và Chơn Tịnh hay là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Nói một cách khác, tất cả vạn pháp trong thế gian vủ trụ nầy thì
Tướng là giả huyễn, là sinh diệt. Thể thì lặng lẽ, là Chơn Không
Diệu Tánh, là Không. Còn Dụng thì phát sinh từ tâm để tạo thành
muôn sai vạn biệt. Đối với người tu theo đại thừa thì cho dù tâm
có phát sinh trăm ngàn ý niệm, chánh có tà có, thiện có ác có…
nhưng con người làm chủ tâm tức là kiềm chế ý niệm chớ không
chạy theo nó. Niệm vừa dấy lên thì tự nhiên nó lắng xuống, biến
đi. Vô niệm tức là Chơn tâm, là Phật tánh, là hạnh phúc vĩnh
hằng trong tất cả chúng ta.
Hằng ngày chúng ta đi chùa, ngồi thiền, kinh hành, tụng kinh,
niệm Phật mà người chửi còn giận, vật đẹp muốn lấy, tranh công
đoạt chức thì vẫn làm nô lệ cho bản ngã. Muốn đạt đến ngã Không
thì phải thấy vạn pháp là vô thường, vô ngã, Không và khổ như
cái thấy biết của các vị A La Hán. Sau cùng phá luôn chấp pháp
tức là pháp Không để được cái nhìn cái biết của Bồ-tát. Đó là
thế gian là huyễn hóa, nhưng Bản Thể thì thường hằng bất biến,
là Chơn Không Diệu Tánh nên lúc nào cũng thanh tịnh. Con người
biết quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì ở đâu và
lúc nào cũng có tịch diệt Niết bàn.
Tôn giả Ca Chiên Diên nói tiếp:
Sau khi ông Duy Ma Cật diễn nói về những pháp yếu đó, các Tỳ
Kheo tâm được cởi mở. Vì vậy, hôm nay con không dám lãnh trách
nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Các Tỳ Kheo khi đã được nghe Chân lý tuyệt đối, lãnh hội được
pháp Tánh thanh tịnh thì như người ngũ mê sực tỉnh, không còn
thấy mình bị trói buộc và tâm rất hoan hỷ. Ý của ông Duy Ma Cật
trong đoạn kinh nầy là đứng lấy tâm sinh diệt tương đối của thế
gian mà luận bàn về pháp Tánh tức là Chơn Không Diệu Tánh. Vì nó
là Chơn Không, là rỗng lặng nên không thể dùng ngôn ngữ, văn tự
để diễn bày. Nhưng nếu có quán chiếu, có thực hành thì sẽ ngộ
Chân lý và nhập Thể Tánh thì lúc đó tự mình sẽ có Thường, Lạc,
Ngã, Tịnh vậy.
|
|