A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

     



Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Mười

Phẩm PHẬT HƯƠNG TÍCH

(Fragrance Accumulation Buddha)

Bấy giờ ông Xá Lợi Phất nghĩ rằng: giờ ngọ trai sắp đến, rồi đây chư Bồ-tát sẽ thọ thực bằng cái gì?

Đối với hàng Thanh văn hay các tu sĩ Tiểu thừa thì họ còn phân biệt thời gian cho nên sắp đến giờ ngọ là họ nghĩ đến việc ăn trưa. Vì mỗi ngày chỉ ăn một bửa trước giờ ngọ nên nếu lỡ quá ngọ mà chưa ăn thì họ phải nhịn ăn ngày đó. Trong khi đó những tu sĩ theo phái Đại thừa thì uyển chuyển hơn, không chấp, không phân biệt nên giờ nào ăn cũng được, một hay hai bữa cũng xong miễn sao ăn để sống, nuôi thân mà tu đạo.

Trưởng giả Duy Ma Cật biết được thâm ý của ông Xá Lợi Phất, bèn bảo rằng:

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! Đức Phật dạy tám môn giải thoát ngài lãnh thọ thi hành. Há để xem tạp ý nghĩ về ăn trong lúc nghe pháp vậy sao? Nếu muốn ăn thì hãy đợi giây lát. Ngài sẽ được thức ăn chưa từng có.

Ông Duy Ma Cật liền nhập định, vận dụng sức thần thông khiến cho đại chúng thấy rõ, ở thượng phương thế giới trải qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có quốc độ tên gọi là Chúng Hương. Hiện tại Đức Phật Hương Tích là giáo chủ.

Nước Chúng Hương có thứ hương thơm kỳ diệu, so với mùi thơm của các thế giới nhơn thiên. Các cõi nước chư Phật trong mười phương cũng không có thứ hương nào sánh được. Cõi nước đó, không có Thanh văn và Bích Chi Phật, chỉ có chúng đại Bồ-tat thanh tịnh. Đức Phật Hương Tích thường truyền pháp giáo hóa cho hàng đại Bồ-tát này. Thế giới Chúng Hương thường sử dụng toàn hương. Lầu các kiến tạo bằng hương. Đi kinh hành trên đất hương, vườn tược hoa cảnh cũng hương. Hơi hương là thức ăn của Phật, Bồ-tát ở quốc độ nầy. Hương nầy lan tỏa ngát thơm khắp vô lượng thế giới mười phương.

Lúc bấy giờ Đức Phật và chư Bồ-tát cùng ngồi thọ thực. Các Thiên tử cùng có hiệu Hương Nghiêm, những Thiên tử này đều đã phát tâm vô thượng Bồ-đề. Họ dâng thức ăn Hương để cúng dường Phật và Bồ-tát.

Tất cả đại chúng trong hải hội đều trông thấy sự kiện nầy.

Trong chương thứ nhất, kinh giới thiệu một chân lý là cõi tịnh độ nằm trong cõi uế độ Ta bà nầy nghĩa là tịnh và uế tuy hình tướng có khác nhau nhưng cùng một Bản Thể. Khi chúng sinh có tâm thanh tịnh thì thế giới chung quanh ta sẽ được thanh tịnh như cõi Phật tịnh độ. Đó là câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Bây giờ trong phẩm nầy, kinh lại giới thiệu một cõi tịnh độ tên là Chúng Hương cách xa thế giới Ta bà bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật. Tại sao lại nói bốn mươi hai mà không phải bốn mươi mốt hoặc bốn mươi ba? Tại vì từ địa vị phàm phu đến quả vị vô thượng Bồ-đề phải trải qua bốn mươi hai đẳng cấp. Dựa theo Thập Huyền Duyên Khởi thì Chư Pháp Tương Tức nghĩa là thế giới này cũng là thế giới kia, Nhất Đa Tương Dung nghĩa là thế giới Chúng Hương và thế giới Ta bà tuy hai nhưng mà một vì tuy có hai thế giới, gọi hai tên khác nhau nhưng tất cả vẫn cùng chung trong “Nhất Chân Pháp Giới” nghĩa là tất cả là Một. Tại sao? Nếu thế giới Chúng Hương mà xa xôi vời vợi thì làm sao đại chúng thấy rõ được và chư Bồ-tát đi qua lại trong nháy mắt. Nếu không thấu hiểu thì dễ dàng nghĩ rằng đây là chuyện thần thoại hoang đường. Nói đến thế giới Chúng Hương nghĩa là có Đức Phật Hương Tích, có cơm thơm, có chư Bồ-tát và không có Thanh văn hay Bích chi Phật là kinh muốn ám chỉ các vị trong hàng Thanh văn cần chuyển tâm hẹp hòi, chấp trước của mình thành tâm Bồ-đề, rộng rãi như Bồ-tát cũng như bỏ cơm thường mà được cơm thơm, bỏ bàn ghế chật hẹp để được ngồi trên tòa sư tử, bỏ tâm ích kỷ mong cầu tịch diệt Niết bàn cho riêng mình mà phát tâm Bồ-đề cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và hành Bồ-tát đạo làm lợi ích cho chúng sinh. Cõi Ta bà có Thanh văn, Bích chi Phật trong khi thế giới Chúng Hương không có là muốn so sánh để các vị Thanh văn chuyển tâm mà quay về với Nhất Thừa Phật đạo. Kinh muốn nhắn nhủ rằng ngay cả hàng Thanh văn, Duyên giác thì con đường để viên thành Phật đạo vẫn còn xa, không nên tự mãn.

Khi giới thiệu cõi Chúng Hương thì kinh muốn nới rộng về sự ứng dụng của Lục Trần vì thật ra không nhất thiết chỉ có “nghe” hay “thấy” tức là “sắc trần” và “thanh trần” mới hoằng pháp, mới làm Phật sự được. Thí dụ như ăn cơm thì cơm làm bằng gạo lúa tức là sắc. Nhà cửa, cây cối, đất cát đều là sắc. Còn thuyết pháp thì Đức Phật Thích Ca dùng âm thanh tức là “Thanh Trần” để giảng dạy cho đệ tử nên những người tu theo âm thanh mà chứng quả thì gọi là hàng Thanh văn. Ở đây kinh giới thiệu một lối giảng dạy khác mà chúng sinh chưa quen thuộc nhưng rất thông dụng ở thế giới Chúng Hương nghĩa là tất cả đều là mùi hương. Đó là “Hương Trần” nghĩa là Đức Phật Hương Tích chỉ dùng mùi hương mà giáo hóa chúng sinh thay vì lời nói. Nói một cách khác chúng sinh ở thế giới Ta bà dùng “Nhĩ căn” để nghe pháp, học pháp, hành pháp và chứng đạo quả Niết bàn. Trong khi đó chúng Bồ-tát ở cõi Chúng Hương thì sử dụng “Tỷ căn” để ngửi mùi đạo, học đạo, hành đạo và chứng thánh đạo. Đức Phật Thích Ca dùng lời nói thuyết pháp lan tỏa mười phương thế giới thì Đức Phật Hương Tích dùng hương truyền pháp cũng lan tỏa trong khắp vô lượng thế giới mười phương. Thế thì phương tiện giáo hóa tuy có khác, nhưng cứu cánh độ chúng sinh, độ Bồ-tát đâu có khác gì nhau. Nói một cách khác hiện tượng tuy có khác, nhưng Bản Thể vẫn là Một.

Bấy giờ Trưởng giả Duy Ma Cật hỏi các chúng Bồ-tát trong hải hội rằng:

- Thưa chư nhơn giả! Trong đây ai có thể qua đến cõi Phật Hương Tích để có thể thỉnh một ít cơm thơm?

Do thần lực của Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, cả hải hội chư Bồ-tát đều im lặng.

Ông Duy Ma Cật nói:

- Cả đại chúng trong hải hội đều im lặng cả! Không đáng xấu hổ lắm sao?

Văn Thù Sư Lợi nói:

- Theo lời Phật dạy:
“Không nên xem thường người chưa học”.

Ông Duy Ma Cật ngồi tại bản tòa, ở trước đại chúng, hóa hiện một Bồ-tát tướng hảo quang minh, uy đức hơn hẳn mọi người và sai bảo:

- Ông qua thượng phương vượt đây khoảng bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có một quốc hiệu tên gọi là Chúng Hương. Đức Phật cõi đó hiệu là Hương Tích. Phật và Bồ-tát đang cùng ngồi thọ thực. Ông hãy đến đó nói đúng như lời tôi rằng:

- Duy Ma Cật đê đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn trọng kính vô vàn, gởi đến lời thăm hỏi Đức Thế Tôn ít bệnh, ít não chăng? Mong Thế Tôn cho một ít cơm thừa đem về cõi Ta bà làm Phật sự khiến cho những người ưa pháp Tiểu thừa được mở mang trí tuệ phát chí Đại thừa, đi theo đại đạo và cũng khiến cho thanh danh của Như Lai được nhiều người nghe biết khắp cùng.

Lãnh hội lời dặn dò, ở trước đại chúng, vị hóa thân Bồ-tát liền bay lên thượng phương, trước sự chứng kiến của đại chúng. Đến thế giới Chúng Hương, hóa thân Bồ-tát lễ dưới chân Phật. Vào lúc này tất cả đại chúng ở cõi Ta bà đều nghe rõ lời bạch.

Các đại sĩ ở nước Chúng Hương trông thấy đức hóa thân Bồ-tát đều rất kính mộ và tán thán, đây là việc chưa từng có. Bậc thượng nhân này từ đâu đến. Ta bà thế giới cách đây bao xa. Sao gọi là những người ham ưa tiểu pháp. Bao nhiêu nghi vấn đặt ra và đem những việc đó thưa hỏi Đức Phật.

Đức Hương Tích Phật nói với chư Bồ-tát rằng ở hạ phương cách bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Ta bà. Hiện nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ. Ta bà là cõi đời nhơ xấu năm trược hoành hành. Đức Phật Thích Ca vì chúng sinh ưa pháp Tiểu thừa, mở mang chuyển hóa khiến cho họ phá chí Đại thừa. Đức Phật có một Bồ-tát tên Duy Ma Cật hằng trụ trong cảnh giới giải thoát Bất Khả Tư Nghì, vì các Bồ-tát nói pháp. Vì thế, sai vị hóa thân Bồ-tát đến cõi này, nhằm xưng dương danh hiệu của ta và khen ngợi quốc độ Chúng Hương này, khiến cho Bồ-tát ở cõi Ta bà được tăng phần công đức.


Ông Duy Ma Cật là vị đại Bồ-tát thần thông quảng đại lại lẻ nào đi khinh chê đại chúng mà phải cần Bồ-tát Văn Thù nhắc nhở: “Không nên xem thường người chưa học”. Đây chỉ là cách đóng tuồng để vừa nhắc nhở mà cũng vừa an ủi mà không phật lòng ai. Nhắc lại khi Phật nói kinh Pháp Hoa để quy tam thừa về một là Nhất thừa Phật đạo thì có trên năm ngàn đệ tử bỏ đi cho nên kinh điển Đại thừa rất khó nghe, mà nếu nghe và thấm thấu thì mới liễu ngộ được giáo lý tối thượng đại thừa. Đoạn kinh nầy muốn nhắn nhủ rằng Bồ-tát phải làm những việc khó làm mà người khác làm không được. Ông Duy Ma Cật tự hiện thân thành một Bồ-tát khác, đến quốc độ Chúng Hương, bạch với Phật Hương Tích, xin bát cơm thơm rồi đem về. Tuy hiện tượng nhiều như thế nhưng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc trước mắt mọi người. Điều này một lần nữa chứng minh rằng Ta bà là Chúng Hương và Chúng Hương chính là Ta bà tức là ứng dụng Nhất Đa Tương Dung vậy.

Ở đây kinh lại dùng một phương tiện khác để xác định chân lý: Tịnh, Uế là do tâm tạo. Cũng như ở chương một thì kinh nhấn mạnh : “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”. Ở chương nầy kinh lại giới thiệu một cõi Tịnh độ, nhưng thật ra cõi Tịnh độ nằm trong thế giới Ta bà này chứ không tìm đâu xa cả. Vì nếu xa thì làm sao những lời nói của hóa thân Bồ-tát với Phật Hương Tích mà đại chúng ở cõi Ta bà lại nghe rõ được. Như thế thì kinh muốn nói gì? Cho dù chúng sinh ở đâu, sống trong bất cứ thế giới nào mà không còn bị ràng buộc bởi Tham-Sân-Si, vô minh phiền não thì nơi đó, thế giới đó chính là cõi cực lạc, cõi Tịnh độ vậy. Nói rộng ra thì nếu chúng sinh có tư duy quán chiếu để tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì ngồi đâu, đứng đâu cũng như nghe Pháp, nghe tiếng gì cũng nhẹ nhàng thanh thoát như tiếng chim Anh Vỏ, Bạch Hạc và nhìn cảnh giới nào cũng là cảnh thanh tịnh u nhàn cả.

Các Bồ-tát Chúng Hương hỏi Phật :

- Duy Ma Cật là người thế nào mà có thể hóa ra một Bồ-tát oai đức tròn đầy, thần thông quảng đại thế kia?

Phật đáp:

- Rất lớn! Chẳng những hóa một Bồ-tát mà còn có thể hóa vô số Bồ-tát đi đến vô số cõi nước trong mười phương để thi tác Phật sự lợi ích chúng sinh.

Đối với Bồ-tát không những làm được một việc khó làm mà Bồ-tát phải làm tất cả những việc khó làm để cứu giúp chúng sinh. Trong Phẩm Con Đường Phật, Bồ-tát chứng minh rằng vì muốn cứu giúp chúng sinh, họ sẳn sàng làm bất cứ việc gì và bất cứ ở đâu ngay cả những việc phi đạo. Các ngài thị hiện làm kẻ tham-sân-si, ham mê sắc dục, làm kẻ phá giới, làm người gian ác để làm gương cho chúng sinh thấy đó mà xa lánh. Đó chính là: “Bồ-tát hành phi đạo thị vi thông đạt Phật đạo” vậy.

Đức Hương Tích Như Lai lấy bình bát Chúng Hương đựng đầy một bát cơm hương và ban cho hóa thân Bồ-tát.

Lúc bấy giờ có chín trăm vạn Bồ-tát đồng thanh nói:

- Chúng tôi muốn đến thế giới Ta bà để cúng dường đức Phật Thích Ca Mâu Ni và muốn hội kiến với ông Duy Ma Cật và chúng Bồ-tát ở cõi Ta bà.


Đức Phật nói:

- Các Bồ-tát có thể đi, nhưng phải thu nhiếp hương thơm từ thân các ông. Đừng để cho các chúng sinh cõi kia sanh tâm đam mê nhiễm ái. Lại còn phải đổi thân hình vốn có của các Bồ-tát cõi nầy, đừng để cho chư Bồ-tát cõi Ta bà có mặc cảm tư ti. Lại nữa, khi diện kiến các ông không nên có trong lòng ý tưởng khinh thường mà dấy lên tư tưởng trở ngại không nên. Tại sao? Vì mười phương quốc độ đều như hư không. Chẳng qua, chư Phật vì giáo hóa những chúng sinh ham ưa tiểu pháp mà không hiện trọn vẹn cõi nước thanh tịnh đấy thôi.

Dưới mắt của người có tâm tham-sân-si, vô minh phiền não thì Ta bà này là cõi uế độ, là cảnh bất toàn, nhưng đối với người có tâm thanh tịnh cho dù họ ở đâu thì cảnh đó, thế giới đó đều trở thành thanh tịnh. Cũng trong thế giới Ta bà nầy mà chính Đức Phật Thích Ca và biết bao đại đệ tử của Ngài vẫn có được Niết bàn, vẫn sống an vui tự tại. Thế thì Tịnh, Uế là do tâm chớ không phải do cảnh. Do đó mười phương quốc độ đều là hư không, là thanh tịnh nếu chúng ta có tâm thanh tịnh. Chúng sinh vì dùng nhục nhãn mà nhìn thế gian nên thấy có phân biệt, hơn thua, tốt xấu, có ngã và ngã sở rồi sanh ra chấp pháp cho nên có phiền não khổ đau. Ngược lại chư Bồ-tát dùng tuệ nhãn mà hành thâm bát nhã ba-la-mật đa thì thấy tất cả là Không vì tất cả là huyễn hóa, là do duyên khởi tạo thành nên không chấp cái hình tướng bên ngoài nên không có tâm phân biệt tốt xấu cho nên không còn đau khổ, diệt hết mọi ưu phiền. Vì thế cõi nước của Bồ-tát được thanh tịnh là vậy.

Có ba điều kiện của Phật Hương Tích cho chín trăm vạn Bồ-tát khi họ đến viếng thế giới Ta bà:

1) Phải thu nhiếp thân hương để tránh chúng sinh ở cõi Ta bà mê đắm. Vì công đức tu hành thành tựu nên các vị Bồ-tát có hương thơm tỏa ngát thân người khác với chúng sinh ở cõi Ta bà nhơ nhớp, tội lổi, xấu xa. Nhưng nếu không thu nhiếp thân hương làm chúng sinh có tâm phân biệt thì không đúng lẽ của Bồ-tát.

2) Phải thu thân tướng to lớn trang nghiêm. Muốn đến cõi Ta bà mà đem nguyên thân hình đồ sộ to lớn thì làm sao hòa nhập được. Chúng sinh chẳng những không kính phục mà còn sợ hãi xa lánh thì cũng trái với Bồ-tát đạo.

3) Thế giới Ta bà không thanh tịnh trang nghiêm thì cũng không khởi tâm khinh thường vì Bồ-tát thì không có tâm phân biệt thiện ác, tốt xấu, thanh tịnh ô nhiễm.

Ba điều trên là muốn nhắc nhở các vị Thanh văn về vai trò của Bồ-tát. Họ làm những việc khó làm, không chấp phương tiện, không có tâm phân biệt và sau cùng Tịnh hay Uế là do tâm của chúng sinh chớ không phải do quốc độ.

Bấy giờ hóa thân Bồ-tát cung kính tiếp nhận bát cơm cùng chín trăm vạn Bồ-tát, nương sức oai thần Phật, chư Bồ-tát thốt nhiên không còn hiện diện ở thế giới Chúng Hương…
trong khoảnh khắc sau, tất cả cùng có mặt ở trong tịnh thất của ngài Duy Ma Cật.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật hóa ra chín trăm vạn chiếc tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ. Chư Bồ-tát trong hải hội đều ngồi lên bảo tòa…


Một lần nữa, áp dụng Chư Pháp Tương Túc và Nhất Đa Tương Dung vào trong trường hợp nầy thì cõi Chúng Hương chính là cõi Ta bà cho nên chỉ trong khoảnh khắc là chư Bồ-tát có mặt ở cõi Ta bà ngay. Nếu ở thế giới xa xôi vời vợi thì làm sao đến nhanh được như thế! Bây giờ ứng dụng Đồng Thời Cụ Túc thì quán trí thấy được Bản Thể dung thông vô ngại và vượt qua mọi hình tướng vật chất nên không có lớn nhỏ, rộng chật gì cả. Vì thế ông Duy Ma Cật tuy có hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử to lớn, nhưng tất cả chỉ là tư tưởng, hình ảnh của những tòa sư tử mà thôi chớ không phải bằng vật chất. Thí dụ nếu chúng ta nhìn tòa nhà cao nhất thế giới thì toàn bộ hình ảnh của cái nhà cao lớn nầy hiện ra trong tâm thức của chúng ta mà không bị ngăn ngại gì cả bởi vì hình ảnh thì dung thông vô ngại, không chật không hẹp. Một thí dụ khác là khi chúng ta nghĩ đến vạn lý trường thành ở Trung quốc thì hình ảnh của cái thành dài thăm thẳm nầy nằm gọn trong tâm thức của chúng ta, đâu có chật hẹp gì. Nếu không thấu hiểu thì sẽ biến thành mê tín, thần thoại hoang đường.

Bấy giờ Hóa thân Bồ-tát đem bát cơm đầy ngào ngạt hương thơm dâng lên Bồ-tát Duy Ma Cật. Hơi thơm của cơm xông ngát thành Tỳ Xá Ly, lan tỏa khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới.

Khi bấy giờ các Bà-la-môn, cư sĩ…
nghe mùi hương thân tâm thanh thoát nhẹ nhàng và đồng khen ngợi là sự kiện nhiệm mầu xưa nay chưa từng có.

Bấy giờ, có vị trưởng giả tên Nguyệt Cái cùng với đoàn tùy tùng 84,000 người đi đến tịnh thất ông Duy Ma Cật. Khi đến tịnh thất mọi người trông thấy chúng đại Bồ-tát rất đông. Các tòa sư tử cao rộng rang nghiêm lộng lẫy. Tất cả mọi người vô cùng hoan hỉ lễ bái chư Bồ-tát chúng và các hàng đệ tử Thanh văn. Lễ xong, lui ra cùng đứng sang một phí
a. các địa thần, hư không thần, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc nghe mùi hương cũng đến tịnh thất và xin được vào nghe pháp.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật nói với ông Xá Lợi Phất và các hàng đại Thanh văn rằng:

- Chư nhơn giả! Các vị sẽ được ăn cơm vị cam lồ của Như Lai. Cơm nầy do huân tập vô lượng đại bi mà có. Khi ăn không nên dùng tâm ý hạn hẹp suy lường mà làm cơm không tiêu hóa.

Bấy giờ, có vị Thanh văn chợt nghĩ rằng:

- Cơm ít mà đại chúng quá đông. Rồi đây mọi người sẽ ăn, rồi ai ăn ai nhịn?

Nhằm hóa giải mối nghi trong lòng đại chúng, hóa thân Bồ-tát tuyên bố:

- Thưa chư nhơn giả! Các ngài không nên dùng tiểu đức tiểu trí của Thanh văn mà cân lường phước đức trí tuệ của Như Lai. Nước bốn biển còn có thể hết chứ cơm nầy không thể hết. Giả sử mỗi người ăn một khối to bằng núi Tu Di, ăn trọn kiếp cũng không hết được. Vì đây là thức ăn thừa của đấng đầy đủ công đức giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến vô tận, làm sao hết được. Một bát cơm này, no lòng cho bao nhiêu đại chúng trong hội này hãy còn quá dư thừa. Vả lại, Bồ-tát, Thanh văn, nhơn thiên ăn cơm này rồi thân tâm thư thái, vui vẻ an nhiên giống như Bồ-tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm. Lại nữa, sau khi ăn cơm này, từng lỗ chân lông sẽ tiết ra hương thơm kỳ diệu giống như mùi hương của các rừng cây thơm ở quốc độ Chúng Hương.


Nguyệt Cái nghĩa là cái lọng hình tròn như mặt trăng dùng để che mưa đở nắng của các vị tôn quý ngày xưa. Cơm hương ở đây không phải là cơm vật chất làm bằng lúa gạo như ở cõi Ta bà mà cơm là hương vị thì làm sao lấy bát mà đựng. Do đó cơm hương là muốn ám chỉ cho phước đức trí tuệ hương. Vậy hương ở đây chính là giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến hương cho nên nếu đem hương nầy phân chia cho toàn thế giới thì cũng không bao giờ hết. Vì thế chỉ có một bát cơm hương mà bao nhiêu người ăn cũng không hết là như vậy. Ngửi thấy mùi hương là thâm nhập giới định tuệ hương nên có giải thoát làm cho thân tâm được thanh thoát nhẹ nhàng. Khi mình đã có đủ giới định tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến hương thì chính mình đã có được sự an vui tự tại thanh thoát trong cuộc đời cũng như từng lỗ chân lông tiết ra mùi hương vậy. Mình có cuộc sống an vui thì chúng sinh sẽ bắt chước lối tu hành tốt đẹp này để có cuộc sống an lạc cho chính họ. Vì vậy hương thơm này lan tỏa vô cùng vô tận cũng như ngọn đèn Vô Tận Đăng tỏa ánh sáng chân lý huyền diệu không bao giờ tắt. Cơm hương mà đại chúng hưởng trong tịnh thất ông Duy Ma Cật chính là món ăn tinh thần để nuôi dưỡng phần tâm linh, là Pháp thực để nuôi Huệ mạng, là ngọn hải đăng để đưa con thuyền Bát nhã về bến giác ngộ.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật hỏi các Bồ-tát Chúng Hương rằng:

- Thưa chư đại sĩ! Đức Hương Tích Như Lai ở nước Chúng Hương giáo hóa chúng Bồ-tát bằng cách nào?

- Hương Tích Như Lai cõi nước chúng tôi không dùng ngôn ngữ văn tự thuyết mà chỉ lấy Hương, khiến cho nhơn thiên được đi vào luật hạnh. Các Bồ-tát thì ngồi dưới cội cây Hương nghe mùi hương vi diệu mà được Tam muội Nhất thiết Đức Tàng. Bồ-tát được tam muội ấy rồi tự có đầy đủ công đức.

Các Bồ-tát Chúng Hương hỏi lại:

- Thưa! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn thuyết pháp bằng cách nào?

Bồ-tát Duy Ma Cật đáp:

- Cõi Ta bà chúng sinh cang cường khó giáo hóa, cho nên Đức Phật của chúng tôi phải thuyết những ngôn ngữ cang cường để mà điều phục. Phải nói địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Phải nói: đấy là chỗ khốn nạn, đấy là chỗ những người ngu si thọ sanh. Phải nói đó là việc làm sai quấy của thân. Đó là lời sai trái của khẩu. Đó là quả báo của lời sai trái của khẩu. Đó là ý nghĩ tội lỗi của ý. Đó là quả báo của ý nghĩ tội lỗi của ý. Đấy là sát sinh, đấy là quả báo của sát sinh. Đấy là không cho mà lấy. Đấy là quả báo của việc không cho mà lấy. Đó là tà dâm. Đó là quả báo của tà dâm. Đó là vọng ngữ. Đó là quả báo của vọng ngữ. Đó là lưỡi hai chiều. Đó là quả báo của lưỡi hai chiều. Đó là ác khẩu. Đó là quả báo của ác khẩu. Đó là lời vô nghĩa. Đó là lời quả báo của lời vô nghĩa. Đó là tham lam. Đó là quả báo của tham lam. Đó là sầu não. Đó là quả báo của sầu não. Đó là tà kiến. Đó là quả báo của tà kiến. Đó là xan lẩn. Đó là quả báo của xan lẩn. Đó là hủy phạm giới. Đó là quả báo của hủy phạm giới. Đó là giải đải. Đó là quả báo của giải đãi. Đó là loạn ý. Đó là quả báo của loạn ý. Đó là ngu si. đó là quả báo của ngu si. Đó là trì giới. Đó là phạm giới. Đó là việc nên làm. Đó là việc không nên làm. Đó là chướng ngại. Đó là không chướng ngại. Đó là đắc tội. Đó là tiêu tội. Đó là tịnh. Đó là cấu. Đó là hữu lậu. Đó là vô lậu. Đó là tà đạo. Đó là chánh đạo. Đó là hữu vi. Đó là vô vi. Đó là thế gian. Đó là Niết bàn.

Vì những người khó giáo hóa, tâm như vượn, ý như ngựa cho nên Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn phải dùng nhiều ngôn từ phương tiện thuyết pháp để chế ngự tâm họ. Sau đó mới điều phục được. Ví như ngựa bất kham, voi cuồng bạo khó huấn luyện, phải sử dụng roi, dùi, đánh, chích thì mới điều phục được. Cũng như thế, chúng sinh cang cường nan hóa, phải dùng những lời khổ thiết như thế mới có thể đưa khép họ vào luật hạnh.

Đức Phật Hương Tích ở thế giới Chúng Hương thì dùng “Hương trần” để giáo hóa chúng Bồ-tát, trong khi đó ở cõi Ta bà này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại sử dụng “Thanh trần” để giáo hóa chúng sinh. Đoạn kinh muốn mở rộng tầm nhìn cho chúng sinh về lục trần thay về cố định, cứng ngắt ở nơi Thanh trần.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có hai mươi lăm vị Thánh đệ tử dựa trên hai mươi lăm phương pháp khác nhau mà chứng đắc viên thông. Đó là sáu căn, sáu trần, sáu thức, và thất đại. Thí dụ ông Kiều Trần Như thì nhờ tu theo Thanh Trần tức là đi sâu vào bản tính nhiệm mầu của âm thanh mà chứng quả A La Hán. Ông Ưu-ba-ni-sa-đà tu theo Sắc tướng mà viên thông đạt đạo. Ông Bạt-đà-bà-là tu theo Xúc Trần mà được thánh quả. Ông A Na Luật tu theo Nhãn Căn mà đạt đạo và có được thiên nhãn. Ông Đại Ca Diếp tu theo Pháp Trần mà chứng quả A La Hán. Bồ-tát Phổ hiền tu theo Nhĩ Thức mà thành Bồ-tát. Ông Mục Kiền Liên tu theo Ý Thức mà chứng được diệu chân như tính. Ngài Trì-Địa Bồ-tát tu chứng về đại Địa. Ngài Nguyệt quang đồng tử viên thông về Thủy đại. Ngài Lưu ly quang Pháp vương tử tu theo Phong đại mà được viên thông. Ngài Đại Thế Chí tu theo Kiến đại mà thành Bồ-tát. Ngài Di Lặc tu theo Thức đại mà được viên thông vô ngại…

Thêm nửa, trong phẩm nguyên lý Bất Nhị có ba mươi mốt vị Bồ-tát sử dụng ba mươi mốt phương cách khác nhau, nhưng tất cả cùng đến chung một mục đích là chứng nhập pháp môn không Hai.

Cho dù sử dụng “Thanh Trần” như Đức Thích Ca để chúng sinh tiếp nhận bằng “Nhĩ căn” hay “Hương Trần” như Phật Hương Tích để chư Bồ-tát tiếp thọ bằng “Tỷ căn” thì phương tiện, cảnh giới tuy có khác nhưng cứu cánh vẫn là giải thoát giác ngộ.

Chúng sinh ở cõi Chúng Hương nghiệp nhẹ nên chỉ cần ngửi mùi hương là phát tâm tu hành “bất thối chuyển” trên đường vô thượng Bồ-đề.

Còn chúng sinh ở thế giới Ta bà thì phước mỏng nghiệp dày, cang cường khó giáo hóa nên Phật Thích Ca phải dùng lời nói cứng rắn để giáo hóa, điều phục họ.

Đối với bậc thượng căn lợi trí thì Đức Phật dùng phương pháp nhẹ nhàng, chỉ nói cho họ về phước đức, công đức, trí tuệ và giải thoát Niết bàn khiến họ phát tâm bất thối chuyển. Còn đối với bậc hạ trí độn căn, nghiệp chướng sâu dày, cang cường khó giáo hóa thì Phật bất đắc dĩ phải đem những cảnh tượng địa ngục hãi hùng, kiếp súc sanh khổ sở làm cho họ kinh sợ, thức tỉnh mà quay về với chánh đạo.

Đức Phật chỉ cho họ thấy cái quả dữ rồi mới giáo huấn, chỉ dạy phương cách để tạo nhân lành. Dạy họ kiềm chế sáu căn để điều phục tam nghiệp thân khẩu ý cho được thanh tịnh. Dạy họ quán cuộc đời bất tịnh phiền não khổ đau để được giải thoát tịch diệt của Niết bàn.

Trong Phật giáo không có địa ngục thật và dĩ nhiên không bao giờ có cảnh súc sanh, ngạ quỷ địa ngục cho những người không có tâm tham-sân-si, mà địa ngục là chỉ do Nghiệp Thức biến hiện. Khi người mới chết thì thần thức thấy những hình tượng đầy vẻ ma quái rùng rợn như muốn nhảy tới phanh thây, nhai nuốt người chết. Tất cả những hiện tượng kinh hoàng đó thật ra đều do nghiệp lực mà chiêu cảm nhưng Thần thức không biết nên tin là thật. Do đó địa ngục là do tâm biến hiện chớ không do đấng thiêng liêng nào kiến tạo sẳn để trừng trị tội hồn. (Xin đọc Luân Hồi trong sách Phá Mê Khai Ngộ cùng tác giả để hiểu thêm).

Các Bồ-tát Chúng Hương đồng tán thán rằng:

- Đức Thích Ca mâu Ni thế Tôn làm việc khó làm, dấu đi sức tự tại vô lượng của mình mà vui lấy pháp khó khăn độ thoát chúng sinh. Các Bồ-tát cõi Ta bà đây cũng hết sức nhọc nhằn khiêm tốn, do lòng đại bi vô lượng mới nguyện sanh ở cõi Phật này.

Ông Duy Ma Cật nói:

- Đúng như chư đại sĩ nói, Bồ-tát cõi Ta bà, đối với chúng sinh lòng đại bi rất kiên cố, nhưng được cái ưu việt là làm lợi ích chúng sinh trong một đời công đức nhiều hơn trăm ngàn đời làm lợi ích chúng sinh ở cõi nước của các ngài. Vì sao? Vì thế giới Ta bà có mười việc thiện pháp mà các cõi Tịnh độ khác không có.

1)
Lấy bố thí đem giúp đỡ kẻ nghèo.
Cõi Ta bà chúng sinh thiếu phước báo nên nghèo khổ, cần sự giúp đỡ, bố thí. Còn ở Tịnh độ thì Bồ-tát có đầy phước báu nên không cần bố thí.

2)
Lấy trì giới đem gương mẫu cho người phạm giới.
Cõi Ta bà chúng sinh chạy theo tham đắm dục tình nên trì giới giúp họ lánh xa tham dục mà được tâm thanh tịnh. Ngược lại ở Tịnh độ chư Bồ-tát luôn giữ giới hạnh, tâm thanh tịnh thì làm gì có trì giới.

3)
Lấy nhẫn nhục đem dạy khuyên người hung bạo.
Người thế gian vì sống trong vô minh đen tối nên tâm tánh thô lỗ, hung bạo, dễ giận hờn nên nhẫn nhục đem lại cho họ sự an lành tự tại. Trong thế giới tịnh độ thì ai ai cũng hòa khí, từ bi hỉ xả thì nhẫn nhục còn dùng vào đâu được.

4)
Lấy tinh tấn đem gương mẫu cho kẻ biếng lười.
Người thế gian thì lười biếng, làm ít mà muốn hưởng nhiều, không tu mà muốn thành chánh quả, sợ khó nhọc mà chùn bước nên tinh tấn giúp họ tăng trưởng thêm ý chí, lòng dũng mãnh. Thế giới tịnh độ thì mọi người đều siêng năng tu tập, phát tâm cầu vô thượng Bồ-đề thì đâu cần nhắc đến tinh tấn.

5)
Lấy thiền định đem dạy người loạn ý.

Chúng sinh ở cõi Ta bà thì suy nghĩ quay cuồng, “tâm viên mã ý” làm cho cuộc sống thêm điên đảo cho nên thiền định làm tâm an định, tiêu trừ vọng tưởng. Ngược lại thế giới tịnh độ thì lúc nào cũng an lành thì thiền định đâu còn cần thiết.

6)
Lấy trí tuệ đem giáo hóa người ngu si.
Chúng sinh vì tham đắm lục dục thất tình mà tâm bị si mê cho nên trí tuệ sẽ đánh tan vô minh hắc ám làm cho tâm trí được trong sáng. Cõi tịnh độ thì làm gì có si mê, tâm thanh tịnh thì trí tuệ lúc nào cũng chiếu sáng.

Đây chính là lục độ của Bồ-tát để đối khán với lục tệ của phàm nhân trong cõi Ta bà này.

7)
Nói pháp trừ nạn hóa độ người bát nạn.
Chúng sinh vì sống trong vô minh điên đảo nên tự mình tạo ra biết bao hoạn nạn cho nên Bồ-tát mới đem chánh dạo mà giáo hóa giúp họ phá trừ vô minh vọng chấp thì hoạn nạn tất phải tiêu trừ. Trong khi đó Bồ-tát sống trong cõi tịnh độ có tâm hồn trong sáng, không còn điên đảo khổ đau thì đâu cần học pháp.

8)
Lấy pháp đại thừa đem hóa độ người yêu thích tiểu thừa.
Cõi Ta bà có Tiểu thừa nên mới cần Bồ-tát hướng dẫn tu theo Đại thừa mà viên thành Phật đạo. Còn ở cõi tịnh độ thì không có Tiểu thừa, không có ngoại đạo thì Bồ-tát không có mục tiêu giáo hóa, không có duyên lành làm việc lợi tha.

9)
Lấy pháp thiện căn khuyến hóa người vô đức.
Chúng sinh ở thế giới Ta bà phước mỏng nghiệp dày nên cần phải tu để vun bồi thiện phước, ngược lại Bồ-tát ở cõi tịnh độ thì dĩ nhiên có phước đức tràn đầy.

10)
Thường lấy pháp tứ nhiếp dẫn dụ giáo hóa chúng sinh.
Nguyên nhân của sự hổn loạn xấu xa trong bất cứ xã hội nào cũng bắt đầu từ lòng ích kỷ. Nhân loại đang quằn quại khổ đau, nồi da xáo thịt cũng vì lòng tham lam ích kỷ mà ra. Vậy người Phật tử muốn theo dấu chân Phật thì phải mở lòng từ bi, xả bỏ tánh ích kỷ, không nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giúp người cùng giác ngộ vì thật ra mình và chúng sinh là một khối, không thể phân chia ra được. Vì vậy nếu biết áp dụng tứ nhiếp pháp tức là biết bố thí, biết nói lời an ủi, khuyên lơn, biết làm lợi ích cho người và sau cùng là biết hòa mình vào cuộc sống của chúng sinh để cứu giúp họ thì cuộc đời nầy sẽ bớt đau thương và mang lại biết bao niềm vui, nụ cười cho những người kém may mắn. Trong khi đó ở cõi tịnh độ thì mọi người sống trong hòa bình, thân ái với nhau thì tứ nhiếp pháp đâu còn cần thiết nữa.

Đây là sự khác nhau giữa hai cõi Tịnh độ và Uế độ. Ở cõi Tịnh độ thì các vị Bồ-tát thuần phục nên Phật Hương Tích chỉ cần dùng hương cũng đủ giáo hóa. Trong khi đó thì chúng sinh ở cõi Ta bà cang cường khó điều phục. Chúng sinh với cái vỏ cứng vô minh quá dày, lòng tham đắm quá sâu và đâu đâu cũng đều có chấp cho nên Đức Phật Thích Ca cùng chư Bồ-tát với lòng đại bi vô lượng, đức kiên cố vô cùng làm những việc khó làm để độ tất cả chúng sinh giúp họ quay về với chánh đạo. Thí dụ như ở Hoa Kỳ, dân trí cao, người công dân rất tuân phục luật pháp cho nên ngoài đường phố không cần phải có nhiều cảnh sát mà vẫn an ninh trật tự. Trong khi đó ở Mễ Tây Cơ thì dân trí thấp kém, nghèo đói nên luật pháp không được tôn trọng vì thế trộm cướp, băng đảng hoành hành khắp mọi nơi. Người cảnh sát ở Mỹ thì rảnh rỗi trong khi ông cảnh sát ở Mễ thì bận rộn tối ngày mà còn sợ bị bắn chết.

Chúng sinh trong cõi Ta bà phước mỏng nghiệp dày nên bị trầm luân khổ não cho nên thế giới Ta bà có mười thiện pháp mà cõi Tịnh độ không có được. Vì sự khổ nhọc chuyên cần làm lợi ích cho chúng sinh nên Bồ-tát trong cõi Ta bà này tuy tạo công đức chỉ trong một đời mà còn nhiều hơn trăm ngàn kiếp tu hành trong những thế giới khác. Một thí dụ điển hình là ở Việt Nam, Thái Lan, hay Miến Điện người Phật tử phần lớn là nghèo, cuộc sống khó khăn nên họ dễ hòa nhập với Phật pháp. Họ đi chùa, tụng kinh niệm Phật là việc thường vì họ muốn có cuộc sống tốt hơn ở mai sau. Trong khi đó ở Hoa kỳ hay những nước văn minh tân tiến thì người dân có mức sống khá cao, đẩy đủ và quá bận rộn nên họ không chú trọng về vấn đề tâm linh. Do đó vấn đề hoằng pháp ở Mỹ phải khó hơn ở Việt Nam.

Các Bồ-tát Chúng Hương hỏi:

- Bồ-tát ở thế giới Ta bà thực hành những pháp gì không bị thương tổn, không mắc mứu để có thể sanh sang ở tịnh độ.

Ông Duy Ma Cật đáp:

- Bồ-tát ở cõi này thành tựu được tám pháp thì không còn lầm lỗi và được sanh về cõi Tịnh độ:

1)
Làm lợi ích chúng sinh mà không mong cầu đền đáp (vô cầu) .

Thi ân bất cầu báo nghĩa là làm ơn mà không cầu đền ơn đáp nghĩa hay cho người vật gì mà không tiếc nuối.

2)
Thay tất cả chúng sinh, gánh chịu những thiệt thòi khổ não (từ bi).

Thông thường khi con mình bị đau bệnh hay chết chóc thì cha mẹ thường hay than thở muốn gánh chịu nổi khổ đau của con mình. Cái tâm này chính là tâm Bồ-tát khi thấy chúng sinh đau khổ, thiệt thòi. Đây là việc khó làm mà làm được mới gọi là Bồ-tát.

3)
Bao nhiêu công đức mình làm đều ban hết cho tất cả chúng sinh (hỉ, xả, lợi tha). Ngay cả việc tu hành, gây dựng công đức thì Bồ-tát cũng cho hết tất cả chúng sinh. Gầy dựng công đức là việc khó làm mà có rồi lại đem cho hết là việc rất khó làm vì thế Bồ-tát mới thong dong tự tại là như vậy.

4)
Dưới khiêm nhường chúng sinh, trên cung kính Bồ-tát. 

Cứ sống rất khiêm tốn, rất tầm thường miển sao mình giữ được phẩm chất đạo đức của con người thì sẽ không có tự ti hay tự phụ mà rất bình đẳng đối với chúng sinh. Cung kính Bồ-tát không có nghĩa là vái lạy để cầu xin điều nầy điều nọ. Mà cung kính là tán thán việc làm lợi ích cho chúng sinh và nguyện sẽ đi vào con đường mà Bồ-tát đã và đang làm.

5)
Cầu học những điều chưa biết, không nghi ngờ.

Phật pháp có cạn có sâu vì căn cơ chúng sinh cao thấp không đều cho nên rất nhiều kinh điển liễu nghĩa thượng thừa thì người sơ cơ khó thấu hiểu. Không hiểu không có nghĩa là kinh điển nói sai mà khả năng thu nhận của mình còn thấp. Ngày xưa khi Phật nói Kinh Pháp Hoa thì có trên năm ngàn đệ tử bỏ đi vì không đồng ý với lời Phật dạy.

6)
Không chống trái với hàng Thanh văn (không khinh chê người tu kém mà phải dùng phương tiện hay để dẫn dắt họ tiến lên).

Toàn bộ triết lý Đại thừa không ngoài mục đích khuyến khích hàng Thanh văn tiến tu mà hoàn thành Phật đạo chớ đừng tự mãn ở địa vị A La Hán. Nói một cách tổng quát là Bồ-tát luôn khuyến khích chúng sinh tiếp tục tu học để phát triển trí tuệ mà tự giải thoát cho mình chớ đừng ham vui ở những cảnh giả tạm của thế gian.

7)
Không ganh ghét tật đố, không khoe mình chê người.

Đây là muốn nhắc nhở chúng sinh phá chấp ngã, chấp pháp để mở rộng tâm Bồ-đề.

8)
Thường xét lỗi mình, không nói đến lỗi của người, hằng nhất tâm cầu công đức. Ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng cũng nói rằng: “Nếu là người tu đạo chân thật thì không thấy lỗi lầm của người khác trong thế gian”. Cái khó trong thế gian là lúc nào con người cũng thấy lỗi của người mà không nhìn lại lỗi của mình. Luật nhân quả đã khẳng định là cho dù người khác có làm lỗi lầm gì chăng nửa thì chính họ phải nhận chịu quả nghiệp sau nầy. Nhân quả của người khác thì chúng ta không thể nhận chịu thay thế cho họ mà quan trọng nhất là chú ý đến nhân quả của mình. Không thấy lỗi của người mà luôn xét lỗi của mình để tu tâm dưỡng tánh thì công đức mới được vun bồi.

Nếu Bồ-tát thực hành đứng đắn tám phương thức ở trên hay nói một cách rộng rãi là cho tất cả những ai muốn tu theo hạnh Bồ-tát Đại thừa thì chính họ đã phá được chấp ngã, chấp pháp, phát triển tâm từ bi hỉ xả mà làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Không còn tánh tham tật đố, dưới cứu giúp chúng sinh trên mong viên thành Phật đạo. Không tán kỷ hủy tha, khen mình chê người. Chỉ nhìn lỗi mình mà không thấy lỗi người. Làm mà không chấp việc mình làm và nếu có được chút ít công đức gì thì ban hết cho chúng sinh cùng thành Phật đạo.

Khi thành tựu tám pháp ở trên thì Bồ-tát được sanh về cõi Tịnh độ, nhưng thật ra nếu Bồ-tát hay bất cứ chúng sinh nào thành tựu tám pháp ở trên thì chính họ đã được giải thoát rồi. Chính họ đang sống trong cõi Tịnh độ thế gian rồi chứ đâu cần phải sanh về cõi nào nữa. Đây chính là thâm ý của kinh vậy. Ngược lại nếu chúng sinh còn chấp ngã, chấp pháp, tánh tham tật đố không chừa thì cho dù có vào được cõi Tịnh độ thì cũng vẫn sống trong điên đảo khổ đau như thường. Nhắc lại muốn được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà thì chúng sinh phải niệm Phật đến chỗ Nhất Tâm Bất Loạn thì mới được Phật đến rước. Nhất tâm là tâm không còn vọng tưởng, không còn tạp niệm, tâm rỗng rang thì cái tâm nầy chính là Chơn tâm, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, là Phật tánh của tất cả mọi người. Có được cái tâm nầy thì chính mình đang sống trong cõi Tịnh độ rồi chớ còn tìm Tịnh độ ở nơi nào nữa. Đây mới là giáo lý tối thắng Đại thừa vậy.

Tới đây một số Phật tử vẫn còn thắc mắc về cảnh giới Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, chúng tôi xin đăng nguyên văn một đoạn trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng để quý vị tư duy quán chiếu:

Vị Sứ Quân đảnh lễ rồi nói:

- Đệ tử thấy Tăng chúng, đạo, tục, thường niệm A Di Đà và nguyện vãng sanh Tây phương. Xin hòa Thượng giải thích rõ cho đệ tử xem người ta có thật sự vãng sanh ở đó được không, ngỏ hầu để dẹp tan mối nghi ngờ của đệ tử?

Lục Tổ đáp:

- Sứ quân lắng nghe, Huệ Năng tôi sẽ giải thích cho ông. Thế Tôn lúc ở Xá Vệ quốc, thuyết giảng về Tây phương để dẫn hóa chúng sinh. Kinh văn nói rõ ràng rằng:
“Tây phương cách đây không xa. Chỉ vì muốn dạy những người có căn cơ thấp mới nói là xa, còn nói gần là để dạy người có trí tuệ cao. Tuy con người có hai loại, Pháp chẳng hề có “bất đồng”. Giữa mê và ngộ có sự khác biệt, cũng như kiến giải có mau có chậm. Kẻ mê thì niệm Phật hy vọng vãng sanh Tây phương, người ngộ chỉ thanh tịnh tâm mình. Cho nên Phật nói: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

Sứ quân! người ở phương Đông (ám chỉ chúng sinh ở cõi Ta bà) nếu chỉ cần tịnh tâm là lập tức hết tội chướng. Người ở Tây phương Tịnh độ mà tâm không tịnh là lập tức có lỗi lầm. Kẻ mê nguyện vãng sanh Đông phương hay Tây phương, còn người ngộ thì bất cứ ở đâu cũng là Tịnh độ cả. Chỉ cần tâm không có bất tịnh thì cõi Tây phương chẳng cách xa đây. Còn như tâm mà khởi bất tịnh thì dù có niệm Phật để cầu vãng sanh cũng khó mà đạt được. Trừ được mười điều ác tức là đi được mười vạn dặm, không có tám điều tà là đã vượt qua được thêm
tám ngàn dặm. Song nếu tu hành Chơn tâm, mình sẽ thấy Tây phương trong nháy mắt.

Sứ quân! chỉ nên lo tu thập thiện, cần gì phải nguyện vãng sanh. Nếu như ông không đoạn cái tâm làm mười điều ác, Phật nào đến đón ông đây?
Nếu giác ngộ được giáo pháp đốn ngộ vô sanh, chỉ trong sát na là ông thấy Tây phương. Nếu như không ngộ giáo lý đốn ngộ của Đại thừa, con đường niệm Phật để mong vãng sanh quá xa vời, làm sao mà đạt đến được?

Lục Tổ nói:

- Để Huệ Năng tôi trong một sát na (một giây) dời Tây phương đến ngay trước mắt cho Sứ quân thấy. Sứ quân có muốn thấy chăng?

Sứ quân cúi lạy nói:

- Nếu như đệ tử có thể thấy Tây phương ở đây, còn cần gì phải vãng sanh nữa. Xin Hòa Thượng từ bi làm cho Tây phương hiễn hiện trước mắt đệ tử thì tốt lắm thay!

Lục Tổ dạy:

- Đại chúng! Xin hãy cẩn thận lắng nghe. Sắc thân của người đời là một thành phố. Mắt, mũi, tai, lưỡi là cửa thành. Bên ngoài có năm cửa, bên trong có cửa của ý thức. Tâm tức là đất, Tánh tức là vua. Tánh còn thì vua còn, Tánh đi thì vua không còn. Tánh còn thì thân tâm còn, Tánh đi thì thân tâm hoại. Phật là do tự Tánh mà ra, chớ nên hướng ra ngoài thân mà cầu. Mê mờ tự Tánh thì Phật là chúng sinh, giác ngộ tự Tánh thì chúng sinh tức là Phật. Từ bi là Quán Thế Âm, hỷ xả là Đại Thế Chí, năng tịnh là Thích Ca, bình đẳng chơn thực là Di Lặc, nhân ngã chấp là núi Tu Di, tà tâm là biển lớn, phiền não là sóng, tâm độc là rồng dữ, trần lao là cá rùa, hư vọng là thần quỷ, tam độc là địa ngục, ngu si là súc sanh, thập thiện là thiên đường. Nếu không chấp nhơn ngã, núi Tu Di tự lở, trừ tà tâm, nước biển lập tức cạn. Không có phiền não, sóng tự nhiên hết. Trừ độc hại, cá rồng sẽ hết. Hãy để giác Tánh Như Lai trên tâm địa của mình, phóng ánh sáng trí tuệ lớn, chiếu sáng sáu cửa và bằng ánh sáng thanh tịnh ấy chiếu phá sáu cõi trời của Dục giới. Nếu bên trong tự Tánh chiếu sáng, tam độc sẽ bị trừ và địa ngục sẽ lập tức tiêu diệt. Nếu trong ngoài gì đều trong sáng thấu suốt thì đây cũng chẳng khác gì Tây phương. Nếu như không tu hành pháp môn này, làm thế nào có thể đến bên ấy được?

Lục Tổ dạy thêm:

- Này các thiện tri thức! Nếu như muốn tu hành, tại gia cũng được, không cần phải ở chùa. Nếu như ở chùa mà không tu thì có khác chi những người ở Tây phương Tịnh độ mà tâm địa độc ác. Còn ở tại gia mà tu hành thì cũng như người ở Đông phương mà tu thiện pháp. Chỉ cần ở tại gia mà tu thanh tịnh thì đó tức là Tây phương!

Ông Duy Ma Cật và Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi ở giữa đại chúng nói thời pháp ấy rồi, trăm ngàn trời, người phát tâm vô thượng Bồ-đề. Mười ngàn Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn.

Tóm lại trong phẩm nầy ông Duy Ma Cật muốn mở rộng kiến thức cho hàng Thanh văn hay cho tất cả đại chúng để họ thấy rằng sự hiểu biết của họ vẫn còn nông cạn, vẫn còn chấp trước. Ông Duy Ma Cật giới thiệu một cõi Tịnh độ Chúng Hương của Phật Hương Tích là muốn nhắn nhủ với đại chúng là đừng chấp phương tiện mà hãy nhìn xa vào cứu cánh. Thế giới Ta bà Phật Thích Ca dùng Thanh Trần mà giáo hóa còn chúng sinh thì dùng Nhĩ Căn mà thọ nhiếp. Trong khi đó ở cõi Chúng Hương Phật Hương Tích dùng Hương Trần mà hoằng pháp trong khi chư Bồ-tát thì dùng Tỷ Căn mà tu và hành đạo. Phương tiện có khác, thế giới có khác nhưng tựu trung vẫn là giải thoát giác ngộ thì có khác gì nhau. Kinh này là “Quyền giáo” nghĩa là những hiện tượng thần thông biến hóa chỉ là thí dụ chớ đừng vội tin là “Thật”. Kinh ca ngợi tán thán công đức của Phật Thích Ca và chư Bồ-tát ở cõi Ta bà nhiều phiền não khổ đau nầy vì họ đã, đang và sẽ làm những việc rất khó làm. Cuối cùng trọng tâm của kinh cũng không ngoài mục đích nhắn nhủ với chúng sinh vẫn là “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” nghĩa là bất cứ ở đâu mà có tâm tịnh thì cõi đó là Tịnh độ, ngược lại cho dù có ở trong thế giới Tịnh độ mà tâm cấu thì Tịnh độ thành ra cõi Ta bà.

|