A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

     



Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

LỜI KẾT

Đức Phật ngồi tham thiền nhập định dưới cội Bồ-đề suốt 49 ngày đêm và lời nói đầu tiên mà chính Ngài đã thốt ra sau khi chứng nghiệm chân lý là: “Cái mà chính ta đã khổ công tìm kiếm ròng rã suốt mười một năm chính là cái mà tất cả chúng sinh đã có sẳn trong họ. Đó chính là Chơn tâm, là Phật tánh sáng suốt vĩnh hằng, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên mà đã bị cái vỏ cứng của vô minh che phủ nên chúng sinh không nhận biết mà mãi tiềm kiếm những ảo giác bên ngoài nên cuộc sống còn lặn hụp trong phiền não khổ đau”.

Do đó cho dù Đức Phật có thuyết bao trăm hội, có nói bao nhiêu bộ kinh thì nội dung vẫn không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sinh tự mình ngộ nhập chân lý hay chứng nhập Phật Tri Kiến. Tất cả kinh điển, pháp môn tu tập trên thế gian này chỉ là phương tiện, là ngón tay, là chiếc thuyền để giúp mỗi chúng sinh tùy theo căn cơ, hoàn cảnh và trình độ mà tự mình chứng nghiệm chân lý. Con người lúc nào cũng chạy theo tham đắm vật dục, làm nô lệ cho tư kỷ cá nhân nên xa dần với Phật tánh thanh tịnh mà sống trong điên đảo khổ đau.

Giáo lý của Đức Phật là chiếc thuyền nan vững chắc giúp chúng sinh chống lại bao sóng gió chập chùng trên biển trầm luân và quay về với bến bờ thanh tịnh bình yên để có cuộc sống an vui tự tại. Có hồi đầu thị ngạn, có đến được bờ giải thoát giác ngộ thì mới thấy được ánh sáng thiêng liêng huyền diệu của chân lý mà sống với con người thật của chính chính mình mà nhà Phật gọi là bản lai diện mục, là chân nhân, là tự tánh thanh tịnh mà chúng ta đã bỏ quên nó đi.

Kinh Duy Ma Cật được xuất hiện vào thời Phật nói kinh Phương Đẳng cũng không ngoài mục đích dùng bao thí dụ, phương cách để giúp chúng sinh thấy được Chơn tâm, Phật tánh của chính mình. Kinh giới thiệu trưởng giả Duy Ma Cật là một thương gia, phú hộ, giàu sang phú quý, có địa vị trong xã hội như trăm ngàn chúng sinh khác trong thế giới nầy, nhưng cho dù sống trong nhung gấm lụa là, tiền rừng bạc biển, vợ con tôi tớ đầy nhà mà ông ta không hề bị những thứ nầy làm tâm ô nhiễm. Ông luôn nói chánh pháp, lấy chánh pháp làm phương châm cho hành động và sau cùng là sống đúng với chánh pháp mà không cần phải cạo đầu hay đắp y mà chỉ thể hiện qua hình tướng của một trưởng giả, một cư sĩ mà thôi.

Vì chủ yếu của kinh là giúp chúng sinh không còn quan trọng hình tướng bên ngoài mà phải quay về để thấy và sống với thật tướng tức là chơn tâm, là Phật tánh của chính mình nên ông Duy Ma Cật tuy bề ngoài là một người thường, nhưng bên trong ông có tâm hồn và đạo hạnh của một vị đại Bồ-tát. Triết lý Tây phương có câu rằng: “Chiếc áo không làm nên người tu sĩ” thì chân lý về thật tướng trong kinh Duy Ma Cật quả thật là siêu việt, tuyệt vời để giúp chúng sinh tránh xa những ảo tưởng và tùy thuộc vào những nhận xét sai lầm từ hình dáng bên ngoài. Toàn bộ của kinh là chuyển Tâm chớ không chuyển Cảnh bởi vì một khi tâm thay đổi thì cảnh sẽ chuyển theo. Một người có tâm thanh tịnh, không chạy theo tham đắm lợi danh thì dầu cho hoàn cảnh xã hội có thay đổi như thế nào thì tâm người đó cũng không bao giờ bị ô nhiễm. Ngược lại một người tâm bất tịnh thì chắc chắn sẽ thay tâm đổi tánh khi đối diện với lục dục thất tình.

Kinh mở đầu bằng cách giới thiệu một lối nhìn mới về Chơn tâm. Một khi chúng sinh biết quay về sống với trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm của chính mình thì sẽ có tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có nghĩa là tâm bình đẳng giữa tất cả chúng sinh. Vì có sự bình đẳng nên không có sự phân biệt giữa ta và người
, vì người và ta vốn là một. Thật vậy, chúng ta đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương.

Con người lúc nào cũng ảo tưởng những gì mình không thể nắm bắt được cho nên khi đối diện với thực tế thì đâm ra thất vọng. Đức Phật sống trong thế giới Ta bà mà chúng ta gọi là thế giới tội lỗi xấu xa bất toàn ô trược, nhưng dưới nhãn thức của Ngài thì thế giới này đâu có khác gì những cõi Tịnh độ của chư Phật trong mười phương không khác. Tại sao? Bởi vì thế gian đối với người còn vô minh phiền não thì bất tịnh tội lỗi xấu xa, còn kẻ được giải thoát, tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh thì lúc nào cũng ung dung tự tại, thanh thoát an nhàn. Vì thế tôn chỉ của kinh là: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” và “Dục tịnh Phật độ tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là nếu tâm mình thật thanh tịnh, không còn vô minh phiền não quấy phá thì thế giới này chính là cõi Phật thanh tịnh chớ không cần tìm cõi tịnh độ ở đâu xa.

Cõi Phật không ở trên cao cũng chẳng ở xa mà chính là ở ngay trong tâm của con người. Một khi chúng sinh đoạn hết vô m
inh phiền não để trở thành sáng suốt giác ngộ chân lý thì tâm đó chính là tâm Phật, thế giới này chính là cõi tịnh độ vậy. Do đó cốt tủy của kinh là khẳng định cho người Phật tử xuất gia hay tại gia là ở đâu tu cũng được vì tu là tu tâm chớ không tu cảnh cho nên ở nhà, ở chợ và ngay trong sở làm thì nơi nào cũng là đạo tràng thanh tịnh cả.

Kinh giới thiệu ba lần cảnh Tịnh độ để giúp chúng sinh thấu hiểu rằng hễ có tâm tịnh thì có cõi Phật tịnh.

Lần thứ nhất Đức Phật Thích Ca muốn khai thị cho tôn giả Xá Lợi Phất thấy rằng thế giới Ta bà này cũng chính là cõi Phật thanh tịnh như bao cõi Tịnh độ của mười phương chư Phật bằng cách lấy ngón chân nhấn xuống đất. Khi con người biết kiềm chế tham-sân-si mạn nghi tà kiến để có tâm thanh tịnh thì cho dù họ sống trong bất cứ xã hội nào thì thế giới đó chính là cõi Phật thanh tịnh. Cái thế giới Ta bà mà con người cho rằng có nhiều tội lỗi, xấu xa, đầy phiền não khổ đau, nhưng chính Đức Phật cũng sống ở đây mà tâm Ngài rất tự tại, rất thanh tịnh, không hề có phiền não khổ đau thì T
a bà chính là cõi Tịnh độ vậy.

Lần thứ hai trưởng giả Duy Ma Cật sử dụng khả năng bất khả tư nghì khiến ba mươi hai ngàn tòa sư tử to lớn lộng lẫy trang nghiêm của thế giới Tu Di Tưởng vào trong tịnh thất của ông. Tuy cảnh Tịnh độ xa xôi 42 ức hằng hà sa thế giới như thế mà có thể đem về trong khoảnh khắc là thâm ý của kinh muốn nhắn nhủ chúng sinh đừng mong cầu ở cõi Tịnh độ xa xôi vời vợi nào khác mà chỉ cần giữ tâm mình được thanh tịnh thì cảnh Tịnh độ xa xôi kia sẽ hiển hiện trong tâm thức của mình tức thì. Tuy trong vủ trụ bao la có rất nhiều cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác, nhưng Nhất Chân Pháp Giới khẳng định rằng thế giới thanh tịnh này cũng chính là thế giới thanh tịnh kia, không sai không khác.

Lần thứ ba ông Duy Ma Cật vào chánh định, vận dụng thần thông lấy tay mặt cắt thế giới Diệu Hỉ đem sáp nhập vào cõi Ta bà mà không chật hẹp, không thêm không bớt. Tất cả vạn pháp trong “Nhất Chân Pháp Giới” thì lúc nào cũng tương ứng, tương tức, tương nhập, tương dung, lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại và sự sự vô ngại nên Bản Thể của các pháp dung thông vô ngại và vượt qua mọi hình tướng vật chất nên không có lớn nhỏ, rộng chật mà chỉ có Tâm Thể hòa hợp làm một. Một lần nữa, ông Duy Ma Cật muốn giới thiệu một cõi Tịnh độ ở ngoài thế giới Ta bà, nhưng muốn đạt đến cảnh giới thanh tịnh này thì chúng sinh phải giữ tâm mình cho được thanh tịnh bằng cách phá tan tâm phân biệt ích kỷ hẹp hòi chấp trước mà quay về sống với Tâm Vô Động. Đó chính là Chơn tâm, là Bản Thể, là cội nguồn phát sinh ra tất cả.

Kinh đã dùng ba phương tiện, ba hình ảnh khác nhau để chứng minh cho chúng sinh thấu hiểu một mục đích, một Chân lý tối thượng trên con đường Vô thượng Bồ-đề là: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

Chủ yếu của kinh là đề cao tư tưởng Đại thừa bằng cách phục hưng tinh thần hoạt động của Phật giáo nguyên thủy. Kinh khuyến khích phong trào tu học Phật cho cả hai giới xuất gia và tại gia và mang lại một luồng sinh khí mới cho đạo Phật làm cho mọi người có cơ hội thực hành Bồ-tát đạo để tìm sự giải thoát giác ngộ ngay trong cuộc đời này. Đó chính là tự độ rồi độ tha và tự giác rồi giác tha. Chính tư tưởng tự giác rồi giác tha sẽ đem con người gần với nhau hơn vì một khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, con người sẽ không còn ao ước giải thoát cho riêng mình vì họ thấy mình và chúng sinh là một không hề khác nhau cho nên nếu chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao họ có thể giải thoát cho riêng mình được.

Tôn chỉ của kinh là đề cao nguyên lý Bất Nhị hay vào Pháp Môn Không Hai để gạn lọc tất cả những sự phân biết đối đãi trong tâm thức mà chính là cội nguồn của phiền não khổ đau. Sống trong thế giới tương đối, con người nhìn đâu, thấy đâu cũng có Hai
, nghĩa là còn thấy có cao có thấp, có tốt có xấu, có thiện có ác, có giàu có nghèo, có mình có người, có xuất gia tại gia, có chùa lớn chùa nhỏ, có Phật đứng Phật ngồi, có da trắng da đen… Ngược lại nguyên lý Bất nhị cho rằng cái Hai ấy không phải là Hai vì chúng là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly. Chân lý ở đây không phải là không thấy có sự khác nhau về hình tướng của vạn pháp mà là không chấp về sự khác biệt về hình tướng đó.

Kinh muốn dẫn dắt chúng sinh đừng nhìn cuộc đời bằng hai mặt đối đãi vì đó chỉ là cái nhìn của nhục nhãn dựa theo hình tướng biến đổi sinh diệt bên ngoài nên dễ bị sai lầm. Muốn có cái nhìn hoàn hảo, chính xác thì con người phải dùng mắt trí tuệ để chiếu soi mà nhận biết rằng tuy chúng sinh, vạn vật, ngay cả vủ trụ có hình dáng khác nhau, tính nết khác nhau, nghiệp báo nặng nhẹ khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một cái rất thiêng liêng, cao cả mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả được nên chính Đức Phật tạm gọi nó là Chơn tâm trong kinh Lăng Nghiêm, là Tri Kiến Phật trong kinh Pháp Hoa, là Phật Tánh trong kinh Đại Niết Bàn, là Trí Huệ Phật trong kinh
Hoa Nghiêm, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm trong kinh Viên Giác.

Đây chính là tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là bản lai diện mục có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh. Nếu có thể nói được, diễn tả được thì Đức Phật chỉ gọi một tên là đủ chớ đâu cần phải gọi bằng nhiều cái tên như thế. Tuy được gọi bằng nhiều tên khác nhau mà không có cái tên nào là tên thật cả. Chỉ khi nào chúng sinh tự mình thể chứng được sự thanh tịnh, tịch diệt của tâm thức thì chính họ sẽ biết cái tên nào là tên thật.

Một điểm sáng chói của kinh là giúp chúng sinh phá cho được chấp ngã, chấp pháp để có tâm thanh tịnh. Tuy Niết Bàn, Bồ-đề là an vui tịch diệt, thanh tịnh giải thoát hoàn toàn, nhưng kinh khuyên chúng sinh không để tâm trụ chấp vào đó. Bởi vì một khi còn mong cầu cho dù đó là Niết Bàn thì đây cũng là ý niệm tham. Nói một cách khác Vô vi thanh tịnh là cứu cánh tột đỉnh của người còn đi trên con đường giải thoát giác ngộ, nhưng cho dù có đạt được mục đích này cũng đừng khởi tâm “chấp trụ” và khởi ý “đam mê”.

Bởi vì đam mê thì giải thoát trở thành ràng buộc và chấp trụ thì tâm không còn thanh tịnh mà biến thành “sợ mất”. Nhưng càng lo sợ thì mất mát sẽ đến nhanh hơn do đó cái lo bây giờ thành ra cái khổ cho nên Niết bàn Bồ-đề bổng nhiên biến mất và dĩ nhiên thanh tịnh biến thành phiền não khổ đau như lúc ban đầu. Vì thế khi đã thấu biết Bồ-đề, Niết bàn chính là tự tánh thanh tịnh của mình thì chúng sinh chỉ cần tự hóa giải tất cả phiền não vô minh thì tự mình có được Bồ-đề Niết Bàn chớ đừng mong cầu trông đợi nó ở bất cứ nơi nào hay do Phật hoặc Bồ-tát ban cho.

Sau cùng kinh Duy Ma Cật dẫn dắt chúng sinh có được sự giải thoát ngay trong đời này và ngay trong thế giới Ta bà này mà không cần trông chờ mong đợi đến kiếp sau hay ở bất cứ cõi Tịnh độ nào. Tuy bề ngoài họ vẫn sống, sinh hoạt bình thường như muôn ngàn chúng sinh khác, nhưng bên trong họ có một sự giải thoát kỳ lạ, an lành, thoải mái, thanh tịnh tự trong tâm hồn. Đây chính là sự giải thoát không thể nghĩ bàn vì chỉ có người đó tự mình thấu hiểu và tận hưởng sự thanh tịnh, tịch diệt của sự giải thoát Niết Bàn mà người kế bên không hề hay biết.

Có thể nói kinh Duy Ma Cật có tánh cách như là cuộc cách mạng của cư sĩ bởi vì từ xưa đến nay chỉ có những người xuất gia mới chứng đạt được Thánh quả, mà chưa ai nói đến người cư sĩ chẳng những chứng đắc Thánh quả mà còn siêu xuất hơn hơn cả người xuất gia nữa. Thật ra đây cũng là tinh thần bình đẳng của nhà Phật vì giải thoát giác ngộ không chỉ dành riêng ưu đãi cho thành phần xuất gia mà thôi. Khi chúng sinh không còn xét đoán việc đời qua hình tướng sinh diệt bên ngoài, mà quay về sống với thật tướng bất sinh bất diệt, với chơn tâm, với Phật tánh vĩnh hằng thường có trong ta thì hình tướng đầu tròn áo vuông hay xuất gia tại gia đâu có gì khác biệt. Vì thế kinh Duy Ma Cật đã khẳng định rằng: “Quả vô thượng Bồ-đề không phải là cái hứa hẹn để cho mọi người mỏi mòn mơ ước trông đợi. Mà trong tất cả chúng sinh ai ai cũng có khả năng đạt đến bằng nghị lực và trí tuệ của chính mình”.

Kinh Duy Ma Cật chưa phải là chân lý, nhưng kinh đưa chúng sinh đến để tự mình thể nghiệm chân lý. Vì đây là bất khả tư nghì kinh nên chúng sinh không cần luận bàn suông mà hãy tinh tấn tu học, thực hành những lời dạy trong kinh để vượt qua văn tự ngôn ngữ mà thâm nhập Bản Thể Chân Như ngỏ hầu thấy được thật tướng của vạn pháp mà có được tâm thanh tịnh để biến cuộc đời phiền não khổ đau thành cảnh giới an vui tự tại, thanh thoát an nhàn như cõi Tịnh độ của chư Phật trong mười phương thế giới vậy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Lê Sỹ Minh Tùng

Hồi Hướng:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô biên thệ nguyện học

Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.

Thâm ý của Lục Tổ Huệ Năng thì:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ không có nghĩa Phật hay Bồ-tát độ chúng sinh mà chính mình phải tự độ cho mình vì ai ai cũng có sẳn cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là Phật tánh trong ta do đó chúng sinh chỉ cần diệt hết vô minh phiền não để khôi phục cái Phật tánh này thì chính mình đã tự độ cho mình rồi.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn nghĩa là trừ hư vọng từ tự tâm mình.

Pháp môn vô biên thệ nguyện học nghĩa là học Vô thượng Chánh Pháp.

Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành là luôn luôn hành động khiêm tốn, cung kính đối với tất cả, xa lìa mê chấp, giác tri Bát nhã. Khi trừ hết mê vọng rồi, tức là tự ngộ thành Phật đạo và thực hành thệ nguyện lực.

|CHUNG