A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

          



Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Chín

Phẩm
CHỨNG NHẬP PHÁP MÔN KHÔNG HAI

(Nguyên Lý Bất Nhị)

(The Dharma-Door of Nonduality)

Phẩm Chứng Nhập Pháp Môn Không Hai nầy chính là trọng yếu của Kinh Duy Ma Cật và cũng là trung tâm điểm của giáo lý Đại thừa nhằm dạy cho người đệ tử Phật biết quay về sống với Căn Bản Trí nghĩa là trí Vô Phân Biệt vốn đã có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh mà đại trí Văn Thù Sự Lợi Bồ-tát là đại biểu cho Căn Bản Trí nầy. Chính Pháp Môn Không Hai (Bất Nhị) hướng dẫn tất cả Phật tử đừng nhìn trên những hiện tượng của vạn pháp mà phải nhìn thấu triệt về Bản Thể, về chân lý của vạn pháp. Vì thế lời nói đầu tiên của Đức Phật khi Ngài vừa thành đạo dưới cội Bồ-đề và cũng là tinh yếu của Phật giáo là: “Thật kỳ diệu thay trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau…”. Phật tánh chính là tự tánh thanh tịnh bản nhiên trong sáng do đó nếu chúng sinh sống với cái tự tánh thanh tịnh nầy thì họ đang sống với Căn Bản Trí của họ nghĩa là họ không còn tâm phân biệt đối đãi nhị nguyên. Khi chúng sinh chạy theo vọng trần là họ tự hủy hoại cái tánh trong sáng, thanh tịnh, hồn nhiên, thanh thoát của mình thì Căn Bản Trí biến mất và thay bằng Hậu Đắc Trí tức là Phân Biệt Trí. Hậu đắc trí là cái trí vốn không có sẳn trong ta mà do sự tác động của sáu căn, sáu trần và sáu thức mà tạo thành nên mới gọi là hậu đắc tức là có được sau và nó khác với căn bản trí là cái trí vô phân biệt vốn đã sẳn có từ vô thỉ đến vô chung, lúc nào cũng thanh tịnh. Khi tâm có sự phân biệt là con người có khổ vì phân biệt trí là cái trí của phàm nhân luôn chạy theo tham dục, phiền não vô minh nên khó mà nhận thức được chân lý. Vì chúng sinh nhận thức thấy biết vạn pháp có Hai tức là có đối đãi cho nên Hai là nguyên nhân gây ra bao nhiêu đau khổ tan thương cho con người. Do đó muốn hết khổ và đánh tan những vọng thức mê lầm để trở về sống lại với Vô Phân Biệt Trí tức là sống với tự tánh thanh tịnh trong sáng của mình thì chúng sinh phải hồi đầu thị ngạn mà Chứng Nhập Pháp Môn Không Hai.

Vậy thế nào là Không Hai?

Danh từ Không Hai (Bất Nhị) có nghĩa là không phải là hai. Chữ Hai ở đây không phải là chữ “2” ở số lượng như 1, 2, 3, 4….và cũng không phải chữ Hai ở số thứ tự như: thứ hai, thứ ba, thứ tư…Vậy Hai phải chăng chỉ cho sự đối đãi nhị nguyên của những luồng tư tưởng? Khi chúng sinh nhận thức, thấy biết có Hai tức là có đối đãi thì con người sẽ sử dụng cái trí phân biệt của mình để thấy có thương có ghét, có tốt có xấu, có cao có thấp, có hơn có thua, có thiện có ác, có thân có sơ… Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh phiền não khổ đau cho tất cả mọi người. Thí dụ vì thấy biết sự khác nhau giữa giàu và nghèo nên con người chạy theo người giàu mà xa lánh kẻ nghèo. Thấy có tốt xấu nên thích nhà to, xe đẹp và buồn chán khi không có nó. Thấy có thân sơ nên chỉ giúp đở người thân mà lạnh lùng với người xa lạ. Vì có tâm phân biệt nên chỉ thích ăn món ngon, vật lạ và chán ghét những món tâm thường, không khoái khẩu. Nói một cách khác là con người còn phân biệt là còn đau khổ, phân biệt ít thì ít khổ đau mà phân biệt nhiều thì đau khổ triền miên mãi mãi. Thí dụ như có người tánh tình khó khăn quá nghe ai nói câu chuyện xa xa gần gần ở đâu đó mà nghĩ rằng như ai đang nói dèm pha mình vậy. Càng nhạy bén phân biệt thì càng khổ cho mình chẳng lợi ích gì. Tiếng thị phi, khen chê chính là sản phẩm của “Hai đó. Ngày nay Phật giáo có nhiều pháp môn như Tịnh độ, Thiền, Mật, Giáo… nhưng cứu cánh vẫn là nhận chứng được chân tâm, Phật tánh của chính mình. Trong phẩm nầy có ba mươi mốt vị Bồ-tát trình bày ba mươi mốt phương cách khác nhau, ba mươi mốt phương tiện khác nhau nhưng tựu trung cũng quy về để chứng nhập Pháp Môn Không Hai mà thôi. Vì thế cho dù chúng sinh hiện tại có tu theo bất cứ pháp môn nào (Thiền, Tịnh, Mật, Giáo…) thì Pháp Môn Không Hai nầy sẽ là ngọn đèn sáng để đưa chúng sinh thoát khỏi mê lầm, đánh tan vô minh vọng thức mà có được tâm thanh tịnh. Đây là vũ khí sắc bén nhất để giúp chúng sinh quay về sống với Căn Bản Trí hay Vô Phân Biệt Trí, với tự tánh thanh tịnh bản nhiên sẳn có vĩnh hằng trong tất cả mọi người. Chứng nhập Pháp Môn Không Hai thì thương ghét không còn, tốt xấu tan biến, giàu nghèo là một, cao thấp như nhau, sinh tử tức Niết bàn và phiền não là Bồ-đề. Từ đây con người sẽ sống vô cùng an vui tự tại.

Phẩm nầy có thể được chia làm ba phần:

1) Ba mươi mốt vị Bồ-tát trình bày ba mươi mốt phương cách khác nhau để cùng chứng nhập pháp môn không hai nghĩa là trăm sông cùng đổ về biển lớn.

2) Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi trình bày theo ý ngài thế nào là chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

3) Sau cùng là tư tưởng nhập Pháp Môn Không Hai của ông Duy Ma Cật.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật long trọng nói với các Bồ-tát rằng:

Thưa chư nhân giả! Tôi xin trân trọng đề nghị: chư vị Bồ-tát trong hội nầy, mỗi người tự trình bày sự chứng đắc và thể nhập PHÁP MÔN KHÔNG HAI của một Bồ-tát như thế nào?

Trước hết vị Bồ-tát hiệu là Pháp Tự Tại trình bày:

- Thưa chư nhân giả! SANH và DIỆT là hai. Vạn pháp xưa không sanh, nay không diệt. Tỏ ngộ được pháp nhẫn vô sanh đó, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Vạn pháp từ vô thỉ đến vô chung không hề sanh diệt vì tất cả chỉ là hiện tượng duyên khởi. Nếu bất biến tùy duyên thì vạn pháp từ tự tánh thanh tịnh bất sanh bất diệt mà duyên khởi tạo thành con người, cây cỏ, mặt trăng, mặt trời, động vật, thực vật, khoáng vật hay nhân sinh vũ trụ. Rồi tùy duyên bất biến nghĩa là một ngày nào đó khi duyên tan rã thì tất cả nhân sinh vũ trụ tan rã quay về với tự tánh bất sanh bất diệt ban đầu nghĩa là đất về lại với đất, nước về lại với nước… Vì thế không có cái gì thật sanh hay cái gì thật diệt cả. Thí dụ như ra biển chúng ta thấy nếu có gió lớn tạo thành những làn sóng nhấp nhô, chập chùng thì gọi là sóng sanh. Nhưng thật ra đâu có làn sóng nào sanh hay diệt đâu, chỉ vì khi duyên kết tức là có gió lớn thì có sóng và khi duyên tan nghĩa là gió ngừng thì mất sóng mà trở về với Thể nước phẳng lặng êm đềm ban đầu vậy thôi. Vì tỏ ngộ chân lý không còn phân biệt có sanh có diệt nữa mà Bồ-tát Pháp Tự Tại được pháp nhẫn vô sanh và chứng nhập Pháp Môn Không Hai. Cũng như “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” nghĩa là mỗi chúng sinh là một đóa sen, khi sen nở thì thấy được Phật tức là không còn sinh tử.

Bồ-tát Đức Thủ nói:

- NGÃ và NGÃ SỞ là hai. Vì có ngã cho nên có ngã sở. Tôi nhận thức rằng: nếu không có ngã thì không có ngã sở. Do duyên cớ đó, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.

Ngã là ta và ngã sở là những cái gì thuộc về ta. Con người vì còn chấp ngã nghĩa là thấy mình là thật có nên từ đó mới tạo tác những sở hữu cho ta được sung sướng. Thí dụ như cái nhà của ta, cái xe của ta, con cái của ta, cái chùa của ta… Vì thấy là của mình, của ta nên con người phải lo bảo vệ, cưng chiều cái ta và những sở hữu của ta, nhưng cuối cùng rồi cái ta cũng mất và những sở hữu của ta cũng phải bỏ lại cho thế gian. Người nào cái ngã càng cao thì càng khổ sở triền miên, bất tận vì họ có cốn
g cao ngã mạn, tự tôn tự đại, nhìn con người, trời đất thế gian như cỏ rát nên thường bị cô đơn, chịu cảnh lạnh lùng và không bao giờ an vui được. Càng chấp ngã và ngã sở nhiều thì con người càng đau khổ vì không một ai thoát ra khỏi sinh, già, bệnh, chết hay vô thường vô ngã được. Bây giờ nếu xả bỏ được tâm cố chấp vì biết rằng ngã và ngã sở đều là Không, là giả huyễn, không thật có thì tâm sẽ an vui tự tại. Bởi vì nếu là không thật thì lòng không lo lắng, quyến luyến nhiều cho nên được không vui và mất cũng không buồn. Theo Phật giáo thì muốn viên thành Phật đạo thì phải diệt bản ngã nghĩa là cái ngã còn thì con đường đạt đến vô thượng Bồ-đề vẫn còn xa. Nói một cách khác cái ngã càng thấp thì sự an lạc, sự giải thoát càng cao đến khi cái ngã hoàn toàn tan biến thì vô thượng Bồ-đề sẽ hiện bày. Đức Phật sau khi thành đạo lúc nào cũng có trên ngàn đệ tử đi theo mà Ngài lúc nào cũng vậy. Chính Ngài là một vị khất sĩ tức là người đi xin ăn, không phải là Ngài không có đệ tử dâng cơm cúng nước nếu Ngài muốn, nhưng Ngài tự luyện cho mình trở thành một người hoàn toàn xóa đi bản ngã vì người ăn xin thì còn tự cao tự đại với ai? Cạo đầu cũng là một hình thức phụ vào việc phá ngã vì người tu hành không còn quan tâm đến hình tướng đẹp xấu của thế gian. Ngay cả áo cà sa cũng vậy. Ngày xưa vào thời Đức Phật còn tại thế tại Ấn độ thì màu vàng là màu mà người thế gian không tôn trọng, ưa thích nên Thế Tôn mới chọn màu vàng làm áo cà sa. Chẳng những thế mà Ngài còn chọn những mãnh vải rách, những tấm vải dơ dùng để quấn tử thi mà khâu lại thành y để chống lạnh. Nói tóm lại Đức Phật vì muốn phá hoàn toàn cái bản ngã nên đối với Ngài nhà cửa cũng không, uy quyền  cũng không, tiền bạc cũng không vì thế Ngài mới có được vô thượng Niết bàn, vô thượng Bồ-đề.

Vì có ngã mới sinh ngã sở tức là có Hai nên Bồ-tát Đức Thủ mới quán tu vô ngã để trở về với Căn Bản Trí của mình mà chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Bất Thuần nói:

- THỌ và BẤT THỌ là hai. Nếu đối với các pháp mà không thọ thì không có cái được. Vì không có cái được cho nên không có lấy, không có bỏ, không tạo tác, không hành vi. Do nhận thức như vậy, mà tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Thọ là cảm nhận và bất thọ là không cảm nhận. Mà cảm nhận cái gì? Được ai khen thì vui, bị chê thì buồn, đó là có thọ. Ngược lại khen mà không vui, chê cũng chẳng buồn là bất thọ. Khởi niệm thương, khởi niệm ghét là thọ. Còn không ghét không thương là bất thọ. Con người thường thích nghe tiếng khen, tâng bốc và không thích lời chỉ trích, chê bai. Nhưng nghĩ lại lời khen, tiếng chê chỉ là đầu môi chót lưỡi hoặc có ý đồ gạt gẩm thì có gì là thật đâu. Ăn mà còn chê ngon chê dở là còn thọ, trái lại ăn để sống chớ không phải sống để ăn là bất thọ. Mình giữ giới mà còn thấy có người phá giới luật là thọ. Miệng ăn chay mà tâm vọng thịt cá nghĩa là món chay mà gọi tên mặn là thọ, ngược lại ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ miệng nhai thịt mà tâm nhai đậu hủ là bất thọ. Có tiền của nhiều thì vui và nghèo đói thì buồn phiền là thọ, còn có nhiều thêm một chút cũng vậy mà lỡ có mất cũng không buồn là bất thọ. Thấy cảnh trái ý nghịch lòng mà không quan tâm đến là bất thọ, người khen kẻ chê cũng chẳng ăn nhằm gì là bất thọ. Làm việc vì lợi ích cho chúng sinh chớ không phải cho riêng mình là bất thọ.

Vì thế nếu không có cái thọ thì không ý nghĩ lấy bỏ, không có ý nghĩ thương ghét, không có ý nghĩ khen chê cho nên Bồ-tát mới chứng nhập Pháp Môn Không Hai nghĩa là quay về với Căn Bản Trí vốn thanh tịnh hay trở về với Vô Phân Biệt Trí nên không có vấn đề thọ hay không thọ. Không có thọ hay không thọ tức là không Hai thì thương ghét cũng chẳng còn, khen chê biến mất, không vui cũng chẳng buồn vì thế cuộc sống của con người sẽ vô cùng an vui tự tại.

Bồ-tát Đức Đảnh nói:

- CẤU và TỊNH là hai. Thấy được thực tánh của cấu thì không có tướng tịnh. Đồng thời tùy thuận với tướng diệt của vạn pháp. Do tỏ ngộ chân lý đó, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Cấu là chỉ cho những thứ phiền não, khách trần tác động hoành hành làm cho con người đau khổ chớ không phải là dơ dáy, đất bùn, bụi bặm. Nếu nhìn về Tướng thì thì có phiền não, có khổ đau nhưng nếu nhìn sâu vào thực Tánh của vô minh phiền não là Phật tánh. Mà Phật tánh là bất cấu, bất tịnh, bất sinh, bất diệt… Do đó thật tánh của cấu, của vô minh phiền não là trong sáng, là thanh tịnh nghĩa là tự nó không có cấu, không có vô minh phiền não. Không có cấu thì cần gì phải có tịnh vì thế mới nói thực tánh của cấu là Không nghĩa là trong thực tánh không có tướng cấu và cũng không có tướng tịnh. Thí dụ nhìn lên trời thì thấy trời xanh trong sáng, nhưng vì con mắt của ta bị nhặm nên thấy có hoa đóm trên không. Do đó hoa đóm là không thật thì hoa đóm đâu có ảnh hưởng gì đến trời xanh trong sáng đâu. Nói một cách khác tịnh là vì có cấu, nay tánh của cấu vốn trong sáng, thanh tịnh thì tịnh còn dùng vào đâu được mà nói cấu với tịnh. Không cấu, không tịnh thì không còn đối đãi, không có nhị nguyên tức là không Hai vậy.

Bồ-tát Thiện Tú nói:

-  ĐỘNG TÂM và NIỆM TƯỞNG là hai. Nếu không động tâm thì không có niệm tưởng. Không có niệm tưởng thì không có phân biệt. Tôi thông suốt được chân lý ấy mà thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Khi ra phố thấy có người ăn xin bên lìa đường thật tội nghiệp. Khi mắt thấy một hình ảnh, một cảnh tượng đáng thương hay ưu ái làm cho tâm bị giao động thì gọi là động tâm. Sau khi về nhà chúng ta nhớ lại hình ảnh của người ăn xin đáng thương kia thì cái nhớ lại đó gọi là niệm tưởng. Vì thế niệm tưởng chỉ có khi nào có động tâm nghĩa là nếu không thấy người ăn xin thì không bao giờ có kỷ niệm để nhớ lại. Do đó khi niệm tưởng khởi dậy thì tâm bắt đầu phân biệt thiện ác, tốt xấu, nghèo giàu… tức là có Hai. Muốn thể nhập pháp môn không hai thì Bồ-tát Thiện Tú phải bỏ tâm phân biệt, mà muốn không còn phân biệt thì đừng tưởng nhớ và sau cùng muốn dứt hẳn cái tưởng nhớ thì đừng có động tâm. Tóm lại nếu muốn quay về sống với Căn Bản Trí, Vô Phân Biệt Trí thì đừng cho tâm mình bị giao động trước bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm như như bất động là tâm Bồ-tát, là tâm thanh tịnh và chính là chơn tâm, Phật tánh vậy. Ngày xưa khi vua Lưu Ly xua quân tiêu diệt cung thành Ca Tỳ La Vệ giết chết trên mấy trăm ngàn người dòng họ Thích Ca, trước cảnh đau thương tan tóc mà Đức Phật vẫn điềm nhiên vì Ngài nhìn cái nhân bất thiện của những người thân thích trong khi chúng sinh thì cứ nhìn cái quả nên thấy cảnh tan da nát thịt mà đau lòng, xót dạ.

Bồ-tát Thiện Nhãn nói:

-  Tướng NHẤT và tướng VÔ là hai. Nếu biết rõ tướng nhất tức là tướng vô. Bấy giờ thể nhập tánh bình đẳng. Do quá trình nhận thức như vậy, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Có cái một là do từ nơi không có cái gì hết nghĩa là ban đầu không có cái gì cho nên cái đầu tiên thì gọi là cái một. Thí dụ như trong một căn phòng trống không, nếu bây giờ chúng ta đặt một bình hoa thì cái bình hoa nầy là cái một. Chúng ta gọi bình hoa là cái một (tướng nhất) bởi vì trong phòng trước đây không có bình hoa cho nên cái một là do cái không (tướng vô) mà có. Tướng nhất tức là tướng vô nghĩa là chính cái nầy là do cái đối đãi của cái không mà gọi cái nầy là có. Cho nên nếu không có cái không thì không bao giờ có cái một. Tóm lại tất cả vạn pháp đều là do đối đãi cả nghĩa là nếu chúng ta gọi cái nầy là một là do có cái không hay nói ngược lại có cái không là vì do cái một. Do đó cái một cũng chẳng thật một và cái không cũng chẳng thật không. Vì nhận thức vạn pháp duyên sanh tương quan với nhau nghĩa là cái nầy tương quan với cái kia hay cái một tức là cái không thì thể nhập tánh bình đẳng, không còn đối đãi, phân biệt và sau cùng chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Diệu Tý nói:

- Tâm BỒ-TÁT và tâm THANH VĂN là hai. Quán tướng của tâm rỗng không như huyễn hóa, cho nên tôi còn không thấy tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn. Do triệt tiêu tánh chấp, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.


Tâm Bồ-tát là người làm những điều lành, việc thiện lợi ích cho chúng sinh. Còn tâm Thanh văn là người thấy đời đầy ô nhiễm nên xa lánh thế gian tìm nơi u tịch tu hành để thể chứng được sự an lạc của Niết bàn cho riêng mình. Nhưng thật ra hai cái tâm nầy không hề khác nhau, cùng một bản thể. Vì con người còn chấp trước, còn phân biệt nên mới thấy có sự khác biệt chớ thật ra tâm không sai khác. Thí dụ nếu có tâm phân biệt thì chúng ta thấy có người Tàu, người Tây hay người Mỹ, nhưng thật ra tất cả đều là con người, cùng chung giọt nước mắt mặn hay máu cùng đỏ như nhau. Còn phân biệt là còn kỳ thị, còn đau khổ và còn tranh chấp đưa tới chiến tranh giết hại lẫn nhau. Khi hết phân biệt thì có tâm bình đẳng và chấm dứt phiền não khổ đau.

Bồ-tát Phất Sa nói:

-  THIỆN và BẤT THIỆN là hai. Không khởi ý niệm thiện và bất thiện, nhận thức thấu suốt ngằn mé vô tướng của các pháp. Do vậy, tôi thể nhập Pháp Môn Không Hai.

Trên thế gian thì Thiện và Bất thiện rất khó mà phân biệt. Cùng một hành động mà có người cho là thiện trong khi người khác cho là bất thiện. Thí dụ như ở Hoa Kỳ các bậc cha mẹ nếu muốn con cái nên người, học hành có tương lai thì cũng có lúc quở trách la rầy. Hành động nầy hiện tại thì có vẻ như bất thiện, nhưng khi con nên người thì việc la mắng con cái là việc tốt. Một thí dụ khác là việc cứu tế xả hội. Ở Hoa kỳ hằng năm có rất nhiều người được chánh phủ cho tiền eo phe. Đây dĩ nhiên là việc thiện, nhưng những người lãnh tiền nầy càng ngày càng lười biếng, lấy eo phe làm căn bản cho cuộc sống mà không chịu học hành tiến thân gây thâm thủng ngân quỷ quốc gia và phát sinh những tệ đoan cho xả hội cho nên việc tốt, việc thiện đã bị con người lợi dụng mà biến thành bất thiện. Vì vậy khi con người không còn tâm phân biệt, luôn giữ tâm thanh tịnh thì sẽ không còn bị thiện ác chi phối vì mọi việc làm đều là lợi ích cho tất cả chúng sinh. Một khi đã sống với thể tánh thanh tịnh của mình thì những danh từ đối đãi thiện hay bất thiện chỉ là giả huyễn trống rỗng mà thôi.

Bồ-tát Sư Tử nói:

- TỘI và PHƯỚC là hai. Hiểu rõ tánh của tội và phước không khác. Dùng trí tuệ kim cương quyết đoán một cách dứt khoát trong mọi hoàn cảnh. Cho nên không thấy có ràng buộc và cũng không thấy có giải thoát. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Trong bài sám hối có câu: “Tội tánh bổn không, do tâm tạo. Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong” nghĩa là tự tánh của tội là Không nhưng do vô mình điên đảo bên ngoài mà tạo ra tội. Do đó khi không còn vô minh vọng thức nghĩa là tâm biết ăn năn, sửa đổi thì tội cũng tan biến theo. Thí dụ như có ngọn đèn đang cháy trên bàn. Nếu nóng giận, la hét quơ tay quơ chân làm tắt ngọn đèn. Bây giờ đèn tắt tối thui làm cơn giận tan biến nên đi kiếm cái hộp quẹt để đốt đèn sáng trở lại. Do đó nếu trong thời điểm con người làm sai với Căn Bản Trí của mình thì gọi là tội, nhưng nếu biết sửa sai làm đúng trở lại thì tội hết ngay.

Thêm nữa, tội phước nằm trong vòng tương đối của thế gian. Thí dụ như Tổng thống Bush đem quân sang đánh Iraq giết hại bao nhiêu người là có tội, nhưng loại bỏ được nhà độc tài Sadam Hussen và mang lại dân chủ cho người dân Iraq là phước. Vì thế cùng một hiện tượng mà có người nói tội kẻ khác nói phước. Do đó nếu dùng trí tuệ Bát nhã để soi thấu thật tánh của vạn pháp thì tội phước là Không nghĩa là không còn trói buộc và dĩ nhiện cũng không cần giải thoát. Vì thấy không có Hai, không còn phân biệt nên Bồ-tát Sư Tử chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Sư Tử Ý nói:

- HỮU LẬU và VÔ LẬU là hai. Có được tâm bình đẳng với các pháp thì không khởi tưởng hữu lậu và vô lậu. Không dính mắc ở pháp tướng cũng không trụ chấp pháp tướng. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Hữu lậu là do con người chạy theo trần, chạy theo cảnh nghĩa là chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh ra chấp ngã, chấp pháp. Có chấp ngã, chấp pháp là có Hai và cũng là nguyên nhân làm tác động phát sinh ra vô minh vọng thức dẫn tới tham-sân-si làm cho con người đau khổ. Có vô minh vọng thức, có đau khổ tức là có hữu lậu. Bây giờ nếu chúng sinh biết dùng trí tuệ làm cho lục căn thường sáng tỏ nghĩa là đừng cho lục trần quyến rủ lục căn thì con người sẽ có tâm thanh tịnh tức là vô lậu bởi vì chính lục căn, lục trần tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm và không phải là nguyên nhân của tội lổi. Do đó hữu lậu thì do ta và vô lậu thì cũng do ta vì chúng nó không có tự thể cố định. Vì thế nếu không còn thấy có hữu lậu hay vô lậu thì có tâm bình đẳng tức là tâm vô phân biệt nên Bồ-tát Sư Tử Ý chứng nhập pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Tịnh Giải nói:

- HỮU VI và VÔ VI là hai. Xa lìa tất cả số thì tâm rỗng lặng như hư không. Dùng tuệ thanh tịnh mà nhìn vạn pháp cho nên không còn có sự trở ngại nào. Do vậy, mà tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Tất cả các hiện tượng vạn pháp là do nhân duyên sanh khởi nên gọi là hữu vi. Đó là con người, súc vật, chim bay cá lặn, cây cỏ, núi sông, mặt trăng, mặt trời… Nói chung bất cứ cái gì mà có hình, có tướng đều là hữu vi cả. Ngược lại vô vi không phải là do nhân duyên kết tạo và chính là tự tánh của hư không vũ trụ. Nói một cách khác bất cứ cái gì trên thế gian nầy mà con người thấy biết được là có (hữu) và không thấy biết được thì gọi là không (vô). Khi có sự phân biệt cái có với cái không thì có và không dĩ nhiên là đối đãi, là Hai. Nhưng thật ra cái có (hữu) chính là không (vô) bởi vì cái có tự nó không có tự tánh nên nó là không. Còn cái không (vô) lại là có (hữu) vì bất biến tùy duyên nghĩa là từ cái không mà duyên khởi sinh ra cái có. Tóm lại có tức là không và không tức là có cho nên có và không là không Hai tức là trở về với cái trí vô phân biệt, với căn bản trí của mình. Khi đã hiểu chân lý nầy thì hữu và vô là không Hai nên Bồ-tát Tịnh Giải chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Na La Diên nói:

- THẾ GIAN và XUẤT THẾ GIAN là hai. Tánh của thế gian rỗng không, cho nên thế gian cũng tức là xuất thế gian. Trong đó không có tướng đi vào, đi ra, không có tràn đầy, không có vơi cạn. Do nhận thức đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Thông thường con người thường hay có cái nhìn sai lầm về thế gian chẳng hạn như thế gian tràn đầy đau khổ, đâu đâu cũng là ô nhiễm, bất toàn nên mới hướng về cảnh giới tốt đẹp hơn là xuất thế gian. Nhưng thật ra ngoại trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự nó không có xấu xa tội lổi gì cả. Thí dụ như hoa có mê hoặc ai đâu? Mê sắc là tại người chớ đâu phải tại hoa. Rượu có làm ai say đâu? Thế mà con người chết lên chết xuống cũng vì rượu. Ngay cả chất độc hại là Á Phiện. Các bác sĩ và bệnh viện khắp nơi trên thế giới dùng Á Phiện để trị đau và nó chính là chất thuốc tê hiệu nghiệm nhất. Ngược lại nếu con người say mê nó thì tán gia bại sản, nhà tan cửa nát. Còn nội căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì cũng chẳng có tội lổi xấu xa gì bởi vì tự nó là thanh tịnh, không ô nhiễm. Thí dụ như con mắt thì không ô nhiễm, nhưng khi mắt thấy nhà sang, xe đẹp thì tâm liền phân biệt ý niệm tham muốn làm cho con người dấn thân vào chỗ khổ. Do đó con người, vạn vật, thế gian thì tự tánh không có xấu xa tội lổi gì cả mà tất cả những ô nhiễm, tội lổi xấu xa đều phát xuất từ vọng niệm sai lầm. Vì thế khi tự tánh thế gian không có gì ô nhiễm thì thế gian và xuất thế gian có khác gì nhau. Con người vì bị vô minh che lấp nên thân khẩu ý không được thanh tịnh mới thấy thế gian là xấu xa tội lổi, bây giờ quay về xé tan màn vô minh hắc ám mà sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên thì ở đâu cũng là cực lạc và bất cứ lúc nào cũng có Niết bàn an lạc. Thí dụ như các vị đại A La Hán như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đoạn trừ tất cả mọi phiền não khổ đau, có được Niết bàn nghĩa là họ sống trong cảnh giới xuất thế gian mà hằng ngày họ vẫn đi, đứng nằm ngồi trong thế gian Ta bà tội lổi xấu xa nầy. Vậy khi có tâm xuất thế gian thì ở đâu cũng là xuất thế gian cả, ngược lại tánh tham, tật đố vẫn còn, lòng còn giận còn hờn, còn chấp trước thì cho dù có ở bên cạnh Phật A Di Đà thì cũng là cảnh đau khổ của thế gian chớ không phải là cõi Tịnh độ.  Đó chính là tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh vậy. Do đó toàn bộ giáo lý của Thế Tôn không ngoài mục đích dạy chúng sinh phải chuyển tâm chớ không chuyển cảnh nghĩa là tâm tịnh thì có cảnh tịnh. Khi biết như thế thì thế gian cũng là xuất thế gian tức là không Hai vậy.

Bồ-tát Thiện Ý nói:

- SANH TỬ và NIẾT BÀN là hai. Thấy được tánh của sanh tử thì không có sanh tử gì cả, cũng không có cột, không có mở, không có sanh, không có diệt. Nhận thức rõ như thế, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Dưới cái nhìn của phàm phu thì sanh tử là khổ não, là đau thương vì phải xa lìa tất cả những gì mà con người yêu thương lưu luyến. Cũng vì có bản ngã và ngã sở nên chúng sinh thấy mình, người và vũ trụ là thật, là chắc chắn, là của mình nên khi phải lìa xa nó thì dĩ nhiên sẽ đau khổ vô cùng. Khi đã biết rõ những khổ đau, bất toàn như thế thì con người cố tu luyện để lìa xa thế gian tội lỗi nầy mà có được sự an vui tịch diệt của Niết bàn. Do đó sinh tử và Niết bàn là Hai nghĩa là một bên là khổ đau còn bên kia là an vui tự tại. Nhưng thật ra sinh tử và Niết bàn là không Hai. Tại sao? Một khi con người lìa Tướng trạng mà thấy được thật Tánh của mình thì sinh tử là Không và ngay cả Niết bàn cũng là Không bởi vì cuộc đời là giả huyễn, là không thật nên sinh là không, tử là không và Niết bàn cũng là không nghĩa là không có ràng buộc thì cũng không cần giải thoát và không sanh thì không có diệt. Thêm nữa, vì quán biết sinh tử là không nên sinh không tham cầu và dĩ nhiên không sợ cái chết. Vô thường và bệnh chết nó đến với mọi người bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cho nên người học Phật đã biết nó như thế thì không sợ vô thường và coi thường bệnh chết. Vì thế cổ nhân cũng có câu: “Mạc đãi lão lai phương niệm Phật, cô phần đa thị thiếu niên nhân” nghĩa là cái bệnh chết nó đến bất cứ lúc nào và bất cứ ai cho nên không phải già mới chết mà tuổi trẻ đầu xanh vẫn chết như thường vì thế chúng sinh cần tu tâm niệm Phật ngay bây giờ chớ đừng đợi đến lúc già, lúc gần chết mới tu. Khi không còn chấp ngã thì không quan trọng cho cái thân giả huyễn nầy, sống thì an vui tự tại, không chạy theo tham đắm ái dục và lúc ra đi cũng an nhiên tự tại không lo không sợ, không buồn không tiếc. Tâm tự tại là tâm thanh tịnh tức là tâm không còn phân biệt thì con người sẽ trở về với căn bản trí của mình để chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Thiện Kiến nói:

- TẬN và BẤT TẬN là hai. Vạn pháp hoặc rốt ráo tận hoặc rốt ráo bất tận đều là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì không có tướng tận hay vô tận. Tỏ ngộ chân lý ấy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Nhìn thế gian, vạn pháp thì thấy có ít có nhiều. Cái đếm được, biết được, có giới hạn thì gọi là TẬN như hiện nay số người trên thế giới là bảy tỷ, trong khu phố có năm trăm ngàn căn nhà, trái đất có bốn đại lục và năm biển… Còn những vật thể không thể đếm được thì gọi là BẤT TẬN hay vô tận. Thí dụ như nhìn lên không trung có ai đếm được có bao nhiêu vì sao đâu? Mặc dù trái đất có năm biển nhưng có ai đo được năm biển chứa bao nhiêu nước đâu? Tuy đếm được hay không thì vạn pháp đều cùng chung Bản Thể, đó là Không. Nói một cách khác là vạn pháp tuy có ít có nhiều, có to có lớn, hình tướng thay đổi, số lượng thay đổi, nhưng tự Thể vẫn như nhau, không to không lớn, không ít không nhiều mà bao trùm khắp cả. Khi không còn thấy có sự khác biệt về số lượng mà chỉ còn một Bản Thể chân không thì tất cả sẽ không có Hai tức là Bất Nhị vậy.

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

- NGÃ và VÔ NGÃ là hai. Ngã hãy còn không có, vô ngã càng không thể có. Thấy được thật tướng của ngã thì không còn khởi niệm hai. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.

Sống trong vô minh nên con người tin thân mình là thật nên trong ta chắc chắn có một cái ta và vì muốn bảo vệ cái ta nầy mà tạo ra biết bao tội nghiệp. Nhưng thân là do ngũ uẩn duyên khởi tạo thành nên thân không có tự tánh là vô ngã tức là không. Con người vì chấp ngã nên chạy theo sinh tử khổ đau nên chấp ngã là sai. Nhưng nếu con người bỏ chấp ngã mà quay về chấp vô ngã tức là chấp không thì cũng không đúng với trí tuệ bát nhã ba-la-mật vì vẫn còn kẹt trong cái chấp cho dù đó là chấp có hay chấp không. Cái ngã vốn không có thì cái vô ngã làm sao có thật. Nếu thấy được thật Tánh của vạn pháp là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm nghĩa là thật Tánh của Ngã là không có Ngã nên không còn chấp có ngã hay vô ngã nghĩa là không còn chấp có hay chấp không tức là không còn có cái Hai. Thấu hiểu như vậy nên Bồ-tát Phổ Thủ chứng nhập Pháp Môn Không Hai vậy.

Bồ-tát Điển Thiên nói:

- MINH và VÔ MINH là hai. Thật tánh của vô minh là minh. Minh cũng không chấp thủ. Ly tất cả số. Trụ tâm trong bình đẳng không có ý niệm hai. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Vô minh là sự mê mờ không sáng suốt của tâm thức ví như màn mây đen phủ lên tâm trí con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp và nó chính là động lực chính làm cho con người có cái nhìn sai lạc về bản chất thật của nhân sinh vũ trụ. Con người có lý luận sai lầm là khi tu học Phật thì chúng sinh cố diệt vô minh và mong cầu sẽ có được cái trí tuệ sáng suốt tức là minh. Lý luận nầy là dựa theo Tục đế của văn tự, ngôn ngữ, của sự đối đãi loài người. Nhưng trong thật Tánh của vô minh là minh thì lúc nào cũng có sẳn trong chúng ta. Khi mê thì thấy có vô minh phiền não còn tỉnh thức thì vô minh biến mất, phiền não tiêu trừ. Vì thế chúng sinh không cần phải đi tìm minh ở đâu xa mà chỉ cần sống trong tỉnh thức, tâm luôn giữ chánh niệm để có tâm thanh tịnh thì sẽ không bao giờ có vô minh phiền não. Ngược lại nếu sống trong sô bồ sô bộn, chạy theo tham-sân-si thì vô minh khởi dậy, sa hầm sập hố vậy thôi. Thật tánh thì lúc nào cũng thanh tịnh, bất sanh bất diệt thì làm gì có vô minh. Hiểu như thế thì vô minh và minh là không Hai tức là chứng nhập Pháp Môn Không Hai.

Bồ-tát Hỉ Kiến nói:

- SẮC và KHÔNG là hai. Sắc tức là không. Không phải sắc diệt mới không. Tánh của sắc tự không. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy. Thức là tức không. Không phải thức diệt mới không. Tánh của thức tự không. Do quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Đây là phần lập lại của Tâm Kinh: “Sắc tức là Không và Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy”. Tất cả vạn pháp trên thế gian nầy kể cả cái thân tứ đại của chúng ta là Sắc đều là do nhân duyên hòa hợp tạo thành nên chúng không có chủ thể, tự tánh vì thế Sắc là vô ngã tức là Không. Vì là vô ngã nên Sắc là vô thường nghĩa là Sắc là sinh diệt, nay có mai không nên đừng chấp vào nó. Nhưng tự Tánh của Sắc là Không nghĩa là không cần phải hủy hoại Sắc mới có không mà tự chúng đã là không rồi. Ý của đoạn kinh nầy là mặc dầu thế gian vũ trụ nầy vẫn còn, vẫn có trước mắt, nhưng con người đừng chấp cái có của nó, đừng tham mê luyến ái nó thì mặc dù là có nhưng nó vẫn như không. Đó chính là thấy mà như không thấy vậy. Ngày xưa lúc Đức Phật còn tại thế thì thế gian, vũ trụ vẫn còn sờ sờ ở đó thế mà dưới mắt của Ngài thì tất cả là không. Không ở đây là không phải đem đập đổ, nghiền nát tất cả mà không chính là không chấp thủ, bám víu, tham đắm, si mê nó. Những vị hiền nhân trên thế giới như Đức Phật, Đức Khổng Tử, Chúa Jesus…đều là những người nghèo. Tất cả đều xem thường vinh hoa phú quý, xa lánh tham đắm thế tục nghĩa là thấy có mà như không tức là Sắc tức thị Không nên nhân loại mới kính phục. Còn những kẻ tham đắm như vua Kiệt, Trụ thì thế gian nguyền rủa đến muôn đời. Thí dụ cái bình hoa rất quý, rất đẹp và đắt tiền chưng trong phòng khách. Nếu chấp thủ mà xem bình hoa là có thì chúng ta phải cưng chìu, lo lắng, bảo vệ, chăm sóc cái bình hoa hơn cả bản thân của mình. Lỡ ai làm bể thì chưỡi bới, la hét, than khóc mà tự tạo bao phiền não khổ đau cho mình. Bây giờ thấy bình hoa là không vì cho dù chúng ta có giữ gìn cách mấy thì một ngày nào đó nó cũng hư hại, tan biến thì cuộc sống sẽ vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Không buộc thì cần gì phải cởi trói. Có càng nhiều thì lo càng to, khổ càng lớn. Công danh, phú quý cũng như đeo ách trên vai, công danh càng cao, uy quyền càng lớn thì ách càng nặng chớ có sướng ích gì.

Vì Sắc là không nên Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng là không. Nói một cách tổng quát là vạn pháp là không nên không còn dính mắc, không còn tham đắm, lo âu, phiền não vì tất cả là không Hai.

Bồ-tát Minh Tướng nói:

- Sự sai khác của TỨ ĐẠI và sự sai khác của KHÔNG ĐẠI là hai. Tánh của tứ đại tức là tánh của không đại. Bởi vì thời gian trước và thời gian sau đều không, cho nên thời gian khoảng giữa cũng không. Hiểu biết được như thế, cũng tức là nhận thức rõ tánh của các đại. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Tứ đại là đất, nước, gió, lửa là bốn nguyên tố căn bản tạo thành con người, thế gian và vũ trụ. Đối ngược với tứ đại là không đại. Nhưng tự tánh của tứ đại là không tức là không đại ngay cả trong tự tánh cũng không có thời gian trước sau hay chính giữa. Tại sao? Nếu đứng về phương diện Tục đế thì có trước, có sau, có đối đãi tức là có sinh diệt. Còn đứng về phương diện Chân đế thì tất cả là không, là bất sinh bất diệt nên không có sự đối đãi tức là không có Hai.

Bồ-tát Diệu Ý nói;

- NHÃN CĂN và SẮC TRẦN là hai. Biết rõ tánh của nhãn căn và tánh của sắc trần ở giữa cắt đứt sự ái nhiễm. Thế là không còn tham, không còn sân, không còn si. Đó là trạng thái tịch diệt. Nhĩ đối thanh, Tỷ đối hương, Thiệt đối vị, Thân đối xúc. Ý đối với pháp cũng như vậy. Biết rõ tánh của ý căn và tánh của pháp trần, đoạn trừ sự ái nhiễm tham, sân, si. Đạt đến trạng thái tịch diệt. An trụ trong tỉnh giác như vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Đoạn kinh nầy cũng chính là chủ yếu của Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng sinh kiểm soát, làm chủ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần để phát sinh ra ý niệm phân biệt của sáu thức. Nên biết rằng sáu căn của con người tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng khi tiếp xúc với sáu trần liền bị sức quyến rũ của sáu trần mà phát sinh ra ý niệm tham-sân-si để dẫn dắt con người vào vòng sa đọa. Thí dụ bình thường thì tự thể của con mắt đâu có tội lổi xấu xa gì, nhưng khi mắt thấy gái đẹp, nhà sang, xe tốt, tiền nhiều… thì tâm phát sinh ý niệm tham đắm mà xúi con người làm bất cứ điều gì để đạt được những thứ nầy. Năm căn còn lại thì cũng thế. Tai nghe lời dịu ngọt thì mê, nghe ai chữi thì giận, nghe lời thị phi thì thích. Mũi ngữi đồ ăn thơm thì tham ăn, ngữi không thơm thì đánh đổ. Lưỡi nếm mùi vị thơm ngon thì tham đắm, còn nếm mùi cay đắng thì buồn phiền…

Do đó cho dù sáu căn có tha hồ tiếp xúc với sáu trần, nhưng Tánh của sáu căn và sáu trần vốn tự thanh tịnh, không ô nhiễm nên sáu thức không phát sinh ý niệm phân biệt tham đắm. Đây chính là cái nhìn, cái nghe, cái ngữi… của người vô tâm nghĩa là trong cái thấy không có nhãn thức giới tức là không có cái biết của sự thấy. Các căn còn lại thì cũng thế, đó là không có Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân thức giới và Ý thức giới. Thí dụ như khi đi chợ thì trong chợ có hàng vạn các món hàng khác nhau. Nếu chúng ta có tâm phân biệt tức là có cái biết của sự thấy, nghe, ngữi… thì món nào cũng thích, cái gì cũng muốn mua. Còn bây giờ thấy thì cái gì cũng thấy mà chẳng quan tâm cái gì cả vì trong cái thấy không có cái biết, cái phân biệt của sự thấy nên món nào cũng vậy. Nhà cần món nào thì mua món đó, vừa tiết kiệm thời giờ, vừa tiết kiệm tiền bạc và vừa giảm bớt lòng tham đắm, si mê.

Bồ-tát Vô Tận Ý nói:

- BỐ THÍ và HỒI HƯỚNG NHẤT THIẾT TRÍ là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ cũng như vậy. Tánh trí tuệ tức là tánh Hồi Hướng Nhất Thiết Trí. Ở trong đó hội nhập tướng Nhất. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Khi bố thí, làm phước, làm việc thiện, việc lành thì chúng ta thường hay hồi hướng những phước đức nầy để thành tựu nhất thiết trí nghĩa là có trí tuệ Bồ-đề hay viên thành Phật đạo cho nên bố thí và hồi hướng là Hai. Nhưng Tánh bố thí cũng là Tánh hồi hướng nhất thiết trí nghĩa là bố thí bất trụ tướng hay còn gọi là bố thí vô tướng của Kinh Kim Cang tức là bố thí mà không chấp mắc việc làm tốt, hành động giúp người của mình nghĩa là thi ân bất cầu báo thì phước đức, công đức kia mới lan tỏa vô cùng vô tận. Thêm nữa, bố thí là để bớt tánh tham, nhưng trong tự tánh thanh tịnh làm gì có tánh tham. Do đó khi bố thí làm việc thiện thì chúng ta không cần phải hồi hướng vì Tánh bố thí tức là Tánh hồi hướng nghĩa là khi làm việc thiện thì tự nó đã có ảnh hưởng lan rộng tốt cho chúng ta rồi. Thí dụ như chúng ta nguyện cúng dường xây một cảnh chùa cho bá tánh thập phương có nơi tu học Phật pháp. Việc làm tốt nầy đã làm cho tâm của chúng ta hân hoan khoan khoái. Cái hân hoan khoan khoái nầy chính là giúp chúng ta quay về sống gần với chân Tánh của mình thì chính mình ngay bây giờ đã có lợi lạc rồi đâu cần gì phải hồi hướng cho mai sau. Nói một cách khác hằng ngày con người vì bản năng ích kỷ, không chịu bố thí giúp người nên cuộc sống xa dần với chân Tánh của mình. Mà càng xa chân Tánh thì càng gần với vô minh phiền não vì thế hành động bố thí là đưa con người trở về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì tự mình đã có công đức rồi. Vì thế bố thí và hồi hướng nhất thiết trí là không Hai.

Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ thì cũng thế.  Khi con người bị vô minh phiền não che lấp nên phải chịu sinh tử luân hồi cho nên trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ là những phương tiện giúp chúng sinh phá tan màn vô minh hắc ám để trở về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình. Nói một cách khác con người còn phiền não khổ đau là vì họ sống ngược với chân Tánh tức là Tánh chân thật vốn có của mình. Do đó khi trì giới, nhẫn nhục... là mình đến gần hơn với chân Tánh, với tâm thanh tịnh của chính mình nên Tánh của trì giới tức là Tánh hồi hướng rồi vậy. Thí dụ như người giữ giới phẩm hạnh thì chính họ đã có khinh an, giải thoát, tự tại nên mặc dù không hồi hướng gì nhưng thật chất tự nó đã có hồi hướng rồi. Chính Đức Phật độ vô số chúng sinh mà không hề thấy có chúng sinh mình độ, Đức Phật làm tất cả việc làm mà không thấy có công đức mình làm và Đức Phật chứng vô thượng Bồ-đề, vô thượng Niết bàn mà không bao giờ nói mình chứng đắc gì cả. Đó chính là tu vô tu tu, hành vô hành hạnh và chứng vô chứng chứng. Khi Đức Phật đạt tới chỗ thân khẩu ý thanh tịnh thì tự nó không có vô minh, không có phiền não khổ đau, không có sinh tử luân hồi thì gọi là chứng vô thượng Bồ-đề, vô thượng Niết bàn chớ thật ra không có chứng đắc gì hết bởi vì hết vô minh phiền não là con người trở về với chân Tánh của mình, là sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình vậy thôi. Đây chính là bản lai diện mục đã có sẳn chớ đâu phải khi thành Phật mới có.

Bồ-tát Thâm Tuệ nói:

- KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC là hai. Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tác. Hiểu rõ không tức là vô tướng. Vô tướng là vô tác thì tâm, ý và thức bấy giờ công dụng trở thành một. Bấy giờ một giải thoát môn tức là ba giải thoát môn. Quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Đừng nghĩ rằng Không, Vô Tướng, Vô Tác là ba bởi vì ba là theo thứ tự của con số, là văn tự của con người. Nhưng ở đây Bồ-tát Thâm Tuệ nói Không, Vô Tướng, Vô Tác là Hai là ám chỉ sự đối đãi của tâm và cảnh hay giữa con người và pháp tu quán chớ không phải thứ tự hay văn tự ngôn ngữ gì cả. Tất cả vạn pháp trên thế gian nầy từ con người cho đến động vật, thực vật hay khoáng vật là do nhân duyên tác tạo mà thành chớ tự nó không thể phát triển hay tồn tại được vì thế vạn pháp là vô ngã tức là Không. Vì vô ngã nên vạn pháp phải chịu vô thường nghĩa là có sinh tất có hoại do đó không một ai sống đời mà không chết hay chẳng có người nào trẻ mãi mà không già, không bệnh. Nhưng trong chân Không thì vạn pháp bất sanh bất diệt, vô hình vô tướng cho nên thật tướng của vạn pháp chính là Vô Tướng. Vạn pháp duyên khởi với nhau mà tạo ra muôn sinh vạn vật do đó Vô Tác là không có ai làm nên, không có ai là tác giả cho nên vô tác là thật tướng, là vô tướng của vạn pháp. Tóm lại, trong chân Không thì thật tướng là vô tướng và vô tác cũng là vô tướng cho nên Không là vô tướng và vô tướng cũng là vô tác. Chẳng phải ba mà cũng chẳng phải một nên đây là Bất Nhị tức là  không còn đối đãi, là không Hai. Cùng lý luận nầy áp dụng cho tâm, ý và thức. Nếu thấy có tâm, ý và thức là còn thấy có ba, nhưng thật ra thức là cái biết thì phải cần có ý niệm sanh khởi để tạo thành cái biết và muốn có ý niệm thì phải có tâm phát khởi những ý niệm nầy nghĩa là tâm tức là ý và ý tức là thức vậy. Vì thế tuy nói tâm, ý, thức là ba nhưng Bản Thể Chân Như thì thấy không ba, mà cũng không thấy một. Chẳng phải là ba, chẳng phải là một thì đây chính là Bất Nhị tức là không Hai.

Bồ-tát Tịnh Căn nói:

- PHẬT, PHÁP và TĂNG là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức Tăng. Tam bảo đều là tướng vô vi, đồng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy. Tùy thuận theo chân lý đó, thi vi hành sự. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Khi người Phật tử nhập môn theo đạo Phật thì được truyền thọ tam quy, đó là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Tam bảo ở đây chính là thế gian trụ trì Tam Bảo tức là Tam bảo dựa theo hình tướng sinh diệt bên ngoài. Đối với những người sơ cơ chưa biết Phật pháp thì họ nghĩ rằng tượng Phật bằng đồng, bằng xi măng là Phật bảo, Pháp là kinh sách trong tủ hay những vị Tăng trong chùa là đại diện cho Tam Bảo. Do đó nếu người Phật tử không chịu tu học để thể nhận được chân lý mà cứ ôm lạy tượng Phật xi bằng vàng từ Đài Loan hoặc lạy cúng kinh sách trên bàn thờ hay phàm Tăng thời mạc pháp nói gì nghe theo nấy thì uổng phí cả cuộc đời tu hành của mình. Một khi đã thấu hiểu Phật pháp thì bây giờ người Phật tử tự quy
y lấy và được gọi là Nhất Thể Tam Bảo bởi vì trong Bản Thể thì Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng tuy ba nhưng mà Một nghĩa là Phật tức là Pháp và Pháp tức là Tăng. Nói một cách khác Phật Tánh tức là Pháp Tánh và Pháp Tánh tức là Tăng Tánh. Phật Tánh là Tánh thanh tịnh bản nhiên không có vô minh phiền não của mình, của con người. Còn Pháp Tánh là Tánh thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp như cây cỏ, núi sông, xe cộ, nhà cửa, bông hoa… Thí dụ như núi cao sông đẹp đâu có lôi cuốn quyến rủ ai đâu? Đó là sự thanh tịnh của thiên nhiên vũ trụ, nhưng nếu con người bị vô minh tham dục che lấp thì thấy cảnh liền mê. Do đó mê cảnh là tại người chớ đâu phải tại cảnh. Vì thế khi con người sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình không có vô minh tham dục thì Phật Tánh tức là Pháp Tánh vì cả hai cùng có tánh thanh tịnh như nhau. Bây giờ Tăng Tánh là Tánh hòa hợp của Phật Tánh và Pháp Tánh mà Phật Tánh là Pháp Tánh cho nên Phật Tánh, Pháp Tánh chính là Tăng Tánh. Nói một cách khác khi quy y Nhất Thể Tam Bảo thì quy y Phật tức là quy y Pháp tức là quy y Tăng rồi vậy. Vậy Phật, Pháp, Tăng là không Hai.

Tóm lại khi người Phật tử tu theo hình thức bên ngoài thì dễ bị ngoại cảnh làm thối chuyển tâm Bồ-đề của mình vì hình tướng là sinh diệt, là thay đổi. Ngược lại nếu người Phật tử thấu hiểu Phật pháp mà thấy được bản thể thanh tịnh của mình thì sẽ có tâm bất thối chuyển nghĩa là khi đã biết Phật tức tâm thì ở đâu cũng có Phật và bất cứ lúc nào cũng có Phật ở trong tâm của chúng ta cho nên con người luôn thức tỉnh và không dám làm điều bất thiện. Mà không có nghiệp thì không còn sanh tử luân hồi tức là chứng được vô sanh pháp nhẫn. Đây mới là chân lý giải thoát giác ngộ vậy.

Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói:

- THÂN và THÂN DIỆT là hai. Thân tức là thân diệt. Thấy được thật tướng của thân thì không còn khởi chấp thân và sự hoại diệt của thân. Thân và sự hoại diệt của thân không khởi ý phân biệt là hai. Vì vậy, thân sinh tồn hay hoại diệt, không kinh hãi, không lo lắng sợ sệt. Tỏ ngộ chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.

Thân là do bốn nhân duyên đất, nước, gió, lửa tạo thành nên thân là vô ngã, vô thường. Vì vô thường nên một ngày nào đó thân sẽ bị hoại và sáu căn sẽ không còn sắc bén như khi còn khỏe mạnh thì gọi là thân diệt. Hiện tượng nầy là cho tất cả chúng sinh chớ không sót một ai vì thế bệnh, già, chết là chuyện thông thường không có gì lo sợ. Kinh có câu: “Dược y bất tử bệnh, Phật hóa hữu duyên nhơn” nghĩa là thuốc là để trị bệnh không chết chớ còn bệnh chết thì không có thuốc chửa. Cũng như Phật chỉ hóa độ chúng sinh là những người có duyên còn những người vô duyên thì Phật cũng không hóa độ được. Khi biết được thật tướng của thân hay của vạn pháp là không tướng thì con người sẽ không còn lo lắng về sinh, lão, bệnh, tử nữa. Vì trong tướng không thì vạn pháp không sanh, không diệt, không tăng, không giảm thì làm gì phải lo có thân hay sợ thân diệt. Vì chấp ngã nên con người sống mà luôn sợ bệnh, sợ chết, nhưng có lo, có sợ mà con người vẫn bị bệnh, vẫn chết như thường cho nên người biết quán vô thường thì họ coi bệnh hay chết như trò chơi chả có gì quan tâm, kinh hãi.  Biết như thế thì thân và thân diệt là Bất Nhị, là không Hai.

Bồ-tát Thượng Thiện nói:

- THÂN, KHẨU, Ý là hai. Ba nghiệp đều là tướng vô tác. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu. Tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý. Tam nghiệp là tướng vô tác. Tất cả pháp cũng là tướng vô tác. Dùng tuệ vô tác nhận thức chân lý và tùy thuận chân lý ấy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Dựa theo văn tự ngôn ngữ thì thân khẩu ý phải là ba, nhưng ở đây Bồ tát Thượng Thiện nói thân khẩu ý là Hai là muốn ám chỉ cho sự đối đãi. Đó là chính mình là mình và thân khẩu ý là của mình nên có Hai, có sự đối đãi. Mà ba nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đều là tướng vô tác nghĩa là không có ai là tác giả. Thân là tướng vô tác thì khẩu và ý nương tựa vào thân thì chắc chắn khẩu và ý cũng là tướng vô tác. Mà tướng vô tác chính là thật tướng, là vô tướng của vạn pháp. Nếu đã là vô tướng, thật tướng thì tướng vô tác của thân là tướng vô tác của khẩu và cũng là tướng vô tác của ý, tuy ba nhưng mà Một, không còn phân biệt đối đãi tức là không Hai. Một khi tam nghiệp, thân khẩu ý là tướng vô tác thì tất cả các pháp cũng đều là vô tướng, là thật tướng và đều là tướng vô tác cả.

Bồ-tát Phước Điền nói:

- LÀM PHƯỚC LÀM TỘI, LÀM KHÔNG PHƯỚC KHÔNG TỘI là hai. Thật tánh của ba việc là vắng lặng rỗng không. Không thì không thấy có làm phước, không thấy có làm tội, không thấy có làm không phước không tội. Không khởi ý niệm chấp mắc ở ba việc làm. Do vậy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Thế nào là làm phước? Phải chăng đó là chúng ta làm bất cứ việc gì mà không trái lại với tự tánh thanh tịnh bản nhiên hay chân Tánh của mình vậy thôi. Nói một cách khác nếu chúng ta cả đời không làm gì sai trái với chân Tánh thì chính mình trở về với sống cái tự tánh thanh tịnh ban đầu mà con người gọi là thành Phật. Do đó làm phước thật sự không có cái gì thêm hay bớt cả mà cũng chỉ là vắng lặng trống không. Cũng như nói tu hành là để chứng đắc vô thượng Niết bàn hay vô thượng Bồ-đề. Đây chỉ là cách nói của văn tự ngôn ngữ con người, nhưng thật ra không có cái gì gọi là chứng đắc cả. Một khi chúng sinh biết lau sạch bụi vô minh phiền não thì cái gương được sáng, nhưng trước khi có bụi bặm thì cái gương rất trong sáng đâu có dơ? Vậy trước khi bị vô minh phiền não thì chúng sinh đều là Phật, nhưng lần theo thời gian cái bụi bặm vô minh phiền não phủ lên trí tuệ trong sáng làm cho con người sống xa với chân Tánh của mình nên mới chịu quay cuồng trong sinh tử khổ đau. Còn làm tội là làm đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh. Mà tánh của tội cũng rỗng không. Nếu tội là cố định, cứng ngắt thì làm sao con người có thể tu hành, sám hối mà trở thành toàn thiện được? Kinh lại dạy rằng: “tội tánh bổn không, do tâm tạo; tâm nhược diệt thời, tội diệt vong” nghĩa là khi mê thì tội lổi chất chồng, sống trong đau khổ triền miên, nhưng khi thức tỉnh, biết sám hối, biết ăn năn thì tội lổi tan biến. Tội là do tâm vì tâm mê nên có ý nghĩ, lời nói hay hành động điên đảo, nay tâm thức tỉnh, biết sám hối thì tội diệt, tội đâu còn. Như vậy nếu nhìn từ bên ngoài thì thấy có phước, có tội, có thiện, có ác tức là sống với tâm sinh diệt, nhưng thật Tánh của phước, của tội là rỗng không, là chân Không thì làm tội, làm phước hay ngay cả làm không phước không tội là chẳng phải ba mà cũng chẳng phải một là Bất Nhị tức là không Hai. Thí dụ như chúng ta cầm một ly thuốc độc ví cũng như tội lổi. Nếu uống hết ly thuốc độc nầy chắc chắn chúng ta phải chết, nhưng bây giờ nếu đem ly thuốc độc nầy hòa tan vào trong cái ao nước trong thì cho dù có uống năm ly chúng ta cũng chẳng hề hấn gì. Tổi lổi thì cũng thế. Nếu con người vì vô minh mà tạo nhiều tội lổi, nhưng nay biết thức tỉnh, sám hối và tạo rất nhiều việc thiện thì tội lổi xưa từ từ tan biến. Cái khác nhau giữa Bồ-tát và phàm nhân là Bồ-tát thì làm bất cứ việc gì có lợi cho chúng sinh mà làm xong là bỏ, là quên hết, thi ân bất cầu báo. Ngược lại phàm nhân thì cái gì có lợi cho mình mới làm và làm xong thì nhớ hoài, không quên vì tâm còn mong cầu đền đáp. Vì thế khi thấu suốt thật Tánh của mọi hành động là Không, là trống rỗng thì sẽ không còn chấp việc làm của mình nữa. Không nhớ, không chấp thì làm mà không chán, không mệt mỏi, ngược lại cho dù là làm việc thiện với tâm mong cầu thì một ngày nào đó con người sẽ không còn thích thú, hăng say hoạt động như thưở ban đầu.

Bồ-tát Hoa Nghiêm nói:

- Từ bản ngã khởi chấp hai là hai. Biết được thật tướng của bản ngã không khởi chấp hai. Không khởi chấp hai thì không có cái biết và đối tượng bị biết. Quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Bây giờ không còn hai hay ba đối tượng như những phần trên mà chỉ còn là một, đó là bản ngã. Vậy Thế nào là bản ngã khởi chấp? Khi nghĩ rằng cái nhà nầy là của tôi, cái xe đẹp kia là của tôi, cái công ty đồ sộ cũng là của tôi, con cái của tôi thì thế nầy thế kia… do đó từ một cái bản ngã mà bắt đầu khởi chấp là có sự phân biệt, so sánh đối đãi tức là có Hai. Mà khởi chấp là do tâm sinh diệt, tâm vọng tưởng sinh khởi tạo thành, nhưng thật Tướng của bản ngã là không thì làm gì có cái chấp biết và đối tượng bị biết. Khi lìa Tướng nhập Thể nghĩa là xa lánh cái tâm vọng tưởng, biết kiểm soát sáu căn mà quay về sống với bản Thể thanh tịnh của mình thì bản ngã đâu còn. Không còn bản ngã thì không có cái Hai.

Bồ-tát Đức Tạng nói:

- Có tướng sở đắc là hai. Không sở đắc thì không có tham lấy, không chê bỏ. Do trụ trong tâm bình đẳng không lấy bỏ, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Kẻ tu hành mà thấy mình có chứng đắc là có Hai. Kinh Bát Nhã dạy rằng: “Vô trí diệt vô đắc” nghĩa là không có cái trí tuệ hay cái chứng đắc gì cả. Khi chúng sinh đoạn trừ hết vô minh phiền não để có cuộc sống vô cùng an vui tự tại thì gọi là chứng đắc nầy nọ, nhưng thật ra trước khi loại bỏ vô minh phiền não thì chúng sinh đâu có vô minh phiền não. Vậy có an vui tự tại là cái đã có chớ đâu phải cái chưa bao giờ có. Vì thế tu hành thì nhà Phật gọi là hồi đầu thị ngạn nghĩa là biết thức tỉnh mà quay thuyền trở lại bến xưa vậy thôi. Cho nên nếu thấy có chứng đắc thì vẫn còn có tham tức là vẫn còn vô minh phiền não. Nói một cách khác là thuyền chưa cập bến được.

Bồ-tát Nguyệt Thượng nói:

- TỐI và SÁNG là hai. Không tối không sáng thì không hai. Ví như nhập định diệt thọ tưởng, không còn nhận thức tối sáng. Đối với tất cả pháp tướng cũng như vậy. Hội nhập với tâm bình đẳng ấy, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Nếu có sự phân biệt đối đãi thì thấy có sự khác nhau như tối và sáng, như trí tuệ với vô minh, như thiện với ác, như khổ và vui, nhưng khi hội nhập với tâm bình đẳng tức là đang sống với căn bản trí, vô phân biệt trí cũng như người nhập định diệt thọ tưởng không còn thấy biết sự khác biệt của thế giới bên ngoài mà tất cả chỉ hướng về nội tâm trong sáng ở trong nên tất cả là không, là bình đẳng, là vô vi, là thanh tịnh. Như thế tối sáng là của thế giới hữu hình, là Hai. Còn pháp Tướng của tất cả vạn pháp là vô hình, là của thế giới vô vi thì làm gì còn có phân biệt, có đối đãi nên không có Hai tức là Nất Nhị.

Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói:

- Ham mộ NIẾT BÀN, nhàm chán THẾ GIAN là hai. Không ham mộ Niết bàn, không nhàm chán thế gian thì không hai. Vì sao? Vì rằng: Ai có bị trói buộc mới mong cầu mở. Người không bị buộc trói còn hy vọng mở cái gì? Không bị buộc, không cần mở, cũng không nhàm chán, không có ham mộ. Thâm ngộ chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Đây là diễn giải một chân lý siêu việt mà người tu Phật nên thấu suốt. Nói theo lẽ thông thường thì bất cứ ai tu Phật cũng đều nhàm chán cảnh thế gian dẫy đầy tội lổi xấu xa mà tìm về cảnh giới an vui tịch diệt của Niết bàn. Nếu nghĩ như thế thì nhàm chán thế gian và ham thích Niết bàn chắc chắn là Hai. Bây giờ tự hỏi tại sao lại phải nhàm chán thế gian? Phải chăng những người đó đang bị thế gian hoành hành, gánh chịu trăm điều phiền não khổ đau? Nhưng tại sao lại cũng cái thế gian nầy mà có rất nhiều người gọi nó là tội lổi xấu xa lại cũng có nhiều người sống an vui tự tại chẳng hạn như Đức Phật, các vị A La Hán hay và biết bao người khác nữa. Vậy đâu là chân lý? Hãy quay về nhìn lại có cái gì là tội lổi xấu xa trong thế gian nầy chăng? Cây cỏ, núi sông, nhà cửa, xe cộ, hảng xưởng, thức ăn, thức uống đâu có cái gì tự nó là xấu xa tội lội đâu? Cái mà con người cho rằng xấu xa tội lổi là do cái nhìn có vô minh phiền não, tham đắm của mình mà ra. Khi tâm chất đầy tham-sân-si, ái dục thì nhìn cái gì cũng mê, cũng thích, cũng muốn chiếm hữu và đây chính là những vẩn đục đeo trước con mắt của họ khiến họ nhìn thế gian là bất toàn, khổ não. Nhưng bây giờ nếu lấy cái vẩn đục kia đi và cũng nhìn cái thế gian đó với tâm trong sáng, thanh tịnh, không còn vô minh phiền não thì cái tội lổi khổ đau biến mất và thế giới nầy trở thành cực lạc. Vậy ai cột trói mình? Chính mình tự cột trói lấy mình, tự mình chuốc lấy bao hệ lụy của phiền não khổ đau, chính mình chạy theo tham-sân-si, mạn nghi, tà kiến chớ đâu phải thế gian. Nếu mình tự trói buộc mình thì chính mình tự cởi trói lấy. Còn nếu sống an vui tự tại, tâm hằng thanh tịnh nghĩa là tự mình không trói mình thì cần gì phải cởi trói.

Tóm lại nếu không buộc thì không cần mở, không nhàm chán thế gian thì chẳng cầu mong ham mộ Niết bàn nghĩa là không còn vô minh phiền não tức là có Niết bàn rồi cần gì phải cầu với mong, chứng với đắc cho nên thế gian, Niết bàn là không Hai tức là Bất Nhị.

Bồ-tát Châu Đảnh nói:

- CHÁNH ĐẠO và TÀ ĐẠO là hai. Trụ ở chánh đạo thì không phân biệt tà hay chánh. Do ly cái tướng hai, tôi thể nhập Pháp môn không hai.


Tuy đạo Phật là đạo của từ bi, nhưng không vì thế mà người nào cũng được Đức Phật độ. Từ khi Đức Phật Thích Ca thành đạo đến nay thì đạo Phật chỉ độ cho những ai có duyên với Phật pháp và không thể nào độ cho người vô duyên được. Vì thế nếu theo học với chánh pháp, sống với chánh pháp thì người đó là chánh đạo. Ngược lại có người theo những tôn giáo khác thì gọi là ngoại đạo và nếu là những tôn giáo cực đoan thì gọi là tà đạo. Nếu đứng về hình tướng thì thấy có chánh có tà, có tốt có xấu vì chúng ta còn tâm phân biệt, nhưng đứng về Thể Tánh, Thật Tướng thì tất cả chúng sinh nào có khác gì nhau, cùng có Phật Tánh cho dù là người tà đạo. Do đó nếu nhìn thấu suốt qua hình tướng để vào Bản Thể Chân Như thì không thấy có chánh có tà nghĩa là chẳng phải Hai mà cũng chẳng phải một tức là Bất Nhị, là không Hai. Mặc dù Phật giáo không những có trước những tôn giáo khác trên năm sáu trăm năm mà còn có thể phát triển và duy trì mà không bao giờ dùng đến bạo lực và không hề bị hoen ố bởi những cuộc chiến tranh tôn giáo và thánh chiến. Ngày nay có những tôn giáo rất cực đoan đã và đang tàn sát những tôn giáo khác. Họ có những niềm tin rất điên cuồng phát sinh từ tính độc tôn đố kỵ làm cho nhân loại phải sống trong khổ đau như thế giới hiện nay. Cho dù thế gian có xoay vần thế nào đi chăng nữa, Phật giáo luôn khuyên người tu Phật luôn trụ nơi chánh đạo thì không còn phân biệt chánh hay tà. Nói một cách khác khi trụ nơi chánh đạo là trụ nơi thật Tướng thì vạn pháp là không. Không còn thấy tướng thì không có phân biệt đối đãi mà sống với căn bản trí hay vô phân biệt trí thì chẳng còn thấy chánh và cũng chẳng thấy tà tức là Bất Nhị. Vì thế thay vì ghét hay kỳ thị tà đạo, người trụ ở chánh đạo là người đang sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình luôn dùng tâm từ bi mà đối xử tốt với họ vì họ là những người đáng thương, là những chúng sinh đi lầm đường lạc lối cũng vì bị vô minh che lấp. Nên nhớ đây là giáo lý liễu nghĩa thượng thừa để đưa người tu viên thành Phật quả. Còn giáo lý nhân thừa hay giáo lý hữu vi, giáo lý tục đế thì người Phật tử có biểu tình, có đấu tranh, có chết chóc, có ta có người, có tốt có xấu tức là có Hai. Do đó Bất Nhị là thanh tịnh, là an vui tự tại. Còn có Hai là còn đau khổ chập chồng.

Bồ-tát Nhạo Thật nói:

- THẬT và KHÔNG THẬT là hai. Thật thấy hãy còn không thấy thật huống hồ không phải thật. Vì sao? Vì cái thấy của nhục nhãn không thể thấy đúng chân lý. Chỉ có tuệ nhãn mới thấy đúng chân lý. Tuệ nhãn không thấy gì hết nhưng không có gì
không thấy. Do tỏ ngộ chân lý đó, tôi thể nhập Pháp môn không hai.

Trước hết hãy tìm hiểu thế nào là thật thấy và thấy thật. Khi mở mắt hằng ngày chúng ta thấy tất cả vạn pháp như con người, xe cộ, nhà cửa, vật dụng, máy bay, cây cỏ, núi sông, mặt trời, mặt trăng… thì tin chắc là thật thấy những hiện tượng nầy. Thí dụ như nhìn chiếc xe thì biết chắc rằng đó là chiếc xe vì nó là chiếc xe chớ không phải cái nhà. Vật thể là của thiên nhiên, nhưng con người đặt cho nó cái tên rồi tin chắc nó là cái tên mà họ đã đặt cho. Thí dụ như một người khi còn ở Việt Nam có tên là Sơn, nhưng khi qua định cư ở Mỹ liền đổi lại thành Sam như thế thì tên nào là tên thật của anh ta? Chẳng có cái tên nào là tên thật cả. Nếu là tên thật thì không bao giờ có thể gọi được vì là vô hình vô tướng thì làm sao đặt tên được do đó hôm nay gọi là Sam, ngày mai nổi hứng gọi là Jimmy hay John cũng vậy thôi. Cái mà con người tin chắc là thật thấy thì thật ra chỉ là giả thấy mà thôi. Thí dụ như ra sau vườn thì thấy một đóa hoa rất xinh đẹp vừa mới nở. Do đó ai dám bảo thấy đóa hoa là không thật thấy. Nhưng một tuần sau thì cũng nơi đó mà đóa hoa tan tả biến mất. Thế thì cái thật thấy nầy chỉ là cái thấy của sự biến đổi sinh diệt của nhân sinh vũ trụ chớ không có gì là thật thấy cả. Vì ngay trong thời điểm chúng ta thấy vật đó thì chính nó đang tự hủy hoại rồi. Còn thấy thật thì như thế nào? Tất cả vạn pháp trên thế gian vũ trụ nầy là do duyên sanh mà thành chớ không có vật gì tự nó có thể phát triển hay tồn tại được nên tất cả vạn pháp là vô ngã, là sinh diệt tức là Không. Khi thấy rằng thật tướng của vạn pháp là không tướng tức là tướng không sanh, không diệt thì cái thấy nầy mới gọi là thấy thật. Cái thật tướng nầy là tướng vô, là không có hình tướng thì mắt thường làm sao thấy được. Nhưng cũng chính cái tướng vô nầy mà do nhân duyên hòa hợp lại tạo thành tất cả. Do đó muốn thấy thật cái tướng vô nầy thì phải dùng con mắt trí tuệ (tuệ nhãn) để tư duy, quán chiếu mà nhận biết nó thì cái thấy biết nầy mới là thấy thật vậy. Khác với nhục nhãn là thấy biết những hiện tượng sinh diệt, tuệ nhãn có thể thấy biết không tướng, thật tướng của vạn pháp. Vì là không tướng, không hình không sắc nên không thấy gì hết, nhưng chính cái không tướng nầy là chân Không bao trùm khắp vũ trụ nên mặc dù không thấy nhưng đây mới chính là thấy tất cả. Các vị Phật và Bồ-tát thì các Ngài đâu có mở mắt lớn như phàm nhân mà họ thấy tất cả, thấy thấu suốt cả tam thiên đại thiên thế giới cũng vì các Ngài dùng tuệ nhãn và Phật nhãn. Còn chúng sinh thì lúc nào mắt cũng mở to mà thấy biết lầm lẩn, cái thấy là thấy bởi vô minh vọng thức nên mặc dù chúng sinh có thấy thật nhưng không thật thấy. Nói tóm lại mọi vật thể trên thế gian là giả tạm, là sinh diệt, là mong manh nên mất đi rất dễ dàng vì thế con người thật thấy hình tướng diện mạo của nó mà thật ra là không thấy thật. Chỉ khi nào con người thấy được chân Không, thật Tướng của vạn pháp thì bây giờ mới gọi là thấy thật, thấy đúng chân lý, thấy không có phân biệt đối đãi là Bất Nhị tức không Hai.

Các Bồ-tát mỗi mỗi đều trình bày pháp môn sở ngộ và kết quả đều cùng đến một mục đích: thể nhập Pháp môn không hai.

Trên đây là ba mươi mốt cái nhìn về sự đối đãi, phân biệt, là Hai của ba mươi mốt vị Bồ-tát. Thật ra hiện tượng của thế gian là vô cùng vô tận, nhưng đại để ba mươi mốt thí dụ trên giúp chúng sinh phản tỉnh hồi đầu để thấy rằng thấy có Hai chính là nguyên nhân của tất cả vô minh phiền não khổ đau mà con người đã gánh chịu bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Thí dụ thấy có ta và những người khác không phải là ta là thấy có Hai. Vì thấy có mình có người nên con người làm mọi cách để bảo vệ mình ngay cả lợi mình mà hại người họ cũng làm. Con người có thói quen tin tưởng vào những giác quan và ý thức tầm thường mà phân biệt mọi vật có hình tướng khác nhau như lớn nhỏ, đẹp xấu, thiện ác, trong ngoài, thật giả, tối sáng… mà tin chắc cái thế giới hữu hình, vô ngã, vô thường, sinh diệt nầy là bền chắc, là trường tồn bất biến mà chạy theo cái tốt, cái đẹp làm cho cuộc sống thiếu thăng bằng. Bây giờ nếu chúng sinh biết thức tỉnh không nhìn thế gian bằng nhục nhãn mà bằng tuệ nhãn để nhìn thấu suốt qua hình tướng sinh diệt bên ngoài mà vào thẳng vào Thể Tánh, Thật Tướng của vạn pháp, vào Bản Thể Chân Như thì không thấy hai và cũng không thấy một mà chỉ thấy tất cả là Không. Đó chính là chẳng phải hai, chẳng phải một mà là Bất Nhị tức không Hai. Khi tâm không còn phân biệt đối đãi, không còn có Hai thì con người đang sống với căn bản trí hay vô phân biệt trí của mình. Đây chính là sống với chơn tâm, với tự tánh thanh tịnh bản nhiên, với tâm bình đẳng không còn thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt, không còn thấy sự sai khác của vạn pháp vì hình tướng bề ngoài tuy khác biệt nhưng Thể Tánh bên trong vẫn là một nghĩa là Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc để thương yêu hết tất cả mọi người và biến cuộc đời xấu xa tội lổi nầy thành cảnh giới an vui tự tại.

Bây giờ trưởng giả Duy Ma Cật nói:

Các Bồ-tát trong hội này đã nói hết rồi. Vậy xin Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi phát biểu phương pháp thể nhập Pháp môn không hai của một Bồ-tát.

Bồ-tát Văn Thù nói:

- Theo ý tôi, tất cả pháp không nói được hết, không bàn tột được, không chỉ đúng được, không giải thích trọn vẹn được. Vì vượt ra ngoài những câu vấn đáp của ngữ ngôn văn tự. Khế hội chân lý đó thì đó là yếu tố thể nhập Pháp môn không hai.


Ba mươi mốt vị Bồ-tát lần lượt trình bày về phương pháp chứng nhập pháp môn không Hai. Tất cả đều dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn tả về cách thể nhập pháp môn không Hai nầy dựa theo kinh nghiệm riêng của họ. Đến lượt Bồ-tát Văn Thù là vị đại Bồ-tát, có trí tuệ lớn nhất trong các hàng Bồ-tát thì nói rằng muốn thể nhập pháp môn không Hai thì phải lìa xa tất cả vô ngôn, vô thuyết, vô thị vô thức, lìa cả nơi vấn đáp. Nói một cách khác chính mình phải trải qua kinh nghiệm sống và phải tự chứng mới biết được rõ ràng cái thực Thể bất sanh bất diệt tiềm ẩn trong tất cả mọi chúng sinh. Thí dụ như có người đang uống một tách trà nóng rất thơm ngon thì chỉ có người đó là biết cái nóng và vị thơm ngon của trà như thế nào mà thôi cho nên cổ nhân mới có câu: “Như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” là vậy. Khi thưởng thức cái hương vị trà nóng nầy phát sinh những cảm giác khoái lạc rung động trong tâm thức và không một ai kể cả người nầy có thể diễn tả được cái cảm giác thật đó được. Vì thế cái biết thật thì không thể diễn tả được còn cái có thể diễn tả được thì chắc chắn không phải là cái biết thật. Đó là lý do tại sao sau bốn mươi chín năm ròng thuyết pháp độ sinh mà chính Đức Phật nói rằng: “Ta chưa hề nói một chữ” là vậy. Không riêng gì Đức Phật thể nhập pháp môn Bất Nhị, ngay cả Đức Lảo Tử cũng viết trong Đạo Đức Kinh như sau: “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” nghĩa là đạo mà nói ra được thì không phải đạo và tên mà nói ra được thì không phải là tên. Tuy Bồ-tát Văn Thù biết phải lìa xa ngôn tự, vấn đáp mới thể nhập pháp môn Bất Nhị, nhưng chính Ngài cũng dùng ngôn ngữ, lời nói để nói, để trả lời về cái mà ngôn ngữ, lời nói không thể diễn tả được.

Bấy giờ Bồ-tát Văn Thù hỏi ông Duy Ma Cật:

- Thưa cư sĩ! Chư Bồ-tát đã trình bày xong. Giờ đây, xin nhơn giả cho biết cao kiến của ngài về phương pháp thể nhập Pháp môn không hai của một Bồ-tát?

Ông Duy Ma Cật lúc bấy giờ điềm nhiên an tọa. Đại chúng cả hội trường như nín thở trông chờ…

Ông Duy Ma Cật vẫn im lặng và im lặng…


Tại sao lại phải im lặng? Vì cái mà ông thật biết thì không thể nói, không thể diễn tả được. Làm sao có thể diễn tả được Thể Tánh Chân Như? Làm sao có thể dùng ngôn ngữ hạn hẹp của thế giới hữu vi mà diễn tả cái vô vi thanh tịnh vô cùng vô tận của thế giới vô vi? Vì chân lý vượt ra ngoài ngôn ngữ thì làm sao dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn tả chân lý cho được. Vì thế cổ nhân cũng có câu: “tri giả bất ngôn” nghĩa là người biết thì không nói vì nói không được, ngược lại: “ngôn giả bất tri” nghĩa là người nói nhiều là người không biết.

Ở trên hội Linh Sơn, khi ông đại phạm Thiên Vương đem hoa sen cúng Phật, Đức Thế Tôn bèn cầm cành hoa sen đưa lên thì toàn chúng hội đều ngơ ngác, yên lặng chỉ có tôn giả Đại Ca Diếp là chúm chím mỉm cười. Vì chỉ có tôn giả mới am hiểu thâm ý của Phật. Đó là Phật muốn chỉ cái Tánh thấy, Tánh nghe, Tánh biết thường có trong tất cả mọi chúng sinh mà con người bỏ quên nó để chạy theo cái trí thức phân biệt sinh diệt giả tạm bên ngoài. Nhưng tự Tánh là chân không, là vô hình tướng thì biết mà không nói, không diễn tả được nên tôn giả chỉ mỉm cười.

Khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào Trung Hoa vào thời vua Lương Võ Đế. Sau khi được diện kiến nhà vua và thăm hỏi chư Tăng, Ni cùng Phật tử về phương cách tu học để được giải thoát giác ngộ thì Ngài rất thất vọng vì vào chùa nào và vị Tăng nào cũng đều đem kinh điển, tụng niệm ra khoe với Tổ. Quá thất vọng Tổ vào chùa Thiếu Lâm ngồi xoay mặt vào tường tham thiền nhập định suốt chín năm. Cái mà Tổ không thể nói được là muốn dạy người tu Phật phải quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình để có an lạc, có giải thoát chớ đừng nhầm lẩn kinh điển, tụng niệm là giải thoát vì nó chỉ là những phương tiện, là ngón tay chớ không phải là ánh sáng huyền diệu của mặt trăng. Mãi hai trăm năm sau, chính Lục Tổ Huệ Năng chứng minh những điều Tổ dạy là chân lý mà người đời vì chấp mà không tin theo.

Trong dáng vẻ hân hoan, cảm thông được diệu ý, Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi nói:

- Siêu tuyệt thay! Siêu tuyệt! Pháp môn không hai siêu tuyệt ! Bặt cả văn tự ngữ ngôn!
Đấy mới là cách thể nhập Pháp môn không hai! Chí Chân! Chí Thiện!


Tuy biết chứng nhập pháp môn không Hai là thể nghiệm cái mà không thể nói, không thể diễn tả được, nhưng Văn Thù Bồ-tát vẫn phải dùng ngôn ngữ để nói cái không thể nói được. Đây chỉ là phương tiện để dẫn đến một cứu cánh huyền diệu tuyệt vời để mỗi chúng sinh phải tự mình cảm nhận lấy cái nhiệm mầu nầy. Chính pháp môn không Hai mới là cứu cánh giải thoát để đưa chúng sinh xa lìa chấp ngã, chấp pháp, chấp có, chấp không mà hướng về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình. Đức Phật cũng phải dùng phương tiện để diễn tả cái không thể diễn tả được nên chính Ngài cũng tạm gọi nó là Chơn tâm trong Kinh Lăng Nghiêm, Tri Kiến Phật trong Kinh Pháp Hoa, Phật Tánh trong Kinh Đại Niết Bàn, Trí Huệ Phật trong Kinh Hoa Nghiêm hay Như Lai Viên Giác Diệu Tâm trong Kinh Viên Giác. Cho dù có gọi nó là gì đi chăng nữa thì chỉ khi nào chúng sinh diệt trừ hết mọi vô minh phiền não, hết tâm phân biệt đối đãi thì tự mình cảm chứng thế nào là Phật Tánh, là Chơn tâm mà thôi. Chân lý nầy mới là chí chân, chí thiện vậy.

Sau khi trình bày những nguyên do và tâm đắc của mình trong quá trình Thể Nhập Pháp Môn Không Hai của ba mươi mốt Bồ-tát. trong số hội chúng có năm ngàn Bồ-tát tỏ ngộ vô sanh pháp nhẫn đồng thể nhập Pháp môn không hai.

Phần Tổng Luận
Con người sống trong thế gian nầy luôn dính liền với phiền não khổ đau, nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi tại sao mình phải đeo mang những hệ lụy nầy? Làm sao phá tan được cái ách của vô minh phiền não để có cuộc sống an vui tự tại, cuộc sống vị tha vô ngã? Thật ra cái ách mà con người đeo mang từ bao nhiêu kiếp cũng chỉ vì chúng sinh có tâm phân biệt, đối đãi tức là có Hai và từ đó mới sinh ra tính ích kỷ, đố kỵ, cố chấp và mở tung cánh cửa tham-sân-si, mạn nghi, tà kiến để hứng chịu bao nhiêu gió bụi trần làm cho cuộc đời thêm đau khổ. Vì con người nhìn đâu, thấy đâu cũng có Hai nghĩa là còn thấy có cao có thấp, có tốt có xấu, có xanh có đỏ, có trắng có đen, có thiện có ác, có giàu có nghèo, có mình có người, có thân có sơ, có quen có lạ, có xuất gia tại gia, có chùa lớn chùa nhỏ, có Phật đứng Phật ngồi, có nước nầy nước kia, có da trắng da đen, có da vàng da đỏ là còn có tâm phân biệt đối đãi của tất cả mọi hiện tượng của thế gian pháp nên con người còn đau khổ dài dài. Chân lý ở đây không phải là không thấy có sự khác nhau về hình tướng của vạn pháp mà là không chấp vào sự khác biệt về hình tướng đó. Thí dụ như khi nếm một món ăn thì dĩ nhiên ai ai cũng biết là món nầy ngon hay dở, mặn hay lạt. Cái Tánh biết ban đầu không có gì tai hại cả, nhưng sau khi tâm thức ghi nhận cái cảm giác ban đầu là món nầy ngon hay món kia dở thì tâm mới phân biệt tạo thành ý niệm ham muốn chạy theo món ngon mà chê bai món dở. Cái thích hay không thích mới chính là cội nguồn của phiền não khổ đau vì nó là khởi niệm của tham-sân-si. Do đó nếu nếm mà biết món nầy thì ngon vừa ăn, còn món kia hơi mặn thì không có gì phiền não cả. Còn chê món nấu hơi mặn mà thích ăn món thơm ngon là có khổ đau. Món mặn ăn ít, món ngon ăn nhiều, không phàn nàn là có an lạc. Phải ý thức thật rõ ràng rằng con người còn sống là phải có cảm giác, có ý thức, nhưng đây chỉ là những Tánh thấy, Tánh biết, Tánh nghe thì tự nó không có phân biệt đối đãi hay vô minh phiền não tức là Hai. Nhưng nếu con người chạy theo những dục vọng của cảm giác hay tham vọng của ý thức thì đây mới chính là Hai tức là có sự phân biệt đối đãi. Thí dụ nhìn vườn hoa thì thấy nào là hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa lan, hoa huệ, hoa dạ lý, là trăm hoa đua nở thì cái thấy nầy là Tánh thấy nên không có phân biệt đối đãi, không ô nhiễm. Tuy nhiên nếu thấy hoa hồng đẹp hơn hoa cúc, hoa dạ lý thơm hơn hoa thược dược rồi đam mê thích thú hoa hồng hay hoa dạ lý thì bây giờ cái thấy nầy mới có phân biệt đối đãi, mới tai hại. Nên nhớ tất cả vạn pháp trong thế gian vũ trụ nầy là do duyên khởi tạo thành nên có đủ muôn hình vạn tướng. Do đó hình tướng, vật thể là của trời đất chớ đâu phải là của ta cho nên mỗi thứ có mỗi đặc tính riêng biệt mà thứ khác không có được. Vậy chê vật nầy, thích vật kia là đi ngược lại với sự sinh tồn của trời đất và dĩ nhiên phiền não chắc phải đeo mang.

Để dẫn dắt chúng sinh thấu hiểu nguyên lý Bất Nhị tức là chứng nhập pháp môn không Hai trước hết ba mươi mốt vị Bồ-tát lần lượt dùng ngôn ngữ mà diễn tả về ba mươi mốt phương cách khác nhau để chứng nhập pháp môn không Hai. Đây là những thí dụ rất thực tế mà chúng sinh thường đối diện trong cuộc sống hằng ngày. Khi đã thấu hiểu thuần thục ba mươi mốt trường hợp đó thì chúng sinh sẽ dễ dàng nhận biết và ứng dụng lối phân tích lìa Sự Tướng nhập Bản Thể cho bất cứ trường hợp nào trên thế gian nầy. Để áp dụng nguyên lý Bất Nhị vào trong cuộc sống được rốt ráo thì người tu Phật đừng nhìn cuộc đời bằng hai mặt đối đãi như tốt xấu, thiện ác, giàu nghèo, thân sơ, tại gia xuất gia… vì đó là cái nhìn nhục nhãn dựa theo hình tướng biến đổi sinh diệt bên ngoài nên chưa được hoàn hảo, dễ bị sai lầm. Muốn có cái nhìn chính xác, hoàn mỹ thì con người phải dùng mắt trí tuệ để chiếu soi mà nhận biết rằng tuy chúng sinh, vạn vật, vũ trụ có hình dáng khác nhau, tính nết khác nhau, nghiệp báo nặng nhẹ khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một cái rất thiêng liêng, cao cả mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả được nên chính Đức Phật tạm gọi nó trong Kinh Lăng Nghiêm là Chơn Tâm, Kinh Pháp Hoa là Tri Kiến Phật, Kinh Đại Niết Bàn là Phật Tánh, Kinh Hoa Nghiêm là Trí Huệ Phật và Kinh Viên Giác là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Đây chính là tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là cái bản lai diện mục nghĩa là gương mặt thật sẳn có muôn đời trong tất cả mọi chúng sinh. Nếu có thể nói được, diễn tả được thì Đức Phật chỉ gọi một tên là đủ chớ đâu cần phải nói nhiều cái tên như thế. Nói nhiều tên mà không có cái tên nào là tên thật cả. Chỉ khi nào chúng sinh tự mình thể chứng được sự thanh tịnh, tịch diệt của tâm thức thì chính họ sẽ biết cái tên nào là tên thật. Ba mươi mốt vị Bồ-tát thực hành chứng nhập pháp môn không Hai chỉ là phương tiện để giúp chúng sinh phân tích mà tự mình nhận biết sự nhiệm mầu của pháp môn không Hai. Cũng như kinh điển, tụng kinh, niệm Phật, thiền quán chỉ là chiếc bè, là ngón tay, là phương tiện để giúp chúng sinh tự mình nghiệm chứng sự huyền diệu trong thế giới vô vi thanh tịnh của Niết bàn. Khi con người có tâm bình đẳng để không còn thấy thế gian có sự khác nhau thì họ sẽ không còn thù hận, không còn bất mãn, không chạy theo sang giàu bỏ người nghèo khó, không mù quáng chạy theo tham dục mà quên đi sự an vui tự tại của sự thanh nhàn. Không xét người qua chiếc áo mà thương yêu chúng sinh vì lòng từ bi vô ngã bên trong. Không dùng xảo ngôn để đánh bóng cuộc đời mà dùng lời chân thật để đối xử nhau. Không tranh giành chiếm đoạt, hại người lợi mình mà gây ra nghiệp. Đem hòa bình thay thế chiến tranh đau thương tan tóc. Được như vậy thì sẽ không còn đau khổ, không còn tranh chấp, không còn kỳ thị cũng như trăm sông cùng đổ về biển lớn nghĩa là không còn nhìn thấy sự khác biệt đối đãi của hình Tướng mà nhìn thẳng vào Bản Thể của vạn vật thì con người mới thể nhập nguyên lý Bất Nhị được.

Ngay cả khi nói chứng nhập pháp môn không Hai thì chính nó đã có đối đãi rồi vì nói chứng nhập thì phải có đối lại là không có chứng nhập, vì thế ngôn ngữ văn tự chỉ là phương tiện cho nên con người còn kẹt vào văn tự cho dù đó là áng văn gì hay viết theo triết lý, văn chương bóng bẩy gì đi chăng nữa thì cũng không bao giờ gột rửa chân lý của nó được. Trời đất thì muôn sinh vạn biệt, nhưng pháp môn không Hai giúp chúng sinh dần dần bỏ đi tính phân biệt, chấp trước. Càng bỏ nhiều chấp có, chấp không, chấp ngã, chấp pháp thì càng có nhiều an vui tự tại. Sau cùng lìa xa tất cả các chấp thì vĩnh viễn sẽ có được Niết bàn an lạc. Một lần nữa câu: “tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” là chân lý vĩnh hằng trong mọi cảnh, mọi người.

Một khi hành thâm bát nhã ba-la-mật-đa để soi thấy rằng vạn pháp là không nghĩa các pháp thế gian và xuất thế gian đều là không thì ông Duy Ma Cật còn gì phải nói. Tất cả là không nghĩa là thật tướng của vạn pháp là vô tướng mà vô tướng, chân không thì làm sao diễn tả. Hễ nói là xa chân lý vì thế tuy ông không nói một lời nhưng đó mới là tiếng nói của Chơn tâm, của Phật tánh thanh tịnh vĩnh hằng trong tất cả chúng ta.

Đến đây thì không còn ngôn ngữ để nói, văn tự để diễn tả mà chỉ còn nghiệm chứng sự huyền diệu, thanh tịnh, an lạc trong tâm thức mà thôi. Đây mới chính thật là chứng nhập pháp môn không Hai vậy.

|