A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

     




Lời nói đầu

Phần Giới Thiệu

Tiểu Sữ Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Phẩm Phật Quốc

Phẩm Phương Tiện

 

 

Chương Thứ Mười Hai

Phẩm Thấy Phật A Súc

(Thấy VÔ ĐỘNG NHƯ LAI Và Thế Giới DIỆU HỈ)
(Vision of the Universe Abhirati and the Tathagata Aksobhya)

Đức Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng:
- Muốn thấy một Như Lai ông phải quán sát như thế nào để được thấy?

- Bạch Thế Tôn! Muốn thấy Như Lai con vận dụng pháp quán chiếu y như quán thật tướng của chính mình. Con quán Như Lai thời gian trước không có đến. Thời gian sau không có đi. Thời hiện tại không trụ.

Quán Như Lai con không dựa trên sắc cũng không dựa trên thể chơn như của sắc, không dựa trên tánh của sắc, thọ, tưởng, hành cũng vậy. Cho đến không dựa trên thức mà quán cũng không dựa trên thể chơn như của thức, không dựa trên tánh của thức. Vì Như Lai không phải do tứ đại khởi sanh. Như Lai giống như hư không, nhưng không phải hư không. Như Lai không tương quan lục nhập và vượt ra ngoài nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Như Lai không ở trong tam giới, xa lìa ba cấu, thuận theo tam giải thoát môn. Như Lai đầy đủ tam minh, bình đẳng với vô minh. Như Lai không phải tướng một, không phải tướng khác, không phải tướng tự. Không phải tướng tha, Không phải tướng hữu. Như Lai không phải bờ bên này, không phải bờ bên kia cũng không phải giữa dòng mà vẫn thành tựu nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh.

Quán Như Lai tịch diệt mà không vĩnh viễn vắng lặng. Như Lai không kia, không đây, không lấy kia, không lấy đây. Như Lai không thể dùng trí mà nhận biết, không thể dùng thức mà phân biệt. Như Lai không phải là tối mà cũng không phải sáng. Như Lai không tên, không tướng, không mạnh, không yếu, không tịnh, không uế. Như Lai không ở trong phương hướng, mà cũng không rời phương hướng. Không phải hữu vi cũng không phải vô vi. Không thể chỉ bày, không thể diễn nói. Như Lai không phải bố thí cũng không phải bỏn sẻn. Không phải trì giới, không phải phạm giới. Không phải nhẫn nhục, không phải sân nộ. Không phải tinh tấn, không phải giải đải. Không phải định tâm, không phải loạn ý. Không phải trí tuệ mà không phải ngu si. Như Lai không thật mà không dối. Không đến cũng không đi. Không ra cũng không vào. Tất cả ngôn ngữ không thể diễn đạt thấu đáo thật nghĩa Như Lai.

Như Lai, không phải phước điền, không phải không phước điền. Không phải bậc nên cúng dường, không phải không cúng dường. Không phải lấy, không phải bỏ. Không phải tướng có cũng không phải tướng không.

Quán Như Lai hòa đồng chân lý, bình đẳng như pháp tánh, không thể cân, không thể lường, vượt quá cân lường. Như Lai không lớn, mà không phải nhỏ. Như Lai, không thể dùng cái thấy để thấy. Không phải dùng cái nghe để nghe. Không thể dùng tri giác để khái niệm. Không thể dùng tri thức để nhận biết. Như Lai rời ngoài các ràng buộc, đồng với các trí, bình đẳng như chúng sinh. Đối với các pháp không có sự phân biệt. Như Lai đối với tất cả, không lỗi, không trược cấu, không não phiền. Như Lai không có tác giả, không có mới khởi đầu, không sanh, không diệt, không có sợ, không có lo, không mừng, không nản, không phải đã có, không phải sẽ có, không phải đang có. Không thể dùng lời lẽ diễn đạt hay chỉ bày.

Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật thưa: Thân Như Lai là thế đấy. Quán Như Lai phải quán như thế đấy. Do quán như thế mà con thật thấy Như Lai. Và người nào quán Như Lai như thế, gọi là quán đúng, nếu quán khác là quán sai, không thể thấy Như Lai đích thực.


Tiếng Phạn A Súc có nghĩa là Vô Động hay Bất Động. Vậy Phật A Súc là Phật chẳng hề chuyển động, không tới mà chẳng lui, vắng lặng thường còn là muốn ám chỉ cho Pháp thân bất sinh bất diệt trong tất cả mọi chúng sinh.

Thế nào gọi là quán để thấy được Như Lai? Quán là quán chiếu, là dùng trí mà soi rọi vào nội tâm thay vì cái thấy của mắt nghĩa là biến tánh thấy trở thánh cái thấy bằng trí. Theo Sự Tướng thì Như Lai là Đức Phật Thích Ca hay mười phương chư Phật. Còn nói theo Bản Thể thì Như Lai chính là Thật Tướng, là Pháp thân, là Pháp Tánh của tất cả các pháp trong thế gian vũ trụ này. Thật Tướng chính là cái Không, là cội nguồn sinh ra tất cả tức là cái Có. Nói một cách khác con người là “hiện tượng tùy duyên” của Thật Tướng và Thật Tướng là “bản thể bất biến” của con người. Vì thế kinh có câu: “Vô Sở Tùng Lai Nhi Vô Sở Khứ” nghĩa là không từ đâu mà đến và cũng chẳng đi về đâu thì gọi là Như Lai.

Vì Pháp thân là thường trụ nên Pháp thân ở khắp mọi nơi. Cho dù Phật nhập thế cứu độ chúng sinh thì Pháp thân cũng không tăng hay Phật có xuất thế thì nó cũng không giảm, lúc nào cũng vậy mà thôi. Cái Pháp thân nầy Phật và chúng sinh đều có như nhau, nhưng ở Phật thì nó sáng suốt chiếu soi rực rỡ còn ở chúng sinh thì nó bị vô minh che mờ nên không hiển lộ. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” nghĩa là trong thế gian này bất cứ cái gì có hình tướng, màu sắc, âm thanh, ngôn ngữ, văn tự, kích thước, trọng lượng đều là giả huyễn, là sinh diệt, là không thật chỉ khi nào thấy được Thật Tướng là Tướng Không nằm ẩn dưới hình tướng bên ngoài thì thấy được Như Lai tức là thấy được Chân lý vậy. Như thế thì Như Lai là “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” nghĩa là Như Lai thọ lượng vô thỉ vô chung, vô cùng vô tận.

Bấy giờ ông Xá Lợi Phất hỏi ông Duy Ma Cật:
- Thưa ngài Duy Ma Cật! Ngài mất ở cõi nào mà lại sanh đến thế giới Ta bà này?

Ông Duy Ma Cật hỏi lại:
- Thưa ngài Xá Lợi Phất! Pháp của ngài chứng đắc có mất và có lai sanh chăng?

- Pháp của tôi chứng đắc, không có lúc nào mất và cũng chẳng có lúc nào lai sanh.

- Nếu các pháp không có tướng mất và tướng lai sanh. Vậy cớ sao ngài hỏi tôi rằng:
“Ngài mất từ cõi nào, lai sanh đến thế giới này?” Xá Lợi Phất! Ngài nghĩ thế nào? Ví như huyễn thuật sư làm ra người nam hay người nữ, vậy những con người đó có “mất” hay “lai sinh” không?

- Không có mất và không có lai sinh.

Xá Lợi Phất! Ngài há chẳng nghe Phật dạy: “Các pháp, tướng nó như huyễn chăng?”.

- Đúng vậy, tôi có nghe.

- Nếu tất cả pháp, tướng như huyễn, thì tại sao ngài hỏi tôi mất ở thế giới nào, lai sinh đến cõi này?

Này! Ngài Xá Lợi Phất! Mất là cái tướng tan rã của pháp hư dối, sanh là cái tướng tương tục của các pháp hư dối. Bồ-tát dù mất mà không dứt hết gốc lành, dù sanh mà không cho sanh trưởng gốc ác.


Cái nhìn của ông Xá Lợi Phất là cái tướng đối tượng thấy của “nhục nhãn” dựa trên hiện tượng vạn pháp hữu vi sinh diệt. Còn ông Duy Ma Cật sử dụng “tuệ nhãn” mà thấy bản thể thanh tịnh bất sinh bất diệt thì làm gì có “Sanh” hay “Chết”. Bởi vì “Chết” là cái tướng tan rã và “Sanh” là cái tướng tương tục của các pháp hữu vi hư huyễn còn Thật tướng, Pháp thân thì như như bất động, trước sao sau vậy thì làm gì có sinh có tử. Cũng như Đức Phật Thích Ca, khi có duyên thì Pháp thân thành ra Ứng thân để cứu độ chúng sinh và khi duyên hết thì ứng thân mất, tan rã mà trở lại với Pháp thân thanh tịnh của chư Phật. Nói theo Pháp giới duyên khởi thì khi có duyên thì “bất biến mà tùy duyên” trở thành Phật Thích Ca. Còn khi hết duyên thì “tùy duyên mà bất biến” nghĩa là Phật Thích Ca nhập diệt bên hai cây Sa La Long Thọ mà trở về với Pháp thân của chư Phật vậy thôi. Do đó người trí thì việc sống chết, sanh diệt, mất còn chẳng có gì quan trọng vì tất cả chỉ là “hiện tượng duyên khởi” chớ thật ra không có cái gì là thật sanh hay thật mất cả.

Bấy giờ Đức Phật bảo ông Xá Lợi Phất rằng:
- Có cõi nước tên Diệu Hỉ, Đức Phật hiệu Vô Động là giáo chủ. Ông Duy Ma Cật từ cõi nước đó mất là lai sinh đến cõi này.

Ông Xá Lợi Phất nói:
- Thật là việc chưa từng có. Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật lại có thể bỏ quốc độ thanh tịnh, đến cõi Ta bà để vui nhận ở nơi cảnh giới có nhiều sân nộ và ác hại này!

Ông Duy Ma Cật bảo:
- Xá Lợi Phất! Ngài nghĩ thế nào? Lúc mặt trời soi sáng thì không còn tối được nữa.
- Đúng vậy, thưa ngài Xá Lợi Phất! Hễ ánh sáng soi thì bóng tối diệt. Bồ-tát dù sanh ở cõi Phật không thanh tịnh là vì mục đích giáo hóa chúng sinh nhưng không thể hợp chung với những gì tối tăm nhu độn. Ngược lại, Bồ-tát dạy cho chúng sinh diệt hết phiền não ngu tối của họ mà thôi.


Dựa theo câu hỏi trên thì tâm ông Xá Lợi Phất vẫn còn phân biệt đối đãi, còn thấy có “sanh” và “chết”, có cõi “thanh tịnh Diệu Hỉ” và “thế giới xấu xa Ta bà”. Tuy đã qua khỏi phẩm Bất Nhị mà ông Xá Lợi Phất vẫn còn nghĩ có cõi Tịnh độ và có thế giới xấu xa, ô trược. Đối với phàm nhân vì vô minh che lấp nên mới thấy có tốt có xấu, có tịnh có nhiễm, còn Bồ-tát thị hiện vào cõi Ta bà là vì bản nguyện muốn cứu giúp chúng sinh nên tâm hằng thanh tịnh, không hề bị nhiễm ô trần cấu bất tịnh của thế gian cũng như hoa sen thơm ngát vươn lên từ trong bùn tanh hôi hám.

Bấy giờ đại chúng khát ngưỡng muốn thấy thế giới Diệu Hỉ và Đức Vô Động Như Lai cùng chư Bồ-tát, Thanh văn cõi ấy.

Đức Phật biết ý niệm của đại chúng bèn gọi ông Duy Ma Cật bảo:

- Thiện nam tử! Đại chúng trong hải hội muốn thấy Đức Vô Động Như Lai và cõi nước Diệu Hỉ cùng chư Bồ-tát, Thanh văn ở thế giới kia. Ông hãy giúp cho hải hội hiện tiền đều được thấy!

Bấy giờ, ông Duy Ma Cật nghĩ bụng rằng: Ta sẽ không rời khỏi chỗ này, tiếp nhận thế giới Diệu Hỉ đem về đây. Ta sẽ dời tất cả Thiết vi sơn, Tu di sơn và tất cả núi lớn, núi nhỏ, biển cả, sông ngòi, nguồn lạch, suối khe, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Tiếp nhận thiên cung, long cung, quỷ thần, Phạm thiên cung…
Tiếp nhận các chúng Bồ-tát, Thanh văn cả thành ấp, tụ lạc, nam nữ lớn nhỏ. Tiếp thỉnh Đức Vô Động Như Lai, cây Bồ-đề và các diệu liên hoa và những người có thể làm Phật sự trong mười phương. Tiếp nhận ba đường hành lang báu thông đồng từ cõi Diêm phù để thẳng lên cõi trời Đạo lợi. Trên hành lang báu này chư Thiên tấp nập xuống lên kính lễ Đức Vô Động Như Lai, nghe học lãnh thọ kinh pháp. Người cõi Diêm phù đề cũng rộn rịp trên hành lang tiến bước hướng về cõi trời Đạo Lợi và mọi người đều thấy rõ hàng chư Thiên ở thế giới Diệu Hỉ, họ hoàn thành những công việc công đức lớn lao vô lượng như thế. Ta sẽ tiếp thụ trên từ cõi sắc cứu cánh dưới tột cùng mé thủy luân, để lên tay mặt của ta y như người thợ gốm ngắt bớt mật mẫu đất thừa. Dời tất cả những cảnh giới gần xa, đem về sáp nhập thế giới này như cầm một tràng hoa đẹp trên tay, giới thiệu chỉ bày cho toàn thể đại chúng trong hải hội.

Ông Duy Ma Cật nghĩ như thế rồi liền nhập tam muội, hiện sức thần thông. Dùng tay mặt cắt lấy thế giới Diệu Hỉ đem về sáp nhập vào cõi Ta bà. Những hàng Bồ-tát, Thanh văn, chư Thiên có chứng đắc thần thông, đồng thanh kêu lên lời cầu cứu:” Thế Tôn! Ai lấy chúng con đem đi. Mong Phật cứu hộ”.

Đức Vô Động Như Lai nói:
- Việc đó không phải ta làm. Do thần lực của ông Duy Ma Cật, ông ấy đang làm chuyện đó, để phục vụ khai ngộ và giáo hóa chúng sinh.

Những người chưa được thần thông thì không hề hay biết về sự việc như thế đã xảy ra.

Thế giới Diệu Hỉ dù được đem sáp nhập cõi Ta bà, mà thế giới Ta bà không bị giản rộng ra, thế giới Diệu Hỉ không vì vậy mà tóp hẹp. Vị trí của mọi sự vật vẫn y nhiên, không thay đổi một mảy may nào.


Đây là lần thứ ba Kinh giới thiệu cảnh Tịnh độ.

Lần thứ nhất muốn khai thị cho tôn giả Xá Lợi Phất nên Phật lấy ngón chân nhấn xuống đất làm cho cõi Ta bà trở thành cảnh Tịnh độ như bao thế giới khác. Đoạn nầy nhằm nhắc nhở chúng sinh là “Tịnh” hay “Uế’ đều là do con người. Khi tâm tịnh thì có cõi nước Phật tịnh, ngược lại tâm bất tịnh, còn phiền não vô minh thì ở đâu cũng không có cõi Tịnh được. Đó là “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”. Thế giới Ta bà mà con người cho rằng có nhiều tội lỗi, xấu xa, đầy phiền não khổ đau, nhưng chính Đức Phật cũng sống ở đây mà tâm Ngài rất tự tại, rất thanh tịnh cũng như tất cả những cõi giới thanh tịnh khác của mười phương chư Phật. Nói một cách khác khi một người có tâm thanh tịnh, không còn phiền não vô minh thì người ấy ở đâu, cõi ấy là cõi thanh tịnh.

Lần thứ hai ông Duy Ma Cật sử dụng khả năng Bất khả tư nghì khiến ba mươi hai ngàn tòa sư tử to lớn lộng lẫy trang nghiêm của thế giới Tu Di Tưởng vào trong tịnh thất của ông nhằm giới thiệu một cõi Tịnh độ cách xa thế giới Ta bà trên 42 ức hằng hà sa thế giới. Tuy cảnh Tịnh độ xa xôi như thế mà có thể đem về cõi Ta bà trong khoảnh khắc là thâm ý của kinh muốn nhắn nhủ chúng sinh đừng mong cầu ở cõi Tịnh độ xa xôi vời vợi nào khác mà chỉ cần giữ tâm thanh tịnh thì cảnh Tịnh độ xa xôi kia sẽ hiển hiện trong tâm thức của mình tức thì. Đây là lần thứ nhì Phật muốn nhấn mạnh câu: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”. Một lần nữa, kinh lại nhấn mạnh là tuy trong mười phương thế giới có rất nhiều cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác, có cõi xa có cõi gần, nhưng Nhất Chân Pháp Giới khẳng định là thế giới thanh tịnh nầy cũng là thế giới thanh tịnh kia, không sai không khác. Do đó chúng sinh không nên hoài công mà trông mong về thế giới nầy hay thế giới nọ mà chính mình không tu sửa để có tâm thanh tịnh trước. Vì thế trong Kinh A Di Đà xác định là nếu có chúng sinh muốn vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà thì trước hết họ phải niệm Phật cho đến Nhất Tâm Bất Loạn. Nhât tâm là Chơn tâm, là thấy được Phật tánh tức là có tâm thanh tịnh rồi. Khi ấy thì tri kiến của mình sẽ không còn phân biệt có ta có người, có thế giới nầy hay cõi thanh tịnh nọ vì tất cả đều cùng chung Nhất Chân Pháp Giới nghĩa là Bản Thể giống nhau nhưng tùy theo duyên mà biến hiện sự sai khác.

Thí dụ như trong quả địa cầu của chúng ta, tùy theo địa dư mà con người chia thành trăm ngàn dân tộc khác nhau chẳng hạn như Á châu thì có dân da vàng là người Việt Nam, người Tàu, người Thái…, ở Âu châu thì có dân da trắng là người Pháp, người Ý, người Đức…ở Mỹ châu thì có trăm ngàn bộ tộc da đỏ…và ở Phi châu thì có dân da đen…Vì chúng sinh duyên nghiệp khác nhau nên dựa theo nghiệp lực mà thọ sanh vào những vùng đất khác nhau, thành những giống dân khác nhau, đó là “hiện tượng duyên khởi”, nhưng tất cả con người dù là da vàng, da đen, da trắng hay da đỏ thì Bản Thể vẫn như nhau, cùng chung Phật tánh, cùng chung máu đỏ và nước mắt mặn. Vậy Nhất Chân Pháp Giới là “hiện tượng” tuy có khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung “Bản Thể”. Hiểu thấu suốt như vậy thì gọi là “Lý vô ngại”.

Thí dụ thứ hai là khi cầm một cục nước đá, chúng ta tư duy quán chiếu thì biết rằng muốn có nước đá thì phải làm cho nước lạnh đông lại. Mà nước thì là sự tổng hợp của hai nguyên tử Hydrogen và một nguyên tử Oxygen (H2O). Nhưng mỗi nguyên tử Hydrogen hay Oxygen được cấu tạo bởi rất nhiều âm điện tử và trung hòa tử. Khi đã hiểu thấu suốt sự tạo thành của vật chất như thế thì đây là “Sự vô ngại”.

Bây giờ quý vị hãy nhìn những đợt sóng vô cùng vô tận trên biển. Tuy những làn sóng nhấp nhô cao thấp cũng không ngoài nước. Làn sóng thay đổi là hiện tượng, còn mặt nước phẳng lặng êm đềm nằm sâu dưới lòng đại dương là Bản Thể thanh tịnh của nước. Vì thế hiện tượng là Lý và Bản Thể thanh tịnh là Sự, nhưng Lý và Sự không thể tách rời nhau. Bởi vì sóng là do nước mà thể nước thanh tịnh là cũng do nước. Do đó hiện tượng và Bản Thể dung thông với nhau. Khi động tức là có gió thì Bản Thể biến thành hiện tượng tức là nước biến thành sóng. Khi tịnh, gió lặng thì hiện tượng trở thành Bản Thể nghĩa là sóng biển trở thành thanh tịnh. Nói một cách khác hiện tượng không ngoài Bản Thể và Bản Thể không rời hiện tượng. Bản Thể duyên sanh ra hiện tượng (bất biến mà tùy duyên) và hiện tượng trở về với Bản Thể (tùy duyên mà bất biến). Vậy hiện tượng là Bản Thể và Bản Thể là hiện tượng như Tâm kinh đã xác định: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Đây chính là “Lý Sự vô ngại” pháp giới.

Chung quanh thế giới của con người, chúng ta thấy đâu đâu cũng là tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Bây giờ hãy nhìn kỷ lại con người của chính mình thì cũng thế, cũng cấu thành bởi tứ đại bởi vì chúng ta ăn rau cỏ, trái cây, ngũ cốc,  uống nước, hít thở không khí, hấp thụ sức nóng của mặt trời… Nếu nói con người là cỏ cây hoa lá, ngũ cốc, ngũ quả thì không đúng, mà nói con người không cần cỏ cây, hoa lá, ngũ cốc, ngủ quả từ đất, nước, lửa, không khí để sống thì cũng không đúng. Do đó vạn pháp là “bất tức bất ly”. Hiểu rõ như thế thì đây là “Sự sự vô ngại” pháp giới.

Đến đoạn kinh nầy thì ông Duy Ma Cật nhập tam muội nghĩa là vào chánh định, vận dụng thần thông lấy tay mặt cắt thế giới Diệu Hỉ đem sáp nhập vào cõi Ta bà mà không chật hẹp, không thêm không bớt. Vạn pháp trong “Pháp Giới Nhất Chân” thì lúc nào cũng tương ứng, tương túc, tương nhập, tương dung, lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại và sự sự vô ngại nên Bản Thể các pháp dung thông vô ngại và vượt qua mọi hình tướng vật chất nên không có lớn nhỏ, rộng chật mà chỉ có Tâm Thể hòa hợp làm một. Một lần nữa, ông Duy Ma Cật muốn giới thiệu một cõi Tịnh độ ở ngoài thế giới Ta bà, nhưng muốn đạt đến cảnh giới thanh tịnh nầy thì chúng sinh cũng phải giữ tâm mình cho được thanh tịnh, như như bất động bằng cách phá tan tâm phân biệt ích kỷ hẹp hòi chấp trước mà quay về sống với Tâm Vô Động là Chân Tâm, là Bản Thể, là cội nguồn phát sinh ra tất cả. Mà tâm tịnh thì trí tuệ sẽ phát sinh để thấy được sự huyền diệu an vui. Phải chăng đó cũng là ý nghĩa của hai chữ: nước Diệu Hỉ và Phật Vô Động? Đây là lần thứ ba kinh muốn nhấn mạnh với chúng sinh là tâm tịnh thì có thế giới tịnh nghĩa là khi tâm tịnh thì Ta bà là Diệu Hỉ còn tâm bất tịnh thì Diệu Hỉ là Ta bà.

Kinh đã dùng ba phương tiện, ba hình ảnh khác nhau để chứng minh cho chúng sinh thấu hiểu một mục đích, một Chân lý tối thượng trên con đường Vô thượng Bồ-đề là : “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo toàn thể đại chúng trong hải hội:
- Toàn thể đại chúng đã được thấy thế giới Diệu Hỉ và thấy Đức Vô Động Như Lai rồi chứ? Các vị đã thấy sự trang nghiêm đẹp đẽ huy hoàng tráng lệ của thế giới Diệu Hỉ chứ? Các vị thấy Bồ-tát và Thanh văn chúng cõi kia tịnh hạnh và thanh bạch chứ?

Toàn thể đại chúng đồng thanh bạch Phật:
- Dạ! Chúng con đều đã thấy!

Đức Phật dạy:

- Nếu Bồ-tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như vậy, cần phải học theo con đường hành đạo của Đức Vô Động Như Lai.

Trong thế giới Diệu Hỉ hiện hữu, cõi Ta bà có mười bốn ức người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn sanh sang thế giới Diệu Hỉ của Đức Vô Động Như Lai.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đồng thọ ký:

- Tất cả các vị muốn sanh sang cõi nước kia đều sẽ được như nguyện.

Trong những giờ phút thế giới Diệu Hỉ hiện hữu ở cõi Ta bà, tác động vào tâm lý, kích khởi thiện căn của những chúng sinh hữu duyên đem lại nhiều lợi lạc. Sự kiện ấy trôi qua. Tất cả đại chúng đều thấy cảnh giới Ta bà bổng nhiên trở về trạng thái củ.

Tại sao Phật lại thọ ký cho số người nhiều thế? Đây có lẻ là lòng thương xót chúng sinh, tâm đại từ đại bi của Phật chăng?

Trong tất cả mọi chúng sinh không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, thông minh hay khờ dại đều có sẳn cái Chơn Tâm thường trú hay Thể Tánh tịnh minh mà Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật, Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, Kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí Huệ Phật, Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chơn Tâm và Kinh Viên Giác gọi là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Do đó nếu có chúng sinh nào muốn sanh về cõi Tịnh độ hay muốn được giải thoát giác ngộ thì chỉ cần thực hiện lời Như Lai dạy là
: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” và “Dục tịnh Phật độ, tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là khi nào tâm của mình tịnh thì sẽ có cõi Phật tịnh, mà muốn được cõi Phật tịnh thì chính mình phải tự sửa đổi cho được cái tâm tịnh trước.

Như thế thì Phật thọ ký chẳng qua là lời khuyến khích để chúng sanh cố gắng tinh tấn nổ lực tu hành, nhưng muốn về cõi tịnh thì chính mình phải tu tâm dưỡng tánh, loại bỏ tánh tham
, tật đố phân biệt chấp trước, nghiêm trì sáu căn và giữ tam nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì chắc chắn sẽ có cõi Phật thanh tịnh. Đây chính là Phật độ chứ Như Lai không hề gia trì, phù hộ hay cứu rỗi cho ai hết tức là ông tu ông chứng, bà tu bà đắc vậy thôi.

Đức Phật bảo:
- Xá Lợi Phất! Ông đã thấy thế giới Diệu Hỉ và Đức Vô Động Như Lai rồi chứ?

- Dạ! Con đã thấy! Bạch Thế Tôn! Con mong muốn cho tất cả chúng sinh được cõi nước thanh tịnh trang nghiêm như cõi Đức Vô Động Như Lai và có sức thần thông như ông Duy Ma Cật vậy. Con cũng mong cho mọi người có đủ duyên lành thân cận cúng dường để được nhiều lợi lạc. Con nghĩ rằng: những chúng sinh hiện tại hoặc sau Phật diệt độ được nghe kinh nầy sẽ được lợi ích khó nghĩ bàn. Nghe rồi tin hiểu, giảng thuyết đúng như pháp tu hành, người đó được xem như trong tay đã cầm giữ được kho tàng pháp bảo của Như Lai. Người như thế là cúng dường pháp. Mà cúng dường Pháp tức là cúng dường Phật. Người biên chép diễn giải kinh này, phải biết, chỗ thất của họ ở có Phật. Ai nghe kinh này mà khởi tâm tùy hỷ, không lâu sẽ thành tựu nhất thiết trí. Nghe kinh nầy tin hiểu chừng một bài kệ bốn câu, vì người khác truyền đạt ý kinh, phải biết, đó là người đã được Như Lai thọ ký thành tựu quả Vô thượng Chánh Biến Tri Giác rồi!

Kinh là Pháp Bảo, là chiếc thuyền rắng chắc để đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác. Nếu chúng sinh biết y giáo phụng hành, thực hành đứng đắn lời dạy trong kinh để chuyển phàm thành Thánh thì trong tay họ đang giữ được kho tàng Pháp bảo vô giá của Như Lai. Nhưng kinh điển chỉ là văn tự cho nên dù kinh có hay, chúng sinh có đọc thuộc lòng mà không tư duy quán chiếu và ứng dụng thực hành những lời dạy trong kinh thì cũng chẳng lợi ích gì. Cũng như trong túi có viên ngọc quý mà không biết sử dụng thì viên ngọc quý kia có khác gì viên thỏi đá tầm thường. Vì thế người xưa có câu: “Ngọc bất trác bất thành quý” nghĩa là ngọc kia mà không dủa mài đánh bóng thì không thành ngọc quý. Nghe kinh, học kinh và thực hành kinh để mình được giải thoát giác ngộ tức là tự giác, rồi sau đó giúp người cùng đến chỗ giác ngộ như mình tức là giác tha chớ không ôm lòng ích kỷ thì thực hành đứng đắn hạnh Bồ-tát và tiến về Vô thượng Bồ-đề. Kinh này là giáo lý viên đốn Đại thừa nghĩa là giáo lý giúp chúng sinh viên thành Phật đạo nhanh chóng vì thế nếu hành trì kinh để lợi ích cho mình thì cũng như cúng dường Pháp và chính sự lợi ích của mình giúp chúng sinh tin theo mà tu học để có thể giải thoát cho chính họ thì cũng như đã cúng dường Phật rồi vậy. Vì người mà tạo duyên lành ngay cả dùng một bài kệ bốn câu để gieo hạt giống Phật trong chúng sinh có cơ hội nẩy mầm đơm hoa và kết quả thì cũng như được Như Lai thọ ký thành tựu quả Vô thượng Chánh biến tri giác rồi vậy.

|