Phẩm
ĐÀ-LA-NI
Đà-la-ni (Dharani) dịch là Tổng Trì có nghĩa là gom lại tất cả
để giữ gìn và thường được gọi là Thần Chú tức là những lời chú
nhiệm mầu. Phẩm này là phần tiếp theo trong tiến trình của phần
“Thâm Nhập Tri Kiến Phật” tức là phần thực hành. Trong các phẩm
trước, Bồ Tát Dược Vương đốt thân và hai cánh tay cốt là để phá
sắc uẩn. Kế đến phẩm Diệu Âm Bồ Tát vãng lai, Bồ Tát Diệu Âm đã
sử dụng 10 vạn
thứ kỹ nhạc để cúng dường cho Phật Vân Lôi Âm Vương thì đây là
phá thọ uẩn. Rồi đến phẩm Bồ Tát Quán Thế Âm phá tưởng uẩn để
giúp chúng sinh hết sợ. Và chủ yếu của phẩm này là phá hành uẩn
để vào Thất địa và Bát địa Bồ Tát. Đây là những giai đoạn sau
cùng của Thập địa để tiến về quả vị Phật. Hành uẩn rất vi tế nên
phải dùng thần chú để phá. Hãy quay về nhìn lại thân, tâm của
chúng ta. Thân tứ đại thay đổi, biến chuyển từng giây, từng phút
hay nói đúng hơn chúng thay đổi từng sát na, theo từng hơi thở
ra vào.
Vậy thế nào là hành
uẩn?
Hành là tâm hành, là
tâm tư, bao gồm 51 món tâm sở, mà “tư tâm sở” là chủ
yếu nhất. Chữ hành có hai nghĩa là thiên lưu và tạo tác. Thiên
lưu là các pháp hữu vi biến dịch, trôi chảy mãi như một dòng
sông, nên gọi là “chư hành vô thường”. Tạo tác là sự tạo tác của
thân, khẩu, ý. Nghĩa là thân làm việc gì, miệng nói điều gì, ý
nghĩ cái gì đều gọi là hành. Những tạo tác của hành do “tư tâm
sở” chủ động. Như thế, hành uẩn là nhóm tâm sở có “khả năng tạo
nghiệp” để đưa đến sự thọ quả. Hành động có cố ý đều là tư tâm
sở, và “có cố ý” mới thành nghiệp. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ
kheo, chính ý chí muốn sống, ta gọi là nghiệp. Khi đã muốn,
người ta liền thực hiện bằng thân, khẩu, ý. Ý muốn là sự tạo tác
bằng tâm ý, hoạt động tâm linh. Công việc của nó là dẫn dắt tâm
ý hoạt động xấu, tốt, hoặc không xấu không tốt.” Như
vậy, hành uẩn thuộc tâm sở, có thiện có ác, là động lực tạo
nghiệp, nó sinh khởi, tồn tại, có điều kiện, nhân duyên, cho nên
hành uẩn có tính vô thường, trôi chảy và biến động.
Hành uẩn là
nguyên nhân của đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, di chuyển, cười,
nói, nghĩ, thấy, nghe... và tất cả những hoạt động khác.
Do sự kích thích của
hành uẩn nên tất cả hành động về thân, khẩu, ý xảy ra. Bởi vậy,
thân, khẩu, ý là sự biểu hiện của hành uẩn, nhưng khi hành uẩn
biểu hiện qua thân, khẩu, ý người ta hiểu lầm rằng: Đó là linh
hồn, tự ngã, tôi, hay cái Ta.
Thọ uẩn chỉ có được
thể nghiệm qua các đối tượng thích thú, chán ghét hay vô ký.
Cũng như một người thơ ký, tưởng uẩn chỉ biết ghi nhận mà thôi.
Còn thức uẩn thì chỉ hay biết suông thôi về các đối tượng, chỉ
thấy, chỉ nghe, v.v. Nhưng với hành uẩn, thì đi, đứng, ngồi,
nằm, cúi xuống, duỗi ra, di chuyển, mỉm cười, nói, suy nghĩ,
thấy, nghe, và tất cả các hoạt động về vật chất hay tâm linh đều
do hành uẩn gây nên cả. Do đó những ước muốn như đi, đứng, ngồi
và nằm ngủ, tất cả đều là do hành uẩn.
Được hành uẩn thúc
đẩy, tất cả các động tác về vật lý, về lời nói, hay về tâm linh,
khởi sanh lên. Do đó mà sự biểu hiện của hành uẩn dưới hình thức
vật chất, lời nói, hay tâm linh mới bị nhận ra một cách lầm lẫn
là do một thực thể tự ngã nào đó, do cái ‘Tôi’ nào đó, đã thực
hiện, để rồi từ đó mà nẩy sanh ra sự luyến mộ hoặc sự vướng mắc
vào.
Thực ra, hành uẩn
chẳng hề có một cốt tủy nội tại nào cả, chẳng hề có một linh hồn
nào cả. Sự biểu hiện của hành uẩn chỉ là các hiện tượng thiên
nhiên xảy ra do theo một tiến trình thuộc tương quan nhân quả mà
thôi. Hành uẩn chẳng có linh hồn và vì thế mà các chúng sanh mới
bị đè nén. Nơi hành uẩn, chẳng có một cốt lõi, chẳng có một bản
thể nào cả, chỉ có sự gây nên đau khổ.
Thí dụ, có người thích
giao du với bạn xấu hoặc suy tư chẳng đứng đắn về các kinh
nghiệm bản thân mình, thì có thể phạm vào các hành vi bất thiện
về thân thể, về lời nói và về tâm ý. Các thí dụ về hành vi bất
thiện và đáng trách, trong cuộc đời hiện tại, gồm có việc vi
phạm luật pháp và trật tự, uống rượu, dùng các chất ma túy và cờ
bạc. Bị ảnh hưởng bởi sự tham lam và giận hờn, các hành động và
lời nói chẳng thích đáng đưa đến sự mất mát tài sản, bị trừng
phạt, mất bạn bè, và phải chịu các tai nạn trong cuộc đời hiện
tại nầy. Và vượt xa hơn cõi đời hiện tại, thì phải chịu tái sanh
vào các ác đạo. Để tránh khỏi các điều bất hạnh đó, chúng ta cần
phải nên hiểu rõ rằng chúng ta đang bị đè nặng dưới các hành vi
cố ý của hành uẩn.
Chúng ta đã biết rằng
chính ba nghiệp “thân khẩu ý” là động cơ dẫn dắt
chúng sanh vào vòng trầm luân sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều
kiếp. Cho nên, muốn thoát ly sanh tử luân hồi, con người phải
biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Nghĩa là chúng ta phải dừng
tất cả những nghiệp ác, nghiệp bất thiện, từ thân khẩu ý của
mình, chuyển ba nghiệp thân khẩu ý bất thiện, thành ba nghiệp
thiện lành. Ðó chính là trọng tâm tu hành của đạo Phật, chứ
không phải những hình tướng bên ngoài, những nghi lễ rườm rà,
những van xin cầu khẩn.
Người có nghiệp cờ bạc
thì luôn luôn tìm tới các sòng bài bạc để vui chơi trong chốc
lát, rồi sau đó đau khổ dài dài. Người có nghiệp hút thuốc thì
đi đâu cũng luôn luôn để ý đến chỗ nào bán thuốc lá và giá cả ra
sao. Người mang nghiệp nào thì sẽ bị dẫn theo con đường ấy, cũng
như kim loại bị nam châm hút vậy.
Con người khi chết đi,
thân xác, danh vọng, của cải, thân bằng quyến thuộc, tất cả mọi
thứ đều phải bỏ lại thế gian, chỉ mang theo cái "nghiệp
báo" tái sanh kiếp sau. Chính cái nghiệp báo này là
nguyên nhân làm cho chúng ta sung sướng hay đau khổ vậy. Khi
biết được điều đó, liễu tri được điều đó, giác ngộ được điều đó,
chúng ta cần phải tìm cách dừng nghiệp, tìm cách chuyển ba
nghiệp bất thiện thành ba nghiệp thiện.
Một trong những phương pháp để dừng nghiệp và chuyển nghiệp là
kiềm chế và kiểm soát thân khẩu ý mà trì thần chú là lối thực
hành tam mật tương ưng hữu dụng nhất. Đó là thân mật, khẩu mật
và ý mật phải tương ứng với nhau để “cột tâm” vào câu thần chú.
Khi tay bắt ân tam muội, miệng đọc thần chú và ý niệm thần chú
thì thân, khẩu, ý dần dần thanh tịnh và sau cùng trì chú đến chỗ
nhất tâm thì có an vui tự tại, giải thoát Niết bàn. Từ đó có thể
thâu nhiếp vô lượng pháp môn. Vì thế niệm thần chú để giải trừ
tam nghiệp thân, khẩu, ý cho nên đây là lối thực hành để phá
hành uẩn.
Nói về Thần chú thì
phải nói đến Mật tông. Vậy lịch sử hình thành Mật tông như thế
nào?
Hệ thống Phật giáo Đại
thừa được hình thành vào khoảng trước sau thế kỷ thứ nhất ở
những vùng Nam Ấn Độ với chủ trương “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa
chúng sinh” tu theo Lục độ vạn hạnh, phát khởi đại bi nguyện dẫn
dắt cứu giúp chúng sinh cùng thành tựu Phật quả.
Đại thừa Phật giáo ở
Ấn Độ được chia làm 3 thời kỳ:
Ø
1)Sơ kỳ Đại
thừa: Thời kỳ này bắt đầu khoảng từ thế kỷ thứ 1 đến
thế kỷ thứ 4 sau công nguyên nhằm phát huy lý luận “Giai Hữu
Tánh Không” và từ đó hình thành học phái Trung Quán của Long Thọ
và đệ tử là Đề Bà.
Ø
2)Trung kỳ Đại
thừa: Đây là giai đoạn khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6
sau công nguyên với sự xuất hiện của thuyết “Như Lai tạng Duyên
khởi” và A-lại-da thức Duyên khởi. Từ đó hình thành học thuyết
Du già do ngài Vô Trước và em là sư Thế Thân với tác phẩm nổi
tiếng “Thành Duy Thức Luận”.
Ø
3)Hậu kỳ Đại
thừa: Thời kỳ này bắt đầu từ những thế kỷ thứ 7 đến thế
kỷ thứ 13. Đây có lẽ là thời kỳ Phật giáo dần dần suy vi. Nhưng
lúc ấy Phật giáo Đại thừa được truyền từ Ấn Độ gọi là Phật giáo
Bắc truyền lại phát triển rực rỡ ở các nước Trung Hoa, Triều
Tiên, Nhật Bản và Việt Nam với sự xuất hiện của mười đại tông
phái như Thiền, Tịnh độ, Nhiếp Luận, Thiên Thai...
Thế thì Thiền tông
xuất hiện vào Trung kỳ Đại thừa và Mật tông xuất hiện vào Hậu kỳ
Đại thừa. Mãi đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên tức là trên 1.300
năm sau ngày đức Phật nhập Niết bàn, ở Ấn Độ xuất hiện một vị Tổ
của Mật tông tên là Dược sư Long Thọ. Còn Bồ tát Long Thọ, người
đã khai triển và hoàn thành học phái Trung Quán, ra đời
vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên trong gia đình Bà là môn
thuộc nước Andhradesa tức là Vidarbha, là vị Tổ đời thứ 14 trong
số 33 vị Tổ của Phật giáo Thiền tông. Vị Tổ thứ 33 cũng là vị Tổ
sau cùng của Thiền tông là Lục Tổ Huệ Năng.
Mật tông còn được gọi là Chân Ngôn tông, Du-già tông, Kim Cương
Danh tông, Tì-lô-giá-na tông, Khai Nguyên tông hay Bí Mật thừa.
Tông này chủ yếu lấy kinh Kim Cương Đảnh làm kinh tạng, kinh
Tô-bà-hô làm luật tạng và luận Thích Ma-ha-diễn làm luận tạng.
Sở dĩ tông này được gọi là Mật giáo vì để hiển bày giáo nghĩa
của mình là rất sâu xa bí mật, còn các giáo phái Đại thừa khác
là thiển hiển. Mật tông cho rằng giáo pháp của hai bộ Kim
Cương giới và Thai Tạng giới là chính do pháp thân Phật Đại Nhật
Như Lai tuyên thuyết và đây mới là cảnh giới của Phật tự nội
chứng cho nên mới gọi là Mật. Đứng về giáo nghĩa hiển bày chân
lý thì không có sự sai biệt giữa Hiển giáo và Mật giáo, nhưng về
hành trì thì Mật tông có những quy tắc đặc thù không giống với
các tông phái khác.
Mật tông ở Ấn Độ bắt nguồn từ Ấn Độ giáo, do quá trình phát
triển lâu dài, Phật giáo dần dần xâm nhập vào tín ngưỡng dân
gian nên chịu ảnh hưởng cũng như tiếp thu các chú thuật Mật pháp
để bảo vệ giáo đồ và tiêu trừ tai chướng. Rồi dần theo thời
gian, Mật tông còn chuyển các vị thần của Ấn Độ giáo vào Phật
giáo, do đó mà xuất hiện nhiều vị Minh vương, Bồ tát chư thiên,
chân ngôn chú ngữ…Vì vậy trong kinh điển Đại thừa ở thời kỳ sau
xuất hiện một loại kinh điển lấy Đà la ni (Dharani) làm chủ yếu.
Trong Kinh tạng và Luật tạng Pali có kinh nói về kệ Hộ thân. Sau
đó Phật giáo đồ ở các vùng Tích Lan biên tập kinh này gọi là
kinh Minh Hộ (Paritta). Kinh này được xem là khởi nguyên của Mật
giáo Đà la ni và Mạn đà la sau này. Đến khoảng thế kỷ thứ 4 sau
công nguyên mới xuất hiện kinh điển độc lập chuyên nói về chú
pháp, như kinh Khổng Tước Minh Vương…
Đến giữa thế kỷ thứ 7 về sau, Phật giáo Ấn Độ tiến vào thời kỳ
toàn thịnh thì Mật giáo chân chính mới thực sự khai triển dùng
chân ngôn, Đà la ni làm trung tâm, phát triển triết học Phật
giáo Đại thừa dựa vào những tư tưởng Mật tông này. Mật giáo hưng
khởi vào thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ thứ 11 khi Phật giáo Ấn Độ
bị suy vong thì Mật giáo mới ngưng phát triển. Nhưng tại Trung
Ấn Độ, Mật giáo vẫn còn hưng thịnh, sau khi dung nhập giáo
thuyết của phái Tính Lực (Sakrtah) thì trở thành Tả đạo Mật
giáo, chú trọng thuyết Đại Lạc (Mahasukha-vada) trong kinh Kim
Cương Đảnh của Thuần Mật.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 về sau, Mật tông được truyền vào Tây
Tạng, trở thành Lạt-ma giáo.
Dựa theo tư tưởng truyền thuyết Mật tông, khoảng thế kỷ thứ 7,
Dược Sư Long Thọ trì chú vào 7 hột cải trắng để mở tháp sắt 16
trượng (biểu thị 16 vị Bồ tát trong Kim Cương giới) ở Nam Ấn Độ
và đích thân nhận 2 bộ đại kinh này từ Kim Cương Tát-đỏa. Sau đó
ngài Long Thọ truyền lại cho Long Trí rồi truyền cho ngài Thiện
Vô Úy. Vì thế Long Thọ là Tổ sư khai sơn, còn vị giáo chủ là Đại
Nhật Như Lai tức là Phật Tỳ-lô-giá-na. Vì việc thuyết pháp khác
với đức Phật Thích Ca nên gọi là Kim Cương thừa. Kim Cương thừa
sau này chia làm 2 phái:
Ø
1)Phái hữu:
Lấy kinh Đại Nhật làm chủ, mang chủ nghĩa thần bí, muốn nhờ vào
chú thuật để thực hiện sự hợp nhất giữa vũ trụ và tinh thần,
cùng chi phối hiện tượng tự nhiên và những việc may rủi tốt xấu
của con người nên gọi là Chân Ngôn thừa. Phái này từ Trung Hoa
truyền sang Nhật Bản thành tông Chân Ngôn. Ngoài ra, Mật giáo do
tông Thiên Thai ở Nhật Bản truyền thì gọi là Thai Mật.
Ø
2)Phái tả:
Lấy kinh Kim Cương Đảnh làm chủ tức là Tả đạo Mật giáo, khẳng
định bản năng của con người muốn ngay nơi đây phát hiện lẽ chân
thật nên gọi là Kim Cương thừa. Phái này xem trọng pháp Song
thân. Theo lập trường của Phật giáo Nguyên thủy, phái này là
bàng môn tả đạo và bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 trở về sau kết hợp
với Ấn Độ giáo nên càng thêm hưng thịnh. Về sau lại truyền vào
Tây Tạng trở thành cơ sở của Tạng Mật. Tạng Mật tức là Tây Tạng
Phật giáo Mật tông do ngài Liên Hoa Sanh, ngài Hộ Tịch truyền
vào từ thế kỷ thứ 8. Khi Phật giáo chưa du nhập vào Tây Tạng thì
Tây Tạng thực hành tà chú của đạo Bon-Pa gọi là Cựu Mật pháp.
Đến đầu thế kỷ thứ 11, ngài Tông Khách Ba dịch nhiều kinh điển
Du già Mật giáo thì bây giờ gọi là Tân Mật giáo.
Tóm lại, nếu luận về giáo chủ thì Hiển giáo là do đức Thích Ca
ứng hóa thuyết pháp, Mật tông là do pháp thân Đại Nhật Như Lai
thuyết. Về pháp thân thì pháp thân của Hiển giáo là “lý thể”
không hình không tướng. Còn pháp thân của Mật tông thì có hình
có tướng và có thể thuyết pháp được. Nhìn từ pháp sở thuyết thì
cảnh giới Bát bất trung đạo tịch diệt của tông Tam luận, cảnh
giới Thắng nghĩa đế ly ngôn của tông Pháp Tướng, cảnh giới Bất
khả tư nghì nhất niệm tam thiên của tông Thiên Thai, cảnh giới
Tính hải quả phần bất khả thuyết thập Phật của kinh Hoa Nghiêm
đều rốt ráo có thể nói được. Bây giờ nhìn từ sự biểu hiện của
chân lý thì tất cả các pháp đều tượng trưng cho chân lý mà biểu
hiện cụ thể của những loại tượng trưng này tức là nghi quĩ của
Mật tông. Xét từ sự thành Phật nhanh chậm thì trừ Thiền tông ra,
các tông khác đều phải trải qua 3 A tăng-kỳ kiếp, còn Mật tông
thì chủ trương ngay nơi thân này thành Phật. Xét từ hệ thống
giáo nghĩa thì Mật tông là tổng hợp Vũ trụ nhân sinh quan Lý,
Trí không hai. Đức Đại Nhật Như Lai có đầy đủ nhân cách vĩ đại
này mà thế giới của Trí pháp thân gọi là Thai tạng giới. Nhờ sức
tu trì có thể khuếch đại thế giới Trí hợp nhất với thế giới Lý,
đó là Lý, Trí không hai. Từ khi xuất hiện của Du-Già Hành tông
của Vô Trước thì cái nhìn về vũ trụ của Mật tông được lý giải
rộng rãi hơn.
Nói chung Hiển giáo tận dụng văn tự ngôn ngữ, giải thích, dùng
thí dụ nên đức Phật nói quyền, nói thật, nói rộng, nói hẹp, nói
cao, nói thấp miễn sao sáng tỏ vấn đề. Mục đích của Hiển giáo là
“Văn như tư rồi tư như tu” thì mới nhận biết được sự lợi ích của
lời Phật dạy. Vì thế Hiển giáo là giúp hành giả khai tâm, mở
tánh thấu triệt Chân lý.
Mật giáo thì ngược lại, không chú trọng đến giáo lý, mà chỉ chú
tâm vào câu Thần chú Đà-la-ni. Thần chú là thứ văn tự không cần
ngữ ngôn lý giải vì thế hành giả Mật tông chỉ thực hành tam mật
tương ưng. Đó là thân mật, khẩu mật và ý mật phải tương ứng với
nhau để cột tâm vào câu thần chú. Nói cách khác muốn có kết quả
tốt, người thực hành Mật tông thì tay phải bắt ấn, chân ngồi
kiết già, miệng đọc thần chú và ý niệm thần chú thì thân, khẩu,
ý không có cơ hội tạo nghiệp. Lối thực hành này giống như phương
pháp niệm Phật của Tịnh độ tông, nhưng nếu chưa đạt đến “Nhất
tâm” thì khi hành giả không còn trì chú hay niệm Phật thì vọng
tưởng phát tác trở lại.
Lúc bấy giờ Bồ-tát
Dược Vương đứng dậy chấp tay hướng Phật bạch rằng:
-Thế Tôn ! Nếu có trai
lành gái tốt thọ trì kinh Pháp Hoa hoặc đọc tụng thông suốt,
hiểu mau hoặc biên chép thành quyển, họ được phước đức nhiều
chăng?
Đức Phật phản vấn:
-Nầy Dược
Vương! Giả sử có thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường tám trăm
muôn ức na-do-tha hằng hà sa Phật, ý ông nghĩ sao, người cúng
dường chư Phật như thế phước đức của họ có nhiều chăng?
Bồ-tát Dược Vương
thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
Phật nói:
-Nếu có trai
lành gái tốt nào đọc tụng, giải nghĩa và tu hành đúng như lời,
dầu chỉ là một bài kệ 4 câu, công đức của người nầy còn nhiều
hơn người cúng dường chư Phật vừa nói.
Người nào thọ trì kinh
Pháp Hoa tức là đang sống với Tri Kiến Phật thì chính họ có công
đức rất thù thắng bất khả tư nghì mà không có phước đức hữu lậu
nào trên thế gian có thể sánh bằng. Huyền diệu hơn nữa là người
đó chỉ cần đọc tụng, thọ trì bốn câu và dựa theo ý nghĩa bốn câu
đó mà thực hành thì công đức cũng vô lượng không thể nói hết
được.
Lúc đó, Bồ-tát Dược
Vương bạch Phật:
-Thế Tôn ! Con nay sẽ
hiến cho người giảng nói kinh Pháp Hoa một bài đà-là-ni (thần
chú) để bảo hộ cho họ. Bồ-tát liền đọc bài chú:
“ An nhĩ, mạn nhĩ, ma
nễ, ma ma nễ, chỉ lệ giá lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế…”
Bồ-tát tiếp nói:
-Thế Tôn ! Thần chú
này là của 62 ức hằng hà sa Phật nói. Ai xâm phạm hủy hoại
Pháp sư coi như là xâm huỷ các đức Phật vậy.
Lúc đó, đức Phật Thích
Ca khen Bồ-tát Dược Vương:
-Hay thay! Hay
thay! Dược Vương vì thương tưởng muốn bảo hộ Pháp sư mà nói bài
chú, ngươi sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng sanh.
Đây là thần chú của
chư Phật chớ không phải của Bồ Tát, nhưng vì thương xót chúng
sinh nên Bồ Tát Dược Vương mới nói bài thần chú để giúp cho Pháp
sư phá hành uẩn và có thể vượt qua khỏi Thất địa và Bát địa.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát
Dũng Thí bạch Phật:
-Thế Tôn ! Con
cũng xin vì người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa mà nói
đà-la-ni. Được chú nầy rồi, thì Pháp sư không bị Dạ-xoa,
La-sát hoặc Phú-đơn-na, Kiết-giá, Cưu-bàn-trà, ngạ quỷ tìm thấy
chỗ dở của mình nữa.
Nói xong, Bồ-tát đọc
bài chú: “ Toa lệ, ma ha toa lệ, úc chỉ…” Rồi nói tiếp : “ Thế
Tôn! Thần chú nầy là của hằng hà sa Phật nói và cũng đều tuỳ
hỉ. Ai xâm phạm pháp sư tức xâm phạm chư Phật rồi vậy”.
Bồ Tát Dũng Thí nói
thần chú Đà-la-ni để khuyến khích, ủng hộ khiến cho các loài dị
nhân không tìm thấy khuyết điểm của Pháp sư
Bấy giờ, Thiên Vương
Tỳ Sa-môn là vị Trời che chở cho thế gian, bạch Phật rằng: “ Thế
Tôn! Tôi cũng vì chúng sanh mà ủng hộ Pháp sư bằng đà-la-ni nầy.
Liền nói bài chú: “A
lê, na lê, a na lư,
na lý, câu na
lý”. Lại bạch: Thế Tôn ! Con đã dùng thần chú để ủng hộ
Pháp sư, thì con cũng tự ủng hộ người trì kinh nầy, làm cho họ
được trong khoảng trăm do tuần, khỏi điều tai nạn.
Sau đó Thiên Vương Tỳ
Sa môn cũng nói thần chú để ủng hộ Phap sư khiến cho họ không có
các điều tai nạn.
Bây giờ, Thiên vương
Trì Quốc ở trong Pháp hội cùng với ngàn muôn ức na-do-tha
Càn-thát-bà chấp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Chúng con cũng
dùng thần chú đà-la-ni bảo hộ người trì kinh Pháp Hoa”. Liền nói
chú: “A-dà-nể, dà nể, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, mà đẳng
kỳ thường cầu lợi, phù lầu tá nỉ ác đế”. Lại nói:“Thế Tôn! Thần
chú nầy là của 42 ức Phật nói, ai xâm hủy
Pháp sư cũng tức là xâm huỷ các đức Phật rồi vậy”.
Bấy giờ 10 La-sát cùng
bọn quỷ,
cả mẹ lẫn con đều đồng
bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng
thọ trì kinh Pháp Hoa và trừ sự khổ hoạn cho họ, còn nếu có kẽ
rình tìm chỗ dỡ của Pháp Sư thì khiến cho đừng tìm được.
Nói xong, liền đọc bài
chú: “ Y đề, y đề vẫn, y đề lý, an đề lý…” Lại tiếp,
Các Dạ-xoa,
La-sát, ngạ quỷ… hoặc quỷ làm bệnh nóng, từ một tới bảy ngày,
hay làm bệnh nóng luôn, các nam nữ, trai gái, thà trèo lên đầu
chúng con chớ không có thể làm hại Pháp sư, dầu là trong giấc
chiêm bao. Mười la-sát và bọn quỷ liền trước Phật nói bài
kệ:
Ai
chẳng thuận chú ta
Não
loạn người nói pháp
Thời
đầu vở bảy phần
Như
nhánh cây A-lê
Như
tội giết mẹ cha
Cũng
như họa
ép dầu
Như
lường cân tráo đấu
Như
điều đạt phá tăng
Kẻ
nào phạm Pháp sư
Sẽ
mắc họa như thế
Nói kệ xong, các nữ
La-sát bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng hộ
người thọ trì, đọc tụng kinh này, làm cho họ được an ổn, xa các
sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc.
Sau khi Trì Quốc Thiên
Vương cói thần chú ủng hộ Pháp sư, các nữ La sát cũng nói thần
chú khiến cho Pháp sư Pháp Hoa được an ổn, lìa tất cả các sự khổ
nạn và tiêu các thuốc độc.
Phật bảo các La-sát:
-Hay thay! Hay
thay! chỉ ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp Hoa, chúng ngươi
được phước chẳng thể lường, huống là ủng hộ người thọ trì toàn
bộ và dùng mọi thứ hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc…
cúng dường kinh. Này Cao-đế ! Các ngươi cùng quyến thuộc phải
nên ủng hộ các Pháp sư như thế.
Lúc Phật nói phẩm
“Đà-la-ni” này, có 68.000 người được “Vô sanh pháp nhẫn”.
Khi hành giả tu đến
Thất địa và Bát địa thì cảm nghiệm sự yên tỉnh của tâm thức,
nhưng đây không phải là sự tĩnh lặng tuyệt đối nên các ngài lầm
tưởng mà cho rằng đây là Niết bàn. Vì vậy thần chú là sự trợ lực
của chư Phật và chư Bồ Tát để giúp hành giả phá hành uẩn mà quay
về thể tánh yên lặng thực sự mà không say mê chìm đắm vào đó.
Đà-la-ni nhằm mục đích
đưa hành giả Pháp Hoa thẳng đến Căn Bản Trí, Vô Phân Biệt Trí mà
biểu tượng là ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Phẩm chót, kinh sẽ
giới thiệu Bồ Tát Phổ Hiền tức là biểu tượng cho thực hành, cho
sự áp dụng những giáo lý từ Bồ Tát Văn Thù và đây là những giai
đoạn sau cùng để chấm dứt kinh,
nghĩa là chuẩn bị cho hành giả Pháp Hoa đi lần đến “Tri Hành hợp
nhất” vậy.
Chú Đại Bi rất phổ thông trong Phật giáo Đại thừa khắp mọi nơi,
nhưng đã là thần chú thì không thể và không nên giải thích. Thế
mà gần đây có một số người cố tình giải thích Chú Đại Bi theo
quan niệm riêng của họ làm mất đi sự huyền diệu của chú. Chú là
mật giáo còn giải thích, giảng giải là hiển giáo cho nên nếu
giải nghĩa Chú Đại Bi thì chẳng khác nào giết chết tính bí mật,
linh thiêng huyền diệu của nó và vô tình biến mật giáo thành ra
hiển giáo. Tây Tạng là quê hương của Mật giáo nhưng có thấy các
vị Lạt Ma giải thích bất cứ câu Thần Chú nào đâu? Không lẽ trí
tuệ của các vị Lạt Ma còn kém hơn các vị giảng giải Chú Đại Bi
hay sao? Đối với Phật giáo Mật tông Tây Tạng, câu thần chú rất
phổ biến của Bồ Tát Quán Thế Âm là “Om Mani Padme hum” phiên âm
tiếng Việt là “Án Ma Ni Bát Di Hồng”.
∆ TOP
|
NEXT
|