LÊ SỸ MINH TÙNG
The Explanation
of the Saddharmapundarika Sutra (Lotus Sutra)
PHẦN GIỚI THIỆU
Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh vô cùng quan trọng đối với Phật
giáo Đại thừa vì kinh ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc có lẽ vượt ra
ngoài tầm tư duy và suy luận của con người bình thường. Vì thế có rất
nhiều luận giải, trước tác rất công phu và giá trị đã ra đời. Hãy xoay
ngược dòng lịch sử thì sau khi đức Phật nhập diệt, các Trưởng lão giảng
giải giáo lý Phật Đà tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết Phật pháp của
họ nên Phật giáo bắt đầu có sự khác biệt vì lúc bấy giờ chưa có văn tự
mà chỉ dùng khẩu thuyết truyền lại từ đời này sang đến đời khác. Từ đó
Phật giáo bắt đầu rạng nứt và phân chia thành ra Phật giáo bộ phái. Một
số Tỳ kheo theo khuynh hướng bảo thủ thì tuân giữ giáo luật và những lời
dạy của Phật rất nghiêm minh. Trong khi đó cũng có những nhóm Tỳ kheo
khác có khuynh hướng biến giáo lý đức Phật thành ra một nền triết học
rất phức tạp vì lúc bấy giờ đạo Bà la môn đang chuyển từ thời kỳ Vệ Đà
sang Áo Nghĩa Thư nghĩa là chuyển từ hệ thống cúng tế thờ phượng rườm rà
phức tạp sang lãnh vực triết học, luận giải. Nhóm Tỳ kheo thuộc phái bảo
thủ quan niệm rằng con đường giải thoát duy nhất là phải xuất gia và
khẳng định rằng cho dù đức Phật có nói gì đi chăng nữa thì không ai có
thể thành đạt mức độ chứng ngộ như đức Phật tức là thành Phật được. Vì
thế mọi người chỉ cần tự giải thoát khỏi những trói buộc của hư vọng và
khổ đau trong cuộc đời này là tốt lắm rồi. Thêm nữa, các Tỳ kheo thuộc
nhóm bảo thủ lại xa lánh cuộc đời, lên tận núi cao rừng thẳm để tu cầu
giải thoát cho riêng mình trong khi đại đa số Phật tử tại gia thì vẫn
chìm trong đau khổ. Vì nhận thấy Phật giáo đang đi lệch và mất hẳn tinh
thần hoạt động tích cực như thời đức Phật còn tại thế, những Tỳ kheo
thuộc nhóm cải cách và tín đồ tại gia đã nô nức dựng lại cái tinh thần
“Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác” bằng cách thành lập
Phật giáo Đại thừa. Những ai không thuộc Đại thừa thì gọi là Tiểu thừa
và từ đó có sự va chạm rất lớn giữa Phật giáo mới và Phật giáo củ. Tiểu
thừa cho rằng “Phật giáo Đại thừa là một sai lầm” vì họ diễn giải kinh
điển theo đường lối vay mượn tư tưởng của Ấn Độ giáo nghiêng về triết
học trừu tượng siêu hình rất khó hiểu, sai đường lối của Phật bởi vì đạo
Phật là đạo diệt khổ cho nên đức Phật chỉ dạy Tứ Thánh Đế và Bát Thánh
Đạo để giúp chúng sinh thực hành mà có an lạc Niết bàn. Ngược lại, Đại
thừa chê Tiểu thừa là giáo lý chỉ thích hợp cho những người căn cơ
“thấp” và lý tưởng giải thoát A la hán là ích kỷ không phản ảnh tâm đại
từ bi như lý tưởng Bồ Tát.
Kinh Pháp Hoa xuất hiện trong thời điểm và hoàn cảnh đó như là một nỗ
lực để kết hợp Phật giáo trở thành Phật thừa. Những thừa như Thanh Văn,
Duyên Giác, Bồ Tát bây giờ dưới cái nhìn của Pháp Hoa chỉ là phương tiện
lúc ban sơ, nhưng cuối cùng muốn hoàn thành Phật đạo thì tất cả đều phải
quy về nhất thừa Phật đạo. Kinh Pháp Hoa nói lên một triết lý rất thâm
sâu và được diễn bày như là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời dưới dạng
của một vỡ kịch kết hợp tư tưởng rất chặt chẻ trải suốt chiều dài của
kinh. Kinh được viết theo thể loại Vị Tằng Hữu để diễn tả những hiện
tượng, cảnh giới siêu hình, không có thật đối với thế giới con người
bình thường nhưng ẩn chứa một triết lý rất thâm sâu huyền diệu mà có lẽ
vượt ra ngoài ngôn ngữ của con người. Ở đây, giáo lý Nguyên thủy được
xem như là những bài tình ca quê hương mộc mạc với tiếng đàn tranh, đàn
bầu nhẹ nhàng thanh thoát. Bây giờ các triết gia nổi tiếng xuất chúng
của Phật giáo Đại thừa đem những bài tình ca đó hòa âm lại với tiếng đàn
Piano, tiếng vĩ cầm, với dàn nhạc thính phòng vì thế nếu thấu hiểu rốt
ráo thì tuy nghe nhạc theo lối Tây phương, nhưng âm hưởng vẫn thoanh
thoát quyện theo nét nhạc quê hương vậy. Người tu dựa theo tinh thần
Pháp Hoa là thành Phật chớ không phải thành A la hán hay Bồ Tát. Ai cũng
có thể thành Phật vì ai cũng đều có sẵn Trí Tuệ Phật giống y như Phật.
Vì thế tư tưởng Pháp Hoa ra đời như là cuộc cách mạng giải phóng những
ràng buộc mà các bộ phái Nguyên thủy đè ép lên con người vì dựa theo
tinh thần Pháp Hoa thì thành Phật không chỉ dành riêng ưu đãi cho thành
phần xuất gia mà bất cứ ai cũng có thể thành Phật. Trong phẩm Đề Bà Đạt
Đa có nàng Long nữ mới vừa tám tuổi con gái của Long Vương đã thành Phật
là một thí dụ cụ thể. Hãy lắng nghe lời Bồ Tát Văn Thù nói với Bồ Tát
Trí Tích rằng “Có
con gái của Long Vương mới lên tám tuổi mà đầy đủ trí-đức, trong khoảnh
khắc phát Bồ đề tâm là được bất thối chuyển, biện-tài vô-ngại, từ bi
rộng lớn, công đức đầy đủ, có khả năng đến quả Bồ Đề”. Sự
thành Phật nhanh chóng đó của nàng Long nữ chẳng những làm cho Bồ Tát
Trí Tích sững sờ mà còn làm cho Tôn giả Xá Lợi Phất kinh ngạc.
Trước hết khi nói về lịch sử của kinh thì ngày nay hầu hết các học giả
Đông Tây trên thế giới đều đồng ý rằng kinh Pháp Hoa, một bộ kinh quan
trọng nhất của Phật giáo Đại thừa được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ
nhất sau công nguyên và kinh đã trải qua một tiến trình rất dài để đi
đến hoàn tất. Hầu hết các học giả sau khi nghiên cứu kỹ về nội dung của
kinh Pháp Hoa đều có chung một quan điểm rằng kinh này có hai phần là
phần nguyên bản và phần bổ sung.
Theo lập luận
của Sir Charles Eliot [Hinduism
and Buddhism: An Historical Sketch (1921)] và học giả
Maurice Winternitz (1863-1937) thì phần thứ nhì của kinh Pháp Hoa đã
được thêm vào các phẩm thứ 25 (Bồ Tát Quán Thế Âm) và 26 (Đà-la-ni). Lý
do là vì toàn bộ kinh Pháp Hoa xiễn dương Tri Kiến Phật tức là khai mở,
chỉ bày khiến cho chúng sinh mở toang tri kiến Phật của họ và giúp cho
chúng sinh thanh tịnh hóa tri kiến Phật đó. Đây là tinh thần tự giác, tự
độ trong khi phẩm Quán Thế Âm và Đà-la-ni nghiêng về tha lực nên không
dung hòa được với tư tưởng Pháp Hoa.
Trong khi đó,
học giả Nhật Bản Hajime Nakamura (1912-1999) xác định rằng bản kinh Pháp
Hoa mà được sang dịch ra nhiều thứ tiếng hiện nay là được tạo ra trong
khoảng thời gian cuối của thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và bản gốc bao
gồm 27 phẩm rõ ràng đã xuất hiện vào năm 150 sau công nguyên. Xa hơn
nữa, học giả Nakamura còn nói thêm rằng 22 phẩm đầu của kinh Pháp Hoa đã
có trước năm 100 sau công nguyên. Bằng những chứng cớ sử liệu đó đã minh
họa toàn bộ bức tranh về nền tảng lịch sử của kinh diệu Pháp Liên Hoa
khiến các học
giả đưa đến kết luận rằng kinh Pháp Hoa không
phải do chính đức Phật thuyết mà thật ra kinh được biên
soạn rất trễ về sau khoảng 700 năm sau ngày đức Phật nhập diệt.
Dựa trên cơ
sở nào mà các học giả lý luận như thế?
v
1)Lý luận thứ nhất là họ cho rằng các triết gia, luận sư xuất chúng của
Phật giáo lúc bấy giờ đã sáng tạo ra kinh Pháp Hoa để đáp ứng nhu cầu
đòi hỏi của giới tín đồ nhằm duy trì sức sống của Phật giáo trong khi
phải đương đầu với sự đàn áp của các tôn giáo hữu thần, đặc biệt là đạo
Bà la môn tức là Hindu (Ấn độ giáo) ngày nay trong khoảng cuối thế kỷ
thứ hai sau dương lịch. Với những danh tự mới, bối cảnh mới và lối giải
thích mới, kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã thổi một luồng sinh khí tươi mát
và sống động vào trong thế giới Phật giáo lúc bấy giờ. Tuy vậy, nội dung
của kinh được mô phỏng và phát triển không ngoài những tư tưởng và lời
dạy của đức Phật. Do đó giới biên tác ẩn danh không dám đề tên của họ
như là tác giả của kinh mà cho đó là do Phật nói ở núi Linh Thứu.
v
2)Đứng về phương diện tâm lý, tuy các triết gia thời đó có lỗi lạc đến
đâu thì vẫn không chánh danh bằng đức Phật, người đã khai sáng ra đạo
Phật. Do đó tuy kinh Pháp Hoa được biên soạn bởi những triết gia, luận
sư nổi tiếng nhất của Phật giáo lúc bấy giờ, nhưng họ vẫn nói kinh này
là do Phật thuyết nếu không thì kinh thuộc về ngoại đạo rồi. Vì thế khi
kinh xuất hiện đã được đại chúng đón chào nồng nhiệt, kính trọng và tin
tưởng. Kết quả, kinh Pháp Hoa đã được Phật giáo đồ khắp mọi nơi, mọi
thời gian tôn sùng và tu tập triệt để.
Có rất nhiều
dự kiện chứng minh rằng các bản dịch kinh Pháp Hoa từ Phạn ngữ sang
tiếng Hán được thực hiện rất sớm trong những năm 234-235 sau dương lịch,
nhưng những dịch phẩm ấy đã mất tích, không còn hiện hữu. Dựa theo bộ
Khai Nguyên Thích Giáo Lục (K’ai-yuan-shih-chao-lu) do ngài Trí Thăng
(Chih-sheng) biên soạn năm 730 sau dương lịch có ghi chép khá chi tiết
là có tất cả sáu bản dịch toàn vẹn của kinh Pháp Hoa từ tiếng Phạn
(Sanskrit) sang tiếng Hán mà hiện tại ba bản vẫn còn lưu hành. Đó là:
v
1)Chánh Pháp Hoa Kinh (Cheng-fa-hua-ching) do ngài Trúc Pháp Hộ
(Dharmaraksa) dịch vào năm 286 sau dương lịch gồm 7 hoặc 10 tập với 27
phẩm.
v
2)Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Mio-fa-lien-hua-ching) do ngài Cưu Ma La Thập
(Kumàràjìva) dịch vào thời Diêu Tần năm 383 hoặc 406 sau dương lịch gồm
có 7 tập và 27 phẩm, hoặc 8 tập và 27 phẩm vì không có phẩm
Đề-Bà-Đạt-Đa.
v
3)Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (T’ien-pen-miao-lien-hua-ching) do
ngài Xà La Quật Đa (Jnanagupta) và Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) dịch vào
năm 601 sau dương lịch, gồm có 7 tập và 27 phẩm.
Trong phần
lời tựa của bản dịch Anh ngữ “Scripture of The Lotus Bolssom of The Fine
Dharma” của học giả Leon Hurvitz có đề cập đến nhiều thời điểm mà kinh
Diệu Pháp Liên Hoa được dịch sang tiếng Hán. Đó là các năm 255, 286,
290, 335, 406 và 601 sau công nguyên. Nhưng trong sáu bản dịch đó thì
chỉ còn có ba bản tồn tại là Chánh Pháp Hoa Kinh (286 AD), Diệu Pháp
Liên Hoa Kinh 406 AD) và Thiên Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (601 AD).
Tuy
ba bản dịch ở trên rất khả tín, nhưng kinh Pháp Hoa bằng Phạn ngữ chỉ có
27 phẩm mà sau đó bản dịch sang tiếng Hán lại có đến 28 phẩm. Các học
giả cho rằng bắt đầu từ phẩm thứ 23 trở về sau, có những phẩm mới đã
được người đời sau thêm vào. Thí dụ Đề-Bà-Đạt-Đa là người phạm giới, phá
hoại tăng đoàn, làm Phật chảy máu, xuối vua A Xà Thế giết cha hại mẹ vì
thế theo nguyên tắc ông phải bị đọa. Nhưng dựa theo tinh thần Pháp Hoa
thì “Nhất
thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật”
nghĩa là trong tất cả chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có
thể thành Phật. Vì thế phẩm thứ 12 này mới được thêm vào mà trong đó
Đề-Bà-Đạt-Đa được Phật thọ ký và về sau cũng sẽ thành Phật.
Để
giải thích sự khác biệt, thêm bớt trong Hán kinh, sư Đạo Tuệ viết trong
quyển Tòng Đa Lục rằng có vị sư tên là Thích Pháp Hiển của chùa Thượng
Định Lâm tìm thấy được bản kinh Pháp Hoa bằng tiếng Phạn có phẩm này.
Sau đó, sư Pháp Ý ở chùa Ngõa Quan dịch phẩm này ra tiếng Hán, nhưng mãi
đến khi sư Trúc Pháp Hộ ở Đôn Hoàng, dịch kinh Chính Pháp Hoa vào đời Vũ
Đế triều Tấn thì mới đặt phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa vào sau phẩm Kiến Bảo Tháp.
Khai Nguyên
Thích Giáo Lục là Mục Lục gồm có 20 quyển do ngài Trí Thăng biên soạn
vào năm 730 đời Tống. Đây là loại sách chuyên liệt kê tên, số quyển và
niên đại phiên dịch của tác phẩm kinh điển Phật giáo. Toàn bộ Mục lục
được chia làm hai phần:
v
1)Tổng
quát Quần Kinh Lục: từ quyển 1 đến quyển 10, tương đương
với Đại Lục. Phần nầy theo thứ tự thời gian phiên dịch để nêu lên 176
tên người dịch cho 2278 bộ kinh, luật, luận từ Tiểu thừa đến Đại thừa.
Tổng cộng 7046 quyển trong thời gian 664 năm từ năm 67 đời Đông Hán đến
năm 730 đời Đường. Trong đó, những tư liệu liên quan đến những bộ kinh
điển đã được sưu tập rất đầy đủ nói về số lượng quyển, tên người dịch,
nơi phiên dịch và những người có quan hệ đến việc phiên dịch của những
bộ kinh đó. Đặc biệt còn phân biệt các kinh có bản dịch và mất bản dịch,
dịch một lần hay dịch nhiều lần.
v
2)Biệt
phần Thừa Tạng Lục: từ quyển 10 đến 20, phần này phỏng
theo cách phân loại mục lục của Pháp Kinh Lục. Trong phần này có Hữu
dịch hữu bản lục (có tên người dịch, có bản dịch), Hữu dịch vô bản lục
(có tên người dịch, nhưng không có bản dịch) cho đến Nhập Tạng Mục Lục.
Trong phần Nhập Tạng Mục Lục của 1076 bộ kinh điển được dịch từ nguyên
bản tiếng Phạn sang chữ Hán gồm 5048 quyển. Trong đó, kinh Đại thừa được
chia làm 5 bộ lớn là Bát Nhã, Bảo Tích, Đại Tập, Hoa Nghiêm và Niết Bàn.
Trong số 1076 bộ kinh đó có đến 392 là kinh giả và 14 kinh khác có nguồn
gốc đáng nghi ngờ. Như thế số kinh giả và không đáng tin cậy đã chiếm
đến một phần ba. Nếu con số nêu trên là đúng thì kinh điển Đại thừa thật
sự có vấn đề.
Ngoài ra, để
phòng ngừa sự nhầm lẫn, ngài Trí Thăng còn dùng Thiên tự văn để ghi số
hiệu mục lục được nhập Tạng của sách này và soạn thành Khai Nguyên Thích
Giáo Lục Lược Xuất gồm 4 quyển. Từ đời Bắc Tống về sau, bộ Lược Xuất này
được làm chỗ y cứ cho việc in khắc số hiệu của Đại Tạng Kinh.
Trong ba bản dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì bản dịch của ngài Cưu Ma
La Thập là phổ thông nhất tại các quốc gia ở Á Châu như Trung Hoa, Đại
Hàn, Nhật Bản và ngay cả ở Việt Nam. Các học giả Đông Tây ngày nay đều
cho rằng kinh Diệu Pháp Liên Hoa có lẽ đã trải qua một tiến trình tương
đối hơi dài để đi đến hoàn tất mỹ mãn. Vì tầm quan trọng cũng như giá
trị của kinh khiến cho kinh được tôn xưng như là vua của tất cả các kinh
trong khu vườn kinh điển Đại thừa, nhưng chính nó cũng phản ảnh một ngộ
nhận căn bản là coi thường các kinh khác.
Tinh thần
Pháp Hoa ở đây là nhân duyên vốn từ chúng sinh mà đến bởi vì nếu không
có chúng sinh thì không có Phật, mà không có Phật thì cũng không có giáo
pháp. Vì thế Phật có thuyết pháp cũng vì chúng sinh và nhân duyên là để
khiến cho chúng sinh được liễu sinh thoát tử. Do đó trong kinh Pháp Hoa
dạy rằng: “Phật
vi nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế” nghĩa là
Phật là một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Đại sự mà Phật muốn
nói ở đây là gì? Phải chăng đó là sự sinh tử của mỗi chúng sinh. Chính
trong phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa xác định rằng “Chư Phật chỉ do
một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian”. Đó là muốn cho chúng
sinh “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến” nghĩa
là đức Phật muốn khai
mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy
biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp
Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Đó là trong tất cả mọi
chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều
giống như Phật. Vậy Phật tri kiến mà đức Phật muốn nói ở đây chính là
chơn tâm, là Phật tánh thường có vĩnh hằng, nhưng vì bị vô minh che lấp
nên con người không thấy biết chơn tánh hằng giác của mình. Cái bổn tánh
này ví như mỏ vàng đang đợi khai phá, chưa được hiển lộ. Vì thế đức Phật
muốn chúng sinh khai mở tri kiến Phật của mình để có sự thanh tịnh, an
lạc ngay trong cõi đời có tan có hợp này cũng giống y như Phật vậy. Cũng
ví như vàng ròng còn trộn lẩn với đất cát sỏi đá, Phật tánh và phiền não
cũng vậy. Phiền não còn, Phật tánh biến mất cho nên nếu chúng sinh hóa
giải được một phần phiền não thì có được một phần Bồ-đề. Mà có Bồ-đề là
có giác ngộ. Dựa theo tinh thần Pháp Hoa, nhân duyên lớn nhất để đức
Phật xuất hiện trên thế gian này là khai mở, chỉ bày khiến cho chúng
sinh mở toang tri kiến Phật của họ và giúp cho chúng sinh thanh tịnh hóa
tri kiến Phật đó. Thế thì cái tri kiến Phật mà kinh nói ở đây chính là
trí tuệ tức là cái biết như thật về tánh Vô Ngã và lý Duyên Khởi của các
pháp. Con người có trở về với bổn tánh, chơn tâm hay Phật tánh chỉ khi
nào họ đạt được cái trí tuệ này thì lúc đó họ sẽ an trú trong sự thấy
biết tánh bình đẳng của tất cả mọi sự vật hiện tượng và tất cả khái niệm
hay ý niệm về những cặp phạm trù đối đãi phân biệt sẽ biến mất. Vì lẽ đó
mà kinh Pháp Hoa còn được biết đến như là kinh Trí Tuệ.
Trong lịch sử
kinh điển Phật giáo Đại thừa, kinh Bát Nhã xuất hiện trước nhất, rồi mới
tới kinh Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật…và sau cùng kinh
Pháp Hoa. Kinh Duy Ma Cật có rất nhiều tư tưởng rất uyên thâm, ngoài tư
tưởng Bất Nhị, lý tưởng bất khả tư nghì được diễn bày rất khéo léo và
thiện xảo hòa nhịp cùng với tư tưởng Bát Nhã khiến cho kinh có một chỗ
đứng rất vững chắc trong kho tàng kinh điển Đại thừa.
HOA SEN TRONG
ĐẠO PHẬT
Đức Phật sinh
ra trong cung vàng điện ngọc nhưng Ngài thấy rằng những nỗi khổ lúc nào
cũng tiềm ẩn phía sau tuổi trẻ, sức khỏe và đời sống của tất cả mọi
chúng sinh. Nỗi khổ là hiện tượng vô hình, nhưng nó lại tác động không
kém gì những nhát đao, những thanh kiếm xuyên suốt vào tâm của con
người. Cái đau đớn trong tâm hồn nhất thiết không thương sót một
ai. Người giàu sang phú quý cưu mang nỗi khổ của người giàu, kẻ nghèo
khó cũng phải gánh chịu những nỗi bất hạnh đau đớn dành riêng cho
họ. Ông hoàng bà chúa có những nỗi khổ niềm đau theo lối vua chúa, ngược
lại kẻ bần cùng cũng có cái đau cái đớn chẳng khác gì. Nhưng tại sao
chúng sinh lại phải khổ?
Trong bộ
Trường A Hàm (Dĩgha Nikàya) Phật dạy rằng:
-Ái dục bắt
nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi
đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có
thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó.
Con người vì
bị vô minh che lấp nên không nhìn thấy biết đúng và từ đó ái dục có cơ
hội phát sinh rồi chấp thủ, khư khư bám chặt lấy “Cái Ta” và những cái
gì gọi là “Cái Của Ta”. Thí dụ bất cứ ai cũng có thể xây dựng một ngôi
nhà, bằng gỗ, bằng gạch hay bằng xi măng cốt sắt, nhưng đức Phật dạy
rằng loại nhà ấy không phải thật sự là “Cái Của Ta
mà chỉ là của ta
trên danh nghĩa, theo quy ước, trong khái niệm. Nó là một hiện tượng mà
chúng ta gọi cái nhà trong thế gian vậy thôi. Còn ngôi nhà thật sự của
chúng ta là trạng thái an tĩnh trong tâm thức. Một cái nhà vật chất ở
ngoại cảnh có thể thật đẹp, nguy nga tráng lệ, nhưng nó chính là nguyên
nhân tạo đến lo âu này đến lo âu khác, băn khoăn tự lo nọ đến áy náy
buồn phiền kia. Vì nó ở ngoài ta tức là vật ngoại thân nên sớm muộn gì
rồi ta cũng phải bỏ lại cho nên càng bám víu vào nó thì càng khó dứt bỏ
tức là càng khổ đau thêm. Nó không phải là nơi chốn mà ta có thể sống
vĩnh viễn trong đó, bởi vì nó không thật sự thuộc về ta mà là một phần
của thế gian. Do đó ái dục làm động cơ thúc đẩy con người đưa đến hành
động tạo nghiệp bất thiện bằng chính thân, khẩu hay ý của ta. Chính ái
dục, nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vô minh, sai khiến con người luyến
ái, đeo níu, bám chặt vào đời sống và lòng ham muốn khát khao ấy lôi
cuốn con người lặn hụp triền miên trôi nổi từ kiếp sống này đến kiếp
khác. Do đó có sống là có khổ.
Nhà sản xuất
điện ảnh nổi tiếng nhất ở Hollywood
Aaron Spelling khi còn sống đã xây một căn biệt thự lớn
nhất vùng Los Angeles có trên năm mươi mấy phòng ngủ, rộng trên 56 ngàn
bộ vuông và được thiết kế, trang trí bằng những thứ đắc tiền, quý hiếm
nhất trên thế giới. Sau khi ông Spelling qua đời năm 2006, bà quả phụ
Candice
không thể một mình quản trị được tòa biệt thự quá lớn đó mặc dầu chính
bà đã tự tay phát họa chi tiết để vẽ tòa biệt thự này từng phòng một.
Đến năm 2008 bà quyết định bán lại với giá 150 triệu đô la. Có lẽ đây là
căn nhà đắc tiền nhất trong lịch sử địa ốc ở Hoa Kỳ trong thời cận đại.
Trước khi đóng cửa giao chìa khóa nhà lại cho chủ mới, bà thốt rằng “Cái
đau đớn nhất của tôi là khi bước những bước sau cùng trước khi ra khỏi
căn nhà mà nó đã gắn liền với biết bao kỷ niệm đầm ấm êm đềm khiến tim
tôi se thắt và mặc dầu cố gắng tôi vẫn không cầm được nước mắt”.
Thế thì có thật nhiều tiền, có nhà đắc tiền nhất thế giới thì sự ràng
buộc càng to lớn không dễ gì buông xuống. Tệ hại hơn nữa là từ đây tuy
sống trong những căn nhà sang trọng khác, nhưng trong lòng bà sẽ không
bao giờ có được những cái hạnh phúc mà bà đã có vì bà tùy thuộc quá
nhiều vào những thứ vật chất nầy. Chưa đủ, sau cái chết của ông
Spelling, cũng vì tranh chấp tài sản, bà và người con gái duy nhất là
Tori không còn nói chuyện với nhau. Có phải ái dục, tiền tài, danh vọng
giết chết đạo đức là sức sống thanh cao của con người?
Nói chung khổ
là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện làm cho con người khó
chịu. Hạnh phúc mà con người đeo đuổi cũng không thể tồn tại vì những
điều kiện tạo duyên cho nó phát sinh luôn biến đổi vì thế không có hạnh
phúc nào thật sự vững bền cả. Những điều mà chúng sinh mong muốn chỉ tồn
tại nhất thời và những đối tượng mà con người khao khát mong mỏi chẳng
qua chỉ là phù du tạm bợ, có đó rồi rồi mất đó chẳng khác nào như ôm giữ
một cái bóng, như nắm bắt một làn hương.
Vào thời đức
Phật, một hôm các Tỳ kheo thấy những tội nhân bị trói bằng dây thừng,
dây gai, xích lại và trông họ đang chịu đau khổ vô cùng mà không cách
nào phá vở gông cùm để thoát thân được nên các Tỳ kheo đem chuyện ấy
bạch với Phật. Nghe thế đức Phật dạy rằng:
·
-Này chư Tỳ kheo! Các dây trói buộc ấy thật không chặt chẽ đâu, nếu so
sánh với những trói buộc của đam mê xấu xa đê tiện, trói buộc của ái
dục, trói buộc của lòng luyến ái, bám níu vào tài sản, sự nghiệp, con
cái, vợ chồng. Ðó là trói buộc cả trăm lần, hơn nữa, cả ngàn lần chặt
chẽ và vững chắc hơn các loại dây mà các ông thấy. Tuy nhiên, dầu các
trói buộc ấy có chặt chẽ đến đâu, bậc thiện tri thức vẫn phá vỡ được."
·
-Dây làm bằng sắt, gỗ hay gai, ràng buộc không bền chặt. Bậc thiện tri
thức nên biết như thế. Ngược lại, dây luyến ái bám níu vào kim cương, đồ
trang trí vợ, con, là trói buộc bền chặt hơn nhiều.
·
-Trói buộc ấy thật bền chặt, bậc thiện tri thức nên biết như vậy. Nó kéo
trì xuống, mềm mỏng dịu dàng, nhưng rất khó tháo gỡ. Chính dây ấy, nguời
thiện tri thức cũng cắt lìa và từ bỏ thế gian, không luyến ái và từ
khước mọi dục lạc. (Kinh Pháp Cú, câu 345 và 346)
Bởi
sự vô thường giả tạm đó, đức Phật dạy rằng:
"Aniccà
vata sankhàrà - Uppàdavayadhammino
Uppajjitvà nirujjhanti - Tesam vupasamo sukho."
Nghĩa là:
“Các pháp hữu vi (sankhàrà, các vật được cấu tạo) là vô thường, có sanh
rồi hoại, đã có sanh tức có hoại diệt - ngưng nó được là hạnh phúc."
Vì nhận thức
như thế Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc cốt là để đi tìm chân lý cứu khổ,
một con đường giải thoát trước tiên là cho chính Ngài chớ không phải
mang một tâm tư hoài bảo vĩ đại muốn cứu rỗi cho tất cả mọi chúng sinh.
Ngài đã ra đi, bỏ lại tất cả, viễn ly mọi ràng buộc thế tình, trở thành
một nhà tu khổ hạnh và phải tranh đấu với những hoàn cảnh khắc nghiệt
để mong tìm thấy được ánh sánh chân lý. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới
cội Bồ-đề, Ngài đã tìm ra con đường giải thoát, có được thanh tịnh Niết
bàn và giác ngộ viên mãn. Ban đầu Ngài có khuynh hướng giữ im lặng,
không muốn đem giáo pháp Ngài vừa thực chứng dưới cội Bồ-đề giảng giải
lại cho thế gian: “Nếu
Ta đem con đường Đạo Pháp ra để thuyết giảng mà chẳng có ai hiểu được
thì [việc ấy] chỉ mang lại thất vọng và nhọc nhằn cho Ta..." (Trung
A Hàm). Thật vậy, "những
ai chỉ biết tìm lạc thú trong dục vọng, nấp mình sau tấm màn của u mê
thì sẽ không thể nào quán thấy được Sự thực" (Trung
A Hàm).
Có lẽ lúc đó
Ngài muốn theo đuổi con đường của một vị Độc giác Phật. Sau khi vị Phạm
thiên Sahampati năn nỉ rằng: “Xin Vị Thầy Tối thượng chớ nên phiền
muộn, hãy nhìn vào chúng sinh đang phải gánh chịu đau buồn và khổ ải [vì
vướng mắc] trong sự hình thành và già nua. Hỡi Vị Tối thắng trong cuộc
chiến, hãy đứng lên! Hỡi Vị Thầy Tối thượng, hãy hy sinh tất cả để bước
vào cái thế giới này. Cứ đem Giáo lý ra thuyết giảng, rồi đây cũng sẽ có
người hiểu được" (Trung
A Hàm), thì đức Phật mới nhận lời sẽ truyền dạy lại những gì
Ngài thật chứng cho chúng sinh để cùng có giải thoát Niết bàn và đạt đến
cứu cánh tột đỉnh là giải thoát ra khỏi biển sinh tử trầm luân. Vì thế
đạo Phật mới gọi là đạo giải thoát. Giải là cởi mở nghĩa là cởi mở những
trói buộc để thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ của cuộc đời. Đức Phật
khai thị cho chúng sinh biết đời là bể khổ, nhưng không vì thế mà con
người nhìn đời bằng thái độ yếm thế bi quan tiêu cực. Cũng ví như ra
chiến trận, nếu không biết địch là ai và ở đâu thì làm sao tiêu diệt
chúng được. Phật dạy Khổ Đế để chúng sinh biết đời là bể trầm luân và
Tập Đế là những nguyên nhân, cội nguồn phát sinh ra những nỗi khổ này.
Nhưng đức Phật cũng từ trong cái khổ mà tìm ra chân lý. Cứu cánh của
giáo lý Phật Đà là đức Phật dạy chúng sinh diệt
khổ để có an lạc, hạnh phúc ngay trong cái thế giới có
sinh có diệt này chớ đức Phật không bao giờ dạy con người trốn
khổ nghĩa là cầu nguyện chạy sang một thế giới nào đó để
có an lạc mà tự mình không lo hóa giải hết những thứ ô trược đó ở thế
giới Ta Bà.
Đức
Phật dạy rằng:
§
-Này
các tỳ kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là khổ
đau (dukka): Sinh là khổ
đau, già
là khổ
đau, bệnh
tật là khổ
đau, chết
là khổ
đau, phải
kết hợp với những gì mình không thích là khổ đau, phải
xa lìa những gì mình yêu quý là khổ đau
không đạt được những gì mình thèm
muốn là khổ
đau. Tóm
lại, năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) của sự bám víu là khổ
đau.
§
-Này các tỳ
kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là nguyên
nhân của khổ đau : Đấy
là sự ''thèm khát" mang lại sự tái-hiện-hữu và
sự tái-hình-thành, sự
thèm khát ấy phát sinh từ sự ham muốn quá độ và sự thèm khát thì sẽ luôn
chạy theo những thụ hưởng mới, lúc thì nơi này lúc thì nơi khác, đấy là
sự thèm khát các lạc thú của giác cảm, đấy là sự thèm khát [được] hiện
hữu và hình thành, đấy là sự thèm khát không [muốn
được] hình
thành (trái với sự mong muốn của mình).
§
-Này các tỳ
kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là chấm
dứt khổ đau : Đấy
là sự chấm dứt hoàn toàn của sự "thèm khát", dứt
bỏ được nó, từ bỏ được nó, tự giải thoát ra khỏi nó, cởi bỏ được nó.
§
-Này các tỳ
kheo, đây là con
đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau : Đấy
là Con Đường Cao quý của Tám sự Đúng đắn, đấy
là : quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương
tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng và tập trung [tâm
thức] đúng.
Thế thì ngay
trên cái khổ đó mà con người làm chủ được nó thì gọi là diệt khổ. Nếu
chúng sinh không có khả năng diệt khổ thì cái khổ sẽ theo họ như bóng
theo hình cho nên bất cứ họ ở đâu cho dù là cõi cực lạc thì họ vẫn phải
sống trong cảnh khổ như thường. Vì vậy khi tâm thanh tịnh, không còn
phiền não quấy phá thì nơi ấy chính là cõi Phật thanh tịnh. Đó là “Tâm
tịnh thì thế giới tịnh và Tâm an thì thế giới an bình” cho nên kinh Duy
Ma Cật có câu “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ tiên
tịnh kỳ tâm”. Đức Phật dạy con người phát triển trí tuệ và sống đúng với
Chánh pháp và thuận với Chân lý là “Tuệ Tri” chớ Ngài không dạy chúng
sinh sống trong ảo tưởng, hướng về những cảnh giới không bao giờ có
trong càn khôn vũ trụ tức là “Tưởng Tri”.
Khi ấy đức
Phật dùng tuệ nhãn quan sát khắp cùng xem có ai có thể lãnh hội được
Giáo Pháp của Ngài chăng. Trong Bộ Trung A Hàm (Majjhima Nikãya), có bài
kinh Ariyapariyesana nói về hoa sen như sau:
-Như
trong đầm có những loại sen trắng, sen hồng, sen xanh lẫn lộn. Có những
ngó sen chớm nở khỏi bùn, mọc lên trong nước, có những cây khác vừa lém
đém ngang mặt nước và cũng có những búp sen đã vượt hẳn lên cao, không
còn vướng chút bùn nhơ nước đục. Chúng sanh trong thế gian cũng dường
thế ấy dưới tầm mắt của bậc Chánh Biến Tri. Như Lai nhìn thấy chúng sanh
đủ hạng, hạng đầy bợn nhơ và hạng tương đối trong sạch, hạng thông minh
sáng suốt và hạng tối tăm mờ mịt, hạng tốt hạng xấu, hạng thiện tri thức
và hạng cuồng si. Như Lai cũng thấy hạng chúng sanh đang gieo mầm xấu xa
và hạng chúng sanh đang gặt quả dữ của nhân đã gieo từ những kiếp quá
khứ.
Để
giải thích rõ ràng hơn, trong Bộ Tăng Nhất A Hàm (Angutttara Nikãya) có
ghi rõ có bốn hạng người trong số những người có duyên dành được gặp
Phật Pháp ví cũng như bốn loại sen ở trên:
v
1)Ugghãtitannu:
sau khi có duyên lành gặp được đức Phật và chỉ nghe qua một vài lời dạy
vắn tắt, ngắn gọn và rành mạch của Ngài thì người này tức thì khai tâm
mở tánh và có đủ khả năng thành Đạo và Quả ngay. Có thể nói đó là những
búp sen trong trắng chỉ chờ tia nắng đầu tiên của buổi ban mai để nở
tung ra một cách huy hoàng rực rỡ. Hoa sen tuy từ bùn nhơ nước đục ngoi
lên, nhưng không vì thế mà khiến cho hoa sen phải nhạt sắc hương thanh
thoát của nó.
v
2)Vipancitannu: Khác
với hạng thượng căn thượng trí ở trên, loại người thứ hai này cần phải
được nghe giải thích tường tận và cặn kẽ thì họ mới chứng được đạo quả
Bồ-đề.
v
3)Neyya:
Hạng thứ ba này không thể thành đạo mặc dù được giảng giải Giáo Pháp
tường tận và tỉ mỉ, nhưng họ đòi hỏi phải chăm chú nghiên cứu, siêng
năng học hỏi và tinh tấn thực hành Giáo Pháp trong nhiều ngày, nhiều
tháng, nhiều năm mới tìm thấy được ánh sáng chân lý nhiệm mầu. Thời gian
dài hay ngắn tùy thuộc vào khả năng phá màn vô minh và tận diệt những
tầng ô nhiễm trong tâm thức.
v
4)Padaparama: tuy
đã có duyên lành gặp Phật Pháp và nỗ lực học hỏi và thực hành Giáo Pháp,
nhưng sau cùng vị này không thể nào thành đạt Thánh Đạo và Thánh Quả
trong kiếp sống hiện tiền được. Do đó tất cả những công phu tạo dựng là
để vun bồi cho mình một đức tánh cao thượng và dĩ nhiên kết tạo những
chủng tử Phật Pháp hữu dụng sẵn sàng chuyển đến cho những đời kế
tiếp. Đây là những búp sen chưa sẵn sàng để nở trong ngày mai khi mặt
trời lố dạng. Họ là những ngó sen còn dưới sâu trong bùn non của vòng
luân hồi, chưa lên khỏi mặt nước. Cho dù đóa sen còn nằm trong bùn, sắp
vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước hay đã nở rộ thì tất cả đều mang
theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa sen tươi đẹp,
màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng.
Thêm nữa, hoa
sen là một loại hoa có thể được gọi là “nhân
quả đồng thời”. Bởi vì ngay trong búp sen đã có sẵn
gương, hột và cánh nhụy rồi. Một đặc tính cao thượng của hoa sen là tuy
mọc từ sình lầy tanh hôi, vẫn vươn lên mà không hề bị bùn lầy nước đục
làm oen ố sắc hương. Tại sao đạo Phật lại dùng hoa sen làm biểu tượng
cho nhân quả đồng thời? Đó là tuy mang thân phàm phu ngũ uẩn, nhưng
trong tất cả mọi chúng sinh đều cùng có tri kiến Phật giống y như Phật.
Nói cách khác Phật tánh của Phật và chúng sinh bình đẳng không sai khác
ví cũng như hoa sen tuy còn búp mà vẫn có cánh sen, gương sen, hột sen,
nhụy sen giống y như hoa sen đã nở rộ. Kinh điển Đại thừa hướng dẫn
người tu đi từ nhân đến quả, từ các ba-la-mật trải qua nhiều đời mới
thành Phật quả, thì lối tu này gọi là Thừa Nhân. Trong khi đó, tu Pháp
Hoa là tu trên Quả chớ không phải tu từ Nhân để đi đến Quả nghĩa là hành
giả triển khai sự tu hành ngay trên Quả của Phật đã thành vì thế kinh
mới được tôn vinh là “vua của các kinh”. Quả mà kinh Pháp Hoa diễn bày ở
đây chính là Phật tánh vốn có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh.
Chủ điểm của
kinh Pháp Hoa là xác định rằng trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng
đều có tri kiến Phật, trí tuệ Phật, Phật tánh bình đẳng như nhau, giống
y như Phật. Vì thế nếu con người biết sử dụng tri kiến Phật thích đáng
và hữu dụng vào trong cuộc sống để hóa giải hết vô minh phiền não thì
chính họ sẽ trở thành Phật chớ không phải quả vị Phật là do bất cứ vị
Phật nào ban thưởng cho mình được. Trong Phật giáo không có con đường
tắt, hay sự chứng đắc là do ai ban cho mình mà phải bằng sự tinh tấn nỗ
lực tu tập của chính mình. Có đi vào thiền định, có tư duy quán chiếu,
có gạn lọc ô nhiễm trong tâm thức, có kiểm soát được thân khẩu ý thì hoa
sen từ búp sẽ dần dần vươn lên khỏi mặt nước và nở rộ mà tỏa ra hương
thơm khắp cùng. Do đó đức Phật là đóa sen đã nở trước, nở toàn diện mà
hiển bày nhụy, gương, cánh, hột một cách viên mãn. Còn tất cả chúng sinh
là những búp sen, tuy chưa nở rộ, vẫn còn nằm dưới nước, nhưng nếu cố
gắng vươn lên thì một ngày nào đó sẽ vượt thoát khỏi chốn bùn nhơ mà
thấy được ánh sáng chân lý nhiệm mầu và nở rộ giữa ánh nắng bình minh
trong lành thanh thoát.
Hoa
sen tuy từ bùn nhơ nước đục ngoi lên, nhưng không vì thế mà khiến cho
hoa sen phải nhạt sắc hương thanh thoát của nó cũng như chúng sinh tuy
sống trong thế giới dẫy đầy ô nhiễm, nhưng nếu biết vươn lên thì cũng
vượt thoát ra khỏi cảnh bùn lầy tanh hôi tăm tối mà nở hoa tươi thắm,
sống trong thanh tịnh an lạc Niết bàn. Hoa sen nói lên đặc tính là sự
vật luôn luôn diễn biến và tồn tại vĩnh cữu chớ không có có cái gì mất
cả. Cũng như hoa sen khi tàn thì còn lại gương sen. Và khi gương sen
khô, hột sen rơi xuống bùn rồi mọc ra bông sen khác. Cứ như thế mà sinh
sinh diệt diệt, luân hồi mãi mãi trong thế gian.
Kinh Pháp Hoa
nói về hoa sen, nhưng hoa sen ở đây phải chăng là hoa sen nơi chính mình
để có thể khai, thị, ngộ, nhập cái hoa sen Phật tánh ấy nơi mình. Hoa
sen sẽ vươn lên và nở rộ cũng như Phật tánh hiển bày cho nên đạo Phật có
mặt trên thế gian này để nhắn nhủ với nhân loại rằng tất cả mọi người đã
có đủ tri kiến Phật, giống y như Phật. Phải chăng tinh thần khách quan
bình đẳng tôn trọng giá trị nhân bản chỉ có duy nhất trong Phật giáo?
NHẤT THỪA
PHẬT ĐẠO
Nguyên nhân Phật nói kinh Pháp Hoa là Ngài muốn khai thị cho mọi chúng
sinh rằng ai ai cũng đều có tri kiến Phật giống y như Phật. Và sau đó
Phật muốn quy tất cả các thừa trở thành Nhất thừa Phật đạo. Nhất thừa
Phật muốn nói ở đây là đồng nhất Thanh Văn thừa (xe dê), Duyên Giác thừa
(xe hưu) và Đại thừa (xe trâu) trở thành Phật thừa (cỗ xe trâu trắng
lớn). Nhất thừa không có nghĩa là giai đoạn cuối cùng của con đường Phật
đạo sau khi hành giả đã trải qua ba thừa trước mà nhất thừa là một con
đường duy nhất để thành Phật. Do đó tôn chỉ của Pháp Hoa là tu để thành
Phật, cứu cánh tối thượng là Phật quả, là Bảo sở chớ không không có con
đường nào khác. Vì vậy nhất thừa Phật nghĩa là một là tất cả và tất cả
chính là một tức là Bất nhị. Như thế muốn hòa nhập vào trong hội Pháp
Hoa, chúng sinh phải thấy mình sống trong cái nhất thừa đó, phải biết
mình cũng có đủ tri kiến Phật để giúp mình sáng suốt hóa giải những
phiền não đau khổ của thế gian. Nhất thừa đưa hành giả đến chỗ vô phân
biệt, không còn thấy mình tu theo Thanh Văn, Duyên Giác hay Bồ Tát mà
tất cả quy về thành Phật đạo tức là con đường duy nhất để thành Phật.
Nếu con người sống trong tinh thần Nhất thừa thì sẽ không còn tranh chấp
giữa các tông phái cũng như trăm sông cùng đổ về biển lớn. Xa hơn nữa,
nhất thừa giúp chúng sinh nhìn thế gian rộng rãi rốt ráo hơn. Đó là xóa
sạch những dị biệt tư tưởng cho nên tranh chấp, xung đột đưa đến tranh
đấu sẽ không còn. Bởi vì nhất thừa là cứu cánh tối thượng của trí tuệ và
từ bi và cũng là hòa bình của thế giới.
CẤU TRÚC CỦA
KINH PHÁP HOA
Kinh
Pháp Hoa là một tuyệt tác của Phật giáo Đại thừa. Kinh được diễn tả dưới
hình thức một vở kịch nhằm phát huy một chân lý tối thượng bằng cách
trình bày những ý niệm trừu tượng dưới dạng cụ thể, dễ hiểu giúp người
đọc dễ nắm được ý kinh. Tên kinh dựa theo Phạn ngữ lúc ban đầu là Saddharma
Puṇḍarīka
Sūtra (Lotus
Sutra). Khi dịch qua Hán tự thì nó có tên là “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ
Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”, gọi gọn lại là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh hay
gọn nữa là Kinh Pháp Hoa. Diệu Pháp là Pháp, Liên Hoa là dụ. Diệu Pháp
là pháp môn huyền diệu tức là pháp mầu. Nói về sự, Pháp là tất cả các sự
vật hiện hữu và xảy ra trong thế gian vũ trụ. Nói về lý, Pháp là một
chân lý, một sự thật vĩnh hằng ảnh hưởng vào tất cả các sự vật trong thế
giới này. Pháp là lời dạy của Phật mà nó chính là nền tảng, là khuôn mẩu
cho con người noi theo vì nó tiềm ẩn những năng lực giúp chúng sinh có
thể tiêu trừ những dục vọng tham-sân-si là căn nguyên của phiền não khổ
đau nên gọi là pháp mầu. Pháp này có thể giúp con người phá trừ được ngã
chấp hẹp hòi, ích kỷ nên gọi là pháp mầu. Pháp này giúp con người thấu
hiểu tánh duyên khởi vô tánh vì tất cả sự vật trong thế gian này là do
nhân duyên hòa hợp giả tạo nên không có gì là bền chắc cả, có đó rồi mất
đó nên gọi là pháp mầu. Pháp này giúp chúng sinh thấy biết và sống thật
bản tâm của chính mình vì mỗi chúng sinh là một vị Phật sắp thành nên
gọi là pháp mầu.
Vì
sự huyền diệu nhiệm mầu đó cho nên Diệu Pháp gồm những ý nghĩa như sau:
v
1)Thật
tướng bình đẳng: Tuy thế giới vũ trụ có tướng trạng khác
nhau, màu sắc khác nhau, kích thước nặng nhẹ khác nhau, nhưng thật tướng
của vạn pháp là vô tướng (không tướng) nên tất cả đều bình đẳng như
nhau. Vì thế nếu con người biết quán tưởng thật tướng là không tướng thì
những phạm trù đối đãi nhị nguyên trong tâm thức dần dần sẽ biến mất.
v
2)Đại
huệ bình đẳng: Khi con người ngộ nhập được bản thể chân
như của vạn pháp tức là thật tướng là vô tướng thì họ sẽ trở về sống với
chơn tâm, Phật tánh hay Tri kiến Phật (thấy biết của Phật) tức là cái
linh tri, linh giác có sẳn trong tất cả mọi người.
v
3)Khai
quyền hiển thật, hội tam quy nhất: Trong hội Pháp Hoa,
đức Phật khai thị chúng sinh để đưa tam thừa về nhất thừa Phật đạo. Bây
giờ sẽ không còn Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát mà chỉ còn Phật thừa tức
là con đường duy nhất giải thoát giác ngộ viên mãn trở thành Phật. Nếu
chúng sinh ngộ được Phật tri kiến thì họ thẳng tiến về Phật địa và sẽ
thành Phật. Vì thế giáo pháp nầy mới gọi là huyền diệu nhiệm mầu tức là
Diệu Pháp vậy. Đã là Diệu Pháp thì không những toàn bộ kinh là Diệu Pháp
mà mỗi câu mỗi chữ cũng là Diệu Pháp bởi vì mỗi thành phần cấu tạo, xây
dựng tạo thành toàn bộ một chân lý rằng:
“Tất cả
chúng sinh đều thành Phật”.
Phật giáo Đại thừa lấy Bồ Tát Hạnh làm cao điểm, là lý tưởng phục vụ để
cảm nhận mà phát triển tâm từ vì thế kinh Pháp Hoa diễn tả một chân lý
sinh động qua các hạnh của các vị Bồ Tát. Dưới tuệ nhãn của bậc giác
ngộ, đức Phật nhìn tất cả chúng sinh đều có Phật tánh cho nên tất cả
việc làm thiện của họ cho dù là một việc thiện rất nhỏ cũng là yếu nhân
đưa đến sự giải thoát thành Phật.
Kinh Pháp Hoa là sự hợp nhất của chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối,
của căn bản trí (vô sư trí) và hậu đắc trí (sai biệt trí). Nhưng cốt tủy
của kinh không ngoài mục đích xiễn dương giáo lý “Chân Không Diệu Hữu”.
Chân Không là biểu tượng cho thể tánh thanh tịnh tức là trí tuệ, còn
Diệu Hữu là biểu tượng cho sự diệu dụng bất khả tư nghì trong thế giới
hiện tượng này tức là từ bi. Nếu đứng về mặt chơn đế mà quan sát, xuyên
suốt bản thể của mọi hiện tượng vạn hữu thì hiện tượng nào cũng là hiện
tượng của bản thể và không có bản thể nào ngoài hiện tượng cả,
nghĩa là sóng biển nhấp nhô lên xuống là nước và thể tánh yên lặng êm
đềm ở dưới lòng đại dương cũng là nước, bất tức bất ly. Vì thế an vui
thanh tịnh tự tại Niết bàn cũng phát xuất từ tâm và phiền não khổ đau
cũng không ra ngoài cái tâm ấy nghĩa là mê là phiền não còn giác là Bồ
Đề.
Kinh Pháp Hoa đánh đổ tất cả những tư tưởng có khuynh hướng thiếu chánh
đáng để phê phán đạo Phật. Tại sao? Bởi vì không có nhân bản nào hơn
nhân bản kinh Pháp Hoa, không có nhân vị nào hơn nhân vị kinh Pháp Hoa,
không có dân chủ nào hơn dân chủ kinh Pháp Hoa và không có bình đẳng nào
hơn tinh thần bình đẳng của kinh Pháp Hoa. Đó là trong tất cả mọi người
cho dù là bạc địa phàm phu, tội lỗi tràn ngập cũng đều có sẵn Tri Kiến
Phật giống y như Phật và tất cả mọi người là Phật, tất cả mọi người đã
thành Phật và tất cả mọi người sẽ thành Phật.
TÍCH MÔN VÀ
BỔN MÔN
Dựa
theo sự phân tích của Trí Giả Đại sư của Thiên Thai tông thì kinh Pháp
Hoa được chia làm hai phần: Phần đầu gồm 14 phẩm, gọi là Tích môn. Phần
còn lại là Bổn môn. Nhưng trên thực tế kinh không sắp xếp đúng theo thứ
tự mà có rất nhiều phẩm của Tích môn chạy vào phần Bổn môn và ngược lại.
Điều này chứng minh là có rất nhiều phẩm đã được người đời sau thêm vào
làm mất đi tính chất liên tục của kinh.
Tích môn là
giáo lý của đức Phật Thích Ca, là đức Phật lịch sử cũng bắt đầu bằng
thân phận bình thường của một con người, cũng chia sẻ tất cả mọi hệ lụy
của kiếp người. Ngài cũng phải đương đầu với sanh, lão, bệnh, tử như tất
cả mọi chúng sinh khác. Sau cùng, Ngài tìm kiếm một con đường giải thoát
và đạt đến hạnh phúc Niết bàn, chứng đắc trí tuệ viên mãn và thoát ly
sinh tử luân hồi. Do đó tinh yếu của Tích môn là trí tuệ của đức Phật.
Bổn
môn là giáo lý thường có vĩnh hằng vượt khỏi thời gian và không gian, là
cội nguồn của tất cả giáo pháp. Vì đức Phật bây giờ không là đức Phật
lịch sử, mà đức Phật chân chính là một thực thể siêu việt, vượt hiện
thế, vĩnh hằng và vô hạn tức là “Pháp
thân”. Cho nên đức Phật lịch sử chỉ là nhân vật được “đức
Phật chân chính” gởi đến với thế gian để tạo thành một
nhân vật có hình thể là một con người, có một đời sống sinh hoạt giống
hệt như một con người thường tục để thuyết giảng Chánh Pháp cho nhân
thế. Do đó đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước chớ không phải
mới thành Phật tại thế giới này nhờ công phu tu thiền định. Trong phẩm
16, Như Lai Thọ Lượng, xác định rằng Như Lai vẫn tiếp tục giảng pháp
trong khắp cả vũ trụ kể từ thời vô thỉ. Nói cách khác, đức Phật dựa theo
tinh thần bổn môn là chân lý của vũ trụ, hiện hữu khắp mọi nơi trong vũ
trụ và sẵn sàng cứu độ tất cả chúng sinh trong thế gian vũ trụ này. Đây
mới chính là Bổn Phật và vị Bổn Phật này xuất hiện bằng nhiều hình tướng
khác nhau tương ứng với từng thời gian và nơi chốn đặc biệt nào đó trong
vũ trụ để cứu độ tất cả chúng sinh bằng những phương tiện thích ứng với
khả năng thấu hiểu của họ về giáo lý của Ngài. Vì thế đức Bổn Phật xuất
hiện trong suốt chiều dài của sự hình thành vũ trụ nghĩa là không có đâu
là điểm bắt đầu và dĩ nhiên không biết bao giờ là ngày cùng tận.
Để
có cái nhìn sâu xa hơn, Bổn môn là đứng về mặt bản thể, còn Tích môn là
mặt hiện tượng. Vì thế trong tất cả mọi chúng sinh, Bổn môn là ai ai
cũng đều có Phật tánh bình đẳng như Phật, còn Tích môn là con đường thực
hành của chúng sinh để đi vào Phật tánh đó. Đứng về phương diện Bổn Môn
thì đức Phật Thích Ca là đức Bổn Phật, đã thành Phật từ vô thỉ đến vô
chung cho nên mỗi chúng sinh vốn có cái Phật tánh thiêng liêng này. Còn
về mặt Tích môn là đức Phật lịch sử đản sanh ở Ấn Độ cách đây hơn 2500
năm tức là nhân tu hành của mỗi chúng sinh.
Một
điểm đặc thù khác giúp người đọc kinh có thể biết đoạn kinh nào nói về
Tích môn và đoạn kinh nào thuộc về Bổn môn. Đó là đoạn nào trong kinh mà
đại chúng nhìn xuống đất, nhìn vào núi đồi hùng vĩ, cây cối…thì lúc đó
kinh đang diễn tả về thế giới sinh diệt Tích môn. Ngược lại, khi mắt mọi
người nhìn lên không trung, nhìn lên tháp Đa Bảo ở trên không hay các Bồ
Tát vọt lên từ mặt đất rồi lơ lững trên hư không thì lúc đó kinh đang
đưa chúng sinh vào thế giới vô sinh vô diệt, vào thế giới của thời gian
vô tận và không gian vô cùng của pháp giới Bổn môn.
ẢNH HƯỞNG
KINH PHÁP HOA Ở Á CHÂU
1)Trung
Hoa: Kinh Pháp Hoa du nhập vào Trung quốc rất sớm và
được các nhà dịch thuật nổi tiếng như Trúc Pháp Hộ bắt đầu dịch kinh vào
năm 286 và một thế kỷ sau đó có ngài Cưu Ma La Thập lại dịch sang tiếng
Hán một bản nữa, nhưng mãi đến khi Trí Khải Đại Sư của phái Thiên Thai,
kinh Pháp hoa mới đạt đến địa vị tột đỉnh của nó trong tàng kinh điển
Đại thừa ở Trung Hoa.
Tông Thiên
Thai được khởi xướng từ Bắc Tế do ngài Huệ Văn Thiền sư dựa vào bộ Trí
Độ Luận của ngài Long Thọ mà lập ra pháp “Nhất tâm tam quán”. Pháp này
được truyền lại cho ngài Nam Nhạc Huệ Tư Thiền sư và sau đó Huệ Tư
truyền lại cho Trí Khải. Nhất tâm tam quán bao gồm: Không quán, Giả quán
và Trung quán do Ngài Huệ Văn rút từ bài kệ trong bộ Trung luận của ngài
Long Thọ rằng:
§
Nhân duyên sở
sanh pháp
§
Ngã thuyết tức
thị không
§
Diệc danh vi giả
danh
§
Diệc thị Trung
đạo nghĩa.
Dịch là:
·
Các pháp do nhân
duyên sanh
·
Nên ta bảo là
không
·
Mà cũng là giả
danh
·
Đó cũng là nghĩa
của Trung đạo.
Đối
với tông Thiên Thai, ba pháp quán này là thành phần nồng cốt trong sự
thực hành cho nên nếu hành giả không đạt đến chỗ rốt ráo tận cùng của ba
pháp quán này thì không thành tựu được.
v
1)Không
quán: Đây là đứng về mặt chân đế mà quan sát. Nếu từ góc
độ chân đế mà quan sát thì vạn pháp vốn là không, nhưng con người vì mê
lầm chấp trước nên cho là có thật. Từ đó mà kiến hoặc, tư hoặc phát sinh
nên phải trôi nổi trong sinh tử luân hồi. Do đó phải dùng “Không quán”
để thấu biết rõ ràng rằng vạn pháp là không.
v
2)Giả
quán: Bây
giờ đứng về mặt tục đế mà quan sát. Tuy vạn pháp là không và vô sở đắc,
nhưng nếu đứng về thế tục mà nhìn thì thấy bản tánh vốn đủ các pháp,
muôn hình vạn trạng, không thiếu một pháp nào. Pháp quán này giúp hành
giả dứt trừ được trần sa hoặc bởi vì hành giả biết rằng tuy vạn pháp
trong thế gian nhiều như cát bụi, nhưng tất cả đều không thật, có đó rồi
mất đó nên vững tâm tu tập.
v
3)Trung
quán: Đây là đứng về phương diện trung đế để quan sát
các pháp. Trung đế hay còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế là sự thật trung
chánh, không gì hơn, bao gồm tất cả các sự thật khác. Khi đứng về hai
mặt tục đế hay chân đế mà quán sát sự vật thì không phải là không đạt
đến chân lý, nhưng chân lý đó chỉ đúng ở một khía cạnh này hay khía cạnh
kia mà thôi. Do đó đứng trên phương diện tổng thể, hai chân lý “tục,
chân” đôi khi mâu thuẫn, đối chọi nhau. Bây giờ dựa theo trung quán mà
quan sát thì nhận thức được cả hai khía cạnh Có và Không nghĩa là hành
giả nhận chân rất rõ ràng các pháp không phải Chơn mà cũng không phải
Tục tức là Chơn tức Tục, Sắc tức là Không, dung thông cả hai, bất tức
bất ly. Pháp quán này sẽ diệt trừ được vô minh lậu.
Khi
đã nhận rõ Chân như nằm trong hiện tượng (vạn pháp) nghĩa là phàm, thánh
không “Hai”, uế độ tức tịnh độ thì hành giả không cần cầu sanh về cảnh
giới thanh tịnh nào khác, phát tâm tinh tấn tu hành, trải qua nhiều đời
nhiều kiếp sẽ thành Phật.
Phật giáo Đại thừa quan niệm về chữ “thành Phật” tương đối khá rộng rãi
đôi khi dễ bị hiểu lầm. Thí dụ như Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rằng “thấy tánh
thì thành Phật”, nhưng Phật mà Tổ nói ở đây không phải là “Cứu cánh tức
Phật” tức là thực sự thành Phật mà chỉ là Phật nhân tức là “Lý tức
Phật”. Còn muốn đạt đến “Cứu cánh tức Phật” thì hành giả phải dụng công
tu tập trải qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp để tiêu diệt cho hết cái
mầm gốc tham sân si thì lúc đó mới thành Phật quả được. Ở đây tông Thiên
Thai đề xướng tư tưởng “Lục tức Phật” để giúp người đệ Phật thấu hiểu rõ
ràng hơn ý nghĩa của chữ “tức Phật” :
v
1)Lý
tức Phật: Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy rằng:”Nhất
thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật”
nghĩa là trong tất cả chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có
thể thành Phật. Hiểu rõ được lý ấy tức là Phật.
v
2)Danh
tự tức Phật: Danh tự là lời Phật dạy trong kinh điển vì
tất cả các pháp đều là Phật pháp. Do đó nếu lãnh hội được lý tánh của vũ
trụ, vạn hữu qua kinh điển, văn tự tức là Phật.
v
3)Quán
hạnh tức Phật: Quán là quán tưởng, hạnh là tu hành nghĩa
là thực hành đúng theo lời Phật dạy tức là Phật.
v
4)Tương
tợ tức Phật: Trong khi tu hành, tuy chưa thực chứng được
lý tánh, nhưng tâm thể được yên lặng gần như đã thực chứng nên gọi là
tương tợ tức Phật.
v
5)Phần
chứng tức Phật: Theo phái Thiên Thai thì vô minh như là
một tấm màn dày đặc gồm có 41 lớp. Nhờ công phu tu tập, nếu hành giả phá
được một lớp là chứng được một phần trung đạo tức là phần chứng tức
Phật. Hành giả đến đây là đã vượt qua các bậc Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập
Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng giác.
v
6)Cứu
cánh tức Phật: Đây là chứng được chỗ mầu nhiệm tột cùng
của đạo Phật. Đó là bậc Diệu giác, Chủng trí đều viên mãn tức là thành
Phật.
Khi Trí Khải
vừa được hai mươi ba tuổi, ngài vào núi Đại Tô ở Quảng Châu lễ bái Tôn
giả Tuệ Tư làm thầy. Trong thời gian thọ giáo 7 năm, Trí Khải được dạy
pháp môn Tứ An Lạc Hạnh tức là phẩm thứ 14 của kinh Pháp Hoa. Đây là
pháp quán chiếu an lạc mà chính sư phụ Tuệ Tư đã viết ra giúp hành giả
thể nghiệm được lý kinh Pháp Hoa. Nhờ tu tập quán chiếu, Tuệ Tư đã thực
chứng pháp đẳng trì. Vì thế Trí Khải tinh tấn nỗ lực tu hành cho nên khi
tụng đến phẩm Dược Vương Bồ Tát bổn sự, ngài hốt nhiên thấy thân tâm
thanh tịnh và nhập định. Trong định, Trí Khải thấy chính mình ở tại núi
Linh Thứu và đang nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Đây là một thực nghiệm
sâu xa huyền bí chuyển biến quan trọng trong đời Trí Khải. Từ đó, Trí
Khải phát triển năng khiếu vượt bực trong thiền quán và giáo thuyết. Trí
Khải đạt đến trí tuệ và tài năng xuất chúng là do sự tận tâm dạy dỗ và
truyền cả sở học của thầy Tuệ Tư. Lúc ấy Trí Khải vừa ba mươi tuổi. Đến
năm 587, Trí Khải lần đầu tiên giảng toàn bộ kinh Pháp Hoa và được người
đệ tử ghi lại dưới tên là Pháp Hoa Văn Cú (Fa Hue Wen chu). Nhưng mãi
đến năm 593, lúc ấy, Trí Khải vừa được 56 tuổi, ngài soạn ra bộ Pháp Hoa
Huyền Nghĩa và năm sau ngài cho ra đời cuốn Ma Ha Chỉ Quán tại Tu Thiền
Tự (Yu Chuan Ssu) ở Kinh Châu. Ma Ha Chỉ Quán là tác phẩm thâm viễn và
có hệ thống nhất về con đường thực hành
- giáo
và hành của Trí Khải. Đặc biệt với bài tựa của Quán Đảnh phản ảnh lại
con đường đến với pháp mà Trí Khải đã hành trì với chính tâm mình và
cũng là nền tảng để lập nên truyền thống Thiên Thai.
Một đặc điểm
khác là Trí Khải đã dung hòa các học thuyết Khổng giáo, Lão giáo và Phật
giáo vào nguồn minh triết viên dung muôn âm diệu của Đại Sư.
Qua
tác phẩm Huyền Nghĩa, trước hết Trí Khải nhấn mạnh rằng Nhất thừa là
biểu trưng cho vị trí tối thượng mà nơi đó con người có thể thấy được
Pháp thân của chính mình. Pháp thân là năng lực dung hợp bao trùm tất cả
những học thuyết Phật giáo khác nhau và đưa ba thừa Thanh Văn, Duyên
Giác và Bồ Tát trở thành một.
Kế
đến, Trí Khải cho rằng chân lý của Thể, Tướng và Dụng là bất khả tư nghì
vì nó không phải một, không phải khác nhưng thật sự chỉ là một. Vì thế
chân lý này mới được gọi là vi diệu.
Thứ
ba, Trí Khải cho rằng sự nhận thực chân lý đồng nghĩa với Phật tánh. Trí
Khải khẳng định điều vi diệu này là tịch và chiếu. Để giải thích Trí
Khải nói rằng Phật luôn là tịch nhưng có thể chiếu soi vào chúng sinh
hữu tình bằng cảm ứng để khơi dậy trí tuệ vốn có sẵn trong mỗi chúng
sinh.
Sau
cùng, chân lý theo Trí Khải là Phật tánh, là cái có sẵn trong tất cả mọi
chúng sinh. Trí Khải giải thích rằng Phật tánh là chân lý tối hậu mà
chúng sinh có thể đạt đến và Phật tánh cũng là “mục
tiêu cứu rỗi“ sau cùng cho nên bất cứ nơi đâu cũng không
bỏ chúng sinh.
Trí
Khải chú giải kinh Pháp Hoa dựa theo năm ý nghĩa mà ngài gọi là Ngũ
Huyền hay Ngũ Trùng Huyền Nghĩa. Đó là phương cách khảo sát nghiêm túc
trong việc chú giải kinh Phật và được áp dụng như là một phương tiện
thiện xảo để sắp xếp tư tưởng của Trí Khải Đại Sư.
Trí
Khải sống trong thời kỳ vua Văn Đế. Mặc dầu nhà vua đã lập Thái tử Yang
Yun, nhưng hoàng tử thứ nhì Yang Kuang nhờ sự hổ trở của Trí Khải mà trở
thành Thái tử. Năm 591 Trí Khải cử hành nghi thức thọ Bồ Tát giới và cho
Kuang pháp danh Tổng Trì. Để đáp lại. Kuang tôn Trí Khải là Trí Giả
(Chih-che) Đại Sư. Sau này Kuang lên ngôi tức là vua Tùy Dạng Đế.
2)Nhật
Bản: Bản kinh Pháp Hoa do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào
đầu thế kỷ thứ 4 sau công nguyên được du nhập vào Nhật Bản vào những năm
577. Sau đó, bộ Pháp Hoa Nghĩa Sớ bằng tiếng Nhật ra đời lần đầu tiên và
được viết bởi Thái tử Shotuku (574-622). Có lẽ đây là bộ sách cổ xưa
nhất do một người Nhật viết hiện vẫn còn lưu giữ. Sau đó có ngài Saicho
(Tối Trường: 767-822) lập ra tông phái giống hệt như là Phật giáo Trung
Hoa và căn cứ vào giáo nghĩa Pháp Hoa. Năm 804 ngài được lệnh hoàng gia
Nhật Bản phái sang Trung Hoa, nhờ nhân duyên đó, ngài nghiên cứu giáo lý
tông Thiên Thai. Sau khi về lại Nhật Bản, ngài giảng giải lại cho hoàng
gia và thỉnh cầu cho thành lập tông Thiên Thai ở Nhật Bản. Năm 806, ngài
được hoàng đế tấn phong danh hiệu Truyền Giáo Đại Sư (Dengyò-Daishi).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản danh hiệu Đại sư
được sử dụng. Nhưng đặc biệt nhất là tông phái Nhật Liên do ngài Nhật
Liên (Nichiren)(1222-1282) thành lập không chỉ xưng tán kinh Pháp Hoa
như thánh điển trên tất cả thánh điển mà còn ngâm vịnh tựa đề kinh như
là những lời thánh biểu hiện nhân và quả của Phật giới. Tông phái này
lấy kinh Pháp Hoa làm nền tảng chính cho việc tu học và thực hành, nhưng
đặc biệt nhất là họ chú trọng về thực hành mà phương pháp chính của họ
là niệm Pháp thay vì niệm Phật như các tông phái Tịnh độ. Kinh Pháp Hoa
đã đạt đến một địa vị tối quan trọng trong kho tàng kinh điển Đại thừa
và được xem là vua của các kinh cho nên niệm kinh này là niệm tất cả các
kinh. Tuy nhiên kinh là do Phật nói vì thế niệm Pháp tức là niệm Phật và
đồng thời cũng là niệm Tăng. Hành giả chí thành niệm như thế thì niềm
tin trong tâm sẽ gia tăng. Tông phái Nhật Liên cho rằng nội dung và tinh
thần của kinh Pháp Hoa rất thánh diệu ngay cả việc thực hành giáo lý
kinh cũng thánh diệu. Điều này cho thấy Phật giáo Nhật Bản chịu ảnh
hưởng tư tưởng của Trí Khải khi giải thích về tựa đề kinh Pháp Hoa trong
tác phẩm nổi tiếng Huyền Nghĩa Pháp Hoa của ngài. Từ khi Nichiren thị
tịch vào năm 1282, tông phái này cũng giảm đi năng lực rất nhiều và có
lẽ tinh thần Pháp Hoa dần theo thời gian cũng bị quên lãng. Ngày nay một
số tín đồ ở Nhật Bản vẫn còn tin rằng họ có thể được cứu độ chỉ bằng
cách gõ trống tay và lập đi lập lại câu:’Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
– Tôi quy y kinh Diệu Pháp Liên Hoa”. Họ tuyệt đối tin rằng những cầu
xin của họ sẽ được đáp ứng nếu họ chỉ cần thờ kính bài chú tụng mà
Nichiren đã viết ở trên.
3)Việt
Nam: Ở miền Bắc Việt Nam vào đời Hậu Lê cũng có tông
phái gọi là Liên Tông do Lân Giác Đại Sĩ thành lập. Tục truyền rằng khi
đào đất để xây nhà, ngài tìm thấy một cọng sen ở trong đất nên nghĩ rằng
đây là ý của Phật muốn ngài xây dựng một thiền phái để tu học. Vì thế
ngài đã khởi công xây cất một tùng lâm và thành lập một tông phái gọi là
Liên tông.
∆
TOP |