Phẩm
TÍN GIẢI
Tín là tin, giải là hiểu rõ ràng cho nên tín giải là do giải ngộ
mà thấu hiểu rốt ráo giáo lý Phật Đà nên có niềm tin sâu xa
không thoái chuyển. Đạo lý ở đây là đức Phật muốn chỉ rõ nơi mỗi
chúng sinh đều có Phật tri kiến tức là mỗi người đã có sẵn Phật
nhân cho nên nếu tinh tấn tu hành thì sẽ thành Phật quả. Đây là
điểm khác biệt giữa hai hệ phái Đại thừa và Nguyên thủy. Đối với
Phật giáo Đại thừa, niềm tin vào những lời dạy của Phật để tiến
thẳng về Phật quả là điều quan trọng, nhưng giáo lý Nguyên thủy
thì niềm tin không đóng vai trò quan trọng mà trí tuệ mới là
điều thiết yếu. Vì thế trong kinh Kalama (Tăng Chi III.65) đức
Phật dạy rằng:”"Không được tin bất cứ gì Ta nói là đúng, chỉ
vì đấy là do Ta nói. Trái lại phải mang ra thử nghiệm những lời
giáo huấn của Ta giống như một người thợ kim hoàn thử vàng. Nếu
sau khi quán xét các lời dạy của Ta mà nghiệm thấy là đúng, thì
lúc ấy mới nên mang ra thực hành. Dầu sao thì nhất định cũng
không phải là vì kính trọng ta mà mang ra thực hành".
Thông thường niềm tin là biểu tượng của tình cảm, nhưng ở đây
niềm tin phải gắn liền với giải tức là sự nhận thức của lý trí
nên tín giải là có niềm tin dựa trên căn bản suy xét tận tường
chớ không thể tin một cách mù quáng. Đức Phật khai mở một tôn
giáo không thờ hình tượng mê tín mà là một tôn giáo lấy lý trí
làm nền tảng, một tôn giáo khoa học, một tôn giáo hòa bình vô
ngã vị tha vì thế niềm tin ở đây phải là niềm tin bằng sự nhận
thức của lý trí. Nếu con người mù quáng tin vào sự thiêng liêng
của bất cứ một tôn giáo nào đến khi cần đến sự thiêng liêng đó
mà không thấy hiệu nghiệm thì họ sẽ bắt đầu nghi ngờ và sau cùng
từ bỏ tôn giáo đó. Thí dụ trên YouTube có câu chuyện của một
người đàn bà Việt Nam sống tại Florida theo truyền thống đạo
Phật. Dựa theo lời bà thì trong nhà có đến mấy bàn thờ Phật, thờ
Quán Thế Âm…Khi làm ăn phát đạt thì bà cúng vái và tin rằng Phật
trời phù hộ theo lời cầu nguyện của bà. Đến khi làm ăn thất bại,
bà càng cúng lạy thì càng lụn bại. Bà ngày đêm đi chùa cầu khẩn
đức Quán Thế Âm mà làm ăn vẫn sa sút như thường. Sau cùng bà bỏ
đạo. Đây là một bài học rất thích đáng cho những ai tin vào thần
linh vì đạo Phật là đạo tự giác chớ đâu phải là đạo cứu rỗi.
Bằng chứng là kinh Pháp Hoa, đức Phật khai thị cho mỗi chúng
sinh biết rằng trong họ đã có sẵn Trí Tuệ Phật tức là có Phật
tánh y như Phật, nhưng muốn đạt thành Phật quả thì phải tự mình
tu chớ đức Phật không cho ai cái gì hết.
Con người không cần phải có túc mạng thông để biết tiền kiếp của
mình đã tác tạo những gì hay lo lắng tương lai mình sẽ đi về đâu
mà chỉ cần nhìn cái kết quả mình đang thọ báo và cái nhân mình
đang gieo thì biết rất rõ. Chúng ta tạo cái nhân bao nhiêu thì
chỉ gặt hái chừng ấy kết quả chớ đừng mơ ước ảo huyền bỏ ra một
đồng mà đòi trúng lô độc đắc nghĩa là tham-sân-si không bỏ, tập
khí không chừa mà cứ muốn thành Phật. Vì vậy, nếu chúng ta hiện
đang sống khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc ấm no,
con cái nên người, trên thuận dưới hòa là mình đang thọ hưởng “KẾT
QUẢ” của phước báo từ nhiều đời nhiều kiếp trước do chính
mình tạo tác chớ không phải do Phật trời ban phát và chắc chắn
cũng
chẳng
phải do cầu nguyện mà được.
Ngược lại, nếu chúng ta hiện đang gặp nghịch cảnh, luôn đối diện
với phiền não khổ đau trái ý nghịch lòng thì mình đang gánh chịu
“HẬU QUẢ” của nghiệp báo do chính mình tạo tác từ nhiều
đời nhiều kiếp chớ không do Phật trời giáng họa cho và dĩ nhiên
cũng không do cầu nguyện mà tránh khỏi được.
Một khi đã hiểu thấu đáo sự công bình của luật nhân quả, con
người sẽ mạnh dạn hơn, can đảm hơn, dám nhận lãnh “hậu quả”
do chính mình tạo tác hay an nhiên thọ hưởng “kết quả”
tốt lành cũng do chính mình tác tạo mà không còn than trời oán
Phật nữa.
Sau khi nghe Phật diễn giải và cho thí dụ về con đường Nhất thừa
Phật đạo, chẳng những Tôn giả Xá Lợi Phất đã giải bài niềm tin
của mình ở Phật mà bây giờ các Tôn giả Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên,
Mục Kiền Liên liền đại diện cho đại chúng bạch lên với Phật về
đức tin của mình về sự thấu hiểu thâm ý và bản hoài của Phật.
Bây giờ tất cả đều tin rằng chỉ có Phật thừa chớ không có Thanh
Văn, Duyên Giác hay thừa nào khác nghĩa là người tu sẽ thành
Phật. Chúng sinh chỉ vì bị vô minh phiền não che lấp nên không
tin rằng mình có tri kiến Phật, không tin rằng mình có khả năng
thành Phật, không tin rằng mình có Phật tánh cho nên không tin
rằng mình có thể chứng đạo Vô thượng Bồ đề.
Ông Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Đại-ca-diếp, Mục-kiền-liên thấy
Phật thọ ký cho Xá-lợi-phất sẽ được thành Phật vui mừng hớn hở
và phát khởi lòng tin kiên cố, rằng rồi đây mình sẽ được
thành Phật. Ở trước Phật, các ông cùng nói lên lời tự
trách rằng chúng con từ lâu đã tự cho rằng mình đã được
Niết Bàn và tự thấy đã thõa mãn với pháp thiền: Không, Vô
Tướng, Vô Tác của Tiểu Thừa, không có ý chí tiến lên cầu quả Vô
Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Chư Phật mười phương hay đức Phật Thích Ca thị hiện trong thế
gian này chỉ vì các Ngài mang một hoài bảo to lớn. Đó là muốn
cho chúng sinh “khai,
thị, ngộ, nhập Phật tri kiến”nghĩa
là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập
cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp
Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Đó là trong tất
cả mọi chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí
tuệ bổn lai đều giống như Phật. Vậy Phật tri kiến mà đức Phật
muốn nói ở đây chính là chơn tâm, là Phật tánh thường có vĩnh
hằng, nhưng vì bị vô minh che lấp nên con người không thấy biết
chơn tánh hằng giác của mình. Cái bổn tánh này ví như mỏ vàng
đang đợi khai phá, chưa được hiển lộ. Vì thế đức Phật muốn chúng
sinh khai mở tri kiến Phật của mình để có sự thanh tịnh, an lạc
ngay trong cõi đời có tan có hợp này cũng giống y như Phật vậy.
Mà muốn đạt đến cứu cánh tối thượng này thì chỉ có một con đường
là Nhất thừa Phật đạo chớ không còn con đường nào khác. Con
đường đó không phải là Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa hay Bồ
tát thừa vì các thừa đó là phương tiện ban sơ để giúp họ ra khỏi
căn nhà lửa tức là thoát ly được sinh tử luân hồi, có được Niết
bàn. Nhưng dựa theo Pháp Hoa thì Niết bàn này chỉ là hóa thành
tức là nơi dừng nghĩ để tiếp tục con đường còn lại tức là đến
được Bảo sở thì đây mới chính là Vô thượng Niết bàn.
Vì thế các vị Thanh Văn dựa theo giáo lý Tứ Đế mà tu thành A la
hán, các vị Duyên Giác dựa theo giáo lý 12 Nhân Duyên mà tu
thành Bích Chi Phật. Từ trước đến giờ các vị thánh giả đó nghĩ
rằng mình đã thành tựu cứu cánh tột cùng trên con đường giải
thoát giác ngộ. Nhưng trước khi nhập Niết bàn, đức Phật mới cho
biết rằng hai quả chứng của Thanh Văn, Duyên Giác chỉ là phương
tiện của Như Lai trong lúc ban sơ chớ cứu cánh phải là thành
Phật. Đến đây các Tôn giả mới nói lên những tâm đắc cũng như
những lời ăn năn và những lỗi lầm của mình đã không hiểu thâm ý
của Phật. Các Tôn giả tin rằng đức Phật đã thọ ký cho ngài Xá
Lợi Phất thì rồi đây họ sẽ được Phật thọ ký cho thành Phật. Các
vị tự trách mình đã thỏa mãn với các cấp thiền: Không, Vô Tướng,
Vô Tác.
1)
Vậy thế nào là Không? Cái Không của Tiểu thừa và Đại thừa có
khác nhau không?
Trong Phật giáo thiền được xem là pháp môn phổ biến của đạo Phật
cho bất cứ ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ dầu
Tiểu thừa, Trung thừa hay Đại thừa, nhưng trên thực tế thiền
được áp dụng trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống mà con
người không hề để ý đến. Thí dụ trong các lãnh vực khoa học hiện
đại thì danh từ thiền được hiểu là sự nghiên cứu để vận dụng tất
cả mọi tư duy từng giai đoạn với mục đích tìm ra phương thức ứng
dụng để phục vụ cho đời sống con người. Nếu sự nghiên cứu này có
kết quả rốt ráo, thành tựu mỹ mãn có thể đem ra ứng dụng làm lợi
ích cho cuộc đời thì sự nghiên cứu đó được gọi là “phát minh”.
Nhưng tất cả những sự phát minh của khoa học, kỷ thuật là để
phục vụ con người đối với thế giới vật chất để có cuộc sống dễ
dàng, tiện nghi và đưa con người gần gủi với nhau hơn. Thí dụ
khi các khoa học gia khám phá và phóng những vệ tinh vào quỷ đạo
của địa cầu nên ngày nay ai ai cũng có điện thoại di động, có
thể xem trực tiếp truyền hình trận đá banh vô địch thế giới trên
TV ở bất cứ nơi nào. Chẳng hạn có một vị bác sĩ trước khi cho
thuốc thì phải suy tư, thẩm xét để suy tìm ra căn bệnh của thân
chủ mình do vậy chính vị bác sĩ này hằng ngày đã vô tình vào
thiền định rất nhiều lần mà không hề hay biết. Một học sinh đang
suy nghĩ để tìm cách giải một phương trình toán học, một bà nội
trợ đang suy nghĩ phải nấu món ăn gì cho bửa cơm gia đình tối
nay. Tóm lại thiền là sự tư duy, quán chiếu để thấu biết rốt ráo
một đối tượng nào.
Tu thiền trong Phật giáo cũng vậy, nhưng thay vì tư duy, quán
chiếu để tìm những phát minh cho thế giới vật chất thì hành giả
xoay ngược vào tâm để nghiên cứu, phát minh về mặt tâm linh và
trí tuệ để thấy biết rốt ráo con người thật của mình. Thiền
trong Phật giáo gọi là Thiền na nghĩa là tỉnh lự, là suy tư, là
Xam-ma-tha để chặn đứng tất cả vọng niệm không cần thiết. Còn
những chân lý trong cuộc đời đòi hỏi sự tư duy thẩm chiếu để
thấu biết tận cùng rốt ráo vì thế Phật giáo mới dạy tư duy tu để
giúp hành giả tư duy tỉnh lự mà tự mình tìm ra ánh sáng chân lý
của sự vật hiện tượng. Ngày xưa đức Phật thiền định dưới cội
Bồ-đề liên tiếp trong suốt 49 ngày thì Ngài mới hoát nhiên đại
ngộ, chứng được tam minh. Có suy tư, thẩm lự thì mới thấy được
ánh sáng nhiệm mầu. Từ nhận thức được chân lý đó giúp con người
sống theo chân lý, sống đúng với chân lý và sống phù hợp với
chân lý. Có vào trong thiền định hành giả mới có thể thật sự
sống trong tỉnh thức của tánh giác của mình để biết thấu suốt
thế gian là vô thường, khổ, không và bất tịnh. Cho dù hành giả
tu theo thiền Tứ Niệm Xứ (Như Lai thiền), Tổ sư thiền thì cứu
cánh tối hậu vẫn là phát minh về mặt trí tuệ. Cũng như nếu một
khoa học gia cả đời tận tụy nghiên cứu mà cuối cùng không tìm ra
được một phát minh nào thì sự nghiên cứu kia cũng không đến đâu
cả, không có lợi ích gì cho mình và cho đời. Do đó dựa theo tinh
thần đạo Phật thì thiền định phải phát sinh trí tuệ để nhận biết
thấu suốt thật tướng của nhân sinh vũ trụ. Cứu cánh của đạo Phật
không phải dừng lại ở Định mà phải từ Định phát sinh ra trí tuệ.
Tâm của chúng sinh ví như ngọn đèn vốn sáng tỏ, nhưng vì gió
vọng trần lay động làm ánh sáng lý trí bị lu mờ. Bây giờ nếu đi
vào thiền định ví cũng như chụp cái bóng che gió vào thì ngọn
đèn tâm bây giờ sẽ bừng sáng tức là có định thì trí tuệ sẽ phát
sinh.
Bây giờ dưới cái nhìn của Phật giáo nguyên thủy thì tam pháp ấn
“Vô thường, khổ, vô ngã” là những chất liệu chính để giúp họ
vượt thoát ra khỏi sinh tử mà đạt đến cứu cánh tột đỉnh là thanh
tịnh Niết bàn. Họ dùng “Tích không quán” tức là chẻ vật
chất đến chỗ cực nhỏ gọi là vi trần rồi sau đó chẻ đến độ cực
cực nhỏ gọi là lân hư trần nghĩa là nhỏ gần như hư không và cuối
cùng chẻ lân hư trần một lần nữa thì trở thành hư không. Khi vật
chất trở thành hư không thì người tu theo Tiểu thừa quán rằng
thế gian vô thường, tứ đại khổ, không và ngũ uẩn vô ngã (ngũ uẩn
là sắc, thọ, tưởng, hành, thức của đại thừa và cũng chính là
thân, thọ, tâm, pháp của tiểu thừa) nên thế gian vạn pháp dưới
ánh mắt của họ không có gì đáng quý, không có gì đáng tham
luyến, say mê, không có gì đáng giữ gìn, bảo thủ ngay cả tấm
thân tứ đại của họ. Do đó cái “Không” của hàng Thanh văn là vạn
pháp không tồn tại, trường cửu, không bền không chắc của sự vô
thường nên họ chứng được “Ngã không”. Nói cách khác đối với sự
vật hiện tượng của thế giới hữu vi như trời trăng mây nước, chim
bay cá lặn thì không có vật gì thoát khỏi luật vô thường nên tất
cả vạn pháp trong thế gian dưới ánh mắt của họ thì tât cả đều là
không. Vì vậy “ngã không” ở đây chính là nhất thiết pháp
vô ngã. Vô ngã nghĩa là vạn pháp ngay cả tấm thân của họ không
có tự thể cố định, trường tồn, vĩnh cửu bởi vì chữ “ngã” trong
đạo Phật là tự tại, thường nhất, bất biến mà vạn pháp trong thế
gian nầy không có cái gì là bất biến, thường nhất, cố định cả.
Khi đạt được chân lý ngã không thì các vị trở thành bậc A la
hán.
Vậy tư tưởng đại thừa về chữ “không” như thế nào?
Đối với Bồ tát thì thực tướng của vạn pháp là vô tướng. Thế nào
là vô tướng? Vô tướng dưới cái nhìn của Bồ tát là thế giới vạn
pháp là huyễn hóa, không thật, tuy có mà như không. Đó chính là
“đương thể tức không” nghĩa là vạn pháp tuy sờ sờ ra đó,
nhưng tâm Bồ tát không chấp cái có của nó nên tuy có mà vẫn như
không. Vì thế tư tưởng đại thừa là “vạn pháp giai không,
duyên sanh như huyễn” nên không chấp vào sự hiện hữu của thế
gian vũ trụ nghĩa là tuy vạn pháp có đó mà trong tâm vẫn cứ như
không. Vì không chấp nên Bồ tát không cần xa lánh thế gian mà
vẫn không hề bị thế gian đắm nhiễm, tâm hằng tự tại, thanh tịnh
niết bàn. Thí dụ các vị Thanh văn thấy con người sinh ra rồi già
yếu, bệnh tật và sau cùng là chết nên các vị ấy sợ sinh tử, chán
ngán cuộc đời. Ngược lại đối với Bồ tát quán pháp vô sanh nghĩa
là khi tư duy quán chiếu để nhìn vạn pháp vô sanh thì cũng có
nghĩa là nhìn vạn pháp vô diệt. Thí dụ khi nhìn một nụ hoa thì
làm sao biết được tánh vô sanh của nó? Khi nhìn đóa hoa mới nở
thì chắc chắn là nụ hoa sanh và vài tuần sau, hoa tàn thì nói
rằng nụ hoa diệt. Nhưng đây chỉ là cái nhìn thiển cận của phàm
nhân, còn cái nhìn của Bồ-tát ngộ được vô sanh là ngay trong lúc
nụ hoa mới nở thì cái sinh đã có diệt trong đó rồi. Ngược lại
trong lúc nó tàn úa thì các vị Bồ-tát lại nhìn cái diệt là bắt
nguồn cho cái sinh khác. Đó là hiện tượng quy về bản thể và bản
thể duyên khởi thành ra hiện tượng cho nên có cái gì là thật
sinh hay cái gì là thật diệt đâu. Nói cách khác sinh để rồi
diệt, diệt rồi lại sinh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận nên
sinh diệt, sống chết là chuyện thường, chẳng có gì quan trọng
nên không còn lo sợ, khổ đau. Chúng sinh khi thấy mình già yếu,
bệnh tật thì đau khổ buồn phiền. Ngược lại, đối với Bồ-tát sống
chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu biển nằm trong
chu kỳ bất biến tùy duyên rồi tùy duyên bất biến thế thôi. Vì
vậy với tuệ nhãn của Bồ-tát hay Phật nhãn của chư Phật thì nhìn
vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt nhưng không phải là mất
hẳn nghĩa là sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sanh, sinh sinh
diệt diệt vô cùng vô tận.
2) Vô Tướng: Không tức là Vô tướng nghĩa là nó không có một cái
tướng chân thật nào. Thí dụ khi nhìn thế giới hữu vi như trời
trăng, mây nước, chim bay cá lặn, nhà cao cửa rộng cho tới con
người thì tuy có tướng trạng, hình dáng, nhưng tất cả đều không
có tướng chân thật. Tại sao? Bởi vì là vật chất của thế giới hữu
vi tức là cái có là do duyên sanh nên không có vật nào có tự
tánh nên tất cả đều là vô ngã cho nên chúng bị tiêu hoại theo
luật biến hóa vô thường. Vì thế cái hình dáng ta thấy thì nó
đang tự hủy diệt chớ đâu có trường tồn mãi được cho nên chúng
không có thật tướng chẳng khác nào bong bóng nổi lên khi trời
mưa, có đó rồi mất đó.
3) Vô Tác: có nghĩa là vạn pháp là vô tác giả hay vô tạo tác.
Đối với những tôn giáo tin vào Thượng đế hay Phạm thiên thì họ
nghĩ rằng từ con người đến thế gian nhân sinh vũ trụ này là do
bàn tay mầu nhiệm của đấng toàn năng tạo ra. Tin như vậy thì gọi
là có tác giả. Nhưng ở đây Phật giáo hoàn toàn phủ nhận giáo lý
có tác giả ở trên. Tại sao? Nếu lý luận rằng có một đấng Thượng
đế nào đó có đủ quyền năng kiến tạo nên con người và vũ trụ thì
ai là người tạo nên vị Thượng đế đó? Nghĩa là Thượng đế đó từ
đâu mà ra? Trong thế kỷ thứ 21 nầy, ai cũng tin rằng cái gì cũng
phải có nguyên nhân để phát sinh ra chớ không thể tự trên trời
rơi xuống được. Phật giáo tin rằng mọi sự vật hiện tượng trên
thế gian này đều phải có nhân và duyên thì mới sinh khởi được.
Nhân là nhân chánh còn duyên là nhân phụ. Biết bao nhân duyên
tác dụng hòa hợp với nhau mà hình thành chớ không có ai là tác
giả cả. Vì thế đạo Phật mới xiễn dương giáo lý Duyên sanh và vạn
pháp là do trùng trùng duyên khởi cho nên ngày nay thuyết này là
nền móng cho những khám phá của khoa học. Thí dụ một cành hoa
trồng phía sau nhà là do biết bao nhân duyên kết hợp. Trước hết
phải có hạt giống, cộng với đất, phân bón, nước, ánh sáng mặt
trời và bàn tay vun sén của người trồng rồi sau đó các phản ứng
tác tạo nẩy sinh ra cây, nhánh và cuối cùng mới trổ hoa. Do đó
nếu nói từ nhân là hạt giống thì sẽ sinh ra hoa tức là quả là
không đúng vì thiếu biết bao duyên phụ thuộc để hạt giống nẫy
mầm và phát triển. Như thế, vô tác là không có ai là tác giả cả
mà là nhân duyên trùng trùng vô tận.
Tóm lại, người tu theo Tiểu thừa dựa vào ba pháp: Không, Vô
Tướng, Vô Tác để làm đối tượng cho thiền định mà chứng đắc Niết
bàn trở thành A la hán. Vì chứng đắc Niết bàn nên họ tự mãn mà
không chịu tiến lên quả vị Vô thượng Bồ đề tức là thành Phật.
Thế thì dưới nhãn thức của Tiểu thừa thì cuộc đời vô thường,
hoại diệt, nay có mai không nên họ cố tu để chứng đắc Niết bàn,
giải thoát sinh tử luân hồi. Ngược lại dưới tuệ nhãn của Bồ tát
thì vạn pháp giai không nghĩa là thế gian vũ trụ tuy có mà vẫn
như không, sinh rồi lại diệt, diệt để rồi sinh vô cùng vô tận.
Không sợ sinh tử nên họ sống an vui tự tại, không chấp có chấp
không nên lòng họ không tham luyến. Khi biết hóa giải hết tham
đắm dục tình (tập đế hay thập triền thập sử) nghĩa là không còn
dính mắc thì tâm hằng thanh tịnh, Phật tánh hiển bày mà không
cầu chứng đắc gì hết. Do đó người tu theo đại thừa thì không có
vấn đề chứng đắc là ở chỗ này.
Có người tu thiền cố ngồi suy tư quán chiếu để biến tất cả thế
gian thành ra không thì đây không phải là thiền của Phật giáo,
càng tu càng khổ càng mê muội. Thế gian, nhà cửa, xe cộ, nam
thanh nữ tú sờ sờ ở đó mà quán thành không, chẳng còn gì hết thì
thế gian còn cái gì để sống, để tu. Cái không của nhà Phật là
“không chẳng khác sắc” nghĩa là “không là sắc và sắc là không”.
Nói cách khác tất cả mọi vật thể trong thế gian này dù to lớn
như mặt trời, mặt trăng hay nhỏ như hạt cát như vi trần đều do
duyên khởi tác tạo mà thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi
hay tồn tại được cho nên vật thể là vô ngã, không có tự thể nên
tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó sẽ bị
biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không. Vì thế cái không của Phật
giáo là không tham đắm, si mê, không chấp thủ chạy theo hình sắc
sinh diệt chớ không phải dùng thần thông hay quán làm biến đi
tất cả. Ngày xưa Đức Phật cũng sống trong cái thế giới có đầy đủ
vật chất như chúng ta hiện nay, nhưng dưới mắt của người giải
thoát giác ngộ là tuy có nhưng tất cả đều là không nên Ngài
không dính mắc vào bất cứ cái gì ngay cả Bồ Đề, Niết Bàn. Vì vậy
chán cái khổ vì có nên cố tìm cầu cái không thì kết quả cũng khổ
như nhau tức là vẫn còn chấp bên này bên kia, chưa tự tại.
Trí tuệ của chúng sinh là thật tánh để có khả năng trực nhận
chân lý mà Tự tánh thanh tịnh hay Phật Tánh là có sẵn trong tất
cả mọi người. Tự tánh luôn vắng lặng thanh tịnh thì cần gì phải
chứng đắc Niết bàn. Bồ-đề, Phật Tánh là có sẳn chớ đâu phải tu
hành đắc đạo mới có. Khi mê vọng điên đảo thì không biết mình có
Phật Tánh thanh tịnh. Lúc thức tỉnh thì nó hiện ra cũng như
trong túi luôn có viên ngọc quý Ma ni mà không biết, chỉ cần thò
tay vô lấy thì sẽ hết nghèo đói, điên đảo khổ đau ngay. Trong
tánh Không tức là Tự Tánh thanh tịnh bản nhiên thì không có trí
tuệ hay chứng đắc gì cả. Vì thế Tâm Kinh mới có câu : “Vô trí
diệc vô đắc” và “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Trong Chân
Không Diệu Tánh, Phật Tánh thì luôn sẳn có cho nên chứng đắc chỉ
là cách nói, là giả danh để tìm thấy được con người thật tức là
Bản Lai Diện Mục tức là Chơn Tánh của mình mà thôi.
Để chứng minh sự “tin hiểu” của mình, các đại đệ tử này xin nói
một thí dụ:
Có một người, lúc nhỏ bé đã bỏ nhà bỏ cha đi hoang sau mấy mươi
năm rày đây mai đó phiêu bạt, lại thêm nghèo khổ rách rưới
lang thang, phải đi xin mà độ nhật. Tình cờ chàng ta trở về đến
xứ sở mà không hay biết.
Thời gian ấy cha của chàng tìm con khắp nơi mà không gặp. Ông là
Trưởng Giả một nhà giàu lớn, châu báo đầy kho, tàn sản vô lượng,
trai đinh
tớ gái đầy nhà. Ông chẳng những là một nhà giàu trong nước mà
còn là người giao dịch thương mại lớn của cải vô số ở khắp nhiều
nước khác.
Không nói với ai về việc cha con ly biệt, ông thường suy nghĩ:
Ta nay giàu có thế này mà con không có, một mai chết đi thì sự
nghiệp nầy giao phó cho ai, chắc phải mất hết. Ước gì ta gặp
được con giao phó gia tài cho nó thì lúc chết được an lòng.
Sau khi được đức Phật khai thị, các tôn giả bây giờ mới bừng
tỉnh nhận biết rằng
chính họ cũng có những năng lực vô lượng vô biên của một vị Bồ
tát mà không biết. Nay thức tỉnh biết rằng nếu họ biết dùng
những năng lực này thì sẽ tiến thẳng để trở thành một vị toàn
giác tức là thành Phật chớ không phải chỉ dậm chân tại chỗ ở địa
vị A la hán. Để đền ơn sự khai thị của Phật giúp họ thấy được
con đường vi diệu, các tôn giả xin nói ra cho đại chúng nghe một
thí dụ gọi là Cùng tử. Cùng tử là đưa con nghèo khó cùng cực.
Đứa con đó, từ thuở
bé đã bỏ nhà đi hoang trên hai ba mươi năm. Lớn lên trong hoàn
cảnh rất nghèo khổ phải đi tha phương cầu thực để nuôi thân. Rồi
tình cờ một hôm về lại quê hương của mình mà không biết bởi vì
người đó không biết gốc tích của mình từ đâu và cũng không biết
gì về gia thế của mình ngày xưa cả.
Ý của đoạn kinh trên là chúng sinh đi trên con đường mê lầm
giống y như anh chàng Cùng tử bỏ gia đình đi lang thang đến xứ
người. Tuy sống trong bất giác mê lầm, nhưng trong mỗi chúng
sinh đều có sẵn Tánh Giác, đầy đủ công đức mà không biết, nên
vẫn trôi dạt trong sinh tử trầm luân.
Vị Trưởng giả đại phú ấy chính là đức Phật và những vị A la hán
là những nam tử của Ngài. Trong khi đó người cha bây giờ rất
giàu có, cố ý tìm con suốt ba mươi năm và trong lòng lúc nào
cũng thương nhớ đứa con đã bỏ đi từ lúc ấu thơ. Ngặc nổi, tuy
rất giàu, nhưng không có con nối giỏi nên trong lòng luôn thương
tiếc vì mai sau cái tài sản khổng lồ này sẽ đi vào kho tàng của
nhà nước nếu ông không tìm được con mình để trao lại. Cái tài
sản khổng lồ nói ở đây chính là Trí Tuệ Phật chưa có người
truyền trao chớ không phải của cải vật chất thế gian. Con tuy bỏ
cha đi hoang, nhưng cha lúc nào cũng nhớ đến con nghĩa là chúng
sinh mê lầm, sống trong vô minh bất giác nên trôi nổi trong sinh
tử luân hồi. Mặc dầu thế, chúng sinh lúc nào cũng có cái Tánh
Giác hằng sáng nơi mình, chỉ là họ không biết chớ không phải
không có.
Một hôm đứa con lạc loài tình cờ đến trước nhà cha mà không
biết. Đứng ngoài cổng ngó vào, thấy Trưởng Giả sang trọng uy
nghiêm, đang ngồi trên ghế cao, xung quanh có đông người hầu hạ,
trong nhà thì ngọc ngà châu báo không biết bao nhiêu. Chàng ta
đâm hốt hoảng thầm nghi là mình bị lạc đến chỗ vua chúa. Nghĩ
vậy, chàng sợ bị bắt, lén bỏ đi tìm một xóm nghèo hợp với tình
cảnh chàng đề kiếm việc làm lấy tiền độ nhật.
Các vị Thanh Văn khi được Phật khai thị Nhất thừa Phật đạo thì
thấy trước mặt có một con đường rộng lớn thênh thang để tiến về
Phật quả làm họ chới với. Họ thấy những gì chưa bao giờ thấy,
những giáo pháp nhiệm mầu chưa bao giờ biết. Vì thế trong số
những vị Thanh Văn đó, có rất nhiều vị rời bỏ Pháp Hội mà kinh
này gọi là Định Tánh A la hán. Nhưng một số lớn vẫn còn ở lại
tiếp tục nghe Phật thuyết giảng thì nhóm này gọi là Tuệ Tánh A
la hán.
Nhưng Trưởng Giả đã thấy và nhận biết chàng cùng tử ấy là con
mình. Ông liền sai hai gia nhân theo bắt chàng lại.
Bị bắt, chàng ta sợ quá, van xin mà không được tha, chàng ngã
xuống đất chết ngất.
Ông Trưởng Giả thấy vậy ra lệnh: Thôi ta không cần con người ấy
nữa đâu, hãy lấy nước lạnh rưới lên mặt cho nó tỉnh rồi cho đi,
đừng nói gì với nó nữa.
Biết con mình quen sống với cảnh nghèo hèn, ty tiện nay nếu đột
nhiên nhận nó làm con mình và mình lại giàu sang tột bậc, chắc
chắn nó không tin mà còn đem lòng sợ sệt. Chi bằng thả nó đi rồi
lập kế mà dẫn dụ nó.
Ông Trưởng Giả mật sai hai người giả dạng bần khổ, tìm đến anh
chàng cùng tử, rủ đi làm thuê với công việc hốt phân. Khi nghe
biết được trả công gấp đôi, chàng cùng tử nhận lời và cả ba vào
làm việc hốt phân, ở nhà sau vườn ông Trưởng Giả.
Thấy con tiều tụy phân đất bẩn thỉu khắp người, Trưởng Giả
thương xót quá, ông thay bỏ áo quần tốt đẹp sang trọng, mặc đồ
thô rách lắm nhơ để lân la với ba người hốt phân. Một hôm Trưởng
Giả bảo chàng cùng tử: Anh này, nên tiếp tục làm việc ở đây đừng
đi đâu nữa. Ta sẽ thêm tiền công cho. Nhà ta giàu có của cải vô
số muốn cần dùng gì tùy ý ta sẽ thuận cho hết. Từ nay về sau cứ
xem như con đẻ của ta và hãy gọi ta là cha nhé! Nói xong ông
Trưởng Giả gọi chàng cùng tử bằng con. Chàng ta rất mừng, nhưng
chàng vẫn tự đặt mình là kẻ hạ tiện làm thuê.
Ông Trưởng giả biết người Cùng tử là con mình nghĩa là đức Phật
biết rằng trong tất cả mỗi chúng sinh đều có “Tri Kiến Phật”
giống y như Phật. Nghề hốt phân ngầm chỉ cho công phu tu hành để
tẩy trừ phiền não vô minh tức là tẩy sạch cái gốc tham sân si.
Nhưng các vị A la hán sau khi chuyển sang Phật thừa, tiếp tục
tinh tấn tu hành thì sẽ thành Phật tức là sẽ được vô số của cải
từ ông nhà giàu.
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, đức Phật suy gẫm nếu đem chỗ
chứng ngộ của mình ra giảng nói ngại rằng chúng sinh không tin
nổi nên Ngài dùng phương tiện nói giáo lý Tứ Đế, là thời pháp
đầu tiên để chuyển bánh xe pháp. Ngài dạy chúng sinh tam khổ,
bát khổ và cái gốc của khổ là tham sân si. Sau cùng Ngài dạy cho
họ con đường diệt khổ và đạt được cứu cánh Niết bàn. Đây là hình
ảnh của ông Trưởng giả thay bỏ áo quần tốt đẹp, mặc y phục thô
xấu, cởi hết ngọc ngà châu báu, cầm đồ hốt phân. Nhưng bản hoài
của Phật là giúp người tu viên thành Phật đạo chớ đâu phải chỉ
tới hóa thành.
Vì thế trước khi nhập Niết bàn, đức Phật mới đem những hoài bảo
của Ngài tức là Trí Tuệ Phật trao lại hết cho chúng sinh cũng
như ông nhà giàu đem hết của cải khổng lồ trao lại cho anh chàng
Cùng tử. Các vị Thanh Văn đắc thành A la hán, nhưng chưa dám tin
rằng mình có thể tu thành Phật cũng như gã Cùng tử được ông
Trưởng giả coi như con mà chưa dám nhận mình là con. Tuy hàng
Thanh Văn được lãnh thọ giáo lý Đại thừa và trí tuệ vô lượng của
Phật, nhưng họ vẫn còn ở tại cảnh giới nhị thừa tức là chưa bỏ
được tâm hạ liệt.
Ít lâu sau, ông Trưởng Giả có bệnh cho kêu anh chàng đến, giao
cho anh việc quản lý gia tài và cho anh được quyền xuất nhập bất
cấm trong nhà. Anh làm tròn bổn phận, nhưng không bao giờ dám
tiêu xài quá số tiền công nhật của anh. Ở thì cũng ở nhà sau,
chỗ cũ không dám tự tại lui tới nhà trên.
Thời gian lâu sau, Trưởng Giả biết mình sắp lìa trần, và đứa
con nay đã thông minh có chí lớn. Ông bèn gọi hết thân tộc,
trước mặc vua quan, ông chỉ chàng cùng tử mà tuyên bố: Anh này
là con ruột của tôi. Bấy lâu xa cách, vì nó bỏ nhà ra đi từ lúc
bé. Nay cha con chúng tôi được trùng phùng, tôi giao cho nó tất
cả gia tài của tôi mà trước đây nó đã quản lý và biết rõ.
Người con nghe nói mừng quá, cho là việc chưa từng có và tự
nghĩ: “Ta vốn không có lòng mong cầu, nay kho tàng châu báu này
tự nhiên mà đến”.
Anh chàng Cùng tử nhận quản lý một gia tài đồ sộ như thế, nhưng
vẫn ở chỗ củ, không dám xài phí vì nghĩ rằng tiền bạc tài sản đó
không phải là của mình. Con người chúng ta cũng thế, tuy Phật đã
khẳng định rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có Phật tánh, có khả
năng thành Phật, nhưng có mấy ai nghĩ rằng một ngày nào đó mình
sẽ thành Phật? Có chăng là đến được Tu Đà Hoàn hay Tư Đà Hàm là
thỏa mãn lắm rồi.
Trước khi lìa trần, ông Trưởng giả chính thức công bố gã Cùng tử
là con ruột của mình cho nên sự nghiệp của ông chính là sự
nghiệp của con ông. Gã Cùng tử vui mừng khôn xiết, tuy không có
lòng mong cầu mà nay bất ngờ được kho báu. Đây chính là bản hoài
của đức Phật trước khi Ngài nhập diệt là muốn đem giáo lý tối
thượng giao lại hết cho hàng đệ tử. Kinh đã khéo dùng thí dụ để
diễn giải tâm trạng vui mừng quá đổi ngạc nhiên của các vị Thanh
Văn khi nhận ra Tri Kiến Phật.
Nói câu chuyện “thí dụ” xong, ông Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên… bạch
Phật:
Ông Trưởng Giả ví như đức Như Lai, còn chúng con thì như chàng
cùng tử, thất lạc bỏ cha bỏ nhà… Như Lai là cha, chúng con là
con Phật mà không biết.
Chúng con vì ba món khổ mà trong cảnh sanh, già, bệnh, chết, khổ
não, sầu lo, chịu các sự mê lầm, ngu dốt cho nên ưa thích giáo
pháp Tiểu Thừa làm cái việc hốt phân tầm thường mà tự cho là
thỏa mãn với cái giá trả công: Niết Bàn.
Như Lai không “bắt”, không cưỡng bức chúng con đi theo con
đường: Tất cả đều có phần hưởng thọ kho tàng tri kiến Như Lai mà
tha cho chúng con theo ý chí thấp hèn, rồi phương tiện thuận
theo chúng con mà lần lần dạy bảo.
Chúng con là con của Phật mà không biết. Vì không biết nên không
dám mong hưởng thọ cái sự nghiệp, cái gia tài vĩ đại của cha là
Phật mà chỉ cam phận với số tiền làm thuê Nhị Thừa. Ấy tại
vì chúng con không dám nhận mình là con Phật nên Phật cũng không
thể tự nhận là cha (không thể dạy pháp Đại Thừa)
Nay thì kho tàng pháp bảo vô giá của pháp vương lại tự nhiên mà
đến, không mong cầu mà được.!
Để kết thúc câu chuyện gã Cùng tử, Tôn giả Đại Ca Diếp bây giờ
lên tiếng xác định rằng ông Trưởng giả trong câu chuyện này
chính là đức Phật và anh chàng Cùng tử không ai khác là hàng
Thanh văn, là con của Phật. Đức Phật đã mở rộng cửa kho tàng
giáo lý và trao lại hết cho hàng đệ tử và bảo rằng họ là những
nam tử thật sự của Ngài.
Tôn giả nói lên tam khổ mà các ngài đã lấy đó làm cơ bản tu
hành:
1) Khổ khổ:
Thân tâm con người tự nó đã khổ. Khổ vì bị lửa vô thường, lửa
tham-sân-si thiêu đốt. Con người phải gánh chịu biết bao khổ đau
vì sự sống chết bất ngờ mà ngay chính mình cũng không làm chủ
được. Đó là chưa kể những nỗi khổ do ngoại cảnh như thiên tai,
đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh…Cái khổ này chồng lên nỗi khổ
khác.
2)
Hoại khổ:
Luật vô thường không thương xót một ai nghĩa là có sinh tất có
diệt. Con người già đi từng giây từng phút, những tế bào trong
người chết dần chết mòn chớ đâu phải đến lúc xuôi tay nhắm mắt
mới gọi là chết. Mới ngày nào tinh thần tráng kiện mà bây giờ
mắt mờ, tai lãng, da nhăn, má hóp, lưng mỏi, chân run, ăn chẳng
biết ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ lu mờ, nhớ trước quên
sau.
3)
Hành khổ:
Sự biến đổi nơi con người đưa đến sự già chết. Hành khổ cũng còn
chỉ cho hành nghiệp dẫn dắt thần thức con người thọ báo tái
sinh, trôi nổi trong sinh tử trầm luân.
Đối với hàng Thanh Văn, tam khổ bát khổ là những chất liệu,
những thành tố thiết yếu nằm trong phần Khổ Đế giúp họ tu quán
để tháo bỏ cho hết tham-sân-si mạn nghi trong phần Tập Đế mà có
giải thoát thanh tịnh Niết bàn. Nói chung Tứ Đế là cứu cánh cho
hàng Thanh Văn để chứng đắc Thánh quả A la hán. Nhưng bây giờ
Thế Tôn vì họ nói pháp Đại thừa, khiến cho buông bỏ tu tập pháp
nhỏ mà có được trí tuệ công đức bảo tàng tri kiến của Như Lai.
Đức Phật từ bi dùng pháp quyền xảo phương tiện, thuyết giảng
pháp thâm sâu vi diệu khiến cho họ thức tỉnh biết lỗi lầm của
mình tức là chứng tiểu Niết bàn mà cho rằng đã đạt được Vô
thượng Niết bàn.
Trước khi nhập diệt, đức Phật tuyên bố trong kinh Pháp Hoa là
“Mối liên hệ giữa đức Phật và tất cả chúng sinh là mối liên hệ
cha con bởi vì tất cả đều có thể thành Phật”. Lời tuyên bố này
đã làm các đệ tử rất ngạc nhiên lúc ban đầu, nhưng dần dần họ
thấy được cứu cánh tu hành là thành Phật chớ không phải là A la
hán hay Bích Chi Phật nghĩa là đức Phật dùng phương tiện đưa họ
đi từ thấp đến chỗ tột cùng.
Kinh điền Đại thừa và Nguyên thủy có sự khác biệt về định nghĩa
của Niết bàn. Đó là:
1)
Niết bàn dựa theo Phật giáo Nguyên thủy:
Vào thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp
ngài Xá Lợi Phất liền hỏi :
- Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là
cái gì vậy?
Tôn giả Xá Lợi Phất bèn trả lời :
- Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận
thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là
Niết bàn.
Khi nói về Niết bàn, chính đức Phật cũng dạy thêm rằng :
- Nếu chúng sinh nào đã từ bỏ thú vui và tham muốn, đã đầy
đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự giải thoát sinh tử, sự tịch
tĩnh, đã đạt đến Niết bàn tức là nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh
cửu ngay ở trong cõi đời nầy.
Trong kinh Niệm Xứ (Satipatthnasutta) đức Phật dạy rằng:
-Này các Tỳ kheo! Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh
tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành
tựu chánh tri, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.
Nhưng thế nào là Tứ Niệm Xứ? Đức Phật dạy tiếp rằng:
-Này các Tỳ kheo! Ở đây Tỳ kheo sống “quán thân”
trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở
đời; sống “quán
thọ”
trên các thọ, nhiệt tâm tỉnh giác; chánh niệm để chế ngự tham ưu
ở đời; sống “quán
tâm”
trên tâm, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở
đời; sống “quán
pháp”
trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham
ưu ở đời.
Nói chung trong phần này Phật dạy chánh niệm để đối trị với
những tâm hành sinh diệt, nhưng cốt tủy vẫn đưa chúng sinh đến
một cứu cánh tột đỉnh là thức tỉnh tức là “BIẾT”. Vậy biết cái
gì? Khi tâm tham phát khởi là biết có tham, không tham thì cũng
biết trong tâm không có tham. Sân và si cũng vậy. Do đó khi lục
căn tiếp xúc với sắc thanh hương vị xúc pháp thì vọng tâm dấy
khởi. Ở đây đức Phật dạy chúng sinh thực hành chánh niệm để biết
rốt ráo tận cùng những biến đổi của tâm mà không cần phải tiêu
diệt chúng. Thí dụ thấy tiền nhiều tâm tham liền nổi dậy, nhưng
nếu có chánh niệm thì biết ngay sự hiện hữu hình thành trạng
thái tham của tâm cho nên tâm tham bây giờ không còn tác động
hoành hành được nữa. Vì thế bất cứ một ý niệm vừa khởi lên,
chánh niệm cho ta “biết” đó là vọng tưởng. Khi đã biết bộ mặt
thật của ý thức thì con người chỉ cần không theo vọng thì vọng
tự mất mà không cần phải tiêu diệt chúng nghĩa là không theo
vọng, vọng tự tiêu tan tức là mê biến thì thời điểm đó giác tự
hiển bày.
Kinh Pháp Hoa nói rằng “Mối liên hệ giữa đức Phật và tất cả
chúng sinh là mối liên hệ cha con bởi vì tất cả đều có thể thành
Phật”. Nhưng đối với Phật giáo nói chung, đặc biệt là Phật giáo
Nguyên thủy thì mối quan hệ giữa đức Phật và chúng sinh thường
được hiểu là thầy và đệ tử chớ không phải là cha con. Tại sao?
Bởi vì đức Phật là người đi trước, là bậc thầy còn chúng sinh là
những kẻ đi sau, là đệ tử. Vì thế giáo lý của Phật Đà chỉ là
phương tiện mà chúng sinh có áp dụng, có thực hành thì mới có
thực chứng như đức Phật. Ngay cả ở đây, tuy Phật nói là trong
mỗi chúng sinh đã có sẵn cái Phật tánh hằng sáng (Tri Kiến
Phật), nhưng nếu không tu tập để loại bỏ tham sân si, tập khí
ngã mạn thì muôn đời vẫn là tục tử phàm phu tức chỉ là “Lý Tức
Phật” dựa theo tư tưởng “Lục Tức Phật” của tông Thiên Thai.
Chúng ta thường thấy mối quan hệ cha con xảy ra cho những tôn
giáo thần quyền như Thiên chúa giáo, vị Linh mục xưng là cha còn
con chiên là con. Ngày nay một số tín đồ ở Nhật Bản vẫn còn tin
rằng họ có thể được cứu độ chỉ bằng cách gõ trống tay và lập đi
lập lại câu: “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – Tôi quy y kinh
Diệu Pháp Liên Hoa”. Họ tuyệt đối tin rằng những cầu xin của họ
sẽ được đáp ứng nếu họ chỉ cần thờ kính bài chú tụng mà Nichiren
đã viết ở trên. Người tu Phật tuyệt đại đa số cầu Phật ở bên
ngoài chẳng khác nào anh chàng Cùng tử đi làm thuê làm mướn,
lang thang khắp mọi nơi mà vẫn nghèo khó. Do đó tu hành là phải
xoay vào tâm để nhận biết Phật tâm, Phật tánh của chính mình tức
là chính mình đã nhận được gia tài vô giá từ đức Phật.
Con đường trở về với Phật tánh của mình là phải kiểm soát tức là
làm chủ vọng tâm của mình. Chúng sinh phải thực hành quán viễn
ly, trong đó hai ý niệm về ngã chấp và pháp chấp luôn phải đề
cao cảnh giác. Nhưng điều thiết yếu nhất là phải xả bỏ ngã và
ngã sở hữu. Xả được bao nhiêu thì chúng ta có được an lạc bấy
nhiêu. Ngược lại tuy biết mình có chơn tâm, Phật tánh, Tri Kiến
Phật mà không viễn ly được ngã và ngã sở hữu thì cho dù có tu
kiểu gì, tông gì, môn phái gì hay bao nhiêu đời cũng không có
kết quả gì hết.
Dựa theo Đại thừa Khởi Tín Luận, trong chúng ta có ba tướng vi
tế và sáu tướng thô do căn bản vô minh phát khởi khiến con
người sống trái với chơn tánh của mình. Đó là Tam tế lục thô:
Tam tế
gồm có:
1. Vô minh nghiệp tướng:
Tướng phát động đầu tiên từ Chân khởi Vọng, là trạng thái đầu
tiên do Căn bản vô minh khởi động Chân như. Khi chúng sinh khởi
ý niệm về năng và sở thì vô minh nghiệp tướng xuất hiện liền.
Năng là mình, là ngã tướng, sở là người, là nhơn tướng. Mà hễ có
ngã, có nhơn thì chúng sinh tướng và thọ giả tướng phát sinh
triền miên, không dừng,
tận tâm chất đầy phân biệt phiền não mê lầm làm đánh mất tâm
thanh tịnh bản nhiên. Từ đó chấp ngã, chấp pháp thiên biến vạn
hóa khôn lường.
Thí dụ ra sau vườn thấy một cành hoa thì cái thấy này là hiện
lượng tức là cái thấy còn nằm trong đệ nhất sát na, cái thấy của
trực giác chưa có phân biệt. Nhưng nhìn kỹ thì mới biết là hoa
lý rất thơm. Cái biết bây giờ là do ý thức khởi niệm phân biệt
là hoa thơm, hoa đẹp, hoa lý… Năng là mình, là mắt mình để thấy
hoa đẹp, lỗ mủi để ngửi hoa thơm. Còn sở là cành hoa. Vì thế có
ý niệm năng sở là thành tướng vô minh.
Kinh Kim Cang khuyên con người nên lìa bốn chấp tướng. Đó là:
-Ngã tướng: là ỷ mình có danh vị, quyền thế, giàu có và
tài năng nên thích cầu thân cùng bậc cao sang mà khinh bỉ những
người hèn dốt. Nói một cách khác là làm việc vì lợi ích riêng
cho mình tức là chỉ nhìn vào bên trong làm tăng trưởng tánh
tham mà tạo nghiệp.
-Nhơn tướng: là chấp lòng năng sở và tri giải tức là chưa
chứng ngộ mà nói chứng ngộ, ý mình giữ giới mà khinh kẻ phá
giới. Hiểu như thế là chấp theo bề ngoài vì còn tâm phân biệt có
người và ta nên tâm sân phát khởi để tạo ra nghiệp.
-Chúng sinh tướng: là có cái lòng hy vọng hoặc nói chánh
làm tà, miệng lành lòng dữ và đây chính là tâm si đang
bừng cháy trong ta vì thế mà nghiệp dữ được tác tạo.
-Thọ giả tướng: là trông mong cho được sống lâu và mong
cầu sự phước lợi. Đây chính là ái và cũng là cội nguồn để
tạo nghiệp.
Muốn giải trừ lòng tham đắm thì nên tu bố thí ba-la-mật.
Khi đã thấu hiểu vạn pháp giai không tức là của cải vật chất thế
gian chỉ là giả tạm, phù du, không thật nên lòng không tham đắm
mà chia sẻ lại với đời. Không ôm giữ, thâu góp cả thế giới vào
tay mình rồi cuối cùng cũng buông tay trả lại hết cho thế gian.
Ngay cả chánh pháp cũng không tham. Đối với người học Phật một
khi đã thấu hiểu Phật pháp, biết sống với chánh pháp và hòa nhập
với thiên nhiên vũ trụ để tâm được thanh tịnh thì cũng nên đem
chánh pháp huyền diệu nầy chia sẻ với tất cả mọi người. Đây gọi
là pháp thí vậy. Một khi chúng ta sống hoàn toàn tự tại, lòng
không tham đắm, tánh không si mê nghĩa là thấy tiền của không
tham, thấy nhà cao cửa rộng không màng, không cầu danh vọng,
không buồn không giận… thì cho dù không bố thí nhưng thật ra đây
mới chính là bố thí chân thật nhất. Do đó nếu chúng sinh đạt
được tâm thanh tịnh, loại bỏ tâm tham tật đố thì cuộc sống an
vui tự tại của mình chính là sự bố thí cúng dường cao thượng
nhất.
2.
Năng kiến tướng:
Tướng phát động dựa vào nghiệp tướng mà chuyển thành tướng năng
kiến. Đó là tâm nhận thức đối tượng dựa vào Vô minh nghiệp tướng
mà khởi lên ý niệm chủ quan tức là mắt, tai, mủi, lưỡi, thân và
ý.
3.
Cảnh giới tướng:
Năng kiến tướng đã khởi ra thì đồng thời vọng kiến đối tượng
nhận thức khách quan. Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Lục thô
gồm:
1.
Trí tướng:
Tướng nương vào cảnh giới tướng mà vọng khởi phân biệt nhiễm
tịnh, đối với tịnh cảnh thì yêu thích, đối với nhiễm cảnh thì
chán ghét. Phân biệt tốt xấu, yêu ghét. Tốt thì bám lấy, xấu thì
bỏ đi…
2.
Tương tục tướng:
Tướng nương vào trí tướng mà phân biệt, đối với cảnh yêu thích
thì sinh vui, đối với cảnh không yêu thích thì sinh khổ, giác
tâm khởi niệm, tương tục không ngừng. Xem sự vật hiện tượng là
thật, là bền vững tương tục trong khi bản chất của sự vật hiện
tượng là không có trường tồn vĩnh cữu, vô thường hoại diệt từng
sát na.
3.
Chấp thủ tướng:
Dựa vào tương tục tướng duyên niệm với các cảnh khổ, vui… khiến
tâm khởi chấp trước. Đó là cái này của ta, cái kia của người tạo
ra phân biệt, chấp trước.
4.
Kế danh tự tướng:
Dựa vào Chấp thủ tướng mà phân biệt ngôn thuyết giả danh. Trong
Duy Thức gọi là Biến Kế Sở Chấp. Thí dụ hoa này là hoa hồng, đây
là chiếc xe, đó là cái nhà…Con người thì đây là ông Trần, kia là
bà Smith…Nói chúng họ đặc tên cho tất cả sự vật hiện tượng tức
là tên là giả mà cứ tin là thật nên sinh ra chấp thủ. Thí dụ một
đóa hoa có người gọi là hoa hồng, người khác gọi là hoa hường
thế thì tên hoa nào là thật? Một cô chưa lấy chồng có tên là
Nguyễn, khi lấy chống đổi thành bà Trần thế thì cô Nguyễn hay bà
Trần cái tên nào là thật?
5.
Khởi nghiệp tướng:
Dựa vào Kế danh tự tướng sinh đắm chấp lấy mà tạo ra các thứ
nghiệp. Từ các tướng ở trên cho rằng sự vật hiện tượng trên thế
gian là có, là thật nên mới tranh chấp mà tạo nghiệp. Con người
cũng vì chấp ngã và ngã sở hữu tức là chấp mình là thật và của
cải tài sản thuộc về mình là chắc thật nên mới có tranh chấp,
đấu tranh để bảo vệ và tạo thêm những cái có giả tạo này cho nên
mới có chiến tranh, giết chóc, sát hại lẫn nhau.
6.
Nghiệp hệ khổ tướng:
Bị các nghiệp thiện, ác ràng buộc, chịu khổ sinh tử bức não,
không được tự tại.
Dựa vào tam tế lục thô, chúng sinh có hai con đường:
-Nếu đi từ tam tế đến lục thô nghĩa là bắt đầu từ vi tế tướng
đến thô tướng thì trong A lại da thức vị của tâm bất tương ưng
tiến vào Lục thức vị của tâm tương ưng khiến cho thế giới phân
biệt chấp trước mê lầm liền tùy theo đó triển khai.
-Bây giờ nếu muốn đến ngộ cảnh thì phải đi từ thô tướng đến vi
tế tướng. Cảnh giới của phàm phu là thô trong thô (4 tướng sau
của Lục thô); cảnh giới của Bồ tát là tế trong thô (2 tướng
trước của Lục thô) và thô trong tế (2 tướng sau trong tam tế);
còn cảnh giới của Phật là tế trong tế (Vô minh nghiệp tướng).
2)
Niết bàn dựa theo tư tưởng Đại thừa:
Khi con người nhận ra Tri Kiến Phật có sẵn nơi mình, mà Tri Kiến
Phật là hằng hữu, bất động cho nên hành giả có đi, đứng, nằm,
ngồi, đi chợ, lái xe thì không lúc nào thiếu vắng. Nếu hành giả
hằng sống với Tri Kiến Phật đó thì sẽ không có loạn tưởng tức là
có Định. Định này không có xuất, không nhập nên gọi là Đại Định
tức là có Niết bàn viên mãn.
Đức Phật tùy thuận theo tâm nguyện của các đệ tử dùng phương
tiện khéo léo dẫn dụ cho họ tu hành từ thấp đến cao. Đến khi
biết rằng công hạnh của họ gần đến chỗ viên mãn thì bây giờ Ngài
mới truyền trao gia bảo kết sù (Tri Kiến Phật) cũng như ông
Trưởng giả trước khi qua đời đã yên lòng trao hết gia tài lại
cho người con duy nhất của mình.
∆ TOP
|
NEXT
|