A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm



     

LỜI MỞ ĐẦU

PHẦN GIỚI THIỆU

 


PHẦN TỔNG LUẬN

PHẦN PHỤ LỤC



 

Phẩm THÍ DỤ

Phẩm Phương tiện đã diễn giải rõ ràng bản hoài của chư Phật xuất hiện ở thế gian này với một mục đích cao cả là khai thị cho tất cả chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình tức là mỗi người tự nhận ra và sống với tánh giác của chính mình. Tuy chư Phật ôm ấp hoài bảo to lớn như thế, nhưng căn cơ chúng sinh còn thấp chưa kham thọ nhận cho nên đức Phật tạm thời trên hội A Hàm chỉ nói về giáo nghĩa thập thiện giúp cho họ thấy con đường sáng mà khỏi bị đọa vào tam ác đạo. Ngài nói các pháp Vô thường, Khổ, Không, Vô Ngã, chân lý Tứ Diệu Đế và thuyết Thập Nhị Nhân duyên để giúp chúng sinh tạm thời ra khỏi tam giới, xa lìa sinh tử và chứng đắc Niết bàn. Nhưng Niết bàn mà họ chứng được chỉ là hóa thành tức là tạm nghĩ chớ chưa phải là bảo sở tức là hoàn toàn, chân thật và an định mãi mãi. Giáo pháp của Phật thì vô biên vô lượng, nhưng tựu trung có thể chia làm hai phần: bình đẳng là pháp “thật” và pháp môn phương tiện là pháp “quyền”. Pháp “thật’ là chân thật và không bao giờ biến đổi. Còn pháp “quyền” thì không thật, chỉ là phương tiện tạm thời, là những thí dụ cụ thể dùng để xiễn dương chân lý. Đức Phật dạy rằng : “Như Lai có một kho báu, hãy đến đây, Như Lai sẽ cho quý vị một viên ngọc minh châu vô giá và các thứ trân châu khác…”. Vì chúng sinh còn nhiều tâm tham nên họ liền đến với Như Lai để được món lợi, vì thế Như Lai mới có cơ hội giáo hóa họ được. Khi đã thấu hiểu huyền nghĩa của giáo pháp Như Lai, chúng sinh sẽ không còn quan trọng hay quan tâm đến viên ngọc minh châu vô giá đó nữa vì chúng sinh vốn đã có viên ngọc đó trong họ rồi. Đó là quyền, là phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh.

Vì Phật khéo léo dùng những thí dụ, những phương tiện để phô bày những gì ẩn dụ bên trong mà ngôn ngữ con người không thể nào diễn tả được. Trong phẩm này, đức Phật đã dùng những thí dụ để làm sáng tỏ thêm chỗ cứu cánh và đặc biệt để hiển bày những phương tiện mà Ngài đã dạy chỉ là pháp quyền. Nhờ vậy mà chúng sinh có thể nhận thấy được cứu cánh tối thượng tức là mục tiêu chính mà đức Phật muốn chỉ bày. 

Lúc bấy giờ ông Xá-lợi-phất hớn hở vui mừng, đứng dậy  cung kính chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan Phật và bạch rằng: “Hôm nay con được nghe những điều Phật dạy, lòng con hân hoan chưa từng có. Bao nhiêu nghi ngờ của con đã hết. Trước kia con thường nghĩ ngợi và tự hỏi: Phật cũng ở trong Pháp tánh như mình, cớ sao Phật được là Phật, còn mình thì lại không? Cớ sao Như Lai lại đem pháp “Tiểu Thừa” mà dạy cho? Cớ sao các Bồ tát được thọ ký thành Phật, còn mình chẳng được dự vào việc đó? Con tự cảm thương mình! Chẳng lẽ mình mất hết vô lượng Tri Kiến Phật, mất hết khả năng thành Phật hay sao?” Nay nghe Phật dạy, con mới hiều rằng, lỗi tại chúng con, vì mê mờ thiển cận, vừa được nghe pháp phương tiện là đã vội ham, tư duy tu tập để cầu chứng đắc. Nay con đã hiểu rõ, rằng giáo lý Tiểu thừa là “pháp phương tiện” tùy nghi dẫn dụ của Như Lai. Dù “chứng đắc Niết Bàn” nhưng chưa hoàn toàn diệt độ. Giờ đây con rất sung sướng tự biết mình là con thật của Phật. Từ kim khẩu Phật sanh ra, từ pháp hóa của Phật sanh ra, con được dự phần trong “Phật tánh và Pháp tánh” vô thượng.

Ông Xá-lợi-phất thưa tiếp: “Lúc mới nghe Phật “thọ ký” con sẽ thành Phật, con nghi ngờ tự hỏi có phải ma giả Phật để não loạn lòng con. Nhưng sau nhờ những tỷ dụ của Phật, con mới hết nghi và tin quả quyết rằng con sẽ thành Phật”.

Tôn giả Xá Lợi Phật chẳng những là đệ nhất trí tuệ trong số đệ tử của Phật Đà, mà ngài còn là vị tuệ tánh Thanh Văn. Trong khi đó các vị định tánh Thanh Văn đã rời pháp hội vì nghĩ rằng họ chẳng có gì để lãnh hội từ đức Phật. Sau khi nghe Phật nói về Tri Kiến Phật, ngài Xá Lợi Phất liền ngộ được Trí Huệ Phật tức là tin vào khả năng thành Phật chính mình, nên vui mừng hớn hở trình lại sở ngộ của mình. Trong Phật pháp có pháp phương tiện và pháp cứu cánh. Trong bốn mươi mấy năm, đức Phật chỉ dùng pháp phương tiện để dạy thính chúng. Ngài dạy giáo lý Tứ Đế cho hàng Thanh Văn, thuyết Thập Nhị Nhân Duyên cho hàng Duyên Giác để họ chứng đắc Niết bàn, giải thoát sinh tử. Nhưng cứu cánh của đạo Phật không phải là trở thành A la hán, Bích Chi Phật hay Bồ tát mà phải thành Phật. Tại sao? Bởi vì tất cả chúng sinh ai ai cũng đều có Tri Kiến Phật giống y như Phật. Do đó nếu các vị A la hán, Bích Chi Phật say mê ở những quả vị của mình thì tuy các vị đó có chứng đắc Niết bàn, nhưng cái Niết bàn đó chưa phải là Vô thượng Niết bàn, là Bảo sở Chân Như hoàn toàn thanh tịnh. Trong kinh này hàng định tánh Thanh Văn gọi là hạng Tăng thượng mạng nghĩa là những người chưa chứng được quả Vô thượng Bồ đề mà tưởng rằng mình đã chứng được quả tột đỉnh rồi nên chẳng cần học hỏi tu luyện thêm. Khi đã hiểu lời Phật dạy về Nhất thừa Phật đạo và Tri Kiến Phật thì Tôn giả Xá Lợi Phất mới thức tỉnh biết con đường đã đi là chưa hoàn mãn, say mê vào chứng đắc, chấp phương tiện mà quên đi cứu cánh. Sở dĩ Phật nói pháp sai biệt giữa các môn đồ là vì căn cơ mỗi người sai khác, với người trình độ thấp thì Ngài dùng phương tiện hướng dẫn lên từ từ đến khi họ kham lãnh được pháp lớn, thì Ngài bây giờ bình đẳng nói pháp Nhất thừa.

Đến đây, Tôn giả Xá lợi Phất tự xét lấy lỗi mình vì đã đánh mất vô lượng Tri Kiến Phật nghĩa là tuy có sẵn Trí Tuệ Phật, nhưng vì căn cơ thấp kém nên Phật bấy lâu nay chỉ nói pháp Nhị thừa mà không nói pháp cứu cánh Nhất thừa. Tuy nhiên, Ngài chỉ tự cảm thương mình chớ không hề trách cứ Phật bởi vì Tôn giả thấu hiểu hoài bảo của Phật là giáo hóa chúng sinh để ngộ, nhập, tri, kiến Phật chớ không phải các Ngài thị hiện để chỉ dạy Thanh Văn hay Duyên Giác thừa. Mà muốn đạt được Trí Tuệ Phật này thì chỉ có một con đường duy nhất là Phật thừa chớ không còn con đường nào khác. Tôn giả bây giờ tự xác nhận mình là con Phật tức là “Tòng Phật khẩu sinh, tòng Pháp hóa sinh, đắc Phật Pháp phần, cố danh Phật tử” nghĩa là theo miệng Phật mà sinh ra, theo Chánh Pháp mà hóa ra, được vài phần Phật Pháp nên được gọi là Phật tử tức là con Phật. Nói rộng ra, từ kim khẩu của đức Phật mà truyền bá, giáo hóa giúp chúng sinh học Chánh Pháp, hành Chánh Pháp và sống trong Chánh Pháp để vun bồi đầy đủ phước đức và trí tuệ. Ngay cả Vô thượng Bồ đề hay Vô thượng Niết bàn, người đệ tử Phật cũng có thể đạt được.

Trong tam huệ học, trí tuệ phát sinh như thế nào?

1)  Văn huệ: là do tai nghe âm thanh, mắt đọc kinh điển của Phật để nhận hiểu mà phát sinh trí tuệ.

Trong suốt 49 năm hoằng dương giáo pháp của đức Phật, có rất nhiều người đắc quả Thánh hay ngộ được chân lý khi nghe Ngài thuyết Pháp. Không những thế, ngay cả hàng Thanh Văn tức là A la hán cũng độ được rất nhiều người vào cõi Thánh

2)  Tư huệ(Cinta maya panna): là huệ do trí suy nghĩ, tìm tòi hay quán xét về những điều đã được thu nhập được bằng văn huệ.

Những gì mà chúng ta nghe, thấy và học hỏi được chỉ là kiến thức vay mượn. Muốn chuyển hóa chúng để trở thành kiến thức của chính mình thì phải tư duy, suy nghĩ tường tận qua nhiều giai đoạn suy tư và phán đoán có nghĩa là chúng ta phải phân tích, tổng hợp để tìm ra thật tướng của chân lý. Ngày nọ có vị Tỳ kheo ni tên là Patacara đến rửa chân nơi một dòng suối. Đang khi bước lên bờ thì bà thấy những giọt nước từ bàn chân của bà nhỏ xuống theo dòng nước trôi đi và biến mất. Cứ như thế mà bà suy tư sự biến đổi không ngừng của hiện tượng và bổng trực nhận được lý vô thường của vũ trụ. Trong kinh điển cũng có ghi chép rất nhiều trường hợp như có một hành giả có thể nghe một tiếng chim hót, hoặc thấy một chiếc lá rơi, một ngọn đèn phựt tắt, hay nhìn những bong bóng nước vỡ tan trên mặt hồ mà chứng ngộ được chân lý. Có người cho rằng nếu nghe nhiều mà không suy luận để phân biệt chân, hư và không thực hành theo chân lý thì trí tuệ không bao giờ phát sinh! Đây là trường hợp của Tôn giả A Nan. Chính Tôn giả A Nan đã làm thị giả cho đức Phật 27 năm và nhờ nhân duyên nầy mà Ngài là người nghe nhiều học rộng nhất trong số đại đệ tử của Phật. Thế thì tại sao Ngài không đắc đạo trong lúc Đức Phật còn sinh tiền? Sở dĩ Tôn giả A Nan không đắc đạo quả khi Phật còn tại thế là vì chưa thực hành đúng theo những gì Ngài đã học hỏi được. Đó là phải quay về với nội tâm của mình để thấy được tánh giác thanh tịnh mà đã bị vọng trần và vô minh che lấp. Nhưng chính nhờ kiến thức uyên bác đó, về sau giúp ngài chứng ngộ con đường giải thoát và ngày nay hầu hết các kinh tạng mà chúng ta có được đều do chính tôn giả tụng thuật lại. Như thế ngài đã đem đa văn của mình đóng góp vào việc duy trì và phát huy nền văn học Phật giáo từ mấy ngàn năm nay và còn cho bao ngàn năm nữa.

          Nhưng không phải mọi tư duy đều đem lại trí tuệ cho con người. Vì thế đức Phật có dạy rằng:

-Có hai loại tư duy. Trước hết là Chánh tư duy giúp tâm thanh tịnh và sáng suốt và ngược lại Tà tư duy làm cho tâm ô nhiễm và lu mờ”.

Vậy muốn phát triển trí tuệ trước hết chúng ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về oán thù và suy nghĩ về lợi mình hại người. Trái lại chúng ta thường nên suy tư quán chiếu về ý nghĩa sâu xa của vô ngã, vô thường, khổ não và bất tịnh của tất cả các pháp hữu vi.

Trường hợp của tôn giả Cùlapanthaka là một người ít học. Tuy Ngài cố gắng nhưng cho đến một bài kệ ngắn chỉ có bốn câu mà trong bốn tháng vẫn chưa thuộc. Vị sư huynh của Ngài thấy vậy khuyên Ngài nên hoàn tục nhưng Ngài quá quyến luyến đời sống đạo hạnh nên không nỡ từ bỏ. Đức Phật thấy đạo tâm của Ngài quá dõng mảnh nên đến đưa cho Ngài một chiếc khăn tay màu trắng và dạy mỗi sáng phải cầm khăn tay đưa ra trước mặt trời. Ngài làm y như lời dạy của đức Phật nên chẳng bao lâu chiếc khăn bị bụi và mồ hôi bám vào trở nên dơ bẩn và ố màu. Thấy sự kiện đó, ngài suy gẫm về tánh vô thường của đời sống, trực nhận được chân lý và chứng quả A la hán.

Vậy trí tuệ phát sinh do suy xét chân tướng của vạn hữu thì được gọi là Tư Huệ.

3)  Tu huệ (Bhavana maya panna): là do tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý để chứng được chân lý mà giác ngộ. Tham thiền là phương pháp rèn luyện trí tuệ được đức Phật khen ngợi và khích lệ hàng đệ tử ứng dụng để thấu triệt chân lý và chứng ngộ Niết bàn.

Phương pháp tu thiền định giúp con người dập tắt vô minh và ái dục. Vì thế nó còn được gọi là Định năng sinh huệ. Ví như một ly nước đục được giữ yên, khi bao nhiêu cặn bả đã lắng đọng thì nước sẽ trở nên trong suốt. Con người thì cũng thế, nếu chúng ta giữ được an trú trong thiền định thì tâm sẽ trở nên trong sạch, sáng suốt và nhờ đó trí tuệ phát sinh.

Trong kinh Pháp Cú,  đức Phật có dạy rằng:

-Dầu thông suốt kinh luật mà không hành trì cũng chỉ như kẻ mục đồng đếm bò cho kẻ khác. Người đó không hưởng được hương vị giải thoát. Trái lại dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ Tham-Sân-Si, hiểu biết chân chính, tâm tự tại, không vọng chấp. Người ấy ắt hưởng được hương vị giải thoát.

Ngày xưa có hai vị Tỳ kheo cùng xuất gia theo Phật. Một vị tuy học rộng hiểu nhiều, làu thông kinh Pháp nhưng chưa đắc đạo. Còn vị kia tuy học ít nhưng chuyên cần tu niệm nên không bao lâu chứng quả A La Hán. Khi bàn luận Phật Pháp với Đức Phật, vị phàm tăng nêu lên nhiều vấn nạn khúc mắc để phô trương tài bác học của mình. Nhưng khi Đức Phật hỏi về sự thực chứng đạo giải thoát thì vị A la hán trả lời thông suốt vì do kinh nghiệm bản thân của mình. Trái lại vị phàm tăng không cách nào trả lời được vì tự mình chưa chứng ngộ.

Cũng như chúng ta thích một loại trà rất nổi tiếng và học cách pha trà nầy. Nhưng chừng nào chúng ta chưa tự mình pha lấy và uống qua một lần thì cũng không thưởng thức được hương vị của món trà quý nầy. Vì thế người xưa có câu “Như nhân ẩm thủy lãnh noãn tự tri” nghĩa là hương vị nóng lạnh, thơm ngon chỉ có người uống mới biết được.

Nói tóm lại Văn, Tư, Tu rất tương quan mật thiết với nhau, không thể bỏ qua một thứ nào mà thành tựu được cho nên đức Phật dạy rằng:

-Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ ba môn khuyết một không được. Nếu nghe mà không suy nghĩ thì như làm ruộng mà không gieo mạ. Nếu suy nghĩ mà không tu thì như làm ruộng mà không tát nước, làm cỏ thì không có lúa. Ba huệ được đầy đủ thì chứng quả Tam thừa.

Tóm lại, trong tam huệ học, văn huệ tức là nghe lời Phật dạy mà khai thông trí tuệ tức là từ miệng Phật sanh, tư huệ là do tư duy pháp Phật dạy mà trí tuệ phát sinh tức là từ pháp hóa sinh và sau cùng tu huệ là do tu thiền định, thực hành lời dạy của Phật mà phát sanh trí tuệ tức là pháp phần của Phật. Do đó người đệ tử Phật ít nhất phải có được một trong ba phần trí tuệ ở trên thì mới không hổ thẹn với danh xưng Phật tử tức là con Phật.

Trong Phật giáo có tất cả mười hai thể loại kinh được phân biệt theo hình thức trình bày và nội dung giáo pháp:

1) Khế kinh: Còn được gọi là Trường hàng tức là thể loại văn xuôi, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của Phật.

2) Trùng tụng: Tức phần kệ tụng giải thích lại giáo thuyết mà khế kinh đã nói.

3) Thọ ký: Vốn là các đoạn văn giải thích về giáo nghĩa , đời sau đặc biệt chỉ cho lời ấn chứng trước của Phật đối với việc làm ở vị lai của các đệ tử.

4) Phúng tụng hay Cô khởi: Tức là phần kệ tụng độc lập, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của đức Phật mà không lập lại ý của văn trường hàng trước đó.

5) Tự thuyết hay Vô vấn: Đức Phật không đợi có người hỏi pháp mà tự khai thị giáo thuyết.

6) Nhân duyên: Ghi chép nhân duyên thuyết pháp giáo hóa của Phật, như phẩm Tựa của kinh này.

7) Thí dụ: Dùng thí dụ để giảng nói pháp nghĩa như phẩm này.

8) Bổn sự: Các bản kinh nói về hành nghi ở đời quá khứ của Phật và đệ tử. Những kinh mở đầu bằng câu: “Phật như thị thuyết” cũng thuộc loại Bổn sự.

9) Bổn sanh: Thể loại kinh nói về các hạnh đại bi mà đức Phật tu hành vào thời quá khứ.

10) Phương quảng: Các kinh giảng nói giáo nghĩa rộng lớn sâu xa.

11) Vị tằng hữu: Nói về những việc ít có của Phật và các đệ tử.

12) Luận nghị: Đức Phật luận nghị phân biệt thể tính các pháp, làm sáng tỏ các pháp.

Trong 12 thể loại kinh được phân biệt ở trên thì chỉ có Đại thừa là có đủ 12 loại. Còn Tiểu thừa chỉ có 9 loại nghĩa là kinh điển Tiểu thừa không có thể loại Thọ ký, Tự thuyết và Phương quảng.

-Thọ ký chỉ có trong kinh Pháp Hoa bởi vì Phật dựa vào tư tưởng “mọi chúng sinh đều có Phật tánh, tri kiến Phật nên Phật mới thọ ký vào vô lượng kiếp về sau sẽ thành Phật.

-Tự thuyết là Phật tự ý nói chớ không phải do đệ tử hỏi. Đó là những kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ…

-Phương quảng hay còn gọi là phương đẳng là các kinh nói về nghĩa bình đẳng, rộng lớn sâu xa. Đó là các bộ Bảo Tích và Đại Tập. Phương đẳng chia làm hai phần là Phương đẳng Hiển thuyết và Phương đẳng Mật chú. Hiển thuyết gồm có các kinh như Bảo Tích và Mật chú kinh thì có kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm và Mật chú Nghi quỹ gồm các kinh Kim Cương Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiển Chứng Đại Giáo Vương. Hiển và Mật hợp chung được 735 bộ, 1749 quyển.

Ngay sau khi đức Phật nhập diệt, vua A Xà Thế tổ chức lần kết tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương Xá, nước Ma-Kiệt-Đà. Trong hội Nghị nầy có 500 vị Tỳ Kheo tham dự, trong đó có ngài trưởng lão Đại Ca Diếp, người được trọng vọng nhất và hai nhân vật quan trọng chuyên về hai lãnh vực khác nhau là Pháp và Luật là ngài A Nan và Ưu Ba Ly đều có mặt. Chỉ hai phần Pháp và Luật là được trùng tụng lại tại Đại Hội lần thứ nhất. Trong Hội Nghị nầy, Pháp được chia làm hai phần và mỗi phần được trao cho một vị trưởng lão cùng với đệ tử của vị ấy ghi nhớ. Pháp được truyền khẩu từ thầy đến trò và được tụng niệm hằng ngày bởi một nhóm Tỳ Kheo và thường được phối kiểm lẫn nhau để bảo đảm không có sự thiếu sót cũng như không có gì thêm vào. Mãi gần 500 năm sau ngày đức Phật nhập diệt, kinh điển mới được thực hiện bằng chữ viết lần đầu tiên sau lần kết tập kinh điển lần thứ tư khoảng năm 70 trước công nguyên. Như thế vào thời đức Phật, những bài pháp do đức Thế Tôn thuyết giảng được nhớ lại bằng thể văn xuôi gọi là Trường hàng và sau đó gom lại thành những bài kệ gọi là Phúng tụng (Cô khởi) để cho đệ tử dễ truyền cho nhau và cũng là cách duy nhất họ giữ gìn và duy trì cho đến khi kinh điển được thật sự thực hiện bằng chữ viết.

Khi Tôn giả Xá Lợi Phất mới nghe Phật nói những vị A la hán, Duyên Giác tuy chứng Niết bàn, nhưng không phải thật, pháp Tứ Đế chỉ là phương tiện không phải là pháp cứu cánh thì ngài tưởng như ma Ba Tuần hóa ra Phật để nói cái tư tưởng tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật và chỉ có một thừa là Phật thừa. Nhưng sau khi chiêm nghiệm kỹ càng thì ngài mới xác định đây chính thật là lời Phật dạy bởi vì chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai khi ra đời giáo hóa đều dùng phương tiện như nhau, đó là trước nói Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ tát thừa rồi cuối cùng nói Phật thừa. Đức Thế Tôn nói về đạo chân thật, đạo đó ma Ba Tuần không làm sao nói được nên ngài tin chắc đó là lời Phật nói. Đoạn kinh này phải chăng Tôn giả Xá Lợi Phất nói thay cho những người thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên thủy? Họ cho rằng Đại thừa không phải là do Phật thuyết mà là do ma thuyết. Ngài Xá Lợi Phất chiêm nghiệm thấy rằng ma làm sao nói được giọng êm diệu, sâu xa nhiệm mầu thanh tịnh và ngài kết luận rằng những tư tưởng cao siêu đó không phải là do ma nói mà đích thật là lời nói của Thế Tôn. Khi kinh Pháp Hoa xuất hiện vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên thì Phật giáo nằm trong sự phân chia trầm trọng giữa các bộ phái. Dĩ nhiên những người ở trong truyền thống Đại thừa không có tâm trạng hoài nghi, nhưng những bộ phái khác không dễ gì tin vào tư tưởng mới này. Thật vậy, cho đến ngày nay Phật giáo Nguyên thủy vẫn tẩy chay kinh điển Đại thừa và họ cho rằng đây là những tác phẩm tưởng tượng của triết gia Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân. Để xác tín, kinh Pháp Hoa giới thiệu ngài Xá Lợi Phất, là bậc đệ nhất trí tuệ, khảo nghiệm kỹ càng và sau cùng tin đây là lời Phật nói. Ngài có lòng tin bất thoái chuyển, quyết sẽ tiến tới Phật quả vì thế sau này Phật thọ ký cho ngài sẽ thành Phật. Đối với Phật giáo Đại thừa, niềm tin vào những lời dạy của Phật để tiến thẳng về Phật quả là điều quan trọng, nhưng giáo lý Nguyên thủy thì niềm tin không đóng vai trò quan trọng mà trí tuệ mới là điều thiết yếu. Vì thế trong kinh Kalama (Tăng Chi III.65) đức Phật dạy rằng:

-Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân! Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.

-Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

-Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau”, quý vị hãy từ bỏ chúng.

-Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc”, quý vị hãy đạt đến và an trú.

Ban đầu, ngài Xá Lợi Phất sa vào lưới nghi nên nghĩ rằng Phật nói pháp là ma Ba Tuần nói. Bây giờ, nghe được diệu âm êm diệu của Phật, xiễn nói diệu pháp thanh tịnh nên ngài rất vui mừng, không còn nghi hoặc trong tâm và an trụ vào thật trí tuệ. Vời tấm lòng vững tin trong đời vị lai ngài nhất định sẽ thành Phật, được trời người thần rồng tôn kính, thay thế Thế Tôn chuyển đại pháp luân vô thượng và giáo hóa tất cả muôn loài. 

Đức Phật lại bảo:

-Xá-Lợi-Phất! Ta xưa đã từng giáo hóa ông, từng dẫn dắt ông trong thời gian dài ở hai muôn đức Phật. Ta hướng dẫn ông đi trên con đường thành Phật, nhưng ông lại quên mà tưởng là diệt độ trong khi chưa đến đích. Nay ta muốn cho ông nhớ lại chí nguyện thành Phật xưa kia mà vì hàng Thanh Văn nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm nầy. Như Lai cũng nói trước cho ông biết, trong vị lai vô số kiếp, ông cúng dường vô số Phật, phụng trì chánh pháp làm đủ đạo Bồ tát rồi ông sẽ thành Phật hiệu Hoa Quang Như Lai đủ mười đức hiệu, nước tên Ly-Cấu, kiếp tên Đại Bảo Trang Nghiêm. Số Bồ tát được ông giáo hóa nhiều vô lượng.

-Xá-Lợi-Phất! Đức Hoa Quang Như Lai sau đó “thọ ký” cho Bồ tát Kiên Mãn sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai đủ mười đức hiệu và cõi nước cũng trang nghiêm như vậy.

Đức Phật nhắc cho Tôn giả Xá Lợi Phất biết rằng trong những kiếp quá khứ chính đức Phật Thích Ca đã từng giáo hóa cho tôn giả, đã từng dạy cho ngài Xá Lợi Phất đạo Bồ tát, nhưng vì tôn giả quên nên cứ tưởng mình hiện giờ đã đạt được cứu cánh tối thượng của sự tu học là chứng đắc Niết bàn. Bây giờ, Phật Thích Ca mới nhắc lại cho tôn giả biết rằng ngài đã có cơ hội học đạo Bồ tát và nhờ đó chính tôn giả có khả năng trở thành một vị Phật toàn giác nhờ vào nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa nhiệm mầu này. Đến đây, đức Phật thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất ở trong vô lượng kiếp vị lai, cúng dường vô số chư Phật, phụng trì Chánh pháp, có đầy đủ lục độ vạn hạnh sẽ được thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai và ngài sẽ tạo nên một cõi tịnh độ gọi là thế giới Ly Cấu (Ly Cấu nghĩa là không còn ô nhiễm nữa). Phải chăng đây là những điều kiện để thành Phật? Bồ tát phải tu lục độ vạn hạnh, phải cúng dường vô số chư Phật, phải phụng trì Chánh pháp vì đây là nhân để giúp Bồ tát thành tựu cứu cánh sau cùng là thành Phật. Ở đây đức Phật không chỉ thọ ký suông, nhưng Ngài còn thêm những điều kiện tối yếu để một Bồ tát thực hành viên mãn trước khi vị đó thành Phật. Đó là:

1) Bồ tát phải có đầy đủ lục độ vạn hạnh: Hành giả phải thực hành rốt ráo Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ theo đúng tinh thần Ba-la-mật để đối trị lại với Tham lam, ác độc, sân hận, lười biếng, tạp loạn và ngu si. Bồ tát xả bỏ vật chất của thế gian, gọi là Đàn ba-la-mật; thọ giới Bồ tát gọi là Thi-la ba-la-mật; hộ trì giới pháp mà nhẫn chịu sự đánh đập chửi mắng không báo thù, gọi là Sằn-đề ba-la-mật; giới đã được thanh tịnh mà siêng năng tu hành các thiện đạo, gọi là Tì-lê-da ba-la-mật, nhờ siêng năng tinh tấn mà điều phục được 5 căn, gọi là Thiền-na ba-la-mật; 5 căn đã được điều phục, giác ngộ chân như pháp giới  gọi là Bát Nhã ba-la-mật.

2) Cúng dường vô số chư Phật: Hằng ngày chúng sinh phải quay về để xem lại cái tâm của mình có được bao nhiêu sự trong sáng thanh tịnh, có bao nhiêu ý niệm hại nhân lợi kỷ tức là lợi mình hại người. Nếu trong tâm không còn ý niệm bất thiện hại người lợi mình thì nghiễm nhiên chúng ta đã phụng sự cúng dường vô số Phật rồi đó. Nói cách khác cung dưỡng, bồi dưỡng một tâm niệm lành là cúng dường một vị Phật, bồi dưỡng nhiều tâm niệm lành là cúng dường cho vô số chư Phật. Đừng hiểu rằng cúng dường vô số chư Phật là mua hương hoa quả đến cúng dường rất nhiều chùa. Đây chỉ là tác động tiêu cực, nhưng muốn đạt đến trạng thái tích cực viên mãn là sự tác động để thay đổi từ chính bản tâm của mình bằng những việc làm thiện, có hữu ích cho nhân quần xã hội theo tiêu chuẩn vô ngã vị tha thì đây mới là sự cúng dường cho chư Phật hữu hiệu nhất. Phụng sự chư Phật cho đến lúc trong tâm không còn bất cứ ý niệm vô minh phiền não tham sân si mạn nghi thì lúc đó chính ta giữ được địa vị Phật của chúng ta.

3) Phụng trì Chánh pháp: Giữ gìn và đem Chánh Pháp ra hoằng hóa cứu độ chúng sinh.

Tôn giả Xá Lợi Phật là người đầu tiên được Phật thọ ký sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn của nước Ly Cấu. Vậy thế nào là thọ ký? Thọ ký có nghĩa là báo trước cho người đó biết trước rằng người đó sẽ thành Phật bắng cách nhìn vào căn tánh, nơi khả năng của người đó mà biết được trong thời điểm nào trong tương lai căn tánh đó sẽ được hiển lộ hoàn toàn như hoa sen nỡ rộ vậy. Chẳng những Phật thọ ký cho tôn giả Xá Lợi Phất ở chương này mà ở những chương sau Phật thọ ký cho ngài Đại Ca Diếp rồi đến các đệ tử vô học và hữu học. Cuối cùng Phật thọ ký cho tất cả mọi người. Vậy Phật thọ ký không có nghĩa là Ngài ban bất cứ một ân sủng đặc biệt nào cho ai cả mà tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật bởi vì ai ai cũng đều có sẵn Phật tánh thanh tịnh bản nguyên hằng giác như Phật, nhưng muốn hiển lộ được cái Phật tánh này, chúng sinh phải tu lục độ vạn hạnh, viên tròn Bồ tát đạo, phải cúng dường vô số chư Phật, phải phụng trì Chánh pháp vì đây là nhân còn thành Phật là quả. Nói cách khác, chúng sinh phải tin rằng mình là một Diệu Pháp Liên Hoa, một thực thể vốn đã là hoa sen Phật tánh và sau cùng phải có niềm tin rằng hoa sen Phật tánh đó sẽ nỡ rộ cho nên cuộc đời này chúng sinh bắt đầu phát triển Diệu Pháp Liên Hoa của mình bằng cách sống với đức hạnh Phật tánh đó tức là biểu hiện tính từ, bi, hỉ, xả, lục độ ba-la-mật viên thông, sống với lòng khoan dung rộng lượng vô ngã vị tha tức là cúng dường vô lượng chư Phật rồi vậy. Cái huyền diệu ở đây là kinh khuyến khích mọi người sống đời Diệu Pháp Liên Hoa để phối hợp cuộc đời thế phàm của mình với Phật tánh và muôn hạnh công đức của nó. Chúng sinh nên tự mình khai, thị để ngộ, nhập vào cái Phật tánh thiêng liêng huyền diệu này.

Thí dụ khi thấy một đứa bé tướng mạo khôi ngô thì chúng ta có thể thọ ký cho đứa bé sau này sẽ thành bác sĩ, kỷ sư. Nhưng muốn thành bác sĩ, kỷ sư thì chính đứa bé phải cố gắng nỗ lực tinh tấn học hành chớ tự nhiên không thể thành bác sĩ được. Vậy lời thọ ký chẳng qua là lời khuyên khích lệ để người đó đạt đến mục đích họ muốn đến thế thôi. Tuyệt đối trong Phật giáo, không có vấn đề cầu nguyện van xin Phật ban bố cho bất cứ vấn đề gì cả vì nó trái với luật nhân quả thiên nhiên của nhân sinh vũ trụ. Nói cách khác tôn giả muốn thành Phật thì chính ngài phải tự tu lấy, diệt hết vô minh phiền não, tâm Bồ đề mở rộng tức thì thành Phật.

Sau khi thành Phật, Hoa Quang Như Lai dùng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát giáo hóa chúng sinh, nhưng sau cùng cũng như Phật Thích Ca, đức Hoa Quang cũng quy ba thừa trở thành Nhất thừa Phật đạo, giáo hóa Bồ tát nhiều vô lượng như cát sông Hằng.

Đến khi đức Hoa Quang Như Lai thành đạo thì kiếp đó có tên là Đại Bảo Trang Nghiêm bởi vì trong cõi nước đó, số Bồ tát nhiều vô kể, không thể nghĩ bàn, cũng chẳng thể đếm được và đặc biệt trong cõi Phật Ly Cấu nầy dùng Bồ tát làm đại bảo. Tuy số Bồ tát nhiều vô hạn, nhưng tất cả đều đã trồng căn lành sâu thẳm, từng tu phạm hạnh thanh tịnh và được chư Phật tán thán. Các đại Bồ tát này không phải là những người mới tu hành mà các ngài đã hành trì trí tuệ chân thật của Phật, tâm kiên cố bất thối chuyển quyết hoàn thành Phật đạo.

Dựa theo kinh điển Đại thừa, thọ mạng của con người bắt đầu từ 84,000 tuổi và mỗi một trăm năm (một thế kỷ) thì giảm xuống một tuổi. Giảm cho đến khi thọ mạng con người chỉ còn 10 tuổi , đây gọi là kiếp giảm, thì bắt đầu tăng trở lại cho đến 84,000 tuổi. Một tăng một giảm như thế thì gọi là một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp thành một trung kiếp và bốn trung kiếp trở thành một đại kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai trải qua 12 tiểu kiếp thì lúc đó thọ ký cho Bồ tát Kiên Mãn sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai. Do đó một tiểu kiếp là tăng 8 triệu năm rồi giảm 8 triệu năm, tổng cộng thành 16 triệu năm cho nên đức Hoa Quang Như Lai trải qua 12 tiểu kiếp có nghĩa là trải qua gần 192 triệu năm mới thọ ký cho Bồ tát Kiên Mãn. Nói theo tinh thần Tích môn thì không có vị Phật nào sống đến 192 triệu năm được, nhưng dựa theo tinh thần Bổn Môn của Diệu Pháp Liên Hoa thì Phật Hoa Quang thường trụ vĩnh hằng trong khoảng thời gian dài gần như vô tận đó. Thâm ý của đoạn kinh này là Phật hiện tại (Phật Thích Ca) thọ ký cho Phật tương lai (Phật Hoa Quang) rồi Phật tương lai cũng làm một việc y như Phật hiện tại đang làm là thọ ký cho Phật tương lai cho nên Hoa Quang Như Lai được Phật Thích Ca tiên đoán sẽ thọ ký cho Phật tương lai là Hoa Túc An Lành Như Lai. Tóm lại, bộ môn thọ ký đức Phật Thích Ca cho biết rằng Phật quá khứ đã dạy, đã làm như vậy, ngay cả Phật Thích Ca hiện tại cũng đã dạy và đã làm như vậy và tương lai chư Phật cũng sẽ dạy và sẽ làm như vậy, không sai khác. Nói cách thọ ký không phải do Phật Thích Ca bày vẽ ra mà ba đời chư Phật đều theo truyền thống mà thực hành như vậy.

Đại chúng thấy Phật “thọ ký” ông Xá-Lợi-Phất được thành Phật, vui mừng hớn hở, mỗi người cởi thượng y của mình dâng lên cúng Phật.

Xá-Lợi-Phất thưa: Bạch Thế Tôn! “Trước kia Phật thường dạy: Giáo pháp của Như Lai có công năng xa lìa sanh, già, bệnh, chết và được cứu cánh Niết Bàn”. Các hàng Thanh Văn đã nghe và hành theo, ai cũng tưởng là mình được Niết Bàn rồi. Nay Phật lại đưa ra thứ giáo pháp chưa ai từng nghe: Rằng “Niết Bàn ấy chưa phải rốt ráo tịch diệt, mà rốt ráo phải thành Phật”. Con e sợ hàng Thanh Văn còn chỗ nghi ngờ. Cúi xin Thế Tôn, vì bốn chúng giải thích rõ ý thú của lời Phật.

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch với Phật sự thắc mắc của hàng Thanh Văn về cứu cánh tối thượng của sự tu hành. Đây chính là khúc quanh đưa đến sự khác biệt giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Nguyên thủy cho rằng đức Phật chỉ là một người bình thường như trăm vạn người khác trên quả địa cầu này, nhưng nhờ dũng mãnh tu tập thiền định đoạn trừ tận gốc tham-sân-si, lậu hoặc, tâm trí bừng sáng chứng được tam minh khiến Ngài đắc thành chánh quả, có được giải thoát Niết bàn. Vì thế bất cứ ai cũng có thể noi theo con đường đức Phật đã đi và đạt được những thành quả như Phật. Bằng chứng là vào thời đức Phật đã có hàng vạn vị A la hán chớ đâu chỉ có mình đức Phật chứng Thánh quả. Do đó trong Phật giáo Nguyên thủy không hề có vấn đề thọ ký vì hiện tại tất cả các vị A la hán là những vị Thánh giả, có đầy đủ giải thoát giác ngộ như Phật rồi. Phật giáo Nguyên thủy nhìn đức Phật bằng một góc độ rất thực tế, dựa trên con người lịch sử. Vì thế đức Phật đối với họ là vị A la hán đầu tiên của tất cả các vị A la hán. Trong ngũ bộ kinh Nikayas, đức Phật đã nhiều lần xác nhận rằng hằng trăm nếu không muốn nói hằng ngàn đệ tử thuộc hàng Thánh giả của Ngài cũng chứng đắc các cấp độ tâm linh ngang bằng với đức Phật. Trong kinh Bộ Tương Ưng, đức Phật tuyên bố chính Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputa) đã chứng ngộ và thâm hiểu giáo lý Duyên Khởi (Pratiyasamutpada) rất sâu thẳm như chính Thế Tôn vậy. Ngoài ra, còn có những bậc Thánh giả khác như các Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahkassapa), Mục Kiền Liên (Maggallana), Phú Lâu Na… cũng chứng đắc một số khả năng về những lãnh vực như giảng giải thuyết pháp, xuất nhập các cấp độ thiền, thi thố thần thông ngang bằng đức Phật. Đức Phật trong ngũ bộ kinh Nikayas không hề phát biểu lời tuyên bố nào để phân biệt sự khác nhau giữa Ngài và các vị A la hán ngoại trừ lời nói sau đây trong kinh Tương Ưng:

-Này các Tỳ kheo! Như Lai là vị A la hán, bậc chứng ngộ hoàn toàn. Như Lai là người đã khiến cho con đường trước kia chưa sinh khởi nay sinh khởi, đưa ra con đường trước kia chưa được đưa ra, làm hiển lộ con đường trước kia chưa từng hiển lộ, là vị nhận biết con đường, hiểu rõ con đường và là vị thiện xảo trong con đường. Và giờ đây, này các Tỳ kheo, hàng đệ tử là người đi theo con đường của Như Lai. Này các Tỳ kheo! Đó là nét đặc biệt, sự đặc thù để phân biệt Như Lai, bậc A la hán, vị chứng ngộ hoàn toàn với các Tỳ kheo đã giải thoát.

Vì vậy, đức Phật không chỉ là vị A la hán với vài điểm đặc biệt, mà chính những nét đặc biệt đó đã nâng Ngài lên tầm mức phi thường, trở thành đấng vô thượng đạo sư của cả thế giới và dĩ nhiên đứng trên tất cả các vị A la hán khác.

Như thế, dựa theo Phật giáo Nguyên thủy thì A la hán là quả vị tối thượng của người đi trên con đường giải thoát giác ngộ. Ngược lại, Đại thừa chủ trương A la hán chỉ là sự chứng đắc nửa đường tức là hóa thành mà cứu cánh tối thượng phải là đạt đến bảo sở tức là chỗ trân quý mới thành Phật được. Mặc dù giáo lý Thập Địa xuất hiện đầu tiên trong kinh Thập Địa Giải Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra) của Long Thọ vào khoảng thế kỷ thứ hai sau công nguyên, nhưng ý nghĩa của nó chưa rõ ràng, chỉ có một vài yếu tố về Thập Địa được đưa ra. Khi kinh Hoa Nghiêm được thành lập thì kinh mới có một phẩm riêng nói về Thập Địa của một vị Bồ tát. Đó là phẩm Thập Địa. Nhưng mãi đến thời đại của Vô Trước, Thế Thân vào thế kỷ thứ tư sau công nguyên thì giáo lý Thập địa mới đạt đến trình độ cao nhất. Thập địa là mười giai vị trong quá trình tu hành của người đệ tử Phật trên con đường tiến đến quả vị Phật. Địa nghĩa là trụ xứ, sinh thành.

Thập địa (bhùmi) hiểu theo nghĩa đen là trái đất, vị trí hay nền tảng…nhưng theo nghĩa bóng là trình độ, cấp độ, giai vị, tiến trình.

Theo học giả Har Dayal và N. Dutt, ở giai đoạn mới hình thành số lượng của địa (blùmi) được xác định một cách chắc chắn trong các kinh Lăng Già (Lankavatara) và bộ Bồ Tát địa (Bodhisattva- blùmi) chỉ có bảy. Về sau, số lượng này phát triển thành mười bắt đầu từ kinh Thập Địa (Dasablùmika-sùtra) rồi đến tập Mahàvastu. Tuy nhiên các kinh trên không đưa ra bất cứ lời giải thích về sự thêm ba địa mới. Học giả Har Dayal nói rằng nguyên nhân của sự ra đời của bảy địa trong kinh điển Phật giáo Đại thừa có thể như là một bước phát triển từ giáo lý Thượng tọa bộ (Nguyên Thủy) về tứ thiền (four stages) và tam minh (Three vihàras). Nhưng tại sao lại chuyển thành Thập địa? Vì tiến trình để đạt đến thánh quả dựa theo Phật giáo Nguyên thủy là tứ thiền rồi qua tứ không định. Sau đó đi vào Diệt Thọ Tưởng định rồi mới trở thành A la hán (Phật) tức là giai đoạn thứ mười. Cũng vậy, Thập địa là mười giai đoạn của Bồ Tát phải trải qua trước khi thành Phật. Tuy nhiên có nhiều học giả cho rằng khái niệm về Thập địa có thể là kết quả của sự đơn giản hóa, phổ thông hóa và cụ thể hóa từ giáo lý chín cảnh giới thiền định như được giải thích trong kinh tạng Nikàya. Vì từ chín cảnh giới thiền định này mà chính đức Phật thành đạo và nhập Niết bàn, và hàng vạn vị A la hán khác cũng chứng đắc và nhập Niết bàn y như vậy. Nói cách khác, sau khi chứng đắc hoàn toàn chín cấp độ thiền định trên, Phật quả hay A la hán như là địa vị thứ mười tức là cấp độ cuối cùng đạt đến một cách tự nhiên mà không cần bất cứ nỗ lực tương ứng nào như trong chín trường hợp trước.

Tư tưởng Đại thừa lý luận rằng đức Phật lịch sử chỉ là ứng thân của chư Phật trong thế giới này vì Ngài đã thành Phật từ vô thỉ. Nói cách khác Pháp thân mới đúng là thân Phật, còn nhục thân thì chưa đích thật là Phật thân. Khi Đại thừa biến đức Phật từ một người bình thường thành một siêu nhân, một Superman của thế giới, của vũ trụ thì tự nhiên giữa chúng sinh và Phật có sự xa cách. Tại sao lại có sự xa cách? Bởi vì Ngài không phải là người bình thường như muôn vạn chúng sinh trong thế giới này cho nên những điều Phật làm, chỉ có Phật mới thực hiện được, còn phàm nhân thì đành bó tay, đừng nên mơ ước viễn vong. Việc thần thánh hóa đức Phật đã khiến cho người đệ tử Phật trở thành tiêu cực, thay vì tinh tấn nỗ lực tu hành giống như các vị A la hán ngày xưa để trở thành Thánh giả, đa số Phật giáo đồ trở thành người cầu xin, van vái, lệ thuộc vào tha lực.

   Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa nói lên mười giai vị của Bồ tát là:

1) Hoan hỷ địa (Sơ địa) (Pramudità): Khác với lý tưởng của Nguyên thủy là tìm sự giải thoát Niết bàn cho riêng mình thì ở đây Đại thừa giới thiệu một lý tưởng cao đẹp hơn nhằm giúp cho tất cả mọi chúng sinh giải thoát mọi phiền não vô minh. Khi diệt được các pháp tướng mê lầm, chỗ giác ngộ đã đến cùng tột, diệt trừ được phân biệt ngã chấp, pháp chấp nên tâm bắt đầu có được pháp lạc nên mới gọi là hoan hỷ địa tức là sơ địa.

2) Ly cấu địa (Uimada): là giác vị lìa bỏ tâm sai lầm, phá giới, phiền não cấu.

3) Phát quang địa (Prabhàkari): đến đây Bồ-tát thấu biết tánh vô thường của tất cả vạn vật trong thế gian vũ trụ nên nội tâm càng thanh tịnh thì trí tuệ càng sáng suốt.

4) Diệm huệ địa (Arcismati): trong giai đoạn này, Bồ-tát bắt đầu thực hành sự an nhiên tự tại và cắt dứt những thứ ô nhiễm, vô minh. Đến giai vị này hành giả đã lìa bỏ kiến giải phân biệt, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ. Lúc ấy trí tuệ được sáng suốt tỏ tường và dĩ nhiên sự giác ngộ được viên mãn.

5) Nan thắng địa (Sudurjayà): Đến đây, Bồ-tát bắt đầu phát huy tinh thần bình đẳng đồng nhất và giác ngộ nhờ vào thiền định giúp Bồ-tát biết thấu suốt tục đế và chân đế viên dung bất nhị. Giác vị này đã thành tựu trí xuất thế gian, nương vào năng lực phương tiện tự tại mà cứu độ các chúng sinh khó cứu độ.

6) Hiện tiền địa (Abhimukhi): Khi vào được giai đoạn này, Bồ-tát sẽ trực diện với thực tại và sẽ ý thức được sự đồng nhất của tất cả mọi hiện tượng. Và bấy giờ Bồ-tát sẽ nhận biết rằng vô vi chân như hoàn toàn không nhiễm, không tịnh, thường hằng hiện tiền tức là tự tánh của chân như hiện rõ có được đại trí.

7) Viễn hành địa (Dùrangamà): Đến đây Bồ-tát có đủ dữ kiện để tiến vào giải thoát Niết bàn, nhưng họ dừng lại vì còn trách nhiệm cứu giúp tất cả chúng sinh cùng được giải thoát như mình. Họ biết rằng đến đây tất cả đều là chân như, không có gì không phải là chân như, vô cùng vô tận.

8) Bất động địa (Acalà): Đến đây Bồ-tát thấu biết rốt ráo sự bất sinh của tất cả hiện tượng vạn hữu trong thế gian. Khi đã trải qua “vô sanh pháp nhẫn” Bồ-tát thấu biết sự tiến hóa và thoái hóa của nhân sinh vũ trụ. Vì vậy, tâm Bồ-tát thường trụ không thay đổi, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.

9) Thiện huệ địa (Sàdhumti): Đến đây Bồ-tát có thể phát hiện ra vô số thân để hóa độ chúng sinh với đấy đủ bốn trí vô ngại. Đó là Ý thức thành ra Diệu Quan Sát Trí, tiền ngũ thức thành ra Thành Sở Tác Trí, Mạt na thức trở thành Bình Đẳng Tánh Trí và A Lại da thức sẽ thành Đại Viên Cảnh Trí. Bồ tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hoàn thành hạnh lợi tha và trí tuệ được tự tại.

10) Pháp vân địa (Dharmameghà): Khi B-tát công phu đầy đủ, công đức trí tuệ và từ bi viên mãn có thể che chở cho vô lượng chúng sinh thì gọi là nhập vào Pháp vân địa tức là Thập địa Bồ-tát vậy. Lúc ấy Bồ tát được đại pháp thân, có năng lực tự tại.

Đến đây Bồ-tát đã có đồng một giác tánh bình đẳng với Như Lai nên gọi là Đẳng giác Bồ-tát. Sau cùng Bồ-tát chỉ cần giác ngộ sinh tướng vô minh thì tức thì chứng được Nhân địa Như Lai tức là đạt được Diệu giác. Bồ-tát chuyển Dị Thục thức thành ra Bạch Tịnh thức rồi vào Kim Cương địa mà phát sinh Nhất thiết chủng trí, Nhất thiết trí trí, tùy duyên hóa hiện, độ thoát chúng sinh mà không rời tự tánh thanh tịnh Niết bàn cho đến tột đỉnh nhân quả đồng thời là hoàn thành Phật đạo tức là thành Phật.

Đây là lối biện chứng dựa theo tinh thần Mật tông của Vô Trước, Thế Thân và Dược sư Long Thọ dựa theo hai bộ kinh Kim Cương và Đại Nhật. Thế Thân là tác giả của  Duy thức Nhị thập tụng và Duy thức Tam thập tụng (Vimsatikà và Trimsikà-vijnịapti-kàrikà), cùng một quyển nhỏ khác, nói về ba tánh của hiện hữu, tức tam tự tánh (Trisvabhàva-nirdesa), hay còn gọi là Tam vô tự tánh luận (Trinisvabhàva-sàstra). Trong khi đó Vô Trước là tác giả của Bồ tát địa (Bodhisattvabhùmi), A-tì-đạt-ma Tạp tập luận (Abhidharmasamuccàya), và Du-già sư địa luận (Yogàcàryà-bhùmi-sàstra), viết theo quan niệm Duy thức.  

Ðại diện trường phái Duy thức tại Ấn Ðộ có Sthiramàti (An Huệ, sống khoảng thế kỷ VI), vốn là đại đệ tử của Gunamàti, Ðức Huệ, người sáng lập trung tâm Valabhì, trong khi Dharmapàla, Pháp Hộ (530-591), người có công xác lập vị trí của trung tâm Ðại học Nàlandà với khuynh hướng xiển dương Duy thức, là hai trung tâm học thuật Phật giáo nỗi tiếng đương thời. Pháp Hộ chủ trương Duy thức tuyệt đối, trong khi An Huệ có ý muốn dung hòa quan điểm "thực tướng" của Nagarjuna (Long Thọ) với quan niệm "nhất thiết duy tâm tạo" của Duy thức. Ngoài ra còn có đệ tử Thế Thân là Dignàga (Trần Na), và đệ tử Trần Na là Dharmakìrti (Pháp Xứng); cả hai dựa trên quan điểm nội hàm luận lý học của Thế Thân về tương liên giữa nhận thức về đối tượng để xiển dương Nhân minh học (Hetuvidyà), một phương pháp tranh luận bằng lý luận, logic. Khi ngài Huyền Trang qua Ấn Độ ở tại Nàlandà tu học với cao tăng Giới Hiền gần sáu năm, đến khi về lại Trung Quốc liền soạn ra Thành Duy Thức Luận (Vijnịapti-màtratà-siddhi), làm căn bản triết thuyết cho Pháp Tướng tông Trung Hoa.     

Bây giờ Phật bảo:

-Trước đây Như Lai há chẳng nói rằng, tất cả giáo pháp của Phật dạy đều là phương tiện đưa đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đó sao? Nhưng thôi, để cho người trí hiểu được Như Lai có cái thí dụ này:

Trong một xứ nọ, có ông trưởng giả  giàu to của cải vô lượng, nhưng tuổi đã già suy. Nhà của ông rộng lớn chứa rất nhiều người, trong số có các con của ông, nhưng phải cái nguy là ngôi nhà mục nát, cột kèo ngả đổ, vách phên xiêu xập, rắn rít rất nhiều thêm nổi lửa cháy bốn bề mà lối ra thì chỉ có một cửa.

Ông Trưởng Giả đứng ngoài lo sợ cho các con, nghĩ bụng rằng: Ta có thể xong vào cứu chúng, nhưng nhớ đến cửa nhỏ hẹp, sợ các con dùng dằng không đem ra được hết. Trong lúc nguy hại trước mắt các con của ông cứ đùa giỡn vui chơi, không biết sợ sệt gì hết và cũng không có ý muốn ra, vì không biết nhà cháy là gì, chết cháy là gì, lửa là gì !

Ông Trưởng Giả bèn lập kế, ông hô to: “Các con! Cha có những đồ chơi đẹp lắm đây. Xe dê, xe hưu , xe trâu trắng, xe nào cũng đẹp đẽ trang sức lộng lẫy, các con mau ra tự chọn lấy xe theo ý thích”.

Các con ganh đua xô đẫy lẫn nhau kéo nhau chạy ra khỏi nhà cháy. Ông Trưởng Giả rất mừng khi thấy các con được an ổn. Ở nơi ngã tư đường không còn nguy hại.

Bây giờ các con xúm lại đòi đồ chơi, với ước muốn riêng, xe dê, xe hưu theo ý thích, nhưng ông Trưởng Giả chỉ ban cho các con đồng một thứ xe lớn tốt đẹp vô cùng, đầy đủ tiện nghi trang hoàng lộng lẫy. Vì sao, ông Trưởng Giả không cho ba thứ xe lớn nhỏ, tốt đẹp khác nhau mà lại cho đồng một thứ xe tuyệt đẹp. Vì ông Trưởng Giả quá giàu, kho tàng đầy ngập, của cải vô lượng!

          Trong quá trình hoằng pháp độ sanh suốt cả đời đức Phật, Như Lai sử dụng vô số phương tiện, vô số pháp môn, nhưng cứu cánh vẫn là Vô thượng Bồ đề và chỉ có một con đường là nhất thừa Phật đạo. Sở dĩ trong quá khứ đức Phật chỉ nói tam thừa chỉ vì chúng sinh còn say mê cuộc sống dục vọng, làm nộ lệ cho vật chất, chìm đắm trong tam giới cho nên Phật không thể đem chân lý liễu nghĩa tối thượng thừa ra dạy được. Vì có dạy chưa chắc chúng sinh đã hiểu, đã tiếp thu. Do vậy, đức Phật mới dùng phương tiện, dùng pháp tiệm tu, tiệm ngộ và tiệm chứng để đưa từng chúng sinh đến chỗ chứng đắc tạm thời, từng phần. Bây giờ khi căn cơ họ đã thuần thục, Như Lai mới đem thứ giáo pháp “đệ nhất nghĩa đế” ra mà dạy. Ở đây để làm sáng tỏ thâm ý của Phật, Ngài dùng thí dụ để giải thích đạo lý này khiến người có trí tuệ nhờ đó mà lãnh hội được. Lúc trước đức Phật từng thuyết giảng rằng mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của Ta làm đuốc, hãy theo pháp của Ta mà tu giải thoát đó sao? (kinh Pháp Cú). Thâm ý của Phật ở câu kinh trên là mỗi chúng sinh phải tự mình bồi dưỡng và phát triển lấy Phật tánh của chính mình cho đến khi thành Phật. Nói thế có nghĩa là trong quá khứ đức Phật đã từng ngụ ý kinh Pháp Hoa rồi chớ đâu phải đến bây giờ Phật mới khai thị kinh này, nhưng các vị A la hán không để ý đến mà thôi. Diệu Pháp Liên Hoa là phải thấy tất cả mọi người là hoa sen, ai cũng có đầy đủ tất cả giới, định, tuệ, đầy đủ lục độ vạn hạnh, đầy đủ trí tuệ ba-la-mật. Vì ta là hoa sen, mọi người cũng là hoa sen nên từ cái tri kiến về hoa sen đó sẽ chuyển hóa toàn diện những mối tương quan giữa mình với người và với thế giới để cùng nhau trân trọng, thương yêu và kính mến lẫn nhau bởi vì đạo Phật có mặt trên thế gian này không ngoài mục đích nhắn nhủ cho đời rằng ai cũng là những đóa hoa sen, là những vị Phật sẽ thành.

          Bây giờ đức Phật đưa ra một thí dụ. Có ông Trưởng giả, chỉ cho Phật, thấy các con mình, chỉ cho chúng sinh, đang vui chơi trong căn nhà đang cháy, chỉ cho những cảnh thống khổ của sanh lão bệnh tử, ưu bi khổ não trong tam giới. Vì thế có câu “Tam giới bất an do như hỏa trạch” nghĩa là ba cõi không an ổn cũng giống như căn nhà đang cháy.  Ba cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới có đầy dẫy những cạm bẫy của tham sân si, những quyến rũ của dục vọng và những khát vọng của ái dục lúc nào cũng sẵn sàng thiêu đốt tâm gan của chúng sinh nên không bao giờ có an ổn được chẳng khác nào như một căn nhà đang bừng cháy. Nếu chúng sinh có sự vui chơi tức là có hạnh phúc thì những hạnh phúc tạm bợ này đến rất nhanh khi duyên kết mà cũng biến mất khi nhân duyên tan rã đó là chưa kể những hạnh phúc tạm bợ đó lại là nguyên nhân của những lo âu phiền muộn sau này. Nói chung chúng sinh còn ở trong dục giới tức là còn tùy thuộc vào dâm dục, thực dục và tham dục hay chúng sinh còn đam mê vào vật chất, tiện nghi của thế giới sắc giới hoặc chúng sinh còn gởi gắm tâm hồn vào những thế giới ảo tưởng hoang đường của cõi vô sắc giới thì họ không bao giờ được an ổn tự tại.

          Nhà, chỉ cho tam giới và rộng là chỉ cho luân hồi không dứt. Một cửa là ám chỉ nhất thừa Phật đạo. Ngôi nhà mục nát chỉ cho tam giới vô thường, chúng sinh luân hồi trong tam giới không ngừng. Cột kèo ngả đổ là chỉ cho mạng người chẳng lâu dài. Vách phên xiêu xập là chỉ cho tứ đại (đất, nước, gió, lửa) không có chi là bền chắc nên phải chịu sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi sầu não đến cả cuộc đời. Lửa cháy bốn bề là chỉ cho tam khổ (khổ khổ là cái khổ này chồng lên cái khổ nọ; hoại khổ là có sinh tất có hoại, vô thường bất định; hạnh khổ là nỗi khổ phát sinh khi lục căn tiếp xúc với lục trần làm dục vọng phát khởi), bát khổ (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ uẩn thiêu đốt) của chúng sinh. Vì có lửa phiền não tùy thời tùy lúc nổi lên thiêu đốt mà sinh ra vô vàn thống khổ. Tuy chúng sinh sống trong phiền não vô minh, nhưng họ không biết tự mình mang lấy bao nỗi khổ nhọc nhằn nên cứ lấy khổ làm vui ví như người chẳng biết chết cháy là gì cho nên thay vì chạy vào trong nhà để cứu các con, ông Trưởng giả bây giờ chỉ đứng ở ngoài mà dùng phương tiện, thí dụ để gọi các con của ông. Ông Trưởng giả đem xe dê, xe hưu, xe trâu trắng với trang sức đẹp đẽ lộng lẫy ra dụ các con của ông. Xe dê là chỉ cho Thanh Văn, xe hưu là cho Duyên Giác, trung thừa, sức hưu mạnh hơn sức dê và xe trâu trắng là cho Đại thừa, cũng như sức trâu mạnh có thể chở được nhiều người. Các con ông tranh nhau ra khỏi nhà lửa là chỉ cho chúng sinh đoạn khỏi tư hoặc, kiến hoặc, vô minh hoặc, chứng thánh quả A la hán, Bích Chi Phật hay Bồ tát. Tuy các con của ông đã ra khỏi nhà lửa nghĩa là nhờ tu theo Thanh Văn, Duyên Giác và Đại thừa chúng sinh thoát khỏi phiền não vô minh chứng đắc Niết bàn. Ở nơi ngã tư đường là ám chỉ cho Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và ngồi nơi đất trống là tuy chứng quả vị Niết bàn, nhưng các vị A la hán không tiếp tục tu đạo cầu chứng quả vị Vô thượng Bồ đề mà chỉ muốn an hưởng nơi hóa thành. Đây là muốn ám chỉ hàng định tánh A la hán. Sau cùng ông Trưởng giả thay vì đem những cổ xe dê, xe hưu, hay xe trâu để cho con mình thì bây giờ ông mới đem một cổ xe lớn trang hoàng lộng lẫy uy nghi tặng chúng. Cổ xe lớn nầy chính là nhất thừa Phật đạo. Và những gì Phật nói trong kinh Pháp Hoa là thật trí diệu pháp chớ chẳng phải là quyền pháp nữa. Vì thế Trí Khải Đại sư mới nói kinh Pháp Hoa là “Thuần viên độc diệu” nghĩa là chỉ có kinh Pháp Hoa mới là viên mãn diệu nhất.

          Mới nghe chúng ta có cảm tưởng câu chuyện giống như câu chuyện của trẻ con, không thật, nhưng xét kỷ lại thì câu chuyện này nói đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của chúng ta. Sống trong tam giới, con người đang say mê với những cuộc vui tạm bợ, chúng ta cố gắng tranh công đoạt chức, kiến tạo vun bồi cho ngày được giàu hơn. Vì sự tranh chấp con người đưa đến bao cuộc chiến tranh thảm khóc, giết hại vô số dân lành vô tội. Ngày nay tranh chấp kinh tế còn tệ hại hơn chiến tranh vũ khí. Con người bày ra biết bao bẫy rập để mưu cầu danh lợi về cho phe mình bất chấp sự đau thương của kẻ khác. Những nhà độc tài chuyên vơ vét tài sản cho mình càng thêm giàu sụ mặc tình người dân sống dở chết dở. Đấy, chúng ta đang sống trong căn nhà lửa mà có ai tin, ai biết đâu. Vì thế Phật muốn nói cũng chẳng ai tin nên ban đầu Ngài chỉ dùng phương tiện để đưa chúng sinh ra khỏi căn nhà lửa rồi sau đó mới chỉ cho con đường để đạt đến cứu cánh tối thượng Bồ đề tức là thành Phật. Tóm lại, Phật ra đời không phải dạy chúng sinh tu thành A la hán, Bích chi Phật hay thành Bồ tát mà phải tu thành Phật giống y như Phật vậy. Chính phẩm Phương Tiện xác định rằng “Chư Phật chỉ do một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian”. Đó là muốn cho chúng sinh “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Đó là trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều giống như Phật. Từ chỗ khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái tri kiến Phật này là nhận được Phật nhân của mình và sau đó tu hành viên mãn để thành Phật là thành Phật quả.

Đến đây, đức Phật hỏi ông Xá-lợi-phất:

-Ông Trưởng Giả trước hứa cho ba thứ xe, nay lại cho có một thứ, mà là thứ lớn, đẹp nhất. Vậy ông Trưởng Giả có lỗi nói dối không?

Ông Xá-lợi-phất đáp: “Dạ không. Giả như cho chiếc xe nhỏ và xấu nhất, ông Trưởng Giả cũng không có lỗi nói dối, huống gì cho thứ xe lớn và đẹp nhất.  Vì sao? Vì việc hứa cho xe chỉ là một sách lược, một cách phương tiện, nhằm cứu các con ra khỏi nhà lửa đang ngùn ngụt cháy.”

Phật pháp nhiệm mầu sâu thẳm cho nên trong suốt 49 năm hoằng pháp độ sanh, có lúc Phật nói thật, có lúc Ngài nói quyền. Cũng như trong kinh Duy Ma Cật, ông Trưởng giả Duy Ma Cật giả bệnh tạo phương tiện để thính chúng đến thăm mà giảng pháp. Vì thế Phật dùng phương tiện để giúp chúng sinh tỏ ngộ chân lý vì chân lý không thể diển bày bằng ngôn ngữ văn tự của con người. Ông Trưởng giả biết các con ham chơi và ưa thích đồ chơi quý đẹp nên thay vì nói thật, ông dùng phương tiện để dụ các ông chạy ra khỏi căn nhà đang cháy. Nhưng cái mà đem ra dụ thì không phải là thật tức là nói quyền. Phật nói thẳng chúng sinh không tin, không nghe nên Ngài phải dẫn dụ bằng cách này hay cách khác. Ở đây cứu cánh vẫn là thành Phật cho nên đức Phật tạm thời dùng phương tiện thiện xão để đưa chúng sinh có được giải thoát từng phần, nhưng sau cùng Ngài vẫn không quên đưa chúng sinh đạt đến cứu cánh tối thượng là viên thành Phật đạo tức là thành Phật. 

Phật khen:

-Đúng vậy, Xá-Lợi-Phất! Như Lai là cha của tất cả thế gian.  Tuy đã ra khỏi thế gian vẫn vì sự lợi ích của thế gian mà trở vào nhà lửa tam giới cũ mục nguy hiểm nầy để độ chúng sanh ra khỏi nạn lửa sanh già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, tham lam, hung bạo, si mê, tắm mình trong biển độc hại khổ đau. Sống trong cảnh khổ nhà cháy như thế mà chúng sanh vẫn cứ vui chơi hỉ hả, chẳng hay mình đang bị lửa đốt, không sợ, không nhàm, không có ý cầu ra khỏi.

Trong việc cứu độ chúng sanh, Như Lai đã từng suy nghĩ: Đem trí tuệ thần thông, giảng nói các tri kiến, trí lực, vô sở úy… của Như Lai không thể được. Vì chúng sanh đang dong duỗi nô đùa trong rừng vô minh tam độc, bị thiêu đốt trong nhà lửa sanh, già, bệnh, chết, khổ não, ưu bi thì làm gì nghe hiểu mà tiếp thu. Do vậy, Như Lai phải dùng phương tiện, quyền lập pháp tu: Một là Thanh Văn thừa (xe dê). Hai là Duyên Giác thừa (xe hưu). Ba là Bồ Tát thừa (xe trâu trắng). Đó là Như Lai vận dụng phương tiện đáp ứng căn cơ của mỗi hạng chúng sanh.

Ông Trưởng Giả cho đều các con mỗi đứa một cỗ xe to đẹp, khi chúng ra khỏi nhà lửa. Như Lai cũng vậy, khi chúng sanh ra khỏi sự khổ não, ưu bi, sanh, già, bệnh, chết, bất luận là Thanh Văn, Duyên Giác, hay Bồ Tát, Như Lai bèn cho cái vui tuyệt đỉnh là: Thiền Định, Trí Tuệ và Tri Kiến Phật… là những cỗ xe đưa đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng như ông Trưởng Giả kia, đức Phật không phạm tội nói dối.

Xá-Lợi-Phất! Vì nhân duyên đó, các Như Lai dùng sức phương tiện: chỉ có một Phật thừa, phân biệt nói thành ba.

Đức Phật là bậc trí tuệ viên mãn, có đủ trí lực, vô sở úy, thần thông, nhưng vì thương tất cả chúng sinh còn đang say mê chìm đắm ngũ dục trong nhà lửa tam giới nên Ngài vì chúng sinh mà vào căn nhà lửa để độ cho tất cả thoát khỏi ngọn lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu bi sầu não đang âm ỉ thiêu đốt con người. Con người càng đuổi theo dục lạc thì càng bị lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê đốt cháy đau đớn vô cùng. Cũng như ông Trưởng giả thấy đàn con đang say mê đùa giởn trong nhà lửa nên ông phải dùng phương tiện dụ dỗ cho các đồ chơi quý báu như xe dê, xe hưu, xe trâu trắng trang hoàng rực rở đẹp tuyệt vời. Những người con nghe nói thế mới chạy ra và xin ông cho đồ chơi tuyệt đẹp đó. Cái đạo lý ở đây là tuy các con ông ra khỏi nhà lửa là đã thoát nạn mà không biết mình đã thoát nạn, vẫn còn mang lòng tham, mong cầu đồ chơi quý đẹp. Con người chúng ta cũng thế, tu hành mà cứ mong chứng đắc quả vị này, quả vị khác hay phải vãng sanh vào thế giới cực lạc này hay cảnh thanh tịnh khác tức là tu mà lòng tham càng tăng, không giảm. Họ đâu có biết rằng khi con người xả ly mọi cố chấp, mọi loạn tưởng thì tâm sẽ được an vui tự tại ngay tức là có Niết bàn rồi cần gì phải cầu ở đâu nữa. Đó là “tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” rồi.

Cốt yếu của phẩm Thí dụ là đức Phật chỉ cho tất cả hàng đệ tử tuy tu theo Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa  hay Bồ tát thừa biết rằng đây chỉ là phương tiện lúc ban sơ để giúp họ ra khỏi căn nhà lửa tức là tạm thời giải thoát ra khỏi sinh tử trầm luân. Nhưng cứu cánh mà Phật muốn chỉ ở đây vẫn là nhất thừa Phật đạo để đưa người tu thẳng đến Phật quả tức là thành Phật.

Các vị A la hán, các vị Bích chi Phật hay các vị Bồ tát tu đến chỗ không còn bị lửa vô thường, lửa tham sân si đốt cháy, nhưng đây chưa phải là chỗ cứu cánh tột cùng. Bởi vì họ còn phải tiếp tục tu đến chỗ thấy biết cái chân thật không hình tướng, không sanh diệt, luôn thanh tịnh nhiệm mầu và nó vượt ra khỏi tầm hiểu biết suy lường của con người. Đó chính là sự hiển lộ của chơn tánh thanh tịnh hay Phật tánh của chính mình. Nhắc lại Phật dạy trong kinh Pháp Hoa là mọi người đều có “Tri Kiến Phật tức là Phật tánh giống y như Phật tức là nhận ra Phật nhân của mình, nhưng tu đến chỗ Phật tánh hiển bày thì lúc đó mới thành Phật quả được.

Giáo lý Đại thừa nói rằng tu hành đến chỗ viên mãn thì không còn chấp ngã, chấp pháp nghĩa là không còn thấy thân tâm này là ngã và dĩ nhiên không còn có pháp để tu chứng tức là pháp không. Đến lúc không còn có ngã, có pháp là được an trụ Niết bàn tịch diệt. Đến đây có người thắc mắc rằng nếu không còn ngã nghĩa là không còn mình, vậy ai an trụ Niết bàn? Không còn pháp tức là không có Niết bàn, vậy tu đến chỗ tịch diệt thì chỗ tịch diệt đó có phải là hư không chăng bởi vì vô ngã, vô pháp tức là không người, không vật? Vô ngã, vô pháp không có nghĩa là không có mình, không có thế gian vạn hữu. Nếu tu để trở thành hư không, vô tri thì tu để làm gì, phí cả cuộc đời. Đạo Phật dạy chúng sinh giáo lý vô ngã, vô pháp là để chúng sinh “đừng chấp thật” mà dính mắc lao đầu vào căn nhà lửa. Do đó, vô ngã, vô pháp là tuy mình có đó, vạn pháp vẫn sờ sờ ra đó, nhưng vẫn xem nó là không nên lòng thênh thang nhẹ nhàng thanh thoát, không làm nô lệ cho cái ta giả tạm, không sống chết cho tài sản vô thường, không bị lửa tham sân si đốt cháy. Vì không còn lửa tham sân si đốt cháy nên tâm trở thành thanh tịnh, nhẹ nhàng tự tại tức là có Niết bàn. Một khi diệt được tất cả ý niệm sinh diệt thì Tịch Diệt hiện tiền nghĩa là tự tánh Bồ đề hiển hiện tức là có được Thường Chân Thật vậy. Thể tánh, chơn như là vô hình, vô tướng nên làm sao đặt tên cho nó được vì thế mà trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật tạm gọi nó là chơn tâm. Kinh Pháp Hoa thì gọi là tri kiến Phật, Phật tánh trong kinh Đại Niết Bàn, Trí huệ Phật trong kinh Hoa Nghiêm… thiền tông gọi nó là “Bản lai diện mục”, Lục Tổ gọi nó là “Vô nhất vật”. Vì “không một vật” nên cái Phật tánh này không hề bị khách trần phiền não làm ô nhiễm. Con người vị chạy theo trần cảnh, sáu căn luôn dính mắc sáu trần nên quên đi cái tánh giác, Phật tánh sáng suốt của mình. Nhưng tuy bị lãng quên tánh giác vẫn luôn sáng soi chiếu rọi qua sáu căn mà con người không bao giờ để ý đến. Vì thế nếu chúng sinh quay về hồi quang phản chiếu, soi sáng tự tánh để sống với chơn tánh hằng sáng của mình thì vô minh tan biến, phiền não tiêu trừ.

Giáo lý Đức Phật là đơn giản, không phức tạp, dễ áp dụng, nhưng thực hành để thành tựu trí tuệ Bồ-đề thì không dễ, đòi hỏi hành giả phải có một ý chí sắc đá để viễn ly. Viễn ly những thói hư tật xấu, viễn ly những tham đắm dục tình, viễn ly những tham vọng đê hèn, viễn ly những ý nghĩ bất thiện… Càng viễn ly thì con người càng gần với an lạc thanh tịnh Niết bàn. Do đó toàn bộ giáo lý Đức Phật chỉ là phương tiện mà thực chứng chân lý mới là cứu cánh. Đức Phật dạy chúng sinh đời là bể khổ vì Ngài thấy biết như thế, nếu Đức Phật là đấng thần linh thì Ngài chì cần niệm “Úm ba di bát nhị hồng” rồi phảy cái phất trần thì thế gian làm gì còn đau khổ. Biết đời là bể khổ, con người lặn hụp trong biển trầm luân, nhưng chính Ngài không thể hóa giải nỗi khổ của chúng sinh mà mỗi người phải tự mình giải thoát ra khỏi mọi gông cùm của phiền não khổ đau mà giáo lý Đức Phật chính là tấm hải đồ giúp chúng sinh đến được bờ an lạc.

 ∆ TOP | NEXT