Phẩm
TÙY HỶ CÔNG ĐỨC
Tùy là theo, hỷ là vui cho nên tùy hỷ là khi
thấy người làm việc lành, việc thiện thì chúng ta khởi tâm vui
theo. Ở chương trước, đức Phật đã so sánh công đức của người tin
hiểu, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa. Đến
phẩm này, đức Phật lại nói công đức của người tùy hỷ khi thấy
người thọ trì, giảng nói kinh Pháp Hoa.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Di Lặc bạch Phật:“ Thế
Tôn ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh Pháp Hoa
mà lòng vui đẹp ( tùy hỉ) thì những người ấy được bao
nhiêu phước đức?”
Phật bảo Bồ-tát Di Lặc:
-A-dật-đa ! Sau Như Lai diệt độ, nếu
có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cùng hạng người trí
khác, nghe kinh này mà lòng vui đẹp, rồi từ trong pháp hội ra
đến chỗ khác, hoặc tại nơi chư Tăng ở, hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc
nơi thành ấp, đường sá, xóm làng, ruộng rẫy, đem điều đã nghe,
tùy sức mà diễn thuyết cho cha mẹ, họ hàng, thiện hữu cùng nghe,
rồi những người này nghe xong dạy cho người khác. Những người
khác nghe xong, dạy cho những người khác nữa, như vậy cho tới
người thứ năm mươi.
-Này A-dật-đa ! Công đức nghe kinh
vui đẹp của hàng thiện nam tử, nữ nhân thứ năm muơi đó sẽ được
như lời ta sắp nói đây, ông hãy lắng nghe.
-Nếu có người làm hạnh bố thí, ban
cấp những thứ cần dùng ngọc ngà, châu báu, voi ngựa, xe cộ, cung
điện, lầu gác cho vô lượng chúng sanh trong vô số thế giới, suốt
một thời gian là 80 năm. Tài thí như vậy xong rồi, vị thí chủ
ấy lại nghĩ đến việc đem Phật pháp ra mà dạy dỗ dìu dắt chúng
sanh lúc ấy đã già suy, tuổi quá 80, tóc bạc mặt nhăn, không bao
lâu sẽ chết. Vị thí chủ ấy liền nhóm chúng sanh giáo hoá, khiến
chứng đặng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán.
Ý ông nghĩ sao? Công đức của vị đại thí chủ đó có nhiều chăng?
Đức Phật đưa ra thí dụ về hạnh bố thí. Bình
thường chúng sinh chỉ bố thí những gì mình thừa dư để tạo thêm
phước đức cho tương lai. Nhưng ở đây đức Phật ví có người đem cả
ngọc ngà, voi ngựa, xe cộ, nhà cửa, tiền bạc ra bố thí cho vô
lượng chúng sinh trong vô vàn thế giới trong suốt cuộc đời của
ông ta thì dĩ nhiên phước đức của người này quá lớn. Chẳng những
ông thực hành hạnh tài thí mà ông còn nguyện đem Phật pháp ra
giảng dạy khiến cho nhiều người trở thành Thánh giả thì hạnh
pháp thí của ông quả rộng lớn vô cùng, không thể nghĩ bàn.
Bồ-tát Di Lặc bạch Phật:“ Thế Tôn ! Công
đức của người ấy nhiều vô lượng vô biên. Chỉ việc tài thí thôi
đã là vô lượng rồi, hà huống còn pháp thí đến đặng quả
A-la-hán”.
Phật bảo Bồ-tát Di Lặc:
-Ta rành nói ngươi nghe nhé ! Công
đức của vị thí chủ ấy không bằng một trong trăm ngàn muôn ức
phần công đức của người thứ năm mươi nghe Kinh Pháp Hoa mà lòng
vui đẹp.
-Này A-dật-đa! Người nghe kinh Pháp
Hoa thứ 50 mà còn được công đức tùy hỉ vô lượng vô biên như thế,
huống hồ hạng người nghe kinh lúc ban sơ ngay trong Pháp hội.
Để trả lời cho Bồ Tát Di Lặc về công đức của
người nghe kinh Pháp Hoa với lòng hoan hỉ, đức Phật bắt đầu làm
cuộc so sánh. Trước hết, đức Phật nói rằng đời sau nếu có Tỳ
kheo, Tỳ kheo Ni, Thiện nam hay Tín nữ sau khi nghe kinh Pháp
Hoa với tấm lòng hoan hỷ rồi sau đó đem kinh này truyền lại cho
cha mẹ, họ hàng, thiện hữu. Những người này nghe xong lại dạy
cho người khác cho đến khi truyền tới người thứ 50 thì công đức
của người thứ 50 này có thù thắng hơn công đức của vị thí chủ bố
thí cả tài thí lẫn pháp thí ở trên không?
Ở đây đức Phật muốn nhấn mạnh rằng người nghe kinh Pháp Hoa thứ
50 là do biết bao người khác giảng lại thì chất lượng không thể
nào sánh bằng người đang nghe Phật thuyết trong pháp hội này.
Thế mà công đức của người này còn xa hơn so với vị thí chủ bố
thí lẫn tài thí và pháp thí ở trên. Tại sao vậy? Trên thế gian
việc bố thí cúng dường là làm việc phước đức thuộc về pháp hữu
lậu sinh diệt nên cái phước đức đó có giới hạn mặc dầu nó rất
lớn. Ngay cả dạy người tu chứng Thánh quả Nhị thừa thì họ chỉ
đạt được hóa thành Niết bàn chớ chưa đạt đến Bảo sở Niết bàn
được. Nhắc lại, vua Lương Võ Đế từng đắp cà sa, tự giảng kinh
Phóng Quang Bát Nhã, cất chùa độ tăng và được người đời tôn là
vị vua có tâm Phật. Nhà vua cùng với pháp sư Lâu Ước luận bàn về
chân đế, tục đế. Tục đế thì biện minh cái “phi vô” tức là cái
chẳng phải không, còn chân đế biện minh cái “phi hữu” tức là cái
chẳng phải có. Sau cùng chân-tục chẳng phải “Hai” tức là thánh
đế đệ nhất nghĩa đế. Theo nhà vua đây chính là chỗ cực diệu cùng
huyền của hàng giáo gia. Nhưng do vọng mới có chơn cho nên
“chơn, vọng” là hai phạm trù đối đãi vừa đối lập vừa tồn tại bất
khả phân ly, nhưng tự tánh thì thường hằng bất biến, biết mà
không thể nói được. Vì thế khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào yết kiến, vua
Lương Võ Đế bèn tự đắc mà hỏi Tổ rằng: “Thế nào là thánh đế đệ
nhất nghĩa đế?”. Tổ đáp: “Quách nhiên vô
thánh” nghĩa là tuyệt nhiên rỗng rang không thánh. Chân lý thì
làm sao trả lời được mà nhà vua lại hỏi! Không hài lòng về câu
trả lởi của Tổ, nhà vua bèn khoe với Tổ rằng công đức xây chùa
và độ Tăng của nhà vua có lớn không? Tổ đáp lại rằng “Chẳng có
công đức gì hết”. Câu hỏi đó chứng tỏ nhà vua chỉ tu Phật theo
hình tướng nên muốn ai cũng phải ca ngợi, đề cao bản ngã của
mình. Tuy có học Bát Nhã, nhưng chưa đến chỗ rốt ráo nên nhà vua
không thấy chỗ khác nhau giữa “Tướng” với “Tánh” hay “phước đức”
với “công đức”. Tổ trả lời nhát gường khiến nhà vua cảm thấy như
bị Tổ tạt vào mặt một thau nước lạnh tê tái cả lòng. Sau đó, Tổ
lẳng lặng sang sông qua đất Ngụy, đi thẳng lên núi Thiếu Thất
ngồi quay mặt vào tường trong chín năm không nói một lời.
Dựa theo Phật giáo Đại thừa thì quả vị A la
hán là tiểu Niết bàn, là Niết bàn tạm thời. Còn Niết bàn của
Phật mới là Vô thượng tức là Bảo sở. Phật giáo Đại thừa luôn
khuyến khích chúng sinh hành Bồ Tát đạo, vì người quên mình nên
họ luôn chống đối lối thực hành của hàng Thanh Văn là xa lánh
cuộc đời, sợ phải bị ô nhiễm.
Người nghe kinh Pháp Hoa thứ 50 với tâm hoan
hỷ nghĩa là người này tin nhận Tri Kiến Phật của mình. Đây chính
là Phật nhân và từ cái nhân Phật này họ sẽ huân tu để tiến đến
Phật quả tức là thành Phật. Vì thế cho dù có bố thí tài thí và
pháp thí vô cùng vô tận thì cũng chỉ tạo phước đức hữu lậu sinh
diệt, còn người nghe được kinh Pháp Hoa tuy không thể nghe trực
tiếp từ đức Thế Tôn nhưng công đức của họ
rộng lớn vô cùng, không thể nghĩ bàn bởi vì nhờ nghe kinh Pháp
Hoa, người đó có niềm tin vững chắc nơi Tri Kiến Phật của chính
mình và dựa vào cái Tri Kiến Phật đó họ sẽ thành Vô thượng Bồ
Đề. Trong khi đó các vị định tánh A la hán bằng lòng với quả vị
của mình nên không tiến tu để thành Phật cho nên công đức không
thể sánh bằng người nghe kinh Pháp Hoa thứ 50 được. Nói phước
đức, công đức chỉ là cách nói chớ thực ra phước đức, công đức
không có tự tánh nên đừng nghĩ làm việc gì mình có rất nhiều
phước đức hay công đức như vua Lương Vỏ Đế. Đối với Phật giáo
Đại thừa thì Như Lai nói phước đức hay công đức nhưng kỳ thật
không có phước đức hay công đức gì hết mà gọi là có phước đức
hay công đức vậy thôi. Bởi vì phước đức hay công đức là những gì
không đi ngược lại với chơn tánh của mình chớ thật ra chẳng có
phước đức gì hết cho nên người càng tạo nhiều phước đức thì có
nhiều hạnh phúc và vun bồi nhiều công đức thì càng có an lạc
thanh tịnh Niết bàn. Nói cách khác phước đức, công đức đưa con
người tiến gần đến chơn tánh của họ tức là sống gần với hạnh
phúc, thanh thoát an vui tự tại vốn đã có sẵn trong ta rồi nghĩa
là hết phiền não thì có Niết bàn.
-Này A-dật-đa ! Nếu có người vì lòng
muốn nghe kinh nầy mà đến chùa, hoặc ngồi, hoặc đứng, dầu trong
chốc lát để nghe nhận lời, người ấy có những công đức nhờ đó mà
sẽ tái sanh trong cảnh giàu có rồi sau lại lên thiên cung.
Giàu dựa theo cái nhìn của đạo Phật không có
nghĩa là phải có tiền rừng bạc biển vì đó là sự sinh diệt nay có
mai không nên cho dầu là giàu đến đâu đi chăng nữa thì chưa chắc
đã thật sự có hạnh phúc. Còn cái giàu theo tinh thần đạo Phật là
giàu đạo đức, biết tri túc thiểu dục, giảm bớt sự tham muốn chạy
theo ái dục thái quá thì người đó tuy không có nhiều tiền, nhưng
tâm tự tại, gia đình hạnh phúc, con cái nên người. Vì thế người
biết nghe kinh Phật tức là biết sống với chân lý thì cuộc sống
sẽ thay đổi ngay tức là tái sinh vào cảnh giới an lành trong lúc
còn đang sống chớ đâu cần đợi đến chết mới cầu sanh về thế giới
an lành. Sanh lên thiên cung không phải là chết sẽ sinh vào cõi
trời để hưởng phước lạc mà thâm ý của kinh là tuy người đó vẫn
sống và hoạt động bình thường ở thế gian này, nhưng tâm hồn vô
cùng sung sướng, không đau khổ lo lắng buồn phiền như những
người nhiều tiền lắm của nên họ tuy ở thế gian mà tâm hồn như ở
trên thiên cung, lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Do đó con
người có thể lên thiên cung hay chui vào địa ngục tùy theo cách
biết sống của mình. Vì thế cái tuyệt vời của đạo Phật là đức Thế
Tôn chỉ rõ cho chúng sinh biết đâu là con đường hạnh phúc và con
đường nào dẫn ta vào chốn trầm luân cho nên nếu biết sống trong
tỉnh thức, giữ vững chánh niệm để kiểm soát thân khẩu ý thì cuộc
đời này làm gì còn khổ. Không khổ là có an lạc Niết bàn rồi chớ
còn tìm cõi cực lạc ở đâu nữa? Do đó tôn chỉ của đạo Phật là
không làm khổ mình, khổ người tức là mình có an lạc và người
cũng có an lạc Niết bàn.
-Còn người nào, trong chỗ giảng kinh
mà biết khuyên người đến sau ngồi nghe, hoặc chia chỗ ngồi thì
người ấy, khi chuyển thân, đặng chỗ ngồi của Đế Thích, Phạm
Vương hay Chuyển Luân Thánh Vương.
Tinh thần bình đẳng là một đức hạnh cao quý
được xiễn dương cao độ trong Phật giáo bởi vì một khi chúng sinh
còn tranh chấp, đố kỵ là vì họ nhìn đời thiếu tinh thần bình
đẳng. Vì thế trước khi thành chánh giác thì đức Phật phải thành
chánh đẳng để không nhìn đời qua lăng kính đối đãi nhị nguyên.
Do đó nếu người không có tâm kỳ thị, đố kỵ hay tranh chấp nên họ
sống bằng tâm trạng của các vị trời tức là đang hưởng rất nhiều
phúc lạc.
-A-dật-đa ! Nếu lại có người giới
thiệu và khuyến khích người khác nghe giảng kinh Pháp Hoa, và
người được khuyên nhận lời đến nghe, dầu trong chốt lát, thì
người giới thiệu và khuyến khích đặng công đức, khi chuyển thân,
cùng sanh một nơi với hàng Bồ-tát, đầy đủ “ tổng trì”, căn tánh
bén nhạy, có trí tuệ, trăm ngàn muôn đời chẳng hề ngọng câm,
miệng lưỡi không hôi thối, môi răng tốt đẹp, mặt mày đoan trang,
mũi lớn cao thẳng.
Thật vậy, người giới thiệu và khuyến khích kẻ
khác nghe và thọ trì kinh Pháp Hoa là người có tâm lành, tánh
tốt, muốn ai cũng đều có lợi lạc như mình, không có lòng ích kỷ.
Người như thế là người tốt, lúc nào cũng nói lời chân thật nên
làm gì còn chuyện câm ngọng. Ngược lại có người không nói đúng
chân lý, thiên bên này bỏ bên kia nên lời nói đó làm cho nhiều
người không muốn nghe hoặc nghe chói lỗ tai chẳng khác chi tiếng
nói của người câm ngọng. Có người nói ra nghe mát mẻ êm đềm ai
cũng thương cũng mến, ngược lại nếu có người nói dối, nói lưỡi
hai chiều, nói lời độc ác thì cũng như miệng lưỡi hôi thối.
Trong thế gian có rất nhiều người đoan trang hiền hậu, dung mạo
hiền hòa vì họ là những người có đức hạnh, sống đúng đạo lý nên
không có lăng xăng, cộc cằn vì “cái nết đánh chết cái đẹp”. Ngày
xưa lúc đức Phật còn tại thế, hoàng hậu Mallika có hỏi đức Phật
về nguyên nhân nào để được sanh ra đẹp xấu. Đức Phật trả lời
rằng: “Người có tâm nhu hòa, nhẫn nhục sẽ
được đẹp đẽ và kẻ có tâm sân hận sẽ chịu xấu xí”. Theo quan niệm
của đức Phật thì nét đẹp được tạo nên từ một tâm lý đạo đức lúc
nào cũng có giá trị hơn là chỉ có cái đẹp bên ngoài mà không có
một giá trị đạo đức bên trong. Dựa theo Luật Nghiệp Quả thì
chúng ta có thể gây ra nhiều nghiệp nhân khác nhau để cuối cùng
nhận được một quả báo xinh đẹp. Nhưng sắc đẹp nầy chưa chắc là
một nét đẹp chân thật, hiền hòa. Trong lịch sử nhân loại từ Đông
qua Tây chúng ta thấy rất nhiều những người đàn bà tuyệt đẹp với
nhiều thủ đoạn độc ác để chiếm đoạt quyền hành và gây sóng gió
khắp nơi. Cái phước xinh đẹp được gây từ nhiều nhân tốt mà thiếu
mất cái nhân đạo đức chân thật, vì vậy từ nơi cái phước xinh đẹp
họ đạt được đỉnh vinh quang mà cũng gieo rắc đau khổ cho nhiều
người khác. Vì sự giả dối, tạm bợ và không bền chắc của sắc đẹp
nên đức Phật luôn luôn khuyên chúng sinh nên vun bồi cái đạo đức
bên trong thì nó sẽ là nên móng căn bản cho sắc đẹp bên ngoài và
đây mới chính thật là một sắc đẹp nhận hậu và bền vững. Mỹ nhân
trên thế gian nầy thì có đủ hạng. Có nét đẹp gây nên sự quý mến
kính trọng trong sạch và cũng có nét đẹp gây nên sự ham muốn
chiếm đoạt thấp hèn. Đôi khi chúng ta thấy có nét đẹp bày tỏ sự
cao thượng từ tốn thì ngược lại cũng có nét đẹp lộ ra sự kiêu
hãnh tự phụ. Có cô thì đẹp kín đáo và cũng có cô thì đẹp lẳng
lơ. Phật dạy sở dĩ có sự khác nhau giữa các nét đẹp như thế bởi
vì mỗi người đã gieo cho mình trong tiền kiếp những nghiệp nhân
khác nhau. Nếu tự mình khéo gieo nhân, thì người ấy cũng có thể
tạo cho mình một quả báo để có diện mạo đẹp đẽ về sau, nhưng nét
đẹp đó không liên quan gì tới đạo đức. Do đó họ có thể là tuyệt
thế mỹ nhân nhưng họ vẫn có thể là người ác. Gần đây nhiều bác
sĩ tâm lý học đã đưa ra nhận xét là một người càng chú trọng tới
việc trang điểm cá nhân nhiều chừng nào thì tâm địa càng hẹp hòi
chừng ấy. Còn người đứng đắn là người chỉnh tề, vừa phải và
không se xua chưng diện quá đáng. Sau cùng họ kết luận rằng một
người có đôi mắt lẳng lơ cũng là người có tính tình độc ác
hung dữ. Vì thế thói lẳng lơ hoa nguyệt với tính hung ác thường
đi chung với nhau. Đối với quan niệm của Đông phương thì chữ đẹp
thường đi đôi với chữ duyên lý do là dầu cho người đó có đẹp
cách mấy thì sắc đẹp đó chỉ có thể thu hút kẻ khác những lúc ban
đầu nhưng không giữ được tình cảm lâu bền vì không có duyên. Chữ
duyên nói lên cái gì ẩn dấu kín đáo bên trong mà làm cho người
khác phải xiêu lòng vì thế người có duyên mới là người giữ được
tình cảm tốt của người khác một cách bền bĩ lâu dài. Người có
duyên hiểu theo tinh thần đạo Phật là người đã từng kiên trì giữ
giới hạnh, sắc son chung thủy với bạn đời, tín nghĩa với bạn bè,
hiếu để với cha mẹ, trung hậu với chủ nhân và luôn cúng dường bố
thí…Chính những cái phước duyên nầy đã kết tập để tạo cho họ một
cái duyên ở đời sau làm cho mọi người quý mến họ mãi mãi. Do đó
hầu hết các mệnh phụ phu nhân đều thuộc về hạng người có duyên
nầy, còn các kỷ nữ thì phần lớn thuộc về loại đẹp mà vô duyên.
Nếu có những người tính tình hay thay đổi, lòng dạ không thủy
chung, hiếu để chẳng tròn, chữ tín không giữ ngay cả phát tâm
làm phước rồi bỏ cuộc nửa chừng sẽ cảm nhận quả báo vô duyên ở
đời sau. Vì vậy dù sắc đẹp lộng lẫy đi chăng nữa, họ cũng chỉ
chiếm đoạt được cảm tình của người khác trong thời gian ngắn mà
thôi. Cái duyên nó thường tiềm ẩn bên trong ánh mắt, làn da và
phảng phất qua tiếng nói giọng cười vì vậy người vừa đẹp mà có
duyên thì dĩ nhiên vừa được cảm tình của người mà còn được người
quý mến.
-A-dật-đa ! Ông thử xem: khuyên một
người đi nghe Pháp mà được công đức như thế, hà huống một lòng
nghe, nói, đọc, tụng Kinh Pháp Hoa, lại trong đám đông vì người
giải thích và tu hành đúng như lời nói trong kinh.
Khuyên người nghe kinh Pháp Hoa và khuyến khích họ nhận thấy
được Tri Kiến Phật của mình thì công đức vô cùng to lớn không
thể nghĩ bàn bởi vì người đó một khi đã tin nhận Tri Kiến Phật
rồi tinh tấn nỗ lực tu thành Phật thì dĩ nhiên không còn công
đức nào bằng. Nhưng đạo Phật là đạo tự giác mới giác tha nghĩa
là chính mình phải tin nhận Tri Kiến Phật sẵn có nơi mình và từ
đó làm Phật nhân để tu thành Phật thì chính mình mới thực hành
đúng theo lời dạy của kinh Pháp Hoa.
Tóm lại, trong cuộc sống khi thấy người hạnh phúc, chúng ta vui
mừng, thấy người vui chúng ta cũng vui theo. Nhưng ở đây tùy hỷ
dựa theo tinh thần Pháp Hoa là vui mừng hoan hỷ chấp nhận tư
tưởng tối thượng thừa, là giáo lý của hệ tư tưởng Đại thừa Diệu
Pháp Liên Hoa tức là Tri Kiến Phật làm nền tảng tức là Phật nhân
để tiến tu và cuối cùng đạt đến cứu cánh tối thượng là đạt thành
Phật quả tức là thành Phật.
∆ TOP
|
NEXT
|