A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm



     

 
LỜI MỞ ĐẦU

PHẦN GIỚI THIỆU

 


PHẦN TỔNG LUẬN

PHẦN PHỤ LỤC



 

Phẩm THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT

          Thường Bất Khinh là tên của một vị Tỳ kheo lúc nào cũng nói lên một giáo lý thuần viên độc diệu của Pháp Hoa là Tri Kiến Phật. Đó là trong mỗi chúng sinh đã có Tri Kiến Phật, đang có Tri Kiến Phật và mãi mãi vẫn có Tri Kiến Phật. Vì nhìn vào thật tánh của chúng sinh nên Tỳ Kheo chỉ thấy tánh Phật nên gặp ai cũng cung kính nói với tất cả mọi người rằng “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Do vậy mọi người từ đó gọi vị Tỳ kheo này là “Thường Bất Khinh”. Còn thế nào là Bồ Tát?

          Bồ-tát là viết tắc của chữ Bồ-đề Tát Đỏa mà Phạn ngữ là Bodhisatwa. Chúng sinh phát tâm tu theo Đại thừa, làm việc vì người quên mình tức là lấy lợi tha làm phương châm hành động thì gọi là Bồ-tát. Tất cả Phật tử không phân biệt tại gia hay xuất gia, nam hay nữ muốn phát tâm tu theo Bồ-tát đạo, giữ Bồ-tát giới tức là 10 giới trọng và 48 giới khinh để phá trừ tập khí ngã mạn, chấp ngã chấp pháp và nguyện hy sinh mình mà lo cứu giúp chúng sinh đều là Bồ Tát cả. Vì thế Bồ Tát là “Hữu tình giác”, là loài hữu tình (loài người) đang đi trên con đường giải thoát giác ngộ tức là tự giác. Rồi sau đó quay lại giúp cho chúng sinh cùng được giác ngộ như mình tức là “giác Hữu tình” tức là giác tha.

Bồ-tát phải trải qua 55 giai đoạn từ khi phát tâm Bồ-đề thì mới đạt được quả vị đẳng giác là thành Phật. Đừng nên hiểu lầm là Bồ-tát thì lúc nào trí tuệ hay tâm thanh tịnh cũng cao hơn các vị A La Hán trong Thanh Văn.

          Giai đoạn đầu kể từ khi mới phát tâm Đại thừa là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Tứ Gia Hạnh thì gọi là Đệ Nhất A Tăng Kỳ Kiếp tức là Bồ-tát Địa Tiền có nghĩa là chưa bước vào Thập Địa. Trí tuệ và tâm thanh tịnh của Bồ-tát Địa Tiền không bằng các vị A La Hán vì họ đã vượt ra khỏi tam giới, chứng đắc Niết bàn nên tâm rất thanh tịnh.

          Giai đoạn thứ hai là Bồ-tát tu từ Sơ Địa đến Thất Địa tức là họ đã đạt được Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa và Viễn hành Địa thì gọi là Đệ Nhị A Tăng Kỳ Kiếp.

          Giai đoạn thứ ba là họ tu từ Bát Địa đến Thập Địa tức là Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa và Pháp Vân Địa thì gọi là Đệ Tam A Tăng Kỳ Kiếp. Bồ Tát tu trong Thập Địa gọi chung là Bồ Tát Đăng Địa.

          Khi mãn Thập Địa đến địa vị Đẳng giác, qua Đẳng giác đến Diệu giác tức là thành Phật. Bồ-tát Đẳng giác và Diệu giác đã dứt trừ Trần sa hoặc và Vô minh hoặc để đến chỗ giác ngộ hoàn toàn là Phật.

          Tỳ kheo “Thường Bất Khinh” luôn khuyến khích và nhắc nhở chúng sinh quay về thấy biết và sống với Tri Kiến Phật của chính mình nên người đời tặng cho ông danh hiệu là Thường Bất Khinh Bồ Tát.

          Dựa theo tinh thần Pháp Hoa thì ai cũng có Tri Kiến Phật cho nên chúng sinh luôn tự hào mình là Bồ Tát vì Tri Kiến Phật còn cao hơn Tri Kiến Bồ Tát nữa mà. Có thể nói Thường Bất Khinh là một âm thanh tác động cực mạnh vào tận đáy tâm hồn để đánh thức những ai còn mê mờ về Tri Kiến Phật và khả năng thành Phật của chính mình.

Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Đắc Đại Thế:

-Ngươi nay nên biết, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trì kinh Pháp Hoa mà bị mắng nhiếc chê bai, thì người mắng nhiếc chê bai mắc tội báo rất lớn, còn người trì kinh được công đức thanh tịnh lục căn.

Tại sao người thọ trì kinh Pháp Hoa thì được công đức lục căn thanh tịnh còn người mắng nhiếc chê bai thì bị quả báo không tốt? Phải chăng kinh Pháp Hoa có thần lực để gia bị cho người thọ trì và trị tội những ai chê bai? Nếu chúng sinh quay về thấy biết và sống với Tri Kiến Phật của mình thì người đó luôn sống trong tỉnh giác nên lục căn được thanh tịnh. Mà lục căn thanh tịnh thì thân khẩu ý thanh tịnh tức là  không còn tạo nghiệp nên vĩnh viễn thoát ly sinh tử luân hồi, có giải thoát giác ngộ. Ngược lại người chê bai, mắng nhiếc kinh Pháp Hoa nghĩa là người đó sống trong mê mờ loạn động, sáu căn không thanh tịnh nên dính mắc nơi sáu trần vì thế cuộc sống bị nhận chìm trong ái dục, phiền não, khổ đau và trôi nổi trong sinh tử trầm luân chớ đâu phải trời hành hay Phật đọa gì hết.

-Này Đắc Đại Thế ! Thuở xưa cách nay vô lượng vô biên số kiếp, có Phật hiệu Oai Âm Vương ra đời, nhằm thời kiếp Ly-suy, tại nước Đại Thành.  Phật vì người cầu quả Thanh Văn nói pháp Tứ-Đế; vì người cầu quả Bích-chi-Phật nói pháp Thập Nhị Nhân Duyên; vì hàng Bồ-tát cầu Vô Thượng giác, nói pháp sáu Ba-la-mật dẫn dắt đến cứu cánh Phật tuệ.

-Đắc Đại Thế ! Phật Oai Âm Vương sống lâu 40 ức na-do-tha hằng sa kiếp! Chánh pháp của Phật trụ trong một số kiếp nhiều như vi trần của một thế gian! Tượng pháp trụ trong một số kiếp nhiều như vi trần của bốn châu. Sau khi Phật Oai Âm Vương diệt độ, Chánh Pháp, Tượng Pháp diệt hết có đức Phật khác ra đời, cũng có một hiệu là Oai Âm Vương. Sau đó, tuần tự, có hai muôn ức Phật ra đời cùng một danh hiệu.

Oai Âm Vương là để nói lên sự làm chủ, tiếng nói âm ba của cõi lòng. Vì thế Phật Oai Âm Vương là Phật tánh, là Pháp thân, là tiếng nói thanh tịnh phát xuất từ trong bản tâm của con người, dùng để diễn tả tâm hồn trong sáng của chúng sinh khi làm chủ những âm thanh của tâm mình. Đức Phật xuất hiện nhằm vào thời kiếp Ly Suy nghĩa là thời điểm mà tâm con người không còn dính mắc những sự suy đồi của tham sân si mạn nghi. Nói cách khác khi tâm của chúng sinh không còn những vẫn đục của thập triền thập sử thì lúc ấy Phật Oai Âm Vương tức là chơn tâm, Phật tánh hiển bày ở lòng ta. Và lúc ấy tâm ở trạng thái thanh tịnh viên mãn nhất tức là ở nước Đại Thành.

Đây là phẩm mở đầu cho những phẩm về Diệu Âm và Quán Thế Âm về sau. Nếu chúng sinh khéo lắng nghe những âm thanh khuyến khích, nhắc nhở con người hướng về thanh tịnh giải thoát giác ngộ thì đây là Diệu Âm, là Quán Thế Âm. Ngược lại nếu chúng sinh nghe những âm thanh thúc đẩy, xui khiến họ vào những vòng sa đọa của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì đây là âm thanh của tội lỗi đau thương. Do vậy kinh Lăng Nghiêm có phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông nghĩa là quay về để lắng nghe tiếng nói thanh tịnh mầu nhiệm của lòng mình. Vì vậy Phật Oai Âm Vương là biểu tượng cho tánh giác có sẵn nơi mỗi chúng sinh từ vô lượng kiếp trong quá khứ.

Dựa theo sự phân tích của Trí Giả Đại sư của Thiên Thai tông thì kinh Pháp Hoa được chia làm hai phần: Phần đầu gồm 14 phẩm, gọi là Tích môn. Phần còn lại là Bổn môn. Nhưng trên thực tế kinh không sắp xếp đúng theo thứ tự mà có rất nhiều phẩm của Tích môn chạy vào phần Bổn môn và ngược lại. Nhưng đây có lẽ là thâm ý của kinh bởi vì cái diệu dụng của Bổn môn lại được diễn bày trong Tích môn. Đó là sự hiện hữu của những vị Bồ Tát từ Thường Bất Khinh Bồ Tát trong phẩm này đến Diệu Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát trong những phẩm sau. Sự giới thiệu của các vị Bồ Tát này với mục đích diễn giải cái Bổn môn ra Tích môn và dĩ nhiên đưa người đọc từ Tích môn trở về với Bổn môn. Nói rộng ra trong Phật giáo bất cứ một hiện tượng tinh thần hay vật chất nào cũng đều có Thể, Tướng và Dụng. Thí dụ dòng điện trong nhà là thể, bao trùm tất cả bởi vì từ một dòng điện đó mà có thể gắn những hình tướng như cái bóng đèn, tủ lạnh, quạt máy, TV…và sau đó sinh ra biết bao công dụng như đèn sáng, quạt máy làm mát mẻ…Ở đây cũng thế, Bổn môn là thể, Tích môn là tướng và thực hành những công hạnh (hạnh nguyện) của các vị Bồ Tát là dụng và Thường Bất Khinh Bồ Tát là công dụng đầu tiên mà kinh muốn giới thiệu. Sang đến phẩm 23 nói về Bồ Tát Dược Vương là công dụng kế tiếp của kinh, bởi vì Dược Vương là mẫu người chuyên về thực hành và  phản ảnh rốt ráo công hạnh của một vị Bồ Tát. Sau đó có Quán Thế Âm rồi đến Phổ Hiền là những công hạnh tuyệt vời để nhắc nhở, khuyến khích chúng sinh rằng đạo Phật là đạo giác ngộ được biểu hiện bằng hành động, thực hành mới có thực chứng.

-Phật Oai Âm Vương đầu tiên diệt độ và sau lúc Chánh Pháp diệt hết trong thời Tượng pháp, các Tỳ-kheo tăng-thượng-mạn có thế lực lớn. Bấy giờ có một Bồ-tát tên Thường-Bất-Khinh. Sở dĩ có tên nầy là vì mỗi khi gặp các hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Bồ-tát lễ lạy khen ngợi: “ Tôi rất kính quý vị, không dám khinh quý vị. Vì quý vị đều đi trên đường Bồ-tát và sẽ được làm Phật”. Bồ-tát Thường-Bất-Khinh không hề đọc kinh điển, chỉ thực hành việc lễ bái, thậm chí hễ xa thấy tứ chúng là lạy nói:

-Tôi chẳng dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ làm Phật”.

Trong tứ chúng có người lòng bất tịnh, giận mắng:

-Ông vô trí Tỳ-kheo này ở đâu đến mà cứ nói  tôi chẳng dám khinh quý vị, rồi lại thọ ký chúng tôi sẽ thành Phật; chúng tôi không dùng lời thọ ký bá láp đó đâu”.

Tuy trải qua nhiều năm bị mắng nhiếc, Bồ-tát Thường Bất Khinh không giận hờn, cứ luôn nói: “Quý vị sẽ làm Phật”. Lắm khi bị đánh bằng gậy, bị ném gạch đá, Bồ-tát chạy tránh ra xa, miệng vẫn nói: “Tôi chẳng dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ làm Phật”. Vì đó mà ông được gọi tên là Thường-Bất-Khinh.

Đức Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa cách nay trên 2500 năm là muốn chúng sinh “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến”nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Sau đó Ngài thọ ký từ hàng vô học, đến hàng hữu học thậm chí ngay cả phi nhân và nữ phái cũng đều được Phật thọ ký sẽ thành Phật. Đến phẩm này chứng minh rằng không phải đức Phật Thích Ca là người đầu tiên nói về Tri Kiến Phật mà trong hằng sa kiếp trước vào thời Phật Oai Âm Vương có vị Bồ Tát tên là Thường Bất Khinh đã rao giảng lời ấy rồi. Nói cách khác vấn đề Tri Kiến Phật đã có và nói từ lâu lắm rồi chớ không phải đến thời Phật Thích Ca mới có và nói đến.

Tuy Tỳ kheo “Thường Bất Khinh” nói về giáo lý tối thượng “Tri Kiến Phật”, nhưng những Tỳ kheo huynh đệ không đủ trí tuệ để nhận thức, lãnh hội được Tri Kiến Phật của mình, thậm chí còn chửi bới, đánh đập và dùng lời khiếm nhã gọi ông là Tỳ kheo vô trí tức là ông Tỳ kheo “khùng”. Rõ ràng câu nói “Tôi chẳng dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ làm Phật” tuy đơn giản ngắn gọn, nhưng đã nêu rõ bản hoài của chư Phật. Vì không nhận ra Tri Kiến Phật tức là không có Phật nhân thì không bao giờ tu thành Phật quả. Do vậy mà đại sự nhân duyên của chư Phật là khai thị để chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến của chính mình là vậy.

Đứng về mặt tâm lý, trong thế gian này không thiếu gì những người thiếu tự tin nơi chính mình. Họ có tư tưởng mặc cảm nên tự cho rằng mình không giỏi, không thành đạt, thấp kém hơn những người khác. Vì mang cái mặc cảm tự ti đó nên họ không có hạnh phúc, cả đời sống trong bóng tối của tâm hồn. Chính đức Phật khi ngồi trên nắm cỏ dưới cội Bồ Đề đã thệ nguyện rằng “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả thì dù thịt nát xương tan ta quyết không bao giờ đứng dậy”. Với ý chí sắc đá, tuyệt đối tin vào khả năng tự giác của mình nên Ngài mới thành đạo. Người xưa cũng có câu:

Ø  Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ,

Ø  Bất ưng tự khinh như thối khuất.

Nghĩa là người đó là bậc trượng phu thì tại sao ta lại không được như vậy? Ta không nên tự khinh mình, tự coi nhẹ mình để cứ đi thụt lùi. Vì thế ngày nay từ trong gia đình, học đường đến ngoài xã hội con người muốn thành công, muốn được hạnh phúc thì phải tin nơi mình, tin vào khả năng của mình. Trong thập niên 70, Steve Jobs và Steve Wozniak đã khai sáng ra công ty Apple từ trong Garage của cha mẹ ông ta. Với niềm tin và cái nhìn sâu về tương lai mà ông ta và công ty Apple thành công như ngày nay. Bill Gates xuất thân là con một nhà giàu có ở Seattle, nhưng thay vì theo truyền thống của cha làm nghề luật sư, ông bỏ học đại học Harvard, một trường nổi tiếng nhất về luật ở Hoa kỳ để cùng với người bạn Paul Allen viết những “program” để chạy những máy vi tính rất đơn sơ lúc bấy giờ. Say mê và tự tin vào việc làm của mình nên chỉ có mười mấy năm sau, ông trở thành người giàu nhất thế giới.

          Câu nói bất tử “Tôi chẳng dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ thành Phật” là hạnh nguyện duy nhất của Thường Bất Khinh Bồ Tát. Tuy đơn giản, nhưng nó mang một công năng to lớn là gieo vào lòng của chúng sinh niềm tin mãnh liệt nơi mình, tin rằng mình có hạt giống Phật và mình có khả năng trở thành Phật, một bậc toàn giác.

Có thể nói Thường Bất Khinh là một sứ giả của Như Lai. Sứ mạng của ngài là mang thông điệp “mọi người sẽ thành Phật” đến cho mọi người. Tuy nhiên không phải ai cũng vui mừng đón nhận thông điệp đó bởi vì người đời luôn có mặc cảm nên họ nghĩ rằng những lời ngài nói là nhạo báng, khinh khi họ. Kết quả là họ dùng lời thô tục để mắng chửi, thậm chí còn ném đá, dùng gậy đánh đuổi ngài. Tuy bị người đời hành hung, đánh chửi, nhưng với tâm bất thối chuyển, ông vẫn to tiếng xướng lên cái sự thật đó, tôi chẳng dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ thành Phật.

Bồ Tát Thường Bất Khinh là hình ảnh tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục, là một đức tính cao quý của đạo Phật mà bất cứ vị Bồ Tát nào muốn thành Phật đều phải thực hành viên mãn.

Lúc Bồ-tát Thường Bất Khinh sắp mệnh chung, trong hư không nghe trọn hai mươi ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương đã nói thuở trước. Nghe xong Bồ-tát sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi, vì người rộng nói kinh Pháp Hoa.

Lúc đó, những người trong tứ chúng trước kia đã khinh rẻ Bồ-tát Thường Bất Khinh, nay thấy Bồ-tát được sức thần thông, sức nhạo thuyết biện tài, sức đại-thiện-tịch và nghe Bồ-tát thuyết pháp, đều tin phục và theo làm đệ tử.

Bồ-tát Thường Bất Khinh giáo hoá ngàn muôn chúng khiến không suy thoái trên đường Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau khi mệnh chung, được gặp 2 ngàn đức Phật đồng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh trong hội Pháp Hoa. Nhờ nhân duyên đó, lại gặp 2 ngàn Phật đồng hiệu Vân Tự Tại Đăng Vương ở trong pháp hội của các đức Phật có thọ trì, đọc tụng vì hàng tứ chúng nói kinh Pháp Hoa, do vậy mà sáu căn được thanh tịnh, thuyết pháp cho tứ chúng nghe mà không sợ sệt.

Khi Bồ Tát sắp tịch, ngài nghe trong hư không có tiếng giảng Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương. Có điều lạ là Phật Oai Âm Vương đã tịch từ lâu thế mà trước khi chết Bồ Tát lại nghe rất rõ tất cả những bài kệ của kinh Pháp Hoa mà Phật đã giảng? Thế nghĩa là gì? Tại sao lúc còn khỏe mạnh lại không được nghe kinh Pháp Hoa, mãi đến lúc sắp tịch mới được nghe? Bởi vì thọ trì kinh Pháp Hoa là trở về với Tri Kiến Phật cho nên miệng luôn nói câu “…quý vị sẽ thành Phật” nghĩa là trong lòng đã chín muồi rồi. Cũng như niệm Phật đến chỗ vô niệm vô biệt niệm thì được nhất tâm tức là sống với Chơn tâm, Tri Kiến Phật của mình. Ở đây Bồ Tát biết chúng sinh sẽ là Phật, biết mình sẽ là Phật, biết mình có Tri Kiến Phật nên quay về sống với Tri Kiến Phật thì cũng như có Phật Oai Âm Vương thuyết giảng mặc dù Phật đã tịch từ lâu vì Tri Kiến Phật là Bổn Phật, là Phật tánh hiện hữu trong suốt chiều dài của vũ trụ từ vô thỉ đến vô chung. Bồ Tát Thường Bất Khinh vượt qua cơn mê “sắp chết” mà thâm nhập Pháp Hoa tam muội, thấu suốt trọn bộ kinh không sót một lời để rồi sống thêm hai trăm muôn ức na-da-tha tuổi vì người mà giảng nói kinh Pháp Hoa. Như vậy kinh Pháp Hoa là một thứ thuốc trường sanh vì người uống vào sẽ sống mãi, sống rất lâu để giảng truyền chân lý Pháp Hoa.

 Một khi sống với Tri Kiến Phật của mình thì lục căn chuyển hóa trở nên thanh tịnh nên Bồ Tát có biện tài vô ngại, thần thông tự tại khiến cho những người khinh chê ngài trước kia thấy được kết quả của sự hành trì Pháp Hoa bắt đầu tin phục theo ngài tu hành. Tuy con đường tranh đấu cho chánh nghĩa có gay go cực khổ, nhưng sau cùng chánh nghĩa sẽ thắng và chân lý luôn tỏ sáng rạng ngời.

Bồ Tát Thường Bất Khinh giáo hóa vô số chúng sinh tiến bước hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài an nhiên tự tại giảng nói kinh Pháp Hoa, hướng dẫn chúng sinh cất bước đi trên con đường giải thoát giác ngộ từ kiếp này sang kiếp khác để hoàn thành viên mãn trách nhiệm sứ giả Như Lai và dĩ nhiên luôn bồi dưỡng cho cái nhân thành Phật cho chính mình. Ở đây Thường Bất Khinh Bồ Tát thực hành rốt ráo công hạnh tu nhân thành Phật nghĩa là ngài nhận thức chân lý rồi thực hành những gì phù hợp với chân lý và sau cùng sống đúng với chân lý. Vì vậy chính ngài thực hành và sống với tinh thần Pháp Hoa mà không cần thọ trì đọc tụng. Tại sao lại không cần? Bởi vì tụng kinh cốt là để thấu hiểu ý nghĩa lời Phật dạy (Tụng kinh giả minh Phật chi lý) mà nếu đã thấu hiểu và sống được với Tri Kiến Phật tức là sống với Pháp Hoa thì tụng niệm để làm gì. Mục đích tụng niệm là hiểu ý kinh và thực hành lời Phật dạy chớ đâu phải tụng kinh để được phước hay được Phật gia bị. Vì thế ngày nay rất nhiều người trì tụng phẩm Như Lai Thần Lực hay Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn với niềm tin được Phật gia bì mà thật chất chẳng hiểu ý nghĩa của những phẩm này thế nào cả. Tu như vậy là tu mù, chẳng lợi ích gì cho mình và vô tình biến đạo Phật thành ra mê tín. Đức Phật và đệ tử của Ngài không bao giờ tụng mà chỉ thiền quán để suy tư quán chiếu tìm ra chân lý và sống đúng, sống phù hợp với chân lý, có an lạc Bồ Đề, Niết bàn.

-Này Đắc Đại Thế ! Sau khi cúng dường cung kính, tôn trọng bao nhiêu đức Phật như thế và trồng các rễ lành, cuối cùng Bồ-tát Thường Bất Khinh lại gặp ngàn muôn ức Phật ở trong pháp hội của chư Phật đó nói kinh Pháp Hoa. Do vậy mà thành tựu công đức vô biên và sẽ được thành Phật.

-Này Đắc Đại Thế ! Bồ-tát Thường Bất Khinh thuở ấy đâu phải người nào lạ ! Chính là thân ta hiện nay vậy. Nếu đời trước ta chẳng thọ trì, đọc tụng và giải nói cho người khác nghe kinh này, thì ta chẳng thể mau được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vì ta đã ở trong cõi nước của chư Phật, thọ trì, đọc tụng vì người khác nói kinh này, nên mau được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đến đây Phật mới hé mở cho chúng ta biết rằng vị Thường Bất khinh Bồ Tát đó không ai khác chính là đức Phật Thích Ca ngày nay. Nguyên nhân Ngài được thành Phật là trong đời quá khứ, Ngài luôn thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa. Thọ trì, đọc tụng đây không có nghĩa là gỏ mỏ tụng kinh tức là tụng kinh có văn tự mà Ngài nhận ra nơi Ngài có sẵn Tri Kiến Phật tức là Phật tánh trong sáng tròn đầy. Từ đó Ngài đi lễ bái và nhắc nhở mọi người rằng họ cũng có Phật tánh như Ngài. Nếu biết huân tu lấy Tri Kiến Phật làm Phật nhân thì sẽ thành Phật. Nhờ tu tròn đầy viên mãn hạnh tinh tấn, nhẫn nhục và phát huy trí tuệ tột cùng nên sau cùng công thành quả mãn Ngài thành Phật.

-Này Đắc Đại Thế, những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thuở ấy, vì khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp luôn luôn chẳng gặp Phật, chẳng gặp Pháp, chẳng thấy Tăng, ngàn kiếp ở địa ngục chịu khổ não lớn. Hết tội rồi, lại gặp Bồ-tát Thường Bất Khinh giáo hóa cho đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

-Này Đắc Đại Thế ! bốn chúng đã khinh khi Bồ-tát Thường Bất Khinh nào phải ai lạ chính đó là những người hiện nay đều là bậc bấc-thối-chuyển trên đường chánh giác, tức là bọn 500 Bồ-tát của Bạc-đà-bà-la, bọn 500 Tỳ-kheo của Sư-tử-nguyệt, bọn 500 Ưu-bà-tắt của Ni-tư Phật, đang ở trong pháp hội nầy.

Này Đắc Đại Thế ! phải biết kinh Pháp Hoa này rất lợi ích cho các đại Bồ-tát có thể giúp họ đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho nên sau khi Phật diệt độ, phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói.”

Đức Phật bèn đọc một bài kệ nhắc lại nghĩa trên.

Những người ngày xưa đánh đập, chửi mắng Thường Bất Khinh Bồ Tát bị đọa trăm nghìn kiếp ở chốn tối tăm, không gặp Phật, Pháp, Tăng. Thật vậy, không phải đánh đập, hành hạ Thường Bất Khinh Bồ Tát rồi bị trời hành hay Phật đọa vào địa ngục A tỳ để phải chịu đau khổ, nhưng thật ra một người không nhận biết Tri Kiến Phật của mình thì chắc chắn họ không sống trong chân lý, trong ánh sáng trí tuệ mà sống trong mê mờ, bất giác, sống trong bóng tối vô minh thì dĩ nhiên chuyện sa hầm sụp hố lao đầu vào phiền não điên đão là chuyện thường. Tuy nhiên biết thức tỉnh, biết hồi đầu thị ngạn nương theo Phật pháp tiến tu thì vô minh biến mất, trí tuệ phát sinh và sẽ thành Phật. Phật, Pháp, Tăng dựa theo Lục Tổ là Giác, Chánh, Tịnh bởi vì Phật là giác ngộ, Pháp tức là Bát Chánh Đạo để tránh xa mê lầm, điên đảo. Còn Tăng là sự thanh tịnh, không bị ô nhiễm. Vậy ô nhiễm cái gì? Tinh thần ô nhiễm, tư tưởng ô nhiễm, kiến giải ô nhiễm ngay cả sắc thân cũng bị ô nhiễm…Vậy người biết quay về nương tựa (quy y) nơi Phật, Pháp, Tăng để loại bỏ những ô nhiễm, những dính mắc thế trần mà nhìn thế gian bằng “Như Thị” thì những phạm trù đối đãi phân biệt biến mất khiến tâm được thanh tịnh.

Đạo Phật là đạo nhân quả và nhân duyên cho nên những người ngày xưa chửi mắng, đánh đập, hành hạ Thường Bất Khinh Bồ Tát sau khi thọ quả báo rồi thì nhân duyên đưa đẩy cũng gặp lại Bồ Tát mà nay là Phật Thích Ca để nhận sự giáo hóa của Ngài để tiến tu. Xưa kia là Thường Bất Khinh Bồ Tát, nay là Phật Thích Ca. Xưa kia là những người khinh miệt, đánh chửi Bồ Tát, nay là nhóm ông Bạc-đà-bà-la, nhóm ông Sư tử nguyệt và nhóm ông Ni-tư Phật.

Tóm lại, Thường Bất Khinh Bồ Tát là một biểu tượng để nhắc nhở và nhắn nhủ với chúng sinh rằng người đệ tử Phật đừng bao giờ khinh mình vì trong con người bình thường đó chúng sinh vốn cũng có một tiềm năng vĩ đại siêu việt là Tri Kiến Phật, giống y như Phật. Vì thế mỗi chúng sinh sẽ là một Bồ Tát Thường Bất Khinh đối với chúng ta với tâm niệm rằng “ta sẽ thành Phật”.

 

∆ TOP | NEXT