A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm



     

 
LỜI MỞ ĐẦU

PHẦN GIỚI THIỆU

 


PHẦN TỔNG LUẬN

PHẦN PHỤ LỤC



 

Phẩm THỌ KÝ

Trong Phật giáo có tất cả mười hai thể loại kinh được phân biệt theo hình thức trình bày và nội dung giáo pháp:

v  1) Khế kinh: Còn được gọi là Trường hàng tức là thể loại văn xuôi, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của Phật.

v  2) Trùng tụng: Tức phần kệ tụng giải thích lại giáo thuyết mà khế kinh đã nói.

v  3)Thọ ký: Vốn là các đoạn văn giải thích về giáo nghĩa , đời sau đặc biệt chỉ cho lời ấn chứng trước của Phật đối với việc làm ở vị lai của các đệ tử.

v  4) Phúng tụng hay Cô khởi: Tức là phần kệ tụng độc lập, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của đức Phật mà không lập lại ý của văn trường hàng trước đó.

v  5) Tự thuyết hay Vô vấn: Đức Phật không đợi có người hỏi pháp mà tự khai thị giáo thuyết.

v  6) Nhân duyên: Ghi chép nhân duyên thuyết pháp giáo hóa của Phật, như phẩm Tựa của kinh này.

v  7) Thí dụ: Dùng thí dụ để giảng nói pháp nghĩa như phẩm này.

v  8) Bổn sự: Các bản kinh nói về hành nghi ở đời quá khứ của Phật và đệ tử. Những kinh mở đầu bằng câu: “Phật như thị thuyết” cũng thuộc loại Bổn sự.

v  9) Bổn sanh: Thể loại kinh nói về các hạnh đại bi mà đức Phật tu hành vào thời quá khứ.

v  10) Phương quảng: Các kinh giảng nói giáo nghĩa rộng lớn sâu xa.

v  11) Vị tằng hữu: Nói về những việc ít có của Phật và các đệ tử.

v  12) Luận nghị: Đức Phật luận nghị phân biệt thể tính các pháp, làm sáng tỏ các pháp.

Trong 12 thể loại kinh được phân biệt ở trên thì chỉ có Đại thừa là có đủ 12 loại. Còn Tiểu thừa chỉ có 9 loại nghĩa là kinh điển Tiểu thừa không có thể loại Thọ ký, Tự thuyết và Phương quảng.

-Thọ ký chỉ có trong kinh Pháp Hoa bởi vì Phật dựa vào ý tưởng “mọi chúng sinh đều có Phật tánh, tri kiến Phật nên Phật mới thọ ký vào vô lượng kiếp về sau sẽ thành Phật.

-Tự thuyết là Phật tự ý nói chớ không phải do đệ tử hỏi. Đó là những kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ. Thể loại Tự thuyết không có trong Phật giáo Nguyên thủy vì Phật thuyết là do nhân duyên, do sự thưa thỉnh của đệ tử, của đại chúng về đề tài liên quan đến hoàn cảnh, tâm trạng và thời điểm lúc bấy giờ. Vì thế đức Phật A Di Đà hay chư Bồ tát không hề có trong giáo lý Nguyên thủy là như vậy.

-Phương quảng hay còn gọi là phương đẳng là các kinh nói về nghĩa bình đẳng, rộng lớn sâu xa. Đó là các bộ Bảo Tích và Đại Tập.  Phương đẳng chia làm hai phần là Phương đẳng Hiển thuyết và Phương đẳng Mật chú. Hiển thuyết gồm có các kinh như Bảo Tích và Mật chú kinh thì có kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm và Mật chú Nghi quỹ gồm các kinh Kim Cương Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiển Chứng Đại Giáo Vương. Hiển và Mật hợp chung được 735 bộ, 1749 quyển.

          Kinh Pháp Hoa có 28 phẩm, nhưng riêng các phẩm có chữ Thọ Ký đã chiếm hơn ba phẩm. Đầu tiên Phật thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất trong phẩm Thí Dụ, rồi đến các đại đệ tử trong chương thứ sáu này. Kế đến Phật Thọ Ký cho năm trăm đệ tử trong chương thứ tám và sau cùng Phật Thọ Ký cho các vị Vô Học và Hữu Học trong chương thứ chín.

          Thế nào là thọ ký? Nếu cho rằng thọ ký là tiên tri nghĩa đức Phật biết trước người đệ tử nào sau này sẽ thành Phật ở đâu, Phật hiệu là gì, có bao nhiêu đệ tử…cũng không đúng. Bởi vì tiên tri là sự tiên đoán một hiện tượng nào đó sắp xảy ra. Hiện tượng này có thể xảy ra và cũng không bao giờ xảy ra cho nên tiên tri một sự việc nào đó chỉ là sự đoán trước không có gì bảo đảm sự việc đó chắc chắn sẽ xảy ra. Thí dụ vào những lúc gần đây có ông Harold Camping, a Christian Radio Broadcaster, một nhà truyền giáo Tin lành đã tiên đoán ngày tận thế của nhân loại dựa theo Thánh kinh mà ông nghiên cứu. Đó là ngày 21 tháng 5 năm 1988. Sau đó ông lại tiên đoán ngày 7 tháng 9 năm 1994. Gần đây nhất ông tiên đoán ngày tận thế là 21 tháng 5 năm 2011. Tháng năm năm 2011 đến rồi đi, nhân loại vẫn sống sờ sờ thì bây giờ ông lại tiên đoán lần chót là ngày 21 tháng 10 năm 2011. Tháng 10 năm 2011 một lần nữa đến rồi lại đi mà chúng ta vẫn sống, vẫn sinh hoạt như thường. Do đó thành tích tiên đoán của ông là 0-4 nghĩa là trật lất 100%, chỉ là nói nhăng nói cuội. Tại sao giáo lý của những đạo thờ Chúa lúc nào cũng nghĩ và nói đến tận thế? Tại vì họ luôn gieo vào trong đầu tín đồ của họ niềm lo âu sợ hãi cho nên Thượng đế sẽ là cứu cánh để nương tựa. Ngược lại đối với Phật giáo tất cả vạn pháp kể cả sự sống chết chỉ là hiện tượng duyên sinh nghĩa là duyên kết thì sống, duyên tan thì chết. Nhưng chết không phải là mất hẳn vì khi duyên mới kết tạo thì sẽ tái sinh trở lại chớ có mất cái gì mà phải lo sợ cho nên biết đạo thì sống thảnh thơi, tự tại, chết nhẹ nhàng thanh thoát tức là sinh thuận, tử an vậy. Thêm nửa, Phật giáo phủ nhận hoàn toàn chủ thuyết Thượng đế vì nếu Thượng đế sinh ra ta thì ai sinh ra Thượng đế? Cho nên chính ta mới là Thượng đế của chính mình chớ không ai khác. Vì thế Phật giáo không dạy chúng sinh hướng tâm ra ngoài cầu tha lực mà phải quay về nội tâm của chính mình để làm chủ nó thì cuộc đời sẽ vô cùng an vui, tự tại. Nói thế thì thọ ký không phải là tiên tri bởi vì tiên tri có thể đúng, có thể sai.

          Phải chăng thọ ký là dự đoán?  Khi thấy một người nào đó tinh tấn tu hành thì chúng ta dự đoán một ngày nào đó ông ta sẽ thành Phật. Dự đoán có thể đúng, nhưng có thể sai bởi vì nếu một duyên cớ nào đó xảy đến khiến ông ta trở thành giải đãi hay không tu hành nữa thì làm sao thành Phật. Khi nộp đơn xin đi du lịch ở Hoa kỳ, thân nhân của chúng ta dự đoán sẽ được đi. Nhưng quyết định cho đi hay không là do nhân viên sở di trú cho nên nếu hợp thức hóa họ cho đi, bằng không họ bác đơn. Vì thế thọ ký cũng không phải là dự đoán.

          Vậy phải chăng thọ ký là mệnh lệnh của một đấng chí tôn toàn năng? Cũng không phải vậy bởi vì đức Phật Thích Ca không phải là đấng thần linh tối thượng có toàn quyền phán quyết hễ thương ai thì cho người đó thành Phật, ghét ai thì đày họ vào địa ngục A tỳ. Vì đức Phật  thực chứng chân lý, thấu triệt tam minh nên có trí tuệ sáng suốt và cốt cách siêu phàm, nhưng không phải Ngài là đấng tối linh cho nên chính Ngài cũng xác định rằng: “Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian”. Đức Phật chiến thắng thế gian, nhưng cái chiến thắng này không cần phải giết hàng vạn địch quân, thậm chí không cần phải giết một con kiến hay chiếm đóng quốc gia nào. Tuy là kẻ chiến thắng nhưng Ngài sống rất đạm bạc với ba mảnh y và một bình bát cho nên chiến thắng được tâm mình để sống với Chơn tánh mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc Đại giác, Đại hùng vậy. Vì thế toàn bộ giáo lý Phật Đà, bao nhiêu pháp tu của đạo Phật không ngoài mục đích giúp chúng sinh làm chủ tâm mình.

          Thế thì không thể nào định nghĩa được từ “thọ ký” mà thọ ký có thể được hiểu là để nói lên một sự thật. Sự thật đó dựa vào nền giáo lý thâm sâu tận cùng của tư tưởng tinh hoa Pháp Hoa nghĩa là tất cả mọi người đều là Phật. Đặc biệt trong phẩm Phương Tiện khẳng định rằng mọi người là Phật đã thành bất chấp chúng sinh là hạng người nào, từ kẻ tu hành đạo đức đến bạc địa phàm phu vì ai ai cũng đều có Phật tánh, Tri Kiến Phật giống y như Phật rồi. Tại sao? Bởi vì nếu trong chúng sinh không có sẵn chất Phật (Phật tánh) thì Phật không bao giờ dám thọ ký cho ai cả cho nên bất cứ ai nếu biết rữa sạch bùn nhơ bám lấy chất Phật của mình thì chất Phật hiển bày, Phật tánh hiển lộ tức là thành Phật.

          Nhắc lại phẩm Tựa diễn bày tổng quát toàn bộ kinh. Đến phẩm Phương Tiện Phật nói lên cái bản hoài của chư Phật thị hiện trong thế gian này là để chúng sinh “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến” nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi người. Đó là trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều giống như Phật. Bây giờ trong Pháp Hội chỉ có bậc thượng căn thượng trí như ngài Xá Lợi Phất nhận ra Tri Kiến Phật của mình. Còn những bậc thượng căn trung căn khác như các Tôn giả Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na…Phật phải đưa ra phẩm Thí Dụ thì các ngài mới ngộ được Tri Kiến Phật. Sau khi thấu hiểu tường tận, các ngài bạch lên đức Phật sở ngộ của mình trong phẩm Tín Giải. Đáng lý ra đức Phật bắt đầu thọ ký, nhưng Ngài thấy trong Pháp Hội vẫn còn một số người chưa thâm nhập nên Ngài mới nói thêm phẩm Dược Thảo Dụ để cho họ thấu rõ thâm ý của Ngài. Giáo lý Phật Đà là bình đẳng cũng như trận mưa tưới nước đều cho tất cả cây cỏ. Chỉ vì cây cỏ kích thước không giống nhau, lớn nhỏ không đều cho nên khả năng hấp thụ nước khác nhau chớ lượng nước từ trận mưa tưới xuống đều giống nhau. Đến đây Phật bắt đầu thọ ký cho những đại đệ tử như Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên.

Bấy giờ Thế Tôn bảo đại chúng:

-Ma-ha-ca-diếp ở đời vị lai sẽ phụng thờ 300 muôn ức Phật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói vô lượng đại pháp của chư Phật. Thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh đủ mười đức hiệu. Nước tên là Quang Đức. Kiếp tên Đại Trang Nghiêm. Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp không có các thứ dơ xấu, không sạch. Đất đai bằng thẳng, lưu ly trong suốt, cây báu thẳng hàng, vàng ròng làm dây trang trí bên đường, hoa báo thơm đẹp tung rải khắp nơi. Bồ tát và Thanh văn số đông vô lượng. Dầu có ma và dân ma, nhưng không có việc ma, họ luôn luôn hộ trì Phật pháp.

Trong chương thứ ba phẩm Thí Dụ, đức Phật đã thọ ký cho ngài Xá lợi Phất sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai trong thế giới Ly Cấu. Đến phẩm này, đức Phật dạy ông Đại Ca Diếp phụng thờ 300 muôn ức Phật thì mới được thành Phật. Thâm ý Phật như thế nào? Lẽ nào có thể tìm ra được chừng ấy đức Phật trong cõi tam thiên đại thiên thế giới được hay sao? 300 muôn ức Phật là con số gần như vô lượng thì làm sao có được, không lẽ kinh viết sai? Tinh thần Pháp Hoa là tư tưởng thâm diệu tức là nói về Lý Thể chớ không phải Sự Tướng. Vì thế không có vần đề phải đi tìm từ vị Phật này đến vị Phật kia cho đến khi phụng thờ, cúng dường đủ 300 muôn ức Phật thì mới chính thức thành Phật. Nếu thế thì ý nghĩa thế nào? Phật mà kinh nói ở đây chính là Phật tánh, là Tri Kiến Phật, là Chơn tâm thường trú - Thể Tánh Tịnh Minh, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm thường trụ ở trong ta cho nên chúng sinh khỏi cần phải đến hành tinh nầy hay thế giới nọ để tìm bất cứ vị Phật nào cả. Thêm nữa, bản hoài của chư Phật thị hiện trong bất cứ thế giới nào không phải là để cho chúng sinh cúng dường, cung kính, ngợi khen mà nguyên nhân các Ngài ra đời là để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình và nương theo Phật thừa mà tu thành Phật. Dựa theo giáo lý Phật Đà, mặc dù chúng sinh có cúng dường vô lượng phẩm vật cho chư Phật thì các Ngài cũng không có chú nguyện ban phước gì cho ai được. Thật vậy, Phật không ban phước cho chúng sinh, nhưng vì chúng sinh tự mình gieo biết bao nhân lành (phước đức) thì theo luật nhân quả một ngày nào đó họ sẽ thọ lãnh quả lành chớ không phải phước đức là do Phật ban cho. 

Cái cốt lũy ở đây là những hạnh nghiệp như cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói vô lượng đại pháp của chư Phật chẳng qua là đang đi trên con đường giải thoát mà nhà Phật gọi là “xứng tánh khởi tu” nghĩa là tất cả những việc làm lành, làm thiện đó phù hợp với chân lý tức là “tùy thuận pháp tánh” cho nên con người quay về sống gần, sống đúng với Chơn tánh của mình. Vì thế phụng thờ 300 muôn ức Phật có nghĩa là thể hiện vô lượng vô biên những hạnh nghiệp hướng về Chân tánh của mình đó. Thế thì ý nghĩ tốt, lời nói thiện, việc làm lành là những hạnh nghiệp đưa chúng sinh sớm trở thành Phật chớ không phải đi hết chùa này rồi đến chùa nọ để cúng Phật mà tham sân si không bỏ, tập khí không chừa thì biết đến bao giờ mới thành Phật. Tại sao? Bởi vì Tánh của vạn pháp không hề có tham sân si, không có phiền não cho nên làm tất cả việc lành, việc thiện, việc phước là thực hành đúng và hợp với chân lý tức là mình đang sống tùy thuận với pháp tánh đó. Còn nếu chúng sinh thực hành rốt ráo lục độ vạn hạnh như Bố thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Tuệ thì chính họ đã trở về với Phật tánh thanh tịnh vốn sẵn có của mình chớ không thành cái gì hết. Vì vậy cho dù có làm bao nhiêu việc lành, có giảng bao kinh Phật, có bố thí, trì giới…một cách trọn vẹn chẳng qua là trở về với Phật tánh vốn có của mình nên mới gọi là xứng tánh khởi tu tức là tự mình trở về với đức tánh thánh thiện của mình vậy thôi chớ không có vị Phật nào ban phước gì cho ai hết. Nói cách khác cúng dường Phật ở đây là cung dưỡng Pháp tánh, cung dưỡng Phật tánh, là tánh thanh tịnh bản nhiên vốn có của mình chớ không tìm vị Phật xa xôi nào ở đâu cả. 

Dưới con mắt của phàm nhân thì có thành Phật vì Phật có Vô thượng Bồ Đề, Vô thượng Niết bàn tức là có giải thoát tự tại,  nhưng thật chất thì thành Phật là trở về với Phật tánh vốn có của mình sau khi đã hóa giải hết vô minh phiền não thế thôi cũng như một khi rữa sạch hết bùn nhơ thì chất vàng hiện ra bởi vì chất vàng bị che lấp bởi bùn nhơ vô minh phiền não. Vì thế, nói thành Phật chớ kỳ thật không thành cái gì hết, chỉ là trở về với Phật tánh thanh tịnh vốn có của mình vậy thôi. Điều này đã được xác định trong kinh Bát Nhã, Duy Ma Cật, Viên Giác, Kim Cang, đặc biệt câu: “Dĩ vô sở đắc cố” trong Tâm Kinh đó sao. Tất cả hiện tượng vạn pháp đều phát nguyên từ bản thể chơn như mầu nhiệm, nhưng con người phải lìa văn tự, ly ngữ ngôn, hồi quang phản chiếu để thấy được bản tâm thanh tịnh thì Bồ-đề, Niết bàn mới hiển lộ. Tuy nhiên, người đệ tử Phật khi tu hành thì muốn được chứng đắc nên dùng tâm muốn lấy, muốn kiến, muốn đắc cho nên họ lại lọt vào vọng rồi. Thí dụ, tham thiền để muốn được kiến tánh tức là kiến tánh thành Phật hay niệm Phật để muốn được nhất tâm thì tâm này là vọng tâm. Tại sao? Bởi vì Phật của mình đã thành sẵn rồi chớ không phải khi kiến tánh mới đắc được, do vậy mà chư Tổ đã dạy rằng : “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” là vậy. Nếu còn hy vọng chứng đắc là vọng. Người đệ tử Phật phải tin rằng mình đã sẵn có diệu tâm, Tri Kiến Phật sáng tỏ, không phải do tu mới thành, do chứng mới đắc. Tất cả kinh điển của Phật chỉ là phương tiện dùng để phá tư tưởng chấp thật của mình. Vì thế, khi thức tỉnh thì mới biết mình có tất cả. Tự tánh Bồ-đề, tự tánh Niết bàn thì lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh cũng như mây tan thì trời sáng hay đào ao có nước thì ánh trăng sẽ hiện mà không cần phải trông chờ mong đợi gì hết. 

Khi Tôn giả Đại Ca Diếp thành Phật hiệu là Quang Minh nghĩa là thân Ngài phóng ra kim quang và cõi nước tên là Quang Đức vì nhân dân trong nước đó đều có quang minh và đức hạnh. Phật Quang Minh tuổi thọ 12 tiểu kiếp và Chánh pháp trụ 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp là 16.8 triệu năm cho nên 12 tiểu kiếp là 201.6 triệu năm. Không lẽ Phật Quang Minh sống lâu đến trên 200 triệu năm? Kinh có nói quá không vì không có con người nào sống lâu như vậy chẳng những không phù hợp với khoa học mà còn thiếu thực tế? Đó là chưa kể đất đai bằng lưu ly, nhà cửa làm bằng vàng ròng, trân châu, mã não…Vàng bạc kim cương ở đâu mà nhiều thế? Thế giới diễn tả trong đoạn kinh này giống y như cảnh tượng trong thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Vậy hư thật thế nào?

1)Trong thế giới Ta Bà chúng ta đang sống thì những loại như vàng bạc, pha lê, kim cương, mã não, san hô, xà xừ…trở thành quý báu bởi vì chúng rất hiếm, rất khó kiếm, rất mắc tiền. Chỉ có những người giàu, quyền quý, vương gia vọng tộc mới có thể mua sắm những thứ đó. Nhưng thử nghĩ lại, nếu tất cả nhà cửa, đường xá, lầu đài, cỏ hoa, xe cộ, bát chén đều làm bằng vàng bạc, pha lê, kim cương, mã não thì nó đâu còn quý hiếm nữa. Thí dụ, ngày xưa vua Lê than thở với Trạng Quỳnh rằng ngày nào cũng ăn toàn cao lương mỹ vị và những món hiếm có trên đời nên ăn mãi đâm ra chán, chẳng thiết tha đến nó nữa. Nghe thế Trạng Quỳnh mời nhà vua ngày mai đến nhà, thiết đãi một món ăn rất đặc biệt sẽ làm nhà vua hài lòng. Y hẹn, nhà vua đến từ sáng sớm rồi chờ. Trạng Quỳnh nói món này rất hiếm nên phải nấu lâu nhà vua cảm phiền uống trà đợi. Sáng qua, chiều đến mà món ăn quý chưa dâng lên cho vua. Chiều qua tối sắp đến, bụng nhà vua cồn cào như sóng vỗ trường giang vì từ sáng đến giờ chỉ uống toàn nước trà. Tối đến, nhà vua chịu hết nổi mới bảo Trạng Quỳnh đem đại bất cứ món nào cũng được. Khi ấy người nhà mới đem ra tương rau cải luộc. Quá đói nên nhà vua ăn rất ngon. Vì thế cái quý không phải là vàng bạc mà vì nó hiếm có cho nên nếu rau luộc mà khó kiếm thì nó sẽ trở thành quý báu chớ không nhất thiết phải là vàng bạc. Bây giờ nếu nhìn sâu một chút thì cho dù là vàng bạc, kim cương, hột xoàn hay là gì đi chăng nữa thì tất cả vẫn là pháp hữu vi. Hãy lắng nghe bài kệ Phật nói trong kinh Kim Cang rằng:

v  Nhất thiết hữu vi pháp,

v  Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

v  Như lộ diệc như điện,

v  Ưng tác như thị quán”.

Dịch là

·         Tất cả pháp hữu vi,

·         Như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng

·         Như sương, như điện chớp,

·         Nên quán tưởng như thế.

Thế thì vàng bạc, kim cương, hột xoàn, lưu ly, trân châu, mã não...chẳng khác nào như giấc mộng, như huyễn hóa, như bọt nước, như bong bóng trời mưa, như làn sương buổi sáng, như ánh điện chóp nhanh, có đó rồi mất đó, rốt cuộc chẳng có gì. Người giác ngộ nào chẳng biết điều này.

Tóm lại, ở đây Phật dùng phương tiện, nói cho đẹp lòng vừa ý để dẫn dụ chúng sinh ham thích mà cố gắng tu hành. Bởi vì khi đã thâm nhập giáo lý Phật Đà thì “Tùy kỳ tâm tịnh, Tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ, tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là một khi có tâm thanh tịnh thì thế giới mình đang sống chính là cõi Tịnh độ. Mà muốn có cõi Phật thanh tịnh như thế, trước hết phải gạn lọc cho hết vô minh phiền não thì tâm mới thanh tịnh được. Bằng chứng là đức Phật Thích Ca vẫn sống trong thế giới này mà Ngài vẫn có Vô thượng Bồ Đề, Vô thượng Niết bàn đấy chứ. Thế giới này đối với Ngài là cõi Phật Tịnh độ đấy chứ. Ngày xưa đức Phật xuất thân là vị Thái tử quyền uy danh vọng cao sang thế mà khi xuất gia thì Ngài bố thí tất cả để trở thành người khất sĩ. Do đó triết lý cao thượng của đạo Phật là đi ngược lại với cuộc sống của thế tình. Những gì thế gian xem là cao quý thì nhà Phật coi như cỏ rác. Còn những gì mà thế nhân khó thực hành thì nhà Phật mới cho là cao quý. Do đó, nếu nói về vật chất thế gian thì bảy báu là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, san hô và mã não. Nhưng diệu ý ở đây, bảy báu là bảy con đường thiện xão chuyển con người từ mê đến giác, từ phàm đến Thánh. Đây chính là Thất Thánh Tài và gồm có: Giới, Tín, Văn, Sám hối, Tinh tấn, Buông xả và Trí tuệ.

v  Vàng là vật cao quý chẳng khác gì Giới

v  Bạc là sự thay trắng đổi đen nên ám chỉ cho Tín tức là lòng tin vào Phật pháp, không còn nghi ngại.

v  Lưu ly là lưu chuyển tượng trưng cho Văn tức là tánh nghe.

v  Xà cừ có hình tướng xấu xa nên ám chỉ cho Sám hối.

v  Trân châu là thanh cao tượng trưng cho Tinh tấn.

v  San hô thì tượng trưng cho Buông xả.

v  Mã não thì sáng chói tượng trưng cho Trí tuệ.

Thất Thánh tài nói lên quá trình tiến tu của người Phật tử bằng cách giữ gìn giới hạnh để tâm được thanh tịnh rồi mới phát khởi lòng tin vào Chánh Pháp vì Phật đã khẳng định rằng ai ai cũng có khả năng thành Phật nếu tinh tấn tu hành. Nếu có được công đức thì nên buông xả, pháp thí hết bằng cách hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Con đường Phật đạo viên mãn là người Phật tử phải biết ăn năn sám hối làm lành tránh dữ và vung bồi công đức thì trí tuệ sẽ phát sinh. Có trí tuệ tức là thấy được Chân lý. Mà muốn thấy được Chân lý thì con người phải có đủ nghị lực để lìa bỏ, buông xả và hy sinh những của cải cao quý tạm bợ của trần gian để vào Thánh đạo bằng cách tích tụ hằng hà công đức, giữ tâm thanh tịnh và dựa theo Thất Thánh Tài thì mới thành tựu.

2)Phật Quang Minh có thể sống trên 200 triệu năm?

Dựa theo tư tưởng của kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuha), đức Phật bây giờ không còn là người sống trong thế giới có nhận ra giữa những giới hạn của thời gian và không gian. Trong thế giới tâm linh này, khái niệm về thời gian hoàn toàn bị xóa bỏ. Phật trong Hoa Nghiêm là không có trong thời gian liên tục nghĩa là quá khứ, hiện tại và vị lai được cuộn tròn trong cái khoảnh khắc giác ngộ hiện tại này. Đây chính là Trí Huệ Phật (Phật tánh) của tất cả mọi người. Vì Phật nói ở đây là Trí Huệ Phật thuộc về thế giới vô vi mà ở đó thời gian là vô nghĩa nên kinh có thể nói Phật thọ một trăm triệu, hai trăm triệu năm hay bao nhiêu triệu năm cũng được.

Do đó đối với kinh điển Đại thừa, không thể dựa vào văn tự mà hiểu ngay được cho nên các bậc tôn đức ngày xưa nói rằng: "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” nghĩa là dựa vào văn tự của kinh điển mà nói theo đó là oan cho ba đời chư Phật, còn rời bỏ kinh điển mà nói cho dù là một chữ cũng là ma nói. Vì thế khi nghe kinh nói vị Phật này thọ trên mấy trăm triệu năm hay quốc độ toàn là vàng bạc trân châu quý báu thì đừng hiểu thẳng như vậy là hàm oan cho ba đời chư Phật bởi vì các Ngài chỉ dùng phương tiện để diễn bày Phật tánh (Trí Huệ Phật) và thâm nghĩa của Thất Thánh Tài chớ trên vũ trụ này không ai sống thọ đến mấy trăm triệu năm bao giờ và cũng không có thế giới nào làm toàn bằng vàng bạc pha lê như thế trong càn khôn vũ trụ này cả, chẳng những nó không phù hợp với khoa học ngày nay mà còn đưa con người sống trong ảo tưởng hoang đường (tưởng tri). Đức Phật chỉ dạy con người phát triển tuệ tri (trí tuệ sáng suốt) chớ không dạy tưởng tri. 

Khi nói đến tư tưởng Hoa Nghiêm, cũng nên nhắc đến bài pháp của Lâm Tế Thiền sư nói về về Văn-thù (Mañjuśrī), Phổ Hiền (Samantabha) và Quán Thế Âm (Avalokiteśvara). Ngài nói:

-Có một số tăng đồ tìm kiếm Văn-thù trên Ngũ đài sơn, nhưng họ đã bước sai đường rồi. Chẳng có Văn-thù nào trên Ngũ đài sơn. Các người muốn biết ngài ở đâu không? Ngay tại lúc này, cái gì đó nó đang hành sự trong các ngươi, vững vàng không lay động, tin chắc không nghi ngờ, cái đó chính là Văn-thù sống vậy. Ánh sáng vô phân biệt chớp lên trong một niệm của các ngươi, đấy là ngài Phổ Hiền của các ngươi thường trụ chân thật. Mỗi một niệm của các ngươi, mà biết cách bẻ gãy xiềng xích, được giải thoát trong mọi thời, đó là đang thâm nhập vào Chánh định của Quan Thế Âm. Mỗi vị cũng hiện hành đồng thời và đồng xứ, tuy ba mà một. 

Ma thì có nội ma (Phiền não ma, Ngũ uẩn ma, Pháp hành ma, Tứ diệt ma, Tử ma) và ngoại ma (Chư thiên ma). Tuy ngoại ma đôi khi hóa hiện nhiều hình tướng ma quái khác nhau để hảm hại hay hù dọa con người, nhưng thật ra nội ma thì quan trọng hơn nhiều. Nội ma thì không hình không tướng mà có đủ nội lực để sai khiến và thúc đẩy con người vào hố thẳm của tội lỗi đau thương nên đạo Phật chỉ chú trọng đến nó để thanh lọc thanh tâm của mình. Người đạo tâm yếu thì bị ma quái chọc ghẹo, quấy phá và đôi khi còn bị hảm hại nữa. Còn những bậc đức độ cao dầy và ý chí sắt đá chẳng những không khiếp nhược trước bọn ma quỷ nầy mà họ còn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về với chánh đạo.

Như thế đức Phật Thích Ca đã giải bày rất rõ ràng rằng bất cứ ai thực sự thấu hiểu và hành trì đứng đắn chân lý của Ngài thì sẽ thành một vị Phật như Ngài. Có thể khẳng định rằng không có nhân bản nào hơn nhân bản kinh Pháp Hoa, không có nhân vị nào hơn nhân vị kinh Pháp Hoa, không có dân chủ nào hơn dân chủ kinh Pháp Hoa và không có bình đẳng nào hơn tinh thần bình đẳng của kinh Pháp Hoa. Đây chính là tinh hoa của đạo Phật, đưa Phật giáo lên vút tận ngàn khơi trong khi những tôn khác trên thế giới vẫn còn leo đeo nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ vì những giáo điều bất công, bất bình đẳng của họ.

Nói xong, Phật thuyết một bài kệ lập lại ý trên.

Lúc bấy giờ ngài Đại-mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Ca Chiên Diên… thảy đều run sợ. Chấp tay chiêm ngưỡng Phật và cùng có chung tâm niệm đại ý như sau: Thế Tôn, nếu thấu rõ lòng chúng con, xin ban cho chúng con lời thọ ký để được an lòng. Chúng con biết lỗi của Tiểu thừa, nhưng chưa tin khả năng của mình có thể được Phật tuệ. Chúng con ví như người đói gặp bữa tiệc vua, nhưng chưa dám ăn. Dù nghe Phật nói tất cả sẽ thành Phật, nhưng chưa được Phật thọ ký thì lòng chúng con vẫn còn lo ngại. Phật thọ ký rồi, lòng chúng con thỏa mãn, như kẻ đói được bảo ăn.

Khi Tôn giả Đại Ca Diếp được Phật thọ ký sẽ thành Phật thì các ngài Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên nóng nảy, bồi hồi, lo sợ không biết Phật có thọ ký cho mình chăng. Các ngài nghĩ rằng trình độ tu chứng của mình cũng ngang hàng với ngài Ca Diếp, thời gian theo chân đức Phật hoằng pháp độ sanh cũng chẳng thua kém gì ngài Ca Diếp. Đại Ca Diếp là đại đệ tử, các ngài cũng là đại đệ tử của Phật, Đại Ca Diếp được Phật thọ ký, không lẽ Phật không thọ ký cho mình? Vì thế nếu được Phật thọ ký thì cũng như được rưới nước cam lồ khiến cho tâm các ngài được mát mẻ, nhẹ nhàng thanh thoát. Hàng Thanh Văn thì chấp có tu, chấp có chứng đắc, chấp có Niết bàn…cho nên ở đây các Ngài chấp phải được nghe chính Phật thọ ký thì mới an lòng. Vì còn chấp, còn tùy thuộc vào khuôn khổ nên các ngài tự ví mình như người đói được vua ban cho đủ thứ thức ăn sang trọng bày la liệt trên bàn, nhưng lòng còn lo sợ không dám ăn vì chưa được mời. Đến khi vua mời, các ngài mới dám ăn. Tuy thấy các Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Ca Diếp được Phật thọ ký, nhưng chưa dám tin rằng mình sẽ được Phật thọ ký thành Phật cho đến khi chính thức được đức Phật thọ ký thì các ngài mới an lòng, mới tin chắc.

Khi Phật giáo Đại thừa truyền vào Trung Hoa thì Thiền tông cũng nối tiếp tư tưởng thọ ký này cho việc ấn chứng của các thiền sư ngộ đạo.

Lục Tổ Huệ Năng sau khi làm bài kệ:

§  Bồ Đề bổn vô thọ

§  Minh cảnh diệt phi đài

§  Bn lai vô nhất vật

§  Hà xứ nhạ trần ai

Dịch là:

·         Bồ Đề chẳng phải cây

·         Chơn tâm chẳng phải đài (gương)

·         Xưa nay không một vật

·         Chỗ nào dính bụi trần.

          Liền được Tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng (ngộ đạo) và trở thành Lục Tổ. Về sau, khi Lục Tổ trụ trì ở chùa Nam Hoa, Vĩnh Gia Đại sư nghe lối truyền “tâm ấn”  của Thiền tông. Đó là “Nhĩ đề diện mệnh, khẩu thọ tâm hội” nghĩa là “đối diện rỉ tai, lời trao tâm lãnh” nên Sư không ngại ngàn dặm đường xa tìm đến Lục Tổ để cầu ấn chứng.

Lúc Sư đến thì cùng lúc Lục Tổ đang thuyết pháp. Sư đắp y, tay cầm tích trượng tiến lên pháp tòa, đi nhiễu bên phải ba vòng, rồi đứng trước Lục Tổ, không cúi đầu đảnh lễ mà quát lớn một tiếng. Tổ hỏi :

- Người xuất gia gọi là Sa-môn phải có phép tắc, phải đủ ba trăm oai nghi, ba ngàn tế hạnh. Tại sao ông tới đây mà lại có thái độ thô lỗ như vậy, một chút lễ phép cũng không có?

Vĩnh Gia đáp :

- Sanh tử là việc lớn, vô thường quá mau.

Ý Sư muốn nói rằng việc dụng công tu tập quá cấp bách nên không còn thời gian để làm lễ. Chuyện sống chết quá to lớn, con quỷ vô thường nó đến bất cứ lúc nào nên không có thì giờ hành lễ hay nghiên cứu cái gì là ba trăm oai nghi hay ba ngàn tế hạnh cả.

Tổ bèn nói :

- Sao chẳng thể giải cái không sanh và liễu ngộ cái không mau chóng?

Ý Tổ muốn nói rằng tại sao Sư không nghiên cứu pháp vô sanh là để đối lại với sanh tử? Tạo sao không thấu hiểu đạo lý của cái không mau là để đối lại với cái vô thường quá mau.

Sư thưa lại :

- Thể giải tự tánh tức là không sanh, liễu ngộ tự tánh rồi thì vốn không có mau chóng.

Ý Sư nói rằng khi đã quay về với thể tánh thanh tịnh tức là sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh của mình thì làm gì còn sống chết tức là vô sanh. Và một khi sống với cái tự tánh thanh tịnh đó thì không còn quá khứ, hiện tại hay vị lai tức là tâm không còn bị thời gian (ngoại trần) giả dối chi phối.

Tổ bảo :

- Nếu ông đã nói rằng thể giải tức vô sanh, ngộ rồi thì vốn không có mau chậm, vậy ai là kẻ phân biệt?

Ý của Tổ là: tuy biết rằng hễ liễu ngộ chơn tâm Phật tánh thì bất sanh bất tử, không còn già trẻ sống chết đổi thay, nhưng ai là người nói? Vì hễ có nói là hư vọng, đâu còn là chân thật cho nên chơn tâm biến mất.

Sư đáp :

- Phân biệt cũng chẳng phải ý. Nghĩa là không có tâm niệm ở chỗ phân biệt.

Ý của Sư là biết chớ chẳng nói ra. Nói là nói vậy thôi chớ không có ý niệm nói. Vì thế mà ngày xưa chính đức Phật tuy thuyết pháp độ sinh suốt 49 năm, nhưng Ngài nói “Ta chưa hề nói một chữ” bởi vì cái mà nói được thì không thật.

Liền đó, Lục Tổ bèn ấn chứng cho Vĩnh Gia Đại sư.

- Đúng thế! Đúng thế!

Sư thấy Tổ đã ấn chứng cho mình, bèn dùng đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Sau đó Sư xin cáo từ.

Tổ thấy Sư tới nơi chỉ nói mấy câu rồi ra đi, mới hỏi rằng:

- Sao lại ra đi quá mau như vậy?

Sư thưa :

- Vốn tự không động, há có mau ư?

Ý Sư muốn nói bổn lai không đến không đi thì làm gì có mau có chậm?

- Ông thật đã chứng được vô sanh!

- Vô sanh có ý sao?

- Không ý, cái gì phân biệt được?

- Phân biệt cũng không phải ý.

- Ông có thể liễu, nhưng không nên đi.

Lúc đó Sư biết Lục Tổ quả đã ấn chứng cho mình nên Sư ở lại chùa Nam Hoa một đêm. Vì thế mà người đương thời gọi Sư là “Nhất túc giác” nghĩa là ngộ một đêm. Vĩnh Gia Đại sư là người đã nghiêm trì kinh Duy Ma Cật đến chỗ liễu ngộ và về sau viết ra “Chứng Đạo Ca”.

Phật giáo Đại thừa không chấp có chứng đắc nên Tâm kinh có câu “Vô Trí diệc Vô đắc” và “Dĩ vô sở đắc cố” nghĩa là kinh dùng chữ “VÔ” để quét sạch cái chấp của chúng sinh tức là chấp có cũng bỏ, chấp không cũng bỏ, nhưng Vĩnh Gia Đại Sư làm những bài ca (bài kệ) để nói lên chỗ chứng đắc của mình thế thì ngài nói chỗ chứng đắc gì? Nếu đã ngộ đạo thì tại sao ngài vẫn còn chấp? Đã không có chỗ chứng đắc thì cần gì phải đi ngàn dặm, vượt núi trèo non cầu người ấn chứng? Ngài có tự mâu thuẫn với chính mình chăng? Trong Chân Không Diệu Tánh, Phật tánh luôn sẵn có cho nên chứng đắc chỉ là cách nói, là giả danh để tìm về với con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của chính mình.

          Tóm lại, những đệ tử Phật khi xưa trông mong được Phật thọ ký như thế nào thì các Thiền sư Đại thừa đời sau cũng khao khát được thầy ấn chứng cũng như vậy. Vì thế mới có những mẩu chuyện nói về các Thiền sư sau khi ngộ đạo rồi liền đi tìm các vị Thiện hữu tri thức để trình lại sở ngộ của mình và cầu ấn chứng để yên tâm tu hành. Nên nhớ ngộ đạo chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình hướng về giải thoát giác ngộ mà cứu cánh phải là thành đạo. Cũng như kiến tánh chỉ là nhận được Phật nhân của mình còn đến Phật quả tức là thành Phật đòi hỏi hành giả dụng công tu hành trải qua nhiều đời nhiều kiếp nữa. 

Biết tâm niệm của các đệ tử, Thế Tôn bèn bảo:

-Ông Tu-bồ-đề, đời vị lai phụng thờ 300 muôn ức na-do-tha Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thường tu hạnh thanh tịnh, tròn đủ đạo Bồ tát. Thân rốt sau thành Phật hiệu Danh Tướng Như Lai, đầy đủ mười đức hịêu. Kiếp tên Hữu-Bảo, nước tên Bảo Sanh, quốc độ bằng thẳng, đất lưu ly, cây báo trang nghiêm, hoa báu khắp đất. Không có các thứ nhiễm ô bất tịnh. Dân cõi nước đó chỗ ở đẹp đẽ, nguy nga, tráng lệ. Hàng đệ tử Thanh Văn đông không kể xiết. Chúng Bồ tát vô số ức na-do-tha. Đức Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ ở đời 20 tiểu kiếp. Phật thường trụ trong hư không thuyết pháp độ thoát vô lượng Bồ tát và Thanh văn.

Ở đây, đức Phật dùng chữ na-do-tha nghĩa là hằng hà sa số, bất khả thuyết tức là nhiều vô lượng không thể nói hết ra được. Ý nghĩa đoạn kinh này cũng giống như đoạn kinh trước. Đức Phật dạy Tôn giả Tu Bồ Đề cúng dường, cung kính, tôn trong, khen ngợi vô lượng chư Phật và tu trọn vẹn lục độ vạn hạnh thì ngài sẽ thành Phật hiệu là Danh Tướng Như Lai, có quốc độ tên là Bảo Sanh. Trong thế giới có đủ Tam Bảo nên gọi là Hữu Bảo và Tam Bảo sinh vào quốc độ của ngài nên gọi là Bảo Sanh.

Chư Phật ở đây chính là Phật tánh thanh tịnh vĩnh hằng trong tâm của tất cả chúng sinh. Vì vậy, cung kính, cúng dường nghĩa là phải quay về với Chơn tâm, Phật tánh, tự tánh thanh tịnh bản nhiên vốn có của mình mà sinh hoạt trong đó. Nói cách khác cúng dường, cung kính Phật ở đây là giữ gìn thân khẩu ý cho được thanh tịnh, tránh xa điều bất thiện và vun bồi xây đắp các việc lành. Làm chủ sáu căn đừng cho chạy theo khách trần phiền não, chặt đứt thập triền thập sử khiến cho tâm luôn thanh tịnh, có khinh an tự tại thì đây là sự cúng dường vô vàng chư Phật rồi vậy. Hàng Thanh Văn, Bồ Tát trong quốc độ này nhiều vô số kể nghĩa là tiến trình đến Phật quả phải trải qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi công phu tu hành vô lượng vô biên tiêu trừ kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc và thực hành lục độ vạn hạnh viên mãn cho đến khi đạo quả viên tròn thì thành Phật. Do đó không có vấn đề cầu nguyện van xin trong đạo Phật mà chỉ có một con đường duy nhất để viên thành Phật đạo là vận công tu hành, loại bỏ dần dần cho hết tất cả tập khí ngã mạn, ly ác pháp, lìa tham dục thì tâm sẽ chuyển từ từ về hướng thanh tịnh Niết bàn. Vì thế cho dù là tu theo Tiểu thừa, Đại thừa hay Nhất thừa thì cứu cánh vẫn là loại cho hết cái gốc tham sân si bằng không cho dù có kiến tánh hay ngộ gì đi chăng nữa thì trong tâm vẫn còn tranh chấp, chạy theo thời thế, ham muốn lợi danh tức là vẫn là phàm nhân thế tục, không phải là Thánh giả.

Rồi đức Thế Tôn cũng nói bài kệ lập lại ý nghĩa trên nghĩa là trùng tụng.

Đức Thế Tôn dạy tiếp: 

-Ông Ca-chiên-diên đời vị lai dùng các đồ cúng dường và phụng thờ 8.000 ức Phật. Sau khi chư Phật diệt độ, ông dựng tháp cao 1.000 do tuần, rộng 500 do tuần, toàn bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, san hô,  hổ phách, còn cúng các thứ hoa thơm, chuỗi ngọc, hương xoa, hương đốt, lọng nhiểu, tràng phan… làm cho tháp miếu huy hoàng tráng lệ. Sau đó lại cúng dường 20 muôn ức Phật nữa. Bấy giờ đầy đủ đạo Bồ tát, ông sẽ được thành Phật hiệu Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai đủ mười đức hiệu. Quốc độ của Phật toàn thất bảo hợp thành. Lan can trang trí bằng vàng ròng, châu ngọc báu lạ, cõi nước của Phật Kim Quang Như Lai không có 4 đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Chỉ có Trời, Người, và vô lượng Thanh Văn, Bồ Tát. Phật thọ mạng 12 tiểu kiếp, chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp, tượng pháp cũng vậy.

Kinh dạy rằng sau khi chư Phật nhập diệt, Tôn giả Ca Chiên Diên xây tháp cao 1000 do tuần, rộng 500 do tuần toàn bằng vàng bạc, lưu ly, rân châu, mã não…Mỗi do tuần là một dặm tức là trên 1.6 cây số. Thử nghĩ làm sao Tôn giả Ca Chiên xây được một cái tháp cao trên 1600 cây số, có chu vi khoảng 2500 cây số vuông và làm toàn bằng những thứ vàng bạc quý báu. Vàng bạc ở đâu mà có thể quyên về để xây một cái tháp quá lớn như vậy? Giả sử xây được như thế, nhưng với mục đích gì? Đức Phật Thích Ca bỏ cả cung thành tráng lệ, bỏ cả vợ đẹp con xinh, bỏ cả uy quyền danh vọng, bỏ tất cả để trở thành người Khất sĩ rồi mới thành Phật. Do đó giáo lý tuyệt vời của đạo Phật là buông xả chớ đâu phải đi tu là phải xây chùa, xây tháp cho thật to, thật lớn để mang thêm nỗi khổ cho mình, cho người.

Nhưng thâm ý của kinh khi nói xây dựng bảo tháp to lớn, đẹp đẻ là muốn trao dồi trang nghiêm về Pháp tánh. Bởi vì những thứ như vàng bạc, pha lê, trân châu, mã não…vốn có tự tánh thanh tịnh bản nhiên, không hề bị ô nhiễm. Sau đó cúng dường vô lượng chư Phật là trao dồi Phật tánh của chính mình. Đó là mỗi ngày phải bồi dưỡng trí tuệ, phát triển từ bi để sống gần với Chơn tánh trong sáng của mình. Khi đã thấu triệt Pháp tánh của vạn pháp và Phật tánh của chính mình thì con đường thành tựu Phật quả sẽ không còn xa nữa. Người tu theo Đại thừa phải biết rằng thật tướng của vạn pháp là tướng “Không” ngay cả duyên sanh như “Huyễn” nên không chấp cái gì là thật cả. Vì thế cho dù bảo tháp làm bằng vàng bạc, trang trí  huy hoàng tráng lệ thì nó vẫn là “Không”, do duyên giả hợp chẳng khác nào như giấc mộng, như huyễn hóa, như bọt nước, như bong bóng trời mưa, như làn sương buổi sáng, như ánh điện chóp nhanh, có đó rồi mất đó, rốt cuộc chẳng có gì.

Kinh điển tối thượng thừa không dạy chúng sinh xây chùa to, tháp lớn chỉ làm tổn hại sức bá tánh, tăng thêm tập khí ngã mạn (chùa tôi lớn hơn chùa thầy) mà chỉ dạy họ quay về sống theo chân lý, sống đúng với chân lý và sống phù hợp với chân lý. Con người vì chạy theo trần cảnh, sáu căn luôn dính mắc sáu trần nên quên đi cái tánh giác, Phật tánh sáng suốt của mình. Nhưng tuy bị lãng quên tánh giác vẫn luôn sáng soi chiếu rọi qua sáu căn mà con người không bao giờ để ý đến. Vì thế nếu chúng sinh quay về hồi quang phản chiếu, soi sáng tự tánh để sống với chơn tánh hằng sáng của mình thì vô minh tan biến, phiền não tiêu trừ, thân tâm thường an lạc.

Đức Thế Tôn tuyên lại ý nghĩa trên bằng một bài kệ.

Sau hết, đức Phật thọ ký cho ông Đại-mục-kiền-liên rằng ông Đại-mục-kiền-liên sau nầy sẽ cúng dường 8.000 ức Phật.  Sau các Phật diệt độ, dựng tháp miếu cao 1.000 do tuần, rộng 500 do tuần, cũng toàn bằng thất bảo. Trang trí hương hoa, chuỗi ngọc vàng ròng, lọng nhiểu, tràng phan… để cúng dường trang nghiêm tháp miếu. Sau đó, lại cúng dường 200 muôn ức Phật, rồi được thành Phật hiệu Đa-Ma-La-Bạt-Chiên-Đàn-Hương đủ mười đức hiệu. Kiếp tên Hỉ Mãn, nước tên Ý Lạc. Quốc độ bằng thẳng. Đất pha lê, cây vàng, lá bạc, hoa trân châu, khắp nơi sạch sẽ, ai thấy cũng hoan hỉ. Trời Người vô số, Thanh Văn, Bồ Tát không thể đếm xiết. Phật thọ 24 tiếu kiếp, tượng pháp cũng vậy.

Sau cùng, Phật thọ ký cho ngài Mục Kiền Liên sau này sẽ thành Phật, hiệu là Đa-Ma-La-Bạt Chiên-Đà-Hương Như Lai. Đa-Ma-La-Bạt nghĩa tự tánh thanh tịnh, chẳng nhiễm bụi trần. Chiên Đàn Hương là tên của một thứ gỗ thơm nhất đời. Thế giới của Ngài là Hỉ Mãn ngụ ý là trong thế giới này, toàn là sự an vui cho nên cũng còn có tên là Ý Lạc. Cúng dường cho 8000 ức Phật nghĩa là bồi dưỡng, cung cấp trí tuệ giải thoát giác ngộ của mình. Cũng giống như những thế giới của những vị Phật ở trên, cõi Phật của ngài Mục Kiền Liên có rất nhiều kim cương, châu báu, lầu vàng gác tía, nhưng đây chỉ là dẫn dụ để chúng sinh ham thích mà tu đạo chớ cho dù là gì đi chăng nữa thì vẫn là sinh diệt vô thường. Thí dụ, chúng sinh nhìn đóa hoa thì cho là hoa lan màu trắng rất đẹp, rất thơm, nhưng đức Phật không nhìn đoa hoa bằng hình tướng, màu sắc bên ngoài mà Ngài nhìn nó là như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh nghĩa là Ngài nhìn thẳng vào thật tướng của đóa hoa chớ không nhìn hình tướng biến đổi sinh diệt như phàm nhân. Tại sao? Bởi vì tên hoa lan là những danh ngôn giả lập do con người đặt ra để gọi vậy thôi chớ tên hoa lan không bao giờ có trong đóa hoa đó. Một thí dụ khác, nhìn vào chiều dài của lịch sử nước Việt Nam bắt đầu từ thời Văn Lang các vua Hùng Vương (2809-258 trước công nguyên tức là trước tây lịch), đến Âu Lạc thành Cổ Loa (257-207 trước công nguyên tức là trước tây lịch), đến Nam Việt gồm Lưỡng Quảng (207-111 trước công nguyên tức là trước tây lịch), đến thời Hai Bà Trưng (40-43 sau công nguyên tức là sau tây lịch), đến thời đại Vạn Xuân tiền Lý (544-602), rồi đến An Nam (671-…), đến thời đại Đại Cồ Việt (968-980), rồi đến Đại Việt (1010-1527), sau đó đổi sang Đại Ngu (Nghiêu) (1400-1407) Hồ Quý Ly diệt nhà Trần, rồi đến Đại Nam (1820-1945) rồi sau cùng đến Việt Nam cho đến ngày nay. Gọi nhiều tên như thế vậy tên nào là tên thật cho đất nước Việt Nam? Không có tên nào là tên thật cả vì nó là giả danh do con người đặt ra vậy thôi. Mỗi triều đại gọi một cái tên khác nhau, nhưng đất nước Việt Nam muôn đời vẫn là đất nước Việt Nam, không thay đổi.

Tuy kinh điển Đại thừa thường nói có nói thế giới này, thế giới nọ, nhưng pháp giới là nhất chân, là bất nhị nên thế giới này cũng là thế giới kia. Vì thế trong kinh Duy Ma Cật, Bồ-tát trụ bất tư nghì giải thoát, có thể lấy nước biển cả để vào lỗ chân lông mà nước biển cả vẫn y nhiên. Các loài thủy tộc cá, tôm, rùa, trạch…không bị khuấy động. Long vương, quỷ thần, A tu la…không hề hay biết và họ chẳng bị nhiễu hại chút nào. Bồ-tát trụ bất tư nghì giải thoát, còn xắn lấy ba ngàn đại thiên thế giới để trên bàn tay và ném qua hằng hà sa thế giới, rồi thu về đặt lại chỗ cũ mà thế giới vẫn y nhiên. Người người ở trong các thế giới kia không hề hay biết về sự đi lại của mình.

Kinh điển Đại thừa thuộc loại quyền giáo nghĩa là đức Phật dùng những thí dụ để diễn tả Chân lý cao siêu huyền diệu mà không thể nào diễn đạt được bằng ngôn ngữ bình thường của con người. Vì thế trong phẩm thọ ký này, vị Phật nào cũng sống trên mấy trăn triệu năm, quốc độ thì toàn là vàng bạc, trân châu, mã não. Nhưng thâm ý của kinh là khuyến khích chúng sinh phải quay về bồi dưỡng trí tuệ, tăng trưởng tâm từ bi tức là sống với Phật tánh sáng suốt vĩnh hằng sẵn có trong họ. Càng sống đúng, sống phù hợp với chân lý là càng vun bồi tăng trưởng công đức, phước đức của mình thì cũng như cúng dường, phụng thờ cho hằng hà vô số chư Phật vậy. Đừng hiểu rằng đức Phật Thích Ca thiếu phức đức nên sinh vào thế giới Ta Bà toàn là gò đống, đất bùn sình nhơ nhớp, chúng sinh thì nhiều phiền não khổ đau. Còn Thanh Văn Bồ Tát thì chỉ võn vẹn có 1250 vị. Đó là chưa kể tuổi thọ chỉ có 80 tuổi, chánh pháp của Ngài chỉ trụ thế có 500 năm và tượng pháp 1000 năm. Phật là bình đẳng cho nên vị Phật nào cũng thế, ở đâu cũng vậy, không có vị Phật nào nhiều phước đức, hay công đức hơn vị Phật nào cả. Khi đến những chương sau, kinh nói đến tuổi thọ Phật vô lượng vô biên là chỉ cho Pháp thân bất sinh bất diệt sẵn có trong mỗi chúng sinh chớ đâu nhất thiết chỉ có vài trăm triệu năm cho nên trong Phật tánh, không có khái niệm về thời gian.

Phật giáo Đại thừa quan niệm rằng khi nào có duyên thì từ Pháp thân liền ứng Hóa thân để độ sanh và khi hết duyên thì trở về Pháp thân cũng như bọt tan về biển vậy. Cho nên nói Phật sanh là chỉ cho Hóa thân. Nhưng Hóa thân thì không thật, mà không thật thì sanh cũng như không sanh.

Đức Phật Thích Ca là một Hóa thân như vậy hiện giờ thân của chúng ta là thân gì? Thân của tất cả chúng sinh hiện hữu là Báo thân. Tại sao? Con người sống trên thế gian là theo “Nghiệp cảm” mà duyên khởi tức là nghiệp mình như thế nào thì phải cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy. Vì thế Báo là theo quả báo mà có. Người quả báo lành thì hạnh phúc, thân thể xinh đẹp và ít đau ốm còn người quả báo dữ thì cuộc đời có nhiều sóng gió, không toại nguyện. Thân của chúng ta là do quả nghiệp mà thành nên không giống nhau. Mà đã là báo thân thì tùy nghiệp cho nên hết nghiệp thì thân phải đi.

Đức Phật có Hóa thân vậy chúng ta có Hóa thân chăng?

Hằng ngày chạy theo vọng tưởng có nghĩa là tâm của chúng ta luôn chạy theo sắc dục bên ngoài khiến Hóa thân phải chạy ngược chạy xuôi để thỏa mãn những sắc dục đó. Chừng nào Hóa thân tức những vọng niệm dừng lặng thì bấy giờ Pháp thân của chúng ta mới hiện ra.

Bản chất của tâm thể là lặng lẽ tràn đầy trong sáng và nó ẩn tàng trong tất cả mọi người nên được gọi là bản nguyên hay tự tánh. Hằng ngày vì vọng tưởng dấy khởi liên miên nên con người chỉ thấy vọng tưởng mà không thấy được tâm thể của mình. Tệ hại hơn nữa họ còn lầm lẫn vọng tưởng là tâm của mình nên cả đời chạy theo nghiệp mà không hay không biết. Cũng như mặt biển lặng lẽ êm ái, nhưng một ngọn gió mạnh thổi qua làm giết chết sự yên lặng trầm tĩnh nầy tạo thành những lượn sóng nhấp nhô gầm thét thay thế sự yên lặng trong sáng ban đầu. Muốn đánh tan những làn sóng kia thì phải chận ngay ngọn gió mạnh. Con người thì cũng thế, nếu tâm dừng vọng tưởng, yên tịnh chỉ khi nào gió nghiệp lặng. Mà ngã là đối tượng chủ yếu của vọng tưởng. Khi thấy thân nầy là duyên hợp như huyễn, cảnh cũng duyên hợp như huyễn thì con người khỏi phải bận lòng về cái Ta của mình và cái Ta của vạn vật. Không chấp có cái Ta thì không sanh nghiệp tức là gió nghiệp yên và sóng vọng niệm cũng từ từ im bặt. Và bây giờ mặt biển tâm sẽ trở về với sự lặng lẽ tràn đầy trong sáng như xưa.

Thật vậy tâm của Phật và tâm của chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Cái tâm nầy có thể ví như mặt nước hồ thu vắng lặng êm đềm. Tâm của Phật thì như mặt nước yên tĩnh, trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn. Trong khi tâm của chúng sinh thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động không thể phản chiếu được gì. Muốn đánh tan những làn sóng vô minh đó con người phải sáng suốt dùng trí tuệ bát nhã để thấy được cái bản thể chân như bất sinh bất diệt trong mỗi chúng ta cũng như thấy rằng tất cả con người, vạn vật chẳng qua chỉ là hiện tượng duyên sanh tức là giả Có mà thôi.

Mã Minh Bồ Tát có nói trong Luận Đại Thừa Khởi Tín rằng: “Nhất thiết chư pháp tùng bổn dĩ lai, ly danh tự tướng, ly ngôn thuyết tướng” nghĩa là muốn biết được thật tướng của các pháp thì phải xa lìa văn tự ngôn ngữ của con người. Ngay cả Mã Minh mà còn không chấp vào những pháp hữu vi như vàng bạc, pha lê, mã não vì chúng là giả huyễn mà chỉ quay về với thật tướng, chân tướng của nó vì thế nếu nói quốc độ của chư Phật phải làm bằng bàng bạc… thì chẳng khác nào nói rằng trí tuệ chư Phật còn thua Mã Minh hay sao?

Nhắc lại trong khoảng 600 năm sau ngày đức Phật nhập diệt, tình hình Phật giáo ở Ấn Độ trở thành đen tối rối răm. Bên trong Phật giáo Nguyên thủy phân chia thành nhiều bộ phái và tẩy chay không tin Đại thừa. Bên ngoài các tà thuyết ngoại đạo tìm cách phá hoại Chánh pháp. Vì thế Mã Minh soạn ra bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín với mục đích xô tà đở chánh, trừ những nghi ngờ của Tiểu thừa, phá ác tà thuyết của ngoại đạo và làm cho mọi ngời phát khởi lòng tin Đại thừa. 

Thông thường trong lục độ có Bố thí, Trí giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.  Lục độ chia riêng ra Thiền định và Trí tuệ là muốn cho hành giả thấy rõ hành tướng, công dụng và kết quả của hai pháp môn khác nhau. Nhưng trong  bộ Luận này, Mã Minh cũng dạy tu Lục độ, nhưng ngài góp chúng lại thành một và không gọi tu Định, Tuệ mà gọi là tu Chỉ, Quán. Tu Chỉ, Quán tức là tu Thiền định và Trí tuệ. Chỉ là đình chỉ các vọng tưởng tức là Định. Quán là quan sát để thấu rõ chân lý của các pháp tức là Trí tuệ. Do đó tu Chỉ, Quán sẽ được Định, Tuệ bởi vì Chỉ, Quán là nhân mà Định, Tuệ là quả.

Thế nào là trong Chỉ có Quán?

Muốn ngăn ngừa, đình chỉ không cho các vọng tưởng nổi lên thì hành giả phải quan sát các pháp là không bởi vì các pháp là không nên hành giả chẳng chấp có khiến tâm không khởi tham sân si.

Thế náo là trong Quán có Chỉ?

Khi quan sát các pháp do nhân duyên hòa hợp, sanh không phải thật sanh, mà diệt cũng không phải thật diệt nên các pháp là giả có thì hành giả chẳng chấp không và từ đó các phiền não không sanh.

Về sau, Trí Giả Đại sư trong thời gian ở tại Tu Thiền Tự (Yu Chuan Su) vào những năm 594 TL cũng đã viết tác phẩm Ma Ha Chỉ Quán. Lối giải thích tương đối khá phức tạp.

Do đó người tham thiền, trong phải thoát ly thân tâm, ngoài xa lìa cảnh giới nghĩa là phải rời tâm, ý, thức mà tham cứu, phải ra khỏi con đường Thánh phàm mà tu học, phải viễn lý các cảnh giới vọng tưởng mà cầu đạo. Tóm lại, muốn thấy được chân lý thì phải phóng xả tất cả. Vì thế Lục Tổ nói rằng:”Phật Pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác” là như vậy.

Để tuyên lại ý nghĩa trên đức Thế Tôn nói một bài kệ:

ü  … Các đệ tử của ta

ü  Bậc oai đức đầy đủ

ü  Số đó năm trăm người

ü  Ta đều sẽ thọ ký

ü  Ở nơi đời vị lai

ü  Đều sẽ được thành Phật

ü  Ta cùng với các ông

ü  Đời trước kết nhân duyên

ü  Ta nay đã thuật nói

ü  Các ông khéo lắng nghe.

          Sau khi thọ ký cho những đại đệ tử ở trên, đức Phật hứa khả sẽ thọ ký cho năm trăm người nữa, ở đời vị lai sẽ thành Phật. Đức Phật và chúng sinh vì đã có nhân duyên trong quá khứ cho nên đến nay Ngài mới nói pháp vì thế chúng đệ tử hãy lắng nghe.

 ∆ TOP | NEXT