NGUYÊN DO CỦA MỘT-SÁU
DỊ ĐỒNG
Ông A Nan chấp tay đảnh lễ thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nay tôi nghe Phật dạy cho những câu pháp chân
thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm còn chưa rõ cách thức mở
gút thế nào và vì sao mở hết gút thì một cũng không còn? Xin
Phật rũ lòng thương đại chúng trong hội này và chúng sinh tương
lai bố thí pháp âm để chúng tôi có thể trừ sạch cấu nhiễm sâu
dày trầm trọng!
Bài kệ trên đã giúp
ông A Nan và đại chúng thấu hiểu rằng căn trần vốn là một chớ
không phải “hai” cũng như thánh phàm không khác. Con người vì
đem sự thấy biết bên ngoài đưa vào tâm tức là đem những cái
thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết của mình chồng lên sự phân biệt
thương ghét, lấy bỏ, hơn thua, tốt xấu thì đây chính là gốc rễ
của phiền não, vô minh. Còn thấy biết rồi bỏ đi tức là không mời
khách trần vào tâm thì mới tìm thấy Niết bàn. Đối với chơn tánh
thì không có chơn hay phi chơn mà chỉ tùy thuộc vào nhận thức
đúng hay nhận thức sai lầm. Thí dụ như thấy bóng mình hiện trong
gương mà chấp là thật thì sai lầm, còn biết là không thật là
nhận thức đúng. Nhưng xét kỷ lại, cái đúng là do cái sai mà có
chớ bóng trong gương chưa hề thật có, thật không. Vì thế mê ngộ
là không “hai”. Khi chấp thì còn mê, hết chấp thì mê thành giác.
Bấy giờ Đức Thế Tôn trên tòa sư tử sửa lại nội y vén áo
tăng-già-lê đưa nhẹ tay lấy khăn hoa trên ghế thất bảo. Trước
mắt đại chúng Đức Phật cột thành một gút, đưa cho ông A Nan xem
và hỏi:
- Cái này gọi là gì?
- Đấy là cái gút. Bạch Thế Tôn! Ông A Nan và đại chúng thưa.
Đức Phật lại cột khăn hoa thêm một nút nữa rồi cũng hỏi ông A
Nan :
- Cái này gọi là gì?
- Cũng gọi là cái gút. Bạch Thế Tôn!
Rồi cũng cái khăn lụa hoa ấy tuần tự Đức Phật cột thành sáu gút
và mỗi khi cột xong một gút Phật đều đưa khăn lên và hỏi như
vậy.
Ông A Nan và đại chúng cũng tuần tự đáp như vậy sáu lần.
Phật bảo ông A Nan :
- Khi tôi mới cột khăn thì ông gọi là một gút. Thật sự chiếc
khăn trước sau chỉ là một cái. Cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba…
các ông cũng
gọi là gút?
- Bạch Thế Tôn! A Nan thưa. Cái khăn lụa hoa quý báu này, vốn là
một thể, song Như Lai cột một lần thì gọi là một gút, nếu cột
một trăm thì cũng phải gọi là một trăm gút, huống chi ở đây có
sáu gút, không đến bảy, cũng chẳng dừng ở năm. Cớ chi Như Lai
quở trách chỉ cho gút thứ nhất là gút, còn cái thứ hai, thứ ba…
không phải là
gút?
Phật bảo :
- Như ông biết cái khăn hoa này nó vốn là một, vậy tôi cột sáu
lần thì ông gọi là sáu gút. Này A Nan! Ông chín chắn xem xét
nghĩ suy: Tự thể của cái khăn vốn “đồng” chỉ vì gút mà hóa thành
“dị”, ông nghĩ thế nào? Khi mới cột gút ban đầu thì gọi là gút
thứ nhất. Như vậy cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là gút thứ
sáu. Nay tôi muốn gọi gút thứ sáu là gút thứ nhất có được không?
- Bạch Thế Tôn! Không được. Nếu còn sáu gút thì cái gọi là thứ
sáu, không sao gọi là cái thứ nhất được. Dù tôi có biện bạch
suốt đời cũng không làm cho sáu gút đổi tên.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Sáu gút không đồng, nhưng xét tìm bản nhân
lại vẫn là do một cái khăn mà có. Thế mà không ai có thể làm cho
nó lộn xộn được với nhau.
- A Nan! Sáu căn của ông cũng như vậy. Từ cái thể hoàn toàn
“đồng” mà sanh cái “dụng” hoàn toàn “dị”. Chẳng khác chút nào
cái khăn lụa hoa kiếp ba la của Như Lai.
- A Nan! Giả sử ông không muốn thành sáu gút trong một cái khăn.
Giả sử ông muốn cái khăn chỉ còn thể duy nhất thì ông phải làm
thế nào?
- Bạch Thế Tôn! Nếu các gút mà còn thì thị phi tranh cãi khó mà
ngăn.Vì gút này không phải gút kia và gút kia không phải là gút
nọ được. Nếu Như Lai mở tháo tung cả, không còn gút thì không
còn có này, có nọ, có kia, thế là một không còn có, làm chi có
sáu!
Phật dạy:
- Cái ý nghĩa mở sáu, một không còn cũng như vậy đó. Các ông chỉ
vì vọng tâm vô thỉ, khiến cho “tri kiến” sanh bệnh làm lòa cái
tánh tịnh minh trạm tịch của các ông, cho nên sơn hà đại địa,
sinh tử, Niết bàn trở thành cái tướng hoa đóm của đôi mắt mệt
hóa lòa của các ông đó thôi.
Ông A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn! Cái bệnh mê lầm giống như gút kia làm sao mà cởi
mở được?
Bấy giờ Đức Phật lấy cái khăn đã cột gút, kéo một mối lệch qua
qua trái rồi hỏi ông A Nan:
- Tôi làm thế này có mở gút được chăng?
- Không được. Bạch Thế Tôn!
Rồi Đức Phật nắm kéo mối khăn lệch qua bên phải, cũng hỏi ông A
Nan như vậy. Ông A Nan cũng đáp là không thể mở được.
Phật hỏi:
- Tôi kéo mối khăn qua phải qua trái đều không mở gút được. Vậy
theo ông nghĩ, phải làm thế nào mới mở được gút?
- Bạch Thế Tôn! Phải mở trung tâm cái gút thì tháo ra ngay.
Phật bảo :
- Đúng vậy. Muốn mở gút thì phải mở ngay trung tâm của gút.
A Nan! Như tôi đã nói: Phật pháp từ nhân duyên sanh. Nhưng các
ông không được chấp ở tướng hòa hợp thô sơ trên hiện tượng của
thế gian mà thỏa mãn tri kiến của mình. Như Lai phát minh tuệ
giác vô thượng cho nên biết tất cả bản nhân của pháp thế và xuất
thế gian, đến như một hạt mưa ngoài hằng sa thế giới cũng biết
số mục. Cây tùng thẳng, cây gai cong, chim câu trằng, chim quạ
đen Như Lai đều biết nguyên do tất cả.
A Nan! Tùy tâm ông lựa chọn nơi sáu căn, nếu tháo mở được cái
gút căn ấy thì các trần tướng tự tiêu vong. Đối với ông, vọng
cảnh không còn, bấy giờ ông chẳng phải sống trong chơn tâm thì
còn gọi là gì nữa.
Cái khăn vốn là một thể cũng như tâm tánh con người vốn là một
thể, không có phân biệt. Cái trí thể của tâm là một bởi vì nó
chẳng hề có tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Nhưng cái khăn
lại có hai đầu cũng như tánh giác minh bây giờ trở thành minh
giác nên mới chia ra có năng có sở. Khi cột hai đầu khăn lại với
nhau thì thành cái gút cũng như căn trần gắn bó nơi nào thì
thành mê chấp nơi ấy. Cũng như sự tác dụng bất giác vô minh
khiến cho cái trí dụng trở thành nhiễm ô. Đến khi đã bị cột rồi
thì mỗi gút mỗi khác cũng như khi căn trần gắn bó với nhau thì
mỗi căn chỉ thu nạp mỗi trần tương ứng, chớ không thể lẫn lộn
được. Do vậy từ một tâm tánh mà biến thành ra khác, thành nhiều
cái gút.
Những cái gút mà Đức
Phật đã cụ thể hóa qua cái khăn hoa chính là những vẫn đục tham,
sân, si, mạn, nghi…
Nên nhớ tự thể
của chiếc khăn hoa là không có gút, nhưng cột gút là do bàn tay
Phật. Nói cách khác tự thể của tâm thì hoàn toàn thanh tịnh,
không chút bận nhơ, nhưng con người vì bị mê lầm chấp trước,
chạy theo tham, sân, si, mạn, nghi…
mà tự thắt gút
cho mình làm mất đi cái tự thể láng mịn của khăn. Cái thể tánh
tịnh minh, cái tánh giác diệu minh vốn thanh tịnh trong sáng đẹp
đẽ như cái khăn hoa láng mịn kia tức là cái tri kiến vô kiến vốn
sẵn có trong tất cả chúng sinh đã bị những cái phân biệt thương
ghét, tốt xấu, lấy bỏ, thân sơ làm vẫn đục, nhiễm ô khiến cho
cái tri kiến vô kiến, khách quan thanh tịnh biến thành tri kiến
lập tri, chủ quan hẹp hòi ích kỷ.
Muốn mở cái gút thì phải mở đúng trung tâm. Mà trung tâm của tất
cả sự mê lầm là không nhận biết rõ tâm tánh vẫn thường diệu,
thường minh của mình mà chạy theo tánh minh và bỏ quên đi tánh
diệu nên mới có năng có sở tạo thành sự phân biệt đối đãi giả
dối biến cái tri kiến vô kiến trở thành tri kiến lập tri.
Vì vậy nếu muốn khăn không còn gút thì phải tháo mở hết gút bỏ
đi cũng như muốn sáu căn được trong sáng thanh tịnh thì phải hóa
giải, diệt trừ cho hết những mê lầm, chấp trước. Con người không
còn chạy theo thương ghét, phải quấy, thân sơ thì thân cũng
không, cảnh cũng không, năng cũng không, sở cũng không và Niết
bàn cũng không thì lúc đó tất cả các gút đều được mở. Đến đây
con người mới thấy rằng tất cả sự vật trên thế gian này đều là
tự tánh thanh tịnh bản nhiên nên không có cái gì thật là mình,
là người, là tâm, là cảnh, là chơn hay là vọng cả.
Sau cùng, Phật dạy ông A Nan nên chọn trong sáu căn, căn nào
thích hợp nhất thì đi sâu vào để cởi hết cái gút mê lầm của căn
ấy mà thấy được cái tánh giác minh diệu sáng suốt thường có của
mình. Mê lầm, chấp trước biến mất thì chơn tâm, Phật tánh tự
hiện bày.
CỘT GÚT ĐÃ CÓ THỨ LỚP THÌ MỞ PHẢI CÓ TRƯỚC SAU.
Phật bảo A Nan:
- Cái khăn hoa này có sáu gút, ông có thể mở bung cùng một lúc
được không?
- Bạch Thế Tôn! Không. Những cái gút khi cột đã có thứ lớp, nay
mở cũng phải theo trước sau. Sáu gút tuy “đồng thể”, nhưng lúc
cột lại chẳng “đồng thời”. Thế nên, nếu mở gút phải bắt đầu từ
cái một.
Phật dạy:
- Trừ khử những gút sáu căn cũng giống như vậy. Bắt đầu mở,
trước hết tháo mở “nhân không”. Nhân không hóa giải hoàn toàn
sáng suốt thì bước thêm mở lần “chấp pháp”. Pháp chấp xả hết bây
giờ gọi là hạng người “ngã chấp câu không”. Đấy gọi là “Bồ-tát
từ tam-ma-địa mà được vô sanh pháp nhẫn.
Tuy cái khăn là một, nhưng đã cột thành sáu gút cho nên khi mở
cũng phải mở từ gút này đến gút khác. Tri kiến của chúng sinh
vốn thanh tịnh, vốn minh, vốn diệu, nhưng sáu căn dong ruỗi theo
sáu trần nên cái tri kiến vô kiến bây giờ trở thành chấp ngã,
chấp pháp, chấp thị phi, hỉ, nộ…
Mở gút thì phải
bắt đầu từ cái gút khởi đầu nghĩa là nhờ quán trung đạo
Xa-ma-tha (tu Chỉ hay tu Định) mà lần lượt diệt trừ hết kiến
hoặc và tư hoặc. Đến đây thì hành giả chứng được “Nhơn không”
tức là quả vị A la hán nghĩa là đã thoát ly được sinh tử luân
hồi. Nói cách khác thánh quả A la hán đồng nghĩa với “ngã không”
tức là đã phá được chấp ngã rồi. Nếu tiếp tục tu hành quán hạnh
thì sẽ viên mãn quả vị thập địa.
Đến khi tánh không
được trong sáng vẹn toàn thì giải thoát được pháp chấp nghĩa là
nhờ trung quán đạo Tam-ma-bát-đề (tu Quán hay tu trí tuệ) diệt
nốt trần sa tức là phá hết vô minh. Bắt đầu từ sơ trụ trở đi
trải qua Tam Hiền cho đến Đăng Địa. Một khi hành giả giải thoát
được “pháp chấp” rồi thì “nhơn pháp” sẽ không sinh. Nói tóm lại,
nếu chúng sinh dùng trung đạo quán về Thiền-na (Định-Tuệ song
tu) mà thâm nhập vào sơ địa, rồi trải qua thập địa để tiến đến
Đẳng giác mà thành Phật. Pháp tu Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và
Thiền-na là con đường đưa chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi
và cũng là phương pháp diệu dụng mà mười phương Như Lai chứng
đắc Bồ-đề và viên thành Phật đạo vậy.
Có câu chuyện về “nhơn không, pháp không” như thế này :
Một ngày kia, Đức Phật dẫn chư đại Tỳ kheo đi ứng cúng chỉ để
một chú Sa di còn nhỏ tuổi ở lại Tịnh xá. Lúc đó có một vị trai
chủ đến Tịnh xá muốn thỉnh Phật cùng chư Tăng về nhà mình thọ
cúng dường. Ông ta đã chuẩn bị một vài món ăn chay thanh khiết
và định thỉnh mời Đức Phật cùng với Tỳ kheo và Sa di đến thọ
thực. Nhưng tới Tịnh xá mới hay là Phật đã cùng chư Tăng đi trai
hội nơi khác chỉ còn một mình chú Sa di ở nhà. Vị trai chủ bèn
vui vẻ nói:
“Không sao cả,
thưa chú! Tôi muốn thỉnh chú đến nhà tôi thọ cúng dường, mời chú
hoan hỷ đi theo tôi!”.
Chú Sa di bấy giờ bối rối, chỉ biết riu ríu đi theo vị trai chủ
để ứng cúng. Tại sao chú lại bối rối? Bởi mọi khi ứng cúng chú
đều đi chung với các thầy Tỳ kheo, chứ chưa bao giờ đi một mình
cả. Nay có người mời chú đi thọ trai, chú cảm thấy lo âu vì
không biết đến đó rồi phải ăn nói như thế nào? Phải thuyết pháp
mà không biết pháp thì thuyết làm sao được? Thế nhưng, trước sự
thiết tha thành khẩn của vị trai chủ, chú Sa di không thể nào
khước từ được, đành phải bấm bụng đánh liều đi theo.
Thọ cúng dường xong, như thường lệ, vị trai chủ cung kính quỳ
mọp dưới đất, hướng về phía chú Sa di mà khấu đầu đảnh lễ cầu
pháp. Chú Sa di sợ quá, bèn rón rén rời khỏi tòa ngồi cắm đầu
cắm cổ chạy một mạch về vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Chú Sa di thọ
trai xong, không thuyết pháp mà lại bỏ chạy, trong lòng chú nhất
định cảm thấy rất hổ thẹn, ngượng ngùng.
Trong khi đó, vị trai chủ cúi đầu quỳ rất lâu, đợi mãi mà thấy
chú Sa di cứ làm thinh chẳng nói năng gì cả thì thắc mắc :
“Không biết chú Sa di này định nói pháp gì đây?”. Ông ta bèn len
lén ngẩn đầu lên nhìn trộm thì lạ lùng thay chỉ thấy một tòa
ngồi trống không, chú Sa di chẳng còn ngồi ở đó nữa. Thấy chú Sa
di biến mất một cách đột ngột, chỉ trong khoảnh khắc chừng một
sát na, vị trai chủ sững sờ và hốt nhiên khai ngộ. Vậy ông ta
ngộ được điều gì? Ông ta lãnh hội được đạo lý “nhơn không, pháp
không” nghĩa là người thì không và pháp cũng không tức là nhơn
và pháp đều không còn, đó gọi là nhơn-pháp song vong. Ông vội
thốt lên:
“À ! thì ra là như
vậy”. Song, chỉ nói là mình khai ngộ thôi vẫn chưa được, mà cần
phải có sự ấn chứng nữa. Thế là vị trai chủ tức tốc chạy đến
vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tìm vị Sa di đó để xin được ấn chứng.
Chú Sa di này, sau khi về tới Tịnh xá, vội chạy bay về liêu
phòng, đóng cửa và khóa lại cẩn thận. Tại sao lại phải khóa cửa?
Vì chú sợ rằng vị trai chủ sẽ tìm đến chú để đòi “món nợ” pháp,
muốn chú thuyết pháp trong khi chú không có pháp gì để thuyết
cả. Nào ngờ cửa khóa chưa được bao lâu, vị trai chủ quả nhiên đã
tìm tới tận nơi và đến gõ cửa phòng chú. Chú Sa di sợ quá đứng
im thin thít trong phòng, chẳng dám lên tiếng, chỉ biết than
thầm trong bụng:
“Làm sao bây
giờ? Mình đã ăn cơm của người ta, nay người ta đến cầu pháp,
phải làm sao đây?”. Trước tình huống khẩn trương, cực kỳ cấp
bách đó, chú Sa di đột nhiên khai ngộ, thấu suốt đạo lý “nhơn
không, pháp không”.
Vì vậy khi nhân duyên đầy đủ, chợt đến thì tức thời được khai
ngộ cũng như ngày xưa Đức Phật hoát nhiên đại ngộ dưới cội Bồ Đề
là vậy.
|
|