Bấy giờ Ngài Phú Lâu
Na Di La Ni Tử ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy quỳ gối
chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Thế Tôn khéo vì chúng sinh mà diễn bày đệ nhất nghĩa đế. Từ
lâu Thế Tôn thường khen con là thuyết pháp đệ nhất trong hàng
người thuyết pháp. Vậy mà nay con nghe pháp âm nhiệm mầu Như Lai
vừa dạy chẳng khác nào người điếc cách xa trăm bước lắng nghe
tiếng muỗi mòng.
Muỗi mòng còn không thấy
còn nói gì đến chuyện nghe. Dù Phật dạy rõ ràng, nhưng chưa hiểu
rốt ráo làm tâm con nghi hồ mơ hoặc. Như các Ngài A Nan, vì họ
tuy đã khai ngộ nhưng tập lậu chưa trừ. Còn chúng con là những
người đã được vị vô lậu trong chúng hội, mọi tập lậu đã sạch,
nhưng khi nghe Như Lai thuyết pháp này, sao chúng con vẫn còn
bối rối , nghi ngờ hối hận?
Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các thứ: 5 ấm, 12 xứ, 18 giới và 7 đại
trong thế gian đều là hiện tượng biểu hiện xuất phát từ tánh
thanh tịnh bản nhiên của Như Lai Tạng, vậy thì tại sao Như Lai
Tạng bỗng nhiên lại sanh các tướng hữu vi vô thường vận động
thay đổi trước sau, vô cùng vô cực như thế?
Bạch Thế Tôn! Như Lai cũng đã từng nói: Địa, thủy, hỏa, phong
bốn đại bản tánh viên dung, khắp cùng khắp giới, vắng lặng
thường trú. Bạch Thế Tôn! Nếu địa đại cùng khắp thì làm sao dung
được thủy đại?
Nếu thủy đại cùng khắp thì làm sao hỏa đại có điều kiện phát
sinh? Làm sao có thể hiểu biết được rằng: Thủy đại và hỏa đại
đều cùng khắp pháp giới mà không đối kháng hủy diệt nhau? Bạch
Thế Tôn! Tánh địa đại thì ngăn ngại, tánh hư không là rỗng suốt,
làm sao có sự kiện hai đại đồng khắp cùng trong một bầu pháp
giới? Con không biết nghĩa ấy là thế nào. Xin Phật rủ lòng từ,
vén mây mê lầm cho con và đại chúng. Nói lời ấy rồi, tôn giả Phú
Lâu Na năm vóc gieo xuống đất, kính mong lời dạy từ bi vô thượng
của Đức Như Lai.
Sau khi Đức Phật đã thu ngũ uẩn, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát
giới và thất đại về Như Lai Tạng bản thể tức là tánh thanh tịnh
bản nhiên thì các vị có căn cơ Đại thừa đều nhận rõ tâm
tính viên mãn sáng suốt. Duy chỉ có các vị trong hàng Thanh văn
tuy đã phá được chấp ngã, nhưng vẫn còn chấp pháp nên không thấu
rõ cái chơn đối với cái vọng mà chưa lãnh hội được. Vì thế Ngài
Phú Lâu Na đại diện các vị định tánh A la hán mà hỏi Phật hai
điều như sau:
1) Tại sao trong Như Lai Tạng tánh vốn thanh tịnh bản nhiên bỗng
dưng lại chuyển biến sinh ra những hiện tượng hữu vi như như
núi, sông, đất, liền…?
Sự thật, tất cả hiện tượng vạn pháp đều cùng chung một bản thể:
Như Lai Tạng. Từ trong Như Lai Tạng bản thể vận động, biến
chuyển duyên khởi những chủng tử mà tạo tác, hình thành các loài
hữu tình và vô tình chúng sinh. Hiện tượng này còn được gọi là
bất biến tùy duyên của pháp giới duyên khởi.
2) Địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến và thức thì trong bảy đại
này tánh chất có đối kháng nhau. Thí dụ nước kỵ lửa kỵ, gió kỵ
đất… Nếu thế, tại sao chúng có thể dung hợp được với nhau trong
Như Lai Tạng mà không tương tàn, tương diệt?
Phật dạy rằng: “Tánh sắc chơn không” nghĩa là tánh của sắc là
không mà hư không thì bao trùm bao la vô cùng vô tận. “Tánh
không chơn sắc” nghĩa là trong hư không đã có đủ tất cả tánh
chất của sắc hay nói chung của địa, thủy, hỏa, phong…, nhưng từ
cái thể tánh thanh tịnh của hư không khi hội tụ đủ nhân duyên sẽ
biến hiện thành ra sắc.
Tuy thủy đại đầy khắp hư không pháp giới tức là nơi nào trong
không gian vô tận cũng đều chứa nước mà nước đâu có dập tắt lửa
(hỏa đại) và nước cũng không làm ngập chìm cả thế gian nên Phật
nói rằng: “Tánh thủy chơn không”. Trong hư không tức là pháp
giới không đại, vốn không phải nước (thủy đại) vậy mà trong
không đại khắp đầy thủy đại. Do đó Phật mới dạy rằng : “Tánh
không chơn thủy”.
Hỏa đại cũng thế, lửa thì đầy khắp hư không mà không làm cháy
nhà cửa, xe cộ, núi rừng hay vạn hữu thế gian. Vì vậy Phật mới
nói : “Tánh hỏa chơn không”. Trong hư không vốn không có lửa,
nhưng khi chúng sinh cần thì lửa sẽ có trong hư không, cho nên
Phật dạy rằng : “Tánh không chơn hỏa”.
Nói tóm lại, tánh của các đại vốn không ngăn ngại gì nhau vì thế
tuy trong hư không có đầy đủ các đại mà chúng không tương tàn,
tương diệt vì các đại cùng chung một thể tánh. Đó là chơn không
(bất biến).
Thế nào là định tánh A la hán?
Khi đã đọan trừ hết kiến hoặc, tư hoặc và vi tế hoặc thì chứng
được quả vị A la hán. Các vị A la hán tuy đã trừ được phiền não
chướng, nhưng tri kiến chướng tức là vô minh thì chưa phá nổi.
Niết bàn mà chư vị A la hán có chỉ là hóa thánh nghĩa là đây chỉ
là tiểu Niết bàn chứ chưa phải là bảo sở Niết bàn tức là
sự thanh tịnh, tịch diệt rốt ráo, hoàn toàn của các vị Bồ-tát,
chư Phật. Nếu các vị A la hán muốn tiến tu để phát huy trí tuệ
Đại thừa mà hoàn thành Phật đạo thì gọi là Tuệ tánh A la hán.
Còn nếu họ thỏa chí với quả vị A la hán mà không chịu tiến tu
thì họ là Định tánh A la hán. Vì không chịu tiến tu và phát tâm
Bồ-đề mà chỉ muốn an hưởng Niết bàn cho riêng mình nên Đức Phật
đã từng quở trách và gọi họ là mầm thối và hạt giống bị đốt
cháy, không lợi ích cho chúng sinh.
Tôn giả Phú Lâu Na không biết nguyên nhân sanh khởi ra nhân sinh
vũ trụ và không ngộ được chơn tánh viên dung nên không biết được
sự diệu dụng của thế giới bản thể và hiện tượng. Chỉ có Đức Thế
Tôn là người đã đạt được Nhất Thiết Chủng Trí mới có thể thấu
hiểu tận nguyên nhân sinh khởi của nó.
Tới đoạn kinh này, Đức Phật muốn khai thị một giáo lý thậm thâm
vi diệu của nhà Phật. Đó là “sắc tức là không và không tức là
sắc” nằm trong Bát nhã tâm kinh. Trong Phật giáo, danh từ sắc và
không rất phổ thông khi nói về thế giới hiện tượng và bản thể.
Vậy thế nào là không?
Có ba thứ không, người đệ tử Phật cần nên để ý :
1) Cái “không” thứ nhất là rỗng không nghĩa là cái không này từ
vô thỉ nó không có mà mãi về sau nó cũng chẳng có gì. Cái không
rỗng toét này thì nhà Phật gọi là “ngoan không” và nó không dính
dáng gì với cái không của nhà Phật.
2) Đương thể tức không: Khi con người hành thâm Bát nhã
ba-la-mật-đa thời thì họ thấy rằng tất cả vạn pháp trong thế
gian là giả tạm, không bền, không chắc, có đó rồi mất đó. Vì thế
cho dù thế gian vũ trụ vẫn sờ sờ trước mắt, nhưng dưới mắt của
họ tất cả đều là không. Tại sao là không? Bởi vì vạn pháp là do
nhân duyên tác tạo hình thành nên đến khi duyên tan thì nó sẽ
hoại diệt. Vì thế sinh sinh diệt diệt, không có gì là trường cửu
cả. Đó là tại sao ngày xưa Đức Phật tuy vẫn sống trong thế gian
này, nhưng đối với Ngài thì tất cả đều là không nên Ngài mới có
vô thượng Niết bàn và vô thượng Bồ-đề.
3) Cái không mà được dùng rộng rãi trong Bát nhã tâm kinh: “Sắc
tức là không và không tức là sắc” thì nhà Phật gọi là “chơn
không” mà diệu hữu. Tất cả vạn pháp trong thế giới hữu vi như
trời, trăng, mây, nước, chim bay, cá lặn mà con người nhận biết
được thì gọi là có. Nhưng cũng trong cái thế giới vũ trụ bao la
vô cùng vô tận này, cái mà con người không nhận thấy, biết được
thì gọi là không. Mặc dù con người gọi nó là không, nhưng chính
bên trong nó diệu hữu nghĩa là nó có tất cả những dữ kiện, những
nguyên nhân, những chủng tử để khi hội đủ duyên thì nó sẽ biến
thành cái có.
Nói cách khác cái có là cái
mà mắt thấy được như núi, sông, trời, trăng, mây, nước. Còn cái
không là cái mà mắt không thấy được. Nhưng thật sự trong cái
không đó có chứa đầy đủ các chủng tử của vạn pháp, những yếu tố,
những dữ kiện để khi hội đủ nhân duyên thì nó sẽ tổng hợp mà
hình thành ra vạn pháp. Do đó cái không này chính là chơn không
mà diệu hữu tức là bất biến tùy duyên nghĩa là khi tỉnh thì tất
cả là không còn khi động thì mọi vật đều là có. Sự biến chuyển
hình thành một cách huyền diệu này chỉ có thể dùng trí mà biết
chớ không thể dùng mắt thường mà biết được.
Thí dụ không khí là vô hình
vô sắc nên mắt thường không thấy được nên gọi nó là không. Nhưng
khoa học ngày nay phân tích và xác định rằng trong không khí có
chứa biết bao hóa chất như dưỡng khí oxygen, khí nitrogen, hơi
nước và biết bao hóa chất khác. Nếu không có dưỡng khí oxygen
thì làm sao con người và sinh vật sống được, nhưng đâu có ai
thấy biết Oxygen ở chỗ nào? Cũng dựa trong thí dụ trên là trong
không khí thì nơi nào cũng chứa rất nhiều hơi nước, nhưng mắt
thường không thấy biết được hơi nước nên chúng ta một lần nữa
gọi không khí là không. Nhưng bây giờ nếu nhiệt độ không khí
giảm xuống và có tiếng sấm tức là luồng điện tạo ra phản ứng hóa
học thì hơi nước sẽ chuyển thành mưa. Hơi nước là không mà khi
hội đủ nhân duyên thì từ hơi nước (không) biến thành mưa tức là
có. Vậy trong cái không có chứa tất cả những dự kiện như địa,
thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức. Nói cách khác trong không
gian vũ trụ này thì chỗ nào cũng có địa đại, thủy đại, hỏa đại,
phong đại, không đại, kiến đại (nhận thức trực giác) và thức đại
(nhận thức tư duy, phân biệt).
Vì trong không gian vô cùng vô tận có chứa đầy đủ địa đại. thủy
đại, hỏa đại, phong đại, không đại, kiến đại và thức đại nên từ
đó con người, sinh vật và vạn pháp mới được cấu tạo, hình thành
một cách mầu nhiệm. Thí dụ như nước Việt Nam năm 1975 dân số chỉ
có khoảng 20 triệu người, nhưng đến năm 2010 thì có gần 100
triệu. Nước Trung Hoa thì tăng từ bốn, năm trăm triệu đến ngoài
1.3 tỷ người. Ở Hoa Kỳ cũng thế, năm 1975 dân số chỉ có khoảng
200 triệu mà ngày nay sau 35 năm đã tăng lên trên 350 triệu. Nói
chung khắp nơi trên thế giới, nước nào dân số cũng tăng vọt. Nếu
lý luận theo tư tưởng thường kiến là khi một người chết thì linh
hồn vẫn tồn tại để nhập vào và tái sinh thành một con người mới,
vậy nếu có một triệu người chết mà lại sinh ra thêm 100 triệu
người mới thì tư tưởng thường kiến giải thích hiện tượng này như
thế nào? Linh hồn mới ở đâu mà nhập vào để tăng vọt dân số nhanh
như vậy? Phật giáo hoàn toàn phủ nhận tư tưởng thường kiến vì
không có một linh hồn nào tồn tại sau khi chết cả, hay nói cách
khác trong Phật giáo không có cái gì gọi là linh hồn.
Cái mà con người lầm lẫn
gọi là linh hồn thì thật ra chỉ là những chuỗi thức kết nối liên
tục trong cuộc sống. Chuỗi thức cuối cùng trước khi chết sẽ kết
nối với thức đầu tiên của đời sống mới và cứ như vậy mà tiếp
diễn không ngừng từ đời này sang đời khác. Nhưng trong không
gian, kiến đại và thức đại lúc nào và ở nơi nào cũng có, trùm
khắp pháp giới, vì thế khi nhân duyên hội tụ đầy đủ dựa theo
nghiệp lực của họ thì thất đại hòa nhập mà kiến tạo nên con
người. Nói cách khác nếu có bao nhiêu con người sinh ra thì kiến
đại, thức đại tác động vào mà kiến tạo để cho con người có đầy
đủ kiến, văn, giác, tri. Kiến, văn, giác, tri là cánh cửa của
lục căn (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý) của con người tức là mắt
thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc, ý biết Lục căn
chia làm 4 bộ: Kiến thuộc về mắt, văn thuộc về tai, giác thuộc
về mũi, nếm thuộc về thiệt, xúc
thuộc về thân, tri thuộc về ý.
Trong Bát Nhã tâm kinh đã
giải thích rõ ràng rằng : “sắc tức là không, không tức là sắc…
thức tức là không, không tức là thức” vì thế thân xác (sắc) khi
sống (tức) là không vì tự nó không có tự thể và khi chết thì
cũng từ cái không ấy lại tác tạo để hình thành cái thân xác
(sắc) khác. Thức cũng vậy khi sống thì thức (tức) là không vì
thức là huyển hóa, không thật, nhưng khi chết rồi thì thức
(không) trong không gian lại tác động vào thân xác mới để có đủ
những đức tính thấy, nghe, hay, biết (thức) của một con người.
Chỉ có tư tưởng thâm sâu trong kinh Lăng Nghiêm mới giúp chúng
sinh thấu hiểu rõ ràng việc kiến tạo hình thành chẳng những cho
con người mà còn áp dụng cho tất cả nhân sinh vũ trụ.
PHẬT CHỈ NGUỒN GỐC VỌNG
TƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
ông Phú Lâu Na và các đại A la hán rằng:
- Nay Như Lai vì đại chúng chỉ bày tánh chơn thắng nghĩa trong
thắng nghĩa, khiến cho hàng định tánh Thanh văn chưa được nhơn
không và pháp không, hướng về Đại Thừa. Các ông hãy lắng nghe
cho kỹ, tôi sẽ vì đại chúng mà nói. Phật dạy:
- Phú Lâu Na! Như ông vừa nói: Đã là bản nhiên thanh tịnh tại
sao bỗng nhiên lại sinh ra ấm, nhập, xứ, giới núi sông đất liền
sum la vạn tượng? Ông có nghe Như Lai đã từng dạy: “Tánh giác là
diệu minh, bản giác là minh diệu hay không”?
- Bạch Thế Tôn! Con đã nghe, Phú Lâu Na thưa.
- Ý ông hiểu thế nào? Tánh giác tự minh mà gọi là giác hay tánh
giác không minh phải dùng tánh minh để minh tánh giác?
Ngài Phú Lâu Na bạch với Phật :
- Bạch Thế Tôn! Tánh
giác tự minh nên gọi là tánh giác diệu minh. Nếu tánh giác không
minh thì còn lấy gì để gọi là minh tánh giác.
Phật dạy rằng:
- Đúng vậy. Phú Lâu Na!
Nếu tánh giác không tự minh thì không lấy cái gì để minh tánh
giác. Và nếu tánh giác là cái sở minh thì không còn gọi là tánh
giác nữa. Vậy ông nên hiểu: Tánh giác vốn minh mà chúng sinh lầm
tưởng phải nhờ cái minh để minh tánh giác. Sự thật tánh giác vốn
không phải là cái sở minh. Nhân vì lầm tưởng mà tánh giác trở
thành ra sở. Cái vọng về sở đã thành, tất cái vọng năng của ông.
Nguồn gốc của vọng tưởng phát nguyên là như vậy.
Đức Phật muốn xiễn dương một chân lý mới mà các vị A la hán chưa
thấu suốt. Thắng nghĩa còn được hiễu là liễu nghĩa. Dựa theo
Thành Duy Thức luận, tất cả lời Phật dạy đều là thắng nghĩa, tuy
nhiên trong các thắng nghĩa cũng có cao có thấp và được chia ra
làm bốn loại :
1) Thế gian thắng nghĩa là phân tích ra 5 uẩn, 6 nhập, 12 xứ, 18
giới, 7 đại…
2) Đạo lý thắng nghĩa dạy về Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo).
3) Chứng đắc thắng nghĩa dạy về Nhị Không Chân Như nghĩa là phá
trừ chấp ngã chấp pháp mà chứng được chân như.
4) Thắng nghĩa thắng nghĩa dạy về Nhất chân pháp giới tức là Đệ
nhất nghĩa đế mà Đức Phật đang chỉ dạy trong đoạn kinh này.
Cũng trong Duy thức
luận, có năm lớp quán, từ địa vị tư lương là :
Nải chí vị khởi thức
Cầu trụ duy thức cảnh
Ư nhị thủ tùy miên
Du vị năng phục diệt
Nghĩa là từ khi chúng sinh chưa biết tu hành đến khi tu theo duy
thức mà vẫn còn hai món thủ trong tâm trí, chưa hóa giải hết
được là năng thủ tức là chấp ngã đối với mình và sở thủ tức là
quan niệm chấp pháp đối với vạn vật thì người tu như vậy gọi là
tu “Du vị”.
Bài quán cho địa vị gia
hành kế tiếp :
Hiện tiền lập thiểu vật
Vị thị duy thức tánh
Dĩ hữu sở đắc cố
Phi thật trụ duy thức
Nếu người tu theo duy thức mà còn thấy có mục tiêu để mong đạt
đến để viên thành Phật tánh của duy thức thì không bao giờ tu
thành duy thức được vì lòng còn mong mỏi tức là tâm vẫn còn
tham.
Bài quán thứ ba là :
Nhược thời ư sở duyên
Trí đô vô sở đắc
Nhỉ thời trụ duy thức
Ly nhị thủ tướng cố.
Nghĩa là khi nào chúng sinh nhìn sự vật hiện tượng vạn pháp (sở
duyên) tức là đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì thấy,
nghe, ngửi, biết tất cả mà như là không thấy biết gì hết thì mới
tu thành tựu theo duy thức được bởi vì chính họ đã xa lìa được
hai chấp: chấp ngã và chấp pháp.
Bái quán thứ thư là:
Vô đắc bất tư nghì
Thị xuất thế gian trí
Xả nhị thô trọng cố
Tiện chứng đắc chuyển y.
Nghĩa là bất cứ chúng sinh nào mà tu hành đến chỗ không còn thấy
mình chứng đắc gì hết thì người đó mới đạt được cái trí xuất thế
gian. Nhưng thế nào là vô đắc? Trên phương diện tu hành, người
đệ tử Phật làm tất cả điều thiện, lìa xa tất cả những điều ác mà
thấy mình chả có chứng đắc, công đức, phước đức gì hết. Trên
phương diện độ sanh, người đệ tử Phật độ cho tất cả chúng sinh
mà thấy chẳng có chúng sinh nào được mình độ nghĩa là thi ân bất
cầu báo vậy. Trong Bát nhã tâm kinh cũng xác định rằng: “Dĩ vô
sở đắc cố” nghĩa là không có cái gì gọi là chứng đắc cả. Cái
thanh tịnh Niết bàn và trí tuệ Bồ-đề vốn đã có sẵn trong tất cả
mọi chúng sinh, nhưng vì bị vô minh che lấp nên con người không
thấy biết vậy thôi. Nay nếu chúng sinh biết hồi đầu thị ngạn,
quay thuyền trở lại bến xưa thì Niết bàn hiển lộ, Bồ-đề phát
hiện chứ đâu có chứng đắc cái gì mà cầu với mong.
Hai câu sau nghĩa là nếu chúng sinh có thể lìa được hai chướng
là phiền não chướng và tri kiến chướng (thô trọng) thì có Niết
bàn, có Bồ-đề. Nói cách khác là chúng
sinh chuyển phiền não thành Niết bàn, chuyển vô minh, sinh tử
thành trí tuệ Bồ-đề.
Bài quán thứ năm là :
Thử tức vô lậu giới
Bất tư nghì thiện tường
An lạc giải thoát thân
Đại mâu ni thanh pháp.
Và bài kệ sau cùng là :
Thử chư pháp thắng nghĩa
Diệc tức thị chân như
Thường như kỳ tánh cố
Tức duy thức thật tánh.
Sau cùng người đệ tử Phật hiểu thấu suốt được như vậy thì mới
hiểu được thắng nghĩa tức là chân lý tột cùng của vạn pháp. Hiểu
được như vậy cũng có nghĩa là hiểu được lý chân như, tánh thường
như của vạn pháp và thật tánh của duy thức. Thật vậy, trong Đệ
nhất nghĩa đế thì tất cả các pháp, dù thánh hay phàm, đều là
bình đẳng bởi vì hiện tượng vạn pháp cùng chung một bản thể Như
Lai Tạng.
Người đệ tử Phật nếu có niệm viễn ly để buông xả thì chính họ có
được an vui, thanh thoảng và tự tại. Mà muốn đạt đến trình độ
này thì họ phải phá chấp ngã và chấp pháp để có được nhơn không
và pháp không. Nhơn không có nghĩa là thấy mình không thật nên
không tham ái mà khổ vì thân. Còn pháp không là nhận biết thế
gian vũ trụ cũng là không thật, có đó rồi mất đó nên tâm không
dính mắc. Khi chúng sinh đã có được nhân không và pháp không rồi
thì bây giờ chỉ có một con đường duy nhất để hoàng thành Phật
đạo là nhất thừa Phật giáo cũng như trăm sông cùng đổ về biển
lớn như Phật đã thuyết trong kinh Pháp Hoa.
Vậy thế nào là tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu?
Tất cả chúng sinh từ loài hữu tình đến vô tình đều có chung tự
tánh thanh tịnh bản nhiên mà nhà Phật gọi là tánh giác. Tánh
giác mà tác động vào con người thì gọi là Phật tánh, còn tác
động vào các loài vô tình như cỏ cây, hoa lá thì gọi là Pháp
tánh. Thế thì từ con người cho đến đất, nước, cây, cỏ, núi cao,
rừng thẳm đều cùng có tự tánh thanh tịnh như nhau, không có cái
gì gọi là tội lỗi, phiền não, khổ đau cả. Nguyên nhân mà có
phiền não là do cái nhìn, thấy, biết chứa đầy vọng niệm mà nhìn
với tâm phân biệt. Nói cách khác con mắt của mình là năng phân
biệt để nhìn đối tượng là sở phân biệt. Đây chính là do vọng mà
sinh ra năng và sở. Thí dụ như tất cả con người ai ai cũng đều
là do thất đại hội tụ lại mà thành nghĩa là bất cứ con người nào
cũng đều có địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức (thất đại)
giống như nhau cho nên không có con người nào có tội lỗi hay
phiền não chi cả.
Còn vạn pháp trong thế gian
thì cũng được kết thành bởi địa, thủy, hỏa, phong, không (ngũ
đại) thì đâu có cái gì tự nó có phiền não hay tội lỗi chi. Nhưng
khi mắt thấy hoa đẹp, nhà sang, xe tốt làm tâm phân biệt mà có
sự lấy hay bỏ, thích hay không thích, thương hay ghét. Đây là do
vọng niệm phân biệt phát khởi và là nguyên nhân gây ra mọi phiền
não, khổ đau của con người. Cái mà con người cho rằng tội lỗi
xấu xa là do cái nhìn có vô minh, tham đắm của mình mà ra. Khi
vọng niệm phát khởi phân biệt thì nhìn cái gì cũng mê, cũng
thích, cũng muốn chiếm lấy thì đây chính là vẫn đục đeo trước
con mắt khiến con người nhìn thế gian là bất toàn, khổ não.
Nhưng nếu bây giờ lấy cái vẫn đục kia đi và cũng nhìn cái thế
gian đó với tâm trong sáng, thanh tịnh thì cái tội lỗi khổ đau
kia biến mất và thế giới biến thành an vui, cực lac. Vậy ai cột
trói mình? Chính mình tự cột trói lấy mình, tự mình chuốc lấy
bao hệ lụy của phiền não khổ. Bỏ vọng chấp thì có cuộc sống an
vui tự tại nghĩa là tự mình không trói mình thì cần gì phải cởi
trói.
Tánh giác vốn minh chớ không cần phải nhờ cái minh bên ngoài tức
là sở minh để minh (nhận biết các sự vật của) tánh giác nghĩa là
tánh giác vốn trong sáng thanh tịnh, thường diệu, thường minh
nên gọi là tánh giác diệu minh. Nhưng khi con người lầm lẫn chạy
theo vọng chấp nghĩa là sở minh bên ngoài để chuyển năng minh
bên trong của mình mà có sự phân biệt để tạo nghiệp và tự trói
mình trong sinh tử khổ đau. Khi chúng sinh biết hồi đầu thị
ngạn, quay thuyền trở lại bến xưa thì tánh giác bây giờ trở
thành bản giác nghĩa là giác tánh bản lai sẳn có của mình. Bản
giác ấy thường minh và thường diệu, nhưng trong bản giác, minh
và diệu luôn luôn hợp với nhau chớ không tách rời như trong lúc
phát khởi vọng thức mê lầm ở trên. Vì thế mới gọi là bản giác
minh diệu. Nói cách khác, Phật tánh có ba, đó là chánh nhân,
duyên nhân và liễu nhân. Trong mỗi chúng sinh, tánh mầu nhiệm
sẳn có vốn tự viên thành, không nhờ vào công phu tu tập nên gọi
là chánh nhân. Bây giờ, nếu chúng sinh phải nhờ minh sư, hay
thiện tri thức khai phát thì Phật tánh mới hiện bày, đây là nhờ
duyên khởi nên gọi là duyên nhân. Sau cùng nhờ công phu tu tập
rồi mới ngộ nên gọi là liễu nhân. Do đó tánh giác diệu minh
chính là Chánh Nhân Phật tánh. Còn bản giác minh diệu là Liễu
Nhân Phật tánh vậy.
Đã là tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu thế nhưng tại sao
con người có thể bị mất đi cái đó để rồi phải chuốc lấy phiền
não khổ đau mà chìm đắm trong sinh tử luân hồi?
Phật dạy rằng tánh giác tất minh, vọng vi minh giác nghĩa là do
vọng tưởng phát khởi mà sinh ra phân biệt rồi chấp mắc hiện
tượng vạn hữu. Cái phân biệt của con người trở thành năng minh
để chống lại cái tánh giác diệu minh của hiện tượng vạn pháp và
chấp thủ sai lầm về cái bản giác minh diệu của chính mình. Do
vọng tưởng sai lầm đó mà dẫn đến những nhận thức sai lầm để có
mừng, giận, thương, yêu, sợ, ghét… Đây là những khách trần phiền
não, có đến có đi, nhưng con người lại mở toan sáu căn (năng
minh) mà đón mời nó vào để nó luôn chiếm ngự ở mãi lòng ta. Nói
cách khác, vạn pháp vốn thanh tịnh, lục trần vốn thanh tịnh, lục
căn vốn thanh tịnh, nhưng con người lấy lục căn phân biệt lục
trần cho nên lục trần bây giờ trở thành đối tượng bị phân biệt
tức là sở minh và lục căn biến thành năng minh. Mà đã có năng có
sở nghĩa là có sự phân biệt đối đãi và đó là nguyên nhân của
phiền não khổ đau.
Tánh giác nhất định phải là diệu minh chớ không cần nhờ vào Minh
để làm sáng tỏ. Còn Vọng là minh giác nghĩa là vừa dấy động một
niệm sở minh thì chính mình đã đánh mất tánh giác diệu minh rồi.
Tánh giác thì bao trùm khắp pháp giới vốn không có năng minh,
không có sở minh, không có năng giác, không có sở giác, nhưng vì
do vọng chấp mê lầm mà mình cho rằng mình có năng giác còn đối
tượng bên ngoài có sở giác. Khi có sự thiết lập của năng và sở
tức là trong và ngoài thì sự phân biệt đối đãi hình thành và dĩ
nhiên vọng niệm cũng phát khởi từ đây. Thí dụ như khi quán chiếu
thấy tượng Phật bên ngoài tức là sở minh thì chúng ta dùng hình
ảnh Đức Phật bên ngoài mà xoay lại để thấy được Phật tánh bên
trong của mình tức là năng minh. Còn nếu chạy theo hình tượng
Phật bên ngoài mà quên đi Phật tâm, Phật tánh thanh tịnh, bất
sinh bất diệt của chính mình thì chúng ta chạy theo sở minh mà
quên bỏ năng minh vậy.
Đây là nguyên nhân của phiền não khổ đau. Vì thế tánh giác vốn
tự minh tự diệu, không có gì đáng gọi là sở minh. Nhưng do vọng
mà giả dối lập ra sở minh và đối đãi phân biệt sinh ra cái năng
minh của chúng sinh.
|
|