Bạch Thế Tôn! Ông A
Nan thưa. Vì sao đi sâu vào một căn lại có thể khiến cho sáu căn
đồng thời thanh tịnh?
Phật dạy rằng:
- A Nan! Ông được quả Tu Đà Hoàn, song tập khí vô thỉ còn thiếu,
chưa thể một lúc tháo gở những lớp vô minh: sinh, trụ, dị, diệt.
- Ông hãy xét kỹ, sáu căn hiện tiền là một hay là sáu? Nếu bảo
là một thì lỗ tai sao không thấy, con mắt sao không nghe, đầu
sao không đi, chân sao không nói? Còn nếu quyết định cho là sáu
thì hiện tôi đang dạy cho ông pháp môn tu hành, vậy trong sáu
căn của ông, căn nào tiếp thu, căn nào lãnh thọ?
Ông A Nan thưa:
- Tôi dùng lỗ tai nghe lời Phật dạy.
Phật bảo:
- Ông dùng lỗ tai nghe, vậy thì lỗ tai ông tự nghe nào dính dáng
gì đến thân và miệng. Mà miệng ông thì hỏi nghĩa, thân ông thì
đứng dậy tỏ vẻ kính vâng? Lấy đó mà suy nghĩ thì căn không phải
một cũng không phải sáu. Mà cũng một cũng sáu. Tại vì sự chấp mê
điên đảo vô thỉ cho nên cái thể viên minh kia lại sanh ra một,
sanh ra sáu. Ví như hư không không tham hợp với các vật. Lu,
bình, lọ, cốc do hình trạng đồ vật khác nhau mà hư không thành
ra sai khác. Trừ bỏ đồ vật ấy đi thì người ta gọi hư không là
một. Sự thật, hư không kia không vì ông mà thành đồng hay khác;
huống nữa lại gọi là một hay không phải là một.
- Sáu căn hay biết của ông cũng vậy. Do hai thứ sáng và tối hiển
bày lẫn nhau, cái tánh giác nhiệm mầu tác dụng vào bản thể trạm
nhiên, phát ra cái gọi là thấy. Cái thấy phản ánh ra gọi là sắc.
Cơ quan tiếp thu sắc được gọi là nhãn căn. Nhãn căn do tứ đại
thanh tịnh hợp thành, hình dáng trông như trái nho.
- Do hai thứ động và tĩnh đối chọi nhau, tánh giác nhiệm mầu tác
dụng vào bản thể trạm nhiên phát ra cái gọi là nghe. Cái nghe
phản ánh ra gọi là tiếng (thanh trần). Cơ quan tiếp thu tiếng
được gọi là nhĩ căn. Nhĩ căn do tứ đại thanh tịnh hợp thành,
hình dáng trông như cái lá sen non.
- Do hai thứ thông và bít phát hiện lẫn nhau, tánh giác nhiệm
mầu tác dụng vào bản thể trạm nhiên, phát ra cái gọi là ngửi.
Cái ngửi phản ánh ra gọi là hương. Cơ quan thu nạp hương được
gọi là tỷ căn. Tỷ căn do tứ đại thanh tịnh hợp thành hình dáng
trông như hai ngón tay duỗi xuống.
- Do hai thứ lạt và vị xâm lấn lẫn nhau, tánh giác nhiệm mầu tác
dụng vào bản thể trạm nhiên phát ra cái gọi là nếm. Cái nếm phản
ánh ra gọi là vị. Cơ quan nhận thức vị được gọi là thiệt căn.
Thiệt căn do tứ đại thanh tịnh hợp thành hình dáng trông như nửa
vành trăng.
- Do hai thứ hợp và ly cọ xát nhau, tánh giác nhiệm mầu tác dụng
vào bản thể trạm nhiên phát ra cái gọi là biết. Cái biết phản
ánh ra gọi là xúc. Cơ quan nhận biết xúc được gọi là thân căn.
Thân căn do tứ đại thanh tịnh hợp thành, hình thể trong như cái
trống cơm.
Do hai thứ sinh và diệt
tiếp nối nhau, tánh giác nhiệm mầu tác dụng với bản thể trạm
nhiên phát ra cái gọi là biết. Cái biết phản ánh ra gọi là pháp.
Cơ quan tiếp thụ pháp được gọi là ý căn. Ý căn vốn là tứ đại
thanh tịnh, biểu hiện qua khái niệm và tư duy, tựa hồ như chất
đậu hủ non (bộ óc).
Ông A Nan vẫn còn thắc mắc vì sao chỉ tháo gở một căn mà sáu căn
đồng thời được thanh tịnh. Ở đây, ông A Nan chỉ chứng được quả
Tu Đà Hoàn nghĩa là ông đã đoạn được hết thân kiến, biện kiến,
kiến thủ, giới thủ và tà kiến. Nếu có thể đoạn hết tham, sân,
si, mạn, nghi thì chứng quả A la hán. Tuy các vị trong hàng
Thanh Văn, Nhị thừa đã phá được phiền não chướng tức là các Ngài
đã loại được phần chấp ngã, nhưng về phần sở tri chướng tức là
chấp pháp thì các Ngài chưa phá được.
Sở tri chướng là nói về vô minh mà vô minh là sự mê mờ tâm thức
chẳng khác nào màn mây đen hút che đậy ánh sáng mặt trời để dẫn
đắt con người từ chỗ mê lầm này đến sự đam mê khác. Vô minh có
hai loại là “diệt tướng vô minh” tức là cái vô minh thô và “trụ
tướng vô minh” tức là vi tế vô minh. Thí dụ hai người vì bất
đồng ý kiến nên cải cọ và sau cùng sinh ra ấu đả, đánh đấm nhau.
Đây là vô minh thô tức là diệt tướng vô minh nghĩa là cái vô
minh dễ phát hiện. Ngược lại một người tuy bị chửi, tuy không ấu
đả, la hét ồn áo, nhưng tâm rất bực bội, đau khổ vì còn chấp vào
lời chửi mắng kia thì cái chấp pháp đó là trụ tướng vô minh tức
là cái vô minh vi tế chỉ có mình biết chớ không bạo động như vô
minh thô.
Khi phát tâm tu theo đại
thừa viên mãn thì mới phá được sở tri chướng để trở về hoàn toàn
với tánh giác diệu minh của mình. Vì thế mà các vị Bồ-tát cũng
nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa như phàm nhân, nhưng vì các
Ngài không còn chấp pháp nên nghe những lời mắng nhiếc kia cũng
như gió thoảng, mây bay, không dính dấp gì tâm họ nên họ mới có
ung dung tự tại là vậy. Chẳng những thế, khi cần thì Bồ-tát vẫn
giúp những người hung ác đó cải tà quy chánh, quay về sống đúng
với chánh đạo. Đó là diệt được sanh tướng vô minh để hướng về
đạo quả vô thượng Bồ-đề.
Con người có thói quen là hễ nói gì là tin chắc như vậy mà không
chịu tư duy quán chiếu để truy tìm xem lời nói đó là phương tiện
hay cứu cánh. Trong Phật giáo, kinh điển dạy trong ta có sáu
căn, nhưng thật ra có sáu căn như thế không? Để giải thích, Đức
Phật dạy rằng: sáu căn vốn không phải sáu mà nói sáu. Lẽ ra phải
nói là một, nhưng một không phải một theo nghĩa thông thường nên
Thế Tôn mới tùy thuận chúng sinh mà nói sáu vậy thôi. Thí dụ nếu
sáu là sáu thì tại sao khi mắt nhìn thấy đồ ăn thì tay liền gắp
và miệng chảy nước miếng? Còn nói là một thì tại sao tai nghe
nhạc, miệng hát và tay chân nhảy múa theo hoặc nói là một thì
tại sao con mắt không nghe, lỗ tai không thấy?
Vậy căn không phải một cũng
không phải sáu mà cũng chính là một và sáu. Đấy tức là sắc tức
là không và sắc chẳng khác không nghĩa là bất tức bất ly vậy. Để
giải thích Phật lấy thí dụ rằng tâm tánh con người cũng như hư
không, bao la vô cùng vô tận, không có gì là một hay là sáu,
nhưng khi hư không chứa trong các bình, lu, cốc, lọ khác nhau mà
hư không thành ra sai khác. Nếu bây giờ lấy bỏ hết các đồ dụng
kia đi thì hư không vẫn là một. Do đó, hư không là một mà cũng
là nhiều vô tận. Tâm tánh nương theo sáu căn cũng như hư không ở
trong các đồ dùng vuông, tròn, cao, thấp vốn không có gì là sáu
hay là một.
Sáu căn vốn là chơn tâm viên minh thanh tịnh nhiệm mầu, nhưng
cũng bởi do không giác ngộ được cái tâm tánh nhiệm mầu này mà
nhận cái minh làm giác nên từ đó mới “có minh” “có sở”. Một khi
năng sở được thành hình thì sự phân biệt đối đãi làm sở minh ảnh
hưởng đến năng minh và năng minh bị giới hạn trong phạm vi sở
minh.
Một khi có hai thứ sáng và tối hiển bày lẫn nhau thì cái tánh
giác diệu minh tác dụng vào bản thể tâm tánh nhiệm mầu để tạo ra
cái thấy (năng minh). Cái thấy phải có đối tượng để thấy tức là
sắc (sở minh) và sau cùng cơ quan tiếp thu những hình tướng, màu
sắc, cảnh giới bên ngoài thì gọi là nhãn căn. Nhãn căn là do tứ
đại thanh tịnh hợp thành vì thế nhãn căn không phải là nguyên
nhân gây ra tội lỗi, phiền não, khổ đau. Bằng chứng là Đức Phật,
các vị trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác mặc dù đã tu chứng mà
nhãn căn của họ vẫn giống y như tất cả chúng sinh, không thay
đổi.
Cái khác nhau duy nhất giữa
họ và chúng sinh là họ luôn làm chủ nhãn căn của mình, không để
cho nó tha hồ chạy theo sắc trần làm tâm bị mê hoặc mà làm nô lệ
cho vô minh phiền não. Nhãn căn là dùng văn tự đối đãi của con
người để nói vậy thôi, chớ đúng ra chả có cái gì là thật nhãn
căn cả bởi vì nhãn căn là do sự cấu thành của những tế bào, là
thịt. Mà đã là thịt thì tại sao chỉ có thịt mắt mới thấy còn
thịt đùi, thịt cổ tay lại không thấy? Vì thế Phật tạm gọi nó
hình dáng tròn tròn giống như trái nho.
Năm căn còn lại thì cũng thế. Đối với hai thứ động tĩnh tức là
thanh trần thì có nhĩ căn. Đối với hai thứ thông và bít tức là
hương trần thì có tỷ căn. Đối với hai thứ lạt và vị tức là vị
trần thì có thiệt căn. Đối với hai thứ hợp và ly tức là xúc trần
thì có thân căn và sau cùng đối với hai thứ sinh và diệt tức là
pháp trần thì có ý căn.
Nói tóm lại hình dáng nhãn căn thì tròn giống như trái nho, hình
dáng nhĩ căn giống như lá sen non, hình dáng của tỷ căn trông
giống như hai ngón tay duỗi xuống, hình dáng thiệt căn trông như
nữa vành trăng, hình dáng thân căn giống như cái trống cơm và
hình dáng ý căn gống như chất đậu hủ non. Vì lục căn là do tứ
đại thanh tịnh hợp thành nên chúng không phải là nguyên nhân của
ưu bi, tội lỗi, phiền não, đau thương.
Một ngày kia, có một thiền sư đang tọa thiền trên một tảng đá
lớn, thình lình có một người nhảy tới, túm lấy vai sư nói lớn :
- Thầy xem tôi có xấu không? Tôi rất khổ vì người đời nói tôi
xấu?
Đây là một người đàn ông chân tay khẳng khiu, da nhăn nheo tóc
thô, mắt to mắt nhỏ, tai nhọn như tai dơi, răng khặp khểnh chìa
ra ngoài, môi thâm và trề ra giống như quỷ Dạ Xoa. Nghe hỏi vậy,
thiền sư hiền từ đáp:
- Có những người xấu gấp ngàn vạn lần ông. Ông chẳng có chi gọi
là xấu cả.
Nghe nói thế ông xấu kia vặn hỏi:
- Thầy thử nói xem những người kia xấu như thế nào?
Sư chậm rãi đáp:
- Những kẻ có tiền của nhưng không phụng dưỡng cha mẹ. Những kẻ
tham tài phụ khó. Những kẻ giàu có tiền rừng bạc biển nhưng
không hề bỏ một xu cứu giúp người nghèo khó. Những kẻ khích bác
người đạo hạnh, khinh chê Tam Bảo, đố kỵ người xả thân cứu đời,
vô tài nhưng có máu ghen tị. Những kẻ hay đâm thọc, ngồi lê đôi
mách, thêu dệt, bịa đặt tin để gây chia rẽ. Những kẻ chuyên loan
truyền tin xấu chê bai dè bỉu thành quả của người khác. Những kẻ
ăn chơi đàng điếm, trụy lạc làm băng hoại xã hội, buôn bán,
chuyển vận xì ke ma túy làm tiêu ma thế hệ trẻ. Những kẻ lười
biếng ăn bám xã hội, sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Tất
cả những người này mới xấu, chứ ông có gì gọi là xấu đâu!
Nghe nói như vậy ông xấu đó lạy tạ sư rồi lui ra. Khi bóng ông
vừa khuất thì một người hung hăng bước vào. Ông này ai nhìn diện
mạo đều khiếp vía. Bởi vì ông ta cao lớn dềnh dàng, mặt sơn
trắng sơn đen vằn vện như những tay đâm thuê chém mướn. Tóc ông
ta dựng đứng và tua tủa như những chiếc đinh nhọn. Hai tai ông
ta đeo lủng lẳng hai chiếc còng sắt số tám. Lỗ mũi ông ta móc
một chiếc nanh heo rừng. Mắt ông ta đeo một miếng da màu đen
giống như những tên cướp biển chột mắt. Cổ ông ta xâm hình con
cú. Hai vai ông ta quàng chéo hai vòng đạn đại liên như những
tên cướp hung bạo.
Ông ta cởi trần, ngực xâm
những con thủy quái gớm nhiếc. Chưa hết, hai cánh tay ông còn
xâm hình hai con rắn hổ mang mà hai bàn tay là hai cái miệng của
con rắn cho nên khi ông đưa tay ra giống như hai con rắn muốn mổ
người ta. Ông ta không mặc quần mà quấn một chiếc khố bằng da
beo. Hai bên đùi xâm hình hai cô gái lõa thể trông giống như yêu
tinh, thần nữ. Tay trái ông cầm một chiếc móc sắc, tay phải cầm
một quả lựu đạn đã mở chốt sẳn. Giọng ông khàn khàn giống như
giọng Ngưu Ma Vương khiến đàn bà, con nít gặp ông ngã ra bất
tỉnh. Ông bước tới trước mặt sư, chìa cái móc sắt và quả lựu đạn
ra rồi hỏi:
- Thầy có thấy tôi đáng sợ không?
Nghe ông hỏi, sư vẫn điềm nhiên đáp:
- Ông chẳng có chi đáng sợ cả. Có ngàn vạn người khác còn đáng
sợ hơn ông.
Quá đổi ngạc nhiên, ông vặn hỏi:
- Những người đó có gì mà đáng sợ hơn tôi? Thầy thử nói xem.
Thiền sư vẫn ung dung đáp lại:
- Những kẻ mặt mũi đẹp đẽ, ăn mặt sang trọng, nói năng ngọt ngào
nhưng trong lòng chứa đầy âm mưu thủ đoạn lường gạt hại người,
kẻ đó mới đáng sợ. Những kẻ hành tà đạo, tôn thờ thần linh, ma
quỷ nhưng nói ra toàn chuyện đạo đức giả hình, biến người nghe
thành những con cừu non khờ dại, kẻ đó mới đáng sợ. Những kẻ
quản trị những công ty lớn, miệng nói trung thành, tín nhiệm
nhưng gian tham, lường gạt khách hàng khiến cả trăm ngàn người
tán gia bại sản, kẻ đó mới đáng sợ. Những kẻ âm mưu thống trị
nhân loại nhưng nói ra toàn chuyện nhân nghĩa, đạo đức để lừa
mị, kẻ đó mới đáng sợ. Những kẻ đứng sau lưng những thế lực đen
tối, buôn bán nô lệ, đàn bà, trẻ em, đứng đầu những tổ chức trùm
ma túy kết thành bè đảng Mafia, không chuyện tàn ác nào mà không
dám làm, những kẻ đó mới đáng sợ. Những kẻ dùng ngòi bút, diễn
đàn như gươm súng để đàn áp người cô thế, đầu độc dư luận, bóp
méo sự thật, phỉ báng, vu oan giá họa người lương thiện như thế
mới đáng sợ. Còn như ông thì chẳng có gì đáng sợ cả.
Ông đáng sợ sau khi nghe nhà sư nói như thế chán nản lui ra.
Nhưng khi ông vừa bước xuống thềm đá thì một cô gái tiến lên,
tới trước mặt sư, kiêu hãnh hỏi:
Tôi là Hoa Hậu Thế Giới, Sư có thấy tôi đẹp không?
Sư chậm rãi đáp :
- Cô chẳng có chi là đẹp cả. Có cả ngàn vạn người còn đẹp hơn cô
rất nhiều.
Cô gái nghe nói, bực bội, mở tròn đôi mắt hỏi lại sư:
- Hoa hậu thế giới là người đẹp nhất của thế giới mà thầy nói
còn rất nhiều người đẹp hơn tôi, vậy những người đẹp đó hơn tôi
ở chỗ nào?
Sư hiền từ đáp :
- Giữ gìn trang nghiêm “giới hạnh” là “thân đẹp”. Ăn ở hiền hòa,
thủy chung là “nết đẹp”. Thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là
“cử chỉ đẹp”. Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp người cô quả cô
độc, tôn quý các bậc hiền thánh, cúng dường chư tăng ni đó là
“tâm hồn đẹp”. Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi mà nói lời an ủi
giúp đở, đó là “ngôn ngữ đẹp”. Không một tà niệm nảy sinh, đó là
“ý đẹp”. Thấy người ta u tối, không hiểu biết mà khai mở trí
tuệ, cho học hành chữ nghĩa, đó là “trí tuệ đẹp”. Phá vỡ màn vô
minh, hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui giải thoát, đó
là cái đẹp mà trời Đế Thích phải trải hoa tán thán. Còn cái đẹp
của cô là cái đẹp của sự ham muốn, chiếm đoạt, xoay vần trong
vòng sinh tử luân hồi, ngầm chứa khổ đau, sớm nở tối tàn không
có chi đáng tán dương cả.
CHỈ RA HƯ VỌNG KHÔNG THẬT. PHÁT MINH CHÂN TÁNH THÌ VIÊN THOÁT
A Nan! Sáu căn của ông bị hạn chế là bởi “tánh giác minh” bị
trở thành “minh giác”. Do vậy, tánh giác minh mất phẩm chất
trong sáng bản nhiên, tác dụng với các vọng mà phát ra hay biết.
Hiện nay ông rời tối, rời sáng thì không có cái thấy. Rời động
và rời tĩnh thì không có tánh nghe. Rời thông và bít thì không
có tánh ngửi. Không vị không nhạt thì không có cái nếm. Không
hợp, không ly thì không có tánh xúc. Không diệt không sanh thì
cái nhận thức không có điều kiện sanh.
Động, tĩnh, hợp, ly, nhạt, vị, thông, bít, sanh, diệt, tối, sáng
đó là 12 tướng hữu vi. Ông đừng chạy theo sự chi phối, lôi cuốn
của chúng. Tùy nghị lực của ông, nhận xét tìm ưu thế của một
căn, chặt nhổ gốc rễ vô minh phiền não, xoay tánh giác minh trở
về vị trí bản nguyên minh diệu của nó. Phát huy thế mạnh trừ khử
mê mờ, làm chủ được một căn thì năm căn còn lại sẽ được thanh
tịnh giải thoát hết.
Đến lúc không cần có tiền trần mà tri kiến vẫn phát khởi, bấy
giờ tri kiến giác minh không lệ thuộc nơi căn, chỉ gá vào căn mà
phát ra nhận thức trong sáng. Do đó sáu căn bấy giờ có thể dùng
thay lẫn nhau mà không có gì trở ngại.
A Nan! Ông có biết chăng! Trong hội này ông A Na Luật Đà không
có mắt mà vẫn thấy. Thần nữ Căn Già không có mũi mà nhận biết
hương. Ông Kiều Phạm Ba Đề lưỡi dị tướng (lưỡi trâu) mà biết vị.
A Nan! Nếu các căn của ông đều được giải thoát thì tánh giác tự
phát ra. Chừng đó, phù trần căn và hiện tượng vạn hữu thế gian
đối với ông cũng như băng giá gặp nước sôi. Sự nhận thức của ông
bấy giờ trở thành Vô thượng Chánh Biến Tri Giác.
Thế nào là tánh giác minh trở thành minh giác?
Tánh giác minh là tánh thanh tịnh bản nhiên, châu biến khắp mười
phương thế giới, là tánh khách quan, không phải của riêng người
nào. Nhưng cái tánh giác minh này trở nên bị hạn chế, giới hạn
công năng của nó khi nó tác động vào con người mà trở thành ra
minh giác. Do đó minh giác là cái riêng của mình, của ta. Vì thế
khi tánh giác minh tác dụng vào ông A Nan thì nó trở thành cái
riêng của ông A Nan tức là minh giác. Một khi trở thành ra cái
riêng của ông A Nan thì A Nan bây giờ trở thành năng phân biệt
tức là năng minh và vạn pháp trở thành đối tượng sở phân biệt
tức là sở minh. Thí dụ nhãn căn là năng phân biệt và nhà cửa, xe
cộ là sở phân biệt. Nhĩ căn là năng phân biệt và tiếng nói,
giọng cười, âm thanh là sở phân biệt.
Cái lưỡi là năng phân biệt
còn mặn, nhạt, chua, cay là sở phân biệt. Nói cách khác bản tâm
vốn thanh tịnh, thường hằng và không sinh không diệt, nhưng lục
căn duyên theo trần cảnh bên ngoài mà phát sinh ra vọng tưởng
hay, biết. Một khi vọng tưởng phát khởi thì tham-sân-si nương
theo vọng tưởng mà phát sinh mạnh. Từ đó tâm con người chạy theo
lục dục thất tình nên cố bám giữ những thứ mình yêu mình thích
và chán ghét những thứ mình không ưa, không muốn. Cũng vì chạy
theo chấp ngã, chấp pháp nên con người tạo nên hạnh nghiệp để
cột chặt họ vào sinh tử trầm luân đau khổ. Cái tuyệt vời ở đây
là Đức Phật nhìn vạn hữu qua tánh bình đẳng khách quan tức là
Ngài chỉ có tánh giác minh nên tất cả vạn pháp trong thế gian
này như thế nào thì Đức Phật nhìn thấu suốt như thế đó, không
thêm không bớt. Đó chính là pháp nhĩ như thị vậy. Ngược lại
chúng sinh thì nhìn vạn pháp xuyên qua thấu kinh chủ quan nên
“tánh giác minh” biến mất mà thay bằng “minh giác” nên thấy biết
lầm lẫn, không thật.
Vì thế Phật mới dạy rằng :
“Tri kiến lập tri tức vô minh bổn,
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn”.
Là người đệ tử Phật chúng sinh nên thấu hiểu rằng: Hiểu biết mà
chồng lên hiểu biết là gốc rễ của vô minh. Hiểu biết rồi xóa đi
hiểu biết mới tìm thấy Niết bàn. Nói cách khác người đệ tử Phật
phải biết cái gì là gút để phải vướng mắt mãi mãi trong sinh tử
luân hồi hoặc làm sao mở gút để không còn ràng buộc trói trăn mà
bước đi thong dong tự tại.
Khi tánh giác minh trở thành minh giác thì sáu căn của con người
bị hạn chế, không còn bao la vô cùng vô tận trong pháp giới bởi
vì tánh giác minh bây giờ đã mất hết tánh chất trong sáng bản
nhiên nên bị giới hạn trong cái hay, biết tầm thường. Vì thế sáu
căn bây giờ tùy thuộc hoàn toàn vào sáu trần cho nên nếu không
có sáng tối thì không có cái thấy, không có động và tĩnh thì
không có tánh nghe, không mặn, không nhạt thì không có tánh nếm,
không ly không hợp thì không có tánh xúc, không sinh không diệt
thì không có tánh biết. Ngược lại người tu chứng thì họ không
tùy thuộc vào ngoại trần, không cần sáng tối mà vẫn thấy, không
cần động tĩnh mà vẫn nghe… Họ không cần sự phân biệt đối đãi của
căn và trần (năng, sở) mà vẫn có tri kiến giác minh sáng suốt
thanh tịnh. Khi đã làm chủ được sáu căn nghĩa là đóng bít sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp thì tri kiến bây giờ trở về với tự
tánh thanh tịnh bản nhiên tức là sống với cái bản lai diện mục
của mình. Hằng ngày con người sống với vọng tâm, sống xa dần với
chơn tánh của mình nên mới nếm mùi phiền não khổ đau. Nếu bây
giờ biết hồi đầu thị ngạn, biết tránh xa những nhận thức mê lầm
thì cái thế giới mình đang sống này sẽ trở thành thiên đường cực
lạc. Vì thế mà kinh Duy Ma Cật có dạy rằng: “Tùy kỳ tâm tịnh,
tắc Phật độ tịnh” là vậy.
Một lần nữa kinh Lăng Nghiêm xác định rằng một khi con người làm
chủ được sáu căn của mình thì tuy hiện tượng vạn hữu trong thế
gian này vẫn sờ sờ ra đó, nhưng đối với họ tuy có mà vẫn như
không. Nói cách khác mặc dù thế gian vẫn có trước mắt, nhưng
chúng sinh đừng chấp cái có của nó, đừng để tâm tham mê luyến ái
nó thì tuy là có nhưng nó vẫn như không. Đó chính là thấy mà như
không thấy, nghe mà như không nghe. Lục căn đối với người giác
ngộ thì tuy có mà vẫn như không. Các Ngài cũng có đầy đủ sáu căn
như tất cả chúng sinh, nhưng sáu căn không còn tác động, chạy
theo sáu trần. Họ nhìn vạn pháp một cách thấu triệt tận gốc của
nó rằng: “Vạn pháp giai không, duyên sinh như huyễn” nên
tâm không hề lưu luyến, tham ái. Đây chính là cái nhìn hiện
tượng vạn pháp qua thấu kính “tri kiến vô kiến” vậy.
Khi nói sáu căn chớ thật sự không phải là sáu mà chỉ nói sáu vậy
thôi. Nhưng nếu không nói là sáu thì phải chăng nó là một? Cũng
không được gọi là một mà chính là một. Nói cách khác công dụng
của sáu căn là một và một cũng là sáu. Vì sao? Bởi vì sáu căn
phát xuất từ tánh giác minh thanh tịnh bản nhiên mà tác dụng vào
sáu căn nên có công dụng khác nhau mà có tánh thấy, nghe, ngửi,
nếm, xúc, biết. Nói cách khác sáu tánh thấy, nghe, ngửi, nếm,
nếm, xúc, biết đều phát xuất từ một tánh giác minh nên nói một
tức là sáu, nhưng nếu con người bây giờ biết làm chủ sáu căn của
mình để quay về với tự tánh thanh tịnh của mình thì sáu trở
thành một nghĩa là sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau mà không có
gì ngăn ngại cả. Phù trần căn là những căn thô, hiển lộ ra hình
tướng chẳng hạn như con mắt thì tròn giống như trái nho, lỗ tai
thì hình dáng giống như cái là sen non… Còn những căn rất vi tế
bên trong gọi là tịnh sắc căn. Tuy rất vi tế, nhưng nó vẫn là
vật chất, như luồng điện. Con người thường nghĩ rằng ý căn thuộc
về tư tưởng nên nó không phải là vật chất, nhưng ở đây Phật chỉ
rõ rằng ý căn thuộc về tâm nên không có hình tướng. Tuy ý căn là
vô hình, nhưng vì phát xuất từ tứ đại thanh tịnh nên nó cũng có
phù trần căn và tịnh sắc căn như tất cả các căn khác. Phù trần
căn là khối thần kinh dùng để lưu chuyển những tín hiệu (dòng
điện) từ các căn khác về hệ thần kinh trung ương.
Trong đoạn kinh trên Đức Phật dạy ông A Nan và đại chúng nếu
muốn trở về với bản tâm thanh tịnh để có giải thoát giác ngộ, an
vui tự tại thì chỉ cần hàng phục “một trong sáu căn” để cho nó
không còn dính mắc nơi trần cảnh nghĩa là tận diệt tận gốc rễ
tất cả vô minh phiền não và xoay tánh giác minh trở về với trạng
thái sáng suốt, minh diệu như thủa ban đầu. Một khi trí sáng
suốt hiển hiện thì chấp ngã, chấp pháp dần theo thời gian mà tan
biến và sau cùng chơn tâm hiện bày, Phật tánh hiễn lộ và chúng
sinh sẽ có an lạc, thanh tịnh và tự tại.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật có dạy rằng :
“Tất cả chúng sinh đều có đầy đủ trí tuệ của Như Lai, nhưng vì
vọng tưởng, chấp trước che lấp nên không nhận ra. Nếu con người
có thể lìa được vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, Vô
ngại trí hiển bày”.
Nói tóm lại, chúng sinh do căn-trần đối đãi mà có năng-sở phân
biệt cho nên khi không có căn-trần thì mờ mịt, lầm lẫn. Đến khi
chứng được tánh sáng suốt nghĩa là xoay cái minh giác trở thành
tánh giác minh thì sáu căn trở thành tự tại và trở về với tự
tánh thanh tịnh bản nhiên nên sáu căn có thể hòa nhập, không còn
ngăn ngại. Đó là tại sao các vị A la hán, Duyên giác hay Bồ-tát
một khi đã hoàn toàn sống với tánh giác minh của họ thì người
nào cũng có thần thông tự tại, biến hóa khôn lường. Sáu căn
không còn ngăn ngại nên mặc dầu nhắm mắt mà họ vẫn thấy, bịt tai
mà vẫn nghe. Bằng chứng là tôn giả A Na Luật tuy mắt bị mù,
nhưng nhờ có được thiên nhãn thông mà có thể thấy được tam thiên
đại thiên thế giới như thấy quả quít trong bàn tay. Thần nữ Căn
Già tuy không có mũi mà vẫn biết mùi hương. Ông Kiều Phạm Ba Đề
đời trước chê bai những vị tăng tiếng tụng kinh như tiếng chó
sủa nên sang đến đời này cái lưỡi rất to và cong lại như lưỡi
trâu. Tuy thế ông vẫn biết đủ mùi vị.
|
|