Lúc bấy giờ A Nan ở trong đại chúng,
liền đứng dậy từ chỗ ngồi bày vai áo bên phải, gối bên phải qùy
sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật :
- Con là em nhỏ nhất của Phật, nhờ Thế Tôn thương yêu, nay tuy
con đã xuất gia, nhưng vẫn còn ỷ nại lòng thương yêu của Thế
Tôn, do đó chỉ được đa văn chưa được quả vô lậu. Nên con bị chú
thuật Satìcala lôi kéo và sa vào nhà dâm, tất cả chỉ vì không
biết chỗ quy hướng của chơn tâm.
Cúi mong đức Thế Tôn mở
rộng lòng từ, thương xót chỉ dạy cho chúng con pháp tu thiền
định Xa-ma-tha, khiến cho hàng nhất-xiển-đề và miệt-lệ-xa thoát
khỏi tà kiến. Thỉnh cầu như vậy xong, rồi gieo năm vóc sát đất
cùng toàn thể đại chúng kính cẩn lắng nghe lời Phật chỉ dạy.
Trong phần đầu của kinh, ông A Nan nêu lý do xuất gia là vì kính
yêu sắc tướng trang nghiêm thanh tịnh của Phật chớ không phải là
vì cứu cánh giải thoát giác ngộ cứu độ chúng sinh. Như thế rõ
ràng ông A Nan xuất gia với tâm không chân chính nghĩa là thân
tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo nên khi vào tăng đoàn, thay vì
lo tu tập như các vị thánh tăng khác, ông chỉ lo học rộng nghe
nhiều để thỏa mản nhu cầu trí thức và có tâm ỷ nại nơi Phật. Vì
ông là em chú bác và cũng là thị giả của Phật nên theo ông nghĩ,
Phật không bao giờ bỏ rơi ông. Ông tin chắc rằng trước khi Phật
nhập Niết bàn thì thế nào Phật cũng ban cho ông quả vị Bồ-đề và
khi Phật nhập vào Niết bàn thì cũng đem ông theo cũng như vai
trò thị giả của ông bây giờ vậy. Đối với ông, Đức Phật là một
bóng mát luôn che chở cho ông và cho cả tâm hồn của ông vì bất
cứ nơi nào có bước chân của Phật là có bóng dáng của ông. Vì tin
chắc như vậy nên tuy theo chân Phật suốt hai mươi bảy năm mà ông
không chịu tu chứng đến lúc gặp nạn dâm nữ Ma đăng già mới làm
ông thức tỉnh mà thỉnh cầu Phật chỉ cho pháp môn Xa-ma-tha để
tu. Một trường hợp ỹ lại khác trong tăng đoàn là tôn giả La hầu
La. Vì là con của Phật và cháu của vua nên khi mới vào tăng đoàn
làm Sa di, La hầu La không chịu tu hành, ương ngạnh, nói dối,
đến khi Ngài thức tỉnh, phá được bản ngã, tinh tấn tu hành mới
chứng được Thánh quả.
Vậy tại sao ông A Nan lại thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy pháp môn
Xa-ma-tha? Đây là một phương pháp tu Chỉ cũng được gọi là tu
Định tức là tâm của người tu lúc nào cũng tỉnh giác, không bị
các vọng tưởng chi phối làm tiêu trừ tất cả mọi phiền não khổ
đau. Vì tâm có định nên người tu có thể tiến thẳng đến Niết bàn
tịch tịnh.
Khi ấy từ chặng giữa chân mày của Thế Tôn phóng ra các đạo
hào quang. Các hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời,
trỗi lên sáu điệu làm chấn động khắp cõi nước Phật. Mười phương
cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra. Nhờ oai thần của Phật
khiến các thế giới vi trần ấy hợp thành một cõi. Trong các cõi
nước ấy, các vị đại Bồ-tát ở nơi quốc độ của mình đều chắp tay
lắng nghe lời Phật dạy.
Trước khi Đức Thế Tôn
thuyết một bài kinh nào tối quan trọng, Ngài thường phóng hào
quang sáng ngời làm chấn động mười phương thế giới. Lời thuyết
pháp phát xuất từ những tuệ giác sâu xa của Đức Phật và cũng để
chứng minh đây là chân ngữ từ trong tuệ giác của Ngài. Mặc dù
ánh hào quang sáng chói như trăm ngàn ánh mặt trời, nhưng hào
quang của Đức Phật phát xuất từ đại từ, đại bi tâm nên rất thanh
tịnh và mát dịu không làm chói mắt chúng sinh. Trong thế gian có
khi các loài ma cũng biến hóa thân Phật và phóng hào quang,
nhưng thay vì ánh sáng hòa dịu, tươi mát như hào quang của chư
Phật làm cho thân tâm thanh tịnh thì hào quang của loài ma chiếu
vào làm cho thân tâm bực bội, nóng rát, khó chịu. Vì thế người
tu thiền khi đi sâu vào thiền định có thể thấy biết hào quang
nào là của chư Phật và hào quang nào là của loài ma đạo. Mặc dù
thế giới nhiều như vi trần, nhưng tất cả các vị đại Bồ-tát trong
các cõi cùng chắp tay lắng nghe lời Phật dạy. Như thế đủ biết
giá trị và tầm quan trọng của kinh Thủ Lăng Nghiêm chẳng những
mang lợi ích sâu xa cho chúng sinh trong thế giới Ta bà, mà còn
cho tất cả chúng sinh trong muôn vàn thế giới nữa.
Đức Phật hỏi A Nan :
- Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, đủ các
thứ điên đảo, mầm giống nghiệp tự nhóm lại như chùm quả ác xoa.
Những người tu hành không thành được đạo vô thượng Bồ-đề, mà chỉ
thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma
vương và quyến thuộc của ma. Tất cả đều do không biết hai loại
căn bản, tu tập lầm lộn, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù
trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, rốt cùng chẳng được. Thế nào
là hai món căn bản? Này A Nan! Một là căn bản sanh tử từ vô thỉ
chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông cũng như toàn thể chúng
sinh nhận làm tự tánh. Hai là nguyên thể thanh tịnh Bồ-đề Niết
bàn từ vô thỉ. Đó là cái chân tâm vốn sáng suốt hiện giờ của
ông, hiện nay sinh khởi các duyên bị ông lãng quên. Do các chúng
sinh bỏ quên tánh bản minh này tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng
tự biết nên bị trôi lăn oan uổng trong các cõi.
Con người từ muôn kiếp luôn lặn hụp, trôi nổi trong sinh tử luân
hồi cũng vì nghiệp. Có gây nghiệp thì phải chịu thọ báo tái sinh
trầm luân sinh tử, đời này tan đời khác đến vô cùng vô tận.
Chúng sinh vì sống trong màn vô minh đen tối nên quên mất trong
họ đã có sẵn tự tánh Bồ-đề, tự tánh thanh tịnh Niết bàn mà chạy
theo ngoại trần làm tâm điên đảo. Càng chạy theo lục dục thất
tình, con người càng tạo nghiệp và nghiệp thì chồng chất, kết
nhóm chẳng khác nào như chùm cây độc “ác xoa” vì giống cây độc
này mỗi khi mọc cây con thì kết ba cây làm một bụi, tăng trưởng
rất nhanh và liên kết với nhau nên rất khó tiêu trừ. Chúng sinh
bị nghiệp sai sử cũng vì không biết phân biệt hai món căn bản
vọng, chân nên ngay cả những người tu hành cũng không thể đắc
quả vị vô thượng Bồ-đề tức là quả vị Phật mà tối đa là chứng đắc
những Thánh quả trong hàng Thanh Văn, Duyên giác. Hoặc họ có thể
thành chư thiên, ngoại đạo mà tệ hại nhất là thành ma vương. Hai
món căn bản đó là :
1) Chúng sinh vì lầm tưởng tâm phan duyên là tự tánh của chính
mình, nhưng tâm phan duyên là cái tâm luôn duyên với trần cảnh
bên ngoài mà phát sinh ra vọng thức. Con người có vui, có buồn,
có hờn, có giận, có tham, có muốn nghĩa là tâm luôn thay đổi
theo duyên cảnh bên ngoài. Ý niệm trước vừa phát sinh thì ý niệm
sau liền sinh khởi làm cho con người vui đó, buồn đó… tâm chất
đầy vọng tưởng, bất tịnh.
2) Thể tánh thanh tịnh Bồ-đề Niết bàn vốn có sẵn trong tất cả
mọi chúng sinh. Đó chính là chơn tâm thường trú, thể tánh tịnh
minh không thay đổi, bất sinh bất diệt theo không gian, thời
gian và lúc nào cũng trong sáng thanh tịnh.
Tuy con người đã có sẵn chơn tánh thanh tịnh trong họ, nhưng vì
trần cảnh mê hoặc nên họ quên mất mà sống trong điên đảo khổ
đau. Ví như một người có viên kim cương trong túi mà không biết,
hằng ngày cứ lo buôn tảo bán tần, làm ăn cực khổ, thiếu thốn đủ
điều. Bây giờ thức tỉnh thò tay vào túi lấy viên kim cương đem
bán thì sẽ được giàu sang phú quý. Con người cũng thế, nếu biết
thức tỉnh, biến mê thành giác, diệt hết vô minh phiền não thì
Niết bàn tự bày, Bồ-đề hiển hiện.
Như thế diệt hết vọng tưởng thì chơn tâm bản giác tự hiện bày,
nhưng tất cả đều nương vào năng lực của đại định mà pháp tu
“Chỉ” Xa-ma-tha
làm cho tâm người tu lúc nào cũng tỉnh giác nên không còn bị các
vọng tưởng chi phối mà tiêu trừ tất cả mọi phiền não khổ đau.
Phật Gạn Hỏi Tâm Lần Thứ Hai
A Nan! Nay ông muốn biết con đường tu tập thiền định, ước nguyện
được thoát ly sinh tử, nay ta hỏi ông :
Phật liền đưa cánh tay sắc vàng lên co lại năm ngón và hỏi A Nan
rằng :
- Ông có thấy không?
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Con
thấy.
Đức Phật hỏi :
- Ông thấy cái gì?
A Nan đáp :
- Con thấy Như Lai đưa
cánh tay lên và co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu
vào tâm và mắt của con.
Đức Phật hỏi :
- Ông lấy cái gì để
thấy?
A Nan thưa :
- Cả đại chúng và con
đều thấy bằng mắt.
Đức Phật bảo A Nan :
- Như ông vừa trả lời,
cho rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu
vào mắt và tâm của ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy
gì làm tâm để cho nắm tay sáng chói chiếu vào?
A Nan Chấp Cái “Suy Nghĩ Phân Biệt” là Tâm
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Như Lai
gạn hỏi tâm ở chỗ nào, con dùng tâm suy nghĩ để trả lời, thì rõ
là cái suy nghĩ ấy là tâm của con vậy.
Phật quở :
- Này A Nan! Sai rồi.
Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông.
A Nan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật :
- Bạch Thế Tôn! Cái suy
nghĩ, phân biệt không phải là tâm con, vậy nó là cái gì?
Phật bảo :
- A Nan! Đó là sự tưởng
tượng những tướng tiền trần giả dối, nó làm mê mờ chân tánh của
ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc này làm con, bỏ mất tâm
tánh bản lai thường trú nên phải chịu luân hồi.
Chúng sinh thường hay quan niệm rằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
là năm căn vật chất căn bản tạo thành con người. Còn cái tác
dụng của tư tưởng để có sự phân biệt suy nghĩ mà con người không
nắm bắt được thì gọi là tâm mà nhà Phật gọi là ý thức. Sau bảy
lần gạn hỏi về ý nghĩa của bản tâm và nó ở đâu, bảy lần bị Phật
bác mà ông A Nan vẫn chưa ngộ nên tiếp tục cho rằng vì mắt thấy
mà sinh ra sự phân biệt suy nghĩ. Và chính sự phân biệt suy nghĩ
này là tâm của A Nan. Một lần nữa, ông A Nan đại diện cho chúng
sinh, đóng vai trò một người có quan niệm nhận thức thông thường
để cùng Phật luận bàn tìm hiểu cái tâm. Vì vẫn còn mê, ông A Nan
lại chấp tâm vọng tưởng, tâm phan duyên sinh diệt biến đổi là
chơn tâm. Sau khi bị Phật bác bảy lần mà ông A Nan không thông
hiểu rằng tất cả những ý niệm phân biệt suy nghĩ luôn thay đổi
mà kinh Phật thường dùng câu: “tâm viên mã ý” đó sao; vì thế cái
tâm quay cuồng, thay đổi chạy theo trần cảnh, sinh diệt lúc có
lúc không thì cái tâm này đâu phải là chơn tâm! Cái mà ông A Nan
lầm tưởng là chơn tâm thật ra chỉ là tâm phan duyên của lục thức
mà thôi.
Chính cái thức tâm này làm
mê mờ chân tánh khiến ông bị trầm luân trong sinh tử luân hồi
chẳng khác nào nhận giặc làm con, vô cùng tai hại. Chẳng hạn như
có kẻ nghèo, mắt thấy một người có rất nhiều vàng bạc, tâm tham
liền khởi dậy thúc đẩy họ trở thành người trộm cướp. Do đó cái
tâm tham này chính là vọng tâm điên đảo thay đổi tùy theo hoàn
cảnh và thời gian chớ không thường trụ, bất biến và lúc nào cũng
thanh tịnh như chơn tâm, Phật tánh. Khi mê thì thấy có chúng
sinh, có Bồ-tát, có Phật đến khi giác ngộ thì tất cả đều là
Phật. Tại sao? Chúng sinh vì tìm Phật bên ngoài tức là thấy Phật
qua hình tướng sinh diệt chớ không thấy được bản tâm của chính
mình, đến khi thức tỉnh giác ngộ biết lìa bỏ hình tướng sinh
diệt bên ngoài mà quay về sống với thật tướng bất sinh bất diệt
bên trong thì nghiệm biết tâm mình chính là tâm Phật. Khi tâm
không duyên theo những ngoại trần (tiền trần) nên những ý niệm
thương yêu, ghen ghét, tham lam, giận hờn, hơn thua, phải quấy…
sẽ không còn dấy khởi.
Bây giờ thức tâm, tâm vọng
động biến mất và chơn tâm thanh tịnh sẽ hiện bày. Nếu chúng sinh
biết dựa theo chơn tâm tức là tâm vô phân biệt mà tu hành thì
chắc chắn sẽ có giải thoát giác ngộ. Ngược lại nếu chúng sinh
dựa theo tâm phan duyên mà tu hành thì những hạnh nghiệp sẽ dẫn
dắt họ lưu chuyển trong sinh tử luân hồi. Ngày xưa vua Lương Võ
Đế xây cất trên 480 ngôi chùa và độ cho rất nhiều Tăng, Ni,
nhưng trên thực tế nhà vua chỉ dùng tâm phan duyên để làm phước
chớ có quay về với chơn tâm thanh tịnh để tu hành đâu mà có công
đức. Mà cho dù nhà vua có tạo phước đức to lớn như núi Tu di đi
chăng nữa, cũng vẫn quay cuồng trong lục đạo như thường.
A Nan bạch Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn! Con là em của Phật, vì tâm kính yêu Phật nên con
xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai mà còn trải qua
nhiều quốc độ như cát sông Hằng, phụng sự thiện tri thức; phát
tâm đại dũng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, đều dùng
cái tâm này. Giả sử con có hủy báng Phật pháp, rời bỏ thiện căn,
bất tín tam bảo, cũng chính tâm này. Nay Đức Phật chỉ rõ cái ấy
không phải là tâm thì chẳng lẽ con không có tâm, như gỗ như đá,
vì ngoài cái suy nghĩ hay biết ấy ra, con chẳng còn gì khác nữa.
Sao Như Lai lại bảo cái đó chẳng là tâm? Con thật kinh sợ và
trong đại chúng ai cũng nghi hoặc điều đó. Cúi xin đức Từ Tôn rủ
lòng từ bi chỉ dạy cho những người chưa được giác ngộ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn chỉ dạy A Nan và cả đại chúng, muốn cho họ
được vô sanh pháp nhẫn.
Từ nơi tòa sư tử, đức Phật xoa đầu A Nan và bảo :
- Như Lai thường nói các pháp sanh đều do tâm biểu hiện. Tâm là
cái thể của tất cả thế giới vi trần, của mọi nguyên nhân và kết
quả.
- A Nan! Như tất cả sự
vật hiện hữu trong thế giới lớn như biển cả, núi cao, nhỏ như là
cây, ngọn cỏ… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể
tánh.
Ngay cả đến hư không
cũng còn có tên và dáng mạo. Huống gì bản tâm sáng suốt thanh
tịnh nhiệm mầu và là bản chất của mọi tâm niệm mà tự nó lại
không có thể tánh hay sao?
- Nếu ông quả quyết cho cái tánh hiểu biết, cái suy nghĩ phân
biệt là tâm của ông thì tâm này khi rời khỏi sắc, thanh, hương,
vị, xúc ra, nó phải còn tính độc lập riêng của nó tồn tại. Như
hiện giờ ông đang nghe tôi nói pháp, đó là nhân âm thanh mà có
phân biệt. Nếu không nghe tiếng thì sự phân biệt của ông không
còn. Giả sử diệt hết cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết, chỉ
nắm giữ cái u nhàn lặng lẽ bên trong, thì đó cũng là sự phân
biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.
- A Nan! Chẳng phải tôi bảo ông phủ nhận cái tính tư duy phân
biệt ấy không phải là tâm, nhưng ông phải suy nghĩ chín chắn:
Rời tiền trần mà vẫn còn cái biết thì đó mới thật là tâm của
ông. Nếu tánh phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn
tự thể thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần. Tiền
trần không phải là thường trụ, khi thay đổi diệt mất đi rồi thì
cái tâm nương theo tiền trần ấy khi cũng như lông rùa, sừng thỏ.
Thế thì pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu
chứng vô sanh pháp nhẫn!
Lúc ấy A Nan cùng toàn thể đại chúng chưa nhận rõ thế nào là
chơn tâm thường trú nên lòng còn bối rối ngẩn ngơ.
Đức Phật bảo A Nan :
- Trong thế gian những người tu học tuy đã được chín thứ thiền
định, nhưng không diệt hết được mê lầm chỉ thành A la hán, đều
do chấp nhầm vọng tưởng sanh tử này là chân thực. Thế nên, ông
nay tuy học rộng nghe nhiều mà vẫn không thành chánh quả.
Ông A Nan lại chấp lầm tâm vọng tưởng phan duyên của thức thứ
sáu tức là ý thức làm chân tâm. Đoạn kinh này rất hay nếu chúng
sinh suy nghiệm thật kỹ, bởi vì con người có nhận biết được tất
cả những hiện tượng bên ngoài cũng bởi do ý thức. Âm thanh sắc
tướng làm tâm phân biệt mà tạo thành ý niệm. Nhưng ý niệm thì
sinh sinh diệt diệt, ý niệm sau liền thay thế ý niệm trước làm
cho con người suy nghĩ triền miên và đây chính là cội rễ của
phiền não khổ đau. Khi nói sai, ông A Nan liền bị Phật quở trách
nên sợ hãi ngơ ngác. Đức Thế Tôn thương xót bèn lấy tay xoa đầu
an ủi và nói sơ về cái chơn tâm cho A Nan. Tuy đức Phật nói các
pháp sanh ra đều do tâm biểu hiện, cũng
như tất cả nhân quả, y báo,
chánh báo của thế gian đều nhờ tâm mà có, nhưng tâm này là chơn
tâm chớ đâu phải vọng tâm điên đảo như ông A Nan đã nói. Thật
vậy, khi đã thấu triệt thật tướng vô tướng của vũ trụ thì tất cả
vạn pháp trên thế gian này đều từ tâm biến hiện. Nếu một người
có tâm ác thì đối với họ thế giới họ sống là một thế giới tội
lỗi xấu xa, ghê rợn. Ngược lại, nếu một người có tâm thiện thì
cũng thế giới này, đối với họ là một thiên đường, là cảnh thanh
bình an vui tự tại.
Vì thế trong Kinh Duy Ma
Cật cũng dạy rằng : “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” nghĩa là
một khi tâm chúng sinh được thanh tịnh thì thế giới họ đang sống
là cõi thanh tịnh, cực lạc. Trong Kinh A Di Đà, Phật cũng dạy
rằng nếu chúng sinh niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn nghĩa là
niệm Phật cho đến khi tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến
mất và chơn tâm, Phật tánh hiện bày thì người này sẽ được vãng
sanh về cõi cực lạc. Vãng sanh về cõi cực lạc không có nghĩa là
đợi đến lúc chết Phật A Di Đà đến tiếp dẫn về tây phương mà vãng
sanh là người đó vẫn sống trong thế giới Ta bà này như trăm ngàn
chúng sinh khác nhưng cuộc sống của họ đã thay đổi vì tâm họ
hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, không còn ô nhiễm và dĩ nhiên
dưới ánh mắt họ, thế giới này chính là cõi cực lạc rồi, bởi vì
cực lạc là không có phiền não khổ đau. Vì thế mới có câu : “Lục
tự Di Đà vô biệt niệm, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” nghĩa là
niệm sáu chữ Di Đà đến chỗ không còn niệm thì lúc đó tâm mình
biến thành tâm Phật và sẽ không còn tái sinh, sinh tử luân hồi
nữa. Do đó thế giới cực lạc không ở ngoài tâm mà chính là do tâm
biến hiện. Chính ngài Mã Tổ đại sư mỗi lần lên pháp tòa đều nói
rằng : “tức tâm tức Phật” nghĩa là Phật không ở ngoài tâm bởi vì
tâm mình (chơn tâm) chính là Phật.
Tất cả mọi vật trên thế giới này dù to nhỏ tới đâu cũng đều có
thể tánh, ngay cả hư không cũng có tên gọi và tướng mạo. Nếu
chúng sinh dựa vào sự tướng mà quan sát tất cả mọi vật thể trên
thế gian thì có hình tướng lớn nhỏ, nặng nhẹ, màu sắc, hương vị
khác nhau, nhưng tất cả cũng đều chung một thể tánh bất sinh bất
diệt. Vì thế cái tâm sáng suốt thanh tịnh mầu nhiệm là tánh của
tất cả tâm thì phải có thể tánh. Lý do Phật quở là vì ông A Nan
chấp vọng tưởng phân biệt làm chân tâm mà không biết rằng chơn
tâm luôn có thể tánh.
Nếu ông A Nan cứ chấp chặt vọng tưởng phân biệt là chơn tâm thì
nó phải có, phải hiện hữu cho dù lục căn không còn tiếp xúc với
lục trần. Thí dụ, khi chúng ta không còn thấy biết âm thanh sắc
tướng bên ngoài tức là trong ta không có ý thức, vọng niệm dấy
khởi mà ông A Nan vẫn nghiệm biết được thì cái tâm hay biết này
mới là chơn tâm. Cũng như Đức Phật đang thuyết pháp thì tai ông
A Nan nghe nghĩa là cái nghe là do bởi lời thuyết pháp của Phật,
bây giờ nếu Phật dừng lại không nói nữa tức là nếu từ miệng Phật
không phát ra âm thanh thì tâm của A Nan cũng không còn ý niệm
phát khởi. Rõ ràng đây chính là tâm phan duyên với ngoại trần,
là tâm vọng tưởng phân biệt của thức thứ sáu chớ đâu phải chơn
tâm. Bởi vì tâm vọng tưởng luôn chạy theo trần, trần có thì tâm
có, trần mất thì tâm cũng diệt.
Tiếp theo Phật lại dạy rằng chẳng những ý thức tức là thức thứ
sáu là giả dối, hư vọng mà ngay cả thức thứ bảy là Mạt-na-thức
cũng chẳng phải thật. Ý Phật muốn dạy rằng không chỉ vọng tưởng
phân biệt của thức thứ sáu là hư dối, mà dù ông A Nan có diệt
hết mọi “thấy nghe hay biết” tức là sáu căn không hoạt động,
nhưng sự yên lặng bên trong tức là vi tế tưởng (ý thức cực nhỏ)
cũng là bóng dáng phân biệt của pháp trần. Đây chính là thức thứ
bảy chấp có cái ta bên trong của mình và nó chính là nền tảng
của ý thức. Mà ý thức là cội gốc của sinh tử thì làm sao là chơn
cho được. Tà môn ngoại đạo cũng dùng thiền định để loại bỏ tất
cả ý thức ngay cả vi tế tưởng trong tâm để chứng đắc Niết bàn.
Nhưng có một điều họ không biết đó là cho dù có loại bỏ ngay cả
vi tế tưởng để vào cảnh giới vô tưởng thì họ vẫn nằm trong vi tế
của bản tâm tức là họ chưa ra khỏi tâm phan duyên. Mà chưa có
chơn tâm thì làm sao có Niết bàn? Do đó cả đời tu mà chưa nghiệm
được chơn tâm để có thanh tịnh Niết bàn cho dù có cố gắng thiền
định cao cách mấy thì ngoại đạo cũng chỉ được sinh về các cõi
trời để hưởng phước lạc chứ chưa thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.
Tóm lại, nếu lìa trần cảnh mà có thể tánh thì mới là chơn tâm.
Còn nếu lìa Trần mà không có Thể thì khi Trần diệt lẽ ra tâm
cũng diệt theo thì làm sao đúng được. Lý luận như vậy chẳng khác
nào cho rằng pháp thân là sinh diệt nên khi A Nan bị phá cái
vọng tưởng không thật làm cho ông mất đi chỗ quay về nên im lặng
ngơ ngác. Thí dụ như mắt nhìn thấy một chiếc xe đang chạy, tâm
liền phân biệt để biết đó là chiếc xe. Bây giờ chiếc xe khác
chạy đến làm tâm lại phân biệt. Tâm thay đổi, không thường trụ
thì đây chính là tâm phan duyên, sinh sinh diệt diệt. Như thế,
tánh phân biệt không có tự thể. Bởi vì nếu có tự thể thì tự nó
phải thường có không cần phải duyên với trần cảnh bên ngoài.
Vì thế nếu dựa vào cái tâm
phan duyên mà tu thì làm sao thấy được pháp thân và chứng đắc vô
sanh pháp nhẫn để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Chúng
sinh tham thiền, niệm Phật là muốn diệt cái tâm vọng tưởng, tâm
phan duyên để thấy được tự tánh thanh tịnh bản nhiên, pháp thân
hay chơn tâm thường trú của chính mình mà có được giải thoát
giác ngộ. Tuy những người tu đã thành tựu chín thứ thiền định
nếu vẫn còn chấp vọng tưởng là chân thật thì tối đa chỉ thành A
la hán. Bởi vì các vị A la hán chỉ diệt lục thức mà được ra khỏi
tam giới, lìa xa sinh tử nhưng chưa thấu suốt được thật tướng,
chơn tâm. Vì thế giáo lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên của
hàng Thanh Văn, Duyên Giác được gọi là giáo lý phương tiện hay
bất Liễu nghĩa. Chỉ có giáo lý Đại thừa mới là giáo lý Liễu
nghĩa tức là giáo lý đưa chúng sinh chứng nghiệm được chơn tâm,
thật tướng của chính mình. Đây chính là giáo lý tối thắng Đại
thừa vậy.
Vậy thế nào là chín thứ thiền định?
1) Sơ thiền : Khi hành giả phá được tất cả tham-sân-si và dập
tắt lửa ái dục thì vào được cõi này.
2) Nhị thiền : Sau khi diệt tất cả ái dục thì tâm được vui, bây
giờ hành giả phải vào sâu trong thiền định để phá cái vui này để
chỉ còn cái vui vi tế mà thôi.
3) Tam thiền : Hành giả cố gắng vào sâu trong thiền định để loại
luôn cái vui vi tế để tâm hoàn toàn an
tịnh.
4) Tứ thiền : Khi niệm vừa dấy lên thì hành giả dùng thiền quán
mà xả bỏ luôn.
Nếu chúng sinh thành tựu bốn cấp thiền ở trên, khi chết sẽ được
sanh về cõi trời Sắc giới.
5) Không vô biên xứ : Từ trống không nhỏ đến trống không lớn và
dần dần đến vô cùng vô tận.
6) Thức vô biên xứ : Thức phân biệt không có tướng mạo nên quán
từ thức phân biệt thân đến phân biệt tâm và dần dần ra khắp hết
vô cùng vô tận.
7) Vô sở hữu xứ : Tưởng thân tâm không có gì hết, rỗng tuếch
không chỗ nơi thì chứng được.
8 )Phi tưởng phi phi tưởng xứ : Sau cùng đến chỗ không có ý
tưởng mà không phải không có ý tưởng.
Nếu chúng sinh đạt được bốn cấp thiền tứ không định này thì khi
chết sẽ sanh lên cõi trời vô sắc giới.
9) Diệt tận định : Đây là cấp thiền định dành riêng cho hàng
Thánh giả A la hán. Khi các vị A la hán sắp xả bỏ xác thân tứ
đại thì các ngài nhập vào Diệt tận định trong một thời gian bảy
ngày bảy đêm. Trong khoảng thời gian này, các ngài rất an vui tự
tại và các ngài lần lượt đi sâu vào tứ thiền, tứ không định và
sau cùng đi vào diệt tận định. Định này không những diệt hết các
Tâm vương (tám thức) và Tâm sở (51 món) của 6 thức mà nó diệt
luôn cả phần tạp nhiễm của Tâm vương, Tâm sở của thức thứ bảy,
Mạt-na-thức.
Lý do Đức Phật đưa ra chín cấp thiền là muốn nhắn nhủ rằng, mặc
dù ông A Nan là người học rộng nghe nhiều mà không hành trì pháp
thiền na thì tâm tham-sân-si không tiêu diệt được. Tham-sân-si
còn thì vọng tưởng còn, nếu lấy tâm vọng tưởng, tâm sinh diệt mà
tu thì mãi mãi trôi nổi trong sinh tử luân hồi không bao giờ
thành chánh quả cũng như xây nhà trên cát, nền móng không vững
chắc, thì làm sao xây được căn nhà giải thoát giác ngộ.
A Nan Cầu Phật Chỉ Dạy
Phương Pháp Tu Hành Lần Thứ Ba.
A Nan nghe xong, đau xót khóc lóc, gieo năm móc sát đất, quỳ
xuống chắp tay bạch Phật :
- Từ khi con phát tâm theo Phật xuất gia, thường ỷ lại lòng
thương của Phật, tự nghĩ rằng rồi đây Như Lai sẽ ban cho tam
muội, chia sớt đạo quả cho. Giờ đây mới biết: Thân tâm không ai
có thể thay thế cho ai. Từ lâu con đã đánh mất bản tâm của con
rồi. Thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo. Như đứa con hoang
cùng khổ, bỏ cha bỏ nhà ra đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe
Phật pháp nhiều mà không tu hành thì chẳng khác gì người không
nghe. Như người chỉ nói đến thức ăn, rốt cuộc chẳng được no
bụng.
Kính bạch Thế Tôn! Nay chúng con bị trói buộc bởi hai thứ chướng
ngại, do chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng. Cúi mong
Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng rách rưới, phát minh cho cái
tâm nhiệm mầu, sáng suốt và khai mở con mắt đạo cho chúng con.
Những lời nói chân tình của A Nan, một người đã theo chân Đức
Phật suốt 27 năm ròng mà không đạt được đạo cũng vì ông sống
bằng tâm ỷ lại, tâm phan duyên chớ không quay về với chơn tâm,
thật tướng bên trong chính mình. Tuy thân tướng là người xuất
gia mà tâm chưa vào đạo, chạy theo sắc tướng âm thanh, thị phi
nhân ngã làm tâm bất tịnh. Tu là tu tâm chớ đâu phải tu cảnh.
Không có một người nào trên thế gian, ngay cả Đức Phật có thể
làm cho tất cả mọi người hài lòng, thỏa mãn được. Tại sao? Vì
bản năng con người luôn chạy theo tham đắm lợi danh, làm nô lệ
cho lục dục thất tình thì biết bao giờ cho đủ, biết bao nhiêu
cho vừa, nên người tu hành chân chính chỉ biết giữ tâm mình
thanh tịnh bằng cách tránh xa thị phi nhân ngã. Đừng đem những ô
nhiễm bên ngoài đưa vào trong tâm, chuyện thế gian mà rốt cuộc
mình lại là người đeo mang hệ lụy phiền não khổ đau.
Những lời thức tỉnh của ông
A Nan hy vọng sẽ là tiếng chuông vang dội trong tâm cho những
chúng sinh còn mê muội tin rằng Đức Phật là đấng thần linh sẽ
ban bố ân sủng nếu họ cầu nguyện. Nên nhớ Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni chỉ là một đạo sư, là một vị thầy cao cả đã soi đuốc trí tuệ
để giúp chúng sinh tự mình vượt qua sông mê bể khổ. Chúng sinh
phải tự mình hồi đầu thị ngạn chớ Phật không ra bể khơi để đưa
họ vào bờ. Trong Phật giáo, ai tu người ấy chứng, không có ai tu
thế cho người khác được. Nói cách khác, một người ăn thì người
khác không thể no được. Nếu có giúp đỡ chăng thì chỉ làm tăng
thượng duyên, mà nhân duyên phải là tự lực của chính mình.
Đây là lần thứ hai ông A
Nan từ khi thoát nạn dâm nữ Ma đăng già nên đã thức tỉnh mà tự
hối rằng sự tu hành không thể ỷ lại tha nhân, dù tha nhân đó là
Đức Phật. Đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình giải
thoát giác ngộ thì càng không có việc ban bố ân sủng hay phong
thưởng trong tiến trình hướng về đạo quả Bồ-đề. Do đó, ai ăn
người ấy no, ai tu người ấy chứng thì sự tu hành không có ai ban
bố cho ai cái gì được vì đó là mâu thuẩn với quy luật nhân quả
khách quan của nhân sinh vũ trụ. Vì thế học Phật cốt ở thực hành
cho nên học mà không hành chẳng khác nào nói ăn mà không ăn,
không bao giờ no được.
Ngày xưa trên hội Linh Sơn, Phật đưa ra cành hoa sen và đồng
thời đưa mắt nhìn đại chúng. Lúc đó ai cũng phân vân nghĩ ngợi
tức là chạy theo tâm phan duyên duy chỉ có một mình Tôn giả Đại
Ca Diếp là chúm chím mỉm cười. Liền đó, Phật bảo : “Ta có Chánh
pháp Nhãn tạng, Niết bàn Diệu tâm… truyền cho Ca Diếp”. Đó là
Phật truyền tâm ấn cho Ca Diếp. Vậy truyền tâm ấn là truyền cái
gì? Khi một vị Tăng thọ cụ túc thì được nhận y, bát. Do đó có sư
phụ trao và người đệ tử tiếp nhận y, bát thì gọi là truyền.
Nhưng trong trường hợp của Ngài Ca Diếp, Phật nói truyền mà thật
ra chẳng có cái gì để truyền cả. Tại sao? Trước hết chữ “ấn” có
nghĩa là in. Thí dụ con dấu thế nào thì in ra như vậy, không sai
khác. Khi Đức Phật đưa cành hoa sen lên cốt là để chỉ cho đại
chúng cái “thấy biết” chân thật của mình chớ không phải vọng
kiến, ý thức suy nghĩ. Tất cả đại chúng ngơ ngác vì tâm họ đang
quay cuồng suy nghĩ, chỉ có Đại Ca Diếp là tự nhiên mỉm cười vì
ông thấy sao biết vậy, không cần suy nghĩ vẩn vơ. Trong pháp hội
lớn như vậy mà chỉ có hai thầy trò là tâm đầu ý hợp nghĩa là tâm
của thầy và tâm của đệ tử thông cảm nhau không khác. Do đó hai
người đồng quan niệm với nhau, tâm người này và tâm người kia
giống nhau thì gọi là truyền giao tâm ấn chớ Phật đâu có truyền
giao cho ông Ca Diếp cái gì.
Tổ Hoàng Bá dạy rằng : “Nhiều người chỉ học biết để ngộ theo
Giáo Pháp, mà không biết tới Tâm Pháp, nên dù đến vô số kiếp
cũng không đạt được Phật đạo. Cho nên chỉ cần hiểu rõ Tâm này
thì không cần phải đi tìm Pháp nào khác, vì Tâm tức Pháp”. Khi
nói về Pháp, Tổ Lâm Tế giảng rằng : “Pháp là tâm pháp. Tâm pháp
không hình, thông suốt mười phương, hiện dụng trước mắt. Người
tin không đến, bèn nhận danh, nhận cú, hướng vào danh tự tìm
cầu, lấy ý để suy xét Phật pháp, thật cách xa như trời với đất”.
Nghe thế có vị tăng hỏi : “Thế nào là chân Phật, chân Pháp, chân
Đạo?”. Tổ đáp : “Phật là tâm thanh tịnh, Pháp là tâm sáng suốt,
Đạo là mỗi chỗ không chướng ngại. Tuy ba mà một, đều là danh từ
suông, không thật có”.
Ngày nay rất nhiều người bày vẽ như vào phòng kín truyền tâm ấn,
gây mê tín dị đoan, làm những việc trái đạo lý.
Phật Chỉ Cái “Thấy” Thường Còn
Khi ấy từ chữ vạn trên ngực Như Lai phóng ra hào quang báu,
ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc, chiếu sáng khắp mười
phương thế giới chư Phật, nhiều như số vi trần. Hào quang ấy rót
xuống trên đảnh Như Lai ở các cõi Phật trong khắp mười phương,
xoay về soi đến A Nan và toàn thể đại chúng. Rồi đức Phật bảo A
Nan :
- Nay Như Lai vì ông dựng lập pháp tràng lớn khiến cho tất cả
chúng sinh khắp mười phương đạt được tâm tánh trong sạch, sâu
kín nhiệm mầu và đạo nhãn thanh tịnh.
- A Nan! Trước đây ông trả lời rằng thấy nắm tay chói vàng. Vậy
nắm tay này nhân đâu mà có? Làm sao nắm tay trở nên sáng chói?
Ông lấy cái gì để thấy?
A Nan thưa :
- Cái nắm tay là do bàn tay Phật co các ngón tay lại. Con thấy
cái nắm tay là do con mắt của con.
Phật bảo A Nan :
- Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay. Nếu không có con
mắt (bị mù) thì không có cái thấy. Hai sự việc đó có giống nhau
chăng?
Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Nếu không có bàn tay thì không có nắm
tay; nếu không có con mắt thì không có cái thấy.
Phật bảo A Nan :
- Ông nói như vậy là không đúng. Tại sao? Không có bàn tay thì
dĩ nhiên không có nắm tay, chứ không có con mắt (đui) không phải
hoàn toàn không thấy. Ông ra đường thử hỏi những người mù mắt :
”Ông thấy gì không?” Các người ấy sẽ trả lời: “Nay tôi chỉ thấy
một màn đen trước mắt, ngoài ra không thấy gì khác”. Lấy nghĩa
đó mà suy nghĩ thì người mù thấy màn đen tối phía trước, chớ cái
thấy của họ đâu có thiếu mất.
A Nan thưa :
- Cái duy nhất mà người mù có thể thấy được trước mắt là màu tối
đen, sao có thể gọi là tối được?
Ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc là biểu trưng cho trí tuệ.
Chữ vạn trên ngực Đức Phật tượng trưng cho sự kiết tường, cho
lòng từ bi và trí tuệ vô cùng vô lượng của Ngài. Sự xoay vần có
nghĩa là Phật lực phát tỏa khắp mười phương và ánh sáng trí tuệ
của Ngài tỏa khắp để giúp chúng sinh đánh tan mọi vô minh phiền
não, giải thoát ra khỏi sinh tử triền miên. Ánh sáng soi khắp
thế giới mười phương chư Phật và soi chiếu khắp đảnh chư Như
Lai; sau đó xoay về chiếu lên đảnh ông A Nan cùng đại chúng.
Ngài dùng trí tuệ giác mà khai thị cho đại chúng, ông A Nan và
chúng sinh trong mười phương thế giới thấu triệt cái bản tâm bất
sinh bất diệt và đạo nhãn thanh tịnh sâu kín nhiệm mầu.
Ông A Nan cho rằng không có bàn tay thì không có nắm tay cũng
giống như người mù không có mắt thì không thể thấy được vật thể
bên ngoài. Mới nghe qua thấy có lý, nhưng trên thực tế lý luận
này là sai. Tại sao? Người mù tuy mắt không còn thấy được vật
thể bên ngoài, nhưng tánh thấy của họ đâu có mất. Họ vẫn thấy
được mầu đen chớ đâu phải không thấy biết cái gì. Nếu không có
tánh thấy thì người mù sẽ trả lời tôi không còn thấy biết cái
gì, nhưng tánh thấy đâu có mất nên người mù vẫn còn thấy màu
đen. Không thấy hình thể là mắt bị hư chớ tánh thấy đâu có mất.
Đó là căn bị mù không thể tiếp xúc với tiền trần chớ tánh thấy
không bao giờ mất. Vì thế nếu thay mắt khác thì họ sẽ thấy ngay.
Do đó sự lầm lẫn của ông A Nan về cái thấy là mắt hay là tâm?
|
|