Ông A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dù Phật đã dạy nghĩa quyết định thứ hai về công
việc tháo mở gút. Song tôi nghĩ rằng những người mở gút nếu
không biết đầu mối của gút ở đâu thì ắt hẳn không thể nào mở
được.
- Bạch Thế Tôn! Tôi và hàng Thanh Văn hữu học trong hội này cũng
vậy. Từ vô thỉ đến nay, chúng tôi cùng sinh cùng diệt với các
thứ vô minh, tuy được nghe nhiều Phật pháp thế này, mang tiếng
xuất gia mà như người sốt rét cách nhật (chợt giác chợt mê). Xin
đức đại từ thương xót kẻ đắm chìm, chỉ cho tôi ở nơi thân tâm
này cái gì là gút? Và muốn mở phải khởi sự như thế nào?
Trong đoạn nghĩa quyết
định thứ hai Phật lại dạy: “Tánh thanh tịnh nhiệm mầu bị dính
nơi sáu căn, cần phải mở cái nút ấy ra mới được giác ngộ” nghĩa
là không thể đem sáu căn còn bị dính mắc, mê lầm mà tu chứng
thành quả vô lậu được. Thật ra trong thế gian này, có mấy ai
biết trong ta cái gì là gút để phải vướng mắc mãi trong sinh tử
luân hồi? Hoặc phải làm sao mở gút để khỏi ràng buộc trói trăn?
Nói cách khác con người phải biết cái gì là cội gốc của phiền
não tức là cái gút và phải biết làm sao cởi cho được cái gút
ràng buộc kia thì mới được giải thoát. Vì lẽ đó mà ông A Nan yêu
cầu Đức Phật chỉ cho thế nào là gút và do đâu mà cởi?
THẬP PHƯƠNG NHƯ LAI PHÓNG HÀO QUANG, ĐỒNG MỘT LỜI NÊU RA CÁI
CĂN.
Đức Thế Tôn rũ lòng thương xót lấy tay xoa đỉnh đầu ông A
Nan. Đồng thời tất cả thế giới chư Phật trong mười phương cùng
phóng ánh sáng báu đến rừng Kỳ Đà soi lên đảnh đầu của Đức Phật.
Tất cả đại chúng ở đây đều được sự khinh an chưa từng có.
Lúc bấy giờ, ông A Nan và cả đại chúng đều nghe các Đức Như Lai
mười phương, số như vi trần, tuy khác miệng, nhưng đồng một lời,
bảo ông A Nan rằng:
Hay thay A Nan! Ông muốn biết cái gì là gút thắt khiến cho
ông luân hồi sinh tử khổ đau!
A Nan! Cái gút thắt khiến cho ông luân hồi sinh tử, chính là sáu
căn của ông, chớ chẳng phải cái gì khác!
Ông lại cũng muốn biết, phải làm sao mau đến chỗ an lạc, giải
thoát, tịch tĩnh Vô thượng Bồ-đề!
Này A Nan! Thì cũng chính là sáu căn của ông đó, chớ chẳng phải
cái gì khác!
Chơn tâm, Phật tánh thì lúc nào cũng như như bình đẳng, không
cột mà cũng không cởi, nhưng con người vì chấp trước mê lầm nên
thấy có ràng buộc và cởi mở để được giải thoát. Đức Phật Thích
Ca và tất cả mười phương chư Phật nhiều như số vi trần tuy tiếng
nói phát xuất từ nhiều thế giới khác nhau, nhưng cùng một ý
nghĩa và mỗi vị đều có hào quang chiếu sáng vào đỉnh đầu Đức
Phật Thích Ca là để minh chứng những pháp Đãnh mà Đức Phật Thích
Ca tuyên thuyết cũng giống như chư Phật tức là “dị khẩu đồng âm”
vậy.
Vì ông A Nan thỉnh cầu
mười phương chư Phật chỉ bày phương tiện tối sơ là Tam Ma Đề (Xa
ma tha, tam ma bát đề và Thiền na) mà chứng đắc đạo quả Bồ-đề.
Vì thế mà chư Phật đồng khai thị, chỉ bày con đường mà các Ngài
đã thoát ly sinh tử. Đó là gút hay mở gút chính là sáu căn của
ông A Nan hay nói rộng hơn là sáu căn của tất cả mọi chúng sinh.
Nếu không làm chủ được sáu căn của mình tức là tự mình thắt gút
thì phải lưu chuyển trong sinh tử. Còn làm chủ được sáu căn tức
là tháo gở thì sớm chứng quả vị giải thoát. Nói cách khác, một
khi con người còn thương, ghét, thân, sơ, hỉ, nộ…
là chính họ tự
thắt gút. Ngược lại nếu họ thực hành từ, bi, hỉ, xả, thiền định,
trí tuệ…
là mở gút, tháo tung,
ung dung, tự tại.
CHỈ RÕ CĂN TRẦN ĐỂ LỰA BỎ CÁI VỌNG THỨC
Ông A Nan tâm còn lưỡng lự ôm mối hoài nghi, cúi đầu thưa:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao cái nguyên nhân khiến cho tôi luân hồi
sinh tử và khiến cho tôi được Bồ-đề, Niết bàn lại cũng là do sáu
căn chớ không phải cái gì khác?
Phật dạy :
- A Nan! Căn và trần đồng một bản thể, cột hay mở chẳng phải đợi
hai. Cái thức phân biệt của ông chỉ là hư vọng như hoa đóm trong
hư không. Nhân nơi trần mà phát ra cái nhận biết của căn. Nhân
nơi căn mà có cái sắc tướng của trần. Chủ thể năng kiến và đối
tượng sở kiến chỉ là sự phản ánh tác dụng qua lại mà có ra. Tự
tánh của chúng thật sự là không có tự tánh gì. Sự hiện khởi
duyên sanh của chúng như những cái hình của những đám mây lau
sậy gác chéo vào nhau.
Vậy nên nay ông chính nơi tri kiến, lập ra tướng tri kiến thì
tức là cỗi gốc vô minh. Chính nơi tri kiến, không có tướng tri
kiến thì vô lậu chân tịnh Niết bàn, làm sao trong ấy lại còn có
vật gì khác.
Tuy chư Phật đã khai
thị mê ngộ đồng nguồn, nhưng ông A Nan vẫn chưa tỏ ngộ nên Đức
Phật mới thuyết giảng thêm về nhất chân pháp giới. Nguyên nhân
cột thắt gút để sinh ra biết bao sự vui mừng, buồn bực, khổ đau
là do sáu căn, sáu trần và con người có được an lạc giải thoát
giác ngộ cũng bởi do cởi mở cái gút của sáu căn, sáu trần. Vậy
thì sáu căn và sáu trần đồng một nguồn cho nên cột và mở không
phải là “hai”. Căn là năng tri tức là cái biết của mình còn trần
là sở tri tức là đối tượng hay biết. Vì năng ở trong và sở ở
ngoài nên con người thường có sự lầm lẫn mà phân biệt rằng năng
và sở tức là trong và ngoài phải khác nhau. Nhưng xét cho cùng
thì năng và sở tức là chủ và khách hay trong và ngoài đều đối
đãi với nhau mà thành.
Nếu không có sở thì
lấy gì mà gọi là năng. Còn nếu không có năng thì do đâu mà thành
lập được sở? Nói cách khác năng sở đối hiện ra nhau, nương với
nhau mà có, ngoài năng không có sở và dĩ nhiên ngoài sở không có
năng. Vì thế năng và sở không thể tách rời nhau, bất tức bất ly.
Thí dụ mắt mà không có cảnh thì làm sao thấy được, hay cảnh vật
mà không có mắt thì làm sao thấy? Do đó muốn thấy thì phải có
mắt, cảnh và dĩ nhiên tánh thấy. Mặc dầu căn và trần đồng một
thể tánh không thể tách rời nhau, nhưng con người vì thấy nơi
căn trần đối hiện mà cho rằng căn thuộc về tâm năng tri và trần
là cảnh sở tri làm cho ngoài tâm có cảnh, ngoài cảnh có tâm, tâm
và cảnh đối lập với nhau mà sinh ra biết bao sự mê lầm, ràng
buộc.
Ngược lại chư Phật và
biết bao đại sĩ Bồ-tát thì cũng căn trần đó mà họ không cột và
cũng không cần mở vì tự tánh của căn trần là thanh tịnh bản
nhiên, đâu có tội lỗi xấu xa gì. Các Ngài cũng có mắt tai, mũi,
lưỡi, thân và ý như tất cả chúng sinh và dĩ nhiên thế gian vũ
trụ cũng sờ sờ ra đó tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vẫn
còn đủ, nhưng các Ngài làm chủ sáu căn của mình không để cho nó
chạy theo khách trần nên tâm hằng thanh tịnh. Đây chính là “tri
kiến vô kiến” vậy.
Còn chúng sinh thấy
nhà đẹp thì mê, thấy tiền thì tối mắt nên cái thấy biết này là
“tri kiến lập tri” tức là cái thấy biết của sự mê lầm, tham đắm.
Nếu căn trần không có xấu xa tội lỗi thì do đâu có cái lỗi khiến
con người rơi vào vòng phiền não khổ đau, phải chịu sinh tử trầm
luân? Tất cả cũng chỉ vì con người chạy theo cái thức phân biệt
nên nhìn cái gì cũng có “Hai” tức là có trong có ngoài, có tốt
có xấu, có thiện có ác, có thánh có phàm, có ta có người…
Bây giờ hãy
nhìn lại trong thế gian này có cái gì là xấu xa tội lỗi chăng?
Cái mà con người cho rằng xấu xa tội lỗi là do cái nhìn có vô
minh phiền não, tham đắm của mình mà ra. Khi tâm chất đầy
tham-sân-si, ái dục thì nhìn cái gì cũng mê, cũng thích, cũng
muốn chiếm lấy. Đây chính là những vẫn đục đeo trước con mắt của
họ khiến họ nhìn thế gian là bất toàn, khổ não.
Nhưng nếu bây giờ lấy
cái vẫn đục kia đi và cũng nhìn cái thế gian đó với tâm trong
sáng, thanh tịnh, khách quan, không còn vô minh phiền não thì
cái tội lỗi khổ đau kia tức thì biến mất. Vậy ai cột trói mình?
Chính mình tự cột trói lấy mình, tự mình chuốc bao hệ lụy của
phiền não khổ đau, chính mình chạy theo tham-sân-si chớ đâu phải
thế gian, trần cảnh. Nếu mình tự trói buộc mình thì chính mình
tự cởi trói lấy. Không chạy theo trần cảnh thì tâm hằng thanh
tịnh, có an vui tự tại thanh thoát an nhàn. (Quý Phật tử nên tìm
đọc phẩm nhập pháp môn Bất Nhị trong kinh Duy Ma Cật cùng tác
giả để hiểu thêm). Vì tầm quan trọng đó mà Phật đã dạy rằng:
“Tri kiến lập tri tức vô minh bổn
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn”.
Nghĩa là:
Đem sự thấy biết bên ngoài đưa vào tâm tức là đem những cái
thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết của mình chồng lên sự phân biệt
thương ghét, lấy bỏ, hơn thua, tốt xấu thì đây chính là gốc rễ
của phiền não, vô minh. Còn thấy biết rồi bỏ đi tức là không mời
khách trần vào tâm thì mới tìm thấy Niết bàn.
Một hôm Đức Phật cùng các tỳ kheo du hành dọc bờ sông. Ngài
thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước nên hỏi các tỳ kheo
rằng :
- Này các tỳ kheo, các ông có thấy khúc gỗ lớn trôi theo dòng
nước kia không?
- Thưa thấy. Bạch Thế Tôn!
- Các tỳ kheo! Nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm
vào bờ bên kia,
không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên đất nổi, không bị người
nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào xoáy
nước, không bị mục nát bên trong…
thì nó sẽ hướng
về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển. Vì cớ sao? Này các tỳ
kheo! Nếu các ông không đâm vào bờ này, bờ kia, xuôi theo biển,
nhập vào biển. Cũng vậy, hỡi các tỳ kheo, nếu các ông không đâm
vào bờ này, bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn, không
bị người hay phi nhân lấy, không lọt vào xoáy nước, không mục
nát bên trong…
thì các ông sẽ
hướng về, sẽ xuôi theo Niết bàn, sẽ nhập vào dòng Niết bàn. Vì
sao? Này các tỳ kheo, chính bởi vì pháp của Như Lai giảng nói xu
hướng Niết bàn, xuôi theo Niết bàn và nhập vào Niết bàn.
Khi được nghe như vậy, một vị tỳ kheo bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bờ này là gì? Bờ kia là gì? Thế nào là chìm giữa
dòng? Thế nào là mắc cạn trên đất nổi? Thế nào là bị người nhặt,
phi nhân nhặt? Thế nào là lọt vào xoáy nước? Thế nào là mục nát
bên trong?
- Này các tỳ kheo! Bờ này là ám chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, ý. Bờ kia chỉ cho sáu trần: sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp. Bị chìm giữa dòng là những khoái thích, ham muốn, ái
dục. Mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với “ngã mạn”. Bị người
nhặt là những vị tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ nên chung
vui chung buồn với họ nghĩa là nếu chúng sinh an lạc thì tỳ kheo
an lạc, còn chúng sinh đau khổ thì cũng đau khổ như họ. Và các
tỳ kheo “bị phi nhân nhặt lấy” có nghĩa là vị tỳ kheo tu phạm
hạnh với ước mơ được sinh lên cõi trời, hưởng phước báo chư
thiên. Bị lọt vào xoáy nước là đồng nghĩa với ngũ dục lạc của
thế gian, đó là tài lợi, sắc đẹp, danh tiếng , ăn và ngủ. Bị mục
nát bên trong ám chỉ vị tỳ kheo theo các ác pháp, có những hành
động khả nghi, không giữ giới tuy bề ngoài có hiện tướng thanh
tịnh, nhưng bên trong nội tâm thì hủ bại, đầy dục vọng.
NÓI BÀI KỆ CHỈ RÕ CHÂN VÀ VỌNG KHÔNG CÓ TÁNH. HỄ THEO TÁNH
VIÊN THÔNG THÌ XOAY VỀ BẢN GIÁC.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ
rằng:
NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN
Chơn tánh hữu vi không
Duyên sanh có như huyễn
Vô vi vô khởi diệt
Bất thật như không hoa
Ngôn vọng hiển chư chơn
Vọng, chơn đồng nhị vọng
Do phi chơn phi chơn
Vân hà kiến sở kiến
Trung gian vô thật tánh
Thị cố nhược giao lô
Giải kết đồng sở nhơn
Thánh phàm vô nhị lộ
Nhữ quán giao trung tánh
Không hữu nhị câu phi
Mê hối tức vô minh
Phát minh tiện giải thoát
Giải kết chơn thứ đệ
Lục giải nhứt diệc vong
Căn tuyển trạch viên thông
Nhập lưu thành Chánh giác
Đà na vi tế thức
Tập khí thành bộc lưu
Chơn phi chơn khủng mê
Ngã thường bất khai diễn
Tự tâm thủ tự tâm
Phi huyễn thành huyễn pháp
Bất thủ vô phi huyễn
Phi huyễn thường bất sanh
Huyễn pháp vân hà lập
Thị danh diệu liên hoa
Kim cang vương bảo giác
Như huyễn tam ma đề
Đàn chĩ siêu vô học
Thử A-tỳ-đạt ma
Thập phương Bạc-già-phạm
Nhứt lộ Niết bàn môn.
Dịch là :
Chơn tánh của pháp hữu vi là không
Vì duyên sanh, sanh như huyễn hóa
Các pháp hữu vi thế gian đều không có tự tánh, tự thể nên thực
chất của nó là không. Đối với vọng tưởng của chúng sinh thì họ
thấy nhà cửa, xe cộ, tiền tài vật chất là có, nhưng sự thật đây
chỉ là giả có, sinh diệt tức là có đó rồi mất đó. Vì nhân duyên
sinh cho nên có. Có mà không thật có nên mới gọi là huyễn. Duyên
sinh là do những ảnh hưởng, kết hợp, nương tựa, liên hệ của các
sự vật khác mà hóa ra có. Thí dụ muốn có cơm thì phải có gạo,
nấu với nước vì thế gạo, nước, sức nóng của lửa là những duyên
sinh để tạo thành cơm chớ tự gạo không thể thành cơm được.
Vô vi thì không có khởi diệt
Vì chẳng thật, như hoa đóm trong hư không
Để phủ định cái huyễn hữu (giả có) mà ở đây Đức Phật đưa ra cái
vô (cái không), nhưng kỳ thật chẳng có cái gì gọi là “vô vi’ cả.
Dựa theo thuyết duyên khởi thì cái gì không có sinh khởi, không
có diệt tận thì gọi là vô vi. Nói cách khác vô vi là không có gì
cả. Chúng sinh vì chạy theo mê lầm pháp chấp nên nghĩ rằng Niết
bàn là thật có, giải thoát giác ngộ là thật có nên Đức Phật mới
đối trị lại rằng chẳng có cái gì là vô vi để đạt, để chứng cả.
Vô vi là đối đãi với hữu vi mà có, nay hữu vi đã không thật thì
lấy cái gì để đối mà có vô vi? Vì vậy Phật mới dạy các pháp vô
vi không thật có, như hoa đóm giữa hư không.
Phủ định vọng, nhằm khẳng định có chơn
Nếu chấp “chơn” thì vọng chơn đều vọng
Giả vọng biểu chơn là một thuật ngữ rất thông dụng trong Phật
học. Khi nói các pháp hữu vi là vọng để bày tỏ vô vi là chơn thì
đây chỉ là phương tiện, là cách nói chớ không có chi là chân
thật cả. Khi chúng sinh trực nhận các pháp hữu vi là giả dối,
không thật có thì đã nhận đúng sự thật rồi. Nếu đem cái “không
thật có” đó đối đãi với cái “thật có” thì lọt vào vòng đối đãi
phân biệt nhị nguyên nên tự mình hủy diệt cái chân thật đó rồi.
Phải hiểu rằng hết vọng là chơn mà không cầu chơn trong khi hết
vọng nghĩa là một khi con người không còn vọng chấp mê lầm thì
cái chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh tự hiển bày mà
không cần cầu mong trông đợi gì hết. Nếu còn mong cầu thì tâm
vẫn còn mê chấp thì chơn tâm biến mất, không bao giờ hiển lộ.
Chơn và phi chơn còn không có
Thì năng kiến sở kiến có thật gì!
Thức ở trung gian, không thật tánh
Như lau sậy gác chéo lên nhau
Căn và trần đối đãi với nhau mà thành nên đều là duyên sinh như
huyễn cho nên thức là do căn trần duyên nhau mà có nên thức cũng
là duyên sinh như huyễn. Con người có sự phân biệt nên đánh giá
sự vật qua thức trung gian như: mừng, giận, thương, ghét, tốt,
xấu…
mà thức là sinh diệt,
huyễn hóa, luôn thay đổi biến hiện như những hình vuông, hình
tròn, hình tam giác, hình thang… trong những đám lau sậy gác
chéo lên nhau khi cơn gió thổi qua.
Cột hay mở đồng một bản nhân
Thánh hay phàm không có hai đường
Hãy trông hình những cây lau gác
Pháp không, pháp có, cả hai không
Tuy căn trần đối đãi với nhau mà thành nên cả hai đều là duyên
sinh như huyễn, nhưng thật chất căn trần đều là biểu hiện từ Như
Lai Tàng bản thể nhiệm mầu nghĩa là tự tánh căn trần rất thanh
tịnh, không có xấu xa tội lỗi chi cả. Bản tánh của căn trần là
diệu chân như tánh ra ngoài các sự phân biệt “có không”, “năng
sở”. Vì thế “buộc” hay “mở” là do căn trần hiện tiền mà có, chớ
không phải ngoài căn trần mà có. Do đó thánh hay phàm cũng chỉ
khác nhau ở chỗ nhận thức đúng đắn hay nhận thức sai lầm nghĩa
là do tự chủ hay không tự chủ đối với sáu căn của mình vậy thôi.
Mê mờ chơn lý đó là vô minh
Phát minh được chơn lý tức thì giải thoát
Mở gút phải theo thứ lớp
Sáu gút mở hết, cái một không còn
Dựa nơi căn mà chọn tánh “viên thông”
Quả nhập lưu được xem là thành Phật
Một khi căn trần đối hiện phát ra vọng tưởng phân biệt thì đây
là cột, nếu con người không thấu hiểu mà chạy theo khách trần
phiền não khổ đau này thì chính họ đang mê mờ chân lý, nhắm mắt
làm nô lệ cho vô minh. Ngược lại cũng chính nơi căn trần đối
hiện đó mà chúng sinh nhận rõ tất cả đều duyên khởi như huyễn
nên tâm không phát khởi phân biệt thì đây là cởi. Mà cởi là tâm
không dính mắc, thanh thoát an nhàn.
Nói về lý thì hễ ngộ thì có giải thoát, nhưng về sự thì cần phải
nương theo lý mà tu tập, dần dần trừ hết những thói quen chấp
trước mê lầm cũng như mở gút cũng phải theo thứ lớp. Một được mở
thì sáu gút sẽ giải tỏa sau. Sáu gút được mở thì cái một cũng
không còn. Vì do có các gút nên có sự đối đãi giữa một và sáu.
Nếu các gút đã mở hết rồi thì sáu cũng không và một cũng chẳng
còn. Mà muốn thành tựu việc tháo gút, mở dây, chúng sinh cần nên
chọn cho mình một căn có ưu thế, dễ thâm nhập, công dụng dễ
thành mà tiến tu để phá trừ chấp ngã, chấp pháp và đạt được tánh
viên thông vô ngại thì những căn còn lại đồng thời đều được
thanh tịnh. Được quả nhập lưu thì xem như đã thành Phật rồi. Vì
thế Phật mới dạy rằng: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật
tánh, giai kham tác Phật” nghĩa là trong chúng sinh đều có Phật
tánh nên ai ai cũng có thể thành Phật được.
Thức A Đà Na vi tế quá
Tập khí như nước thác tuôn theo
Vì sợ chấp “chơn, phi chơn”
Như Lai không thường nói đến
Tự tâm chấp tự tâm
Pháp phi huyễn trở thành pháp huyễn
A-đà-na thức tức là chấp trì thức, có bản tánh là vô ký nghĩa là
không phải thiện không phải ác, nhưng tùy theo sự huân tập mà
hiện ra có thiện, có ác, có mê, có ngộ. Vì chúng sinh mê lầm
vọng tưởng nên chấp có thật ngã khiến cho trong A-đà-na thức có
những chủng tử tập khí chấp ngã nên bản tánh vô ký A-đà-na thức
bây giờ trở thành A lại da thức tức là cái tạng thức nắm giữ tập
khí chấp ngã. Nếu con người diệt trừ được chấp ngã tức là những
chủng tử vô ngã trí đủ sức ngăn cản không cho chủng tử chấp ngã
phát khởi thì A-đà-na thức đổi lại thành Dị-thục thức. Dị là
khác, thục là thành thục. Dị thục thức có ba loại:
1) Khác thời gian mà thành thục ví như mỗi ngày làm một phần thì
làm vài tháng cũng xong cái nhà. Ngày xưa Đức Phật phải trải qua
ba A tăng kỳ kiếp tu hành nên đến kiếp này mới thành Phật.
2) Khác loài mà thành thục. Phật pháp nhiệm mầu vô cùng vô tận
nên không có ai học hết được, tuy nhiên khi vào trong tam ma đề
thì vọng tưởng tiêu diệt, trí tuệ bừng sáng.
3) Biến ra khác mà thành thục. Nhờ công phu tu tập mà con người
có được thần thông biến hóa, xuất quỷ nhập thần.
Vì Dị thục thức dựa theo cái nhân của sự huân tập mà hiện ra quả
cho nên cái quả nơi Dị thục thức thường có thay đổi.
Đến khi diệt hết chấp pháp nghĩa là tất cả những chủng tử pháp
chấp bị chân như trí ngăn cản không cho phát khởi thì A lại da
thức bây giờ trở thành thuần thiện, không còn là vô ký tức là nó
không còn để các phiền não mê lầm huân tập nữa. Lúc ấy, A-đà-na
thức trở thành Bạch-tịnh-thức (Am-ma-la thức) và kết hợp với đại
viên cảnh trí để đưa người tu hành đến Kim cương địa,
nghĩa là chứng được thường trụ Pháp thân tức là thành Phật.
A-đà-na thức là cái thức làm cho có sống nên rất vi tế. Tuy nó
phát sinh ra ý thức, nhưng ý thức không thể trực tiếp biết nó
được. Nó theo những sự huân tập mà thành những thói quen mà được
gọi là tập khí. Những tập khí này sinh rồi diệt, diệt rồi sinh,
tiếp tục rất vi tế trong A lại da thức và nó chỉ phát khởi khi
nào có đủ nhân duyên. Thí dụ con người có tập khí tham, nhưng
ngày thường con người không ai để ý. Đến khi mắt thấy quá nhiều
tiền, lòng tham nổi dậy khiến con người điêu đứng khổ đau. Tập
khí thì lưu động, không bao giờ đứng yên, lớp trước lớp sau nối
nhau không dứt. Nói tóm lại, thức A-đà-na sâu sắc lắm, nhưng tập
khí chúng sinh lại quá sâu dày vì thế mà Đức Phật ít khi nói
đến. Tại sao?
Vì chúng sinh còn mê
chấp cái này là chơn, cái kia chẳng phải chơn. Nói các khác sáu
thức vọng chấp là vọng đã đành, nhưng con người lại cố chấp chơn
làm cho “chơn” hóa ra “vọng”. Cũng như tự tâm chấp tự tâm nghĩa
là tâm mình là Phật mà lại van xin mong cầu thành Phật thì chẳng
khác nào pháp “phi huyển” trở thành “huyển pháp”. Nói cách khác
tâm tánh con người là pháp giới tánh thanh tịnh nên không có
năng có sở, không vọng không chơn, nhưng chỉ vì mê lầm chia ra
năng sở, phát ra chấp trước nên bây giờ mới có phân biệt có tâm,
có cảnh, có căn, có trần tức là đem tự tâm mà đối lập, chấp
trước với cái tự tâm của mình. Do đó nếu không còn mê lầm chấp
trước thì tất cả các pháp do vọng tưởng chấp trước tạo thành đều
là giả huyễn hết.
Không chấp, pháp “chơn” còn không có
Pháp chơn vốn đã chẳng có sanh
Thì pháp huyễn do đâu thành lập?
Nếu chúng sinh không còn chấp thì “vọng chơn” đều vắng lặng,
tịch tĩnh. Mà “chơn” còn không có thì “vọng” dựa vào đâu mà sinh
được?
Như huyễn tam ma đề là vậy
Đó là bảo giác, chắc như kim cương vương
Không nhiễm như Diệu Liên Hoa
Khảy móng tay vượt hàng vô học
Đây là pháp của Phật mười phương
Là đại lộ vào thành độ Niết bàn Phật.
Như huyễn Tam ma đề là phương pháp tu thiền mà trong đó hành giả
phải tư duy, quán chiếu để nhận biết rằng tất cả các pháp của
thế gian và xuất thế gian đều như huyễn, là giả có chớ không
phải thật có. Tu theo pháp như huyễn Tam ma đề thì người tu sẽ
có được trí giác ngộ quý báu, vững chắc như kim cương, không có
vật gì có thể phá hoại được. Trong Nhu huyễn Tam ma đề, chơn
vọng đều như huyễn, nhiễm tịnh đều như huyễn nên tâm hoàn toàn
tự tại cũng như hoa sen sinh nơi bùn lầy tanh hôi dơ dáy mà
không hề dính mùi bùn mà ngược lại còn tỏa hoa thơm tươi mát.
Người tu theo lối này
thì trong giây lát có thể vượt qua hàng vô học Thanh Văn, Duyên
Giác nhị thừa vì các Ngài vẫn còn chấp pháp. Thập phương Như Lai
đều do con đường như huyễn Tam ma đề để vào tự tánh thanh tịnh
Niết bàn mà viên mãn vô lượng vô biên công đức. Tuy các vị
Bồ-tát có tu theo các pháp môn khác, nhưng đến khi giác ngộ cũng
phải thực hành như huyễn Tam ma đề để độ sinh thành Phật. Các vị
Bồ-tát nhờ tu theo pháp môn này mà họ nhìn thế gian là huyễn,
vào đời độ huyễn chúng sinh để chứng đắc huyễn quả nên tâm rất
tự tại, không còn dính mắc mà đi thẳng một con đường vào tự tánh
thanh tịnh Niết bàn. Đó là Niết bàn Phật vậy.
|
|