- A Nan! Nay ông muốn
cho tánh thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết của ông hợp với bốn
đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Như Lai thì trước hết phải lựa
bỏ những gì là gốc rễ sanh tử để tùy thuận tánh sáng suốt tràn
đầy không sanh không diệt và chuyển hóa những tánh hư vọng sanh
diệt trở về với bản giác tịnh minh. Dựa trên bản giác tịnh minh
làm nhơn địa tu hành thì quả địa chứng đắc mới viên mãn vô
thượng. Ví như việc làm của người lắng nước. Nước đục đựng trong
lu hồ, để yên và yên mãi không chao động, cát tro bụi đất chìm
lắng xuống thì nước trong hiện ra. Đây là giai đoạn uốn dẹp
khách trần phiền não cũa hành giả cũng y như vậy. Sau đó, gạn bỏ
sạch hết cặn cáu tro bụi… chỉ còn thuần nước trong. Bấy giờ mới
gọi là người dứt hẳn căn bản vô minh. Chỉ còn tướng sáng suốt
thuần tịnh thì những biểu hiện của ba nghiệp không còn là bất
thiện nữa. Bấy giờ, nhất cử, nhất động hợp với các đức tánh
nhiệm mầu: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết bàn Phật.
Đoạn kinh trên, Đức Phật đã giải thích rõ ràng những nguyên nhân
gây ra năm thứ vẫn đục đã làm lu mờ tâm tánh thanh tịnh, trong
sáng vốn có của tất cả chúng sinh. Đó là bản tâm vốn thanh tịnh
nhiệm mầu, nhưng bởi do tâm phan duyên với những trần cấu bên
ngoài mà phát sinh ra ngũ trược và con người nương theo vọng tâm
thấy, nghe, hay, biết nên xa rời bốn đức tính thanh tịnh của
Niết bàn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Trong bản thể chân như thì
không hề có đau khổ, không hề có ô nhiễm, không hề có bất tịnh
tại vì: Bản thể chân như thì không sinh không diệt nên gọi là
Thường. Luôn luôn an nhiên tự tại nên gọi là Lạc. Nhưng chính từ
bản thể chân như lại chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và cái
chơn thể của bản tâm thì không hề bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh.
Vậy làm thế nào để quay về với bản tâm thanh tịnh của chính
mình? Con người vì lầm lẫn chạy theo tâm sinh diệt nên cuộc sống
mới lăn lộn trong sinh tử luân hồi.
Bây giờ chúng sinh phải
thức tỉnh để biết cái gì là tâm sinh diệt. Tâm sinh diệt là vọng
tâm bởi vì những ý niệm vừa khởi lên thì biến mất. Tư tưởng vừa
mới xuất hiện mà chỉ vài sát na sau thì nó đã trở thành quá khứ.
Đây là hiện tượng có sinh có diệt của vọng tâm. Chúng sinh chỉ
có thể nương theo cái tâm thường trụ, bất biến, không sinh diệt
để làm nhân địa tu hành thì mới thấy được chơn tâm, Phật tánh
của chính mình. Cũng như nước đục đựng trong ly. Nếu để ly nước
yên lặng một thời gian thì từ từ những cát bụi đất bùn sẽ chìm
lắng xuống đáy ly và bây giờ ly nước trở thành tinh khiết, thơm
ngon. Việc tu hành thì cũng thế. Chúng sinh phải trì công gạn
lọc vô minh phiền não mỗi ngày một tí cho đến khi tất cả phiền
não được thanh lọc thì bản lai diện mục mới hiện tiền. Nên nhớ
rằng lắng nước, gạn bùn là cốt để thấy nước trong. Đến khi thấy
được nước trong thì mới biết rằng nước đó vốn trong chớ không
phải khi thanh lọc mới được trong. Chơn tâm, Phật tánh thì cũng
thế. Con người lúc nào cũng có sẳn chơn tâm, Phật tánh, nhưng
vọng tưởng chấp trước che lấp tâm tánh khiến chơn tâm lu mờ,
Phật tánh biến mất.
Do đó tu hành là để khôi
phục lại cái mà mình đã có sẳn chớ không phải cái mà mình chưa
bao giờ có. Nói tóm lại, người đệ tử Phật phát tâm tu hành thì
ai ai cũng hy vọng có ngày công viên quả mãn. Hy vọng là niềm
tin để gia tăng công lực mà tiến tới mà không cần phải cầu khẩn
van xin ai. Con người có thể dựa vào sự phát tâm và nhân tu mà
đoán biết cái quả sơ chứng của mình. Nếu tu nhân hữu lậu phát
xuất từ những tư tưởng hẹp hòi ích kỷ tiêu cực thì không bao giờ
thành tựu quả vị vô lậu được.
Ngược lại, nếu dựa trên Thể
Tánh Tịnh Minh mà tu nghĩa là chúng sinh sống đúng, sống hợp với
chơn tánh thì khỏi cần cầu xin van vái mà Bồ-đề, Niết bàn vẫn
hiển hiện như thường. Cũng như nước trong, trăng hiện hay mây
tan thì trời sáng vậy thôi. Tuy cổ nhân có dạy rằng: “Tri nhân,
tri diện bất tri tâm”, nhưng trên thực tế cái tâm của con người
có thể được biểu hiện qua thân, khẩu, ý của họ. Đó là nhìn qua
cái nhân dụng của nó thì có thể đoán biết được cái tâm của họ
như thế nào. Bởi thế mà cổ nhân cũng đối lại: “Dĩ sự nghiệm tri,
nhân dụng khả biện” là vậy. Vì thế dựa theo đạo Phật thì con
người chỉ cần nhìn lại mức độ tham-sân-si của mình có tăng,
giảm; còn, mất bao nhiêu, lời nói thành thật được bao nhiêu hay
hành động tốt được bao nhiêu thì khả năng chứng đắc của mình chỉ
được ngần ấy mà thôi. Nói cách khác mình đầu tư bao nhiêu thì
chỉ gặt hái thành quả được bấy nhiêu. Có muốn nhiều hơn cũng
không được nào.
Vua Thuận Tông nhà Đường hỏi Tổ Phật Quang Mãn rằng :
- Phật từ đâu mà đến, tịch diệt hướng về đâu mà lui? Đã nói
thường trụ thế thì nay Phật ở chốn nào?
Tổ đáp :
- Phật từ cái Vô Vi đi lại, tịch diệt hướng về cái Vô Vi lui về.
Pháp thân đồng như hư không, thường trụ nơi Vô Tâm. Có niệm cũng
là Vô Niệm, có trụ cũng là Vô Trụ. Đến, vì chúng sinh mà đến.
Đi, vì chúng sinh mà đi. Biển Chân Như thanh tịnh, thể thường
trụ vắng lặng như nhiên. Kẻ trí khéo tư duy, chớ sanh lòng lo
nghĩ!
Vua lại hỏi :
- Phật hướng về cung vua mà sanh, diệt hướng về rừng Song Thọ mà
tịch, trụ thế 49 năm, lại nói chẳng có pháp nào để thuyết. Núi,
sông cùng biển lớn, trời đất cho đến mặt trăng đến thời kỳ đều
diệt tận, ai nói được là không sống chết?
Tổ đáp :
- Thể Phật vốn Vô Vi, nhưng chúng sinh vì mê tình vọng phân
biệt. Pháp thân đồng hư không, chưa từng có sanh diệt. Có duyên,
ấy là Phật xuất thế. Không duyên, ấy là Phật nhập diệt. Chốn
chốn giáo hóa chúng sinh, cũng như trăng dưới nước. Chẳng phải
Thường, chẳng phải Đoạn, chẳng phải Sanh cũng chẳng phải Diệt.
Sanh cũng chẳng từng Sanh, diệt cũng chưa từng diệt. Rõ thấy chỗ
Vô Tâm, tự nhiên không có pháp nào để nói.
Vua Thuận Tông dựa vào Ứng thân Phật mà hỏi nên mới nói có sanh,
có tịch, có trời có đất… Vì ứng thân là thân thị hiện nên phải
chịu sanh, lão, bệnh, tử như tất cả vạn hữu trong thế gian vũ
trụ này. Ngược lại, Tổ Phật Quang Mãn giải thích dựa theo Pháp
thân thanh tịnh, thường trụ, bất sinh bất diệt hòa đồng trong
Chân Như bởi vì Như Lai thì chẳng đến từ đâu và cũng chẳng đi về
đâu cả. Khi chúng sinh có được Vô Tâm nghĩa là tâm không còn
dính mắc chấp thủ thế trần thì tâm này chính là chơn tâm, Phật
tánh vĩnh hằng trong họ. Đến đây thì không còn pháp gì để nói là
vậy.
NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ HAI:
TRẮC NGHIỆM SỰ ĐIÊN ĐẢO Ở CĂN HAY Ở TRẦN ĐỂ TÌM MỐI MANH MỞ
GÚT.
- A Nan! Ông quyết phát tâm Bồ-đề thì đối với Bồ Tát thừa hãy
sanh tâm đại dũng mãnh. Ông hãy xét rõ cội rễ phiền não biểu
hiện qua ba nghiệp của ông. Phiền não đó ở đâu đến? Ai làm? Và
ai chịu?
- A Nan! Người tu đạo Bồ-đề, nếu không quán xét cội rễ phiền não
thì không biết căn, trần hư vọng điên đảo ở chỗ nào. Chỗ còn
không biết thì làm sao chế phục để chứng đắc quả vị Như Lai!
- A Nan! Ông hãy xem, thường thế gian mở gút, nếu không biết chỗ
thắt thì làm sao mở được? Mắt, tai, mủi, lưỡi, thân và tâm ý của
ông tự làm mai mối cho giặc, cướp hết của báu trong nhà ông.
Cũng vì vậy mà thế giới chúng sinh từ vô thỉ, tự ràng buộc lấy
mình, cho nên cái tri kiến của ông không ra ngoài sự vật thế
gian.
Khi chúng sinh đã thấu biết phiền não là cội nguồn làm tâm bất
tịnh. Vậy làm thế nào để hàng phục khách trần vọng tâm? Khách
trần là những tư tưởng, vọng niệm có đến rồi lại đi chớ không
phải của ta. Thí dụ như khi vừa khởi niệm thì cũng như chúng ta
mời một người khách vào nhà. Khởi hai niệm thì mời hai người
khách vào nhà. Do đó tu hành là phải hàng phục hết những khách
trần phiền não này. Con người sống trong thế gian có những phiền
não khác nhau tùy theo hoàn cảnh, sở thích và cuộc sống của
chính mình. Vì thế trong đoạn kinh này, Đức Phật dạy con người
phải suy tìm cái gốc rễ của phiền não, nguyên nhân khiến sự mê
lầm để hàng phục nó.
Cũng như có người bị trói
hai chân, nếu muốn cởi trói thì phải biết cái gút ở chỗ nào. Một
viên dũng tướng cho dù có nắm trong tay vạn quân mà không biết
kẻ địch ở đâu thì làm sao giết giặc được. Phật dạy, khi tư duy
quán chiếu thì chúng sinh sẽ thấy rất rõ ràng được sự điên đảo
hư vọng của “căn” và “trần”. Ngoại trần là sắc, thanh, hương,
vị, xúc, pháp có vào được trong tâm cũng bởi do trung gian sáu
căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Vì thế nếu sáu căn không
mời thì sáu trần làm sao vào nhà được để tước đoạt hết gia tài
công đức của chúng ta.
Con người phải dựa vào ba nghiệp: thân, khẩu, ý để suy tìm cái
gì là gốc của phiền não. Nói cách khác phiền não phát xuất từ
nghiệp nào và ảnh hưởng tác hại của nó như thế nào? Đối với giáo
lý liễu nghĩa đại thừa, Đức Phật một lần nữa muốn xác định rằng
trong ta không hề có xấu xa tội lỗi chi cả. Thí dụ mắt, tai,
mủi, lưỡi thân và ý đều là bản nhiên thanh tịnh, không phải là
nguyên nhân gây ra đau thương tội lỗi. Còn lục trần bên ngoài là
sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng có đầy đủ bản nhiên thanh
tịnh và không phải là nguyên nhân sinh ra các phiền não khổ đau.
Vậy cái gì là nguyên nhân của vô minh phiền não nếu không phải
là lục căn hay lục trần?
Nguyên nhân mà con người có phiền não khổ đau là vì họ không làm
chủ được sáu căn của mình để cho nó tha hồ duyên với sáu trần
làm cho tham-sân-si phát khởi khiến cuộc sống trở thành điên
đảo, khổ đau. Nói cách khác con người sống trái với chơn tánh
của mình mà chạy theo đối đãi khách trần tức là “có năng” “có
sở” mà phát sinh ra những phiền não mê lầm. Do đó người không
phát tâm nhân địa tu hành, không để tâm tư duy quán chiếu thì
mỗi căn chẳng khác gì một cái gút.
Phiền não vô minh ngày ngày
cứ cột thắt mãi vào. Mà càng thắt thì cái gút càng to thêm làm
cho tâm trí đau khổ ngày thêm chồng chất. Vì thế con người phải
tìm cái gút lỏng để mở trước. Nếu một gút đã được mở thì những
gút còn lại sẽ được giải thoát hết. Lục căn con người thì cũng
thế. Lục căn chính là sáu cái gút. Hằng ngày con người thường
cột thắt mãi cho nên cuộc sống có nhiều phiền não khổ đau, bất
toại ý. Thế nên nếu tự mình không cột, không thắt thì dĩ nhiên
không cần tháo gở, chẳng cầu giải thoát mà vẫn có an nhiên tự
tại.
Ngày xưa Ngài Đạo Tín lúc ấy vừa mới 14 tuổi, một hôm đến đảnh
lễ và thưa với Tổ Tăng Xán rằng :
- Bạch Hòa Thượng! Xin Ngài dạy cho con pháp môn giải thoát!
Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt Đạo Tín hỏi :
- Ai trói buộc ngươi?
- Thưa! Không ai trói buộc con cả.
- Đã không trói buộc thì cầu giải thoát để làm gì!
Ngay đó Ngài Đạo Tín liền ngộ đạo.
Nên nhớ sáu căn của con người vốn thanh tịnh, không tội lỗi xấu
xa gì. Sáu căn cũng ví như chiếc xe đến ngã tư đường. Thiện, ác,
phiền não hay Niết bàn trong đời là do con người quyết định muốn
lái chiếc xe đi hướng nào. Muốn trái thì do ta mà muốn quẹo mặt
thì cũng do ta chớ chiếc xe chỉ biết chạy mà thôi. Bằng chứng là
ngày xưa các vị Đại A la hán và ngay cả Đức Phật cũng có lục căn
đầy đủ như tất cả chúng sinh, nhưng các Ngài biết xuất ly tam
giới, không chạy theo tham đắm dục tình, không làm nô lệ cho
phiền não vô minh nên các Ngài có Bồ-đề và Niết bàn là vậy.
Tri kiến của chúng sinh vốn thanh tịnh, bao la trùm khắp mười
phương thế giới cho nên Phật mới dạy: “Tánh giác chơn không,
tánh không chơn giác, thanh tịnh bản nhiên châu biến pháp giới”,
nhưng chính sáu căn của con người duyên với sáu trần bên ngoài
nên tri kiến bây giờ bị hạn chế, không còn rộng lớn bao la mà
chỉ nằm giới hạn trong kiến, văn, giác, tri tức là thấy, nghe,
hay, biết tầm thường mà thôi. Thí dụ có vật thì mắt mới thấy, có
âm thanh thì tai mới nghe… Ngược lai, các bậc giác ngộ tuy thấy
sắc mà không đam mê theo sắc. Nghe âm thanh mà không hề bị âm
thanh quyến rũ. Vì thế tri kiến của họ trở lại vô cùng vô tận
cùng khắp mười phương thế giới là vậy.
CHỈ RÕ SỰ RÀNG BUỘC VÀ SIÊU THOÁT CỦA THẾ GIỚI CHÚNG SINH
- A Nan! Thế nào gọi là thế giới chúng
sinh? Thế có nghĩa là thời gian là quá trình sinh diệt, diệt
sinh của hiện tượng vạn hữu. Giới là không gian, biểu hiện qua
mặt bằng rộng hẹp, kích thước ngắn dài, qui mô cao thấp và
phương hướng tả hữu, trước sau. Phương hướng mà người thế nhân
nhận rõ là: Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phương. Thời gian có ba là:
Quá khứ, hiện tại và vị lai. Lấy không gian và thời gian nhân
cho nhau: Bốn nhân ba hay ba nhân bốn thành con số 12. Nhân lên
ba lần thì có con số 1.200 để chỉ cho công đức của sáu căn con
người tương quan trong thế giới. Tuy nhiên xét chỗ hơn kém thì
công đức của sáu căn không nhất thiết đồng nhau.
Xét về nhãn căn thì mắt chỉ thấy phía trước và một phần của hai
bên. Cho nên luận về mắt chỉ được 800 công đức.
Xét về nhĩ căn, lỗ tai có ba đức ưu việt. Viên, Thông và Thường.
Luận về nhĩ căn thì có 1200 công đức.
Xét về tỷ căn, lỗ mũi tương tục chỉ có thở ra và hít vào. Điểm
giao tiếp giữa hít và thở gián đoạn. Luận về tỷ căn có được 800
công đức.
Xét về thiệt căn thì lưỡi có thể phô diễn cùng tột trí thế gian
và xuất thế gian. Ngữ ngôn tuy hữu hạn mà diệu lý diễn đạt vô
cùng. Luận về thiệt căn thì có được 1200 công đức.
Xét về thân căn, thân thì biết xúc. Có thể xúc thuận xúc nghịch,
nhưng khi hợp thì biết, lúc ly thì không. Luận về thân căn chỉ
có 800 công đức.
Xét về ý căn, ý căn thầm lặng mà dung nạp tất cả pháp thế gian
và xuất thế gian mười phương ba đời, thánh phàm không pháp nào
không bao dung cùng tột. Luận về ý căn có đủ 1200 công đức.
A Nan! Ông muốn ngược dòng sinh tử hãy xét sáu căn ông hiện thọ
dụng. Cái nào hợp, cái nào ly, căn nào sâu, căn nào cạn, căn nào
viên thông, căn nào không viên thông. Nếu khai ngộ được một căn
viên thông thì đảo ngược tất cả dòng nghiệp vô thỉ. Đối với hiệu
quả tu hành, bấy giờ một ngày bằng một kiếp.
Tôi nay đã chỉ rõ cho ông: Sáu căn, căn nào cũng trong sáng và
đều có số lượng công năng. Tùy ông chọn lựa. Thích hợp căn nào
tôi sẽ hướng dẫn cho ông để ngày thêm tăng tiến.
Mười phương Như Lai, căn, trần, thức, 18 giới đều là công cụ để
viên mãn Vô thượng Bồ-Đề. Căn cơ trí tuệ còn non nớt, ông cần đi
sâu tu tập một căn. Một căn thanh tịnh thì sáu căn đồng thời
được tháo mở hoàn toàn thanh thoát.
Thế giới tức là vũ trụ bao gồm hai mặt không gian và thời gian.
Thế là nói về thời gian cũng có nghĩa là nói về luật nhân quả
báo ứng, sinh sinh diệt của hiện tượng vạn hữu. Còn giới là nói
về không gian cũng còn có nghĩa là lý nhân duyên tức là tất cả
mọi cấu tạo hình thành của vạn hữu trên thế gian này là do nhân
duyên hòa hợp mà có. Khi nói về phương hướng, thông thường con
người chỉ đề cập đến Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng thật ra có tất
cả 10 mười trong thế gian này. Đó là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông
Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên, phương dưới.
Còn thời gian thì có ba đời
là quá khứ, hiện tại và tương lai. Bây giờ lấy không gian và
thời gian nhân cho nhau tức là 4x3=12. Vì có 10 phương hướng
trong khi số lưu chuyển của thời gian là 3 nên nhân lên ba lần
là 4x3=12 rồi 12x10=120 và sau cùng 120x10 (Thập như thị)=1200.
Số 1200 là con số tượng trưng biểu hiện cho công đức của sáu căn
tương quan trong thế giới. Tuy nhiên, nếu xét riêng thì công
năng của mỗi căn cao thấp khác nhau, chẳng đồng. Vì thế, người
đệ tử Phật trên con đường tu tập diệt trừ phiền não nên chọn căn
nào thích hợp nhất cho mình, căn nào có công năng cao nhất thì
sự thành công sẽ mau chóng hơn là chọn những căn yếu công năng.
Vậy công năng của sáu căn như thế nào?
1) Nhãn căn thì chỉ có được 800 công đức bởi vì mắt chỉ thấy
phía trước và một phần của hai bên, nhưng phía sau và phần sau
của hai bên mắt không thể thấy được. Do đó nhãn căn chỉ có được
2/3 công đức so với những căn khác. 800 công đức là cái thấy dựa
theo pháp tướng hữu vi sinh diệt. Còn cái thấy mà sáng cũng thấy
mà tối cũng thấy là cái tánh thấy tức là dựa theo pháp tánh vô
vi thanh tịnh.
2) Nhĩ căn thì có đủ 1200 công đức bởi vì cái nghe thì không
ngăn ngại bởi vật chất nên trong cũng nghe, ngoài cũng nghe, bên
trên cũng nghe, ở dưới cũng nghe. Nói chung tai có thể nghe được
âm thanh bất cứ từ nơi nào. Hễ có âm thanh là tai nghe được. Vì
thế mà Đức Quán Thế Âm có thể nghe được mười phương thế giới
tiếng kêu cầu cứu đau khổ của chúng sinh. Đó là đức tính “Viên”
tức là viên mãn nghĩa là ở đâu mà có âm thanh thì tai có thể
nghe được. Đức tính thứ hai của tai là “Thông” tức là không bị
ngăn bít.
Thí dụ một người đang nói
chuyện ở phòng kế bên mà ở phòng bên này chúng ta có thể nghe
câu chuyện rất rõ ràng. Đức tính thứ ba là “Thường” tức là lúc
nào cũng nghe. Thí dụ như có âm thanh thì nghe tiếng tức là nghe
động. Còn không có âm thanh thì tai nghe tĩnh. Vì thế khi tham
thiền nhập định, tuy rất yên lặng, không có tiếng động, nhưng
các vị thiền sư có thể nghe rất xa và rất rõ những âm thanh
huyền diệu mà được gọi là diệu âm. Đó là lý do tại sao về sau
Đức Phật chọn pháp môn nhĩ căn viên thông của Đức Quán Thế Âm
Bồ-tát để chỉ dạy cho A Nan và đại chúng tu. Đây là một pháp môn
thù thắng vi diệu cho tất cả mọi người.
Nhưng tại sao cái nghe lại vi diệu hơn cái thấy?
Thí dụ ban đêm chúng ta ngồi tỉnh tọa trong một căn phòng tối
rất yên tịnh. Vì phòng tối nên mắt không thấy gì hết, nhưng tai
thì có thể nghe tất cả. Nếu trong tâm chúng ta khởi niệm lành
thì cũng như y như nghe trong tai có ai nói lời thiện. Ngược lại
nếu tâm khởi niệm ác thì cũng y như nghe trong tai có người nói
lời ác vậy. Còn nếu chúng sinh biết chánh niệm tư duy thì cũng
như trong tai nghe được những lời dạy của Phật.
3) Tỷ căn thì có được 800 công đức bởi vì lỗ mũi chỉ có hai công
năng là thở ra và hít vào.
4) Thiệt căn lại có đủ 1200 công đức. Tại sao? Bởi vì lưỡi tức
là lời nói có công năng diễn đạt trí tuệ tột cùng của các pháp
thế gian và xuất thế gian. Ngày xưa chính Đức Phật đã thuyết
pháp trong 49 năm ròng thì công đức quả thật là bất khả tư nghì.
5) Thân căn chỉ có 800 công đức vì khi đụng chạm tức là “hợp”
thì thân mới có cảm xúc. Còn nếu không có đụng chạm tức là “ly”
thì thân không có cảm xúc. Con mắt thì ngược lại, nếu để đối
tượng tiếp xúc với mắt thì mắt không thấy mà mắt thấy rõ khi nào
đối tượng phải cách xa mắt.
6) Ý căn thì có đủ 1200 công đức. Tất cả những tư tưởng phân
biệt đều do ý căn mà ra cho nên trong sáu căn thì ý căn là quan
trọng nhất. Ý căn tích lủy tất cả các pháp thế gian và xuất thế
gian mười phương ba đời, thánh phàm đầy đủ. Nếu phát tâm làm
việc thiện thì ý căn có được 1200 công đức. Ngược lại nếu làm
việc ác thì ý căn cũng có 1200 thứ tội ác. Đối tượng của ý căn
là pháp trần tức là hình bóng của những tư tưởng phát xuất từ
sắc, thanh, hương, vị, xúc xảy ra trong quá khứ mà được tâm diễn
lại y như đang xảy ra trước mắt vậy. Thí dụ những sự vui buồn từ
mấy tháng trước mà được diễn lại y như mới vừa xảy ra. Vì tầm
quan trọng của nó mà rất ít người có thể tu theo ý căn. Ngài Trí
Giả Đại Sư, Tổ phái Thiên Thai bên Trung Hoa đã phát huy ra môn
Tam Chỉ Tam Quán mà cốt tủy của pháp môn này là dùng “ý thức” để
tu tâm và sau cùng đạt đến tam muội.
Nói chung trong thế giới vũ trụ bao la này cũng không ngoài sáu
căn, sáu trần và sáu thức mà được gọi chung là thập bát giới.
Giới tức là một thế giới riêng biệt cho căn, trần và sắc. Thí dụ
nói về cái thấy chúng ta có ba giới là: một thuộc về căn là Nhãn
giới, một thuộc về trần là Sắc giới và một thuộc về thức là Nhãn
thức giới. Nói cách khác nhãn giới là căn mắt, sắc giới là vật
đối tượng như nhà cửa, xe cộ… và nhãn thức giới là cái biết của
sự thấy. Vậy 6 giới của căn: Nhãn giới, Nhĩ giới, Tỷ giới, Thiệt
giới, Thân giới, Ý giới. 6 giới của trần: Sắc giới, Thanh giới,
Hương giới, Vị giới, Xúc giới, Pháp giới. 6 giới của thức: Nhãn
thức giới, Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân
thức giới và Ý thức giới. Bây giờ nếu cộng 6 giới của căn, 6
giới của trần và 6 giới của thức thì có 18 giới mà thường được
gọi là thập bát giới.
Nếu nhìn bằng con mắt thế gian, con mắt tục đế thì 18 giới có
thể là nguyên nhân để sinh ra tội lỗi khổ đau, nhưng dựa theo
bản thể thanh tịnh mà nói thì sáu căn, sáu trần, sáu thức chính
là công cụ để đưa chúng sinh chứng đạo quả Bồ-đề. Tại sao?
Bởi vì bản tánh của sáu
căn, sáu trần và sáu thức là thanh tịnh bản nhiên chớ không phải
là nguyên nhân của tội lỗi khổ đau. Mà thật ra nguyên nhân khiến
con người có phiền não khổ đau là vì họ không làm chủ được sáu
căn của mình để cho nó tha hồ chạy theo sức quyến rũ của sáu
trần làm cho tham-sân-si đua nhau phát khởi khiến tâm mê muội mà
biến cuộc sống thành điên đảo khổ đau, sa hầm sụp hố. Thí dụ
cũng chai rượu đó, nếu con người biết làm chủ sự tham muốn nên
không uống thành ra không say. Còn người khác thấy rượu là nhào
vô, chén tạc chén thù nên say sưa, ói mửa, mất cả nhân tính, làm
khổ cho mình và cho người. Nói thế thì căn thấy (con mắt) đâu có
tội lỗi gì, ngay cả rượu cũng chẳng có tội lỗi xấu xa gì, nhưng
nếu con người không làm chủ được căn thấy để cho sự quyến rũ của
rượu mê hoặc tâm nên không còn làm chủ được tâm mình thì kết quả
mới tai hại. Vì thế mà Đức Phật mới dạy rằng :
“Dù chiến thắng vạn quân ở chiến trường không bằng chiến thắng
chính mình vì đó là chiến thắng cao thượng nhất”.
Ở Hoa Kỳ không ai lạ gì với anh chàng Tiger Wood, một tay vô
địch đánh golf trong những thập niên qua. Cuộc sống đang thuận
buồm xuôi gió, thì đùng một cái sóng gió ba đào, nổi trận cuồng
phong cũng chỉ vì anh hùng lụy về nạn thuyền uyên. Chính cuộc
sống tình dục thiếu đạo đức của anh ta đã giết chết cuộc đời
đánh golf mà tệ hại hơn nữa là giết chết tình cảm và niềm
tin vợ chồng làm cho gia đình thiếu hạnh phúc, dễ tan vở. Tổng
thống Bill Clinton lúc còn làm tổng thống đã dan díu với cô
Monica Lewinski trong văn phòng tòa bầu dục làm cho tên tuổi bị
chôn vùi. Ngay cả tổng thống George W Bush có thói quen nhâm nhi
rượu làm thay đổi nhân cách bởi vì rượu vô thì lời ra, không ai
chịu đời nổi ngay cả bà vợ Laura hăm di dị mới thức tỉnh bỏ
rượu.
Ngày xưa, Đức Lão Tử có dạy rằng :
“Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân,
Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?
Dịch là :
Ta có nhiều cái khổ, vì ta có thân
Nếu ta không có thân thì đâu có khổ gì?
Dựa theo lời dạy của Lão Tử thì hễ có thân là có khổ, nhưng nghĩ
kỹ lại, cũng trong thế giới này, Đức Phật và các đệ tử của Ngài
cũng mang thân tứ đại như tất cả chúng sinh mà tại sao các Ngài
lại có Bồ-đề, Niết bàn? Các Ngài cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân và ý như tất cả mọi chúng sinh nhưng tại sao tâm các Ngài
lúc nào cũng an lạc và thường trụ Niết bàn? Cái khác nhau giữa
Phật và chúng sinh là Phật luôn làm chủ sáu căn của mình, không
bao giờ để cho nó chạy theo khách trần phiền não tức là tham đắm
dục tình nên tâm hoàn toàn thanh tịnh, không dính mắc. Ngược lại
chúng sinh thấy sắc thì mê, nghe âm thanh thì thích, ngửi hương
thì yêu cho nên cuộc đời mới khổ. Khổ là vì con người mời khách
trần vào tâm hay ta không làm chủ được sáu căn của mình chớ cái
khổ không bao giờ tự nó tìm đến hay có được. Do đó nếu nói hễ là
con người có thân thì có khổ như Lão Tử là không đúng với chân
lý.
Nếu đứng về mặt công năng mà nói thì sáu căn có khác nhau, nhưng
nếu dựa theo bản tánh thanh tịnh thì sáu căn vẫn không có gì
khác biệt. Do đó nếu ở nơi một căn bây giờ xoay nó về tánh không
sinh diệt thì liền chứng được bản tánh thông suốt viên mãn của
căn ấy và công hiệu của nó cho dù tu một ngày mà kết quả bằng
một kiếp. Vì thế chúng sinh chỉ nên chọn lựa cho mình căn nào dễ
thâm nhập, công dụng dễ thành mà đi sâu vào để phá trừ mê chấp
và đạt được tánh viên thông. Nếu một căn không còn vọng thì sáu
căn kia đồng thời đều được thanh tịnh.
|
|