A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

 

Sáu Nhập Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng

 



Lời Nói Đầu
Phần Giới Thiệu
Đề Mục Kinh
Nhân Duyên Và Thời Điểm Phật Nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Phần Chánh Tông
Bảy Đoạn Phật Hỏi Về Tâm Chỉ Rõ Tánh Thấy
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Hai
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Ba
A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Tư Và Thứ Năm
A Nan Nghi "Chơn Tâm" Đồng Với Thuyết "Tự Nhiên" Của Ngoại Đạo Do Nhận Thức Sai Lầm Khiến Cho Con Người Bỏ Mất Bản Tâm Thanh Tịnh Bản Giác Thường Trú Của Mình
Tánh Thấy Ngoài Hai Nghĩa : Hòa Hợp Và Không Hòa Hợp
Bốn Khoa Bảy Đại Vốn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Như Lai Tạng
Sáu Nhập Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Mười Hai Xứ là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Bảy Đại Là Hiện Tượng Biểu Hiện Của Như Lai Tạng
Giác Ngộ Và Phát Nguyện
Phật Thuyết Minh Tánh Của Các Đại Vốn Không Ngăn Ngại Gì Nhau, Nhằm Khai Thị Chơn Lý - Sắc Không, Không Sắc.
Phật Khai Thị Nguồn Gốc Duyên Khởi Của Hiện Tượng Vật Chất
Phật Chỉ Hai Nghĩa Quyết Định
Dựa Vào Nhơn Tu Mà Suy Biết Quả Sơ Chứng
Chỉ Rõ Chổ Hư Vọng Của Sáu Căn
Phật Bảo Đánh Chuông Để Chứng Nghiệm Tánh Nghe Của Nhĩ Căn Là Thường Còn
Nương Chổ Ngộ Mà Viên Tu
Chỉ Một Cái Khăn Mà Sáu Lần Cột Thì Thành Sáu Gút. Mở Hết Sáu Gút Một Cũng Không Còn
Gạn Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Phật Bảo Văn Thù So Sánh Chọn Căn Ưu Việt Nhất
So Sánh Sự Ưu Khuyết Của Sáu Trần, Năm Căn, Sáu Thức Và Bảy Đại

- CÁC TÔN GIÁO LỚN TRÊN THẾ GIỚI VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ.


- NIỀM TIN PHẬT GIÁO


-
VÀI NÉT VỀ NỘI TÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

1) Thu Nhãn nhập:


Lại nữa A Nan! Vì sao bản tánh của sáu nhập vốn là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai tạng?


A Nan! Con mắt khi ngó chăm chú sinh ra mỏi mệt. Tánh thấy và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sanh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng.

Nhơn hai thứ vọng trần sáng và tối phát sinh tánh thấy bên trong, thu nhập các trần tướng gọi đó là tánh thấy. Tánh thấy rời hai trần sáng và tối không có tự thể. A Nan! ông nên biết, tánh thấy không phải từ sáng hay tối mà đến, không phải từ mắt ra, không phải từ hư không sanh. Nếu từ sáng đến thì lúc tối nó đã theo sáng diệt mất đi rồi, lẽ ra không thấy được tối. Nếu từ tối đến, lúc sáng nó đã theo tối diệt mất đi rồi, lẽ ra không thấy sáng. Nếu do mắt sanh, không cần có sáng tối thì mắt chẳng thấy được gì, đồng như không có thấy. Nếu do hư không ra thì lúc ngó ra thấy các trần tường, khi xoay vào ắt phải thấy mắt và mặt. Và nếu thật vậy, thì hư không tự thấy nào có tương quan gì với sự thu nạp của ông? Vì vậy, biết rằng nhãn nhập là hư vọng, không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Sáu nhập là lục căn thu nạp tiền cảnh. Đó là mắt thì thu nạp sắc trần, tai thì thu nạp thanh trần, mũi thì thu nạp hương trần, lưỡi thì thu nạp vị trần, thân thì thu nạp xúc trần và ý thì thu nạp pháp trần. Thí dụ như mắt (nhãn căn) vừa thấy một chiếc bánh (sắc trần) thì tâm liền phân biệt để thu nhập cái biết đó là cái bánh gì, ngon hay dở (nhãn thức). Chính lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) vốn là bản tánh thanh tịnh nhiệm mầu của Chơn tâm, Phật tánh hay Như Lai Tàng bởi vì tự thể lục căn không có tội lỗi ô nhiễm chi cả. Nhưng những sự vọng niệm đối đãi với cảnh vật bên ngoài làm che đậy bản tâm thanh tịnh nhiệm mầu. Thí dụ như tự thể con mắt thì rất thanh tịnh, không tội lỗi, nhưng khi mắt thấy nhà sang, xe đẹp, tiền nhiều thì mắt liền khởi sự phân biệt mà chạy theo tham đắm dục tình. Vì thế thu sáu nhập là đức Phật muốn chúng sinh có thể nhìn thấu suốt, không còn che đậy bởi những tướng giả dối đó để quay về sống với chơn tâm, thật tánh, với bản lai diện mục của chính mình.


Để cho đại chúng dễ thấu hiểu, bây giờ Đức Phật đưa ra thí dụ như sau : Nếu con mắt của một người mà cứ nhìn chăm chăm vào trong hư không thì con mắt sẽ sinh ra mỏi mệt mà thấy có hoa đóm giữa hư không. Nhưng trong hư không làm gì có hoa đóm cho nên sự mỏi mệt, hoa đóm chính là huyển hóa, là vọng niệm của căn mắt. Bây giờ nếu chúng sinh bỏ đi vọng niệm mỏi mệt của con mắt thì họ sẽ thấy sự mỏi mệt và tánh thấy đều là tâm tánh Bồ-đề. Cũng như con người lầm lẫn rằng vì có cảnh sáng tối bên ngoài nên mới phát sinh ra tánh thấy bên trong để thu nhập các trần cảnh đó. Thí dụ như thấy nhà cửa, xe cộ, mặt trời, mặt trăng thì con người cho rằng nhờ có nhà cửa thì con mắt mới thu nhập cái hình ảnh nhà cửa để đưa vào con mắt mà tạo thành tánh thấy.

Đây không phải là tánh thấy mà chỉ là sự đối đãi của tướng tiền trần tức là những cảnh vật bên ngoài bị căn mắt thu nhập vào. Nhưng tánh thấy là thường hằng, lúc nào cũng có sẳn cho dù cảnh vật bên ngoài có hay không. Nếu không có tánh thấy này thì cho dù bên ngoài có muôn hình vạn tướng, xanh đỏ tím vàng và mắt còn đó mà vẫn không thấy gì cả.

Thí dụ con mắt như bóng đèn điện và tánh thấy như dòng điện. Tánh thấy của con người thì cũng như dòng điện lúc nào cũng có trong dây điện. Khi mở thì bóng đèn sáng, nếu đóng thì bóng đèn tối. Nếu căn mắt bị hư thành người mù cũng như bóng đèn hư, nhưng tánh thấy đâu có mất bởi vì người mù thấy màu đen chớ đâu phải không thấy gì hết. Nếu thay bóng đèn khác thì có ánh sáng hay thay con mắt khác thì người mù sẽ thấy được ngay vì tánh thấy lúc nào cũng có trong họ. Vì thế cái thấy phải hội đủ ba điều kiện là phải có căn mắt, tánh thấy và đối tượng để nhận thấy. Thiếu một thì không thành cái thấy.

Như thế thì tánh thấy không phải do sáng, tối, hay ngoại cảnh tạo nên mà nó là tánh thường hằng luôn sẳn có trong ta. Còn căn mắt thì không có tự tánh, không có tự thể vì nó do những cảnh bên ngoài duyên mà tạo thành những tướng huyển hóa vốn không do nhân duyên hay tự nhiên tạo nên. Do đó nếu lìa bỏ đi những cảnh giả dối, huyển hóa kia thì chúng sinh sẽ trực nhận được bản tánh thấy của chính mình tức là được minh tâm kiến tánh rồi vậy.

2) Thu Nhĩ nhập:


A Nan! Ví như có người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai. Do tai mỏi mệt hóa ra có nghe. Tánh nghe và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sinh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng. Nhân nơi động tĩnh phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần, thu nạp trần tướng này gọi là tánh nghe. Tánh nghe rời hai trần động và tĩnh không có tự thể. A Nan! Ông nên biết, tánh nghe đó không phải từ động tĩnh đến, không phải từ tai ra, cũng không phải do hư không có. Vì vậy biết rằng nhĩ nhập là hư vọng,

không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 

Nhĩ nhập là thu nạp các âm thanh. Nếu có người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai làm tai mệt mỏi thì cũng nghe tiếng ù ù. Vì có sự đối đãi của thanh trần động (tiếng nói, âm thanh) và thanh trần tĩnh (yên lặng không có âm thanh) nên mới tạo thành cái nghe chớ tự nó không có tự thể. Thí dụ như đêm hôm thanh vắng, rất yên tịnh thì tai chỉ nghe sự yên lặng của cảnh vật chung quanh (thanh trần tĩnh), nhưng trong lúc yên lặng đó chợt có tiếng chó sủa (thanh trần động) làm đánh thức mọi người. Do đó, lỗ tai (nhĩ căn) phải nương vào âm thanh (thanh trần) thì mới có cái nghe được chớ tự lỗ tai không thể nghe được. Nhưng tánh nghe thì không phải vậy. Có âm thanh hay không thì cũng có tánh nghe, lỗ tai có nghe tốt hay không thì tánh nghe vẫn còn đó, không tăng không giảm.

Thí dụ người trẻ tuổi, nghe rất tốt thì tánh nghe cũng thế; còn người già nghe không rõ thì tánh nghe cũng vậy, không già, không giảm sút tí nào. Con người vì sự cố chấp sai lầm nên mới cho rằng tánh nghe là do âm thanh, hay từ lỗ tai hoặc từ hư không mà có. Vì thế tướng nghe mà thu nạp thanh trần (động và tĩnh) thì nó phát sinh ra những tướng giả dối làm con người bám víu, say mê nó để phải chịu quả khổ về sau. Thí dụ như khi nghe một bản nhạc hay, làm cho tâm dao động vì con người đã đem những ảo giác êm đềm du dương của bản nhạc vào trong tâm của họ.

Nghe người nói ngọt ngào thì thích, nghe người chửi thì giận vì tin những lời thị phi bên ngoài là chân thật nên mới đem nó vào tâm để tạo ra buồn khổ, vui sướng hay hờn giận. Có buồn, có vui là còn khổ. Vì thế nếu con người chạy theo âm thanh quyến rũ bên ngoài làm họ quên mất tánh nghe chân thật không biến đổi luôn có sẵn trong họ thì cuộc sống chắc chắn sẽ điên đảo khổ đau. Nói cách khác, nếu chúng sinh lìa được những âm thanh giả dối, không chấp vào lời nói đầu môi chót lưỡi, không chạy theo tiếng nhạc êm đềm, giọng đàn quyến rũ thì họ sẽ sống với tánh nghe bất sinh bất diệt sáng suốt của mình.

Nếu nói rằng sống mà không nghe, không biết thì sống để làm gì? Chân lý ở đây không phải là không được nghe mà đừng chấp vào cái nghe. Phàm nhân thì nghe rồi lụy vào cái nghe vì chấp cái nghe là thật làm thay đổi cuộc sống của họ. Ngược lại thánh nhân thì cái gì họ cũng nghe, nhưng thật ra họ không nghe cái gì cả vì họ không chấp tức là họ không đem cái nghe giả dối bên ngoài vào trong tâm của họ. Thí dụ khi nghe một câu chuyện buồn sầu thảm thê nào đó, con người bỗng rơi nước mắt. Rơi nước mắt là tại vì con người đặt mình vào trong câu chuyện đó. Họ đem những chuyện tang tóc đau thương vào trong tâm của mình nên mới sinh ra sầu khổ. Bây giờ biết câu chuyện đó chỉ là huyển hóa, là phim nên nghe là nghe vậy thôi thì làm gì có sầu khổ, rơi nước mắt.


Nên nhớ rằng nơi miệng lưỡi của con người có một sức mạnh sống chết. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc, có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Vì sự lợi hại của lời nói cho nên Phật dạy chúng sinh đừng chấp vào lời nói kia, đừng đem nó vào lòng mà chuốc lấy buồn khổ đau thương. Tuy nhiên, con người cũng nên cẩn thận với những gì chúng ta nói. Bất kỳ người nào cũng có thể nói những lời hủy diệt để cướp đi tinh thần của những người đang ở trong hoàn cảnh khốn khó. Nhưng cũng quý báu thay những ai dành thì giờ để nói lời khích lệ, an ủi kẻ khác.

3) Thu Tỷ nhập:


A Nan! Nếu bịt hai lỗ mũi, bịt lâu thành mỏi mệt, trong lỗ mũi có cái xúc lành lạnh. Nhân xúc đó phân biệt được thông và nghẹt, rỗng đặc cho đến các mùi thơm thúi…
Tánh ngửi và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sinh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng. Nhân hai vọng trần, thông và nghẹt phát ra tánh ngửi ở trong, thu nạp các trần tướng gọi đó là tánh ngửi. Tánh ngửi rời hai trần thông và nghẹt không tự thể. Tánh ngửi không phải từ thông và nghẹt mà đến, không phải từ lỗ mũi ra cũng không phải do hư không sanh. Vì vậy biết rằng tỷ nhập là hư vọng, vốn không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Căn mũi giao cảm với hương trần bên ngoài để thâu nhận những mùi hương khiến con người say đắm. Tánh ngửi thì vốn thường hằng nhưng do nơi hương trần mà sinh ra tướng ngửi từ đó con người mới cảm nhận được mùi thơm tho hay thối tha. Nhưng thật chất của tướng giao cảm giữa mùi hương bên ngoài và tướng mũi chỉ là sự phát sinh của huyển hóa vọng chấp mà thôi. Do đó nếu con người chạy theo hương vị tức là chạy theo những ảo giác sinh diệt thì dĩ nhiên cuộc sống sẽ trở thành điên đảo. Thí dụ khi vào một công viên có hàng trăm loài hoa khác nhau. Nếu con người chấp vào mùi hương thì khi ngửi đóa hoa hồng khiến lòng ngây ngất liền phát tâm tham mà ngắt đóa hoa. Rủi thay, lúc đó có viên cảnh sát thấy được nên bị phạt, vừa tốn tiền vừa xấu hổ. Hằng ngày việc ăn uống cũng thế, nếu chấp vào hương vị thì khen món này, chê món nọ làm cho gia đình thiếu hạnh phúc.

Bây giờ ngửi thì mùi gì cũng biết, nhưng không chấp vào hương vị vì nó là giả huyển, đến rồi đi, mùi thơm ăn nhiều, mùi không thơm ăn ít, không phàn nàn là có an lạc. Nên nhớ hương trần hay căn mũi tự nó là thanh tịnh bản nhiên, không tội lỗi chi cả vốn là tính chân như nhiệm mầu, nhưng khi mũi giao cảm với hương tạo thành cái tâm phân biệt thơm thúi thì lúc đó mới là căn nguyên của tội lỗi, phiền não khổ đâu. Tánh ngửi là tánh vô phân biệt cũng như bóng rọi trong gương lúc nào cũng sẵn có trong mọi chúng sinh cho dù có ngửi hay không. Vậy tất cả các mùi thơm, thúi… của hương trần và cái ngửi được hương thơm thúi đều do nhận thức mê lầm cố chấp mà hóa thành sự thật. Do đó, cái tánh biết ngửi chỉ là sự đối đãi giả dối, không phải do hương trần sinh ra, không phải do căn mũi sinh ra và dĩ nhiên cũng không phải do hư không sinh ra.

Ngày xưa vào thời đức Phật, có vị Tỳ kheo đi ngang qua một hồ sen đang mùa rực nở. Lúc đó có một luồng gió thổi từ hồ sen về phía vị Tỳ kheo mang theo hương thơm nồng thắm làm cho ông ta sảng khoái nên hít một hơi làn hương thơm vào trong lồng ngực. Bỗng nhiên vị thần giữ hồ sen hiện lên trách rằng : “Ông là người tu hành giữ đúng phạm hạnh cớ sao lại đi ăn cắp hương sen của tôi”. Như thế thì hương vị tuy không có hình dáng và màu sắc nhưng sự tác hại của nó vào đời sống con người đâu kém những vật hữu hình khác.

4) Thu Thiệt nhập:


A Nan! Ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh mỏi mệt, nếu người đó có bệnh thì có vị đắng, người không bệnh thì có chút vị ngọt. Do những cảm xúc ngọt đắng, mà bày tỏ tánh nếm, khi không động thường có tánh nhạt. Tánh nếm và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sinh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng. Nhưng hai thứ vọng trần nhạt và ngọt phát sinh tánh nếm ở trong, thu nạp các trần tướng gọi đó là tánh biết nếm. Tánh biết nếm rời những thứ trần: nhạt ngọt, đắng cay…
Không có tự thể. A Nan! Sự biết ngọt biết nhạt không phải từ ngọt nhạt đến, không phải từ lưỡi ra cũng không phải do hư không sanh. Vì cớ sao?

Nếu từ các vị ngọt đắng mà đến, thì khi nhạt, cái biết nếm đã diệt rồi, làm sao biết được nhạt. Nếu từ cái nhạt mà ra thì khi ngọt, cái nếm đã mất rồi, làm sao biết được vị ngọt, đắng. Nếu do cái lưởi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt, đắng và nhạt, thì cái biết nếm ấy vốn không tự tánh. Nếu do hư không mà ra thì hư không tự nếm, lại hư không tự biết, nào có dính gì đến chỗ thu nạp của ông. Vì vậy biết rằng thiệt nhập là hư vọng vốn không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Thâu thiệt nhập là thu những mùi vị, tính biết nếm của tướng lưỡi để trả tướng lưỡi này về với bản tánh trong sạch có từ vô thỉ của nó. Để làm sáng tỏ thể tánh Bồ-đề trong sáng, đức Phật ví rằng nếu có người dùng lưỡi liếm mép. Nếu người này liếm lâu thì cái lưỡi sẽ sinh mỏi mệt cũng như nếu nhìn thật lâu vào trong hư không làm mắt mỏi mệt thì sẽ thấy hoa đóm giữa hư không. Vì sự va chạm của lưỡi vào mép nên phát sinh mùi vị cho nên nếu người có bệnh thì cảm nhận vị đắng, còn người không bệnh thì có được vị ngọt.

Nhưng đối với một người bình thường không liếm mép thì trong nước miếng không có vị đắng, không có vị ngọt mà chỉ có nhạt. Như vậy những cảm xúc đắng và ngọt tạo thành cái biết nếm của lưỡi chớ tự cái lưỡi không có mùi vị đắng ngọt. Khi căn lưỡi tiếp xúc với vị trần thì lúc đó thiệt thức tức là cái nếm biết của lưỡi mới xuất hiện làm con người có tánh phân biệt đắng, ngọt, chua, cay. Như thế thì cái mép vốn không có vị, nhưng liếm mãi cũng thành có vị cho nên xét cho tận cùng thì tất cả các vị và cái nếm biết đều do nhận thức sai lầm cố chấp mà phát hiện ra. Tuy căn lưỡi tiếp xúc với vị trần để phát sinh ra những vị ngọt, đắng, chua, cay, nhưng tướng ngọt, đắng, chua, cay cũng chỉ là tướng huyển hóa chỉ có khi có sự xúc tác giữa lưỡi và vị trần bên ngoài chớ lưỡi không có tự thể nghĩa là tự nó không có mùi vị. Nói cách khác, nếu lưỡi có tự thể thì chính nó đã phát sinh ra vị ngọt, đắng, chua, cay mà không cần phải xúc tác với vị trần bên ngoài.

Do đó, cái biết nếm của lưỡi là giả dối, không thật, bởi vì nếu lưỡi không tiếp xúc với vị trần thì không bao giờ có cái biết nếm mặn, ngọt, chua, cay được. Vì có sự tiếp xúc với vị trần tức là có sự hòa hợp sinh diệt nên cái biết nếm của lưỡi không phải là tướng chân thật của lưỡi. Vậy thế nào là tướng chân thật của lưỡi? Tướng chân thật của lưỡi là cái tướng trở về với bản tánh thanh tịnh ban đầu khi nó không còn tiếp xúc với vị trần bên ngoài và đây chính là tánh nếm của lưỡi vậy. Con người có quay về với tánh nếm thanh tịnh thì mới không bị ràng buộc bởi mùi vị giả dối, sinh diệt làm khởi dậy lòng tham đắm si mê thế tục. Thí dụ tự thể cái lưỡi là không có mùi vị, nhưng khi lưỡi nếm thức ăn thì thiệt thức làm con người khởi dậy sự phân biệt ngon dở mà chạy theo món ngon và chê bai món dở.

Ăn uống chỉ là chuyện bình thường, nhưng xét cho kỹ, nó chính là căn nguyên cội rễ của biết bao sự tranh chấp, đố kỵ và sát hại của nhân loại từ cổ đến nay. Vì thế, cổ nhân mới có câu : “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu” là vậy. Trong đoạn kinh này, đức Phật phân tích rất rõ ràng để chúng sinh biết rằng mùi vị thơm ngon hay đắng cay cũng chỉ là tướng giả dối, sinh diệt nên đừng chấp vào nó mà nên quay về sống với tánh nếm thanh tịnh chân thật của minh. Sự huyền diệu ở đây không phải là không biết mùi vị mặn, ngọt, chua, cay mà đừng nên chấp thủ say đắm vào mùi vị đó. Món ngon ăn nhiều, món dở ăn ít thì có an lạc, còn chạy theo món ngon và chê bai món dở là còn phiền não khổ đau.

5) Thu Thân nhập:


A Nan! Ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu lực bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng trở thành lạnh. Nếu lực bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh hóa ra nóng. Do sự cảm nhận trong lúc hợp mà nhận biết lúc rời ra. Giữa thế tương quan đó, phát ra mệt mỏi và cảm xúc. Tánh cảm xúc và mệt mỏi đều là hiện tượng phát sinh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng. Nhưng hai vọng trần hợp và ly phát ra sự hiểu biết ở trong, thu nạp các trần tướng. Đó là tánh biết xúc. Tánh biết xúc rời hai trần ly và hợp, trái và thuận không có tự thể.

A Nan! Tánh biết xúc không phải từ hợp ly đến, không phải từ trái thuận ra cũng không phải do hư không sanh. Vì cớ sao? Nếu từ cái hợp mà đến thì khi ly, tánh biết đã mất rồi, làm sao biết được cái ly; đối với hai tướng trái và thuận cũng như vậy. Nếu từ thân thể mà ra, hẳn không có những tướng ly, hợp, trái, thuận, thì tánh biết cảm xúc của ông vốn không tự tánh. Nếu từ hư không mà ra thì hư không tự hay biết, nào có dính dáng gì chỗ thu nạp của ông. Vì vậy biết rằng thân nhập vốn hư vọng, không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 

Thân của con người là do sự kết hợp của tứ đại đất, nước, gió, lửa. Nếu tứ đại hòa điệu với nhau thì con người sống rất khỏe mạnh, an lành. Ngược lại nếu một trong tứ đại này bất ổn, không điều hòa thì con người sinh ra biến chứng bệnh hoạn, tâm thể bất an. Thân nhập là cái biết cảm xúc bởi sự thu nạp những cảm xúc nóng, lạnh, cứng, mềm… khi thân căn tiếp xúc với xúc trần. Trong đoạn kinh này Phật ví như có người lấy một bàn tay lạnh chạm vào bàn tay nóng. Nếu lực bên lạnh nhiều hơn thì sức lạnh sẽ truyền qua bên tay nóng làm cho nó trở thành lạnh. Ngược lại nếu lực bên nóng nhiều hơn thì bàn tay kia sẽ hóa ra nóng.

Nhưng cái nóng, lạnh này tự nó không có mà phải do sự cọ sát của hai bàn tay mới có. Vì thế thân có cái biết nóng, lạnh bởi vì thân có sự tiếp xúc với xúc trần chớ thân tự nó không có cái biết nóng, lạnh, cứng, mềm. Nói cách khác, thân giao hợp với xúc tác thì thân thức mới được tạo thành. Đây là sự nhận biết của xúc cảm và là tướng giả dối, hư huyển, vì nó vẫn còn nằm trong tướng tạo tác, sinh diệt. Vì dùng hai bàn tay nóng, lạnh xoa vào nhau lâu dần nên mới phát sinh tướng tay mỏi mệt mà sinh ra cảm xúc của sự nhận biết. Thân căn tự nó không có tự thể nên tự nó không có cảm xúc nóng, lạnh, mềm, cứng được mà nó cần phải xúc tác với xúc trần thì những cảm giác nóng, lạnh kia mới có.

Do đó, cái tánh biết cảm xúc và sự mỏi mệt của hai bàn tay lạnh, nóng cọ xát vào nhau không phải là một thể tánh chân thật, nhưng nó phát xuất từ thể tánh Bồ-đề trong sáng vậy. Tại sao? Bởi vì thân căn tự nó là thể tánh trong sạch, không ô nhiễm, nhưng khi thân tiếp xúc với xúc trần bên ngoài thì thân thức mới phát sinh và từ đó biết bao vọng tưởng, tạp niệm khởi dậy trong tâm thức làm cho con người chạy theo tham đắm dục tình mà gây ra tội nghiệp để phải chịu sinh tử triền miên.

Ý của đoạn kinh này là Đức Phật thu lại những cái xúc cảm giả huyển do thân duyên với xúc trần bên ngoài để trả về cái thân căn trong sạch, là thể tánh Bồ-đề trong sáng vốn đã có sẵn trong mọi chúng sinh. Thí dụ bình thường thì thân căn đâu có tội lỗi xấu xa gì, nhưng khi người nam nắm tay người nữ thì trong tâm phát sinh bao ý niệm tham dục bất tịnh. Nhưng xét cho cùng thì những ý niệm tham dục kia đâu có thật, chỉ do vọng tâm sinh khởi mà thôi. Nếu thu lại những cảm xúc giả dối đó đi nên bây giờ tuy họ có bắt tay nhưng chỉ là cái bắt tay bình thường thì tà niệm không phát khởi làm tâm được thanh tịnh.

6) Thu Ý nhập:


A Nan! Ví có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ chán thì thức dậy. Nhận biết trần cảnh, thì nhớ, lúc hết nhớ gọi là quên. Các món sinh, trụ, dị, diệt, trái ngược đó, thói quen thu nạp đưa vào trong, không lẫn lộn nhau, gọi là ý căn. Ý căn và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sinh từ thể tánh Bồ-đề trong sáng. Nhưng hai thứ vọng trần sinh diệt, nhóm tánh biết ở trong, thu nạp pháp trần, dòng thấy nghe chảy ngược mà không chỗ đến, gọi đó là sự hiểu biết. Tánh hiểu biết này rời hai trần tướng : Thức, ngủ, sanh diệt nó không có tự thể.

A Nan! Ý căn hay sự hiểu biết đó, không phải từ thức, ngủ đến, không do sanh diệt có, không phải từ ý căn phát ra cũng không phải do hư không sanh. Nếu từ thức đến, lúc ngủ nó đã diệt theo thức mất đi rồi còn lấy gì làm ngủ. Nếu cho rằng khi sanh mới có hiểu biết, thì lúc diệt nó đã không còn, làm sao biết được diệt. Nếu do diệt có, lúc sanh không còn diệt thì lấy gì mà biết là sanh. Nếu do hư không sanh thì hư không tự biết nào có dính dáng gì chỗ thu nạp của ông? Vì vậy, biết rằng ý nhập là hư vọng vốn không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng thường ví sắc thân của người đời cũng như một hoàng thành. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là năm cửa thành để chống lại ngoại xâm. Ý là vị Tướng điều khiển năm cửa thành kia, còn Tánh (Tánh giác) là vua trong cung điện. Hằng ngày con người mở năm cửa thành ra để đón giặc (ngũ căn tiếp xúc với tiền trần) và kết quả tâu lên vị tướng (ngũ thức chuyển thành ý thức). Cuộc đời thăng trầm, có lúc được lúc mất sinh sinh diệt diệt nên cả đời con người chỉ biết chạy theo những vọng niệm sinh diệt phát khởi từ ý thức mà ra. Họ quên rằng bên trên vị tướng giữ thành còn có vị vua có uy quyền tuyệt đối. Vị vua đó chính là tánh giác thanh tịnh thường hằng vốn có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh mà con người bỏ quên nó để sống với ý thức vọng niệm. Trong đoạn kinh này, đức Phật muốn thu ý nhập nghĩa là Ngài thu tất cả những niệm tưởng sinh diệt của ý để trả ý căn về bản tánh thanh tịnh Bồ-đề của nó. Bởi vì tự thể của ý căn thì luôn thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng khi ý căn tiếp xúc với pháp trần thì lúc đó ý thức sinh diệt mới phát khởi.


Để giải thích thu ý nhập, đức Phật mới đưa ra thí dụ là nếu có một người làm việc hết sức mỏi mệt thì người này khi về nhà chỉ muốn đi ngủ. Khi ngủ đủ giấc nghĩa là thân xác và tinh thần được phục hồi thì người đó tự động thức dậy mà không cần người báo thức. Khi ý căn duyên với pháp trần thì những niệm tưởng được phát sinh. Thí dụ, hồi chiều ra phố, mắt (nhãn căn) trông thấy một người (sắc trần) dáng có vẻ quen quen. Đến khi về nhà cứ suy nghĩ (ý căn) không biết người đó (pháp trần) có phải là người bạn cùng học với mình hai chục năm về trước không?

Thế thì sự suy nghĩ làm ý niệm phát khởi, nhưng thật ra khi những ý niệm này phát khởi đến một mức độ nào đó thì nó dừng lại, không muốn nghĩ đến vấn đề đó nữa. Thời điểm này tâm tức là ý niệm chỉ muốn yên lặng, không còn niệm tưởng mà kinh này gọi đó là quên. Cùng một thí dụ trên nếu ý căn cố tìm biết bao kỷ niệm trong ký ức (Tàng thức) để xác định là có quen với người đó hay không. Sau vài phút ý căn quá mệt mỏi nên không còn tha thiết hoạt động nữa, thành ra ý niệm bỗng nhiên chợt tắt để trở về với tánh thanh tịnh của nó.

 

Bất cứ một ý niệm nào phát khởi trong tâm thức cũng phải trải qua bốn giai đoạn : khi ý căn tác tạo với pháp trần thì ý niệm phát sinh (sinh), ý niệm sau đó được lưu lại trong một khoảng thời gian nào đó trong tâm (trụ), nhưng sau đó những ý niệm này dần dần bắt đầu phai mờ (dị), và sau cùng ý niệm này tan biến (diệt) để nhường chỗ cho những ý niệm tiếp sau. Vậy trong từng sát na, con người sinh khởi biết bao ý niệm trong tâm thức của mình bởi vì ý căn còn tác tạo với pháp trần, nhưng cho dù có bao nhiêu ý niệm đi chăng nữa thì mỗi ý niệm vẫn nằm trong chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt của luật vô thường tức là hễ có sinh tất có diệt. Nếu sắc thân con người làm việc suốt ngày thì nó sẽ mỏi mệt.

Tâm thức cũng thế, nếu ý căn tác tạo liên tục thì nó sẽ mỏi mệt và cách phục hồi tốt nhất để nó có thể hoạt động trở lại là đi ngủ bởi vì khi đi ngủ thì ý thức không phát khởi (ngoại trừ lúc chiêm bao). Pháp trần là những ý nghĩ để hồi tưởng lại những hiện tượng đã xảy ra trong quá khứ, nhưng trên thực tế con người đâu có tự chủ được những ý nghĩ của mình cho nên mới có nghĩ gần, nghĩ xa, nghĩ thiện, nghĩ ác, nghĩ lợi, nghĩ hại, nghĩ mình, nghĩ người hoặc nghĩ mông lung không đâu vào đâu cả.

Ngày xưa vào thời Đông Châu ở Trung Quốc, Ngũ Tử Tư vì ôm lòng oán hận vua Sở Bình Vương đã sát hại cha anh của mình nên tìm cách trốn Sở sang nước Ngô để mưu chí phục thù, ngặt nổi không qua được cửa ải Chiêu quan vì cửa quan có treo một chân dung của Ngũ Viên rất lớn cùng tờ chỉ dụ tìm bắt của vua Sở. Chỉ một đêm không ngủ, lòng Ngũ Viên như dao cắt khiến ông suy nghĩ triền miên để tìm kế qua thành nên đến sáng thì râu tóc đã bạc phơ. Nhờ hình tướng giống như một cụ già nên ông qua được ải quan.

Nghĩ nhiều như vậy thì dĩ nhiên tâm thức bị căng thẳng tột độ làm ảnh hưởng hệ thần kinh khiến cho con người mau già, chóng chết. Thêm nữa, ý căn không duyên thẳng với ngoại cảnh mà chỉ duyên với với các danh tướng đã biết được từ trước tức là đã xảy ra trong quá khứ, không có trước mắt, do trong tiềm thức đưa ra. Trong lúc ý căn duyên với pháp trần thì cái thấy, cái nghe xoay vào bên trong mà thu nạp những điều đã ghi nhớ từ trước. Do đó ý căn không hoàn toàn duyên được với tất cả những điều đã thu nhận cho nên nếu tiềm thức đưa ra được những ký ức này thì gọi là nhớ, còn ngược lại thì gọi là quên. Đó là lý do tại sao con người đôi khi ngồi suy nghĩ mãi một vấn đề nào đó mà vẫn không nghĩ ra được, biết là có ở đó mà không biết nó ở chỗ nào trong tiềm thức nên tìm mãi vẫn không ra.


Nói tóm lại, ý căn xúc tác với pháp trần mà phát sinh ra ý niệm. Càng có nhiều ý niệm thì sẽ sinh ra tướng mỏi mệt, nhưng tướng mỏi mệt chung quy cũng từ thể tánh Bồ-đề trong sáng tức là bản tâm thanh tịnh mà ra. Tại sao? Bởi vì thể tánh Bồ-đề thì lúc nào cũng trong sáng thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng tâm thanh tịnh này khởi niệm xúc tác với pháp trần bên ngoài mới sinh ra niệm khởi mà có tướng mỏi mệt. Nếu ý căn rời pháp trần nghĩa là ý căn bây giờ rời khỏi thức, ngủ, sinh, diệt thì chính ý căn không có tự thể.

Nói cách khác bản tánh của ý căn rất thanh tịnh, trong sáng, không ô nhiễm. Do đó ý nhập chỉ là tướng huyễn hóa của ý căn do sự xúc tác với pháp trần mà có. Vì thế bây giờ nếu thu ý nhập thì tất cả vọng niệm biến mất để trả tâm về với trạng thái yên lặng thanh tịnh ban đầu. Tóm lại, nếu chúng sinh không biết làm chủ tâm mình thì khách trần bên ngoài sẽ làm nhiễm ô tâm tánh thanh tịnh bản nhiên bởi vì họ chạy theo những cảnh giả huyễn, tham đắm dục tình nên mới có phiền não khổ đau. Ngược lại, nếu con người giữ được vai trò chủ nhân ông của mình nghĩa là đừng cho sáu căn chạy theo sáu trần thì bản tâm luôn thanh tịnh, không ô nhiễm bởi vì khách trần tuy có đến nhưng rồi nó lại đi cũng như áng mây bay hay luồng gió thoảng qua không dính mắc.


Con người khi gặp thuận cảnh thì vui mừng cực độ, không kềm chế làm mất trạng thái thăng bằng của tâm. Còn những lúc đối diện với nghịch cảnh thì sinh ra buồn rầu, ủ rũ không còn ý chí sống nên cũng không giữ được trạng thái thăng bằng của tâm. Vì thế ngày nào còn chạy theo buồn vui, thương ghét, phải quấy, hơn thua, tốt xấu thì con người còn khổ, dễ mang phải chứng bệnh căng thẳng và dễ xúc động làm mất bình tĩnh khi đối diện với thực tại. Nếu kéo dài có thể mang phải những chứng bệnh căng thẳng thần kinh, cao huyết áp và mất ngủ.

Ngược lại, khi biết rằng “vạn pháp giai không, duyên sanh như huyển” nghĩa là thế gian vũ trụ chả có cái gì là thật cả, cái có rồi thành cái không, cái không một ngày nào đó biến thành cái có. Do vậy con người cho dù có gặp vận may thì cũng vậy, vẫn sống bình thường, không mừng, không xao xuyến vì cái may này trước sau cũng thay đổi, biến mất, không ở mãi với ta. Ngược lại, lúc gặp nghịch cảnh thì cũng bình thản vui tươi vì cái rủi, trước sau cũng sẽ biến đi nên không đau buồn, than khóc. Giữ tâm hằng thanh tịnh, không chạy theo ngoại trần thì đây mới là hạnh phúc thật sự, cao quý nhất.

|