Phật bảo A Nan :
- Cái thấy mà ông thấy tôi, dù không phải là chơn tâm minh diệu,
nhưng nó là tánh thấy trong sáng chưa nhuốm trần lao. Nó như
vành trăng thứ hai chứ không đến nỗi như bóng trăng đáy nước.
Ông hãy chín chắn lắng nghe, nay tôi chỉ cho ông cái nghĩa không
có chỗ trả về.
A Nan! Cửa giảng đường
lớn này mở ở hướng Đông, khi mặt trời lên thì có ánh sáng, giữa
đêm không trăng mây mù mờ mịt tối tăm. Chỗ có các cửa thì thấy
thông suốt, chỗ có tường ngăn thì thấy bít lấp. Chỗ có phân biệt
được thấy cảnh sắc, chỗ trống trơn thấy hư không. Chỗ cát bụi
tung lên thấy mịt mù, chỗ mưa tạnh mây tan thấy quang đãng.
A Nan! Ông đã thấy các tướng biến hóa như vậy, nay Như Lai trả
các tướng ấy về nơi xuất phát của nó. A Nan! Cái sáng trả về cho
mặt trời vì không có mặt trời thì không sáng. Tại sao? Vì nếu
không có mặt trời thì không có sáng. Nguyên nhân cái sáng kia là
do mặt trời nên trả nó về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm
không trăng. Thông suốt trả về cho cửa mở. Ngăn bít trả về cho
tường vách. Cảnh sắc trả về cho phân biệt. Hư không trả về cho
khoảng trống. Mịt mù trả về cho cát bụi. Quang đãng trả về cho
mưa tạnh mây tan. Sự vật thế gian tuy nhiều, nhưng không ngoài
những thứ đó. Còn cái thấy mà ông thấy tám thứ đó, ông định trả
nó về đâu? Nếu ông trả về cho sáng thì lúc không có sáng lẽ ra
ông không thấy được tối. Nhưng trước mắt ông, sáng và tối có sai
khác mà cái thấy của ông thì không sai khác.
Các thứ có thể trả về được, nhưng đương nhiên không phải là ông.
Cái không trả về được, chẳng phải là ông thì là cái gì? Vậy nên
biết tâm ông vốn nhiệm mầu, thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê
muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành chịu luân hồi, mãi bị chìm đắm
trong biển sinh tử. Thế nên Như Lai gọi các ông là những người
đáng thương xót!
Tuy Phật đã giải thích rõ ràng về bản tâm minh diệu, nhưng ông A
Nan vẫn còn mờ mịt chưa thật sự khai ngộ về bản tâm nên hỏi rằng
nếu tâm tính của ông có chỗ trả về thì tại sao tâm tính của Như
Lai dạy lại không có chỗ trả về? Một lần nữa, ông A Nan lại dùng
tâm phan duyên mới thấy có sự phân biệt này. Ông A Nan nghĩ rằng
thân tứ đại đất, nước, gió, lửa của ông và của Phật đâu có khác
gì nhau. Cũng mắt, tai, mũi , lưởi, thân. Cũng ăn uống nằm ngồi
ngủ nghĩ giống nhau thì tại sao Như Lai lại nói tâm tính ông có
chỗ trả về trong khi đó thì tâm Như Lai không có chỗ trả về. Đây
là lối nhận thức của kẻ còn mê; tâm còn chấp ngã, chấp pháp và
còn quay cuồng với sự tướng sinh diệt bên ngoài mà chưa thấy
được bản thể thanh tịnh bất sinh bất diệt bên trong. Tuy sắc
thân Phật và A Nan có giống nhau, nhưng A Nan sống với tâm phan
duyên sinh diệt chạy theo vui buồn, hờn giận, hơn thua phải trái
nên tâm bất tịnh.
Ngược lại Đức Phật tuy ứng
thân có giống sắc thân A Nan, nhưng tâm Phật là chơn tâm thanh
tịnh lúc nào cũng thường trụ Niết bàn thì cái chơn tâm này làm
sao có chỗ trả về? Còn cái vui cái buồn, cái thương cái ghét,
cái tốt cái xấu thì có chỗ trả về vì vui đến rồi vui đi, đâu có
ở mãi với chúng ta. Như thế cái có thể trả về thì chắc chắn
không phải của ta, mà không phải của ta thì làm sao gọi nó là
bản tâm thanh tịnh được. Hơn nữa, thế gian hiện tượng tuy nhiều,
nhưng tựu trung cũng không ngoài tám cảnh duyên là sáng, tối,
thông, bít, sắc, không, trong, đục. Tám duyên này đều có thể trả
về chỗ sở nhơn phát sinh ra nó, nhưng tánh thấy sáng suốt mà ông
A Nan thấy được về tám tướng kia không thể trả về đâu được. Do
đó những thứ có thể trả về được thì chẳng phải là chơn tâm của
ông, còn tánh thấy tám duyên kia không thể trả về thì nếu nó
không phải là chơn tánh của ông A Nan thì là của ai? Chơn tánh ở
trong ông A Nan vốn sáng suốt thanh tịnh, nhưng vì mê muội không
ngộ nên đánh mất cái sẵn có mà phải chịu sinh tử luân hồi.
Vì chơn tâm là chơn không diệu tánh nên rất khó diễn tả. Do đó
Phật mới mượn tánh thấy để diễn bày cái ở và cái đi tức là
“thường trụ” và “khách trần”. Nhưng tánh thấy kia còn lẫn lộn
trong duyên trần mà tám thức của tâm vương lại không thuộc duyên
trần nên nói tánh thấy vốn sáng suốt thanh tịnh là vậy. Tuy tánh
thấy chưa phải là chơn, nhưng rất cận kề với chơn cũng như vành
trăng không thể lìa mặt trăng được.
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ
Năm
Bấy giờ ông A Nan vẫn
còn nghi ngờ nên bạch với Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn! Tuy con
biết tánh thấy không thể trả về, nhưng làm sao biết được đó là
chơn tánh của con?
Phật bảo :
- A Nan! Nay Như Lai hỏi
ông. Hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng do
nương oai thần chư Phật mà thấy được cõi sơ thiền không ngăn
ngại. Còn ông A Na Luật thì thấy cõi Diêm phù đề như thấy quả
quít để trên bàn tay. Chư Bồ-tát thấy được cả trăm ngàn thế
giới. Mười phương chư Phật đều thấy cùng tận các cõi nước thanh
tịnh như số vi trần không sót chỗ nào. Còn chúng sinh thì thấy
chẳng được xa hơn gang tấc.
Này A Nan! Tôi cùng ông xem cung điện Tứ thiên vương và xem khắp
các loài trong nước, trên đất, trong hư không, tuy có nhiều hình
sắc tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần đối tượng
phân biệt. Những thứ mà ông thấy, ông nên ngay đó mà phân biệt,
cái gì là mình, cái gì là vật. Nay Như Lai để cho ông lựa ra
trong cái thấy, cái gì là tâm thể cái gì là vật thể.
A Nan! Cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng cũng là
vật chớ chẳng phải là ông. Cho đến cả bảy ngọn núi bằng vàng,
xem xét cùng khắp, dù có thấp cao lớn nhỏ và màu sắc không đồng
nhưng cũng đều là vật chớ chẳng phải ông. Lần lần quan sát mây
nổi chim bay, gió động, bụi tung, cây, rừng, sông, núi, cỏ, hoa,
súc vật… cho đến con người đều là vật chớ chẳng phải ông.
A Nan! Tính chất của các vật xa gần tuy có khác, nhưng cũng đều
nhờ tánh thấy thanh tịnh của ông nhìn được. Các vật loại kia có
sai khác mà tánh thấy của ông thì không sai khác. Cái tánh thấy
nhiệm mầu sáng suốt này chính thật là tánh thấy của ông.
Qua đoạn kinh trên, mặc dầu Đức Phật đã khai thị rõ ràng về tánh
thấy, nhưng trong tâm ông A Nan vẫn còn chấp chặt trong cái sở
văn tri giác tức là thấy nghe hay biết và chấp chặt vào kiến
giải đa văn nên rất khó thông hiểu lời Phật dạy. Không phải chỉ
một mình A Nan là mắc phải bịnh kiến chấp mà tất cả chúng sinh
nếu chưa chứng ngộ được bản tâm thanh tịnh của chính mình mà cứ
chấp chặt vào kiến văn Phật pháp thì chẳng khác nào tự mình dấn
thân vào chốn bão táp phong ba, xa dần bến bờ giác ngộ vì tất cả
những kiến chấp đó đều là pháp sinh diệt, không giúp ích gì
trong việc tìm về với bờ cũ bến xưa để trực nhận bản lai diện
mục của chính mình. Đây là sự khác nhau giữa ông A Nan và tôn
giả Đại Ca Diếp khi ông đối diện Phật trong hội Linh Sơn. Khi
Phật đưa cành hoa sen lên tôn giả mỉm cười vì cái tánh thấy thì
không thể nói được. Biết mà không nói được nên tôn giả chỉ mỉm
cười. Ở đây ông A Nan thích học rộng nghe nhiều nên tâm chất đầy
văn tự Phật pháp làm che lấp tánh thấy biết chân thật của ông.
Nhiều người cho rằng phải học nhiều, biết nhiều, thông kinh hiểu
nghĩa mới gọi là tu. Thật ra biết nhiều thì càng dễ bị chấp chặt
vào kinh điển, vào văn tự, vào phương tiện mà khó đạt được cứu
cánh giải thoát giác ngộ. Người càng buông xả, càng nhẹ nhàng
thanh tịnh thì càng dễ dàng quay về với tự tánh thanh tịnh bản
nhiên mà chứng ngộ chơn tâm.
Dựa theo Duy thức luận thì nhãn thức là một trong tám thức tâm
vương. Tánh thấy chính là tinh quang của tám thức soi vào năm
trần mà rõ được cảnh. Nếu lúc nhãn căn mới chạm vào sắc trần thì
gọi là “hiện lượng” tức là thể sáng suốt của tám thức. Khi niệm
thứ hai khởi tâm phân biệt thì gọi là “tỷ lượng” tức là thuộc về
ý thức phân biệt. Vì thế tánh thấy thanh tịnh, sáng suốt nhiệm
mầu cho dù có tiếp thu trần cảnh, nhưng tánh thấy chỉ thu nhận
“tánh cảnh” tức là thấy cảnh vật mà chưa có tâm phân biệt và
“hiện lượng” cho nên tự tánh của cái thấy lúc nào cũng thanh
tịnh vì thế tánh thấy chính là biểu hiện của chơn tâm. Vì chỉ là
hiện lượng nên tánh thấy rất gần với bản chất thanh tịnh của
chơn tâm hơn các hiện tượng khác cũng ví như vầng trăng chớ
không điên đảo hư dối như bóng trăng soi trong đáy nước.
Các vị A la hán, chư Bồ-tát cũng như chư Phật và chúng sinh tuy
có khác nhau về địa vị phàm thánh và công năng đối cảnh tuy rộng
hẹp bất đồng, nhưng tất cả cũng đều đều thuộc về tánh thấy sáng
suốt của hiện lượng trong tám thức. Tuy trời đất, vạn vật và hư
không có nhiều hình sắc khác nhau, nhưng tánh thấy trước sau như
một, không sai khác.
Ở đây chúng ta dùng tánh thấy để đơn cử công dụng phát thức của
một căn. Nhưng thật ra, “tánh cảnh hiện lượng” cũng là đặc tính
chung cho bốn căn còn lại là tai, mũi, lưỡi và thân. Khi một căn
tác dụng thì bốn căn kia chỉ hoạt động trong một bối cảnh tùy
duyên.
Phật Dạy
Thêm Cái “Thấy” Là Tâm Chứ Không Phải Vật
Nếu tánh thấy là vật thì ông có thể thấy được tánh thấy của
Như Lai. Nhưng sự thật thì không như vậy. Điều đó chứng minh
rằng: tánh thấy không phải vật, mà là chủ thể phân biệt của
chính ông. Sự thể quá rõ ràng, sao ông còn nghi ngờ cái chơn
tánh của ông? Chơn tánh của ông, ông không tự nhận, vướng chấp
pháp âm của Như Lai mà cầu thực chứng thì làm sao có được?
Phật trong đoạn kinh này đã giải thích rõ ràng rằng nếu vật thì
bị thấy, còn tâm thì không bị thấy. Vì thế cái thấy là tâm nên
không thể thấy tâm mình được. Thí dụ nếu chúng ta nhìn một trái
cam để trên bàn thì trái cam là vật bị thấy mà mắt là căn để
thấy. Tánh thấy chỉ tồn tại khi nào hiện lượng còn. Khi hiện
lượng mất và tỷ lượng xuất hiện thì tánh thấy cũng tan biến theo
có nghĩa là chơn tâm thanh tịnh không còn nữa mà được thay thế
bằng tâm phân biệt chấp trước.
Con người có còn phiền não khổ đau cũng vì còn chấp tiền trần
bên ngoài rồi sinh tâm phân biệt. Vì tâm phân biệt phát khởi nên
có yêu, thương, giận, hờn, hơn, thua, phải quấy làm tâm họ chất
đầy vọng tưởng. Con người vì đánh mất tâm thanh tịnh, tánh sáng
suốt mà sống với tâm vọng tưởng mê lầm nên mãi quay cuồng lang
thang lẫn thẫn trong sinh tử luân hồi. Ngược lại một người làm
chủ bản tâm của mình tức là họ không chạy theo lục dục thất
tình, không còn lệ thuộc vinh nhục khổ vui, khiến tâm không bị
mê loạn sẽ có cuộc sống thanh thoát an vui tự tại.
Bây giờ ông A Nan nghi “Cái Thấy” Có Lớn Nhỏ.
Ông A Nan bạch Phật :
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu
tánh thấy này nhất định là con chứ chẳng phải gì khác. Khi Như
Lai và con xem cung điện Tứ thiên vương, mặt trời, mặt trăng,
cái thấy này bao trùm cả cõi Ta bà. Khi quay về tịnh xá, con chỉ
thấy khu đất già lam, đến trai đường chỉ còn thấy giới hạn của
một căn phòng.
Thưa Thế Tôn! tánh thấy vốn khắp cùng một cõi, mà nay ở trong
nhà chỉ thấy một gian phòng. Vậy tánh thấy lớn rút lại thành nhỏ
hay do tường nhà ngăn chận làm cho đứt đoạn? Điều đó, con chưa
hiểu, xin Phật từ bi chỉ dạy.
Phật dạy: Trần Cảnh có Lớn Nhỏ, Tánh ”Thấy” không Lớn Nhỏ
Phật bảo A Nan!
- Tất cả các thứ trong
ngoài, lớn nhỏ trên thế gian đều thuộc về tiền trần, ông không
nên nói tánh thấy có giãn ra hay rút lại. Tánh thấy vốn trùm
khắp ví như hư không. Nếu đặt cái đồ vuông thì dung tích hư
không vuông, còn để vật tròn thì dung lượng khoảng hư không
tròn. Nếu muốn hư không, không vuông, không tròn, chỉ cần bỏ đi
những cái đồ khí mảnh ấy mà không cần có ý nghĩa phải loại bỏ
tướng vuông tròn của hư không. Như lời ông hỏi: Khi vào phòng
cái thấy bị rút lại, hay bị vách nhà ngăn đứt? Nghĩa đó không
đúng. Nếu vào phòng nhỏ, cái thấy bị rút lại, vậy khi ông ngước
xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với
mặt trời? Nếu vào nhà bị vách cắt đứt, khi xoi một lỗ nhìn ra
sao không thấy dấu nối?
A Nan! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay lầm mình là vật, bỏ
mất bổn tâm, bị vật xoay chuyển cho nên trong đó thấy lớn thấy
nhỏ. Nếu chuyển được vật thì đồng với Như Lai, thân tâm tròn đầy
sáng suốt, ngồi ở một chỗ mà đầu mảy lông có thể chứa trọn mười
phương quốc độ.
Vật chất hay sự tướng trong thế gian có hình tướng lớn nhỏ khác
nhau. Nào là dãy Hy mã lạp sơn, nào là tòa nhà cao nhất thế
giới, nào là thành phố đông dân nhộn nhịp ở New york, ở Tokyo, ở
Sài gòn, ở Bắc kinh. Ngày xưa máy bay nhỏ, bay gần; ngày nay máy
bay Airbus 380 có thể chở trên năm sáu trăm người. Nói chung tuy
thế giới hiện tượng thay đổi có hình tướng, kích thước, màu sắc
không đồng cũng ví như hư không tùy theo đồ vật như ly, chén,
chum, tách… mà biểu hiện theo hình thể vuông, tròn, dài, méo,
sâu, cạn… nhưng thể tánh hư không thanh tịnh bản nhiên lan tỏa
khắp thế giới chớ không bị hạn chế trong bất cứ một hình thức
khuôn khổ nào. Vì tánh thấy là giác minh tức là cái tinh kiến
nghĩa là tánh thấy lúc nào cũng ở trong phạm vi “hiện lượng” chớ
không chuyển qua “tỷ lượng” và “phi lượng”. Do đó không gian vật
chất tuy có lớn có nhỏ, nhưng thể tánh vốn giống nhau, là chơn
không diệu tánh lan rộng khắp mười phương thế giới.
Tánh thấy là bản chất thanh
tịnh của chơn tâm nên thông suốt không ngăn ngại. Nhưng cảnh
giới tiền trần bên ngoài làm cho tánh thấy bị ngăn ngại. Thật
vậy thể tánh chơn tâm của chúng sinh lúc nào cũng thấu suốt khắp
mười phương, nhưng sở dĩ chúng ta không thấu suốt cũng bởi vì
tướng tiền trần làm khởi tâm phân biệt mà có sự ngăn ngại. Vì có
sự ngăn ngại nên mới có to lớn, nhỏ bé và tướng trạng khác nhau.
Con người vì còn bị vô minh che lấp, bị tướng tiền trần vọng
tưởng làm ngăn ngại nên không sống được với chơn tâm, Phật tánh
của mình nên tánh thấy cũng bị che lấp, ngăn ngại theo vì thế mà
chúng sinh không thể thấy xa hay thấy về những kiếp đời quá khứ,
hiện tại hay vị lai được. Trong khi đó các vị A la hán, chư
Bồ-tát hay chư Phật vì luôn sống với chơn tâm thanh tịnh tức là
tánh thấy được thông suốt, không ngăn ngại nên các ngài có thể
thấy suốt được tam thiên đại thiên thế giới và tất cả những đời
quá khứ, hiện tại và vị lai rất rõ ràng.
Từ nơi thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động mới sinh ra có hư
không thế giới, chúng sinh cùng các cảnh vật nên gọi là “mê mình
là vật”. Khi có cảnh vật rồi, con người cứ theo đó mà phân biệt
tốt xấu, lớn nhỏ, mừng giận, thương ghét… nên nói “bị vật chuyển
xoay”. Đến khi hết vô minh vọng động, quay trở về với thể tánh
chơn tâm thì các cảnh vật ấy không còn nữa cũng như người thức
giấc chiêm bao thì cảnh chiêm bao kia hết, nên nói “xoay chuyển
vật” là vậy. Trong sách vở Tây tạng có rất nhiều câu chuyện
huyền thoại về những cao tăng đã dùng thần thông bay trên đỉnh
núi tuyết hay có thể làm mưa, gọi gió… làm cho đại chúng rất
khâm phục.
Thật ra trong Phật giáo
những hiện tượng này rất thông dụng khắp mọi nơi chớ không nhất
thiết chỉ có các vị tăng Tây tạng mới đạt được. Khi chúng sinh
tu hành đến chỗ minh tâm kiến tánh hay niệm Phật đến chỗ Nhất
tâm bất loạn thì tâm họ hoàn toàn sáng suốt, rất thanh tịnh và
cái tâm này chính chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh. Khi
tâm định thì trong họ tự nhiên thần thông ứng hiện cho nên họ có
thể xoay chuyển vật rất dễ dàng. Khi cần, họ nhập vào đại định
tức là tâm họ đã hòa trong càn khôn vũ trụ nên họ có thể chuyển
mây thành mưa hay bay bổng trên không trung rất tự tại. Thật
vậy, trong thế gian vũ trụ rộng bao la vô cùng vô tận cũng không
ngoài cái chơn tâm của con người cho nên khi chuyển được vật tức
là có thể nắm được càn khôn vũ trụ rồi. Tuy chúng ta ngồi đây,
nhưng nó đã che phủ cả thập phương thế giới. Một ý niệm cứu nhân
độ thế vừa phát khởi tức thì đã vang dội trong mười phương ngay.
Vì thế chơn tâm là bản thể lan tỏa vô cùng vô tận và chính là
cội nguồn sinh ra tất cả.
Nếu chúng sinh đoạn trừ vô minh phiền não, không còn chấp ngã
chấp pháp quay về sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh
minh, chuyển vật, làm chủ lấy mình và hòa nhập vào trong nhất
nhân pháp giới. Tự nhiên họ sẽ thấy rằng vật, tâm bất nhị và
chúng sinh, Phật cũng vốn không hai. Đó là tất cả là một và một
là tất cả. Khi mê thì thấy có vật có tâm, có chúng sinh có Phật
đến khi thức tỉnh giác ngộ thì vật tâm là một chẳng phải hai và
tất cả chúng sinh đều là Phật. Khi thân tâm đã hoàn toàn sáng
suốt thanh tịnh thì con người có được thần thông tự tại. Dựa
theo Quảng hiệp tự tại vô ngại của Thập Huyền Duyên Khởi trong
bộ Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao và bộ Tham Huyền Ký của ngài Hiền Thủ
thì một vật tuy nhỏ như đầu mảy lông có thể chứa cả càn khôn vũ
trụ mà không chật hẹp. Nói một cách khác khi con người biết quay
về sống với chơn tâm thì một sợi lông hay mười phương thế giới
cũng đều là chơn tâm cả. Vì đã đồng chơn tâm, cùng một thể tánh
thì sẽ không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông
nhỏ hơn thế giới cho nên đức Phật mới dạy rằng: “Trên đầu một
sợi lông, có thể chứa đựng mười phương thế giới” là vậy.
Tánh Thấy Và
Vật Bị Thấy Vốn Là Tâm Tánh Bồ Đề Nhiệm Mầu Sáng Suốt
Ông A Nan bạch Phật :
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu
tánh thấy là tâm tánh mầu nhiệm của con thì diệu tánh đó phải ở
ngay trước mắt (chấp sắc là ngã). Tánh thấy đó chắc thật là con,
vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? (chấp lìa sắc là ngã).
Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia
không phân biệt được thân con (chấp ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong
ngã). Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh
thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con. Khác nào trước
kia Như Lai hỏi: “vật có thể thấy được con chăng?” (chấp sắc lớn
ngã nhỏ, ngã ở trong sắc). Cúi mong đấng đại bi chỉ bày cho kẻ
chưa ngộ.
Đã bao lần Đức Phật khai thị rất rõ ràng mà ông A Nan vẫn còn mơ
hồ trong nhận thức về cái tánh thấy nên mới đặt câu hỏi rằng
tánh thấy là tâm tánh hay không là tâm tánh của ông. Sự mê mờ về
tâm tánh cũng bởi vì A Nan nghe Phật khai thị, nếu có thể chuyển
được vật, tức đồng với Như Lai, bèn phát nghi chấp vật là cái
thấy. Vì nghĩ như vậy nên ông cho rằng tất cả vạn vật đều là
tánh thấy sáng suốt của ông tức là vạn vật kia chính là ông rồi.
Nếu cho rằng vạn vật là ông A Nan vậy thì thân tâm thật của A
Nan là ai? có phải là của A Nan chăng?
Đức Phật bảo A Nan!
- Nay ông nói cái thấy ở
trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu tánh thấy thực sự ở
trước mặt ông và ông nhận thấy được thì tánh thấy này đã có chỗ
nơi, chẳng phải không chỉ ra được. Vậy nay Như Lai cùng ông ngồi
trong rừng Kỳ đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa, xa đến mặt trời
mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông đang ở trước tòa sư
tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy. Chỗ
mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách,
chỗ thông suốt là hư không. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn
nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.
Nếu nhất định có cái thấy hiện ra trước mặt ông, thì ông phải
dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. A Nan! Ông nên biết,
nếu hư không là cái thấy, mà đã thành cái thấy rồi thì cái gì là
hư không? Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi thì cái gì
là vật? Ông hãy chín chắn lựa chọn trong muôn vàn hiện tượng,
tách tánh thấy nhiệm mầu thanh tịnh ấy ra và chỉ cho Như Lai xem
cụ thể rõ ràng, như các vật mà không lầm lộn.
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Nay con
ở trong giảng đường nhìn ra xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt
trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, đều là
vật chớ không có cái nào là tánh thấy.
Bạch Thế Tôn! Đúng như lời Ngài vừa dạy, chẳng những hàng Thanh
văn, sơ học chúng tôi, cho dù hàng Bồ-tát cũng không thể nào
trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật
mà có tự tánh riêng.
Phật bảo : Đúng thế! Đúng thế.
Tánh thấy là bản tâm thường trụ, không sinh diệt của mỗi chúng
sinh và cái bản tâm này không thể trực nhận bằng nhục nhãn của
con người. Nhục nhãn của chúng sinh thì thấy những sắc tướng
hiện tượng bình thường, nhưng tánh thấy thì phải trực nhận bằng
tâm hồn thanh tịnh, bằng trí tuệ sáng suốt và nó chỉ hiển bày
khi tâm không còn lưu giữ bất cứ một trần cảnh phân biệt nào.
Tất cả những gì mà ông A Nan thấy được từ trong rừng Kỳ Đà cho
tới rừng suối, nhà cửa, sông Hằng hay ngay cả hư không, mặt trời
mặt trăng chỉ là ý thức sinh khởi phát xuất từ tâm phan duyên
sinh diệt. Trong cuộc sống, tất cả những cảnh giới như thiên
đường hạnh phúc, cõi cực lạc thanh tịnh thanh thoát an nhàn hay
đau khổ đọa lạc như trong địa ngục đều do bản tâm của con người
tác tạo. Chúng ta nghĩ thiện thì có cảnh thiên đường. Ngược lại
chúng ta nghĩ ác, lợi mình hại người thì tâm bất an, sống trong
lo âu sợ hải nên lúc nào cũng bị ám ảnh những hình ảnh kinh sợ
nếu đây không là địa ngục thì còn là gì?
Nói tóm lại, trong nhận thức của ông A Nan chỉ loanh quanh lẩn
quẩn qua hình bóng của pháp trần và ý thức.
Tuy đã theo chân đức Phật
rất nhiều năm và tất cả pháp đều rót vào tâm ông, nhưng ông chỉ
nghe mà chưa có khái niệm vững vàng về thể tánh của kiến tinh
minh giác nên mới phát sinh ra ý niệm nghi ngờ mà cho rằng:
“tánh thấy là tâm tánh hay không là tâm tánh? và tánh thấy ở
trước mắt hay không ở trước mắt?”. Nếu ông A Nan cho rằng tánh
thấy hiện ở trước mắt của ông mà ông thấy được thì tánh thấy đó
chính là vật thể tức là nó có sắc tướng. Và nếu tánh thấy là vật
thể thì lẽ ra ông A Nan phải chỉ được nó ở chỗ nào vì chỉ có vật
thể mới thấy bằng mắt được. Nhưng tất cả những sự vật mà A Nan
xem thì ông không thể chỉ ra được cái nào là tánh thấy. Do đó
nếu nói rằng hư không thành ra tánh thấy thì còn cái gì mới là
hư không. Thí dụ như dòng sông Hằng là tánh thấy thì còn cái gì
mới là sông Hằng. Như thế tất cả những gì mà ông thấy được đều
là vật chớ không có cái gì là tánh thấy cả.
Đến đây đức Phật mới đồng ý với ông mà cho rằng :
Không có vật nào là tánh thấy.
Đức Phật lại bảo A Nan :
- Như lời ông nói : Rời
tất cả vật, tánh thấy không có. Trong tất cả vật chỉ ra được,
không có cái nào là tánh thấy. Giờ đây ông cùng tôi ngồi trong
rừng Kỳ đà này, ta hãy nhìn xem vườn rừng cho đến mặt trời, mặt
trăng và vô vàn hình tượng, trong đó không có cái thấy để ông
chỉ ra được. Vậy ông hãy phát minh trong các vật đó, cái nào
không phải tánh thấy.
Ông A Nan bạch Phật rằng :
- Con xem khắp rừng Kỳ
đà, tập trung tâm ý, quan sát tư duy, nhưng không tìm ra trong
đó cái nào không phải tánh thấy. Vì sao? Nếu cây chẳng phải là
cái thấy thì làm sao thấy được cây. Còn nếu cây là cái thấy thì
sao gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái
thấy thì sao gọi là hư không? Con nay suy nghĩ chín chắn và phát
minh trong muôn vàn hiện tượng, không có cái nào là tánh
thấy.
Phật bảo: Đúng thế! Đúng thế.
Một lần nữa để làm sáng tỏ tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu, Đức
Phật lại dạy A Nan rằng ông hãy xem xét lại tất cả các sự vật,
có cái gì ra ngoài cái thấy không? Sau khi xem xét kỹ lưỡng ông
A Nan xác định là dù cho trăm ngàn sự vật, nhưng không có sự vật
nào ra ngoài cái thấy vì nếu có sự vật nào ra ngoài cái thấy thì
đã không thể thấy nó được. Phật lại đồng ý và kết luận rằng :
Không có một vật nào không phải là tánh thấy.
Phần trước Phật xác định là “không có vật nào là tánh thấy”
nhưng phần này Phật lại nói là “không có một vật nào không phải
là tánh thấy”. Tại sao sự xác định của Đức Phật đối với ông A
Nan lại mâu thuẫn lạ kỳ như vậy? Sự mâu thuẫn này chẳng những
làm ông A Nan mà toàn đại chúng hoang mang dao động.
Trong thế giới của bản thể và hiện tượng thì chân lý “bất tức
bất ly” nghĩa là bản thể tức là “không” và hiện tượng tức là
“có” tuy không giống nhau nhưng không thể chia cắt, phân ly ra
được. Nói thế có nghĩa là không có một hiện tượng nào trên thế
gian này mà không ở trong bản thể và không có bản thể nào mà
không biểu hiện qua hiện tượng. Đó chính là sắc tức là không và
không tức là sắc bởi vì từ không mà duyên khởi thành sắc hay tất
cả những cái có là từ cái không mà có. Thí dụ hiện tượng là sóng
và bản thể thanh tịnh là nước yên lặng. Vì thế bản thể không rời
hiện tượng tức là nước và sóng không thể tách rời nhau vì cùng
là nước. Còn nếu nói hiện tượng không là bản thể tức là bỏ sóng
tìm nước thì làm sao tìm thấy nước được. Tóm lại, nước không là
sóng, nhưng nước không rời sóng cho nên nước và sóng là bất tức
bất ly.
Nếu áp dụng chân lý “bất tức bất ly” vào trong trường hợp này
thì tánh thấy tức là bản thể thanh tịnh còn tất cả những vật bị
thấy như rừng kỳ đà, mặt trời mặt trăng, sông Hằng đều là hiện
tượng. Nhưng tánh thấy và vật bị thấy không thể tánh rời nhau
cũng như sóng không thể rời nước. Do đó nếu đứng về phương diện
hiện tượng mà nói thì không có vật nào là tánh thấy vì chúng là
sóng nước thay đổi sinh diệt. Còn nếu đứng về bản thể thanh tịnh
mà nói thì không có vật nào là không có tánh thấy vì bây giờ
chúng ta không còn nhìn sóng nước bên ngoài mà quay về nhìn thấu
suốt thể tánh nước thanh tịnh bên trong. Đây là thế giới vô vi
thanh tịnh nghĩa là thế giới của bản thể chân như thì tất cả đều
là chơn không diệu tánh. Vì là chơn không diệu tánh nên tất cả
sự vật đều có tánh thấy như nhau.
Không thông hiểu lời Phật không có nghĩa là Phật nói sai, nói
dối vì Đức Phật lúc nào cũng thể hiện qua câu : “Như Lai thị
chơn ngữ giả, thật ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất cuồng ngữ giả”
nghĩa là lời nói của Phật là chân chính, là thành thật, không
tráo trở và không bao giờ dối trá.
Bồ Tát Văn
Thù Cầu Phật Thương Xót:
Phật Dạy : Tánh Thấy Không Có “Cái Thấy” Hay “Bị Thấy”
(Thị, Phi Thị)
Bấy giờ trong đại chúng, những vị chưa chứng quả vô học, nghe
Phật nói lời này, mờ mịt chưa hiểu thế nào, sanh lòng sợ hãi,
không giữ được chánh niệm.
Trên bước đường tu học nếu người đệ tử Phật vừa mới nhập môn tu
học cho đến các vị chứng được ba quả đầu tiên của hàng Thanh văn
là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm thì được gọi là hàng hữu
học. Hữu học có nghĩa là còn phải học giáo lý, học chánh pháp để
có thể diệt trừ phiền não vô minh mà có giải thoát giác ngộ. Nói
cách khác, hữu học có nghĩa là còn có vô minh, còn có phiền não.
Chỉ có những vị đã chứng quả A La Hán thì mới được gọi là hàng
vô học. Vô học có nghĩa là đã chứng được vô sanh pháp nhẫn tức
là các vị đó tự mình nghiệm chứng được vạn pháp sanh không thật
sanh và khi vạn pháp diệt thì cũng không thật diệt. Khác với
chúng sinh là khi thấy vạn pháp sanh thì tin chắc là vạn pháp
sanh và khi thấy vạn pháp diệt thì nghĩ rằng vạn pháp sẽ biến
mất nên không diệt trừ hết ưu bi khổ não làm tâm bất tịnh.
Trong cuộc sống hằng ngày,
nếu chúng sinh không thông hiểu lý duyên khởi bằng cách dùng trí
tuệ sáng suốt của mình để quán chiếu sự sinh diệt của vạn pháp
mà chỉ dùng nhãn quan của mình thì chắc chắn tâm mình sẽ thăng
trầm theo sự biến dời của vạn pháp. Thí dụ thấy một người chết,
lòng đau xót vì thấy cảnh sinh ly tử biệt. Nhưng thật ra đâu có
ai thật chết đâu mà sợ. Chết là để đổi thân cũ lấy thân mới vì
khi nhân duyên hết thì mọi liên hệ thế gian cũng chấm dứt. Anh
em, cha mẹ, vợ chồng, con cái mỗi người đi mỗi ngã tùy theo nhân
duyên và nghiệp quả của họ. Vì thế con người, vạn vật thế gian
chẳng khác gì vầng mây tan hợp, đến rồi đi, chia biệt để tương
phùng.
Như Lai biết đại chúng lo sợ, khởi lòng thương xót an ủi A
Nan và đại chúng :
- Các thiện nam tử! Bậc
vô thượng pháp vương, lời nói chân thật, đúng như tánh chơn như,
không dối gạt và lừa đảo quanh quẩn như bốn thứ nghị luận bất tử
của bọn Mạt Già Lê. Các ông hãy suy nghĩ chín chắn, chớ phụ lòng
thương xót của Như Lai.
Nghị luận bất tử là lối lý luận chẳng đi về đâu, nói sao cũng
được, miễn sao vừa lòng người nghe bất chấp lời nói đó đúng hay
sai. Đây là lời nói ba phải, lừa dối quanh co, không chân thật.
Ngược lại đức Phật là bậc vô thượng pháp vương vì lời nói của
Ngài là chân lý, là chánh pháp.
Bấy giờ Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, thương xót hàng
tứ chúng, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy đảnh lễ Phật, chắp tay cung
kính thưa rằng :
- Bạch Thế Tôn! Đại chúng đây không hiểu được chỗ Như Lai phát
minh hai nghĩa “phải” và “không phải” của “tánh thấy” và “sắc
không”. Bạch Thế Tôn! Nếu những hiện tượng sắc không tiền cảnh
là cái thấy thì lẽ ra có chỗ chỉ ra được. Nếu không là cái thấy
thì lẽ ra không thể thấy. Nay đại chúng không hiểu nghĩa ấy do
đâu, nên mới kinh sợ, chớ không phải vì thiện căn nhiều đời ít
ỏi. Kính mong Như Lai thương xót phát minh chỉ rõ các vật tướng
ấy và cái thấy vốn là thứ gì mà rời ngoài các ý nghĩa “phải” hay
“không phải” như vậy?
Phật bảo Bồ-tát Văn Thù và đại chúng :
- Thập phương Như Lai và
các đại Bồ-tát tự trụ tam ma đề, thì cái “thấy”, cái “bị thấy”
và các nhớ nghĩ, tưởng tượng đều như hoa đóm trong không chẳng
có thật. Bản thể của chúng vốn là tâm tánh Bồ-đề nhiệm mầu,
thanh tịnh sáng suốt, cho nên trong đó không có vấn đề “phải”
hay “không phải”?
Tự trụ tam-ma-đề là thiền cao nhất trong Phật giáo. Nó chính là
Như Lai thanh tịnh thiền có nghĩa là tâm của Như Lai lúc nào
cũng trụ vào trong đó để thấy rằng vạn pháp duyên sanh như huyễn
nên tất cả những bất tịnh của thế gian như tài, sắc, danh, lợi
không bao giờ lọt vào trong tâm tưởng của Như Lai. Trong Phật
giáo nếu thiền giả ngồi đếm hơi thở hay là thiền quán bất tịnh
thì đây là thiền đối trị tức là thiền để điều thân. Còn thiền
Sam-ma-tha là thiền Chỉ dùng để ngăn chận vọng tưởng tức là điều
tâm. Còn ở đây Như Lai đã qua khỏi điều thân và điều tâm nên
thiền của Như Lai gọi là tự trụ tam-ma-đề nghĩa là thiền mà
không cần phải ngồi, phải đi hay nằm gì cả mà lúc nào tâm cũng
hằng thanh tịnh. Tại vì bất cứ bốn oai nghi của Ngài đều là
thiền vì thiền đây chính là thiền trong tâm chớ không phải là
thiền ở bên ngoài. Thiền có nghĩa là không còn tánh tham tật đố,
không còn tâm sân hận, không còn lòng si mê, không cần tài sắc
danh lợi làm vẫn đục thanh tâm của mình.
Này Văn Thù! Nay tôi hỏi ông: Như ông là Văn Thù, có đúng là
Văn Thù hay chẳng phải là Văn Thù?
- Đúng vậy, bạch đức Thế Tôn. Chính con là Văn Thù thì không thể
nói “thật Văn Thù” được. Vì nếu nói “thật Văn Thù” thì phải nói
có ông Văn Thù giả (thứ hai). Song con đã là Văn Thù rồi thì
không thể nói “thật” hay “không thật” được.
Đức Phật bảo :
- Tánh thấy nhiệm mầu
sáng suốt này cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy.
Vốn là chơn tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt
nhiệm mầu, nhưng vọng làm ra sắc không và thấy nghe. Ví như mặt
trăng thứ hai, thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải
mặt trăng. Này Văn Thù, chỉ có một mặt trăng thật. Trong đó
không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt
trăng. Thế nên nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các
thứ phát minh ra được đều là vọng tưởng, trong ấy không thể chỉ
ra nghĩa phải và chẳng phải. Bởi do tánh thấy sáng suốt nhiệm
mầu ấy, nên khiến ông vượt ra ngoài cái chỉ ra được và cái chẳng
chỉ ra được vậy.
Có ba điều kiện để tạo thành “cái thấy”.
1) Có mắt mà không có vật, màu sắc hay đối tượng thì không thành
cái thấy.
2) Có vật hay đối tượng mà không có mắt thì cũng không thành cái
thấy.
3) Bây giờ có mắt, có vật mà không có tánh thấy thì cũng không
thành cái thấy.
Do đó muốn có cái thấy thì phải có mắt, có đối tượng và điều
quan trọng nhất là phải có tánh thấy thì cái thấy mới thành tựu
được.
Trong kinh này “thị” nghĩa là cái thấy và “phi thị” nghĩa là sắc
không tức là trần cảnh bên ngoài. Vì nó là trần cảnh bên ngoài
nên “phi thị” là cái bị thấy. Vậy cái thấy là căn mắt của con
người và cái bị thấy là tất cả những cảnh vật, hình tướng, màu
sắc bên ngoài mà mắt có thể thấy được. Như thế “phi thị” là
những thứ như nhà cửa, xe cộ, núi cao, rừng thẳm, mặt trời, mặt
trăng… và con mắt là cái thấy những hiện tượng này nên con mắt
là “thị”. Vậy tất cả những hiện tượng trên thế giới hữu vi này
không ra ngoài thị và phi thị.
Khi chư Phật mười phương và
các chư đại Bồ-tát nhập vào tam-ma-địa nghĩa là các ngài nhập
vào trong chánh định thì tất cả những ý niệm thiện ác, tốt xấu,
hơn thua, phải quấy tan biến mà trở về với tự tánh thanh tịnh
bản nhiên nghĩa là họ đang sống với bản lai diện mục tức là chơn
tâm, là Phật tánh. Khi đạt đến trình độ này thì căn của mắt hay
trần cảnh bên ngoài tức là cái thấy và cái bị thấy cũng không
còn làm tâm của họ bị dao động nữa. Dựa theo nguyên lý bất nhị
hay vào pháp môn không hai thì phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức
Niết bàn. Vì sao? Một khi chúng sinh biết hóa giải tất cả những
hệ lụy của phiền não trần cấu thì Bồ-đề hiển hiện vì phiền não,
Bồ-đề là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly chớ không phải
phiền não ở trong tâm còn Bồ-đề ở một nơi khác.
Thêm nữa, trên con đường
giải thoát giác ngộ, người đệ tử Phật cũng cần nhận thức cho rõ
ràng rằng một khi chúng sinh đã đoạn trừ mọi phiền não để có tâm
thanh tịnh, nhưng nếu chúng sinh vẫn còn chấp vào sự thanh tịnh
này tức là chúng sinh vẫn còn chấp pháp. Nếu tâm vẫn còn chấp
cho dù đó là chấp ngã hay chấp pháp thì tâm chưa hoàn toàn thanh
tịnh vì thế những vị A la hán tuy đã phá được chấp ngã nhưng
chấp pháp vẫn còn nên Niết bàn mà họ có chỉ là hóa thành (tạm
thời) chớ chưa phải là bảo sở (hoàn toàn) như chư Bồ-tát hay chư
Phật.
Chơn tâm vốn không hai nên không còn thị và phi thị đối đãi cũng
như ngài Văn Thù không thể nói “thật” hay “không thật” được vì
chỉ có một Văn Thù còn nếu nói có hai Văn Thù thì chẳng lẽ một
thân mà có tới hai Văn Thù hay sao? Tánh thấy thì lúc nào cũng
sáng suốt thanh tịnh trong khi đó thị và phi thị là những tướng
trạng nằm bên ngoài. Do đó con người chỉ có một tánh thấy cũng
như chỉ có một Văn Thù.
Lúc đưa tay lên dụi mắt thì khi nhìn mặt trăng chúng ta thấy có
tới hai mặt trăng, nhưng trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu
không có chứa mặt trăng giả hay mặt trăng thật cũng như trong
bản tánh chân như cũng không chứa cái thấy và cái bị thấy. Vì
tất cả những hiện tượng của thế giới hữu hình mà mắt thấy làm
tâm khởi niệm phân biệt chỉ là vọng tưởng phát khởi. Nhưng tất
cả những vọng thức phân biệt cũng trở về với bản tâm thanh tịnh
của chính mình cũng ví như ra biển chúng ta thấy những bọt nước
lao xao trên những làn sóng, nhưng tựu trung những bọt biển này
cũng chính là nước biển bởi vì bọt biển, sóng biển cũng từ nước
biển mà ra. Con người vì chạy theo hình tướng, văn tự mà bị chấp
chặt trong đó nên quên mất đi bản tâm trong sạch thanh tịnh vốn
đã có sẳn trong họ vì chơn tâm vượt ra ngoài sự đối đãi và nói
năng phân biệt nên không thể nói “phải” hay “không phải”. Do đó
nếu chúng sinh biết rời xa “thị” và “phi thị” tức là rời xa “cái
thấy” và “cái bị thấy” thì họ sẽ quay về sống với chơn tâm, với
bản lai diện mục của chính mình.
Hằng ngày con người sống dựa theo lục căn của mình, nhưng thật
ra nếu dựa vào một khía cạnh là cái lục căn làm cho con người
thấy, nghe, hay, biết, ngửi, nếm để biến hóa cuộc đời thêm nhức
đầu, phiền não khổ đau thì còn một khía cạnh khác là cũng cái
lục căn đó mà bây giờ lại giúp cho con người hưởng được những
giây phút an vui thoải mái tự tại. Đây mới là mặt thật của lục
căn và nó chính là bản lai diện mục có sẳn trong tất cả mọi
người. Bản lai diện mục của chúng sinh vốn trong trắng hiền
lành, an nhiên tự tại, chẳng vướng vô minh và cũng không còn
phiền não. Vì thế khi tâm không còn phân biệt đối đãi, không còn
thị và phi thị, không còn phải hay không phải thì tất cả những ý
niệm của cái thấy và cái bị thấy sẽ hoàn toàn biến mất. Lúc ấy
chơn tâm hiển bày, tự tánh biễu lộ vì con người đang sống với
bản thể nhất chân tức là một là tất cả và tất cả tức là một vậy.
|
|