A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

 

Do Nhận Thức Sai Lầm Khiến Cho Con Người Bỏ Mất Bản Tâm Thanh Tịnh, Bản Giác Thường Trú Của Mình

 



Lời Nói Đầu
Phần Giới Thiệu
Đề Mục Kinh
Nhân Duyên Và Thời Điểm Phật Nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Phần Chánh Tông
Bảy Đoạn Phật Hỏi Về Tâm Chỉ Rõ Tánh Thấy
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Hai
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Ba
A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Tư Và Thứ Năm
A Nan Nghi "Chơn Tâm" Đồng Với Thuyết "Tự Nhiên" Của Ngoại Đạo Do Nhận Thức Sai Lầm Khiến Cho Con Người Bỏ Mất Bản Tâm Thanh Tịnh Bản Giác Thường Trú Của Mình
Tánh Thấy Ngoài Hai Nghĩa : Hòa Hợp Và Không Hòa Hợp
Bốn Khoa Bảy Đại Vốn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Như Lai Tạng
Sáu Nhập Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Mười Hai Xứ là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Bảy Đại Là Hiện Tượng Biểu Hiện Của Như Lai Tạng
Giác Ngộ Và Phát Nguyện
Phật Thuyết Minh Tánh Của Các Đại Vốn Không Ngăn Ngại Gì Nhau, Nhằm Khai Thị Chơn Lý - Sắc Không, Không Sắc.
Phật Khai Thị Nguồn Gốc Duyên Khởi Của Hiện Tượng Vật Chất
Phật Chỉ Hai Nghĩa Quyết Định
Dựa Vào Nhơn Tu Mà Suy Biết Quả Sơ Chứng
Chỉ Rõ Chổ Hư Vọng Của Sáu Căn
Phật Bảo Đánh Chuông Để Chứng Nghiệm Tánh Nghe Của Nhĩ Căn Là Thường Còn
Nương Chổ Ngộ Mà Viên Tu
Chỉ Một Cái Khăn Mà Sáu Lần Cột Thì Thành Sáu Gút. Mở Hết Sáu Gút Một Cũng Không Còn
Gạn Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Phật Bảo Văn Thù So Sánh Chọn Căn Ưu Việt Nhất
So Sánh Sự Ưu Khuyết Của Sáu Trần, Năm Căn, Sáu Thức Và Bảy Đại

CÁC TÔN GIÁO LỚN TRÊN THẾ GIỚI VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ.

NIỀM TIN PHẬT GIÁO

VÀI NÉT VỀ NỘI TÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Ông A Nan Bạch Phật:
-     Như Thế Tôn vì chúng con giảng giải về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp. Tâm chúng con vẫn còn chưa tỏ ngộ, mà nay nghe Phật dạy: Tánh thấy trong khi thấy, tánh thấy đó không phải tánh thấy bản thể làm chúng con càng thêm mờ mịt. Cúi xin Phật thương xót bố thí tuệ nhãn, khai thị cho chúng con về bản tâm thanh tịnh, bản giác thường trú.Bottom of Form


Khi ấy Thế Tôn thương xót A nan cùng đại chúng, muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường trụ tam ma đề vi diệu, bèn bảo A Nan rằng :


- Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng, nhưng đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp Chỉ (Xa-ma-tha) tâm ông còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, Như Lai sẽ sẽ vì ông chỉ bày rõ ràng. Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong đời sau chứng được quả vị Bồ-đề.


Tuy A Nan là người học rộng nghe nhiều, nhưng về phương diện duy mật thiền quán ông không chịu tu chứng nên vọng thức luôn phát khởi làm tâm bất tịnh. Để có thể nhận biết được tánh thấy huyền diệu thì ông A Nan phải quay về thực hành những phương pháp chánh định tức là pháp tu tam ma đề. Một khi có chánh định thì tâm sẽ được thanh tịnh và nhờ đó mà ông A Nan có thể quán chiếu thấy rõ thật tướng của vạn pháp. Đây là cứu cánh của người tu Phật vì nếu tâm mình không định có nghĩa là chúng sinh không có được tâm thanh tịnh thì tất cả vạn pháp trên thế gian này dưới nhãn thức của họ đều là chắc thật nên mới bị sa vào chấp ngã, chấp pháp. Thật vậy nếu ông A Nan chịu tu chứng đạt được chánh định thì thần chú phạm thiên Satìcala của nàng Ma đăng già làm gì lay chuyển được thanh tâm của ông ta. Nói cách khác là một khi tâm chúng sinh đã định thì tâm họ đã kiến tạo cho mình một thành lũy vững chắc kiên cố bảo vệ những ô nhiễm từ bên ngoài không cho xen tạp làm xao động mà biến tâm thành bất tịnh. Ngược lại nếu tâm không định thì những ảo tưởng về tham dục luyến ái của thần chú sẽ làm tâm say mê mà chạy theo nó.


Đức Phật thương xót A Nan nên muốn chỉ dạy phương pháp tam ma đề mà chính Ngài đã tu chứng để thành Phật. Đây chính là ba thứ thiền quán mà chư Phật mười phương tu thành chánh giác :


1) Tu pháp Xa ma tha tức là tu Chỉ hay cũng được gọi là tu Định.


Nếu chúng sinh biết buông bỏ hết vọng tưởng để tâm được an định thì đây là tu theo “Chỉ”.


2) Tu pháp Tam ma bát đề tức là tu Quán tức là tu Trí Tuệ.


Nếu chúng sinh tu để thấy rõ thân, tâm và cảnh giới là giả, là huyễn hóa, là không chắc thật thì phương pháp nầy là tu theo “Quán”.


3) Tu pháp Thiền Na tức là Chỉ-Quán đồng tu nghĩa là Định-Tuệ song tu. Thiền Na có nghĩa là Tịnh lự. Tịnh là Chỉ tức là Định và Lự là Quán tức là Trí tuệ.


Ba thứ định này là ba giai đoạn trong quá trình tu học. Nói một cách khác Xa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na là những giả đặt danh xưng do mức độ tâm thanh tịnh sai khác. Thí dụ như tâm thanh tịnh của chúng sinh bị nhiễm ô mười phần mà hóa giải được ba phần thì gọi là Xa ma tha, trừ được sáu bảy phần gọi là Tam ma bát đề và nếu trừ được tám chín phần gọi là Thiền na. Đến khi chúng sinh trừ sạch cả mười phần gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Nếu tâm có được một phần thanh tịnh, chúng sinh có được một phần công đức, cho đến khi rốt ráo viên mãn thì chính là “Thủ Lăng Nghiêm rốt ráo kiên cố” tức là đại định Thủ Lăng Nghiêm vậy.


Phật dạy tiếp :

A Nan! Tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt ngay đó phát sinh, do đó mà nghiệp luân chuyển. Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sanh, hai là đồng phần vọng kiến của chúng sinh.


Con người sống trong thế gian này cũng vì mê chấp vọng tâm mà sinh ra hai vọng kiến sai lầm khiến họ chạy theo sự tướng sinh diệt và không hòa nhập được vào thể tánh chân như nên từ đó mới tạo tác tội nghiệp mà phải chịu quả báo luân hồi. Thức tâm dẫn dắt con người chạy theo lục dục thất tình, càng ngày càng xa dần chân tánh làm tâm bất tịnh và cột chặt con người vào vòng sinh tử trầm luân. Đó cũng vì chúng sinh có hai nhận thức sai lầm mà Đức Phật gọi là biệt nghiệp vọng kiến tức là nghiệp riêng của mỗi chúng sinh và đồng phần vọng kiến tức là nghiệp chung của tất cả mọi người.


Phật lại dạy rằng:

Thế nào là biệt nghiệp vọng kiến?


Này A Nan! Ví như người bệnh mắt hóa lòa, ban đêm trông ngọn đèn thấy có vầng tròn năm màu. Cái vầng tròn năm màu vốn không thật có đối với người không bị bệnh lòa. Nhưng nó không phải không có đối với người mắc bệnh. Vầng tròn ấy không phải màu sắc của cái thấy hay của đèn. Nó không tự sanh, cũng không phải do đèn hay do mắt đã sanh. Nguyên nhân của vầng tròn là do bệnh mắt hóa lòa. Cái vầng tròn và cái thấy vầng tròn đều là bệnh lòa. Nhận thấy được bệnh lòa thì tánh thấy đó không bệnh. Do đó, không nên nói cái vòng tròn năm màu là của đèn hay của cái thấy. Cũng không được nói: Rằng không phải của đèn hay không phải của cái thấy. Lại ví như vầng trăng thứ hai. Nó không phải trăng mà cũng không phải bóng. Vầng trăng đó vốn không có, nên không thể gán cho nó “phải” hay là “không phải” mặt trăng. Mặt trăng thứ hai có là do động tác của ngón tay nhấn mắt. Người trí không nên bảo: Đó là hình trăng hay không phải hình trăng. Đó là cái thấy hay ra ngoài cái thấy. Vầng tròn năm màu cũng vậy. Nó là do bệnh lòa mà có. Gọi nó là của đèn hay của cái thấy đều là sai. Nếu cố gắng nói rằng không phải của đèn hay không phải của cái thấy càng thêm hí luận.


Cái sai lầm đầu tiên là nghiệp riêng của mỗi chúng sinh. Để làm sáng tỏ, Đức Phật đã đưa ra thí dụ một người bị bệnh mắt lòa mà nhìn ngọn đèn ban đêm. Nếu một người bị bệnh mắt lòa, quáng gà lúc họ nhìn bóng đèn thì họ sẽ thấy chung quanh bóng đèn có một một cái vòng tròn ngũ sắc. Vì thế mà Đức Phật mới gạn gỏi ông A Nan rằng cái vòng ngũ sắc là do bóng đèn làm ra hay là do cái thấy làm ra?


1) Thứ nhất nếu trả lời rằng vòng tròn ngũ sắc là do bóng đèn làm ra thì tại sao cái vòng tròn ngũ sắc này chỉ có đối với người bị bệnh mắt lòa. Còn những người có thị nhãn bình thường thì không thấy. Như vậy lý luận vòng tròn ngũ sắc được tạo ra bởi bóng đèn là không đúng.


2) Giả thuyết thứ hai là nếu cái thấy tạo ra vòng tròn ngũ sắc chung quanh bóng đèn thì cái thấy bây giờ trở thành cái bị thấy tức là hình tướng, màu sắc. Như vậy thuyết này cũng không đúng.


3) Giả thuyết thứ ba là nếu cái vòng tròn ngũ sắc tự nó có chớ không phải do cái bóng đèn tạo ra nghĩa là khi nhìn vào bất cứ vật chất nào thì cái thấy sẽ phát sinh thêm cái vòng tròn ngũ sắc. Nhưng trên thực tế, khi nhìn cái nhà, chiếc xe thì chỉ thấy cái nhà và chiếc xe chớ đâu có thấy cái vòng ngũ sắc bao quanh cái nhà hay chiếc xe. Vì thế giả thuyết này cũng sai.


4) Giả thuyết cho rằng nếu cái vòng tròn ngũ sắc là chính mình nghĩa là mình là bóng tròn ngũ sắc thì làm sao mình thấy một cái vòng tròn ngũ sắc khác ngoài mình. Điều này cũng vô lý.


Bây giờ Đức Phật mới kết luận rằng ánh sáng là do từ bóng đèn tỏa ra còn cái vòng tròn ngũ sắc là do bệnh mắt lòa mà có chớ thật chất nó không có. Nhìn mặt trăng cũng thế. Nếu con người lấy tay dụi vào con mắt rồi nhìn lên trời thì sẽ thấy có tới hai mặt trăng và từ đó sinh ra lầm tưởng không biết mặt trăng nào thật, mặt trăng nào là giả. Đức Phật muốn dùng những hình ảnh, những thí dụ này để chúng sinh ứng dụng mà suy tư quán chiếu để tránh xa những ảo giác của cuộc đời. Vậy thâm ý của đức Phật trong đoạn kinh này như thế nào? Con người sống trong thế gian lúc nào cũng tin chắc vào cái thấy của mình, nhưng thật ra cái thấy không phải là cái thấy phát xuất từ thể tánh thanh tịnh mà cái thấy của vọng tưởng xen lẫn vào. Đối với đạo Phật, thế gian vũ trụ đều là giả huyển, như bóng trăng dưới nước như hoa đóm trên không, là không chắc thật, nay có mai không, sinh sinh diệt nên mới có câu : “Vạn pháp giai không, Duyên sanh như huyễn”.

Thế mà con người tin chắc thân mình là thật, anh em cha mẹ vợ chồng con cái là thật, nhà cửa xe cộ là thật và thế gian vũ trụ cũng là chắc thật nên bới bám víu, giữ gìn, tạo tác, chấp thủ mà tác tạo ra nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời. Đến khi xuôi tay nhắm mắt, thân mình phải bỏ lại, tiền tài công danh cũng chẳng thể mang theo. Anh em, cha mẹ, vợ chồng, con cái mỗi người đi mỗi ngả thì cái gì là chắc thật? Thí dụ có một ông nhà giàu sụ sống trong thời phong kiến nhưng bị bệnh sắp chết nên có đôi lời trăn trối lại với bốn người vợ. Người vợ thứ tư nghẹn ngào nói rằng : “Tôi tuy thương ông nhưng khi ông chết tôi chắc phải đi tái giá”. Người vợ thứ ba ngậm ngùi thốt lên rằng : “Tôi không tái giá nhưng không theo ông được”. Người vợ thứ nhì bây giờ mới nức nở nói rằng : “Một ngày cũng là tình chồng nghĩa vợ nên khi ông chết tôi sẽ tiễn đưa ông đến nơi an nghĩ cuối cùng”.

Sau cùng bà vợ lớn khẳng định với chồng là : “Tình nghĩa vợ chồng như keo son thắm thiết vì vậy khi chết ông đi đâu thì tôi theo với”. Người vợ thứ tư là nói đến tiền của, vàng bạc trên đời cho nên khi chết thì những thứ ấy sẽ vào tay người khác. Người vợ thứ ba là tượng trưng cho bất động sản, dinh thự đền đài cho nên khi chết thì của thế gian phải để lại hết cho thế gian. Người vợ thứ nhì ám chỉ cho tấm thân tứ đại của con người cho nên khi chết thì chỉ tới nơi an nghĩ tại nghĩa địa mà thôi. Còn bà vợ cả là tất cả những căn nghiệp của chúng sinh tạo tác vì thế nghiệp lực dẫn đi đâu thì thần thức phải đến đó để thọ quả báo vui hay khổ.


Vì thế nếu chúng sinh chưa thức tỉnh giác ngộ để nhận chân chân lý thì họ đều là những người bị bệnh mắt lòa cả. Ngày nào chúng sinh khi thấy mà còn thương còn ghét, còn giận còn hờn, còn đẹp còn xấu thì cái thấy này là cái thấy của người bị bệnh mắt lòa. Nói theo Duy Thức Luận thì đây là cái thấy của Tỷ Lượng và Phi lượng. Tỷ Lượng là cái so sánh để phát sinh ra sự phân biệt như màu xanh màu đỏ…
và Phi lượng là một sự nhận biết không đúng với chân lý mà nghiêng về ngã kiến cá nhân. Thí dụ nhìn hai đóa hoa thì thích đóa hoa này hơn đóa hoa kia dựa theo ngã kiến cảm tình của mình. Ngược lại vô ký tánh mới là tánh thấy thật. Thật vậy, chúng sinh vì sống trong vô minh, vọng thức mê lầm nên chạy theo vọng tâm sinh diệt điên đảo mà quên mất đi chơn tâm thanh tịnh thường hằng bất biến lúc nào cũng sẵn có trong họ mà tác tạo nên biết bao tội nghiệp để phải chịu sinh tử trong lục đạo luân hồi. Đây chính là nghiệp riêng của mỗi chúng sinh vậy.


Phật dạy rằng :

Thế nào là đồng phần vọng kiến?


Này A Nan! Cõi Diêm-phù-đề này trừ nước biển bao la, trong đó đất bằng có 3000 châu. Châu lớn ở giữa, bao quát từ Đông sang Tây có đến 2300 nước. Ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm, ba trăm nước, hoặc hai mươi, ba bốn mươi cho đến năm mươi nước. A Nan! lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên thì tất cả chúng sinh trong nước đó đều nhìn thấy hết mọi cảnh không tốt. Hoặc thấy hai mặt trời, hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng như phướng, sao sa và chỉ có những người trong nước đó thấy, chúng sinh trong nước kế cận thì cũng không thấy và cũng không nghe.


A Nan! Nay Như Lai đem hai việc đó kết hợp so sánh làm thí dụ để chỉ cho ông.


Này A Nan! Cái nhận thức sai lầm biệt nghiệp của chúng sinh ví như người bệnh mắt, trông thấy ngọn đèn hiện ra vầng tròn năm màu, tưởng là cảnh thật trước mắt. Sự thật vầng tròn là do bệnh lòa của người đau mắt tạo thành. Lòa là bệnh của cái thấy, không phải sắc tướng tạo ra. Cái thấy, thấy được bệnh lòa thì cái thấy đó vốn không có bệnh. Cũng vậy, hiện nay ông dùng con mắt xem thấy núi sông cảnh giới và các chúng sinh đều do bệnh lòa vô thỉ tạo thành. Mắt nhặm thì cái thấy lao nhọc, không phải do màu sắc tạo ra. Song người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi. Cái thấy và cảnh bị thấy, như thế có cảnh trước mắt, nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt, do phân năng kiến sở kiến mà thành bệnh. Nhận rõ cái thấy sinh khởi từ bệnh nhặm. Chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh. Vì có năng giác và sở giác mới thành bệnh. Nếu bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy. Sao còn gọi là thấy, nghe, hay, biết. Thế nên nay ông thấy Ta và ông, cùng mười loài chúng sinh trong thế gian đều do mắt nhặm, chớ không phải cái thấy mắt nhặm bị bệnh. Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm, nên chẳng gọi là thấy.


Nhãn căn (con mắt) hòa hợp với tiền trần (lục trần) tạo ra cái thấy mà nhà Phật gọi là năng kiến và sở kiến. Năng kiến là cái thường thấy tức là con mắt, còn sở kiến là sự vật bên ngoài. Nhưng năng kiến và sở kiến đều phát xuất từ trong chơn tâm. Đó là bất biến mà tùy duyên. Ví dụ như khi nhìn những bọt biển trôi nổi trên mặt nước mà những bọt biển nầy chính là do nước biển sinh ra. Nếu không có nước biển thì làm gì có bọt biển. Chơn tâm cũng vậy, khi con người đang ở trạng thái tịnh thì tâm là chơn tâm. Nếu bây giờ tâm duyên theo trần thì tâm chuyển từ tịnh sang động. Do đó chơn tâm biến mất và được thay thế bằng vọng tâm sinh diệt. Đức Phật dùng thí dụ người bị bệnh mắc lòa khi nhìn bóng đèn mà thấy cái vòng tròn ngũ sắc, nhưng lòa là bệnh của con mắt bị che mây tức là bệnh của cái thấy chớ không phải do sắc tướng tạo ra. Nói rộng ra thì những vật thể trong thế giới vũ trụ này tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng con người không nhìn nó bằng con mắt chân thật, khách quan mà nhìn nó bằng tầm mắt núp sau bởi tham sân si mạn nghi ác kiến từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp kết tụ lại cũng như người bị mắt nhặm nhìn bóng đèn mà chỉ thấy vòng tròn ngũ sắc vậy. Cho dù năng kiến (cái thấy của mắt) hay sở kiến (sự vật bị thấy bên ngoài) có làm cho cái thấy sai lầm không chính xác, nhưng tánh thấy thì lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt, không sai lầm. Đây mới là pháp nhãn thanh tịnh để giúp người tu quán triệt chơn tâm và sống được với chơn tánh của mình. Đối với Phật giáo, hồi quang phản chiếu tức là quay về bên trong để thấy con người thật của mình để cảm nhận được tánh thấy, tánh nghe, tánh biết thường hằng bất biến thì sẽ có tâm thanh tịnh mà được minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh là thấy rõ tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình chớ không phải thấy những cảnh thị phi, khổ não hay huyển hóa của thế gian. Nếu chúng sinh liễu ngộ và biết sống trong tánh thấy, tánh hay, tánh biết này thì tất cả năng kiến, sở kiến của vọng tâm là thấy, nghe, hay, biết (kiến, văn, tri, giác) sẽ tan biến và sau cùng tất cả những vọng thức trong tâm cũng biến mất theo.


Phật hỏi A Nan:

A Nan! nếu so sánh đồng phần vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.


Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra. Cả hai đều do vọng kiến từ vô thủy phát sinh, giống như ba ngàn châu trong cõi Diêm phù đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta bà, cho đến các nước và các chúng sinh hữu lậu trong mười phương, đều là tâm giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sanh, hư dối hòa hợp mất.

Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp thì diệt trừ được các nhân sanh tử. Đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt, chính là chân tâm bản giác thường trụ.


Sống trong thế gian, con người thường có quan niệm là những gì thuộc về mình là chắc thật thì nhà Phật gọi là chấp ngã và tất cả vạn pháp chung quanh ta cũng chắc thật thì đây là chấp pháp. Khi một chúng sinh thấy thân mình là chắc thật và vạn vật cũng chắc thật như thế thì cái kiến chấp này gọi là biệt nghiệp vọng kiến. Còn nếu cả đại chúng trong một xã hội đều có chung kiến chấp này thì gọi là đồng phần vọng kiến. Vọng kiến là cái thấy biết sai lầm không đúng với chân lý. Đối với thế gian vũ trụ thì tất cả đều có, đều hiển hiện trước mắt của chúng ta. Điều này đức Phật cũng không phủ nhận, nhưng thật ra cái có mà con người tin chắc thật ra dựa theo giáo lý nhà Phật thì chỉ là giả có mà thôi. Bởi vì cái có đó chỉ là do duyên sanh kết hợp nên chính nó không có tự tánh, không có chủ thể nên nó không bền không chắc, phải chịu sự thoái hóa của luật vô thường là thành, trụ, hoại, không.

Đối với chư Bồ-tát và chư Phật thì các Ngài thấy tất cả chỉ là duyên sanh như huyển nên không có cái gì bền chắc cả. Do đó, các Ngài không chấp thủ nên dễ dàng buông xả. Chấp ngã cũng không và chấp pháp cũng không nên tâm mới hằng tự tại Niết bàn. Tại sao?  Bởi vì nếu không còn dính mắc tức là không còn chấp ngã chấp pháp thì tâm sẽ không sinh ra si mê. Không si mê thì không sinh ra tham ái, không tham ái nên không còn bị trói buộc vì thế cuộc sống mới được thanh thoát an nhàn. Còn phàm nhân vì chấp thân mình là thật, là bền chắc nên cưng chiều, bảo vệ tấm thân, tạo tác, tranh công đoạt chức và làm nô lệ cho thân mà tạo ra trăm điều phiền não nghiệp chướng để phải chịu quả khổ đời đời. Nhưng họ quên đi một điều là khi xuôi tay nhắm mắt, thân này phải bỏ lại, tiền tài công danh cũng chẳng thể mang theo. Ngay cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em cũng phải xa lìa. Như thế cái gì là chắc thật?


Còn đối với con mắt trí tuệ của người đệ tử Phật, thì tất cả cái có đó chỉ là vọng kiến
, nghĩa là cái có cũng như bóng trăng dưới nước và hoa đóm trong hư không.

 

Cái thấy này cũng giống như cái thấy của người bệnh lòa mắt khi nhìn bóng bèn ban đêm mà thấy vầng tròn ngũ sắc. Do đó chỉ có người bệnh lòa mắt mới thấy hiện tượng sai lầm này thì nhà Phật gọi là biệt nghiệp vọng kiến. Trong những năm gần đây có những hiện tượng như sao chổi mọc lên ở Trung Hoa rồi làm cho tin rằng đây là dấu hiệu của những điềm xấu sắp xảy ra. Những người Trung Hoa cùng thấy và tin như thế thì gọi là đồng phần vọng kiến.

 

Nhiều đệ tử Phật sau khi đọc tụng câu: “Sắc tức là Không và Không tức là Sắc” trong Bát Nhã Tâm Kinh thì nghi vấn rằng thân xác của mình là thật, rờ thấy biết, đánh thấy đau, không ăn thì đói thế thì tại sao tâm kinh nói nó là không. Nếu một người quan niệm sai lầm như thế thì gọi là biệt nghiệp vọng kiến. Còn nếu cả đạo tràng mà suy nghĩ sai lầm như thế thì gọi là đồng phần vọng kiến. Nói tóm lại, biệt nghiệp chính là chánh báo của chúng sinh, là thân tâm ngũ uẩn của mỗi chúng sinh, là do nghiệp riêng của mỗi người tạo tác. Đồng phần là thế giới y báo của chúng sinh, là do nghiệp chung của nhiều người chiêu cảm.
Nói chung cho dù là nghiệp chung hay nghiệp riêng thì chung quy đều là do nhận thức sai lầm từ vô thỉ đến nay. Khi chúng sinh sống được với tánh thấy chân thật của mình tức là họ có được Pháp nhãn thanh tịnh thì những vật chất trên thế gian này không làm ngăn cách được tánh thấy đó cho nên họ có thể thấy được tam thiên đại thiên thế giới như thấy quả quít trên bàn tay như ngày xưa tôn giả A Na Luật đã thấy vậy. Thâm ý của đoạn kinh này là nếu chúng sinh biết hồi đầu thị ngạn để quay thuyền trở lại bến xưa mà sống với chơn tâm, với bản tâm thanh tịnh thường trú của mình để thấy biết thấu suốt cũng như người hết bệnh lòa, khi nhìn bóng đèn thì thấy ánh sáng chớ không còn thấy vòng tròn ngũ sắc hoặc là khi nhìn lên trời thì chỉ thấy một mặt trăng mà không còn sống trong ảo giác mê mờ, vô minh vọng chấp.

|