Phật dạy rằng:
A Nan! Bản thể của hiện tượng vốn chung cùng, do nhơn duyên mà
biến hiện. Trong thể tánh không đồng không dị, phân giải sinh ra
thành dị. Khác với các dị hóa hợp lại thành đồng. Tánh đồng dị
đã phát minh, hai lực hấp dẫn và đề kháng cũng tự thành năng
lực. Giữa sự nhiễu loạn mâu thuẫn bên trong của vật lý tâm lý và
tánh hư không; những tánh chất năng động hợp thành thế giới,
tánh thể bất động là hư không. Hư không là đồng, thế giới là dị.
Đồng dị hay không đồng dị, tất cả đều gọi là pháp hữu vi.
Bản thể của hiện tượng là Như Lai Tạng thì bao trùm khắp mười
phương pháp giới, khắp không gian và khắp cả thời gian. Nó chính
là chơn không mà diệu hữu nghĩa là từ cái không trùm khắp mà
biến hóa duyên khởi một cách thần diệu, nhiệm mầu để hình thành
ra muôn sinh vạn vật của thế giới hữu vi. Nhưng khi duyên hết
thì tất cả các đại sẽ thu về với tự tánh ban đầu chớ không có
cái gì thật mất. Vì thế không có vật gì là thật sinh hay thật
mất mà chỉ là hiện tượng duyên khởi của thế gian vũ trụ trong
tiến trình bất biến tùy duyên và tùy duyên bất biến. Nói cách
khác, bản thể là chung cùng, nhưng tùy theo nhân duyên mà biến
hiện thành ra thế giới hữu vi.
Trong chân tâm thường trụ
của pháp giới nhất chân vốn không có tướng đồng tướng dị, nhưng
vì một niệm vọng động mà biến chân như chuyển theo duyên mà có
sinh có diệt, tạo nên A lại da thức. Thí dụ như trong không khí
thì tất cả đều giống nhau tức là không đồng không dị, nhưng nếu
đem phân tích thì không khí có chứa nào là dưỡng khí, nào là khí
Nitrogen, nào là hơi nước, nào là những thứ khí ô nhiễm khác...
tức là có đồng có dị rồi. Nên nhớ ngày nay con người dựa theo
khoa học mà phân tích những thành phần trong không khí, nhưng
2500 trước Đức Phật cũng đã nhìn thấu suốt như vậy thì đủ biết
trí tuệ thâm sâu của bậc Đại Giác Ngộ quả thật là bất khả tư
nghì.
Tánh đồng dị nghĩa là âm dương đối chọi. Có ba trường hợp về
tánh đồng và dị :
1) Đồng năng tương bội nghĩa là tất cả các đồng cùng trợ lực cho
nhau thì sẽ tăng thêm sức mạnh. Thí dụ một người không thể kéo
một khúc cây to được, nhưng nếu cộng thêm năm mười người nữa thì
việc kéo rất dễ dàng.
Dị năng tương để nghĩa là ngược lại của đồng năng tương bội.
Mười người đang kéo khúc cây dễ dàng như vậy, bỗng nhiên bốn năm
người vì có việc phải đi nên chỉ còn lại 5 người kéo thành thử
kéo khúc cây bây giờ rất khó khăn.
2) Đồng tánh tương cự nghĩa là cùng giống thì khắc nhau và Dị
tánh tương hấp nghĩa là khác giống thì hạp nhau. Thí dụ hai
người đàn ông nói chuyện vài phút đã thấy chán sinh ra cãi vã,
trong khi một cặp nam nữ nói chuyện suốt ngày. Cũng như cực âm
và dương của một cục nam châm. Để hai cực dương hay cực âm gần
với nhau thì nó sẽ đẩy ra, nhưng nếu để cực âm gần với cực dương
thì nó sẽ hút lại.
3) Đồng chủng tương ứng, Dị chủng tương xích nghĩa là cùng loại
thì phụ cho nhau nhau và khác loại thì bị khai trừ. Thí dụ cọp
chỉ sống với cọp còn bỏ dê hay thỏ vào là bị cọp ăn sống ngay.
Vì thế trong Như Lai Tạng, chủng tử cơ bản của vạn pháp có thể
kết hợp thành từng nhóm quyện chặt với nhau để tạo thành một
chỉnh thể hiện tượng vạn hữu. Ngược lại những chủng tử cũng có
thể phân giải hoàn toàn hoặc chuyển hóa dần dần từ lượng dẫn đến
chuyển hóa hoàn toàn về chất để rồi sự vật củ mất đi để hình
thành sự vật mới nối tiếp.
Tất cả sự vật dù là đồng tánh hay dị tánh, đồng chủng hay dị
chủng, đồng năng hay dị năng duyên khởi mà tạo ra muôn loài hữu
tình và vô tình chúng sinh. Mà đã là vạn vật hữu hình thì tất cả
đều là pháp hữu vi. Tại sao lại là pháp hữu vi? Bởi vì các pháp
đó là do duyên khởi, duyên sanh hội hợp lại mà thành, chớ không
có gì chắc thật cả. Vì thế mà kinh Kim Cang có câu : “Nhất thiết
hữu vi pháp; Như mộng, huyễn, bào, ảnh; Như lộ diệc như điện;
Ưng tác như thị quán” nghĩa là tất cả các pháp hữu vi đều như
mộng, như huyển, như bọt nước, như bóng, như sương, như điện
chớp, có đó rồi mất đó.
PHẬT DẠY RÕ VỀ 3 TƯỚNG
TƯƠNG TỤC
1) THẾ GIỚI TƯƠNG TỤC :
Phật bảo rằng :
-Phú Lâu Na! Tánh giác thì sáng suốt; hư không thì bất động vô
tri. Hai thứ tác động thành tác năng dao động. Do đó, trong thế
giới có hiện tượng lay động phát sinh (gió: phong đại). Trong
tánh năng dao động, những thứ đồng chủng hòa hợp với nhau kết
thành tánh chất ngại. Đây là hiện tượng kim luân được hình thành
để bảo trì quốc độ (kim luân là dị dạng của địa đại, nhiếp thuộc
về địa đại).
Kim luân cọ sát với
không khí trong hư không biến ra năng lượng. Hiện tượng hỏa đại
phát huy từ đó. Kim luân sanh nước. Tánh nước chảy xuống. Tánh
lửa bốc lên. Thủy đại chảy xuống, hỏa đại bốc lên, địa đại bảo
trì. Từ đó hiện tượng vật chất đủ điều kiện hoàn thành viên mãn.
Chỗ sâu có là nước biển, chỗ cạn là cồn bãi, lục địa. Do nguyên
nhân đó, trong biển lửa thường sanh khởi. Cồn, bãi, lục địa,
sông lạch thường tuôn chảy không ngừng. Chỗ thế nước kém thế lửa
kết tụ thành núi cao cho nên đánh đá thì lửa nhoáng ra. Chỗ thế
đất kém thế nước hay sinh cây cỏ. Vì vậy, rừng cháy thành đất,
vắt ép gỗ chảy ra nước.
Sự vật hiện tượng trong
thế giới tương quan làm nhân quả cho nhau mà sanh. Xoay vần làm
nhân duyên cho nhau không dứt, vì vậy thế giới duy trì tương tục
vô cùng.
Phần trên Đức Phật đã chỉ
rõ nguyên nhân của các pháp hữu vi là do không giác ngộ chơn
tánh khiến vọng tưởng phân biệt phát sinh mà thành. Vì sự mê lầm
ấy mà phát sinh ra thế giới, chúng sinh và nghiệp quả.
Phong đại là gió, tượng trưng cho sức lay động vô hình. Mà vô
hình là hư không vốn không có tri giác nghĩa là hư không, không
hề biết thế nào là lay động hay thế nào là không lay động. Nhưng
vì tâm mê mờ chơn tánh nên có năng có sở đối đãi phân biệt tạo
thành vọng tưởng. Vọng tưởng này kích động tâm thể, chứa đầy hư
vọng rồi biến thành tập khí đầy ắp trong hư không mà biến thành
gió. Tất cả cảnh giới ở thế gian đều nương vào vọng tâm vô minh
mà tồn tại, cho nên có phong đại (gió) nắm giữ trong thế giới là
vậy.
Địa đại cũng là loài vô tri vô giác, không tự mình biết là loài
hữu tình hay vô tình, là lỏng hay cứng, là to hay vi tế. Nhưng
vì giác tánh phân biệt, nương theo nghiệp mà phát minh ra tính
cứng, lập ra sự ngăn ngại cho nên trong thế gian mới có đất, đá,
sỏi, cát khắp mọi nơi. Vì địa đại có tánh ngăn ngại nên tất cả
những gì mà choáng một phần không gian to lớn như núi cao rừng
thẳm và cực nhỏ như những vi tử trong nước hay trong không khí
đều là địa đại cả. Quả địa cầu cũng như tất cả những hành tinh
khác trong thế gian vũ trụ này đều kết cấu giống như nhau. Đó là
bên ngoài được kết tập bằng những lớp đất đá rất cứng, nhưng bên
trong là những nham thạch rất nóng ở thể lỏng, xoay động dựa
theo tiến trình di động của trái đất mà nhà Phật gọi là Kim luân
tức là cái nền móng căn bản để kiến tạo vật thể trên thế gian.
Gió thì lay động gặp đất ngăn cản nên có sự ma xát mà sinh ra
lửa (hỏa đại). Hỏa đại không nhất thiết phải là lửa, mà có thể
là tất cả sự nóng lạnh. Khi độ nóng tăng cao thì những chất cứng
sẽ chảy thành nước. Nước là thể lỏng nên chảy từ cao xuống thấp
trong khi lửa cháy thành khí nên bốc lên cao. Vậy tánh lửa bốc
lên, tánh nước chảy xuống và tánh đất thì ngăn ngại và từ đó
hiện tượng vật chất có đủ điều kiện hình thành viên mãn mà tạo
ra hình dáng của thế giới.
Thời gian trôi qua khiến
vật chất thay hình đổi dạng. Chỗ sâu nước dồn xuống thì gọi là
biển, chỗ cạn là cồn, bãi. Chỗ đất cao nổi lên thì gọi là đồi.
Vì sự sinh biến mà trong biển lửa thường sinh khởi. Thí dụ ngày
nay chúng ta thấy có rất nhiều vụ núi lửa nổ tung tận đáy biển
sâu khoảng 4,000 ft ở Thái Bình Dương. Lửa cháy ở đáy biển cũng
giống y như lửa cháy ở trên mặt đất vậy. Gần đây nhất, có vụ núi
lửa nổ tung tận dưới lòng nước ở xứ Iceland mà ngọn lửa bốc lên
cao hơn mặt nước biển. Khoa học ngày nay cũng mới khám phá một
loại nham thạch trong các rặng san hô mà chỉ cháy trong nước.
1) Chỗ nào thế lửa (hỏa đại) bốc lên mạnh hơn thế nước (thủy
đại) thì đất nổi lên thành núi cao. Vì thế, nếu lấy hai viên đá
đập vào nhau sẽ phát ra tia lửa hoặc nấu các cục đá kia thì nó
sẽ chảy thành nước.
2) Chỗ nào thế đất (địa đại) yếu hơn thế nước (thủy đại) thì đất
hóa ra mềm làm sinh ra cây cỏ. Nhưng nếu đem những cây đó đốt đi
thì nó sẽ cháy thành tro (đất, địa đại) hoặc nếu đem ép những
cây gỗ thì có nước chảy ra (thủy đại). Xét như vậy thì đâu
đâu cũng đều có đất, nước, gió, lửa tùy theo nhân duyên mà phát
sinh những hiện tượng khác nhau. Sự vật hiện tượng trong thế
giới làm nhân làm duyên cho nhau, khi thành, khi trụ, khi hoại,
khi không, không ngừng, không dứt. Vì vậy thế giới được duy trì
tương tục vô cùng vô tận.
Vậy “Tánh giác diệu minh” làm mê mờ chân lý vũ trụ quan khiến
vọng tưởng phát sinh mà tạo thành vạn pháp trong vũ trụ. Nói
cách khác vạn pháp trong thế giới này là do tâm niệm của chúng
sinh phát khởi mà thành. Vì thế nếu thế gian có được mưa thuận
gió hòa cũng bởi con người có tâm niệm lành, biết thương yêu
đồng loại, biết xóa bỏ tranh chấp đố kỵ. Ngược lại nếu con người
vì tư lợi, tranh chấp, giết hại lẫn nhau thì dĩ nhiên vọng tưởng
phát sinh liên tục khiến cho đất, nước, gió, lửa bất hòa mà tạo
thành cuồng phong, bảo tố. Ngày nào con người còn tranh chấp,
còn ý nghĩ tiêu diệt lẫn nhau thì ngày ấy còn động đất lớn, còn
có những lượn sóng thần, còn bảo tố, còn núi lửa để cảnh giác
con người. Do đó muốn sống hạnh phúc thanh nhàn thì do con người,
mà gánh chịu cảnh tang tóc đau thương thì cũng do con người chớ
trời Phật không can dự vào.
2) CHÚNG SINH TƯƠNG TỤC :
Lại nữa, Phú Lâu Na! “Vọng minh” không phải là cái khác lạ.
Do vì chúng sinh dùng cái kiến minh tri để minh tánh giác mà có
sự lỗi lầm. Từ đó có cái sở minh. Sở minh đã có thì cái năng
minh bị lệ thuộc vào. Vì vậy, tánh nghe không ngoài âm thanh,
tánh thấy không ngoài màu sắc; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp,
sáu vọng trần đã hình thành làm đối tượng cho “vọng năng”. Những
cái thấy, nghe, ngửi, nếm, biết sanh khởi. Hễ đồng nghiệp thì
hấp dẫn lúc hợp lúc ly, khi tình khi tưởng. Tánh thấy “năng
minh” có thì đương nhiên có sắc sở minh hiển hiện. Chủ thế đối
tượng tác động vào nhau, từ cảm tính chuyển sang lý tính, từ lý
tính nảy sinh khái niệm, từ khái niệm dẫn đến tư duy.
Do tư duy có sự tưởng
tượng nhận thức: Hễ ý kiến bị phủ nhận, sanh tâm lý ghen ghét.
Tư tưởng được đồng tình, sanh tâm lý yêu thương. Dòng nước yêu
thương kết thành chủng tử, thu nạp tưởng tượng hấp dẫn nghiệp
đồng, tác hợp với “yết la lam” thành trạng thái của phôi trong
thời gian gọi là “ngưng hoạt” (tinh trùng và noãn sào mới hợp
nhau trong ba bốn tuần đầu). Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh,
hóa sinh, tuỳ nghiệp đồng và thích ứng của mỗi loài mà cảm ứng.
Thai nhơn tình mà có. Noãn do tưởng mà sinh. Thấp bởi hợp mà
cảm. Hóa vì ly mà ứng. Tình, tưởng, hợp, ly luôn luôn vận động
đổi thay theo nghiệp sở hành mà cảm thọ: Khi đi lên, lúc đi
xuống xoay vần trong sáu nẻo. Đó là nguồn gốc làm chúng sinh
tương tục không dừng.
Trong pháp giới thanh tịnh vốn không có chúng sinh, nhưng vì do
vọng niệm từ vô thỉ mà thành vô minh rồi dần dần biến thành căn
nguyên sinh ra chúng sinh. Do vậy vọng minh chính là vô minh và
cũng từ cái vô minh này mà dần theo thời gian hình thành sở
tướng của tứ đại và hấp thụ tứ đại để làm thân. Vọng tưởng sai
lầm đã biến con người thành “vọng năng” và dĩ nhiên chấp nhận có
“sở năng” bên ngoài. Một khi chấp có “năng sở” nghĩa là chấp có
chủ thể và đối tượng tức là chấp có sự đối đãi phân biệt. Năng
minh là lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ở bên trong của
con người và sở minh chính là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp
tức là ngoại trần. Vì thế tuy thế giới vạn pháp có bao la vô
cùng vô tận, nhưng cũng không ra ngoài căn, trần cả.
Thật vậy, khi lục căn tiếp
xúc với lục trần nghĩa là năng minh hòa nhập với sở minh thì ý
thức vọng niệm được phát khởi. Vì nhân duyên đó mà con người chỉ
nghe khi có tiếng, có âm thanh và chỉ thấy khi có sắc tướng chớ
không thể thấy, nghe xa được. Nói cách khác lúc ấy kiến, văn,
giác, tri nghĩa là thấy, nghe, hay, biết được hình thành. Tuy
thế giới thay đổi tùy theo sở minh, nhưng tựu trung tất cả cũng
nằm trong quy luật thành, trụ, hoại, không nghĩa là có đó rồi
mất đó. Khi năng minh, sở minh hòa hợp thì tư tưởng phát sinh.
Nếu chúng sinh đồng một tư tưởng thì thương yêu nhau, ngược lại,
nếu ý bất đồng thì ghét nhau. Dòng nước ân ái yêu thương kết
thành tập khí chủng tử. Ba món “Căn, Trần, Thức” hòa hợp làm
nhân tạo nghiệp cho nên quả khổ tứ sinh cũng bám theo. Nếu đồng
nghiệp ràng buộc nhau thì hình thành vào thai sinh hay noãn
sinh. Còn ly nghiệp thì hình thành vào loài thấp sinh hay hóa
sinh.
Thí dụ thai sinh là con
người sinh ra con người hay con bò cũng sinh ra con bò…Noãn sinh
là con vật được sinh ra bằng trứng. Chẳng hạn như con gà, con
vịt, con chim, con cá sấu đẻ trứng rồi trứng mới nở thành con
gà… Thấp sinh là do những cơ cảm, biến đổi của thiên nhiên tạo
thành. Thí dụ như con đom đóm là do hợp với khí ẩm ướt của những
cây rơm, cây lúa và mưa. Do đó con đom đóm là loài thấp sinh.
Còn hóa sinh là hóa hiện để sinh về một cõi tốt lành hơn mà
không cần đầu thai vào người mẹ. Thí dụ, ngày xưa trưởng giả Cấp
Cô Độc Tu Đạt Đa đã cúng dường tịnh xá Kỳ Viên cho Phật và chư
đệ tử nên khi chết được hóa thân vào cung trời Đầu Suất
(Tushita) để hưởng phước lợi.
Nhưng nguyên nhân của sự đầu thai như thế nào?
Thật ra chúng sinh trong
loài tứ sinh cũng đều do một niệm vô minh mà hình thành. Chúng
sinh vì tạo vọng nghiệp nên sau khi chết đi vào thân trung ấm,
sắc thân không còn mà chỉ còn ngũ thông nên mắt nhìn thấy rất
xa. Do tập khí ái nhiễm nên thần thức nhất định phải tìm một
cảnh để yêu, cho dù xa xôi ngàn dặm, nhưng do chiêu cảm nên thấy
rất gần cho nên thấy sáng thì sắc phát hiện. Khi chiêu cảm cảnh
ái ân, thần thức liền chạy đến chỗ đó và “tưởng” bắt đầu hình
thành.
Ngay trong lúc nam nữ đang
giao cấu thì “tưởng” trong thân trung ấm phát hiện. Nếu thân
trung ấm là nam thì ghét cha thương mẹ, nếu thân trung ấm là nữ
thì ghét mẹ thương cha. Đó là “dị kiến thành ghét, đồng tưởng
thành yêu” và thân trung ấm hấp thụ dòng ái đó mà lưu vào thai
mẹ rồi thành chủng tử thọ hình. Bây giờ “tưởng” bám vào tinh cha
huyết mẹ mà lập thành chấp ngã. Do “nghiệp ái làm nhân, cảnh ái
làm duyên” mà ở trong thai bảy ngày nên gọi là yết-ma-lam. Được
hai tuần thì bào thai gọi là Át-bồ-đàm. Ba tuần thì gọi là
Tế-thi. Kiện nam là bốn tuần và Bát-la-xa là hình thể khoảng 35
ngày. Sau 35 ngày thì lục căn mới đầy đủ.
Nói tóm lại, tùy theo
nghiệp đã tạo mà cảm ứng sinh vào một trong bốn loài: thai,
noãn, thấp và hóa. Đó là theo nghiệp mà lưu chuyển và do dòng
nước ái ân yêu thương kết thành tập khí chủng tử. Nếu hấp dẫn
đồng nghiệp thì tác hợp với phôi. Phôi lớn thành thai rồi dần
theo thời gian mà lục nhập, xúc, thọ, ái… được phát triển. Vì
vậy thai sinh là do nhân tình mà có. Noãn sinh là do tưởng
(niệm) mà sinh nghĩa là loài thú không có lòng yêu thương như
con người mà chỉ có tưởng niệm về dục vọng. Thấp sinh nhờ hợp mà
thành và Hóa sinh bởi phân ly mà ứng hiện. Tưởng thì nhẹ nhàng
còn tình thì nặng nề. Bởi nhân duyên đó mà chúng sinh tương
tục.
3) NGHIỆP QUẢ TƯƠNG TỤC :
Phật bảo :
- Phú Lâu Na! Tưởng và ái gắn bó ràng buộc lẫn nhau. Ái mãi
không rời kết thành nghiệp nhân tương tục: Cha, mẹ, vợ, chồng,
con, cháu tương tục sanh lên sanh xuống không có thời kỳ chấm
dứt. Hạng chúng sinh này do “dục tham” làm gốc. Tham và ái đắm
đuối nặng nề, tham ái mãi không thôi. Nghiệp nhơn này khiến cho
các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh trong thế
gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau. Hạng chúng sinh này do
“sát tham” làm gốc.
Phú lâu Na! Do những bất thiện nghiệp như vậy, người này mắc nợ
thân mạng người kia. Người kia trả nợ cũ cho người này. Người
này thương cái lòng tốt của người kia. Người kia yêu cái sắc đẹp
của người này. Do nhơn duyên đó trải trăm nghìn kiếp ở mãi trong
ràng buộc sinh tử khổ đau. Ba món Sát, Đạo, Dâm là những yếu tố
căn bản tạo thành nghiệp quả tương tục.
Phú Lâu Na! Sở dĩ có ba thứ tương tục điên đảo là do nhận thức
sai lầm: Rằng phải nhờ lấy cái minh để minh tánh giác; Tánh giác
diệu minh, bản giác minh diệu, đại địa san hà vũ trụ vạn hữu là
hiện tượng hữu vi, có sinh có diệt là do kiến chấp vọng tưởng
của con người. Sự thật, thể tánh của các hiện tượng vốn thanh
tịnh bản nhiên là diệu dụng của Như Lai Tạng biểu hiện. Khi tư
tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau thì con người trôi nổi trong
sinh tử trầm luân. Lúc thì tái sinh làm cha, làm mẹ. Khi thì đầu
thai làm con làm cháu, lên xuống không cùng không tận. Tưởng ái
đồng kết lại thì lòng yêu thương không thể rời cho nên cha mẹ,
con cái, vợ chồng, anh em… sanh nhau trong thế gian không bao
giờ dứt. Cái khổ quả sinh tử này chung quy cũng tại vì lòng tham
dục.
Tham và ái hổ tương cho
nhau thì lòng tham không bao giờ ngừng dứt. Con người vì bị vô
minh che lấp nên chạy theo ái dục mà phải chịu luân hồi. Thí dụ,
bà vì quá thương cháu mà tái sinh làm con của cháu mình. Vì thế
mà thế giới này mới là dục giới. Một khi tâm dục nghĩa là lòng
mình muốn chiếm hữu hay đoạt lấy vật gì thì lòng tham bắt đầu
phát khởi. Một khi lòng tham phát khởi thì tất cả các loài như
thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh tùy theo sức mạnh
của nó mà ăn nuốt những loài khác để tạo thành sát nghiệp. Thí
dụ, con cọp ăn thịt con nai yếu đuối. Loài người săn bắn giết
hại vô số súc vật. Ở biển cả sông ngòi, cá lớn nuốt cá bé… Bởi
cũng vì sát nghiệp mà loài người, loài vật thay nhau tái sinh để
chịu quả báo luân hồi. Thí dụ con người đi săn giết hại con nai.
Con nai chết tức tưởi nên một kiếp nào đó nó tái sinh làm người
và cũng đi săn để giết chết con nai khác chính là người thợ săn
quả báo làm nai.
Nói cách khác vì nghiệp sát
sinh mà bốn loài sát hại giết chết nhau, ăn nuốt nhau và sau
cùng phải thọ báo để bị thảm hại, ăn nuốt trở lại. Đời này qua,
đời khác đến vô cùng vô tận biết đến chừng nào mới chấm dứt. Do
đó tư tưởng Phật giáo khuyên chúng sinh nên phát triển lòng từ
bi để thương yêu tất cả mọi loài và chấm dứt nghiệp sát hại thì
quả báo luân hồi mới có thể chấm dứt được. Con người vì sống với
lòng tham dục nên phải chạy theo sinh tử luân hồi. Cũng vì tham
dục mà con người giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Chủ nhân, phú hộ
muốn giàu thêm nên chèn ép người nghèo khó, thế cô. Kiếp này
mình ỷ thế chèn ép người tức là cướp không của người, là nợ
người vì thế sang đến đời sau phải đầu thai trả nợ cho người.
Nói chung con người có chìm đắm trong sinh tử khổ đau cũng chỉ
vì chạy theo tham, sân, si. Từ đó Sát, Dâm, Đạo hình thành, sai
sử khiến con người càng ngày càng lún sâu trong vòng tội nghiệp.
Trong Phật giáo nghiệp sát hại là đại nghiệp vì thế người Phật
tử vì lòng từ bi thương xót chúng sinh, thương người như thương
mình và thấy nỗi đau của chúng sinh chính là nỗi đau của mình
nên không giết hại. Con người ăn thịt chúng sinh thì ngày sau
chúng sinh đổi kiếp ăn thịt con người trở lại. Nếu cưỡng giết
mạng chúng sinh để lấy thịt ăn thì gọi là Đạo. Mà có nợ thân
mạng thì cũng là do sát tham mà ra. Do đó, nếu đền nợ cũ cho
người thì gọi là đạo tham vậy. Ngày xưa tôn giả Mục Kiền Liên là
đệ nhất thần thông, có tài thiên biến vạn hóa, thế mà trong tiền
kiếp làm nghề chài lưới giết hại quá nhiều chúng sinh nên vào
thời Đức Phật tuy đã tu thành Thánh mà những chúng sinh đã bị
Ngài sát hại bây giờ tái sinh làm bọn ngoại đạo để sát hại Ngài.
Do đó, ngày nay ta sát hại
chúng sinh thì ngày mai chúng sinh quay trở lại sát hại lại
chúng ta. Vì thế nếu muốn tiêu diệt nghiệp sát sinh thì ngay bây
giờ phải chấm dứt sát hại làm đau thương đến muôn loài và bồi
dưỡng cũng như phát huy tình thương, lòng từ bi đối với tất cả
chúng sinh. Tuy không còn tâm sát hại, nhưng nếu vẫn còn tâm dâm
thì con người vẫn bị tái sinh luân hồi vì thần thức trong thân
trung ấm còn cảm nhận dục tình khi thấy cảnh ái ân của nam nữ mà
lưu vào thai mẹ để trở thành chủng tử thọ hình. Muốn thoát khỏi
luân hồi thì tâm dâm phải dứt cho nên thần thức lúc nào cũng như
như bất động cho dù đứng trước cảnh dục tình. Lấy của người làm
người đau khổ tức là nợ của người đó rồi nên kiếp sau phải đầu
thai để trả cho hết những mối nợ này. Vì thế không tham, không
dâm, không sát hại, không đạo thì sẽ không còn sinh tử và dĩ
nhiên chặt đứt dây luân hồi.
GIÁC KHÔNG SINH MÊ
- THẤT ĐẠI DUNG ĐƯỢC NHAU MÀ KHÔNG CÓ GÌ
TRỞ NGẠI
GIÁC KHÔNG SINH MÊ
Ông Phú Lâu Na thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nếu tánh giác vốn nhiệm mầu trong sáng cùng với
tâm Như Lai không kém không hơn. Thế mà vô cớ bỗng nhiên lại
sinh núi sông, đất liền các hiện tượng hữu vi sinh diệt. Vậy
hiện nay Như Lai đã chứng nhập bản thể giác minh (tánh giác diệu
minh, bản giác diệu minh ấy) ví phỏng chừng nào Như Lai sinh lại
vọng tưởng phân biệt đối với các pháp hiện tượng hữu vi? Và
chừng nào hoặc lậu của Như Lai sinh trở lại?
Phật bảo:
- Phú Lâu Na! Ví như có người do mê mà lầm cho phương Nam là
phương Bắc, cái mê như vậy, không nhân mê mà có, vì mê vốn không
có gốc rễ, không có hình dáng kích thước, cũng không phải màu
sắc, càng không phải nhân ngộ, vì ngộ là tỉnh, là sáng suốt, ngộ
không sinh mê. Người mê đang lúc mê bỗng có người ngộ giải thích
chỉ bày cho được ngộ; người mê hóa giải, dứt được cái mê thì
phương hướng Bắc Nam không còn lầm lẫn nữa. Mười phương Như Lai
cũng vậy. Mê vốn không gốc rễ, tánh của nó là không. Xưa vốn
không có mê, tựa hồ như có mê, có giác. Giác được mê thì mê
diệt, giác vốn không sanh ra mê. Lại cũng như người nhặm mắt,
thấy hoa đóm đầy khắp hư không. Nếu trị dứt bịnh nhặm mắt thì
hoa đóm trong không tự hết. Nếu ai đó mong chờ cho hư không sanh
hoa trở lại là kẻ quá ngu si, với hạng người như vậy, không thể
nói: Rằng họ là người ngu hay trí.
- Lại nữa! Phú Lâu Na! Ví như quặng vàng lẫn lộn với vàng ròng.
Khi vàng đã nấu lọc tinh rồi thì vàng không là quặng nữa. Lại
cũng như gỗ đã đốt thành tro, tro không thể hoàn nguyên thành gỗ
được.
- Phú Lâu Na! Vấn đề Niết bàn của mười phương Như Lai cũng như
vậy. Như Lai không bao giờ sanh lại vọng tưởng phân biệt để chấp
mắc các hiện tượng hữu vi. Và cũng không có việc Như Lai sanh
lậu hoặc trở lại.
Ngài Phú Lâu Na là đại đệ tử đã chứng Thánh quả nên chính Ngài
đã thừa hiểu rằng một khi chúng sinh đạt được “Chơn tâm thường
trú, Thể tánh tịnh minh” thì cái thường, cái thật, cái có sẳn là
của chính mình. Còn cái bất giác (chưa giác ngộ), cái mê, cái
tham, sân, si, mạn, nghi… là những cái vọng thành. Chúng chỉ là
những “khách trần” phiền não có đến rồi đi. Vì thế câu hỏi của
Phú Lâu Na là để giúp cho những người hữu học có một cái nhận
định chắc chắn trên con đường tu học.
Tất cả chúng sinh từ loài hữu tình đến vô tình đều có chung tự
tánh thanh tịnh bản nhiên mà được gọi là “tánh giác”. Đối với
con người thì cái tánh giác này là Phật tánh. Phật tánh hay tánh
giác thì lúc nào cũng thanh tịnh, trong sáng, thường diệu,
thường minh nên gọi là “tánh giác diệu minh” mà không cần cái
minh bên ngoài tức là sở minh để có minh. Nhưng con người vì lầm
lẫn chạy theo vọng chấp tham-sân-si nên mới tạo nghiệp và tự cột
họ vào trong sinh tử luân hồi. Bây giờ biết hồi đầu thị ngạn, tự
quay thuyền trở lại bến xưa thì tánh giác sẽ trở thành bản giác
tức là cái giác tính bản lai sẳn có của mình. Cái bản giác này
thường minh và thường diệu nên gọi là bản giác minh diệu. Phật
tánh thì lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh, vì
thế, Phật tánh hay tánh giác diệu minh là Chánh Nhân Phật tánh
nghĩa là tánh mầu nhiệm vốn sẵn có. Còn bản giác minh diệu là
Liễu Nhân Phật tánh nghĩa là Phật tánh nhờ công phu tu tập rồi
mới ngộ.
Như thế cái bản thể giác minh mà ông Phú Lâu Na hỏi Đức Phật
chính là Liễu Nhân Phật tánh tức là bản giác minh diệu của Ngài.
Khi Chư Phật đã loại bỏ tất cả phiền não chướng, tri kiến chướng
để trở thành Liễu Nhân Phật tánh thì cái bản giác minh diệu này
là thường hằng, là cái thật có, là cái minh cái diệu lúc nào
cũng sẵn có trong Như Lai.
Thí dụ, chúng ta ở Hoa Kỳ lái xe bên tay mặt, nhưng người Anh
Quốc lại lái xe bên tay trái nên khi đi du lịch qua bên đó,
chúng ta lái xe lộn bên, lầm lẫn dễ gây ra tai nạn, may có người
chỉ cho thì bây giờ chúng ta đâu còn lái xe bên tay mặt nữa. Do
đó một khi đã chứng ngộ, đạt được minh tâm kiến tánh hay nhất
tâm bất loạn thì không bao giờ trở lại làm phàm phu.
Trong kinh Duy Ma Cật, khi nói về chứng đắc tôn giả Xá Lợi Phất
đã hỏi vị Thiên nữ rằng :
- Chừng nào người được Vô thượng Bồ-đề, thưa Thiên nữ?
- Chừng nào ngài Xá Lợi Phất trở lại làm phàm phu thì tôi mới
thành Vô thượng Bồ-đề.
- Tôi không bao giờ trở lại làm phàm phu.
- Thì tôi cũng không bao gờ được quả Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì
Bồ-đề “vô sở trụ”. Thế nên Bồ-đề không có cái “được”.
Bồ-đề, Phật tánh đối với
chúng sinh cũng ví như vàng còn lẫn lộn trong mỏ với đất cát sỏi
đá. Nay nếu đem về rửa sạch đất cát cũng như con người loại bỏ
tất cả tham-sân-si mạn nghi thì sẽ thấy vàng nguyên chất cũng
như Phật tánh sẽ hiện bày. Một khi đã có vàng nguyên chất thì
làm gì còn đất cát sỏi đá cũng như chúng sinh đã liễu ngộ thì
không bao giờ trở lại làm phàm nhân lầm lẫn.
Cũng như có bịnh lòa thì thấy có hoa đóm giữa hư không. Nhưng
hoa đóm là do bệnh lòa mà có chớ không phải thật có. Đến khi
chữa trị hết bệnh lòa thì hoa đóm cũng không còn. Vì vậy tất cả
các pháp hữu vi đều do cái bệnh bất giác (mê) biến thành chớ
không phải thật có. Do đó khi thức tỉnh giác ngộ thì cái hữu vi
cũng chẳng có và tướng hữu vi cũng chẳng còn.
Lại như cây đã đốt thành tro thì không thể đâm chồi mọc lá được.
Vì thế, Chư Phật đã giác ngộ hoàn toàn, diệt trừ tận gốc tất cả
những mê lầm sinh diệt thì làm sao còn sinh được các pháp hữu
vi?
Như thế tuy chúng sinh có đồng tánh giác diệu minh như Chư Phật,
không thêm không bớt, nhưng vì sống trong điên đảo nên không
nhận được giác tính thường diệu thường minh nên phải trôi nổi
trong sinh tử luân hồi. Ngược lại, Chư Phật hoàn toàn thức tỉnh
nên các Ngài đã trừ hết cội gốc của mê lầm, nên tuy cùng giác
tính đó mà các Ngài đã thực chứng giác tính, diệu dụng của mình
tức là đã có bản giác minh diệu nên sẽ không bao giờ còn mê lầm
được nữa. Nói cách khác, khi đã giác ngộ thì sẽ không bao giờ
còn mê lầm nghĩa là khi đã thành Phật sẽ không bao giờ trở lại
làm chúng sinh.
Chỉ Các Đại Có Thể Dung Nhau
Phật bảo:
- Này Phú Lâu Na! Ông còn nghi ngờ. Vì sao thất đại: Địa, thủy,
hỏa, phong, không, kiến, thức lại có thể dung nhau? Trong thực
tế ông thấy chúng thường tự xâm đoạt hủy diệt nhau.
- Phú Lâu Na! Ví như hư không, không thể của nó vốn không phải
hình tướng, nhưng nó không chống đối các tướng phát huy trong
nó. Phú Lâu Na! Bầu hư không vô cực kia, hễ mặt trời soi thì
sáng, mây ùn thì tối, gió lay thì động, trời tạnh thì trong, hơi
đọng thì đục, bụi nổi thì mù, nước lặng thì lóng lánh. Phú Lâu
Na! Ông hiểu thế nào? Các tướng hữu vi sai khác dường ấy. Vậy nó
nhân những cái đã có kia mà tự sinh hay nhân hư không mà có? Phú
Lâu Na! Nếu bảo rằng do những cái kia tự sanh, vậy khi mặt trời
soi, mặt trời sáng thì mười phương thế giới đều thành sắc của
mặt trời, làm sao giữa hư không lại còn thấy mặt trời tròn? Nếu
bảo rằng hư không sáng thì hư không tự soi lấy, cớ sao giữa lúc
đêm mây mù không có ánh sáng soi? Vậy nên biết rằng : Cái sáng
không phải mặt trời, không phải hư không, nhưng không ngoài hư
không và mặt trời.
- Phú Lâu Na! Ông nên biết rằng: Đứng bên hiện tượng mà nhìn thì
hiện tượng vốn vọng, cho nên không làm sao chỉ bày chính xác và
đích thực được. Nhưng đứng trên bản thể mà tư duy, ta sẽ thấy
bản thể là chơn: “Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu”, cho
nên “địa” vốn không là “địa”. “Không” vốn chẳng là “không”.
Thủy, hỏa, phong… cũng vậy thì làm chi có việc trở ngại không
dung nhau được.
Trong bản tánh minh diệu của Như Lai Tạng, ông cần phát minh hư
không thì có hư không hiện ra. Ví như một dòng nước in bóng mặt
trăng. Hai người cùng trông thấy bóng mặt trăng in đáy nước. Rồi
người đi về Đông, người đi về Tây cả hai đều thấy có mặt trăng
theo mình mà không có chuẩn đích cho mặt trăng cố định. Trước sự
kiện đó không nên gạn hỏi: Mặt trăng là một, sao có thể đi theo
hai hướng khác nhau? Cũng không được hỏi: Mặt trăng đã thành
hai, sao trước kia hiện ra có một?
Phú Lâu Na! “Duyên sanh như huyển” là vậy đó. Vì vậy mà Như Lai
dạy: “Tánh sắc chơn không”. Và cũng vì vậy, Như Lai nói: “Tánh
không chơn sắc…” Không có pháp nào có tự thể độc lập cố định của
chính mình.
Tôn giả Phú Lâu Na đã dùng ý thức của tâm phân biệt mà nghi rằng
bản tính của tứ đại vốn trái ngược và tiêu diệt lẫn nhau như
nước kỵ lửa hay gió kỵ đất thì làm sao các đại có thể nương tựa,
dung nạp với nhau? Đối với Phật giáo, khi chúng sinh còn chấp
vào ý thức phân biệt thì họ còn chấp chặc vào sự tướng sinh diệt
biến đổi nên không thể nhìn thấu thật tướng của vạn pháp bằng
trí tuệ Bát nhã được. Các đại có thể dung nhau là vì tánh chất
duyên sanh của nó. Vì thế hiện tượng vạn pháp là do nhân duyên
sanh cho nên không có pháp nào có tự thể độc lập hay cố định
đích thực cho riêng mình.
Tất cả vạn pháp trong thế gian hay tứ đại nói riêng đều là pháp
giới tánh, đều là bản tánh chân như trong Như Lai Tạng. Mà đã là
pháp giới tánh thì bao trùm khắp cả thì làm sao lại không dung
được nhau.
Bởi vậy Phật mới dạy rằng:
Tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc…
Tánh thủy chơn không, tánh không chơn thủy…
Tánh hỏa chơn không, tánh không chơn hỏa…
Tánh phong chơn không, tánh không chơn phong…
Tất cả đều thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới, nhưng tùy
chúng sinh tâm, ứng sở tri lượng mà tuần nghiệp phát hiện.
Thật tánh của tất cả sắc, thủy, hỏa, phong là không nên trong
chơn không các đại dung nạp nhau rất tự tại. Nhưng một khi nhân
duyên xuất hiện thì từ trong chơn không mà diệu hữu một cách
nhiệm mầu để biến thành sắc, thủy, hỏa, phong. Chơn không, pháp
giới tánh thì lúc nào cũng bản nhiên thanh tịnh, nhưng pháp giới
tánh duyên khởi trùng trùng vô cùng vô tận. Mỗi khi có tâm niệm
thì pháp giới tánh cũng duyên theo tâm niệm ấy mà thay đổi. Nếu
chúng sinh tâm niệm nước thì pháp giới tánh duyên ra thành nước.
Nếu bây giờ chúng sinh tâm
niệm về gió thì pháp giới tánh duyên ra thành gió. Nếu tâm niệm
tất cả thì pháp giới tánh duyên ra tất cả đầy đủ đất, nước, gió,
lửa. Trong hư không thì không thấy gì cả, mà thật ra cũng chính
cái hư không này ngầm chứa đầy đủ các đại. Tại sao? Bởi vì trong
hư không, không hề có tướng cho nên nó không ngăn ngại các tướng
phát huy trong đó. Thí dụ như trong cái bầu trời này, nơi nào
cũng có lửa, nơi nào cũng có gió, nơi nào cũng có nước, nơi nào
cũng có sắc. Chúng dung nạp, nương tựa vào nhau và chỉ xuất hiện
khi nào chúng sinh có tâm niệm cần đến nó mà thôi. Hiện tượng
này là bất biến tùy duyên. Vì vậy hư không chỉ xuất hiện là do
tướng sở minh từ tánh giác diệu minh vọng tưởng mà sinh ra. Nói
cách khác, nếu tâm mình vọng tưởng hư không thì hư không mới
xuất hiện.
Các đại cũng thế, nếu chúng
sinh vọng tưởng gió thì sẽ có gió. Vọng tưởng đất, nước, lửa thì
các đại này sẽ dần dần xuất hiện. Nói tóm lại, nếu chúng sinh
không còn vọng tưởng thì tất cả các tướng hữu vi sinh diệt sẽ bị
tiêu diệt và dĩ nhiên tâm sẽ biến thành bản giác diệu minh nên
lúc nào cũng có thanh tịnh, an vui và tự tại. Cũng như khi còn
trong chiêm bao, tất cả những cảnh tướng hiện ra rất rõ ràng,
nhưng khi thức giấc (giác ngộ) thì cảnh tan, tướng mất, đâu còn.
Vì thế nếu chúng sinh quay về soi thấu tự tâm của chính mình để
sống với tánh giác diệu minh, với chơn tâm thường trú và thể
tánh tịnh minh thì tất cả những hình tướng hữu vi trong thế giới
này sẽ hoàn toàn biến mất trong tâm của họ. Khi ấy vọng tưởng
không còn và chúng sinh sẽ sống trong cảnh giới thanh tịnh, an
lạc mà nhà Phật gọi là chơn như tịch tịnh Niết bàn.
Thí dụ, có hai người đứng gần nhau trên một hồ nước. Cả hai cùng
thấy có một mặt trăng soi chiếu dưới hồ. Bây giờ nếu một người
đi về hướng Tây thì thấy ánh trăng cũng đi theo người đó về
hướng Tây. Đến khi người khác đi về hướng Đông thì ánh trăng
cũng theo người kia về hướng Đông. Thế thì mỗi người đi mỗi
hướng mà mỗi người đều thấy ánh trăng đi theo mình. Vì là huyển,
nên ánh trăng tuy chỉ có một mà có thể theo hai hướng khác nhau
và cũng là huyển, nên ánh trăng trước là một mà nay lại biến
thành hai. Bởi vậy, sự vật duyên khởi như huyển như hóa tùy theo
tâm niệm, nhưng tự tánh vẫn là pháp giới tánh, Như Lai Tạng
thanh tịnh nhiệm mầu.
CHỈ TÁNH DIỆU MINH HỢP VỀ NHƯ LAI TẠNG, RỜI CẢ HAI NGHĨA
“PHI” (KHÔNG LÀ) VÀ “TỨC” (TỨC LÀ)
CHỈ VỀ TRÁI VỚI GIÁC TÁNH, HỢP VỚI TRẦN TƯỚNG
Phật bảo:
- Phú Lâu Na! Do nhận thức đánh giá của ông về Sắc Không của Như
Lai Tạng thì Như Lai Tạng theo cái nhận thức của ông mà có Sắc
Không khắp cùng pháp giới. Vậy nên ông thấy gió thì động, hư
không thì tịnh, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối. Ông và tất cả
chúng sinh mê lầm, sống trái với giác tánh mình mà hợp với trần
tướng cho nên sanh khởi cái nhận thức trần lao. Do đó có các
tướng thế gian đối tượng.
Đoạn kinh này chỉ về cái tướng trái với giác tánh và hợp với
trần tướng. Giác tánh chính là bản tâm thanh tịnh của chúng sinh
và trần tướng là những tướng trần lao bên ngoài như nhà cửa, xe
cộ…. Như lai Tạng là chơn tâm thường trú nên rất tịch tịnh, vắng
lặng, nhiệm mầu. Nhưng nếu chúng sinh vọng tưởng thì Như Lai
Tạng sẽ tùy theo vọng tưởng Sắc hay Không Sắc đó mà hiển bày.
Thí dụ như chúng sinh vọng tưởng về gió thì gió sẽ lay động,
vọng tưởng về nước thì sẽ có nước chảy… Tại sao? Vì những hiện
tượng này phát khởi từ trong tâm thức của con người.
Đó cũng tại vì chúng sinh
mê chấp nên từ bản tánh thanh tịnh sinh lầm ra vọng tưởng, trái
với giác tánh chân thật. Và một khi vọng tưởng được thiết lập
thì nó sẽ duyên theo cảnh giới bên ngoài nên mới gọi là hợp với
trần tướng. Con người thường nhận thức, đánh giá và đặt tên cho
những sự vật trên thế gian tùy theo tri kiến chủ quan của mình
vì thế mới có chủ thể và đối tượng tức là có năng và có sở. Vì
có năng có sở nên vọng thức phân biệt sinh khởi làm bản tánh
thanh tịnh biến mất. Ngược lại, Đức Phật không nhận thức đánh
giá sai lầm những sự vật hiện tượng trong thế gian theo tri kiến
điên đảo chủ quan, mà Đức Phật sống đúng, sống hợp với tánh giác
diệu minh, với chơn tâm thường trú, với Như Lai Tạng tịnh tịch
và tánh duyên sanh của tất cả hiện tượng vạn hữu nên Ngài mới có
Vô thượng Bồ-đề và Vô thượng Niết bàn là vậy. Thí dụ, mắt thấy
cảnh đẹp làm tâm thích, tâm chạy theo si mê cảnh giới này.
Cảnh giới bên ngoài là trần
tướng mà con người đem trói chặt vào tâm
nên vọng tưởng si mê phát sinh. Không có cảnh đẹp là lòng không
vui, như thiếu vắng cái gì. Niệm ưa thích phát khởi rồi con
người sinh ra ái nhiễm, say đắm vào nó. Do đó khi vọng tưởng
phát sinh ra hợp với trần tướng rồi thì các tướng hữu vi trần
lao thay nhau sinh khởi trong tâm. Vì vậy muốn trở về với bản
tâm thanh tịnh, con người phải diệt hết vọng niệm. Chính Lục Tổ
ngày xưa đã dạy trong Pháp Bảo Đàn kinh rằng muốn trở về với bản
lai diện mục thanh tịnh của mình, chúng sinh đừng để tâm trụ vào
sự tướng bên ngoài (vô sở trụ) nghĩa là thấy mà như không thấy,
nghe mà như không nghe… thì tâm mới được tự tại. Và vô niệm là
tâm đừng vọng tưởng, hướng ngoài mà phải quay vào bên trong. Khi
tâm không còn niệm thiện, niệm ác, niệm tốt, niệm xấu nghĩa là
tâm không còn phân biệt chấp trước thì lúc ấy tâm sẽ trở về với
thể tánh thanh tịnh tịch tĩnh của nó. Đó chính là chơn tâm, Phật
tánh, bản lai diện mục, tánh giác diệu minh của tất cả mọi chúng
sinh.
CHỈ TÁNH DIỆU MINH HỢP VỚI NHƯ LAI TẠNG
- Phú Lâu Na! Như Lai sử dụng tánh giác diệu minh không sai
lầm nhận thức, không đánh giá điên đảo. Như Lai Tạng là tánh
giác diệu minh khắp trùm pháp giới. Vậy nên đối với Như Lai: Một
là tất cả, tất cả là một. Trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện
nhỏ, ngồi tại đạo tràng bất động mà như ở khắp mười phương. Một
thân mà trùm cả hư không vô tận, đầu một mảy lông mà hiển hiện
ra vô vàn cõi Phật. Ngồi trong vi trần bé bỏng mà vận chuyển đại
pháp luân, diệt hết nhận thức sai lầm trần tướng, sống hợp với
giác tánh cho nên Như Lai nhìn đâu cũng là tánh chơn như sáng
suốt nhiệm mầu.
Tánh giác vốn trong sáng thanh tịnh, thường diệu, thường minh
nên được gọi là tánh giác diệu minh. Tánh giác luôn bao trùm
khắp pháp giới, là bản thể chân không nên không có trọng lượng,
kích thước, không tùy thuộc vào sự biến dịch của thời gian hay
sự thay đổi của không gian. Trong tánh diệu chân như ấy, tất cả
đều bình đẳng, không có lớn, không có nhỏ, không có một hay
không có nhiều mà tất cả đều là bất nhị, không hai không khác.
Vì Như Lai Tạng chính là tánh giác diệu minh chiếu soi khắp pháp
giới cho nên mới có khả năng bao bọc cho nhau, lớn nhỏ dung
nhiếp vào nhau. Do vậy mà trên đầu một sợi lông có thể hiện ra
tam thiên đại thiên thế giới, hiện ra các cõi nước Phật và trong
mây bụi trần mà Đức Phật chuyển bánh xe pháp. Nếu chúng sinh
diệt trần để quay về với tánh giác thì sẽ phát khởi chân như
diệu giác minh tánh. Chính Đức Phật đã chứng nhập pháp giới tánh
và Ngài đã diệu dụng pháp giới tánh đến chỗ tột cùng nên có thể
biến hiện tất cả hoàn toàn tự tại vô ngại.
CHỈ NHƯ LAI TẠNG LÀ “PHI” (KHÔNG LÀ) TẤT CẢ
Như Lai Tạng vốn là bản thể nhiệm mầu viên mãn. Tuy nhiên, nó
không phải là tâm, không phải là không, không phải địa, không
phải thủy, không phải hỏa, không phải phong. Nó không phải nhãn,
không phải nhĩ, không phải tỷ, không phải thiệt, không phải
thân, không phải ý. Nó không phải là sắc, không phải thanh,
không phải hương, không phải vị, không phải xúc, không phải
pháp. Nó không phải nhãn thức giới cho đến không phải ý thức
giới. Nó không phải minh, không phải vô minh, không phải hết vô
minh cho đến không phải lão tử, không phải hết lão tử. Nó không
phải khổ, không phải tập, không phải diệt, không phải đạo. Nó
không phải trí cũng không phải đắc. Nó không phải bố thí, không
phải trì giới, không phải nhẫn nhục, không phải tinh tấn, không
phải thiền định, không phải trí tuệ. Nó không phải là Như Lai,
là ứng cúng, chánh biến tri. Nó không phải đại niết bàn, không
phải thường, lạc, ngã, tịnh vì Như Lai Tạng không phải là pháp
thế gian mà cũng không phải là pháp xuất thế gian.
Đoạn kinh trên cũng chính là Bát Nhã Tâm kinh. Đó là khi Quán Tự
Tại Bồ Tát đã hành thâm Bát Nhã đến chỗ rốt ráo tột cùng thì
Ngài thấy tất cả là không. Có thể nói rằng Bát Nhã Tâm kinh đã
được trích ra từ trong đoạn “Như Lại Tạng là “không là” tất cả”
của kinh Lăng Nghiêm cho nên Thủ Lăng Nghiêm mới được xiển dương
là kinh khai mở trí tuệ, giúp chúng sinh tiến sâu vào Bát Nhã,
thông hiểu tường tận tánh không mà nhập vào đại định để có giải
thoát giác ngộ.
Cũng như Ngài Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa trong
Tâm Kinh, ở đây Như Lai Tạng bản thể cũng không có chứa bất cứ
tướng nào cả, cho dù đó là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian.
Cái mà con người gọi là trí tuệ để đạt, Niết bàn để chứng đắc,
thành tựu Như Lai, Ưng cúng, Chánh biến tri, ngay cả lục căn,
lục trần, mười tám pháp giới… đều là tướng của thế gian, chớ
không phải là tướng của Như Lai Tạng bởi vì Như Lai Tạng là bản
thể chơn như của hiện tượng vạn pháp. Vì thế khi hành giả
đi sâu vào đại định Thủ Lăng nghiêm thì tất cả các niệm ngay cả
vi tế niệm cũng không còn. Nếu tâm chúng sinh còn một chút vọng
niệm về thực chứng hay mong cầu mong đạt được đại định cho dù đó
là vi tế thì đại định biến mất. Nói cách khác khi chúng sinh ly
được tất cả các pháp của thế gian ngay cả xuất thế gian (chứng
đắc) thì mới có thể hòa nhập vào trong Như Lai Tạng bản tánh
thanh tịnh hoàn toàn mà được gọi là Thủ Lăng Nghiêm đại định.
CHỈ NHƯ LAI TẠNG “TỨC” (LÀ) TẤT CẢ
Nhưng cái bản thể nhiệm mầu viên mãn Như Lai Tạng lại cũng
tức là tâm, là không, là địa, là thủy, là hỏa, là phong. Cũng
tức là nhãn, là nhĩ, là tỷ, là thiệt, là thân, là ý. Cũng tức là
sắc, là thanh, là hương, là vị, là xúc, là pháp. Cũng tức là
nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Cũng tức là minh, là vô minh
cho đến là lão tử, là hết lão tử. Cũng tức là khổ, là tập, là
diệt, là đạo. Cũng tức là trí, là đắc. Cũng tức là bố thí, là
trì giới, là nhẫn nhục, là tinh tấn, là thiền định, là trí tuệ
cho đến cũng tức là Như Lai, là ứng cúng, là chánh biến tri.
Cũng tức là đại niết bàn, là thường, là lạc, là ngã, là tịnh. Vì
vậy, Như Lai Tạng biểu hiện qua tất cả các pháp thế gian và xuất
thế gian.
Đoạn kinh trên, Đức Phật dạy rằng trong Như Lai Tạng bản thể
chơn như thì tất cả đều là không. Không có các pháp thế gian
ngay cả đến các pháp xuất thế gian như chứng đắc, trí tuệ, Niết
bàn… cũng là không. Nhưng đến đoạn kinh này, Đức Phật lại dạy
rằng trong bản thể nhiệm mầu Như Lai Tạng thì tất cả các pháp
thế gian và xuất thế gian là có, là thật. Tại sao lại có sự mâu
thuẫn như vậy? Trong Như Lai Tạng bản thể chân như thì không có
tướng trạng nên tất cả đều hòa đồng, dung nhiếp nên gọi là
không. Nhưng trong cái chơn không lại duyên khởi một cách mầu
nhiệm để phát sinh ra mọi vật mà tạo thành cái thế giới hữu vi
sinh diệt này. Trong pháp giới duyên khởi gọi hiện tượng này là
bất biến tùy duyên nghĩa là từ cái chơn không mà diệu hữu ra tất
cả nên mới có pháp thế gian và ngay cả pháp xuất thế gian là
vậy. Nói cách khác hai đoạn kinh giúp chúng sinh thấu hiểu tường
tận ý nghĩa sắc tức là không và không tức là sắc để phá bỏ cái
chấp phải là “toàn sắc” hay “toàn không”.
DÙNG PHẬT NHÃN NHÌN HIỆN TƯỢNG VẠN PHÁP, KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ “LÀ”
HAY “KHÔNG LÀ” TRONG NHƯ LAI TẠNG BẢN THỂ CHÂN NHƯ NHIỆM MẦU
Này Phú Lâu Na! Như Lai Tạng vốn nhiệm mầu trong sáng, vượt
ngoài sự phê phán đánh giá “là” hay “không là”. Vậy nên, chúng
sinh trong ba cõi và hàng Thanh văn, Duyên giác dùng cái tri
thức cạn cợt thì làm sao mà đo lường Bồ-đề vô thượng của Như
Lai. Đem ngôn ngữ hạn hẹp của thế gian mà diễn đạt cái tri kiến
Phật thậm thâm sao cho đến được. Ví như những cây đàn cầm, sắt,
không hầu, tỳ bà, tuy có tiếng hay, nhưng nếu không có ngón tay
thì rốt cuộc cũng không phát ra những tiếng hay. Ông và chúng
sinh cũng vậy. Chơn tâm giác minh mọi người đều đầy đủ. Thế mà
Như Lai ấn ngón tay thì rực rỡ hào quang, còn các ông vừa móng
tâm thì trần lao đã nổi dậy. Đó là do các ông không siêng năng
cầu vô thượng giác mà ham ưa pháp tiểu thừa, được chút ít cho là
đủ.
Khi ra biển ngắm những làn sóng lặn hụp lên xuống thì sóng “là”
nước hay sóng “không là” nước? Nếu nói sóng và nước thì chắc
chắn sóng và nước là hai tức là sóng “không là” nước. Còn nếu
nói rằng nếu sóng mà không có nước thì làm gì có sóng do đó sóng
“là” nước và nước “là” sóng. Như vậy sóng là hiện tượng của nước
và nước là bản thể của sóng, tuy hai nhưng mà một bất khả phân
ly. Khi động (có gió) thì nước nổi thành sóng, nhưng khi tịnh
(gió tan) thì sóng trở về với thể tánh yên tịnh của nước vậy
thôi. Như Lai Tạng cũng vậy, là bất tức bất ly bởi vì Tạng là
tổng thể trùm chứa tất cả mọi nguyên nhân và kết quả của sự vật
hiện tượng. Còn Như Lai là thường hằng bất biến, nhưng trong cái
thường hằng bất biến này lại tùy duyên mà phát sinh ra muôn sinh
vạn vật. Đó là bất biến mà tùy duyên. Thí dụ, trong thế gian này
nơi nào cũng đều có đất tức là dạng của địa đại, nhưng cũng từ
đất này mà tùy duyên tạo thành nhà cửa, chén đĩa, lâu đài, thành
quách…. nhưng một ngày nào đó thì những sự tướng kia cũng theo
thời gian mà biến đổi và cuối cùng cũng trở về lại với đất. Đây
là tùy duyên mà bất biến vậy.
Như Lai Tạng bây giờ nếu tùy duyên tác động vào tâm chúng sinh,
con người sẽ phát sinh ra những cảm giác vui buồn, hờn giận,
thương ghét, tốt xấu, hơn thua, phải quấy… nhưng nếu chúng sinh
biết xoay về bản thể chân thật của mình thì vui buồn tan biến,
thương ghét không còn và tâm sẽ trở về với tự tánh thanh tịnh
bất biến của nó. Nói cách khác, Như là bất biến còn Lai là tùy
duyên. Vì thế Như Lai là bất biến tùy duyên và cũng tùy duyên
bất biến. Có tùy duyên bất biến nên chúng sinh mới có thể hóa
giải vô minh phiền não để trở về sống với chơn tâm, tánh giác
diệu minh của chính mình.
Như Lai Tạng là bản thể
chơn như của tất cả hiện tượng vạn pháp, vốn thanh tịnh
bản nhiên nên lìa tất cả các pháp. Vì thế trong Như Lai Tạng bản
thể, không có gì gọi là chứng đắc, không có gì gọi là đạt được
(bất khả đắc). Như Lai Tạng tuy rời tất cả tướng thế gian, nhưng
nó không phải là cảnh giới xa xôi nào khác vì Như Lai Tạng chính
là tất cả các pháp tức là Như Lai Tạng “là” và “không là”.
Con người vì sống trong vô minh điên đảo nên chỉ biết hiện tượng
vạn pháp mà không hề nghĩ đến bản thể Như Lai Tạng mầu nhiệm
này.
Nhưng nếu suy nghĩ kỷ lại
thì tất cả những thứ buồn vui, thương ghét, tánh tham, tật đố…
đều phát xuất từ bản tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng của
tất cả mọi người. Vì thế thanh tịnh thì do ta mà phiền não thì
cũng do ta do đó mà trong kinh Duy Ma Cật mới có câu: “Tùy kỳ
tâm kinh, tắc Phật độ tịnh” là vậy. Cái thể tánh tuyệt đối Như
Lai Tạng không thể dùng ngôn ngữ hạn hẹp của con người để chứng
nhập nó được. Thật ra cái thể tánh tuyệt đối đó con người vốn có
sẳn như Chư Phật, nhưng chúng sinh phải quay về thể nghiệm mà
trực nhận thể tánh ấy thẳng nơi tự tâm của mình (thực chứng Bát
nhã) chớ không thể chỉ biết nghiên cứu qua lời Phật dạy (văn tự
Bát nhã) mà quên đi tâm tánh của chính mình.
Ở đây, Phật ví Như Lai Tạng
như người có cây đàn tốt mà không biết đàn thì rốt cuộc cũng
không phát ra những âm thanh hay được. Bây giờ cây đàn tốt gặp
người chơi đàn giỏi thì sẽ phát ra những âm thanh huyền diệu
tuyệt vời. Như Lai Tạng cũng thế, tuy chúng sinh vốn đã có sẵn
tâm tánh nhiệm mầu, nhưng con người cần phải có trí tuệ sáng
suốt để phát khởi diệu dụng, quay về sống với chơn tâm thường
trú, tánh giác diệu minh của chính mình thì mới thoát khỏi trần
lao phiền não và phá trừ chấp ngã, chấp pháp mà có được giải
thoát giác ngộ.
Đức Phật vì tâm hoàn toàn
thanh tịnh nên chơn tâm hiển bày, Pháp thân hiển lộ nên Ngài có
hào quang sáng chói, rực rỡ huy hoàng. Ngược lại chúng sinh vì
tâm còn chất đầy vọng tưởng nên trần lao nổi dậy mà sống trong
điên đảo khổ đau. Đối với các vị trong hàng Thanh văn, Duyên
giác tuy mới chứng đắc lục căn thanh tịnh mà cho là đầy đủ nên
không cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác vì thế các vị
trong hàng Nhị thừa chưa thấy được Pháp thân thanh tịnh Như Lai,
chưa vào được trong Như Lai Tạng bản tánh chơn như. Không chứng
được Pháp thân thanh tịnh viên mãn thì làm sao thành Phật được?
Nói tóm lại, trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật
tánh, chơn tâm là bản tánh thanh tịnh Bồ-đề, nhưng con người vì
chạy theo dục vọng, làm nô nệ cho vô minh phiền não mà quên bỏ
đi cái trí tuệ Bồ-đề sẳn có của mình nên sống trong trần lao,
khổ ải và phải chịu sinh tử khổ đau. Bản tánh Bồ-đề vốn thanh
tịnh, nhưng vì một niệm vô minh mà sinh ra muôn vàn cảnh giới để
phải chịu sinh tử luân hồi.
MÊ VỌNG KHÔNG CÓ NGUYÊN NHÂN. HẾT MÊ TỨC LÀ BỒ ĐỀ (GIÁC)
Ông Phú Lâu Na thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chơn tâm thanh tịnh giác ngộ viên mãn của tôi và
của Như Lai không hai; vậy mà tôi thì bị vọng tưởng vô thỉ sai
sử cho nên ở trong luân hồi lâu xa nhiều kiếp. Nay dù được thánh
quả mà còn chưa rốt ráo. Thế Tôn thì các vọng tưởng được gạn lọc
sạch trong, còn thuần một tâm tánh chơn thường mầu nhiệm. Tôi
xin hỏi Như Lai: Tất cả chúng sinh do nguyên nhân nào mà có vọng
để rồi tự che mất tâm tánh sáng suốt nhiệm mầu của mình, phải
chịu luân hồi trôi nổi khổ đau?
Câu hỏi này của Ngài Phú Lâu Na rất thực dụng cho hoàn cảnh của
tất cả chúng sinh vì Đức Phật dạy rằng trong tất cả mọi người ai
ai cũng đều có Phật tánh, chơn tâm thế mà tại sao chỉ có Như Lai
mới sống được trong tự tánh thanh tịnh nhiệm mầu này, còn chúng
sinh do nguyên nhân nào mà chạy theo khách trần phiền não trần
lao để phải chịu trôi mình trong sinh tử trầm luân? Vậy Như Lai
có chứng đắc gì chăng? Cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng
qua là trở về với bản tánh cố hữu tức là bản lai diện mục của
mình vậy thôi.
Quả vị Phật mà Như Lai
chứng đắc là vô thực mà vô hư. Tại sao? Bởi vì quả vị Phật mà
Như Lai thành tựu thì không có hình tướng, không có màu sắc,
không có văn tự diễn tả nên cái chứng đắc này là không thật có,
không tìm đâu ra. Nhưng nếu không thật thì quả vị Phật phải là
hư? Thế mà cái chứng đắc trên lại là vô hư. Tại sao? Mặc dù
không ai thấy được hình tướng của sự chứng đắc, nhưng chính Đức
Phật có được bảo sở thanh tịnh Niết bàn, có được vô thượng Bồ-đề
nên Ngài không bao giờ còn bị vô minh phiền não quấy phá. Thế
thì cái chứng đắc chính là vô hư tức là có thật.
Phật dạy rằng:
Phú Lâu Na! Ông dù trừ được tâm nghi, nhưng tư tưởng mê lầm chưa
dứt. Ông há không nghe trong thành Thất La Phiệt có chàng Diễn
Nhã Đạt Đa vào một buổi sáng mai, đứng trước gương soi mặt, bỗng
dưng ham thích cái đầu trong gương, còn cái đầu của mình tự bấy
lâu nay anh ta cho là đồ yêu quái vì anh chẳng thấy được mày,
mắt, mặt, mũi, đẹp đẽ như cái mặt trong gương. Rồi chàng ta kinh
hãi phát điên ôm đầu chạy hoảng.
Phú Lâu Na! Ông nghĩ thế nào! Diễn Nhã Đạt Đa do nguyên nhân gì
bỗng dưng phát điên ôm đầu chạy hoảng?
- Bạch Thế Tôn! Tâm người ấy điên chớ không duyên cớ gì khác.
- Phú Lâu Na! Tánh giác thì tròn đầy sáng suốt nhiệm mầu từ xa
xưa đến nay vẫn không lúc nào tạm vắng ở trong ông. Còn cái
vọng? Đã gọi là vọng thì làm sao có nguyên nhân! Nếu có nguyên
nhân thì sao gọi là vọng được? Vọng tưởng tự xoay vần làm nhân
cho nhau, từ cái mê này thêm cái mê khác tích lũy qua số kiếp
như vi trần cho nên dù Phật chỉ rõ mà ông hãy còn chưa biết trở
về. Cái nhân của mê do mê mà tự có. Biết được cái mê không có
nguyên nhân thì cái vọng không có chỗ gá sanh. Thế thì cái sinh
còn không có, còn đem cái gì để làm cái diệt? Giả sử có cái diệt
thì diệt để diệt cái gì?
Phú Lâu Na! Người được đạo Bồ-đề ví như người tỉnh giấc, kể
chuyện trong chiêm bao. Tâm ghi nhớ rõ ràng nhưng không sao lấy
vật trong chiêm bao ra được. Huống chi cái mê vốn không, không
nhân, không gì cả thì tìm sao cho nó có cội nguồn? Như cái điên
của chàng Diễn Nhã đâu có nguyên nhân, tự sợ đầu mình mà bỏ
chạy. Khi hết điên thì cái đầu cũng vẫn là cái đầu của anh vốn
có. Lúc điên loạn, cũng không vì vậy mà anh tạm mất cái đầu.
Phú Lâu Na! Tánh của cái vọng là như vậy, làm sao tìm có nguyên
nhân? Ông chỉ cần đi ngược dòng tương tục của ba thứ: Thế gian,
nghiệp quả và chúng sinh. Ba duyên đã chặt đứt thì ba nhân chẳng
có cơ sở để sanh. Bấy giờ cái tánh điên cuồng Diễn Nhã Đạt Đa
trong tâm ông tự hết. Hết tức là Bồ-đề. Cái chơn tâm trong sáng
khắp cùng pháp giới xưa nay, không do ai cho mà tự được, chẳng
cần tu chứng nhọc nhằn vất vả lôi thôi. Ví như người có hạt như
ý châu trong vạt áo mà không biết không hay, gần suốt cuộc đời
tha phương cầu thực cùng khổ lang thang bỗng có người thiện hữu
phát hiện, chỉ hạt châu cho, bấy giờ người cùng khổ trở thành
giàu có nhất đời. Ngồi gẫm lại nửa đời lưu lạc tự hận cho số
kiếp dại khờ.
Thì ra viên như ý châu
không phải từ ngoài, ai đem đến. Trước khi trả lời ông Phú Lâu
Na về nguyên nhân nào mà có vọng để che mất tâm tánh sáng suốt
nhiệm mầu của mình, Đức Phật dùng phương tiện lấy một người điên
trong thành Thất La Phiệt mà làm thí dụ để diệt trừ mối nghi
hoặc trong tâm ông Phú Lâu Na. Anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa một
buổi sáng mai, lấy gương soi mặt, thấy cái đầu trong gương mặt
mày, mắt, mũi đẹp đẽ mà nghĩ rằng cái đầu mình biến mất nên bổng
phát điên, rồi sợ hãi bỏ chạy.
Vậy nguyên nhân nào khiến anh chàng này phát điên mà ôm đầu bỏ
chạy? Thật ra chả có nguyên nhân nào cả, chỉ vì anh ta sống
trong mộng tưởng điên đảo, lấy giả làm chân rồi đâm ra sợ hãi bỏ
chạy.
Bát Nhã Tâm kinh dạy rằng: “Y Bát Nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô
quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu
cánh Niết bàn” nghĩa là Bồ-tát y theo Bát Nhã ba-la-mật-đa nên
tâm không còn ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không còn sợ
hãi, xa lìa điên đảo, mộng tưởng và đạt đến cứu cánh Niết bàn.
Vậy anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa nếu không phải sống trong mộng
tưởng điên đảo chớ là gì?
Nếu đã là mộng tưởng thì làm gì có thật. Tưởng là những sự phân
biệt thương ghét, vui buồn, hờn giận hằng ngày. Còn mộng cũng là
những sự phân biệt vui buồn, thương ghét nhưng ở trong chiêm bao
vì thế mộng, tưởng đều là vọng thức, là giả huyển, là không
thật. Cho nên Bồ-tát nếu lìa xa những vọng thức giả huyển này
thì tâm mới được thanh tịnh mà có được Niết bàn. Vậy vọng thì
làm gì có nguyên nhân.
Tại vì con người còn chấp
ngã, chấp pháp nên sinh ra vọng. Nhưng tâm tánh của con người
luôn luôn sáng suốt nhiệm mầu, lúc nào cũng ở trong tâm của
chúng sinh, chớ không bao giờ mất cả. Con người vì nhận thức chủ
quan sai lầm thiếu sáng suốt nên vọng thức mới sanh. Cái vọng
này sang cái vọng khác, xoay vần mãi mãi trong vô lượng kiếp
ngay đến khi được Phật chỉ dạy rõ ràng mà vẫn không chịu giác
ngộ tâm tánh của mình. Có hồi đầu thị ngạn, quay về với chơn tâm
thường trú và thể tánh tịnh minh của mình thì vọng tan, chơn
hiện mà sống trong thanh tịnh, an lạc của Niết bàn.
Vọng là do mê, là tánh mê, tánh bất giác chớ không có nguyên
nhân gì khác. Vì thế trong Bát Nhã, không có cái gì gọi là diệt.
Không có vô minh cũng không có cái hết vô minh. Không có tuổi
già sự chết và cũng không có cái hết tuổi già sự chết. Không có
khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc
chi cả. Vì là phàm nhân nên còn thấy có vô minh phiền não
cần phải diệt. Còn thấy có khổ, tập, diệt, đạo nên cần tu chứng
để có trí tuệ và chứng đắc.
Nhưng trong trí tuệ Bát Nhã
thì vạn pháp duyên sanh như huyễn nên không có cái gì là thật
cả. Đã là không thật thì lấy gì để diệt, để trừ, để chứng, để
đắc, vô minh hay hết vô minh. Đối với phàm nhân thì họ nhìn thế
gian là thật, đau khổ là thật, vô minh là thật, phiền não là
thật nên cả đời lo tìm cách hóa giải, diệt trừ. Trừ phiền não
này chưa xong, phiền não khác lại đến. Vô minh này chưa hết thì
vô minh khác lại hiện ra nên cả đời sống trong điên đảo khổ đau.
Ngược lại, Bồ-tát cũng nhìn cái thế gian này mà đối với họ tất
cả đều là huyển nên tâm không bao giờ dính mắc. Phàm nhân thấy
cái gì cũng thật nên mới ham, mới thích khiến tham-sân-si dấy
khởi mà tạo nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời.
Người mê ví như người còn ngủ trong giấc chiêm bao, thấy cảnh
tượng cho là thật nên mới có khổ vui, thương ghét, hờn giận đến
khi thức tỉnh thì cảnh hãi hùng tan biến, cơn ác mộng bay đi vì
tất cả chỉ là giả huyển. Cũng như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa khi
điên thì ôm đầu chạy, nhưng cái đầu đâu có mất bao giờ. Con
người cũng thế. Tuy chúng sinh sống trong vô minh phiền não,
nhưng tánh giác diệu minh, chơn tâm vĩnh hằng của mình không hề
bị mất. Khi thức tỉnh giác ngộ thì chơn tâm tự hiển bày, vô minh
phiền não biến mất. Trong đạo Phật không hề có chứng đắc.
Tại sao? Bởi vì một khi
chúng sinh biết hồi đầu thị ngạn, biết quay thuyền trở lại bến
xưa để sống đúng với chơn tánh, với tánh giác trong sáng của
mình thì người đời gọi là chứng đắc chớ thật ra cái tánh giác
trong sáng kia đã có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh rồi vì thế
tu hành trong nhà Phật thì gọi là hồi đầu thị ngạn thế thôi.
Cũng như người trong túi đã có sẵn viên ngọc bích mà không biết
nên cả đời sống trong lầm than đau khổ. Nay có người thương tình
chỉ cho nên đem viên ngọc bán đi thì cái nghèo biến mất, đâu
còn. Nhưng nghĩ lại viên ngọc bích lúc nào cũng có chớ đâu phải
làm ăn khổ cực gì để tạo ra hay do ai cho?
Vậy đoạn kinh này dạy chúng sinh phải tin vào khả năng thành
Phật của mình mà khi thành đạo, chính Đức Phật đã khẳng định
rằng: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác
Phật” nghĩa là trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có
Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Chúng sinh phải tin vào
khả năng hóa giải tất cả mọi vô minh phiền não bằng chính khả
năng và nghị lực của chính mình. Người đệ tử Phật không thể cầu
khẩn nơi thần thánh, tha nhân nào đó hay gởi gắm tâm hồn nơi vô
định để có được an vui hạnh phúc, Bồ-đề hay Niết bàn là một sự
tin tưởng sai lầm đáng thương xót.
Con người vì chạy theo trần cảnh làm nhiễm ô tâm tánh của mình
mà phát sinh ra ngã chấp và pháp chấp. Ngày xưa Đức Phật chỉ có
tam y nhất bát, ngày ngày đi khất thực thính chúng, đêm ngủ dưới
gốc cây không quá ba ngày cũng là một hình thức đối trị để phá
bỏ hoàn toàn ngã chấp. Hễ có chấp ngã như địa vị, chức tước,
quyền hành… thì sẽ có ngã sở hữu như danh vọng, tiền tài, nhà
cửa, xe cộ… Con người có làm những điều tàn ác, giết hại lẫn
nhau cũng chỉ vì muốn bảo vệ bản ngã và ngã sở hữu của mình mà
cội nguồn của nó vẫn là vô minh, si mê tăm tối. Bao cuộc chiến
tranh trên thế giới từ xưa đến nay cũng không ngoài mục đích
thỏa mãn bản ngã và ngã sở hữu của mình.
LẠI RƠI VÀO NHẬN THỨC ĐỐI ĐÃI CỦA THUYẾT NHƠN DUYÊN VÀ TỰ
NHIÊN
Bấy giờ ông A Nan đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch rằng:
- Đức Thế Tôn nói về các nghiệp sát, đạo, dâm và ba duyên đoạn
rồi thì ba nhân không sanh, tánh Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm tự
hết. Hết tức Bồ-đề, không do ai đem đến.
- Bạch Thế Tôn! Như thế rõ là nhân duyên rồi, tại sao Như Lai
bác bỏ nghĩa nhân duyên? Chẳng riêng gì tôi mà một số Thanh Văn
trong hội này: Mục Kiền Liên, ông Xá Lợi Phất, ông Tu Bồ-đề… đều
do nghe lý nhân duyên của Phật mà phát tâm tỏ ngộ, được thành
quả lậu.
Nay Phật dạy Bồ-đề không do nhân duyên, vậy thì các thuyết tự
nhiên của bọn ngoại đạo Câu Xa Ly, thành Vương Xá lại là đệ nhất
nghĩa rồi sao? Xin Phật rũ lòng đại bi chỉ giáo cho kẻ chưa hết
mê mờ.
Diệu tánh bản nhiên vốn tự
viên thành chớ không do người khác đưa tới và cũng không phải
nhờ khổ công tu tập. Trong đoạn kinh trên, Đức Thế Tôn bất đắc
dĩ tạm mượn chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa mê cái đầu để chứng
minh điều đó nhằm khai thị cho chúng sinh biết nguồn vọng vốn
không nhân. Bởi diệu giác minh tâm xưa nay không hư vọng, mà đã
là vọng thì đâu có nhân gì bởi vì có nhân thì không gọi là vọng
được. Ba duyên tức là sát, đạo, dâm đã dứt thì ba nhân tức là
thế giới, chúng sinh và nghiệp quả cũng không thể phát sinh
được. Thế thì diệu giác minh tâm xưa nay vốn không mê, không
phải có được do bên ngoài cũng giống như tâm điên của Diễn Nhã
Đạt Đa nếu hết thì anh chàng này sẽ biết rằng cái đầu kia không
phải do bên ngoài mà được.
Tuy A Nan nghe Phật nói
diệu tâm đốn chứng chớ không phải nhờ sự tu hành, nhưng tôn giả
vẫn cho rằng đó là do nhân duyên bởi vì A Nan nghĩ rằng Phật
tánh nhờ nhân duyên mà hiển bày. Mà Phật tánh là thứ sẵn có chớ
không cần tu mà được thì rõ ràng Phật tánh chính là tự nhiên
rồi. Thêm nữa, ông A Nan lại còn dẫn chứng nhiều vị đệ tử Phật
và ngay cả ông nữa, cũng do nhân duyên mà được giác ngộ. Vì thế
nếu giác ngộ không do nhân duyên, thì không lẽ giác ngộ lại do
tự nhiên và đã là tự nhiên thì giáo pháp của Như Lai có khác gì
những thuyết tự nhiên của ngoại đạo? Trên thế gian này tất cả
hiện tượng vạn hữu không có sự vật nào tự nhiên mà có. Muốn no
thì phải ăn chớ không tự nhiên mà no được.
Ngay cả trong thiên nhiên
như mưa, nắng, bão tố cũng không có cái gì là tự nhiên cả. Hằng
năm vào mùa hè, những tiểu bang miền trung Tây Hoa Kỳ và dọc
theo vịnh Mễ Tây Cơ thường có những cơn bão và gió lốc tàn phá
nhà cửa và giết hại chúng sinh. Thật ra khi khí nóng từ miền Nam
gặp khí lạnh từ miền Bắc tạo thành những vòng xoáy với vận tốc
rất lớn mà con người gọi là gió lốc. Nếu không có những dòng khí
nầy thì làm gì tự nhiên mà có gió lốc được? Lý luận của A Nan
chứng tỏ ông chưa thật viên ngộ chơn tâm, Như Lai tạng tánh,
diệu giác minh tâm, bản thể chơn như của hiện tượng vạn pháp bởi
vì nhân duyên chỉ đúng trong thế giới tương đối còn trong thế
giới bản thể tuyệt đối, đệ nhất nghĩa đế thì làm gì có nhân
duyên hay tự nhiên. Mà chưa viên ngộ thì không thể viên tu được
cũng bởi vì ông A Nan học rộng nhớ nhiều mà không chịu tu chứng
nên còn thấy biết lầm lẫn. Có rời văn tự, ly ngôn thuyết mới
nhận chứng được Bản thể chơn như.
Bây giờ Phật mới bảo rằng:
- A Nan! Theo ý ông thì chàng Diễn Nhã Đạt Đa kia, nếu diệt trừ
hết “nhân duyên điên” thì tánh “tự nhiên không điên” hiện ra. Lý
nhân duyên tự nhiên theo hiểu biết của ông, luận đến cùng là như
vậy?
Này! A Nan! Cái đầu
chàng Diễn Nhã Đạt Đa vốn là “tự nhiên”. Nếu nó đã “tự nhiên”,
vậy do “nhân duyên” gì mà sợ cái đầu phát điên ôm chạy? Đầu vốn
“tự nhiên” vì “nhân duyên” gì mà điên?
Tại sao không vì “nhân Duyên” gì mất đi để khỏi điên? Cái
đầu không mất, cũng chẳng thay đổi chút nào. Còn cái điên là do
mê vọng mà có, không bởi, cũng chẳng tại “nhân duyên” mà có ra.
Nếu tánh điên vốn “tự nhiên”, tự nhiên sẵn có tánh hoảng sợ, vậy
lúc chưa điên, cái điên ẩn trú chỗ nào? Tánh hoảng sợ nương náu
ở đâu? Nếu tánh không điên là tự nhiên thì trong đầu chẳng có
việc gì, cớ sao lại phải phát điên ôm đầu chạy?
Nếu hiểu kỹ rằng: Cái
đầu là đầu của mình sẵn có rồi. Biết chắc rằng: vì điên mà ôm
đầu chạy hoảng thì cái thuyết “nhân duyên” “tự nhiên” đều là hý
luận. Thế nên Như Lai nói:
Ba duyên đoạn rồi là
Bồ-đề tự hiện. Nếu bảo rằng: Đoạn ba duyên rồi thì Bồ-đề tâm
sanh, vì tâm sanh diệt đã diệt thì đó cũng chỉ là “sanh”, “diệt”
trong vòng đối đãi. Diệt và sanh đều xóa hết, mới đến chỗ “vô
công dụng”. Ông A Nan xưa nay luôn chấp vào quan niệm nhân
duyên, tự nhiên cũng là việc thường tình vì ông chưa thâm nhập
vào bản thể chân như, vào chơn tâm tuyệt đối.
Giáo lý của Đức Phật có thể
chia làm hai mặt: Nếu đứng về phương diện không gian thì đạo
Phật chủ trương rằng vạn pháp là do nhân duyên hòa hợp mà thành.
Còn đứng về phương diện thời gian thì vạn pháp là do nhân và quả
mà thành tựu.
Thí dụ vì do nhân duyên như
gạch, ngói, cây, gỗ nên cái nhà được xây dựng. Trong khi đó, nếu
ngày nay chuyên cần học tập thì năm mười năm sau chúng ta sẽ có
nghề nghiệp vững chắc. Nhưng đây chỉ là chân lý tục đế tức là
chân lý tương đối, có sinh có diệt. Còn đệ nhất nghĩa đế là chân
lý tuyệt đối, bất sinh bất diệt, vô cùng vô tận thì làm gì có
nhân duyên hay tự nhiên. Vì thế Đức Phật mới mượn câu chuyện anh
chàng Diễn Nhã Đạt Đa để khai thị cho A Nan. Nếu nói rằng Diễn
Nhã Đạt Đa tự nhiên điên thì không đúng. Bởi vì trước khi chưa
điên thì “cái tự nhiên điên” nó ở đâu?
Còn nếu cho rằng Diễn Nhã
Đạt Đa tự nhiên điên thì lúc nào anh chàng này cũng điên chớ đâu
phải đợi đến lúc soi mặt mình trong gương thì mới phát điên ôm
đầu chạy. Vậy thuyết “tự nhiên” dĩ nhiên là không đúng cho nên
Phật mới bác bỏ. Nếu tự nhiên không đúng thì nhân duyên như thế
nào? Nếu cho rằng vì do nhân duyên mà anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa
bị điên, ôm đầu chạy như thế khi cơn điên hết thì nhân điên và
duyên điên ở đâu, cái nhân duyên điên đó phát xuất từ chỗ nào?
Nếu đã là tự nhiên không điên thì nhân duyên gì phát điên ôm đầu
chạy hoảng? Nhân đã không tìm thấy thì duyên làm sao có được. Vì
thế thuyết tự nhiên sinh, tự nhiên có không phải là của Phật
giáo, không đúng chân lý mà là triết lý của Lão Tử trong Đạo Đức
kinh. Còn nói về nhân duyên là nói về tục đế tức là giáo lý
tương đối nhưng trong đệ nhất nghĩa đế không hề có nhân duyên và
cũng chẳng có tự nhiên.
Phật lại dạy rằng:
A Nan! Bồ-đề Niết bàn còn xa, nếu ông không siêng năng tu tập,
dù ông có nhớ diệu nghĩa 12 bộ kinh của thập phương Như Lai cũng
chỉ thêm nhiều hý luận. Dù ông có huân tập đa văn, ông cũng
không tự hóa giải nạn Ma Đăng Già, dù nhiều kiếp nhớ ghi diệu
pháp của Phật, cũng không bằng một ngày chuyên tu vô lậu nghiệp.
Xa lìa hai khổ thương ghét thế gian. Ma Đăng Già trước kia là
dâm nữ, do được nghe Thủ Lăng Nghiêm mà diệt được lòng ưa muốn.
Nay trong Phật pháp nàng có tên Tánh tỳ kheo ni, cùng với mẹ La
Hầu La là Da Du Đà La, đồng ngộ nhân trước, biết đã trải qua
nhiều đời, nhân vì tham ái mà khổ, một niệm huân tu pháp vô lậu
thiện, thì người đã ra khỏi ràng buộc, người thì được Phật thọ
ký, làm sao, ông còn tự dối mình, mắc míu mãi trong vòng nghe
thấy.
A Nan là một điển hình cho chúng sinh tập khí giỏi văn chương,
giàu ngôn từ, nhưng không chịu tham thiền, nhập định nên không
bao giờ thấy được Pháp thân thanh tịnh của mình. Tuy Phật pháp
cao siêu mầu nhiệm và được dung chứa trong 12 bộ kinh, nhưng Đức
Phật giáo hóa chúng sinh dựa theo 8 phương thức (tám khoa) khác
nhau :
1) Tạng giáo: là các pháp môn tu học có dạy chung trong tam tạng
kinh (Kinh tạng, Luận tạng và Luật tạng).
2) Thông giáo: là giáo pháp dạy chung cho tất cả ba hạng căn cơ
: Thượng, Hạ, Trung và ba thừa : Tiểu, Trung và Đại.
3) Biệt giáo: là giáo pháp dạy riêng cho mỗi căn cơ hoặc Thượng,
hoặc Trung, hoặc Hạ, hoặc riêng cho Tiểu thừa, hoặc riêng cho
Trung thừa, Duyên giác, hoặc riêng cho Đại thừa Bồ-tát.
4) Viên giáo: là giáo pháp viên tròn, đầy đủ cũng còn gọi là
“liễu nghĩa”. Thí dụ như kinh Hoa Nghiêm chỉ chuyên dạy cho các
hàng Bồ-tát Đại sĩ Pháp thân (từ Thập trụ đến Thập Địa Bồ-tát).
5) Đốn giáo: là giáo pháp đốn ngộ tức là giác ngộ nhanh chóng.
Đây là pháp môn trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật hay là
“Trực chỉ Thiền” của Tổ Bồ-đề Đạt Ma hay Lục Tổ Huệ Năng.
6) Tiệm giáo: là giáo pháp dạy tu chứng dần dần, từ bậc thấp lên
đến bậc cao. Thiền thì có Ngài Thần Tú và cũng là Tịnh độ pháp
môn.
7) Bí mật giáo: là dạy vế cách bắt ấn, trì chú, tam mật tương
ưng tức thân thành Phật. Nói cách khác thân, khẩu, ý của mình
tương ứng với thân, khẩu, ý của Phật. Đây là Mật tông.
8) Bất định giáo: là giáo pháp mà Đức Phật tùy theo cơ nghi
thuyết dạy chớ không nhất định là phải thuộc riêng về một căn cơ
nào cả.
Khi Phật giáo du nhập vào
Trung Hoa vào thế kỷ thứ 7, ở phương Bắc có Ngài Thần Tú trong
khi đó ở phương Nam có Lục Tổ Huệ Năng. Chính Lục Tổ đã dạy
chúng sinh “Trực chỉ thiền” mà về sau được chia ra làm năm
nhánh. Đó là Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động, Quy Ngưỡng và Lâm Tế.
Tất cả hiện tượng vạn pháp đều phát nguyên từ bản thể chơn như
mầu nhiệm, nhưng con người phải lìa văn tự, ly ngữ ngôn, hồi
quang phản chiếu để thấy được bản tâm thanh tịnh thì Bồ-đề, Niết
bàn mới hiển lộ.
Tuy nhiên, người đệ tử Phật
khi tu hành để muốn được chứng đắc nên dùng tâm muốn lấy, muốn
kiến, muốn đắc thì họ lại lọt vào vọng rồi. Thí dụ, tham thiền
để muốn được kiến tánh tức là kiến tánh thành Phật hay niệm Phật
để muốn được nhất tâm thì tâm này là vọng tâm. Tại sao? Bởi vì
Phật của mình đã thành sẵn rồi chớ không phải khi kiến tánh mới
đắc được, do vậy mà chư Tổ đã dạy rằng: “Vô sở cầu, vô sở đắc,
vô sở sợ” là vậy. Nếu còn hy vọng chứng đắc là vọng. Vì thế Đức
Thế Tôn mới thương xót khuyên A Nan cố gắng tu hành. Bồ-đề, Niết
bàn vẫn còn xa lắm nếu A Nan không siêng năng trải qua nhiều
kiếp tu hành thì không thể chứng nghiệm chân lý.
Cho dù A Nan có ghi nhớ
toàn bộ 12 bộ kinh thì cũng chẳng ích lợi gì. Đa văn là do nhiều
kiếp huân tập mà có, nhưng vẫn không tránh khỏi nạn Ma Đăng Già
mà phải nhờ thần chú Thủ Lăng Nghiêm mới giải cứu ông ta được.
Vì thế tuy A Nan trải qua nhiều kiếp học rộng, biết nhiều nhưng
vẫn không bằng một ngày tu vô lậu nghiệp. Đến như dâm nữ Ma Đăng
Già và công chúa Da Du Đà La chỉ cần một niệm huân tu vô lậu
thiện mà một người đã thoát ly phiền trược trở thành A la hán,
một người được Phật thọ ký về sau sẽ thành Phật (kinh Pháp Hoa).
Còn A Nan là một nam tử đại
trượng phu cớ sao không dũng mãnh huân tu mà còn mắc kẹt trong
vòng nghe thấy (kiến, văn, giác, tri). Người đệ tử Phật phải tin
rằng mình đã sẳn có diệu tâm sáng tỏ, không phải do tu mới
thành, do chứng mới đắc. Tất cả kinh điển của Phật chỉ là phương
tiện dùng để phá tư tưởng chấp thật của mình. Vì thế, khi thức
tỉnh thì mới biết mình có tất cả. Tự tánh Bồ-đề, tự tánh Niết
bàn thì lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh cũng như
mây tan thì trời sáng hay đào ao có nước thì ánh trăng sẽ hiện
mà không cần phải trông chờ mong đợi gì hết.
|
|