Phật bảo:
- Này đại vương! Như đại vương đã biết ngay nơi thân ông đang
tồn tại, nay Như Lai hỏi ông. Thân máu thịt này của ông có giống
như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?
Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay, rốt cuộc rồi sẽ bị biến hoại.Bottom
of Form
Đức Phật bảo :
- Đại vương! Ông chưa
từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?
- Bạch Thế Tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay
tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi
mãi không ngừng như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn
hoại không dừng nên con biết chắc thân này sẽ bị diệt mất.
Đức Phật nói :
- Này Đại vương! Đúng
như vậy.
Đại vương! Ông nay tuổi đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ như
thế nào?
- Bạch Thế Tôn! Khi xưa con còn bé, da dẻ tươi nhuận, đến tuổi
trưởng thành, khí huyết sung mãn, nay tuổi già, thân thể cũng
theo đó mà già yếu khô gầy, tinh thần không còn sáng suốt, tóc
bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Làm sao có thể so sánh với
khi còn trẻ mạnh.
Phật bảo:
- Này đại vương! Thân
thể của ông đâu phải già liền?
Vua Ba-tư-nặc thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nó âm
thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời cho đến
ngày nay. Vì sao? Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc
mặt đã già hơn lúc mười tuổi. Khi ba mươi thì già hơn lúc mới
hai mươi. Nay con đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi
tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn nhiều.
- Bạch Thế Tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi, tuy cái già nua nầy
thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng
những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ mà thực ra nó thay
đổi trong mỗi năm, chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà
thực ra nó thay đổi trong từng tháng. Chẳng những nó thay đổi
trong từng tháng, mà thật ra nó thay đổi trong từng ngày. Suy
nghĩ thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát
na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghĩ. Thế nên con biết
thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.
Đức Phật bảo :
- Này đại vương! Ông
thấy sự biến hóa thay đổi không ngừng, nên biết thân mình hoại
diệt. Vậy chính khi nó hoại diệt, ông có biết trong thân có cái
gì không hoại diệt chăng?
Vua Ba-tư-nặc thưa :
- Thật con chẳng biết.
Đức Phật đã khai thị cho vua Ba-tư-nặc và đại chúng thấu rõ sắc
thân tứ đại là một hiện tượng, một dạng vật lý cho nên phải bị
chi phối bởi luật vô thường của tạo hóa. Sắc thân thay đổi không
ngừng, biến hóa theo niên kỷ, tháng ngày dời chuyển, thay đổi
từng giờ, từng phút, từng sát na.
Phật Chỉ Cái
“Tánh Thấy” Không Sinh Diệt
Đức Phật bảo :
- Nay tôi sẽ chỉ cho ông
tánh chẳng sinh diệt.
Đức Phật bảo :
- Này đại vương! Ông
thấy nước sông Hằng lúc mấy tuổi?
Vua Ba-tu-nặc thưa :
- Khi lên ba tuổi, mẹ
con dẫn đến lễ bái Kỳ-đà-thiên, có đi qua con sông này. Con được
thấy nước sông Hằng khi ấy.
Đức Phật bảo :
- Này đại vương! Như ông
vừa nói, khi ông hai mươi tuổi thấy mình già hơn khi mười tuổi,
cho đến khi sáu mươi tuổi , ngày qua tháng lại, niệm niệm dời
đổi. Vậy khi ông thấy nước sông Hằng lúc ba tuổi so với cái thấy
nước sông Hằng lúc mười ba tuổi như thế nào?
Nhà vua thưa :
- Cái thấy ấy không khác
so với khi còn ba tuổi, cho đến nay con đã 62 tuổi, cái thấy ấy
vẫn không khác.
Đức Phật bảo :
- Nay ông tự cảm thương
tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái
thấy sông Hằng của ông hiện nay và cái thấy lúc còn nhỏ có già
có trẻ chăng?
Vua Ba-tư-nặc thưa :
- Bạch Thế Tôn! Không
vậy.
Đức Phật bảo :
- Mặt ông tuy nhăn,
nhưng tánh thấy này chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi,
còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi.
Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt, cái không biến đổi kia vốn
chẳng sinh diệt, làm sao trong đó nó nhận chịu sự sinh tử của
ông? Mà ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: “Thân này
sau khi chết là hoàn toàn mất hẳn”.
Vua nghe lời ấy, tin rằng thân này sau khi chết sẽ sinh thân
khác, nên vua cùng đại chúng vui mừng hớn hở như được điều chưa
từng có.
Theo tục lệ của người Ấn Độ vào thời Đức Phật thì người Ấn Độ
phải đến sông Hằng để lấy nước sông mà xối từ đỉnh đầu xuống
khắp châu thân để gội sạch tất cả những ô nhiễm, dơ bẫn giúp cho
họ loại bỏ những vô minh mà có được trí tuệ sáng suốt. Vì thế mà
vua Ba-tư-nặc cũng làm theo tục lệ này nên khi lên ba tuổi được
mẹ dắt đến sông Hằng trước là lễ lạy thần sông Kỳ-bà-thiên và
sau đó dùng nước thiêng của sông Hằng mà rửa sạch những uế
trược, bẩn nhơ.
Ngày nay chúng ta sống ở những quốc gia Tây phương, tín đồ của
những hệ phái tin lành, Thiên chúa giáo cũng dùng nước thánh
(nước lạnh từ trong faucet) để rửa tội. Họ làm những cái bồn lớn
như bồn tắm rồi nhận tín đồ vào đó cho ước toàn thân thì những
tội lỗi do tổ tiên gây ra sẽ được xóa sạch. Đây là họ bắt chước
theo câu chuyện ông thánh John đã rửa tội cho chúa Jesus trong
dòng sông Jordan hai ngàn năm về trước. Thật ra người Phật tử
không cần phải đến sông Hằng, hay qua tận trung Đông để ngâm
mình trong dòng sông Jordan mà rửa tội. Vì có rửa cũng chẳng bao
giờ sạch được. Nếu tội lỗi có thể dùng xà phòng, hay nước mà rửa
được thì chúng ta tắm hằng ngày bao nhiêu tội ác cũng theo dòng
nước trôi đi đâu còn nữa. Như vậy thế giới này sẽ biến thành
thiên đường cực lạc rồi, nhưng tại sao con người vẫn còn tranh
chấp giết hại lẫn nhau? Tội là do tâm tạo để biến thành nghiệp
chướng. Nhưng tâm là tư tưởng mà dùng nước rửa bên ngoài thì làm
sao xóa được những tư tưởng thiện ác trong tâm!
Tuy sắc thân tứ đại biến đổi, hư hoại, thoái hóa theo thời gian,
không gian cũng như :
“Xuân đến trăm hoa nở
Xuân đi trăm hoa rụng
Sự vật đổi thay trông trước mắt
Già nua biểu hiện mái tóc sầu”.
Nhưng trong cái vô thường sinh diệt đó, còn có cái thường hằng
bất sinh bất diệt. Đó là cái tánh thấy. Thật ra tánh thấy cũng
là một hiện tượng, nhưng là hiện tượng của sự tùy duyên biểu
hiện của bản thể chân như. Vì thế thân già mắt kém nhưng tánh
thấy không già. Tóc tuy có điểm màu sương, lưng có còm, má có
hóp nhưng tánh thấy vẫn sáng suốt như ngày nào, không tăng không
giảm. Trong thế giới hữu vi sinh diệt, hễ có sắc, có tướng là có
thay đổi rồi sẽ hoại diệt mất đi. Chỉ có bản thể chân thường là
bất sinh bất diệt cũng như :
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Trước sân, xuân nọ cành mai hãy còn.
Xuân đến thì mai nở, xuân đi thì mai rụng cũng như duyên đến thì
thân sanh, duyên tan thì thân hoại. Xuân đến, xuân đi, mai nở,
mai tàn, nhưng cây mai trước sân nhà đâu có mất. Cũng như sắc
thân có sinh có diệt, nhưng bản thể chân như có mất bao giờ.
A Nan Cầu
Phật Chỉ Cái “Điên Đảo”.
A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Nếu cái
thấy nghe này không sanh diệt, tại sao chúng con bỏ quên chân
tánh, làm việc điên đảo? Nguyện xin Thế Tôn đem lòng thương xót
rửa sạch trần cấu cho chúng con.
Liền khi ấy, Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ
xuống, bảo A Nan rằng :
- Nay ông thấy cánh tay
tôi như thế này là xuôi hay ngược?
A Nan thưa :
- Chúng sinh trong thế
gian đều cho đó là ngược, riêng con chẳng biết thế nào là xuôi
hay ngược.
Đức Phật bảo A Nan :
- Nếu người thế gian cho
là ngược, vậy họ cho thế nào là xuôi?
A Nan thưa :
- Khi Như Lai đưa cánh
tay hướng lên trên không thì gọi là xuôi.
Bấy giờ Phật đưa cánh tay lên và bảo ông A Nan :
- Cái trái ngược của ông
là ở chỗ đó, chỉ có một việc thay đổi lẫn nhau vậy mà người thế
gian gán cho cái thấy một ý niệm Ngược, Xuôi. A Nan! Thân ông và
thân Như Lai chẳng khác gì nhau, nhưng thân Như Lai là pháp thân
thanh tịnh chánh biến tri giác, còn thân ông gọi là tánh điên
đảo. Vậy ông hãy chín chắn suy nghĩ tìm xem sự trái ngược của
thân ông và thân Phật khác ở chỗ nào?
Khi ấy A Nan cùng toàn thể chúng hội chăm chú nhìn Phật không
chớp mắt, không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo?
Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A Nan và cả đại chúng, nên
phát ra lời nói bằng âm thanh như tiếng hải triều, bảo khắp đại
chúng :
- Này các thiện nam tử! Như Lai thường nói
sắc, tâm và tâm sở pháp đều duy tâm biến hiện. Thân tâm các ông
chỉ là vật ở trong chơn tâm minh diệu. Tại sao các ông bỏ mất đi
cái chơn tâm minh diệu quý báu mà nhận lấy cái mê trong ngộ?
Dựa vào câu hỏi thì đủ biết ông A Nan vẫn chưa thấy được chân
tánh nên lấy vọng làm chân mà tâm sinh điên đảo. Đứng về mặt
chơn đế, vạn pháp vốn không có tên tuổi, nhưng đứng về mặt tục
đế, nhân sinh xã hội đặt cho sự vật vạn pháp một danh ngôn để
xưng gọi mà con người sống phù hợp theo tánh hiện thực khách
quan của nó. Nhưng tai hại của danh ngôn là do sanh lòng chấp
mắc. Con người vì chấp vào hình tướng nên cho rằng hướng này
đúng hướng kia sai, tay đưa lên là xuôi hay đưa xuống là nghịch.
Xuôi đối với người này mà nghịch đối với người kia thì xuôi
ngược nói sao chẳng được, lấy gì làm tiêu chuẩn mà nói đúng hay
sai. Ông A Nan còn để tâm duyên theo tiền trần thì bị Phật quở
là đúng rồi.
Khi cư sĩ Duy Ma Cật hỏi
Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ Di Lặc trong Kinh Duy Ma Cật rằng: “Thế
Tôn thọ ký cho Ngài một đời nữa sẽ thành Phật. Đời quá khứ đã
qua, đời hiện tại biến chuyển không ngừng, đời tương lai chưa
đến. Vậy một đời là đời nào? Theo Phật giáo không có cái móc
thời gian nên thời gian là giả huyển, không thật. Con người đặt
ra để gọi thế thôi. Người Tàu gọi giờ thìn, giờ ngọ. Người Mỹ
gọi năm giờ, bảy giờ… Cũng cùng một thời gian mà bên Mỹ là mùa
đông giá rét, còn ở Úc là mùa hè nóng bức. Ở Việt nam là ban đêm
trong khi đó ở Hoa kỳ lại là ban ngày. Thế thì thời gian nào là
thật? Con người còn chạy theo hình sắc bên ngoài là chạy theo
sinh diệt, còn biết quay về với thật tướng, chân tánh thì mới
sống được với chơn tâm thanh tịnh thường hằng bất biến. Nhưng
chân tánh là chân không thì làm sao thấy được mà so sánh xuôi
hay ngược.
Bây giờ Phật hỏi tại sao thân Phật và thân ông A Nan giống nhau
mà thân Phật gọi là pháp thân thanh tịnh Chánh biến tri, còn
thân A Nan là thân điên đảo? Nếu nhìn từ hình sắc thì thân của
Đức Phật và thân của A Nan đều là thân tứ đại, chịu sinh lão
bệnh tử như nhau, không sai không khác. Nhưng ở đây Đức Phật
dùng chữ “pháp thân thanh tịnh” cho nên thân mà Đức Phật muốn ám
chỉ trong đoạn kinh này không phải là ứng thân sinh diệt mà
chính là pháp thân, là chơn tâm thanh tịnh có sẳn trong tất cả
mọi chúng sinh. Cái khác nhau ở đây là Đức Phật lúc nào cũng
sống với chơn tâm. Đó là Ngài làm chủ bản thân, làm chủ vạn pháp
và làm chủ tâm tánh mình. Đức Thế Tôn nhìn tất cả hiện tượng vạn
pháp với cái “tri kiến vô kiến” nghĩa là thấy mà như không thấy
nên tâm không còn dính mắc. Cái tâm này chính là pháp thân thanh
tịnh Chánh biến tri. Ngược lại ông A Nan và đại chúng sống với
tâm phan duyên, chạy theo ngoại trần mà quên bỏ tâm tánh của
mình. Ông nhận thức vạn pháp theo “tri kiến lập tri” nghĩa là
thấy sao biết vậy nên tâm chất đầy vọng tưởng, không thanh tịnh.
Do đó Phật quở ông A Nan vì bỏ mất chơn tánh nên A Nan sống với
tánh điên đảo là như vậy.
Dựa theo Duy thức luận, tâm gồm có tám thức (nhãn thức, nhĩ
thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức và
a-lại-da thức) đều có quyền tự chủ, tự tại, cũng như vị vua nên
được gọi là “tâm vương”. Vị quốc vương thì phải có quần thần phụ
tá, tâm vương thì cũng phải có bộ hạ tùy tùng giúp đở mới tác
tạo ra nghiệp. Những bộ hạ này không được tự tại nên gọi là “tâm
sở” hay “tâm sở pháp”. Những thứ như tham, sân, si, mạn, nghi,
ác kiến… đều thuộc về tâm sở. Sắc thuộc về sắc pháp như hình
sắc, màu sắc, nhưng sắc là tướng phát sinh bởi tâm vương và tâm
sở. Do đó sắc, tâm và tâm sở pháp cũng đều do tâm biến hiện. Vì
thế nếu sống với tánh thì có được chơn tâm, ngược lại chạy theo
trần thì sống trong điên đảo khổ đau.
Phật lại dạy rằng :
A Nan! Mê muội thành ra
có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành
sắc. Sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận tướng vọng làm thân. Cảnh
sắc bên ngoài phản ánh tư tưởng bên trong rồi cho cái tác dụng
nghĩ ngợi lăng xăng là tâm tánh. Một khi đã lầm là tâm thì chắc
chắn nhận lầm tâm ở trong thân. Chẳng biết rằng từ sắc thân cho
đến núi sông hư không và thế giới đều là vật ở trong chơn tâm
minh diệu. Thật chẳng khác trăm ngàn biển lớn sạch trong, chỉ
nhận một cái bọt nước rồi cho đó là nước của toàn thể đại dương.
Các ông là những người trong đám người mê, chỉ một cánh tay Như
Lai mà nảy sanh quan niệm Ngược Xuôi, tranh biện. Như Lai gọi
các ông là những người đáng thương xót.
Ông A Nan và đại chúng cũng vì nhận tâm phan duyên làm chơn tâm
nên sống trong điên đảo mà tạo nghiệp để phải lưu chuyển trong
sinh tử luân hồi. Vì còn mê nên con người chỉ tham đắm hình sắc
ảo tưởng, giả dối sinh diệt bên ngoài mà quên quay về sống với
cái chân thật, thanh tịnh, không sinh diệt, lúc nào cũng có bên
trong là chơn tâm, là bản lai diện mục, là Phật tánh vĩnh hằng
trong tất cả mọi chúng sinh. Hình sắc có khác biệt như núi cao
rừng thẳm, chim bay cá lặn, trời xanh mây trắng và những hình
ảnh đó tuy có đẹp đẽ, hấp dẫn hay quyến rũ đến đâu thì tất cả
cũng đều do bản tâm biến hiện. Người mê thì lấy sắc, hư không
làm tâm, chẳng khác nào như thấy một bọt biển nhỏ bé mà cho rằng
đó là toàn thể nước của đại dương. Còn kẻ thức tỉnh thì sống với
chơn tâm bao la vô cùng vô tận cũng như toàn thể nước của đại
dương không còn ngăn ngại.
Tuy chơn tâm rộng lớn bao la vô cùng vô tận, nhưng còn người
sống với tâm phan duyên, nhận các tướng sinh diệt của trần cảnh
làm bản tâm nên chính họ đã đánh mất đi cái chân tánh trong sạch
tức là chơn tâm minh diệu. Vì thế Đức Phật mới gọi đây là sự
trái ngược cũng giống như cánh tay của Như Lai đang buông rũ
xuống.
Chúng sinh vì chấp cái sắc thân tứ đại và thế giới giả dối sinh
diệt bên ngoài mà đánh mất đi cái hiện hữu không sinh diệt đã
sinh ra nó cho nên Đức Phật mới gọi đây là sự đảo lộn. Thí dụ
khi chúng ta nhìn vào tấm gương thì thấy tất cả những hình tướng
phản chiếu từ tấm gương. Nào là nhà xinh xe đẹp; nào là núi cao
rừng thẳm; nào là trăng sáng mây bay; thiên hình vạn tướng… Con
người thấy được những hình sắc đẹp đẻ trong gương nhưng họ quên
mất những hình sắc đó là do sự soi chiếu từ bản gương. Cũng thế
chơn tâm là cội nguồn sinh ra tất cả vạn pháp trên thế gian mà
con người quên bỏ nó để chạy theo tâm phan duyên sinh diệt. Do
đó người mê thì họ sống trong sắc tướng thế giới giả dối, còn
người giác ngộ luôn sống trong chân tánh thanh tịnh của bản tâm.
Dựa theo Pháp Giới Duyên Khởi thì “Bất biến Tùy duyên” có nghĩa
là khi có đủ nhân duyên thì Bản Thể Chân Như duyên khởi thành
vạn vật trong thế gian này.
|
|