Phật bảo A Nan:
- Dù ông ngộ được tâm tánh bản giác nhiệm mầu sáng suốt, không
phải nhân duyên, không phải tự nhiên, nhưng ông còn chưa rõ tâm
tánh sinh ra do hòa hợp hay không hòa hợp.
A Nan! Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất
cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự
nghĩ lầm rằng chứng được tâm Bồ-đề là do hòa hợp mà phát khởi.
Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng
hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp? Là cùng với thông hòa hợp hay
cùng với bít hòa hợp?
Nếu hòa hợp với sáng,
hiện nay ông thấy sáng thì tánh thấy hòa chỗ nào? Tánh thấy và
tướng sáng có thể nhận được, còn cái hình trạng “hòa” sẽ ra sao?
Nếu tướng sáng ngoài tánh thấy, làm sao thấy được sáng? Nếu
tướng sáng là tánh thấy, hóa ra thấy được tánh thấy, còn gì vô
lý bằng? Với tướng tối, tướng thông, tướng bít cũng vậy.
Lại nữa, A Nan! Hiện nay tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông,
nó hợp với sáng hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít?
Nếu hợp với sáng, đến khi tối tướng sáng mất đi rồi, tánh thấy
không còn hợp được với tối, làm sao thấy được tối? Nếu không hợp
với tối mà thấy được tối, khi hợp với sáng lẽ ra không thấy được
sáng. Đã không thấy được sáng, làm sao hợp với sáng và biết được
sáng không phải là tối? Với tướng thông, tướng bít cũng vậy.
Đến đây ông A Nan và đại chúng cho dù có thấu hiểu bản tâm thanh
tịnh sáng suốt nhiệm mầu không phải là do nhân duyên, cũng không
phải là do tự nhiên mà có, nhưng có phải nó được sinh ra do hòa
hợp hay không hòa hợp chăng? Hòa hợp có nghĩa thuận hay nghiêng
về một phía nào đó. Nếu hòa hợp phía trái thì không thể hòa hợp
phía mặt được. Trong phần kinh này nếu hòa hợp với sáng thì
không thể hòa hợp với tối hay ngược lại. Và nếu hòa hợp với
tướng thông thì không thể hòa hợp với tướng bít được.
Trước hết, Đức Phật dùng cảnh vật bên ngoài tức là tiền trần để
làm đối tượng. Do đó khi ông A Nan nhìn thấy cảnh vật bên ngoài
làm phát khởi sự suy tưởng ở trong tâm. Bây giờ nếu ông A Nan
dùng những tư tưởng sinh diệt ấy mà tu để mong chứng được đạo
quả Bồ-đề thì đây là một quan niệm sai lầm to lớn vì chạy theo
vọng thức là sống với thức tâm tức là sống với tâm vô minh phiền
não thì làm gì có an lạc được. Vả lại, nếu tánh thấy hòa hợp
được với tướng sáng nghĩa là tánh thấy chỉ thấy được ánh sáng
ban ngày, như thế khi màn đêm buông xuống ánh sáng không còn lẽ
ra không thấy gì cả nhưng tại sao tánh thấy lại thấy được bóng
tối. Nếu tánh thấy vừa thấy được ánh sáng và cũng vừa thấy được
bóng tối thì làm sao nói hòa hợp hay không hòa hợp cho được. Vậy
tánh thấy chắc chắc vượt ra khỏi cái thấy bình thường của con
người vì nó thanh tịnh thông suốt cả mười phương thế giới. Muốn
thấy được tánh thấy này, chúng sinh phải buông bỏ tất cả những
vọng tâm chấp trước, những cái thấy duyên với bên ngoài để tâm
dần dần được thanh tịnh mà có được pháp nhãn thanh tịnh thì tánh
thấy thường hằng sẽ hiện bày.
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Nay tôi
lại nghĩ: Tánh thấy nhiệm mầu đối với trần cảnh và các tưởng
niệm nhớ nghĩ không hòa hợp chăng?
Phật dạy rằng :
- Nay ông lại nghĩ rằng
tánh thấy không hòa hợp? Tánh thấy ông gọi là không hòa hợp, nó
không hòa hợp với sáng hay không hòa hợp với tối? Không hòa hợp
với thông hay không hòa hợp với bít? Nếu không hòa hợp với sáng
thì giữa tướng sáng và tánh thấy phải có lằn ranh giới. Ông hãy
xét kỹ : Chỗ nào là tướng sáng, chỗ nào là tánh thấy? Chỗ nào là
ranh giới giữa hai thứ kia? A Nan! Nếu trong tướng sáng không có
tánh thấy, tướng sáng và tánh thấy không đến với nhau, tất nhiên
tánh thấy sẽ không thấy sáng, làm sao lập ra ranh giới? Đối với
tướng tối, tướng thông, tướng bít cũng vậy. Lại nữa, tánh thấy
nhiệm mầu không hòa hợp là chẳng hợp với tướng sáng, hay chẳng
hợp với tướng tối, chẳng hợp với cái thông hay chẳng hợp với cái
bít. Nếu chẳng hợp với tướng sáng thì tánh thấy và tướng sáng có
tánh trái nghịch nhau. Ví như lỗ tai và tướng sáng, hoàn toàn
không tiếp xúc được nhau. Tánh thấy còn chẳng biết tướng sáng ở
đâu thì làm sao phân biệt được nghĩa hợp hay chẳng hợp. Đối với
cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Phần trên khi ông A Nan chấp tánh thấy có hòa hợp thì bị Phật
bác, trong phần này ông liền chuyển qua không hòa hợp. Trần cảnh
và các ý tưởng trong tâm thức đều là vọng thức sinh diệt còn
tánh thấy thường hằng bất biến thì làm sao hòa hợp hay không hòa
hợp được. Đức Phật lại đưa ra thí dụ rằng nếu tánh thấy và ánh
sáng không hòa hợp được thì dĩ nhiên hai bên phải có ranh giới
chia đôi nghĩa là tánh thấy và ánh sáng không thể pha trộn lẫn
nhau. Nhưng tánh thấy là chân không, vô hình vô tướng thì làm
sao phân chia ranh giới với tướng sáng cho được.
Trong những đoạn kinh trên, Đức Phật bác các thuyết nhân duyên,
tự nhiên và hòa hợp chớ Ngài không bác lý Duyên khởi. Giáo lý
Duyên khởi là đạo lý vi diệu thậm thâm của Phật giáo. Bởi vì tất
cả mọi sự vật trên thế gian vũ trụ này đều là do hiện tượng
trùng trùng duyên khởi mà có. Do duyên khởi mà sự vật có sinh ra
(sinh) và cũng do duyên khởi sự vật tiếp tục phát triển tồn tại
(trụ). Vì sự vật không có tự tánh nên do duyên khởi phải chịu sự
thoái hóa của luật vô thường mà thay đổi (dị) và sau cùng đi đến
tiêu diệt (diệt). Do đó khi nói đến sinh và diệt thì nói đến
nhân duyên và khi nói đến trụ và dị thì nói đến hòa hợp. Mặc dù
sinh, trụ, dị, diệt đều là duyên khởi, là huyển hóa không thật
nên Phật mới bác đi các nghĩa nhân duyên, tự nhiên chớ Phật
không bác bỏ đạo lý Duyên khởi. Tại sao? Bởi vì tất cả mọi sự
vật duyên khởi như huyễn nên khi sinh không có gì thật sự là
sinh nên mới gọi là không phải nhân duyên và sự vật duyên khởi
không thật có, vì không có tự tánh, nên mới gọi là không phải tự
nhiên. Nhưng cái tánh Duyên khởi như huyển, không có tự tánh này
lại là chân tánh, là pháp giới tánh, là tánh chân như nhiệm mầu
và là tâm tánh chân thật của tất cả mọi chúng sinh.
|
|