A Di Đà Phật! Kính chào quý khách ghé thăm 

 

 

Phần Giới Thiệu

 



Lời Nói Đầu
Phần Giới Thiệu
Đề Mục Kinh
Nhân Duyên Và Thời Điểm Phật Nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Phần Chánh Tông
Bảy Đoạn Phật Hỏi Về Tâm Chỉ Rõ Tánh Thấy
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Hai
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Ba
A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận
Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Tư Và Thứ Năm
A Nan Nghi "Chơn Tâm" Đồng Với Thuyết "Tự Nhiên" Của Ngoại Đạo Do Nhận Thức Sai Lầm Khiến Cho Con Người Bỏ Mất Bản Tâm Thanh Tịnh Bản Giác Thường Trú Của Mình
Tánh Thấy Ngoài Hai Nghĩa : Hòa Hợp Và Không Hòa Hợp
Bốn Khoa Bảy Đại Vốn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Như Lai Tạng
Sáu Nhập Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Mười Hai Xứ là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng
Bảy Đại Là Hiện Tượng Biểu Hiện Của Như Lai Tạng
Giác Ngộ Và Phát Nguyện
Phật Thuyết Minh Tánh Của Các Đại Vốn Không Ngăn Ngại Gì Nhau, Nhằm Khai Thị Chơn Lý - Sắc Không, Không Sắc.
Phật Khai Thị Nguồn Gốc Duyên Khởi Của Hiện Tượng Vật Chất
Phật Chỉ Hai Nghĩa Quyết Định
Dựa Vào Nhơn Tu Mà Suy Biết Quả Sơ Chứng
Chỉ Rõ Chổ Hư Vọng Của Sáu Căn
Phật Bảo Đánh Chuông Để Chứng Nghiệm Tánh Nghe Của Nhĩ Căn Là Thường Còn
Nương Chổ Ngộ Mà Viên Tu
Chỉ Một Cái Khăn Mà Sáu Lần Cột Thì Thành Sáu Gút. Mở Hết Sáu Gút Một Cũng Không Còn
Gạn Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Phật Bảo Văn Thù So Sánh Chọn Căn Ưu Việt Nhất
So Sánh Sự Ưu Khuyết Của Sáu Trần, Năm Căn, Sáu Thức Và Bảy Đại

- CÁC TÔN GIÁO LỚN TRÊN THẾ GIỚI VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ.


- NIỀM TIN PHẬT GIÁO


-
VÀI NÉT VỀ NỘI TÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

(The explanation of the Surangama Sutra)

Ngày nay với sự tiến bộ của văn minh khoa học đã giúp con người có những cái nhìn tương đối rộng rãi và chính xác hơn đối với nhân sinh vũ trụ. Ngày xưa, khi Ngài Tam Tạng Trần Huyền Trang khổ công lặn núi trèo non, băng qua tuyết sơn giá buốt đến Ấn Độ để thỉnh kinh. Cuộc hành trình phải mất hai năm đi, hai năm về và 13 năm du học bắt đầu từ năm 629 mãi đến năm 645 Ngài mới về lại Trường An, Trung Quốc. Rời Đại Đường 17 năm, Ngài Huyền Trang đi trên năm vạn dặm đường, xuyên qua 128 quốc gia lớn nhỏ.

Khi đi chỉ một người một ngựa, nhưng ngày trở về cố quốc Ngài đã thỉnh về 150 Xá Lợi, hai tượng Phật gỗ đàn tô ngân cao 4 thước, ba tượng Phật bằng đàn hương cao trên 2, 3 thước và 657 bộ kinh chia làm 520 hiệp cùng một số bảo vật khác. Trong suốt thời gian du học, Ngài đã thăm viếng hầu hết các di tích của đạo Phật như vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Phật đản sanh), Bồ-đề đạo tràng (nơi Phật thành đạo), thành Câu thi na (nơi Phật nhập diệt) và rất nhiều tu viện lớn trải khắp Ấn Độ. Đặc biệt Ngài lưu lại sáu năm tại tu viện Na Lan Đà tu học và trở thành một trong ba người học trò giỏi nhất của cao tăng Giới Hiền. Tất cả những kinh điển của phái Đại thừa, Tiểu thừa, kinh Vệ đà ngay cả những sách thuốc… đều tập trung tại tu viện này. Từ ngày về lại Trung Hoa, Ngài Huyền Trang bắt tay ngay vào công việc phiên dịch.

Trong suốt 19 năm ròng rã, Ngài dịch được tất cả 75 bộ kinh, gần 1335 quyển từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Thể theo lời yêu cầu của vua Đường để phô trương cho người Ấn Độ biết những học thuyết của Trung Hoa, Ngài còn dịch bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử và bộ Đại Thừa khởi tín luận từ chữ Hán sang chữ Phạn. Và dĩ nhiên Ngài còn để lại cho đời một bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” gồm 12 quyển ghi lại đầy đủ rất chi tiết về lịch sử, địa lý, phọng tục, tập quán… của 128 quốc gia Ngài đã đi qua. Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, vì tuổi già sức yếu Ngài gác bút nghìn thu tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Trên đường hồi hương Ngài phải băng qua con sông Tín độ (Indus), một trong hai con sông lớn nhất của Ấn Độ. Khi đoàn người hộ tống kinh sách đến giữa dòng sông thì đột nhiên cuồng phong nổi sóng ba đào khiến thuyền bị chơi vơi làm rơi mất 50 bộ kinh. Biến cố nầy làm cho Ngài Huyền Trang ray rứt đau buồn khôn xiết vì Ngài quý kinh điển còn hơn cả mạng sống của mình. Giả sử ngày xưa Ngài Huyền Trang có cái “memory stick” chứa khoảng vài “Gigabyte” thì tất cả kinh điển có thể dung chứa trong cái memory nhỏ hơn ngón tay út nầy. Giả sử Ngài Huyền Trang có được chiếc máy “GPS” để dẫn đường thì cuộc hành trình qua Ấn Độ sẽ dễ dàng biết bao. Nhưng giả sử Ngài Huyền Trang có được những thứ nầy thì làm sao Phật giáo có được một bậc vĩ nhân đã tận tụy hy sinh cả đời mình cho Phật pháp, bất chấp mọi hiểm nguy. Một người chẳng những đã thông suốt tam tạng kinh điển mà còn cống hiến đời mình để thỉnh và dịch những bộ Đại Tạng Kinh lưu lại cho hậu thế đến hơi thở cuối cùng. Ngài là một tấm gương sáng chói cho hàng hậu học vì không có một thành công lớn nào trên thế gian mà không trải qua những thử thách khó khăn. Vì thế cổ nhân có dạy rằng:


“Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch”


Nghĩa là người cho chí lớn trước hết phải trải qua một phen khó khăn gian khổ, sau đó mới có thể đạt được sự dễ dàng.


Tu học kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng thế, đòi hỏi hành giả phải chuyên cần, bền chí dành nhiều thì giờ tư duy quán chiếu, thẩm xét tư lương đến khi nhân duyên đến, tức thì được ngộ. Do vậy cổ nhân cũng nhắn nhủ rằng:


“Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương?”


Nghĩa là:


Không trải qua mùa đông buốt giá,
Hoa mai sao nở được mùi thơm?


Nhưng tiếc thay chính Ngài Huyền Trang tuy đã lưu ngụ rất nhiều nơi và nhiều năm ở Ấn Độ mà cũng không hề hay biết lúc bấy giờ ở Ấn Độ còn có một bộ kinh rất quý giá khác là kinh Thủ Lăng Nghiêm.


Thử nghĩ một người đi trong biển khơi, sóng dồi gió dập, lênh đênh chập chùng, nếu không có tấm hải đồ hay kim chỉ Nam thì làm sao vượt qua bão tố trùng dương để quay thuyền về bến. Chúng ta ngày nay rất may mắn có được chiếc máy Navigation nên không còn lầm đường lạc nẻo, nhưng thử nghĩ lại trên con đường tu đạo chúng sinh có may mắn nắm trong tay cái máy GPS Phật pháp chăng? Vâng, chính kinh Thủ Lăng Nghiêm là chiếc máy GPS, là kim chỉ Nam để hướng dẫn người tu hành từng bước ngỏ hầu vượt qua bao thử thách chướng ma mà thành tựu trí tuệ Bồ-đề.


Bấy giờ tại núi Thiên Thai bên Trung Hoa có Trí Giả Đại Sư là người đã nghiêm trì kinh Pháp Hoa đến chỗ tột cùng. Một hôm Ngài đọc phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự trong kinh Pháp Hoa đến câu : “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai” nghĩa là có được tâm chân chính tinh tấn thì mới được gọi là pháp cúng dường Như Lai chân thật, Ngài liền nhập định, chứng Pháp Hoa Tam-muội và đạt được Nhất Triền đà-la-ni. Lúc đó Ngài vừa 49 tuổi. Sau khi Ngài xuất định, với trí tuệ siêu tuyệt, Ngài lập ra môn Tam Chỉ Tam Quán và từ đó tông Thiên Thai được vang danh cho đến ngày nay. Sau đó có một vị Pháp sư người Ấn Độ đến Trung Hoa vì nghe danh Ngài nên đến núi Thiên Thai để thăm. Sau khi nghe Trí Giả Đại Sư trình bày về môn Tam Chỉ Tam Quán, vị Pháp sư rất ngạc nhiên mà thốt rằng môn Tam Chỉ Tam Quán nầy cũng giống như kinh Thủ Lăng Nghiêm ở Ấn Độ. Tam Chỉ Tam Quán dùng “ý thức” để tu tâm, còn kinh Thủ Lăng Nghiêm dùng “Tánh của Căn” để tu. Thông thường, chỉ quán là do công phu luyện tập lâu ngày thuần thục mới có thể kết hợp được tâm và cảnh nhất như mà không lấy ngay tự tánh sẵn có làm định. Ngược lại, kinh Lăng Nghiêm dùng định viên mãn của tự tâm sẵn có làm “Nhất Thiết Sự Cứu Cánh Kiên Cố” nghĩa là sự bền chắc nhất trong tất cả mọi thứ tức là cứu cánh bậc nhất.

Vì thế lối tu “Tự tánh bổn định” này khác hẳn với lối tu tam chỉ tam quán của Ngài Trí Giả Đại sư. Một khi đã nắm được thể tánh chiếu diệu đó, hành giả liền khởi công tu luyện “vi mật quán chiếu” mà không cần lấy tư duy tu tập làm quán. Tại sao? Bởi vì cái định này vốn tự tánh sẵn có, thường hằng, không ngoài tự tánh bất động cùng làm một thể chơn định. Vì sự huyền diệu đó mà Trí Giả Đại Sư rất xúc động khi nghe có kinh Thủ Lăng Nghiêm đang lưu hành mà chính Ngài chưa từng hay biết nên Ngài khát vọng muốn có cơ hội để xem cho được bộ kinh nầy nên hằng ngày hai lần sớm chiều hướng về phương Tây (Ấn Độ) quỳ lạy cầu khẩn liên tiếp trong mười tám năm cho kinh Lăng Nghiêm được sớm truyền bá sang Trung Quốc. Nhưng duyên chưa đến nên Trí Giả Đại Sư viên tịch lúc Ngài 67 tuổi mà vẫn chưa hề thấy, đọc được kinh.


Tại sao Ấn Độ lại cấm kinh Lăng Nghiêm lưu truyền ra nước ngoài và luật pháp cấm Pháp sư Ấn độ không được dạy kinh nầy cho người ngoại quốc?

Bởi vì kinh quá quý báu nên Quốc vương Ấn Độ thông báo cho thần dân biết kinh Lăng Nghiêm là quốc bảo vì đó là bổn kinh do Bồ-tát Long Thọ mang từ long cung về nên nhà vua ra lệnh cấm lưu truyền kinh sang ngoại quốc. Khoảng 100 năm sau, trong thời đại của Võ Tắc Thiên hoàng đế, có Ngài Pháp sư Bất Lạt Mật Đế (Pramiti) người Trung Ấn Độ, vì thấy tầm quan trọng của kinh nên động lòng từ bi muốn đem kinh truyền sang nước khác để cứu độ chúng sinh, đặc biệt là Trung Hoa. Lần đầu Ngài sắp đặt cho thương nhân Trung Hoa mang đi bản sao của kinh, nhưng bị thuế quan ở biên giới giữ lại, không cho phép mang ra khỏi nước. Lần thứ hai, Ngài dấu kinh trong người nhưng cũng bị thuế quan bắt lại. Vì Ấn Độ thời bấy giờ triều đình rất kính trọng đạo Phật nên Ngài mới được tha tội.

Cuối cùng Ngài chép kinh bằng chữ rất nhỏ trên một tấm lụa cực mỏng, cuốn lại rồi phủ bên ngoài tấm lụa một lớp sáp. Ngài tự xẻ thịt nơi cánh tay mình nhét cuộn lụa vào trong đó, may vết thương lại rồi dùng thuốc đắp lên cho đến khi vết thương lành lặn. Khi vết mổ đã lành, Ngài lại lên đường sang Trung Hoa. Lần nầy, lính gác biên giới không chút nghi ngờ nên Ngài đi thoát. Ngài Bất Lạc Mật Đế dùng đường biển để đến Quảng Châu. Khi đến đất Nam Thuyên thì Ngài gặp cư sĩ Phòng Dung. Cư sĩ Phòng Dung lúc còn trẻ, làm đến chức Thừa tướng cho Hoàng đế Võ Tắc Thiên, nhưng vì phạm lỗi lầm nên bị thuyên chuyển đến làm quan ở đất Nam Thuyên nầy. Vì làm đại quan nên ông là bậc bác học uyên thâm và cũng là người rất hâm mộ Phật pháp.

Khi nghe Ngài Bất Lạc Mật Đế nói về kinh Lăng Nghiêm thì ông hết sức vui mừng, nhưng khi mở tấm lụa ra thì máu me bám lấy lâu ngày làm mất cả chữ nghĩa. May thay, phu nhân của ngài Phòng Dung đem cuốn lụa ấy nấu với một chất hóa học thì máu mủ đều theo nước mà tan đi và chỉ lưu lại các nét mực mà thôi. Ngài Bất Lạt Mật Đế vì đạo quên mình cũng đủ chứng minh sự quý báu của kinh Lăng Nghiêm và tâm Bồ-tát của Ngài làm cho chúng sinh trọn đời bái phục. Cũng xin nhắc lại, vào năm 64 trước tây lịch, vua Hán Minh Đế ở Trung Hoa một đêm nằm mộng thấy có “người vàng” trên đầu tỏa ánh hào quang. Khi nhà vua hội quần thần lại thì có người cho biết đó là hình ảnh Đức Phật bên Ấn Độ. Nhà vua bèn cho người sang tận Ấn Độ thỉnh. Lúc ấy có Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan chở kinh về Trung Hoa. Từ đó Trung Hoa mới bắt đầu có kinh Phật. Ở Ấn Độ kinh Phật được chép trên lá bối thành từng miếng rồi xâu lại thành một thiên tức gồm một ngàn miếng. Vì thế có người gọi kinh Phật là kinh là bối. Nhưng khi kinh được dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Trung Hoa thì được viết vào lụa trắng.


Ngài Bất Lạc Mật Đế dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm từ chữ Phạn sang chữ Hán theo khẩu dịch (văn nói) tại chùa Chế Chi tỉnh Quảng Châu vào ngày Tân Sửu, tháng Kỷ Mảo năm Ất Tỵ (705 Tây lịch) niên hiệu Thần Long thứ nhất và hoàn tất bản dịch năm Đinh Mùi (707 Tây lịch). Tuy Ngài Bất Lạc Mật Đế chủ trì công cuộc phiên dịch này, nhưng còn có hơn hai trăm Pháp sư đã tựu về để cùng nhau tiến hành công tác phiên dịch kinh Lăng Nghiêm. Triều đại nhà Đường của Võ Tắc Thiên Hoàng đế kéo dài từ năm 618 đến năm 907 Tây lịch. Năm Tân Sửu (701Tây lịch) Võ Tắc Thiên thoái vị, nhường ngôi cho Hoàng đế Trung Tông lấy niên hiệu là Thần Long nguyên niên.


Pháp sư cố gắng dịch kinh rất nhanh để phải trở về lại Ần Độ, đến thú tội với nhà vua và xin nhận bất kỳ mọi hình phạt nào trước khi viên quan giữ cửa ải có thể bị phạt vì để Ngài lén mang kinh ra nước ngoài. Trong khi đó ở tại Trung Hoa, sau khi dịch xong, cư sĩ Phòng Dung vào yết kiến triều đình thì vua Trung Tông mới lên kế vị và vì phải đương đầu với nhiều quốc sự nên nhà vua chưa rảnh để nhuận sắc. Đến khi Thiền sư Thần Tú được phong làm Quốc sư, rồi được cúng dường ở trong hoàng cung nên một hôm Thiền sư thấy được bộ kinh này bèn cho chép lại và ấn tống lưu hành ở phương Bắc. Sau khi được vua Trung Tông nhuận sắc, kinh Lăng Nghiêm được ấn hành tại chùa Độ Môn ở Kinh Châu và từ đó kinh mới được lưu truyền.


Khi nói về Thần Tú thì làm sao quên được bài kệ :


Thân thị Bồ-đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Dịch là :


Thân là cội Bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ để dính bụi trần.


Vì mỗi câu đều chấp vào sự tướng chứng tỏ tâm chưa ngộ được lý Không. Trong khi đó Ngài Huệ Năng dùng trí tuệ Bát nhã mà đối lại rằng :


Bồ-đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.


Nghĩa là :


Bồ-đề là sự giác ngộ thì làm sao là cây được.
Chơn tâm là chơn không vô hình vô tướng thì làm sao là cái đài gương.
Cái chơn tâm, bản lai diện mục này từ xưa đến nay đâu có hình tướng.
Nếu không có tướng trạng thì làm sao dính được bụi trần!


Tuy ít học nhưng tâm đã liễu ngộ chân lý nên Ngài Huệ Năng trở thành tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa. Sau khi Lục Tổ Huệ Năng rời Huỳnh Mai quay về phương Nam lánh nạn và sau này truyền bá Đông Sơn Pháp môn chỉ trong phạm vi thuộc vùng biên cương Trung Hoa và Việt Nam nên triều đình và phần lớn người Trung Quốc không hề biết đến Ngài. Chính trong thời gian này, Thiền sư Thần Tú đang được trọng vọng ở triều đình và được vua Trung Tông sắc phong làm quốc sư vì thế mọi người đều nghĩ rằng Thần Tú chính là người thừa kế tâm ấn của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Mãi về sau có Ngài Thần Hội là đệ tử của Lục Tổ sau khi thọ giáo với Huệ Năng đã đem những sở đắc của mình, bằng cách dùng trí tuệ Bát nhã, quét sạch hệ phái Lăng Già của Thần Tú để khôi phục danh vị lại cho Lục Tổ Huệ Năng. Thần Hội dùng phương pháp Đốn giáo (giác ngộ nhanh theo pháp tu trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật) mà đánh tan Tiệm giáo (tu từ từ) của Thần Tú do Phổ Tịch đệ tử của Thần Tú phát huy vì lúc đó cả Lục Tổ và Thần Tú đều đã viên tịch. Những lời thuyết pháp của Thần Hội mạnh như vũ bão đã quét sạch những tông phái Thiền lúc bấy giờ và phục hồi ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng.


Phụ tá cho Ngài Bất Lạt Mật Đế trong việc phiên dịch kinh cũng là một pháp sư lỗi lạc người Ấn Độ có nhiệm vụ đọc lại bản dịch, chú ý đặc biệt đến sự diễn đạt văn nghĩa, câu cú và cách dùng những thành ngữ tiếng Hán. Đó là pháp sư Di-Già Thích-Ca (Meghasikhara). Ngài Di-Già Thích-Ca là người Ô-trành (Udyana) phía Bắc Ấn Độ mà ngày xưa là vườn hoa của vua A-dục (Asoka).


Cư sĩ Phòng Dung là một Phật tử tại gia đã thọ trì mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của Bồ-tát. Ông là một người có tài văn chương và kiến thức rất uyên bác cho nên chính việc nhuận sắc của ông đã làm cho kinh Lăng Nghiêm có giá trị rất đặc sắc cho nên kinh Lăng Nghiêm chẳng những nghĩa lý rất hay mà văn chương còn tuyệt diệu. Từ xưa các học giả, không nhất thiết là trong đạo Phật, mà cả đạo Khổng Mạnh, mỗi khi xem đến kinh Lăng Nghiêm đều kính phục và vô cùng khen ngợi cái nghĩa lý cao siêu và văn chương tuyệt diệu của kinh. Có thể nói kinh Lăng Nghiêm là một tác phẩm hoàn hảo nhất bằng tiếng Hán ngay cả người Trung Hoa khi đọc cũng khó mà lãnh hội hết ý kinh.


Tuy hai Pháp sư Bất Lạt Mật Đế và Di-Già Thích-Ca đều là người Ấn Độ và rất thông thạo tiếng Phạn (Sanskrit) cũng như tiếng Hán, nhưng vì sợ rằng mình không thông hiểu được tiếng Trung Hoa hoàn hảo cho lắm nên họ cho mời một vị Pháp sư người Trung Hoa chứng minh cho bài dịch. Đó là Pháp sư Hoài Địch. Ngài Hoài Địch lúc bấy giờ đang làm trụ trì chùa Nam Lâu trên ngọn núi La Phù là ngọn núi nổi tiếng ở tỉnh Quảng Đông. Ngoài tinh thông giáo nghĩa kinh tạng, Ngài Hoài Địch còn thông thạo cả tiếng Phạn nên được mời chứng minh cho sự phiên dịch chính xác của bản dịch.


Kinh Thủ Lăng Nghiêm là tâm ẩn bí mật đại tổng trì môn của chư Phật Như Lai, bao gồm toàn bộ hệ thống giáo lý nhân quả, mê ngộ, chơn vọng, phàm thánh của tất cả đại tạng. Kinh soi chiếu rõ ràng giúp chúng sinh thấy sự sai khác của chánh tà trong quá trình tu chứng và tình trạng điên đảo của luân hồi cũng như thấu triệt cả nguồn nhất tâm, bao gồm cả vạn pháp một cách rộng lớn và đầy đủ. Sau khi Đức Phật nhập diệt, kinh điển Phật giáo được chia làm ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Nếu đứng về phương diện Tam vô lậu học “Giới, Định, Tuệ” thì Kinh tạng thuộc về Định học, Luật tạng thuộc về Giới học và Luận tạng thuộc về Tuệ học. Thế thì kinh Lăng Nghiêm chủ yếu dạy chúng sinh làm thế nào để tu thiền định tuy trong kinh cũng có đề cập đến Giới và Tuệ, nhưng không nhiều lắm. Do vậy, có thể nói rằng kinh Lăng Nghiêm lấy Định học làm gốc cho nên kinh thuộc về Kinh tạng. Vì thế nội dung của kinh vẫn không ngoài tôn chỉ “thị tánh định, khuyến thực chứng”.


Kinh Lăng Nghiêm có thể giáo hóa, khiến cho “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí” nghĩa là tất cả loài hữu tình và vô tình đều có thể viên thành Phật đạo. Nhưng chủ yếu của kinh vẫn là nhắm vào thành phần Thanh Văn, Duyên giác, hàng hữu học và đặc biệt là hàng định tánh Thanh văn tức là những vị A la hán không muốn “hồi tiểu hướng đại” nghĩa là họ chỉ muốn an hưởng quả vị A la hán mà không chịu tiến tu chuyển sang đại thừa để hoàn thành Phật quả. Nhưng nếu nói rộng ra thì tất cả chúng sinh trong tam giới đều có thể lãnh hội kinh Lăng Nghiêm mà chứng nhập Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Vì vậy kinh Lăng Nghiêm có thể nói là “vô cơ bất dị, vô nhân bất độ” nghĩa là không căn cơ nào không được gia bị và không người nào không được cứu độ.

Sau khi Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài nói trong thiền định trong 21 ngày về giáo lý tối thượng Đại thừa (Hoa Nghiêm) để đưa các vị Bồ-tát lên quả vị Diệu Giác tức là thành Phật. Đức Phật thị hiện giáo hóa chúng sinh, chuyển bánh xe pháp cũng không ngoài mục đích muốn chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến tức là thể nghiệm và sống được với chơn tâm của mình. Vì thế Phật mới dạy rằng: ”Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật” nghĩa là trong tất cả chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Nhưng nếu chúng sinh đều có Phật tánh thì tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa thành Phật? Cũng chỉ vì tâm của chúng sinh chất đầy vọng tưởng, chấp trước. Vậy chúng ta chấp cái gì? Chấp “cái ta” tức là bản ngã và cái “của ta” tức là ngã sở hữu cho nên không buông bỏ được những hưởng thụ vật chất trong thế gian. Con người luôn níu kéo, nắm bắt mãi, càng có thì càng chấp trước thêm và ham thích hưởng thụ nên chưa thể thành Phật.

Cho nên Đức Phật mới dạy rằng : “Do vọng tưởng và chấp trước mà tất cả chúng sinh không thể chứng đắc, không thể thành Phật”. Cũng vì tâm chúng sinh chất đầy phiền não vô minh, lấy khổ làm vui, chạy theo tham đắm dục tình cho nên Đức Phật tạm thời trên hội A Hàm chỉ nói về giáo nghĩa thập thiện giúp cho họ thấy con đường sáng mà khỏi bị đọa vào tam ác đạo. Ngài nói các pháp Vô thường, Khổ, Không, Vô Ngã, chân lý Tứ Diệu Đế và thuyết Thập Nhị Nhân duyên để giúp chúng sinh tạm thời ra khỏi tam giới, xa lìa sinh tử và chứng đắc Niết bàn. Nhưng Niết bàn mà họ chứng được chỉ là hóa thành tức là tạm nghĩ chớ chưa phải là bảo sở tức là hoàn toàn, chân thật và an định mãi mãi bởi vì hàng Tiểu thừa không đạt được đạo lý Duy Thức.

Sau đó Phật mới nói kinh Giải Thâm Mật để khai triển tám thức (Lục thức, Mạt na thức và A lại da thức). Kinh nầy giúp con người  thấy rõ vọng tướng đều từ duy thức sở biến, nhưng sau cùng cũng trở về với thật tướng là không tướng tức là tướng không. Kế đến Phật nói thời Bát Nhã để giới thiệu “chân không huyển có” nghĩa là “không” là cái không của chân không diệu tánh, là cội nguồn phát sinh ra thế giới hữu vi. Còn “huyển” nghĩa là cái có tạm bợ, không bền chắc của luật vô thường. Chân không này hoàn toàn khác với cái không của Tiểu thừa là cái không đối với cái có của thế giới hữu vi. Sau cùng đến thời Pháp Hoa, Phật dạy rằng: “Phật vi nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế” nghĩa là Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Nhưng Phật muốn nói nhân duyên gì? Đó là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến” và quy tam thừa thành nhất thừa Phật giáo.


Đức Phật Thích Ca trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp tế độ chúng sinh. Ngài thuyết trên ba trăm hội và nói trên mười hai bộ đại tạng kinh, nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm được Phật thuyết giảng vào thời kỳ Phương Đẳng (phương là phương tiện rộng khắp và đẳng là bình đẳng) và lúc đó Đức Phật vừa được 62 tuổi. Giáo pháp của Phật thì vô biên vô lượng, nhưng tựu trung có thể chia làm hai phần: bình đẳng là pháp “thật” và pháp môn phương tiện là pháp “quyền”. Pháp “thật’ là chân thật và không bao giờ biến đổi. Còn pháp “quyền” thì không thật, chỉ là phương tiện tạm thời, là những thí dụ cụ thể dùng để xiển dương chân lý. Vì Phật khéo léo dùng những thí dụ, những phương tiện để phô bày những gì ẩn dụ bên trong mà ngôn ngữ con người không thể nào diễn tả được. Có một thí dụ về pháp “quyền” như sau :


Một hôm Đức Phật thấy một đứa bé đang chập chững đi về hướng một cái giếng và chỉ còn một chút xíu nữa là nó rơi xuống nước. Đức Phật biết nếu Ngài gọi đứa bé quay trở lại chưa chắc nó đã nghe lời, mà vẫn cứ đi. Do đó thay vì nói thật thì không có kết quả, Ngài bây giờ nói quyền rằng: “Trong tay Như Lai có cây kẹo, hãy quay lại đây ngay Như Lai sẽ cho con cây kẹo ấy”. Khi đứa bé nghe nói được cho kẹo để ăn, liền quay trở lại. Thật ra Như Lai chả có cái gì trong tay cả. Thế thì Đức Phật có nói dối chăng? Như Lai có đánh lừa đứa bé không? Dĩ nhiên là “không” bởi vì nếu Đức Phật không dùng cây kẹo để khuyến dụ đứa bé làm cho nó quay trở lại thì chắc chắn nó sẽ bị rơi xuống giếng và chết đuối ngay. Do đó đứa bé đến với Đức Phật ban đầu chỉ là cây kẹo, nhưng sau đó mới biết được sự lợi ích của lời nói Như Lai. Đây chính là huyền nghĩa của kinh điển Đại thừa, nhưng nếu người đệ tử Phật không thông hiểu thấu suốt mà cho quyền là thật, chấp phương tiện là cứu cánh thì chẳng những không có được giải thoát giác ngộ mà còn lún sâu vào mê tín tà kiến biến cuộc sống thành ảo tưởng hoang đường.


Rất nhiều kinh điển được Phật dùng pháp “quyền” để giáo hóa chúng sinh mà kinh Duy Ma Cật bất khả tư nghì là một điển hình vậy. Quyền là chẳng có gì thật cả, nhưng Đức Phật lại khéo léo dùng những thí dụ làm phương tiện thiện xảo để xiển dương được giáo lý của Ngài. Đức Phật dạy rằng : “Như Lai có một kho báu, hãy đến đây, Như Lai sẽ cho quý vị một viên ngọc minh châu vô giá và các thứ trân châu khác…”. Vì chúng sinh còn nhiều tâm tham nên họ liền đến với Như Lai để được món lợi, vì thế Như Lai mới có cơ hội giáo hóa họ được. Khi đã thấu hiểu huyền nghĩa của giáo pháp Như Lai, chúng sinh sẽ không còn quan trọng hay quan tâm đến viên ngọc minh châu vô giá đó nữa vì chúng sinh vốn đã có viên ngọc đó trong họ rồi. Đó là quyền, là phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh.


Kinh Thủ Lăng Nghiêm vừa có pháp bình đẳng (pháp thật) và vừa bao gồm pháp phương tiện (pháp quyền) nên chúng sinh tu theo kinh nầy sẽ thoát ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau, có được sự an vui tự tại và thể nghiệm được chơn tâm, Phật tánh thanh tịnh của chính mình và cuối cùng đạt tới tuệ giác giải thoát.


Vì thế mà chư Tổ ngày xưa đã nói rằng : “Thành Phật tu Pháp Hoa, Tuệ giác tu Lăng Nghiêm” là vậy. Bởi vì kinh Pháp Hoa xác định là tất cả chúng sinh đều có Phật tánh như nhau nên ai ai cũng đều có khả năng tu chứng Pháp Hoa Tam Muội mà thành Phật. Còn tu theo Lăng Nghiêm là chứng đắc được tuệ giác để phá tất cả những vô minh phiền não trần lao mà trở về sống với Chơn Tâm thường có và Thể Tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn có trong tất cả chúng sinh. Kinh xác định rõ rằng còn phiền não khách trần là còn sống trong điên đảo khổ đau, lau sạch phiền não khách trần là sống với Chơn Tâm thường có và Thể Tánh thanh tịnh sáng suốt của mình tức là có được giải thoát giác ngộ.


Chẳng những kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh hay nhất, quý nhất và là kim chỉ Nam cho kẻ tu hành, mà kinh còn là chướng ngại lớn nhất cho bọn tà đạo, ma vương. Trong kinh Pháp Diệt Tận xác định rõ ràng rằng : “Vào thời mạt pháp kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị hoại diệt trước hết, sau đó, các kinh khác dần dần biến mất”.


Tại sao kinh Thủ Lăng Nghiêm bị hủy diệt trước nhất? Bởi vì kinh diễn tả rất chính xác, chẳng những đúng với chánh pháp mà lại rất phù hợp với đạo lý làm cho bọn tà giáo, ngoại đạo, yêu ma quỷ quái bị lộ nguyên hình ma quái, khó mà lừa gạt phỉnh phờ thế nhân. Chú Lăng Nghiêm có công năng phá tà hiển chánh giúp chúng sinh dũng mãnh tiến bước theo con đường quang minh chánh đại. Nhưng tại sao bọn ma quái lại sợ kinh Lăng Nghiêm? Bởi vì kinh đề cập đến Bốn điều răn dạy về sự thanh tịnh và năm mươi thứ ấm ma làm cho bọn ma quái lộ nguyên hình cũng như đem tấm kính chiếu yêu soi vào mặt họ. Kinh Lăng Nghiêm sẽ lột bày tất cả bản chất yêu quái, những điều sai trái của thiên ma ngoại đạo. Vì thế ngày nào kinh còn lưu hành thì ngày đó chánh pháp còn ở thế gian.


Cũng trong kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật dạy rằng : “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Đây chính là trùng trong thân sư tử lại ăn thịt sư tử. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt; giết hại sinh vật tham đắm mùi vị; không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau”.


Do đó muốn cho Phật pháp được mãi mãi lưu truyền, người đệ tử Phật có bổn phận xiển dương kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng cách giới thiệu, truyền bá và tu học ngỏ hầu thể nghiệm được tinh hoa giáo nghĩa của kinh để sống với Chơn tâm thường trú và Thể Tánh tịnh minh của mình mà đạt đến cứu cánh tột đỉnh là giải thoát giác ngộ, đưa con người từ phàm phu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

|